Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020
Lời mở
Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” đã xác định rằng: “Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người”[1], vì Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong lòng con người như một dấu hiệu đặc biệt khi dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. Nhờ tình yêu này, con người yêu vạn vật, yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu Thiên Chúa như là nguồn của mọi hiện hữu.
1. Một Trời yêu thương
Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, dân tộc Việt Nam chúng ta tin vào Trời. Niềm tin ấy được diễn tả trong đời sống hằng ngày, trong những nghi lễ của vua chúa trên Tế đàn Nam Giao cũng như trong các lễ hội dân gian, được lưu trữ trong kho tàng văn hoá dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…
Trời không phải chỉ là khoảng không gian xanh thẳm trên đầu (Trời cao có mắt), nhưng là một Đấng quyền phép vô song, tạo dựng nên vạn vật (Trời sinh, Trời dưỡng; Con chim nó hót trên cành, Nếu Trời không có, có mình làm sao, Con chim nó hót trên cao, Nếu Trời không có, làm sao có mình?), nhìn thấu mọi sự và soi thấu lòng dạ khôn dò của con người (Trời nào có phụ ai đâu, Hay làm thì giầu, có chí thì nên). Vì thế, người ta cầu Trời ban cho mình những thứ cần thiết (Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…). Trời là gương mẫu cho người ta noi theo, tạo thành một nền luân lý gọi là “đạo Trời” để con người tuân giữ (Dù ai nói ngược, nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng). Tất cả đều diễn tả tình yêu thương của Trời đối với muôn loài.
Khi đạo Công giáo được các thừa sai dòng Tên chính thức truyền vào Việt Nam trong khoảng năm 1615-1665, các ngài đã dạy cho người dân Việt Nam về đạo Trời đó, nhất là trong cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày của linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Trong cuốn sách đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ này, cha Đắc Lộ gọi Trời là Đức Chúa Trời[2] . Nhiều bản kinh chúng ta vẫn còn đang giữ tên gọi đó như kinh Mười Điều Răn, kinh Cám Ơn, kinh Tin Kính của các Tông đồ…
Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn học Trung Hoa. Đạo Trời của người Việt có một số nét tương đồng với đạo Khổng hay Nho giáo của người Tàu như “Thiên bất dung gian, Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Từ sau Công đồng Kẻ Sở năm 1924, nhiều sách vở Công giáo bắt đầu dùng từ Thiên Chúa, viết tắt bởi từ “Thiên địa chân Chúa”, có nghĩa là vị Chúa đích thực của trời đất, thay cho từ Đức Chúa Trời[3].
Thật ra khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Trời dành cho con người và vạn vật, người Việt dễ dàng đón nhận niềm tin của người Công giáo dành cho Thiên Chúa. Điều này đã được nhiều học giả ghi nhận: “Xưa kia chỉ biết kêu trời. Mà nay đã biết gọi Trời là Cha. Trần gian chẳng phải là nhà. Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên Trời”[4]. Từ đó nhiều người mới chính thức đi tìm sự sống vĩnh hằng.
2. Những thái độ của con người trước sự sống vĩnh hằng
Trong dòng lịch sử, kể từ khi bắt đầu biết suy tư các đây khoảng 40.000 năm, con người có nhiều thái độ khác nhau đối với sự sống vĩnh hằng, ta có thể tóm lược vào 4 thái độ sống sau đây:
2. 1. Thái độ duy vật sơ khai và hiện đại
Thái độ đầu tiên gọi là duy vật vì cách đây vài trăm ngàn năm cho đến bây giờ, con người chỉ coi sự sống của mình giống như sự sống của những sinh vật kéo dài vài chục năm hoặc 100, 200 năm rồi chết là hết. Khi con người chưa phát triển khả năng suy tư của tinh thần, họ chỉ ăn để sống, sống rồi chết như một cái cây, con thú. Chúng ta gọi đó là thái độ duy vật sơ khai của những con người sống hoang dã.
Nhưng hiện nay người ta vẫn tiếp tục thái độ ấy, dù khoa học đã phát triển tột bực. Nhiều người vẫn tiếp tục nghĩ rằng con người chỉ là kết quả ngẫu nhiên của vật chất tiến hoá, tụ vào thành người rồi sẽ lại tan thành vật. Tất cả cuộc sống của họ chỉ là cố gắng học hành thật giỏi, làm việc thành công, kiếm được nhiều tiền, mua được ngôi nhà đủ tiện nghi, sắm được chiếc xe hơi đời mới, mặc quần áo đúng mode, ăn những bữa cơm thật ngon lành thịnh soạn…Như thế mới là cuộc đời đáng sống, rồi có chết như một con vật và bỏ lại tất cả cũng không sao! Ta gọi đó là thái độ duy vật hiện đại.
2.2. Thái độ duy linh
Thái độ thứ hai gọi là duy linh, vì cho rằng chỉ có thần linh mới sống vĩnh hằng. Con người không thuộc giới thần linh, nên phải chết là lẽ đương nhiên. Các triết gia Hy Lạp, Rôma, nhiều tôn giáo vẫn nghĩ rằng chỉ những thần linh như thần Zeus, Jupiter, Mars, Minerva, Venus, Diana… mới có thể sống mãi mãi còn con người chỉ là đồ chơi nhất thời của các thần linh.
Trong những thần thoại người ta kể rằng nếu con người muốn sống bất tử thì phải được thần linh gắn bó, nên có những con người, như Hercules, Achilles… là sự kết hợp giữa một vị thần bất tử với một người trần khả tử để sinh ra một người nửa thần nửa người. Hercules là con của thần Zeus và bà Alcmene nên có sức mạnh vô địch và bất tử nhờ được bú trộm sữa của nữ thần Hera[5].
2.3. Thái độ nhân bản
Thái độ thứ ba gọi là nhân bản vì lấy con người khả tử làm gốc chứ không phải lấy thần linh bất tử và tin rằng nếu con người cố gắng, có thể vươn đến đời sống vĩnh hằng của thần linh. Đây là thái độ của rất nhiều người theo những tôn giáo khác nhau. Họ tôn thờ nhiều thần linh khác nhau và hy vọng các thần ấy chia sẻ cho mình sự sống vĩnh hằng, sự khôn ngoan, trẻ đẹp, quyền năng vô biên của mỗi vị thần.
Trong lịch sử dân tộc Do Thái, ông Giôsuê giới thiệu với người Do Thái rằng họ có thể chọn lựa giữa các thần linh ở miền Lưỡng Hà, nay là nước Iran và Irắc hoặc những vị thần của dân tộc Amorê đang sống chung quanh họ. Nhưng người Do Thái nói rằng họ chỉ chọn Thiên Chúa hằng sống như chính ông đang theo, vì chính Ngài đã dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập, đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, nuôi họ bằng manna suốt 40 năm trong sa mạc và đưa về Đất Hứa. Họ nghĩ rằng chỉ có Thiên Chúa đó mới có thể chia sẻ cho con người sự sống vĩnh hằng (x. Gs 24,1.15-18).
Con đường nhân bản rất đẹp này được Đức Phật Thích Ca giảng dạy cách đây hơn 2500 năm. Sau khi theo đuổi nhiều tôn giáo khác nhau nhưng không đạt được kết quả, Ngài đã giác ngộ tìm ra được con đường giúp con người đạt đến sự sống vĩnh hằng. Trong bài giảng quan trọng ở Bênares, Ngài giới thiệu 4 chân lý căn bản cho con người, đó là: khổ-dục-diệt-đạo. Đời sống của con người tất cả đều là khổ, đều là vô thường. Nguyên nhân cái khổ là lòng dục của con người. Muốn thoát khổ thì phải diệt cái dục đó. Muốn diệt được dục thì phải theo bát chánh đạo, nghĩa là 8 hướng chân chính để con người có thể đi và đạt được hạnh phúc: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định. Tín đồ Phật giáo cố gắng giữ ngũ giới (5 điều xấu: tránh sát sinh, tránh trộm cắp, tránh tà dâm, tránh gian dối, tránh say sưa rượu chè).
Con đường nhân bản này chỉ tin vào sức mạnh của chính mình, không cần bất cứ thần linh nào giúp sức. Vì thế để có thể chuyển đổi từ một con người vô thường, hữu hạn, tỗi lỗi, đầy dục vọng, sang con người vĩnh hằng, quyền năng vô hạn, hạnh phúc vô biên, con người ấy phải trải qua hàng tỷ kiếp tu thân, tích đức, mỗi kiếp thanh luyện mình một chút để một ngày nào đó mới thoát ra khỏi vòng luân hồi, không còn bị chi phối theo luật nhân quả và đạt đến cõi Niết Bàn. Khoảng 400 triệu người trên thế giới đang đi theo con đường rất đẹp của Đức Phật Thích Ca.
2. 4. Thái độ nhân bản tâm linh
Chỉ có Kitô giáo mới giới thiệu rõ ràng cho loài người một con đường mới. Con đường này là chính Đức Giêsu Kitô khi Người nhắc nhở chúng ta rằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Tự bản thân, khi đang là loài thụ tạo khả tử, hữu hạn, bất toàn, tội lỗi, con người không thể nào tự mình trở thành bất tử, vô hạn, hoàn hảo, thánh thiện như Thiên Chúa Tạo hoá vì không ai có thể tự cho cái mình không có.
Như thế, con đường mà Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta không phải chỉ lấy con người làm gốc để tự cứu độ mình như con đường của Đức Phật Thích Ca, mà nó mang ý nghĩa nhân bản tâm linh vì cần đến sự can thiệp của Thần linh trong tâm hồn và thể xác của con người. Nhân bản vì vẫn lấy con người làm gốc, nhưng đây là con người đã được Ngôi Lời Thiên Chúa đón nhận, vì Ngôi Lời đã trở thành Đức Giêsu Kitô. Tâm linh vì được thần linh, được Thiên Chúa, khai sáng và hoà nhập để trở thành một với Đức Giêsu.
Thiên Chúa vì yêu thương đã dựng nên con người, cho con người được tự do để yêu thương hay từ khước Ngài. Con người đã từ chối tình yêu ấy, đã cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa nên đánh mất sự sống vĩnh hằng và mọi ân phúc cao cả như trẻ đẹp, khôn ngoan, thánh thiện, quyền năng. Con người không thể tự cứu được mình, nên Thiên Chúa đã sai con của Ngài xuống thế trở thành người, để nâng con người lên trở thành Thiên Chúa như Ngài, sau khi cho Con của Ngài là Đức Giêsu chết để đền tội cho chúng ta.
Như vậy, chúng ta chỉ cần một kiếp ở đời này mà thôi, nếu ta sống kiếp đó với niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, đón nhận Người, gắn bó mật thiết với Người thì Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu, phi thường, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói rằng: chúng ta là hiền thê của Đức Kitô Giêsu, Người là người chồng của ta, cả hai gắn bó với nhau thành một thân thể nhiệm mầu để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống phi thường của Thiên Chúa (x. Eph 5,21-32).
Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời”. Nhiều người Do Thái, và ngay cả các môn đệ, thấy lời đó hết sức chướng tai, bởi vì họ không thể chấp nhận chuyện ăn thịt và uống máu người khác. Họ cũng không thể chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, vì họ chỉ tin một Thiên Chúa Giavê. Dù rằng những môn đệ ấy đã tận mắt thấy Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh nhân… họ vẫn bỏ Chúa Giêsu!
Trong thực tế của đời sống, chúng ta luôn được tự do để chọn lựa các thái độ sống trên đây và cũng trân trọng việc chọn lựa thái độ sống của người khác. Tuy nhiên, lịch sử của Giáo hội Công giáo và sự chọn lựa của hơn 2,2 tỉ người hiện nay đi theo con đường nhân bản tâm linh của Chúa Giêsu như mời gọi chúng ta tìm hiểu thái độ sống của mình. Chúng ta có thể xác tín như Phêrô hay như các môn đệ trong suốt dòng lịch sử con người rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu đó trong con người tầm thường, yếu đuối, hữu hạn của mình nếu ta tin vào tình yêu Thiên Chúa và gắn bó với Đức Giêsu như Kitô giáo mời gọi.
3. Con đường tình yêu
3.1. Tình yêu ở đây là gì ?
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16), nghĩa là bản thể của Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu này cũng được đưa vào trong bản tính của con người, nên tình yêu trong con người không còn chỉ là những cảm xúc, cảm tình, dù chúng hết sức mãnh liệt và có trách nhiệm[6] . Tình yêu nơi Kitô hữu còn là “một nhân đức, nghĩa là một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện”[7] , vì thế chúng ta mới nói đến đức tin-đức cậy-đức mến, như thánh Phaolô đã giải thích cho chúng ta: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,7-8.13).
Sau hết, tình yêu còn là ân huệ cao quý hơn cả và tồn tại mãi mãi. Ân huệ này chỉ đứng sau ân huệ Con Một Thiên Chúa mà Cha Trên Trời ban cho ta. Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta. Đó cũng là “tình yêu của Cha Trên Trời đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta” (x. Rm 5,5) để hướng dẫn chúng ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái xưa kia đã cảm nhận, và để chúng ta có thể nói lên hai tiếng “Abba, Cha ơi!” đối với Thiên Chúa như Thánh Phao lô nhắc nhở (x. Rm 8,14-17).
Vì thế, tình yêu của Ba Ngôi vừa là thực tại để chúng ta tôn thờ từng giây phút trong đời sống, đồng thời là một nhân đức để chúng ta luyện tập theo gương tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
3.2. Những đặc tính của tình yêu Ba Ngôi
Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.
Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha
Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Rồi khi Chúa Con là chủ thể yêu và Chúa Cha là đối tượng được yêu, Chúa Con trao tặng tất cả những gì mình có cho Chúa Cha thì tức khắc phát sinh Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết hai ngôi với nhau. Như thế cả ba ngôi chỉ có một bản thể duy nhất để trao cho nhau. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.
Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của chính mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ, dốt nát, yếu hèn, bệnh tật? Tình yêu của chúng ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?
Tình yêu cứu độ của Chúa Con
Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống[8] . Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gửi chúng ta lời nhắn nhủ rằng: “Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau và niềm vui của tha nhân như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính nối kết vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động của họ đều năng động, rộng lượng và ân cần. Vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” [9].
Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ hy sinh cho con cái, như người tình dám chết cho người mình yêu, như người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.
Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần
Thánh hoá có nghĩa là hoá thành thánh như Thiên Chúa là đấng thánh, thần hoá có nghĩa là biến thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Thiên Chúa như chúng ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, do những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục đối tượng mình yêu, thậm chí biến người yêu thành phương tiện giải trí cho tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu phải hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phải thay đổi thái độ ấy.
Lời kết
Chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình xem có mang những đặc tính sáng tạo, cứu độ và thần thánh hoá của Ba Ngôi không. Nếu chúng ta thể hiện những đặc tính ấy trong cuộc sống hằng ngày thì những anh em lương dân chắc chắn sẽ nhận ra rằng chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa của người Công giáo mới có thể thay đổi đời sống con người và xã hội của họ. Lúc đó họ mới dễ dàng tin theo Chúa Giêsu.
————————————————————
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao người Việt trước đây dễ đón nhận Đạo Trời?
2. Hãy mô tả những đặc tính chính của tình yêu theo Kitô giáo.
————————————————————
Chú thích:
-
x. CĐ. Vat. II, Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hy vọng, số 38. ↑
-
x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam niên giám 2016, NXB Tôn Giáo, tr.175. ↑
-
x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo, mục từ Thiên Chúa, 2016, tr.842. ↑
-
x. Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn học Toàn Thư I, NXB Quốc Hoa, 1959. ↑
-
x. Wikipedia, mục từ Hercules, mạng Internet. ↑
-
x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr. 1284. ↑
-
x. Docat, câu 16. ↑
-
x. Ga 3,18; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 38. ↑
-
9 1Cr 13, 4-6 ; x. Thông điệp Mater et Magistra, (1961), số 257; Docat (2017), tr. 28. ↑