Phaolô Phạm Xuân Khôi
Bài 1: Nền Tảng của Tình Bạn
Làm sao một linh mục độc thân có thể dạy về tình yêu, phái tính, và sự liên hệ nam nữ?
Đó là câu hỏi mà một linh mục người Ba Lan, Cha Karol Wojtyla, đã đưa ra trong lời mở đầu của cuốn sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” mà Cha cho xuất bản năm 1960. Đây là một cuốn sách bàn về luân lý phái tính, và là kết quả của nhiều năm sinh hoạt với giới trẻ của Cha ở đại học Krakow, 18 năm trước khi Cha trở thành Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong thời gian làm linh hướng cho nhiều thanh niên thiếu nữ và các cặp vợ chồng trẻ và giúp họ đương đầu với những thách đố về tình yêu và tính dục, Cha Wojtyla đã có thể nhờ đó mà rút tỉa được nhiều kinh nghiệm về cá tính, quan hệ, và hôn nhân mà một giáo hữu trung bình không thể có được. Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm là kết quả của các kinh nghiệm mục vụ cũng như những suy tư thần học về tình yêu, phái tính và hôn nhân của Cha. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những đề tài quan trọng trong sách này cùng các bạn trẻ Việt Nam. Các bài viết này dựa theo bản dịch Anh ngữ của sách “Love and Resposnsiblilty” do Ignatius Press xuất bản, và các bài bình luận của Giáo Sư Edward P. Sri đăng trên nguyệt san Lay Witness trong những năm 2005 và 2006.
Một Đại Tác Phẩm
Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về các liên hệ nam nữ thật sự có khả năng thay đổi cuộc đời, và rất cần thiết cho thời nay. Lớn lên trong thời Hậu Cách Mạng Tính Dục, giới trẻ ngày nay đói khát những tư tưởng khôn ngoan có thể hướng dẫn các em trong những quan hệ nam nữ. Dù là độc thân, đang hứa hôn hay đã lập gia đình, chúng ta không những sẽ tìm thấy trong sách Tình Yêu và Trách Nhiệm một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn với cái nhìn của thế gian, nhưng cũng là một cái nhìn có ảnh hưởng tích cực đến cách chúng ta liên hệ với nhau.
Trong những bài ngắn này, chúng tôi có một mục đích khiêm tốn là làm cho những kiến thức trong tác phẩm triết học phức tạp này trở nên dễ hiểu đối với bạn đọc, và thêm vào đó những suy tư của riêng chúng tôi, với hy vọng giúp ích cho độc giả trong khi đọc về quan điểm của Đức Thánh Cha về tình yêu và phái tính, cùng áp dụng nó vào đời sống cá nhân của mình.
Nguyên Tắc Cá Nhân
Công tác chính của Đức Thánh Cha trong Tình Yêu và Trách Nhiệm là trình bày cái mà ngài gọi là “Nguyên Tắc Cá Nhân”. Nguyên tắc căn bản về các liên hệ giữa người với người là “một người không thể chỉ là phương tiện để người khác sử dụng để đạt được mục đích của họ” (trang 26). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ đối xử với người khác như những dụng cụ để chúng ta đạt được mục đích của mình.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng con người có khả năng tự định đoạt chứ không chỉ hành động theo bản năng và nhu cầu như súc vật. Nhờ lý trí, con người biết tự mình suy nghĩ và chọn lựa cách hành động của mình, và xác định cho thế giới bên ngoài biết “nội tâm của mình” qua những chọn lựa của mình. Đối xử với người khác như một dụng cụ để đạt được mục đích riêng là xúc phạm đến nhân phẩm của người ấy như một người có quyền tự quyết (xem trang 26-27).
Yêu Thương hay Sử Dụng?
Điều làm cho chúng ta khó mà sống được theo nguyên tắc này là tinh thần của chủ nghĩa sử dụng đang làn tràn khắp nơi trong xã hội hiện đại. Theo quan điểm của chủ nghĩa này thì việc tốt nhất cho một người là làm điều gì có lợi nhất cho mình. Và điều có lợi nhất cho tôi là làm cho tôi được sung sướng cùng thoải mái càng nhiều càng tốt bằng một nào cách đỡ khổ cực nhất. Người ta thừa nhận và nhấn mạnh rằng con người được hạnh phúc là nhờ khoái cảm. Cho nên tôi phải luôn theo đuổi những gì đem lại cho tôi sự thoải mái, lợi ích, bổng lộc, và tránh những gì làm tôi đau khổ, bất lợi hay thua thiệt.
Quan điểm lợi dụng này ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với nhau. Nếu mục đích chính của đời tôi là theo đuổi thú vui, thì tôi sẽ cân nhắc những chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn là chúng làm cho tôi vui nhiều hay ít. Cho nên nhiều người thời nay, kể cả nhiều Kitô hữu tốt, đánh giá một mối liên hệ dựa theo tiêu chuẩn là người kia ích lợi cho tôi thế nào trong việc đạt được mục đích của tôi, hoặc tôi được “vui thú” bao nhiêu khi gần người ấy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng một khi chúng ta đồng ý với những thái độ lợi dụng này, chúng ta bắt đầu coi người khác trong cuộc đời chúng ta như những vật dụng được dùng để làm ta vui thích (trang 37).
Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao ngày nay nhiều liên hệ bạn bè, “bồ bịch”, và ngay cả hôn nhân, quá mỏng dòn và rất dễ đổ vỡ. Nếu tôi đánh giá một người phụ nữ chỉ dựa theo việc nàng có lợi cho tôi hoặc tôi có tìm được những khoái cảm khi gần nàng hay không, thì liên hệ này không có nền tảng. Khi nào tôi cảm thấy không còn vui thú hay không còn có lợi khi gần nàng, hoặc tôi thấy một người phụ nữ khác có lợi cho tôi hay làm cho tôi thích thú hơn, thì nàng không còn giá trị gì đối với tôi nữa. Quan niệm này quá khác biệt với nguyên tắc cá nhân và còn khác hẳn với sự liên hệ của tình yêu chung thủy.
Tình Yêu và Tình Bạn
Trong khi bàn về tình yêu, Đức Thánh Cha đã nói đến ba loại tình bạn. Theo Aristotle thì có ba loại tình bạn dựa theo ba thứ tình cảm nối kết con người với nhau.
Trước hết là tình bạn vị lợi, là tình cảm dựa vào ích lợi hay việc dùng bạn bè trong sự liên hệ này. Mỗi người đều được một vài ích lợi nào đó từ tình bạn này, và mối lợi mà cả hai bên có đuợc từ liên hệ này là mối dây nối kết hai người. Thí dụ ông Công có một hãng xây cất ở Houston. Ông làm bạn với ông Đinh ở San Francisco vì ông Đinh bán cho ông Công một loại đinh đặc biệt với giá rẻ để xây nhà. Vì chuyện làm ăn, hai người thăm viếng nhau một năm hai ba lần, nói chuyện trên điện thoại và gửi điện thư cho nhau thường xuyên. Sau nhiều năm làm ăn với nhau, họ biết rõ gia đình cùng hoàn cảnh của nhau, và trở nên bạn thân. Nhưng điều làm hai người gắn bó với nhau chính là mối lợi mà họ nhận được từ tình bạn này.
Thứ hai là tình bạn dựa theo những niềm vui mà hai bên nhận được từ nhau. Một người coi bạn mình như người làm cho mình vui thích. Có thể hai người cùng thích một môn thể thao, một loại món ăn, một thứ âm nhạc, đi chơi cùng một nơi, hay thích đến cùng một hộp đêm…. Hai người có thể thật sự lo lắng và quan tâm cho nhau, nhưng điều nối kết hai người lại với nhau chính là niềm vui mà hai người nhận được khi gần gũi nhau.
Nền Tảng Mong Manh
Aristotle ghi nhận rằng tình bạn dựa trên ích lợi hay niềm vui là những tình bằng hữu căn bản, nhưng chưa hoàn toàn. Những tình bằng hữu ấy chưa hẳn đã là xấu, nhưng chúng rất mong manh và khó bền lâu được. Với thời gian, một người có thể đổi nghề và tình bạn không còn mang lại lợi ích cho nhau nữa. Thí dụ ông khi Công bỏ nghề xây cất, không còn mua đinh của ông Đinh nữa thì hai người sẽ bớt liên lạc với nhau, và tình bạn sẽ từ từ phai nhạt. Cũng thế, trong tình bạn vui chơi, nếu một người đổi sở thích hoặc di chuyển đi một nơi khác, hai người sẽ không còn gặp nhau thường xuyên, họ phải tìm bạn khác, và dần dần tình bạn cũng lạt đi. Đó là lý do tại sao tình bạn của giới trẻ thay đổi thường xuyên vì hoàn cảnh và sở thích của họ thay đồi.
Tình Bạn Đoan Chính
Theo Aristotle, loại tình bạn thứ ba là tình bạn hoàn toàn nhất. Có thể được gọi là tình bạn đoan chính vì hai người kết bạn với nhau không phải vì tư lợi hay thú vui mà vì cùng theo đuổi một mục đích: “Một đời sống tốt lành”, một đời sống đạo hạnh trong nhân đức. Trong hai loại tình bạn kia, người nào cũng tìm một lợi ích nào đó cho mình, còn trong tình bạn đoan chính, hai người theo đuổi một điều gì ngoài mình, vượt trên những tư lợi. Chính lợi ích cao thượng này nối kết họ lại với nhau trong tình bạn của họ. Cùng nhau cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp và khuyến khích nhau trên đường nhân đức, người bạn thật không để tâm đến việc mình được ích lợi gì qua tình bạn, mà chỉ để tâm đến điều gì tốt nhất cho bạn mình và cho việc cùng bạn theo đuổi một đời sống nhân đức.
Điều Gì Củng Cố hay Làm Hỏng Mối Tình Bằng Hữu
Từ những nền tảng trên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ cho chúng ta một phương thức để giúp cho tình bạn của chúng ta khỏi rơi vào chủ thuyết sử dụng. Ngài nói rằng chỉ có một cách duy nhất để con người không lợi dụng nhau là cùng nhau theo đuổi công ích, như trong tình bạn đoan chính. Khi một người thấy điều gì tốt cho tôi, và người ấy coi như điều ấy cũng tốt cho mình, “một mối liên hệ đặc biệt được thiết lập giữa tôi và người ấy: mối dây liên hệ về công ích và mục đích chung” (tr. 28). Mục đích chung này liên kết con người lại với nhau tận đáy lòng. Khi chúng ta không để ý đến công ích trong liên hệ với người khác, chúng ta không thể tránh được việc dùng người khác như phương tiện phục vụ mục đích riêng của mình.
Đặc biệt là trong hôn nhân, thường chúng ta dễ theo ý riêng, bắt chồng (hay vợ) và con cái làm theo chương trình, ý muốn và dự tính của mình. Nhưng theo Đức Thánh Cha, thì tình bạn chân chính, đặc biệt là trong hôn nhân, phải đặt một mục đích chung lên trên, và mục đích chung bao gồm sự kết hợp giữa hai vợ chồng, việc vợ chồng phục vụ lẫn nhau và giúp nhau nên thánh, sinh sản và dạy dỗ con cái.
Sở thích và dự tính riêng của mỗi người phải lệ thuộc vào lợi ích chung này. Hai vợ chồng phải tùng phục và nhường nhịn nhau vì ích lợi của con cái. Phải cố gắng đừng để cho chủ nghĩa cá nhân ích kỷ xâm nhập vào hôn nhân. Hai vợ chồng phải cùng nhau hành động nhắm đến mục đích chung này, và phải tìm cách dùng thì giờ, năng lực, và tài nguyên để đạt được các mục đích chung của hôn nhân.
Đức Thánh Cha giải thích rằng việc hai vợ chồng kết hợp với nhau trong công ích này sẽ bảo đảm việc người này không bị người kia sử dụng hay bỏ rơi. “Khi hai người khác nhau cùng chọn một mục đích chung cách ý thức, đìều này đặt họ ngang hàng với nhau, và tránh được việc một người phải phục tùng người kia. Cả hai… đều lệ thuộc vào điều tốt lành mà họ chọn làm mục tiêu chung” (tr. 28-29).
Không có mục tiêu chung này, mối dây liên hệ của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng một người sẽ lợi dụng người khác để thủ lợi hoặc tìm thú vui. Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày tầm quan trọng của những điểm nền tảng này trong việc phải xử sự ra sao với những quyến rũ về tình cảm và thể lý mà chúng ta thường gặp phải khi đương đầu với những người khác phái.
Bài 2: Vượt Lên Trên Thôi Thúc Tính Dục
Trong bài trước chúng ta đã bàn về “Nguyên Tắc Cá Nhân” là nguyên tắc cho rằng chúng ta không được đối xử với người khác chỉ như phương tiện để đạt được mục đích của mình. Chúng ta cũng thấy “Chủ Nghĩa Sử Dụng” làm giảm tình thân giữa người với người bởi vì nó đánh giá người khác theo ích lợi hay niềm vui mà chúng ta nhận được từ sự liên hệ với họ.
Có nhiều người lý luận rằng, vì yêu nhau, hai người có thể ăn ở với nhau như vợ chồng trước khi đi đến hôn nhân, và có thể dùng thân xác của nhau để làm cho nhau vui thỏa. Họ cho rằng làm như thế là chính đáng và cần thiết, vì đây là cách họ diễn tả tình yêu, đồng thời cũng để thử nhau xem có hợp hay không; cả hai đều trưởng thành, tự ý thỏa thuận với nhau, và cùng có lợi, mà cũng chẳng làm hại gì đến ai. Vậy thì tại sao làm như thế lại sai?
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ cho chúng ta thấy hậu quả của những quan hệ ấy: “Đến giây phút mà họ không còn thấy thích hợp với nhau, và không còn có lợi cho nhau, thì họ không còn gì để hoà hợp nữa. Không còn tình yêu nữa trong cả hai người hoặc giữa họ…” (tr. 39). Vì liên hệ kiểu này tùy thuộc vào việc người kia có làm được gì cho tôi, và như thế tôi không coi người kia như một “con người” mà chỉ như một dụng cụ. Bao lâu người ấy còn thoả mãn được tôi thì tôi yêu người ấy. Nếu chúng tôi không còn thoả mãn được nhau nữa thì “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi; tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”. Đức Thánh Cha so sánh việc trao đổi tính dục này với việc dùng người khác trong mãi dâm.
Giống Như Mãi Dâm
Thí dụ một thương gia có liên hệ tính dục với một cô kỹ nữ mỗi tuần một vài lần. Thương gia này muốn thoả mãn nhục dục mà cô này có thể cung cấp cho ông, còn cô kỹ nữ thì muốn có tiền mà ông có thể cung cấp cho cô. Cả hai đều có mục đích ích kỷ, và họ đã cùng nhau làm một hành động có lợi cho cả hai bên. Cả hai đều đạt được mục đích là thoả mãn ước vọng của mình. Nhưng việc gì sẽ xảy ra cho mối liên hệ này khi hai người không còn có ích cho nhau nữa, thí dụ người thương gia tìm được một cô khác mà ông ta thích hơn, hay người kỹ nữ tìm được một khách giàu có hơn?
So sánh như trên có vẻ quá đáng, nhưng có bao nhiêu liên hệ nam nữ hiện nay thực sự khá hơn trường hợp trên? Thí dụ một đôi thanh niên nam nữ trao đổi tính dục với nhau ngoài hôn nhân chỉ vì muốn thoả mãn những thèm khát xác thịt của nhau. Như trường hợp mãi dâm, người thanh niên muốn thoả mãn nhục dục, còn người phụ nữ thay vì muốn tiền thì cũng muốn thoả mãn nhục dục. Nghĩa là hai người muốn dùng thân xác nhau như món đồ để thoả mãn nhục dục của nhau. Có những người trao đổi tính dục vì những lý do khác, như tự ty mặc cảm, hoặc tỏ ra ta đây có thể chiếm đoạt được người khác, hoặc vì sợ mất người yêu nếu không chiều theo ý muốn của tình nhân. Có bao nhiêu cô gái đã mất trinh tiết vì sợ bị bạn trai ruồng bỏ? Có bao nhiêu chàng trai chỉ muốn ngủ chung với gái đẹp để tìm thú vui hay chứng minh sự hào hoa của mình? Tất cả không phải là liên hệ thương yêu thật sự, mà chỉ là lạm dụng lẫn nhau để thoả mãn xác thịt hay một ước muốn nào khác. Và như thế chẳng khác gì một loại mãi dâm được xã hội và luật pháp công nhận.
Một Hợp Đồng Tính Dục
Có thể nói cách nhẹ hơn thì đây là một “Hợp Đồng Tính Dục”: Anh có thể dùng em như một vật dụng làm tình. Anh có thể một ngày nào đó ở chung nhà với em, cưới em, và có thể có con với em, nhưng với một điều kiện là em phải luôn luôn làm anh thoả mãn về tính dục. Nếu em không còn làm anh thoả mãn nữa, hoặc em làm anh khó chịu nhiều hơn thoả mãn thì anh có quyền chấm dứt liên hệ. Em cho anh dùng em như dụng cụ để thoả mãn tính dục nếu anh cũng làm em thoả mãn. Hay khi em không đồng ý thì anh không được quyền, và phải có điều kiện này điều kiện kia…. Cả hai có quyền bỏ nhau bất cứ lúc nào nếu họ không còn thấy người kia làm cho mình thú vị nữa. Thường thì trong sự liên hệ này, người đàn ông được gọi là “người sử dụng” còn người phụ nữ được gọi là “kẻ bị dùng”, mặc dù họ có thể dùng chữ “yêu” và “được yêu” làm bình phong. Làm sao có thể có tình yêu chân thật khi không kính trọng nhau, không biết hy sinh cho nhau, và không muốn điều tốt cho nhau, mà chỉ muốn dùng nhau như đồ vật để thoả mãn nhục dục?
Nếu một cặp vợ chồng trước khi cưới đã có thói quen dùng nhau như dụng cụ tính dục, hay sống với nhau theo một hợp đồng tính dục, thì sau khi cưới cũng sẽ tiếp tục coi nhau như thế. Nếu người chồng coi người vợ như một dụng cụ làm cho anh được thoả mãn xác thịt, thì người vợ sẽ cảm thấy là mình bị dùng. Nếu người chồng không còn cảm thấy hứng thú với người vợ nữa, hoặc người vợ cảm thấy mình bị dùng nhiều hơn được điều mình muốn, thì cuối cùng họ sẽ ly dị.
Tình Trạng Thiếu Tự Tin, chứ Không Phải Tình Yêu
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ghi nhận rằng các liên hệ sử dụng chỉ đưa đến tình trạng sợ hãi và thiếu tự tin cho một hay cả hai người. Đây là dấu hiệu báo động cho một người biết rằng họ đang ở trong một liên hệ sử dụng, là họ sợ bàn về những vấn đề khó khăn với người yêu.
Một lý do mà nhiều cặp, dù đang hẹn hò, đính hôn, hay đã thành hôn, không bao giờ dám đưa những khó khăn ra bàn với nhau, vì tận đáy lòng họ biết rằng quan hệ giữa họ không có một nền tảng vững chắc, mà chỉ là cùng nhau chia sẻ lạc thú hay lợi lộc. Một người sợ rằng khi mà liên hệ giữa họ trở nên thách đố, đòi hỏi, hay khó khăn cho người kia, thì người ấy có thể bỏ đi. Chỉ có một cách duy nhất để bảo vệ sự liên hệ này là che đậy những khó khăn và giả bộ rằng sự thể không tệ như thế. “Cho nên tình yêu như vậy đương nhiên được hiểu là một sự giả vờ đã được vun trồng cẩn thận để che đậy một thực tại phũ phàng: thực tại ích kỷ,và loại ích kỷ tham tàn nhất, là lạm dụng người khác để cho mình được ‘vui sướng tối đa’” (tr. 39).
Đức Thánh Cha cho thấy cách mà những người trong loại liên hệ này đôi khi để cho người khác dùng mình để đạt được điều họ muốn từ liên hệ đó: “Mỗi người chỉ lo cho việc thỏa mãn sự ích kỷ của mình, và đồng thời cũng đồng ý phục vụ sự ích kỷ của người khác, bởi vì việc này có thể tạo dịp cho hai người được thỏa mãn, bao lâu cả hai đều thỏa mãn” (tr. 39). Trong trường hợp này, một người tự hạ xuống thành dụng cụ để cho người kia thỏa mãn ý định ích kỷ của mình. “Nếu tôi coi người khác như phương tiện và dụng cụ trong sự liên hệ với tôi, thì tôi cũng không tránh khỏi việc coi mình như thế. Và ở đây chúng ta làm ngược lại với giới luật yêu thương” (tr. 39).
Thôi Thúc Tính Dục
Tính dục là một trong những lãnh vực chính mà chúng ta có thể vô tình sử dụng người khác. Đức Thánh Cha bàn về bản chất của thôi thúc tính dục như sau:
Thôi thúc tính dục được biểu lộ qua khuynh hướng của con người là tìm người khác phái. Thôi thúc tính dục làm cho một người đàn ông chú ý đến những đặc tính thể lý và tâm lý của một người phụ nữ – thân xác, nữ tính – là những thuộc tính bổ túc cho nam giới nhiều nhất. Còn người phụ nữ thì cũng chú ý đến đặc tính thể lý và tâm lý của một người đàn ông – thân thể và nam tính – là những thuộc tính bổ túc cho nữ giới. Như thế thôi thúc tính dục được coi như là sự hấp dẫn về thể lý hay tình cảm của một người đối với một người khác phái.
Tuy nhiên, thôi thúc tính dục không phải là một sự hấp dẫn về nét đặc biệt về thể lý hay tâm lý của người khác phái cách trừu tượng. Thí dụ một người không phải chỉ bị thu hút bởi một cô gái “tóc dài” hay “tóc đen” cách trừu tượng, mà bị thu hút bởi một người phụ nữ – một người phụ nữ nào đó có tóc dài hay tóc đen. Cũng thế một phụ nữ không phải chỉ bị thu hút bởi nam tính nói chung, mà bởi một người thanh niên đặc biệt nào đó có những nam tính như can đảm, cương quyết, mạnh mẽ, và hào hoa phong nhã.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này để cho chúng ta thấy thôi thúc tính dục được quy hướng về con người như thế nào. Cho nên thôi thúc tình dục tự nó không phải là xấu. Thực ra nó có thể cung cấp một khuôn khổ cho một tình yêu chân chính nảy nở.
Nói như thế không có nghĩa là đặt thôi thúc tính dục ngang hàng với tính yêu. Tình yêu liên quan đến nhiều điều hơn là chỉ những phản ứng bộc phát thuộc về giác quan hay tình cảm, được thôi thúc tính dục tạo ra. Tình yêu chân chính đòi hỏi các việc làm của ý chí hướng về những gì tốt đẹp cho người khác. Đức Thánh Cha nói rằng nếu được hướng dẫn bằng một ý thức trách nhiệm lớn lao đối với người khác, thôi thúc tính dục có thể cung cấp “nguyên liệu” làm nảy sinh các hành động yêu thương.
Còn Hơn là Bản Năng của Thú Vật
Cần phải hiểu rằng những thôi thúc tính dục của con người khác với bản năng tính dục của xúc vật. Trong xúc vật, bản năng tính dục chỉ là hành động phản xạ, không tuỳ thuộc vào những suy nghĩ có ý thức. Thí dụ, một con mèo cái trong khi bị đòi hỏi không nghĩ rằng khi nào là thời gian tốt nhất, chỗ nào thuận tiện nhất, hay trong hoàn cảnh nào nó để thoả mãn tính dục, hoặc con mèo nào có thể là bạn tốt nhất. Con mèo chỉ hành động theo bản năng.
Còn con người không cần phải làm nô lệ cho những đòi hỏi tính dục nổi dậy trong lòng họ. Con người có thể chế ngự thôi thúc tính dục của mình thay vì để cho tính dục chế ngự mình (xem trang 50).
Thí dụ một thanh niên có thể cảm thấy bị hấp dẫn bởi một thiếu nữ. Có khi cảm giác này tình cờ xảy ra cho anh mà anh không khởi xướng. Tuy nhiên, sự hấp dẫn này có thể và phải lệ thuộc vào lý trí và ý chí của anh. Dù một người không luôn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho mình cách bộc phát trong phạm vi hấp dẫn tính phái, nhưng người ấy phải chịu trách nhiệm về những gì mình quyết định làm để đáp lại điều đang sôi sục trong lòng (xem trang 46-47).
Yêu Thương hay Sử Dụng?
Hãy nhớ rằng những thôi thúc tính dục làm cho chúng ta chú ý đến những đặc tính thể lý và tâm lý của một người khác phái. Nhưng mục đích cuối cùng của nó là hướng chúng ta đến một người nào đó có những đặc tính ấy, chứ không phải chỉ những đặc tính ấy. Như thế, việc biểu lộ những thôi thúc tính dục làm cho chúng ta phải lựa chọn giữa việc yêu và việc dùng người đó vì những đặc tính của họ.
Thí dụ anh Tài gặp chị Duyên ở sở làm và bị thu hút bởi vẻ đẹp và tính tình dễ thương của chị. Anh có thể chọn nhìn cao hơn cái phản ứng phái tính ban đầu, và anh không những chỉ thấy thân hình hay phụ nữ tính của chị, là những gì làm anh vui thích, mà anh có thể nhìn thấy chị như một con người, và đối xử với chị bằng một tình yêu vị tha. Nhưng anh cũng có thể chọn chỉ để ý đến thân hình và những đặc tính của chị làm anh vui thích. Khi chỉ để ý đến vẻ hấp dẫn và dễ thương của chị cùng những thú vui mà anh nhận được khi gần gũi hay nghĩ đến chị, thì anh khó lòng mà thật tình yêu thương chị như một người. Anh có thể đối xử tử tế hay thân mật với chị bao lâu anh còn tìm được một niềm vui nào đó nơi chị. Trên thực tế, khi chỉ tìm niềm vui cho mình, anh không yêu chị mà chỉ dùng chị.
Đức Thánh Cha cho rằng nếu mối tình của hai người nam nữ vẫn cứ nằm lỳ ở mức độ của những phản ứng phái tính ban đầu do thôi thúc tính dục tạo nên, thì mối tình này không phát triển thành một sự hiệp thông thật sự giữa hai người. “Theo lẽ tự nhiên thì thôi thúc tính dục trong một người luôn luôn hướng về một con người khác mà không tránh được. Nếu nó chỉ hướng về những đặc tính tính dục thì phải coi nó là một thôi thúc nghèo nàn và đê tiện” (tr. 49).
Đây là điều quan trọng đối với chúng ta trong việc giao thiệp hằng ngày với những người khác phái. Chúng ta phải rất thận trọng để tránh việc dùng người khác như dụng cụ cung cấp thú vui cho mình. Chúng ta phải tự hỏi mình rằng: Chúng ta phải làm gì khi cảm thấy những hấp dẫn tính dục với một người khác phái nào đó đang sôi sục trong lòng? Một người đàn ông phải chọn làm gì khi thấy vẻ đẹp thể lý của một phụ nữ? Một người phụ nữ phải chọn làm gì khi thấy mình bị hấp dẫn bởi một người đàn ông? Trong những giây phút như thế, chúng ta có thể chọn chú tâm đến những vui thú mình nhận được từ thân xác hay cá tính của đối tượng, và coi đối tượng như một dụng cụ để thưởng thức, và như thế chúng ta đi theo chủ nghĩa sử dụng. Hay chúng ta chọn vun trồng một tình yêu chân thành với người ấy bằng cách chú ý đến con người toàn diện của người ấy. Bằng cách có một cái nhìn vào con người thật sự, vượt trên những đặc tính thể lý và tâm lý, chúng ta mở cửa cho việc ước muốn điều tốt cho người kia như trong một tình bạn đoan chính và làm những hành động tử tế thật sự vô vị lợi, là những hành động không tuỳ thuộc vào việc người ấy làm cho mình vui thích nhiều hay ít trong liên hệ này.
Kết Luận
Trong mọi liên hệ phái tính, con người khác thú vật ở chỗ là chúng ta có thể lựa chọn và hướng dẫn thôi thúc tính dục của mình. Chúng ta có thể chọn yêu thương một người hoặc chỉ dùng người đó như một dụng cụ để thỏa mãn giác cảm. Và chúng ta chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của chúng ta. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng việc giao tiếp với những người khác phái đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao. “Chính vì lý do này mà những biểu lộ của thôi thúc tính dục trong một người cần phải được định giá trên bình diện tình yêu, và mọi hành động phát sinh từ đó tạo thành một dây xích trách nhiệm, một trách nhiệm yêu thương” (trang 50).
Bài 3: Tránh Những Thu Hút Chết Người
Một người thanh niên đang ngồi ăn trưa ở nhà hàng để ý đến một phụ nữ duyên dáng đang ngồi ở một bàn khác và bị sắc đẹp của cô thu hút ngay. Lòng anh rạo rực, và anh ao ước được thấy cô ấy nhiều lần nữa. Thật ra anh đã thấy cô nhiều lần vì hai người làm cùng hãng. Anh đã để ý đến cô vì tính tình niềm nở, nụ cười vui tươi và cách đối xử tử tế của cô với mọi người. Anh bị thu hút bởi cá tính của cô cũng như bởi vẻ đẹp của cô.
Những thu hút như trên xảy ra thường xuyên giữa người nam và người nữ. Đôi khi cảm nhận được rất nhanh: Một người đứng sắp hàng chờ lên xe tự nhiên bị thu hút bởi một người phụ nữ chỉ đi lướt qua. Một phụ nữ chợt thấy một người đàn ông đang cầu nguyện trong nhà thờ mà sau đó cứ nghĩ đến người ấy mãi. Đôi khi phải mất một thời gian dài mới cảm thấy: Hai người nam nữ cùng làm việc và đối xử với nhau nhiều năm như bạn bè, từ từ thấy nhau hấp dẫn cả về tình cảm lẫn thể lý.
Trong sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã mổ xẻ sự thu hút này. Điều gì thật sự xảy ra cho hai người nam nữ khi họ thấy bị thu hút bởi nhau?
Mổ Xẻ Một Thu Hút
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giải thích một số từ ngữ mà Đức Thánh Cha dùng. Ở mức độ căn bản, thu hút ai có nghĩa là được người đó cho là tốt (tr. 74). Trong khi đó, bị ai thu hút có nghĩa là tôi thấy người ấy có một giá trị nào đó (như sắc đẹp, nhân đức, cá tính,…), và tôi đáp lại giá trị ấy. Sự thu hút này liên quan đến giác quan, lý trí, tình cảm và ước muốn của chúng ta.
Lý do mà người nam và người nữ dễ dàng thu hút nhau bởi vì thôi thúc tính dục. Xin nhắc lại thôi thúc tính dục là khuynh hướng tìm người khác phái như đã trình bày ở Bài 1. Với thôi thúc tính dục, chúng ta đặc biệt hướng về những đặc tính tâm sinh lý của thân xác và nam tính hay nữ tính của một người khác phái. Đức Thánh Cha gọi những đặc tính tâm sinh lý này là “những giá trị phái tính” của một người.
Cho nên một người có thể bị một người khác phái nào đó thu hút cách dễ dàng bằng hai cách: thể lý và tâm lý. Trước hết, người đàn ông bị thân hình của một người đàn bà thu hút, và người đàn bà bị thân hình người đàn ông thu hút. Đức Thánh Cha gọi sự thu hút này là “quyến rũ nhục lạc”.
Thứ hai, một người đàn ông bị thu hút vì nữ tính của một người đàn bà, và một người phụ nữ bị thu hút bởi nam tính của người đàn ông. Đức Thánh Cha gọi sự thu hút về tình cảm này là “quyến rũ tình cảm”.
Cảm Giác và Nhục Lạc
Như chúng ta đã thấy, quyến rũ nhục lạc liên quan đến giá trị phái tính dính liền với thân xác của một người khác phái. Một quyến rũ như thế tự nó không phải là xấu bởi vì thôi thúc phái tính là phương tiện để lôi kéo chúng ta không những về phía thân xác, nhưng về phía thân xác của một người. Cho nên, một phản ứng nhục lạc ban đầu có ý đưa đến một sự hiệp thông giữa con người với nhau, chứ không phải chỉ giữa thân xác, và có thể được dùng làm chất liệu cho một tình yêu chân chính nếu nó được sáp nhập chung với những chiều kích khác của tình yêu như ý ngay lành, tình bạn, nhân đức, quyết tâm hy sinh (tr. 108).
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng quyến rũ nhục lạc, nếu để tự nó, có thể đưa đến những nguy hiểm lớn lao. Trước hết, “nhục lạc tự nó không phải tình yêu mà còn dễ trở thành đối nghịch với tình yêu” (tr. 108). Lý do mà nhục lạc có thể trở thành nguy hiểm vì nó dễ dàng rơi vào chủ nghĩa sử dụng. Khi mà nhục dục của chúng ta bị khuấy động, chúng ta có thể coi thân xác của người khác như “một dụng cụ để hưởng lạc”. Chúng ta hạ giá con người xuống theo những đặc tính thể lý, là vẻ đẹp và thân xác. Và chúng ta chỉ nhìn đến người khác theo những lạc thú mà chúng ta nhận được từ những đặc tính này.
Điều bi thảm nhất ở đây là ước muốn nhục dục, đáng lẽ quy hướng chúng ta về việc hiệp thông với một người khác phái, thì lại có thể cản trở việc chúng ta yêu thương người ấy. Thí dụ, một người đàn ông có thể suy nghĩ về thân xác của một người phụ nữ, hay đang tìm cách dùng thân xác người này làm phương tiện để thỏa mãn nhục dục. Và anh ta có thể làm như vậy mà không thực sự lưu tâm đến cô ấy như một con người. Anh ta có thể chú ý đến những giá trị phái tính của cô và những lạc thú mà anh được hưởng từ những giá trị ấy, đến độ sự quyến rũ nhục lạc hướng về thân xác của cô thực sự cản trở việc anh đáp lại giá trị của cô như một người. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha nói rằng nhục lạc, để tự nó, sẽ che mắt con người. “Nhục lạc tự nó có ‘khuynh hướng tiêu thụ’, nó hướng cách trực tiếp và lập tức về một ‘thân xác’: nó chỉ chạm đến con người cách gián tiếp, và có khuynh hướng tránh tiếp xúc trực tiếp” (tr. 105).
Thích Chôcôla?
Thứ nhì, Đức Thánh Cha nói nếu để tự nó một nhục lạc không những chỉ quên con người, mà còn không thể hiểu được vẻ đẹp thật sự của thân thể. Ngài nói rằng chúng ta có thể cảm nghiệm được cái đẹp thế nào qua chiêm niệm, chứ không phải qua sự thèm khát được dùng người khác đang sôi trào trong lòng chúng ta. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên, cảnh hoàng hôn, một bản nhạc hoặc một công trình nghệ thuật, người ta say mê vì cái đẹp. Chiêm ngắm cái đẹp đem lại bình an và vui mừng. Điều này khác hẳn với “thái độ tiêu sài” là muốn dùng một vật để hưởng lạc, một thái độ đem lại bất an, bồn chồn, và một ước muốn được thỏa mãn mãnh liệt.
Để làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin đưa ra một thí dụ điển hình sau. Có một lần tôi được xem những tác phẩm làm bằng chôcôla của một nghệ sĩ. Nghệ sĩ này trưng bày hàng tá những tượng hình tàu thuỷ, hoa quả, chim trời, các biệt thự và tháp. Điểm đặc biệt của những tượng này là tất cả làm bằng chôcôla màu nâu, đen và trắng. Trước những tác phẩm này tôi có thể có hai thái độ.
Một là tôi ngắm nghía các tượng này như những tác phẩm nghệ thuật, để chiêm ngưỡng những đường nét điêu luyện, những hình dáng tuyệt vời, những chi tiết tỷ mỉ mà người nghệ sĩ đã dùng đường và chôcôla mà làm ra, và trầm trồ khen ngợi kỳ công của người nghệ sĩ.
Hai là tôi có thể hoàn toàn bỏ qua diện nghệ thuật của các bức tượng này, và chỉ coi chúng như là những bánh kẹo ngon miệng để làm thỏa mãn sự thèm khát của tôi. Khi chọn thái độ này, tôi đã coi thường tất cả kỳ công của người nghệ sĩ, và hạ giá các tượng này từ những tác phẩm nghệ thuật xuống thành những bánh kẹo, hay những đồ vật, mà tôi có thể dùng để thoả mãn tính tham ăn và khẩu vị của tôi mà thôi.
Cũng thế, nhục dục, nếu để tự nó, nó sẽ không có khả năng coi thân xác con người như một công trình mỹ thuật của Thiên Chúa, vì nó hạ giá thân xác xuống thành dụng cụ được dùng để thoả mãn nhục dục. “Cho nên nhục lạc thực sự cản trở việc thưởng thức các vẻ đẹp, ngay cả vẻ đẹp của thân xác và cảm giác, bởi vì nó đưa ra một thái độ tiêu thụ đối với đối tượng: ‘thân xác’ được coi là một vật dụng có thể sử dụng được” (Tr. 106-107).
Michelangelô hay Playboy
Điều này cũng giúp chúng ta giải thích sự khác biệt giữa những hình ảnh khiêu dâm và những tác phẩm nghệ thuật cổ điển tốt đẹp trình bày thân hình không che đậy của một người. Cả báo Playboy và một số tác phẩm nghệ thuật ở Viện Bảo Tàng Vatican đều trình bày những chỗ kín của thân thể con người. Thực sự, có một số người trong kỹ nghệ khiêu dâm đã lý luận rằng các hình ảnh của họ chỉ là một hình thức nghệ thuật khác, trình bày vẻ đẹp của thân xác. Một số người bênh vực các phim ảnh khiêu dâm đã chất vấn rằng tại sao Hội Thánh lên án các hình ảnh khiêu dâm mà lại để cho những hình vẽ khỏa thân được trưng bày ở chính viện bảo tàng của mình!
Các hình ảnh khiêu dâm của báo Playboy chẳng hạn, không làm cho người ta chú ý đến vẻ đẹp của thân thể, mà chỉ lôi kéo sự chú ý của người ta đến những sự vật được dùng để thỏa mãn nhục dục của mình. Kết quả là chỉ đánh giá con người theo giá trị tính dục của thân xác. Ngược lại các tác phẩm nghệ thuật trình bày vẻ đẹp của thân xác mà không hạ giá con người, nhưng làm cho con người nên cao quý hơn, bằng cách dẫn chúng ta đến việc suy niệm về mầu nhiệm của con người như một kỳ công của việc tạo dựng của Thiên Chúa.
Các hình ảnh nghệ thuật tốt đưa chúng ta đến việc bình an chiêm niệm về chân, thiện, mỹ, kể cả cái chân, cái thiện và cái mỹ của thân thể con người. Còn hình ảnh khiêu dâm không đưa chúng ta đến chiêm niệm như thế, nhưng khuấy động trong lòng chúng ta những thèm muốn cảm giác nơi thân xác người khác như một vật dụng được dùng để thỏa mãn lạc thú của chúng ta. Nói cách khác, có bao nhiêu người chiêm ngắm bức hình ông Ađam và bà Evà của Michelangelô trong Nhà Nguyện Sistine mà sa ngã phạm tội, và có bao nhiêu người xem những hình ảnh khiêu dâm trong báo Playboy mà không phạm tội dâm dục trong tư tưởng?[1]
Làm Nô Lệ cho Nhục Dục
Lý do thứ ba mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quan tâm đến là nếu không kiềm chế được nhục lạc thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho tất cả những gì kích thích ước muốn thoả mãn nhục dục của chúng ta. Thí dụ, một người buông xuôi theo nhục dục cảm thấy ý chí của mình trở nên quá yếu đuối, nên chiều theo bất cứ một giá trị tình dục nào mà anh thấy cấp thời nhất. Khi gặp một phụ nữ ăn mặc cách nào đó, anh không thể tránh nhìn cô ấy với những tư tưởng dâm dục. Khi anh thấy hình ảnh phụ nữ trên truyền hình, trên Internet, hay trên những bảng quảng cáo dọc theo xa lộ, anh ta không thể nào tránh nhìn đến chúng đồng thời không thèm muốn giá trị tính dục của những người phụ nữ trên ấy, và muốn thưởng thức lạc thú mà anh có thể tìm thấy trong những cái nhìn của mình.
Đặc biệt là trong một nền văn hoá đặt nặng về tính dục như nền văn hoá của chúng ta, chúng ta bị tràn ngập hằng ngày bởi những hình ảnh khai thác nhục dục, làm cho chúng ta chú ý đến thân xác của những người khác phái. Dĩ nhiên là chúng ta dễ trở thành nô lệ, nhảy từ giá trị tính dục này đến giá trị tính dục khác mỗi khi chúng xuất hiện trước giác quan của chúng ta. Như Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã nêu lên, nhục lạc tự nó “có tính cách thay đổi, xoay qua bất cứ hướng nào mà nó có thể tìm thấy giá trị tính dục, bất cứ lúc nào mà ‘một đối tượng để hưởng lạc’ xuất hiện” (tr. 108).
“Tôi Có Thể Nhìn, Nhưng Tôi Không Thể Sờ Mó”
Hơn nữa, ở một trong những điểm sâu sắc nhất của phần này, Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng một người có thể lạm dụng thân xác người khác ngay cả khi người kia vắng mặt. Thí dụ, một người đàn ông không cần phải thấy, nghe, hay sờ mó một người phụ nữ, mà vẫn có thể khai thác thân xác cô ta để tìm khoái cảm. Qua trí nhớ và trí tưởng tượng, anh ta “có thể tiếp xúc ngay cả với ‘thân xác’ của một người vắng mặt, bằng cách thưởng thức giá trị của thân xác ấy nếu nó trở thành ‘một đối tượng có thể dùng được để hưởng lạc’” (tr. 108-109).
Chúng ta sống trong một nền văn hoá mà trong ấy nhiều người đàn ông tự nhủ, “Có những tư tưởng dâm dật về một người phụ nữ thì sai lỗi ở chỗ nào? Tôi không làm hại ai khi tôi làm thế!” Ngay cả một số người có gia đình cũng nghĩ: “Tôi không ngoại tình khi tôi nhìn người phụ nữ khác cách này. Tôi vẫn trung thành với vợ tôi. Tôi có thể nhìn, nhưng tôi không được sờ mó thì thôi”. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ lời cảnh cáo của Đức Kitô về vấn đề này: “Bất cứ ai nhìn một người phụ nữ cách dâm dật là đã phạm tội ngoại tình với nàng trong lòng” (Mt 5,28).
Đức Thánh Cha Gioan Phalô II đã giải thích cho chúng ta việc gì thật sự xảy ra khi một người đàn ông nhìn một người phụ nữ cách dâm dật, và tại sao chiều theo những tư tưởng dơ bẩn và những mơ ước tính dục luôn luôn là sai về mặt luân lý, và hạ giá người phụ nữ. Trong tâm trí của một người dâm dật, người phụ nữ bị hạ xuống bằng giá trị tính dục của thân xác người ấy. Anh ta đối xử với cô không phải như một người, mà như một thân xác để khai thác mà làm cho anh ta vui thú trong cái nhìn và trong tư tưởng của anh. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi người phụ nữ không có mặt, vì anh ta vẫn còn có thể tiếp xúc với thân xác của cô ấy để thỏa mãn nhục dục của mình trong trí nhớ và trí tưởng tượng của anh. Đây là chủ thuyết xử dụng thô bỉ – hoàn toàn khác với tình yêu chân chính.
Kết Luận
Để kết luận, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng nhục lạc tự nó không phải là tình yêu. Nó có thể trở thành “nguyên liệu’ cho việc phát huy một tình yêu chân chính. Nhưng sự thèm khát giá trị tính dục của thân xác này phải được bổ túc bằng những yếu tố cao thượng hơn của tình yêu, như là ý ngay lành, tình bằng hữu, nhân đức, một quyết tâm hoàn toàn, và tình yêu vị tha (là những đề tài sẽ được bàn đến ở các bài sau). Nếu nhục dục không được tháp nhập cách cẩn thận vào những yếu tố cao hơn của tình yêu, thì những thèm muốn nhục dục sẽ phương hại đến mối liên hệ. Trên thực tế, nó có thể tiêu huỷ tình yêu giữa đôi nam nữ, và làm cho tình yêu không nảy sinh được giữa họ.
Ghi chú:
[1] Đức Thánh Cha sẽ bàn luận về đề tài nghệ thuật và tranh ảnh khiêu dâm ở một bài khác trong Tình Yêu Và Trách Nhiệm. Trước hết, ngài nói rằng nghệ thuật trình bày diện tính dục của người nam và người nữ cùng với tình yêu mà họ dành cho nhau. “Nghệ thuật có quyền và có nhiệm vụ, để diễn tả cách thực tế, phải tái tạo thân xác con người, và tình yêu giữa người nam và người nữ, như trong thực tại, để nói lên toàn thể sự thật về họ. Thân xác con người là một phần tử chân chính của chân lý về con người, cũng như những phương diện cảm xúc và tính dục là những phần từ chân chính của chân lý về tình yêu con người” (tr. 192). Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nói rằng nếu chúng ta trình bày các giá trị tính dục một cách nào đó làm nó che mất giá trị chân chính của con người thì chúng ta đã trình bày sai lạc. Cũng thế, nếu chúng ta trình bày phương diện tính dục của liên hệ nam nữ một cách nào đó làm cho nó che mất tình yêu chân chính giữa hai người thì cũng sai. Đó là vấn đề đối với tranh ảnh khiêu dâm: Nó chỉ làm cho người ta chú ý đến diện tính dục của một người nam hay một người nữ bằng cách làm cho chúng ta không còn nhìn thấy giá trị thật sự của con người và chân lý đầy đủ của tình yêu. “Hình ảnh khiêu dâm là một khuynh hướng được đánh dấu bằng việc nhấn mạnh đến yếu tố tính dục, với mục đích khiến độc giả hay khán giả tin rằng chỉ có những giá trị tính dục là giá trị của con người. Khuynh hướng nay thật tai hại, vì nó phá hủy hình ảnh toàn vẹn của một phần quan trọng của thực tại con người, là tình yêu giữa người nam và người nữ. Vì chân lý về tình yêu của con người luôn bao gồm trong đó việc làm tái sinh sự liên hệ giữa con người, bất kể tầm vóc của quan hệ tình dục hiện ra trong liên hệ này. Cũng như chân lý về con người là họ là một người, bất kể giá trị xu hường về tính dục được tỏ ra trong dung mạo người ấy” (tr. 192-193).
Bài 4: Cảm Giác và Tình Cảm
Làm sao Người Tình Lý Tưởng của em lại lại tệ như thế?
Nhiều người trẻ đã có kinh nghiệm này là họ cảm thấy yêu thương một người mà lúc đầu xem ra rất lý tưởng, nhưng sau đó họ đã hoàn toàn thất vọng về người ấy, đã vỡ mộng vì sự liên hệ đó, và có thể còn vì thế mà họ còn thù ghét tất cả những người khác phái.
Trong sách Tình Yêu và Trách Nhiệm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi ấy là Cha Karol Wojtyla, đã giải thích tại sao điều đó thường xảy ra cho thanh niên nam nữ, và làm thế nào để chúng ta có thể tránh được tình trạng vỡ mộng này trong tương lai.
Còn Hơn Cả Thể Lý
Trong bài trước, chúng tôi đã bàn về một khía cạnh mạnh mẽ của sự thu hút giữa người nam và người nữ là lạc dục. Và chúng ta đã thấy sự hấp dẫn thể lý này thường biểu thị đặc tính mong ước dùng thân xác người khác như một dụng cụ để hưởng lạc thú.
Tuy nhiên còn một loại hấp dẫn khác vượt trên sự thèm muốn thân xác. Đức Thánh Cha gọi nó là “Tình Cảm”. Điều này còn mạnh mẽ hơn sự hấp dẫn về cảm xúc giữa hai người khác phái.
Thí dụ, một thiếu niên gặp một thiếu nữ, ngoài việc thấy cô bé xinh xinh, cậu còn thấy mình bị thu hút bởi nữ tính, tính tình thân mật và tử tế của cô, mà Đức Thánh Cha gọi là “vẻ duyên dáng” nữ giới của cô. Tương tự như thế, khi một thiếu nữ gặp một thiếu niên, cô không những nhận ra là cậu đẹp trai, mà còn có thể thấy mình mến phục cậu vì thanh niên tính, nhân đức, cách cậu cư xử, hay như Đức Thánh Cha gọi là “sức mạnh” nam tính của cậu.
Những phản ứng về tình cảm như thế đối với những người khác phái xảy ra rất thường xuyên. Chúng có thể phát triển từ từ giữa một người nam và một người nữ, hay có thể bộc phát ngay giây phút đầu tiên khi hai người gặp. Chúng ta có thể cảm nghiệm được tình mến đối với người phối ngẫu, với một người bạn đồng nghiệp, một người bạn lâu năm. Hoặc chúng ta cảm thấy như thế đối với một người vừa gặp trong một cuôc họp, một người lạ mà chúng ta gặp ở thương xá, và ngay cả một người tưởng tượng chúng ta thấy trên truyền hình.
Tình cảm có thể trở thành một trong những điều đưa chúng ta đến tình yêu chân chính. Nhưng nếu thiếu thận trọng, chúng ta sẽ dễ trở thành nô lệ cho tình cảm đến nỗi nó cản trở ngay cả tình yêu thương chân chính đối với những người khác.
Một Chiếc Tàu Đang Chìm
Tình yêu phải kết hợp các tình cảm của chúng ta lại với nhau. Theo nghĩa đầy đủ, tình yêu không có nghĩa là lạnh lùng, tính toán, hay lãnh cảm. Một người chồng nói với vợ: “Em ơi, anh yêu em. Tuy anh không có cảm tình gì với em, nhưng anh biết rằng anh quyết tâm yêu em”; đây không phải là tình trạng lý tưởng. Tình cảm của chúng ta phải theo kịp quyết tâm trung thành với người ta yêu, như thế mới làm cho mối dây liên hệ được chặt chẽ, và đem lại cho chúng ta một cảm nghiệm kết hợp với người khác sâu xa hơn (xem tr. 75). Như Đức Thánh Cha giải thích, “Tình yêu dựa theo tình cảm làm cho hai người gần nhau, nối kết họ lại với nhau, mặc dù có thể họ xa nhau về thể lý, nó làm cho người này xoay quanh quỹ đạo của người kia…. Một người trong tâm trạng này sẽ luôn luôn ở gần người mà họ có mối dây liên kết yêu thương” (tr. 110).
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lo ngại rằng con người thời này thường chỉ nghĩ về tình yêu theo xúc cảm. Sự lo ngại của ngài xem ra rất thích hợp với một nền văn hoá như nền văn hoá của chúng ta, mà trong đó các bài tình ca, các phim ảnh và các vở kịch tình cảm trên truyền hình đều kích thích các cảm xúc của chúng ta và làm cho chúng ta mong ước có những quan hệ tình cảm kỳ thú như quan hệ mà Tom Hanks và Meg Ryan có vẻ tìm thấy trong phim ảnh.
Thực ra, tình yêu chân chính rất khác biệt với “tình yêu Hồ Ly Vọng”. Tình yêu chân chính đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Nó là một nhân đức liên hệ đến hy sinh, trách nhiệm, và hoàn toàn quyết tâm trung thành với người kia. “Tình yêu Hồ Ly Vọng” chỉ là tình cảm. Nó là điều gì tình cờ xảy đến cho bạn. Trọng tâm của nó không phải là quyết tâm trung thành với người kia, mà là điều gì xảy ra trong lòng bạn, một cảm giác sung sướng mãnh liệt mà bạn cảm nhận được khi gần người kia.
Hiện tượng Tàu Titanic của cuối thập niên 1990 cho thấy biết bao nhiêu người đã bị ảo giác về “Tình Yêu Hồ Ly Vọng”. Hàng triệu thanh niên Mỹ xem đi xem lại cuốn phim này để cảm nghiệm mối tình mãnh liệt giữa hai nhân vật chính trong phim, một mối tình phát sinh giữa hai người thực sự không biết nhau, và không có một quyết tâm yêu nhau thật, nhưng lại được các khán giả cảm thấy là một thứ tình yêu lý tưởng có thể tồn tại suốt đời. Nên chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy nhiều liên hệ thật trên đời kết cục bị đắm tàu vì người ta học đòi một thứ tình yêu như thế.
Dĩ nhiên là cảm giác của chúng ta có thể và phải hội nhập trọn vẹn vào một tình yêu được phát triển hoàn toàn (một đề tài sẽ được khai triển trong các bài sau). Tuy nhiên, khi bị cảm giác lôi cuốn, chúng ta thường tránh né một vấn đề rất quan trọng tối cần cho sự bền vững lâu dài của một liên hệ, là vấn đề sự thật. Trước hết và trên hết chúng ta phải nghĩ đến sự thật về người khác và sự thật về phẩm chất của mối liên hệ của chúng ta với người ấy.
Tránh Né Sự Thật
Có một nguy hiểm khi dùng tình cảm để đo lường tình yêu là tình cảm của chúng ta có thể rất mê muội. Thực ra, Đức Thánh Cha nói rằng các cảm giác tự chúng là “mù quáng”, vì chúng không quan tâm đến việc biết sự thật về người kia. Như thế, các cảm tình của chúng ta mà thôi không phải là la bàn tốt hướng dẫn các liên hệ của chúng ta.
Ngài giải thích rằng chúng ta khám phá ra sự thật nhờ lý trí. Tôi biết 2 + 2 = 4 không phải vì tôi cảm thấy nó bằng 4. Tôi biết chắc sự thật này nhờ lý trí của tôi. Trái lại cảm tình của tôi lại không có bổn phận tìm sự thật.
Cho nên, cảm tình của chúng ta không giúp gì được trong việc hướng dẫn chúng ta nhìn thấy sự thật về người kia và sự thật về một mối liên hệ. “Tình cảm bộc phát, là sự thu hút mà một người cảm thấy đối với người khác thường bắt đầu cách bất ngờ, nhưng trên thực tế phản ứng này ‘mù quáng’” (tr. 77).
Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng khi chúng ta nghĩ đến những gì đã xảy ra cho tình cảm của chúng ta sau khi Nguyên Tổ sa ngã. Trước khi tội lỗi nhập vào thế gian, trí khôn con người có thể dễ dàng hướng dẫn ý chí để chọn điều tốt và hướng dẫn tình cảm của con người để hướng những đam mê của họ về điều thiện.
Tuy nhiên, sau khi sa ngã, trí khôn con người không còn nhìn thấy chân lý một cách rõ ràng nữa, ý chí bị suy yếu trong quyết tâm theo đuổi việc lành, và tình cảm của chúng ta không còn theo trật tự, nhưng bị thả lỏng để theo nhiều hướng khác nhau. Cho nên, giờ đây chúng ta cảm thấy bất ổn trong phạm vi tình cảm, và nhiều tình trạng lên xuống bất thường (yêu-ghét, hy vọng-sợ hãi, vui-buồn…) suốt đời chúng ta. Nhưng, tức cười thay, quan niệm hiện đại về tình yêu bảo chúng ta là phải trở về với “cảm giác” của chúng ta, nhìn thẳng vào giữa cảm tình lên xuống bất thường ấy, để tìm thấy một mẫu mực tình yêu bất khả ngộ. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy các liên hệ thời này thật là lộn xộn và bất ổn.
Có Phải Thật Sự Như Thế Không?
Hơn nữa, không phải là các cảm giác chỉ có công tác tìm sự thật, mà chúng còn có sức mạnh mãnh liệt đến nỗi chúng có thể làm lu mờ cách chúng ta suy nghĩ về một người. Đức Thánh Cha giải thích rằng khi chúng ta bị lôi cuốn bởi cảm giác, thì tình cảm có thể cản trở khả năng của chúng ta để biết người kia thật sự là ai.
Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong bất cứ sự quyến rũ tình cảm nào, câu hỏi về sự thật về đối tượng là điều quan trọng: “Có phải thật sự như thế không?” Chúng ta phải tự hỏi, “Người ấy có thật sự có những đặc tính và nhân đức đang thu hút tôi không?” “Chúng ta có thật sự tâm đầu ý hợp với nhau như tôi nghĩ không?” “Người ấy có thật sự đáng để tôi tin tưởng không?” “Có trở ngại gì trong mối liên hệ của chúng tôi mà tôi đang không nhìn thấy không?”
Tình cảm của chúng ta không đưa ra những câu hỏi quan trọng này. Trên thực tế, tình cảm thường tìm cách làm cho chúng ta tránh những câu hỏi này, đồng thời để lại cho chúng ta một nhận thức méo mó và thái quá về đối tượng.
“Đó là lý do tại sao trong bất cứ thu hút nào… câu hỏi về sự thật về người mà chúng ta bị thu hút rất quan trọng. Chúng ta phải để ý đến khuynh hướng tạo ra bởi toàn thể động lực của đời sống tình cảm, để đánh lạc hướng câu hỏi ‘Có phải thật sự như thế không?’ Trong những hoàn cảnh này một người không tìm hiểu xem người kia có thật sự có những giá trị rõ ràng trước cặp mắt thiên vị, nhưng chỉ là câu hỏi rằng cảm giác đối với người ấy có phải là một tình cảm thật sự hay không” (tr. 78).
Điều này không có ý nói rằng tình cảm là xấu. Nhưng không thể dùng nó làm tiêu chuẩn chính để phân biệt sự thật về người khác, hay để đánh giá cách rõ ràng một liên hệ.
Không Cân Xứng
Khuynh hướng bị tình cảm lôi cuốn và tránh né câu hỏi về sự thật là đặc tính của tình yêu theo cảm tình. Chúng ta có khuynh hướng thổi phồng giá trị của người mà chúng ta có cảm tình, làm nhẹ những sai lỗi của họ, và không đếm xỉa gì đến những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong mối quan hệ.
Ở đây, Đức Thánh Cha nói một câu tuyệt vời về việc cảm tình của chúng ta có thể kiềm chế nhận xét của chúng ta về người mà chúng ta bị thu hút mạnh mẽ: “Trong cặp mắt của một người đã quyết tâm có tình cảm với một người khác, giá trị của người yêu … lớn lên một cách kinh khủng, như là một quy luật hoàn toàn không cân xứng với giá trị thật của người ấy”.
Bạn đã nắm được điều này chưa? Đức Thánh Cha không nói rằng ở bước đầu của tình yêu theo tình cảm, chúng ta có thể đôi khi thổi phồng giá trị của người kia. Ngài nói rằng đó là một quy luật, chúng ta luôn làm như thế! Và ngài không nói rằng chúng ta có khuynh hướng thổi phồng giá trị của người ấy một chút. Chúng ta có khuynh hướng lý tưởng hoá giá trị của người ấy “một cách không cân xứng” so với con người thật của người ấy!
Cho nên, chúng ta phải bước vào mối liên hệ với đôi mắt rộng mở. Nếu chúng ta ngây thơ nói rằng chúng ta không lý tưởng hoá người kia một chút nào, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã trôi dạt xa thực tế đến đâu. Trong những giai đoạn đầu tiên của tình yêu này, nếu chúng ta nhận ra ngay ba hay bốn đặc tính mà chúng ta thích nhất ở người yêu, thì chúng ta cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng chúng ta dễ dàng rơi vào xu hường thổi phồng các đặc tính này. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Một số những giá trị khác nhau được gán cho người yêu, là những giá trị mà người ấy trên thực tế chưa chắc đã có. Đây là những giá trị lý tưởng, chứ không phải là giá trị thật sự” (tr. 112).
Tại sao chúng ta lại có khuynh hướng lý tưởng hóa những người mà chúng ta bị thu hút? Những “giá trị lý tưởng” là những gì mà tận đáy lòng chúng ta mong ước một ngày nào đó sẽ tìm thấy được ở một người khác. Chúng ở tận đáy của những mong ước, ước muốn, và mơ mộng của chúng ta. Khi chúng ta gặp một người có một chút hoá chất như thế, cảm tình của chúng ta có khuynh hướng nhớ ngay đến những giá trị lý tưởng này và gán chúng cho người ấy.
Dùng Người Khác Theo Tình Cảm
Khi nói về một người nam và một người nữ, chúng ta có khuynh hướng nghĩ theo nghĩa là người nam dùng người nữ để tìm thú vui nhục dục. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng một cặp nam nữ cũng có thể dùng nhau để tìm thú vui tình cảm. Một cặp nam nữ Kitô giáo đạo đức có thể có những liên hệ hẹn hò hoàn toàn trong sạch, nhưng vẫn có thể dùng nhau để tìm “cảm giác sung sướng” khi gần nhau, vì sự an toàn về tình cảm là có một người bạn trai hay bạn gái, hoặc niềm vui họ tìm thấy trong ngày cưới tưởng tượng với người ấy, và hy vọng rằng người ấy rốt cuộc chính là “người trong mộng này”.
Nếu tôi rơi vào tình trạng lý tưởng hoá theo tình cảm như thế, người yêu của tôi không thực sự là người nhận được sự trìu mến của tôi, mà người ấy chỉ là một dịp để tôi thưởng thức những phản ứng tình cảm mãnh liệt nổi dậy trong lòng tôi. Trong trường hợp này, tôi không thật sự yêu nàng vì nàng, nhưng tôi dùng nàng để được hưởng những cảm giác vui thú vì được gần nàng. Như Đức Thánh Cha giải thích, người yêu được lý tưởng hoá “chỉ trở thành dịp cho việc bùng nổ trong ý thức tình cảm của một người những giá trị mà người ấy hằng mong ước bằng cả tâm hồn được tìm thấy trong một người khác” (tr. 112).
Vỡ Mộng
Như vậy hậu quả bi thảm nhất của việc dùng tình cảm mà lý tưởng hóa người yêu là kết cuộc chúng ta vẫn không thực sự biết người mà chúng ta đang yêu. Thí dụ, một người có thể tìm cách gần gũi người mình yêu, bỏ rất nhiều thì giờ ra cho nàng, nói chuyện với nàng, có khi đi dự Thánh Lễ và cầu nguyện với nàng. Tuy nhiên, nếu anh lý tưởng hoá nàng, thì anh vẫn còn xa cách nàng, vì tình yêu mãnh liệt của anh đối với nàng không phải dựa vào giá trị thật sự của nàng, mà chỉ dựa trên những “giá trị lý tưởng” mà anh đã gán cho nàng.
Tình cảm thiếu kiểm soát này sẽ không tránh được kết thúc bằng việc vỡ mộng. Bởi vì khi con người thật không giống như người lý tưởng, thì tình cảm sẽ yếu dần, và chẳng còn gì để tình yêu dựa vào. Người yêu sẽ rất thất vọng đối với người được yêu (tr. 113). Như thế, dù hai người bề ngoài có vẻ gần gũi nhau về tình cảm, nhưng trên thực tế họ thật sự cách xa nhau (tr. 114). Hai người có thể vẫn không thật sự biết nhau cách riêng, mà có thể chỉ dùng nhau để được hưởng những thú vui tình cảm mà họ nhận được nhờ sự lý tưởng hoá như thế.
Bài 5: Hiểu cả Hai Bình Diện của Tình Yêu
Làm sao để một người biết tình yêu của mình là một tình yêu chân chính, trung thành hay chỉ là một mối tình lãng mạng không hy vọng đứng vững trước những thử thách của thời gian?Đó là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ đề cập đến trong phần kế tiếp của sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” khi ngài trình bày về hai bình diện của tình yêu.
Theo Đức Thánh Cha thì có hai bình diện của tình yêu, và hiểu biết sự khác biệt của hai bình diện này là điều tối cần thiết cho bất cứ liên hệ hôn nhân, đính hôn, hay hẹn hò nào. Một đằng, là những gì xảy ra trong lòng chúng ta khi chúng ta bị lôi cuốn bởi một người khác phái. Đằng khác là sự liên hệ của chúng ta đối với người ấy.
Khi một thiếu niên gặp một thiếu nữ, cậu cảm thấy trong lòng có một số cảm giác và ước muốn mãnh liệt. Cậu có thể bị vẻ đẹp của thân xác cô lôi cuốn về thể lý, hay nghĩ miên man về cô vì một hấp lực tình cảm. Động lực nội tại của nhục dục và tình cảm là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến việc hai người nam nữ đối xử với nhau, và là điều tạo ra mối tình lãng mạng rất kỳ thú cho hai người, nhất là ở những giai đoạn đầu. Đức Thánh Cha gọi diện thứ nhất này là diện “chủ quan”.
Tuy rằng đây là một bình diện của tình yêu, nhưng nó không thể được coi là tình yêu theo nghĩa đầy đủ. Chúng ta biết theo kinh nghiệm rằng chúng ta có thể có những tình cảm hay ước muốn mãnh liệt đối với một người khác mà không có thể quyết tâm với họ hoặc họ không thể quyết tâm với chúng ta trong một liên hệ yêu thương.
Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đặt diện chủ quan của tình yêu vào đúng chỗ của nó. Ngài đánh thức chúng ta dậy và nhắc cho chúng ta rằng dù những cảm giác này có mãnh liệt đến đâu đi nữa, thì chúng vẫn chưa chắc là tình yêu, mà chỉ đơn thuần là “một tình trạng tâm lý”. Nói cách khác, tự nó, bình diện chủ quan của tình yêu chẳng khác gì một cảm nghiệm thú vị đang xảy ra trong tôi.
Những cảm giác và ước muốn này không phải là điều xấu, mà chúng có thể phát triển thành tình yêu, và còn có thể làm thăng tiến tình yêu, nhưng chúng ta không nên coi chúng là những dấu chỉ không sai lầm của một tình yêu chân chính. Đức Thánh Cha nói, “Không thể chỉ dựa vào cường độ của cảm giác mà phán đoán giá trị của một liên hệ giữa con người…. Sự phát huy tình yêu phải đặt nền tảng trên thái độ hoàn toàn quyết tâm và chịu trách nhiệm của người này đối với người khác”; trong khi đó các cảm tình lãng mạn “được bộc phát từ những phản ứng giác quan và cảm quan. Một sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của những giác cảm như thế có thể che dấu một tình yêu đã không còn nảy nở được” (tr. 145).
Hướng Tình Yêu vào Trong
Các thanh niên nam nữ ngày nay dễ rơi vào ảo giác tình yêu này, vì xã hội hiện đại đã hướng tình yêu vào trong, bằng cách chỉ chú ý đến diện chủ quan. Trong bài trước, tôi đã viết về “Tình Yêu Hồ Ly Vọng” là loại tình yêu dạy chúng ta rằng nếu cảm giác của chúng ta càng mạnh mẽ thì tình yêu chúng ta cũng càng mãnh liệt. Tuy thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng còn có một bình diện khác của tình yêu và là bình diện tuyệt đối cần thiết bất kể cường độ của cảm giác hay ước muốn của chúng ta. Đó là điều mà ngài gọi là bình diện “khách quan”.
Bình diện này có một số đặc tính khách quan vượt trên những cảm giác thú vị mà tôi cảm nghiệm được ở mức độ chủ quan. Tình yêu chân chính liên quan đến nhân đức, tình bằng hữu, và việc theo đuổi công ích. Thí dụ như trong hôn nhân Kitô giáo, hai vợ chồng phải kết hợp với nhau để đạt được một mục tiêu chung là giúp nhau nên thánh, đào sâu sự kết hợp giữa hai người, và nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Hơn nữa, họ không phải chỉ chia sẻ với nhau mục tiêu chung này mà còn cần có các đức tính để giúp nhau đạt được mục tiêu ấy.
Đó là lý do tại sao bình diện khách quan của tình yêu vượt trên việc chỉ nhìn vào những cảm giác và ước muốn nột tâm của tôi nhiều. Nó còn hơn cả những niềm vui mà tôi nhận được từ liên quan này. Khi kể đến bình diện khách quan của tình yêu, chúng ta phải phân tích xem liên hệ giữa tôi và người yêu của tôi thật sự là loại liên hệ nào, chứ không chỉ đơn thuần là liên hệ này có ý nghĩa gì với tôi dựa theo những cảm giác của tôi. Người kia yêu tôi vì con người của tôi là ai hay chỉ vì sự vui thích mà người ấy nhận được từ sự liên hệ với tôi? Người yêu của tôi có hiểu điều gì thật sự tốt nhất cho tôi, và nàng có các đức tính cần thiết để giúp tôi đạt được điều ấy không? Chúng tôi có cùng nhau quyết tâm theo đuổi một mục đích chung, phục vụ nhau, và cùng nhau cố gắng đạt đến một ích lợi chung cao trọng hơn mỗi người chúng tôi không? Hay là chúng tôi thật sự chỉ sống cạnh nhau, chia sẻ tài nguyên, và đôi khi những giây phút vui hoan lạc với nhau trong khi mỗi người chỉ ích kỷ theo đuổi những toan tính, những lợi ích riêng của mình? Đây là ba loại câu hỏi để biết về diện khách quan của tình yêu.
Bây giờ chúng ta có thể thấy tại sao Đức Thánh Cha nói rằng tình yêu chân thật là “một sự thật giữa người với người”, chứ không chỉ đơn thuần là “một trường hợp tâm lý”. Một liên hệ mật thiết phải dựa vào các đức tính và tình bằng hữu, chứ không chỉ dựa trên những cảm giác thú vị hay những giây phút tươi đẹp bên nhau. Như Đức Thánh Cha viết: “Tình yêu như cảm nghiệm phải lệ thuộc vào tình yêu như nhân đức, lệ thuộc thật nhiều đến nỗi nếu không có tình yêu như nhân đức thì không có sự trọn vẹn trong cảm nghiệm tình yêu” (tr. 120).
Tình Yêu Hy Sinh
Một trong những dấu hiệu chính của diện khách quan của tình yêu là việc hiến thân. Đức Thánh Cha dạy rằng điều làm cho tình yêu hôn nhân khác các hình thức yêu thương khác (hấp dẫn, ước ao, tình bạn) là hai người “hiến mình cho nhau”. Họ không chỉ hấp dẫn nhau, chỉ muốn điều tốt cho nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người này hoàn toàn hiến mình cho người kia. “Khi tình yêu hôn nhân đi vào liên hệ giữa người với người thì sẽ phát sinh một điều gì còn hơn cả tình bạn: hai người tự hiến cho nhau” (tr. 96).
Nhưng ý tưởng về tình yêu tự hiến lại đề ra những câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để một người có thể tự hiến cho người kia? Tự hiến nghĩa là gì? Sau cùng, Đức Thánh Cha dạy rằng mỗi người hoàn toàn khác biệt. Mỗi người có tư tưởng riêng và ý chí tự do riêng. Chung quy là không ai có thể suy nghĩ cho tôi. Không ai có thể chọn lựa cho tôi. Như thế mỗi người là “chủ của chính mình”, và không thể cho người khác được (tr. 125). Vậy một người có thể “hiến thân” cho người mình yêu theo nghĩa nào?
Đức Thánh Cha trả lời rằng trong khi ở mức độ tự nhiên và thể lý, một người không thể hiến mình cho người khác, nhưng để yêu, một người có thể hiến mình bằng cách chọn giới hạn sự tự do của mình để kết hợp ý muốn của mình với người mình yêu. Nói cách khác, vì yêu, một người có thể mong muốn bỏ ý riêng mình để kết hợp với người kia. Như Đức Thánh Cha nói, tình yêu “làm cho một người chỉ muốn làm điều này là từ bỏ ý riêng của mình cho người kia, cho người mình yêu”.
Tự Do Để Yêu
Thí dụ trường hợp một người đàn ông độc thân lập gia đình. Như một thanh niên độc thân, “Thành” có thể quyết định làm điều gì anh muốn, làm khi nào, và làm thế nào thì tùy ý anh. Anh tự do đặt chương trình cho mình. Anh quyết định sống ở đâu. Anh có thể nghỉ việc và dời đi một nơi khác bất cứ lúc nào anh muốn. Anh có thể để nhà cửa bê bối. Anh có thể tiêu xài tuỳ ý. Anh có thể ăn, đi chơi, và đi ngủ khi nào anh muốn. Anh đã quen quyết định theo ý mình.
Tuy nhiên, có gia đình sẽ thay đội đời sống của Thành rất nhiều. Nếu Thành tự ý nghỉ việc, mua xe, đi nghỉ cuối tuần hay bán nhà thì chưa chắc vợ Thành đã đồng ý! Bây giờ Thành đã có vợ nên mọi quyết định đều phải là quyết định chung của hai người chứ không phải chỉ của Thành nữa, và phải quyết định thế nào để tốt nhất cho hôn nhân và gia đình của hai người.
Trong tình yêu tự hiến, một người ý thức cách rõ ràng rằng đời sống của mình không còn là của mình nữa. Người ấy đã nhường ý riêng của mình cho người mình yêu. Người đó không phải hoàn toàn từ bỏ các toan tính, mơ ước, và những gì mình ưa thích, nhưng phải đặt chúng vào một viễn cảnh mới. Chúng phải tùy thuộc vào vợ người ấy và các con cái mà họ có thể có từ cuộc hôn nhân này. Thành dùng thì giờ và tiền bạc hay thu xếp đời sống của Thành thế nào không còn là vấn đề chọn lựa riêng của Thành nữa. Gia đình Thành trở nên điểm quy chiếu cho mọi việc anh làm.
Đấy là vẻ đẹp của tình yêu tự hiến. Một người độc thân như Thành có quyền tự quyết, nghĩa là có thể thu xếp đời sống theo ý mình. Nhưng vì yêu, Thành đã tự do chọn lựa từ bỏ quyền tự quyết này, tự giới hạn sự tự do của mình, bằng cách quyết tâm hiến thân cho vợ Thành và những gì tốt đẹp cho nàng. Tình yêu mạnh đến nỗi thúc đẩy Thành hy sinh ý riêng của mình cho người yêu một cách sâu xa.
Thật ra, nhiều hôn nhân ngày nay sẽ trở nên vững chắc hơn nếu chúng ta hiểu và nhớ loại tình yêu tự hiến mà chúng ta đã đoan nguyền từ đầu. Thay vì ích kỷ theo đuổi những điều mình ưa thích hay mong ước, chúng ta phải nhớ rằng khi chúng ta đã thề hứa, chúng ta đã tự do chọn lựa từ bỏ ý riêng. Chúng ta từ bỏ vì yêu thương, vì ích lợi cho bạn đời và con cái chúng ta. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Hình thức yêu thương trọn vẹn và không nhượng bộ nhất chính là ở chỗ tự hiến, ở chỗ làm cho ‘tôi thành sở hữu của người khác’ mà không chuyển nhượng và không di dịch được nữa” (tr. 97).
Định Luật Tặng Quà
Giờ đây chúng ta đi đến mầu nhiệm lớn nhất của tình yêu tự hiến. Ở trọng tâm của món quà tự hiến này là một xác tín căn bản rằng trong việc hiến dâng quyền tự quyết của tôi cho người yêu, tôi nhận lại được rất nhiều. Bằng cách kết hợp với người khác, đời sống của chính tôi không bị thu nhỏ lại mà lại được phong phú hoá một cách sâu đậm. Đó là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “luật ekstasis” hay luật tự hiến: “Người yêu ‘đi ra ngoài’ bản ngã của mình để tìm sự hiện hữu trọn vẹn hơn ở người khác’” (tr. 126).
Tuy nhiên, trong một thời đại cá nhân chủ nghĩa rất thịnh hành, điểm sâu sắc này của Đức Thánh Cha có thể khó hiểu. Tại sao tôi lại phải ra ngoài bản ngã của tôi để tìm thấy hạnh phúc? Tại sao tôi lại phải quyết tâm với một người khác một cách quá đáng như thế? Tại sao tôi lại phải khước từ tự do muốn làm gì thì làm đối với cuộc đời của tôi? Đây là những câu hỏi của con người thời đại.
Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, đời sống không có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”. Nó có nghĩa là sự liên hệ của tôi – là làm tròn quan hệ với Thiên Chúa và với những người mà Thiên Chúa đặt vào đời tôi. Trên thực tế, đây là cách chúng ta tìm thấy sự thỏa mãn trong cuộc đời: bằng cách sống các sự liên hệ của chúng ta cho đúng. Nhưng muốn sống các liên hệ của chúng ta cho đúng, chúng ta cần phải hy sinh thường xuyên, phải từ bỏ ý riêng của chúng ta để phục vụ ích lợi của người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta khám phá ra một hạnh phúc khôn lường trong đời sống khi chúng ta tự hiến cách này, vì chúng ta đang sống cách mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta sống, là cách mà chính Thiên Chúa sống: trong một tình yêu hoàn toàn tự hiến và quyết tâm. Như một câu của Công Đồng Vaticanô II mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thích nhất là: “Một người chỉ tìm thấy chính mình qua việc thành tâm hiến mình thành món quà cho người khác” (Gaudium et Spes, số 24).
Câu này của Công Đồng Vaticanô II có thể áp dụng đặc biệt vào hôn nhân, là chỗ mà tình yêu tự hiến giữa hai người được coi là sâu đặm nhất. Trong việc quyết tâm yêu thương người khác trong tình yêu hôn nhân, tôi chắc chắn là phải giới hạn sự tự do “muốn làm gì thì làm” của tôi. Nhưng đồng thời tôi tự mở ra cho một sự tự do lớn lao hơn: tự do để yêu. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Tình yêu bao gồm một quyết tâm là quyết tâm giới hạn tự do của mình, là bỏ đi cái tôi, và tự hiến chỉ có nghĩa như thế: là giới hạn tự do của mình vì người khác. Giới hạn tự do của một người có thể được coi là một điều tiêu cực và không vui, nhưng tình yêu làm cho nó thành một điều tích cực, vui tươi và sáng tạo. Tự do hiện hữu vì tình yêu.” (tr.135).
Kết Luận
Trong khi những người theo chủ nghĩa cá nhân thời đại coi việc tự hiến trong hôn nhân như một điều tiêu cực và giới hạn, thì các Kitô hữu coi những giới hạn như thế là sự giải phóng. Điều mà tôi thực sự muốn làm trong đời là yêu mến Thiên Chúa, vợ con tôi, và những người lân cận tôi, vì tôi tìm thấy hạnh phúc trong những liên hệ này. Và nếu tôi muốn yêu vợ con tôi và hoàn toàn quyết tâm cho họ, thì tôi phải thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của những ý muốn ích kỷ của tôi, để chúng khỏi điều khiển đời sống tôi và cai trị gia đình tôi. Nói cách khác, tôi phải được giải thoát khỏi ách bạo tàn của “việc muốn làm gì thì làm”. Chỉ khi đó tôi mới được tự do sống theo phương cách mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi để sống. Chỉ khi đó tôi mới thật sự tự do và hạnh phúc. Chỉ khi đó tôi mới được tự do để yêu.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Viết theo: The Law of the Gift: Understanding the Two Sides of Love, Edward P. Sri, từ nguyệt san Lay Witness Sep/Oct 2005.