Chiều sâu của khối băng tâm

Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Tâm là một chữ quan trọng quá sự thường nhân tưởng tượng, nó qui định đến 90 phần trăm nếp sống con người, vì nó là nền móng của vũ trụ quan và nhân đấy cả thái độ về đời sống. Ta cứ yên trí rằng vật có sao thì mọi người nhìn thấy như vậy, núi cao, biền cả, sông dài v.v…, ai không công nhận thế.

Đúng, nhưng đấy mới là phần nhỏ, còn hai phần khác quan trọng hơn nhiều, đó là mối liên hệ giữa vật với người và hai là mối liên hệ giữa người với vật vô hình. Không phải là sự vật quy định cho thái độ sống mà là tính chất mối liên hệ kia. Cũng là nửa chai rượu mà gây hai tính chất liên hệ khác nhau. Anh Bi càu nhàu bẳn gắt vì đã hết mất nửa chai, trái lại anh Lạc hỉ hả nói cười: « may quá, còn những nửa chai nữa ». Đó là vật hữu hình mà liên hệ đã khác nhau thế tuỳ theo với tâm trạng, phương chi với vật vô hình biết khác nhau đến đâu. Về Thiên Chúa chẳng hạn, có biết bao thái độ từ người vô thần tích cực đả phá chối Chúa, cho tới chị nữ tu vừa vào nhà tập, không mấy phút để cách mà không nhớ đến Chúa. Xét thế ta không còn lạ chi khi thấy trong thế giới hiện nay có hơn 10 vũ trụ quan khác nhau đến trái ngược và trong mỗi xã hội lại chia biết bao sự sai biệt khác: ngay trong một nước nhỏ như Hy-lạp, người ta tính đã có tới 288 thứ luân lý, và một đạo Kitô giáo cũng có trên 300 chi nhánh và ngay giữa người Công giáo cùng một tín lý và luân lý, nhưng đã có biết bao là cái khác nhau, giữa người Công giáo Pháp và Ý chẳng hạn.

Báo MISSI vừa nói đến cuộc điều tra bên Pháp xem trong số những người giữ đạo bao nhiêu người còn tin có tội tổ tông, thì thấy còn được 49 phần trăm, con số đó chắc sẽ bới đi rất nhiều bên Bỉ hay bên Đức nơi mà trong một số đại học, giáo sư đã minh chứng rằng không có. Trái lại bên Nam nước Ý chằng hạn, thì có lẽ chưa ai nghĩ tới đặt vấn đề. Vài thí dụ cho ta thấy xiết bao cái nhìn khác nhau, mà có một điều oái oăm là ai cũng cho mình là trúng, và nhiều khi sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống để bênh vực cái nhìn của mình. Nếu khách quan là phần cốt chính, thì đâu có những chuyện rắc rối đó. Vì thế ta biết phần tâm quan trọng bực nào. Cho nên môn Triết học Đông tuy tiểu tiết khác nhau nhiều giữa các môn phái, nhưng đại đồng thì tất cả gặp nhau ở điểm chú trọng đến tâm: « thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mời bằng ba chữ tài », và điểm khác biệt nền móng với triết Tây là họ duy-lý, còn Đông tâm tình đôi khi cũng có duy tâm. Thực ra không thiếu luật trừ, nhưng khuynh hướng chung là thế, và không có gì cẩu thà trái ngược cho bằng ban đầu ai đã dùng tiếng duy-tâm mà dịch chữ idealism, vì đó là một thuyết không biết tý gì về tâm nên lẽ ra phải dịch là duy tri hay duy-niệm. Nếu duy tâm được, Âu châu đã chả sản xuất ra những quái thai như cá nhân dật-lạc và duy vật vô thần đi gieo rắc các thống khổ cho nhân loại. Nếu duy tâm được, những triết thuyết của họ đã chẳng đổ vỡ ngả nghiêng gây nên cuộc khủng hoảng tinh thần như nay. Cái lý trí của con người đáng quý và cần thiết nhưng đâu có phải là duy nhất, vậy giao cho nó quyền bao quát đời sống con người thì làm sao tránh được tai hoạ. Xã hội làm sao khỏi trở thành sảo trá, quỷ quyệt và chia rẽ phân ly. Loài người đau khổ vì trái tim nhân loại đã ngừng đập; người ta tìm bóp nghẹt cả mối tình thâm sâu giữa cha con vợ chồng. Người ta đem lý trí vào hết mọi lãnh vực. Sự thống ngự của lý trí thật là sâu rộng, lan tràn cả đến lãnh vực của tôn giáo, nơi lẽ ra tâm tình phải chiếm phần trội.

Có những tác giả trong tôn giáo thay vì khơi niềm Phúc âm, nơi chan chứa tình yêu, thì hình như chỉ căn cứ vào Cựu ước, nơi có những việc giết choc với lời nguyền rủa, sợ sệt. Đọc sách họ, ta cảm tưởng như họ viết dưới chân núi Sinai: những sấm cùng sét vang rền, những đe doạ hãi hùng đánh vào tâm não. Cả đến mười điều răn cũng chỉ là răn; còn khoản yêu thương cả hai lần (Exode, Deut) đều không nhắc tới. Đời nay người ta ngạc nhiên đặt câu hỏi tại sao một điểm quan trọng như vậy mà Esdras, tác giả lần chót quyển ngũ kinh bỏ rơi không nhắc tới. Phải chăng vì óc thượng luật, vì óc thượng lễ đặt trọn chú ý đến nghi thức bề ngoài mà bỏ mất tinh tuý bên trong. Phải chăng vì lẽ đó mà trong ẩn dụ người bộ hành bị kẻ cướp đánh nửa sống nửa chết, rồi bỏ bên đường, Chúa đã để phần công lao cho người xứ Samaria, còn thầy tư tế và Lêvi thì người cho đóng một vai bàng quan, thưởng ngoạn rồi bỏ đi.

Nhiều tác giả đã biến khoa luân lý thành một quyển tự vị các thứ tội, tội to, tội nhỏ, đủ giống, đủ kiểu như nhà nông học chọn giống hột bày ra trước mặt, những ai để tâm quan sát sự vô hiệu của lối giáo dục tiêu cực xây trên ý niệm tội lỗi đó.

May thay đã thấy khởi đầu lại trào lưu quá lý trí kia. Có những tác giả chẳng hạn như: « La loi du Christ » đã để ra cá một chương bàn về chữ tâm. Đó là bước tiến đáng ta lưu ý, để hướng dẫn sự học tập ngày nay, tất cả nên căn cứ trên tâm đạo. Lấy tâm làm móng thì đời nào và trình độ nào cũng hiểu cũng phục. Trái lại, khi đặt căn cứ trên lý sự thường là xa xôi khó mà kiểm chứng; đã vậy còn có thể giải nghĩa biết bao lối. Thời xưa lúc trí óc loài người còn trong trạng thái đơn sơ chất phác thì còn được; nhưng nay nhân loại đã bước vào thời hồi niệm; đã thấy cần kiểm điểm, suy luận thiết thực, thì khó lòng hơn nhiều. Theo Jean Guitton nhận xét thì căn cớ sâu xa tại sao Âu châu mất lòng tín ngưỡng là vì họ không hoà giải nổi được trong tâm hồn họ những thuyết khoa học với những huấn điều đạo lý. Giả như đạo đã được trình bày theo đường Chúa dạy: « Trong tinh thần và chân lý » thì tai hoạ có lẽ bớt đi nhiều. Cũng là chân lý mà dựa vào tâm đạo thì trở nên món ăn tinh thần, còn dựa vào lý sự thì bao lâu phải học thì học chứ khó lòng những sách vở đó sống lâu được. Cùng một câu « phải giữ lễ dầu ở nơi kín nhiệm » mà đến lý do, thì Mặc Tử nói: « Vì ở đâu cũng có quỷ thần xem thấy hết mọi sự ». Còn Mạnh Tử ra lẽ: « vì việc nào cũng gây ảnh hưởng tốt hay xấu vào trong việc đào tạo đức tính của mình ». Trong hai người kể trên thì Mạnh Tử đi đúng tâm và vì thế đến thời đại khoa học Mạnh Tử vẫn đứng vững.

Sau đây là một ví dụ khác liên quan đến chữ tâm. Tự ngày người ta hồi niệm nhận ra rằng: những trang đầu Kinh thánh chỉ là lối văn ẩn dụ, không thể nhất nhất hiểu theo nghĩa đen: chẳng hạn truyện Adong và Evà. Những phần tử ý thức điều đó bắt đầu tìm cách giải nghĩa, và ta thấy thuyết nọ bác thuyết kia. Chẳng hạn có phái giải rằng: quả trái cấm là sự giao hợp giữa hai ông bà; thuyết khác bác ngay: cho kiểu giải thế trái luật thường tình, đó là việc sinh lý tự nhiên, sao lại cho là quả trái cấm được? đại khái các kiểu giải chật hẹp luẩn quẩn thế cả, và hầu hết bị đào thải.

Sau đây là một lối giải nghĩa theo lối biểu tượng mà hiện nay còn bị nhiều nơi cho là phóng khoáng nhưng cũng có lẽ hợp với Tâm hay ít ra có đưa lại cho câu truyện một ý nghĩa rộng rãi bao la như vũ trụ (une dimension universelle) và chắc chắn lối giải nghĩa đó cần cho một số trí thức đã suy nghĩ tìm tòi nhiều, mà không lời giải thích nào vừa ý nếu không phải là lối giải nghĩa bóng, giải nghĩa theo ẩn dụ. Trước hết: « Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa». Giống Chúa là làm sao. Là siêu nam nữ = (Androgyne) như Chúa vậy. Ta gán cho Chúa giống đực là tại ta trọng nam khinh nữ, chứ thực ra Chúa kiêm nhiệm cả nữ. Vậy người đầu tiên cũng thế, Kinh thánh nói Chúa dựng họ vừa nam vừa nữ (masculinum et femineum feciteos). Trong cơ thể kiêm toàn đó khi họ truyền sinh thì không cần đực cái giao hợp, mà có lẽ chỉ cần bằng cách tự phân thân nào đó. Kiểu bà Eva làm bằng xương sườn cụt của ông Adong, là ẩn dụ chỉ tình trạng sinh nở bằng phân thân. Cũng có thể việc đó được ám chỉ bằng truyện người nữ đồng trinh mà sinh con, mà ta thấy nhắc tới trong hầu hết mọi tôn giáo cổ truyền. Cái đó không chắc, nhưng có điều chắc hơn là sự trinh thai về tâm lý, nghĩa là tình trạng con người sống vô tội, chưa phân biệt ra thiện ác chân giả như trẻ nít chưa phân biệt trai gái vậy.

Nhưng rồi Chúa làm cho Adong ngủ đi? Ngủ là gì? Là chỉ sự hôn mê để cho tham dục bốc toả lên cho khuất cái minh tâm và từ đấy dùng hạ trí. Đã dùng đến lý trí, thì liền phân ra có đẹp có xấu, có phải có trái… và về thể xác có nam có nữ. Sự kiện đó được diễn tả bằng hình ảnh như sau :

Chúa lấy xương sườn cụt của ông Adong làm ra bà Eva. Xương sườn cụt chỉ là xương sườn cụt thế thôi, đâu có phải là cả con người. Vậy mà tự hậu Adong « dính theo xương sườn cụt » tức là đi theo hạ trí. Kinh thánh dùng chữ adhoereat = dính vào. Đừng hiểu chữ đó theo kiểu sinh lý mà thôi, mà còn phải hiểu theo nghĩa tinh thần, nghĩa là chiều theo ý của cái xương sườn cụt đã mặc lốt Eva, tức nghĩa là chiều theo hạ trí. Hạ trí đâu có thấy xa rộng được như minh tâm. Eva cũng thế, đâu có thể thấy xa được, mới đi theo con rắn tinh ma quyến rũ hái quả cấm ăn, rồi trao cho Adong cùng ăn. Hai ông bà bắt đầu xấu hổ. Sao lại xấu hổ? Chúa dựng nên thế kia mà? Sao cho tới lúc đó không việc chi? là vì đã để lu mờ minh tâm, đã dùng hạ trí phân tích liền mất trạng thái thơ nhi. Sinh ra có lành có dữ, làm mất cảnh đồng nhất an vui vườn địa đàng. Đâm đầu theo xương sườn cụt là những lý trí vụn mảnh, mới gây ra bao cảnh đau thương sau này. Và từ đấy chữ Tâm phai lạt hầu như biến mất, lâu lắm, lâu lắm lại mới xuất hiện vài nhân vật siêu phàm. Người ta kể truyện rằng : Lúc hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng thì phải đi lập tức, không kịp thu đồ thành thử cái chén quý của ông Adong cũng phải để lại. Cái chén đó làm bằng một viên ngọc bích. Ngọc ấy nguyên do là tự trán Lucifer mà nảy ra ; trước kia lúc Lucifer còn là thiên thần, có mang trên trán một viên bích ngọc toả sáng ra chung quanh, nhưng khi phản loạn bị giẩy xuống đất, viên ngọc đó văng ra ngoài, một Thiên thần nhặt lấy, khoét thành cái chén, đến sau đem tặng cho ông Adong làm lưu niệm. Lúc còn trong cảnh diệu quang ông Adong thường dùng cái chén đó để uống, đến khi phải bị trục xuất không kịp thu xếp hành trang đành bỏ lại. Sau này những lúc thư nhàn bà Eva thường đem chuyện ngày xưa kể cho các con nghe. Biết được truyện đó ông Seth quyết tâm đi tìm lại chén quý và quả thật sau nhiều gian truân lặn lội, ông Seth lấy được chén đó đem về. Và từ đấy người ta đặt tên chén là Graal, và nó bắt đầu cuộc phiêu lưu : hiện thì ít, ẩn thì nhiều. Có lần rơi vào tay ông Joseph Arimathea, ông này cho các thánh tông đồ mượn trong bữa tiệc ly để Chúa truyền phép Máu Thánh, và hôm sau ông ta lấy lại đem đến dưới chân Thánh giá để hứng máu chảy ra tự cạnh nương long Đức Chúa giêsu.

Câu truyện còn nhiều ly kỳ hứng thú nhưng cốt là để nói lên rằng : ít có người tiến tới bực tâm thức ; hơn thế nữa hầu hết nhân loại ở trình độ nảy nở ngày nay, không ngờ rằng có trạng thái cao đó được. Vì nó còn đương tiềm ẩn, nên nói đến thì nhiều người lấy làm lạ và cho là mơ hồ, y như hồi thế kỷ 18, ai nói tới tiềm thức thì họ cho là nói láo, cũng như lúc bấy giờ nói rằng Sàigòn nghe được tiếng hát ở tận Tokyo, thì họ cho là mơ mộng, là vì chưa phát minh ra Radio, còn nay nghe nói câu đó thì thật là tầm thường. Cũng như nhân loại hầu hết chưa biết tâm thức là gì.

Trên thang tiến hoá con người phải có thời gian mới phát triển tiềm năng, mới nhận ra tâm thức được. Tuy nhiên thuở đầu tiên, loài người đã trải qua một giai đoạn hoàng kim; sống bằng tâm trạng không xa tâm thức hồn nhiên mà Kinh Thánh ám chỉ bằng cảnh địa đàng. Hồi đó con người không bị dục vọng che lấp, chưa phân biệt thiện ác là gì. Ở truồng không biết thẹn, quả là trạng thái mà Lão Tử gọi là « Anh nhi », Mạnh tử gọi là « xích tử chi tâm » và Chúa Kitô nói « Ai không trở nên con trẻ thì không được vào nước Đức Chúa Trời ».

Khi con người đã sa đoạ khỏi trạng thái ấy thì khởi dùng hạ trí phân ly, phân chấp, mất hạnh phúc. Ẩn dụ nói: Adong và Evà phải đuổi ra khỏi vườn địa đàng, Lucifer bị đẩy xuống đất, bắn mất viên Bích ngọc giữa hai mắt. Truyền thuyết nói: ban sơ loài người chỉ có một mắt là cốt ám chỉ thời hoàng kim tâm thức đó, sống không phân biệt lành dữ. Người sau gọi con mắt duy nhất đó là huệ-nhỡn (œil de sagesse).

Ta còn thấy dấu vết trong truyện cổ Hy-Lạp kể về những người khổng lồ Cyclope chỉ có một mắt. Nghệ thuật Ấn-Độ hay tạc tượng thần Krishna với con mắt thứ ba ở giữa trán. Ta có thể thấy ngoài viện Bảo cổ Sàigòn, trên các tượng Phật con mắt thứ ba đó. Nó chỉ trạng thái siêu thức hay cái biết tổng hợp siêu đẳng. Ai có nó thì đạt được minh-triết siêu-vượt, được hưởng khoái lạc trong tinh thần mà thường nhân không thể tưởng tượng nổi, đáng gọi là cảnh diệu-quang, là nước Đức Chúa Trời.

Mà nước Đức Chúa Trời đó ở ngay trong tâm ta – Regnum Dei intra vos est. Thế mà ta mê lầm, không biết, lại đi tìm ở đâu, gõ mọi cửa để tìm hạnh phúc, duy có tâm môn lại bỏ qua. Đôi khi trong đạo có đấng thánh ngẫu nhiên Têrêxa d’Avilla, ta gọi là nguyện ngắm trông thấy. Triết lý truyền thống có nhiều kỹ thuật tỷ mỷ hướng dẫn từng bước những người chí nguyện trên đường phục hồi tâm thức. Đó cả là một kho tàng lớn lao về tâm pháp không thể nói ở đây. Chỉ xin thêm vài điểm đơn sơ để làm những bước tiến sửa soạn trong khi chờ đợi sự học tập trực tiếp của riêng từng người.

oOo

Điều quan hệ trước tiên là hãy tìm ở ta « Vạn vật giai ư ngã » (Vạn vật đều ở trong ta, Mạnh Tử VII) và « linh tại ngã mà bất linh cũng tại ngã », vậy đừng tìm hạnh phúc ở ngoài, dầu trong lý-sự hay tiêu-biểu. Sự kiện dầu cho nó quan trọng đến bực mấy, cũng chỉ là sự kiện mà vì vậy nó ở ngoài lòng ta: cho nên sự kiện lịch sử không thể qui tụ lòng người, phương chi càng không đem lại hạnh phúc. Còn tiêu biểu chỉ mới cải biến được kiểu sống. May mắn lắm mà thi hành dùng tinh thần, cũng chỉ cải biến được tâm thức để dẫn đến trạng thái gọi là ngất trí. Còn việc ngộ đạo là công việc của tâm pháp. Vì thế mà những nền văn hoá chân chính đồng thanh hô hào con người phải trở về nội tâm « Đạo không xa người » (đạo bất viễn nhân). Kabir thi sỹ chung của Ấn-Độ và Hồi giáo viết : Bénares ở bên Đông, Lamecque ở bên tây, người hãy khám phá lòng người, vì trong đó có cả Rama (Chúa Ần-Độ) có cả Allah (Chúa Hồi giáo), có khác chi câu Chúa phán với người nữ xứ Samaria : đã đến lúc chẳng còn thờ Chúa trên núi này hay ở trong đền thờ Jérusalem, mà là « trong tinh thần và chân thật ». Regnum Dei intra vos est.

Vậy ta phải đi về nội tâm, tâm ta nằm tiềm ẩn trong sâu thẳm: bên trong lý trí, bên trong cảm tình, bên trong cả tiềm thức. (I) Muốn tới tâm thức cần phải tu luyện lâu ngày, bằng một đời sống, bằng biết bao công phu mà điểm quan trọng hơn là ĐỊNH TRÍ (tập trung tư tưởng). Phải tập trung tình ý vào một, cố tránh sự đi hết điểm này đến điểm kia, tán vụn nghị lực, mất cả hiệu nghiệm. Có thể lấy điểm sau đây làm nền móng. Tôi cho đây là một điểm tâm linh, vậy tôi không phải là thân xác này. Tôi không phải tình tứ ước vọng này. Tôi không phải tư tưởng này. Tất cả những thứ đó lần lượt trôi qua đi hết, mà tôi vẫn còn là tôi. Vậy tôi chính là hình ảnh Thiên Chúa. Tôi là ánh hào quang do Chúa chói vào. Tôi là chính điểm quang của Chúa, là nguồn sống bao la tràn đầy hạnh phúc. Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Người luôn luôn gần với ngọn đèn huyền diệu tâm linh, sẽ được thông phần Minh triết đích thực.

Đó là điểm ta có thể dùng để quy tụ mọi suy niệm; nếu ta làm được mươi mười lăm năm, chắc là ta sẽ cảm nghiệm thấy phần chân lý đó. Cái biết cảm nghiệm là cái biết của tâm, nó trực tiếp sâu xa chứ không gián tiếp bằng nghe người khác nói lại hoặc bằng lý luận về bản thể của cái tôi. Vì vấn đề bản thể thì Đông, Tây không đồng quan điểm, nhưng về phương thế để kết hợp với Chúa thì đại để hai bên có nhiều chỗ giống nhau. Tự phép Tồn tâm dưỡng tính của nhà Nho, cho tới tâm học : giới, định, tuệ của Phật pháp, để được : « minh tâm kiến tính » đều một mục đích để kết hợp với Chúa. Mấy nguyên tắc triết Đông trên đây rất quan trọng cần được nhắc tới vì nó là những dịch bản sâu xa lạ lùng của lời Thánh kinh:

«Phúc cho những người có tâm hồn trong trắng vì họ sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời»

Tái bút : Bài này viết vào lối năm 1958, nếu nay viết lại thì tất cả đoạn cuối cùng từ chỗ ghi số (I) chỉ tóm vào có một câu : muốn đạt đạo cần sống đời bình hành (normal) đã đủ. Nói đến người bình hành ai cũng cho là thường, sự thật thì đó là việc phi thường, từng trăm triệu người vị tất đã tìm ra được người bình hành. Khắp gầm trời này người ta chỉ thích làm tiên, nói đúng hơn ai cũng dựa vào hồn bướm mơ tiên chứ có được mấy ai chịu xếp cánh bướm để xuống thế làm người (vi nhân) và ở cùng loài người đâu. Ấy thế mà không tu đạo người thì đạo tiên cũng trở nên xa lạ:

« Dục tu Tiên đạo tiên tu nhơn đạo

Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn kỹ »

Muốn tu đạo Tiên thì trước hết hãy tu đạo người

Đạo người không tu, thì đạo Tiên cũng xa nổi.

Series Navigation<< Tâm ĐạoQuả dục >>