Đức Maria Qua Các Thời Đại
Nữ Anh Thư Trong Kinh Qur’an Và Đức Bà Đen

Bài 6 / 17 trong loạt bài Đức Maria qua các thời đại

Chương năm: Nữ Anh Thư Trong Kinh Qur’an (Koran) Và Đức Bà Đen

Em đen và em đẹp
– Diễm Ca 1,5 (theo cách dịch của Marvin Pope)

Một trong các vai trò sâu sắc và lâu bền nhất của Trinh Nữ Maria trong lịch sử là chức phận bắc cầu qua các truyền thống, cá nền văn hoá và tôn giáo khác của Ngài. Người bắc cầu là kiểu nói pontifex của tiếng Latinh, một tước hiệu tư tế trong tôn giáo La Mã ngày xưa. Và trong việc thần hoá các hoàng đế, người La Mã dành tước hiệu pontifex maximus cho các vị này. Vì thế, tước hiệu ấy bị các hoàng đế Kitô giáo từ khước từ thế kỷ thứ tư. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó được các giám mục và tổng giám mục Kitô giáo tiếp nhận. Mãi sau này nó mới trở thành tước hiệu dành riêng cho Giám Mục Rôma1LTK 8:613 (Max Bierbaum). Tuy nhiên quan niệm pontifex có một hàm ý rộng rãi hơn nhiều. Vì tựu trung, nó áp dụng cho mọi quan niệm và nhân vật mà sứ điệp cũng như tầm ý nghĩa căn bản chỉ được diễn tả tốt hơn bằng mô thức cả/và (both/and) hơn là mô thức hoặc là/hay là (either/or). Một trong những quan niệm ấy là phong trào đơn tu, từng có mặt trong khá nhiều truyền thống riêng rẽ và từng cho thấy những tương đồng kỳ diệu cũng như những dị biệt lịch sử đáng kể2Xem chương 8 ở bên dưới.. Trong mấy thập niên qua, các cố gắng để vun trồng các trao đổi, nhất là giữa phong trào đơn tu Kitô giáo và Phật giáo đã thực hiện được những khai phá đáng kể và Thomas Merton, một đan sĩ dòng Trappist và là một tác giả linh đạo, là người đang dấn thân vào “cuộc hành trình vượt biên” ấy lúc ông qua đời năm 19683Elisabeth Ott, Thomas Merton, Granzganger zwischen Christentum und Buddismus: Uber das Verhaltnis von Selbsterfahrung und Gottesbegegnung (Wurzburg: Echter Verlag, 1977).. Bất cứ khi nào các phản đề hoặc là/hay là ở mọi bình diện có nguy cơ bùng nổ thành những lò sát sinh tập thể (holocaust), người ta lại thấy một nhu cầu cấp thiết phải nhận dạng và vun xới cho được những quan niệm và nhân cách bắc cầu kia.

Có lẽ không có phản đề nào có hệ quả tầm xa bằng liên hệ giữa mọi thành phần khác của thế giới và cái được mệnh danh là “thế giới Hồi giáo” (một đối tác của Thế giới Kitô giáo), là thế giới hiện có hơn một tỉ tín đồ. Chính vì thế cái nhu cầu cần phải có những người bắc cầu kia đang trở nên hết sức khẩn trương và nhói tim để hiểu cho được cái tôn giáo của tiên tri Muhammad và cái sứ điệp quan trọng của Koran, trong khi sự mù mờ căn bản của các giới học thức Tây Phương đối với tôn giáo và sứ điệp này không những thẳm sâu mà còn quá kinh hãi nữa. Nền tảng của đức tin Hồi giáo là một loạt những mạc khải của Thiên Chúa bắt đầu từ năm 610 và tiếp diễn đến gần cuối đời của vị tiên tri vào năm 6324Câu này và trọn phần còn lại của đoạn này được phóng tác từ lời “dẫn nhập” vào Kinh Koran trong Sacred Writings, 6 cuốn, do Jaroslav Pelikan chủ biên, với cuốn dùng kèm On Searching The Scriptures – Your Own or Someone Else’s (New York: Book of the Month Club, 1992), 3:xiv.. Ðối với người Hồi giáo chính thống, những mạc khải này là tiếng nói của chính Thiên Chúa. Trong đó, Muhammad được nhắc đến như là: “lòng từ nhân đối với tạo vật trần gian”, với sứ điệp phải nói rằng: “Ðây là điều đã được mạc khải cho tôi: ‘Thiên Chúa của ngươi là một và duy nhất’ “5Koran 21:107-8.. Muhammad học thuộc lòng nhiều mạc khải như thế, và các đồ đệ của ông sau này cũng vậy; nhiều điều khác được viết xuống ngay, bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn. Thu thập bộ Koran được kể là công của Abu Bakr, đệ nhất khalíp (kế vị), còn việc tiêu chuẩn hoá bản văn là công của Uthman, đệ tam khalíp, người đã lập bản văn của Medina thành bản qui phạm, đồng thời cũng ấn định thứ tự của 114 chương hay surah, ít nhiều theo thứ tự từ dài nhất đến ngắn nhất. Nhiều học giả Tây Phương thường nghĩ rằng Koran, trong hình thức như hiện nay, bắt đầu thành hình khoảng năm 650 nhưng mãi đến thế kỷ thứ 10, bản văn mới có hình thức nhất định; dù vậy, học lý qui phạm của Hồi giáo vẫn dạy rằng nó đã được viết ra ngay một lần tức khắc.

Ðối với các độc giả Phương Tây lần đầu đến với Koran, một trong những phần ngạc nhiên nhất thường lại là chương đánh số 19 trong bộ chính thức, mang tựa đề là “Maryam: Mary”6Suốt chương này, tác giả theo bản dịch kinh Koran do thi sĩ và học giả quá cố người Pakistan là Ahmed Ali, mà ông vốn được phép cho vào bộ Sacred Writings.. Vì mặc dù mang số 19 trong số 114 chương, chương này lại là một trong những chương dài nhất của Koran. Hơn nữa, nó cũng là chương duy nhất mang tên một người đàn bà, dù chương 4 cũng có hàng chữ bên trên viết là “An-Nisa: Phụ Nữ” và chương 60 được gọi là “Al-Mumtahanah: Người Ðàn Bà Bị thử Thách”. Nhưng nhất định không có chương mang tên Evà7St 3,20. (người vốn là “mẹ mọi sự sống” trong truyền thống Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo), cũng không có chương nào mang danh Haga, mẹ của Ítmaên, con trai Ápraham và, do đó theo nghĩa đen, là tổ mẫu người Hồi giáo. Theo phán đoán của nhiều học giả, chương 19 xuất hiện trong giai đoạn Muhammad sống tại Mecca, là giai đoạn “nhắc đến Maria để nhấn mạnh sự kiện ngài là mẹ đồng trinh của đức Giêsu”; trái lại, chương 3 thường được coi thuộc giai đoạn ông sống tại Medina, là giai đoạn nhắc đến Maria để “chú tâm đến việc bác khước thần tính của đức Giêsu”8Yvonne Y. Haddad & Jane I. Smith, “The Virgin Mary in Islamic Tradition and Commentary” trong Muslim World 79 (1989): 162.. Chương 19 gồm các trích đoạn, diễn giải hay phỏng theo các sách Phúc Âm của Tân Ước, nhất là Phúc Âm thánh Luca là sách mô tả chi tiết nhất về Trinh Nữ Maria trong bộ Thánh Kinh Kitô giáo9Xem chương 1 ở trên.. Những song hành tự chúng đã quan trọng rồi, nhưng chúng càng quan trọng hơn nữa khi nhìn trong tương quan với những dị biệt giữa học lý Kitô giáo về đức Maria như đã được triển khai vào thời Muhammad đầu thế kỷ thứ 7, và chân dung Hồi giáo về Ngài trong Koran cũng như trong các chú giải của Hồi giáo sau này10Ludwig Hagemann, Maria, die Mutter Jesu, in Bibel und Koran (Wurzburg: Echter Verlag, 1992).. Vì, như Neal Robinson từng nhận xét, các song hành thực sự không những chỉ được rút ra giữa Muhammad và đức Giêsu trong truyền thống tiên tri, mà còn giữa Muhammad và Đức Maria như những người mang lời Thiên Chúa11Neal Robinson, “Jesus and Mary in the Qur’an: Some Neglected Affinities” trong Religion 20 (1990): 169-71.. Như chính Koran nói sau này: “Và về Maria, ái nữ Imran, người đã giữ khiết trinh, để Ta thổi sự sống từ Ta vào Ngài, và Ngài đã tin lời Chúa của mình và Sách của Người, và ở trong số những người tuân phục”12Qur’an 66:12.. Do đó, liên quan đến những tư liệu khác về lịch sử đức Maria qua các thế kỷ và dựa vào các nhà chú giải cả Hồi giáo lẫn Tây Phương, sau đây là phần bình luận về một phần trong chương 19 đặc biệt nói đến Đức Maria13Cũng nên xem Nilo Geagea, Mary of the Koran, bản dịch của Lawrence T. Farnes (New York: Philosophical Library, 1984); C.H. Becker, Christianity and Islam, bản dịch của H.J. Chytor (New York: Burt Franklin Reprints, 1974), 22.:

16. Hãy Tưởng niệm Maria trong Sách. Những lời mở đầu này tiếp liền sau việc diễn giải trình thuật trong chương đầu Phúc Âm Luca về việc ra đời của Gioan Tẩy Giả, là một diễn giải xem ra đã được thực hiện để nhấn mạnh đến những nét song hành giữa việc ra đời của Gioan Tẩy Giả và việc ra đời của Chúa Giêsu qua các biến cố truyền tin, can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa, và sứ mệnh đặc biệt của con trẻ sắp sinh14ADB 3:889 (Paul W. Hollenbach).. Nhưng trong cả Tân Ước lẫn Koran, điều đáng lưu ý là: việc báo tin Gioan sẽ sinh ra cách mầu nhiệm đã được thiên thần của Chúa ngỏ với cha của ông là Dacaria, trong khi, việc báo tin Chúa Giêsu sẽ sinh ra lại được thiên thần ngỏ với mẹ của Người là Đức Maria. Hơn nữa, trong Koran, tên của Êlisabét, mẹ Gioan, không được nhắc đến. Bởi thế, trong khi lời Chúa ngỏ với Gioan Tẩy Giả là: “Hỡi Gioan, hãy bám chặt lấy Sách”15Koran 19:12., thì phần này, mở đầu với công thức “Hãy tưởng niệm Maria trong Sách”, rõ ràng đã gán cho Maria một vị trí đặc biệt trong kế hoạch có tính lịch sử của “Allah, đấng nhân hậu, từ bi hơn hết”. Rất có thể đây là một suy tư của nền linh đạo thánh mẫu thời hậu Thánh Kinh nên chi tiết trình thuật đầu tiên trong việc tưởng niệm Đức Maria này, tức câu: “Khi bà lìa khỏi gia đình tới một nơi tại Phương Đông và trốn khỏi họ”, không có trong Phúc Âm Luca hay trong bất cứ Phúc âm nào. Nhưng phần đúng hơn có lẽ là: chi tiết ấy được dùng để nhắc người ta nhớ đến Haga, thân mẫu Ítmaên, người đã được nói tới trong chương 16 và chương 21 của Sách Sáng Thế, là hai trình thuật nói về việc bà bị xua đuổi nhưng có nhiều điểm ít ăn khớp với nhau; bởi vì Haga quả có “đi ẩn khỏi” gia đình bà, tức Xara và Ápraham. Hồi giáo coi Ítmaên, con trai Ápraham, là vị sáng lập ra mình, một vị sáng lập được Thiên Chúa sủng ái, Ðấng, cả trong Thánh Kinh Do Thái lẫn Thánh Kinh Kitô giáo và do đó cả trong truyền thống Do Thái lẫn truyền thống Kitô giáo, khi nói tới Ítmaên, đã đoan hứa rằng “Ta sẽ làm nó trở nên một dân tộc lớn”16St 21,18..

17. Ta sai một thần trời của Ta đến với bà, thần trời này xuất hiện trước mặt bà dưới hình thức cụ thể của một người đàn ông. 18. Bà nói: “Tôi sẽ ẩn cư trong Ðấng Từ Bi để tránh khỏi ông, nếu ông kính sợ Người,”. Thiên thần đáp: “tôi chỉ là người được Chúa của bà sai đến để ban cho bà một con trai tốt lành”. Và trước đó: “Thiên thần nói: ‘Hỡi Maria, quả thật Thiên Chúa sủng ái bà và làm bà sạch trong, và đã chọn bà trong mọi người đàn bà trên thế gian. Bởi thế hỡi Maria, bà hãy thờ lạy Thiên Chúa và hãy ca tụng và cúi đầu với những người cúi đầu cầu nguyện”17Koran 3:42-43.. Ðây là cách tường thuật của Koran về việc truyền tin. Trong các nét căn bản, nó khá giống trình thuật trong Phúc Âm Luca. Cũng có một thiên thần, mà Tân Ước nhận dạng là Gabrien, nhưng ở đây không được nêu danh mà chỉ là “thiên thần” hay “thần trời của Ta”. Vị này tự xưng mình “chỉ là người được Chúa của bà sai đến”. Nội dung việc công bố của thiên thần cho bà, cả trong Koran lẫn Tân Uớc, là bà sẽ có một con trai. Nhưng ở đây ta thấy có sự khác biệt khá lý thú. Trong Phúc Âm, Gabrien nói với Maria: “Người sẽ nên cao trọng, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao: và Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của cha Người là Đavít: Và Người sẽ trị vì trên nhà Giacóp mãi mãi; và nước Người sẽ không bao giờ chấm dứt”18Lc 1,34.. Những lời này phản ánh và tạo nền tảng Thánh Kinh cho giáo huấn Kitô giáo khi dạy rằng: trong tư cách “Con Ðấng Tối Cao”, người con trai của Maria chiếm một địa vị duy nhất không những trong lịch sử nhân loại mà còn trong cả chính sự sống của Thiên Chúa, và do đó trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì tôn giáo trong Koran chỉ chú tâm vào đặc tính duy nhất tuyệt đối của Thiên Chúa, nên đã loại bỏ bất cứ ngôn từ nào cho thấy Thiên Chúa có một người Con và do đó có Ba Ngôi, không lạ gì câu nói của Gabrien đã được rút gọn, vỏn vẹn còn một nhóm từ đơn giản: “một con trai tốt lành”. Các thiên thần nói với Maria: “Hỡi Maria, Thiên Chúa cho bà tin tức về một sự việc từ nơi Người, để mà vui mừng, (đó là tin về đấng) mà tên gọi sẽ là Đấng Được Xức Dầu (Mêxia), tức Đức Giêsu, con trai Maria, lẫy lừng ở đời này và đời sau, là một trong những người được tôn vinh, đấng sẽ nói với dân chúng khi còn nằm trong nôi và khi còn thơ dại, và sẽ ở giữa những người công chính và làm điều thiện” 19Koran 3:45-46.. Nghĩa là con trẻ sắp sinh sẽ là con trai của Maria, chứ không phải là Con Thiên Chúa. Ðàng khác, sứ điệp thiên thần trong Luca còn tiếp tục nói tiên tri về một điều mà các nhà chú giải Kitô giáo sau này cho là gây nên nhiều vấn nạn. Ðó là việc “ngôi Đavít, cha của Người” sẽ thuộc về Người và từ ngôi báu ấy Người sẽ cai trị đời đời. Lời tiên tri ấy cũng như những lời khác trong Cựu và Tân Ước nổi bật qua cuộc tranh luận trong các thế kỷ thứ hai và thứ ba liên quan đến vấn đề liệu khi trở lại, Đức Kitô có thiết lập vương quốc trần gian cho một ngàn năm sau hay không, một cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục được lặp lại trong lịch sử Kitô giáo, cả cuối thời Trung Cổ lẫn trong thế kỷ 2020Norman Cohn, The Pursuit of the Millennium (New York: Academy Library, 1969).. Tất cả những điều ấy đều không có trong các trình thuật của Koran. Vì thế, trong đó, Maria không phải là Mẹ của Vua và do đó cũng không có quyền có tước hiệu Nữ Vương, như trong truyền thống Công giáo.

20. Bà nói: “Làm thế nào tôi có thể có con trai được, khi không có người đàn ông nào đụng đến tôi, mà tôi cũng đâu phải là kẻ tội lỗi?” 21. Thiên thần nói: “Nhất định bà sẽ có con trai. Chúa của bà cho hay: ‘Ðối với Ta điều ấy rất dễ’, Ngài còn cho hay: ‘Ta sẽ làm cho người con trai ấy nên dấu chỉ cho con người và là một ơn phúc từ Ta’. Ðó là điều đã được phán định”. Một lần nữa, ta cần ghi nhận ngay tính trung thực của Koran đối với bản văn Tân Ước thuật lại các lời nói của đức Maria: ”Chuyện này xảy ra sao được, vì tôi không biết đến đàn ông?”21Lc 1,34. – những lời nói hoàn toàn phỏng theo ngôn ngữ tiêu chuẩn của Thánh Kinh Do Thái, bắt đầu từ những chương đầu của sách Sáng Thế, khi dùng động từ “biết” như một uyển ngữ thay thế cho giao hợp tính dục22St 4,1-25.. Tính trung thực đối với Tân Ước này có nghĩa là đối với Koran và các tín hữu trung thành của nó, cũng như đối với Tân Ước và các tín hữu trung thành, Maria đã được nhận dạng đúng đắn qua tước hiệu bề ngoài xem ra mâu thuẫn là Mẹ Ðồng Trinh. Khía cạnh ấy trong Thánh mẫu học của Hồi giáo liên tiếp tạo được cả ca ngợi lẫn kinh ngạc trong các đáp ứng của Kitô giáo đối với Hồi giáo, cả Phương Ðông thời Byzantine lẫn Phương Tây thời Trung Cổ. Cũng thế, các mệnh đề “Chúa của bà cho hay: ‘Ðối với ta điều ấy rất dễ’” và “Ðây là cách Thiên Chúa tạo nên những gì Người muốn. Khi Người ra lệnh điều gì, Người chỉ nói: ‘Hãy có’ và thế là nó có,”23Koran 3:47. quả tương ứng với lời của Gabrien trong Luca: “Với Thiên Chúa, chẳng có chi là không làm được”24Lc 1,37.. Nhưng lại một lần nữa, những gì bỏ qua không nói tới khiến ta càng chú ý hơn và càng liên quan hơn đến việc xem sét chân dung đức Maria. Vì trong Phúc Âm, Gabrien trả lời câu Maria hỏi bằng các giải thích rằng: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên bà, và quyền lực của Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ bà: chính vì thế đấng thánh sinh ra bởi bà sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”25Lc 1,35.. Các giải thích như thế đều hiển nhiên bị loại khỏi Koran. Ở đây, con trẻ sẽ sinh ra chỉ là “con trai tốt lành”, con trai tốt lành của Maria, chứ không thể “được gọi là Con Thiên Chúa” như truyền thống Kitô giáo, bởi điều này hàm nghĩa Ba Ngôi và dưới con mắt Hồi giáo, là loại bỏ chủ nghĩa độc thần trong Thánh Kinh. Có lẽ cũng vì lý do này, lời của Gabrien với Maria: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên bà, và quyền lực của Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ bà,” cũng biến mất; vì nếu đã không có Ba Ngôi, thì làm sao có Chúa Thánh Thần trong nghĩa Ba Ngôi chính thống của hạn từ cho được.

22. Khi bà đã thụ thai, bà đi đến một nơi xa. 23. Cơn đau đẻ dẫn bà tới một thân cây chà là. Bà nói: “Ước chi ta chết trước cây này và trở thành quên lãng, không được ai tưởng nhớ”. 24. Nhưng (một tiếng nói) gọi bà từ phía dưới: “Ðừng đau buồn; Chúa của bà đã khiến dòng suối nhỏ vụt lên ngay dưới chân bà. Bà hãy lay thân cây chà là, và những trái chà là chín sẽ rụng xuống cho bà. 26. Hãy ăn uống và bình an. Nếu thấy người đàn ông nào, bà hãy nói với ông ta: ‘Tôi đã khấn ăn chay kính Ar-Rahman nên không thể nói chuyện với bất cứ ai hôm nay”. Tất cả những điều này hoàn toàn mới lạ so với Tân Ước. Mặt khác, hình loại học (typology) đã nhắc trên đây giữa Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu, và Haga, mẹ Ítmaên, càng rõ nét hơn là ở đoạn đầu chương này. Trong hai chương khác nhau của Sáng Thế, có thể vì đã từ hai truyền thống khác nhau mà có nhưng đã cùng được đưa vào sách như ta có hiện nay, Haga đã đi đến “một nơi xa”: lần đầu lúc việc bà mang thai khiến Xara nổi cơn ghen và lần thứ hai sau khi Xara sinh Isaác26St 16,6; 21,9-21.. Tiếng than tuyệt vọng của bà khiến Thiên Chúa phải đáp trả bằng một can thiệp nhiệm mầu. Theo định nghĩa, Koran là một mạc khải mới, xuất hiện tức khắc qua một loạt những hành động của Thiên Chúa, nên ta chỉ có thề suy đoán về những giai đoạn trước đó của hình loại học giữa đức Maria và Haga. Nhưng dường như chẳng cần phải ráng lắm về phương diện lịch sử và văn bản, ta vẫn có thể rút ra sự giống nhau với hình loại học giữa Evà và Đức Maria mà ta đã bàn trên đây27Xem chương 3 ở trên.. Cũng như Evà, Haga là một tổ mẫu, vì Ítmaên vốn là khởi điểm tạo danh cho một dân tộc được biết dưới tên Người Ítmaên (Ishmaelites). Bởi thế, toàn bộ cấu trúc này có thể coi như cách thế Hồi giáo dành một địa vị đặc biệt cho Trinh Nữ Maria trong lịch sử hành động của đức “Alla rất nhân hậu, vô cùng từ bi” đối với trần gian. Trong tư cách “người con trai tốt lành” của Đức Maria, Chúa Giêsu đứng trong kế tục những người được gọi là tôi tớ Thiên Chúa – sau Ápraham, cha của Ítmaên, và Môsê; và trước Muhammad. Bởi thế, những lời mở đầu của phần này trong chương 19, “Hãy Tưởng Niệm Maria trong Sách” sẽ được nối tiếp trong các phần sau bằng “Hãy Tưởng Niệm Ápraham trong Sách” và rồi “Hãy Tưởng Niệm Môsê trong Sách”. “Sách” đây là hạn từ tiêu chuẩn trong Koran chỉ Thánh Kinh Do thái28Koran 19:16, 41, 51..

Liên hệ giữa đức Maria và kế tục trên có một khúc rẽ rất ngạc nhiên qua các câu sau đây: 27. Rồi bà đem con trẻ tới dân bà. Họ hô lớn: “Hỡi Maria, chị đã thực hiện được điều kỳ diệu! 28. Hỡi chị gái Aharon, thân phụ chị quả không phải là một ác nhân, và thân mẫu chị không phải là một ác phụ!”. Qua đó, ta thấy bản văn đã gọi Maria (nguyên bản là Maryam) là “chị Aharon” và do đó là chị của Môsê, người vốn được gọi là “Miriam” trong sách Xuất Hành; cũng cùng cách này, cuốn Nizzahon Vetus, một sách tranh luận chống Kitô giáo của người Do Thái thế kỷ 13, qua danh hiệu Miriam m’gaddela nashaia, đã đồng hóa đức Maria với Maria Mađalêna, có lẽ chủ ý muốn chứng tỏ rằng thay vì là Mẹ Thánh Ðồng Trinh Thiên Chúa như đang được cử hành trong sùng kính và học thuyết Kitô giáo, Maria Mẹ Chúa Giêsu chỉ là một con điếm và kẻ tội lỗi29R. Travers Herford, Christianity in Talmud and Midras (New York: Ktav Publishing House, 1975), 358.. Khởi đầu với các văn sĩ thời Byzantine, các nhà phê bình Hồi giáo và kinh Koran người Tây Phương, những người vốn cho Muhammad chỉ là một tên lái lạc đà vô học, đầy hão tượng làm lớn, đã nhân dịp này tố cáo ông lầm lẫn coi hai người đàn bà sống cách nhau hàng ngàn năm là một, chỉ vì cùng có một tên như nhau. Giải thích có tính tiêu chuẩn về câu này thường là như thế này: Muhammad nghe người Do Thái nói về Miriam và người Kitô hữu nói về Đức Maria – cả hai được coi là Maryam – và vì ngu dốt ông coi cả hai là một. Tuy nhiên, một nhà biên tập và dịch thuật kinh Koran qua tiếng Anh đã giải thích như sau: “Các nhà chú giải Hồi giáo bác bỏ lời kết án cho là có lẫn lộn ở đây giữa Miriam, chị Aharon, và Maryam (Maria), thân mẫu Chúa Giêsu. Họ biện luận rằng: trong ngữ cảnh, ‘chị Aharon’ chỉ có nghĩa là ‘người phụ nữ đạo hạnh’”30N.J. Dawood chủ biên và dịch, The Koran, ấn bản thứ 5 (London: Penguin Books, 1996), 215, n.1.. Nhưng cách sử dụng hình loại học về Haga khi thuật lại chuyện Môsê trong Koran có thể cho ta thấy điều này là: ngay cả khi không chấp nhận học lý linh hứng của Koran, một học lý vốn được Hồi giáo chính thống chủ trương, ta cũng có thể thấy một điều gì đó chứ không hoàn toàn là một lầm lẫn. Vì ngay từ thời Do Thái giáo hậu Thánh Kinh, người ta vốn suy đoán và chờ đợi không những sự trở lại của tiên tri Êlia, người mà bữa tiệc Seder luôn luôn dành cho một chỗ ngồi, mà còn cả vai trò lịch sử sau này của Môsê nữa. Kitô giáo từng tiếp nối sự suy đoán này, cả khi mang Môsê ra tương phản với Chúa Kitô trong các đoạn văn như: “Luật đã được Môsê đưa ra, nhưng ơn thánh và chân lý là do Chúa Giêsu Kitô”31Ga 1,17., lẫn khi sắp xếp chỗ đứng cho Môsê và Chúa Giêsu (cả Êlia nữa) trên Núi Tabor Hiển Dung, nơi cả hai nhân vật Cựu Ước này đều cùng hiện diện với Chúa Kitô32Mt 17,3.. Vì, Kinh Koran, từ căn bản, vốn quyết tâm phục hồi sự kế tục tiên tri của Đức Giêsu, trước Muhammad và sau Môsê, một quyết tâm được người Hồi giáo coi như để sửa chữa lại một sai lầm, nên tính song hành giữa Môsê và Chúa Giêsu được coi như một nhấn mạnh chính. Do đó, thay vì phê phán một cách theo tiêu chuẩn như Tây Phương đối với Muhammad, ta nên coi thuật ngữ “chị Aharon” chỉ về Maria, Mẹ Chúa Giêsu, trong ngữ cảnh song hành này.

34. Ðây là Giêsu, con trai Maria: Một trình thuật chân thực mà người ta thường tranh luận về. 35. Không có chuyện Thiên Chúa có con trai được. Người Hết sức tinh tuyền! Khi Người muốn truyền lệnh điều chi Người chỉ cần nói: “Hãy có”, và thế là nó có. 36. (Ðức Giêsu chỉ nói)”Thiên Chúa là Chúa ta và là Chúa các ngươi, hãy thờ lạy Người. Ðó là con đường ngay thẳng”. 37. Thế mà các phe phái lại nói ngược nhau”. Tập hợp các đoạn văn này rõ ràng tạo ra tranh cãi. Chúng minh nhiên khẳng định một đoạn từ (disjunction) trong khi Kitô giáo chính thống truyền dạy một liên từ (conjunction): “Ðây là Giêsu, con trai Maria” – “không có chuyện Thiên Chúa có con trai được. Người hết sức tinh tuyền!” Lúc tiên tri Muhammad xuất hiện, thì nền thần học hậu Tân Ước đã trải qua hơn 500 năm rồi, trong thời gian đó, theo lời Koran, “các phe phái nói ngược nhau” và ngược nhau rất nhiều. Năm công đồng chung đã nhóm họp và đưa ra nhiều sắc lệnh tín lý: Nixêa năm 325, Constantinốp I năm 381, Êphêsô năm 431, Canxêđoan năm 451, Constantinốp II năm 553. Như vậy đến lúc đó, đã có cả một khối lượng khổng lồ các tư liệu trong “kho tàng đức tin” Kitô Giáo chính thống. Và vì mối liên hệ giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại trong một ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô vốn là một trong các trọng điểm của những sắc lệnh trên, nên Đức Maria được nhắc đến rất nhiều trong các sắc lệnh ấy, như tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, đã chứng tỏ: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là con trai Đức Maria, và vấn đề chỉ còn là làm sao nói lên được sự khác nhau này mà không gây chia rẽ. Do đó, phản ứng của Hồi giáo đối với diễn biến mà nền tín lý chính thống trong Giáo Hội Kitô Giáo đã chấp nhận, đặc biệt trong vấn đề ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô, là phải theo cách khai triển của Kitô Giáo bằng cách chú mục vào Maria, không phải trong tư cách Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, mà trong tước hiệu là Mẹ Chúa Giêsu. Bởi thế, trong các câu văn của chương 19, trọng điểm nằm giữa hai khẳng định mở đầu: “Ðây là Giêsu, con trai Maria” và “Không có chuyện Thiên Chúa có con trai được”. Và cũng như đối với Kitô giáo chính thống, và theo một phản đề trực tiếp của Hồi giáo chính thống, chìa khóa để hiểu cách đúng đắn Chúa Giêsu là ai và Người đã làm gì là Maria, mẹ của Người.

Trong Koran, chân dung Đức Maria, mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu, không những giữ một chỗ quan trọng trong chính kinh ấy, và do đó trong đức tin Hồi giáo, mà nó còn mang theo mình những hệ quả “bắc cầu” theo nhiều định hướng. Một trong những điều này chắc chắn là các hệ quả của Đức Maria đối với mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Hồi giáo. Ðối với một số người thật khó mà tin, nhưng chân dung Do Thái giáo trong Koran là một khẳng định sâu sắc từ trong tim óc. “Dân của Sách” là một tước hiệu danh dự được nhắc đến thường xuyên để chỉ dân Do Thái và ngay cả thuật ngữ Bani Isra’il, “Con cái Israel”, ít có tính tán tụng hơn trong chương 17, chủ yếu cũng để nhắc lại kiểu nói chính Thiên Chúa đã dùng tới dùng lui để gọi dân Do thái trong chính Thánh Kinh của Dân này. Có thể cho rằng Koran là một cố gắng to lớn nhằm sửa lại thế cân bằng sau sáu thế kỷ bài Do Thái của Kitô giáo. Ðiều ấy trở nên hiển nhiên cách đặc biệt qua việc nhận Ápraham làm tổ phụ và cha đẻ đức tin chung, khi ông được nhắc đến trong chương 14: “Ngượi khen Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho con Ítmaên và Ixaác trong lúc tuổi già” là lời cầu nguyện của Ápraham ngỏ với Thiên Chúa33Koran 14:39., qua đó hai người con ông, và do đó hai dân tộc do hai người con ấy mà ra, đã được liên kết với nhau, trong tình liên đới với nhau chứ không bắt Ítmaên phải tùng phục Isaác. Nếu xét tới tầm quan trọng sau này của Ai Cập trong nền văn hoá và chính trị Hồi giáo, quả thích thú khi ta nhận thấy câu truyện về tổ phụ Giuse, như được truyền thống tư tế sau này triển khai sâu rộng, đã được kể lại trong surah 12 từ phía Do Thái chứ không từ phía Ai Cập. Và Môsê xuất hiện trong Koran như người ban bố lề luật và là tiền nhiệm của tiên tri Muhammad. Nhưng trong số những liên kết giữa Do Thái giáo và Hồi giáo này, Đức Maria giữ một chỗ đứng đặc biệt. Vì Koran có thể được đọc như một cố gắng nhằm phục hồi Chúa Giêsu trong lịch sử Israel, nên Đức Maria phải là cái bản lề quyết định trong chiến dịch này, bởi vì cũng như đối với các Kitô hữu, Ngài vốn là điểm nối kết giữa Chúa Giêsu và lịch sử Israel. Và ngay trong ngôn từ tiêu cực của Koran đối với Do Thái giáo, Ngài vẫn giữ được thể diện: “Chớ gì những kẻ bất tín trong hàng ngũ con cái Israel bị Đavít và Giêsu, con trai Maria, nguyền rủa vì chúng nổi loạn và vi phạm những điều trói buộc”, Thiên Chúa nói thế qua miệng tiên tri Muhammad34Koran 5:78..

Song song với những hệ quả trên, từ Đức Maria trong mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Hồi giáo, là các hệ quả từ nơi Ngài trong mối liên hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Chân dung đức Trinh Nữ Maria trong Koran là một chân dung có những nét hết sức ngạc nhiên đối với cả các tác giả Kitô giáo đầu tiên từng lên tiếng trả lời Hồi giáo. Tác giả một thiên khảo luận chống Hồi giáo, Batôlômêô thành Edessa, có lẽ sống trong thế kỷ thứ 9, viết như thế này: “trong trọn bộ kinh Koran, không hề có lời khen nào đối với Muhammad hoặc mẹ ông là Aminah, bằng những lời khen đối với Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và đối với Trinh Nữ chí thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa”35Bartholomew thành Edessa Refutation of the Hagarene (PG 104: 1397).. Vì, như Norman Daniel từng nói, “không có điều gì khác trong tất cả bộ Koran có thể so sánh với sự nồng ấm dùng để nói về Chúa Kitô và mẹ của Người. Ðức Kitô được trình bày như một người duy nhất, nhưng nhân cách của mẹ Người còn sống động hơn thế nữa. Kinh Koran gợi hứng cho việc sùng kính Đức Maria, một việc sùng kính mà người Hồi giáo còn có thể làm hơn thế nữa”36Norman Daniel, Islam and the West: The Making of an Image (Edinburgh: Edinburgh University Press, 1960), 175.. Ta chỉ có thể thêm rằng cả người Kitô hữu nữa cũng có thể làm hơn điều họ đã làm. Hai điểm chống đối chính của Hồi giáo trước thái độ của Kitô giáo đối với Đức Maria là quan niệm và tước hiệu Theotokos, và cách diễn tả Ngài trong các ảnh tượng. Vì quan tâm chủ yếu đến tính siêu việt và tính khác biệt của Thiên Chúa, nên Hồi giáo coi tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu xúc phạm – “không có chuyện Thiên Chúa lại có con trai được. Người hết sức tinh tuyền!”37Koran 19,35. – và ít nhất cũng có một số nhà hộ giáo Hồi giáo cho rằng người Kitô hữu đã bao gồm Maria, Mẹ Thiên Chúa, vào chính bản vị Thiên Chúa. Mặc dù nhiều giới Kitô giáo phủ nhận điều ấy, nhất là các giới Kitô giáo thời Byzantine, lời chỉ trích của Hồi giáo vẫn cho thấy một vài mù mờ nào đó về Đức Maria trên bình diện tôn giáo đại chúng, là tôn giáo vốn muốn biến Maria thành một thứ nữ thần, một sự mù mờ không phải không có song hành trong lịch sử Kitô giáo, như các chương khác trong sách này có nhắc đến. Thế đứng đặc biệt của hình ảnh Ngài trong ảnh tượng Byzantine và Slavic38Xem chương 6 ở dưới. đã khiến Ngài được chú ý đặc biệt kể cả nơi các phát ngôn viên Hồi giáo vốn đả kích việc sùng kính ảnh tượng mà họ coi là ngẫu tượng. Tuy nhiên, như đáp ứng từ Kitô giáo đã chứng tỏ, đức tin Kitô giáo không bao giờ đặt Đức Maria ngang hàng Thiên Chúa nhưng chỉ tán tụng Ngài như mẫu mực tối cao của điều bản nhiên con người có thể vươn tới – và của điều thực sự Ngài đã vươn tới nhờ chính thiên ý tối cao và lệnh truyền của Thiên Chúa, mà thiên sứ đã nhắc đến khi nói với Maria trong Koran rằng: “Chúa của bà cho hay: ‘Ta sẽ làm cho người con trai ấy nên dấu chỉ cho con người và là một ơn phúc từ Ta’. Ðó là điều đã được phán định”39Koran 19:21.. Như một surah trước đó có nhấn mạnh, đối với Hồi giáo, điều này có nghĩa là “Đức Kitô, con trai Maria, chỉ là một tông đồ, và trước Ngài đã có nhiều tông đồ đến rồi đi; và mẹ Ngài là một người phụ nữ của chân lý”40Koran 5:75..

Nhưng trên tất cả những hệ quả ấy, vẫn là những hệ quả do hình ảnh Đức Maria trong Koran tác động trên cái hiểu đa văn hóa của Kitô giáo đối với Hồi giáo và bên kia Hồi giáo nữa. Nhu cầu khẩn thiết phải tìm cho ra những biểu tượng và quan niệm trong các truyền thống văn hoá của chúng ta, những biểu tượng và quan niệm có thể đảm nhiệm chức năng pontifex, một chức năng trung gian tư tế và bắc cầu, cho thấy trong thế giới Kitô giáo có lẽ chưa có một biểu tượng hay quan niệm nào có thể chu toàn cái ơn gọi làm trung gian “bắc cầu” ấy một cách thành công và tròn đầy bằng Đức Maria41Placid J. Podipara, Mariology of the East (Kerala, India: Oriental Institute of Religious Studies, 1985).. Và bằng chứng hạng nhất hỗ trợ cho nhận định trên chính là hình ảnh Đức Maria trong Koran, trong đó, theo giải thích được Daniel trưng dẫn, “nhân cách của Ngài còn sống động hơn” cả nhân cách của con trai Ngài và của cả chính tiên tri Muhammad nữa.

Có điều, dù không muốn xúc phạm tới chủ nghĩa bài tượng ảnh của Hồi giáo, cũng cần nói rằng: nhận định trên cần phải được nới rộng, nhất là phải chú tâm đến các ảnh tượng thánh về Đức Maria trong các nền văn hoá khác nhau42Xem Charles Belmonte, Aba ginoong Maria: The Virgin Mary in Philippine Art (Manila: Aba Ginoong Maria Foundation, 1990).. Nó cũng cần được áp dụng vào các hội hè ngày lễ dâng kính Ngài và vào các đền thánh từng mọc lên khắp nơi để tôn kính Ngài, những nơi như Lộ Ðức, Fatima, Marpingen, và Guadalupe43Xem chương 13 ở dưới.. Và ở đây, một đóng góp quan trọng đối với điều có thể gọi là “Đức Maria đa văn hoá” phát xuất từ một nguồn đã bàn trên đây, tức những lời của Tân Giai Nhân trong Diễm Ca rằng: “Em đen và em đẹp”44Diễm Ca 1:5 (bản dịch của Marvin Pope); cũng nên xem chương 2 ở trên. cùng với các bức chân dung về Đức Maria mà ta có thể gom chung vào loại “Ðức Bà Ðen”45Xem nghiên cứu có minh họa rất đồ sộ của Stanislaw Chojnacki, Major Themes in Ethiopian Painting: Indigenous Developments, the Influence of Foreign Models, and Their Adaptation from the Thirteenth to the Nineteenth Century (Wiesbaden:F. Steiner, 1983).. Trong cùng một lời bình luận trong đó ông sửa lại lối dịch quen thuộc câu văn trên, Marvin Pope, khi trưng dẫn chuyên khảo quan trọng nhất có tính sử học và nghệ thuật về chủ đề này46Marie Durand-Lefèbre, Etude sur l’origine des Vierges noires (Paris: G. Durassié, 1937)., đã trình bày nhiều giả thuyết nhằm giải thích các bức tranh Ðức Bà Ðen. Ông kết luận rằng chắc chắn chúng có nguồn gốc Tiểu Á. Ông cũng đưa ra nhiều song hành có ý nghĩa qua các bức tranh vẽ Demeter Ðen, Isis, và các nữ thần khác của ngoại giáo47Marvin H. Hope, Song of Songs: A new Translation with Introduction and Commentary (New York: Doubleday, 1977), 307-18.. Lịch sử tiên khởi của lòng tôn kính Trinh Nữ Maria ở Phi Châu dự ứng trước các phát triển như thế48A.J. Delattre, Le Culte de la Sainte Vierge en Afrique: d’après les monuments archéologiques (Paris: Société St-Augustin, 1907)..

Tước hiệu “Ðức Bà Ðen” có một ý nghĩa đặc biệt khi áp dụng vào bức ảnh thời danh của Ðức Maria tại Jasna Góra thuộc thành phố Balan Czestochowa mà người ta vốn gán cho thánh Luca là tác giả. Đây là một bức ảnh thánh được tôn kính nhiều nhất tại Trung Âu và là đối tượng của vô số cuộc hành hương49Maria Tarnawsha, Poland the Kingdom of Mary, bản dịch của Rosamund Batchelor (Lower Bullingham, Hereford: Zgromazdenie Ksiezy Marianow, 1982).. Ông hoàng Ladislaus Opolszyk đem ảnh thánh này tới Czestochowa năm 1382, và ông hoàng Jagiello xây ngôi thánh đường có bàn thờ tôn kính ảnh thánh sau khi ông cưới Hoàng Hậu Jadwiga của Ba-lan và sau lễ đăng quang năm 1386. Sau khi sống trọn đời trong nền văn hóa Ba-lan trong đó bức ảnh kia là biểu tượng hàng đầu, năm 1976, Henryk Górecki sáng tác Tác Phẩm số 36, Symphonia piésni zalosnych (giao hưởng trường ca than vãn), một giao hưởng đứng chung với War Requiem (Cầu Hồn Thời Chiến) của Benjamin Britten và Leningrad Symphony (giao hưởng Lenigrad) của Dmitry Shostakovich thành một tưởng niệm đối với các nạn nhân Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng nó cũng nói lên, nhất là trong phần đơn ca giọng nữ cao, điều truyền thống Ba-lan vẫn nhìn thấy trước ảnh Ðức Bà Ðen tại Czestochowa50Xem chương 9 ở dưới.. Khuôn mặt đen sậm của Đức Trinh Nữ trong bức ảnh là do bị khói nám, tuy nhiên nó vẫn có hiệu quả của điều được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Ðệ Nhị, một người sùng kính đặc biệt Ðức Trinh Nữ Czestochowa, gọi là “tháp nhập văn hoá” (acculturation), nhất là tháp nhập về phương diện phụng vụ và nghệ thuật. Tuy nhiên, nhờ một nghịch lý, một nghịch lý không hẳn không có song hành lịch sử, lời công bố mạnh mẽ nhất ủng hộ cho diễn trình trên đối với các tranh ảnh đa văn hoá này lại phát xuất từ một nguồn từng lên án mọi thứ tượng ảnh, đó là Kinh Koran của Hồi giáo.

Series Navigation<< Đức Maria Qua Các Thời Đại <br />Mẹ Thiên ChúaĐức Maria Qua Các Thời Đại <br />Nữ Tì Thiên Chúa và Người Đàn Bà Dũng Cảm >>