Phùng Văn Hóa
Để có thể đưa ra một định nghĩa vắn gọn chính xác về triết học được mọi người công nhận là điều bất khả. Chính Martin Heidegger (1889 ?) Triết gia hàng đầu của thế kỷ 20 đã phải thú nhận “Tất cả những gì tôi đã cố gắng làm từ sáu mươi năm nay là hiểu cho được triết lý là gì chứ không phải cố đưa ra một triết thuyết” (M. Heidegger – Triết lý là gì? PCT dịch)
Dùng sáu mươi năm cuộc đời để tìm hiểu rút cục cũng phải lấy lại một câu định nghĩa của ARISTOTE đã có trước đó trên hai ngàn năm “Triết lý là kiến thức suy lý những nguyên lý và những nguyên do đầu tiên” (sđd). Rất có thể đây chỉ là cách suy diễn lời người xưa mà Heidegger vẫn thường làm. Thế nhưng dẫu sao nó cũng phản ánh không sai tính chất muôn thuở của triết học là muốn truy nguyên tới cùng kỳ lý cũng gọi là những nguyên nhân tối hậu của vạn vật.
Truy nguyên tới cùng cái chi là căn nguyên vũ trụ. Công việc này mang tính đặc trưng của triết học. Không thể lẫn lộn nó với bất cứ một loại học thuật nào. Tuy nhiên việc truy nguyên ấy xét cho thật thấu đáo thì nó lại không do triết học khởi xướng mà là thần thoại. Chỉ duy có điều là phải nhìn nhận nó (thần thoại) dưới khía cạnh minh triết.
Từ bấy lâu nay đối với dân gian không nói làm gì. Ngay cả trong giới triết sử người ta cũng đánh giá thần thoại chỉ là những câu chuyện hoang đường bịa đặt về các vị thần linh. Thế nhưng sự thực thì những vị “thần” ấy cần phải được nhìn nhận như là biểu tượng đơn thuần chứ không phải những nhân vật mang những cá tính dị thường.
Mục đích biểu tượng là nhằm diễn tả những chân lý thâm sâu cần được khám phá và điều bí ẩn lớn lao nhất đối với con người ở mọi nơi mọi thời cần phải khám phá ấy là tìm cho biết đâu là căn nguyên phát sinh vũ trụ vạn vật. Vậy thần thoại Hy Lạp cho ta biết cái chi là căn nguyên?
Đó chính là vị Thần mang tên Chaos được hiểu như là một khoảng không bao la vô tận trong đó chưa có một vật chi xuất hiện. Từ ở nơi vị Thần Chaos tức cái khoảng trống toang (le vide béant) là căn nguyên đó mà đã sản sinh ra vị thần khác có tên là Eros biểu trưng cho quá trình sinh trưởng và tuần hoàn vũ trụ. Tiếp đó là sự ra đời của hai vị Thần vĩ đại khác – Gaia tượng trưng cho trái đất và Zéus cho nguyên lý sinh nở.
Với vị thần Chaos căn nguyên nhưng lại hoàn toàn trống rỗng mà đã nảy sinh các vị thần khác. Đây chính là cái nét minh triết kỳ đặc nhất của thần thoại Hy lạp. Thế nhưng từ bấy lâu nay nó đã không hề được nhìn nhận, người ta dường như chẳng còn mảy may nhớ đến cái ông thần Chaos hoàn toàn trống không kia nữa. Ngay cả đối với F.Nietzche ông tổ của triết hiện sinh vô thần, người lớn tiếng nhất ngợi ca Thần thoại cũng chỉ biết dừng lại ở hai thần Dionysos và Apollon là những vị thần trong phả hệ chỉ được xếp vào loại con cái cháu chắt.
Khi minh định Thần Chaos vị thần rỗng không làm căn nguyên phát sinh vạn vật. Thần thoại Hy lạp quả thật xứng danh minh triết. Thế nhưng đây chỉ là một phút giây lóe sáng của trực giác, nó đã mau chóng phụt tắt nhường chỗ lại cho vị thần đêm đen là lý trí ngự trị.
Sự thể khiến người ta không sao có thể chấp nhận được trực giác Thần Chaos như thế chính ở chỗ cứ đinh ninh thần thoại tất nhiên chỉ là những câu chuyện bịa đặt hoang đường về các vị thần. Một khi đã cho thần thoại là những câu chuyện dân gian hoang đường thì tất nhiên cũng phải đến lúc người ta kết liễu nó – Về vấn đề này Burnet nhận định “Khi thôi không kể những chuyện hoang đường nữa là lúc các nhà bác học Milet (trường phái vũ trụ thiên nhiên luận) đã thực sự bước một bước tiến vĩ đại. Bước tiến ấy là bắt đầu nhìn nhận “cùng kỳ lý” hay nguyên nhân tối hậu của vạn vật không còn phải ở nơi Thần thánh mà lại ở chính những hành chất sơ bản nội tại trong thiên nhiên” (LTN – LSTHTP I).
Bởi đã coi Thần thoại chỉ là những câu chuyện hoang đường thế nên người ta không thể nào có thể lấy cái vị Thần Chaos hoàn toàn rỗng không ấy để làm căn nguyên (nguyên nhân tối hậu) cho vũ trụ vạn vật với lập luận cho rằng “ Bất kể cái gì có trong thiên nhiên này cũng đều phải do cái gì có mà phát sinh chứ không thể do cái không. Rồi khi phải trở về với chỗ đã do đó mà phát sinh mọi cái gì có cũng phải trở về với cái có chứ không thể trở về với cái không” (LTN – LSTHTP I ). Bất cứ cái gì có trong thiên nhiên này cũng đều phải do cái gì Có mà phát sinh chứ không thể do cái không. Chính bởi đó mà vị thần Chaos tuyệt đối rỗng không kia làm sao mà có thể được lấy làm căn nguyên vạn vật?
Từ đây Thần rỗng không Chaos đã phải lặn mất tăm mất tích để nhường chỗ cho vị thần quyền uy lừng lẫy là Thần Có (Hữu Thể) xuất hiện. Hữu thể học đã thống ngự toàn bộ triết học Tây phương đằng đẵng trong suốt 25 thế kỷ qua bằng tất cả sự độc đoán mà không một đối thủ nào có thể cự địch. Làm sao dám cự địch một khi mà Parmenide (TK VTCN), người sáng lập Hữu Thể học đã dõng dạc tuyên bố “Hữu Thể có – còn hư vô không có” (l’être est – le néant n’est pas).
Trong cuộc chiến này nó đòi hỏi ta phải chọn một trong hai hoặc có hoặc không. Lẽ tất nhiên tất cả những ai mà tâm trí bình thường đều chọn có. Chẳng phải toàn bộ thiên nhiên đều… có cả đấy ư, nào núi non, sông ngòi, mặt trăng mặt trời, đàn ông đàn bà, ngựa trâu… có họa là điên mới đứng về phía không.
Với tất cả những con người bình thường chúng ta ai thì cũng thấy vạn vật có. Thế nhưng trong triết học thì đây lại là vấn đề hoàn toàn khác. Cái có của những người bình thường là cái có bởi mắt thấy tai nghe, thân đụng chạm mà có, cái có ấy là do kết quả của giác quan, còn cái có trong triết học không phải của giác quan mà là của lý trí. Nói cách khác cái thấy vạn vật có của người bình thường chỉ là những cái có rời rạc phân tán, lúc có lúc không. Khi mạnh lúc yếu, còn cái có trong triết học phải là cái có thường hằng bất dịch. Chính cái có ấy mới, được gọi là Hữu Thể đối tượng tìm kiếm của triết học.
Để đạt được cái Có thường hằng bất dịch ấy người ta cho rằng nó chỉ có thể thực hiện thông qua con đường tri thức, tức tri thức luận.
I- Tri thức luận Platon
Như triết gia Johannes Hirschberger nhận định “Nói về Platon có nghĩa là nói về học thuyết “Những lý tưởng” nhưng người ta chỉ tiến gần lại với học thuyết “Lý tưởng” khi khởi đầu từ quan điểm của “Sự chân” (LTN – LSTHTP II).
Tại sao tiến gần lại với học thuyết “Những lý tưởng” lại phải khởi đầu từ quan điểm của sự chân? Lý do chẳng có gì khó hiểu đó là vì trong quan điểm của Platon “Những Lý Tưởng” chính là Sự Chân và ngược lại Sự Chân là những Lý Tưởng. Một khi đã hiểu như thế thì Tri thức luận cũng là một với học thuyết “Những Lý Tưởng” bởi lẽ cả hai cùng nhắm đến việc xác định thế nào là thực tại hay hữu thể tức “sự chân”.
Thông qua các cuộc đối thoại giả tưởng giữa Socrate với Théetète và Sophiste. Platon đã đưa ra quan điểm của mình về tri thức. Theo ông giác quan không được kể là tri thức bởi lẽ đối tượng của chúng chỉ là những gì rời rạc thất thường khi có lúc không hoặc lúc mạnh lúc yếu “Mỗi cảm giác, mỗi hình dạng của mỗi lúc khác nhau của mỗi cá nhân là những gì luôn đổi khác. Nếu lấy đó làm tiêu chuẩn cho thực tại thì có thể nói là thực tại hiện hữu nữa không hay không gì hiện hữu không còn gì tồn tại, phải nói mọi sự đều biến dịch” (LS TH TPII).
Nếu giác quan không phải tri thức bởi đối tượng của chúng toàn là những cái biến dịch rời rạc thay đổi thất thường. Vậy cái chi mới được kể là tri thức? Trong đối thoại Phédon. Platon xác định lý trí chính là tri thức “Chân lý không thể lãnh hội bằng những giác quan thể xác mà duy bằng lý trí, chi quan năng ấy mới lãnh hội sự vật như chúng là thực sự” (LSTHTPII).
Thế nào là lãnh hội sự vật như chúng là thực sự? Đó là nhìn nhận sự vật trong yếu tính của chúng. Người bình thường chúng ta khi nhìn sự vật chỉ thấy chúng có đó mà chẳng hề thắc mắc suy tư. Nhưng với triết gia thì khác họ muốn biết đến tận căn nguồn vạn vật. Vì sao mà nó có, nó có như thế nào? Cái có mà người thường nghe nhìn đụng chạm ấy không thể thỏa mãn triết gia bởi chúng tuy có đấy nhưng liền mất đấy. Có mà liền mất gọi là biến dịch mà biến dịch lại đồng nghĩa với hư vô.
Bởi chưng triết không đời nào chấp nhận hư vô thế nên tất cả nỗ lực là tìm cho ra cái chi thường tồn bất dịch cái ấy Tri thức luận Platon gọi là “những Lý Tưởng”.
Thế nào là Lý Tưởng? Xénocrate đưa ra định nghĩa “Lý Tưởng được coi như mô phạm cho những sự vật mà sự cấu thành của chúng đã được ghi trên bản tính của chúng tự đời đời” (LTN. LS THTP II).
Khi nói “Lý Tưởng” là nguyên nhân mô phạm thì cũng có nghĩa đó chính là bản thể của mọi sự vật. Bản thể trong quan niệm của Platon là một cái gì đó mang tính hoàn toàn đơn nhất vững chắc và luôn đồng tính với chính mình. Bản thể ấy còn được coi như một thứ Thực Tại tuyệt đối là nguyên lý nền tảng của vạn vật. Chúng không lệ thuộc vào bất cứ cái gì khác mà mọi sự vật lại lệ thuộc nó.
Với nghĩa bản thể như thế thì “Những Lý Tưởng” tất nhiên phải có tính phổ biến. Nghĩa là để có thể làm nguyên nhân mô phạm cho bất kỳ sự vật nào thời lẽ đương nhiên nó không thể là một trong các sự vật đó được. Một con ngựa vằn chẳng những không thể làm nguyên nhân mô phạm cho những con vật khác loài như heo bò… nhưng cũng không thể cho ngựa trắng, ngựa đen…
Để có thể làm mô phạm thì đó không phải một con ngựa đặc thù cá biệt nào mà chỉ có thể là một con ngựa chung chung, ngựa phổ quát và dĩ nhiên cái gọi là ngựa phổ quát này không thể có trong thực tế. Một khi ngựa phổ quát không có trong thực tế thì nó có thể có ở đâu nếu không phải ở trong đầu óc của con người hay nói cách khác ngựa phổ quát không phải là một con ngựa bằng xương bằng thịt mà chỉ là một ý niệm về ngựa.
Nếu ngựa phổ quát chỉ là một ý niệm về ngựa thì với cái gọi là Lý Tưởng sự thiện sự mỹ cũng thế, cũng chỉ là ý niệm. Theo như tri thức luận Platon cho biết thì những nhân đức như khiêm nhường, bác ái, trong sạch… vẫn có những nét đặc thù hơn kém vậy thì chúng cũng cần phải có một mô phạm tối cao làm nền tảng là sự thiện tuyệt đối, sự mỹ tuyệt đối đơn nhất và luôn đồng tính với chính mình.
Dù trong phạm vi sự vật hữu hình hay siêu hình thì “Những Lý Tưởng” thực chất chỉ là những ý niệm. Chính bởi đó mà triết Platon mới được gọi là Duy Niệm. Mặt khác tuy chỉ là ý niệm nghĩa là chỉ có ở trong đầu óc của con người thế nhưng trong quan niệm của Platon chúng lại là những thực tại có thực và hiện hữu ở bên ngoài con người. Bởi đó mà triết Platon cũng còn được gọi là Duy Thực có nghĩa “Những Lý Tưởng” không phải những ý niệm suông mà là thực tại.
Với tính chất duy thực này triết học Platon đương nhiên đã tách biệt thành ra hai thế giới đối lập. Một bên là thế giới của yếu tính tức “Những Lý Tưởng” một bên là thế giới giác quan. Một bên là thế giới hằng cửu bất dịch của bản thế giới. Một bên là thế giới hữu hạn biến dịch của hiện tượng giới.
Chia cắt bản thể hiện tượng thành có hai thế giới đối lập điều này khiến cho Tri thức luận Platon đã bị chính môn đệ là Aristote phê phán nặng nề với lập luận hết sức xác đáng rằng “Khi cho“ Những Lý Tưởng” tách biệt khỏi thế giới giác quan thì nó không thể là nguyên lý giảng nghĩa thực tại của vạn vật vì làm thế nào mà nó có thể là nguyên nhân cho một sự vật khác nếu nó tách biệt với sự vật ấy…” (LTN sđd). Để có thể làm nguyên nhân thì không thể tách biệt mà cần phải nội tại trong vật, thế nhưng thế nào là nội tại trong vật?
II- Tri thức luận Aristote
Trong một bức họa nổi tiếng của Raphael có nhan đề “Trường phái Nhã Điển” trình bày các triết gia chính yếu đã làm vinh danh cho Hy Lạp. Platon được hình dung với một ngón tay chỉ lên trời. Còn Aristote với một ngón tay chỉ xuống đất. Đó là những cử chỉ tượng trưng cho sự chống đối giữa học thuyết của hai nhà “Một đàng Platon triết gia của những ý tưởng được trình bày như kẻ, đã thất vọng với thực tại cảm giác và đi tìm trên lý giới những nguyên tắc giảng nghĩa bản tính của vạn vật. Trái lại Aristote được coi như một đối thủ sau khi đã chỉ trích Platon về khuynh hướng phân đôi thế giới thành vật giới và lý giới đang tìm trong chính thực tại những yếu tố cho việc hiểu biết vạn vật” (LTN. Sđd).
Mục đích triết học trước sau vẫn là để… giải nghĩa bản tính vạn vật. Sự đối nghịch giữa Platon và Aristote không phải ở nơi mục đích nhưng là ở quan điểm Platon với ngón tay chỉ trời có nghĩa rằng bản tính của vạn vật tức “Những Lý Tưởng” thì “ở trên trời” như một thực tại hằng hữu bất biến. Thực tại cũng gọi là Lý giới hoàn toàn tách biệt khỏi vật giới ám chỉ cho trái đất tức thế giới phù ảo của giác quan.
Aristote phủ nhận quan điểm này vì cho rằng nếu Lý giới hoàn toàn tách biệt khỏi vật giới như thế thì làm sao mà nó có thể là nguyên nhân sinh thành vạn vật? Theo ông để có thể làm nguyên nhân thì nhất thiết bản tính phải nội tại trong vạn vật. Bản tính nội tại trong vạn vật, điều ấy cũng có nghĩa mỗi sự vật đều làm nguyên nhân cho chính nó. Đây là sự khác biệt sâu xa giữa Platon và Aristote. Một đàng thì nói vạn vật sở dĩ có là do nguyên nhân tác động từ bên ngoài, một đàng lại bảo nguyên nhân ấy đến từ bên trong.
Aritote đã giải thích cái nguyên nhân từ bên trong ấy với ba nguyên lý đó là: 1. Thể chất (Matiere), 2. Khiếm khuyết (Privation) và 3. Mô thức (Forme).
Lý do cần phải có ba nguyên lý căn bản này thì mới có thể giải thích được tại sao vạn vật luôn biến dịch nhưng vẫn cứ chính là nó. Trước đây với các triết gia tiền phong như Thalès – Héraclite – Anaximandre… đó là điều không thể bởi lẽ họ đã chấp nhận các hành chất sơ bản như Nước – Lửa hoặc Khí là những nguyên lý nền tảng bất dịch không thể trao đổi tác động lẫn nhau. Do đó mà không thể giải thích được biến dịch để rồi dẫn đến một tình trạng mà Heidegger gọi là song luận nan giải hoặc Hữu Thế hoặc Hư Vô.
Để có thể giải thích về lẽ biến dịch Aristote chủ trương ngoài hai nguyên lý Hữu và Vô cần phải có nguyên lý thứ ba và nguyên lý này không thể được lẫn lộn với một nguyên lý nào trong hai nguyên lý đối nghịch “Trong mọi biến thái thiết yếu có ba nguyên lý, một là thể chất và hai nguyên lý đối nghịch nhau. Nhưng trong hai nguyên lý đối nghịch ấy là một song song với Hữu Thể, một lại song song với Hư Vô hay một là mô thức thể hiện trong thể chất còn cái kia lại là sự khiếm khuyết không có mô thức. Nếu kể thể chất và sự khiếm khuyết không mô thức là một nguyên lý thì chỉ còn lại có Thể chất và Mô Thức” (LTN. Sđd).
Nội dung nêu trên xem qua thật quá ư rối rắm, cái gì là nguyên lý song song với Hữu Thể rồi lại song song với Hư Vô? Thật ra tinh thần của đoạn văn chỉ muốn nói đến “nguyên lý khiếm khuyết” như một thứ nguyên nhân tác thành có chủ đích. Nguyên nhân ấy cũng gọi là thiên nhiên tính. Một cái bàn hay cái ghế có thể di chuyển là do nguyên nhân ngoại tại. Còn một con vật cái cây có thể sinh trưởng, cử động đi lại chỗ này chỗ khác là do thiên nhiên tính của chúng.
Thiên nhiên tính khi tác động trong vật thì nó luôn hướng về một chủ đích ấy không là gì khác mà là chính mình, bởi thế thiên nhiên tính cũng là một với đối tượng mà nó hướng về tức mô thức. “Vì thiên nhiên tính có hai mặt: Thể chất một bên và mô thức một bên và vì mô thức này lại là chủ đích và những cái khác phải quy hướng về chủ đích ấy nên sau cùng mô thức là một nguyên nhân tức là nguyên nhân chủ đích” (LTN Sđd).
Thiên nhiên tính sau cùng lại cũng chính là mô thức đối tượng mà nó hương về. Đến đây ta thấy sự đối chọi giữa hai quan điểm ngoại tại và nội tại chỉ là giả tạo bởi lẽ cả hai vẫn cùng theo đuổi một khuynh hướng không tách biệt tri thức với đối tượng của tri thức. Trong học thuyết “Những Lý Tưởng” (Théorie des Idées) thì Idées có nguyên ngữ Hy Lạp idein vừa là tác động nhìn xem vừa là đối tượng của sự nhìn xem ấy. Còn trong học thuyết về ba nguyên lý thì thiên nhiên tích tức nguyên lý khiếm khuyết lại cũng chính là mô thức, mục đích mà nó hướng tới.
Cùng một khuynh hướng không tách biệt tri thức khỏi đối tượng của tri thức thế nhưng tri thức luận Aristote lại đối chọi với Platon ở tính chất bất khả phân li của Mô thức. Nếu “Những Lý Tưởng” là thực tại yếu tính hoàn toàn tách biệt khỏi sự vật thì Mô thức lại dính liền với vật và chính nó tạo nên cơ cấu cho vật. Tuy nhiên sự đối chọi ấy cũng chỉ là một thứ khái niệm ngôn từ bởi chưng trong quan niệm của Aristote Mô thức cũng chính là yếu tính “Mô Thức là sự thiết định cấu tạo nên yếu tính của vạn vật” (LTN Sđd).
Khi nói Mô thức nội tại và làm cơ cấu cho vật, đó là nói về những sự vật đơn lẻ, cá biệt chứ không ám chỉ cho toàn thể vũ trụ vạn vật. Để có thể làm yếu tính cho vũ trụ vạn vật thì theo Aristote Mô Thức tức yếu tính nơi những sự vật đơn lẻ ấy lại phải được chi phối bởi nguyên nhân chủ đích nhờ ở một Mô Thức chính yếu tối cao và siêu việt hơn. Mô Thức ấy có tên là Đệ Nhất Nguyên Nhân hay Đệ Nhất Động Cơ. Chỉ có Mô Thức này mới là nguyên lý tuyệt đối cho trật tự tuần hoàn của vũ trụ.
Như trên đã nói sự khác biệt giữa hai nhà chỉ là giả tạo bởi chưng rút cục thì quan niệm Mô Thức của Aristote cũng chẳng khác chi “Những Lý Tưởng” của Palaton. Về cái gọi là Đệ Nhất Nguyên Nhân hay Đệ Nhất Động Cơ ấy Aristote bằng định luật gọi là không thể tiến triển mãi đến vô hạn được (non regressus ad infinitum) đã chứng minh rằng trong quá trình biến chuyển vô hạn xảy ra liên tiếp trong thời gian không thể đi lên mãi tới giới hạn khởi thủy được nhưng trong trật tự nhân quả hay nền tảng thì phải dừng lại ở một nguyên nhân đệ nhất. Còn Động cơ Đệ Nhất bất động là hệ quả của quan niệm Mô Thức và Hiển Thể. Theo quan niệm này thì chỉ khi đạt được tình trạng hoàn hảo của mô thức và hiển thể thì vạn vật mới thôi không biến thai di dịch nữa.
Đệ Nhất Nguyên Nhân hay Động Cơ bất động cũng là yếu tính và yếu tính ấy tất nhiên cũng lại giống như “Những Lý Tưởng” nghĩa là một cái chi đó đơn nhất bất động và hoàn toàn thoát ly khỏi mọi biến dịch của sự vật tức thế giới giác quan. Mặc dù yếu tính trong quan niệm của Aristote vẫn là một cái chi đó đơn nhất bất động nhưng nó cũng… “còn là sức sống và trí khôn (life and mind) và danh từ Thần (God) bắt đầu được áp dụng cho Đệ Nhật Động Cơ” (LTN Sđd).
Một khi mà yếu tính đã được gán cho đặc tính của Đấng Thần Linh như thế, thì không thể có cách chi mà có thể kéo cái đấng ấy “nội tại” trong vật. Làm như thế chẳng lẽ triết học lại lộn xòng với tôn giáo để thành ra một thứ phiếm thần giáo hay sao? Triết học dĩ nhiên không thể lộn xòng với tôn giáo thế nhưng trong cái tình cảnh đi cũng dở mà ở lại cũng không xong này mà Will Durant một triết sử gia hiện đại đã phải thốt lên một lời đầy bỡ ngỡ thế này “ôi! kỳ lạ thay ông Thần của Aristote, ông là một nhà vua “ngọa triều” một ông vua chỉ có ngự ngai vàng mà không hề cai trị” (LTN. Sđd).
III- Tri thức luận St Thomas D’aquin
Có thể nói triết học Hy Lạp ngay sau Aristote đã bước vào thời suy tàn và rồi sẽ có thể chấm dứt hẳn nếu nó không được Giáo hội vào thế kỷ 13 mà cụ thể là St. Thomas thâu nhận như là một triết lý hợp lý duy nhất đến nỗi triết gia thành Stagirite này đã trở thành thế giá tương tự như một đấng giáo phụ.
Sự du nhập triết Aristote vào Tây Phương diễn ra lẻ tẻ từ khá lâu khoảng thế kỷ sáu (SCN) thế nhưng phải cho đến thế kỷ 13–14 thì toàn bộ các tác phẩm của Aristote mới được dịch và phổ biến. Những bản dịch của những triết gia Hồi giáo như Avicenne (980–1037) và Averroès (1126–1198) triết học Aristote thoạt đầu đã xuất hiện dưới mắt Giáo hội thời đó như là một thứ học thuyết không những hàm hồ lại còn nguy hiểm. Tính chất nguy hiểm ở ngay cội nguồn xuất phát của nó. Trước hết Aristote là kẻ vô giáo sau nữa học thuyết của ông lại được các môn đệ của Mahomet bảo hộ và truyền bá. Do bởi nhận thức được mối nguy hiểm lớn lao này thế nên “vào năm 1210 TGM Sens và nhiều Giám mục khác nhóm họp Công đồng tại Paris đã lên án và cấm đọc Aristote và những tác phẩm về Thiên nhiên học của ông vào năm 1209 và Siêu hình học của ông vào năm 1215” (LTN. Sđd).
Mặc dù có những phản ứng như vậy nhưng cuối cùng Giáo hội mà cụ thể là Đức Giáo Hoàng Léon XIII vào năm 1870 trong Thông điệp Oeterni Patris đã phát ra mệnh lệnh hầu như cưỡng bách phải giảngdạy triết học Aristote trong tất cả các tổ chức Công giáo như một triết lý hợp lý duy nhất.
Lý do tại sao khiến Giáo hội ban đầu thì chống về sau lại chấp nhận cách nồng nhiệt như thế? Nguyên do cũng là bởi không ngoài cái nhu cầu cấp thiết muốn làm cuộc dung hoà giữa đức tin và lý trí.
Đức tin thuộc lãnh vực tôn giáo còn lý trí thuộc triết học. Giữa tôn giáo và triết học là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, một đàng là lòng tin một đàng là sự giải nghĩa. Để giải nghĩa tất nhiên là cần phải biết, không biết làm sao giải nghĩa. Thế nhưng nếu đã biết rồi thì có cần gì phải tin?
Tôn giáo và triết học quả thật khác biệt nhau như thế. Vậy tại sao Giáo hội lại nhất thiết cứ phải tìm cách dung hòa? Lý do sâu xa và cũng duy nhất đó là bởi tiên vàn đã chấp nhận con đường Có tức Hữu thể học. Nói rằng có thì ở đây dù cái có ấy có là toàn thể vũ trụ vạn vật cũng là có vật. Một khi mà vật (thể) đã có thì tất nhiên phải có cái nguyên nhân sinh ra vật. Chính ở nơi gọi là nguyên nhân sinh ra vật này mà tôn giáo và triết học gặp (dung hòa) nhau. Trong tôn giáo khi tìm cách giải nghĩa về căn nguyên và trụ vạn vật người ta gọi đó là Thần học là Đệ nhất triết học là khoa học Thánh (Sacra Doctrina). Xưa nay thần học chẳng vẫn được định nghĩa là khoa đào sâu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa là gì?
Mục đích tri thức luận St. Thomas được sử dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa và Ngài chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Aristote. Điều ấy không ai có thể phủ nhận, tuy nhiên ảnh hưởng ấy lại không máy móc mà mang tính chất hoàn toàn sáng tạo. “Trước St Thoma d’ Aquin quan niệm Hữu Thể của Parmenide cả của Platon và Aristote đều chỉ được hiểu là vật thể (ens = étant) tức là yếu tính hay bản thể. Trái lại chỉ một mình St Thomas đã quan niệm Hữu Thể là hiện hữu (Esse) hay đúng hơn là “Tác động hiện hữu” (actus essendi hay existendi) (LTN-Sđd).
Quan niệm Hữu Thể trong triết học Hy Lạp là vật thể chỉ riêng với St Thomas mới là Hiện Hữu và Hiện Hữu đây tức là Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu cũng được gọi là Tác Động Thuần Túy (Acte Pure). Toàn bộ tri thức luận St Thomas được sử dụng để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa thông qua năm con đường (quinque viae) sau đây:
1- Nguyên Lý Đệ Nhất Động Cơ
Tất cả những gì chuyển động hoặc biến dịch đều phải được chuyển động do một cái gì khác với nó tức bởi một động cơ có thể đẩy nó từ một trạng thái tiềm thể sang trạng thái hiển thể. Tuy nhiên không thể từ động cơ này đi lên động cơ khác đến vô hạn được (non regress ad infinimum). Bởi vậy nhất định là phải dừng lại ở một Đệ Nhất Động cơ nào không thể bị động bởi một động cơ nào và Đệ Nhất Động cơ ấy ta phải chấp nhận đó chính là Thiên Chúa.
2- Nguyên Lý Nguyên Nhân Tác Động
Cũng như sự chuyển động bất cứ một vật gì cũng không thể nào tự nó mà cần phải nhờ đến sức tác động của cái khác. Về nguyên nhân cũng thế ta xem cái gì cũng có nguyên nhân nhưng không thể đi lên mãi mãi vô hạn từ nguyên nhân này lên nguyên nhân khác được mà phải dừng lại ở cái nguyên nhân đầu tiên cũng gọi là nguyên nhân tác thành. Ta gọi nguyên nhân ấy là Thiên Chúa.
3- Nguyên lý khả thể và tất yếu
Cái khả thể (cái có thể có) là cái gì ngẫu nhiên có cũng được mà không có cũng được. Bởi đó mà nó (cái khả thể) đối lập với cái tất yếu là cái gì bó buộc phải có những cái khác mới có thể có được. Mặt khác cái khả thể không có được hiện hữu tức yếu tính của nó đó được chỉ là nhờ ở nguyên nhân tác thành tức là một nguyên nhân tất yếu. Nguyên nhân tất yếu ấy chính là Thiên Chúa.
4- Nguyên lý tương đối và tuyệt đối
Trong vạn vật nhận thấy có sự khác nhau cái này tốt hơn, đáng giá hơn… Nếu chỉ có toàn những cái tương đối như thế thì không thể lấy cái chi để mà làm chuẩn mực. Chính bởi vậy mà phải có một cái gì đó tuyệt đối Chân Thiện Mỹ, cái đó gọi là Thiên Chúa.
5- Nguyên lý chủ đích
Trong vạn vật thấy muôn sự muôn vật tuy không có ý thức cũng như chẳng có suy tư nhưng xem ra chúng tự nhiên hướng về một chủ đích nào đó như đã được tiền định cho chúng. Ví dụ như hạt táo tự nhiên phải trở thành cây táo, quả trứng gà phải nở ra con gà… Ngay cả loài người có tự do và thông minh cũng đương nhiên hướng về chủ đích tối cao là Chân Thiên Mỹ. Nếu muôn sự muôn vật và cả con người nữa luôn hướng về chủ đích mà lại chẳng có chủ đích nào để hướng về thì vô lý quá. Bởi thế cho nên tất nhiên là phải có chủ đích tuyệt đối là Thiên Chúa để muôn vật hướng về.
Cả năm chứng lý trên đây được đưa ra để chứng minh cho sự hiện hữu Thiên Chúa. Tuy nhiên như lời triết gia E. Gilson một nhà Thomisme nổi tiếng cho biết thì “Chỉ cần chấp nhận lý do tồn tại túc lý cho một hiện hữu nào bất cứ trong kinh nghiệm thương nghiệm thôi thì cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa” (LTN. Sđd).
Chỉ cần chấp nhận một hiện hữu nào bất cứ, hạt cát chẳng hạn cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi chưng hễ đã có vật thì ắt phải có nguyên nhân sinh ra vật.
Ở đây ta thấy có hai vấn đề cần đặt lại một về hiện hữu và hai về nguyên nhân. Dưới cái nhìn thường nghiệm đúng là có hạt cát. Nhưng bằng cái nhìn khoa học thì đó chỉ là tập hợp của một số hạt bụi li ti và với mỗi hạt bụi li ti này lại là tập hợp vô vàn vô số những hạt cơ bản mà mắt thường không thể nhìn.
Tuy mắt thường không thể thấy nhưng chúng quả thực vẫn hiện hữu và sự hiện hữu ấy với khoa vật lý lượng tử ngày nay đó là những dạng sóng năng lượng. Abbert Einstein bằng công thức nổi tiếng E = MC2 đã chứng minh rằng khối lượng không gì khác hơn là một dạng năng lượng.
Cái nhìn thường nghiệm chỉ có thể thấy được khối lượng tức những cá thể như hạt cát, trái núi, nhà cửa, người ngợm… và cho chỉ có chúng là hiện hữu. Còn những cái mà mắt không thấy, tai không nghe, thân không đụng chạm… trí óc không thể nghĩ suy thì lại phủ nhận cho là chúng không hiện hữu là hư vô.
Đi tìm những cá thể (thường nghiệm) một cái nguyên nhân và dù có gán cho nguyên nhân ấy như là những nguyên nhân tối cao = Lý Tưởng – Mô Thức – Tác động thuần túy (Acte Pur) thì chúng cũng không hiện hữu. Làm sao mà những nguyên nhân ấy hiện hữu khi mà ngay cả những vật thể, hệ quả của cái nhìn thường nghiệm kia cũng không hiện hữu?
Vật thể không hiện hữu hay nói cách khác hiện hữu của chúng không thật, hội tụ đủ nhân duyên thì nói là có, nhân duyên hết thì gọi là mất. Tìm kiếm hiện hữu bằng con đường thường nghiệm thì không bao giờ có thể gặp, cái gặp được chỉ là hiện hữu giả Hữu Thểỏ Học Tây phương Hy Lạp đã đi tìm hiện hữu bằng con đường có của thường nghiệm. Rút cục như đã thấy đó chỉ là những cái có (Hữu Thể) giả tạo hay nói đúng hơn là những khái niệm ngôn từ chết khô giá lạnh.
Con người không bao giờ có thể thực sự an thoả với những giá trị giả tạo dù chúng có khoác vào mình bất cứ thứ áo mão nào = kinh tế, chính trị hay tôn giáo. Phải chăng chính bởi đó mà Tây phương tiêu biểu là giới tri thức ngày nay đang nôn nả hướng về phương Đông với hy vọng có thể tìm thấy ở đó cái mà họ muốn tìm?
Nguồn: conggiao.info