Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020
Lời hướng dẫn
Các bạn thân mến,
Trong mùa dịch Covid-19, trùng hợp với Mùa Chay và Mùa Phục Sinh 2020, chúng ta có thể có nhiều ngày rảnh rỗi. Vì thế, chúng ta được mời gọi sử dụng thời gian này để tìm về với Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình bằng một cuộc tĩnh tâm tự nguyện theo chủ đề: “Hướng tới sự trưởng thành toàn diện”, mà Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã mời gọi toàn thể cộng đồng tín hữu năm nay.
Tuần tĩnh tâm này sẽ dựa trên 2 tông huấn (TH) của Đức Thánh Cha Phanxicô:
– Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay.
– Tông huấn “ Đức Kitô đang sống” (Christus vivit) gửi tới những người trẻ và toàn thể Dân Chúa.
Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vài điểm căn bản của hai tông huấn này và giới thiệu một vài hoạt động nên làm trong tuần tĩnh tâm.
1. Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ”
Lời Chúa mời gọi ta nên thánh, nên hoàn thiện bằng tình yêu: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi là Đấng Thánh” (Lv 19,1). “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhưng thánh thiện, hoàn thiện là gì? Có thể đạt được không? Và đạt được bằng cách nào?
1.1. Thánh thiện – hoàn thiện là gì?
ĐTC Phanxicô, vào ngày 19/3/2018, đã gửi cho tín hữu chúng ta một tông huấn có tên là Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) để trình bày về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Tông huấn có 177 số, chia thành 5 chương, giới thiệu lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thiết thực cho thời đại chúng ta, một thời đại có nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội. Đọc và suy niệm tông huấn, ta sẽ thấy việc trở nên thánh thiện, hoàn thiện vừa là một ơn gọi đầy ân huệ của Chúa, vừa là một sứ mệnh trong tầm tay của mỗi người, đồng thời vừa mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho những ai quyết tâm thực hiện ơn gọi đó.
Thánh thiện không phải là biến đổi để trở nên người hiểu biết rộng, có phẩm chất đạo đức cao, vượt lên hẳn người cùng thời, như Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Lão Tử, hay người có công to lớn trong lịch sử, được tôn thờ ở đền chùa như Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hoặc trở thành Đấng tạo ra trời đất, chúa tể muôn loài theo một số tôn giáo như Đức thánh Allah của đạo Hồi. Thánh thiện chính là phát huy được bản chất tốt đẹp của mỗi con người trong hoàn cảnh độc đáo của lịch sử, vì từng người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Sống đúng phẩm giá cao quý của con người là ta thành thánh, vì Chúa là Đấng Thánh.
Chúa Giêsu hôm nay còn xác định rõ ràng hơn: đó là trở nên hoàn thiện. Nhưng hoàn thiện không phải là “biến đổi thành tốt và đầy đủ, đến mức thấy không cần phải làm gì thêm nữa”1. Cho đến phút cuối cùng của đời người, chúng ta vẫn phải khiêm tốn nhận rằng mình yếu đuối, thiếu sót, vẫn còn bị những tham vọng, dục vọng chi phối, nên không thể gọi là hoàn thiện được. Như thế chỉ có Chúa mới là hoàn thiện, còn ta chỉ cố gắng trở nên hoàn thiện mà thôi. Văn sĩ Locke nói một câu rất hay rằng: “Hoàn thiện là luật của Trời, tiến đến hoàn thiện là luật của người”.
1.2. Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo
Đọc hạnh các thánh trong dòng lịch sử, ta thấy nhiều vị thánh có những gương sáng anh hùng, làm được nhiều điều kỳ diệu, kết hợp đặc biệt với Chúa khi cầu nguyện đến nỗi khuôn mặt toả sáng, thân hình bay bổng lên cao, tác động đến vạn vật như cây cối, chim muông, thú dữ… Rồi nghĩ đến con người tầm thường, đầy tội lỗi của mình, ta lại thấy ơn gọi nên thánh dương như không phải dành cho ta, mà chỉ cho một ít người đặc biệt nào đó trong Hội Thánh.
ĐTC nhắn nhủ rằng: “Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện dường như không thể đạt đến được đó. Một số chứng cớ có thể hữu ích và gợi hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép cuộc đời của các thánh nhân đó nơi ta, vì mỗi người nên thánh bằng mỗi cách khác nhau” (TH, số 11). Không thể có hai thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay hai thánh Gioan Bosco cùng được tôn vinh trên bàn thờ nhưng nhiều người cứ muốn trở thành một Têrêsa hay Gioan Bosco mới! Điều này thúc đẩy mỗi người dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và đón nhận kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa tiền định cho chúng ta từ muôn thuở. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi” (Gr 1,5; TH, số 13).
Tuy nhiên, vì đây là lời mời gọi của Chúa (x. Lv 11,44; 1Pr 1,16), nên chính Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ ban cho ta đầy đủ ân huệ để có thể thực hiện điều này như CĐ.Vaticanô II đã tuyên bố rõ ràng ở số 11 của Hiến chế Lumen Gentium: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (TH, số 10).
1.3. Đạt được bằng cách nào?
“Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo bằng đời sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong mọi việc mình làm, ở mọi nơi mình sống” (TH, số 14).
Bài đọc I của Chúa nhật VII Mùa thường niên A (x. Lv 19,1-2.17-18) xác định: “thánh thiện là không để lòng ghét người anh em, không trả thù, không oán hận nhưng yêu đồng loại như chính mình”. Bài Tin Mừng của Chúa nhật này (x. Mt 5,38-48) còn xác định rõ hơn: hoàn thiện là không đánh trả người ác, hành động quảng đại để cho đi hơn cả cái họ đòi hỏi, thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình. Hành dộng như thế không phải là nhu nhược, hèn yếu, nhưng là yêu thương như Cha Trên Trời đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương… Chúng ta yêu thương tất cả vì mỗi người đều là con cái của Ngài. Khi yêu thương cách quảng đại, trong sáng, trọn vẹn như thế là ta trở nên thánh thiện như Thiên Chúa, vì Ngài là tình yêu và Đức Giêsu là Con Một Ngài dạy ta yêu thương như vậy. Những bác sĩ, y tá, điều dưỡng dám hy sinh mạng sống của mình để cứu giúp các bệnh nhân trong cơn đại dịch viêm phổi do virus Covid-19 là những vị thánh sống của thời đại hôm nay.
Trong chương II của Tông huấn, ĐTC Phanxicô giải thích cho ta hiểu hai khuynh hướng sai lầm về thánh thiện mà ngài gọi là thuyết Ngộ Đạo đương đại và thuyết Pêlagiô ngày nay. Hai thuyết này có mặt ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, bị lên án nhưng vẫn tồn tại và tác động âm thầm nơi tín hữu, khiến họ hiểu sai về sự thánh thiện đích thực. Thuyết Tân Ngộ Đạo nhấn mạnh đến thành quả của lý trí với những hiểu biết, nhận thức, cảm nhận nào đó về các mầu nhiệm, kinh nghiệm nhất định, rồi đóng kín và xem thường các mầu nhiệm khác. Thí dụ: như xác tín về Chúa Thánh Thần, về đức nghèo khó theo thánh Phanxicô, về tinh thần thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêsa… là tuyệt vời nhất. Thuyết Tân Pêlagiô lại quan tâm đến ý chí với hành động cụ thể nào đó và chối bỏ hay khinh chê hoạt động suy tư của lý trí và các hoạt động khác. Thí dụ: người ta coi việc tôn sùng lòng thương xót của Chúa là đủ để cứu độ, xem việc săn sóc bệnh nhân của dòng thánh Gioan Thiên Chúa là việc bác ái lớn lao nhất… (x. TH, số 36-62).
Vì thế, Đức Thánh Cha dạy rằng: muốn nên thánh thiện ta hãy học với Chúa Giêsu, là Đấng Thánh của Thiên Chúa và là tôn sư của con người, để thực hành Tám mối phúc của Người. Sống theo các mối phúc đó như: tinh thần nghèo khó, hiền hoà, sầu khổ, khao khát công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, xây dựng hoà bình, sẵn sàng chịu bị bách hại, dường như có vẻ lội ngược dòng với con người trong xã hội hôm nay, nhưng thật sự là con đường dẫn tới sự hoàn thiện tuyệt vời (x. TH, số 63).
Điểm đặc biệt của sự thánh thiện hoàn hảo được ĐTC nhấn mạnh là niềm vui (x. TH, số 122-128), mà Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, khơi dậy trong ta (x. Rm 14,17), vì con người chúng ta là đền thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong ta, như Bài đọc II (x. 1Cr 3,16-23) nhắc đến. Niềm vui và hân hoan là đặc điểm của thánh thiện và cũng là tên gợi nhớ của Tông huấn. Vì thế, nếu chính mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chưa cảm thấy vui mừng, hoan lạc trong cuộc sống, ta nên tìm hiểu xem mình đang thiếu sót gì trong ơn gọi thánh thiện này.
Lời kết
Ôn lại vài điểm về ơn gọi nên thánh để hiểu rằng sự thánh thiện không còn là một đích điểm xa vời hay kết quả vĩ đại, mà ta đang cố đạt tới. Nhưng đó là ơn gọi và sứ mệnh được ta thể hiện trong đời sống thường ngày.
2. Tông huấn “Đức Kitô đang sống”
Ngày 25/3/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới những người trẻ và toàn thể Dân Thiên Chúa Tông huấn hậu thượng hội đồng có tên là Christus Vivit, nghĩa là Đức Kitô đang sống.
Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng xác định chủ đề hoạt động năm nay là “Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại một vài điểm cơ bản của tông huấn này để giúp cho mình cũng như những người chúng ta sống với được trẻ trung, tươi mới và tràn đầy sức sống khi gặp được Đức Kitô.
2.1. Tình trạng già nua cằn cỗi của thế giới
Tông huấn gồm có 299 số, được chia thành 9 chương với nhiều điểm cô đọng vì được trích dẫn từ văn kiện kết thúc đại hội thường kỳ thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục2. Trước khi học hỏi các điểm cơ bản của Tông huấn, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu sơ qua tình trạng già nua, cằn cỗi của thế giới cũng như của cả Giáo hội Công giáo để thấy tại sao có thượng hội đồng về giới trẻ và tông huấn này.
2.2. Dân số mỗi ngày một già đi
Theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019 của Liên Hợp Quốc, vào ngày 7 tháng 12 năm 2019, dân số thế giới là 7.754.702.439 người. Việt Nam có 97.892.584 người, xếp thứ 15 trên thế giới, sau Trung Quốc 1,4 tỷ; Ấn Độ 1,3 tỷ; Hoa Kỳ 330 triệu; Indonesia 270 triệu; Brazil 213 triệu; Pakistan 206 triệu; Nigeria 203 triệu… Nhờ những cải thiện về y tế và kinh tế, con người sống khoẻ hơn, lâu hơn. Số người già mỗi năm nhiều hơn3.
Có khoảng 10.000 tôn giáo khác nhau trên thế giới. Nhưng có khoảng 84% dân số thế giới theo 1 trong 5 nhóm tôn giáo lớn nhất, đó là Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo hoặc các dạng tôn giáo dân gian. Tính đến tháng 12 năm 2019, Kitô giáo có khoảng 2,3 tỷ tín hữu, chiếm 31% dân số thế giới; Hồi giáo 1,5 tỷ; Ấn Độ giáo 900 triệu; Đạo giáo (hay Lão giáo) khoảng 400 triệu; tôn giáo dân gian Trung Quốc 394 triệu; Phật giáo 365 triệu4. Trong đó, theo thống kê của Vatican, có 1,313 tỷ người Công giáo, chiếm khoảng 17,7% dân số thế giới5.
Từ vài chục năm nay, kể từ khi kết thúc Công đồng Vaticanô II năm 1965, tỷ lệ Công giáo chỉ ở trong khoảng 17% dân số thế giới. Còn ở Việt Nam, từ năm 1885 khi kết thúc thời kỳ bách hại đạo khốc liệt đến nay, tỷ lệ Công giáo chỉ ở khoảng 7%. Dù số tín hữu có tăng theo đà tăng cơ học của dân số, nhưng số tín hữu mới nhập đạo không là bao so với người bỏ đạo, vì thế tỷ lệ hầu như vẫn giữ nguyên.
Một hiện tượng gây bức xúc là số tín hữu trẻ càng ngày càng vắng mặt trong các thánh lễ mỗi tuần, trong các sinh hoạt cộng đồng. Số tín hữu dự lễ Chúa Nhật ở các nước châu Âu chỉ chiếm khoảng 10%, ở Mỹ Châu khoảng 20%. Nhiều nhà thờ chỉ còn vài chục tín hữu dự lễ, đa số là các người lớn tuổi. Nhiều nơi, giới trẻ hoàn toàn vắng bóng trong mọi sinh hoạt tôn giáo. Nhiều linh mục ở châu Âu phải coi sóc vài chục xứ đạo vì mỗi xứ đạo chỉ còn vài chục tín hữu già nua. Số người trẻ đi tu để làm linh mục hay tu sĩ rất ít, dẫn đến phải đóng cửa nhiều nhà thờ, nhiều chủng viện, dòng tu.
Ở Việt Nam, sau năm 1975, sinh hoạt tôn giáo khá mạnh mẽ. Các nhà thờ vẫn còn đầy tín hữu dự lễ Chúa Nhật và cả lễ hằng ngày. Các bạn trẻ hăng hái tham dự các hội đoàn, ca đoàn, các lớp giáo lý, các lớp học hỏi Thánh Kinh và sinh hoạt mục vụ dành cho những hoạt động từ thiện, bác ái. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, việc tham dự của giới trẻ vào các sinh hoạt tôn giáo mỗi năm một giảm sút theo chiều hướng chung của người trẻ trên thế giới.
Tình trạng già cỗi được biểu lộ qua mấy đặc điểm sau đây: cảm thấy khó khăn trong việc hoà nhập với mọi người chung quanh, cảm thấy lạc lõng giữa bạn bè cùng trang lứa, không thích những cái mới lạ và muốn giữ những cái gọi là truyền thống, thích dành thời gian ở một mình, yên tĩnh, thích hoà mình vào thiên nhiên hơn là cộng đồng xã hội hiện tại.
Tình trạng già cỗi được ví như những cây cối: chúng cằn cọc, không lớn lên được vì hết nhựa sống. Người tín hữu Công giáo cũng trở nên già nua cằn cỗi khi thấy mình nặng nề, yếu đuối, mất dần sức sống, không mở tâm trí để đón nhận những điều mới mẻ mà chỉ bám vào những gì cũ kỹ, lỗi thời gọi là truyền thống, không còn sức thu hút người khác đến với Đức Giêsu Kitô nên việc truyền đạo không mấy kết quả, chúng ta muốn sống an thân thay vì dấn thân vào mọi môi trường sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.
2.3. Nguyên nhân của tình trạng già nua, cằn cỗi
Đại hội thường kỳ thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 với chủ đề “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Mục đích là để giúp người trẻ hướng tới sự trưởng thành trong hành trình đời sống. Thượng Hội đồng đã phân tích tình trạng già nua, cằn cỗi của giới trẻ của thế giới cũng như của Giáo Hội do một số nguyên nhân chính sau đây:
– Người trẻ đang sống trong một thế giới khủng hoảng: trong các vùng chiến tranh hoặc trải qua bạo lực dưới muôn vàn hình thức khác nhau: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ, bóc lột tình dục. Nhiều người trẻ bị lôi cuốn vào các tội ác: lính trẻ em, buôn bán ma tuý, khủng bố dẫn đến lạm dụng, bạo lực, nghiện ngập.
– Người trẻ bị cuốn vào một số hệ tư tưởng như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cá nhân, hiện sinh, vô thần, chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ, chủ nghĩa duy vật vô thần…làm mất đi các giá trị thật sự của con người.
– Nhiều người trẻ bị đẩy ra bên lề xã hội và bị loại trừ về phương diện xã hội (như giai cấp), vì các lý do tôn giáo, sắc tộc hoặc kinh tế, dẫn đến các phụ nữ mang thai đơn thân, nhiễm HIV, các hình thức nghiện ngập (ma tuý, bài bạc, khiêu dâm, trò chơi trực tuyến), trở thành những người vô gia đình, trẻ em đường phố (TH, số 71-74).
– Sự vô cảm của khá nhiều tín hữu vì họ đang sống đầy đủ, an toàn, đóng kín nên không cảm nhận được nỗi khổ đau của người trẻ (số 75-77).
– Sự thờ ơ hoặc bất lực của chính quyền trước những tội ác. Chính sách thực dân khai thác bóc lột người trẻ (số 78), các công ty khai thác sự trẻ trung, đam mê, vẻ đẹp trên thân xác người trẻ (số 79).
– Sự căng thẳng có khi xung đột giữa hai thế hệ già trẻ, do khác biệt về trình độ văn hoá, không thấu hiểu nhau (số 80).
– Những khám phá mới về tính dục thu hút người trẻ, nhưng Giáo Hội lại ngại ngùng, có khi lên án những vấn đề liên quan đến tính dục (số 81).
– Các tiến bộ về khoa học, nhất là y học, đặt ra nhiều vấn nạn cho người trẻ nhưng không được Giáo Hội quan tâm giải đáp (số 82).
– Người trẻ khát khao được yêu thương, được tha thứ những tội lỗi, được cảm thông vì những thiếu sót nhưng họ lại ít được đón nhận điều đó (số 83-84).
– Nền văn hoá kỹ thuật số ảnh hưởng sâu sắc và làm xáo trộn đời sống người trẻ: thời gian, không gian, nhận thức về bản thân, về người khác và thế giới, thay đổi các mối tương quan dẫn đến một số ích lợi và nhiều tai hại (số 86-90).
– Nhiều triệu người trẻ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng di dân dẫn đến việc thay đổi đời sống về nhiều mặt (số 91-94).
– Lạm dụng dưới nhiều hình thức đã xảy ra: lạm dụng về quyền lực, lương tâm, tình dục và tài chính trong lòng Giáo Hội do một số giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân gây ra khiến nhiều người, nhất là giới trẻ, xa lánh Giáo Hội, không muốn đi tu, bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo sĩ trị (số 95-102).
– Nên khảo sát thêm về tình hình giới trẻ của mỗii quốc gia, miền đất, giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn mình có những điểm riêng biệt nào ngoài những điểm trên đây (x. số 103).
2.4. Tại sao ta có thể và phải tìm lại sự trẻ trung, tươi mới?
Chúng ta có thể và phải tìm lại sự trẻ trung, tươi mới trong tư cách là con người có tinh thần và là tín hữu Công giáo.
Vì là con người có tinh thần
Tinh thần con người không bao giờ là già cỗi. Vì tinh thần của con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên luôn mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên (x. HTXHCG, số 130).. “Sự tươi trẻ không chỉ đơn giản là một khoảng thời gian sống, nhưng là một trạng thái của tinh thần” (x. TH, số 34). Tinh thần vì không bị lệ thuộc vào vật chất nên không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Con người ở tuổi nào cũng vẫn có thể có một tinh thần trẻ trung, dù xác thân có già nua, yếu đuối, tật bệnh.
Vì là tín hữu Công giáo
Mỗi tín hữu là thành phần của Giáo Hội và là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Giáo hội Công giáo, dù là một cơ chế cổ xưa, với 2000 năm tuổi, “Giáo Hội có thể trải nghiệm sự đổi mới và trở lại tươi trẻ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình… Công đồng Vaticanô II đã lưu ý rằng: ‘Trở nên phong phú với một lịch sử lâu dài và sống động, và tiến tới sự hoàn thiện nhân bản trong thời gian và trong những vận mệnh tối hậu của lịch sử và cuộc sống, Giáo Hội chính là sự tươi trẻ đích thực của thế giới’. Nơi Giáo Hội người ta luôn có khả năng gặp gỡ Đức Kitô, Đấng luôn là người đồng hành và là người bạn của giới trẻ”. (x. CĐ.Vat.II, Sứ điệp dành cho giới trẻ, 7/12/1965, số 18; TH, số 34).
Chúng ta phải tươi trẻ vì “Đức Kitô, đang sống. Người là niềm hy vọng của chúng ta và Người mang sự trẻ trung đến với thế giới của chúng ta một cách thật tuyệt vời, và mọi sự được Người chạm tới đều trở nên trẻ trung, tươi mới, tràn đầy sức sống” (số 1). Đức Kitô đó đang ở trong ta, ở cùng ta, đang kêu gọi ta, đợi chờ ta trở về để xuất phát lại từ đầu. Khi ta cảm thấy mình già đi vì buồn phiền, oán hận, sợ hãi, nghi ngờ, thất bại, Người vẫn ở đó để phục hồi sức mạnh và niềm hy vọng của ta (số 2).
Cứ mở lại Thánh Kinh và đặc biệt Tin Mừng, ta sẽ thấy Đức Giêsu luôn trẻ trung và là gương mẫu cho người trẻ để ta có thể biến đổi nên giống như Người (số 5-21, 22-32).
Đức Thánh Cha đã giới thiệu những khuôn mặt trẻ trung của Thánh Kinh Cựu Ước như Giuse (x. St 37,2-3), Ghedeon (x. Tp 6,13), Samuel (1Sm 3,9-10), David (x. 1Sm 16,6-13), Salomon (x. 1V 3,7) (x. TH, số 5-11) hay Tân Ước như Maria (x. TH, số 43-48) và một số vị thánh trẻ trong dòng lịch sử của Giáo Hội như các thánh tử vì đạo, thánh Sebastianô, Phanxicô Assisi, Gioana d’ Arc, Anrê Phú Yên… (x. TH, số 49-63) để ta hiểu mình có thể và phải trẻ trung trở lại.
2.5. Làm sao để tìm lại được sự trẻ trung
Cần phải theo một tiến trình nếu muốn tìm lại được sự trẻ trung cho mình. Cũng như từ sự trẻ trung của mỗi cá nhân, ta giúp cho Giáo hội Công giáo và thế giới đạt được sự trẻ trung, tươi đẹp, năng động của người trẻ. Đây là một tiến trình dài, nhưng với ơn Chúa, chúng ta có thể đạt được vì Đức Kitô đang sống trong ta và trong thế giới.
Tiến trình này khởi đầu bằng một nhận thức căn bản: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa, Đấng muốn ta trẻ trung” (số 64). Chúng ta, cũng như người trẻ, không phải chỉ nói rằng: mình là tương lai của thế giới, nhưng chúng ta là chính hiện tại của thế giới vì đang đảm nhận những trách nhiệm, đang làm phong phú thế giới bằng chính đời sống thực tế của mình.
Tiếp đến là 3 chân lý cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi mà ta phải xác tín và thể hiện trong đời sống: Thiên Chúa yêu thương ta bằng tình yêu vô biên và muôn thuở, tình yêu của Ngài sẽ nâng đỡ ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời (số 112-117).
– Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, Người đã yêu ta đến cùng bằng cái chết trên thập giá để cứu chuộc ta và sống lại để giúp ta tươi trẻ mãi mãi (số 118-123).
– Đức Kitô hằng sống (số 124-133) hiện diện mọi nơi, mọi lúc trong đời ta để giúp ta chiến thắng cái sai, cái ác, cái xấu, để ban cho ta niềm vui và hạnh phúc viên mãn, để chia cho ta sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa và quyền năng vô tận của Ngài nhờ những ân huệ Thánh Thần. Chính Thánh Thần là thần khí ban sự sống sẽ dẫn ta vào tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa (Rm 5,5) để làm cho tất cả được trẻ trung mãi mãi (x. Gr 17,8) (x. TH, 124-133).
Tuỳ theo tình trạng mỗi người và hoàn cảnh xã hội, mỗi người chúng ta cũng như các tổ chức cộng đồng: phải vạch ra được lộ trình của tuổi trẻ (số 134-178), những mối tương quan với các thành phần khác trong xã hội (số 180-201), xác định được những hoạt động của mình trong các môi trường khác nhau (số 203-247), với những ơn gọi khác nhau (số 248-277) để phân định được ơn gọi của mình (số 278-286) nhờ kết hợp với Chúa Giêsu Kitô (số 287-290) và đồng hành với mọi người (số 291-298).
Lời kết
Như thế sự trẻ trung, cũng giống như sự thánh thiện, không phải là những ân huệ ở ngoài đưa vào trong con người, mà nằm trong chính con người, thể hiện ngay trong những hoạt động hằng ngày của ta vì Đức Giêsu Kitô luôn sống động trong ta.
3. Giới thiệu công việc nên làm
3.1. Tài liệu tĩnh tâm
Chúng tôi gửi đến từng tham dự viên tập tài liệu tĩnh tâm Hướng tới sự trưởng thành toàn diện. Tập tài liệu này gồm 27 bài, chia thành 3 phần, để giúp suy niệm hay đọc thêm với các câu hỏi gợi ý ở mỗi cuối bài.
Sự trưởng thành toàn diện đòi hỏi ta phải biết mình là ai và nền nhân bản đang được Giáo hội Công giáo cổ vũ để tập trung vào Đức Giêsu Kitô hằng sống là gì. Đó là nền nhân bản toàn diện và liên đới tạo nên nền văn hoá Công giáo với những giá trị căn bản như sự thật, sự sống, tình yêu, tự do, công bằng và hành động được các tài liệu Giáo Hội thường xuyên nhắc nhở từ Công đồng Vaticanô II đến nay, nhất là trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo và cuốn Docat. Các giá trị này được trình bày trong phần đầu của tập tài liệu.
Phần thứ hai mời gọi chúng ta để ý đến con người Việt Nam của mình với những nét đặc thù, như ĐTC Phanxicô nhắc nhở trong tông huấn Đức Kitô đang sống, để chúng ta đạt tới sự trưởng thành toàn diện trong bối cảnh xã hội hiện nay của đất nước và Giáo Hội.
Phần thứ ba giới thiệu cho chúng ta những hành động trong cuộc sống hằng ngày với tất cả ý thức và tự do. Những hành động như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, nói năng, tắm rửa… khi được thực hiện với Đức Kitô hằng sống sẽ dẫn ta đến sự trưởng thành cũng là sự thánh thiện thật sự.
Chúng tôi cũng xin lỗi vì tập tài liệu này còn nhiều chỗ chưa hoàn chỉnh do đây chỉ mới là bản biên soạn vội cho kịp tuần tĩnh tâm bất ngờ. Chắc chắn tập tài liệu còn nhiều thiếu sót, nhưng chúng tôi muốn gửi đến các bạn trong tháng kính Thánh Cả Giuse để tôn vinh thánh bổn mạng và xin Người chuyển cầu cho tất cả chúng ta. Đây cũng là món quà trao tặng cho nhau trong Mùa Phục Sinh để tìm lại niềm vui và hy vọng trong cơn đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất mong được các bạn sửa chữa những thiếu sót trong tập tài liệu này. Chúng tôi xin hết lòng cảm ơn.
3.2. Vài công việc đề nghị
– Cầu nguyện: ngoài những giờ suy niệm và kinh nguyện cộng đồng, chúng tôi cũng đề nghị tham dự viên có thể lần hạt, đi Đàng Thánh giá và cả Đường Ánh sáng theo thánh Ingnatiô Loyola để tạo sự quân bình trong đời sống đạo đức. Tham dự viên có thể sử dụng cuốn Bạn là lời cứu độ, trang 91-141.
– Làm bảng tổng kết năm cũ và hoạch định năm mới: tĩnh tâm năm là dịp để chúng ta nhìn lại mọi sinh hoạt của năm cũ và hoạch định những chương trình, kế hoạch cho năm mới. Dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận ra những điểm tốt xấu để sửa đổi, tăng cường hay loại bỏ cho phù hợp với kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa trong đời sống mỗi người. Tham dự viên có thể tìm hiểu cách thực hiện công việc này trong cuốn Bạn là lời cứu độ, trang 28-65.
3.3. Lời cảm tạ
Tuần tĩnh tâm trong mùa đại dịch Covid 19 như một sự an bài của Thiên Chúa để chúng ta nhìn lại mình trong mùa Chay thánh, tìm hiểu kỹ hơn về những đòi hỏi của ơn gọi nên thánh và hành động quảng đại hơn để tìm lại sự trẻ trung cho mình và cho cộng đồng khi kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh.
Cầu chúc mọi người luôn bình an, khoẻ mạnh và tràn đầy Thánh Thần Tình Yêu trong mùa đại dịch này. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Trân trọng,
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Các đề tài được trình bày theo 3 phần chính:
I. Văn hoá Công giáo: nhân bản tâm linh
Bài 1: Con người là gì, là ai
Bài 2: Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới
Bài 3: Con đường sự thật giải thoát ta
Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa
Bài 5: Những con người tự do
Bài 6: Giá trị của công bằng
Bài 7: Vươn tới sự sống dồi dào và sung mãn
Bài 8: Bốn nguyên tắc hành động trong xã hội
II. Cuộc hội nhập văn hoá của người Công giáo Việt Nam
Bài 9: Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử Việt Nam
Bài 10: Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt
Bài 11: Cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội Việt Nam
Bài 12: Con đường tình yêu mở rộng cho mọi người
Bài 13: Đức Giêsu Kitô là con đường sự thật và sự sống
Bài 14: Thở được linh khí của Trời
III. Nếp sống văn hoá Việt Nam
Bài 15: Ăn để hoà nhập vào sự sống và tình yêu
Bài 16: Uống nước nhớ nguồn
Bài 17: Mặc lấy con người mới
Bài 18: Học với người Thầy tuyệt vời
Bài 19: Nói Lời cứu độ
Bài 20: Chữ cũng là người
Bài 21: Làm tốt cho đời
Bài 22: Chơi đẹp
Bài 23: Bước đi trong ánh sáng
Bài 24: Đi tìm nguồn đẹp
Bài 25: Tẩy sạch bụi trần
Bài 26: Giấc ngủ an bình
Bài 27: Về với cội nguồn