Khía cạnh “khôn ngoan” trong đời sống của
Thánh Giêrôm
Để hiểu đầy đủ về nhân cách của Thánh Giêrôm, chúng ta
cần phải thống nhất hai chiều kích vốn là đặc điểm của đời ngài
như một tín hữu: một mặt là sự tận hiến tuyệt đối và khắc khổ
cho Thiên Chúa, từ bỏ mọi thỏa mãn của con người vì tình yêu
Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x.1 Cr 2: 2; Phil 3: 8.10), và mặt
khác, một cam kết học tập chuyên cần, hoàn toàn nhằm mục
đích hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô.
Chứng tá kép này, do Thánh Giêrôm cung cấp một cách kỳ diệu,
có thể là một kiểu mẫu trên hết cho các đan sĩ vì tất cả những ai
sống đời khổ hạnh và cầu nguyện đều được thúc giục cống hiến
đời mình cho công việc nghiên cứu và suy tư đầy đòi hỏi. Nó
cũng là một mô hình cho các học giả, những người nên luôn ghi
nhớ rằng tri thức chỉ có giá trị tôn giáo nếu nó được đặt cơ sở
trên tình yêu độc chiếm dành cho Thiên Chúa, ngoài mọi tham
vọng của con người và khát vọng trần tục.
Hai khía cạnh này của cuộc đời ngài đã được phát biểu trong
lịch sử nghệ thuật. Thánh Giêrôm thường được các bậc thầy về
hội họa phương Tây miêu tả theo hai truyền thống ảnh tượng
khác biệt. Người ta có thể mô tả một truyền thống chủ yếu là
đan tu và đền tội, cho thấy thánh Giêrôm với thân hình tiều tụy
vì nhịn ăn, sống trong sa mạc, quỳ gối hoặc phủ phục dưới đất,
trong nhiều trường hợp, tay ôm đá và đập ngực, mắt hướng về
Chúa bị đóng đinh. Trong đường hướng này, chúng ta thấy kiệt
tác cảm động của Leonardo da Vinci hiện đang trưng bày tại
Viện bảo tàng Vatican. Một truyền thống khác cho thấy thánh
Giêrôm trong trang phục của một học giả, ngồi bên bàn viết, có
ý định dịch và bình luận các Sách thánh, bao quanh là các sách
cuộn và sách bằng da, nhằm để bảo vệ đức tin bằng sự uyên bác
và các tác phẩm của mình. Xin dẫn chứng một thí dụ nổi tiếng,
Albrecht Dürer đã nhiều lần khắc họa ngài trong tư thế này.
Hai khía cạnh trên được kết hợp với nhau trong bức tranh của
Caravaggio đặt tại Phòng trưng bày Borghese ở Rôma: thực vậy,