Tại sao chúng ta cần Maurice Blondel

2. Sự cần thiết của tôn giáo siêu nhiên trong triết học

Như thế, trong Khoa học Thực hành, như một suy tư có hệ thống và phê phán về Khoa học Thực hành sự sống đã được nói đến, ông đã đi một chặng đường dài nhất, xem xét các cách khác nhau đã được đề xuất để giải quyết vấn đề hoà giải giữa tự do và tất yếu trong hành động của con người, như trong chủ nghĩa tài tử (dilettantism), chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa khoa học, cả ba chủ nghĩa này đều bị ông coi như các giải pháp thiếu sót, bởi vì mỗi chủ nghĩa chỉ đặt lại vấn đề hành động với ý chí sẵn lòng thực hiện một số hành động nào đó. Điều này, do đó, đưa ông trở lại xem xét cách chúng ta tiến tới chỗ muốn bất cứ hành động nào trong tư cách là con người, bắt đầu từ nhiều động cơ hành động được đưa ra trong ý thức của chúng ta, và tiếp tục tự do lựa chọn động cơ này hay động cơ nọ trong số các động cơ này, để theo đuổi một cùng đích vốn ngang tầm sức mạnh vô hạn của sự lựa chọn, mà chúng ta đã bắt đầu bằng ý chí tự do của mình.

(Từ đỉnh cao đầu tiên của ý chí tự do trong hành động của con người này, có thể nói như thế, có một số đỉnh cao hoặc giai đoạn khác, như ông gọi chúng, bắt đầu với việc đầu tiên mở rộng ra bên ngoài hành động có ý chí trong cơ thể, sinh vật hoặc đời sống cá nhân của chủ thể nhân bản, và đi từ hành động cá nhân đến hành động xã hội, hoặc cùng hành động với người khác, và sau đó đến hành động xã hội như tìm thấy trong gia đình, trong quốc gia và trong toàn thể nhân loại, tất cả đều dẫn đến một việc mở rộng hành động phổ quát cần thiết đến các tận cùng vũ trụ. Mỗi một trong những giai đoạn này được coi như một đối tượng được ước muốn mà ý chí con người sẵn sàng bao hàm trong điều Blondel gọi là hiện tượng hành động, nghĩa là hành động được quan niệm trong tính chủ quan nhân bản và mở rộng đến chính tận cùng của điều chúng ta nghĩ là vũ trụ. Mỗi giai đoạn trên đường đi, hoặc mỗi đối tượng được ước muốn, đều được coi như thỏa mãn một phần nào đó của điều nhất thiết được ước muốn trong ý chí ước muốn, nhưng cũng được coi như để lại một phần nào đó để được ước muốn hơn sao cho ý chí được uớc muốn (volonté voulue) bằng với ý chí ước muốn (volonté voulante), để khi chúng ta bước đến giai đoạn cuối cùng, ở tận cùng hiện tượng hành động nói chung, có một khoảnh khắc quyết định (crisis) đối với ý chí tự do trong diễn trình tự giải phóng: phải làm gì với những gì còn lại của tính vô hạn trong ý chí đã không được sử dụng trong việc ước muốn tất cả những gì nó ước muốn một cách tự do và tất yếu trong hiện tượng phổ quát? Phải làm gì để tiếp tục nhìn xa hơn hiện tượng, hoặc sâu hơn vào sức mạnh vô hạn của việc ước muốn, hoặc để giải quyết một điều gì đó trong hiện tượng được ước muốn như thể nó là điều vô hạn, và do đó, nhường chỗ cho mê tín trong hành động của nó, như giai đoạn cuối cùng chúng ta có thể tiến tới trong trật tự nội tại của hiện tượng?

Năm 1893, ở tận cùng điều ông gọi là Hiện tượng Hành động, bao gồm phần lớn nhất trong tác phẩm gốc của ông về Hành động, Blondel phê phán các hình thức mê tín khác nhau, sơ khai và hiện đại, bao gồm các mê tín của chủ nghĩa tài tử và chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa hoạt động, và trên hết là chủ nghĩa duy lý, như các nỗ lực nhằm nắm giữ điều vô hạn đã thất bại và nhất định sẽ thất bại. Trong quá trình khám phá có hệ thống lâu dài của mình về toàn bộ hiện tượng hành động, ông đã cố gắng xem xem liệu vấn đề hành động có thể được giải quyết trong hiện tượng này hay không, hoặc xem xem liệu sẽ không thể có một đối tượng được ước muốn nào đóng mạch ý chí được ước muốn như cân bằng với ý chí ước muốn hay không. Nếu có thể tìm ra một đối tượng hoặc một quyết tâm được ước muốn như vậy trong hiện tượng như ngang tầm với sức mạnh vô hạn của ý chí, thì sẽ không có lý do gì để tìm xa hơn hoặc sâu hơn. Nhưng việc phê bình hành động mê tín ở cuối cuộc thăm dò này cho thấy hai điều về phương diện này: (1) chúng ta vẫn cần phải đi xa hơn hoặc sâu hơn hiện tượng, và (2) trên thực tế, chúng ta không thể làm được như vậy bằng riêng sức của mình như mọi nỗ lực thất bại của hành động tự mãn mê tín đã cho thấy rõ ràng. Do đó, vấn đề điều gì xa hơn và sâu hơn hiện tượng vẫn còn đó, cùng với câu hỏi liệu có điều gì có thể giải quyết vấn đề này là khoảng cách vẫn được tìm thấy trong hành động tự nguyện của chúng ta giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của chúng ta, vấn đề cuối cùng dẫn đến vấn đề Thiên Chúa tích cực trong hành động tự nguyện của chúng ta, và vấn đề liệu Thiên Chúa có thể hoặc muốn làm cách nào thu hẹp khoảng cách này để đưa hành động của chúng ta đến một sự trùng hợp hoàn hảo giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của chúng ta.

Đó là cách mà câu hỏi về tôn giáo nhất thiết nảy sinh ở phần kết thúc triết lý hành động đối với Blondel, như một nhu cầu cấp thiết phải có một điều gì đó hơn thế nữa, một điều gì đó vừa siêu việt vừa siêu nhiên, khi triết học tiến xa hết mức có thể của nó. Đầu tiên, Blondel bàn đến câu hỏi như một vấn đề tiến đến chỗ chống lại Điều Cần thiết Duy Nhất, l’unique nécessaire, khi đối tượng được ước muốn phần nào ngang tầm với sức mạnh ước muốn vô hạn của chúng ta – không phải một ngẫu tượng, một điều chỉ có thể là một vật hữu hạn, nhưng thực sự là Thiên Chúa như Đấng thực sự vô hạn và mãi mãi mầu nhiệm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy vực thẳm giữa một hành động hữu hạn được ước muốn và sức mạnh ước muốn vô hạn mà chúng ta thấy đang xuyên suốt toàn bộ hiện tượng hành động, đến nỗi chúng ta phải nói rằng điều chúng ta cuối cùng sẽ ước muốn, trong mọi sự chúng ta ước muốn trong trật tự nội tại của vũ trụ, là Thiên Chúa, Đấng Duy nhất Nhất thiết, Đấng muốn chính hữu thể ước muốn của chúng ta và tất cả những gì chứa đựng trong hiện tượng hành động. Đó là cách ý tưởng về Thiên Chúa tự thể hiện ở mọi cao điểm của hành động của chúng ta như những hữu thể hữu lý. Đây là cách thức và lý do tại sao chúng ta phải nghĩ đến Thiên Chúa trong mọi hành động của mình, giờ đây được quan niệm như nhân thần [theandric], vừa là con người vừa là thần linh, thay vì chỉ tự đóng kín trong một ý chí được ước muốn, một ý chí muốn tự mãn và kết cục chỉ là mê tín dưới bất cứ hình thức nào nó mang lấy.

Tuy nhiên, từ quan điểm về hành động của con người này, mà hiện nay được quan niệm như có tính tôn giáo đúng đắn trong triết học hoặc trong Khoa học Thực hành, chúng ta không những phải nghĩ về Thiên Chúa đích thật, hay có Thiên Chúa trong tâm trí một cách thích đáng, có thể nói như thế, thay vì là một ngẫu thần nào đó do chính chúng ta lựa chọn. Chúng ta cũng phải chọn hoặc tiếp nhận một trong hai thái độ đối với Thiên Chúa như nguyên lý cần thiết của hữu thể và ý muốn của chúng ta, thái độ đi với Người hoặc thái độ chống lại Người. Blondel tuyên bố một cách cảm kích phương thức thực tế mà chúng ta phải đối diện ở điểm cao nhất ý muốn của chúng ta: “Con người, tự mình, không thể là điều họ đã là bất chấp chính họ, điều họ tuyên bố sẽ trở thành một cách tự nguyện. Có hay không, liệu họ có muốn được sống, thậm chí cho đến chết, có thể nói như thế, bằng cách đồng ý để được thay thế bởi Thiên Chúa? Hoặc nếu không, liệu họ có cao ngạo muốn tự mãn không cần có Thiên Chúa, kiếm lợi bằng sự hiện diện nhất thiết của Người mà không làm cho nó thành tự nguyện, mượn sức mạnh của Người để tiến tới mà không cần có Người, và muốn một cách vô hạn mà không muốn Đấng Vô hạn?”1Maurice Blondel, Action (1893): Essay on a Critique of Life and a Science of Practice, [Hành động (1893): Tiểu luận về Lòi Phê bình Đời sống và Khoa học Thực hành] bản dịch của Oliva Blanchette (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1984), 327.

Triết học vẫn còn nhiều điều để nói về các hậu quả của việc đi theo một trong những phương thức này, về sự sống của hành động hay về cái chết của hành động, nhưng khi nói về sự sống của hành động, vẫn chỉ như bao hàm các thay thế và chuẩn bị cho hành động hoàn hảo, nơi ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn sẽ hoàn toàn trùng hợp, Khoa học Thực hành đưa ra một câu hỏi cuối cùng, một giả thuyết cuối cùng: liệu Thiên Chúa có ban sự trợ giúp cần thiết để đưa hành động của con người đến sự hoàn hảo mà nó vốn phấn đấu giành được hay không?

Đây là đỉnh điểm nơi triết học đụng tới mầu nhiệm của tôn giáo siêu nhiên trong hành động của con người. Blondel từng nhấn mạnh rằng triết học cần tôn giáo để trả lời câu hỏi hoặc những câu hỏi cuối cùng mà nó để lại ở cuối hành trình của nó. Ông không cố gắng trả lời câu hỏi cách trực tiếp bằng triết lý hành động của mình, cũng không nói rằng ông có thể, như một triết gia, nhưng ông cố gắng coi câu hỏi như một giả thuyết cần thiết phải xảy ra tại tuyệt đỉnh Khoa học Thực hành này. Từ đó, có triết lý ngắn gọn về tôn giáo, không những như tự nhiên mà còn như siêu nhiên, và với nó, ông đã kết thúc triết lý hành động của mình trong luận văn năm 1893.

Triết lý về siêu nhiên này giả định ý niệm tự nhiên và ý niệm tự do như đã được Tạo hóa ban tặng, hồng ân đã được thăm dò rất nhiều trong triết lý hành động cho tới điểm này. Nhưng bao lâu hồng phúc đầu tiên này vẫn khiến chúng ta không thể thu hẹp khoảng cách mà chúng ta tìm thấy trong bản thân hoặc đưa hành động của chúng ta tới chỗ hoàn tất một cách hoàn hảo, thì ý tưởng về hồng phúc thứ hai, một hồng phúc sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách còn lại và do đó, tiến đến một hành động hoàn hảo mà nếu không, sẽ không thực tế đối với chúng ta, nhất thiết phải xảy ra như một giả thuyết đáng được khảo sát trong Khoa học Thực hành nhằm mục đích tuân theo sự tất yếu ở bất cứ nơi nào có thể tìm thấy nó. Không cố gắng nói liệu một hồng phúc siêu nhiên như vậy có được ban tặng cho một tạo vật có lý trí hay không, hoặc thậm chí hồng phúc bổ sung và tự do đó có thể là gì hoặc trông như thế nào, Khoa học Thực hành vẫn có thể khảo sát việc trong những điều kiện nào hồng phúc siêu nhiên này được tìm thấy trong hành động của con người như chúng ta biết về mặt triết học.

Một cuộc khảo sát như vậy có thể dẫn triết học vào một cuộc khảo sát mở rộng các phạm vi nơi hành động, suy nghĩ và hữu thể của con người đụng tới mầu nhiệm đức tin Kitô giáo, như nó đã làm đối với Blondel và như ông sẽ giải thích dài hơn sau này trong cuộc đời của ông. Tuy nhiên, trong luận văn năm 1893, được thiết kế để trở thành một thao tác mang tính khoa học hoặc học thuật nghiêm ngặt, phù hợp với kỳ vọng của những người khảo sát về triết học chứ không phải về tôn giáo, ông đã chọn chỉ nói về hai hoặc ba điều kiện mà ông nghĩ là cần thiết để lồng một trợ cụ siêu nhiên vào vở kịch hành động của con người: một mạc khải để trí hiểu tiếp nhận, một trung gian giữa con người và thần linh, và một thực hành theo nghĩa đen được chỉ thị từ trên cao như một kỷ luật phải được thi hành trong lịch sử. Điều đó đi xa đến nỗi chỉ cho thấy sự cần thiết của một tôn giáo siêu nhiên nào đó trong triết học, mà trên thực tế, tất cả những người tham dự đều coi là đạo Công giáo. Khi làm như vậy, ông đã thành công trong việc thuyết phục ban giám khảo rằng ông thực sự là một nhà triết học đáng được công nhận, mặc dù ông không hoàn toàn thuyết phục họ rằng có một nhu cầu như thế hoặc sự tất yếu ở trọng tâm hành động của họ trong tư cách các triết gia.