Nào Đâu Bản Sắc Văn Hoá Việt

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
Trích từ tác phẩm “NÀO  ĐÂU  VĂN  HÓA”

” Làm một cái gì
cho dân mình ngóc đầu lên đi chứ”
                      Lm.Triết gia KIM ĐỊNH

MẶC CẢM VIỆT NAM

Đang thời kinh tế toàn cầu và truyền thông thần tốc không còn biên giới mà đi đề cao nét văn hóa Việt thì xem ra lạc lõng. Biết đâu nhiều khi đó chỉ là một hình thức mặc cảm, ra như mình cũng phải có cái gì khác biệt để vuốt ve tự ái dân tộc, mặc dù từ thâm tâm chẳng mấy xác tín!?

Vì thực ra, đà tiến bộ của thế giới ngày nay đã như kết tinh của nhiều nền văn hóa, qua nhiều gạn lọc và góp sức. Nét văn hóa nào mạnh thì thâu hóa được nhiều và giầu thêm. Nét văn hóa nào không cải tiến cho hợp cảm quan thời đại thì bị đào thải liền. Những tiếng như “dân tộc” đôi khi chỉ là chiêu bài thúc đẩy để đánh đấm, để “bế quan tỏa cảng” làm tụt hậu, đôi khi bị bóp méo theo một ý đồ phe phái chủ thuyết hay tham vọng cá nhân và trở thành mất nghĩa. Như đề cao thuốc dân tộc là điều tốt, nhưng cũng có thể vì mặc cảm chưa đủ sức thăng tiến theo tiêu chuẩn khoa học thuốc Tây. Rồi cái gì đến từ phương Tây lại bị coi là ngoại lai, đôi khi chụp mũ là phản dân tộc. Đang khi mình vẫn mặc sơ mi kiểu Tây, thích quần jean kiểu Mỹ, mê xe Toyota kiểu Nhật. Chả lẽ cứ phải cỡi trâu, để tóc búi tó, mới là yêu dân tộc, mới là đề cao nét văn hóa về nguồn, vì tổ tiên mình vốn cỡi trâu mà. Đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Chúa chả lẽ đều không phải là “dân tộc” vì đến từ Ấn độ, Trung Hoa và Do Thái sao? Hay đạo cứ phải quốc doanh thì mới phải là đạo của dân tộc? Vậy thì đạo nào là đạo của Tây, đạo nào là đạo của Ta; xe nào là xe Mỹ, xe Ấn, xe Tàu, xe Do Thái, xe nào là xe của dân tộc để chở sang bờ tâm linh? 

BIẾT ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT

Rõ ràng là mỗi dân tộc đều mang những nét văn hóa đặc sắc riêng, phát khởi từ trong máu, hãnh diện và tìm kiếm giá trị giầu có theo những chiều kích khác nhau. Dân Đức, dân Nhật có máu hiếu thắng ta đây phải đè đẹp thiên hạ, nên tiến bộ vênh vang, mê làm quên ngủ quên ăn, miễn là phải hơn, phải thắng. Máu Ý thì trọng nghệ thuật nên xem ra thích ăn nhậu lè phè hưởng đời mà sản sinh những tác phẩm vượt bậc. Máu Mỹ dòng chính Hồng Mao Anglo-Saxon thì ưa thực dụng thu quén cho lợi tức gia tăng. Máu Tàu cũng rất thực tế buôn bán giỏi. Máu Ấn và Tây Tạng lại thích siêu thoát hơn bon chen vật chất v.v. Bên nào hơn, bên nào kém? Đã đến lúc có thể dung hạp được cả đông tây làm nên nền văn hóa toàn cầu chưa?

Vậy còn máu Việt mang chất gì? Nhiều nhà xã hội và văn hóa Việt thường tìm cách chứng minh một điều: dân mình cũng ngon vì có gốc lớn, văn hóa mình cao tới bốn ngàn năm lẻ, người mình anh hùng yêu nước thắng được những thứ giặc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: giặc Mông Cổ, giặc nhà Thanh, giặc Tàu, giặc Tây, giặc Nhật, tiện thể thắng luôn cả giặc siêu cường Mỹ. Bây giờ nó thấy nước mình ngon lành, nó lại phải trở lại ve vãn đòi buôn bán với mình! Vậy là nước mình phải là đỉnh cao, là siêu đẳng, là nôi văn hóa, là điểm đến của thiên niên kỷ mới. Nước mình đẹp đẽ gấm vóc minh châu trời Đông, cộng đồng Việt Nam hải ngoại chói chang thành tích, không hơn thiên hạ thì ít ra cũng phải bằng!

Nhưng phải định rõ nét nào là nét văn hóa căn tính của mình thì lại là một vấn đề gai góc. Mỗi lần có buổi tụ họp người Việt thì thường có màn mặc áo thụng tế hương, lại thêm cái cổng tam quan cong cong lên một chút. Bọn trẻ nhìn vào chả thấy chi hấp dẫn. Các bà các cô thì phải mặc áo dài mới có dáng dấp Việt. Ai mặc đồ đầm thì ra như không bảo tồn nét văn hóa. 

Ngay chuyện ăn mặc, mãi cho thời phong trào Duy Tân khoảng năm 1915-1920, đàn ông con trai có hạng ra đường còn đội nón chóp và mặc áo dài, chân đi giầy hàm ếch. Sau đó thanh niên mới cắt tóc ngắn và mặc áo dài với quần tây trắng, đi giầy tây đánh xi đen bóng rất thời trang. Còn chiếc áo dài phụ nữ dáng dấp ngày nay thì mãi tới năm 1935 mới được họa sĩ Lê Phổ cải tiến, sau đó là kiểu cách tân Le Mur của Nguyễn Cát Tường.

Chiếc áo bà ba với chiếc khăn rằn rất tiện dụng và dễ thương của miền Nam mình, cứ tưởng là nét đặc sắc riêng, không ngờ lại phát xuất từ Mã Lai. Sơn Nam trong “Văn Minh Miệt Vườn” đã kể công ông Trương Vĩnh Ký người Cái Mơn thông minh hiền lành được các cố đạo gửi đi du học ở Penang bên Mãi Lai. “Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho Miệt Vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba.” (Nhà xuất bản Văn Hóa, trang 43) 

Bây giờ nhìn kỹ hơn và so sánh thì thấy chiếc khăn rằn của người miền Nam lại giông giống chiếc khăn rằn mà người Ả Rập Hồi giáo vùng Trung Đông quấn trên đầu. Thì ra rất có thể lớp dân Bà Ba ở Mãi Lai đã nhận ảnh hưởng phong tục của Hồi giáo khá thịnh hành ở đó.

Người mình vẫn tự hào về nôi sinh văn hóa trống đồng. Nhưng trên thực tế trống đồng đã bị chôn theo với trụ đồng khi Mã Viện muốn bẻ gẫy biểu tượng qui tụ của dân mình, chẳng còn thấy dấu vết gì mấy nơi phong tục hiện nay. Chẳng lẽ nét văn hóa lại chỉ như một nuối tiếc quá khứ kiểu người Ai Cập hãnh diện về các Kim Tự Tháp! Đang khi người ta vẫn còn thấy tục dùng trống đồng như tiêu biểu quyền uy và giầu có làm lễ vật cưới hỏi bên một vài hòn đảo của Nam Dương, và tục múa nhảy chiêng trống cồng vẫn còn sinh động nơi những nhóm người Mường dân thiểu số vùng Hòa Bình và tây bắc Ninh Bình.

[nextpage title=”CHUYỆN CÂY CẦU BOLSA Ở LITTLE SAIGON”]

CHUYỆN CÂY CẦU BOLSA Ở LITTLE SAIGON

Mùa hè 1996 báo chí Việt bàn cãi nhiều về vụ dự tính xây cây cầu vắt ngang qua đường Bolsa, nối khu Phúc Lộc Thọ với thương xá bên kia cho khu phố Việt ở quận Cam Nam Cali hấp dẫn và tiện dụng hơn. Nhưng câu chuyện đã ra rắc rối là vì nơi vẫn được mệnh danh là thủ đô tỵ nạn với cây cầu như biểu tượng mà ông chủ Triệu Phát là một nhà buôn người Tầu dám làm mô hình sặc mầu văn hóa Tầu để nộp đơn xin phép tại Westminster. Thế là dân Việt ta lên tiếng ồn ào, rằng như vậy là làm mất mặt dân một nước có tới mấy ngàn năm văn hiến! Ai cũng ra sức tranh luận rằng cây cầu phải mang nét tiêu biểu văn hóa Việt Nam, phải mang mầu sắc và hình dáng nước mình. Người thì bảo nét văn hóa Việt là Chùa Một Cột ở Hà Nội, nhóm thì bảo là Chùa Thiên Mụ ở Huế, và phải thêm Chợ Bến Thành như nét tình tự đặc sắc của Miền Nam. Mãi mà chẳng đến được một đồng ý chung nào cả. Thấy vậy ông nhà buôn Triệu Phát bèn tuyên bố một câu rất nhà buôn: “Chúng tôi là thợ may, quí vị muốn kiểu nào, chúng tôi sẽ may theo kiểu đó.”

Chỉ tiếc là mỗi người một kiểu thì ai mà theo cho nổi! Vả lại những người đặt may lại không có tiền nên khó có quyền ăn nói, phương chi là quyền sai bảo làm theo ý mình. Thế là cho chắc ăn, ông nhà buôn Triệu Phát tuyên bố không làm cầu nữa, khiến mọi người chưng hửng, mọi cuộc tranh luận bỗng tắt rụp tiu ngỉu như trái bóng bị xẹp hơi. Vì một sự thật rất hiển nhiên là chẳng ai nắm chắc hay đồng ý về thực chất nét văn hóa Việt Nam là gì; và đau lòng hơn nữa, mình cũng chẳng có một thứ “thực chất” cụ thể rất quan trọng làm đà tiến hóa là phải có tiền thì mới nhúc nhích được. Người có tiền đầu tư thì xây kiểu của người ta, mình có bàn mà đồng y cả thì người ta cũng chiều khách hàng mà xây theo ý mình và đặt tên Việt để mình được vuốt ve tự ái mà đến thuê tiệm do họ đầu tư xây cất và tiêu tiền cho họ có lợi, thế thôi. 

BẾ QUAN TỎA CẢNG NHÂN DANH VĂN HÓA 

Trong thời gian vua Minh Trị bên Nhật biết thức thời đưa nước Nhật tới tiến bộ theo kịp nền văn minh mới, thì ở bên Việt Nam, vua Minh Mạng lại nhân danh văn hóa dân tộc mà ra lệnh “bế quan tỏa cảng” không muốn giao dịch với “bọn mọi rợ” Tây phương:

“Các người ấy làm mê hoặc lòng dân và bại hoại phong tục. Như thế chẳng phải là cái tai họa lớn cho nước ta sao? Vậy ta nên ngăn cấm điều bậy bạ ấy, để khiến dân ta quay về với chính đạo… Cấm mở cửa biển cho tàu bè bọn mọi rợ vào, chỉ trừ Cửa Hàn.” (trích sắc lệnh năm 1836)

Cấm giao dịch với Tây phương nhưng lại thần phục và lệ thuộc nhà Thanh bên Tàu một cách triệt để, về hầu hết mọi phương diện. Từ văn hóa, tôn giáo đến thi cử. Rập khuôn kiểu Mãn Thanh y nguyên từ cách xây cung điện đến các lăng tẩm. Hệ thống luật pháp và hành chánh như đặt tỉnh, quan lại, phẩm phục triều đình, áo thụng trong các nghi lễ trịnh trọng, cũng giống y như nhà Thanh. Thậm chí ra lệnh cho đàn bà phải mặc quần theo kiểu Tầu, chứ trước đó đâu phải vậy. Vua quan thì có quyền có nhiều thê thiếp mà vẫn được coi là thuần phong mỹ tục theo “chính đạo.”

Nhà Thanh đã dùng luật pháp cứng rắn để cai trị Hán tộc khi chiếm được trọn vẹn Trung Quốc. Nhà Nguyễn lại rập khuôn như vậy, vì đó là hệ thống bảo vệ ngai vàng vững chãi nhất. Nào ngờ đâu lại đưa nước mình đi theo nhà Thanh cũng đang trên đà rơi xuống vực thẳm mà vẫn tưởng mình là trung quốc đỉnh cao loài người.

Rập khuôn văn hóa và đường lối của nhà Thanh mà lại bảo là nét văn hóa dân tộc! Chính những chọn lựa sai lầm này đã làm cho nước Việt thụt lùi lại biết bao trước đà tiến hóa về khoa học và kỹ thuật của nhân loại vào đầu thế kỷ 19. Chứ ít ra biết ngoại giao khéo như Thái Lan thì cũng đâu đến nỗi.

Vua Gia Long rất có thiện cảm với người Tây phương. Có thể nói, nhà Nguyễn xây được cơ đồ cũng nhờ vào sự mở cửa liên hệ này. Thế nhưng tại sao sau khi vua Gia Long băng hà, thì vua Minh Mạng lại “phát hiện” ra tụi Tây là “quân mọi rợ,” để rồi đưa đến sụp đổ nhà Nguyễn và làm cho nước nhà phải cúi mặt nhục nhằn thua thiệt các nước như ngày nay? 

Câu trả lời được tìm thấy phần nào nơi bức hình vẽ hoàng tử Cảnh được treo trang trọng trong phòng khách chính của Hội Thừa Sai ở Paris bây giờ. Dưới hình vẽ có hàng chữ đề: “Vị hoàng tử nối ngôi của Việt Nam, Nguyễn Cảnh, tám tuổi, vẽ ở Versailles. Sinh năm 1779 và qua đời năm 1801.”

Nhìn bức hình này, ai cũng nhớ lại việc vua Gia Long đã tín cẩn trao hoàng tử nối nghiệp mình cho giám mục Bá Đa Lộc đỡ đầu đưa sang Âu Châu, tạo nhiều thiện cảm liên hệ hỗ trợ rộng của nhiều nước, và có dịp chu du mà mở tầm mắt nhìn những tiến bộ của thế giới, để mai kia lên làm vua thì Việt Nam có cơ may phát triển. Khi lên ngôi, vua Gia Long đặt cả một số quan người Tây trong triều đình. Sách sử Trần Trọng Kim kể tên rõ ba ông quan Tây là Chaigneau, Vannier và Despiau. Chính vua Gia Long đưa và rước người Tây vào Việt Nam nhằm mở rộng phát triển mà, chứ sao một số người cứ mặc cảm cho rằng chơi với Tây là vọng ngoại, là làm cớ cho Tây dòm ngó chiếm nước mình. Như thế, nhà vua còn đi trước cả Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật nữa. Và như vậy thì Việt Nam mình bây giờ đâu đến nỗi!

Thế nhưng sự việc lại xẩy ra khác. Hoàng tử Cảnh đã chết non khi mới được 22 tuổi, kết thúc mà cũng khởi đầu cho một tấn bi kịch tranh chấp giữa hai khuynh hướng: phe bảo thủ nghiêng về ảnh hưởng Tàu, và phe mở cửa cầu tiến nghiêng về Tây phương. Các vị tướng lớn như Nguyễn Văn Thành tổng trấn Hà Nội và Lê Văn Duyệt tổng trấn Gia Định, và các cố đạo thì bênh vực hoàng tử Cảnh mở tới liên hệ với Tây phương để mong phát triển. Đang khi đó, phần lớn các quan trong triều theo óc thủ cựu ủng hộ hoàng tử Đảm vì muốn giữ  nề nếp có sẵn xem ra an toàn thể chế hơn. Nhiều người cho rằng hoàng tử Cảnh đã chết vì bị đầu độc. Hoàng tử Đảm lên ngôi, tức là vua Minh Mạng, đã bị áp lực đi theo hướng Tàu mà không mang tiếng vọng ngoại, ra tay đứt điểm mọi ảnh hưởng còn lại của hoàng tử Cảnh với khuynh hướng mở cửa về hướng Tây, san bình địa mộ của Lê Văn Duyệt như một đòn hằn, tìm ra được những con dê tế thần nơi người theo đạo “ngoại lai,” và phóng tay bế quan tỏa cảng cho chắc ăn.

NÉT VĂN HÓA VIỆT MÀ CHI

Điều bi thảm là chuyện đóng cửa dựng bảng văn hóa mặc áo thụng vái nhau “ở nhà nhất mẹ nhì con” đã không chỉ xảy ra ở thời vua Minh Mạng, mà đã được lặp lại trong lịch sử dưới nhiều dạng thức khác nhau. Cũng nhân danh văn hóa và dân tộc cả đấy chứ. Nhưng nói thế không có nghĩa là lại tìm cách đổ tội và mình được phủi tay. Vì không có tâm thức hiếu thắng của dân Đức thì không thể có một Hitler.

Vậy thì đâu mới thực sự là nét văn hóa của người mình?! Đó là câu hỏi hệ trọng một mất một còn, làm cho tụt hậu hay phát triển tiến bộ. 

Trước hết, nét văn hóa không phải là một thứ đồ cổ cố thủ để khoe mẽ cho bớt tủi, càng không phải là cái con ma để dọa thiên hạ hay thúc đẩy đấm đá nhau, mà phải là một sinh lực khơi cho dòng nhựa chảy tới, mang chất thuyết phục tươi mát sinh hoa kết trái cho sắc dân mình.

Đưa ra một thí dụ nhỏ: hầu như người Âu Mỹ nào cũng rất thích món chả giò của người Việt. Nhiều người nghiện luôn nước mắm chấm, bưng cả chén lên vừa húp chùm chụp vừa khen rối rít: ngon quá, tuyệt quá! Cả mấy “đấng nhô con” gốc Việt sinh bên Mỹ, thường “ngốn” McDonald và các thứ đồ ăn vặt bên Mỹ, nhưng vớ được chả giò thì khỏi dám chê luôn.

Ấy, nói về nét văn hóa như cái gì xa vời, xưa cũ, thì xem ra dễ bị đào thải lắm, vì nhiều khi chả ăn nhập gì với thực tại cả. Nhưng nếu quan niệm nét văn hóa như một bửu bối, như một cái gì hấp dẫn, tươi mát, ngon lành, ít ra được như món chả giò, thì con cháu chắc chắn sẽ vơ lấy, sẽ khuếch trương, sẽ nối tiếp dài dài. Và người Âu Mỹ thì cứ nhào tới thán phục, thưởng thức.

Võ Đình trong tập bút ký Sao Có Tiếng Sóng đã thấy rõ ngay cả trong lãnh vực làm văn nghệ: “Ở đây không có chuyện “về nguồn” theo kiểu nhắc đi nhắc lại chuyện trống đồng với gươm đá, chuyện “4000 ngàn năm văn hiến có thừa” vv và vv… Ở đây là chuyện làm văn nghệ Việt Nam ở hải ngoại như một công trình đi tới. Và đi tới được cũng vì biết quay lui được. Quay lui để “ngâm mình trong dòng sông tuổi nhỏ.”  “Tuổi nhỏ” đó đâu phải là quá khứ. Nó chính là một thực tại miên viễn vậy.” 

“Thực tại đó không phải gì khác hơn là một thực tại tuy không có hình mà vẫn có màu sắc, không có dáng mà vẫn có âm thanh, không có thể mà vẫn có đường nét. Đó là một cái gì cho chúng ta biết rằng có mà không thể tả ra được, biết rằng thật mà không thể nắm lấy được. Cái gì đó mà có mặt thì chúng ta thoải mái, xem như chuyện đương nhiên, mà nếu vắng mặt thì chúng ta thấy thiếu thốn, thèm khát, lo lắng, bất an. Thực tại đó, tôi xin gọi là Việt tính.” (trang 25)

Cái nét Việt tính không phải là một thứ đồ trang sức mầu mè nổ đôm đốp bề ngoài, rằng mình cũng phải có một cái gì khác người. Cũng vẫn ca tụng áo dài tha thướt khác với vay đầm, nhưng mà khổ nỗi thân mình bắt đầu phát triển gồ ghề ra bề ngang, thành thử bộ đầm ở mấy tiệm sang xem ra vẫn có giá hơn! Cũng phải mặc áo thụng tế hương, mà nếu làm không ra trò thì chỉ tổ cho bọn trẻ cười thôi chứ có tạo được tâm hướng bao nhiêu! Vậy thì văn hóa phải là cái nét mang được chất Việt, cái chất đã hình thành đúc nặn ra mình, trong xương thịt và mạch máu mình, tự nhiên làm mình thoải mái tươi tắn lại:

Muốn tắm mát thì lên ngọn sông Đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Ông Edward Herriot nói đúng đấy: “Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả.”

[nextpage title=”THỬ KHẢO NGHIỆM CHẤT MÁU VIỆT “]

THỬ KHẢO NGHIỆM CHẤT MÁU VIỆT 

Cũng trong tập bút ký trên, Võ Đình đã khảo nghiệm thật sâu sắc cái nét văn hóa tiềm ẩn trong mạch máu một cách rất chân thực: “Tôi đã lầm tưởng là tôi yêu quê hương và dân tộc tôi qua những danh lam thắng cảnh, qua những áng văn trác tuyệt, những điệu nhạc diễm kiều, những thiên sữ lẫm liệt… Thì ra tôi yêu dân tộc tôi ở chỗ dân tộc tôi nghèo nàn cơ cực. Xơ xác nhọc nhằn bao nhiêu thế kỷ mà quê hương tôi vẫn còn. Nghèo nàn cơ cực suốt tháng mà dân tộc tôi vẫn sống. Sự sống còn này, tôi tin tưởng, có khả năng vượt qua tất cả biến cố, hóa giải tất cả đổi thay. Và cười vào mặt những kẻ như tôi chỉ biết cầm cây cọ trong tay để ca ngợi quê hương dân tộc. Mà quê hương và dân tộc tôi thì cứ sống còn, bất cứ tôi còn đó hay tôi đã đi. Anh phu xe đạp xích lô, chị đàn bà vớt bèo, những người muôn năm cũ…” (trang 236)

Yêu quê hương dân tộc mà lại ở món cà bát dằm nước mắm tỏi do Doãn Quốc Sỹ đãi, ở những cọng  rau dền chấm nước ruốc kho tôm ớt của một chị hàng xóm nhà nghèo tỏ tình thương mến ngày về thăm quê. Thì ra sức mạnh và niềm hãnh diện của dân mình nằm ở chỗ ẩn mật quá. Đó là dòng lực tình. Qua bao oan nghiệt, nghèo khổ, đắng cay, đầy đọa, dân mình kiên trì nhất định bám vào dòng sinh lực này, phát nguyên từ Nguồn Tình Miên Viễn làm nên Đạo Trời, mà cũng là căn bản của Đạo Hiếu. Cành cây còn bám vào thân cây, vào gốc rễ, thì còn xanh tươi. Thân cây là ông bà, dòng tộc. Gốc rễ tận cùng phát khởi từ Trời, Nguồn Sức Sống, như ca dao là hơi thở của linh hồn Việt tộc vẫn luôn vang vọng:

Dù ai nói ngược nói xuôi
Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.

Đây chính là chất nhiễm thể di truyền trong máu mỗi người Việt, qua bao ngàn năm, qua bao thế hệ, qua bao thăng trầm, kể cả những lúc bị vùi giập nhất. Chính là chất mầu dung hóa được mọi sự, biến chế được mọi đối nghịch như những dấu nhạc bổng trầm của một bài hát, như những tím xanh đỏ vàng làm nên cầu vồng rực rỡ cuộc đời, như những nhịp điệu vòng lượn của một khúc vũ như được diễn trên những nét nhà mái cong hài hòa nét vuông với nét tròn. 

Con mắt thấy này chính là niềm tin của Việt tộc, được kết tụ nơi những truyện thiêng liêng nhất như Hồng Bàng, Bánh Dầy Bánh Chưng, Trầu Cau, Giếng Việt, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử… và những bài ca dao mộc mạc trải dài minh triết hình thành tâm hồn Việt Nam qua bao đời.

ĐỐ AI QUÉT SẠCH LÁ RỪNG

Đó là giọng hát được vang lên trong phim Ba Mùa, một phim khá nổi tiếng do hãng Mỹ thực hiện diễn tả nét đẹp văn hóa Việt, do một người Mỹ gốc Việt là Tony Bùi làm đạo diễn.

Bốn câu truyện trong phim đan dệt với nhau thật tài tình, được gắn lại bằng một chất keo mầu nhiệm qua bài ca dao như cái hồn ẩn mật của dân tộc làm nền:

Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng.
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Bốn câu truyện với sáu bảy nhân vật đều là những cảnh rung cây, như bốn truyện điển hình của cuộc đời Việt nam trong suốt một thế kỷ qua, trong suốt dọc dài lịch sử bi đát của dân mình. Cây cứ bị gió rung hoài, lá cứ rụng mà chẳng ai còn đủ sức quét sạch được lá rừng!

Ông Đào vốn là một nhà thơ có hồn, đẹp trai, nhà giầu. Vậy mà lại bị bệnh phong cùi phải ẩn tránh mọi người, sống đóng kín thầm lặng trong ngôi nhà ngói giữa một hồ sen lớn. Ông cho thuê nhiều nhân công hái hoa sen đưa lên Sài Gòn bán, trong đó có một cô gái nhà quê rất chơn chất mộc mạc tên là Kiến An. Cô gái quê này có nước da ngăm ngăm, thường mặc áo bà ba với dáng vẻ nghèo túng. Cô lam lũ vất vả như những người đàn bà khác cùng hái sen trong hồ để kiếm sống. Nhưng nét hồn nhiên qua đôi mắt trong sáng diễn tả một tâm hồn thật dễ thương như một đóa sen, cũng là nét đẹp và giầu có của trái tim Việt Nam nhẫn nhục giữa bùn lầy qua bao thời đại. Trong những cần cù mồ hôi nhễ nhãi, bài hát ca dao khác lại vang lên:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cây đời ông Đào bị rung quá mạnh phải quị xuống, ngón tay ông bị rụng dần không còn viết thơ được nữa. Vậy mà bỗng một ngày ông thấy yêu đời, cánh thơ mọc lại cho ông vượt ra khỏi bốn bức tường giam hãm mà thênh thang bay lên cõi trời cao, nhờ nghe được giọng hát ca dao của Kiến An từ hồ sen vẳng vào. Thì ra độ rung cây đã bắt gặp được độ rung tim, một thứ tình thương tinh ròng mở cánh sen tỏa hương nhè nhẹ ít gặp được trong xã hội này, với một niềm cảm thông sâu thẳm vượt qua ngôn ngữ. Chất ca dao qua giọng hát Kiến An được mẹ thổi vào hồn, chuyển vào mạch máu qua tiếng ru ngọt mềm từ lúc còn trong nôi, nay bỗng chạm tới độ rung mầu nhiệm cho chất thơ sống lại: mùa rung cây đã trở thành mùa rung tim, khiến cho nhà thơ mong ước được thả hoa sen xuống dòng sông làm đẹp dòng sông cuộc đời. 

Cũng một thứ hoa sen và giọng hát ca dao đó, anh chàng Hải đạp xích lô đã mang được trong tim mình. Anh có thể là một nhà giáo lỡ thời phải làm cái nghề kỳ dị này trong một thành phố ngột ngạt chen sống. Lúc ngồi chờ khách thì anh đọc sách. Suốt ngày phải dầm mưa giãi nắng, anh đúng là hiện thân của hai mùa nóng cháy khô và mùa mưa sũng nước. Cây đời anh cũng bị rung mạnh lắm. Vậy mà tim anh có chất hương sen, đi đeo đuổi một bông hoa dại mọc ven đường là cô gái ăn sương vấy bùn tên Lan với loại tình yêu cũng rất khác lạ: loại tình yêu hoa sen với bông trắng nhị vàng. Thứ tình này đã khiến cho cây Lan đang độ rung bật gốc tìm lại dáng nét tình hoa phượng nở hồi còn làm nữ sinh áo trắng thơ ngây.

Trong lúc lam lũ đạp xích lô, Hải thường bắt gặp một anh chàng người Mỹ ngồi thơ thẩn trước khách sạn như tìm kiếm một điều gì. Thì ra anh ta trước đây đã từng là lính GI ở Việt Nam, nay trở lại tìm đứa con gái lai bị bỏ rơi lại. Mãi rồi anh ta cũng tìm thấy. Anh ta mua một bó hoa sen của Kiến An đưa tặng cho đứa con gái với lời tạ tội. Tim anh ta cũng mang được chất tình hoa sen còn biết rung động.

Chen giữa những câu truyện gắn bó với nhau là hình ảnh một đứa bé thường lầm lũi lội dưới mưa. Nó có tên trong phim là Woody, có thể vì tên nó là Mộc, cũng là một loại cây dại mọc bên đường, là đứa con tượng trưng của cả một dân tộc. Nó tội tình gì mà bị xã hội vất ra ngoài đường, sống nghèo khổ với cái thùng đồ bán diêm quẹt và xâu móc chìa khóa? Vậy mà nó vẫn sống hồn nhiên với cặp mắt thật sáng, vẫn ham mê giấc mộng bình thường thả con thuyền giấy trên dòng nước mưa.

TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT

Truyện “Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ  Tuyến” của Doãn Quốc Sỹ ở chương bảy đã diễn tả được cái nét ẩn mật của tộc Việt, vẫn lầm lũi sống còn một cách an nhiên dù biết bao đọa đầy bầm dập. 

Kha từ Hà Nội về quê giỗ mẹ, ngủ lại nhà chú thím, ban đêm chợt thức giấc nghe được tiếng sáo diều kêu u u như chung kết lại tất cả những mối sầu của tình quê kẻ còn cũng như người khuất, nghe được tiếng chày mau và đều giã gạo ban đêm của người nhà nghèo lối xóm; và nhịp theo tiếng chày đó, một giọng hát cất lên, giọng hát êm tưởng như theo gió từ xa… xa lắm vẳng lại.

“Bước xuống sân ngẩng nhìn trăng hạ tuần giữa cảnh vắng lặng của cảnh vật, Kha đứng lặng như bị chôn chân xuống đất vì chàng chợt nhớ rằng tiếng hát đó, cũng như tiếng sáo diều kia chàng đã được nghe từ lâu lắm, từ ngày chàng còn nhỏ xíu luôn luôn đòi mẹ ẵm lên lòng. Rồi  từ đấy vì được nghe luôn nên chàng không hề lưu ý tới những âm thanh và âm điệu đó, cho đến nay bặt một thời gian sáu bảy năm xa cách, tiếng hát đột nhiên xuất hiện vào giờ này để tự tô đậm nét trường cửu của nó. Tiếng hát giọng đò đưa buồn buồn, chơi vơi, xa vắng. Lời không rõ nhưng cảm giác thì như vậy. Tự như thuở nào đến giờ cứ vào giờ thanh vắng đó là tiếng hát nổi lên, tiếng hát như thoát lên tự lòng đất, kể lể nỗi niềm để vừa xoa dịu vừa làm cho thấm thía thêm những sầu hận của những kẻ chợt thức giấc đón nghe nó… Hình như chàng mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái gì đó mà không gì tàn phá nổi là tiếng sáo diều và nhất là tiếng hát kia, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, tiếng hát sầu dằng dặc, nhưng là tiếng hát của bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu và bất tuyệt như nó.”

Đúng vậy. Tiếng hát tự lòng đất cũng chính là giọng hát ca dao của Kiến An trên đầm sen. Nó quyện vào tim ông Đào mang theo linh dược chữa lành. Nó chợt lay động hồn người xa xứ  trong một buổi chiều chơi vơi. Cùng diễn tả một niềm tin, vọng lên từ linh hồn Việt tộc vẫn sinh tồn dai dẳng, vẫn lầm lì gan bướng. Nó có sức bật lên tia sáng trong những chao đảo mịt mù. Đó cũng chính là tiếng hát từ trời cao, khi người mình cứ nhất định tin vào một an bài mầu nhiệm từ Trời vượt qua mọi tính toán và nỗ lực thế nhân, nhất định không phải là duy vật biện chứng rồi, như ca dao vẫn thường tuyên dương:

Non kia ai đắp nên cao
Sông kia ai bới ai đào mà sâu.

GIẢI OAN NƠI VIỆT TÍNH

Bá nhân bá tính. Ngay trong cùng một nước đã thấy tính người miền Bắc, miền Trung và miền Nam có nhiều điểm khác nhau rồi, do di truyền qua bao đời, do những biến cố thăng trầm của lịch sử, do địa dư và khí hậu khuôn đúc, do hoàn cảnh kinh tế tạo ra. Mỗi dân tộc lại mang những đặc tính riêng làm nên sắc dân mình, gọi là căn tính, phát khởi từ trong mạch máu.

Có tính tốt thì cũng có tính xấu. Có tính hướng nội thiên về đầu, có tính hướng ngoại thiên về tim. Có tính thiên về trực giác, có tính thiên về cảm quan. Không phải nét văn hóa nào cũng là thuần phong. Chẳng hạn như tục ăn thịt người, tục đa thê, tục đa phu nơi nhiều sắc dân trên thế giới. Nhiều hủ tục mê tín cũng phản tiến hóa lắm chứ. 

Môn tính tình học ngày nay đề cao rất kỹ phương pháp Enneagram, chia tính tình con người ra 9 loại. Mỗi số đều do một động lực tiềm ẩn từ trong mạch máu đun đẩy để tìm những giá trị khác nhau do những nỗi sợ khác nhau. Mọi phản ứng và hành động của đời người đều phát khởi từ động lực này dưới lăng kính vô thức. Tiếng thời mới gọi là mặc cảm. Cái hay của phương pháp Enneagram là cho thấy được hướng đi của các loại tính phản ứng dây chuyền như hệ lụy theo mũi tên; đồng thời chỉ cho cách hóa giải. 

Căn tính Việt Nam dường như gắn liền với thân mệnh của một dân tộc bị quá nhiều nỗi oan bầm dập và ray rứt dằng dặc trong suốt chiều dài và chiều dầy của lịch sử. Thế nước mình nằm bên cạnh anh chàng Tàu khổng lồ luôn sẵn sàng ăn sống nuốt tươi. Số phận thấp cổ bé miệng cứ phải ráng mà sống còn, mà ngóc đầu lên. Không còn sức đâu mà xây dựng được một công trình gì to lớn, hay một hệ thống tư duy nào rõ nét. Mà có xây được thì cũng bị phá ngay. Vì thế mà sức đề kháng của người mình thật bén nhạy trong lúc bị ăn đòn, trong lúc phải chống đỡ, luôn tìm được lối lách và kiểu thoát. Nhưng cũng vì ăn quá nhiều đòn, chồng chất quá nhiều nỗi oan mà cũng tích vào thân quá nhiều hệ lụy nghiệt ngã, khiến cho thời bình đến thì lại loay hoay hoài cũng vẫn chưa tìm được điểm gì chung mà dựng xây.

Thà rằng như người Bách Việt cổ xưa ở vùng Lĩnh Nam, Quảng Đông Quảng Tây, chịu khuất phục đồng hóa với dân Hán từ phương Bắc tràn xuống chiếm đoạt, thành người Tàu cho xong một bề. Đàng này người mình cứ “cứng đầu,” dựng ải Bắc Quan mà chận lại, và rồi dù có bị cả ngàn năm đô hộ, mình cứ nhất định là mình, nên mới nên nông nỗi này! Rồi nỗi oan từ cả mấy  thế kỷ tương tàn phi lý do chính người mình tận tình tạo ra cho nhau, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nỗi oan những cái chết tức tưởi do chính anh em phân thây nhau, đầy đọa nhau một cách thành khẩn để xây tháp ngà cho các chủ thuyết đâu đâu. Nỗi oan những thân xác da vàng máu Việt làm mồi cho cá Biển Đông hay cho hải tặc Thái. Nỗi oan tan cửa nát nhà, chạy thục mạng đi ăn nhờ ở đợ khắp các vỉa đường thế giới. Nỗi oan bao nhục nhằn hấng chịu mấy chục năm qua, của lớp người thua thiệt cúi mặt trước đà tiến lên mặt của mọi nước.

NỖI OAN THỊ KÍNH

Nhưng lạ lắm. Những ai nghiên cứu văn hóa Việt đều ngạc nhiên khi thấy người Việt với ngần ấy khổ lụy mà vẫn ít bị điên, vẫn cứ “phây phây”: 

làm sao cũng chẳng làm sao,
dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.

Người Việt dường như nâng niu nỗi oan đã vốn như gắn liền với thân mệnh của mình, làm nên một gia sản tinh thần trong một cái nhìn tích cực: dù bất cứ oan nghiệt nào, người mình vẫn có sức chịu đựng được, và vẫn tìm ra cách giải oan. Không thấy bàn tới bác sĩ thần kinh, đi viện tâm lý trị liệu, hay uống thuốc độc tự tử. Truyện Thị Kính là một điển hình. Sở dĩ truyện Thị Kính đã trở thành như một di sản tinh thần của người mình, là vì truyền lại được cách giải oan kỳ diệu. Thị Kính âm thầm chịu đựng trước hết là do niềm tin vào Trời thấu suốt mọi bí ẩn, như ca dao đã từng nói lên:

– Đèn Trời soi xét.
– Ai bảo Trời không có mắt.
– Trời nào có phụ ai đâu.
– Làm ơn ắt hẳn nên ơn
  Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ.

Cho dù sau này đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, có bước vào và phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng niềm tin căn bản vẫn là Trời. Thậm chí người theo đạo Phật cầu khẩn với Phật nhưng rồi cũng phải lên cao hơn nữa là cầu khẩn với Trời, vì thực ra đức Phật cũng chỉ là một người như ta mà đã giác ngộ được con đường giải thoát, còn Trời mới là cùng tận.

Em đi cầu khấn Phật Trời.

Niềm tin này đã là võ khí mạnh nhất để đương đầu với mọi nghịch cảnh, và cắt đứt được vòng xích trói buộc từ đời này qua đời kia. Tiếng thời mới gọi là vòng hệ lụy nghiệt ngã phát sinh do những oan trái này. Khoa Tâm Lý Miền Sâu ngày nay cho thấy ít ra ba hậu quả hệ lụy của người không được giải oan hay chữa khỏi thì sẽ trở thành những hiện tượng:

– Hiện tượng 1: Ngươi bị thương lại đi gây thương tích cho người khác nữa kiểu giận cá băm thớt, giận chó đá mèo, thành cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn. Dấu rõ nhất là khó nết, hay cắn cấu, phê bình chỉ trích, đấm đá ăn thua đủ với đời kiểu “vết thù hằn trên lưng ngựa hoang,” phóng chiếu cái bực bội bên trong ra chung quanh. Chuyện chia rẽ trong cộng đồng cũng có thể do những giẫy giụa đáng thương này. 

– Hiện tượng 2: Do quá khứ thua thiệt nên phải sinh gỡ gạc bù trừ, kiếm thêm tí danh hão, khoe mẽ chút phù du để che lấp cái mặc cảm hụt hẫng bên trong một cách tội nghiệp, nhiều khi trở nên lố bịch thành cơn nghiện tham sân si không cùng. Những chuyện phân tranh giành giật triền miên giữa dòng họ này với hoàng triều khác, có thể là do những ẩn ức hụt hẫng nên cứ phải ráng mà phồng lên, ai cũng phải làm lãnh tụ đòi mọi người đoàn kết nhất trí đứng sau lưng mình. Rồi mỗi lần như thế lại kéo theo bao nhiêu người vào phía này phía kia dựng cao bảng chính nghĩa mà xâu xé chém giết nhau một cách lãng phí.

– Hiện tượng 3: Bỏ cuộc trốn chạy, cố tìm quên cho khuây khỏa niềm đau xót, bi quan nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đeo kính đen với những điệu than ai oán, nhiều khi phát điên hay tự tử vì những phi lý tận cùng: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

[nextpage title=”QUI TRÌNH TÂM LÝ QUA NÉT VĂN HÓA VIỆT”]

QUI TRÌNH TÂM LÝ QUA NÉT VĂN HÓA VIỆT

Người mình xem ra có một lối sống gan lì ít bị điên mặc dù trải qua muôn vàn khổ nạn, vì mang sẵn chất máu dung hóa rất bén nhạy trước mọi nghịch cảnh. Gió rung cây thì lá rụng. Gió thổi rì rào và lá rụng mùa thu đẹp lắm chứ. Nhiều bài thơ đã bật lên từ cảnh thơ mộng này. Nét ẩn mật của tinh thần Việt vẫn là cái nhìn và cái thấy về cuộc đời, gọi là niềm tin, phát khởi từ niềm tin gốc trong truyện thiêng vẽ hình hoa văn giao long trên mình để làm bạn được với giao long dưới nước mà hóa giải được đối nghịch. Chữ văn hóa có thể bởi đó mà ra, là phương cách hóa giải, sống an nhiên giữa mọi nghịch cảnh cuộc đời. Từ con mắt nhìn và thấy này, cô Kiến An, ông Đào, cô Lan, bé Woody hay anh Hải trong phim Ba Mùa đều có thể thả hoa xuống dòng đời, chuyển chất thơ, phả chất tình, bật chất lửa làm thay đổi cả một đời người.

Nhà tâm lý vào bậc nhất của thời đại là Carl Jung đã vẽ lên qui trình khoa học về tâm lý trị liệu làm cho con người hồi phục vuông tròn toàn mãn. Ông gọi qui trình này là Individuation đi tới được tâm điểm nguồn sống Chân Ngã (centering of the Self) qua những bước: khai trống màn chắn phàm ngã (unveiling the Persona), đối diện với bóng đen (confrontation with the Shadow), dung hóa đối nghịch (relating to the animus/anima).

  1. Đạo Trống: Đây quả là nét căn bản bén rễ sâu trong tâm hồn Việt. Muốn tròn đầy thì bước đầu tiên là phải khai trống những mạch vít che phủ. Đây cũng là biểu tượng gốc của mọi truyền thống tâm linh. Người Việt đánh trống để khai mạc một lễ nghi. Sứ điệp căn bản của trống đồng chính là cõi trống này. Cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện, sẵn sàng nghiền nát phàm ngã với tham sân si đi thì mới phát sinh dòng tình đỏ thắm trong gặp gỡ thân thương. Nét trống này được gặp thường xuyên nơi những truyện thiêng như truyện Giếng Việt (Việt Tỉnh), truyện thánh Dóng lòng trống như ống tre ống trúc để nhận được tròn đầy sức thiêng từ Trời, để có thể mọc cánh bay lên. Vì thế mà trong lễ hội thánh Dóng có nghi thức rước lá trầu không.  Giáo sư Kim Định đã khai triển khá tỉ mỉ về những khía cạnh này trong Sứ Điệp Trống Đồng và Kinh Hùng Khải Triết.
  2. Đối Diện với Bóng Đen: Khoa tâm lý ngày nay cho thấy rằng càng trốn chạy hay dồn nén những điều trái nghịch thì càng thành động lực hành hạ bên trong, rồi phóng rọi bóng đen đó ra chung quanh một cách vô thức thành những hiện tượng như tâm bệnh. Vì thế mà người Do Thái có truyền thống bắt con cái phải kể lại những cơn ác mộng ban đêm chứ không được quên đi. Điều này phù hợp với truyện thiêng rất “văn hóa” về tục vẽ mình thành như thuồng luồng để khỏi bị tác hại khi xuống nước. 
  3. Dung Hóa được Đối Nghịch: Chấp nhận và thấy được nét tích cực nơi những gì vốn tác hại mình, như tâm tình của ca dao “đố ai quét sạch lá rừng” được diễn tả sâu sắc trong phim Ba Mùa, như nối kết cực âm với cực dương thành điện lực, như hòa mọi bổng trầm hay những điệu đục khàn của cuộc sống thành hòa khúc dịu êm. Đó chính là đạo Trời. Đây cũng là truyện Thôi Vỹ trong bộ kinh Lĩnh Nam với biết bao gian truân khổ nạn nhưng vẫn giữ vững niềm tin tưởng vào lòng thương người mà đạt ngọc Long Toại. 

Người Việt nhìn lại những cơ cực khổ nạn suốt bao thế kỷ trong dòng lịch sử mà vẫn nâng niu vỗ về, như tâm tình của Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Thay Lời Ngỏ của Tinh Thần Việt Nam:

Hỡi lịch sử ta thương mình quá đỗi
Ta thương mình vì bởi nỗi ta đau.

TÌM LỐI GIẢI OAN VÀ HỒI PHỤC

Khoa Tâm Lý Trị Liệu sau nhiều nghiên cứu mới khám phá ra được tiến trình chữa trị, mà bước đầu tiên là phải đối diện với nỗi đau và cho bộc lộ lên được chứ không chôn vùi. Vì nếu càng tìm cách trốn chạy hay vùi lấp thì nó càng trở thành động lực bên trong hành hạ và phóng chiếu (projection) ra thành những con ma đen ghê sợ: Biết than cùng Trời, biết thở cùng ai! Bài dân ca mộc mạc của người mình không ngờ lại nói lên được tiến trình này.

Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay tới tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?

Niềm đau và nỗi oan được trút ra thành một đống rơm cho cháy đi bốc khói chẳng thơm tho chút nào. Nhưng khi khói bay cao làm cay mắt ông Trời thì ông liền quát hỏi: thằng nào đốt rơm? Bài dân ca dễ thương và hay quá! Ngọc Hoàng là Ông Trời ở đây không còn cao xa mãi cõi mông lung trên kia, mà đã trở thành rất người, rất gần gũi. Ngài cũng bị khói đen của những nỗi oan làm cay mắt, biết “quan âm” được niềm xót đau của người đang giãi bày tâm sự. Vậy mà Ngài còn hỏi “thằng nào đốt rơm?” Hỏi để mà cho có chuyện chứ Ngài đã biết ai rồi. Người đang than thở giữa trời bỗng nhận ra có Trời biết lắng nghe thông cảm. Đây mới chính là giây phút giải oan của người mình: Trời nào có phụ ai đâu! Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ!

Như vậy, then chốt của cuộc giải oan hồi phục tinh thần phát khởi từ một niềm tin ăn sâu trong mạch máu dân mình. Bài học phục hưng Do Thái vẫn là một khuôn mẫu để đời, đặc biệt vì mang thân mệnh rất giống Việt Nam. Không hiểu vì một lý do huyền bí nào mà hai nước nhỏ bé ở hai cực tây và đông Châu Á là Do Thái và Việt Nam lại chịu một số mệnh tàn khốc như nhau, và cùng mang một niềm tin căn bản vào ông Trời thật giống nhau. Như vậy là có mang một sử mệnh nào không hay cũng chỉ là một may rủi tình cờ? Người Do Thái tin vào sử mệnh của mình nên đã là nơi phát sinh hai tôn giáo lớn là Do Thái giáo và Kitô giáo, và cống hiến được biết bao nhân tài lỗi lạc cho nhân loại. 

Vào thời kỳ đi đầy ở đế quốc Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, số phận của người Do Thái được diễn tả như một đống xương khô nằm rải rác khắp cánh đồng, hoàn toàn chia rẽ bi thảm và thất vọng. Vậy mà Ezekiel, người cùng bị phát lưu sang Babylon, đã dám tin vào một cuộc kết nạp phục sinh Do Thái. 

Giữa những bế tắc như đi vào hầm tối mịt mù, Ezekiel vẫn bật sáng được tia hy vọng vào niềm tin nơi ông Trời vẫn đang dẫn đầu cuộc hành trình của dân tộc ông. Và ông đã thành công khắc sâu được niềm tin này nơi những người đang rã rời thất vọng vì mất hướng.

KHI NGƯỜI DO THÁI TÌM ĐƯỢC TỤ ĐIỂM

Có thật rằng người Tầu, người Nhật, người Do Thái đoàn kết hơn người Việt? Dân Do Thái cũng là tập hợp của nhiều bộ tộc với nhiều khuynh hướng trái ngược nhau, nhất là trong hoàn cảnh ly tán mỗi người một nẻo, mỗi người một giải pháp để sống còn. Vậy mà họ vẫn tạo được sức mạnh chung. Đâu là bí mật?

Chắc chắn lớp dân Do Thái tản mát đi khắp nơi đã trở nên rã rời chia rẽ như một đống xương khô. Nhưng họ không tốn sức than trách đổ tội hoặc buông xuôi, hay chỉ kêu gọi đoàn kết suông giữa không khí. Càng nhân danh văn hóa, nhân danh chính nghĩa, nhân danh tự hào dân tộc, càng thêm mất tin tưởng, càng thêm chia rẽ, càng thêm bẽ bàng, chỉ vì chưa có căn bản nào làm tụ điểm. Trong cảnh huống này, Ezekiel đã bật lên một viễn kiến từ một niềm tin, và Isaia cùng với ”Nhóm Do Thái Sót Lại” (Remnant of Israel) tạo được một phong trào thể hiện được một kế hoạch thực tiễn. Đó là phải tìm cho ra tụ điểm tinh thần. 

Họ đã gom tất cả các truyện thiêng từ những huyền thoại của dân tộc Do Thái, từ những câu truyện truyền miệng từ đời này sang đời khác, cho đến những lễ nghi tế tự và phong tục, những bài ca dao tục ngữ, những lời răn dạy khôn ngoan, đều được kính cẩn thu lại thành văn bản. Và điều chắc chắn là tất cả những cuốn sách mà ta gọi là Cựu Ước (Old Testament) như văn bản ta có ngày nay, đã chỉ thành hình vào thời kỳ trước và sau thời lưu đầy ở Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Nói cách khác, bộ kinh Do Thái chỉ thành hình do hoàn cảnh đòi hỏi này, dưới con mắt bật sáng của niềm tin, tạo nên một trào lưu phổ biến bằng chương trình giáo dục đại chúng. Vì thế mà họ đã phát động xây những hội đường giống như cái đình làng ở bất cứ nơi nào có người Do Thái sinh sống, để có nơi tụ họp thường xuyên mà học hỏi và thực hành kinh điển ứng dụng cho đời sống. 

Lịch sử dân tộc phải có một ý nghĩa và hướng đi chứ không phi lý lãng nhách. Vì họ tin vào ông Trời dẫn đầu và nối kết tất cả lại như những sợi chỉ mầu trong một tấm thảm lớn. Trong nhãn quan này, họ bắt đầu ghi lại truyện tổ tiên từ một gia đình nhỏ bé của quốc tổ Abraham, sống nghề du mục nay đây mai đó suốt từ Ur tới Haran vùng Mesopotamia rồi vòng xuống Ai Cập. Tổ tiên như vậy thì chưa chắc đã có gì đặc sắc so với những dân đương thời, nhưng đối với người Do Thái thì quan trọng lắm. Từ trong cảm nghiệm, họ ”thấy” rõ họ là dân được tuyển chọn để qui tụ với một sứ mạng, có tổ có nguồn đàng hoàng. Và nhiều câu truyện truyền kỳ khác về khởi nguyên dân tộc họ được gom lại, khiến họ càng có một độ rung chung với nhau về nguồn gốc, và tự nhiên hãnh diện về bản sắc của mình. Cũng như đám anh em tản mát bỗng tìm lại được mẹ làm tổ ấm qui tụ gia đình. 

KHI VIỆT TỘC TÌM LẠI ĐƯỢC TRỤ ĐỒNG

Quả thực, phép lạ hồi sinh Do Thái đã phát khởi từ một niềm tin, thể hiện thành một bộ kinh tin làm tụ điểm tinh thần. 

Người Việt cần tìm ra cách hóa giải được nỗi oan, vượt qua được mặc cảm, hồi phục được tinh thần. Để phục hưng, ai cũng nghĩ ngay tới những giải pháp kinh tế, xã hội, những kế hoạch kỹ nghệ, khoa học, đào tạo nhân tài v.v. Điều này thật đúng và cần thiết. Nhưng quan trọng trước hết vẫn là chủ đạo, vẫn là nỗ lực tìm ra được tụ điểm tinh thần qua bộ kinh dân tộc. 

Rất may, Việt tộc cũng có cả một truyền thống kho tàng truyện thiêng truyền miệng qua bao thời, với lòng tôn kính Tứ Bất Tử qua các lễ hội, và một kho tàng vô giá ca dao tục ngữ như hơi thở của linh hồn Việt tộc. Bao giờ mình mới xác tín được tầm mức rất ư then chốt này để cùng xây dựng một bộ kinh tin làm trụ đồng mang uy lực qui tụ? Lời yểm của Mã Viện khi bẻ gẫy và chôn vùi biểu tượng qui tụ không khéo mà vẫn còn ám ảnh: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt!

Nguồn: http://www.chungnhanduckito.net