Hồn dân tộc

Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Ta hãy cho văn minh và văn hoá là một thực thể. Với một thực thể. Với một sự phân biệt có tính cách ước định ta gọi văn minh là phần hình thức, xác thể, vật chất, còn phần tinh thần cốt cán là hồn, là văn hoá.

Sự ước định này cũng theo các học giả Đức quốc, Ông Spengler văn minh là những tình trạng bề ngoài có tính cách nhân tạo, nó là tận cùng, là trạng thái đã thành kế tiếp theo trạng thái trở thành; sự chết kế tiếp theo sự sống; Kết tinh tiếp theo sự biến hoá (Déclin de l’Occident p.43) như vậy văn minh là cái gì nhân tạo, bên ngoài, đã thành hình và đang đi đến gần sự chết.

Văn hoá trái lại là sự trở thành, sự sống, sự biến Dịch. Chữ biến dịch hợp với Hệ từ V. «Thần vô phương, Dịch vô thể». Thần không có địa phương, Dịch không có thể xác, nhờ đó nó có thể nhập vào nhiều xác khác nhau.

Một nền văn hoá có thể làm hồn cho nhiều nền văn minh như trường hợp Nho giáo, Phật giáo đối với Trung hoa, Nhật bản, Cao ly, Việt Nam, hay như phần nào Hy lạp đối với La Mã và Tây âu. Một nền văn minh có thể chết đi còn văn hoá có thể tiếp tục tái sinh trong một nền văn minh mới. Văn minh chết là khi đến trước một khúc quanh lịch sử, nó gặp một tình tiết mới xuất hiện như một thách-đố (Challenge tiếng của Toynbee). Khi nền văn hoá được vun tưới tài bồi, được đủ điều kiện thuận lợi để thắng lướt sự thách đố vượt qua mâu thuẫn, thì sẽ có sự liên tục về căn bản để sống trong hình thức mới. Ngược lại nếu nó không thắng lướt được thì bấy giờ xảy ra hiện tượng mà sử gia Toynbee gọi là breakdown, tạm dịch là ngừng sống hay đổ bể tan vỡ và văn hoá theo theo văn minh chui vào nghĩa địa, thường gọi thanh là viện bảo tàng, như những văn minh Chàm, Khmer, Ai Cập, phần nào Hy Lạp và La Mã.

Thách đố đặt ra trước
các nền văn minh.

Hiện nay nhân loại bước vào một chu kỳ mới và một sự thách đố khổng lồ đặt ra trước các nền văn minh, ông Toynbee kể ra 5 thứ: hai nền văn minh Kitô giáo: một tây phương, một Chính Thống giáo Đông phương, Hồi giáo, Ấn độ và Trung hoa.

Văn hoá nào sẽ thoát đổ bể để tiếp tục đời sống mới? Hiện chưa có trả lời dứt khoát. Tất cả còn đang trong thời tao loạn, khủng hoảng, xao xuyến, lo âu, mất tin tưởng. Chúng ta ở trong đại gia đình văn hoá Trung hoa và một phần Ấn độ. Xét về mặt văn minh thì kể là chết gần xong rồi: chế độ quân chủ, thể chế nhân trị, lễ giáo v.v… đã cáo chung. Nhưng xét về mặt văn hoá thì chưa nhất định. Là một nền văn hoá lớn lao và trường cửu nhất (la plus massive et la plus durable, Granet Pensée c.) liệu nó có thắng lướt được sự thách đố đặt ra do nền văn minh cơ khí và do sự gặp gỡ giữa các văn minh chăng?

Xét trong dĩ vãng, nó đã nhiều lần thắng lướt thành công nên nhiều học giả nói nó tiến hoá mà không cách mạng (evolution et non revolution. Crell. Naissance de la Pensée Chinoise p.315), lần này nó sẽ thắng lướt được sự thách đố nữa chăng? Và nếu có thì chúng ta có thể can thiệp vào đường đi của nó cách nào ?

Vấn đề quan trọng, bởi nếu không thắng lướt được thì chúng ta sẽ phải sát nhập vào một nền văn hoá ngoại bang; trong trường hợp của chúng ta là văn hoá Tây Âu dưới hai hình thức – cộng sản hay là tư bản. Điều này rất tai hại, vì trước hết văn hoá Tây Âu chưa có nền móng siêu hình, và đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng vào bậc nhất, công sản cũng như tư bản vẫn chưa tìm ra một đạo sống thoả đáng cho con người toàn diện. Tuy nhờ kinh tế cực phồn thịnh và mực sống được nâng cao phi thường, nên che phủ đi được rất nhiều khía cạnh của cơn khủng hoảng kia, khiến nhiều người nhất là các dân tộc kém mở mang không ý thức được sự trầm trọng của cơn khủng hoảng nên hết sức học theo Tây Âu không những khoa học cơ khí mà luôn cả lối suy niệm mà bỏ hồn văn hoá theo kinh điển truyền thống. Nhưng làm thế, là gieo luôn cả hạt giống khủng hoảng trên đất họ, nơi đây sự nghèo túng sẽ làm cho cơn khủng hoảng kia nhả hết nọc độc ra, và đồng thời sẽ không hưởng được những ích lợi do sự kế tiếp của một nền văn hoá cố cựu với tính chất độc đáo, riêng biệt: một suối cảm hứng sâu xa không thể nào chờ mong xuất khởi do một nền văn hoá nhập cảng, nhân đấy vấn đề được đặt ra là làm thế nào để lướt thắng sự thách đố.

Con đường dẫn tới lướt thắng.

Theo thiển ý thì con đường chúng ta tuyên bố khá rõ rệt: nghĩa là chúng ta hầu hết định theo đường chiết trung: xem lại từ Đông Dương tạp chí qua Nam Phong cho tới bản hiến pháp ngày nay đều nói lên ý chí: « duy trì hồn dân tộc qua các tiến bộ mới. »

Hội đồng cải tổ giáo dục năm 1960 còn nói lại ý chí đó trong đó có chiêu đề : « dân tộc, nhân bản, giải phóng ». Đừng kể một vài nhóm như Tự lực Văn đoàn chủ trương chỉ có mới và mới kiểu hoàng đạo, ngoại giả là trong lý thuyết đều có ý tránh hai đường cực đoan là bảo cổ và duy tiến. Hai lối này sử gia Toynbee đã chồng chất dữ kiện lịch sử để chứng minh là đã chết, bởi nó tìm cách cưỡng ép thời gian hoặc bắt thời gian trở lui như bảo cổ, hoặc ép thời gian bước vội trước đà của nó như lối duy tiến. Ông Durant trong phần khảo sát các nền văn minh cũng đi đến kết luận: « một sự đứt đoạn quá sâu đậm kéo theo sự tận cùng của một nền văn hoá, hai yếu tố chính là sự thay đổi đột ngột và sự tích luỹ của cải vào tay một thiểu số ». Civ.I tr 17.

Hồn dân tộc
mới chính là trả lời.

Như vậy, còn lại con đường thứ ba tỏ ra hiệu nghiệm nhất suốt qua lịch sử dài lâu của dân tộc. Con đường đó ta hãy chia ra làm hai chặng, chặng đầu gọi là Chiết trung, chặng thứ hai xin gọi là Hồn dân tộc. Chúng ta cần trù liệu để dần dần vượt qua chặng Chiết trung hầu đi hẳn vào chặng Hồn dân tộc. Chiết trung có tính cách chọn mỗi bên một ít ráp đại vào không theo một nguyên tắc đã được qui định thấu đáo. Hồn dân tộc trái lại theo một qui tắc đã ý thức rành mạch : nó đòi phải giầy công phu lắm mới đi vào được. Lấy một ví dụ về nhạc chẳng hạn; môn chiết trung chỉ cần học lưng chừng có thể làm được, còn theo Hồn dân tộc, trước hết phải học hết chương trình nhạc Tây phương ít ra những ngành chính (Harmonie, composition, contrepoint, modalités) thí dụ hết năm sáu năm để suy tư lao lung và phân tách từng nhiều trăm bài dân ca của Việt Nam thuộc từng miền, may ra mới tìm được hồn dân tộc. Tôi gạch chữ may ra vì đó là truyện phát minh: phải học đủ mới có thể phát minh, nhưng không phải hễ học đủ là đã phát minh ra được. Còn tuỳ nhiều yếu tố khác, nó đòi gỡ được cái tinh tuý cốt cán ra khỏi những hình thái cũ kỹ và phát minh ra một số hình thức khác mới để nối kết mới với cũ, Đông với Tây.

Tóm lại lối Hồn dân tộc là đường trường dài hơi, thuộc kế hoạch dài hạn. Và vì thế ta chưa đi tới. Đó cũng là sự hợp lệ, vì sự thâu hồi độc lập khó khăn còn bao việc khẩn cấp hơn phải ứng đáp. Nhưng cần phải ý thức sự có nó và dần dần khởi công để bước vào, nếu không sự đổ vỡ sẽ chờ đợi chúng ta ở đầu trót chặng đường Chiết trung.

Nhìn vào thực trạng ta thấy gì?

Một đàng dân nước vẫn chưa có đạo sống. Đạo sống là gì? Lúc này ta đang ở thời chiến đấu, phải mượn câu nói của nhà binh mà nói: « đạo sống là làm cho trên dưới một lòng, có thể cùng chết cùng sống, coi thường nguy hiểm » (Tôn-Công-Tử).

Vài thí-dụ chứng minh
chưa tới hồn dân tộc.

Nhân vị chưa phải là đạo sống sao? Thưa có, chính nó là một đạo sống trong lý-thuyết. Còn trong thực hiện thì đó là một thí dụ về sự xa lìa dân tộc. Nghĩa là :

a). Một đàng các lý thuyết gia thường phỏng dịch một quyển sách nào đó, hay cùng lắm có soạn ra thì cũng dùng toàn những phạm trù và lý chứng lấy mãi ở xa xôi đâu đâu, một đội câu tục ngữ hay chữ nho rắc muộn lân mặt không che dấu được tính chất ngoại lai của nó, như thế nó chưa phải là những rễ đâm sâu vào lòng dân tộc. Trí thức vẫn chưa tìm ra đường lối để đi, họ chưa có một huyền niệm khả dĩ làm hứng khởi được dân nước. Sinh viên vẫn chưa có hướng học hỏi và kiến thiết quốc học, và ngày nay họ có lý oán trách thế hệ trước đã giối lại cho họ một di sản quá nghèo nàn (xem Đại học Hè Đà lạt 1960).

Nhưng cứ đà này rồi có lẽ họ cũng chỉ giối lại cho thế hệ sau một di sản còn nghèo nữa: vài bài hát cỡ chợ phiên, dăm ba tập truyện ngắn thuộc văn chương hạng nhẹ…

Tóm lại, chỉ nhìn thoáng qua, người ta nhận thấy ngay sự vắng bóng của một nền tư tưởng khả dĩ hướng dẫn được toàn dân. Tôi không nói đến trách nhiệm thuộc ai, chỉ xin lưu ý đó là mối nguy cơ nặng nề, vì theo lịch sử thì yếu tố gây đoàn tụ cấu kết mãnh liệt nhất là nhân tố tinh thần. Cái ấy hiện nay chưa có.

b). Về mặt thực hiện xã hội kinh tế, sự thích nghi cũng vắng mặt một cách đáng ái ngại. Đây một thí dụ thông thường: Thằng dân có làm mửa mật cũng chỉ kiếm được chừng một ngàn rưởi (lính được chín trăm) đang khi đó vợ và 3,4 đứa con cần phải ít ra hai ngàn mới đủ sống, chưa nói đến thuốc thang, mua sắm, thế mà mỗi lần con đau, đến bác sĩ phải trả từ một đến hai trăm, đến trạng sư phải trả từ tiền ngàn. Đến các thứ sĩ khác cũng thế, những sư những sĩ ấy là những món nhập cảng chưa được chỉnh lý theo phạm trù dân tộc nghĩa là theo túi tiền thằng dân, theo nguồn lợi tức nước nhà, thành ra có một hiện tượng hết sức kỳ quái là lẽ ra lương được tính theo nguồn lợi nước ít hơn bên Pháp thí dụ, là nước giàu hơn nước ta lối 10, 20 lần, thì trái lại lương họ thường cao hơn đồng liêu bên Pháp gấp đôi ba. Tôi không hề nghĩ đến cá nhân nào, tôi quen nhiều người hiểu tình trạng dân (có ông bác sĩ chỉ lấy 50đ) nhưng tôi chỉ đưa một thí dụ về tình trạng chung thuộc một thứ phong tục ngoại lai nhập cảng chưa kịp chế biến, chưa được điều chỉnh giá cả cho hợp mức sống của dân.

Như vậy là ta chưa học được chữ Dịch. Chưa biết thích nghi cho « dân khỏi bất quyện » (dân khỏi phiền), bởi nó đang sống trong truyền thống, lại bị những người đại diện nền văn hoá ngoại lai tiếp tục bóc lột nó, như thế hố chia rã giữa toàn dân sống theo hồn dân tộc và thiểu số tây học nắm quyền điều khiển sẽ bị đào sâu mãi cho tới ngày chín mùi sẽ đỗ vỡ, để bị sáp nhập vào nền văn hoá khác theo đường lịch sử mà Toynbee đã phác hoạ như sau :

Trong một nền văn minh đang độ phát đạt, thì giữa các tầng lớp xã hội có những liên lạc trung hoà. Dân chúng được thúc đẩy tiến bước do một nhóm thượng lưu chăm lo cho cộng đồng hơn cho lợi ích riêng mình. Dân tự ý tán thành những sáng kiến của trí thức thượng lưu, người ta chỉ cần dùng tới rất ít cưỡng ép. Nhưng đến lúc giờ biến đổi đã gióng lên, thượng lưu hết còn lo đến công ích, mà chỉ tìm củng cố tư lợi : họ không còn là thượng lưu dẫn đạo mà chỉ là thiểu số thống trị. Phía đại chúng chỉ còn miễn cưỡng tuân theo. Đó là những lý do đích thực tại sao sự thách đố cuối cùng không vượt qua được, thế là xảy ra hiện tượng đổ vỡ « breakdown » (Le monde et l’Occident. p 19). Nhân bàn về tình trạng Việt Nam lúc người Pháp rút khỏi Việt Nam, giáo sư Duffel có nhấn mạnh đến sự thất bại về mặt xã hội, thảm cảnh của một giới trưởng giả theo Tây, từ rày xa lìa khỏi dân chúng và đang tìm một thoả hiệp sống, sự rạn vỡ về mặt chính trị sâu xa mở hoác miệng trên bờ sông Bến Hải, sự xé rách một quê nước nhắc nhở cho người Pháp một đường phân cách với những đảo lộn của lương tâm.

Đó là một sự thách đố của một tình trạng mà cho tới nay mới chỉ được đáp lại bằng những câu tuyên bố hoa mỹ, nhưng người ta cảm thấy trong những đau khổ thầm lặng của dân chúng đang dâng lên lời đáp chính tông của một dân tộc vừa mới chứng tỏ về khả năng của nó « N’oublions pas la faille sociale, le drame d’une bourgeoisie rallíee à l’Occident, désormais coupée du peuple et qui cherche un modus vivendi. La laide cassure politique bée, au 17è parallèle à l’embouchure du song Ben Hai, déchirure d’une patrie qui rappelle aux Français e trouble de conscience et une lign de démarcation… C’est le « Challenge» de la situation, le défi au sens de Toynbee, auquel la réponsa jusqu’ a maintenent n’a guère été faire qu’en termes homériques, mais on sent monter… dans le silence de la sonffrance, la véritable réponse d’un peuple qui vient de donner ses preuves d’un peuple qui vient de donner ses preuves ». (Vitalité actuelle de religions non chrétiennes. Cerf 1957 p.192). Những lời này tuy viết có lẽ vào lúc người Pháp rút khỏi Đông Dương nhưng nay vẫn thấy còn có tính cách thời sự.

Tình trạng là thế, phải can đảm nhìn thẳng vào để nhận ra sự thật hầu tìm ra ngõ thoát. Ngõ thoát đó ta đã thấy và đi được chặng đầu. Phải cố gắng đi lên chặng thứ hai là chặng hồn nước mà bước đầu nói riêng về phương diện văn hoá có lẽ là một nguyên tắc và nhất là một chương trình thích đáng hơn và thống nhất hơn từ Tiểu-Trung học cho tới Đại học. Đó là một đòi hỏi mà có lẽ chúng ta chưa được một thời an ninh kéo dài đủ để đặt nền móng. Nhưng cứ chờ an ninh thì chẳng bao giờ làm được, vậy cần bắt tay vào việc ngay.

Nguyên tắc rút tự Kinh Dịch.

Trong bài này chúng ta thử đưa ra ít nét của một nguyên tắc rút trong Kinh Dịch. Trong đó có một thiên mà ông Wilhelm gọi là lịch sử những đợt văn minh, nói đến những lần biến dịch qua ba loại văn minh khác nhau: trước hết là săn bắn và đánh cá với Phục Hi; bước qua thời nông nghiệp với Thần nông; rồi vào thời lễ giáo với Hoàng đề Nghiêu-Thuấn. Thời Nông nghiệp lễ giáo kéo dài cho đến thời kỹ nghệ cơ khí ngày nay.

Mỗi thời nhà cầm quyền sáng suốt biết biến thông, nên duy trì được dây liên lạc mà dân không chán, không nhàm. Cái đó là nhờ đã đề ý đến cái hồn, cái cốt, nên biết duy trì cái vĩnh viễn, canh tân cái phải đổi mới, đem lại cho văn hoá Kinh Dịch một đời sống dài quán quân. Hệ từ hạ tiết hai viết: « Hoàng đế Nghiêu-Thuấn thông kì biến, sử dân bất quyện… thần nhi hoá chi, sử dân nhỉ chi »= Hoàng đế Nghiêu-Thuấn duy trì liên tục trong sự cải biến, khiến dân không nhàm; Thần Nông biến hoá khiến dân thích nghi với hoàn cảnh.

Vậy không phải bây giờ mới có thách đố (Challenge) hay bây giờ mới có việc hạ tầng kinh tế biến đổi! Nó đã xuất hiện hai ba lần nhưng nhờ người cầm đầu sáng suốt nên vẫn tiến mà vẫn độc lập tinh thần, hồn văn hoá vẫn sống được qua các đợt văn minh khác nhau.

Bí thuật của nó không ngoài hồn Kinh-Dịch tức là âm dương hoà, mà sự áp dụng nơi đây là một vuông một tròn, hai cái vuông tròn phối hiệp với nhau đến thấu nhập trở nên một cái không vuông không tròn gọi là văn minh. Nhưng mỗi lần thay đổi về kinh tế do một phương tiện sán xuất mới thì có sự biến đổi. Tuy nhiên không bỏ tròn (tinh thần) nhưng tròn này lại kết tinh vào những vuông mới. Những thể chế mới, những thói tục mới ; làm nên những bảng giá trị mới thay cho bảng giá trị cũ.

Nhiều khi nói đến duy trì truyền thống có người lo ngại làm như thế là mắc mưu Tây phương muốn dung kế văn hoá dân tộc để ru ngủ các dân hậu tiến (sic).

Câu nói xét một đàng tỏ ra lung túng và thiếu nền tảng không đáng bàn, nhưng xét đàng khác nó biểu lộ một tâm trạng chung đang lo âu làm thế nào để nước tiến mạnh; đồng thời câu nói cũng chứng tỏ việc thiếu sự phân biệt trong các thứ truyền thống. Bởi vì có thứ truyền thống thể chế, truyền thống kinh tế, lệ tục… và Truyền Thống viết hoa. Chương trình có nói dân tộc và giải phóng. Nhưng hai hạn từ đó mang nhiều yếu tố mâu thuẫn cần phải qui định: giải phóng chỗ nào, dân tộc chỗ nào?

Nếu là cốt phải giữ thì đâu là cách phải biến đổi? Đâu là hồn phải duy trì, đâu là xác phải lột bỏ. Chưa giải đáp được mấy câu đó thì vấn đề vẫn còn đầy lộn xộn, và còn tranh luận gắt gao giữa hai người có khi tựu trung lại đồng ý kiến.

Bởi vậy cần tìm ra một hệ thức phân biệt, chúng tôi thử đề nghị hệ thức sau:

m + oC = Y

m + oM = X

m là cốt cán, tinh thần, các đức tính, tạm gọi là hiến pháp vĩnh viễn, tượng trưng bằng nhạc (hoà)

o là hình thể vật chất gồm có các thể chế, tục lệ, luật tắc, hay biến đổi tuỳ theo kinh tế, tượng trưng bằng lễ, bằng đất vuông.

Y là hình thái văn minh do sự phối hợp m với oC (C=cũ) mà có. Y là một nền văn minh nhất định, một bảng giá trị nào đó.

Bây giờ cần phải tìm một hình thái mới, một bảng giá trị mới chưa được qui định, được biểu thị bằng X. Việc tìm X gồm ba động tác:

a). Đạp đổ Y (văn minh cũ)

b). gỡ lấy m (hồn) ra khỏi oC (xác cũ)

c). làm một Y mới gồm có m + oM (M :mới) = hồn muôn thuở cộng với thể chế mới thì được nền văn minh mới hồn dân tộc. Đó là X hay là YM (M :mới). Hệ thức trên căn cứ vào những câu như « thiên viên địa phương » hay là « Đạo viên nhi nghĩa phương » mà tiên tổ ta đã biểu thị bằng bánh giầy bánh chưng.

Hoặc câu « tam thiên tứ địa » = « ba trời, bốn đất ».

Ta sẽ dùng câu này thay vào hệ thức trên khi cần để dễ viết, nghĩa là thay vì vẽ vòng tròn ta sẽ nói trời, thay vì hình vuông ta sẽ nói đất. Và bây giờ ta thử minh định xem những cái gì là nội dung của tròn hay là tam thiên, và của vuông hay là tứ địa.

Phân tích đợt nhất.

Tam Thiên:

Tam Thiên gồm những đức tính vô hình, rất khó nói và nếu bất đắc dĩ phải dùng danh từ thì bao giờ cũng nên dành cho nó một nghĩa mềm giẻo, mung lung (như hồn bao giờ cũng mung lung).

Như thề ta có thể gọi tam thiên là Chân, Thiện. Mỹ hay Trí, Nhân, Dũng.

Hoặc có thể áp dụng vào tam giáo: Lão, Nho, Thích ở phần hình nhi thượng của nó, và ta tạm cho trí là Phật, Nhân là Khổng, dũng là Lão.

Nay nếu muốn xác định them một đợt nữa ta hãy cho tam thiên gồm:

a). Đạo đức: theo nghĩa uyên nguyên của Đông phương chỉ đạo thể và quyền năng (gạt ra ngoài ý luân lý tôn giáo).

b). Âm dương dùng làm phạm trù nối kết phối hiệp tam với tứ, đất với trời, hồn với xác.

c). Quan niệm đạo học Đông phương lấy con người làm cột trụ.

Tứ địa:

Chế độ đại gia đình.

Vấn đề làng mạc và áp lực dư luận.

Vấn đề giao thiệp giữa nam nữ.

Vấn đề nhân mãn và sinh nở. Các thứ tục lệ…

Đó là đầu mối những vấn đề thuộc xã hội cần đặt lại dầu phải trung thành với truyền thống, nếu muốn tấn bộ. Vì khoa học cơ khí làm xáo trộn mọi cơ cấu, nhân đó những cơ chế cũ không thể đứng vững, những giá trị cũ trở nên lỗi thời.

Sự giao thông mau lẹ dễ dàng hạ bệ hết mọi thói tục làng mạc. Khi người dân đang tìm cách thoát ly, mà phương tiện di chuyển lại dễ dàng, một sự đán áp quá khắt khe ngay bằng dư luận sẽ là yếu tố quyết định cho sự quảy gánh.

Kinh tế phồn thịnh nâng cao địa vị người đàn bà trong xã hội. Nam nữ thụ thụ bất thân không thuộc đạo giáo mà chỉ là lệ tục trong một thời nào đó, tự nhiên phải đổi.

Nhân đó sự liên lạc nam nữ không thể như xưa… Nạn nhân mãn: xưa cho đông con là có phúc « hãy làm cho đầy mặt đất ». Nay thì đã đầy rồi còn cố gia thêm thì sự đông con không còn là có phúc như xưa. Đó là vài thí dụ…

Sau những phân biệt đó mà chúng tôi tự nhận đầu tiên còn sơ xài và quá đơn giản, bởi trong thực tại những đức tính bao giờ cũng xuất hiện dưới hình thức cụ thể, đã phối hiệp với thể chế. Nhưng đây chỉ là qui tắc đặt ra để hướng dẫn sự lên sổ các đức tính một cách minh xác hơn, việc dài hơi đó thuộc phạm vi chương trình. Ở bài này ta chỉ cần sự phân biệt đại cương đó để nêu ra một đường lối. Nếu cần nhận xét chung thì ở đây mới có thể tuyên bố như sau: Nguyên tắc này giống với chủ trương cách mạng Mậu Tuất bên Tàu.

« Trung quốc vi thể

Tây học vi dụng »

Nhưng có hai đặc điểm sau:

1). Nguyên tắc ở đây được xác định hơn ngay tự trong nguyên tắc và nhất là trong chương trình như sẽ lần lượt bàn tới.

2). Quyết liệt hơn: phải bóc « cho kỳ tới hồn ». Nếu cứ lấy cớ dân tộc tính mà ôm đồm nhiều cái thuộc xác dân tộc thuộc giá trị cũ, thì hết hiệu nghiệm, vì thế trong khi trình bày chương trình chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến minh triết là cái giúp cho ta bóc tới Hồn hơn các môn khác.

Hy vọng thành công đặt ở hai điểm này, hai điểm rất mới mẻ, khi đi vào chi tiết. Sau những phân biệt thận trọng đó chúng tôi chủ trương.

Ở Tứ Địa cần phải giải phóng.

Còn ở Tam Thiên cần phải trung thành với dân tộc.

Nhờ đó có thể giàn hoà được hai yếu tố dân tộc mà lại giải phóng.

Phân tích đợt nhì.

Trung thành dân tộc: (Tam thiên)

1).Điều trước tiên với việc: « Thiên tôn, địa tỉ » – trời cao đất thấp: vậy yếu tố tâm linh phải được duy trì, nhất định trung thành với truyền thống trong việc đặt tinh thần lên trên chính trị, luật pháp, kinh tế… Mặc cho lũ tiểu nhân đắc chí huyênh hoang, nhất định lấy việc « trọng nhân nghĩa hơn tiền tài » làm lý tưởng. Bám chặt lấy những đức tính mà cha ông ta cho là tứ duy: bốn giềng mối giữ nước: liêm-sĩ-lễ-nghĩa (chữ lễ xin hiểu rất rộng). Tâm linh còn là chìa khoá giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa trong triết học, như sẽ trình bày chi tiết trong chương trình về sau.

2). Nhất định trung thành với đức Tương dung, không bao giờ đem thân làm nô lệ cho một ý hệ nào mà bỏ đức đó. Ta có thể nói mà không sợ cải chính, đó là cái đức đặc sắc của Đông phương, và đó cũng là đức mà ngày nay đang được Tây phương nhiệt liệt tuyên dương. Tuy nhiên phải trở về nguồn mới tìm ra triết lý của tương dung, nếu nhận từ ngoài, qua những phạm trù ngoại lai nhiều khi chỉ có tương dung trong lời nói mà thiếu trong thực hiện.

Đây là một sự phân biệt nền tảng giữa Đông và Tây. Đông rất rộng trong tam thiên tức là về vấn đề tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng ngặt ở tứ địa tức là thể chế thói tục, luật tắc, xã hội, thí dụ: ngoại tình phạt rất nặng (thuộc xã hội), nhưng Hồ Xuân Hương được viết những thơ rất tự do (thuộc tư tưởng). Trái lại bên Tây phương cổ điển rộng ở thể chế, xã hội, đời sống nhưng lại rất khắt khe trong tư tưởng tôn giáo, suy tư. Thí dụ, sinh viên phạm tội giết người có thể dễ dàng tránh pháp luật, nhưng một người nghĩ khác với tư tưởng xã hội có thể bị thiêu sống. (Đây nói về Tây từ thế kỷ 18 trở về trước, còn Đông hiểu ở cả hai khối Ấn độ và Trung hoa).

3).Trung thành với câu Âm-dương tương-thôi: chữ tương vắng bóng trong triết học cổ điển Tây phương, nhưng tối quan trọng trong triết Đông, nó là hậu quả của tương-dung. Nó đề cao hai đức tính: I) hợp tác chống với « đại lý độc quyền, độc chiếm, độc đoán. Chỉ có một người làm, các người khác đứng ngó. Thiếu hẳn chữ tương của Dịch lý Đông phương ». II) bổ túc chống với đấu tranh xét qua vấn đề nam nữ, lao-tư… Không kể chữ tương còn có vai trò quan trọng khác trong luân lý khoa v.v…

4). Cuối cùng là cái đạo học làm người xây trên một quan niệm con người Đông phương với những đức tính độc lập, tự cường, phấn phát rất đặc sắc của nó. Đó là một nền nhân bản tinh tuyền nhất : nghĩa là đã được gỡ khỏi mọi yếu tố thần thoại cũng như chưa bị rơi vào cực đoan duy tri. Vấn đề duy trì truyền thống sẽ là khôi phục được cái đạo nhân sinh này, vì nó là căn bản cho những đức tính nói trên.

Ở đây tôi không đưa ra đức Nhân tuy đó là đức riêng biệt lắm, nhưng nó mung lung nên ít khi Khổng Tử đề cập. Song bốn điều trên chính là nhân ái đích thực, khác ở chỗ được xác định thêm. Đều xác định này tối quan trọng vì nếu không, người ta có thể tuyên bố nhân ái mà toàn làm những tội ác bất nhân.

Bốn điều nêu ra trên đây phải được phát huy ra chương trình và phải được quảng diễn trên nền tảng Minh Triết Đông phương nghĩa là bằng những phạm trù biến dịch tiến hoá, quan điểm (darshana tiếng Ấn độ) và thêm óc phân tích phê bình của tây phương.

Mấy phạm trù này ngày nay ta năng được nghe nhắc tới trong Triết học mới của Tây phương, nhưng khi kê cứu so đo ta thấy nó thiếu hẳn hậu trường do 30-40 thế kỷ thực hiện : nông sâu khác nhau nhiều quá. Và nhất là hợp với chiều từ trường tâm hồn của chúng ta ! Cho nên nếu ta muốn có một nền triết lý sâu xa hơn lời nói suông, thí dụ tương dung thì cần trở lại Đông phương sẽ tìm được dễ hơn đức tương dung đích thực. Ngoại giả rất khó, không kể cộng sản mà ai cũng thấy thái độ bất tương dung ngập chợ, cả đến những triết thuyết khác từ Tây phương phát xuất ít khi thoát khỏi cái óc độc chiếm. Karl Jaspers đã công nhận óc đó là riêng biệt của tây phương (Hist. Jaspers 85).

Vì thế, chúng tôi chủ trương trung thành với truyền thống trong mấy điểm trên mà chúng tôi gọi là Hồn, là cốt và coi những việc phản bội các điều đó không những là bật rễ mà còn là thoái hoá, bởi chỉ cần suy nghĩ chín chắn về triết học tây phương thời mới ta thấy Âu châu chủ trương cảm thông, chấp nhận yếu tố ngoại lý và nao nao mơ tưởng đến tâm linh. Vì thế trung thành với truyền thống là đi cùng nhịp với triết học mới nhất, là dẫn đạo tinh thần, là đi vào cùng hàng tiền đạo với các nhà đại tư tưởng thế giới (Nietzsche, Jaspers, keyserling, Radha-Krishnam. Tolstoi, Dostokiesky…).

Một số thanh niên ta hiện nay chủ trương : dân tộc hay không, cái đó không quan trọng, miễn sao tiến mạnh. Câu đó tỏ ra thiếu được hướng dẫn. Vế sau « miễn sao tiến mạnh » là câu thường nghe, bởi đó chỉ nói lên ý hướng, mà ý hướng thì có ai là không muốn tiến mạnh kể cả người bị gọi là bảo tồn, vì với họ lối đó là tiến mau nhất. Vậy sự quan trọng nằm trong mệnh đề « dân tộc hay không dân tộc ». Nhưng nếu không trung thành với dân tộc tính thì gặp mấy bất lợi sau :

Điểm thứ nhất chỉ có phạm trù cùng chiều từ trường tâm trạng mới khơi được nguồn cảm hứng sâu xa nhất, những rung động trữ tình đó mới đem đến cho sản phẩm một cái hồn xem gương của những dân tộc trung thành truyền thống thì biết. Judêu rất sâu xa nhoờ đó, Tagore là bức tường sáng lạn gần ta.

Điểm thứ hai là theo chiều dân tộc dễ gặp may mắn để thành công trên quốc tế, vì ở nơi mình có những hình thức ít khi bị cạnh tranh, nên dễ trở nên đặc sắc một khi được khai thác tới cùng, nếu đi hẳn vào ngoại lai bao giờ mới được bằng người. Bản hợp tấu Mandal của Nhật Bản vừa rồi là một thí dụ : nó chiếm được chú ý đặc biệt hơn ba chục nước đưa ra đóng góp là vì Nhật có hồn dân tộc đặc sắc. Hoặc lấy thí dụ ở sơn mài dễ được chú ý vì riêng biệt không bị cạnh tranh, ngược lại tân nhạc, thí dụ: nếu cứ luôn luôn mới mà không nghĩ đến hồn dân tộc thì mong gì ra mặt với thế giới, ngay trong nước đã làm điếc con ráy nhiều tai kia rồi (nhớ lại Faucon báo JEO lúc sinh tiền thường phàn nàn về trình độ nhạc của ta cứ ù-lì nằm lại đợt « chợ phiên » không sao vươn lên được). Vịn cớ hướng về phổ biến cho dễ phớt hồn dân tộc thật là cái hợm mình, chuẩn chước cho mình một sự khó nhọc phải tìm ra hồn dân tộc nhưng chính sự khó nhọc đó là giá phải trả cho những thành công, nên không tìm cho ra hồn đó mà cứ đuổi theo mới thì lúc đó: luôn luôn mới cũng có nghĩa là luôn luôn tầm thường. Đành rằng đời sống hằng ngày, phải tầm thường như thế nhưng một nước xứng danh không thể không nghĩ đến đào tạo những nhân tài xuất chúng phi thường được.

Điểm nữa là nếu không đi vào hồn dân tộc thì văn nghệ sẽ lìa xa dân chúng như hầu hết các sang tác hiện nay. Hầu hết chỉ có đám thanh niên tân học hiểu lấy với nhau nghĩa là viết cho lối 5% dân chúng. Hố sâu giữa đại chúng và trí thức không được chú ý đến để lấp lại.

Ta có thể tỏ ngạc nhiên tại sao đến lúc này mà còn có báo đưa ra những lý chứng tràng giang để đả đảo những hình thức cổ hủ trong văn hoá mà không chỉ ra hình thức nào và hô hào giải phóng để đón nhận gió bốn phương mà không nói giải phóng khỏi cái gí; bời quả còn một vài yếu tố cổ hủ lác đác đó đây nhưng rất mong manh và đâu còn quyền lấn át chỉ huy, mà phải hô hào. Và gió bốn phương nào? Phải chỉ tên tuổi ra vì quả thật còn thiếu một số gió, nhưng chúng tôi thấy rõ tác giả những bài kia không hề ngờ đến. Xem ra chính họ cũng cần luẩn quẩn trong nước Pháp, mà nói đến Pháp thì hiện nay trong văn đàn không thiếu luồng gió mới nào: từ thơ lập thể đến siêu thực, trong triết học thì có Hiện-sinh và hiện tượng luân… tất cả các mặt hầu khắp rồi, còn thứ nào chưa được giới thiệu đón tiếp? Nếu mai ngày thế hệ chúng ta không để lại trong di sản văn hoá nước nhà được cái gì đáng giá, thì tôi thiết nghĩ không tại lỗi thiếu cởi mở, thiếu đón nhận, mà tại thiếu cái hồn dân tộc , để làm mối nhất quán, thiếu cái gốc qui tụ những điều thâu thái được. Tôi ngờ rằng tác giả những bài hô hào trên đang đọc những sách viết vào lối 1930. Thời Tự lực Văn đoàn chẳng hạn thì những câu đó có đối tượng, chứ ngày nay quen miệng lập lại thì đó chỉ là thứ văn nghệ sách vở thiếu quan sát, thiếu đi vào thực tại. Hay đúng hơn chưa phân biệt bình diện vuông tròn hiến pháp và luật lệ. Dẫu sao chúng ta cũng phải cố gắng tiến lên một bước nữa: là chấm dứt những câu tuyên bố suông, những lối thẩm định không dựa trên một sự kiện xác đáng hay một lý chứng rành mạch. Rồi đây chúng tôi sẽ đề nghị một phương pháp hiệu nghiệm để duy trì hồn dân tộc tức là vấn đề sách dân tộc.

Sau khi đã qui định đại cương những đức tính của Truyền thống, và quả quyết rằng trung thành với Truyền thống là đi tiền phong. Bây giờ ta trở xuống phía vuông, phía xã hội.

Cách mạng tứ địa:

Và ở đây chúng tôi chủ trương giải phóng: gió Đông lùi bước trước gió Tây, không sao cả: đó chỉ là tân phong thổi luồng khí cũ: « sự đảo lộn giá trị là một điều kiện cho công việc kiến thiết giá trị mới. Đặt lại các giá trị, không theo lễ giáo nữa, nhưng trở lại nguồn gốc uyên nguyên sâu thẳm của con người, lấy lẽ sống làm tiêu chuẩn. »

Nhân loại đến một khúc ngoẹo mới, đang bước vào một chu kỳ mới, nhiệm vụ lúc này cũng còn phải phá đổ, đừng tiếc sót gì? Đã có sinh phải có diệt. Muôn vật đều theo luật đó, dẫu là văn minh cao đẹp đến mấy. Ở đây chúng tôi chưa thể đi vào chi tiết từng cơ chế chỉ nêu ra nguyên tắc chung như sau: thời đại này dựa trên cá nhânchính phủ khác thời trước dựa trên xã hộiđại gia đình.

Sự thức tỉnh ý thức cá nhân là nét đặc sắc của thời đại này khác với xã hội cha ông chúng ta. Các ngài sống nhiều với ý thức xã hội. Một giai đoạn cần thiết lúc ban đầu khi loài người còn bất lực trước những tấn công của thiên nhiên cũng như cần thiết để phá ngu, vượt lên trên thú tính, để tinh luyện cho con người được văn minh.

Ngày nay nhân loại đã tiến xa hơn trước những thằng thúc của xã hội sẽ dần dần hết lẽ sống của nó. Điều kiện kinh tế buộc đại gia đình phải đi vào tiểu gia đình. Cái đó thuộc thể chế hoàn toàn. Trong khi bỏ thói tục đại gia đình dĩ nhiên quyền gia đình bớt đi.

Nhiều người sẽ cho cá nhân chủ nghĩa là thoái hoá, bởi nó hay đi kèm với phóng túng, truỵ lạc, ích kỷ, vật chất.

Đành rồi, và chúng tôi không hề nghĩ đến biện hộ cá nhân ích kỷ, vì nó trái ngược với Truyền thống. Chỉ chủ trương giải phóng khỏi thủ tục: thằng thúc đã hết ý nghĩa; nhưng trong trào lưu nào cũng có mặt phải mặt trái, mặt trái ở đây là ghé sang cá nhân, dật lạc, đó là bước thoái, nhưng phải chịu là thoái trong đường tiến triển. Con đường tiến của nhân loại vươn lên ý thức đi theo vòng xoáy ốc chữ chi, kiểu đường trèo núi, có lúc phải đi xuống để rồi lên cao hơn. Còn những sự quá đà sẽ một phần nhờ pháp luật do chính phủ đặt ra, điều chỉnh lại.

Đây là dịp cho nhiều người mở cờ truyền thống để cố duy trì những cái cổ hủ, lỗi thời, làm tê liệt đường tiến chung.

Đây còn là dịp cho nhiều người lấy lý bảo vệ thuần phong mỹ tục mà xâm phạm cả vào tự do cá nhân, xâm nhập quá sâu vào đời sống tư riêng, nơi thẩm cung của gia đình, chẳng hạn một số trường hợp gọi là săn gái điềm… Cái đó cùng lắm chỉ nên lấy danh nghĩa lễ giáo, không bao giờ nên nhân danh đạo giáo: nói khác đi, chỉ nên coi nó là luật nhất thời biểu thị ý kiến của một nhóm người thanh giáo chủ trương khắc khổ thì tuỳ ý họ, không nên vịn cớ bênh vực Truyền thống làm mất cả ý nghĩa thiêng liêng của chữ ấy đi. Ta nên dành chữ đó cho tái tinh thần Truyền thống. Trọng tâm của việc bảo vệ Truyền thống nên đặt vào việc dành lại cho cái học nhân bản của Truyền thống một địa vị danh dự. Đó là điều chúng ta nên chú trọng. Quyền bính bớt đi của gia đình và dư luận phải được đem tăng cường uy tín cá nhân đạt được do cái học nhân bản. Còn về lệ tục, các qui chế tuỳ thời canh cải.

Cố chấp duy trì một tình trạng đã lỗi thời chỉ gia them giả hình và man trá, và đó là duyên cớ thất bại của bao cuộc cải dụt dè lúc trước. Đắp nước tự nguồn chứ chạy theo đàng cuối nhọc mình mà không cải thiện được tình trạng.

Đây là dịp xê dịch trọng tâm. Lúc xưa mọi quyền trong tay gia đình và làng mạc, ngày nay sẽ chuyển sang cho chính phủ. Đường giao thong dễ dãi, lối sống tân thời dần dần gỡ cá nhân ra khỏi gia đình và ra khỏi áp lực của hương thôn tục lệ, ra khỏi áp lực của dư luận, vậy đồng thời phải chú trọng đến công dân giáo dục. Bởi đời sống xã hội không có luật lệ thì thực hiện thế nào được. Cha ông ta đã rất ngặt ở điểm này và các ngài có lý. Ta nay khỏi theo tổ tiên chỗ đó, vì phương thế khác rồi, nhưng nên xem đến nguồn gốc để gia tăng. Đây là thời cần trở lại nguồn; cần những tiên tri hơn những tư tế. Những người này bảo tồn chỉ muốn giữ y nguyên tình trạng cũ; tiên tri là những người cấp tiến cách mạng theo nghĩa tốt của nó, họ là những người ý thức về tương lai, bênh vực công lý, đứng về phe dân chúng; vì thế họ hay bị bắt bớ. Nhưng chính nhờ họ mà tôn giáo thí dụ của dân Do Thái tự hàng tin tưởng của một dân man rợ hẹp hòi, nặng óc chủng tộc đã trở thành một Tôn giáo độc thần và phổ biến.

Ở đâu cũng cần có những tiên tri thì « xã hội đóng » mới thêm sinh khí để thàng « xã hội mở ». Trong xã hội Ấn độ thời cổ hàng tư tế Brahman đã gây nên một tình trạng ứ đọng với những nghi lễ phiền toái và rỗng tuếch, Phật tổ đến thổi loa tiên tri: vất bỏ uy quyền kinh Veda, chối tuốt độc quyền của tăng lữ, đạp đổ biên giới đẳng cấp, nhờ phá được ba cái dây trói buộc đó, tinh thần độc lập tâm đạo vươn lên truyền bá ra khắp vùng Đông Nam Á.

Chúng ta đang sống trong thời ứ đọng, thời xao xuyến… cần có những đầu óc tiên tri, đứng lên đạp đổ những cái lỗi thời. Lễ giáo tuy không cần bỏ hết, nhưng không nên do từ ngoài tròng vòng cổ con người khi những con người đó đã có thể tự ý thức chọn lấy. Cần phải có những tiên tri, cần phải có những lỗ tai thâu nhận được lời của những tiên tri. Nếu không chúng ta sẽ dần đưa nhau đến đổ vỡ đến chỗ chon vùi văn hoá dân tộc.

oOo

Như thế chúng ta tạm tìm ra một nguyên tắc để dung hoà hai hạn từ mâu thuẫn đối lập, vừa trung thành đồng thời vừa giải phóng: trung thành với đức tính cao quí, mà giải phóng với những qui chế tục lệ đã lỗi thời. Trong việc thực hiện cần phải cứu xét cho tới chỗ tinh vi xét đến cái hồn, vì sự kết hợp Đông Tây hay đúng hơn phối hiệp mới cũ, phải trả bằng giá đó. Một người làm không nổi thì nhiều người. Vấn đề ở tại biết tổ chức. Nếu không mà cứ tiếp tục con đường duy tân lơ mơ hiện nay thì rồi cũng sẽ mang số phận như duy cổ mà tờ khai tử chưa khô mực ký. Sông Bến Hải không chỉ có ngoài vĩ tuyến 17, mà trái lại nó tượng trưng cho một vực thẳm khác đang được đào rộng mỗi ngày mỗi sâu them. Một bên là những người hãy tạm gọi là trí thức là trưởng giả, bờ bên kia là dân chúng, với hai thí dụ nhắc trên kia: là thuyết nhân vị thuộc trí thức và giả xem bệnh thuộc trưởng giả để minh hoạ. Ai cũng thấy là vực thẳm còn đang mở rộng thêm, sâu thêm, không lấp được là breakdown: đổ bể, tan hoang, phá sản.

Thế là không phải vì sĩ diện hay lấy le mà chúng ta chủ trương Văn hoá Á châu với hồn dân tộc, nhưng trước tiên vì lý do sinh tồn nghĩa là một mất một còn.

Bài này thử đưa ra một nguyên tắc: nếu thiết lập như thế tạm gọi là được đi, thì nguyên tắc đó không chước chuẩn sự lên sổ thống kê sống động các giá trị truyền thống, mỗi giá trị của mỗi bộ môn trong văn hoá, những giá trị được trình bày ở trình bày ở trình độ tinh lọc đến độ cuối cùng, để sẵn sàng tái sinh vào những thể chế mới, những hình thức văn nghệ mới, những thói tục mới.

Con đường Dân tộc trình bày ở đây xin lập lại thuộc chương trình dài hạn, đòi ở chính phủ cũng như nhà chuyên môn một sự bền chí dài hơi, nhưng rất mong được lưu ý, vì phần thưởng sẽ rất bội hậu. Chỉ cần nảy ra được một hai người là phục hưng lại được cả một nền văn hoá làm cho Văn hoá dân tộc phục sinh. Chỉ cần một người, cũng như « một nền văn hoá sinh ra lúc có một tâm hồn đại độ tự giác biết vượt ra khỏi tình trạng tâm lý nhất tề của tư chất ấu trĩ thiên nhiên con người, lúc đó hình thức sẽ hiện ra tự cái mở vô định. Sự lớn lao của một tâm hồn biểu lộ qua óc tự chủ sự suy tư và luôn luôn say sưa sang tạo. Chỉ có sự suy tư chân thực đó mới giải phóng được con người ».

Xin tặng anh chị em ebook Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, link download: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Series Navigation<< Vấn đề phạm trù trong triết Đông