Truyện kể về Đức Giêsu qua sứ điệp loài hoa
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
(Bài chia sẻ của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn về đề tài: Tôi đã gặp Đức Kitô như thế nào trong đời tôi?)
Sứ điệp loài hoa là tên cuốn sách nhỏ, dày 48 trang. Mỗi trang chỉ có vài chục dòng kể về những bông hoa và sứ điệp của chúng gửi cho con người. Nhưng đối với riêng tôi, tập sách còn ẩn giấu câu chuyện về tình yêu và quyền năng mà Đức Giêsu muốn chia sẻ mỗi khi tôi gặp thử thách trong đời.
Vào tháng 8 năm 1990, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bảo tôi phải làm cái gì cho giới trẻ. Tôi hứa với ngài sẽ viết một tập sách nhỏ về các loài hoa. Tháng Giêng năm 1993, cuốn sách ra mắt lần đầu tiên và được các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận. 15.000 cuốn bán hết ngay trong tháng và tiếp tục in thêm 20.000 cuốn trong lần tái bản I. Đức Tổng Phaolô rất vui và ngài đã viết thư xin Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM cho phép tái bản lần II. Tuy nhiên, dù Đức Tổng Phaolô đã viết thư đến lần thứ ba để xin phép tái bản nhưng Sở Văn hoá Thông tin đã không trả lời.. Mãi sau này tôi mới hiểu, do bài viết về loài hoa bất tử nên tập sách đã bị liệt vào loại sách cấm.
Hè năm 1993, tôi gặp bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâu, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM. Bà mời tôi đến gặp người em rể tại một căn biệt thự ở đường Tú Xương. Ông bị tê liệt và đi lại rất khó khăn. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau khoảng 1 giờ. Trước khi ra về, ông tha thiết mời tôi trở lại vào 9 giờ sáng hôm sau, dù 15 giờ chiều ông phải đáp máy bay sang Canada. Hôm đó là ngày 12-6-1994.
Tôi trở lại thăm ông cùng với bà Lâu, dành 15 phút để xoa bóp cánh tay ông và xin phép được cầu nguyện cho ông. Sau vài lời kinh tôi nói với ông:
– Xin ông giơ tay lên.
– Ông ngạc nhiên nhìn tôi và nói: Cánh tay tôi đã chết từ 4 năm nay rồi. Tôi đã đi chữa ở hầu hết các nước XHCN và thậm chí ở vài nước tư bản, nhưng các bác sĩ đều bảo cánh tay tôi chết rồi.
– Tôi vẫn tha thiết xin ông giơ cánh tay lên.
Bỗng nhiên, ông giơ cánh tay lên khỏi đầu và làm đi làm lại mấy lần, đôi mắt mở to vì ngạc nhiên pha lẫn vui sướng. Rồi ông hỏi tôi:
– Tôi có thể làm gì cho linh mục?
– Thưa bác, tôi đến đây chỉ để cầu nguyện cho bác và không xin gì cả.
Ông quay sang hỏi bà Lâu:
– Tôi có thể giúp gì cho linh mục này?
Bà Lâu nói với ông rằng tôi phải lo in các sách cho toà tổng giám mục TP.HCM và từ mấy năm nay không được phép in cuốn sách nào, ngay cả việc tái bản cuốn Sứ điệp Loài hoa.
– Chị có cuốn sách đó ở đây không? Ông hỏi.
– Bà Lâu vẫn giữ cuốn sách nhỏ của tôi trong ví nên lấy ra đưa cho ông xem. Ông lật qua lật lại mấy trang, rồi bước tới bàn làm việc, cầm lấy điện thoại và gọi đến vài nơi. Ít phút sau ông nói với tôi:
– Xin linh mục cứ yên tâm. Chừng một tháng nữa khi ở Canada về, tôi hy vọng linh mục đã có phép in các sách như thế này.
Quả thật, hơn một tháng sau tất cả 30 cuốn sách trong kế hoạch in ấn năm 1994 của Toà Tổng Giám mục đã được cấp giấy phép xuất bản, trong đó cuốn Sứ điệp Loài hoa được tái bản với số lượng 20.000 cuốn và 10.000 cuốn song ngữ Anh-Việt (GP số 18-11/CXB, cấp ngày 16-01-1995).
Với sự can thiệp này, tập sách không còn bị liệt vào loại sách cấm và được phép tái bản nhiều lần sau đó. Chỉ riêng Toà Tổng Giám mục đã tái bản tới 5 lần và số lượng đạt 145.000 cuốn, không kể số sách in lậu của các nơi khác. Năm 2006, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giáo phận Đà Lạt, xứ sở của loài hoa đã nhờ anh Nguyễn Ngọc Hiệp làm cho tôi băng hình Sứ điệp Loài hoa với giọng đọc Anh-Việt của các nhân viên đài Chân lý Á Châu (Veritas in Asia-Philipphines) để các bạn trẻ vừa có những hình ảnh sống động của các loài hoa đẹp, vừa nghe được sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển đến qua đàn em thụ tạo của Người. Đây là quà tặng quý giá mà tôi không bao giờ ngờ tới trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Tác động của Đức Giêsu đối với tập sách nhỏ bé này như muốn thôi thúc tôi loan báo sứ điệp của Người không phải chỉ trên những loài hoa mà còn trong cuộc đời của mỗi người đang sống quanh tôi. Chính nhờ lời yêu thương và quyền năng Người đã tạo thành ta, cứu độ ta, thì cũng nhờ lời ấy, Người sẽ cho ta được tham dự vào thần tính của Người để ta thành loài hoa đẹp trong cánh đồng trần thế hôm nay.