Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 20: Chữ cũng là người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

Sống trong thời đại tin học, nhiều người ít quan tâm đến chữ viết tay vì chỉ cần gõ trên bàn phím của chiếc điện thoại hay máy vi tính là có thể gửi thư cho nhau rồi[1], hoặc chỉ cần ra lệnh cho máy in bàn là người ta có một văn bản đẹp với đủ loại kiểu dáng chữ in. Hơn nữa, vì cuộc sống vội vã, nên những gì cần viết tay, người ta thường viết rất nhanh, đường nét không chuẩn, dấu chữ đặt sai vị trí, nhưng vẫn có thể đọc được vì đã quen với chữ Việt và tiếng mẹ đẻ của mình. Trầm trọng hơn cả là người ta coi thường văn phạm trong những văn bản trên báo chí, truyền hình, sách vở, dùng những từ thông tục và thường đánh dấu các từ không chính xác theo ngôn ngữ học. Người Việt chúng ta hiện nay quả thật ít quan tâm đến văn hoá chữ viết và quên rằng chữ cũng là người!

font-ong-do

1. Câu chuyện thực tế

Tôi làm giảng viên dạy môn Kỹ thuật Chữ cho các sinh viên ở khoa Công nghệ In của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ở khoa Mỹ thuật Công nghiệp của trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, ở khoa Ngữ văn Báo chí của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, cũng như các môn khác trong các học viện Công giáo ở TP.HCM trong nhiều chục năm qua. Tôi đã thử cho các sinh viên viết 4 câu thơ sau đây trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Trong hơn 5.000 sinh viên tôi mời thử nghiệm, trong lần viết đầu tiên, chưa có một ai viết đúng chính tả và đặt dấu giọng chính xác. Họ thường sai ở một số lỗi chính tả khi đặt dấu hỏi ( ?) cho từ cõi, hay đặt dấu ngã (~) cho từ trải. Hầu hết là họ đánh dấu giọng sai vị trí: những dấu đó thường được đánh vào chữ sau, đặt lên trên các phụ âm, hay đánh vào phía sau từ chứ không trên nguyên âm hay phụ âm nào[2]. Người Việt chúng ta vì quen từ quen mắt nên đọc ra ngay được, nhưng đối với người nước ngoài đã học cách đánh dấu đúng chữ Việt, họ không thể nào hiểu từ đó là gì và tại sao lại đánh dấu như thế. Thí dụ: “Trăm năm trong coĩ ngươì ta…”.

2. Các em học sinh lớp 1 học viết tiếng Việt như thế nào?

Trở lại câu chuyện giáo dục, từ bao nhiêu năm nay, các thầy cô dạy tiếng Việt cho các em học sinh lớp 1 bậc tiểu học, vẫn dạy cách đánh dấu giọng hay dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) phải đặt trên nguyên âm chứ không đặt trên phụ âm (x. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiếng Việt lớp 1, 2 tập , NXB Giáo dục Việt Nam, 2018).

Ngay từ bài đầu tiên của sách Tiếng Việt lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các thầy cô dạy các em học sinh viết chữ với những nét chính, nét phụ theo các đường căn bản như đường nền, đường chữ hoa, đường chữ thường, đường trên, đường dưới, phân biệt chữ in và chữ viết tay[3].

tap-cho-con-viet-chu-khong-kho-3 Khởi đầu với những từ có 1 nguyên âm như: bé bè bẻ bẽ bẹ (Bài 3), đến 2 âm như: mía, bìa, hoặc 3 âm như: chiều, chuối, bưởi, diều, rượu (Bài 35-42), rồi đến các vần có âm tiết cuối với 1 nguyên âm như bàn, sàn (Bài 44), đến 2 nguyên âm như điện, yến, chuồn chuồn (Bài 50) hoặc hai âm tiết cuối như: võng, luống, trường (Bài 56). Những bài sau cùng dành cho các vần khó như hoa, hoà, xoè, khoẻ (Bài 91), hoặc thoại, xoay (Bài 92), hoài, hoàng, hoằng (Bài 94), hoạt, choắt (Bài 96), hoặc huệ, huý (Bài 98), hay thuở, khuya (Bài 99).

Chắc chắn ở tuổi 6,7 các em chưa thể phân biệt được các chữ i, o , u trong một số vần lúc này là nguyên âm, lúc khác là bán phụ âm theo khoa ngôn ngữ học hiện đại. Nhưng các bài dạy trong giáo trình Tiếng Việt lớp 1 là hoàn toàn chính xác, dù các em học theo phương pháp của Bộ Giáo dục hay theo phương pháp Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại[4].

3. Người lớn chúng ta hiện nay đánh dấu ra sao?

Dù Việt Nam chúng ta đã có Viện Ngôn ngữ học, với những cuốn từ điển Tiếng Việt được coi như quy chuẩn cho việc sử dụng từ ngữ và viết chữ. Thí dụ như Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do giáo sư Hoàng Phê chủ biên[5], Từ điển Bách khoa Việt Nam[6] do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn. Nhưng việc dùng từ ngữ và nhất là cách đánh dấu giọng trên các từ vẫn còn rất tuỳ tiện.

Hơn nữa, chúng ta còn có Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành kèm theo bản “Quy định về Chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt”[7], và Quyết định số 09/1998QĐ-VPCP, ngày 25/11/1998 của Văn phòng Chính Phủ về cách viết hoa các tên riêng[8]. Tuy dù các văn bản pháp quy đó rất rõ ràng và cụ thể, nhiều văn bản của chính quyền cũng như của các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa giữ đúng các quy định đó. Các văn bản thường đánh sai dấu trên các vần oa, oe, uê, uơ, uy (Thí dụ: trong các từ hóa, lóe, hụê, thủơ, thúy,) vì không phân biệt được các chữ a, e, i, o, u, y có thể là nguyên âm và cũng có thể là bán phụ âm.

be-ren-chu-viet-1

Chúng tôi đã phân tích vấn đề và đã trình bày trong cuộc Hội thảo Khoa học ở Bình Định, từ ngày 12-13/1/2016, với chủ đề Bình Định với chữ Quốc ngữ[9]. Cách đặt dấu giọng sai sót này đang phổ biến và lan rộng trong các sách vở, báo chí, truyền hình. Nó đi ngược với sự chuẩn hoá của tiếng Việt theo đúng khoa ngôn ngữ học được Nhà nước quy định. Nó cũng biểu lộ tính phân hoá của người Việt Nam, thái độ coi thường pháp luật và không tôn trọng khoa học của người Việt Nam, khiến cho người nước ngoài đánh giá thấp giá trị tiếng Việt và chữ Việt.

Nguyên nhân: thái độ này bắt nguồn từ những dữ liệu trong lịch sử như cách đánh dấu giọng chưa chính xác trong các cuốn từ điển như Từ điển Việt La của giám mục Adran biên soạn năm 1771-1772, của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, Từ điển Việt Pháp của A. Caspar Lộc xuất bản năm 1877, và của J.M. Génibrel năm 1898, cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895-1896, cuốn Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý và các bạn xuất bản năm 2013, và một số từ điển Tiếng Việt mới đây của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Long chủ biên xuất bản năm 2007 hay do Quang Hùng, Minh Nguyệt biên soạn xuất bản năm 2007. Sự xuất hiện của các từ điển này đã gây rối loạn trong cách viết tiếng Việt hiện nay[10].

4. Văn hay chữ tốt

Cha ông ta thường nhắc nhở: văn hay chữ tốt, chứ không phải văn hay chữ đẹp. Có những người viết chữ rất đẹp giống như ông đồ xưa:

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay[11]

Tuy nhiên, nhìn nét chữ của người đó người ta có khi chỉ thấy tính bay bướm, ăn chơi phóng đãng của họ chứ không biểu lộ tâm hồn cao thượng, tốt đẹp . Vì thế người ta cần viết chữ tốt hơn là chữ đẹp. Văn là người và chữ cũng là người!

image-large-k8ijv Khoa tâm lý học hiện đại đã căn cứ vào những nét chữ viết tay để đoán ra tâm tính, tư cách, tài năng của con người. Người ta áp dụng việc phân tích nét bút của người viết trong các ngành tuyển dụng nhân sự, lựa chọn nghề nghiệp, giám định tư pháp. Các nhà tâm lý học còn cho rằng có sự liên hệ, tương quan giữa nét chữ và sức khoẻ tâm lý. Căn cứ vào nét chữ to, nhỏ, đậm, nhạt, nét mạnh mẽ, thẳng đứng hay cong queo, chữ rộng hay hẹp, khoảng cách giữa các từ nhiều hay ít, chiều cao của chữ hoa vừa hay thấp, độ nghiêng của chữ về bên phải hay bên trái… mà người ta có thể đoán ra phần nào khả năng, trí tuệ, tâm tính của người viết[12].

Thật ra, việc phân biệt rõ chính tà, tốt xấu của một người không thể chỉ căn cứ vào chữ viết bên ngoài, dù rằng chữ viết có thể giúp phỏng đoán phần nào khi dùng nó như dấu hiệu. Con người là một mầu nhiệm sau thẳm vô cùng, nên cha ông ta vẫn nhắc nhở:

Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người[13].

doi-chan-ky-dieu-cua-tham6 Người ta có thể sử dụng bút tích như một dấu hiệu để suy đoán, vì những nét chữ hình thành từ những thói quen lâu dài của con người, từ quan điểm về nghệ thuật, từ hoàn cảnh của người viết (cấp bách hay bình thường), từ tâm trạng (thư thái hay bất an). Nếu nét chữ chỉ là một dấu hiệu để suy đoán, thì ta cũng đừng dùng nó như một bằng chứng để quyết đoán về con người. Con người luôn mở ra tới vô biên và nét chữ có thể luôn thay đổi để việc suy đoán của ta không bao giờ tận cùng!

Có lẽ vì muốn cho con cái mình luyện được chữ tốt, nên cha mẹ thời xưa thường thúc giục con cái tập đồ các chữ theo các tập in sẵn để luyện chữ viết cho thẳng hàng, cân đối, hài hoà. Các cháu học sinh lớp 1 hiện nay cũng đang làm như vậy, nhưng nhiều cha mẹ lại ít quan tâm đến việc này, vì chữ viết của họ rất xấu, không dám làm gương cho con cái. Nhiều người viết mà người khác đọc không ra chữ khiến cho thi sĩ Nguyễn Khuyết phải than:

Văn hay chữ tốt ra tuồng
Văn dai như chão, chữ vuông như hòm!

5. Chữ Quốc ngữ – chữ nước ta

Chữ Quốc ngữ hiện nay là chữ ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, có bổ sung một số dấu phụ của tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, được các linh mục Dòng Tên phương Tây như Francisco de Pina, João Roiz, Gaspar Luis, Cristo Forro Borri, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Gaspar d’Amaral với sự cộng tác của người Việt Nam như Igesicô Văn Tín, Bento Thiệu sáng tạo ra trong khoảng 1620-1659[14].

chuaadida_full_chu-quoc-ngu-chu-nuoc-ta-tu-alexandre-de-rhodes-den-truong-vinh-ky Điều đáng ghi nhận ở đây là dù khoa ngôn ngữ học vào thời đó chưa được thành hình, nhưng trong các tác phẩm của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) như Phép giảng Tám ngày, Văn phạm Annam, nhất là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 ở Rôma, các dấu giọng được đánh rất chính xác trên các từ như hoá, hoà, hoả (tr.329-330) phân biệt với hào, hảo (tr. 315,316) hoặc trên các từ thuế (tr. 782), lào (tr.402) léo (tr.411) và loã lồ (tr.417) theo đúng với Từ điển khoa Ngôn ngữ học. Riêng vần uy với từ hủy (tr.341) và thủy (tr.783)[15], chúng tôi hiểu rằng những con chữ sắp tay đúc bằng chì thời đó chưa đúc được theo đúng ý của tác giả vì độ đặt dấu “nặng” dưới chữ y (ỵ) không thể thực hiện được như ta thấy tác giả Gustave Hue đã nói đến lý do này trong lời mở đầu cho cuốn Từ điển Việt Hoa Pháp xuất bản năm 1937 của ông ở Huế[16].

6. Vài cách viết nên sửa đổi cho thống nhất

6.1. Đặt dấu giọng trên các vần oa, oe, uê, ươ, uy

Chúng ta không thể nói đến việc đặt dấu giọng sai hay đúng đối với các bậc tiền nhân thuở trước, vì tiếng Việt là một sinh ngữ luôn luôn phát triển và khoa ngôn ngữ học hiện đại mới chỉ có mặt trên thế giới cách đây khoảng 100 năm, và trong nước ta khoảng 50 năm mà thôi. Việc không thống nhất dấu giọng trong các từ điển, sách báo từ thời Alexandre de Rhodes cho đến nay là chuyện bình thường trong việc hình thành và phát triển tiếng Việt.

photo1536639912643-1536639912644100990557 Tuy nhiên, một khi chúng ta đã có những nguyên tắc rõ ràng của khoa ngôn ngữ học để có cách đánh dấu chuẩn mực, được thể hiện qua các sách giáo khoa và từ điển như bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, thì chúng ta cần tiến tới sự thống nhất cách đặt dấu giọng trên toàn quốc và phổ biến cả ra nước ngoài để những ai học tiếng Việt tìm được sự trong sáng và hợp lý.

Việc thiếu thống nhất trong cách đặt dấu giọng trên các vần oa, oe, ue, uơ, uy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như do thói quen đánh dấu từ nhỏ, do việc tra cứu các từ điển không đánh dấu đúng theo ngôn ngữ hiện đại. Lý do quan trọng nhất là sự lầm lẫn giữa âm và chữ trong tiếng Việt.

Trong mỗi ngôn ngữ, người ta phân biệt phụ âm và nguyên âm. Tiếng Việt hiện nay có 33 chữ cái: A Ă Â B C D Đ E Ê F G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V W X Y Z với 5 thanh điệu: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng[17]. Tiếng Việt có khoảng 55 âm vị.

Khi ngôn ngữ học hiện đại chưa phát triển, rất nhiều người Việt cho rằng các chữ a e i o u y đều là những nguyên âm, nên việc phát âm và đặt dấu giọng trên các từ giống như nhau. Thí dụ: từ hào và từ hoà gồm hai “nguyên âm” ao, vì thế đặt dấu giọng vào giữa là giống nhau và hợp lý nên viết “hào” và “hòa”. Tương tự, các vần eo và oe với từ héohoè với hai “nguyên âm” eo nên viết “héo” và “hòe”; vần iu và ui, uy với từ thiu, thúi, thúy vì cho rằng đó là các “nguyên âm” i, uy. Khi đặt dấu giọng như thế, người ta thấy cân đối và đẹp nữa. Nhưng khi gặp vần êu và uê với từ tếutuế, người ta lại đặt dấu giọng khác nhau dù vẫn là “nguyên âm” êu. Các từ điển đều đặt dấu giọng ở âm sau trên các từ huệ, huề, Huế, cũng như khi gặp vần uơ trong từ thuở. Người ta không còn đưa ra lý do cân đối mà giải thích theo thói quen, như ta thấy đa số trong các từ điển, sách báo và trên các phương tiện truyền thông hiện nay.

Cong-Nghe-Giao-Duc (1)

Với ngôn ngữ học hiện đại, người ta phân biệt các chữ a e i o u y có thể là nguyên âm nhưng cũng có thể là bán nguyên âm (hay bán phụ âm) tuỳ theo cách đọc từ của mỗi dân tộc. Mỗi từ trong tiếng Việt được gọi là âm tiết. Đây là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói. Âm tiết trong tiếng Việt gồm âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu được biểu lộ thành không dấu hay dấu giọng. Theo truyền thống, âm tiết tiếng Việt được chia thành 2 phần: âm đầu và vần. Căn cứ vào phương thức kết thúc, âm tiết tiếng Việt được phân thành bốn loại: âm tiết mở, âm tiết nửa mở, âm tiết nửa khép và âm tiết khép.

Trong tiếng Việt có 2 bán nguyên âm: /w/ và /j/ có đặc tính giống như nguyên âm /u/ và /i/ nhưng được phát âm lướt, không mở đầy đủ như /u/ và /i/ [18]. Dấu giọng chỉ được đặt trên nguyên âm của một từ, vì khi “nguyên âm kết hợp với các âm tố khác, nó luôn tạo thành đỉnh của vần”[19].

Trong các vần oa oe, uê, uơ, uy người ta không phân biệt được các âm đầu (chữ o và u) chỉ là bán nguyên âm /w/, còn các âm sau mới là nguyên âm và là âm chính, nên dấu giọng phải đặt trên nguyên âm này. Trong từ hoà /hwà/: chữ o là bán nguyên âm nên dấu giọng phải đặt trên nguyên âm a, còn trong từ hào /hàw/: chữ o là bán nguyên âm.

Tương tự, trong từ héo /héw/: chữ o là bán nguyên âm, còn trong từ hoè /hwè/: chữ o cũng là bán nguyên âm. Trong các từ tếu /tếw/, tuế /twế/ chữ u là bán nguyên âm, nên dấu giọng được đánh trên nguyên âm ê. Trong các từ thìu /θìw/, thúi /θúj/ hai chữ i ở đây rất khác nhau: chữ đầu là nguyên âm, chữ sau là bán nguyên âm /j/, nên dấu giọng được đánh trên nguyên âm i ở từ đầu và nguyên âm u ở từ sau. Nếu so sánh hai từ thúi /θúj/ và thuý /θwí/ ta sẽ thấy hai chữ u rất khác nhau: chữ u trong từ đầu là nguyên âm, chữ u ở từ sau là bán nguyên âm, nên vị trí đặt dấu khác nhau. Trong tiếng Việt, nhiều khi có 3 chữ được coi là nguyên âm viết liền nhau, nhưng phân tích về mặt ngôn ngữ học, ta chỉ thấy có 1 nguyên âm hay nguyên âm đôi. Thí dụ: ngoài /ηwàj/, tiêu /tiêw/, điều /điềw/.

Chính vì dựa trên cách phiên âm theo ngôn ngữ học hiện đại mà Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ và bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng như các sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt dấu giọng trên các nguyên âm trong các vần oa, oe, uê, uơ, uy như trong các từ hoà, hoả, hoá, hoạ, hoè, huệ, thuỷ, thuở. Khi đặt đúng dấu giọng như thế chúng ta mới giải thích cho những ai học các ngoại ngữ thấy sự hợp lý của các dấu giọng trong tiếng Việt.

Các âm trong từ còn được đo lường bằng dụng cụ để xác định đó là âm tiết chính hay âm đệm, mở hay khép, nửa mở hay nửa khép. Phụ âm còn được chia theo vị trí cấu âm thành âm môi-môi, môi-răng… hay theo phương thức cấu âm thành âm tắc, âm xát, âm tắc xát, âm rung, âm bật hơi…vì ngôn ngữ học hiện đại là một khoa học chính xác, căn cứ trên dữ liệu thực tế chứ không phải do thói quen hay do kiểu viết cân đối cho đẹp mắt. Ta có thể cảm nghiệm và phân biệt giữa nguyên âm và bán nguyên âm bằng cách khi đọc các vần oa, oe, uê, uơ, uy, môi và miệng chúng ta bó buộc phải chụm lại giống như nhau và đọc lướt nên đó là bán nguyên âm /w/.

Nếu so sánh với tiếng Anh ta cũng thấy có sự tương tự. Nhiều người Việt Nam cảm thấy khó phân biệt các âm với chữ viết, nhất là đối với bán nguyên âm /w/ và /ju/ trong các từ bắt đầu bằng chữ o hay u. Thí dụ: chữ o trong các từ onus, onyx, opinion… là nguyên âm, trong khi chữ o trong các từ one, once,.. là bán nguyên âm /w/. Hoặc chữ u trong các từ ulcer, umbrella, unbelief, unguis … là nguyên âm /ᴧ/ trong khi chữ u trong các từ unit, uniform, unicycle…là là bán nguyên âm /ju/. Điểm phân biệt này khá quan trọng để ta có thể dùng đúng các mạo từ a, an hoặc đọc đúng mạo từ the /ðe/ hay /ði/ trước các từ đó.

chu-quoc-ngu-cover

6.2. Thống nhất cách viết hoa các tên riêng

– Về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài

Chúng ta cần tuân theo đúng Quy định số 240/QĐ, ngày 5/3/1984, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Chính tả tiếng Việt, về Thuật ngữ tiếng Việt và quy định số 09/1998QĐ-VPCP, ngày 25/11/1998, của Văn phòng Chính phủ về Cách Viết hoa các Tên riêng.

Cụ thể là chúng ta viết nguyên ngữ theo tiếng Latinh, viết liền các âm tiết, không có dấu giọng và cũng không viết phiên âm trong ngoặc đơn. Thí dụ: Marcus, Aurelius, Washington, Bastille. Chúng ta giữ nguyên những địa danh đã được Việt hoá quá quen thuộc như: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Chúng ta giữ hình thức chuyển ngữ sang tiếng Latinh đối với những tên bản ngữ không phải là tiếng Latinh như: Poutine, Araphat, Tagore như đã được Quy định trong các văn bản quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

– Đối với các tên riêng của Công giáo Việt Nam, chúng ta nên theo sát cách viết đã được giới thiệu trong cuốn Từ điển Công giáo (gồm 2022 mục từ) của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2019. Thí dụ: Giêsu Kitô, Maria, Clara… thay vì viết Giê-su Ki-tô, Ma-ri-a, Cơ-la-ra…

– Về cách viết hoa các tổ hợp tên riêng

Chúng ta nên phân biệt tổ hợp chữ hoa gồm nhiều thành tố. Viết hoa chữ đầu âm tiết tạo nên tên riêng (yếu tố 1), viết hoa âm tiết đầu của các từ bổ nghĩa (yếu tố 2), viết hoa tất cả các âm tiết tạo nên tên riêng (yếu tố 3). Thí dụ:

Yếu tố 1 Yếu tố 2 Yếu tố 3

Bộ Văn hoá, Du lịch Việt Nam

Văn phòng Chính phủ Việt Nam

Nhà máy Sản xuất Phích nước Hoà Bình

Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam

Hội thánh Tin lành Việt Nam

Ban Loan báo Tin mừng Giáo xứ Trà Kiệu

Lời kết

Người tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta có quyền tự hào vì đã đóng góp vào việc phát minh ra chữ Việt và đã chịu biết bao đau khổ, bách hại, thậm chí dâng hiến cả mạng sống để bảo vệ những giá trị văn hoá cao quý của Công giáo. Tuy nhiên hình như chúng ta chưa biết bảo tồn và phát huy những giá trị của tiếng Việt và chữ Việt: rất nhiều sách báo Công giáo hiện nay không tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn khoa ngôn ngữ học, chúng ta cũng chưa thúc đẩy việc sáng tác các thơ văn để có nhiều tác phẩm có giá trị văn học. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa để khỏi thẹn với cha ông và có trách nhiệm nhiều hơn với thế hệ tương lai.

0013088

————————————————————

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn đã quan tâm thế nào với chữ viết của bạn?

2. Bạn nghĩ mình nên làm gì để cổ vũ cho việc phát triển văn học Công Giáo?

————————————————————

Chú thích:

  1. Theo Bộ Thông tinTruyền thông, có 60 triệu người Việt Nam sử dụng internet 7 giờ/ngày trên tổng dân số 95 triệu người. Báo Thanh Niên ngày 10/12/2018, tr.7, chiếm hơn 60% Facebook 60tr.

  2. Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật Chữ, giáo trình trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, NXB Giáo Dục, 1996.

  3. x. Hình ảnh bài Tiếng Việt lớp 1, Tập 1, tr 1-3.

  4. x. Tranh cãi về Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1, Người trong cuộc nói gì, Báo Tuổi Trẻ, ngày 9/9/2018, tr.1,2,3; Báo Thanh Niên, ngày 9/9/2018, tr.5.

  5. x. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng-Vietlex, Hà Nội, 2013.

  6. x. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 1995-2005.

  7. x. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, tr.V.

  8. x. Quy định Số: 09/1998/QĐ-VPCP, Thư viện Pháp Luật, Internet.

  9. x. Tài liệu Hội thảo, Lm. Nguyễn Ngọc Sơn; Bài tham luận Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại, tr.519-527.

  10. x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, ngày 12-13/1/2016, tr.520-523.

  11. x. Vũ Đình Liên, Bài thơ Ông Đồ, sáng tác năm 1936.

  12. x. Internet, 6/12/2018, Chữ viết thể hiện tâm người, có thể phân biệt rõ người chính kẻ tà, Bài của Tuệ Minh; Chỉ cần nhìn chữ viết, tôi có thể nói bạn là người thế nào, Bài của R.D.

  13. x. Internet, bài Ngộ nhận trong tâm lý học: chữ viết tiết lộ được những đặc điểm tính cách của con người. Tác giả của cuốn 50 ngộ nhận phổ biến của tâm lý học phổ thông. S.O. Lilienfeld, S.J. Lynn; J.Ruscio. Người dịch Nguyễn Hoàng.

  14. x. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, NXB Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.

  15. x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.520.

  16. x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.523.

  17. x. Quyết định số 240/QĐ, ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Quy định về Chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt.

  18. x. Từ diển Bách khoa Việt Nam, mục từ Âm tiết, Q. 1, tr.118.

  19. x. L.R. Zinder, Giản yếu lý thuyết đại cương về chữ Việt, Mokba, 1987; Bùi Khánh Thế, Nhập môn Ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, 1995, tr.53.

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 21: Làm tốt cho đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

Rất nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, nghĩ rằng lao động chỉ xứng đáng nếu nó làm ra được nhiều tiền của vật chất, chỉ có ý nghĩa khi dùng tiền của ấy sắm sửa cho mình nhiều tiện nghi: quần áo, xe cộ, nhà cửa… Người ta đã hiểu lầm lao động khi thấy những cầu thủ bóng đá: chỉ chơi vài trận, đã kiếm được hàng tỉ đồng và được báo đài ca tụng như anh hùng của đất nước. Người ta coi thường lao động tay chân hay trí óc khi nhìn những ca sĩ, diễn viên biến hình thành thần tượng dưới ánh đèn sân khấu đủ mầu. Họ chỉ cần hát một bài, diễn một tiết mục ngắn, cũng nhận được cả trăm triệu đồng! Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đó mới là những nghề nghiệp đáng mình theo đuổi và đó mới là cuộc đời đáng sống! Nhiều người quả thật đã không hiểu được ý nghĩa của lao động.

Vậy lao động là gì? Làm thế nào tìm được nguồn lực để ta làm việc luôn mãi và làm tốt cho đời? Đây mới thật sự là những câu hỏi đáng ta quan tâm.

Kết quả hình ảnh cho đức thánh cha lao động

1. Lao động là gì?

Lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội[1]. Lao động còn được hiểu là việc làm vụ cụ thể hoặc sức người bỏ ra để tạo ra sản phẩm, như khi ta nói: “trả lương theo lao động”, hoặc “nâng cao năng suất lao động”.

Người ta còn phân biệt Người lao động là người thợ hay nhân công, là người làm công ăn lương, đóng góp lao động và chuyên môn để nỗ lực tạo ra sản phẩm cho người chủ. Người lao động (ở Việt Nam, theo khoản 1 điều 3 Bộ luật Lao động 2012) là người đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Người lao động có thể là người:

– Lao động phổ thông, lao động chân tay như công nhân, thợ, nông dân làm thuê, người giúp việc.

– Lao động trí óc hoặc lao động văn phòng: nhân viên (công chức, tư chức), cán bộ, chuyên gia.

Đối với chính công việc phải làm: người ta cũng phân biệt các loại như lao động giản đơn, lao động phức tạp, lao động lành nghề, lao động cụ thể, lao động trừu tượng, lao động làm thuê, lao động nông nghiệp, lao động thặng dư, lao động theo mùa, lao động quá khứ, lao động xã hội cần thiết, lao động xã hội trực tiếp,[2]… Những từ chuyên môn này nói lên tính cách phong phú và đa dạng của lao động con người.

2. Lao động trong đời sống hiện nay

Ngay từ lúc xuất hiện trên mặt đất, lao động là định luật bắt buộc để bảo tồn sự sống cho muôn loài. Những cây cối, dù to hay nhỏ, đều cố gắng vươn những cành lá ra chỗ có ánh sáng để biến dòng nhựa nguyên, do những chiếc rễ con con mỗi ngày cắm sâu vào lòng đất nước rút ra, thành dòng nhựa luyện nuôi sống toàn thân để đến mùa mới nở hoa thơm, sinh trái ngọt cho đời. Những con ong, con kiến cần cù làm việc từng ngày mới có thể tồn tại và phát triển bầy đàn. Dù trái đất có cung cấp cho chúng đủ loại nguyên vật liệu nhưng nếu không lao động cần cù, chúng sẽ chết khô, chết đói như những chú ve ca hát suốt cả mùa hè[3].

Con người thời sơ khai sống theo bộ lạc cũng lao động không ngừng để bảo tồn sự sống. Công việc được phân chia cho mọi người một cách đồng đều để cùng làm cùng hưởng. Ai không làm thì cũng không đáng ăn, đáng sống, đúng như cha ông ta có câu tục ngữ: “Tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ”. Nhờ lao động, con người tách khỏi giới động vật, thực vật, có thể chế ngự được những sức mạnh của thiên nhiên như lấp sông, phá núi, lấn biển, thuần hoá gia súc để phục vụ mình. Nhờ lao động, con người biết chế tạo ra các công cụ, phát huy khả năng và kiến thức của mình để làm cho đời sống cá nhân được no đủ và xã hội phát triển.

Nhưng khi con người sản xuất ra nhiều hàng hoá dùng không hết, con người bắt đầu trao đổi và có những quan hệ sản xuất với nhau, phân chia công việc để có những loại lao động khác nhau. Con người vượt qua xã hội nguyên thuỷ cùng làm cùng hưởng, sở hữu chung tư liệu sản xuất và sản phẩm để chuyển thành xã hội có sự đối kháng giữa các giai cấp. Giai cấp nào chiếm hữu được nhiều tư liệu sản xuất, có nhiều đất đai, dụng cụ sản xuất thì sẽ sản xuất được nhiều hàng hoá sản phẩm và trở thành giai cấp hùng mạnh và bóc lột giai cấp yếu kém hơn.

Từ đó những loại lao động cần nhiều sức lực thể chất của con người như làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi gia súc và những thợ thủ công như thợ may, thợ rèn, thợ mộc… bị đánh giá thấp so với những loại lao động trí óc của những người lãnh đạo, quản lý, dạy học, chữa bệnh, làm các nghi thức tôn giáo… Những người làm việc tinh thần sống nhàn nhã và được trả lương cao hơn, nên người ta coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay, dù rằng theo sự phân công trong xã hội cả hai đều cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng con người và đáng lý phải được coi trọng như nhau. Con người dần dần thích nhàn nhã, “ăn trắng”, “mặc trơn” và coi thường những người phải làm các ngành nghề vất vả, bẩn thỉu, nguy hiểm như nghề thợ mỏ, nghề quét dọn vệ sinh. Đôi khi do ảnh hưởng của tôn giáo, người ta còn coi thường một số nghề như giết mổ động vật, phối giống động vật, diệt trừ sâu bọ… vì giới luật cấm sát sinh, phải thánh thiện.

Trong một số xã hội không coi trọng con người, không nhận ra mọi người là anh em của nhau, dù khác biệt về màu da, về tín ngưỡng, về tôn giáo, về giai cấp xã hội, về ngôn ngữ dân tộc… thì người lao động, hay sức lao động, trở thành một thứ hàng hoá để trao đổi, bán buôn. Con người bây giờ chỉ còn là một công cụ để sản xuất ra hàng hoá và những con người có chức quyền, có tiền của thường bóc lột sức lao động ấy để tạo ra đủ loại chế độ nô lệ và hình thức buôn người.

lam 3 Dù chế độ nô lệ trực tiếp trong những đế quốc như Hy Lạp, La Mã và nhiều đế quốc châu Âu thời Trung cổ đã chấm dứt, nhưng những hình thức buôn người mới vẫn đang tồn tại giữa lòng xã hội văn minh hiện nay. Người ta buôn bán nội tạng như quả tim, quả thận với giá của vài trăm triệu đồng, mà đôi khi những người nghèo khổ liều mình bán đi để cứu gia đình. Người ta buôn bán thân xác để thoả mãn những bản năng thấp kém của con người bằng cách lừa dối những cô gái, chàng trai nghèo túng bán mình để làm việc trong những nhà hàng, quán bar, quán massage trá hình, hộp đêm… Người ta lừa dối những con người muốn mau chóng làm giàu bằng cách lén lút đưa họ qua những nước Âu, Mỹ giàu có để làm những công việc tay chân vất vả hay những nghề nghiệp nguy hiểm, phạm pháp như trồng cần sa, buôn bán ma tuý… khiến nhiều người phải chết oan như người ta mới tìm thấy 39 thi thể của người Việt chết tức tưởi trong một container để nhập lậu vào Anh quốc ngày 23/10/2019, ở hạt Essex.

Chủ nghĩa Cộng sản và Tư bản đã cố gắng đi tìm ý nghĩa của lao động để giới thiệu những loại hình xã hội không còn cảnh người bóc lột người, hay người buôn người, mà ai nấy đều làm việc với tinh thần tự giác, sáng tạo để cùng xây dựng một cộng đồng xã hội trong đó mọi người đều coi nhau là anh chị em của đại gia đình nhân loại. Tuy nhiên, cả hai chủ nghĩa này đều nhận ra rằng không thể nào xây dựng một xã hội lý tưởng nếu không giáo dục hay đào tạo được những con người hiểu rõ về giá trị lao động, làm chủ được những tham vọng, dục vọng của mình để nhận ra mọi người đều là con cái của Người Cha Tạo Hoá luôn làm việc không ngừng.

3. Vượt qua những lao động bất chính

Khi chúng ta hiểu lao động là định luật cần thiết để sống còn của con người, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi được làm chung với mọi người để thăng tiến sự sống của cá nhân mình và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội. Do những áp lực của xã hội và thiếu hiểu biết về ý nghĩa của lao động nên nhiều người đã không muốn làm việc hay chỉ làm việc cầm chừng. Chúng ta đã biết đến cuộc hội nhập văn hoá của dân tộc Việt Nam hơn 10 thể kỷ khi bị người Trung Quốc đô hộ, đã làm cho người Việt hiểu lầm lao động là một hình thức khổ sai triền miên và chỉ làm việc cầm chừng dưới ánh mắt của người khác, cũng như sẵn sàng ngưng làm việc nếu không bị ai theo dõi hay bắt buộc. Hơn nữa, đời sống khó khăn thiếu thốn đã làm cho người ta tìm hết cách để thu lợi từ lao động của mình chứ không thật tâm làm việc vì công ích, vì liên đới với người khác. Kết quả là “trước khi làm việc, ai cũng ngại khó; khi đang làm việc, ai cũng sợ khổ; khi làm xong việc, ai cũng kể công”.

Vì không coi chủ thể và đối tượng lao động là những con người có phẩm giá cao quý, là anh em trong cùng một gia đình nhân loại, nên khi lao động, người ta chỉ coi nhau như những món hàng để mua bán hay như những phương tiện sản xuất ra hàng hoá để thu lợi cho mình. Từ đó chúng ta thấy có nhiều người lao động bất chính, nhiều nghề bất công, sản xuất ra những hàng hoá độc hại gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.

Kết quả hình ảnh cho một người làm quan cả họ được nhờ * Người Việt Nam thường quan niệm: “một người làm quan cả họ được nhờ”, nên những ai tham gia vào chính quyền, trở thành công chức là nghề béo bở nhất. Vì thế chúng ta thấy nạn tham nhũng xảy ra khắp nơi, trở thành một quốc nạn, có thể dẫn dân tộc chúng ta đến chỗ diệt vong. Người ta lợi dụng những chức vụ trong chính quyền, trong đảng phái để thu lợi cho cá nhân, cho phe nhóm, mà không quan tâm đến công ích và vận mệnh dân tộc. Xã hội vẫn thường nói “nhất thân, nhì thế” nên người ta dùng chức vụ mình đang có để chiếm những nguồn lợi kinh tế lớn lao của đất nước, chiếm độc quyền trong một số ngành nghề, chiếm những tài nguyên thiên nhiên như đất cát, rừng núi, sông biển… để xây dựng cho cá nhân mình, cho gia đình mình, thậm chí bán cả đất đai cho kẻ xâm lăng.

* Rất nhiều nghề ở Việt Nam hiện nay không còn mang tính cao thượng, tốt đẹp như trước đây, do cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, kiếm tìm danh lợi bằng bất cứ giá nào. Không ít những bác sĩ khai thác bệnh nhân bằng những yêu cầu xét nghiệm, siêu âm, giải phẫu dù không cần thiết. Không ít những dược sĩ cố tình bán những loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Không thiếu những giáo sư, giảng viên mua học vị tiến sĩ, thạc sĩ bằng tiền hay chép lại những luận văn của người khác để biến thành luận án của mình. Không thiếu những thầy giáo, cô giáo cho điểm học trò theo những quà cáp hay bó buộc học thêm trong những lớp dạy kèm ở nhà mình. Không thiếu những người tốt nghiệp với những bằng cấp mua được từ những trường đại học, học viện, cao đẳng bằng những đồng tiền bất chính hay bằng uy thế của cha mẹ là những người có chức quyền. Không thiếu những sinh viên, học sinh chỉ lười biếng, kém cỏi, nhưng vẫn nhận được điểm xuất sắc nhờ quà cáp hay chiều chuộng đủ kiểu để lấy lòng thầy cô. Như thế, nhiều nghề nghiệp cao quý trước đây đã bị bôi bẩn chỉ vì lòng tham và lòng dục của con người.

Kết quả hình ảnh cho sản xuất hàng độc hại * Cũng từ lòng tham và lòng dục này, nhiều nghề nghiệp đã trở thành phương tiện để thu lợi bất chính khiến người dân Việt không biết tin vào ai, dùng hàng hoá nào để cuộc sống an lành. Những nông dân dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón độc hại khiến cho nông sản không còn an toàn; những người chăn nuôi dùng hoá chất tăng trọng, thuốc kháng sinh quá lượng, những ngư dân dùng hoá chất ướp cho thuỷ sản được lâu bền, dù biết rõ những hoá chất này rất nguy hiểm cho sự sống con người và sự phát triển của dân tộc.

Những nghề nghiệp này trước đây rất cao quý, bây giờ lại trở thành những cơ hội, tạo nên bất công và tội ác, nhưng xã hội hiện nay hầu như vẫn im lặng để mặc cho con người hành động. Nếu không có một sự giáo dục lương tâm nhạy bén nhờ sự giúp đỡ của các tôn giáo, thì những người làm các nghề nghiệp này vẫn coi hoạt động sai trái của họ là chuyện đương nhiên cần phải làm để sản xuất ra hàng hoá.

* Một số ngành nghề mới trong lĩnh vực thông tin đại chúng cũng là dịp gây hại cho con người, vì làm vẩn đục tinh thần của những người thụ hưởng. Việt Nam hiện nay có hơn 96 triệu dân và hơn 60 triệu người đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như truyền thanh, truyền hình, báo chí, internet và các mạng xã hội. Rất nhiều người đang hành động gian dối, lừa bịp trong lĩnh vực này khi họ loan báo những tin tức sai lạc, cố ý lèo lái quần chúng theo ý đồ nào đó của chính quyền hay của các công ty thương mại, khi đưa ra những sản phẩm dối trá, kém chất lượng, cổ vũ bạo lực, những trò chơi trực tuyến lồng ghép những cảnh dâm ô, những phim ảnh đồi truỵ, những kiểu hài hước tục tĩu, thấp hèn.

* Khi con người tôn thờ tiền bạc như ông chủ của đời mình, như vị thần quyền năng có thể làm được hầu như mọi chuyện, thì sẽ có nhiều nghề nghiệp bất lương và nhiều người lao động trong lĩnh vực xấu xa này để kiếm thật nhiều tiền. Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta thấy không thiếu những nghề bất chính như mãi dâm, buôn bán ma tuý, bảo kê của xã hội đen, môi giới đủ loại như chạy án giảm thuế, cho vay nóng, buôn bán hàng trộm cắp, in ấn sách báo lậu, làm bằng cấp giả, đòi nợ thuê… Không ít người sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời, dám mất hết danh dự và làm ô nhục gia đình để theo đuổi những nghề nghiệp bất lương đó.

4. Giáo huấn Xã hội của Công giáo về lao động con người

Cuộc xung đột về ý nghĩa của lao động giữa chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản kéo dài hơn một thế kỷ, kể từ khi Karl Marx (1818-1883) viết cuốn Tư bản[4]. Nhưng cuộc xung đột này tự nó kết thúc vào cuôi thế kỷ 20 khi các dân tộc nhận ra rằng chủ nghĩa nào cũng cực đoan và sai lầm khi chỉ phân tích và nghiên cứu con người lao động theo khía cạnh riêng lẻ chứ không tổng hợp, phiến diện chứ không toàn diện. Cuối cùng các nước theo hai chủ nghĩa đó đã đề cao nền kinh tế thị trường như ta thấy hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho Lao động trong đời sống hiện nay Trong thực tế, không có một nền kinh tế thị trường nào hoàn toàn tự phát vận hành theo đúng luật thị trường, cũng như không có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung hoàn toàn. Thay vào đó, hầu hết các nước có nền kinh tế hỗn hợp. Tuỳ ở mỗi nước mà các yếu tố thị trường và yếu tố can thiệp của Nhà nước có nhiều hay ít. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam và gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển chủ nghĩa xã hội. Nhưng cho đến nay, chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ ràng, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008 về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế này. Theo chính phủ Việt Nam, nguyên nhân tình trạng này là do hệ thống kinh tế đó hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử[6].

Khi lao động, con người trước hết làm việc cho mình hay cho gia đình mình với tất cả những cố gắng sáng tạo, để có những sở hữu bảo đảm cho cuộc sống và tương lai như chủ nghĩa Tư bản bảo vệ. Tuy nhiên, con người luôn liên đới với xã hội, với cả cộng đồng nhân loại nên cũng cần phải điều hoà các quyền lợi cá nhân để tất cả cùng phát triển như chủ nghĩa Cộng sản đề cao. Chối bỏ một yếu tố nào của con người toàn diện đều làm cho nền kinh tế bị sụp đổ như thực tế lịch sử đã minh chứng đối với cả hai chủ nghĩa trên.

Giáo hội Công giáo đã trình bày học thuyết của mình về lao động con người ở chương 6 của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004 (x. tr.191-230) và trình bày đặc biệt dễ hiểu cho giới trẻ trong chương 6 của cuốn Docat, xuất bản năm 2016 (x. tr.136-157, từ câu số 134-157) với tựa đề Nghề nghiệp và ơn gọi. Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm cơ bản sau đây:

4.1. Bốn nguyên tắc hướng dẫn hành động

Lao động trước tiên là hành động có chủ ý của con người nên phải tuân theo 4 nguyên tắc hướng dẫn hành động mà chúng ta đã tìm hiểu trước đây:

– Nguyên tắc Nhân vị[7]: Chủ thể hành động và đối tượng của hành động là những con người có phẩm giá cao quý vì là con cái Thiên Chúa nên phải hành động đúng đắn, không được xúc phạm hoặc làm hại con người.

– Nguyên tắc Công ích[8]: chủ thể hành động phải nhắm đến ích lợi chung nghĩa là hướng đến thiện ích để giúp cho mình và cho mọi người được phát triển toàn diện và mỹ mãn.

– Nguyên tắc Bổ trợ[9]: hành động của chủ thể nhằm trợ giúp cho đối tượng phát triển để họ tự hành động chứ không làm thay họ.

– Nguyên tắc Liên đới[10]: hành động của chủ thể liên đới và nối kết với muôn người, muôn vật nên cần phải cẩn trọng và khôn ngoan cũng như dám hy sinh quyền lợi cá nhân để liên kết với người khác.

4.2. Vài nguyên tắc hướng dẫn lao động

Tuy nhiên, lao động còn là một hành động xã hội cụ thể tạo ra sản phẩm vật chất hay tinh thần cho cộng đồng nên nó còn được quy định bởi một vài nguyên tắc căn bản sau đây:

+ Lao động là lời mời gọi của Thiên Chúa Tạo Hoá cho con người tham gia vào công trình sáng tạo của Ngài (x. St 2.2; G 38-41; Tv 104; Tv 147). Ngài đã tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người theo hình ảnh Ngài và kêu mời con người lao động trên đất đai (x. St 2,5-6), canh tác và chăm sóc vườn Eđen mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó (x. St 2,15) để con người lao động như chính Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Như thế, lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội. Do đó, lao động không phải là một hình phạt hay một sự chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc khi con người (qua Ađam – Eva) phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (x. St 3,6-8), cắt đứt nguồn sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu là Thiên Chúa. Vì thế, con người không còn đủ sức khoẻ để làm việc, không còn khôn ngoan để làm việc cho có hiệu quả tốt và không còn tình yêu để thấy lao động là nguồn của hạnh phúc vì làm được một điều gì đó cho người mình yêu thương. Người đó là chính Thiên Chúa và cũng là những con người mình sống với. Như thế lợi nhuận hay tiền của kiếm được từ lao động không phải là mục tiêu số 1 của lao động, nhưng mục tiêu đó là để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

+ Lao động là dịp may để thăng tiến con người và phát triển xã hội[11]. Thiên Chúa dựng nên con người giống Ngài và từng giây phút Ngài ban cho con người sức lực, tài năng, ân sủng và tình yêu. Khi lao động, con người phát huy những ơn lành ấy để thăng tiến bản thân, cải tạo trái đất cho xanh tươi tốt đẹp, phát triển cộng đồng cho giàu mạnh, an lành. Tuy nhiên, khi lao động con người phải luôn biết tự chủ: để không bị lao động cuốn hút mình đến độ chỉ biết công việc, làm nô lệ cho công việc. Vì thế, luật nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật giúp cho con người được tự do đầy đủ hơn để không trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như không bị bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai.

+ Lao động với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu là tham gia vào công trình cứu độ của Người. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa. “Bản thân Người sau khi trở nên giống chúng ta mọi sự, đã dành phần lớn năm tháng sống trên đời này để lao động tay chân trên bàn thợ mộc”[12], tại xưởng của Thánh Giuse (x. Mt 13,55; Mc 6,3). Trong nhiều dụ ngôn, Đức Giêsu dạy chúng ta phải trân trọng lao động (x. Mt 25,14-30; 9,37-38), Người nói đến việc người thợ đáng hưởng lương (Lc 10,7). Chính trong lao động, chúng ta bắt chước Chúa Giêsu mang lấy thập giá hằng ngày của mình và bước theo Người trên con đường sự thật và sự sống để cứu rỗi con người và cứu độ vạn vật [13].

Trong những năm tháng sống trên trần thế, Đức Giêsu làm việc không ngừng, làm nhiều việc lớn lao để giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và chết chóc[14]. Ngài lao động cả ngày “sabat”, không phải vì nô lệ cho công việc nhưng muốn xác định lại ý nghĩa nguyên thuỷ của ngày sabat: “được lập ra cho con người chứ con người không được dựng nên cho ngày sabat” (Mc 2,27). Điều đó muốn nói rằng sabat là ngày giải phóng con người khỏi nô lệ cho công việc, tìm được sự nghỉ ngơi, tìm về nguồn của sức lực lao động là Thiên Chúa và mục đích của lao động là tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó cũng là lý do tại sao người tín hữu đến nhà thờ tham dự thánh lễ và nhất là rước Mình Máu Chúa Giêsu Kitô để có sức lao động trong tuần sống.

+ Lao động theo những ngành nghề khác nhau nhưng chung một tình yêu. Đức Giêsu dạy chúng ta điều đó qua dụ ngôn “Những nén bạc” (x. Mt 25,14-30). Chúa giao cho mỗi người những nén bạc khác nhau: người 5, người 2, người 1. Nghĩa là từng người, theo ơn gọi khác nhau, Ngài trao phó những điều kiện vật chất, tài năng tinh thần và ân sủng khác nhau. Ngài mời gọi chúng ta lao động giống như Chúa Giêsu và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm cho những nén bạc ấy sinh lời cho Chúa, đồng thời tạo nên hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài.

Những ngành nghề chính đáng, dù là lao động tay chân hay trí óc, chỉ là sự phân công trong xã hội để mỗi người mỗi việc, nhưng mọi người đều có chung một bổn phận là làm phát triển chính mình và xã hội, có chung một mục đích là cứu độ thế giới và có chung một phương tiện là tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Dù ta chỉ là một người phụ nữ lo việc nội trợ trong gia đình, một công nhân làm những công việc giản đơn trong công ty, xí nghiệp, hay một người thất nghiệp đi bán vé số ngoài đường, thậm chí đi nhặt rác…nhưng nếu ta làm với tất cả tình yêu dành cho Chúa và cho anh chị em mình, như vậy là đã đủ rồi. Đó là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Trong sự phân công xã hội, không thể tất cả đều làm giám đốc hay người quản lý. Mỗi người, qua ơn gọi lao động và tài năng Chúa ban, chúng ta đóng góp vào kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là đem tình yêu cứu độ thế giới.

Kết quả hình ảnh cho dạy trẻ lao động

Chúng ta đưa tình yêu vào trong từng công việc, qua từng nồi cơm ta nấu, từng chậu quần áo ta giặt, từng công việc học hành mà mỗi học sinh thực hiện hằng ngày. Thánh Thần Tình yêu sẽ thánh hoá mọi việc ta làm, làm cho chúng trở thành thánh thiện vì được kết hợp với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Người.

Hơn nữa, qua dụ ngôn “Người thợ làm vườn nho” (x. Mt 20, 1-16), Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là người chủ rất cảm thông những nỗi khó nhọc, vất vả của ta trong vườn nho cuộc đời. Do tính chất công việc, hoàn cảnh xã hội, điều kiện vật chất và tinh thần mỗi người khác nhau, nên công việc có thể nhàn nhã với người này, nhưng lại nặng nhọc với người kia. Vào ngày cuối cuộc đời, tất cả đều lãnh một quan tiền như nhau. Có thể khi so sánh nỗi cực khổ bên ngoài, có người thấy Chúa hình như đối xử bất công với mình vì họ phải chịu đựng gian nan khốn khó hơn nhiều người khác. Tuy nhiên tất cả chúng ta được mời gọi bỏ đi ánh mắt ghen tị đối với anh chị em để nhận ra tình yêu của Cha trên Trời từng giây phút ban cho ta muôn ơn lành hồn xác và cả trái đất này làm sản nghiệp chung, ban cho ta Người Con Một yêu quý để chết thay cho ta và sống lại vì ta, ban cho ta cả Thánh Thần Tình Yêu tràn ngập trong trái tim ta để ta thấy rằng những nỗi cực khổ ở đời này sánh sao được với phần thưởng là đời sống vĩnh hằng của Cha trên Trời ban đồng đều cho mọi người con của mình như quan tiền trao cho tất cả. Vì thế chúng ta hãy cố gắng làm tốt cho đời!

Kết quả hình ảnh cho đức thánh cha làm việc

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa những công việc sẽ làm trong năm nay và trong suốt cuộc đời để xin Chúa thánh hoá, chúc lành. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu vào lòng ta, để mỗi giây phút lao động trên đời, ta đều có ý nghĩ trong sáng, lời nói chân thành, hành động chính đáng mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người.

————————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Trong các loại hình lao động, loại hình nào cao quý hơn cả?

2. Ngành nghề nào ở Việt Nam hiện nay đang được giới trẻ quan tâm học và hành trong đời sống?

3. Bạn hãy liệt kê những nghề bất chính, bất lương mà bạn biết.

4. Nguyên tắc nào là nền tảng và căn bản trong hành động và lao động của con người?

————————————————————

Chú thích:

  1. x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, 2013, mục từ Lao động, tr.702.

  2. x. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2002, mục từ Lao động, tr.642-645.

  3. x. Jean de la Fontaine (1621-1695), nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp. Truyện ngụ ngôn con ve và con kiến.

  4. x. Das KapitalKritik der politischen Oekonomie (Tư bản – chỉ trích về kinh tế chính trị) do K.Marx viết cuốn I, xuất bản ngày 14/9/1867. Bản thảo của ông được Friedrich Engels sử dụng để xuất bản cuốn thứ 2 (1885) và thứ 3 (1894).

  5. x. Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải đáp, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/5/2014; Kinh tế Việt Nam: mất 15 năm chỉ để dò đá qua sông; báo điện tử VTC News, 29/8/2015.

  6. x. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Wikipedia.

  7. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 105-159; Docat, số 47-83.

  8. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 164-184; Docat, số 87-94.

  9. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 185-188; Docat, số 95-98.

  10. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 192-196; Docat, số 100-103.

  11. x. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 256.

  12. x. ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Labor exercens (Lao động con người), số 6, 1981.

  13. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 263.

  14. x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 261.

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 22: Chơi đẹp

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở đầu

Chúng ta đã biết rằng thể dục được hiểu là hệ thống các động tác tập luyện, thường được sắp xếp thành bài nhằm giúp cho việc phát triển hài hoà của cơ thể, tăng cường và gìn giữ sức khoẻ; còn thể thao là những hoạt động nhằm nâng cao thể lực con người, thường được tổ chức thành các hình thức trò chơi, thi đấu theo những quy tắc nhất định.

Ở Việt Nam, nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo ít quan tâm đến thể dục thể thao (TDTT) dù Công đồng Vaticanô II đã nhắn nhủ rằng: “Thể dục và các hoạt động thể thao giúp chúng ta giữ được quân bình trong tâm hồn của mỗi cá nhân cũng như của xã hội, và giúp chúng ta thiết lập được các mối tương quan huynh đệ giữa mọi người không phân biệt giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc đem tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần các sinh hoạt văn hoá tập thể, là những sinh hoạt đặc biệt của thời đại chúng ta[1].

Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về hiện trạng TDTT trong cộng đồng tu trì để tìm ra những nguyên nhân tác động đến tình trạng này, tìm hiểu ích lợi của TDTT trong đời sống tu trì và những đường hướng để cổ vũ sinh hoạt TDTT trong cộng đồng linh mục hay tu sĩ để rồi qua đó ta hiểu được TDTT trong đời thường của người tín hữu.

Kết quả hình ảnh cho tập thể dụng

1. Hiện trạng thể dục thể thao trong đời sống tu trì

1.1. Số liệu liên quan

Hiện nay, thống kê đầu năm 2019 trên toàn quốc có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu, trong đó có 1.670 linh mục dòng. Về phân bố địa lý, có 9.962 tu sĩ hiện diện tại 11 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội (chiếm 30%), 5.568 tu sĩ hiện diện tại 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế (chiếm 17%) và 17.557 tu sĩ hiện diện tại 10 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn (chiếm 53%). Giáo hội Việt Nam hiện nay có trên 5.000 linh mục, 5.000 chủng sinh.

1.2. Những phương tiện chưa hợp l‎ý

Ngoại trừ 10 đại chủng viện trên toàn quốc có sân chơi thể thao cho các chủng sinh và khoảng một chục dòng tu nam lớn có sân chơi thể thao hay phòng tập thể dục cho các tu sĩ đang được đào tạo của dòng, còn hầu hết các cơ sở khác, nhất là các dòng tu nữ, đều không có sân chơi, không có phòng sinh hoạt để có thể tập thể dục hay kê một vài bàn bóng bàn cho các tu sĩ sử dụng.

Một số xứ đạo có khá nhiều đất trống bỏ hoang thay vì biến thành sân chơi cho thanh thiếu niên, hay có các phòng rộng lớn sinh hoạt giáo l‎ý mỗi tuần một ngày còn các ngày khác để không, có thể kê vài bàn bóng hay bàn đánh cờ vua cho các thanh thiếu niên. Nhiều tu viện có diện tích đất khá rộng, nhưng vẫn để trống đất hoặc làm vườn hoa, trồng cây cảnh trong khi các tu sĩ trẻ cần vận động thì lại thiếu sân chơi.

1.3. Thiếu ý thức và quan tâm

Tình trạng này bắt nguồn từ việc những người lãnh đạo các cộng đồng tu trì chưa ý thức được tầm quan trọng của TDTT trong việc huấn luyện một nền nhân bản toàn diện cho con người cũng như giá trị của những hoạt động TDTT trong đời sống tu trì. Công đồng Vaticanô II cũng nhắc nhở rằng: “Những phương tiện như TDTT sẽ không đem lại một nền văn hoá giáo dục toàn diện cho con người, nếu đồng thời con người không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn hoá và khoa học về thể dục và thể thao đối với con người[2] Sự thiếu quan tâm về TDTT không bắt nguồn từ việc thiếu những phương tiện như sân bãi, dụng cụ TDTT, vì các cộng đồng tu trì có thể mua sắm hay xây dựng được, mà bắt nguồn từ việc không nhận ra tầm quan trọng của TDTT trong đời sống cá nhân cũng như tập thể, trong sinh hoạt thường ngày, cũng như hoạt động truyền giáo. Nhiều người có trách nhiệm trong việc đào tạo đời tu đã không quan tâm tới vấn đề sức khoẻ toàn diện của những người mình có trách nhiệm, không đưa TDTT vào chương trình đào tạo, không đưa việc tập luyện thể dục và chơi thể thao vào chương trình sống hằng ngày. Chỉ quan sát đời sống thực tế hay chương trình sống trong cộng đồng tu trì ta cũng thấy ngay được điều đó.

Nhiều tu sĩ trẻ muốn chơi thể thao mà cũng không dám chơi vì sợ bị chê trách, và nếu có chơi thì cũng chẳng biết chơi thế nào cho đúng kỹ năng và kỹ thuật của mỗi môn. Chúng tôi được biết một ít nữ tu trẻ tận dụng những phút rảnh rỗi hiếm hoi trong ngày chơi cầu lông 10-15 phút chỉ để cho ra mồ hôi và tắm cho đỡ lạnh, vì nhà dòng không có sẵn nước nóng. Một vài dòng nữ lớn cũng mua một vài bàn bóng bàn nhưng do không có giờ chơi rõ ràng, không được ai tập luyện nên cuối cùng cũng để không, hoặc xếp vào góc nhà.

Kết quả hình ảnh cho dòng tu

1.4. Hậu quả

Hầu hết các linh mục, tu sĩ nam trong thời gian được đào đạo ở chủng viện hay học viện, đã rất tích cực tham gia các hoạt động TDTT, nhưng sau khi chịu chức linh mục hay khấn trọn đời rồi lại không còn tập luyện nữa. Nhiều người nêu lý do là phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hay công tác mục vụ nên không sắp xếp được thời gian tập luyện cho chính mình hay chơi chung với người khác. Nhưng l‎ý do chính yếu vẫn là thiếu ý thức về tầm quan trọng của TDTT trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên của mình.‎ Hậu quả của việc không sinh hoạt TDTT thể hiện rõ qua hình thể bên ngoài của nhiều linh mục, tu sĩ không còn gọn gàng, động tác không còn nhanh nhẹn, sức khoẻ suy yếu nhanh chóng và mang nhiều bệnh tật. Đó là chưa kể đến những căng thẳng trong đời sống chung hay những dồn nén sinh l‎ý không được hoá giải nhờ hoạt động TDTT đã gây nên nhiều thiệt hại lớn lao khác như chứng thủ dâm, đồng tính luyến ái, nghiện trò chơi trực tuyến hay nghiện phim ảnh đồi truỵ…

1.5. Tình trạng chung của cộng đồng xã hội

Tình trạng thiếu sinh hoạt TDTT trong đời tu hiện nay cũng là tình trạng chung của cộng đồng xã hội. Đời sống kinh tế quốc dân còn nghèo, nên việc xây dựng các sân vận động để tạo điều kiện cho dân chúng chơi thể thao hay tập thể dục có thể được cho là một nhu cầu chưa cần thiết đối với cộng đồng, vì có nhiều nhu cầu khác đáng quan tâm hơn, hoặc trở thành nhu cầu xa sỉ đối với người nghèo. Mọi khoản thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay hầu như được dùng cho việc ăn, uống (46%); đi lại và bưu điện (17,22%); giáo dục (7,83%); đồ dùng (6,42%); nhà ở – điện nước – vệ sinh (6,07%); y tế (5,27%); may mặc (3,63%) và các chi phí khác (3,85%). Người dân chỉ dành cho mục văn hoá, thể thao, giải trí có 3,87% thu nhập, trong đó hầu hết cho văn hoá và giải trí, còn thể thao dường như là con số không [3].

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng

2.1. Những l‎ý do cụ thể

Vì TDTT là những yếu tố cần thiết trong việc đào tạo một nền nhân bản toàn diện cho con người, chứ không phải chỉ riêng cho đời tu hay đời sống Kitô hữu, nên sinh hoạt TDTT được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Lịch sử văn minh nhân loại đã minh chứng điều đó, khi các môn thể thao được tổ chức ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Công nguyên trong nền văn minh Hy Lạp. Còn ở châu Á, các nhà sư Thiếu Lâm, các ni cô +`phái Nga Mi ở Trung Hoa tập võ để vừa rèn luyện thân thể vừa hoạt động cứu đời, là những thí dụ điển hình của hoạt động thể thao trong đời tu.

Trong thực tế hiện nay, người ta thấy các giáo sĩ và tu sĩ ít quan tâm đến hoạt động TDTT, dù những hoạt động này là một phần cơ bản trong đời sống con người và sinh hoạt xã hội. Thực tế này có thể bắt nguồn từ quan niệm về đời tu như một sự tách biệt với đời thường trong xã hội. Tất cả các sinh hoạt hằng ngày của đời tu tập trung vào lĩnh vực tri thức với những giờ học, giờ đào tạo tinh thần; vào lĩnh vực thiêng liêng với những giờ phụng tự và cầu nguyện; và vào lĩnh vực mục vụ tông đồ với những công việc thuộc trách nhiệm như coi giáo dân, dạy trẻ…, nhưng hầu như bỏ quên hay xem thường lĩnh vực thể chất với những việc ăn uống, ngủ nghỉ, TDTT…

Tuy nhiên, đây có thể là một sự lầm lẫn quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo hiện nay, vì lĩnh vực thể chất được coi như nền tảng để xây dựng và phát triển ba lĩnh vực kia. Vì thế, cách ngôn người Rôma từ ngàn xưa đã có câu: “Hồn lành trong xác mạnh” (Mens sana in corpore sano). Nếu chúng ta nghiên cứu Sắc lệnh Đào tạo Linh mục (SLĐTLM) (Optatam Totius) và Sắc lệnh Canh tân Thích nghi Đời sống Dòng tu (SLCTTTĐSDT) (Perfectae Caritatis) của Công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức vì không trực tiếp nhắc đến TDTT trong công tác đào tạo đời tu. Có thể đây cũng là một l‎ý ‎do để những nhà đào tạo không đưa TDTT vào chương trình đào tạo cơ bản chăng?

Từ đó, những người có trách nhiệm trong các chủng viện và học viện cũng chưa quan tâm đủ đến những giờ tập thể dục, chơi thể thao, giải trí trong chương trình sống hằng ngày. Người ta coi thường việc ăn uống: ăn thế nào cũng được, uống thế nào cũng xong, mà không tính toán lượng thực phẩm có đủ chất bổ dưỡng cho sinh hoạt hằng ngày hay không; không dạy cách ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi như những bài học cơ bản; không quan tâm đến việc xây dựng những nhà vệ sinh cho hợp l‎ý, hoặc cung cấp đủ những phương tiện vệ sinh cần thiết, đủ nước nóng trong mùa lạnh… cho các thành viên.

Hơn nữa, người ta cũng quên đi tính chất cộng đồng xã hội trong những trò chơi thể thao, nên việc thể thao trong đời tu hiện nay chỉ còn mang tính tự phát, cá nhân riêng lẻ. Trong khi đó, xã hội hiện nay tôn vinh những vận động viên TDTT như những anh hùng của đất nước trong những cuộc tranh tài thế giới hoặc giới trẻ tôn vinh những vận động viên nổi tiếng như những thần tượng. Tôi nhớ khi còn được đào tạo tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt trong những năm 1966-1975, các cha Dòng Tên nhắc nhở chúng tôi tầm quan trọng của TDTT trong đời sống tu trì, khi đau ốm chúng tôi có thể bỏ dự Thánh lễ không cần xin phép nhưng không bao giờ được phép tự động bỏ giờ chơi ban chiều.

Tóm lại, việc coi thường TDTT trong đời tu hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu ý thức về giá trị cũng như tầm quan trọng của TDTT trong việc gìn giữ sức khoẻ, trong sinh hoạt cộng đồng xã hội cũng như trong công tác loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến tình trạng này.

2.2. Nguyên nhân sâu xa là ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên

Nhiều linh mục, tu sĩ vẫn còn giữ quan niệm Nhị Nguyên sai lạc của hàng chục thế kỷ trước đây: coi thường thân xác, cho rằng thân xác thuộc về ma quỷ và tinh thần mới thuộc về Thiên Chúa; thân xác vật chất thì nặng nề, chiều theo những dục vọng xấu xa nên cần phải hãm mình ép xác, ăn uống kham khổ để làm chủ được dục vọng, cho tinh thần nhẹ nhàng thanh thoát, có thể vươn lên và bay bổng tới Thiên Chúa.

Do đó, TDTT bị coi là những lĩnh vực thuộc về thể xác không đáng quan tâm, thậm chí còn bị coi là nguy hiểm, tội lỗi vì đó là những hành vi chiều chuộng thân xác. Quan niệm này đã bị Công đồng Vaticanô II lên án và xác định: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế, nhờ con người, những yếu tố ấy đạt được tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hoá. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và được sống lại vào ngày sau hết[4].

Cũng từ quan niệm Nhị Nguyên này, nhiều người vẫn kể thân xác là một trong ba kẻ thù: “ma quỷ, thế gian, xác thịt “. Họ không quan tâm đến sự hợp nhất linh hồn và thân thể [5]. Người ta sợ rơi vào não trạng tôn thờ thân xác, tôn thờ những ngẫu tượng, thần tượng trong thể thao mà nhiều bạn trẻ đang chạy theo và tôn sùng những vận động viên nổi tiếng hiện nay, nhất là muốn loại bỏ não trạng chọn lọc người khoẻ, đẹp và loại bỏ người yếu, xấu vì có thể dẫn tới việc làm băng hoại các tương quan giữa con người [6].

2.3. Cũng từ quan niệm Nhị Nguyên này người ta cho TDTT là thừa thãi vì mất giờ, mất sức, tốn tiền. Nhiều tu sĩ cho rằng thể thao chỉ thích hợp cho người ở ngoài đời, có điều kiện, nhưng không hợp với đời tu, vì các môn thể thao phục vụ thân xác, thiếu sự điều độ nết na khi các vận động viên hay những người chơi thể thao phải ăn uống tẩm bổ hay mặc những quần áo thể thao có vẻ khoe những phần thân thể nhạy cảm, hoặc lộ liễu của từng môn chơi.

3. Ích lợi của thể dục thể thao

3.1. Đào tạo toàn diện con người

Con người toàn diện gồm nhiều lĩnh vực: thể chất và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và cộng đồng, tự nhiên và siêu nhiên. Thể dục và thể thao mang lại rất nhiều những ích lợi cho việc phát triển toàn diện con người và xã hội mà những người sống đời tận hiến không thể xem thường. Chúng ta có thể tóm tắt các ích lợi chính sau đây:

3.1.1. Về lĩnh vực thể chất và tinh thần

TDTT giúp tăng cường sức khoẻ thể xác và tinh thần. Khi con người tập thể dục, chơi thể thao các bộ phận trong cơ thể đều được vận động và phối hợp hài hoà, dẫn đến việc tăng cường sức khoẻ, chống lại bệnh tật và thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Nhờ đó, con người sống an vui và hạnh phúc, ổn định cả về thể xác cũng như tinh thần.

Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, khi đến giảng tĩnh tâm năm cho các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ tại Sóc Trăng. Thấy các chị em da mặt xanh xao, sức khoẻ suy ‎yếu nên tôi đã đề nghị với chị Tổng Phụ trách khuyến khích các chị em tập thể dục và chơi thể thao. Sau tuần tĩnh tâm, chị Tổng Phụ trách đã làm 1 sân bóng chuyền, mua 2 bàn bóng bàn để các chị em chơi thể thao. Một vài khoảng trống trong sân vườn dành cho các chị em cao tuổi chơi bóng ném hoặc cầu lông. Kết quả là khi trở lại giảng tĩnh tâm năm sau cho các chị em, tôi thấy gương mặt chị em hồng hào hơn, nhiều chị em trước đây bị bệnh đã khoẻ mạnh hơn. Chị Tổng Phụ trách cho biết số tiền dành để mua thuốc, chữa bệnh của chị em giảm xuống rất nhiều, so với số tiền chi cho việc làm các sân bóng và mua dụng cụ thể thao vẫn còn dư. Cuộc sống trong tu viện cũng thay đổi hẳn: các chị em vui tươi, cởi mở và thành công hơn trong lĩnh vực học hành, tu đức cũng như xã hội, nhất là khi các chị nhận lời tham gia giải bóng chuyền nữ của thị xã Sóc Trăng.

3.1.2. Về lĩnh vực nội tâm và ngoại giới

Con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái tôi độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình[7]. Khoa tâm l‎ý học cũng khám phá ra cấu trúc phức tạp của tinh thần với những tầng lớp: ý thức, tiềm thức và vô thức tác động lên nhau, cũng như những khả năng lạ lùng của con người với trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ‎ý chí, cảm năng, hoạt năng, khiến cho mỗi người trở thành độc đáo với sứ mạng riêng. Chính khi tập thể dục, chơi thể thao, con người phát triển những khả năng tiềm tàng đó, nhờ việc luyện tập thường xuyên và chơi chung với nhau.

http://donboscoviet.info/wp-content/uploads/IMG_0302.jpg

Ngoài ra, việc luyện tập TDTT còn giúp cho con người phát triển những đức tính nhân bản cần thiết cho đời sống tu trì như đức khiết tịnh, vâng phục, bác ái. Khi giảng tĩnh tâm cho một số dòng tu, nhiều lần người phụ trách tu viện yêu cầu tôi nói về đức khiết tịnh và đồng tính luyến ái. Tôi giới thiệu phương thức TDTT như một yếu tố quan trọng giúp giảm bớt những đòi hỏi của dục tính, dẫn đến việc thủ dâm, vì sức lực tràn trề của tuổi trẻ được giải toả thành những hoạt động tiêu hao năng lượng trong thể dục, thể thao[8].Các quy luật trong thể dục và nhất là thể thao cũng yêu cầu người tập phải tuân thủ cách chặt chẽ. Và đây cũng là một sự trợ giúp cho đức tính vâng phục của đời tu. Khi chơi thể thao, người ta cần phải biết chơi chung với nhau, cộng tác với nhau, nhường nhịn nhau, cùng theo đuổi một chiến thuật thì mới có thể cùng nhau chiến thắng. Đó là phương thức giúp luyện tập và thể hiện đức bác ái trong đời tu.

Kết quả hình ảnh cho nữ tu đá bóng/cg&dt

Thể dục và thể thao còn giúp người ta luyện tập đức kiên nhẫn, hiền hoà, cao thượng, bình tĩnh khi đánh hỏng hay bị thua thay vì cau có, chửi bới, la hét bạn bè hoặc chơi xấu, giở những thủ đoạn để chiến thắng đối phương. Khi còn sống ở Tiểu Chủng viện thánh Phanxicô Xaviê thuộc Giáo phận Bùi Chu trong những năm 1959-1965, nay là Trường Trung học Bùi Thị Xuân, ở đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM, mỗi tháng các chủng sinh được nghe đọc về Quy luật Sống, tôi nhớ mãi điều luật khi chơi thể thao: “Chơi sao cho có tinh thần hiệp sĩ và đức bác ái để thắng không kiêu, bại không nản”. Với tinh thần này, đội bóng chuyền của trường tôi hồi đó với các anh như Lm. Lê Quang Đăng, Lm. Đỗ Duy Thản, anh Lê Đình Bảng… đã vô địch các trường trung học của thành phố Sài Gòn trong nhiều năm liền.

3.1.3. Về lĩnh vực cá nhân và cộng đồng

TDTT là phương cách giúp con người thể hiện tinh thần tập thể và tôn trọng những mối tương quan trong xã hội như người ta phải tôn trọng các vị trí, vai trò của các cá nhân trong một sân bóng: người thuộc hàng tiền vệ giữ vai trò tấn công, người ở hàng hậu vệ có nhiệm vụ phòng thủ… Qua việc tập thể dục và chơi thể thao, người ta cũng biết tôn trọng vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Hơn nữa, người ta còn tập được tinh thần lãnh đạo khi biết phân công nhiệm vụ thích hợp cho đồng đội trong những trận đấu, cũng như phân chia sức lực cho những đường đua dài để chiến thắng.

3.1.4. Về lĩnh vực tự nhiên và siêu nhiên

TDTT giúp cho con người làm chủ bản thân, nhận ra giá trị cũng như những giới hạn của mình để hướng tầm nhìn về Chúa là nguồn sức mạnh và sự sống, nguồn hạnh phúc và chân thiện mỹ. TDTT tập cho con người biết làm chủ bản thân, với những tình cảm, thời giờ, tài năng, và cả những tham vọng, dục vọng. Muốn thăng tiến trong lĩnh vực này, con người phải biết kiềm chế để chơi đẹp trên sân bóng, để không ham chơi đến độ bỏ học hành làm việc, phải biết sống điều độ, không “rượu chè, trai gái” để giữ sức khoẻ cho những trận đấu. Khi bị thua thiệt hay thất bại, người chơi vẫn tin vào Chúa biết rõ mọi sự để tha thứ và cảm thông cho sự yếu đuối, bất toàn của con người như khi bị bắt lỗi sai, tính điểm thua trong trận đấu, cũng như giữ được bình tĩnh và cao thượng mỉm cười với bạn bè khi họ đánh hỏng, làm mất cơ hội thắng điểm.

Tôi còn nhớ mãi lần giúp tĩnh tâm năm cho các linh mục Giáo phận Cần Thơ, vào các buổi chiều trong tuần tĩnh tâm, ban tổ chức cho các cha chơi và thi đấu thể thao. Thời đó, Đức Hồng y Gioan Baotixita của Tổng Giáo phận TP.HCM hiện nay còn làm cha giám đốc Đại Chủng viện Thánh Qu‎ý ở Cái Răng, Cần Thơ. Vui nhất là các anh em được sống lại tình thương yêu trên sân bóng đá với những màn đá hụt của các cha già hay té ngã của những anh em bụng to quá khổ! Những căng thẳng, mỏi mệt của đời mục vụ hay của tuần tĩnh tâm biến đi đâu hết! Chỉ còn tiếng cười, chỉ còn niềm vui!

3.2. Tạo điều kiện cho việc loan báo Tin Mừng

3.2.1. Trong dòng lịch sử: TDTT tuy không phải là đối tượng trực tiếp hay nội dung Tin Mừng nhưng có thể là phương tiện đóng góp trực tiếp vào việc loan báo Tin Mừng. Ta có thể kiểm chứng điều này trong dòng lịch sử.

Các vận động viên trong các cuộc thi đấu Olympic Hy Lạp hay Rôma đều cầu khẩn các thần linh của mình trước khi thi đấu và nếu họ thắng giải trong cuộc tranh tài, thì dân chúng công nhận thần linh đó mạnh hơn đối phương. Đây cũng là một trong các l‎ý do khiến người tín hữu Công giáo thời xưa xa lánh sân vận động. Ở Trung Hoa, các vị sư phái Thiếu Lâm hay các ni sư của nhiều hệ phái khác nhau luyện tập võ nghệ, dạy võ cho quần chúng vừa để cho mình khoẻ mạnh vừa bênh vực kẻ yếu trong xã hội, cũng là những tấm gương sáng thúc đẩy quần chúng tìm hiểu và theo đạo Phật.

Ở Việt Nam, vào những thời kỳ khó khăn và bị bách hại, đạo Công giáo được truyền bá nhanh chóng một phần cũng nhờ các nhà truyền đạo thời đó biết lợi dụng lòng ham chuộng TDTT của quần chúng. Vào các chiều thứ Bảy, Chủ Nhật, cộng đồng Công giáo tổ chức thi các trò chơi như đi cầu tre, bắt vịt dưới ao nhà thờ, kéo dây, đánh cầu… và cho cả lương dân tham dự. Mọi người đều cười vui khi thấy các chàng trai bị té xuống hồ nước vì trơn trượt trước khi nắm được phần thưởng treo ở đầu cây tre cắm giữa hồ. Trong các buổi chơi đó lương dân thấy được đời sống vui tươi, chan hoà tình bác ái của người Công giáo, cảm phục và nhiều người đã theo đạo. Ngay từ năm 1885, tỷ lệ dân số Công giáo Việt Nam đã đạt tới 7% so với dân số cả nước, tuy nhiên cho tới ngày nay, sau 135 năm, tỷ lệ ấy không những không tăng mà còn đang có chiều hướng giảm.

3.2.2. Ngày nay, các vận động viên thắng giải trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế hay quốc gia vừa là những anh hùng nói lên sự ưu việt của dân tộc hay địa phương mình, vừa là gương mẫu cho các thế hệ khác noi gương. Do đó, ta không lạ gì khi thấy nhiều dân tộc, nhiều tổ chức dùng TDTT như phương tiện để quảng cáo cho đất nước hay tổ chức của mình. Tại sao Giáo hội Công giáo, nhất là Giáo hội Việt Nam không dùng phương tiện này để loan báo Tin Mừng?

F:\van hoa cong giao VN\Hinh cho bai Choi dep\Phatgiao-org-vn-PG-Thai-Nguyen-giao-luu-bong-da-0004.jpg

3.2.3. Chúa chúng ta không muốn con người rơi vào lầm lạc của phái Nhị Nguyên hay phái Khắc Kỷ để coi thường thân xác, nên đã cho Con của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhận lấy xác thịt (x. Ga 1,14) trở thành Đức Giêsu Kitô, trở thành con người giống chúng ta (x. Pl 2,7) trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi [9], để cứu độ con người toàn diện. Nếu Đức Giêsu đã trở nên giống con người trong mọi sự thì chúng ta được quyền tưởng tượng trẻ Giêsu cũng chơi đánh cầu, đánh khăng, đá bóng như các trẻ em cùng thời. Người coi trọng thân xác nên đã hoá bánh ra nhiều cho kẻ đói ăn, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ thay vì hô hào ăn chay, hãm mình phạt xác như các luật sĩ, biệt phái và các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả thường làm (x. Mt 9,14-17). Người muốn các môn đệ mình phải khoẻ mạnh cả về tinh thần lẫn thể xác. Người nói: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Cuối cùng, Người đã chịu đóng đinh, chết nhục nhã và sống lại bằng chính thân xác ấy vì muốn dạy ta biết dùng thân xác mình để mang ơn cứu độ cho muôn loài.

Thánh Phaolô, có lẽ qua chính kinh nghiệm bản thân của mình, nhiều lần nhắc đến thể thao: “Anh em không biết sao, trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều… Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí” (1Cr 9,24-27). Hoặc: “…vì tôi đã không chạy uổng công và đã không lao nhọc vô ích” (Pl 2,16). Hay: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (Dt 12,1).

3.2.4. Tuy đã nhận được gương sống của chính Đức Giêsu và lời dạy bảo của thánh Phaolô, nhưng tại sao người tín hữu Công giáo vẫn quay lưng với TDTT? Câu trả lời phải tìm lại trong lịch sử của chính TDTT cũng như lịch sử hình thành Kitô học.

Người Công giáo ngại ngùng với thể thao, xa lánh sân vận động vì trong suốt 3 thế kỷ đầu cho đến năm 313, (khi hoàng đế Constantinus ra sắc chỉ Milan nhìn nhận Công giáo là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Rôma), thể thao không còn mang tính tranh tài trong sáng của Olympic Hy Lạp, nhưng trở thành nỗi ô nhục và kinh hoàng cho tín hữu Công giáo. Sân vận động là nơi hành hình tín hữu, các thanh niên trở thành những tên nô lệ phải giác đấu cho đến chết, các phụ nữ và trẻ em thành miếng mồi ngon cho thú dữ cắn xé để mua vui cho quần chúng trên khán đài.

Lịch sử hình thành Kitô học còn giúp ta hiểu tại sao cho đến thế kỷ 20, Công giáo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của thuyết Nhị Nguyên vì trong 5 thế kỷ đầu tiên, các nhà thần học đề cao thần tính của Chúa Giêsu và cho nhân tính của Người nhỏ bé như giọt mật tan trong đại dương bao la của thần tính. Sau những tranh cãi gay gắt của các trường phái về sự phối hợp giữa hai bản tính nơi Đức Giêsu và với định tín của Công đồng Calcêđônia năm 451, thần học Công giáo không dám nói về Đức Giêsu cho đến giữa thế kỷ 20, ngoại trừ một ít phát biểu của vài vị thánh nổi tiếng như Augustinô, Tôma Aquinô. Theo các nhà thần học này chỉ có Đức Giêsu nhận lấy bản tính nhân loại tốt lành trước khi nguyên tổ Adam phạm tội, còn mọi người đều mang bản tính đã bị hư hỏng vì tội nguyên tổ, nên thân xác là nguồn gốc mọi tai hoạ và hư hỏng của con người. Công đồng Vaticanô II và sách Giáo l‎ý của Hội thánh Công giáo đã ‎giải thích cho chúng ta hiểu Đức Giêsu mang lấy bản tính con người sau khi Adam phạm tội [10], để mời gọi ta qu‎ý trọng thân xác của mình.

3.2.5. Hơn nữa, người Công giáo chỉ có thể làm chứng cho Tin Mừng về Ngôi Lời Nhập Thể, làm chứng cho Chúa là nguồn chân thiện mỹ nếu chúng ta dám thay đổi cách sống, từ bao nhiêu thế kỷ nay đã bị ảnh hưởng bởi thuyết Nhị Nguyên và phái Khắc Kỷ để coi thân xác là thù địch của linh hồn thay vì coi thân xác là phương tiện mang lại ơn cứu độ. Cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều dòng tu vẫn có những luật lệ hết sức nghiêm khắc về cách ăn uống, hãm mình, đánh tội để kiềm chế những dục vọng. Với một thân xác yếu nhược tàn tạ, nhiều tu sĩ cũng không đủ điều kiện để phát huy những tài năng tinh thần. Nói như thế không phải chúng tôi cổ vũ cho một đời sống phóng túng, không cần đến việc hy sinh, hãm mình. Quả thực, việc ăn chay hãm mình thật sự vẫn có giá trị trong đời tu để giúp ta gắn bó mật thiết với Đức Kitô như vị Hôn Phu nhưng không phải theo hướng thù địch với thân xác.

Người ngoài Công giáo làm sao có thể nhận ra Thiên Chúa là nguồn mọi sự tốt đẹp qua những thân xác yếu đuối, khuôn mặt xanh xao, cơ thể bệnh tật dù đang ở tuổi thanh niên hay trưởng thành? Đời sống tu sĩ với chương trình sống điều độ, nếu được đào luyện TDTT, chắc chắn sẽ giúp cho người linh mục, tu sĩ nam nữ có sức khoẻ dẻo dai để học hành làm việc, phục vụ tha nhân, có thân thể cân đối, ngay cả xinh đẹp, để có sức thu hút người khác đến với Đức Kitô. Nhất là đối với con người có khuynh hướng duy thực, duy nghiệm hiện nay thì thân xác tươi trẻ khoẻ mạnh chính là hình ảnh sống động của Tin Mừng. Cách ngôn Việt Nam ta có câu: “Xem mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon” kia mà!

Hơn nữa nếu các xứ đạo, tu viện biết lợi dụng những khoảng đất trống cho TDTT để quy tụ thanh thiếu niên ham thích vận động cũng như những người già lão mong muốn tập những bài thể dục dưỡng sinh, thì những nơi ấy chính là điểm gặp gỡ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác một cách sống động và hiệu quả, có thể còn hiệu quả hơn cả những buổi cầu nguyện hình thức, những bài giáo l‎ý ‎khô khan hoặc trình diễn thánh ca một đôi lần trong năm. Những cuộc thi đấu TDTT tại các xứ đạo hoặc dòng tu sẽ trở thành những dịp rao giảng Tin Mừng về mầu nhiệm Nhập Thể và nhập thế của Ngôi Lời một cách rõ ràng và hiệu quả cho người ngoài Công giáo.

F:\van hoa cong giao VN\Hinh cho bai Choi dep\unnamed.jpg

Chúng ta hãy tưởng tượng qua việc đào tạo bài bản, qua việc tập luyện thường xuyên về TDTT, những linh mục, tu sĩ vừa trở thành huấn luyện viên cho các bộ môn trong xứ đạo hay cộng đồng xã hội, vừa có thể trở thành những vận động viên tham gia vào hoạt động TDTT của địa phương. Điều này sẽ giúp cho dân chúng hiểu rõ hơn về việc hội nhập của Tin Mừng vào đời sống văn hóa xã hội. Hơn nữa, với tinh thần tập luyện của người tín hữu cũng như với ơn Chúa, chúng ta có thể chiếm được những giải thưởng cao qu‎‎ý như vô địch toàn thành, vô địch quốc gia. Lúc ấy ảnh hưởng của những vận động viên Công giáo hay của dòng tu sẽ là lời mời gọi người khác, nhất là các thanh thiếu niên, đến với Đức Kitô hay đến với đời sống tu trì.

4. Làm gì để cổ vũ TDTT trong cộng đồng tín hữu?

Chúng tôi xin đưa ra vài đường hướng cơ bản để các cộng đồng tu trì có thể tự tìm câu trả lời cụ thể cho cộng đồng mình.

Đưa TDTT vào chương trình đào tạo rõ ràng: Mỗi năm mời các chuyên gia TDTT để huấn luyện cho linh mục, chủng sinh, tu sĩ một số môn thể thao: học cách chơi, luật chơi, tổ chức chơi trong xứ đạo như cầu lông, bóng bàn, bóng ném, bóng đá, cờ vua,… và xem TDTT là phương tiện truyền giáo hữu hiệu cho giới thanh thiếu niên vì TDTT phổ biến hơn đối với lương dân và cộng đồng xã hội.

Đưa TDTT vào chương trình sống hằng ngày, để tạo điều kiện cho mọi người trong cộng đồng, nhất là đối với các người trẻ, mỗi ngày có 45 phút hoặc một giờ chơi thể thao, cộng thêm những phút tập thể dục ban sáng. Trong giờ thể thao mọi người đều được yêu cầu phải chơi, trừ trường hợp đau bệnh. Người yếu, cao tuổi có thể đi bộ. Mùa thi không được bỏ chơi để học bài.

Tạo điều kiện để chơi: Mua bóng, vợt, lưới, cầu… Nếu cộng đồng có khả năng, có thể làm cả sân chơi, nhà chơi, tổ chức các đội bóng (bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cầu mây…) và khuyến khích thi đấu với các cộng đồng khác.

Tạo điều kiện để biết chơi, chơi hay, chơi đẹp: nhờ những huấn luyện viên thể thao vào biểu diễn hoặc cùng chơi để huấn luyện cho các chủng sinh, tu sĩ thấy cái hay cái đẹp của những môn thể thao mình muốn tập, giới thiệu những đoạn phim về TDTT (có rất nhiều trên mạng internet).

– Các bề trên dòng tu, các linh mục coi xứ đạo nên tham gia trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động TDTT, khi có dịp, nhằm cổ vũ tinh thần “chơi cho khoẻ để phục vụ Chúa và tha nhân” thay vì có thái độ lãnh đạm, hoặc ngăn cấm.

Tổ chức các giải thi đấu giữa các tu viện, giáo xứ, giáo phận về những bộ môn thể thao có nhiều quần chúng tham gia như: bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cầu mây… để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu giữa các cộng đồng trong và ngoài Công giáo. Các giải này có phần thưởng, có sự tham dự của lãnh đạo Giáo Hội.

Tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo về các đề tài liên quan đến TDTT trong lĩnh vực đào tạo nền nhân bản toàn diện, lĩnh vực truyền giáo, lĩnh vực tu đức, trong việc thể hiện 3 Lời Khấn, trong mầu nhiệm Nhập Thể và nhập thế của Ngôi Lời Thiên Chúa… để gây ‎ý thức cho cộng đồng.

Kết luận

Niềm mơ ước của chúng tôi là mỗi linh mục, mỗi tu sĩ, mỗi Kitô hữu qua TDTT, sẽ trở thành hình ảnh sống động của Chúa Kitô, thu hút người khác đến với Chúa Cha bằng chính con người khoẻ mạnh, tốt đẹp, cởi mở, quảng đại, đầy quyền năng như Đức Giêsu.

Chúc các bạn an lành và tràn đầy ơn Chúa.

————————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đang chơi môn thể thao nào?

2. Bạn có ý thức để kêu gọi các bạn bè mình luyện tập thể dục thể thao trong đời sống? Và luyện tập như thế nào?

————————————————————

Chú thích:

  1. x. CĐ.Vat II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 61

  2. x. CĐ.Vat II, Gaudium et Spes, số 61.

  3. x. Cục Thống kê, Thống kê TP.HCM 2010, tr.324

  4. x. CĐ.Vat II, Gaudium et Spes, số 14.

  5. x. GLHTCG, các số 327, 360, 362-368, 382

  6. x. GLHTCG, số 2289

  7. x. HTXHCG, số 131

  8. x. CĐ Vat.II, Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, số 10; Sắc lệnh Canh tân Dòng tu, số 12.

  9. x. Dt 4,15; CĐ. Vat.II, Gaudium et Spes, số 22

  10. x. Dt 4,15; CĐ. Vat.II, Gaudium et Spes, số 22; GLHTCG, số 461-483

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 23: Bước đi trong ánh sáng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

Cuộc đời của mỗi người chúng ta là con đường dài vô tận, mà đoạn đường ở trần thế lại gồm nhiều chỗ sáng tối, khúc khuỷu hay bằng phẳng khác nhau, khiến chúng ta nhiều khi không biết phải đi như thế nào cho đến điểm cuối cùng, nhất là những đoạn đời đen tối với nhiều thất bại, thử thách, đau thương. Làm thế nào để vượt qua chúng và tìm ra được ý nghĩa cho đời mình?

phan bội ChâuNhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết những lời an ủi rất sâu xa gửi linh mục Mai Lão Bạng đang bị tù vì tham gia Quang Phục Hội trong phong trào Đông Du: “Trời toan đại dụng nên rèn chí, Chúa giúp thành công tất có hồi. Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, Anh hùng hào kiệt có hơn ai?[1]. Quả thật, đi trong những đoạn đường đầy bóng tối hay ánh sáng là lẽ tự nhiên của phận người, ta chẳng nên quá đau khổ hay vui sướng. Điều quan trọng là ta đi như thế nào và có tiếp tục bước đi hay dừng lại để chết chìm trong biển khổ cuộc đời hay chết ngất vì tiếng kèn đồng ca ngợi chiến công?

1. Dáng đi của con người

Mỗi người có những kiểu đi đứng khác nhau tạo thành dáng đi, và qua đó, người nhiều kinh nghiệm có thể đoán ra phần nào tâm trạng và cả cá tính của con người.

Chúng ta thường bước đi với những tâm trạng khác nhau. Có những lúc vui sướng, thành công như khi thi đỗ, bước chân ta nhún nhảy, nhanh nhẹn như chim sẻ, chim sáo, chỉ muốn mau chóng đi báo tin mừng cho cha mẹ, bạn bè. Nhưng khi gặp thất bại như làm ăn thua lỗ, bước chân ta nặng nề, chậm chạp như muốn kéo lê trên đường. Vì thế ca dao vẫn thường nhắc nhở:

Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây!

Người bước đi vội vã, thân người như lao về phía trước, đầu cúi thấp, mặt cắm xuống đất thường bị cho là kém cỏi, thấp hèn. Người bước đi chậm rãi, thân thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn về phía trước, hai vai giang rộng, đầu nghiêng nghiêng, mắt ngước lên trời thường bị cho là vênh váo, ngang tàng, kiêu căng, tự mãn. Người có bước chân dài, bàn chân giẫm đều trên mặt đất, mắt nhìn thẳng phía trước, đầu thẳng, lưng thẳng thường được coi là người chính trực, có năng lực, mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng khó tính, khó thuyết phục. Người có bước đi nhẹ nhàng, khoan thai, thanh thoát được coi là có văn hoá, được giáo dục kỹ lưỡng, còn người bước đi nặng nề, hấp tấp, ồn ào bị coi là kém học hành, thô lỗ, vất vả vì phải tranh sống ở chợ đời. Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp[2] đã mô tả bước đi gắn với tâm tính con người trong bài “Đi chùa Hương” như sau:

emdichuahuong-01

 

“Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu”

 

 

 

Nhiều gia đình không chú ý tập đi cho con cái ngay từ lúc còn bé nên nhiều người có dáng đi rất xấu. Nhiều cha mẹ không để ý đến vài tật bệnh ở bàn chân, đầu gối, xương hông của con cái và không sửa chữa kịp thời, nên lớn lên chúng cứ giữ mãi dáng đi bè bè “hai hàng chữ bát”, kiểu “đi vòng kiềng” hai bàn chân bước vòng vào trong, hoặc đi khập khễnh vì chân thấp chân cao, hoặc bước đi õng ẹo vì lưng không thẳng hay lắc hông quá đáng.

Nhiều bạn trẻ ngày nay học cách đi của những người mẫu thời trang trên sàncatwalk 2 trình diễn catwalk như chuẩn mực. Dưới ánh sáng chan hoà, trong tiếng nhạc quyến rũ, trước bao ánh mắt ngưỡng mộ, những người mẫu nam nữ này quả thật có những bước đi tuyệt đẹp mà ta có thể học hỏi và thể hiện phần nào trong đời sống. Họ bước đi uyển chuyển, dáng đứng thẳng, thoải mái, mắt nhìn thẳng, không biểu lộ cảm xúc, không cười nói để khỏi kéo chú ý của khán giả về mình, bước đi không quá dài hay quá ngắn, cánh tay vung nhẹ theo chuyển động để tạo cảm giác thư thái. Người mẫu nữ đánh phần  hông liên tục trong suốt thời gian di chuyển, với bước chân hơi dài hơn bình thường, gót chân chạm đất trước, rồi mới đặt toàn bộ bàn chân xuống mặt nền sàn như cách di chuyển nhẹ nhàng của con mèo, mũi chân hếch lên cao để đẩy trọng tâm cơ thể về phía trước, rồi dồn lực vào ngón cái để đi bước tiếp theo. Người mẫu nam đi những bước sải rộng, vai ngực đưa ra phía trước, tiếp xúc mặt sàn bằng cả bàn chân, không đánh hông để biểu lộ nam tính mạnh mẽ, dứt khoát[3].

2. Cách đi của dân tộc

Từ cách đi của từng người, người ta cũng nói đến cách đi của một dân tộc nếu nhiều người trong dân tộc đó được dạy bảo và thể hiện kiểu đi giống nhau. Qua đó, người ta cũng dự đoán tương lai của dân tộc qua cách đi đứng, làm việc của đa số người dân.

F:\van hoa cong giao VN\Hinh cho bai di trong anh sang\Tập đi 1.jpeg

Người Đức, dù nam hay nữ, đều có kiểu đi mạnh mẽ, bước chân dứt khoát, sải chân dài, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, nét mặt hơi lạnh lùng chứng tỏ một dân tộc có kỷ luật, sống theo những nguyên tắc nhất định, cao thượng và tích cực. Người Hoa Kỳ, dù thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, văn hoá đa dạng, nhưng giống nhau ở sải chân vừa phải, dáng đi cởi mở, không cứng nhắc, ánh mắt thân thiện, không nhìn vào khoảng không trước mắt, nhưng nhìn thẳng vào người đối diện hay các sự vật chung quanh, đầu hơi nghiêng theo cử động, tay vung theo thân người chứng tỏ sự thân thiện, dễ gần, cởi mở, có óc thực tế và thích nghi dễ dàng.

Người Việt sau hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ nên đa số có dáng đi chậm rãi, hơi ngập ngừng như lo sợ trước tương lai bất định, hai bàn tay với các ngón tay thường nắm chặt như muốn khép kín vào mình và không muốn cởi mở với người khác. Đầu hơi cúi xuống đất, ánh mắt nhìn gần, vẻ mệt mỏi, chứng tỏ tầm nhận thức giới hạn, hướng đến những gì gần gũi với thực tế trước mắt, thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Nhiều người còn nhìn với đôi mắt láo liên, thỉnh thoảng nhìn lén người khác, chứng tỏ sự gian trá và thiếu trung thực. Hình như đời sống bon chen trong mấy chục năm gần đây đã làm người Việt chúng ta quên những bước chân mạnh mẽ, vững chắc của những người mở đất phương Nam, nhìn thẳng để đối đầu với bao hiểm nguy trước mắt và luôn cởi mở với muôn người, muôn vật nhờ biển rộng, sông dài, thiên nhiên hào phóng.

Cách đi của người Việt bằng những phương tiện giao thông hiện đại hình như mỗi ngày một tệ hơn so với thời còn phải đi bộ, đi thuyền, đi ngựa, đi xe. Nhiều người vượt đèn đỏ khi thấy đường hơi trống hay không có người cảnh sát giao thông, nhiều người đi xe máy, xe đạp nhưng lại leo vào làn đường dành cho xe hơi, hay người đi xe hơi với tốc độ chậm nhưng lại không chịu nhường đường cho xe khác, chứng tỏ họ liều lĩnh, xem thường luật pháp, ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Không thiếu người chạy nối theo đoàn xe, dù thấy đèn đỏ đã bật lên, chứng tỏ họ thường hùa theo đám đông để tìm tư lợi, không tôn trọng quyền ưu tiên của người đã chờ đợi trước mình. Khi đến đèn đỏ, một ít người cố len lỏi, luồn lách lên phía trước, dù họ thấy người khác đứng chờ, chứng tỏ họ là những người vô liêm sỉ, thủ đoạn, sẵn sàng cướp quyền lợi của người khác. Không ít người vì cố leo lên phía trước ở các giao lộ, nên dễ tạo nên nạn kẹt xe như ta thấy đang diễn ra trong các thành phố lớn hiện nay. Người ta cố vượt lên trước để được lợi một vài giây, nhưng lại bắt cộng đồng chờ đợi cả giờ đồng hồ với bao nhiên liệu tiêu tốn vô ích. Nếu muốn được thế giới tôn trọng, người Việt chúng ta phải học lại cách đi đứng cho đàng hoàng, lịch sự, khoan dung hơn.

Kết quả hình ảnh cho giao thông

3. Những người đi trong đêm tối

Kể từ khi biết suy tư, cách đây khoảng 200.000 năm, con người đã nhận ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là những vật thể phát ra ánh sáng, dù họ chưa phân biệt được ánh sáng mặt trời với ánh trăng vì ánh trăng phản chiếu mặt trời.

Kết quả hình ảnh cho bói toán Nhiều nhà trí thức thời cổ đã nghiên cứu chiêm tinh học. Đó là những khoa học khởi đầu khi họ nhìn lên bầu trời với bao vì sao sáng, rồi so sánh chúng với mặt trời, mặt trăng để nhận ra rằng chúng có thể liên hệ đến những sự kiện xảy ra trên thế giới và có thể tác động đến nhân cách con người. Cho đến hôm nay, ta thấy rất nhiều người ở Tây Phương vẫn tìm đọc những lá số tử vi theo ngày tháng sinh của họ và cho rằng mình bị các sao như Bạch Dương, Cự Giải, Thiên Bình, Ma Kết, Kim Ngưu, Sư Tử, Thiên Yết, Bảo Bình, Nhân Mã, Song Tử, Xử Nữ, Song Ngư tác động.

Nhiều nền văn hoá chú trọng đến các sự kiện thiên văn như chiêm tinh học của người Hindu, Trung Quốc, Maya. Không ít người Việt Nam và người Trung Quốc hiện nay vẫn tin vào những lá số tử vi, vẫn cho cá tính mình thuộc một trong năm yếu tố: Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, và định mệnh đời mình bị chi phối bởi sao này sao nọ, căn cứ vào giờ ngày tháng năm sinh theo Âm lịch qua các quẻ bói trong sách Kinh Dịch.

Trong bài Tin Mừng kể chuyện giáng sinh của Đức Giêsu[4] chúng ta thấy rõ tính cách chiêm tinh qua câu hỏi của các đạo sĩ Đông Phương: “Vua Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Khi trình bày sự kiện ba nhà chiêm tinh phương Đông, Giáo hội Công giáo không cổ vũ niềm tin tưởng vào khoa chiêm tinh học, vì xét theo khía cạnh tìm kiếm tri thức, chiêm tinh học chỉ là giai đoạn khởi đầu của khoa thiên văn. 500 năm gần đây người ta thấy những ngôi sao vật chất xa vời không có mối quan hệ gì đến nhân cách con người hay đến những sự kiện xảy ra trong thế giới, nên chiêm tinh học bị coi là phản khoa học.

Chúng ta đừng tin những dự đoán của khoa chiêm tinh cũng như của khoa bói bài, coi chỉ tay, hay tin những bài giải lá số tử vi, giải ấn đền Trần của các ông thầy bùa, thầy pháp, hoặc nghe theo lời khuyên các nhà phong thuỷ, địa lý, như thể là những giải đáp cho định mệnh của đời mình. Tất cả có thể là những kinh nghiệm thu thập được từ hàng triệu bàn tay, mà bác sĩ Joef Ranald[5] đã quan sát để viết nên những sách chỉ tay của ông. Chúng có thể đúng, có thể sai đối với một số người. Tuy nhiên con người có tự do để quyết định cho đời mình và còn có ơn Chúa nâng đỡ mình, nên tin vào những dự đoán của chúng đều là mê tín dị đoan. Đó là ta chưa kể đến một số người trong bọn họ cộng tác với ma quỷ, nói ra vài điểm đúng trong quá khứ của con người, cố ý tạo nên niềm tin mù quáng để lợi dụng, khai thác.

Làm sao tìm ra được sự soi sáng của Chúa trên đường đời

Các đạo sĩ Đông Phương đã giới thiệu cho ta những phương cách để tìm được ý Chúa, sự soi sáng của Chúa và tìm được chính Chúa như thế nào, khi phải bước đi trên những đoạn đường tăm tối, đầy những thử thách, đau khổ, hiểm nguy.

Hội Thánh Công giáo giới thiệu 4 phương tiện mà Thiên Chúa thường dùng để bày tỏ ý muốn của Chúa trong đời ta.

Trước hết, đó là lương tâm của con người [6]. Chúa nói trong lương tâm để nhắc nhở ta điều đúng, điều sai, điều tốt, điều xấu. Dù rằng có những người, do hoàn cảnh giáo dục tồi tệ hoặc sống gắn bó với người xấu đã làm cho lương tâm của họ bị sai lạc. Nhưng tiếng lương tâm vẫn luôn luôn là lời của Thiên Chúa nhắc nhở để ta hành động như các đạo sĩ đã nghe theo tiếng lương tâm thúc giục họ lên đường.

Thứ hai là những biến cố cuộc đời và sự kiện thế giới [7]cũng có thể là những tiếng nói của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, giống như các đạo sĩ nhìn những biến chuyển của các ngôi sao, lắng nghe được tiếng lương tâm mình và nhận ra tiếng Chúa mời gọi họ đi trong đêm tối để tìm về Đấng là nguồn mọi hiện hữu và điều khiển cả thế giới như các quà tặng họ hiến dâng. Thí dụ như một người tha thiết muốn đi tu làm linh mục, nhưng không có học vấn, không có sức khoẻ, cha mẹ lại già yếu, bệnh tật mình phải chăm lo… thì những yếu tố đó đủ để thấy Chúa chưa gọi người đó làm linh mục cho Ngài.

Phương tiện thứ ba mà Chúa dùng để dạy bảo ta là Giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này gồm những lời dạy chính thức của Giáo Hội, gọi là Huấn quyền [8], qua những văn kiện của các công đồng, những lời dạy bảo của các giáo hoàng, giám mục, linh mục. Nhưng mở rộng ra còn là những lời khuyên nhủ, kinh nghiệm của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người hiểu biết trong cuộc sống mà chúng ta phải vâng phục, tra cứu, hỏi han. Các đạo sĩ Đông Phương, khi thấy ánh sao dẫn đường biến mất, đã tìm hỏi những thượng tế và kinh sư Do Thái. Đó là tượng trưng cho giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội giúp ta khám phá ra ý muốn của Chúa trong đời mình.

Phương tiện thứ tư, chính xác nhất, rõ ràng nhất, là Thánh Kinh [9]. Thánh Kinh là những lời Thiên Chúa mạc khải, được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Các đạo sĩ chỉ tìm thấy câu trả lời chính xác nhất về nơi Đức Vua mới sinh, khi họ tra cứu sách tiên tri Mikha, đó là Bêlem, miền đất Giuđa. “Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài[10]. Ngôi Lời ấy nay đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như các vị đạo sĩ và lắng nghe Người dạy ta qua cuộc đời của Người ghi lại trong Thánh Kinh, nhất là qua bốn sách Tin Mừng, ta sẽ tìm được ý rõ ràng của Chúa trong đời mình.

Kết quả hình ảnh cho ánh sáng

Bốn phương tiện ấy như đang mời gọi ta tiếp bước theo chân các đạo sĩ, trong những đoạn đường đen tối, những đoạn đường tràn ngập đau khổ, thất bại, mà nhiều khi ta chỉ muốn nằm nghỉ, muốn ngồi yên, không đi nữa. Nếu đứng dậy và đi tiếp, ta sẽ nhìn thấy ngôi sao lại hiện ra để dẫn ta gặp được chính Đức Giêsu là nguồn ánh sáng thật của đời mình, là lý tưởng cho đời ta. Từ đó, ta mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ để bước đi trong ánh sáng.

4. Đi giữa dòng đời

Mỗi ngày sống, từ khi thức dậy cho đến lúc nghỉ đêm, chúng ta đi giữa dòng đời với những việc phải làm, những người phải gặp, những vật phải dùng, tôi phân vân tự hỏi mình sẽ đi như thế nào?

Tôi sẽ không đi như những người mẫu thời trang với nét mặt lạnh lùng và ánh mắt xa xăm chẳng chú ý đến ai, chỉ để quảng cáo cho một sản phẩm vật chất của công ty nào đó họ mặc trên người. Tôi muốn bước đi dưới ánh mắt chan hoà yêu thương của Người Cha vô cùng tốt lành là Thiên Chúa. Ngài đang hiện diện cùng với anh chị em tôi, nên tôi không thể đánh mất chính mình để quảng cáo cho vật chất hay tìm danh tìm lợi và không được phép quên mọi người, mọi vật quanh mình, để yêu thương phục vụ họ như sứ mệnh Ngài đã giao phó cho tôi.

Tôi sẽ không đi như những khách du lịch đầy rẫy trên đường đời nhờ cuộc sống sung túc hiện nay. Họ sống vội vã để chạy thật nhanh từ điểm này tới chỗ kia chỉ để ngắm cảnh đẹp, thưởng thức món đặc sản, xem những di tích lịch sử hay văn hoá nổi tiếng, chụp hình selfie để khoe với bạn bè, tiêu phí nhiều tiền bạc, sức lực và cảm thấy hạnh phúc vì biết hưởng thụ cuộc sống! Nhưng vào buổi chiều tàn của cuộc chơi, họ lại cảm thấy buồn phiền, trống rỗng vì các thú vui ấy chẳng đem lại cho họ hạnh phúc thật sự như họ muốn kiếm tìm.

Tôi sẽ đi theo Đức Giêsu như một người hành khất, một tên ăn xin nhà Chúa, một tên ăn mày cửa Phật, một đệ tử Cái Bang[11] trong thời đại hôm nay. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới bằng tình yêu. Người đã sống như một người hành khất, đi lang thang nay đây mai đó, coi mọi nơi đều là nhà của mình, mọi người đều là anh chị em của mình, để làm thành đại gia đình của Thiên Chúa.

Kết quả hình ảnh cho bước đi của người hành khất kitô

Người ăn xin tình yêu nơi con người vì muốn mở rộng trái tim của họ tới vô biên. Người loan báo Tin Mừng cứu độ cho kẻ nghèo khó, vạch trần những thói giả hình của nhóm Biệt phái đặc lợi đặc quyền, những sai lạc của nhóm Kinh sư trí thức, những kiểu đạo đức giả của nhóm thầy tu cuồng tín. Người chứng minh ơn cứu độ bằng cách chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, tha thứ cho tội nhân, xua trừ quỷ dữ tà ma, làm cho kẻ chết sống lại. Chính Người đã minh chứng “tình yêu đến cùng” của mình bằng cách tha thứ cho các kẻ đóng đinh mình, chết tủi nhục trên thập giá như một tên tử tội để đền bù tội lỗi cho muôn người và sống lại để đem muôn loài vào sự hợp nhất với Thiên Chúa.

Tôi muốn tham gia vào bang hội Hành Khất Kitô để sống và hành động giống như Người. Người là bang chủ, là thủ lĩnh, còn tất cả đều là đệ tử, là môn sinh của Người. Khi kết hợp thành một với Đức Giêsu, luyện thở theo Thần Khí của Người, tôi được truyền thụ những chiêu thức để sử dụng thanh gươm Lời Chúa, kỳ diệu hơn cả Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long Đao trong truyện võ hiệp Kim Dung[12]. Tôi được chia sẻ nội lực của chính Thiên Chúa để hành hiệp giang hồ, hàng ma phục linh, thứ tha tội lỗi, chữa lành bệnh tật, thậm chí cho kẻ chết sống lại như Người. Nhờ đó, tôi có thể đem lại nụ cười, niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những ai nghèo khổ, bệnh tật đang sống quanh tôi, như Đức Giêsu, vì được đi vào “con đường sự thật và sự sống” của Chúa Giêsu để sống mãi mãi với Người.

Đây không phải là con đường tưởng tượng, viển vông theo những mơ mộng hão huyền trong bộ truyện của các nhà văn như Kim Dung, Rowling[13]. Nhưng đây là một con đường nhỏ hẹp, tương đối khó đi, mà chúng ta được Đức Giêsu mời gọi dấn thân bước vào: “Hãy theo tôi[14] và “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống[15]. “Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi[16]. Nhà văn Nguyễn Bá Học gợi ý với chúng ta rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”. Lịch sử Giáo hội Công giáo đã chứng minh rằng nhiều người đã đi theo Đức Giêsu và đã thực hiện được những kỳ công đó.

Lời kết

Gặp được Chúa Giêsu như các đạo sĩ, chúng ta sẽ không còn cần nhờ đến ánh sao bên ngoài, nhưng sẽ bước đi trong ánh sáng của chính Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ nhắc nhở rằng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người[17]. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng[18]. Chúng ta sẽ toả sáng như Người vì “chúng ta làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa[19]. “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng[20]. Chúng ta toả chiếu ánh sáng của Người trong đời mình để chia sẻ tin mừng cứu độ cho tất cả những ai ta gặp gỡ như các đạo sĩ Đông Phương.

————————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đang đi như thế nào trong đời sống thường ngày?

2. Bạn nhận xét người Việt Nam cần sửa đổi gì trong cách đi đứng hay chạy xe hiện nay?

3. Bạn chọn thái độ nào khi đi giữa dòng đời?

————————————————————

Chú thích:

  1. Đây là 4 câu thơ của bài An Mai quân trong tập Ngục Trung thư của cụ Phan Bội Châu (1867-1940) dùng để an ủi linh mục Mai Lão Bạng (1866-1962) do Đào Trinh Nhất dịch từ bài gốc chữ Hán: “Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú, Bất thế phong vân đế chủ trương. Giả sử tiền đồ tận di thản, Anh hùng hào kiệt ngã dung thường”. Nhiều người thường nhớ hai câu cuối: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai”.

  2. Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) sáng tác bài “Đi Chùa Hương” vào tháng 8 năm 1934, khi ông mới 20 tuổi. Bài thơ được in trong tập thơ Ngày xưa, xuất bản năm 1935.

  3. x. Internet, xem các bài Bước đi trên sàn catwalk của BD Research.org hay Catwalk là gì? Những quy tắc vàng trong cách đi catwalk thời trang của Nrityanjali.org.

  4. x. Mt 2,1-12

  5. Công trình của Bác sĩ J.Ranald bắt đầu từ năm 1918 đến năm 1933 thì hoàn thành và xuất bản với tựa đề bằng tiếng Anh là The Hand (Bàn tay). Sách được dịch ra tiếng Việt thành 3 cuốn. Có thể tìm đọc trên internet.

  6. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Lương tâm, số 46, 1776-1802

  7. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Những con đường giúp con người nhận biết Thiên Chúa, số 31-49

  8. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Huấn quyền, số 85-87; 888-892

  9. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Thánh Kinh, số 81, 101-141

  10. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 102

  11. Cái Bang là một bang phái giả tưởng xuất phát từ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, người có công đầu trong việc xây dựng hình tượng bang phái này là tiểu thuyết gia Kim Dung. Theo các tiểu thuyết võ hiệp thì Cái Bang là một bang phái của ăn mày, có phạm vi trải rộng khắp Trung Nguyên, nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa, và được tôn danh hiệu là “Thiên hạ đệ nhất bang“. Trong hiện thực, từ này cũng thường được dùng để chỉ những người ăn mày.

  12. Kim Dung (1924-2018) là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này. Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 14 cuốn tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Tác phẩm nổi bậtThiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký.

  13. Harry Potter là tên của bộ truyện (gồm bảy phần) của nhà văn nữ nước Anh, J. K. Rowling. Bộ truyện viết về những cuộc phiêu lưu phù thuỷ của cậu bé Harry. 

  14. x. Mt 4,19; 8,22; 9,9…

  15. x.Ga 8,12

  16. x. 1Ga 2,6. Hành động “đi” được Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước, trình bày rất nhiều lần. 147 lần trong cuốn A New Concordance to the Holy Bible của King James, do ABS xuất bản năm 1974 ở New York.

  17. x.Ga 1,9

  18. x. Ga 1,5

  19. x. Ep 3,2-6

  20. x. Ep 5,8

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 24: Đi tìm nguồn đẹp

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Trong bài “Sống đẹp từng giây phút trong đời” (Bài 25), nhiều người chúng ta muốn sống tốt đẹp mãi như Đức Giêsu Kitô. Muốn thế chúng ta phải xác định được nguồn chân thiện mỹ là gì, phải tìm nguồn ấy ở đâu và làm thế nào biến đổi mình thành đẹp trong đời sống.

1. Xác dịnh nguồn chân thiện mỹ

Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người đi tìm cái đẹp, cảm nhận được cái đẹp trong từng cánh hoa, ngọn cỏ; từng ánh mắt, nụ cười; từng ý nghĩ, lời nói; từng cử chỉ, hành động của mọi người và vạn vật quanh mình. Ai ai cũng có thể thấy cái đẹp, muốn cái đẹp, nhưng lại rất khó để có một khái niệm rõ ràng và định nghĩa chính xác về cái đẹp. Vậy đẹp là gì?

Kết quả hình ảnh cho cái đẹp

Cái đẹp là “cái có hình thức hoặc phẩm chất đặc biệt làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể, là cái có sự hài hoà, tương xứng”[1]. Như thế, “cái đẹp tồn tại trong thiên nhiên như trời, biển, núi sông, chim muông, hoa lá hay trong xã hội, được thể hiện qua những quan hệ giữa người với người, những hành vi đạo đức, những thái độ ứng xử. Cái đẹp còn tồn tại qua các hình tượng thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật”[2]. Cái đẹp hay “mỹ”, theo giáo huấn Công giáo, “là cái làm vui lòng người nhìn ngắm. Bất cứ hữu thể nào, xét như là hữu thể, đều đẹp theo mức nó đạt tới hoặc gần đạt tới sự toàn hảo của bản tính nó. Trong các sự vật hoặc trong các hành động được coi là đẹp, cái đẹp có nền tảng nơi thế quân bình hoặc sự cân xứng của các thành phần cùng với một mức trong sáng được nhận biết. Là vẻ rực rỡ của cái Chân (đúng), cái Đẹp (mỹ) phần nào thực hiện sự tổng hợp của Chân và Thiện, người ta coi nó là một sự thiện mà chỉ hưởng được khi nhận thức và hội nhập nó”[3].

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Cái đẹp là chìa khoá mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới! Con yêu Chúa quá muộn màng[4].

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng: cái đẹp là một trong 3 thuộc tính cơ bản của hữu thể: đúng-tốt-đẹp, mà chúng ta vẫn gọi là chân-thiện-mỹ, vì bất cứ một hữu thể nào có thật thì đều tốt đẹp. Dù người ta còn tranh luận nhiều về mối quan hệ hỗ tương của chân thiện mỹ trong hữu thể, nhưng ta có thể nói rằng: “Đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp và cả hai cái tốt và đẹp đều phải nằm trong cái thật của hữu thể” [5].

Thiếu một trong 3 yếu tố này thì bất cứ một hữu thể nào cũng không được coi là đẹp và nếu có ai cho đó là đẹp thì cái đẹp ấy sẽ gây nguy hại cho người đón nhận nó cũng như cho các hữu thể khác. Điều này có thể cho ta hiểu tại sao trong việc thẩm định giá trị đẹp của một hoa hậu, người ta không chấp nhận những cái giả (từ bằng cấp giả, trình độ học vấn giả cho đến lông mày, lông mi giả, tóc giả, ngực giả…) hoặc những cái không tốt như người đó như nghiện rượu, nghiện ma tuý, có con ngoại hôn…

2. Tìm nguồn chân thiện mỹ ở đâu?

2.1. Cái đẹp qua góc nhìn của một vài tôn giáo

Trong hàng chục thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ, sống nghèo khổ, người Việt chỉ mong sao ăn no, mặc ấm chứ chưa nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp. Từ thể kỷ X, sau khi giành được độc lập, người Việt mới có cơ hội mở ra với văn hoá Trung Quốc và từ thế kỷ XVI với văn hoá phương Tây để đón nhận cái đẹp trong nghệ thuật và mỹ thuật nước ngoài.

Kết quả hình ảnh cho cái đẹp Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các ý thức hệ hay các tôn giáo đã được du nhập vào Việt Nam nên ít người quan tâm đến cái đẹp. Theo quan điểm Phật giáo, vẻ đẹp của con người và của thiên nhiên vạn vật thì vô thường, tạm bợ vì chúng luôn thay đổi như thời tiết sáng nắng, chiều mưa. Bám vào những vẻ đẹp vô thường đó sẽ làm cho con người bị trầm luân khổ ải. Con người chỉ nên đi tìm cái tốt trong đạo chứ không nên đi tìm cái đẹp ở bất cứ nơi đâu.

Lão giáo chú ý nhiều đến cái đẹp của vạn vật nên gắn bó nhiều với thiên nhiên. Người ta học được bài học sống an nhiên tự tại như trời đất, bất kể những thăng trầm của cuộc đời, của vạn vật. Lão giáo đi tìm cái hồn của vạn vật và nhận ra mỗi loài trong vũ trụ đều có thần chi phối cái tốt, cái thật, cái đẹp của muôn vật muôn loài, từ đó phát sinh ra việc tôn thờ những vị thần cai quản chúng vì “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.

Khổng giáo là ý thức hệ mạnh nhất chi phối tư tưởng các nhà trí thức trong xã hội Việt Nam, bắt đầu từ các triều đại Lý, Trần, nhất là khi chiếm địa vị độc tôn từ triều Lê (1428-1788) đến triều Nguyễn (1802-1945). Khổng giáo là một học thuyết đạo đức xã hội chính trị hơn là một tôn giáo vì không có lễ nghi, tổ chức, kinh nguyện, không tin có sự hiện diện của thần thánh hay ma quỷ dù có nhắc đến “Thiên” như một nguyên lý tối cao[6]. Khổng giáo quan tâm đến đời sống xã hội với các mối tương quan của con người, nhưng theo ý nghĩa của cái tốt, cái đúng, chứ không theo cái đẹp, vì chỉ muốn tổ chức xã hội được quy củ theo đúng tam cương, ngũ luân, ngũ thường. Cái đẹp của xã hội là theo đúng kỷ cương phép nước, cái đẹp của con người là sống theo đúng lễ nghĩa gia phong, chứ không phải là những nét đẹp trên hình hài, thể xác (Tốt gỗ hơn tốt nước sơn; Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người). Như thế, cái đẹp được hoà nhập vào cái đúng, cái tốt, chứ không phân biệt rõ ràng, tách biệt nhau[7].

Kết quả hình ảnh cho cái đẹp của thiên chúa

2.2. Cái đẹp qua góc nhìn thần học Công giáo

Nền mỹ học thật sự nói lên mối quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực và rút ra được những quy luật chi phối những mối quan hệ đó chỉ xuất hiện với Công giáo cách đây khoảng 2.000 năm.

Trước đó, Do Thái giáo, với những cuốn kinh trong bộ Thánh Kinh Cựu Ước, cũng đã nhận ra cái đẹp bắt nguồn từ Đức Chúa Giavê. Ngài là nguồn của chân thiện mỹ (x. Kn 13,5). Ngài dựng nên toàn thể vũ trụ rất tốt đẹp và tạo thành con người tốt đẹp hơn cả theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (x. St 1-2). “Chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp… Vì các thụ tạo càng lớn lao, đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,3-5). Nhưng tội lỗi của con người đã huỷ hoại tất cả và làm cho con người phải tàn tạ, xấu xí, chết chóc, cũng như vũ trụ phải lâm vào cảnh hư ảo, tan nát, khổ nhục (x. Rm 8,20-23). Tất cả đều mong đợi ngày được giải thoát, được tự do và vinh quang, được sống mãi như Thiên Chúa. Vì thế, toàn thể lịch sử Do Thái giáo hướng về Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Cứu thế.

Kết quả hình ảnh cho đức giêsu cười

Kitô giáo đã chỉ rõ Đấng ấy là Đức Giêsu Nazareth. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành con người để đưa thần tính vĩnh hằng, đưa chân thiện mỹ của Thiên Chúa vào trong vũ trụ vật chất, nên từ nay tất cả vạn vật cũng như từng con người đều phản ánh cái đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa và có giá trị vô biên. Con người không phải chỉ khám phá ra Đấng Toàn Mỹ tạo nên vẻ đẹp của vạn vật[8], từ đó suy ra Thiên Chúa là cái đẹp tuyệt đối[9], nhưng còn nhận ra “cái đẹp là thuộc tính phổ quát của mọi hữu thể” (omne ens est pulchrum). Đó là luận đề căn bản của triết học Công giáo.

“Người tín hữu Công giáo không phải chỉ khám phá vẻ đẹp của vũ trụ, của con người, nhưng họ cần khám phá ra vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô”[10]. Chính trong cuộc gặp gỡ này, đôi mắt tinh thần của họ sẽ được Người chữa lành để nhận ra chính Người đã làm cho mọi người, mọi vật trở nên tốt đẹp vô cùng nhờ cuộc phục sinh của Người.

Từ khởi điểm “Thiên Chúa trở thành người để đưa chân thiện mỹ vào trong con người và vũ trụ vật chất” đó, Công giáo đã “rửa tội”, nghĩa là “công nhận” các nền nghệ thuật và mỹ thuật của mọi dân tộc, khởi đầu là nghệ thuật, mỹ thuật của Hy Lạp và Rôma. Nhiều công trình kiến trúc được biển đổi thành nơi thờ tự, nhiều đền thờ, thánh đường, tu viện được xây dựng ở các nước châu Âu ngay từ thế kỷ IV và còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều tượng đài, điêu khắc, hoạ phẩm nổi tiếng của các thiên tài như Michelangelo (1475-1546), Leonardo da Vinci (1452-1519), Fra Angelico (1395-1455), Raphael (1483-1520), Titian (1485-1576), Guido Reni (1575-1642), Rembrandt (1606-1669), G. Battista Tiepolo (1696-1770), Antonio Canova (1757-1822), Pablo Picasso (1881-1973), Vincent Van Gogh (1853-1890), Edouard Manet (1832-1883),… đã được nền nghệ thuật và mỹ thuật Công giáo đón nhận vì chúng phản ánh cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Thiên Chúa, của con người và vạn vật.

Nghệ thuật từ đó mang tính chất thánh thiêng: “Khi nhờ hình thức thích hợp, đáp ứng với ơn gọi riêng của nó, trong đức tin và sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô[11].

“Mỹ thuật, chủ yếu là nghệ thuật thánh, tự bản chất nhằm diễn tả vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, được cảm nghiệm một cách nào đó qua những tác phẩm của con người. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm mục đích nào khác, ngoài sự góp phần tối đa để quy hướng tâm trí con người sốt sắng về cùng Thiên Chúa”[12]. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thư gửi các nghệ sĩ, đã nhắc nhở: “Thế giới chúng ta đang sống cần đến cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật, đem lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết được các thế hệ và làm cho họ hợp nhất trong cùng một tâm tình ngưỡng mộ[13].

Kết quả hình ảnh cho cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp

3. Diễn tả cái đẹp trong đời sống

Sau khi biết Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ và Đức Giêsu Kitô là phản ánh rõ ràng chân thiện mỹ này thì người Công giáo chúng ta có sứ mạng và trách nhiệm diễn tả “cái đúng, cái tốt, cái đẹp” đó trong đời sống hằng ngày “để mọi người trông thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời” (Mt, 5,16) và nhờ đó họ nhận được sự cứu độ là niềm vui, bình an, hạnh phúc và sự sống vĩnh hằng.

Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, người Công giáo ít quan tâm đến cái đẹp thể xác vì sợ rơi vào việc tôn sùng cái đẹp thân thể của người Hy Lạp và người Roma. Họ hầu như chỉ chú tâm đến cái đẹp tinh thần với những tài năng, đức tính và ân huệ Chúa ban. Trên con đường tìm về với Thiên Chúa là nguồn chân-thiện-mỹ, có những giai đoạn người tín hữu Công giáo đã bỏ quên cả con người để dồn tất cả danh dự, vinh quang cho Thiên Chúa. Có những thời kỳ người tín hữu Công giáo bị ảnh hưởng của phái Khắc kỷ, thuyết Nhị Nguyên nên hạ thấp giá trị thân xác con người, coi nó là nguồn của tội ác để chiều theo dục vọng. Người ta đã phải vẽ thêm các lá cây che kín những phần thân thể nhạy cảm trong các hoạ phẩm, tượng đài[14]. Công đồng Vaticanô II đã sửa sai điều này khi xác định: “con người là một chủ vị duy nhất có thân xác và linh hồn…Vì thế, không được khinh miệt đời sống thể xác con người, trái lại phải coi thân xác là tốt lành và đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết”[15].

Kết quả hình ảnh cho đức thánh cha cười

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thư gửi các nghệ sĩ, cũng đã nhắc đến câu nói của nhà văn Dostoevsky (1821-1881): “Cái đẹp sẽ cứu độ thế giới[16]. Cái đẹp này không phải chỉ là lý tưởng của Thiên Chúa giáo như giáo sư Lê Ngọc Trà đã hiểu[17], sẽ giúp nhân dân Nga thoát cảnh đau khổ và bế tắc của xã hội vào thế kỷ XIX. Cái đẹp đó được hiểu là chính Thiên Chúa, như nguồn chân thiện mỹ và là chính Đức Giêsu đầy quyền năng để đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ đi vào con đường tình yêu và giải thoát thật sự.

Đứng trước sự suy đồi của nền luân lý vì con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, người Công giáo có sứ mạng phải diễn tả cái đẹp trong đời sống để cứu độ thế giới, cứu độ dân tộc mình. “Đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hoá của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc đang làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam” [18]. Cái dối trá, gian ác, xấu xí, rõ ràng cứ diễn ra trước mắt mọi người trong mọi lĩnh vực xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong chính quyền, thậm chí trong cả các lĩnh vực tôn giáo tâm linh, chứng tỏ nhiều người Việt Nam đang vô cảm, hờ hững, lạnh lùng với chân thiện mỹ.

Nếu không có những hành động kịp thời để diệt trừ cái sai, cái ác, cái xấu, và thúc đẩy cái đúng, cái tốt, cái đẹp phát triển trong đời sống cộng đồng xã hội, thì sợ rằng một ngày nào đó dân tộc thân yêu và hào hùng này sẽ không tồn tại. Đó là lời cảnh báo tha thiết của chúng tôi trước nguy cơ và thách đố đối với cái đẹp trong xã hội hiện nay.

Để hoàn thành sứ mạng này, chúng ta không phải chỉ cầu nguyện, ăn chay và làm các việc bác ái. Chúng ta cần phải học hỏi chân thiện mỹ thật sự là gì, rồi diễn tả ra như thế nào thành ý tưởng, lời nói, cử chỉ, hành động trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Việc này cần phải nhờ đến các uỷ ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam về nghệ thuật thánh, giáo lý đức tin, phụng vụ, gia đình, giới trẻ, giáo dân…. nghiên cứu các bài học và giảng dạy, rồi phổ biến trong các tầng lớp giáo dân và hội đoàn Công giáo. Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã làm được điều này từ 20 năm nay và đã biến đổi dân tộc Hàn để từ một đất nước nghèo khổ, lạc hậu trở thành một trong 10 nước phát triển hàng đầu thế giới và số tín hữu tin vào Đức Giêsu Kitô từ 1% vào năm 1949 nay tăng đến 33% dân số.

Khi hiện ra với ông Môsê trên núi Khoreb (x. Xh 3,1-8. 13-15), Thiên Chúa đã tự giới thiệu mình là Đấng Hiện Hữu, để nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những gì “đang có” đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Ngài là nguồn của sự sống, hạnh phúc, tình yêu, nguồn của chân thiện mỹ và ơn cứu độ. Ngài đã chia sẻ những gì mình có cho mọi loài nên cái đẹp của Ngài chan hoà trong vạn vật. Nhưng trong thời đại gần đây, người ta muốn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một trong những giả thuyết gây nên sự chối bỏ ấy, đó là Thuyết Tiến hoá của Darwin (1809-1882). Rất nhiều ý thức hệ và chủ nghĩa đã dựa vào giả thuyết này như một tiền đề để xác định rằng: vạn vật, và ngay cả những gì thuộc về tinh thần, đều bắt nguồn từ sự tiến hoá ngẫu nhiên của vật chất chứ không phải do tác động của một ai khác sáng tạo nên.

Ý thức hệ Hiện sinh vô thần và Cộng sản duy vật đã dùng ngay giả thuyết khoa học đó để chối bỏ nguồn của hiện hữu là Thiên Chúa. Nhiều người hiện nay, nhất là các em học sinh, sinh viên trong đất nước chúng ta, tin thuyết tiến hoá như là một chủ thuyết của khoa học, một sự thật trong đời sống mà không ngờ đó chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này đang bị các nhà khoa học chống đối kịch liệt vì nó phản khoa học, tự mâu thuẫn và gây tác hại nặng nề trong đời sống con người [19]. Chúng ta không thể sống đẹp nếu chối bỏ nguồn đẹp là Thiên Chúa!

Lời kết  

Vì vậy, người tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta quyết tâm từ nay sống đẹp và diễn tả cái đẹp của Chúa trong cách ăn nói, trang điểm, học hành, làm việc, vui chơi của mình. Chúng ta sẽ tích cực dấn thân trong mọi môi trường xã hội, kết kợp với nhau để làm chứng cho chân thiện mỹ, cộng tác với mọi người để phục vụ lợi ích chung, sẵn sàng chịu những thua thiệt, mất mát trong đời sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, nguồn đẹp cụ thể của Chúa Cha.

————————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có nghĩ rằng mình nên ăn mặc và trang điểm thật đẹp khi đi dự thánh lễ không? Tại sao?

2. “Sống đẹp như Giêsu” bao gồm những điểm cụ thể nào?

3. Bạn nghĩ gì về thuyết tiến hoá của Darwin?

————————————————————

Chú thích:

  1. x. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ Đẹp, tr.408.

  2. x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ Điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách khoa Việt Nam, 2005, tập I, tr.431.

  3. x. Olivier de La Brosse, A.M Henry, P. Rouillard, Từ điển Đức tin Kitô giáo, mục từ Đẹp-beau.

  4. x. Thánh Augustinô,Confession 10,27:CCL 27,251; x. Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4/4/1999, số 16.

  5. x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi Văn nghệ sĩ, số 3.

  6. x. Ngô Tất Tố, Lều Chõng, tiểu thuyết phóng sự về đời một kẻ sĩ theo Khổng học, xuất bản ngày 10/3/1939 tại Hà Nội.

  7. x. Vũ Văn Thước, Quan niệm về cái đẹp của một số trường phái triết học- tôn giáo phương Đông, Ban Tôn giáo Tp.Đà Nẵng, Website Ban Tôn giáo Chính phủ.

  8. x. Bài giảng của thánh Augustinô số 241,2, PL 38, 1134; GLHTCG, số 32; Docat 2016, tr.240.

  9. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2500.

  10. x. Giáo hoàng Phanxicô, bài giảng ngày 24/1/2014; Docat, số 57.

  11. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2502.

  12. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2513; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum concilium, 122-127, AAS 56 (1964).

  13. x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4/4/1999, số 11.

  14. x. Tranh cãi giữa Hồng y Carafa và Michelangelo, nghệ sĩ bị buộc tội là vô đạo đức, tục tĩu khi vẽ những ảnh trần truồng trên bức hoạ Ngày Phán xét cuối cùng ở nhà nguyện Sixtine, Bách khoa Toàn thư, Wikipedia, Nhà nguyện Sixtine.

  15. x. Công đồng Vaticanô II (1965), Hiến chế Gaudium et Spes, số 14, Bản dịch của HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, 2012, tr.233.

  16. x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 16; x. F. Dostoevsky, L’Idiot, phần III, chương V, Milan 1998, tr. 645.

  17. x. Lê Ngọc Trà, Thách thức của sáng tạo, NXB Thanh Niên, 2002, tr.192.

  18. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2016, NXB Tôn Giáo, tr. 215.

  19. x. “Thuyết tiến hoá của Darwin: Đã đến lúc phải chấm dứt sự lừa dối vĩ đại”, bài trên You Tube, ngày 1/1/2018; bài “9 lý do chứng minh thuyết tiến hoá của Darwin sai”, You Tube, ngày 14/10/2018….

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 25: Tẩy sạch bụi trần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

Đi trên đường đời mỗi ngày, chúng ta thấy làn da mình bị đủ loại bụi bẩn bám vào, vì da bao phủ một diện tích khoảng hai mét vuông (2m2) trên cơ thể của một người bình thường. Do đó, ta cần tắm rửa thường xuyên. Hơn nữa, khi bước trên đường trần, ta cũng không thể nhắm mắt, bịt tai, bịt mũi, bịt miệng để tránh cho tinh thần khỏi bị nhiễm bẩn. Vì thế, ta còn có nhiệm vụ tẩy sạch bụi trần bám vào hồn mình cũng như hồn người, như Đức Giêsu đã chịu phép Rửa dưới sông Jordan để cứu độ thế giới [1].

Tam o song hang

1. Sống trong môi trường ô nhiễm

1.1. Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam khiến hàng chục ngàn người tử vong mỗi năm và thiệt hại khoảng 240.000 tỷ đồng [2]. Có khoảng 71.300 người chịu tác động ô nhiễm môi trường, trong đó có khoảng 50.000 chết vì không khí độc hại. Nguyên nhân là việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch chiếm hơn 90% năng lượng, ít chi phí bảo vệ môi trường, như cây xanh ở Việt Nam chỉ có diện tích 4m2/người trong khi tiêu chuẩn phải là 15m2/người, hoạt động giao thông với khói do các xe thải ra rất lớn. Khối lượng rác thải sinh hoạt bị đốt ở khắp các thành phố, thị xã, còn rơm rạ bị đốt trên các cánh đồng sau mùa gặt ở nông thôn.

Hình ô nhiễm 001

Ô nhiễm không khí làm cho mọi người, khi hít thở, phải tiếp xúc với các hạt bụi. Những hạt bụi này làm tổn thương hoặc gây nhiễm trùng cho các lớp niêm mạc từ mũi đến phổi. Những bụi lớn có kích thước to cho đến 6μm sẽ bị các lông ở mũi cản lại. Những hạt bụi mịn từ 1,5μm trở xuống, như các tiểu thể trong khói thuốc lá, sẽ đi sâu hơn vào tận các phế nang. Các vi nấm, vi trùng, virus, có kích thước nhỏ hơn các loại bụi mịn, cũng có thể xâm nhập vào buồng phổi hay qua vết thương ở trên da. Chúng bám vào mặt các phế nang, làm tổn thương thành các phế nang, làm chúng mỏng đi và giãn ra.

Hậu quả là các phế nang bị huỷ hoại, diện tích trao đổi khí bị thu hẹp, dẫn đến các cơn khó thở vì thiếu khí oxy để biến máu đen thành máu đỏ [3]. Thiếu khí trong phổi và trên não dẫn đến các bệnh tim mạch, thần kinh, nhồi máu cơ tim, đứt mạch máu não… Bộ não trung ương gồm khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh sẽ không phát đủ lệnh đến tất cả các cơ quan làm cho toàn thân yếu nhược, tinh thần kiệt quệ và chất lượng sống bị giảm sút.

Toàn thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona 2019 gây nên, gọi là CoVid-19, nay được gọi tên là SARS-CoV-2. Virus mới này được tìm thấy đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 30/12/2019. Tính đến 7g30 ngày 15/3/2020, sau 2 tháng rưỡi với vài chục người nhiễm bệnh ở Vũ Hán, dịch bệnh đã lan ra 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với 155.566 người nhiễm, 5.808 người chết và 75.799 ca khỏi bệnh. Việt Nam có 53 người bị nhiễm và đã chữa khỏi 16 người [4]. Virus này tàn phá nặng nề hệ hô hấp của những người cao tuổi và những ai bị tổn thương phổi, gây nên cái chết nhanh chóng cho họ. Dịch bệnh làm nền kinh tế, du lịch, giáo dục, giao thông, sinh hoạt toàn cầu bị xáo trộn và thiệt hại nặng nề. Đây là thí dụ điển hình cho việc ô nhiễm môi trường sống.

covid-19-1584235047214213486124

1.2. Ô nhiễm môi trường nước

Nước chiếm 70% bề mặt trái đất. Nước cũng là thành phần không thể thiếu trong mọi cơ thể sống. Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm nguồn nước là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do việc bảo vệ môi trường nước chưa được quan tâm đúng mức.

Việt Nam là một nước có dân số đông với 97.006.274 người vào ngày 25/02/2020, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc [5]. Việt Nam có nhiều nguồn nước nhưng tốc độ đô thị hoá nhanh, công nghiệp hoá cao và cơ khí hoá nông nghiệp còn chậm. Do đó, phân bón và thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp, chất thải và nước thải từ các ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm hầu như đưa trực tiếp vào ao hồ, sông biển; chất thải, rác thải sinh hoạt của dân cư trong các đô thị cũng đẩy trực tiếp ra các nơi đó hay ngấm xuống lòng đất. Tất cả đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, có hại cho sức khoẻ con người, động vật và thực vật [6].

o-nhiem-nguon-nuoc 3

2. Tắm rửa để tẩy sạch

Sống trong môi trường ô nhiễm, thân thể chúng ta rất cần nước sạch để tẩy rửa khỏi bụi bẩn và các chất độc hại bám trên da.

2.1. Da và các chức năng

Bụi bẩn và các vi sinh vật có thể bám vào cơ thể và xâm nhập vào con người, không phải chỉ qua mắt, tai, mũi, miệng, lỗ sinh dục và lỗ bài tiết mà còn qua da.

Da là cơ quan có trọng lượng khoảng 4kg ở một người trưởng thành có tầm vóc trung bình [7] và bao phủ một diện tích khoảng 2m2. Nó tạo nên một lớp không thấm nước và dai, bảo vệ ta khỏi ảnh hưởng của môi trường. Chỉ trong 1cm2 da, trung bình có khoảng 55cm sợi thần kinh, 70cm mạch máu, 15 tuyến bã, 100 tuyến mồ hôi và hơn 200 thụ thể cảm giác [8].

IMG_0881

Ngoài chức năng bảo vệ, da còn giúp ta cảm nhận rõ cấu trúc vật dụng và nhiệt độ môi trường xung quanh. Da còn giúp điều hoà thân nhiệt, bài tiết mồ hôi, giao tiếp, cầm nắm nhờ những lằn gợn trên đầu ngón tay và sản xuất vitamin D dưới ánh sáng mặt trời [9].

2.2. Tắm rửa để làm sạch da

Ngay từ thời sơ khai, con người đã biết dùng nước ở sông suối, ao hồ, biển cả hay đứng ngoài trời mưa để tắm rửa làm sạch thân mình. Theo dòng thời gian, con người khám phá thêm những cách tắm khác nhau, không phải chỉ để làm sạch cơ thể mà còn để thư giãn, chữa bệnh, giao tiếp xã hội, thi đấu thể thao… Cách tắm cũng có nhiều kiểu mới không cần dùng nước như tắm nắng, tắm hơi, tắm bùn, tắm trắng, tắm sữa, tắm bằng tia hồng ngoại… Những dụng cụ sử dụng trong việc tắm rửa, ngoài đôi bàn tay kỳ cọ làn da, còn có khăn vải, xơ mướp, bông tắm, xà phòng, đủ loại hoá chất để gội đầu, làm sạch da, dưỡng ẩm da,… Ngoài dòng nước tuôn chảy tự nhiên, nước tắm còn chảy qua vòi tắm hoặc chứa trong chậu lớn, bồn tắm, bể tắm, được thiết kế với máy móc tự động đun nước nóng, pha thêm những chất tẩy trắng, hương liệu, khử sạch mùi.

Tuy nhiên, qua những câu chuyện trao đổi, phim ảnh, sách báo, không ít người trong chúng ta đã hiểu sai về cách tắm rửa, dẫn đến những nguy hại cho chính sức khoẻ của mình.

tắm 2 Trước hết là một số người thường tắm quá lâu, trong khi trung bình chỉ nên tắm trong vòng 10-15 phút. Tắm lâu sẽ làm giảm độ acid của da, các tuyến bã ở các lỗ chân lông phải tiết nhiều chất nhờn để da không thấm nước, để da được mềm mại và chống vi khuẩn, khiến cho da bị khô, dễ bị nhiễm khuẩn và các bệnh ngoài da. Việc ở lâu trong các phòng đầy hơi nước đều không tốt cho da và buồng phổi.

Nhiều người không biết lúc nào nên tắm nước nóng hay nước lạnh. Việc dùng nước nóng hay lạnh có những lợi ích khác nhau và tuỳ vào tình trạng cơ thể. Việc kỳ cọ làn da và nước nóng làm cho các mạch máu lưu thông dễ dàng hơn, các tuyến mồ hôi được kích thích để điều hoà thân nhiệt, làm giãn các cơ bị đau nhức, thư giãn hệ thần kinh giúp dễ ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi, giảm lượng đường trong máu. Vì thế việc tắm bằng nước nóng tốt cho những ai bị cảm cúm, tiểu đường, đau khớp, khó ngủ, căng thẳng.

Khi tắm nước lạnh, các mạch máu dưới da co lại làm giảm vận động lưu thông của máu, giảm lượng nhiệt thoát qua da. Các tuyến mồ hôi cũng co lại, ít tiết ra mồ hôi nên nhiệt độ cơ thể được giữ lại. Các thụ thể ở đầu sợi thần kinh cảm giác trong hệ thần kinh tự động [10] được kích thích giúp ta loại bỏ sự lười biếng và buồn ngủ. Những bệnh nhân suy thoái hệ bạch huyết và miễn dịch, bệnh gan, rối loạn tiêu hoá, yếu kém sinh lý nên tắm nước lạnh.

IMG_0883

Một số người kết hợp việc tắm rửa với việc làm đẹp da, mềm da bằng đủ loại mỹ phẩm. Những hạt hoá chất này có thể gây nguy hiểm vì ngấm sâu vào da qua lỗ chân lông, phá huỷ các tuyến bã và bít kín các tuyến mồ hôi, gây nên bệnh viêm nang lông và nhiễm trùng qua da. Đúng hơn, ta chỉ nên dùng nước sạch, làm ướt toàn thân, kỳ cọ cơ thể khoảng vài ba phút để làm mềm da và loại bớt bụi bẩn, rồi xoa ít xà phòng tẩy khuẩn lên khắp người. Sau đó dùng nước sạch xả từ trên xuống dưới để trôi hết dầu gội và xà phòng tắm.

Ta nên để làn da thông thoáng là tốt nhất vì các bộ phận của da đủ sức bảo vệ cơ thể bằng những hoạt động bình thường. Ta cũng đừng nhẹ dạ tin dùng những kem tẩy trắng hay tắm trắng vì màu da của một người tuỳ thuộc vào số lượng và sự phân bố của các sắc tố melanin trong da của người đó. Các tia UV trong ánh sáng mặt trời kích thích sản sinh melanin ở mọi màu da, tạo ra màu da rám nắng [11]. Hãy giữ làn da tự nhiên, khoẻ mạnh và vượt qua mặc cảm đen trắng để tự khẳng định con người thật hơn là theo màu tóc, màu da.

Nhiều người thường muốn có mái tóc đen vì sợ người khác chê là già yếu, lỗi thời. Họ thường nhổ đi các sợi tóc bạc hay nhuộm mái tóc hoa râm của mình. Những dầu gội, thuốc nhuộm tóc có thể làm cho các nang lông tóc bị hư hại. Thời nay, người tinh tế thường nhận định rằng “người thật không xài đồ giả”, nên người ta kém tin tưởng đối với người nhuộm tóc.

IMG_1194 Nhiều bạn trẻ mang mặc cảm tự ti về da mặt đầy mụn của mình. Tuyến mồ hôi và tuyến bã của da có thể đẩy các dịch nội tiết, hạt mỡ và những chất thải trong máu qua da tạo nên những mụn nhọt cũng như những loại mồ hôi dầu, mồ hôi muối với mùi khác nhau. Nguyên nhân chính tạo nên mụn là làn da bị tổn thương, nhất là do ta nặn mụn bằng tay, thay vì dùng bông thấm alcool, khiến cho những mụn có mủ đầy vi khuẩn lan sang các lỗ chân lông khác. Muốn chữa làn da nhiễm trùng, ta nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước, giữ cho da sạch, không nặn mụn bằng tay hay bôi các hoá chất lên phần da bị tổn thương và dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Một nguyên nhân khác làm tổn thương da, đó là các khăn mặt, khăn tắm, bông tắm thường là ổ chứa các vi sinh vật do luôn ẩm ướt, đặt ở chỗ không có ánh nắng hay treo trong phòng tắm, dính mủ do các mụn trên mặt, dính các chất dầu mỡ từ đồ ăn, dính bụi bẩn v.v… Vì thế, ta phải thay khăn mặt, bông tắm vài tháng một lần và mỗi tuần giặt bằng nước nóng để giết các vi khuẩn cũng như phơi ngoài nắng hằng ngày.

Như thế, việc tắm rửa là nhu cầu cần thiết hầu như ta phải làm mỗi ngày để giữ cho cơ thể được sạch sẽ, nhờ đó ta mới có một sức khoẻ ổn định và tinh thần trong sáng, an vui.

3. Ô nhiễm tinh thần

Thật ra, khi bước trên đường trần, để đi cho đúng hướng, ta phải dấn thân bằng tất cả con người và đi chung với mọi người. Vì mở mắt, mở tai, mở lòng, mở trí, nên toàn thân ta có thể nhiễm phải bụi trần. Có những hạt bụi lớn nhỏ làm ta cay mắt, có những âm thanh làm ta ù tai, có những sự kiện làm ta đau lòng, có những biến cố làm ta loạn trí. Tất cả đều khiến tinh thần ta bị nhiễm bẩn. Vì thế ta cũng cần tắm rửa tinh thần.

3.1. Môi trường tinh thần bị ô nhiễm nặng nề

Cuộc chiến tranh lạnh giữa các dân tộc theo hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản ngay sau thế chiến II (1939-1945) đã gây ô nhiễm nặng nề cho tinh thần con người.

Hầu như tất cả các giá trị tinh thần như sự thật, sự sống, tự do, độc lập, hạnh phúc, tình yêu, công bằng, hoà bình, tôn giáo,… đều bị những chủ nghĩa đó xuyên tạc và giải thích một cách lệch lạc, theo góc nhìn của mỗi hệ tư tưởng, để giành phần thắng về cho mình. Những giá trị tích cực ấy đã bị chuyển đổi thành: sự dối trá, chết chóc, nô lệ, phụ thuộc, thù ghét, bất công, bất hạnh, vô thần,… Chúng là những bụi bẩn bám vào tâm hồn cao thượng của con người với đủ loại kích thước to nhỏ khác nhau. Chúng gây nên những tổn thương nhẹ hay nặng tuỳ thuộc vào tình trạng suy yếu hay mạnh mẽ của từng người khi tiếp xúc với chúng. Giống như một trẻ thơ bị xâm hại tình dục, dù chỉ một lần, tinh thần có thể bị tổn thương nặng nề suốt đời, trong khi một người lớn hiểu biết nhiều cảm thấy ít bị tổn thương hơn.

Con người duy nhất với hồn và xác từ đó bị xé làm đôi thành duy vật và duy tâm, duy lý và duy thực. Con người là một tổng hợp độc đáo từ đó bị chia cắt thành nội tâm và ngoại giới, thành cá nhân và tập thể, thành tự nhiên và siêu nhiên. Con người tự do, cao quý, vĩnh hằng và là hình ảnh của tinh thần tuyệt đối từ đó trở thành nô lệ cho vật chất, tư bản, cho tham vọng điên cuồng và dục vọng thấp hèn, cho chính quyền chuyên chế, đảng phái độc tài để rồi thấy cuộc sống trần thế của mình là bất hạnh và phi lý. Cuộc xung đột giữa hai hệ tư tưởng đã để lại những tinh thần bạc nhược, vô cảm, vô hồn, những loại rác rưởi, bụi bặm vô hình khiến cho môi trường tinh thần của con người không còn trong sạch và tốt đẹp nữa. Hầu như tất cả chúng ta đều bị nhiễm uế bụi trần vì tất cả chúng ta sống trong môi trường đó.

Nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử và vị trí đặc biệt, đã trở thành tiền đồn cho hai chủ nghĩa đó từ năm 1945 đến nay với hàng triệu người bị chết trong cuộc chiến, hàng chục triệu tài sản bị phá huỷ và hàng trăm triệu tinh thần bị tổn thương. Nhưng đây cũng là cơ hội thuận lợi cho toàn thể dân tộc Việt khi có dịp so sánh hai ý thức hệ để tìm lại được những giá trị tinh thần đích thực cho chuyến du hành trần thế của mỗi người.

Chính vì thế, chúng ta mới phải cùng nhau đi tìm định nghĩa chính xác của những giá trị như sự thật, sự sống, tình yêu, công bằng, tự do, hạnh phúc và cội nguồn của chúng. Đồng thời chúng ta cũng giới thiệu những hành động căn bản trong đời sống như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, học hành, làm việc, đi đứng, tắm rửa để làm đẹp cho mình và cho đời.

Kết quả hình ảnh cho trồng rau bẩn Chúng ta phải nhận rằng có nhiều người Việt Nam chưa hiểu được những giá trị tinh thần. Họ đã được dạy dỗ, đào tạo theo một hệ tư tưởng nhất định, nên giữ mãi những định kiến về con người, về vạn vật, về chính mình và về cả Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối. Những người ở miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản từ năm 1954 và những người ở miền Nam từ năm 1975 sau nhiều năm sống trong chế độ tư bản, thật sự đã có những nhận thức và thái độ sống rất khác nhau, tạo nên những xung đột trong xã hội.

Chỉ cần mở mắt là thấy ngay những “người tốt, việc tốt” thì ít, nhưng người xấu, việc xấu lại đầy trong xã hội. Người ta hành động gian dối, bất công, bất chính để kiếm thật nhiều tiền, để sở hữu nhiều vật chất và hưởng thụ chúng. Những hàng giả, hàng độc hại bày bán khắp nơi khiến người mua không dễ tìm được hàng thật, hàng tốt, dù đuợc bảo đảm bằng những lời cam kết “có cánh”. Nhiều nông dân trồng riêng một luống rau sạch, dành riêng một vài cây ăn trái không phun hoá chất cho gia đình, người thân, bạn bè; còn tất cả nông sản khác đều độc hại khi bán cho người khác. Cả những tín đồ hằng ngày đi lễ cầu Trời, ăn chay niệm Phật cũng hành động như thế, mà không nghĩ mình đang phạm “tội giết người” theo giới luật họ tụng niệm hằng ngày.

Chỉ cần mở tai là chúng ta nghe đủ những lời nói dối, nói tục, nói xấu của bao người sống quanh ta, trên những phương tiện truyền thông xã hội và trong cả các bài giảng đạo của nhiều vị chức sắc tôn giáo. Người ta nói dối nhưng vẫn nghĩ mình nói thật, vì họ không biết sự thật là gì. Người ta nói tục nhưng vẫn cho mình là loan báo lời thiêng, vì không biết lời thiêng là gì và làm sao nói được lời đó để tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Người ta nói xấu nhưng vẫn nghĩ mình nói tốt cho người, vì không biết lòng tốt là gì và bắt nguồn từ đâu. Tất cả những bụi bẩn đó đi từ đôi mắt, đôi tai rồi lọt vào tâm trí khiến cho tinh thần chúng ta bị ô nhiễm.

3.2. Những bụi trần ấy bắt nguồn từ đâu?

Chúng ta đặt ra câu hỏi này để tìm hiểu về nguồn gốc của ô nhiễm tinh thần, từ đó mới có thể tẩy sạch bụi trần bám vào hồn mình.

Chúng ta vừa nói đến chủ nghĩa tư bản và cộng sản như những tội phạm gây ra ô nhiễm tinh thần. Nhưng các chủ nghĩa đó đâu có cầm dao đâm chém hay dùng súng đạn bắn giết con người, đâu có môi miệng nói lời gian dối hay tay chân sản xuất ra vũ khí và hàng hoá độc hại! Vậy bụi trần bắt nguồn từ đâu?

Nhìn vào đời sống thực tế, người ta thấy mỗi người được sinh ra, lớn lên, già đi, bị bệnh tật và cuối cùng phải chết. Đức Phật Thích Ca Mâuni [12] đã nhận ra bể khổ ấy và đã giảng ở Bénarès về 4 chân lý căn bản: khổ-dục-diệt-đạo. Khi đi trên đường trần, con người bị chi phối bởi luật nhân quả, những hành động xấu đều tạo ra nghiệp dữ, đều bôi bẩn con người. Vì thế, con người phải trải qua hàng tỷ kiếp thanh luyện cho đến khi trở nên hoàn toàn tinh khiết, dập tắt được mọi tham sân si thì mới thoát khỏi vòng luân hồi và đi vào cõi niết bàn để sống an lành và tốt đẹp mãi mãi.

Kết quả hình ảnh cho Đức Phật Thích Ca  Mâuni

Tuy nhiên, thực tế lại cho ta hiểu rằng đời người không phải chỉ là bể khổ mênh mông, mà còn có niềm vui, hạnh phúc, tình yêu, sự sống viên mãn và những giá trị tích cực ấy mới là thật và mới đáng cho ta kiếm tìm, còn khổ đau chỉ là mặt trái của chúng. Con người cũng nhận ra rằng tất cả những điều thật như sự sống, tình yêu, cái đúng, cái tốt, cái đẹp… đều có nguồn gốc. Nguồn ấy không phải từ con người, nhưng phải từ Đấng Tự Hữu là nguồn của mọi hiện hữu, vì con người không thể tự mình làm ra chúng và ban chúng cho ai khác. Còn những thứ không có thật, như sự chết, đau khổ, bệnh tật, giả dối, ác độc, xấu xa…, đang tồn tại trong đời sống con người, cũng phải có nguồn. Vậy chúng từ đâu tới và do ai tạo nên? Nhiều tôn giáo và huyền thoại của các dân tộc đã tìm cách giải thích về bụi trần.

Cách đây khoảng 2.500 năm, những người Hy Lạp, La Mã cho rằng có những vị thần tạo nên điều tốt hay điều xấu và cai quản chúng. Thí dụ chiến tranh là do thần Mars, chết chóc là do Tử Thần. Còn người Á Đông lại nghĩ rằng Diêm Vương cai quản cái chết và những người chết. Đó là quan niệm Nhị Nguyên hay thuyết hai nguồn, nguồn thiện và nguồn ác.

Giáo hội Công giáo dạy ta hiểu rằng tất cả những thực tại đều tốt lành và bắt nguồn từ Thiên Chúa vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu. Ngài yêu thương muôn loài nên đã dựng nên tất cả và chia sẻ cho mọi loài thụ tạo những ơn lành của Ngài. Ngài không làm ra đau khổ, bệnh tật, già nua, chết chóc…, gọi chung là sự dữ hay những gì tiêu cực, bởi vì trong Ngài chỉ có điều tích cực. Vì thế, con người cũng như vạn vật được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, vẻ đẹp vô biên, niềm vui vô tận, quyền năng vô cùng của Thiên Chúa.

Đặc biệt, khi dựng nên con người và thiên thần, Thiên Chúa đã ban cho họ tinh thần để họ là hình ảnh giống như Ngài. Vì tinh thần có lý trí và ý chí tự do, nên con người cũng như một số thiên thần đã lạm dụng tự do của mình để từ chối Thiên Chúa. Thánh Kinh [13] đã kể lại cho ta câu chuyện Satan dưới hình con rắn, cám dỗ con người và con người đã sa ngã khi bất tuân lệnh truyền của Chúa, cắt đứt mối giao hảo và tình yêu của Ngài.

Loài người đã đánh mất ánh hào quang ân huệ bao phủ họ, nên họ thấy mình trần truồng, tủi nhục, nghèo nàn, vô nghĩa, mỗi ngày một già nua, xấu xí, bệnh tật và cuối cùng là chết. Tất cả bắt nguồn từ tội, tội nguyên tổ cũng như tội của từng người. Ta có thể xem lại những giáo huấn này trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo từ số 385 đến 421. Như thế, Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết. Chính tự do của con người, khi quyết định cắt đứt với nguồn sống, nguồn chân thiện mỹ, đã tạo nên cái chết, cái giả dối, ác độc, xấu xa cho mình và vạn vật [14]. Như thế, tội là nguồn của mọi đau khổ và sự dữ.

Ngày nay rất nhiều người đánh mất ý thức về tội lỗi, vì họ không còn tin Thiên Chúa là nguồn của mọi giá trị tích cực mà họ mong chờ, dù vẫn muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Họ chỉ tin vào khoa học, vào những giải pháp của con người. Họ nghĩ rằng tội lỗi là một khiếm khuyết trong quá trình tăng trưởng, một yếu kém về mặt tâm lý, một sai lầm trong nhận thức hay hành động, một hậu quả tất yếu của cơ cấu tổ chức xã hội thoái hoá [15]… Đến một lúc nào đó, con người sẽ vượt qua cái chết nhờ biết dùng tế bào gốc, tế bào tươi để làm cho mình sống mãi, đẹp mãi. Đến một lúc nào đó, chiến tranh, áp bức, bất công sẽ không còn, khi mọi người nhận ra nhau là anh chị em, nhờ biết tổ chức đời sống xã hội tốt hơn…Con người được tự do nghĩ như vậy, nhưng đừng quên rằng cắt đứt với nguồn cội của mình là sẽ mất đi tất cả những giá trị của hiện hữu!

4. Sứ mệnh tẩy sạch bụi trần, rửa sạch tội đời

Để bảo đảm sức khoẻ toàn diện, ta phải tẩy rửa bụi bặm, làm sạch môi trường sống để thở được thật nhiều không khí trong lành cũng như thần khí linh thiêng. Vì thế, trách nhiệm tẩy sạch bụi trần và rửa sạch tội đời là sứ mệnh của mỗi người trong cộng đồng xã hội.

4.1. Bảo vệ môi trường sống

Trong lĩnh vực cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường sống như:

– Giảm nguồn bụi bằng việc sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như dùng xe đạp, xe điện thay cho xăng dầu; tưới nước để giảm bụi ở các công trường xây dựng, các đường phố đông xe…

– Giảm nguồn chất thải bụi bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch như thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời thay cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá hay dầu cặn, sử dụng nhiên liệu sạch như bếp điện, bếp gas thay cho bếp than, bếp củi.

– Giảm ô nhiễm nước bằng việc thay đổi quy trình công nghiệp, trong các ngành nghề như cơ khí, luyện kim, dệt may nhuộm, chế biến thuỷ hải sản. Các xí nghiệp phải có hệ thống lọc nước thải trước khi xả nước ra môi trường. Các thuốc trừ sâu, phân bón hoá chất được thay thế bằng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ, phân xanh thân thiện với môi trường.

– Các chất thải sinh hoạt cộng đồng cũng phải đưa vào cống lọc, bể lọc thay vì đưa thẳng ra sông, biển hoặc ngấm trực tiếp vào lòng đất làm ô nhiễm dòng nước ngầm. Xử lý đặc biệt các chất thải y tế để tránh lây lan nguồn dịch bệnh.

– Giáo dục công dân, nhất là các nông dân, ngư dân, các công ty, xí nghiệp về việc sử dụng các loại hoá chất, thuốc trừ sâu, phân bón và có luật lệ quy định rõ ràng.

http://moitruongviet.edu.vn/wp-content/uploads/2016/12/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-mt.png – Giáo dục công dân để trồng và bảo vệ cây xanh, phân loại rác để tái sử dụng. Mang khẩu trang để lọc bụi khi ra đường, khi bị cảm cúm, ho. Không nhổ bậy, không xả rác bừa bãi, không vứt xác thú vật ra đường, hay ngoài sông, ngoài ruộng.

– Giáo dục quần chúng về việc giữ gìn vệ sinh chung và phổ biến những quy định rõ ràng của bộ luật bảo vệ môi trường. Tắm rửa thường xuyên để giữ da sạch, lau quét nhà cửa, đồ dùng để giảm bụi, tránh hút thuốc lá ở những nơi công cộng.

4.2. Rửa sạch tội đời

Việc tắm rửa tinh thần để tẩy sạch tội lỗi cần thiết hơn cả việc tắm rửa thân thể và cũng bao gồm một số công đoạn nên làm.

Việc đầu tiên là thanh tẩy ký ức

Thật ra, qua vài chục năm sống, trí nhớ của ta lưu trữ hàng tỉ hình ảnh, âm thanh, lời nói, tư tưởng, cảm xúc, hành động xấu tốt của hàng ngàn con người, trong hàng ngàn sách báo, bộ phim, sự kiện, hoàn cảnh. Nếu không tắm rửa để loại trừ sớm những thứ xấu xa, bẩn thỉu, ác độc ra khỏi tâm trí, chúng sẽ đi sâu vào tinh thần, từ tầng ý thức đến tiềm thức và ẩn kín trong cõi vô thức của ta như Sigmund Freud đã cảnh báo [16], gây nên những tật bệnh tinh thần.

Người ta đã từng áp dụng những giải pháp cực đoan để thanh tẩy tinh thần như chạy điện não cho những tù nhân giết người hàng loạt, hãm hiếp nhiều phụ nữ. Người ta cũng lập ra những trại tập trung giam giữ tù nhân để tẩy não hay dùng chiến tranh tâm lý để khuất phục đối phương, bằng cách áp dụng phát minh “phản xạ có điều kiện” của Ivan Petrovich Pavlov [17], những cách tẩy não rẻ tiền qua bộ loa phóng thanh một thời đặt ở khắp nơi lải nhải những bài ca tụng chế độ.

Thật ra, có những hạt bụi vô tình bám vào hồn ta giống như bụi đường. Đó là những tư tưởng tiêu cực, lời nói giả dối, hình ảnh đồi truỵ, bạo lực, ma quái, ham muốn chiều theo tham vọng, dục vọng bất chính, mà ta đã gặp trong ngày sống. Ta cần tắm rửa để loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí bằng cách ngồi tĩnh lặng ít phút vào lúc cuối ngày khi kiểm điểm chính mình.

Việc tiếp theo là sám hối ăn năn tội lỗi

Những bụi bẩn tinh thần này chỉ có thể bám chặt vào hồn ta, nếu được ta đón nhận bằng một quyết định rõ ràng của lý trí và ý chí. Lúc đó bụi trần mới trở thành tội lỗi làm vấy bẩn linh hồn, gây nên những tật bệnh tinh thần ảnh hưởng đến toàn thân. Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần gần đây cho thấy có tới 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%[18].

Ta phạm tội vì chúng thoả mãn lòng tham và lòng dục của ta, tạo cho ta những phút sung sướng nhất thời, hạnh phúc giả tạo, đưa ta đi sâu vào sự mê muội lầm lạc và cuối cùng là cái chết của tinh thần, nghĩa là cắt đứt ta với cội nguồn hiện hữu là chính Thiên Chúa. Ta giống như người thoạt đầu vô tình xem một vài hình ảnh dâm đãng, sau đó cố ý tìm xem những phim ảnh đồi truỵ, rồi thực hiện những hành vi thủ dâm hay mua dâm, để cuối cùng thân tàn ma dại vì bệnh tật. Chính vì thế, ta cần phải rửa sạch tội đời trong hồn mình bằng việc ăn năn sám hối, quyết tâm từ bỏ những hành vi phạm đến ngũ giới (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu) theo Phật giáo hay phạm đến thập giới theo Thiên Chúa giáo.

Thật ra, tội chỉ có ý nghĩa đối với những ai tin rằng mình có tinh thần và tinh thần đó cần phải trong sáng, tốt đẹp, cho xứng đáng với Đấng là tinh thần tuyệt đối luôn ngự trong hồn mình. Đó là mối liên hệ thâm sâu của con người đối với Thiên Chúa [19]. Vì thế, tội lỗi được định nghĩa như là một hành động có tự do và ý thức của con người xúc phạm đến Thiên Chúa [20], đến người khác hay đến chính mình [21]. Càng rửa sạch tội lỗi, con người toàn diện của ta càng cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc, ân huệ của Thiên Chúa và càng phát huy được những khả năng kỳ diệu của tinh thần.

Nhiều người thời nay, dù là những tín hữu đạo đức, cũng chưa nhận thức rõ được tội lỗi xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa như thế nào, và làm cách nào để tẩy sạch tội lỗi. Ta hãy tưởng tượng hai đứa bé chửi nhau: “Mày là đồ ăn cắp!”, rồi không thèm chơi với nhau nữa. Để giúp chúng làm hoà, chỉ cần một người bạn quen biết cả hai và nói: “Các bạn làm hoà, xin lỗi nhau đi” là đủ. Nhưng nếu đứa bé xúc phạm đến một người lớn vì nói một lời tương tự, thì cần một người lớn quen biết hai bên mới có thể hoà giải. Người bị xúc phạm có địa vị càng cao thì tội càng nặng và cần người có địa vị tương xứng mới có thể giải hoà.

Thiên Chúa là Đấng cao cả vô cùng nên tội con người luôn mang tính cách tuyệt đối, dù người ta có phân biệt tội trọng hay tội nhẹ [22]. Con người không thể chỉ một mình nói lời xin lỗi, hay dâng lễ đền tội như một số tôn giáo thường làm, vì Đấng bị xúc phạm chưa được đền bù xứng đáng. Do đó, cần một người trung gian, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, để hoà giải đôi bên, tẩy xoá được tội lỗi cho toàn thể nhân loại, nối lại mối giao hảo giữa Thiên Chúa và vũ trụ.

Công giáo đã giải thích rõ ràng việc xoá bỏ tội đời qua mầu nhiệm Đức Giêsu Nazareth là Con Một Thiên Chúa, đã tự nguyện trở thành người và vâng phục cho đến chết trên thập giá để thay mặt toàn thể vũ trụ xin lỗi Thiên Chúa. Rồi vì Người là Thiên Chúa nên hành động này mới có giá trị tuyệt đối, tác động đến mọi loài trong không gian và thời gian và trở nên “Đấng xoá bỏ tội trần gian” [23].

Vì thế người Công giáo tin rằng chỉ có Đức Giêsu mới có thể thể đền bù trọn vẹn cho Thiên Chúa và không cần phải trải qua muôn ngàn kiếp luân hồi mới xoá sạch tội mình, nhưng chỉ cần tin vào Đức Giêsu ở kiếp sống này là đủ. Dù không theo Công giáo, nhưng hành động sám hối của con người ở bất cứ nơi đâu đều được Thiên Chúa là người Cha muôn loài đón nhận để tha thứ tội lỗi. Sự kiện Đức Giêsu, dù vô tội, nhưng đã hoà mình với đám tội nhân dưới dòng sông Jordan để nhận phép rửa sám hối của ông Gioan Tẩy Giả, đã khiến trời mở ra. Rồi tiếng Chúa Cha phán từ trời và Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện ra là hình ảnh tuyệt đẹp, rõ ràng nhất về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa và sứ mệnh tẩy sạch bụi trần của con người [24].

chua chiu phep rua 3

Việc thứ ba là cải thiện đời sống

Sau khi rửa sạch tội lỗi, ta cần phải làm cho tinh thần mình trong sáng, tốt đẹp, mạnh mẽ hơn bằng những tư tưởng thanh cao, lời nói trung thực, hành động yêu thương theo hướng tích cực. Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho ta Bát Chính Đạo: “chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định” [25]. Đức Giêsu cũng dạy chúng ta đường hướng sống tích cực theo Tám Mối Phúc Thật để kiện toàn Thập giới: “tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ vì tội lỗi, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, chấp nhận bị bách hại vì sống công chính” [26].

Người tín hữu Công giáo không phải chỉ chủ động tẩy xoá tội mình qua bí tích Giải Tội, như một cuộc tắm rửa tinh thần. Họ còn phải tích cực tẩy xoá tội đời bằng những hành động thiết thực trong đời sống, để diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình. Toàn bộ đời sống tín hữu tập trung vào tình yêu, và tội lỗi là những hành vi phá huỷ tình yêu trong tâm hốn do vi phạm những giới luật của Thiên Chúa. Do đó, càng “yêu thương đến cùng” như Đức Giêsu, ta càng cộng tác với Người trong sứ mệnh xoá bỏ tội đời, phục hồi tinh thần sa đoạ và hoà nhập tinh thần của mình với tinh thần tuyệt đối.

Yêu thương đến cùng là “đón nhận tất cả, tin tưởng tất cả, tha thứ tất cả, hy vọng tất cả” như thánh Phaolô nhắc nhở [27]. Tha thứ cho những kẻ đóng đinh, cho người chồng, người vợ đang phản bội mình, cho người con đang bất hiếu, cho mọi người gây khổ cho mình. Khi ta sẵn sàng đón nhận tất cả những điều tiêu cực đó, nhờ sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa và nhờ ân huệ của Thánh Thần, đó là ta đang xoá tội trần thế. Hơn nữa, nếu Chúa muốn ta làm chứng cho Người như các tông đồ xưa [28], ta sẽ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại để cho mọi người biết xoá bỏ tội lỗi mang lại hiệu quả là sự sống kỳ diệu trong niềm vui, bình an, hạnh phúc như thế nào.

Lời kết

Việc tắm rửa để tẩy sạch bụi trần và tội đời tưởng như tầm thường, nhưng quả thật hết sức cần thiết để giúp ta trở thành một con người toàn thiện. Dù rằng “toàn thiện là luật của Trời, tiến đến toàn thiện là luật của người”, nhưng mỗi bước tiến lên trên đường đời ta lại cảm thấy mình thanh thản, an bình, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

————————————————————

Câu hỏi

1. Trong cương vị hiện nay, bạn có thể làm gì cho môi trường Việt Nam được trong sạch, tốt đẹp hơn?

2. Bạn thấy mình nên sửa đổi điểm gì khi tắm rửa?

3. Bạn có biết tại sao virus Corona 2019 đã tàn phá buồng phổi của những người bị nhiễm và gây ra cái chết cho họ?

4. Bạn hãy kể ra những bụi bặm tinh thần đang tàn phá bầu khí ở Việt Nam.

5. Bạn tẩy rửa tinh thần của mình như thế nào cho sạch bụi bẩn và tội đời?

————————————————————

Chú thích:

  1. x. Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22.

  2. x. Bài “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam nhìn từ góc nhìn kinh tế”, tổ chức sáng ngày 14/1/2020, ở Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội.

  3. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.327.

  4. x. Báo Tuổi Trẻ online, ngày 15/3/2020.

  5. x. Nguồn: https://danso.org/viet-nam.

  6. x. Bài “Ô nhiễm môi trường nước”, Karofi.com, Internet, 26/9/2019.

  7. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.280.

  8. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.38-39.

  9. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.38.

  10. x. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.297.

  11. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.280.

  12. Shakyamuni,  từng sống vào thời kỳ Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 trước Công nguyên.

  13. x. St 2,7-9; 3,1-7

  14. x. Kn 1,13-24; 2,23-24.

  15. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 386.

  16. Sigmund Freud (1856-1939), nguyên là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học.

  17. Ivan Petrovich Pavlov(1849-1936), người Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg. Ông là người đã giành giải Nobel sinh lý và y khoa năm 1904.

  18. x. Báo Tiền Phong on line, ngày 13-9-2018.

  19. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 386.

  20. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1850.

  21. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1853.

  22. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1854-1864.

  23. x. Ga 1,29.

  24. x. Mt 3, 13-17

  25. x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học Hán Việt, Mục từ Bát chính đạo, NXB Phân viện Nghiên cứu Phật học, Hà Nội, 1992, Q. 1, tr. 102.

  26. x. Mt 5,1-10

  27. x. 1Cr 13,7.

  28. x. 1Cr 1,1-3.

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 26: Giấc ngủ bình an

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

Ngủ là một hành động hết sức cần thiết cho sức khoẻ con người. Qua giấc ngủ, các tế bào có thời gian để phát triển, các mô có thời gian để phục hồi, nhất là các mô thần kinh, các hệ cơ quan như hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp có thời gian được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nhiều người chúng ta đã coi thường giấc ngủ, ngủ không đủ giờ, hoặc ngủ không đúng giờ theo đồng hồ sinh học của cơ thể do áp lực của công việc, do những đam mê thúc đẩy, nên đã làm thương tổn đến sức khoẻ toàn diện của mình. Vì thế, trong phạm vi bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giấc ngủ để có thể tìm được một giấc ngủ bình an.

ngu ngon

1. Ngủ là gì?

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, Ngủ là nhắm mắt lại, tạm dừng mọi hoạt động chân tay và tri giác, bắp thịt dãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại, toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi – một trạng thái sinh lý thường có tính chất chu kỳ theo ngày đêm[1].

f5a4d29a0ba0edfeb4b1 Phân tích định nghĩa trên đây chúng ta thấy người ta chỉ mới mô tả ngủ như một hoạt động thường có của con người, nhưng chưa định nghĩa thật sự ngủ là gì. Ngủ không phải là nhắm mắt, vì có một số người khi ngủ chỉ khép hờ đôi mắt hay có khi mở to mắt như Trương Phi trong truyện Tam Quốc Chí chương 81, khiến hai thuộc hạ lo sợ không dám giết ông.

Ngủ là hoạt động tự nhiên theo định kỳ mà những cảm giác và vận động tạm thời bị hoãn lại một cách tương đối, với đặc điểm dễ nhận thấy là cơ thể bất tỉnh hoàn toàn hoặc một phần và sự bất động của hầu hết các cơ bắp[2]. Giấc ngủ là một trạng thái đồng bộ cao, tăng cường sự tăng trưởng và trẻ hoá hệ thống miễn dịch, thần kinh, xương và hệ thống cơ bắp. Rất cần thiết cho sự sống đối với tất cả các động vật có vú, tất cả các loài chim, nhiều loại bò sát.

Meo ngu

Có người ngủ mà đầu óc vẫn suy nghĩ nên khi thức dậy cảm thấy mệt mỏi hơn khi thức. Có những người không ngủ, nằm hay ngồi, giữ nhịp thở đều, tâm trí thanh thoát, nên cảm thấy thoải mái, khoẻ khoắn, giống như tâm trạng của những thiền sư hầu như không ngủ trong ba tháng an cư kiết Hạ.

Nếu đo bằng điện não đồ, ta sẽ phân biệt được ngủ nông và ngủ sâu. Điện não đồ sẽ báo trên màn hình để ta thấy những bước sóng ngắn và dày khi ta thức và có suy nghĩ, bước sóng rộng và thưa khi ngủ nông, bước sóng rộng nhất và thưa nhất khi ngủ sâu. Ngủ nông là tình trạng của người đã đi vào giấc ngủ nhưng trí não vẫn hoạt động một cách nào đó. Còn ngủ sâu là trí não hầu như ở trong trạng thái thư dãn hoàn toàn.

5c9197ad4e97a8c9f186 559334aced960bc85287

Giấc ngủ sâu, đó là giấc ngủ với trạng thái thần kinh thư dãn hầu như hoàn toàn. Chúng ta có thể kiểm tra qua biểu đồ của những làn sóng thần kinh trên màn hình khi dùng những dụng cụ để đo điện não đồ. Những cơ bắp không bị căng cứng, khí thở đầy đủ. Lúc thức dậy ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, không rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau nhức.

Chu kỳ thức ngủ hằng ngày của ta bị tuyến tùng chi phối. Đây là tuyến nhỏ chỉ dài khoảng 8mm, nằm gần trung tâm não, phía sau đồi thị, có hình dạng một quả thông. Tuyến này tiết ra hormon melatonin có liên quan trong việc điều hoà nhịp ngày-đêm hay chu kỳ thức-ngủ của cơ thể[3].

Tr 132 - Noi tiet o dau va co

Tuyến này có liên quan với đường thị giác, mắt càng thu nhận nhiều ánh sáng thì hoạt động của tuyến tùng giảm đi khi có ánh sáng mạnh, do đó vào ban ngày, nồng độ melatonin thấp. Nồng độ này tăng cao vào ban đêm với lượng tiết ra tăng khoảng 10 lần làm cho ta cảm thấy buồn ngủ. Vì thế chúng ta nên nhắm mắt và tắt đèn hoặc giảm ánh sáng trong phòng cho dễ ngủ[4].

Tr 389 - tuyen tung

2. Nguyên nhân gây mất ngủ

Chúng ta có thể phân biệt nhiều nguyên nhân gây mất ngủ trong những lĩnh vực khác nhau. Mất ngủ thể lý: do tuổi tác, thiếu oxy não, bệnh cường giáp, bệnh tim, bệnh dạ dày, suy giảm nội tiết tố,… Mất ngủ tâm thần: áp lực, căng thẳng, chơi game, trầm cảm,… Mất ngủ tâm lý: lo sợ, tức giận, ghen tuông…. Mất ngủ tâm linh: do tác động của tinh thần khác.

ngu 14

Vì thế, chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân gây mất ngủ cho mình.

thieu-mau-nao-o-nguoi-tre (1) – Nguyên nhân dễ gây mất ngủ nhất là thiếu khí trong bộ não. Người Việt thường thở rất yếu, có tới 90% người thở không đủ lúc hoạt động ban ngày. Ban đêm ta thường thở ít hơn ban ngày khoảng 25% nên tình trạng thiếu khí còn nặng nề hơn. Để tránh tình trạng chết vì ngạt khí, cơ thể tự bảo vệ bằng cách không cho ta ngủ sâu, ta cứ ngủ chập chờn cho đến lúc tình trạng thiếu khí cao nhất thì cơ thể sẽ vùng chỗi dậy để lấy lại hơi thở. Khi bộ não thiếu khí thì những hình ảnh, tư tưởng, âm thanh hoà trộn với nhau một cách lộn xộn tạo ra những giấc mơ đủ loại. Ví dụ: ta mơ chạy nhanh, té ngã, rớt xuống sông, xuống biển, bị tai nạn… Chính lúc khủng khiếp nhất, ta vùng chỗi dậy. Đó là lúc cơ thể lấy lại hơi thở.

– Nguyên nhân mất ngủ cũng có thể bắt nguồn từ những hoạt động làm cho bộ não tỉnh, dù rằng thời điểm đó đồng hồ sinh học đã yêu cầu ta ngủ. Thí dụ: 10 giờ tối ta bắt đầu buồn ngủ. Những hoạt động như tắm bằng nước quá lạnh, tập trung trí não cho những trò chơi trực tuyến trên mạng, những bộ phim gay cấn, những trang sách kích động, bài ca hay điệu nhạc sôi động, thậm chí những món ăn, đồ uống quá khuya làm cho bao tử phải vận hành để tiêu hoá cũng làm ta khó ngủ và mất ngủ.

– Chứng khó ngủ cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng tâm lý khi nằm trên giường. Thí dụ: khi ta gặp biến cố đau thương như người thân mới mất, hoặc khi tâm trí bị kích thích với những cảm xúc mạnh (giận quá, vui quá) làm ta khó ngủ. Tình trạng này liên hệ đến nhịp tim: khi nhịp tim nhanh, ta cần nhiều oxy nên không thể ngủ khi thiếu khí.

da71004fd9753f2b6664 – Chúng ta không thể không nói đến chứng mất ngủ do tình trạng tâm linh. Điều này nghe có vẻ như mê tín, nhưng các bệnh viện hiện đại trên thế giới đã ghi nhận và chúng tôi cũng đã từng chữa trị cho những bệnh nhân có chứng mất ngủ loại này.

Thí dụ điển hình: Chúng tôi gặp một bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, luôn thức giấc vào khoảng 1 giờ sáng. Sau khi chữa trị tại nhiều bệnh viện, xét nghiệm, điện não đồ, tâm đồ và các trắc nghiệm tâm thần, tâm lý… các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Chị được mẹ ruột dẫn đến với chúng tôi. Khi ngồi ở phòng đợi, chị vui vẻ cười nói với các bệnh nhân khác. Nhưng khi bắt đầu ngồi trước mặt chúng tôi, chị đột ngột im lặng. Người mẹ, khoảng 60 tuổi, liền nói: “Đây là lúc con ma xuất hiện, xin ngài đuổi nó đi”. Tôi nói với bà rằng chúng tôi không xua đuổi ai cả; và nói với người bệnh: “Chị có tâm sự gì, xin kể cho chúng tôi nghe để có thể giúp chị”.

Chị bỗng oà khóc nức nở, chỉ tay vào bà cụ rồi nói: “Bà ngoại cứ dẫn mẹ con đi thầy pháp để trục xuất con”.

Tôi hỏi: Con là ai? – Con là Hoàng.

Con mấy tuổi? – Con 7 tuổi.

Bà cụ nghe trả lời, liền nói với tôi: “Đúng là đứa nhỏ đã bị phá thai cách đây 7 năm”.

Chúng tôi hiểu, theo lời khai báo của bệnh nhân, vì cha của đứa bé bỏ chị, nên chị phải phá thai. Mỗi đêm cháu về với chị. Cháu không muốn chị quen biết bạn trai nên nhiều lúc đi ăn uống với họ chị đột ngột trở nên hung dữ, nói những lời khó nghe.

Sau khi an ủi đứa bé, chúng tôi hứa dâng lễ cầu nguyện mỗi tuần để bé được siêu thoát và yêu cầu em ra khỏi người mẹ để cho mẹ được an lành. Đứa bé nghe lời chúng tôi, an tâm và mỉm cười qua khuôn mặt của người mẹ. Rồi chị đột ngột đứng lên. Nhắm mắt lại, ngã người ra sau và bất tỉnh trong vòng một vài giây. Chúng tôi biết ý nên dìu chị ngồi xuống ghế. Chị lấy tay quệt nước mắt và hỏi: “Tại sao tôi khóc?”. Tôi trả lời: “Con chị vừa mới về nói chuyện với chúng tôi, cháu bé đã khóc và kể lại cho chúng tôi biết tại sao cháu lại về với chị”. Sau khi chúng tôi cầu nguyện và làm phép xức dầu, chị hoàn toàn lành mạnh và sau đó không còn thức dậy vào 1 giờ sáng. Chị cũng không còn những thái độ giận dữ đột ngột như trước kia.

3. Một số thói quen gây nên chứng khó ngủ

* Nằm ngủ không đúng cách: nằm sấp, nằm nghiêng, gối đầu quá cao, gối quá cứng, vắt tay lên trán, nằm suy nghĩ… Tư thế ngủ tốt nhất vẫn là nằm thẳng, tay xuôi, các cơ bắp thư dãn không căng cứng.

Tre-ngu-ngon ngu sap

cay-trong-phong-ngu-khong-nen-trong-nhieu-cay

* Môi trường: phòng kín, thiếu cửa sổ, ô thông gió, phòng nhỏ nhưng đông người ngủ, chưng hoa tươi và cây cảnh to trong phòng. Trong phòng ngủ không nên trưng bày hoa tươi, cây cảnh vì thán khí của hoa, cây cảnh toả ra gây khó ngủ, có thể chết ngạt. Phòng khô quá, nhất là vào mùa Đông ở các miền lạnh, thường mở máy sưởi. Vì thế người ta thường đặt một ấm nước nóng trong phòng, để hơi nước toả ra giúp phòng không quá khô.

617cb2416b7b8d25d46a

* Một nguyên nhân bí ẩn thường bị quy về “phong thuỷ”: một số người có dòng điện mạnh không nằm theo hướng từ trường Nam Bắc của trái đất hay nằm ngủ dưới sàn nhà sát mặt đất, có dòng nước ngầm chảy bên dưới mà lại nằm ngược dòng hoặc nằm cắt ngang dòng nước.

* Đi tiểu đêm nhiều lần do uống nhiều nước trước khi ngủ, nhất là khi van dẫn nước tiểu ở bàng quang suy yếu. Ta có thể chạy chữa chứng này bằng cách tập thể dục và uống vừa đủ nước trước khi ngủ.

Kết quả hình ảnh cho mất ngủ

* Mặc quần quá chật khi ngủ. Nên mặc những quần áo ngủ rộng, nhất là đồ lót, để các cơ bắp được thư dãn.

Kết quả hình ảnh cho nghe nhạc khi ngủ * Cố tình vận dụng não khi ngủ. Có thời kỳ người ta ứng dụng khám phá về cõi vô thức để học trong khi ngủ, vì lập luận rằng thời gian ngủ chiếm đến một phần ba ngày sống nên lợi dụng học trong lúc ngủ để tiết kiệm thời giờ. Hơn nữa khi ngủ, cõi vô thức vẫn có thể tiếp tục làm việc, nên người ta nghe những đoạn ghi âm học ngoại ngữ, học kỹ thuật, những sách truyện ghi âm… để tiết kiệm thời giờ ban ngày. Đây là một hành động sai lầm gây nguy hại, tổn thương cho bộ não.

Quả thật, bộ nhớ trong não cho phần ký ức vẫn tiếp tục làm việc để sắp xếp dữ liệu mà ta thu nhận ban ngày. Các vùng của não như nhân đuôi, hồi đai, vùng điều hành trung tâm, vùng dưới đồi, hành khứu giác, thể núm, thể tam giác, nhân vỏ hến, đồi thị, hồi hải mã, cầu não, tiểu não luôn hoạt động khi ta ngủ để lưu trữ và gợi nhớ lại các sự kiện gồm đủ loại thông tin, sự việc, kinh nghiệm, hoàn cảnh, trạng thái cảm xúc của ta vào thời điểm xảy ra sự kiện[5]. Vì thế những người có giấc ngủ tốt thường có trí nhớ tốt.

Tr 306 - tri nho cam xuc

Kết quả hình ảnh cho nghe nhạc khi ngủ Nhưng khi chúng ta nghe những bài học lúc ngủ thì không phải chỉ có phần ký ức làm việc mà toàn thể bộ não phải vận hành theo âm thanh lọt vào tai. Âm thanh được phân tích trên các vùng thuộc vỏ não ngôn ngữ, vỏ não cảm xúc, vỏ não điều hành trung tâm nên vẫn cần năng lượng để hoạt động[6].Hành động học trong khi ngủ này lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thần kinh vì bộ não trong lẫn vỏ não bên ngoài không được nghỉ ngơi.

Một ít người có thói quen mở những băng nhạc nhẹ nhàng, êm dịu hay nghe những sách truyện ghi âm sẵn để ru ngủ. Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, tiếng nhạc hay tiếng đọc truyện đều đều có thể dẫn ta vào giấc ngủ nhưng nó vẫn kích thích những phần khác của bộ não hoạt động. Ta nên tập thói quen ngủ trong bầu khí yên tĩnh, không có bất cứ tiếng động của âm thanh là tốt nhất.

4. Đố ai nằm ngủ không mơ!

Nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn tả trong bản tình ca “Đố ai” nằm ngủ không mơ”? và xem giấc mơ như là một hoạt động bình thường khi nằm ngủ. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng còn cho giấc mơ khi ngủ là sinh hoạt cần thiết của người bình thường[7] .

Thật ra, mơ trong lúc ngủ có thể nói là một hoạt động bất thường của tình trạng ngủ không sâu. Khi đó trí não vẫn còn tiếp tục làm việc hoà trộn các âm thanh, hình ảnh, ý nghĩ, mơ ước, cảm xúc và cảm tình đã thu nhận được trong ngày hay trong quá khứ. Khi bị thiếu khí thở trong giấc ngủ trưa hay tối, những giấc mơ hỗn độn, gọi là ác mộng, có thể xuất hiện do những dữ liệu trong bộ não phối hợp lộn xộn với nhau. Thí dụ: ta mơ bị ma đuổi, chó đuổi phải cắm đầu chạy rồi rớt xuống hố sâu, vực thẳm, chính lúc rớt xuống thì giật mình tỉnh dậy. Đấy là lúc cơ thể, nhất là bộ não, bị thiếu khí trầm trọng, chức năng tự động bảo vệ của cơ thể đã thúc đẩy để ta vùng dậy lấy lại hơi thở, nếu không sẽ bị chết ngạt trong khi ngủ. Có những hiện tượng mà ngôn ngữ bình dân gọi là “bóng đè”, cảm thấy tức ngực, khó thở. Đó hầu như chỉ là những biểu hiện của tình trạng thiếu khí khi ngủ mà thôi.

Kết quả hình ảnh cho giải mã giấc mơ Khoa tâm lý cũng giải thích những giấc mơ như một cách để giải toả những bản năng, khát vọng bị dồn nén. Thí dụ: những “giấc mơ ướt” khi bản năng sinh lý được giải toả qua những giấc mơ được âu yếm, giao hợp với người mình yêu thương. Giấc mơ còn là một dịp để diễn tả những mơ ước, tình cảm hoặc những cảm xúc bù trừ khi trong cuộc sống thực tế người ta không thực hiện được. Thí dụ: mơ thấy kẻ thù phải quỳ xuống xin lỗi mình, được ăn những bữa cơm hết sức thịnh soạn, được tham dự những hội nghị quan trọng trong khi mình chỉ là một người yếu đuối, đói khổ, thấp hèn. Giấc mơ cũng là nguồn tưởng tượng cho những sáng tác văn chương hay những phát minh khoa học như mơ một con ngựa bay khi hoà trộn hình ảnh của con ngựa và con chim có cánh vào nhau.

http://thavn.vuongweb.com/wp-content/uploads/2019/02/nam-mo-thay-ran-danh-con-gi-xo-so-thien-ha-bet-giai-ma-giac-mo.jpg Rất nhiều những giấc mơ mang tính cách tôn giáo khiến người ta tưởng như mình thật sự được gặp thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Đức Phật Thích Ca, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát… hiện ra với mình, an ủi và dạy dỗ mình. Khuôn mặt hiền từ, sáng láng do những ánh điện, hào quang trong đời sống thực tế hoà trộn với niềm tin, mong ước, đau khổ, đồng thời do tình trạng thiếu khí khiến các dữ liệu trong quá khứ hoà trộn vào nhau có thể tạo nên những giấc mơ đạo đức. Chúng ta đừng vội hành động theo những giấc mơ đó, tưởng lầm những đấng thiêng liêng ra lệnh cho mình, nhưng cần phải thận trọng, khôn ngoan, phân tích rõ ràng! Nhất là hành động theo những giấc mơ để mua vé số, chơi số đề, số đuôi… thì có ngày sạt nghiệp!

http://3.i.baomoi.xdn.vn/w460x/16/05/13/203/19360994/1_62917.jpg Xét về mặt tâm linh, không phải giấc mơ nào cũng là hiện tượng thiếu khí. Có những giấc mơ bắt nguồn từ sự tác động thật sự của Thiên Chúa, thần linh hay ma quỷ. Thiên Chúa có thể hướng dẫn con người qua những giấc mơ. Thánh Kinh Cựu Ước (x. St 20,3; 28,12; 31,11; 31,24; 1Sm 3,1) và Tân Ước (x. Mt, 1,19-25; Mt 2, 13-14; Mt 2,19-20; Lc 2,26) cũng nói nhiều việc Chúa hiện ra với con người qua những giấc mơ của Giuse (x. St 37,5-11), những lời giải mộng của Giuse (x. St 40,1-22; 41,1-36), của Daniel (x. Đn 2,1; 4,19, …). Các thần thánh cũng có thể tác động đến chúng ta qua những giấc mơ để hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống trần thế (x. Mt 1,20; 27,19). Ma quỷ cũng có thể tác động, ảnh hưởng đến con người qua những giấc mơ, qua những cơn cám dỗ khi chúng thôi thúc họ hành động xấu xa (x. Mt 1,11; Mc1,12-13; Lc 4,1-13;…). Điều này nói ra có vẻ như mê tín, nhưng thật sự chúng tôi đã chữa khá nhiều những bệnh nhân mất ngủ vì những lý do tâm linh. Vì thế, đối với những giấc mơ tôn giáo, chúng tôi vẫn khuyên bảo cần phải thận trọng, khôn ngoan và được hướng dẫn bởi những nhà chuyên nghiệp.

5. Ngủ theo văn hoá Công giáo

Khi nói đến giấc ngủ, nhiều bản văn Thánh Kinh đồng hoá nó với cái chết là giấc ngủ ngàn thu (x. Tv 13,4; Ga 11,11; 1Cr 15,20; Ep 5,14; 1Tx 4,14) hoặc là ngủ mê trong sự lười biếng (Cn 6,9; 20,13), mất ý thức (x. Is 29,10; Gr 51,39; Lc 9,32) cho những tham vọng, dục vọng (x. 1Cr 11,30; 1Tx 5,6). Vì thế, Chúa mời gọi con người “hãy tỉnh thức” (x. Mc 13,36; Lc 22,46; Rm 13,11) như Đức Giêsu nhắc nhở: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,46) và thánh Phaolô cũng mời gọi: “Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5,6).

Người Công giáo được mời gọi quan tâm đến giấc ngủ của mình để không những tạo được sự nghỉ ngơi cho thể xác sau những giờ làm việc vất vả (x. Cn 20,13; Hc 5,11) mà còn tìm lại sự an bình cho tâm hồn. Các Thánh vịnh Công giáo như muốn nhắc nhở chúng ta đi tìm một giấc ngủ an bình: Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn (Tv 4,9; x. Cn 3,24). Hình ảnh Chúa Giêsu thiếp ngủ trên con thuyền chòng chành giữa cơn sóng dữ đã gợi ý cho ta giữ tâm hồn bình an giữa muôn vàn biến động trong cuộc sống (x. Mc 4,35-41; Lc 8,22-25).

Kết quả hình ảnh cho chúa giêsu ngủ trên thuyền

Trong cuộc sống đầy náo động hiện nay, nhiều người chúng ta thường để cho công việc lôi kéo hay những đam mê, giải trí cuốn hút khiến ta không giữ được sự điều độ để có thể ngủ đúng giờ và đủ giấc mỗi ngày. Chúng ta cần phải nhắc nhở mình rằng dù có thức khuya để làm thêm thì việc cũng vẫn còn và đam mê cũng không dứt. Đây chính là lúc ta phải dùng ý chí để ngưng việc, ngưng trò giải trí chuẩn bị cho giấc ngủ cần thiết mỗi ngày.

ngu 12 Để tìm được giấc ngủ an bình, điều quan trọng nhất chính là giữ được tâm hồn bình an, phó thác mọi sự, mọi việc trong tay Chúa. Thiên Chúa là người cha nhân từ muốn cho con cái của mình nghỉ ngơi như chính Ngài đã ra luật cho con người và vũ trụ với vòng quay sáng-tối của trái đất, và chính Ngài cũng dành ngày thứ bảy để nghỉ ngơi trong tuần (x. St 2,1-3). Khi ta quyết tâm làm cho xong việc, bất kể giờ ngủ nghỉ, là chúng ta làm buồn lòng người cha nhân hậu và gây nên những tổn thương cho thể xác cũng như tinh thần của mình.

ngu Tâm thế tiếp theo là giữ cho tinh thần và thể xác nằm yên trong trạng thái thư giãn trọn vẹn với cách nằm thẳng, xuôi tay chân và cơ bắp thư giãn. Một ít người lớn hiện nay vẫn còn thói quen khi ngủ ôm gối. Có những gối ôm rất to khiến cơ bắp người ôm căng cứng và sống lưng không thẳng khi họ nằm nghiêng. Thật ra, thói quen này bắt nguồn từ khi mẹ chèn những gối ôm cho các bé để chúng không lật sấp và úp mặt vào gối nhằm tránh bị ngạt thở.

Giữ cho bộ não thư giãn mới là điều khó, nhất là những ai có thói quen nằm suy nghĩ trước lúc ngủ. Tâm trí lúc đó đặt ra nhiều câu hỏi, trí nhớ lại gợi ý rất nhiều sự kiện xảy ra trong ngày khiến người ta khó ngủ. Một phương thế giúp ta loại bỏ những ý tưởng hiện lên trong trí là ta nằm thẳng, tập thở theo nhịp sau đây:

– Hít vào từ từ bằng mũi: thể xác ta hít dưỡng khí vào thì tinh thần cũng hít thần khí. Ta hãy tưởng tượng một luồng khí mãnh liệt đi vào trong con người mình từ đỉnh đầu, chạy dọc theo xương sống và lan toả khắp người. Đó là Thần Khí Đức Kitô thổi trên các môn đệ khi Người hiện ra với họ (x. Ga 20,19-23). Đó cũng là thần khí mà Chúa Thánh Thần ban cho ta qua ân sủng, tình yêu, bình an.

Vừa hít vào ta vừa đọc thầm lời nguyện: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con“. Ta sẽ cảm nghiệm được ơn bình an, sức mạnh, tình yêu của Chúa tràn ngập trong ta, giúp ta phó thác mọi sự cho Chúa trong giấc ngủ.

– Thở ra từ từ bằng miệng: thể xác ta thở thán khí ra thì tinh thần ta cũng đẩy những uế khí, tà khí, hay khí dơ của tinh thần ra bên ngoài. Khí dơ của tinh thần là những buồn phiền, chán nản, giận hờn, thất vọng, ghen tuông, sợ hãi và tất cả những gì tiêu cực trong con người ta. Vừa thở ra ta vừa nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi người con“.

Mỗi lần thở như thế là ta vừa nhận được sức mạnh thần thiêng, vừa thanh tẩy con người dơ bẩn của mình. Thở được 3-5 phút như thế chúng ta sẽ chìm vào giấc ngủ an bình. Việc thở hít thần khí này còn nói lên hiệu quả thanh tẩy tâm trí, vượt qua những cơn cám dỗ của ma quỷ muốn lôi kéo ta tìm đến những hoài niệm, hình ảnh dâm đãng cũng như dẫn đến thủ dâm.

Lời kết

Tìm hiểu về giấc ngủ tự nhiên và siêu nhiên, chúng ta thấy mình nhiều lúc còn xem thường giấc ngủ khiến cho thể xác không khoẻ mạnh và tâm trí chưa phát huy được những sức mạnh kỳ diệu của tinh thần. Chúng ta cần lập lại thời gian biểu cho hoạt động, ngủ nghỉ của mình và quyết tâm thực hiện để cảm nghiệm được những hiệu quả lớn lao của giấc ngủ trong đời sống điều độ của mình.

Kết quả hình ảnh cho good night

————————————————————

Câu hỏi

1. Mỗi ngày bạn dành được bao nhiêu giờ cho ngủ đêm và ngủ trưa?

2.Giấc ngủ của bạn như thế nào? Hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn mất ngủ.

3. Bạn thường có những giấc mơ nào?

4. Khi thức dậy, bạn thường có tâm trạng nào: thoải mái, vui vẻ, năng động, tích cực hay ngược lại?

ngu 13

————————————————————

Chú thích:

  1. x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, Vietlex, 2013, tr.890.

  2. x. Wikipedia; Macmillan Dictionary for Students Macmillan, Pan Ltd. [1981], page 936.

  3. x. A. Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.132.

  4. x. A. Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.389.

  5. X. A. Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.306.

  6. X. A. Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.305.

  7. X. Bài “Đố ai nằm ngủ không mơ”, Trang nhà của Bs Lương Lễ Hoàng, phát lên mạng ngày 20-11-2017.

 

Hướng tới sự trưởng thành toàn diện
Bài 27: Về với cội nguồn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

Lời mở

15 Cuộc hành trình của mỗi người chúng ta ở trần thế kết thúc với cái chết như một cánh cửa để ta bước qua với niềm tin tưởng và hy vọng vì được trở về với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu của mình và với lòng thanh thản vì được giải thoát không còn bị ràng buộc bởi vật chất, không gian, thời gian. Cha ông ta vẫn thường nói: “sống gửi, thác về” (sinh ký, tử quy), nhưng lại chưa xác định được sẽ về đâu và về như thế nào nên hầu như mọi người đều sợ hãi khi bước vào cuộc hành trình bất định.

Hơn nữa, khi nghĩ đến những sự việc đi kèm với cái chết như phán xét, thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục, …, người ta lo sợ, ngại ngùng, vì không biết chúng thật sự là gì và sẽ được thực hiện ra sao do hiểu sai về chúng. Vì thế chúng ta hãy tìm hiểu về chúng để luôn sống trong niềm vui và hy vọng.

1. Chết là một cuộc thăng hoa

1.1. Chết là gì?

Theo định nghĩa truyền thống, chết là khi tim ngừng đập và không còn hô hấp, tiếp theo là sự hư hỏng và phân huỷ của cơ thể. Tuy nhiên, với các kỹ thuật y khoa hiện đại săn sóc người hấp hối, người ta có thể duy trì hoạt động của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn trong khi các chức năng não đã bị mất một cách vĩnh viễn. Người bệnh chỉ duy trì một đời sống thực vật, vô tri giác, hôn mê kéo dài có thể vài năm. Do đó ranh giới giữa sự sống và cái chết ngày càng trở nên mờ nhạt[1].

7

Vì thế, y khoa thường phân biệt chết lâm sàng và chết não. Chết lâm sàng là khi các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết với các dấu hiệu như tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Chết não là khi dùng máy đo hoạt động của não, người ta thấy đường biểu diễn sóng não chỉ còn là một đường thẳng, chứng tỏ não không còn hoạt động, các mô bắt đầu phân huỷ. Căn cứ vào tiêu chuẩn chết não, người đó được cho là chết thật và từ đó mới được phép lấy đi các cơ quan có thể chưa phân huỷ của họ như gan, thận, tim… để cấy ghép cho những người khác. Như thế, chết theo khoa học là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý.

Cái chết bắt nguồn do bệnh tật, do chấn thương, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và cuối cùng là do tuổi già. Với những tiến bộ của khoa học, người ta hy vọng trong vài chục năm nữa có thể kéo dài tuổi thọ con người đến 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng sẽ chết!

1.2. Cái chết có thật không?

Sở dĩ khó định nghĩa được cái chết mà chỉ có thể mô tả vì nó không có thật. Chết không phải là một thực tại, một cái gì có thật như cái nhà, cái xe hay như tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. “Chết là hết sống”. Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Một người đang sống vui vẻ khoẻ mạnh, tự nhiên lăn đùng, giãy vài cái, rồi nằm im bất động. Sờ vào người, thấy tim không còn đập, không còn thở, ta bảo người đó vừa chết. Chết bởi vì người này không còn sống. Vậy nếu chết không có thật thì ta sợ nó làm gì?

4

Có người nói cái chết là do Thiên Chúa tạo nên vì “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Có người lại nghĩ cái chết là do Tử Thần quyết định hay do Diêm Vương cai quản. Thật ra, đó chỉ là những kiểu nói nhân cách hoá cái chết, chứ không có vị thần nào làm chủ cái chết cả. Còn Âm phủ, địa ngục cũng chỉ là nơi chốn tưởng tượng do con người vẽ ra để ngăn ngừa người ta làm ác.

Theo Thần học Công giáo, vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên không ai chết cả. Mọi người đều đang sống và sống mãi mãi, dù thân xác vật chất của họ đã tiêu tan. Thân xác đó sẽ sống lại vào ngày tận thế khi vật chất được ổn định, không còn chuyển hoá từ vật này sang người khác và thăng hoa nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống[2]vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống[3].

1.3. Tại sao có cái chết?

Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có cái chết vì không hiểu cái chết thật sự là gì. Chỉ Kitô giáo mới nói rõ cho ta về nguồn gốc của cái chết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu[4].

Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của tinh thần. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Giống như một số Thiên Thần dùng tự do để chối từ Thiên Chúa nên biến thành quỷ dữ thì con người cũng đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt, nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Rồi vạn vật vì liên hệ mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người[5]. Thật ra, linh hồn thì bất tử[6], nhưng khi con người cắt đứt sự hiệp thông với Chúa là nguồn mọi hiện hữu, con người không còn cảm nhận được sự sống tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, bình an, quyền năng và chân thiện mỹ của Ngài. Đó là cái chết của tinh thần cho cả thiên thần và loài người. Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết[7].

Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.

9

1.4. Cái chết có đáng sợ không?

Chúng ta được mời gọi để nhìn thẳng vào cái chết, đối mặt với nó để xem nó có đáng sợ không.

Chết thật ra chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Chết giống như một ngưỡng cửa để ta bước vào cõi vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt và cũng không làm ta mất mát bất cứ thứ gì hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn vì chúng ta không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và vật chất nữa. Một người chết ở bên Mỹ, ở ngoài Bắc, ở trong Nam, tất cả đều gần nhau vì không còn bị ngăn cách bởi không gian. Một người chết cách đây chục ngàn năm, vài trăm năm như tổ tiên hay vài chục năm như ông bà cha mẹ: tất cả đều đang có mặt bên nhau vì không còn bị thời gian chi phối.

2

Vì thế, trong thánh lễ, tất cả đều hiện diện, đều sống động bên Chúa: các thiên thần, các thánh nhân, các linh hồn đã khuất, cùng với ông bà, cha mẹ, bạn bè ta. Nhờ vậy, khi hiểu cái chết làm cho ta gần gũi nhau hơn, tác động lên nhau cách hiệu quả hơn thì chúng ta phải vui mừng thay vì e ngại, sợ hãi.

Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã than khóc, lăn lộn bên xác người vừa chết như là mất mát tất cả. Có người còn muốn nhào xuống huyệt để được chôn táng theo người thân, người tình. Đó là những thái độ không đúng. Có người lại cố gắng sắm sửa những bộ áo quan mắc tiền, tổ chức tang lễ hết sức hoành tráng, thuê cả những người khóc mướn,… nhiều khi chỉ để khoe của, khoe danh. Họ không ngờ người mới chết đang hiện diện bên họ và rất buồn vì thấy rõ những hành động giả dối, hoang phí, trong khi nhiều người khác đang đói khổ. Người ta thường không hiểu rằng người đã khuất có thể giúp đỡ bạn bè thân thuộc cách hiệu quả hơn khi họ sống ở trần thế, nhờ lời họ chuyển cầu cùng Chúa. Nền văn hoá Kitô giáo luôn mời gọi nên tổ chức tang lễ đơn sơ, thương tiếc nhẹ nhàng, giữ vững niềm vui và hy vọng đối với người đã khuất.

DSCN3032

1.5. Chết cách hào hùng thánh thiện

Chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, vì qua bài Tin Mừng[8], Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Người làm cho cô con gái của ông Giairô sống lại. Người nhắc bảo mọi người rằng: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Chết chỉ là một giấc ngủ để rồi chúng ta đều thức dậy, sống lại với nhau như Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để chia sẻ cho chúng ta sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa.

Khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta mới coi thường cái chết vì nó không có thật, mới dám hy sinh vì đại nghĩa. Thậm chí có nhiều người chưa biết Chúa Giêsu cũng đã tự nguyện chết để bảo vệ quê hương, chết cho những giá trị cao quý, cho những công trình nghiên cứu khoa học… Nhà ái quốc Phan Bội Châu[9] đã nhắc nhở chúng ta: “Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh, chết tựa Trưng Vương phách hoá thần”. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể chết cách hào hùng, thánh thiện như Người đã chết tủi nhục trên thập giá vì yêu thương ta và muốn cứu độ ta. Người chết như thế để giúp ta hiểu được ý nghĩa của sự sống: vì “nếu ta cùng chết với Chúa Giêsu Kitô, ta sẽ cùng sống với Người”[10].

11

2. Tận thế là vũ trụ trở về với cội nguồn của mình

2.1. Tận thế như một chuyện đương nhiên

Nhiều người lo sợ không biết bao giờ sẽ xảy ra tận thế. Như chúng ta đã tìm hiểu, vũ trụ chắc chắn sẽ có tận cùng vì nó là vật chất và bắt nguồn từ hư không. Cách đây gần 14 tỉ năm vũ trụ xuất hiện từ vụ nổ Big Bang với hàng triệu thiên hà và hàng trăm triệu ngôi sao trong mỗi thiên hà bắt nguồn từ vụ nổ đó và tiếp tục thành hình cũng như biến mất vào những lỗ đen của vũ trụ. Thuyết tiến hoá của Darwin cũng giới thiệu cho ta con đường phát sinh của muôn loài trên trái đất này. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả vũ trụ này từ hư không, tạo thành loài người chúng ta và đặt vào trong trái đất này, ban cho ta tình yêu, hạnh phúc, ơn cứu độ để một ngày nào đó, vào lúc tận cùng của thời gian, tất cả cùng với vũ trụ trở về nguồn gốc của mình là Thiên Chúa Tạo Hoá, và hoà nhập vào sự sống vĩnh hằng của Ngài để tạo thành một trời mới đất mới[11] với những con người mới[12]. Khi đó, “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất”[13]. Như thế, tận thế không đáng cho ta lo sợ, nhưng là lẽ đương nhiên mà ta phải hy vọng vì cả vũ trụ được trở về với nguồn gốc hoàn hảo tuyệt vời của mình.

Thật ra, tận thế và cái chết không phải là những điều đáng cho ta lo sợ trước những đổ vỡ, huỷ diệt, xa cách, mất mát, nhưng là một cuộc lên đường trở về nhà Cha, một cuộc thăng hoa để biến đổi tất cả những gì ta có, ta làm, ta đạt được trong trần thế này thành vĩnh hằng, vô tận, tuyệt đối, nhờ được gắn bó với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người. Nhờ cái chết, ta bước vào thời gian vĩnh hằng, nên dù tận thế có xảy ra vài tỷ năm sau này, nó cũng không xa cách với cái chết của ta. Do đó, các nhà thần học xác định tận thế trùng hợp với cái chết của mỗi người, và cuộc phán xét riêng cũng đồng thời với phán xét chung.

Kết quả hình ảnh cho phán xét cuối cùng

2.2. Ba lần Chúa đến

13 Giáo Hội thường nhắc nhở ta về 3 lần Chúa đến. Lần đến thứ nhất, trong quá khứ, cách đây hơn 2000 năm, khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người qua mầu nhiệm Nhập Thể để đến với muôn loài qua cuộc giáng sinh tại Bêlem. Người đến để cứu độ khi hoà giải chúng ta với Chúa Cha. Người đã yêu thương chúng ta cho đến cùng và để lại cho ta gương mẫu tình yêu tuyệt vời của Người.

Lần đến thứ hai đang thực hiện trong hiện tại. Chúa đến với mỗi người chúng ta mang theo ơn lành, tình yêu, quyền năng để ta có thể gắn bó với Người và làm chứng cho Người.

Lần đến thứ ba thực hiện trong tương lai. Người sẽ đến trong vinh quang với tất cả thần thánh như lời kinh Tin Kính ta đọc mỗi Chúa Nhật: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Lần Chúa đến này rất bất ngờ nên đòi hỏi ta phải canh thức. Nhưng đó lại là đích điểm cho cuộc hành trình của mỗi người để ta gặp gỡ được Chúa cách trọn vẹn và mãi mãi.

Như thế, ta sẽ luôn chờ đợi Chúa đến với mình trong một Mùa Vọng, được gọi là vĩnh hằng.

2.3. Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng

Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng bởi vì lúc nào ta cũng sống trong niềm hy vọng rằng Chúa đến với mình để giải thoát mình khỏi bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian.

Chúa đến để nối kết những điểm của thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất cùng với không gian, trong đó vật chất vận động, phát triển liên tục không ngừng. Chúng ta có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè sống ở những khoảng thời gian khác nhau. Khi vượt qua thời gian là chúng ta sẽ gặp gỡ được tất cả những người ấy trong Chúa. Đó phải là một niềm vui vô cùng lớn lao và chúng ta luôn hy vọng sẽ đạt được niềm vui này.

SAM_0852 Chúa còn đến để nối kết mọi không gian xa cách. Như chúng ta vừa nói, không gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất có những độ dài, lớn khác nhau, vật này ở cách xa vật kia, nước này ở cách xa nước nọ… Không gian ấy trải rộng ra cả vũ trụ bao la. Khi Chúa đến, Ngài sẽ nối kết tất cả những không gian xa cách đó để làm cho chúng xích lại gần nhau và hoà nhập trong nhau! Lúc đó chúng ta không còn xa lạ vì người Bắc, kẻ Nam, không còn phân biệt chủng tộc vì là người Việt Nam, Hoa Kỳ hay Trung Quốc, không còn khác biệt vì là công dân của trái đất này hay là những người ngoài hành tinh nữa vì tất cả đều là anh chị em ruột thịt của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Chúng ta hy vọng được nối kết trọn vẹn với nhau, không còn lo sợ vì những cuộc xâm lấn đất đai hay chiến tranh giữa các vì sao nữa. Như thánh Phaolô đã đã từng gợi ý: “Anh em không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô[14].

Vậy Mùa Vọng chính là thời điểm dẫn ta đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài đưa ta vượt qua những ngăn cản của vật chất, hoà nhập vào thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa và vào không gian kỳ diệu của Ngài. Tất cả chúng ta có bao giờ mơ ước điều đó không?

Khi đến lần thứ nhất Người đã thực hiện điều đó trong con người của mình để đem thân xác hữu hạn của con người vào không gian vô tận và thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa. Khi đến lần thứ hai Người đưa mỗi người chúng ta hoà nhập với Người để biến đổi những gì của ta thành của Người. Khi đến lần thứ ba trong vinh quang, Người đưa toàn thể vũ trụ vạn vật vào trong sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Cả ba lần Chúa đến đều hoà nhập nơi Đức Giêsu nên Thánh Phaolô mới quả quyết rằng: “Chúa Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời[15]. Đó chính là hoàn thành chung cuộc kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là “quy tụ muôn loại trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô[16].

3. Phán xét là biểu lộ tình yêu cứu độ

Những điều người ta lo sợ nhất khi nghĩ đến cái chết là cuộc phán xét công minh của Thiên Chúa, là những hình khổ khủng khiếp ở hoả ngục hay luyện ngục vì đời sống tội lỗi của mình. Nhưng ai sẽ xét xử loài người và vũ trụ, xét xử theo luật lệ nào và thưởng phạt muôn loài ra sao?

Trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu cũng loan báo về cuộc phán xét vào ngày tận thế giống như các tiên tri[17] và Gioan Tẩy Giả[18] . Lúc đó cách sống của mỗi người [19]và những bí mật trong tâm hồn[20] sẽ được đưa ra ánh sáng. Lúc đó cách đối xử với đồng loại, đúng hay sai, tốt hay xấu, sẽ được xét xử để chứng tỏ người ta đón nhận hay từ chối ân sủng của Thiên Chúa[21]. Lúc đó Chúa Giêsu sẽ nói với mỗi người rằng: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy[22].

Kết quả hình ảnh cho chúa giêsu

Chúa Giêsu Kitô, với tư cách là Đấng Cứu chuộc trần gian cũng là Vua của vũ trụ vì “mọi sự được dựng nên nhờ Người và cho Người”[23], có thẩm quyền để phán xét nhờ cuộc chiến thắng qua thập giá của Người. Hơn nữa Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử vì Người là Con của Ngài”[24]. Nhưng Chúa Con không đến để xét xử mà đến để cứu độ[25] và để ban sự sống của Người[26]. Qua việc từ chối ân sủng, từ chối tình yêu khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[27], rồi lãnh nhận phần thưởng hay hình phạt tạm thời hoặc vĩnh viễn tuỳ theo các công việc của mình[28].

Nhiều tín hữu đã tưởng lầm cuộc phán xét sẽ được tổ chức như hoạ sĩ Michelangelo[29] đã mô tả trong hoạ phẩm của ông. Chúa không sai thiên thần ghi chép từng hành vi của con người trong một cuốn sổ để tra cứu và căn cứ vào đó để kết án. Chúa cũng chẳng cân tội phúc của con người theo mức nặng nhẹ để thưởng phạt. Nhưng vì con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa, nên ngay sau khi bước qua ngưỡng cửa cái chết, con người sẽ thấy Chúa là nguyên mẫu tốt lành, trong sáng, thánh thiện của mình. Dưới ánh sáng phản chiếu của Chúa, con người cũng thấy ngay những điểm sáng và điểm tối trong toàn bộ đời mình qua từng tư tưởng, lời nói, hành động của mình trong mỗi không gian và thời gian khác nhau như soi mình trong một tấm gương huyền bí. Rồi tức khắc con người cũng xác định ngay được tình trạng của mình để vào được thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục. Đó là cuộc phán xét do chính con người xét xử mình.

Có người tính toán rằng gia đình nhân loại lúc đó có vài trăm tỷ người thì lấy đâu ra chỗ đủ rộng để Chúa phán xét mọi người. Nhưng khi con người không còn lệ thuộc vào vật chất thì muôn loài, muôn vật đều được quy tụ trong không gian vô tận của Thiên Chúa. Vì thế, khi ta không để cho vật chất giam hãm, trói buộc ta vào trong thời gian và không gian của nó theo lòng tham và lòng dục của con người, là ta sẽ cảm nhận ngay được sự hiện diện của muôn loài ở gần mình cũng như cảm nghiệm được Chúa đang ở với mình trong từng giây phút sống.

Hình ảnh có liên quan

Có người đã tự hỏi Chúa sẽ xét xử theo luật pháp nào hay con người tự xét xử theo luật pháp nào, như người ta vẫn thường thấy trong các toà án ở trần thế, khi những thẩm phán dựa vào các bộ luật với những điều khoản khác nhau để xét xử và kết án tội nhân. Người tín hữu đã nghĩ đến những bộ luật như Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc, bộ luật của Giáo Hội. Chúa không dùng những bộ luật ấy để kết tội con người. Như Chúa Giêsu đã trình bày trong dụ ngôn về cuộc phán xét chung[30], Người chỉ yêu cầu một tiêu chuẩn duy nhất đó là tình yêu hay lòng bác ái đối với những con người khốn khổ quanh ta.

Người nói với những người được khen thưởng rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Những người bị kết án chịu cực hình muôn kiếp cũng thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu!”. Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đac không làm cho chính Ta vậy”.

Hình ảnh có liên quan Như thế cuộc phán xét riêng hay chung chính là dịp biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa và khen thưởng tình yêu của con người. Do con người được dựng nên nhờ tình yêu Thiên Chúa thì họ cũng bị xét xử bằng chính tình yêu này vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu[31]. Khi soi mình vào tấm gương tình yêu, con người sẽ có dịp để thấy ngay những điểm tối điểm sáng trong tình yêu của họ đối với muôn loài. Chính vì thế khi con người biết yêu thương thì họ không quan tâm đến việc mình sẽ bị xét xử như thế nào[32].

4. Những tình trạng sống sau khi chết

Ngay sau cuộc phán xét con người đón nhận được tình trạng sống của mình mà chúng ta thường gọi là thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục. Tình trạng sống này đã bị hiểu lầm do sự pha trộn về ý niệm và hình ảnh giữa các tôn giáo với nhau. Nhiều tín hữu Công giáo đã nhầm lẫn hoả ngục với địa ngục, luyện ngục với âm phủ, thiên đường với Niết Bàn (Nirvana) của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bà La môn giáo và nhiều tôn giáo khác[33].

Qua dụ ngôn Tin Mừng[34], Chúa  Giêsu cũng mô tả cho chúng ta thấy hai thái độ sống đối lập nhau: thái độ sống buông thả, hưởng thụ của người giàu và thái độ sống âm thầm chịu đựng của anh Lazarô nghèo khó trong đời sống ở trần thế. Người giàu mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình, khiến ông không nhìn thấy bất cứ ai ngoài mình. Ông chẳng ngó ngàng đến người nghèo Lazarô nằm ngay trước cửa nhà ông, mụn nhọt đầy mình, đói đến độ thèm được ăn miếng cơm thừa, canh cặn ở bàn tiệc của ông mà cũng chẳng ai cho. Anh không buồn sầu, khóc lóc, van xin ai. Anh chỉ âm thầm chịu đựng trong niềm vui và bình an vì anh tin tưởng Chúa nhìn thấu tất cả và sẽ trả công cho tất cả những gì anh chịu đựng cho Ngài. Kết thúc cuộc đời, anh được hưởng hạnh phúc tuyệt vời là ở trong lòng Abraham để dự tiệc Nước Trời. Còn ông nhà giàu lại ở dưới âm phủ, bị lửa thiêu đốt, bị khát đến nỗi chỉ mong vài giọt nước từ bàn tay Lazarô nhỏ xuống lưỡi cho mát.

Câu chuyện trong dụ ngôn khiến chúng ta liên tưởng tới thiên đường, luyện ngục và hoả ngục, mà mỗi người chúng ta sẽ nhận được sau cuộc phán xét của Chúa, như kết quả cuộc sống ở thế trần. Nhưng chúng thật sự là gì và ta sẽ sống như thế nào để đạt được hạnh phúc thiên đường như Lazarô.

4.1. Thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là gì?

Chúng là những tình trạng sống của con người sau khi chết, chứ không phải là những nơi chốn cố định, rõ rệt như ta vẫn quan niệm trong không gian ba chiều hiện nay. Nếu ta mở lại sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, ở số 1023-1029 nói về thiên đường, số 1030-1032 nói về luyện ngục, số 1033-1037 nói về hoả ngục, cũng như mở lại những tài liệu của Công đồng Vaticanô II nói về Nước Trời[35], ta sẽ học được nhiều điều mới mẻ về các tình trạng sống này.

Trước hết, Thiên Chúa không tạo nên các toà nhà lớn với tường cao như ngục tù để những ai vào đó không thể thoát ra ngoài. Trong dụ ngôn Tin Mừng, ông nhà giàu và Lazarô, dù ở hai tình trạng khác biệt, vẫn trông thấy nhau, nói chuyện với nhau, nhưng có một vực thẳm vô hình ngăn cách đôi bên. Ông ta còn xin Abraham gửi Lazarô về trần thế để nhắc bảo anh em mình thay đổi đời sống cho khỏi sa vào cực hình như ông. Những điểm này chứng tỏ mọi người vẫn có thể gặp gỡ nhau, dù sống trong bất cứ tình trạng nào. Đây là tình trạng sống thanh thoát, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Đây cũng là đời sống của chính Thiên Chúa, của các thiên thần, các hồn người đã khuất, trong đó có cả quỷ dữ lẫn tà ma.

Tiếp đến, thiên đường là tình trạng sống của những ai được kết hợp trọn vẹn với Chúa, không bị bất cứ một vết nhơ tội lỗi nào ngăn cản. Từng giây phút họ được Chúa chuyển thông cho họ sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và nguồn chân thiện mỹ vô cùng.

68 Luyện ngục là tình trạng sống của những người muốn thanh tẩy những điểm tối trong đời sống của mình để có thể kết hợp trọn vẹn với Chúa. Tuy nhiên vì không còn tự do nên những hành động sau khi chết của họ như chiêm ngưỡng và ca tụng lòng nhân từ thương xót của Chúa không còn đem lại cho họ những công phúc nữa. Nhiều bản thánh ca và những bản văn đạo đức, thậm chí của các thánh nhân, đã làm cho các tín hữu hiểu lầm về tình trạng sống này như thể là một chỗ tối tăm, đầy tiếng khóc than của những người chịu cực hình. Có người còn nghĩ họ bị lửa thiêu đốt, dù rằng ngọn lửa ấy không nóng nảy và đau đớn như lửa ở hoả ngục! Thật ra, những linh hồn ấy rất vui vì đang được thấy Chúa trong vùng ánh sáng tuyệt vời, được ca tụng Chúa với toàn thể thần thánh, nhưng niềm vui của họ chưa trọn vẹn. Họ thiết tha mọng được hoà nhập hoàn toàn với Chúa, nhưng lại tự nguyện xa cách Chúa để thanh luyện chính mình. Đấy là ngọn lửa tâm linh thiêu đốt tâm hồn họ. Nhưng họ vẫn hy vọng vì nhờ lời cầu nguyện, hy sinh, nhất là những thánh lễ của Giáo Hội và người thân, họ sẽ thanh luyện mình dần dần, để cuối cùng sẽ đạt được tình trạng thiên đường.

Hoả ngục là tình trạng của những người, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, dù với bao ân huệ Chúa ban, tiếng lương tâm nhắc nhở, người thân khuyên bảo, Giáo Hội cầu nguyện, họ vẫn cương quyết cắt đứt mối dây liên lạc với Chúa. Nên khi vừa vượt qua cái chết, họ thấy ngay Chúa tốt đẹp, nhân từ, hoàn hảo vô cùng. Vì thế họ tiếc xót, tự dằn vặt chính mình, đau khổ và tuyệt vọng vì đã cắt đứt với nguồn tình yêu, sự sống và chân thiện mỹ. Nỗi đau khổ này chính là ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt họ muôn đời, chứ không phải Chúa ném họ xuống biển lửa, ở chung với quỷ dữ tà ma, như ta vẫn  thấy được mô tả trong sách Thánh Kinh, hay qua hình ảnh về các tầng địa ngục của các tôn giáo khác.

Thật ra, Chúa ở khắp mọi nơi với tất cả lòng từ bi, thương xót, tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, dù ở trong tình trạng thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, mọi thụ tạo gồm thiên thần, con người hay quỷ dữ tà ma đều thấy Ngài y như nhau. Như thế, không phải Chúa tạo thành thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục để thưởng công hay hành hạ muôn loài, nhưng là chính thụ tạo dựng nên cho mình.

4.2. Làm sao để nhanh chóng được vào thiên đường

Đó là niềm mơ ước của nhiều người chúng ta. Khi biết mình tội lỗi, xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình, biết mình phải sống trong luyện ngục để tẩy rửa các vết đen bẩn của linh hồn, ta chỉ mong được mau chóng ra khỏi đó để bước vào thiên đường.

IMG_3992 Tuy nhiên, việc thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba[36] và nhiều vị thánh đã cảm nghiệm được thiên đường ngay trong cuộc đời trần thế, như nhắc bảo ta rằng: mình có thể và phải xây dựng Nước Trời hay thiên đường bằng thái độ sống tích cực trong tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu.

Chúng ta rất giàu về thời giờ, ân huệ, tài năng và có khi cả tiền của. Tuy nhiên, nhiều người lại đang có thái độ sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ biết có mình, phung phí các nguồn lực đó cho những đam mê, nghiện ngập như ông nhà giàu trong dụ ngôn. Ta không quản lý tốt gia sản của Cha Trên Trời nên không phát huy được hiệu quả của chúng để tạo nên thiên đường.

Ta sống mỗi ngày 24 giờ, mỗi giờ có 3.600 giây. Một nụ cười, một lời thân tình kết nối yêu thương, một lời xin lỗi để tạo lại hoà khí, một cử chỉ ân cần để cảm thông, một hành động bác ái để chia sẻ… thường chỉ tốn một vài giây, vài phút. Nhưng thử hỏi mỗi ngày ta làm được mấy lần để tạo nên hạnh phúc thiên đường cho người thân hay cho cộng đồng quanh ta? Nhiều khi ta đang tạo nên hoả ngục cho họ từ những thái độ im lặng giận hờn, những lời thô tục dối trá, những cử chỉ lãnh đạm, những hành động loại trừ nhau. Chính khi tạo nên hoả ngục cho người thì ta cũng giam hãm mình trong đó. Còn khi ta tạo nên hạnh phúc cho người thì ta cũng tạo thành thiên đường cho mình.

Thánh Phaolô khuyên nhủ ta[37]: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”. Bằng những hành động, cử chỉ, lời nói, tích cực và trong sáng, chúng ta tạo nên thật nhiều điểm sáng trong từng ngày sống còn lại của đời mình. Nhờ đó chúng ta sẽ loại trừ và tẩy rửa những điểm tối bẩn trong hồn ta, để một ngày nào đó, có khi ngay trong cuộc đời trần thế, ta đã tạo nên thiên đường cho mình và cho những ai sống gần mình.

Lời kết

“Chúng ta không biết được trái đất và nhân loại, sẽ kết thúc vào thời điểm nào[38], chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi ra sao. Quả thật, bộ mặt của một thế giới bị biến dạng vì tội lỗi đang qua đi[39], nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một thế giới mới, nơi công lý ngự trị. Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thoả mãn và lấp đầy mọi ước vọng hoà bình đang trào dâng trong lòng con người[40]. Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô… và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân[41]. Tuy nhiên sự trông đợi thế giới mới này không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích, nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của thời đại mới. Vào thời điểm cuối cùng Chúa Kitô sẽ trao lại cho Chúa Cha Vương Quốc vĩnh cửu và phổ quát: “Vương Quốc của sự thật và sự sống, của thánh thiện và đầy ơn phúc, của công lý, tình yêu và hoà bình”[42].

Kết quả hình ảnh cho xây dựng

————————————————————

Chú thích:

  1. X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.412- 413

  2. Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38

  3. Lc 20,38

  4. Kn 1,13-14

  5. X. Rm 8,20-23

  6. X. GLHTCG,số 366

  7. Kn 2,23-24

  8. X. Mc 5,21-43

  9. 1867-1940

  10. 2Tm 2,11

  11. 1Pr 3,13; Kh 21,1; sách GLHTCG, số 1043

  12. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 48

  13. Kh 21,4; sách GLHTCG, số 1044

  14. Gl 3,28

  15. Dt 13,8

  16. Ep 1,10

  17. X. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19

  18. X. Mt 3,7-12

  19. X. Mc 12,38-40

  20. X. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1Cr 4,5

  21. X. Mt 5,22; 7,1-5

  22. Mt 25,40. X. Sách GLHTCG, số 678

  23. X. Ga 1,3

  24. Ga 5,22

  25. X. Ga 3,17

  26. X. Ga 5,26

  27. X..Ga 3,18; 12,48

  28. X. 1Cr 3,12-15; Mt 12,32; Dt 6,4-6;10,26-31; Sách GLHTCG số 679

  29. X. Sự phán xét cuối cùng là một tranh tường do Michelangelo sáng tác, vẽ trên tường của nhà nguyện Sistina ở thành Vatican. Phải mất 4 năm để hoàn thành bức hoạ này, từ năm 1537 đến năm 1541.

  30. X.Mt 25,31-46

  31. 1Ga 4, 8.16

  32. Gc 2,13

  33. X. Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo 2014. tr 383-400

  34. X.. Lc 16,19-31

  35. X. Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 3, 5, 35-36, 44, 46 và Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 39, 45.

  36. X. 2 Cr 12,2

  37. X. Tm 6,11-16

  38. X. Rm 15,16

  39. X. 1Cr 7,31

  40. X. 1Cr 2,9; Kh 21,4-5

  41. X. Rm 8,19-21

  42. X. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua;. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ số 39.