Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây
Tâm đạo là chìa khóa mở kho truyền thống
Bỏ triết học Tây Âu bước vào triết lý Đông phương độc giả thường bị kích động do một bầu không khí mới lạ gây ra do chữ Vô. Chữ Vô thường được nhắm tới như một lý tưởng tuyệt vời, khắc hẳn với triết học Thái Tây nhắm Hữu thể. Vô vi của Lão Trang đã trở thành một nhãn hiệu của đạo học. Dấn thân vào đời đến như Khổng Tử mà cũng còn tiếc xót cái « Vô vi chi trị » và « Dư dục vô ngôn » coi như một lý tưởng cao hơn Hữu vi và Khổng Tử đã tu luyện cho đạt tới tứ vô (Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã). Bước vào Phật giáo chữ Vô lại càng bật nổi: nơi đây vô ngã được đẩy ra đến độ hữu thể, nghĩa là đến chỗ phủ nhận cái tự ngã. Phật Đại Thặng còn đi xa hơn nữa, không những cố thoát chấp ngã như tiểu thặng, mà còn muốn thoát luôn cả chấp pháp nữa. Hàng trăm quyển « Minh triết siêu việt » (Prajna paramita) đều xây trên chữ vô, bản « Bát nhã tâm kinh » tóm lại cái tinh tuý bộ sách khổng lồ kia vào chừng hai trăm chữ thì trong số đó đã có tới hơn ba chục chữ vô rồi. Cho nên người ta nói quyển kinh « Bát nhã » vắn nhất, chỉ có một vần (ekaksari) đó là vần A (Vô). Thật là một kiểu tóm tắt tài tình, vì luận đề nòng cốt vẫn xoay quanh chữ Vô (A).
Thế nghĩa là cái phần đặc sắc và quý nhất của triết Đông lại là cái học lấy Vô làm hồn sống. Vô cực đặt trên thái cực. Nhân sinh lý tưởng của con người đặt ở Vô: « Thánh nhân vô công, vô kỷ, vô danh », « xử dân vô tri vô dục » (Lão), « Đại nhân vô tư, dĩ đạo vi thể » (Nho: quẻ kiền). Thánh Gandhi: « tôi tự diệt cho đến số không » (Je me réduis à zéro) là một âm hưởng hiện thời lập lại Ấn Độ giáo xưa xây trên Neti. Neti: không là cái này, không là cái kia. Bên trên SAT (hữu) còn có ASAT: vô hữu, cũng như trong phương pháp hành đạo lấy tĩnh lặng làm chủ.
Đấy là căn nguyên chỗ yếu hèn và cũng là chỗ cao cả của Đông phương. Hèn yếu là khi nhân loại giơ quả đấm lên làm luật, lấy miếng ăn làm lẽ sống duy nhất, lấy đấu tranh đâm chém làm vinh quang của mình; cao cả là khi con người lấy đạo làm luật, lấy nhân ái làm cách xử thế, lấy tinh thần làm trọng, và khi ấy chử Vô trở nên một đường lối tối ư quan trọng.
Hiện nay loài người biết rằng xử với nhau bằng võ lực không xong và dẫu sao đi nữa cũng chưa phải là lối xử trí đặc sắc của con người; ngu như lợn cũng giải quyết bằng mõm, hùng hục như trâu cũng biết dùng đôi sừng; con người có tìm được lối giải quyết cao hơn chăng? Vì vậy mà có biết bao người đi tìm, và ngày nay triết lý xây trên chữ Vô được đề cao và gọi là tâm đạo. Muốn hiểu tâm đạo là gì cần phải biết đó là cái học xây trên chữ Vô và là chìa khóa mở kho tàng truyền thống mà may thay Đông phương còn giữ lại được phần nào. Nhiều người cho Truyền thống ấy là của Đông phương, nhưng thực ra là của chung nhân loại. Không may Âu Tây đã một thời để nó suy yếu đi, bởi quá chuyên về cái học hữu vi. Vì lối đối chiếu có cái lợi là làm nảy sinh nhiều tia sáng nhất trong phạm vi ý niệm, nên trước khi nói đến Vô vi ta hãy nhìn qua cái học hữu vi.
Trước hết hãy xem qua cái học của Tây phương và ta thấy đó là cái học nổi nhất ở đấy là hữu vi. Ở đây không có ý nói đến khoa học thực nghiệm là cái mà dù bên Đông hay bên Tây cũng bó buộc ở trong hữu vi. Càng không có ý giảm giá trị cái học đó vì nó rất cần thiết. Thực ra Á Châu đã một thời hèn yếu cũng chính vì không thành công trong cái học hữu vi, mà ngày nay cần phải gắng sức theo đuổi. Nhưng chúng tôi chỉ muốn nói đến cái học mà các triết gia gọi là siêu hình, tức quan niệm vô vi của Đông phương. Nhưng nay xét cho đến cùng, phần nhiều cái học mà Tây phương kêu là siêu hình lại không phải là siêu hình mà chỉ là cái học hữu vi trá hình dưới bộ áo siêu hình, mà chính là siêu giác (supra sensible) dệt bằng ý niệm. Ý niệm tuy không hiện hình hẳn ra bên ngoài, nhưng thực ra thuộc về phạm vi hiện tượng, tuy nhằm nội tâm nhưng dựa vào những định luật chi phối hiện tượng, dựa vào biện chứng pháp nghĩa là cũng so đo, phân tích chứng minh theo kiểu khoa học. Đã phân tích được thì không còn đơn thuần, mà là ở trong tương đối; có phản lập ắt không phải là tuyệt đối vô vi. Vì thế người thuyết chủ trương bất khả tri (Agnosticisme) nắm được nhiều chân lý hơn những người quyết ngược lại vì họ đã thực hiện được câu: “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thế gọi là biết”. Đó là một trình độ mà cần phải có tài phân tích thấu triệt lắm mới tới được. Theo học giả Georges Pascal thì Socrate, Descartes và Kant đã có thể lấy câu vừa trưng dẫn trên kia làm khẩu hiệu (La pensée de Kant, p.193). Tôi tưởng chỉ có Kant mới xứng đáng như thế còn Descartes cũng chưa vì ông còn cho là chân lý siêu hình tuyệt đối những cái mà sau này Kant tuyên bố là “bé cái lầm”, là toàn ý niệm nặn ra do một lý trí thuần tuý thiếu đối tượng (toute connaissance des choses tirées uniquement de l’entendement pur ou de la raison n’est qu’illusion. Prolégomères, p.171). Thế là trên hầu hết những cuốn triết học Tây phương trước Kant, phải dán lên hai chữ « duy thực ngây thơ » (réalisme naif). Will Durant hy vọng rằng sau Kant triết học Tây Âu sẽ không bao giờ ngây thơ như lúc ngô nghê ban đầu. Sau đây nó phải đổi khác hơn, trở nên sâu sắc hơn, bởi vì đã có Kant. (Vies et Doctrines des philosophie, p.324)
Trên đây tôi nói Kant nắm được nhiều chân lý vì ở thời ông triết học mới biết cái lối tri thức bằng lý trí, là cái chỉ biết được đến hiện tượng, không làm gì biết được vật nội tại (noumen) cũng như đầu thế kỷ 18 ta chưa có điện năng, vì một lý do rất giản dị và gần gũi là chưa có máy phát điện, lúc ấy giá có đem tiếng đèn điện mà đặt cho cây măng-sông chứ không phải là đèn điện. Cái mà các ông quen gọi là siêu hình, đó chỉ là sự lầm tưởng siêu việt (illusion transcendentale) chứ đâu có phải là siêu hình. Quả thế, không thể nào có khoa học siêu hình được. Có người đem tên Emmanuel Kant mà đặt cho con chó của họ, cử chỉ đó cũng như lý lẽ người ta viện ra để đả đảo Kant, chủ ý chôn vùi khám phá lớn lao của Kant. Nhưng khoa học ngày một tiến, khiến nay Kant được kể là triết gia lớn vào bậc nhất nếu không là lớn nhất Tây Âu. Cái người ta dễ dàng cho là « siêu hình » thực ra phần nhiều chỉ là những lý lẽ chấp biên mà hạ trí đã phải tìm ra để bênh vực một lập trường nào đó. Nhưng nay tất cả các thứ tuyệt đối thể đều bị khám phá ra là mang nặng tính chất hữu vi. Từ tuyệt đối có tính cách vật chất của nhóm Thalès, cho tới tuyệt đối danh lý của Hegel (xem luận án của Bareau: “L’absolu en philosophie bouddhiste”, những trang cuối cùng, cours ronéotypé).
Trên kia tôi nói Kant nắm được nhiều chân lý, mà không nói nắm được hết chân lý, vì tuyệt đối có thể biết được, dĩ nhiên không phải bằng lý trí nhưng bằng một lối khác, lối khác ấy Kant bảo là kinh nghiệm nhưng ông chỉ đưa ra có kinh nghiệm « tin tưởng » thì làm gì tới được tuyệt đối thể. Và vì vậy ông chưa vượt qua tầm luận lý mà ông xây trên định tắc (postulat) của lý trí. Và cho tới nay nhiều người tuy nói đúng hơn rằng cần phải có thực nghiệm « huyền niệm », nhưng chưa có ai đưa ra một kỹ thuật nào thích đáng, ít ra trong làng triết học chính thức. Chỉ xin nói riêng đến Bergson, người đã nhấn mạnh trên sự cần thiết của trực giác, cũng không nêu lên được một kỹ thuật vun trồng trực giác. Đã vậy, ông mặc cho triết học cái hình thức và kiểu cách khoa học, nghĩa là hữu vi, cho nên Berdiaeff đã phê bình rằng: « triết học của ông tiêu biểu cho một tình trạng khủng hoảng hơn là một lối thoát » (Sens de Création, p.62 et 432). Riêng có Plotin và môn đồ như Spinoza, Nicolas de Cuc, Silesius, chúng ta phải đặt vào một trường hợp ngoại lệ, vì nơi họ ta gặp được nhiều cái học vô vi, và ta vui mừng khi thấy môn phái này đang tiến lên mạnh. Tuy vậy, ngoài mấy nguyên tắc chung họ cũng không đưa ra được một kỹ thuật nào như phép tu luyện của môn phái Pythagore bên Hy Lạp xưa, mà tiếc thay không thấy được truyền tụng, hoặc tương tự như kỹ thuật của những nhà thao luyện minh triết bên Ấn Độ (gymnosophistes) hoặc nhiều kiểu trai tâm hay lễ nhạc bên Trung Hoa. Vì thế trong thực tế vẫn chưa có cái học vô vi. Và không thiếu chi học giả Âu Tây đồng một quan điểm:
« Trong ba ngàn năm chỉ có Á Châu đã sáng tạo ra những ý tưởng và phương pháp tinh thần chứ trong phạm vi này, người Âu toàn mượn của Á Châu rồi thích ứng và thường làm cho nó thô đại ra. Tôi không tin là người ta có thể đưa ra được một sự sáng tạo về tinh thần bên Âu mà lại không phải là một tuỳ phụ, không nhận sự thúc đẩy đầu tiên của bên Đông phương! »
(Pendant trois mille ans c’est l’Asie seule qui a été créatrice d’idées et de méthodes spiritulles. Les Européens à cet égard ont emprunté à l’Asie, ont adapté des idées asiatiques en les rendant plus grossières. Je ne crois pas que l’on puisse eiter aucune creation spirituelle en Europe qui ne soit pas secodaire, qui n’est pas recu son impulsion première en Orient.) (Essence du Bouddhisme, Conze p.10, Payot).
« Những sáng kiến thuộc siêu hình nghĩa là việc đi từ tương đối sang bên tuyệt đối, thì Âu Tây không hề biết; nói khác đi, chỉ khai thác cái hữu thể bị giới hạn trong phán đoán mà thôi. »
(D’initiatives métaphysiques, c’est à dire le passage du relatif à l’absolu, (sont) inonnues de notre Occident. Celui-ci a pratique l’ontologie du connaitre, autrement dit a exploité l’être inclus dans le jugement.) (Fait métaphysique, M. Oursed p.14)
Để tóm lại một câu văn, Âu Châu mới biết có ý niệm về tuyệt đối tức là trình độ trừu tượng cao nhất chứ chưa thực hiện tuyệt đối thực sự, tức có một tâm trạng sống động (degré absolu d’abstraction et non un état vécu). Thế mà tuyệt đối thực sự mới là đối tượng của tâm đạo và vì vậy phải trở lại với Đông phương mới mong tìm ra tâm đạo chính tông.
Muốn hiểu tâm đạo trước tiên đừng lẫn nó với luân lý, vì nhiều người tưởng nó thuộc về luân lý nên coi thường. Đó là lầm. Nếu tâm đạo là luân lý thì đâu có phải là cái đặc sắc bên Đông phương, vì không ai dám chối dù chỉ trong ý tưởng rằng Âu Tây cũng có luân lý. Và hầu hết môn triết học nào cũng bàn đến luân lý; nhưng luân lý không phải tâm học hay nói cho đúng ra, nó chỉ là phần sửa soạn cho tâm học, nhà Phật gọi là Giới tức luân lý và nó mới là phần đầu, còn lại hai phần nữa Định và cuối cùng là Tuệ. Định là tâm pháp, Tuệ là đạt tâm đạo. Trong tám bước Yoga thì hai bước đầu là luân lý. Yama là luân lý tiêu cực dạy lánh dữ, Niyana là luân lý tích cực dạy làm lành. Còn sáu bước sau mới là tâm pháp, mà tâm pháp mới là phần độc sáng nhất trong Truyền thống nhân loại mà ở đây tôi gọi là tâm học, đạo học, tâm pháp, nó chứa đựng trong chữ Vô, trong cái con Zéro tuyệt diệu. Muốn hiểu thế nào là tâm pháp ta phải xem lại lịch sử con zéro.
Zéro cái con số bị mọi người coi thường, và riêng đám học sinh xa lánh như một tai họa. Ấy thế mà con zéro đóng một vai trò quan trọng trong toán học, vượt xa những số kia. Nhờ khám phá ra con zéro, người Ấn Độ đã đẩy toán học đi một bước thật xa, lập hệ thống hàng mười và phát minh ra toán đại số. Sau này truyền sang Âu Châu qua đường Ả Rập. Và như thế ai lượng được ảnh hưởng của con zéro đã gây cho khoa học? Vì thực ra, thiếu đại số, khó lòng khoa học tiếp được như thấy ngày nay. Ông Will Durant cho việc tìm ra con zéro là một phát minh quan trọng vào bậc nhất. Chúng ta càng thấy rõ giá trị con zéro khi nghĩ rằng chính những bậc thiên tài như Archimède và Appollonius dù là vĩ nhân bậc nhất thuộc cổ thời cũng không thể nhận ra nếu quả thực đó là cái quà giá trị nhất mà Ấn Độ đem đến cho nhân loại. (it escaped the genius of Archimède and Appollonius, two of the great men produced by Antiquity… the most modest and the most valuable of all numerals is one of the subtle gifts of India to mankind. Story of Civilization p.572).
Ngày nay để đáp lại cái quà cơ khí khoa học tân kỳ Âu châu tặng cho nhân loại, Á châu sẽ lấy gì đóng góp đây? Tôi không ngần ngại đề nghị lại đưa con zéro ra lần nữa, vì nó còn một khía cạnh cao quý hơn toán học, y như tinh thần cao hơn vật chất vậy. Đó là vòng tròn căn bản mà Kinh Dịch gọi là vòng thái cực, cái vòng tròn ấy có thể là bản tóm tắt mọi khoa học, đồng thời đem lại cho tất cả khoa học một sức tổng hợp đang thiếu. Chưa thấy trong nền văn minh nào lại sáng chế ra được một cái biểu hiệu thần tình bằng. Nhưng đó là truyện dài dòng…
Ở đây chỉ xin nói đến khía cạnh tâm học của nó và xin nói ngay rằng nó bao hàm cái học vô vi đã bàn đến ở trên. Muốn cụ thể hóa tâm đạo cho hợp tầm mức triết lý nhân sinh, tưởng không còn gì hợp bằng vòng thái cực để học về tâm đạo cả về đối tuợng, lẫn phương pháp. Trước hết xin ngắm kỹ cái vòng để tìm ra những khía cạnh dùng làm tiêu biểu, chẳng hạn cái vòng có bảy đợt; đợt trong cùng là hình tròn không có 4 góc. Những hình đó càng ở trong càng rộng ra, trong vòng sáu mới có hai ô là âm dương, vòng năm đã chia ra 4 và cứ thế gấp lên cho tới đợt ngoài cùng là 64. Càng chia càng nhỏ, càng vào càng đơn… Còn nhiều khía cạnh khác nữa nhưng thiết tưởng một vài nhận xét trên tạm đủ để cụ thể hoá cái tâm học. Trước tiên ta hãy tìm hiểu xem Tâm là gì.
Tâm là gì?
Cố nhiên « Tâm » đây không phải là trái tim thể xác, nhưng là điểm linh quang ẩn trong sâu thẳm con người, nó chính là « thiên lý tại nhân tâm » và theo vòng thái cực thì nó là điểm trung tâm mà vật nào cũng có: « các hữu thái cực ». Nói nhỏ thì nó nhỏ hơn những cái nhỏ nhất ta có thể biết, nó là điểm lý tưởng vô sắc, vô màu thông sang vô cực. Nói to thì nó to hơn cả những vật to nhất mà con người có thể hình dung, như thiên cầu mênh mông dù kính thiên đài Palomar lớn nhất hoàn cầu chưa bao quát nổi một phần nhỏ xíu, vậy mà thiên cầu đó thu lại trong tâm ta, nó như trung dung huyền niệm « mở ra thì nó phổ cập khắp cả vũ trụ, bằng thâu lại nó sẽ ở yên lại một cách huyền bí trong tâm. » (Phóng chi tắc di lục lạp, quyện chi tắc thối tàng ư mật) (Trung Dung). Trang Tử tóm vào câu: « chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội » (cực to đến nỗi không còn gì còn ở ngoài và cực nhỏ đến nỗi không còn gì ở trong), thâu vào hay mở ra là do tâm mà được. Đó là điều may mắn vô biên, vì con người không thể hướng ngoại mà thâu gồm được mọi vật, nhưng khi hướng vào nội tâm, nó lại có thể gặp gỡ với điểm linh quang, có khả năng tuyệt diệu vượt hẳn hạ trí, là tài năng ban cho con người để điều động trong cõi hiện tượng, tương đối, hữu vi. Ở bình diện này hạ trí có khả năng đầy đủ nhưng nói đến vượt sang cõi vô cực để có một nhân sinh toàn diện thì hạ trí bất lực và cần nhờ đến điểm tâm linh đó.
Tâm ở đâu?
« Ở trong thâm sâu hơn cả nơi thâm nhất của lòng tôi », « Intimior intimo meo » (St. Augustin).
Nhà huyền niệm Eckhart nói:« người ta có những làn da che phủ lên những tầm sâu của tâm hồn mình, vì vậy người ta biết được bao la sự vật mà không biết được chính mình. Chao ôi! Ba mươi, bốn mươi tấm da dầy cứng như da bò đực, da gấu đực che phủ linh hồn. Người hãy đi sâu vào nền tảng để học cho biết mình » (Philosophie éternelle A. Huxley p.196).
Những lời trên đây chỉ là những lời nói bóng chỉ rằng tâm là điểm linh quang không thể xếp chỗ trong con người; muốn dùng giác quan hay hạ trí mà tìm thì không thể thấy được, và vì vậy tâm hay bị người ta phủ nhận. Tâm lý của Tây Âu cho tới thế kỷ 19 bị thu gọn vào phạm vi lý trí. Descartes đã đồng hóa linh hồn với tư duy (la pensée) coi tư duy là bản tính của linh hồn và vì vậy cho rằng sự kiện tâm linh nào cũng có thể lý trí hết trọi. Cho tới khi có những người như triết gia Hartman (1869) với quyển vô thức (Insconscient) mới đưa ra một cái nhìn nới rộng vào tiềm thức, mở đường cho khoa « tâm lý miền sâu » của một Freud chẳng hạn.
Ông này được tặng danh hiệu là Christophe Colomb vì đã khám phá ra những sự kiện tiềm thức lúc đó còn là mới lạ như một tân thế giới. Công việc của ông được nhiều người nối tiếp nhưng vẫn chưa đã hết các ngã đi của tiềm thức (M.Eliade-xem tựa quyển Yoga của ông) huống hồ làm gì đã đạt tới Tâm. Cho hay Tâm ở trong sâu kín đến mức nào. Triết Đông gọi là siêu thức (super conscience). Muốn tới đó phải vượt qua hai bình diện bản năng (instinct) và lý trí rồi mới đến bình diện tâm, nhưng trước khi đến tâm còn phải qua những đợt âm u của tiềm thức và vô thức, may chăng mới tới được cửa ngõ của siêu thức. Ngày nay có những phần tử ý thức trong giới triết học (Bergson, Jaspers, Berdiaeff) đã hé nhìn thấy nó là trung tâm của quyền năng vô biên, của trí tuệ. Hy vọng nó sẽ canh tân, sẽ tiếp sinh lực dồi dào cho cái nhân loại đã quá suy nhược hiện nay.
Đối tượng – Sau khi đã nói về tâm, xin bàn đến đối tượng của tâm, nhưng đừng hiểu nó theo lối hữu vi: chủ khách khác biệt, mà phải hiểu là Tâm thức, chủ khách huyền đồng, năng sở trở nên một. Phân ra mà nói chẳng qua là phương tiện trình bày, vì đối tượng tâm học không thể nói ra được, nên chỉ có thể dùng tiêu biểu mà gợi ý, mà tả một số đức tính của nó khi phát xuất ra nơi con người. Vì thế tôi mượn vòng thái cực làm tiêu biểu. Trước tiên cái vòng trong cùng gọi là thái cực hay vô cực hay trung hư của Hà Đồ hay đạo khu (nòng bánh xe) như Lão Tử, tuỳ ý. Tên không quan trọng, nhưng về thể thì nó rất tiện để tượng trưng cho đối tượng của tâm học là « thiên lý tại nhân tâm » có thể gọi là vô cực, vì không có góc nào giới hạn nó cả nên nó tròn đầy viên mãn, vì vậy gọi nó là vô cùng. Nghĩa là vượt ra ngoài những cái đối lập tương quan. Hay đem so nó với bất kỳ một hình thái nào bám chung quanh, cũng thấy chúng bị giới hạn cả 4 góc: trước mặt, sau lưng và hai bên tả hữu. Hễ âm thì tương đối với dương, thái âm thì đối diện với thái dương, còn tuyệt đối không có gì giới hạn được cả. Vì thế không thể gọi tên. Vì gọi tên cũng tức giới hạn rồi, « danh dĩ định hình » (Vương Bật)…. Dây « thằng thằng bất khả danh », dài vô cùng không thể quy định bằng tên, vì thế đạo mà gọi tên ra được thì hóa ra hẹp hòi không còn là đạo nữa. Vậy nên Lão Tử nói: « Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh » và « Đại đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu » (Đại đạo là cái gì chung cho tất cả, có thể đi sang tả được mà đi sang hữu cũng được) (Đạo đức kinh, 34). Nhưng ta sống trong hữu vi, không gọi tên cũng không xong. Thôi đành cưỡng ép gọi là đại, là Thiên hay là Thái cực hay Vô cực. Nhưng vô mà không vô kiểu thường, mà là vô chân thật có tiềm lực huyền diệu vô cùng. Đấy chính là vòng thái dương tỏa muôn tia sáng và sức sống cho vạn vật. Vì thế nhiều tôn giáo xưa thờ mặt trời như Masdra, nhiều tôn giáo khác dùng hình ảnh mặt trời để chỉ đấng tối cao. Kinh Dịch là sách vượt qua thần thoại, nên chỉ dùng vòng thái cực cách tiêu biểu và siêu hình. Đấy chính là « Tâm của trùng dương » (Océan du coeur) tuôn ra bảy dòng nước mênh mông lai láng mà kinh Rig Veda nói đến (IV-585- Hridya Samudra), đây chính là « chân không hiện hữu » mà Lão Tử nói: « vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô » (muôn vật sinh ra do cái có, cái có lại do cái vô). Cùng một ý « tự vô hữu phát sinh tinh thần, tinh thần sinh ra Chúa muôn vật, sinh thành vạn vật » (Du non être Chúa muôn vật fut émis l’esprit, l’esprit emit le Maitre des Créatures, le maitre des Créature emit les créatures). Tait: Br.II, 2 bản dịch Pháp Anthologie sansskriste payot p.114 Renou).
Đây cũng là sự im lặng tỏa ra “lời tạo dựng” (Vak trong Sanskrit hay Logos của Hy Lạp). Lão Tử tuyên bố một câu chí thực rằng « Danh khả danh phi thường danh ». Nhưng ngài còn phải nói thêm ngàn lời. Trang Tử vừa nói rằng đạo không thể nói ra được, vừa chửi những ai nói về đạo. Vậy mà những lời ông bàn về đạo tính ra cũng quá năm mươi ngàn lời. Và đạo sĩ Ấn Độ tả hai chữ Neti, Neti có tới năm triệu lời cũng chưa hết. Cho hay tiềm lực vô biên của cái vô, cái chân không nhưng lại diệu hữu: vô sinh ra hữu, im lặng tuôn ra muôn lời.
Đã không nói ra được, vậy im lặng chăng? Im lặng được thì tuyệt diệu rồi, nhưng trước khi leo tới đó ta còn phải nói đến, phải bàn luận. Đành rằng không nói thẳng được, nhưng ít ra ta cũng có thể nói gián tiếp, nói đến những đức tính mà tâm đạo thông cho con người tìm học. Những đức tính đó là bao dung, thống nhất và hiệu nghiệm. Trước hết là bao dung. Ta đã biết tuyệt đối là vô cùng không nói ra được, vậy chớ bám một khía cạnh nào mà chối khía cạnh kia. Chớ câu chấp từ ý. Người Ấn Độ dùng danh từ cái ấy (Tat) mà chỉ Đạo, cốt ý để khỏi loại trừ khía cạnh nào của Đạo.
Ta nên nhớ rằng tất cả những gì người ta gán cho tuyệt đối thể như ý nghĩa sâu xa, cảm tình tốt đẹp, những tên siêu việt đến mức không thể tưởng tượng được… mặc lòng, hễ quy cho cái vô biên là đã hạn chế nó rồi, đã tôn cái tương đối lên làm tuyệt đối rồi. Tuy sống trong tương đối, cần phải dùng lời tương đối nói về tuyệt đối, nhưng không được cho đó là tuyệt đối thực, vì công hiệu sẽ dẫn đến việc loại trừ bao thực nghiệm của người khác đang sống trong thời đại và cảnh vực khác, nên quan niệm về tuyệt đối cũng khác. Vậy nếu ta loại trừ thực nghiệm của họ là đã thọc gậy vào bánh xe tiến hóa của con người rồi đó. Lịch sử loài người phải là lịch sử đi lên trong tinh thần, bớt mãi đi mật độ vật chất; mà nay đem những tuyệt đối có tên, có thuộc tính ra đặt là tuyệt đối, thì có khác gì đem ra một pho tượng, dù cho nó có hết sức đẹp đẽ và quyến rũ đi nữa để rồi bắt mọi người dừng lại ở đó để chiêm ngưỡng và xưng tụng là người sống. Cái đó có thể thỏa mãn cho con người ở một trình độ tiến hóa nào đó, nhưng khi mức tiến đã cao hơn sẽ ý thức về giá trị và tự do của mình, lúc đó nó sẽ không chịu dừng lại ở đợt này nữa, vì nó nhận ra tính cách nhân tạo của tuyệt đối. Đấy chỉ là hình tượng chết, không phải người sống; đó là lúc thường phát sinh ra cơn khủng hoảng, một đàng khám phá ra tính chất hữu vi của cái tuyệt đối cũ, một đàng chưa biết đường đi về tuyệt đối thực sự nên con người mất hướng, do đó nhiều khi sống buông theo dòng đời cho đến khi tìm ra đường nẻo mới. Nếu tình trạng bơ vơ lạc hướng đó kéo dài, thì thật là tai hại vì “bất tri thường, vọng tác hung” (Lão 16); con người sẽ sa đọa rất nhiều, cho nên ta có thể nói không có sự mê tính (indolatrie) nào tai hại hơn việc thờ chữ (littera occidit). Không có mối dị đoan nào nguy hiểm bằng dị đoan câu nệ vào công thức…Căn nguyên khủng hoảng ngày nay là do ở đó và người ta chỉ có thể tìm lối thoát bằng cách vượt qua những tuyệt đối nhân tạo hữu vi và bằng cách tiến lên tuyệt đối đích thực. Việc đó sẽ được biểu lộ bằng cách từ bỏ độc hữu giới hạn, cho mình là duy nhất nắm được chân lý, đồng thời tỏ ra khoan dung đại độ, coi kinh nghiệm của người khác cũng có giá trị đối với trình độ riêng của họ. Vòng thái cực nói lên 64 lối trở vào trung tâm: « Đồng quy nhi thù đồ » trở về chân tâm thì đồng một, nhưng đường về có nhiều ngã, ta nên kính trọng tự do mỗi người, đó là đức tính đầu tiên của con người đi đúng hướng về tuyệt đối thực: « tri thường dung » (Lão 16).
Đức thứ hai sẽ là quán xuyến tổng hợp. Ta lại ngắm vòng thái cực sẽ thấy tất cả các hình chung quanh đều đặt chân vào hình tròn giữa như các đũa xe cắm vào nòng xe. « Tam thập phúc cộng nhất cốc » (Lão 11), ba mươi tai họa cùng chung một bầu xe. Nòng xe thông với mọi đũa tỏa ra khắp chung quanh, đang khi các đũa ngoài không thông ngang với nhau được, hay chỉ có thể thông nhờ nòng xe; thiếu nó các đũa xe rời rạc ngay. Tính chất đó rất tiện để biểu thị sự hiện diện cùng khắp của tuyệt đối. Đó là thiên lý đi vào mọi vật hay nói đúng hơn mọi vật do đó mà có. Muôn vật do thể hư vô, do mẹ nhiệm mầu huyền diệu mà sinh ra « huyền tẫn chi môn » (Lão VI). Nên khi ta thấu được vào đến tâm thì sẽ liền thấu hiểu mọi vật: tri tâm tắc tri thiên « đó là đạt trí tri cách vật » biết đến cùng kỳ lý. Cái biết đó là cái biết quán xuyến lạ lùng; Một chữ Trung gồm thâu hết đạo Nho; một chữ Đạo gồm hết Lão giáo, một chữ Phật gồm hết giáo lý đạo Thích. Hơn thế nữa « tam giáo đồng nguyên » cả ba đều dựa vào vô cực, vô vi, thái hư. Một chữ VÔ gồm thâu hết mọi giá trị tinh thần Tam giáo Đông phương.
Trái lại cái học hữu vi rất rời rạc, lẻ tẻ chia ly, chỉ thấy có từng khía cạnh nhỏ, không sao thống nhất lại được. Môn nào cũng chỉ biết có cái độc hữu của mình, vì vậy hay gây nên những xung đột ý hệ, không thể hướng về hành động, đó là sự thiếu sót hiện nay của nhiều ngành tâm lý và triết học: biết bao sách tả hết hiện tượng này qua hiện tượng khác, từng trăm trang mà không tìm thấy được trong đó mối nhất quán, không biết tác giả định đưa đi đâu. Đó là tại xa lìa cái tâm học nên thiếu hồn sống, thiếu nơi quy tụ. Đó là việc của tâm, là cái học biết từ trong biết ra nên cái học có quy tụ nhiều hay ít là do tới gần tâm học nhiều hay ít. Cho nên những cái học rời rạc, học một đàng làm một nẻo, đều tại thiếu sức thần diệu của tâm mà ra. Kinh Dịch nói đến công hiệu lớn lao của tâm học như sau: « Cảm nhi tại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chi thần, kỳ thục năng dữ ư thử? » – Thoạt nhiên cảm mà thông suốt căn nguyên của thiên hạ. Nếu không phải bậc chí thần trong thiên hạ thì ai có khả năng tới được mức ấy? (Hệ Từ Thượng 10). Thật là cái biết thần diệu siêu việt đem lại giải pháp bất ngờ cho biện chứng pháp, không có nó thì dẫu tiến đến cái « ý tưởng tối cao » như Hegel cũng không giải đáp nổi mâu thuẫn mà nó vượt qua, vì cái « đề » (thèse) cuối cùng vẫn còn là ý niệm, vẫn còn trong vòng chối với quyết, có với không. Chưa tới cái huyền đồng, chưa đến chỗ « tề vật luận » (coincidence des opposes) con người chân đạp đất đầu đội trời. Cái thân vật chất không to lớn chi đáng kể, nhưng lòng lại khát vọng vô bờ bến. Muốn thỏa được cái bao la cao quý đó, phải đi vào tâm pháp. Đóng đô lại trong cái học hạ trí của cõi hiện tượng, mà không tìm đường thông với vô cùng thì dẫu hay tới đâu, cái học đó cũng là cái trống rỗng như con bướm bay lượn giữa muôn hoa rực rỡ mà không màng chi tới việc hút mật, rồi cũng có ngày phải chán, là vì những tư tưởng ấy cũng như văn chương chứa nó, tất cả là thuộc cái học hướng ngoại, lấy sự vật làm đối tượng, mà sự vật như ta đã xem trên, chỉ là những mảnh vụn được chỗ này thiếu chỗ kia, không tài nào lấp đầy nguyện vọng sâu thẳm nơi con người. Người Tây phương chuyên chú về khoa học nên dùng lối học phù hợp cho vật chất. Ngày nay người Đông phương đang rượt theo cho kịp. Nhưng nếu vất bỏ cái học hướng tâm là cái lấy con người muôn thưở làm đối tượng thì thật là uổng. Con đường lý tưởng sẽ giữ cả tâm cả trí « Vô vi và hữu vi, hợp ngoại nội chi đạo dã » (T.D 26).
Đức tính thứ ba là THỰC HIỆN. Cái học về tâm là cái học nòng cốt, cái học có hành đi theo, vì nó huy động toàn thể con người: tâm tình lý trí không bỏ sót tài năng nào; trái lại cái học hữu vi lạnh lẽo, thỏa được có lý trí phần nào và chỉ đưa đến thực hiện có hạn có mốc, không bao quát được con người toàn diện, không điều chỉnh nổi tình dục, đành để nó phóng túng tha hồ chạy nhảy nhiều khi trí học còn thúc đẩy thêm. Như thế, chắc chắn nó sẽ dẫn tới thác loạn, nôn mửa, khởi loạn. Tâm học trái lại khiến cho thảnh thơi thể xác, an lạc tâm hồn, gây nên sảng khoái siêu vượt. Giáo sư Glassenapp kết thúc quyển triết học Ấn Độ của ông bằng những dòng sau đây: « bầu khí triết lý tâm linh của Ấn Độ cũng như của Viễn Đông có thể chuyển sang cho những người chuyên chú học nó được một hương hỏa thiêng liêng mà rất ít nhà tư tưởng có thể ban cho cái Âu Tây náo động hoài và luôn luôn bị lay chuyển bởi chứng sốt rét nối tiếp lên cơn. Hương hỏa đó là sự êm đềm thư thái và siêu thoát thường phản chiếu trên dung nhan những vị đại trí tuệ, những bậc đã chiến thắng được thế gian. » (Philosophie de l’Inde, 349). Quả thế, cái biết do tâm trước hết đã cải hoán đời tư các ngài đến toàn triệt mà dấu hiệu là gây nên một sức lôi cuốn phi thường kéo biết bao người khác theo sau làm thành một đạo, cùng theo một nếp sống tinh thần đại cương như nhau gây ra bầu khí yêu thương hiền hậu làm nhẹ đi bầu khí ngạt thở do cái học hoàn toàn hữu vi xông ra. Muốn theo các ngài, ta phải cố gắng trở vào nội tâm. Sự cố gắng đi vào đó sẽ được ghi bằng việc lý trí khám phá những tư tưởng mỗi ngày mỗi rộng hơn, sâu xa hơn, mỗi mới mẻ hơn trước, và nhất là có sinh lực, có nhựa sống; phần lý trí sẽ thắng lướt những vật dục, những cái tư riêng ích kỷ, tâm hồn sẽ trở nên tinh tấn hơn, quảng đại hơn, thanh thoát hơn. Vòng thái cực tiêu biểu điều đó bằng những đợt tiến sâu thêm thì trong đó nồng độ vật chất lại bớt đi; từ 64 sang 32 và cứ thế mãi cho đến cận zéro trung điểm. Đồng thời tinh thần mở rộng, khoảng của 64 ô dồn vào cho 32 rồi 16, 8, 4 rồi 2 ô cuối cùng giáp zéro huyền diệu. Mỗi bước tiến là mỗi bước vật chất bước đi một nửa; ngược lại, sự thực khám phá ra sâu xa hơn và bao quát hơn gấp đôi… Nhưng vòng thái cực chỉ là tiêu biểu, cần phải có thực chất đi kèm. Đó là những lần giác ngộ, hay điểm đạo mà Truyền Thống nói bóng là sự tái sinh trong tinh thần, như được cụ thể hóa trong phép rửa của mật tông (Abhisheka, xem Mystères b, Glassnapp, p.117) hay phép thắt lưng trong đạo Bàlamôn v.v… hay rất đơn sơ không có nghi lễ nào hết là những « lúc may mắn » bất ngờ ta cảm thấy thanh thoát cao siêu, tự nhiên ta thấy bừng sáng và như thấy trực tiếp được những chân lý trước kia mới suy luận hay nghe nói lại. Những chân lý ấy trước đây không chuyển động gì lòng ta cả, nhưng bây giờ nó hiển nhiên trở nên khác, nó nóng nảy như có điện truyền vào, như cử động, như tràn ứ nhựa sống và lòng ta tràn lên đầy yêu thương, cao thượng, trí ta ăm ắp với lý tưởng với những ý nghĩ phong phú như cuồn cuộn tuôn trào. Đó là phút đặc ân và cao hơn nữa là lúc được « thần hứng ». Ta mới hiểu tại sao các vị tới trạng thái cao hơn thế nữa trở nên « vi diệu huyền thông tinh tế nhiệm mầu, thấy suốt chỗ cao sâu huyền bí » (Lão XV), nên đã gây một ảnh hưởng thăm thẳm sâu rộng bất chấp cả thời gian như tam thánh Khổng, Lão, Thích chẳng hạn; các ngài phát sinh ra dòng sống tinh thần thao thao bất tận như sẽ không bao giờ già cỗi cả, vì đã nhập vào cái nõn của vòng thái cực. Nhập cái « đạo khu » (vòng bánh xe) là cái bất dịch ở giữa những tua xe luôn luôn quay tròn, nghĩa là « Thiên tâm không xê dịch đổi thay » làm nền tảng cho muôn vật mỗi lúc mỗi biến chuyển nhân đó cái học xoay quanh hữu vi rất chóng tàn cỗi, còn những sách tâm đạo của truyền thống chép mãi từ đời nào đến nay, lại như đang đâm mầm nẩy đọt, sửa soạn cho một mùa xuân mới mẻ, bơm sinh lực vào cho cái nhân loại đang kiệt quệ hao mòn vì đã xa nguồn sống sinh lực nguyên sơ. Trang Tử nói « Trưởng ư thượng cổ nhi bất vi lão » (Đại tông sư) – lâu đời hơn thượng cổ mà không cổ không già. Ta vui mừng biết bao vì có đường dẫn đến cái mạch suối nguyên thuỷ. Và dầu trong cái học hữu vi, ta chỉ có ngần có độ, ta cũng được an ủi vì còn có cái học gồm thâu được hết cả, Đó là mấy đức tính do cái học vô vi, học tìm về tuyệt đối thể, bao dung đại độ, quán xuyến tổng hợp. Qui hướng mọi tài năng con người vào đường thực hiện, gây nên một hạnh phúc siêu việt, một bầu khí êm đềm thư thái mà Karl Jaspers đã ca ngợi « thế giới tâm linh Trung Hoa và Ấn Độ đối với ta đã trở nên gì không thể thay thế được, và không phải chỉ vì nó khác với ta mà thôi. Người nào đã thở luồng gió đó, không bao giờ quên được, cũng không thể thay thế bằng một cái gì chúng ta có ở bên Tây này… vì sự phong phú không thể so sánh, vì sự thong dong của lý trí, sự kinh nghiệm, tiến hóa với một biện chứng trọn vẹn… Chúng ta đoán đựơc đó là sự chinh phục quyết định, một chân lý không thể nhảy xa hơn và là nguồn suối, một sự bình an thâm sâu hơn cái bình an mà người Âu châu không thể đạt tới » (Philos. Ind p.350). Đó là gia sản tinh thần tiên hiền gây dựng cho ta, đã từ ba bốn trăm năm nay, ta mất dần ý thức và ngày nay đang phung phí những đức tính còn sót lại bằng cách lao đầu trọn vẹn vào cái học hữu vi. Muốn bảo toàn những giá trị tinh thần đó cần phải lưu tâm học hỏi. Sự học về vô vi bao la, nói chẳng hết được. Tạm ngừng ở đây, chúng ta hãy đề cập sơ lược đến phương pháp.
Phương pháp phải thích ứng với đối tượng, nếu đối tượng là Vô, thì nhất định phương pháp cũng phải lấy Vô làm nền, dù gọi tên nào nhưng cái cốt yếu phải là trống rỗng, trai tâm, vô tư. Cho nên Kinh Dịch nói « Thánh nhân dĩ thử tẩy tâm, thối tàng ư mật » (Thánh nhân lấy đó mà tẩy rửa lòng, lui trở lại nơi kín). « Thối tàng ư mật » tức là tập trung tư tưởng để nhắm « phối thiên », « huyền đồng », « kiến tính ». Cho được tập trung tư tưởng hầu đến tận cái vô cực ở giữa; cần gạt ra ngoài những cái vuông cản lối đi. Lão Tử kêu đó là những cái Kiếu, Kinh Dịch kêu là Âm (âm tán tiêu biểu bằng hình vuông địa phương) phải gạt đi hết lượt nọ đến lượt kia kỳ cho không còn kiếu nào, mới đạt tới cái thiên tròn đầy được, trời tròn chỉ bằng số 3, con số đầu của Pi (tam thiên tứ địa). Ta thấy ngay hướng đi của tâm học là hướng quay vào thống nhất, là đi trở vào lòng mình « phản thân » (Lễ lý) qui tụ lại, gọi là hướng thượng cũng thế. Đó là nói theo tiêu biểu. Bây giờ đến áp dụng thì cái vuông âm hay tán ra là cái tiểu tri, là cái tham dục cần phải bỏ trước tiên, rồi mới « thối tàng ư mật » được. Vì có tẩy tâm đến mức « vô tri vô dục » thì mới thấy được chính mặt «chân lý ẩn sau cái mặt mạ vàng » (Isha up 15). Lão Tữ nói « cố thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu », còn nếu để dục thì toàn thấy kiếu tức là vụn mảnh chấp biên, « thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu », kiếu là vụn mảnh, là hữu vi, những cái đó là tiểu ngã tạo tác ra để che lấp cái vô vi. Vậy phải gạt sang bên hết các kiếu hay là tham dục: Dục có hai loại là tham lam và vụ lợi. Đó là những cái mang nặng tính cách vật chất, nó làm chướng ngại rất nhiều nghị lực, làm cho tán ra, toả ra tất cả cái tâm trí; nó tương đương với loại trần sa hoặc của nhà Phật (Klesavarana) hay là tham, vì thế mà bao giờ người ta cũng đặt giới luật tâm lý trước tâm học. Khổng đặt Lễ trước Học, Thích đặt Giới trước Định Tuệ.
Cái dục thứ hai thuộc lý trí, đó là hạ trí chấp biên, cần phải thanh tẩy đầu tiên, tương tự « Si » h.l. Jneyavana bên Phật: diệt trừ căn bản vô minh, Lão Tử gọi là kiếu, tức là giới mốc, là tương đối, là hiện tượng thường xuất lộ trong những cặp đối lập, đó là hai thằng giặc thay phiên nhau quấy rối ta, không cho ta an tĩnh nên ta phải chú trọng đến nó nhiều hơn. Triết Đông có câu « tâm viên, ý mã ». Tâm như vượn chuyền hết cành này đến cành nọ, ý như con ngựa tung tăng chạy nhảy. Nếu theo phương pháp phân tâm ghi lại những điều ta tưởng nghĩ trong một giờ thì thấy câu trên thật một cách sờ thấy được. Những sự xáo động đó vừa làm cho xao lãng đi không thể tập trung tư tưởng vào một điểm, vừa làm hao phí đi rất nhiều nghị lực, không còn thể đi sâu vào một hướng.
Vậy nên các bậc thầy nhấn mạnh đến điểm tĩnh tâm. Người quân tử lấy tre làm biểu hiệu vì thân nó thẳng, lòng nó rỗng (tiết trực tâm hư), người quân tử phải có lòng trong sạch, không chứa thiên kiến, Lão Tử nói: « chí hư cực, thủ tĩnh đốc » là vậy (đến chỗ rỗng cùng cực, giữ im lặng rất mực).
Trang Tử quảng diễn ý đó bằng một câu chuyện « Võng tượng đắc huyền châu ». Hoàng Đế đi kinh lược miền Nam, đến sông Hoàng Hà thì đánh rơi mất hạt ngọc quý, có sắc màu gọi là Huyền châu. Vua sai lý trí đi tìm, tìm không thấy, sai phân tích bàn luận đi tìm, tìm cũng không ra. Sau cùng vua sai tượng võng (quên tượng hình) đi tìm, tuợng võng tìm được. Vua lấy làm kỳ dị, tại sao tượng võng lại tìm được huyền châu? (Nam Hoa Chân Kinh, đoạn 12). Không cứ gì Hoàng đế mới cho là kỳ mà ban đầu nghe nói việc hư tâm (vide mental) không mấy người cho là nó có hiệu lực, nên cứ muốn phải chứng minh. Nhưng nếu chứng minh được thì té ra lại đưa nhau lộn trở về hữu vi. Chưa « quên » xong, chưa tẩy hết, cần phải cho một liều xổ nữa, tức là phải làm phép Đồng hư, đồng hư tức trai tâm là cả một kỷ thuật tỉ mỉ bên ngoài phạm vi bài này. Ở đây chỉ giới thiệu về lý thuyết, lúc đó đồng hư có nghĩa là phải nhảy ra ngoài cái tri thức hữu vi làm bằng những cặp tượng đối mà Lão Tử đưa ra bảy thí dụ: mỹ ác, thiện bất thiện, hữu vô, nan dị, trường đoản, cao hạ âm thanh, tiên hậu… hay tóm lại là một đôi âm dương, âm hạn chế dương, ác hạn chế thiện, không hạn chế có, khó hạn chất dễ, ngắn hạn chế dài, cao hạn chế thấp… không ý tưởng nào, không lời nói nào lại không có tương đối giới hạn lẫn nhau; thành ra phải nhảy một cái ra ngoài tương đối, ra ngoài thiện ác « au delà du bien et du mal » đi vào đến trung tâm huyền niệm. Trung là trạng thái không còn dục vọng khuấy đục lên do cái trí hữu vi, « hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi trung ». Đi vào trạng thái « tiêu dao du » thong dong làm cho thư thái sảng khoái. Ta hiểu được phần nào tại sao thánh hiền Đông phương « vừa học vừa tập, vui biết mấy » (học nhi thời tập chi bất diệc lạc hồ), tại sao có những vị ngồi im lặng từng giờ để tập trung tư tưởng. Keyserling nhắc tới người Tây phương chế nhạo những vị ngồi ngắm rốn vì họ không hiểu đó là rốn phát sinh ra muôn ơn lành và ngày nay nhân loại bị khủng hoảng tinh thần cũng chỉ vì chẳng còn người nào biết ngắm rốn nữa. Kinh Lễ nói « Bất năng phản thân, thiên lý diệt hĩ » (không thể suy niệm nên thiên lý bị tiêu diệt) (đoạn 16). Nếu bây giờ có ai bắt ta ngồi im lặng từ 4 đến 6 giờ như các vị tiên hiền Đông phương, thì thế nào chúng ta cũng phát điên, vì đã quên phương pháp suy niệm. Vậy cần phải ôn lại cách tỉ mỉ. Ở bài tiểu luận này chỉ có thể nói về phương pháp chung, nói về nguyên tắc, về hướng đi mà thôi. Chúng ta nên tìm học them chẳng hạn trong phép trai tâm của Lão Trang hay trong Định, Tĩnh, an, Lự của Nho giáo. Bốn bước đó đặt vào bầu khí xã hội lễ nhạc thì rất mực hiệu lực, đã rèn nên bao người tài đức. Ngay nay thời thế đã thay đổi, không thể dùng y nguyên, nhưng may thay trong kho truyền thống Đông phương lại còn ngành tâm học khác gọi là Yoga. Yoga cũng nhằm mục đích phối thiên (trung dung), (chữ Yoga cũng cùng một gốc với tiếng La tinh Jungo: phối hiệp, nhân đó ra Joug, và cùng gốc Yoke tiếng Anh) nhưng phương pháp hoàn toàn dựa vào tâm lý, tức là không lệ thuộc vào thể chế xã hội như lễ nhạc, nên nay vẫn còn dùng được và hiện đang lan tràn sang Âu Mỹ. Chúng ta vui mừng vì có thể dung Yoga tiếp vào nền Kinh Dịch, đúng tinh thần tổng hợp mới, kết nên do những bông hoa hái ở hết mọi cây kỳ cựu trong rừng truyền thống. Bác sĩ Wents giới thiệu một ngành Yoga với Âu châu rằng « chắc chắn không bao giờ Đông phương tặng cho Tây phương được một cái quà quí giá hơn quyển sách này, nó có một giá trị lớn về triết lý, tôn giáo cho người học khoa định thần Yoga » W.Y. Evant Wents (Le Yoga tibétain p.113).
Quyển sách nói trên đây là Epitome du grand Symbole, cũng gọi là trung đạo (Le chemin du milieu, tiếng Tây Tạng gọi là Umai Lam, p.119) tức chỉ trung hư của Hà đồ, vô vi của Lão, Thái hư của Phật. Tất cả nhắc lại con zero đã nói trên kia, một con zero tinh thần hay là tâm đạo mà tôi cho là viên thuốc duy nhất có sức chữa được bệnh trạng nhân loại hiện nay.
(Văn Hoá Á-châu 6, 1960)