Điều Chúng Ta Tin
Phần 4: Giáo hội được sinh ra trong đêm tối để hướng về đời sống vĩnh cửu

Joshua J. Whitfield
 
Nếu bạn muốn khám phá DNA của Giáo hội, hãy đọc chương 17 Tin mừng Gioan. Nếu bạn muốn hiểu về Giáo hội, thật cần thiết việc hiểu được lời cầu nguyện này của Đức Kitô. Vậy nên, xem xét kỹ lưỡng hơn bản văn này là điều trọng yếu.
 
“Nói thế rồi, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và nói: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha…’” (Ga 17,1). Điều xảy ra trước lời cầu nguyện này, tức những lời mà Đức Giêsu đã “nói thế”, nằm trong Gioan chương 13 đến 16, được các học giả Kinh thánh gọi là diễn từ “cáo biệt” hay diễn từ “cuối cùng” của Đức Kitô. Đó là những điều Đức Giêsu đã nói với các môn đệ tại Bữa Tiệc ly như Gioan ghi lại. Những vĩ nhân khác trong lịch sử đã có những diễn từ cáo biệt (chẳng hạn như Socrates và Môsê), Đức Giêsu cũng như thế. Chúng ta thường rất coi trọng những lời cuối cùng của một người, huống chi những lời ấy là của một vĩ nhân. Đây cũng là nội dung nằm trong các chương này của Tin mừng Gioan. Ở đó, Đức Kitô trao gửi lại sự khôn ngoan, niềm hy vọng và những lời từ biệt cho nhóm Mười hai – một trong số họ đã rời đi trước đó để nộp Ngài, trong khi những người còn lại (có lẽ ngoại trừ Gioan) sẽ sớm bỏ chạy trong sợ hãi. Diễn từ cáo biệt của Đức Kitô kết thúc với lời nguyện vừa trích, được dâng lên bởi một người sắp trơ trọi một mình.
 
Đức Kitô bắt đầu lời cầu nguyện trong Gioan chương 17 bằng việc ngước mắt khẩn xin Cha của mình, Đấng ngự trên trời. Lúc này, Đức Giêsu, một người Do Thái Palestine đang thưa chuyện với Cha trên trời, với Abba của Ngài, cũng có nghĩa là với Thiên Chúa, với YHWH, với Đấng Thánh của Israel. Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha lập tức gợi lại tuyên bố về sự thân mật mà Ngài có với Thiên Chúa của Israel. Chúng ta đã sớm chứng kiến điều này trong Tin mừng Gioan khi Đức Giêsu chữa lành một người đàn ông vào ngày Sabbath; lý do là vì Cha của Ngài đã làm việc vào ngày Sabbath nên Ngài cũng phải như vậy (Ga 5,17). Đức Giêsu thậm chí còn thẳng thừng hơn sau đó khi khẳng quyết: “Chúa Cha và Ta là một”, cũng như khi Ngài cho Philipphê biết rằng bất cứ ai thấy Ngài là “thấy Chúa Cha” (Ga 10,30; 14,9). Tuy nhiên, trong lời nguyện này – như sẽ được phân tích đầy đủ hơn dưới đây – Đức Giêsu diễn tả mối quan hệ ấy bằng thuật ngữ tôn vinh.
 
Đức Giêsu nói “giờ đã đến…”. Nếu bạn có một hiểu biết nào đó về Tin mừng Gioan, thì hẳn là bạn cũng biết về việc Đức Giêsu đã nhiều lần nói rằng giờ của Ngài chưa đến – tại tiệc cưới Cana chẳng hạn (Ga 1,1-12). Tuy nhiên, ngay ở đầu diễn từ cáo biệt, và thêm lần nữa ở đây, thì giờ đã đến. Đó là giờ của cuộc Khổ nạn, giờ Ngài chịu chết.
 
Nhưng Ngài nói về giờ để làm gì? Giờ đã đến là giờ dành cho việc “tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha”. Ít ra điểm này cũng tỏ lộ đôi điều về tính cách của Đức Giêsu. Từ góc độ thế tục, Ngài hoàn toàn thất bại. Theo cái nhìn thế gian, Ngài là kẻ thua cuộc. Như Gioan nhắc đến ở một nơi khác trong Tin mừng, “trời đã tối” (Ga 13,30). Hoặc trong Tin mừng Luca, đó là giờ của “quyền lực bóng tối” (Lc 22,53). Xét ở một phương diện nào đó, người ta có thể nói rằng Đức Giêsu đã rơi vào đường cùng, rằng phong trào đã chấm dứt. Thế nhưng, trong giờ phút của bóng tối, bội phản và thất bại, Đức Giêsu lại nói về điều gì? Về vinh quang. Nó hé lộ Đức Giêsu là ai. Nếu tôi rơi vào tình trạng Ngài gặp phải, tôi sẽ không nói về vinh quang. Bạn có muốn không? Tôi hầu chắc sẽ nguyền rủa cái cảnh huống khốn khổ của mình và tìm mọi cách thoát ra.
 
Nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài không làm vậy. Ngài cầu nguyện. Và chính ở lời cầu nguyện trong đêm tối ấy mà chúng ta khám phá ra hình ảnh thần học tuyệt đẹp của Đức Giêsu khi Ngài tôn vinh Chúa Cha và đồng thời Chúa Cha tôn vinh Ngài – một sự tôn vinh đối ứng. Khi nghĩ về vinh quang theo nghĩa thông thường, kiểu như vinh dự, chúng ta có thể học được điều gì đó từ Đức Giêsu. Chúng ta thường nghĩ về vinh quang của Thiên Chúa như thể nó hẳn sẽ lấy đi vinh quang của chúng ta, như thể nếu chúng ta tôn vinh Thiên Chúa thì bằng cách nào đó vinh quang của chúng ta sẽ lu mờ. Chúng ta nghĩ rằng vinh quang là một thứ khan hiếm. Nhưng đó chẳng phải là điều mà lời cầu nguyện của Đức Giêsu gợi ra. “Xin tôn vinh Con Cha để Con tôn vinh Cha”. Vinh quang của Đức Giêsu là vinh quang của Chúa Cha và vinh quang của Chúa Cha là vinh quang của Đức Giêsu, cũng như vinh quang của bạn là vinh quang của Thiên Chúa và vinh quang của Thiên Chúa là vinh quang của bạn. Vinh quang được dâng cho Thiên Chúa, không khiến bạn hao tổn, nhưng lại làm bạn nên dư dật. Nhưng thực ra đây chỉ là điểm phụ, bởi Đức Giêsu không nói về thứ vinh quang thông thường, nhưng về quan hệ tương liên của “Thần tính” và ân sủng, điều mà Chúa Con và Chúa Cha cùng chia sẻ. Một lần nữa, trong bối cảnh rộng lớn của Tin mừng Gioan, chúng ta hiểu “vinh quang” ở đây có nghĩa là quyền uy và sức mạnh hữu hình của Thiên Chúa, là kābōd của Người theo tiếng Hípri, là vinh quang đã được nhìn thấy nơi Ngôi Lời hóa thành nhục thể (Ga 1,14). Khi nhắc lại vinh quang theo nghĩa này, vì rằng Đức Giêsu cầu nguyện như vậy trước khi chịu khổ hình thập giá, người ta có thể tự hỏi, Ngài nghĩ gì về đòn roi và cái chết đang chờ đợi Ngài. Có lẽ không phải là sỉ nhục và thất bại, nhưng là sự biểu lộ của Thiên Chúa như Ngài đã tuyên bố trước đó: “Khi các ngươi nâng Con Người lên, các ngươi sẽ biết TA LÀ” (Ga 8,28). Có lẽ đó là điều Đức Giêsu nhắm đến ở đây qua từ vinh quang, vinh quang lạ thường này, vụ giết người này sẽ đưa ngày Thứ 6 cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Ngài đạt đến giá trị vĩnh cửu.
 
“…như Cha đã ban cho Ngài thẩm quyền trên hết mọi phàm nhân, ngõ hầu tất cả những ai Cha đã ban cho Ngài, thì được Ngài ban cho sự sống đời đời…” (Ga 17,2). Một lần nữa ở đây, từ cái nhìn trần tục, con người này là một kẻ thất bại. Con người ấy sắp gặp mặt Philatô, vị sẽ ra án tử cho ông. Philatô mới có thẩm quyền thực sự, còn Đức Giêsu thì không. Tuy nhiên, vừa rồi Đức Giêsu lại nói Ngài có “thẩm quyền trên hết mọi phàm nhân”. Phaolô sẽ nói về điều này sau đó trong Tân ước, khi ngài tuyên bố Đức Giêsu được nâng lên trên mọi “hàng thần thiêng và bậc quyền năng”, và được ban một “danh vượt trên hết mọi danh” (Cl 1,16; Pl 2,9). Điều này thể hiện niềm tin Kitô giáo sơ thời, rằng Đức Giêsu là “Chúa”, như đã nói đến ở phần trước của loại bài này, niềm tin này rất có tính khiêu khích. Đến đây, Đức Giêsu tự hiểu rằng Ngài được Đấng Thánh của Israel trao quyền trên hết mọi xác phàm. Nhưng để làm gì?
 
“Thẩm quyền” được dịch từ chữ exousia trong tiếng Hy Lạp, và đó là một từ thú vị. Nó liên hệ đến “quyền lực”, tiếng Hy Lạp là dunamis. Theo đó, exousia diễn tả khả năng hoặc quyền thực thi một quyền lực, như thế, exousia biểu tỏ chính mình trong dunamis. Điều này rất có ý nghĩa vì exousia thường chỉ về quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa, và chúng ta thấy ở đây, chính quyền năng ấy cũng thuộc về Đức Giêsu. Thánh Tôma Aquinô, khi đọc bản văn này, cho rằng toàn bộ việc nói về sự tôn vinh đối ứng đều nhắm đến ý nghĩa trên, rằng “bất kể điều gì Chúa Con có, Ngài có do bởi Chúa Cha”. Nghĩa là thẩm quyền này không đơn thuần được ủy thác cho Đức Giêsu nhưng chính Ngài nhân danh mình mà thực hiện, bởi Chúa Cha và Chúa Con là một. Và mục đích của thẩm quyền này không phải để tiêu diệt hay hạ bệ bạn, hay để đánh bại Philatô một lần cho tất cả. Đúng hơn, thẩm quyền của Đức Giêsu là thẩm quyền ban sự sống, được chuyển trao từ sự sống của Ngài trong Chúa Cha cho những kẻ tin vào được sự sống đời đời. Ở đây Đức Giêsu đang nói về cách thế của sự tái sinh (Ga 3,3). “Còn đối với những ai đón nhận Ngài, tức những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12). Và một lần nữa, thật đáng chú ý việc nhắc lại bối cảnh của lời cầu nguyện này. Ngay từ đầu lời cầu nguyện dâng lên Cha trong đêm tăm tối ấy, điều Đức Giêsu cầu nguyện không phải là thứ vinh quang và quyền lực đến từ những kẻ thuộc thế gian như Philatô, nhưng đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu nhìn chính mình trong mối liên hệ vinh quang với Cha của Ngài. Ngài không nguyền rủa số phận mình, cũng chẳng than phiền về Philatô. Thay vào đó, Ngài nói đến vinh quang, thẩm quyền và sự sống đời đời.
 
Vậy sự sống đời đời là gì? Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi này: “Mà sự sống đời đời tức là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật…” (Ga 17,3). Lối diễn tả này mang đậm chất Do Thái. Ngay từ đầu, người Do Thái đã muốn “nhìn thấy” và “biết” Thiên Chúa. Môsê đã xin được xem thấy vinh quang Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa bảo ông không thể nhìn thấy mặt Người mà còn sống (Xh 33,20). Các ngôn sứ đã nói về “sự hiểu biết” (יָדַע) của Thiên Chúa, từ có cùng một ngữ căn được dùng để gọi sự thân mật tính dục giữa vợ chồng. Dân Israel đã hy vọng về một sự thân mật tương tự với Thiên Chúa. Chẳng hạn, Hôsê đã sử dụng hình ảnh ấy để mô tả về giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và Israel – “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ biết Ðức Chúa” (Hs 2,22). Giêrêmia đã nghĩ tưởng về một giao ước mới để nhờ đó mọi người sẽ biết Đức Chúa, hết thảy “từ người nhỏ đến người lớn” (Gr 31,34). Nói về sự hiểu biết Thiên Chúa là nói về một kinh nghiệm trực tiếp, thân mật với Người. Ở đây Đức Giêsu cầu nguyện cách mộc mạc như một người Do Thái tốt lành, một người nhận thức được việc hiểu biết về Thiên Chúa có nghĩa là sự sống – sự sống vĩnh cửu bởi Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu.
 
Nhưng sau đó, Đức Giêsu còn thêm: “… và [nhận biết] Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chúng ta đang tiến gần đến lời tuyên xưng có tính đột phá của Kitô giáo. Thánh Grêgôriô Nazianzênô nói rằng lời này là để “lật đổ” [cách hiểu sai lầm về] các vị thần. Có được sự sống đời là nhận biết Đấng Thánh của Israel, Đấng Hằng hữu – và Đức Giêsu Kitô. Điều này nằm ở chính cốt lõi của Tin mừng, rằng sự sống đời đời là nhận biết YHWH và Con của Người. Dĩ nhiên, Giáo hội đã mất một thời gian dài để diễn tả về mặt thần học mối tương quan này giữa Chúa Con và Chúa Cha – sử dụng những hạn từ như Ba Ngôi và đồng bản thể – nhưng đó lại là câu chuyện khác. Điều quan trọng ở đây – và như thế là đủ vào lúc này – đơn giản là chú ý đến vinh quang, điều mà những lời nói và lời cầu nguyện của Đức Giêsu hướng đến, cũng là điều Ngài chia sẻ cùng với Chúa Cha. Và đó là vinh quang chiếu tỏa trên chúng ta – những kẻ tin, những kẻ nhận biết Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
 
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ