Đối Thoại Cát Minh, nền văn hóa Công Giáo không bao giờ chết ở Pháp

The harrowing story of French nuns killed by the guillotine returns to the Metropolitan Opera – Lm. Leo J. O’Donovan, S.J
Phỏng dịch: Vũ Văn An


Khi cuộc Cách Mạng Pháp đạt tới cao điểm của nó với Chế Độ Kinh Hoàng của Robespierre, một trong nỗi kinh hoàng lớn nhất nó gây ra là việc xúc phạm đến Đan viện Cát Minh ở Compiègne, miền đông bắc Pháp. Mười sáu thành viên của cộng đoàn Cát Minh bị hành quyết vì bị coi là “phản cách mạng”. Họ gồm 11 nữ đan sĩ, 3 nữ tu bậc giáo dân (lay sisters) và 2 thành viên dòng ba. Người ta cho rằng khi các nữ tu lần lượt bước lên máy chém, đám đông vây quanh bỗng nhiên im lặng một cách lạ thường, và cái biến cố khiếp đảm này có thể đã kết liễu chế độ gây kinh hoàng ấy.

Câu truyện trở nên nổi tiếng khi nhà văn Đức Gertrude von le Fort, một học trò sáng chói của Ernst Troeltsch và là một tân tòng mới trở lại Đạo Công Giáo, đã dựa vào nhật ký của một người sống thoát cuộc hành quyết để viết ra cuốn tiểu thuyết Bài Hát Trên Dàn Máy Chém (The Song at the Scaffold). Bà tạo ra nhân vật Blanche de la Force, một nhà quí tộc bị ám ảnh bởi nỗi sợ, đi tìm bình an nơi đan viện. Thiện cảm của tác giả với các nhân vật mình tạo ra hết sức hiển hiện trong sự tương tự ở danh xưng của họ. Nơi Blanche, bà thấy “hiện thân cho cơn hấp hối tử sinh của một thời đại đang sắp sửa tự huỷ diệt hoàn toàn”.

Trong các năm sau chiến tranh, linh mục huyền thoại Pháp Dòng Đa Minh, Raymond-Leopold Bruckberger, và nhà làm phim Phillippe Agostini khai triển một cuốn phim dựa trên cuốn tiểu thuyết trên (thêm nhân vật Chevalier de la Force, em của Blanche). Năm 1947, họ thuyết phục Georges Bernanos viết phần đối thoại. Dù cuốn phim không bao giờ được thể hiện, bản văn của Bernanos được dựng thành một vở kịch trình diễn lần đầu tại Zurich năm 1951 và tiếp tuc được trình diễn suốt 300 buổi ở Paris vào năm sau đó.

Được đề nghị một hoa hồng (commission) để viết 1 màn vũ ballet cho La Scala và nhà xuất bản Ricordi ở Milan, nhà soạn nhạc Pháp Francis Poulenc (1889-1963), thay vào đó, đã chọn “Các Cuộc Đối Thoại Của Các Đan Sĩ Cát Minh (“Dialogues of the Carmelites”) của Bernanos mà ông từng được xem vở kịch trình diễn ở Paris và nay đọc nó nghiến ngấu trong một buổi chiều, hoàn toàn ngất trí, ngay tại Piazza Navona ở Rome. Ông đã tìm được chủ đề vĩ đại cho cuộc đời mình: hợp nhất biến cố lịch sử và cái thâm thúy sâu sắc của huyền nhiệm. Ông bắt tay “làm việc như một thằng điên” cho dự án này. Ông viết hồi tháng 8 năm 1953 rằng “Tôi như khùng như dại với chủ đề của mình, đến cái đỗi tin rằng tôi thực sự biết các người đàn bà này”. Ông dùng bản văn sâu sắc trong vở kịch của Bernanos làm lời nhạc kịch của mình, nhưng dự án gặp rắc rối khi đụng đến vấn đề bản quyền. Sau đó, Poulenc bị suy nhược thần kinh khi viết các trang cuối cùng của vở nhạc kịch.

Thuở đầu sự nghiệp, Poulenc vốn là thành viên của nhóm cấp tiến Les Six và phần nào là một enfant terrible (thích sống lập dị). Nhưng sau cái chết bất đắc kỳ tử của một người bạn năm 1936 và sau lần đến viếng đền thánh ở Rocamadour cùng năm, ông đã trở về với đức tin đạo hạnh. Phần nhạc cho vở “Các Nữ Tu Cát Minh” hoàn toàn có tính độc hay đa âm và dựa vào một loạt nguồn âm nhạc rộng lớn, nhà soạn nhạc này đặc biệt nhắc đến món nợ của ông đối với Mussorgsky, Monteverdi, Débussy và Verdi. Trong nhiều cảnh gần như hát nói của nhạc kịch, Poulenc cho thấy khả năng được nhiều người ca tụng trong việc đặt dòng nhạc vào tiếng nói người, gây tác dụng “có tính Pháp một cách hết sức tinh túy” như nhận định của tân nhạc trưởng của Metropolitan Opera, Yannick Nézet-Séguin. Hầu như không có bài đơn ca (arias), mà chỉ có những gợi nhớ sắc thái nhẹ nhàng (những phần đệm rung động khi Blanche xuất hiện lần đầu), những cảnh ngâm nga hùng tráng (dành cho vị Viện Mẫu Thứ Hai) và những dàn dựng cao siêu một số bài thánh ca và lời kinh được biết đến nhiều nhất của Đạo Công Giáo, như Kinh Kính Mừng và Kinh Ave Verum.

Năm 2013, trở lại Nhà Hát Met lần đầu tiên, cũng với sự dàn dựng mạnh mẽ của John Dexter từ năm 1977, với cây thánh giá ở giữa và nghiêng về phía sau, ẩn hiện do việc chiếu sáng, vở nhạc kịch có 3 màn, mỗi màn 4 cảnh. Vở nhạc kịch được Met trình diễn chỉ có một lần tạm nghỉ, làm mờ tác dụng của “cảnh cuối” trong mỗi màn. Nó khởi đầu trong im lặng với các nữ tu quỳ, nằm trên thánh giá được chiếu sáng, rồi nhạc kịch chuyển qua thư viện của Quận Công de la Force ở Paris, nơi ta thấy quyết tâm của cô con gái quận công nhất định gia nhập Dòng Cát Minh ở Compiègne. (Vai trò này được hát bởi giọng nữ trung (mezzo-soprano) tuyệt vời của Isabel Leonard, người trong bộ áo nữ tu Cát Minh trông y hệt tranh vẽ của Antonello).

Trong cảnh đầu tiên tại Cát Minh, Blanche, khi xin được lấy tên Nữ Tu Blanche Chúa Kitô Hấp Hối, bị đan viện mẫu già nua và ốm yếu chỉ trích nặng nề rằng Cát Minh không phải nơi trình diễn anh hùng tính mà là một nơi cầu nguyện. Tại nơi làm việc của đan viện, Blanche gặp Nữ Tu Constance, một người trẻ, chân thật ngây thơ nhưng hết sức mẫn cảm (hát như một thiên thần bởi Erin Morley), người làm cô ngạc nhiên khi nói rằng họ sẽ chết trẻ và cùng trong một ngày.

Cảnh cuối cùng, trong phòng y tế, quả đau lòng. Bà de Croissy đang hấp hối cả thể lý lẫn tâm linh. Mẹ Marie, do Karen Cargill giọng ngọt như đường và bệ vệ đóng, thúc giục bà hướng tâm tư về Thiên Chúa. Bà de Croissy trả lời “Thiên Chúa đã trở nên một bóng mờ”. Được nguời con gái hiền từ khuyên nên quan tâm đến Thiên Chúa, viện mẫu đáp như sủa “tại sao tôi phải quan tâm đến Thiên Chúa? Người phải quan tâm tới tôi chớ”. Sự ô nhục cuối cùng của bà phải được Blanche nhìn trong một trạng thái đau buồn tối hậu như thế. Và rồi, chính giờ chết đã đến như vũ bão. Người ta từng đã nghe Régine Crespin và Dame Felicity Palmer hát phần này— nhưng không bao giờ đạt tới một tác dụng phát sợ đến thế.

Trong cơn hấp hối, Bà de Croissy thị kiến thấy Cát Minh bị hủy diệt, và hai màn kế tiếp tất nhiên được dành cho cảnh kinh hoàng này. Khi các nữ tu than khóc bà, Constance gợi ý với Blanche rằng “chúng ta không chết cho riêng mình, nhưng chúng ta chết cho nhau, và có lẽ thậm chí vì nhau nữa. Ai mà biết được?”. Bà Lidoine (được giọng nữ cao Adrianne Pieczonka đóng một cách hết sức khéo léo) được cử làm tân viện mẫu. Anh của Blanche tới khuyên em cùng ông trốn khỏi cảnh điên loạn ngày một lên cao trong nước, nhưng không thành.

Trong màn III, khi Bà Lidoine vắng mặt, Mẹ Marie đề nghị các chị em của mình tuyên hứa tử vì đạo vì nước Pháp, và, dù việc bỏ phiếu chấp thuận lời tuyên hứa không thành, Blanche vẫn bỏ đan viện. Bà Lidoine trở lại, và với các nữ tu bị bắt và dẫn tới nhà tù Conciergerie, bà đã tham gia với họ trong lời tuyên hứa tử vì đạo. Trong thành phố, Mẹ Marie cũng ước ao được tham gia với họ nhưng được vị tuyên úy, đang ẩn trốn, khuyên Thiên Chúa mới là Đấng quyết định ai được từ vì đạo.

Cảnh cuối cùng, trong Dinh Cách Mạng, nâng cao gần như chịu không được nét vĩ đại đơn giản của toàn bộ nhạc kịch. Với dòng nhạc rước kiệu khôn nguôi, các nữ tu họp nhau trước phía trái dàn máy chém và từ từ bắt đầu tiến bước, từng người một, băng qua đám đông lặng như tờ, bước lên tấm dọc của Thánh Giá, giữa hai người lính và bước vào vùng tối hậu trường nơi những tiếng thình thịch khủng khiếp làm nhịp cho máy chém rớt xuống và cái chết của từng người họ. Poulenc dành cho họ một khung cảnh tuyệt vời để hát bài Salve Regina (Lạy Nữ Vương). Khi Nữ Tu Constance bắt đầu bước bước đi của bà như người trẻ nhất và cuối cùng, bà bỗng nghe giọng nói của Blanche, trở lại tham gia cùng các bạn tử vì đạo. Hai người đàn bà trẻ ôm chầm lấy nhau. Constance biến vào vùng tối, và sau đó là Blanche, miệng hát vinh ca Veni, Creator Spiritus (Lạy Thánh Thần Sáng Tạo, Xin Hãy đến).

Sân khấu lập tức tối đen và nhạc kịch kết thúc, và bạn không biết phải làm gì. Qùy xuống? Vỗ tay? Bỏ đi im lặng như cuối phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh? Điều chắc chắn là: khuyến khích Met cho trình chiếu công trình hết sức giá trị này càng sớm càng tốt trở lại.

Thoáng dịch bài The harrowing story of French nuns killed by the guillotine returns to the Metropolitan Opera của linh mục Leo J. O’Donovan, S.J. đăng trên tạp chí America, 7/6/2019