Địa vị văn hóa Ấn-độ trong tư tưởng Tây phương hiện đại

Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Chúng ta đang ở vào giai đoạn kiến thiết cho dân tộc một nền văn hóa mới. Vậy cần thiết phải kiểm điểm lại nền tảng của ngôi nhà quốc học tương lai: nền có vững nhà mới trông cao và bền bỉ được.

Nền móng văn hóa Việt Nam đã được vị trí địa dư và hoàn cảnh lịch sử tóm vào trong ba tiếng Ấn-Độ China Tây (Indochine française). Chữ Française hiện nay không còn nghĩa về chính trị nhưng về văn hóa nó đại diện cho văn hóa Thái tây và vẫn giữ địa vị ưu thế gần như độc hữu (exclusif) trong chương trình giáo dục. Và hai nền văn hóa kia thì Trung Hoa hầu tàn còn Ấn Độ chưa có gì. Vậy mà văn hóa một nước không thể cưỡng lại những điều kiện địa lý và lịch sử, Ấn độ China Tây phải là ba giường cột cho văn hóa nước nhà: đó là ba chân, thiếu đi một, cái kiềng quốc học của ta sẽ nghiêng đổ.

Nói đến Ấn Độ thường ta liên tưởng ngay tới cái gì âm u xa lạ làm bằng huyền bí, dị đoan kỳ cục, chướng mắt; tự nhiên ta không muốn ở lâu lại đó hay ta nghĩ rằng ta không tìm được cái gì phải học ở đó.

Nhưng ấy là cảm tưởng sơ thủy. Nếu vượt qua bước đầu này, ta sẽ gặp được những giá trị đáng chú ý. Bằng chứng cụ thể là thái độ đón nhận của Tây Âu đối với văn hóa Ấn Độ. Từ ngày Âu Châu phát minh ra được khoa học cơ khí thì uy tín tràn ngập, nhiều dân trong đó người Việt đứng hàng đầu, chỉ biết có có ông thầy Tây. Không những trong phạm vi khoa học cơ khí mà trong hết mọi phạm vi, chỉ có ông nói ông làm mới đáng nghe. Thể theo trào lưu đó, tôi xin kể qua thái độ của Tây Âu đối với văn hóa Ấn trong vài thế kỷ nay, sau đó thử rút ra một đường lối để theo.

Ấn độ với ta gần mà hóa xa. Xa lạ đến nỗi những tên tác giả hay tác phẩm trứ danh đối với hầu hết chúng ta chưa nghe tới. Vấn đề trở nên khô khan. Nhưng thiết tưởng đó là điều quan trọng, đáng cho những ai âu lo về tiền đồ văn hóa nước nhà lưu tâm. Vì thế tôi đánh bạo đem ra mong quý vị lượng thứ.

Ấn-Độ tuy gần Âu-Châu thế mà trước kia hai bên vẫn không biết nhau. Sau thời chinh phục của Alexandre đại đế là bị cắt đứt. Hồi giáo trở nên bức tường chắn hai khu vực để không còn sự giao thông nào nữa.

Mãi cho tới thế kỷ 15, 16 nhờ đường hàng hải Âu-Ấn mới nối lại mối liên lạc. Ban đầu người Âu chỉ biết Ấn-độ là xứ có nhiều kim cương và đồ gia vị. Rồi kế tới giai đoạn biết Ấn như một đất có thể trở thành thuộc địa. Còn về văn hóa chỉ biết rất hời hợt sơ sài, do những nhà du lịch hay truyền giáo nhất là từ khi gặp gỡ thì Âu Châu đã bắt đầu tiến bộ về then máy, óc tự kiêu mặc cảm gia tăng và không tin có thể tìm được giá trị nào ở những dân mà họ cho là bán khai, nếu không man rợ. Quyển Centenaire có ghi: « Trước thế kỷ 18 không ai tin rằng Ấn Độ có một nền minh triết » (tr. 222). Vì thế ảnh hưởng văn hóa không có gì, hay nếu có một vài chi tiết chẳng qua là vài nét trang hoàng cho có vẻ xa xôi (exotif). Chẳng hạn trong Paradisperdu khi Adong và Eva thấy mình trần truồng thì lấy lá che thân, thường các nghệ sĩ dùng một lá nho mà mỏng, nay nhờ liên lạc với Ấn ông Milton (1774) cho bà Eva một là đa: đã to lại giầy! Tính thích những vẻ xa lạ đó sau này còn nối tiếp ở những người như Théophile Gauthier hoặc Mallarmé trong tập Les contes indiens hoặc Baudelaire buộc mình phải cắm mũi vào những lọc bình của Nhật và vân vân chỉ khoản… 

Bước đầu tiên đi sâu vào tinh thần là năm 1771 khi nhà học giả Aquetil Duperon dịch từ tiếng Persan sang tiếng Pháp và La tinh 40 Upanishads. Lúc đầu ông sang Ấn với mục đích học tại chỗ để chứng minh rằng văn hóa La-Hy cao hơn các văn hóa khác, nhưng khi đi sâu vào ông đổi ý tưởng và có để lại một câu lúc ấy thật bạo, nhưng nay ai cũng công nhận là sáng suốt và công bằng rằng: « chúng ta hãy học hiểu người Ấn như chúng ta đã học về người La-Hy. Khi chúng ta hiểu họ hẳn hoi rồi, nếu chúng ta còn cho mình giá trị hơn họ thì lúc đó ta mới được phép chỉ trích đường lối họ mà cũng phải nói cách khiêm tốn, không chua chát, không chế nhạo  ». (Renais, 174).

1780 là thời quyết liệt ông William Jones cùng một số công chức cao cấp người Anh lập ra hội nghiên cứu văn hóa Á – Châu ở Calcutta và bắt đầu học tiếng Sanskrit là tiếng đã viết thánh sách thánh của Ấn Độ. Bước được đợt quan trọng đó là nhờ có toàn quyền Warren Hastings vì có cảm tình với dân Ấn, nên được các sư đạo Balamôn tín nhiệm và chịu dạy tiếng Sanskrit cho người Âu, hơn thế nữa cho họ biết cả sách thánh là sách thường không thông cho người ngoài. Nhờ thế mà ông W. Jones có thể dịch thẳng tự Sanskrit sang tiếng Anh bản kịch Sakuntala của đại thi hào Ấn Kalidasa, bản kịch đã làm say mê cả một thế hệ văn sĩ Tây Âu nhất là Đức. Văn hào Schiller thán phục hết lời, ông có viết: « suốt trong cổ thời Hy Lạp đã không sản xuất được cái gì có thể đặt ngang hàng được với nhân vật đẹp đẽ như Sakuntala  » (Ren. 513).

1784 ông Charles Wilkins dịch Bhagavad Gita ra tiếng Anh và hai năm sau Linh mục Parraud dịch sang tiếng Pháp. Đó là chấn động mạnh mẽ nhất khiến  Châu sững sờ. Các học giả cũng như triết gia đồng thanh cho là một đỉnh cao nhất trong loại thi ca triết lý siêu hình. Cũng ông Charles Wilikins đã dịch sang tiếng Anh quyển Hitopadesa là một dịch bản (version) của quyển Pançatantra (năm quyển) là một sách thu thập truyện cổ Ấn Độ dùng truyện vui mà dậy minh triết. Đấy là bộ truyện mà học giả Renou cho là nhiều người đọc nhất sau Bible. Người ta nhận ra được hơn hai trăm bản dịch trong 62 thứ tiếng và đã ngấm ngầm gây một ảnh hưởng lớn lao; những người lưu danh hậu thế vì tài kể truyện như Reineke Fuchs, Grimm, Anderson, La Fontaine hay những Fabliaux đều có vay mược ở Pançatantra mà không hay biết (Renou. Littérat. P.35).

1827 ông Horace haymann Wilson dịch một số tuồng mẫu của Ấn (Selects pecimens of the Theatre of the Hindous) đã làm cho lớp văn sĩ thời lãng mạn như Lamartine, Michelet hết lời ca ngợi.

1850 ông tìm ra được và dịch Rig Veda, đó là một biến cố quan trọng trong việc sưu tầm. Bản dịch của ông được dùng cùng khắp cho tới thời Max Muller sau này mới thôi.

Nhờ được những bản dịch các sách quan trọng ở trên mà văn hóa nước Anh được vẻ vang, vượt hẳn được nước Pháp. Ông W. Jones có nhấn mạnh: cả một Anquetil một Dupleix, hay Sonnerat triều đình Versailles gửi sang Ấn Độ 7 năm trường cũng không tìm được Veda!

1784 thành lập société asiatique ở Bengale và từ năm 1788 liên tục xuất bản Asiatic researches, trong đó có dịch hai bản anh hùng ca của Ấn là Ramayana và MahaBharata, dĩ nhiên có gồm Bhagavat Gita của Wilkins. Ông W.Jones kết luận cách thích đáng rằng: nếu muốn có ý niệm xác đáng về tôn giáo và văn chương Ấn-độ cần thiết ta phải quên đi những điều người ta đã viết về Ấn cho tới nay, dù cổ hay kim trước khi biết Bhagavad Gita (R.49). Điều khám phá lớn của ông là tìm ra họ hàng giữa tiếng Sanskrit một bên và Grec latinh một bên, sau khi so sánh ông cho rằng: « không hiểu tiếng Sanskrit có tự bao giờ, nhưng cách kết cấu lạ lùng trọn vẹn hơn tiếng Grec, giàu hơn tiếng La tinh, và được tinh dòng (épuré) một cách lạ hơn cả hai » (R.19). Nhân tiện tôi xin nói ngay đó là ý kiến chung của các học giả: ông Senart chẳng hạn cho Sanskrit là một tiếng rất giàu phương tiện và uyển chuyển theo các nhu cầu, và là khí cụ toàn vẹn nhất loài người đã sáng tạo ra để giải bày tư tưởng bằng lời nói.

… « Sanskrit, langue savant, immutable dans sa phonétique et dans ses procédés, mais susceptible de développer ces derniers et de se plier à tous les besoins, le plus parfait sans coute des intruments que l’homme ait créés por exprimer des idées avec des mots » (Centenaire p.244).

Bhagavad Gita, Hitopadesa, Sakuntala và sau cùng này (1792) bản dịch tiếng Đức Gita Govinda (thơ trữ tình huyền nhiệm). Đó là bốn nhan đề có thể là bốn tiếng sét lớn đánh vào ý thức Âu châu (R.143). Khiến họ bắt đầu nói đến phép lạ Ấn như thời Phục Hưng đã nói về phép lạ Hi-lạp. Bốn nhan đề trên tỏ ra một sự lựa chọn rất sáng suốt, nó đã giới thiệu với Âu châu những hình thức đặc biệt của thiên tài Ấn : Anh hùng ca vĩ đại ; triết lý sâu thẳm ; một nền học kinh điển đầy duyên sắc với bầu luân lý trong sạch. Nó gây nên một hiện tượng sâu sa trong tư tưởng Âu châu và gây nên một cuộc cách mệnh kiểu Copernic cho nhiều người như Schopenhauer chẳng hạn (R.513).

Riêng về nước Anh sau những bước tiến vẻ vang trên, đã bị nhà cầm quyền đạo đời chặn đứng lại ; họ tưởng rằng muốn duy trì được những xứ thuộc địa thì cần phải đề cao nòi giống và tôn giáo của họ, vì thế họ huy động một trào lưu lo âu trong cả nước (R.55).

Toàn quyền Macaulay đẩy tiếng Sanskrit xuống hàng rốt. Năm 1835 bãi tiếng Persan để thay tiếng Anh vào trong việc cai trị và trong cách giáo dục thì ông cho rằng chỉ một ngăn (rayon) sách mới của Anh còn giá trị hơn mọi thư viện Đông phương họp lại (prestge de l’Inde-110). Những văn sĩ như kiểu Kipling trong tác phẩm Kim của ông chẳng hạn, chàng Kim là một trai người Âu theo một nhà tu huyền bí Lama. Kim nói trắng ra về thầy là điên « il est fou, archifou, rien de plus ! » Tuy đến cuối truyện tâm hồnKim như đứa bé thấy có cái gì huyền bí, nhưng chàng vẫn duy lý, và vẫn cho hành vi của thầy là một sự bịp bợm. Nhiều tác giả khác cũng thế, họ vận động ùa theo chính quyền. Kết quả là hội Nghiên cứu Á châu bị đóng cửa, các sách đã in dở bị chở về bên Anh như mớ giấy lộn. Vì thế mà ngành học hỏi về Đông phương của Anh xuống dốc, sau này khi họ nhận ra thì Pháp, Đức đã tiến xa hơn, họ phải vội vàng mời giáo sư ngoại quốc, nhất là Đức trong số đó có học giả trứ danh ông Max Muller giáo sư Sanskrit dạy tại đại học Oxford cho tới 1900.

Trào lưu nghiên cứu văn hóa Ấn bị ngáng trở bên Anh thì lại thịnh lên bên Pháp. Năm 1814 bắt đầu thiết lập việc dạy Sanskrit tại Collège de France giao cho Sylvestre de Sacy đảm nhận. Ông này tuyên bố : Chính phủ Pháp không nhằm mục đích chính trị hay tôn giáo nào trong khi thiết lập dạy Sanskrit và văn hóa Ấn độ. Ông Schwabt chú thích đó là câu nói mát gửi cho nước Anh, vì Anh đã trục xuất Pháp ra khỏi Ấn độ. Do truyện không may về chính trị Pháp mới có thể đem vào việc học hỏi một tấm lòng nhiệt thành trong sạch không vương ẩn ý chính trị bên trong (R.51) nhờ bầu khí tiếp đón đó mà Paris lấn át được Londres để trong một lúc trở nên trung tâm tập hợp các học giả Âu châu nhất là Đức. Trong số đó chỉ xin nhắc qua vài tên tuổi như ông Bopp đã lưu danh vì quyển Grammaire comparée hay ông Schegel sốt sắng làm trung gian giữa nhóm chuyên môn bé nhỏ và đại chúng trí thức. Cũng vì thế mà năm 1821 khi học giả Hodgson cũng là công sứ Anh tại Népal, sau 25 năm chuyên cần học hỏi đã sưu tầm được hơn bốn trăm bản kinh Tam Tạng bằng Sanskrit đã được giữ gìn vì một trường hợp đặc biệt (Rencontre 139) gửi về viện học Paris. Nhờ những tài liệu quí giá đó mà học giả Burnouff (1852) viết nên được quyển Lotus de la bonne Loi (Diệu pháp liên hoa kinh).

1852 lập ra hội Société Asiatique, ông Renou nói « thật là lạ khi số đông văn hào bật nhất bị thu hút về hướng Ấn độ xưa. Phía thi sĩ như Vigny, Victor Hugo, nhất là Lamartine. Trong sử gia thì có Michelet và Quinet, các tác giả khoa học như Cuvier, Ampère… (Renou 166).

Nhưng Pháp không đủ số học giả dẫn đạo (R. 54) lại thêm văn hóa Latinh ít tính chất tiếp nhận (R. nhắc hai lần 140) nên công việc nền tảng hơn hết thì do bác học Đức đã hoàn thành trong những đại học trên đất Đức. Năm 1833 Jean Reynaud (Pháp) rầu rĩ xác nhận rằng học trò bên Đức đã buộc phải học Sanskrit mà bên Pháp vẫn còn trì trệ mãi ở Latinh Grec (R.140).

1784 là một niên kỷ quan hệ trong văn học Đông phương ; năm mà nhà bác học trứ danh Herder cho ra bộ Idées sur la philosophie de l’histoire căn cứ trên những tài liệu đích đáng của hội nghiên cứu Á Châu ở Bengale, đánh mờ hẳn ngôi sao Pháp trong bầu trời văn minh ; cũng chính là năm mà ông Rivarol viết xong quyển Discours sur l’universalité de langue française để nói với hàn lâm Berlin rằng đã tới lúc phải tuyên dương « một thế giới pháp » (un monde française) ví như thế giới La-mã xưa ! (R.60).

Số người yêu văn hóa Ấn tăng lên gấp bội. Gita Govinda được dịch toàn bộ cùng với Bhagavad Gita đã gây nên một luồng cảm hứng lạ lùng trong những nhóm văn sĩ. Guillaume de Humboldt (1825) không ngớt cảm ơn Thiên Chúa cho ông sống lâu kịp được đọc Bhagavad Gita.

Các thi sĩ lãng mạn ca ngợi vì được ra khỏi ổ chuột chù Âu châu (taupinìere-R.68) để được băng mình vào một Á châu vô biên và co giãn ! « Cảm kích sâu xa nhất là các triết gia từ Kant dẫn tới Schopenhauer và Hartmann đi qua Hegel và Schelling » (Renou 116). Có những người vì quá thán phục cho rằng chữ Latinh không xứng đáng để in văn hóa xứ Ấn độ. Nhiều người bình tĩnh hơn nhưng không kém như Goethe chẳng hạn (R.64) ông rất thán phục văn hóa Ấn và đã dự tính đem Sakuntala lên sân khấu Đức, nhưng sau ông bỏ dự tính đó : người ta không rõ tại đâu, có phải tính tự nhiên ông không nuốt trôi được nổi những thần nhiều đầu, nhiều tay, hay vì thấy trong những người ái mộ Ấn như Shegel có ngầm ý truyền đạo chăng, dẫu sao ông vẫn quí chuộng và có để lại một câu bình luận Sakuntala rất hay xin trích bản dịch Pháp ra đây : « Veux tu les fleurs du printemps et les fruits de l’automne ! Veux tu ce qui séduit et ce qui charme, ce qui nourrit et ce qui rassasie ! Veux-tu exprimer le ciel et la terre par un seul mot. Je dis Sakuntala et j’ai tout dis ».

Chính ông lấy hứng ở Sakuntal để viết giáo đầu Faust. Cũng xin nhắc một lời về Nietzsche ông vẫn thán phục văn hóa Ấn nhất là luật Manu do học giả Colebrooke dịch ra. Người ta nhận thấy ảnh hưởng thuyết luân hồi trong Eternel Retour của ông. Tolstoi đã chịu ảnh hưởng Phật sâu đậm, sau này tỏ rõ ra trong thuyết bất bạo động Ahimsa của ông là thuyết gây ảnh hưởng quyết liệt ở Gandhi khi còn là một sinh viên bật rễ. Bên tiếng Anh có những người viết cảo luận như Carlyle hay Emerson. Với ông này Bhagavad Gita là sách hay nhất trên đời (R. 217).

Không thể không nhắc tới cách riêng triết gia Schopenhauer (1788-1860) suốt 40 năm trời tiếng ông trùm át cả Âu châu ; tinh thần ảnh hưởng ông đột nhiên lay động tất cả (R.450).

1829 ở Collège de Françe, Victor Cousin đã nói về triết Ấn, kết quả vang lừng. Augustin Thierry có kỷ niệm hầu như truyền thuyết presque fabuleux những bài giảng của ông đã ghi bằng tốc ký và truyền bá khắp nước Pháp do những học trò cuồng nhiệt (R.104).

Sở dĩ văn hóa Ấn được tràn lan mau chóng như thế là nhờ bầu kí thuận lợi bên Âu tức trào lưu lãng mạn trong thơ và khuynh hướng duy lý và phiếm thần trong triết học. Và sự tiến triển vẫn liên tục sau những mò mẫm buổi đầu, cũng như sau những nồng nhiệt quá đáng khi mới khám phá ra, từ năm 1860 (Renou 117) có những hình thức điều độ hơn.

1870 nhà học giả Max Muller lập ra tủ sách thánh Đông phương (sacred books of the East) đặt trên nền tảng khoa học vững vàng, và nhờ đó ai cũng có thể đọc trực tiếp chính văn.

1875 tủ sách Đông phương được đưa vào Collection des chefs d’œuvre de l’Esprit humain.

1893 Đại sư Vivekananda du thuyết qua Mỹ châu trong một loạt 12 bài diễn văn trong đại hội các tôn giáo, ông đã thu được kết quả quan trọng ; lập ra những truyền bá triết lý Vedanta, nhiều người cảm phục hiến thân làm đồ đệ ông, từ bỏ Mỹ châu, Âu châu theo sang Ấn phục vụ dân Ấn. Những chuyện này được nhà học giả Max Muller chép lại, nhất là được Romain Rolland truyền bá rộng rãi. Tự đấy có nhiều người sang Ấn không những để học hỏi mà còn tu luyện, chắc ai cũng đã nghe danh của một Sylvain Levy, Lanza del Vasto với quyển Pelerinage aux sources, Jacques Rivière v.v… những giáo sư thiện cảm và truyền bá hữu nghiệm như Jean Herhert, Masson Oursel.

Riêng Phật giáo cũng theo đà Ấn giáo gây được nhiều cảm tình. Ở đây chỉ xin nhắc tới nhà thi sĩ Edwin Arnold đem truyện và đạo lý Phật Tổ đặt thành thơ dưới nhan đề Ánh sáng Đông phương (The light of Asia) kết quả như sét nổ, bên Anh tái bản 50 lần, bên Mỹ 100 lần !

1881 học giả Mỹ ông Rhys Davis thành lập hội xuất bản sách tiếng Pali, cho tới nay đã dịch và in hết tam tạng và các tác phẩm lớn của Phật giáo.

Cả tới bên Nga tủ sách Phật giáo đã tới pho thứ 32 do hàn lâm Léningrad điều khiển, có một giá trị khoa học đặc biệt (Recontre 256).

1891 Đại Phật hội (Mahabodhi cociety) lập tại Calcutta do ông Anaganika Dhammapala nhằm mục đích chấn hưng và liên kết các phật tử trên thế giới, ngay từ đầu thế kỷ này đã có nhiều đại biểu nhiệt thành bên Mỹ và một số bên Âu (Recontre 240). Những sách về thiền của giáo sư Nhật Suzuki đã dịch sang tiếng Anh có tới hai chục quyển được truyền bá rộng, hiện đã có vài bản dịch sang tiếng Pháp.

Tuy có những người theo thời, vì tham thanh chuộng lạ, nhưng một trào lưu tư tưởng cứ đi lên mãi như thế thì không phải không có những lý do sâu xa. Hơn thế nữa trào lưu đó không phải không gặp những trở ngại lớn, cái đầu tiên là thái độ miệt thị của những người chính thức luôn luôn đẩy văn hóa Đông phương vào một góc hẹp chuyên môn đặc biệt (R.475) hay của tư nhơn « như thời lãng mạn có Jacquemont thì mới có một Claudel, mà sự không chịu hiểu còn thô lỗ hơn nhiều. Những người đó vẫn duy trì sự khó chịu gây nên, xưa do Henri Massis với quyển Défense de l’Occident của ông »(renou 118). Tuy gặp trở ngại mà văn hóa Ấn cứ tràn vào một cách chồng chất (Massivement Renou).

Trong quyển Les littératures de l’Inde xuất bản năm 1951 ông Renou ước lượng số sách bằng tiếng Sanskrit được lên sổ và phân tích là 10.000 (p115) nếu nói chung thì con số phải lớn hơn nhiều ; Ngay cuối thế kỷ 19 nhà học giả trứ danh Max Muller ước lượng số sách đã dịch hoặc viết bằng tiếng Âu châu về văn hóa Ấn độ quãng 20.000 cuốn : tính ra tự khi bắt đầu khám phá cho tới 1900 để đồng mỗi năm gần 200 quyển.

Cái nhịp đó chỉ có thể gia tăng với thời đại hiện nay : vì điều kiện giao thông mỗi ngày trở nên thuận lợi, khiến người ta nghĩ tới một nền văn hóa trên lục lục địa ; chúng ta có thể tìm một bằng chứng cụ thể trong tổ chức văn hóa Liên hiệp quốc 1952 nói về nhân văn trong giáo dục. Số diễn giả của Ấn còn đông hơn của Âu.

Ngày nay Tây Âu không còn đặt vào cơ khí một niềm tin tưởng độc nhất như trong hai thế kỷ 18, 19. Họ đã thấy sự cần thiết tinh thần, mà trong phạm vi này Á-châu có thể đóng góp những giá trị đích thực. Âu châu không thể giữ mãi cái địa vị duy ngã độc tôn trong văn hóa : các văn hóa khác cũng được quyền ăn nói để giãi bày quan điểm của mình. Điều đó nay Âu châu đã công nhận, và đã tỏ ra một thái độ tiếp đón rộng rãi. Nếu năm 1930 học giả người Mỹ ông Wendel Thomas có thể viết « Ấn độ xâm chiếm Mỹ châu l’Inde envahit l’Amérique » thì năm 1952 Linh mục Henri de Lubac đã viết « Ấn độ cũng xâm chiếm Âu châu như vậy » (Recontre 272) ông lo ngại nếu Âu châu không tìm lại được tín ngưỡng xưa thì nó đã chín mùi để chịu một cuộc đô hộ tinh thần. Trong các dấu báo hiệu ông đưa ra một sự kiện để xác nhận : trong hiệu bán sách không có hiệu nào tấp nập hơn là những hiệu bán sách « tinh thần » Ấn, đủ các trình độ ; và không có hiệu sách nào tấp nập hơn những hiệu sách chuyên môn về ngành này (Recontre p.274).

Ngoài Vivekananda, những người như Gandhi, Aurobindo đều có nhiều người Âu Mỹ xưng là môn đệ.

Khuôn khổ bài này không cho phép tôi nói về lý do tại sao văn hóa Ấn có sức quyến rũ như thế, cũng không thể nói về lịch sử đầy đủ tôi chỉ cốt đem ra ít nét để chỉ tỏ một sự kiện mới của văn hóa Âu tây và nhân đó hoạch định đường lối văn hóa tương lai Việt Nam. Sự kiện đó ta có thể đọc thấy trong lời của ông Schabt : « Dầu sao thì Á châu đã trở nên một người đối thoại với Âu châu » (R.476) và chính họ đã đặt cho Âu châu những câu hỏi thâm trầm (R.495). Rất nhiều đại học đã mở cửa đón nhận văn hóa Ấn, nó đã trở nên một yếu tố thiết yếu cho nền văn hóa đích thực của loài người (R.230).

Trước sự kiện đó, sự kiện văn hóa Ấn đã được đón rước vào Âu châu cách vương giả (Royalement R.15) chúng ta nghĩ sao ? Trước hết ta thấy đó là việc đáng mừng vì Âu châu đã tiến một bước để lại gần với Á châu. Thế rồi trong mọi việc khác ta đã băng mình theo họ hoàn toàn, sao trong việc này ta lại không theo. Theo họ trong việc tiếp nhận tự nguồn nền văn hóa Ấn, ta có dịp tiếp xúc với một nền văn hóa cao sâu và rộng rãi bát ngát vừa có dịp trở về bguồn gốc ta.

Người Việt biết Phật giáo ngay từ cuối thế kỷ thứ hai do bọn ông Khương Tăng Hội, tức là gián tiếp đã thâu nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn, nó đã trở thành yếu tố ăn vào tiềm thức người Việt. Nhưng nói đến văn học của nước ta, khó khỏi thầm tủi, 16 thế kỷ tiếp xúc với văn hóa Ấn mà chưa có lấy một bản dịch nào của những tác phẩm lớn nhất của người Ấn. Đừng nói xa, lừng danh gần đây như một Tagore mà ta cũng chưa có lấy một bản dịch đang khi nước Pháp, một nước chậm tiến trong vấn đề này so với Anh Đức cũng dịch tới 22 bản và khảo luận. Kinh Bhagavad Gita học cũng đã có tới 9 bản dịch, đang khi đó trong giới học thức của ta, nói ngay tên sách đã mấy người biết. Một bài báo mới đây nói về văn thể Hùng vĩ, cũng không thấy nhắc tới tên một Mahabhara chẳng hạn dài 200.000 câu thơ (Homère 25.000, Kiều 3.600) về phẩm thì hầu có sự đồng thanh học giả Tây phương kể là một kiệt tác trong kho tàng nhân loại. Không so với Pháp hay Tây âu, hãy nói về nước láng giềng Cao Miên nhỏ xíu mà ngay tự năm 1934 Viện Phật học của họ đã khởi công xuất bản Tam Tạng chính văn với tiếng Cao Miên một bên, trong 26 pho lớn. Đang khi đó Việt Nam mãi tới nay mới thấy lác đác vài bản dịch gián tiếp không phương pháp khoa học. Đối với nến móng mà thiếu xót như thế thì làm gì mà quốc học đi sâu được. Không có học văn hóa Ấn thì không hiểu được nền móng văn hóa Trung quốc, đó là cảm tưởng của mấy người chúng tôi khi quay trở về khảo cứu triết lý Đông phương, cảm tưởng đó sau này chúng tôi thấy cũng chính là ý kiến của nhiều học giả như một Résnusat, một Pauthier (R.72). Thiếu nền móng Nho là tại thiếu nền móng Ấn, nghĩa là cây văn hóa chúng ta phần nhiều là ngành Tây, mà không có rễ cái Đông phương. Đấy là lý do sâu sắc tại sao văn hóa chúng ta đang độ hời hợt và trống rỗng. Chúng ta mắc phải cái tật theo một thầy độc nhất : tổ tiên chỉ biết có Trung Hoa, con cháu lại chỉ biết có Tây Âu, từ đáy giếng Địa Trung hải, không biết đến giá trị nào khác. Hãy tiếp xúc với sinh viên Việt nam sẽ thấy nơi họ ngoài văn hóa tây chỉ còn vài nét nhợt nhạt do văn hóa tàu lưu lại, còn văn hóa Ấn tuyệt nhiên vắng bóng. Đó là hậu quả thời lệ thuộc, phải theo chương trình chính thức của họ, mà đã nói đến chính thức là phải nghĩ tới cái tầu ông Noe quét bằng nhựa chám trong và ngoài (bituminé extrinsecus et intrinsecécus) mà các học giả kêu là imperméabilité des officiells do sự kiêu hãnh Âu châu phát xuất (tiếng của Albert Camus l’Orgueil européen).

Tây âu kiêu hãnh vì có lý do của họ, ta không cần và không nên theo. Đã tới lúc phải xây một nền văn hóa liên lục địa, phải học thêm văn hóa Ấn độ và China, không thể mãi mãi gảy ra ngoài ¾ nhân loại suy nghĩ. Phải sửa soạn đưa vào chương trình giáo dục những yếu tố nền tảng Đông phương để cứu con cháu ta khỏi một cái Nhân văn thọt (học giả kêu là humanisme estropíe). Việc sửa soạn đó phải khởi công ngay bằng việc dịch thuật, khuyến khích để dịch ngay sang tiếng Việt mấy tác phẩm nền tảng văn chương : Hitopadesa, Sakunntala, về triết lý : Bhagavad Gita và một số Upanishads. Có thể bắt đầu dịch gián tiếp từ tiếng Pháp, tiếng Anh, trong khi chờ đợi những bản dịch thẳng từ Sanskrit. Phải làm thế nào để gửi được một số sinh viên sang Ấn độ khảo cứu tại gốc nền văn hóa của họ. Hiện nay trí thức hoàn cầu đang cố gắng đi tới một nền nhân văn không bờ cõi, một nền nhân văn đầy đủ không loại trừ văn hóa nào (humanisme complet), ông Renou gọi là humanisme élargi : một nhân văn đã mở rộng (R.120). Nước Việt Nam thường được gọi là ngã ba văn minh (carrefour des civilisations) nếu chúng ta không tự trói mình vào một nền nhân văn duy nhất, mà biết vươn bay bao quát tất cả, ý thức sâu sắc được cả ba yếu tố căn bản do vị trí địa lý và lịch sử đã khoác vào là Ấn độ, China, Tây, thì tự lúc đó chúng ta bắt đầu đặt nền tảng sâu thẳm nhất cho một nền văn hóa dân tộc, nền văn hóa đó sẽ cứu chúng ta khỏi trạng huống thiếu bản ngã hiện nay và sẽ giúp cho chúng ta đóng góp vào việc xây đắp văn hóa của toàn nhân loại một phần xứng hợp với sứ mệnh của chúng ta.

Đã đăng trong Tạp chí

Văn hóa Á châu

Tháng 3, 1959

Series Navigation<< Sứ mệnh triết lý Đông phươngTính chất động đích của triết lý Đông phương >>