Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020
Lời mở
Cuộc đời của mỗi người chúng ta là con đường dài vô tận, mà đoạn đường ở trần thế lại gồm nhiều chỗ sáng tối, khúc khuỷu hay bằng phẳng khác nhau, khiến chúng ta nhiều khi không biết phải đi như thế nào cho đến điểm cuối cùng, nhất là những đoạn đời đen tối với nhiều thất bại, thử thách, đau thương. Làm thế nào để vượt qua chúng và tìm ra được ý nghĩa cho đời mình?
Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết những lời an ủi rất sâu xa gửi linh mục Mai Lão Bạng đang bị tù vì tham gia Quang Phục Hội trong phong trào Đông Du: “Trời toan đại dụng nên rèn chí, Chúa giúp thành công tất có hồi. Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”[1]. Quả thật, đi trong những đoạn đường đầy bóng tối hay ánh sáng là lẽ tự nhiên của phận người, ta chẳng nên quá đau khổ hay vui sướng. Điều quan trọng là ta đi như thế nào và có tiếp tục bước đi hay dừng lại để chết chìm trong biển khổ cuộc đời hay chết ngất vì tiếng kèn đồng ca ngợi chiến công?
1. Dáng đi của con người
Mỗi người có những kiểu đi đứng khác nhau tạo thành dáng đi, và qua đó, người nhiều kinh nghiệm có thể đoán ra phần nào tâm trạng và cả cá tính của con người.
Chúng ta thường bước đi với những tâm trạng khác nhau. Có những lúc vui sướng, thành công như khi thi đỗ, bước chân ta nhún nhảy, nhanh nhẹn như chim sẻ, chim sáo, chỉ muốn mau chóng đi báo tin mừng cho cha mẹ, bạn bè. Nhưng khi gặp thất bại như làm ăn thua lỗ, bước chân ta nặng nề, chậm chạp như muốn kéo lê trên đường. Vì thế ca dao vẫn thường nhắc nhở:
Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây!
Người bước đi vội vã, thân người như lao về phía trước, đầu cúi thấp, mặt cắm xuống đất thường bị cho là kém cỏi, thấp hèn. Người bước đi chậm rãi, thân thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn về phía trước, hai vai giang rộng, đầu nghiêng nghiêng, mắt ngước lên trời thường bị cho là vênh váo, ngang tàng, kiêu căng, tự mãn. Người có bước chân dài, bàn chân giẫm đều trên mặt đất, mắt nhìn thẳng phía trước, đầu thẳng, lưng thẳng thường được coi là người chính trực, có năng lực, mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng khó tính, khó thuyết phục. Người có bước đi nhẹ nhàng, khoan thai, thanh thoát được coi là có văn hoá, được giáo dục kỹ lưỡng, còn người bước đi nặng nề, hấp tấp, ồn ào bị coi là kém học hành, thô lỗ, vất vả vì phải tranh sống ở chợ đời. Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp[2] đã mô tả bước đi gắn với tâm tính con người trong bài “Đi chùa Hương” như sau:
“Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu”
Nhiều gia đình không chú ý tập đi cho con cái ngay từ lúc còn bé nên nhiều người có dáng đi rất xấu. Nhiều cha mẹ không để ý đến vài tật bệnh ở bàn chân, đầu gối, xương hông của con cái và không sửa chữa kịp thời, nên lớn lên chúng cứ giữ mãi dáng đi bè bè “hai hàng chữ bát”, kiểu “đi vòng kiềng” hai bàn chân bước vòng vào trong, hoặc đi khập khễnh vì chân thấp chân cao, hoặc bước đi õng ẹo vì lưng không thẳng hay lắc hông quá đáng.
Nhiều bạn trẻ ngày nay học cách đi của những người mẫu thời trang trên sàn trình diễn catwalk như chuẩn mực. Dưới ánh sáng chan hoà, trong tiếng nhạc quyến rũ, trước bao ánh mắt ngưỡng mộ, những người mẫu nam nữ này quả thật có những bước đi tuyệt đẹp mà ta có thể học hỏi và thể hiện phần nào trong đời sống. Họ bước đi uyển chuyển, dáng đứng thẳng, thoải mái, mắt nhìn thẳng, không biểu lộ cảm xúc, không cười nói để khỏi kéo chú ý của khán giả về mình, bước đi không quá dài hay quá ngắn, cánh tay vung nhẹ theo chuyển động để tạo cảm giác thư thái. Người mẫu nữ đánh phần hông liên tục trong suốt thời gian di chuyển, với bước chân hơi dài hơn bình thường, gót chân chạm đất trước, rồi mới đặt toàn bộ bàn chân xuống mặt nền sàn như cách di chuyển nhẹ nhàng của con mèo, mũi chân hếch lên cao để đẩy trọng tâm cơ thể về phía trước, rồi dồn lực vào ngón cái để đi bước tiếp theo. Người mẫu nam đi những bước sải rộng, vai ngực đưa ra phía trước, tiếp xúc mặt sàn bằng cả bàn chân, không đánh hông để biểu lộ nam tính mạnh mẽ, dứt khoát[3].
2. Cách đi của dân tộc
Từ cách đi của từng người, người ta cũng nói đến cách đi của một dân tộc nếu nhiều người trong dân tộc đó được dạy bảo và thể hiện kiểu đi giống nhau. Qua đó, người ta cũng dự đoán tương lai của dân tộc qua cách đi đứng, làm việc của đa số người dân.
Người Đức, dù nam hay nữ, đều có kiểu đi mạnh mẽ, bước chân dứt khoát, sải chân dài, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, nét mặt hơi lạnh lùng chứng tỏ một dân tộc có kỷ luật, sống theo những nguyên tắc nhất định, cao thượng và tích cực. Người Hoa Kỳ, dù thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, văn hoá đa dạng, nhưng giống nhau ở sải chân vừa phải, dáng đi cởi mở, không cứng nhắc, ánh mắt thân thiện, không nhìn vào khoảng không trước mắt, nhưng nhìn thẳng vào người đối diện hay các sự vật chung quanh, đầu hơi nghiêng theo cử động, tay vung theo thân người chứng tỏ sự thân thiện, dễ gần, cởi mở, có óc thực tế và thích nghi dễ dàng.
Người Việt sau hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ nên đa số có dáng đi chậm rãi, hơi ngập ngừng như lo sợ trước tương lai bất định, hai bàn tay với các ngón tay thường nắm chặt như muốn khép kín vào mình và không muốn cởi mở với người khác. Đầu hơi cúi xuống đất, ánh mắt nhìn gần, vẻ mệt mỏi, chứng tỏ tầm nhận thức giới hạn, hướng đến những gì gần gũi với thực tế trước mắt, thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Nhiều người còn nhìn với đôi mắt láo liên, thỉnh thoảng nhìn lén người khác, chứng tỏ sự gian trá và thiếu trung thực. Hình như đời sống bon chen trong mấy chục năm gần đây đã làm người Việt chúng ta quên những bước chân mạnh mẽ, vững chắc của những người mở đất phương Nam, nhìn thẳng để đối đầu với bao hiểm nguy trước mắt và luôn cởi mở với muôn người, muôn vật nhờ biển rộng, sông dài, thiên nhiên hào phóng.
Cách đi của người Việt bằng những phương tiện giao thông hiện đại hình như mỗi ngày một tệ hơn so với thời còn phải đi bộ, đi thuyền, đi ngựa, đi xe. Nhiều người vượt đèn đỏ khi thấy đường hơi trống hay không có người cảnh sát giao thông, nhiều người đi xe máy, xe đạp nhưng lại leo vào làn đường dành cho xe hơi, hay người đi xe hơi với tốc độ chậm nhưng lại không chịu nhường đường cho xe khác, chứng tỏ họ liều lĩnh, xem thường luật pháp, ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Không thiếu người chạy nối theo đoàn xe, dù thấy đèn đỏ đã bật lên, chứng tỏ họ thường hùa theo đám đông để tìm tư lợi, không tôn trọng quyền ưu tiên của người đã chờ đợi trước mình. Khi đến đèn đỏ, một ít người cố len lỏi, luồn lách lên phía trước, dù họ thấy người khác đứng chờ, chứng tỏ họ là những người vô liêm sỉ, thủ đoạn, sẵn sàng cướp quyền lợi của người khác. Không ít người vì cố leo lên phía trước ở các giao lộ, nên dễ tạo nên nạn kẹt xe như ta thấy đang diễn ra trong các thành phố lớn hiện nay. Người ta cố vượt lên trước để được lợi một vài giây, nhưng lại bắt cộng đồng chờ đợi cả giờ đồng hồ với bao nhiên liệu tiêu tốn vô ích. Nếu muốn được thế giới tôn trọng, người Việt chúng ta phải học lại cách đi đứng cho đàng hoàng, lịch sự, khoan dung hơn.
3. Những người đi trong đêm tối
Kể từ khi biết suy tư, cách đây khoảng 200.000 năm, con người đã nhận ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là những vật thể phát ra ánh sáng, dù họ chưa phân biệt được ánh sáng mặt trời với ánh trăng vì ánh trăng phản chiếu mặt trời.
Nhiều nhà trí thức thời cổ đã nghiên cứu chiêm tinh học. Đó là những khoa học khởi đầu khi họ nhìn lên bầu trời với bao vì sao sáng, rồi so sánh chúng với mặt trời, mặt trăng để nhận ra rằng chúng có thể liên hệ đến những sự kiện xảy ra trên thế giới và có thể tác động đến nhân cách con người. Cho đến hôm nay, ta thấy rất nhiều người ở Tây Phương vẫn tìm đọc những lá số tử vi theo ngày tháng sinh của họ và cho rằng mình bị các sao như Bạch Dương, Cự Giải, Thiên Bình, Ma Kết, Kim Ngưu, Sư Tử, Thiên Yết, Bảo Bình, Nhân Mã, Song Tử, Xử Nữ, Song Ngư tác động.
Nhiều nền văn hoá chú trọng đến các sự kiện thiên văn như chiêm tinh học của người Hindu, Trung Quốc, Maya. Không ít người Việt Nam và người Trung Quốc hiện nay vẫn tin vào những lá số tử vi, vẫn cho cá tính mình thuộc một trong năm yếu tố: Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, và định mệnh đời mình bị chi phối bởi sao này sao nọ, căn cứ vào giờ ngày tháng năm sinh theo Âm lịch qua các quẻ bói trong sách Kinh Dịch.
Trong bài Tin Mừng kể chuyện giáng sinh của Đức Giêsu[4] chúng ta thấy rõ tính cách chiêm tinh qua câu hỏi của các đạo sĩ Đông Phương: “Vua Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Khi trình bày sự kiện ba nhà chiêm tinh phương Đông, Giáo hội Công giáo không cổ vũ niềm tin tưởng vào khoa chiêm tinh học, vì xét theo khía cạnh tìm kiếm tri thức, chiêm tinh học chỉ là giai đoạn khởi đầu của khoa thiên văn. 500 năm gần đây người ta thấy những ngôi sao vật chất xa vời không có mối quan hệ gì đến nhân cách con người hay đến những sự kiện xảy ra trong thế giới, nên chiêm tinh học bị coi là phản khoa học.
Chúng ta đừng tin những dự đoán của khoa chiêm tinh cũng như của khoa bói bài, coi chỉ tay, hay tin những bài giải lá số tử vi, giải ấn đền Trần của các ông thầy bùa, thầy pháp, hoặc nghe theo lời khuyên các nhà phong thuỷ, địa lý, như thể là những giải đáp cho định mệnh của đời mình. Tất cả có thể là những kinh nghiệm thu thập được từ hàng triệu bàn tay, mà bác sĩ Joef Ranald[5] đã quan sát để viết nên những sách chỉ tay của ông. Chúng có thể đúng, có thể sai đối với một số người. Tuy nhiên con người có tự do để quyết định cho đời mình và còn có ơn Chúa nâng đỡ mình, nên tin vào những dự đoán của chúng đều là mê tín dị đoan. Đó là ta chưa kể đến một số người trong bọn họ cộng tác với ma quỷ, nói ra vài điểm đúng trong quá khứ của con người, cố ý tạo nên niềm tin mù quáng để lợi dụng, khai thác.
Làm sao tìm ra được sự soi sáng của Chúa trên đường đời
Các đạo sĩ Đông Phương đã giới thiệu cho ta những phương cách để tìm được ý Chúa, sự soi sáng của Chúa và tìm được chính Chúa như thế nào, khi phải bước đi trên những đoạn đường tăm tối, đầy những thử thách, đau khổ, hiểm nguy.
Hội Thánh Công giáo giới thiệu 4 phương tiện mà Thiên Chúa thường dùng để bày tỏ ý muốn của Chúa trong đời ta.
Trước hết, đó là lương tâm của con người [6]. Chúa nói trong lương tâm để nhắc nhở ta điều đúng, điều sai, điều tốt, điều xấu. Dù rằng có những người, do hoàn cảnh giáo dục tồi tệ hoặc sống gắn bó với người xấu đã làm cho lương tâm của họ bị sai lạc. Nhưng tiếng lương tâm vẫn luôn luôn là lời của Thiên Chúa nhắc nhở để ta hành động như các đạo sĩ đã nghe theo tiếng lương tâm thúc giục họ lên đường.
Thứ hai là những biến cố cuộc đời và sự kiện thế giới [7]cũng có thể là những tiếng nói của Thiên Chúa trong cuộc đời ta, giống như các đạo sĩ nhìn những biến chuyển của các ngôi sao, lắng nghe được tiếng lương tâm mình và nhận ra tiếng Chúa mời gọi họ đi trong đêm tối để tìm về Đấng là nguồn mọi hiện hữu và điều khiển cả thế giới như các quà tặng họ hiến dâng. Thí dụ như một người tha thiết muốn đi tu làm linh mục, nhưng không có học vấn, không có sức khoẻ, cha mẹ lại già yếu, bệnh tật mình phải chăm lo… thì những yếu tố đó đủ để thấy Chúa chưa gọi người đó làm linh mục cho Ngài.
Phương tiện thứ ba mà Chúa dùng để dạy bảo ta là Giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này gồm những lời dạy chính thức của Giáo Hội, gọi là Huấn quyền [8], qua những văn kiện của các công đồng, những lời dạy bảo của các giáo hoàng, giám mục, linh mục. Nhưng mở rộng ra còn là những lời khuyên nhủ, kinh nghiệm của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người hiểu biết trong cuộc sống mà chúng ta phải vâng phục, tra cứu, hỏi han. Các đạo sĩ Đông Phương, khi thấy ánh sao dẫn đường biến mất, đã tìm hỏi những thượng tế và kinh sư Do Thái. Đó là tượng trưng cho giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội giúp ta khám phá ra ý muốn của Chúa trong đời mình.
Phương tiện thứ tư, chính xác nhất, rõ ràng nhất, là Thánh Kinh [9]. Thánh Kinh là những lời Thiên Chúa mạc khải, được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Các đạo sĩ chỉ tìm thấy câu trả lời chính xác nhất về nơi Đức Vua mới sinh, khi họ tra cứu sách tiên tri Mikha, đó là Bêlem, miền đất Giuđa. “Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài”[10]. Ngôi Lời ấy nay đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như các vị đạo sĩ và lắng nghe Người dạy ta qua cuộc đời của Người ghi lại trong Thánh Kinh, nhất là qua bốn sách Tin Mừng, ta sẽ tìm được ý rõ ràng của Chúa trong đời mình.
Bốn phương tiện ấy như đang mời gọi ta tiếp bước theo chân các đạo sĩ, trong những đoạn đường đen tối, những đoạn đường tràn ngập đau khổ, thất bại, mà nhiều khi ta chỉ muốn nằm nghỉ, muốn ngồi yên, không đi nữa. Nếu đứng dậy và đi tiếp, ta sẽ nhìn thấy ngôi sao lại hiện ra để dẫn ta gặp được chính Đức Giêsu là nguồn ánh sáng thật của đời mình, là lý tưởng cho đời ta. Từ đó, ta mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ để bước đi trong ánh sáng.
4. Đi giữa dòng đời
Mỗi ngày sống, từ khi thức dậy cho đến lúc nghỉ đêm, chúng ta đi giữa dòng đời với những việc phải làm, những người phải gặp, những vật phải dùng, tôi phân vân tự hỏi mình sẽ đi như thế nào?
Tôi sẽ không đi như những người mẫu thời trang với nét mặt lạnh lùng và ánh mắt xa xăm chẳng chú ý đến ai, chỉ để quảng cáo cho một sản phẩm vật chất của công ty nào đó họ mặc trên người. Tôi muốn bước đi dưới ánh mắt chan hoà yêu thương của Người Cha vô cùng tốt lành là Thiên Chúa. Ngài đang hiện diện cùng với anh chị em tôi, nên tôi không thể đánh mất chính mình để quảng cáo cho vật chất hay tìm danh tìm lợi và không được phép quên mọi người, mọi vật quanh mình, để yêu thương phục vụ họ như sứ mệnh Ngài đã giao phó cho tôi.
Tôi sẽ không đi như những khách du lịch đầy rẫy trên đường đời nhờ cuộc sống sung túc hiện nay. Họ sống vội vã để chạy thật nhanh từ điểm này tới chỗ kia chỉ để ngắm cảnh đẹp, thưởng thức món đặc sản, xem những di tích lịch sử hay văn hoá nổi tiếng, chụp hình selfie để khoe với bạn bè, tiêu phí nhiều tiền bạc, sức lực và cảm thấy hạnh phúc vì biết hưởng thụ cuộc sống! Nhưng vào buổi chiều tàn của cuộc chơi, họ lại cảm thấy buồn phiền, trống rỗng vì các thú vui ấy chẳng đem lại cho họ hạnh phúc thật sự như họ muốn kiếm tìm.
Tôi sẽ đi theo Đức Giêsu như một người hành khất, một tên ăn xin nhà Chúa, một tên ăn mày cửa Phật, một đệ tử Cái Bang[11] trong thời đại hôm nay. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới bằng tình yêu. Người đã sống như một người hành khất, đi lang thang nay đây mai đó, coi mọi nơi đều là nhà của mình, mọi người đều là anh chị em của mình, để làm thành đại gia đình của Thiên Chúa.
Người ăn xin tình yêu nơi con người vì muốn mở rộng trái tim của họ tới vô biên. Người loan báo Tin Mừng cứu độ cho kẻ nghèo khó, vạch trần những thói giả hình của nhóm Biệt phái đặc lợi đặc quyền, những sai lạc của nhóm Kinh sư trí thức, những kiểu đạo đức giả của nhóm thầy tu cuồng tín. Người chứng minh ơn cứu độ bằng cách chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, tha thứ cho tội nhân, xua trừ quỷ dữ tà ma, làm cho kẻ chết sống lại. Chính Người đã minh chứng “tình yêu đến cùng” của mình bằng cách tha thứ cho các kẻ đóng đinh mình, chết tủi nhục trên thập giá như một tên tử tội để đền bù tội lỗi cho muôn người và sống lại để đem muôn loài vào sự hợp nhất với Thiên Chúa.
Tôi muốn tham gia vào bang hội Hành Khất Kitô để sống và hành động giống như Người. Người là bang chủ, là thủ lĩnh, còn tất cả đều là đệ tử, là môn sinh của Người. Khi kết hợp thành một với Đức Giêsu, luyện thở theo Thần Khí của Người, tôi được truyền thụ những chiêu thức để sử dụng thanh gươm Lời Chúa, kỳ diệu hơn cả Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long Đao trong truyện võ hiệp Kim Dung[12]. Tôi được chia sẻ nội lực của chính Thiên Chúa để hành hiệp giang hồ, hàng ma phục linh, thứ tha tội lỗi, chữa lành bệnh tật, thậm chí cho kẻ chết sống lại như Người. Nhờ đó, tôi có thể đem lại nụ cười, niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những ai nghèo khổ, bệnh tật đang sống quanh tôi, như Đức Giêsu, vì được đi vào “con đường sự thật và sự sống” của Chúa Giêsu để sống mãi mãi với Người.
Đây không phải là con đường tưởng tượng, viển vông theo những mơ mộng hão huyền trong bộ truyện của các nhà văn như Kim Dung, Rowling[13]. Nhưng đây là một con đường nhỏ hẹp, tương đối khó đi, mà chúng ta được Đức Giêsu mời gọi dấn thân bước vào: “Hãy theo tôi”[14] và “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”[15]. “Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi”[16]. Nhà văn Nguyễn Bá Học gợi ý với chúng ta rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”. Lịch sử Giáo hội Công giáo đã chứng minh rằng nhiều người đã đi theo Đức Giêsu và đã thực hiện được những kỳ công đó.
Lời kết
Gặp được Chúa Giêsu như các đạo sĩ, chúng ta sẽ không còn cần nhờ đến ánh sao bên ngoài, nhưng sẽ bước đi trong ánh sáng của chính Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ nhắc nhở rằng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”[17]. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”[18]. Chúng ta sẽ toả sáng như Người vì “chúng ta làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”[19]. “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng”[20]. Chúng ta toả chiếu ánh sáng của Người trong đời mình để chia sẻ tin mừng cứu độ cho tất cả những ai ta gặp gỡ như các đạo sĩ Đông Phương.
————————————————————
Câu hỏi gợi ý
1. Bạn đang đi như thế nào trong đời sống thường ngày?
2. Bạn nhận xét người Việt Nam cần sửa đổi gì trong cách đi đứng hay chạy xe hiện nay?
3. Bạn chọn thái độ nào khi đi giữa dòng đời?
————————————————————
Chú thích:
-
Đây là 4 câu thơ của bài An Mai quân trong tập Ngục Trung thư của cụ Phan Bội Châu (1867-1940) dùng để an ủi linh mục Mai Lão Bạng (1866-1962) do Đào Trinh Nhất dịch từ bài gốc chữ Hán: “Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú, Bất thế phong vân đế chủ trương. Giả sử tiền đồ tận di thản, Anh hùng hào kiệt ngã dung thường”. Nhiều người thường nhớ hai câu cuối: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. ↑
-
Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) sáng tác bài “Đi Chùa Hương” vào tháng 8 năm 1934, khi ông mới 20 tuổi. Bài thơ được in trong tập thơ Ngày xưa, xuất bản năm 1935. ↑
-
x. Internet, xem các bài Bước đi trên sàn catwalk của BD Research.org hay Catwalk là gì? Những quy tắc vàng trong cách đi catwalk thời trang của Nrityanjali.org. ↑
-
x. Mt 2,1-12 ↑
-
Công trình của Bác sĩ J.Ranald bắt đầu từ năm 1918 đến năm 1933 thì hoàn thành và xuất bản với tựa đề bằng tiếng Anh là The Hand (Bàn tay). Sách được dịch ra tiếng Việt thành 3 cuốn. Có thể tìm đọc trên internet. ↑
-
x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Lương tâm, số 46, 1776-1802 ↑
-
x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Những con đường giúp con người nhận biết Thiên Chúa, số 31-49 ↑
-
x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Huấn quyền, số 85-87; 888-892 ↑
-
x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, mục từ Thánh Kinh, số 81, 101-141 ↑
-
x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 102 ↑
-
Cái Bang là một bang phái giả tưởng xuất phát từ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, người có công đầu trong việc xây dựng hình tượng bang phái này là tiểu thuyết gia Kim Dung. Theo các tiểu thuyết võ hiệp thì Cái Bang là một bang phái của ăn mày, có phạm vi trải rộng khắp Trung Nguyên, nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa, và được tôn danh hiệu là “Thiên hạ đệ nhất bang“. Trong hiện thực, từ này cũng thường được dùng để chỉ những người ăn mày. ↑
-
Kim Dung (1924-2018) là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này. Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 14 cuốn tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Tác phẩm nổi bật: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký. ↑
-
Harry Potter là tên của bộ truyện (gồm bảy phần) của nhà văn nữ nước Anh, J. K. Rowling. Bộ truyện viết về những cuộc phiêu lưu phù thuỷ của cậu bé Harry. ↑
-
x. Mt 4,19; 8,22; 9,9… ↑
-
x.Ga 8,12 ↑
-
x. 1Ga 2,6. Hành động “đi” được Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước, trình bày rất nhiều lần. 147 lần trong cuốn A New Concordance to the Holy Bible của King James, do ABS xuất bản năm 1974 ở New York. ↑
-
x.Ga 1,9 ↑
-
x. Ga 1,5 ↑
-
x. Ep 3,2-6 ↑
-
x. Ep 5,8 ↑