Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây
Đây là cái thùng thủng trôn, có ba người bị kết án phải túc trực đổ nước cho luôn luôn đầy. Anh Tả bất đắc dĩ kín một ít nước thủng thẳng đổ vào, đồng thời dùng nhiều giẻ để chèn kín lỗ cho nước bớt thoát ra. Anh Hữu trái lại, kín những lọ nước đầy ăm ắp, rồi ào ạt đổ vào, nước xô nhau chảy mạnh khoét cho lỗ thủng mỗi lúc một toác thêm ra, anh lại đi kín về đổ cho đầy, lỗ lại to thêm, cái nhịp đi của anh trở nên con cửi mỗi ngày mỗi lao mạnh. Anh Trung ung dung không bịt lỗ thủng, nhưng thủng thẳng đổ nước vừa phải không để lỗ thủng mở hoác ra.
Câu chuyện trên là cốt để tả ba thái độ trước sự mưu sinh. Anh bên Tả tiêu biểu cho thái đột Diệt dục với chủ trương xuất thế, được thực hiện nhiều nhất trên đất Ấn: đời là biển khổ, khổ bắt nguồn tại chỗ ham sống, muốn diệt khổ thì con người phải diệt lòng ham sống, rút hẹp lại tới độ không « Je me réduis à zéro »” (Gandhi).
Anh Hữu tiêu biểu cho lối sống Đa dục, chủ trương nhập thế được thực hiện nhiều nhất bên Âu Mỹ. Nền văn minh đó được Bergson gọi là “kích dục” (aphrodisiaque). Có bao nhu cầu đều được thỏa mãn hết, hơn nữa còn tạo thêm ra nhiều nhu cầu mới mà thời trang là một ví dụ. Bên Madrid có hai phố người ta gọi là “thiên đàng các bà, hỏa ngục các ông!”. Nhưng thật ra chẳng cứ gì bên Espagne, ở đâu có đa dục thì ở đấy đều có những phố gọi được như thế cả. Đời sống chạy theo nhịp độ sốt rét.
Anh Trung là thái độ của nền văn minh Viễn Đông, quê hương của thư thái phong lưu nhàn tản. Thái độ chiết trung ở giữa diệt dục và đa dục, cho nên gọi là quả dục, chủ trương xử thế: không kích thích dục vọng, chỉ tiết chế cho có chừng mực. Về sau, nhất là từ đời Tống nho, có thiên về diệt dục, gây ra những lời phản đối chẳng hạn như của Đái-đông-Nguyên: Sách Lễ ký nói rằng: « Ẩm thực, nam nữ nhân chi đại tồn yên. Thánh nhân trị thiên hạ, thể cái tình của dân, thỏa cái dục của dân, mà vương đạo đủ… Đến sau khi cái thuyết lý với dục đã thành lập rồi thì phàm sự cảm xúc của những thường tình ẩn khúc, như đói rét, sầu oán, ăn uống, gái trai, đều gọi là nhân dục cả, không cho bàn tới. Ấy bởi sự phân biệt ra lý và dục, khiến khắp mọi người trong thiên hạ đều biến ra trá nguỵ cả. Cái vạ đó kể sao cho xiết » (Trần Trọng Kim, đoạn IV, câu 210). Lời trên đây có thể coi là phát ngôn nhân của Nho giáo đối với thái độ diệt dục, nhưng không phải vì thế mà tiên nho bênh đa dục. Trái lại các ngài biết rằng nếu dục vọng không được tiết chế thì đời sống trong xã hội sẽ trở nên cuộc tranh dành cướp giật, làm mất sự thư thái cao thượng, vì vậy mà chủ trương quả dục. Quả dục có thể hiểu là tiết chế dục vọng khiến cái dục ở trong phạm vi phải chẳng mà cũng có thể hiểu là tiết độ: sống một cuộc đời rút hẹp (parvo vivere), tức là một nhịp độ sống (train de vie) hiệu nghiệm nhất để giữ quả dục trong nội tâm. Ở đây chúng tôi muốn nói tới nghĩa quả dục thứ hai, tức là sống ít tiêu xài, để khỏi tìm kiếm nhiều. Nhân dục vô nhai, lòng tham loài người vô đáy, phải tìm phương sách dẹp bớt, để nói khỏi quá mức thường, một trong những phương thế là áp dụng mức độ sống ít nhu cầu. Để rõ ràng, xin bàn thêm trên ba bình diện: gia đình, quốc gia, và quốc tế.
Gia đình:
Ai cũng biết rằng hễ tiêu nhiều thì phải kiếm nhiều. Tổ tiên biết thế và thi hành xoay ngược lại, muốn khỏi kiếm nhiều thì tiêu xài bớt đi, sao cho giữ được thăng bằng trong chỗ chi thu xuất nhập. Khi muốn tiêu quá cái chỗ có thể kiếm thì một là phải đâm ra quỳ luỵ, như vậy mất độc lập tinh thần, hoặc xoay qua những xảo kế bất chính, lường gạt, gian dối; nhiều người vì thế mà bán rẻ phẩm giá của mình hay thanh danh gia tộc. Khi chữ liêm sĩ, tín nghĩa bị lạt phai thì con đường xuống dốc, có thể dẫn tới những thủ đoạn bất nhân tệ lậu hơn nữa.
Quốc gia:
Trong một nước mà đức quả dục không được đề cao, không được áp dụng bằng những phương pháp hữu hiệu, trái lại cho mặc sức đua sắm sửa, đua ăn mặc, thì người trong nước chóng trở nên một đám dành dật, tranh cướp của nhau, thế rồi không còn chi là nhân với nghĩa, không còn biết tương thân tương trợ là gì, như nhiều nước Thái Tây đã lâm phải trong nhiều thế kỷ trước. Chế độ tự do cạnh tranh đã khiến cho tài nguyên trong nước chảy dồn vào két một thiểu số may mắn, khiến cho đa số phải cực khổ. Thế quân bình mất, bầu khí trở nên nặng trĩu vì tranh thủ quyền lợi, mánh khoé, ranh mãnh. Ngày nay nhờ sự tranh đấu, thợ thuyền Âu Tây đã chiếm được một đời sống xứng hợp hơn cho phẩm giá con người, nhưng bao nhiêu đau khổ lại được trút lên đầu cổ những nước bị trị; những nước này tuy đã dành lại được chủ quyền chính trị phần nào, nhưng bao giờ mới ngoi ngóp tới chủ quyền kinh tế. Đang khi đó, nhiều nơi cứ cho nhập cảng bừa bãi lối sống đa dục của ngoại bang vào một cách vô ý thức. Không biết rằng các nước Âu Mỹ giàu hơn mình, ít nhất là mười lần, mà cũng vì cái sống đa dục gây nên chênh lệch như thế, phương chi ở những nước nhỏ nghèo, thấy người được ăn cũng xé chăn làm vó, vốn liếng cả nước chỉ có một cái chăn, mấy người đắc thế xé chia nhau cả thì còn gì đắp cho dân. Thế là cái đời sống khổ như con chó cái (trainer une chienne de vie) của thợ thuyền Âu Tây xưa cứ tràn vào các xóm bình dân ở xứ ta theo một tốc độ ghê sợ.
Quốc tế:
Khi thuyết tự do cạnh tranh tràn ra ngoài biên giới quốc gia thì gây nên những cuộc tranh chấp lớn lao tàn khốc. Từ những câu chửi nhau thậm tệ trên mặt Thái Bình Dương (người Hòa Lan chửi Anh là quân cướp biển, người Espagne chửi Pháp là chó biển…) cho đến những vụ tranh chấp nguyên liệu và thị trường, nổ long trời dậy đất ở hai cuộc đại chiến vừa qua, và tình trạng chia đôi thế giới làm hai khối hiềm khích mà nạn nhân đau khổ nhất là những tiểu nhược quốc. Tất cả ba trăm năm lịch sử khốc liệt vừa qua phần lớn là do lối sống đa dục gây nên nông nỗi. « Chúng ta đã hăm hở bao nhiêu để gia tăng thêm nhiều nhu cầu, thì nay chúng ta cũng phải sốt sắng như thế trong việc đơn giản hóa đời sống của chúng ta », hô hào câu đó Bergson đã tình cờ gặp thuyết quả dục của tiên hiền ta.
Cái đức truyền thống đó ta cần phải duy trì với tấm lòng thành kính, không những vì là một đức tính của tổ tiên trối lại, mà thật ra là một đức cần cho việc duy trì đất nước. Nhiều người ngoại quốc (tôi nghĩ tới ông Paul Mu strong quyển Sociologie dune guerre) khen ngợi dân Việt Nam ta với số tài nguyên tương đối eo hẹp, mà chịu đựng được một cuộc chiến giằng giai trong tám năm trường. Ở một số nước sống đa dục không thể chịu đựng được lâu như thế, nếu không có ngoại viện. Cũng chính đức quả dục đó đã là một yếu tố nền tảng cho việc giải quyết vấn đề di cư: « Ở bên chúng tôi với số viện trợ gấp lên mười chưa chắc đã giải quyết ổn thoả như vậy. Các ông nhờ có điều kiện sinh sống đơn giản nên lợi lắm »- Lời một người bạn Pháp nói với tôi.
Về phương diện văn hóa, nhờ áp dụng lối sống quả dục mà ta vẫn giữ được mức độ văn hóa cao. Đời sống đơn sơ, đi học cũng bớt tốn kém, có của thì rước thầy về nhà, những người chung quanh cho con đến học. Thầy sống đơn giản, sách vở rất ít, nhờ thế mà mỗi làng có hai ba thầy đồ là thường. Ai mời được là mời khỏi cần phép tắc chi hết. Nhờ thế mà mức độ văn học vừa cao vừa có tính chất đại chúng. Có giữ được quả dục là lá bùa hộ mạng, mới gây được bầu khí thuận tiện cho đời sống tinh thần ngóc đầu lên.
Đã có lệnh hạn chế xa xỉ phẩm cần phải tăng cường bằng những phương pháp hữu nghiệm, để sắc lệnh hay chỉ thị khỏi rỗng tuếch. Xa xỉ phẩm là một cám dỗ đầy quyến rũ thúc đẩy người trong nước đi mạnh vào đường đa dục làm gia tăng sự chênh lệch, an ninh trong nước vì đấy thêm nguy hiểm. Đã có đầy gương trong lịch sử: Đế quốc Roma hay sử Tàu cuối đời Hán, Minh. Khi những người quý phái đã coi khinh đức quả dục, sống trong xa hoa cực điểm thì đại chúng lâm vào bước lầm than khốn khổ, đấy là điềm báo hiệu cho sự tan rã sắp đến. Khi vua Louis XIV xây xong điện Versailles thì dân Pháp có đến hai triệu ăn mày (lúc ấy dân số chừng 10 triệu). Điện Versailles có thể coi là cái lò rèn máy chém chặt đầu Louis XVI.
Nước Egypte khi xây xong Kim Tự Tháp thì tình trạng dân chúng khánh kiệt, văn hóa sút hẳn xuống, báo hiệu sự tàn rụi đang tới chôn nền văn hóa xứ Ai Cập (xem Grandeur et décadence de civilisations, professeur Glough, Payot Paris). Tuy vậy còn để lại cho hậu thế một kỷ niệm của đời hùng cường xưa, chứ nước ta chỉ có 15 triệu dân mà hai triệu sống mạnh cái sống đa dục nhập cảng, thì khó thoát diệt vong, mà liệu sẽ lưu lại được kỷ niệm chi cho hậu thế?
Đang lúc nước nhà kiến thiết kinh tế độc lập, không gì cân bằng đức quả dục. Không thể đặt nhiều hy vọng vào ngoại viện. Cho tới nay chưa có nước hậu tiến nào nhờ được viện trợ mà kiến thiết nổi kinh tế độc lập (xem Révolte de l’Asie của Tibor Mende), chỉ có con đường cổ điển duy nhất là tự trông vào mình; toàn dân phải trải qua một thời thắt lưng kham khổ mới xây đắp nổi độc lập kinh tế. Ai trốn tránh, ai vinh thân phì gia, ai sống đa dục là thiếu bổn phận với nước. Các nước Cộng sản hy sinh đến cả nhân phẩm người dân để kiến thiết. Với ta quả dục là phương pháp hữu hiệu khỏi cần hy sinh phẩm cách con người. Đấy là nói trong phương diện kinh tế, phương chi trong phạm vi tinh thần người ta chỉ tìm thấy lòng vị tha trong đất những người quả dục hay diệt dục, ngoại giả chỉ tìm thấy có cá nhân chủ nghĩa, có lợi, có tiền, chỉ biết có giành giật nhau chứ động từ “cho” đã xóa khỏi từ điển từ khuya rồi.
Tái bút: Bài này được viết vào lối năm 1957. Quãng 1964 thì tôi gặp bài của W.Lippman xin in kèm theo đây. Quãng 1969 tôi đọc một tờ báo giới thiệu Lương Thấu Minh cũng nhận định về quả dục tương tự, nhưng không hiểu Lương tiên sinh lập luận ra sao, tôi vẫn chưa tìm được bài đó để đọc.
một hình ảnh con người
cho chế độ tự do dân chủ
Bài này của Waller Lippman đọc trong một buổi hội thường niên của nhóm triết học ở Pennsylvania 1942. Nó cùng chiều hướng tư tưởng với bài « quả dục » thế mà tác giả ở vào một nước giàu nhất thế giới. Để tỏ rằng đức quả dục là một đức tối yếu chứ không phải là một sự suy tư của những người nghèo tự tìm lẽ an ủi. Ngược lại với những người cho rằng vì quá đề cao quả dục mà Viễn Đông trở thành nghèo nàn, do đó họ mới khuyến khích đồng bào ta chạy theo đà « đa dục, kích dục » của Tây phương thì thực ra họ làm hại nước, mà công hiệu đầu tiên là khiến cho cái tệ công chức hối lộ thụt két càng ngày càng trở nên trầm trọng. Vì thế chúng tôi xin trích dịch ra đây để cho những ai đã mỉa mai đức quả dục có dịp suy nghĩ.
Hầu hết trong chúng ta đều cho rằng thời đại tiến triển đã bị ngừng đọng do hoàn cầu đại chiến 1914-1918 mà chúng ta thường coi như một biến cố ngẫu nhiên ngoại khởi do sự rủi ro. Thực ra đó chỉ là dáng dấp bên ngoài, còn căn do chính là vì nền văn minh chúng ta mắc bệnh rồi khi cuộc chiến 14-18 bùng nổ. Chiến tranh chỉ làm cho bệnh them trầm trọng hơn mà thôi. Do đó, chúng ta phải nhận rằng chính cơn bệnh ấy mới là căn cớ khiến không thể tái lập hoà bình để bắt đầu công việc trùng tu.
Những điều báo trước cơn bệnh tuy được thấy rõ trong cảnh điêu tàn sau chiến tranh, nhưng thực ra đã hiện hình lên trong sự con người cảm thấy như mất hứng, điều đó đã toả lan ra trước khi đại chiến bùng nổ, mọi người đều cảm thấy khó chịu, bất an, không hạnh phúc trong những năm trước khi tai hoạ xảy đến.
Nhà đạo đức tả tình trạng tháo thứ đó như nết xấu và tội lỗi. Nhà chính khách coi như sự bất bình vô kỷ luật. Nhà vật lý gọi là sự thiếu thích nghi lộn xộn, âu lo, xao xuyến bang quơ. Nhà Thần học miêu tả như là tâm trạng chối bỏ thần linh…
Tiếng nói khác nhưng tựu trung đều chỉ vào một sự: nghĩa là họ đều nói về con người đời mới chưa đạt tới sự hiểu biết để mà sống theo một tiết điệu đã tạo thành ra mình nên mình canh cánh hướng chiều về một cái chi mà không rõ.
Con người thời mới mắc bệnh vì không hiểu được tính bản-nhiên của mình nên để cho mình đoạ lạc ra một thứ người không thể nào sung sướng được. Không thể nào thiết lập được những thể chế tạo nên được an ninh và thư thái. Bởi vì nét đặt trưng nổi vượt của con người mới là vứt bỏ quan niệm cổ truyền về bản tính con người, bản tính đó theo các hiền triết thì tinh thần phải hướng dẫn tình cảm, phải là vua dục vọng. Ngược lại, theo quan niệm người nay thì lý trí không còn là đại biểu cho thiên lý trong con người để cai trị dục vọng, nhưng lý trí trở thành công cụ cho mọi ham muốn, và như Bernard Shaw nói, lý trí chỉ còn biết tính toán và xếp đặt sao cho theo được ý muốn của con người. Quan niệm tôn phong dục vọng làm vua đó càng ngày càng được chấp nhận như hình ảnh lý tưởng của con người hiện tại. Và người ta căn cứ trên đó để thiết kế nền giáo dục, cũng như triết lý, xã hội và luật lệ công dân. Thế giới hiện nay nằm trong quyền bính của những người được huấn luyện theo mẫu người đó được coi là khoa học và đi trúng với tính bản-nhiên con người, mà thực ra theo Truyền Thống và những chế độ then chốt, thì luôn luôn mở rộng nên chẳng bao giờ thoả mãn. Những dục vọng vô bờ đó trở thành một cực hình của Sisyphe càng ăn càng đói, càng uống càng khát, càng ăn vận lại càng trần trụi, luôn luôn tìm mà không gặp, đó là cái hành khổ con người. Con người nay thiếu hạnh phúc nên trở thành người nguy hiểm, vì chẳng bao giờ được thoả mãn. Cái bản tính trung thực của con người là tìm bình an trong một mức độ hợp lý thì đã bị bóp méo bởi dục vọng vô bờ bến nên không tìm ra được nơi an nghỉ nữa.
Tôi tin rằng đó là điều chúng ta cần phải tìm hiểu nếu ta muốn nắm được lý do bất bình đang lay chuyển thế giới. Con người không thể duy trì nền văn minh khi nó vứt bỏ cái văn hoá của nền văn minh, nghĩa là khi nó không còn suy nghĩ về chính mình và địa vị mình trong vũ trụ; khi nó đã không tự khuôn mình và con cái vào những kỷ luật đã truyền tụng tới mình từ những bậc tiên tri, hiền triết và những nhà lãnh đạo đã đem người Âu tây ra khỏi trạng thái man trợ.
Con người trần tục, tức con người chỉ biết nghe theo sự thúc đẩy của dục tình mà không thèm đếm xỉa tới một lý lẽ nào vượt trên những dục vọng đó – cái con người trần thế nhưng đang điều khiển thế giới chỉ biết có một điều tin tưởng là sự tiến triển trần tục: điều đó đi ngược hẳn lại tính chất trung thực của con người…
Như vậy quan niệm hiện đại về tiến bộ tự dấn thân đến vực thẳm thất bại.
Cho nên một nền triết lý không biết nhấn mạnh trên sự cần thiết phải hạn chế dục vọng thì sẽ làm cho con người còn mãi mãi khổ sở, còn mãi mãi bất lực thoả mãn mọi nhu cầu và mãi mãi đuổi theo một vật không bao giờ với tới.
Chúng ta luôn luôn rơi vào lầm lẫn dại dột không phải vì không biết những nguyên lý đích thực, nhưng vì trong giai đoạn này chúng ta không còn nhớ tới nữa. Nguyên lý đó là thế này: cái điều thiết yếu của con người không phải là sự thoả mãn mọi dục vọng, nhưn là lý trí phải đặt ra luật lệ và thứ lớp trên những dục vọng của nó. Đó là một chân lý về con người mà nếu trước không được khám phá ra thì tiền nhân tuyền dã của chúng ta đã không vượt qua khỏi trạng thái man rợ.
Và khi ta đưa mắt nhìn quanh thế giới bất kỳ nơi đâu, hễ con người buông lỏng chân lý đó để không còn thấy lý do ép buộc phải kiềm hãm dục tình thì lại trở lui về trạng thái man rợ.
Cái lý tưởng của con người Truyền thống không phải là sự tiến bộ chỉ nhằm gia tăng thoả mãn nhu cầu nhưng là một đời sống tốt đẹp. Theo đuổi đời sống tốt đẹp như Aristote tả lại thì không phải vun tưới cho mỗi cơ năng nhưng là ra mực thước cho mỗi cơ năng phát triển đến mức độ Trung dung, hoàng trung (golden mean) nhờ đó áp lực long ham muốn dầu có được truy nhận là tự nhiên và hợp lệ đi nữa cũng không bao giờ vô độ, nhưng được huấn luyện theo thực tại và được giữ ở mức độ chứ không bao giờ bị lên án…
Con người trần tục thời mới giũ bỏ mọi ràng buộc của truyền thống trở nên yếu nhược phải tìm sự bảo trợ và bảo đảm nơi chính phủ, vì hắn đã đánh mất đức tự tin tự chủ rồi. Bởi xét tới cùng tột thì đời sống tư riêng sẽ trở thành tháo thứ nếu không có đạo lý nào cắm mực cho dục vọng. Trong sự tháo thứ đó thì căn do là tại thiếu đức tự tin và tự an long bởi đức tự tin mà ra.
Thiếu tin tưởng vào mình, họ không thể tìm được nơi ẩn dật ở nội tâm để gây nên miền an lạc trong sự tĩnh mịch và suy niệm. Họ ra tìm bình an nơi đám đông và trở thành vô danh không còn tư cách đặc biệt nhưng là một con số bất kỳ nào đó trong đám đông vô hồ. Bị vật vờ trôi theo dòng của đủ thứ súc cảm, sợ hãi, hy vọng: những đám người đó không thể làm thành một xã hội. Họ chỉ còn là một lũ ô hợp như Toynbee nói, nó nảy sinh ra từ bên trong một nền văn minh, chứ không phải tự bên ngoài tràn tới. Họ là lũ ô-hợp bật rễ và bị xáo trộn phân tán đến nỗi dễ dàng nhường tự do và trí xét đoán của mình cho chủ độc tài để trở thành đoàn lũ hầu như vô tri vô ý thức và thế là xã hội Âu Châu tan rã biến dần thành nhóm man rợ có tổ chức, khiến cho đời sống những ai sa vào quyền bính của nó trở thành « nghèo nàn, trần trụi, u-mê và nông cạn ». The dissolution of western society ends in an organised barbarism, which males the lives of all who fall within it it « poor, nasty, brutily and short ».
Hậu quả đó chứng minh rằng bên trên mọi nhu cầu của con người, bên trên sự thoả mãn mọi cần thiết đó, trên cả vấn đề ăn uống, yêu thương, vui sống và dan giá, trên cả sự sống nữa, điều mà con người cần hơn hết là niềm thâm tín rằng nó phải vâng theo một kỷ luật của một đời sống có điều lý. Con người có thể chịu được bất cứ cái chi trừ sự cảm thấy mình tan ra mất hết tinh thần. Bao lâu con người còn được nâng đỡ bởi một kỷ luật vừa hợp lý vừa siêu việt trên những kích thích của dục vọng, thì nó còn sẵn long chịu sự thiếu tiện nghi, khó nhọc, nguy hiểm. Bởi đấy, với long tín ngưỡng người ta có thể tử vì đạo, còn khi thiếu tin tưởng thì chỉ một việc không được mời đi ăn đã cảm thấy như bị thương tích nặng. Con người đời mới được ít hạnh phúc quá; điều đó tỏ rằng phần đông con người đều lấy làm ngại thi hành những truyện khó khăn là cái duy nhất là cái duy nhất làm cho con người được hạnh phúc. Cho nên tôi tin rằng đây con người sẽ tạo dựng lại điều thiết yếu kia. Bởi chưng căn bản của một xã hội tốt không nằm trong thể chế và những bin-đinh (toà nhà), nhưng trong những con người làm nên những cái đó, hay đúng hơn, trong cái phần bản nhiên của con người, nơi ngự trị của lý trí đó. Cái phần đó không thể phá huỷ đi được và trong mọi người đã sinh ra thì đó chỉ là tái sinh.