Phụ Tựa và Cảm Tạ
Việt Triết Luận Tập là những suy tư về triết học nói chung, và về Việt triết cách riêng, mà chúng tôi dò dẫm vào gần hai thập niên qua. Việt Triết Luận Tập (Thượng tập) gồm nhiều bài được viết, phần do lời yêu cầu của sinh viên, phần do sự cổ võ của một số học giả và những nhà trí thức tha thiết với tư tưởng nước nhà tại hải ngoại. Luận văn “Khả Thể Một Nền Việt Triết” cô đọng và phát triển thêm từ bản thuyết trình “Việt Triết Khả Khứ Khả Tùng” từng viết theo lời mời của nhân sỹ Vương Kỳ Sơn, và trình bày vào mùa hè 1993 trước một nhóm văn sỹ, học giả và ký giả tại New Orleans. “Nhân Chủ chi Ðạo” gần như hoàn toàn viết lại từ hai tiểu luận thuyết trình tại Ðại Học Varsovia, và Ðại Học Lublin, tháng 8 năm 1993 dịp tác giả được Polish Academy of World Universalism (Ba Lan) bầu làm Viện sỹ. “Phản Tư về những Chiều Hướng Triết Học Hiện Ðại” và “Bản Thể và Ðặc Tính Việt Triết” sửa lại từ tài liệu giảng huấn tại Ðại Học Hè 1996, Thụy Sỹ, cho các sinh viên Việt tại Âu châu. Luận đề “Chữ Mệnh trong Truyện Kiều” trình bày trước cộng đồng Việt kiều tại Ðức quốc vào mùa thu năm 1996 tại Frankfurt. Ngoài ra tuyên ngôn “Việt Nam Văn Hóa chi Ðạo” viết lại từ bản dự thảo Việt học đệ trình cho Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết vào năm 1992. Trong khi Việt Triết Luận Tập II gồm các bản thuyết trình tại Việt Nam, cũng như tại các hội nghị quốc tế gần đây. “Bản Chất Ý Hệ của Việt Nho” phát biểu tại Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (1998); “Hiện Ðại Hóa và Giá Trị Truyền Thống” từng báo cáo tại Viện Triết Học Hà Nội (1998); trong khi tiểu luận “Phản Tỉnh về Vai Trò Ý Hệ trong nền Giáo Dục Việt Nam” phát biểu trong cuộc hội thảo tại Boston College (1998); Ngoài ra, “Khổng Học tại Việt Nam” trình bày tại Hội nghị quốc tế về Triết học Trung Quốc (Ðài Bắc, 1999); “Kim Ðịnh và Việt Triết” nguyên là bài thuyết trình dịp tưởng niệm Giáo sư Kim Ðịnh tại Houston (1999); “Sinh Tử trong Khổng Học” vốn là tài liệu giảng huấn tại hai khóa học của Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam tại Washington D. C. và Orange County (1999). Ðặc biệt, bài “Sự Khủng Hoảng Ðạo Ðức trong Tiến Trình Hiện Ðại Hóa,” cô đọng từ những thuyết trình tại Thế Vận Hội Hán Thành (1988), Hàn Lâm Viện Ðại Hàn (1990), và Ðại Học Harvard (1995), và hoàn tất cho cuộc hội thảo quốc tế tại Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn với tựa đề “An Anatomy of the Crisis of Morals in the Process of Modernization – The Case of a Confucian Society.”
Sau nhiều chuyến du thuyết vào những năm gần đây tại Viện Triết Học Hà Nội, Ðại Học Quốc Gia Việt Nam (Sài Gòn), và nhiều nước trên thế giới, chúng tôi càng cảm thấy sự cấp bách của công việc hưng triết tại quê nhà cũng như hải ngoại. Chính vì vậy, tác giả quyết định cho in những bài thuyết trình tại các đại học, Hàn lâm viện, và Hội nghị quốc tế dưới tựa đề Việt Triết Luận Tập (Thượng tập và Hạ tập). Mục đích của hai tập sách nhỏ này rất khiêm tốn. Người viết xin được góp hơi sức với các bậc thức giả thổi phồng lên tàn lửa văn hoá dân tộc đương nguội lạnh, để cổ võ thế hệ thanh thiếu niên hướng về nguồn, xây dựng và phát triển tư tưởng Việt. Ðồng thời, những suy tư thô thiển này cũng ước được làm một viên gạch lót đường cho những người đi sau tiếp tục tiến lên. Chính vì vậy mà Việt Triết Luận Tập đặc biệt nhắm tới các học viên tại Viện Nghiên Cứu Triết Học và Tôn Giáo (Hoa Kỳ), Ðại Học Hè (Thụy Sỹ), cũng như tại hai Ðại Học Quốc Gia Việt Nam (Hà Nội và Sài Gòn) cũng như giới trí thức Việt trẻ tại hải ngoại. Tác giả ý thức được rằng Việt Triết Luận Tập chỉ là những suy tư vụn vặt chứ chưa phải là một hệ thống khoa học về Việt triết. Ðể có thể cạnh tranh với những nền triết học đồ sộ của Tây phương, Trung Hoa và Ấn Ðộ, chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều.
Nghiên cứu Việt triết không phải là lãnh vực chuyên môn của tác giả. Phải thú thật rằng, hầu như gần như suốt cả mọi thời giờ chúng tôi đã đổ hết tâm huyết vào công việc học hỏi triết học và khoa học Tây phương, nên không còn mấy chút giây phút dành cho Việt triết. Tác giả thâm hiểu được sự hạn hẹp của mình, nhất là ở trong tình trạng tứ cố vô thân, thiếu tài liệu Việt học, với một kiến thức hạn hẹp về chữ nôm, không có cơ hội sử dụng trau dồi Việt ngữ và chỉ có thể dựa vào một số ít tài liệu nghèo nàn, cũ kỹ mà có lẽ còn vướng vào nhiều sai lầm về phương diện sử học và ngữ học. Nơi đây cũng cần phải minh xác là chúng tôi chưa hề mở bất cứ một khoá học nào về Việt triết tại các giảng đường quốc tế hay quốc nội, trừ hai bài giảng duy nhất cho Ðại Học Hè vào năm 1996 và 1997 tại Thụy Sỹ, và gần đây tại Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam (Washington D.C. và Orange County). Nói như thế để độc giả thông cảm cho sự mạo hiểm của Việt Triết Luận Tập. Mặc dù ý thức được khiếm khuyết, song vì nhận thấy số lượng qúa khiêm tốn về Việt triết, và thâm cảm được sự khẩn thiết đòi buộc sự dấn thân của kẻ sỹ, tác giả mạo hiểm làm công việc “đội đá” góp sức với giới sỹ phu xây con đường định mệnh dân tộc. Do đó, sai lầm là lẽ tất nhiên không thể tránh. Chúng tôi thành tâm học hỏi và ước mong được các bậc cao minh chỉ giáo. Như giáo sư Karl Popper, một triết gia lỗi lạc người Áo, từng nói, chỉ có kiến thức khi nào chúng ta biết học hỏi từ những thiếu sót sai lạc, chúng tôi xác quyết rằng Việt triết chỉ có tương lai nếu chúng ta biết sửa những lỗi lầm của nhau. Trong tinh thần này, chúng tôi phê bình học hỏi tư tưởng của các bậc tiền nhân. Cũng trong tinh thần này, chúng tôi ước mong được quý thức giả phê bình. Như độc giả nhận ra, phản tỉnh từ những phản ứng của nhiều học giả, chúng tôi đã sửa chữa một số lỗi lầm về sử học, văn học, cũng như tạm không áp dụng lối Việt hóa các danh từ riêng, từng vấp phạm hay cố ý sử dụng trong các luận văn trước. Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi những phê bình đóng góp quý báu của độc giả hầu có thể cải tiến Việt Triết Luận Tập trong tương lai.
Nơi đây, chúng tôi xin thành thật tri ân quý nhân sỹ, bằng hữu và các vị thiện tâm đã cổ võ giúp hoàn thành Việt Triết Luận Tập. Trước hết xin chân thành cám ơn Tiến sỹ hậu tuyển Nguyễn Quốc Vinh (Giảng sư, Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn) đã dịch và sửa một số lỗi trong phần chú thích bài “Bản Chất Ý Hệ trong Việt Nho.” Tác giả cũng xin cảm tạ các bằng hữu giúp đánh máy và khuyến khích: các bạn Thạc Hiền Hoà (Frankfurt), Nhân sỹ Phạm Văn Yên (Arolsen), Tiến sỹ Hà Văn Minh (Frankfurt), Lm Trương Văn Phúc (Ðài Loan). Chúng tôi xin đa tạ học giả đồng nghiệp đã có nhã ý mời chúng tôi thuyết trình và do đó tạo cơ hội để chúng tôi viết bài: Giáo sư Phan Ðình Cho (Giáo sư Giảng tọa Warren-Blanding, The Catholic University of America), Giáo sư Januz Kuczinsky (Khoa Trưởng Triết Khoa, Ðại Học Varsovia), Giáo sư Stanislow Kowalczyck (Viện Trưởng Ðại Học Lublin), Nhân sỹ Vương Kỳ Sơn (Giám Ðốc Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tại New Orleans), Nhân sỹ Nguyễn Ðăng Trúc (Ðiều Hợp Viên Ðại Học Hè), Tiến sỹ Nguyễn Quang Ðiển (Hiệu Trưởng Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn), Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện Trưởng Viện Triết Học Hà Nội), Giáo sư Thẩm Thanh Tòng (Chủ tịch Hội Triết Học Trung Hoa Quốc Tế), Giáo sư Tần Gia Nghĩa (Ðại Học Toronto, Chủ tịch ICANAS 32), Giáo sư Jakoob Hintikka và Giáo sư Robert Nevilles (Ðại Học Boston, Ðồng Chủ Tịch Ðại Hội Triết Học Hoàn Vũ 20), Nhân sỹ Nguyễn Duy Quang (Chủ Tịch Hội An Việt Houston), Nhân sỹ Phạm Văn Yên (Phong Trào Giáo Dân Ðức Quốc), Tiến sỹ Kang Won-Yong (Trưởng ban tổ chức Hội nghị của Thế Vận Hội Hán Thành, WACSO 1988), Giáo sư Chung Hae-chang (Hàn Lâm Viện Ðại Hàn), Giáo sư Ðỗ Duy Minh (Giám đốc Yenching Institute tại Ðại Học Harvard). Tác giả cũng xin cảm tạ Giáo sư Bùi Thanh Quất (Khoa trưởng Phân khoa Triết học, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội) và Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nghĩa (Viện trưởng Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Saigon) có nhã ý mời chúng tôi về giảng dạy tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, hoặc tham dự một số chương trình nghiên cứu của Trung Tâm Khoa Học.
Sau cùng, tác giả của Việt Triết Luận Tập hết lòng tri ân quý ân sư tại mẫu hiệu Simon Hòa Ðà Lạt, đã vun trồng tâm hồn ái quốc, tinh thần nhân bản, khả năng suy tư phê phạm, và đức tính phục vụ trong mỗi người học sinh. Tuy rằng những đức tính trên thực là xa vời và khó đạt, lời giáo huấn của quý ân sư vẫn sôi động trong con tim, trong trí óc, thúc dục tác giả đi vào con đường phục vụ tổ quốc và nhân loại. Trong tâm tình này, Việt Triết Luận Tập đặc biệt kính dâng lên hiền mẫu “mater dulcis mea”, cố Linh mục Ngô Ðức Cường, dưỡng phụ từ nhân (pater misericordiae) và cố Giám mục Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền. Không có lòng tận tâm dậy dỗ và yêu thương của hiền mẫu, không có sự giúp đỡ và chăm sóc của dưỡng phụ, không có tình thông cảm và lời khích lệ của cố Giám mục, chắc hẳn chúng tôi khó có thể tiếp tục con đường văn hoá chông gai hiện nay.
Thụy Sơn Trần Văn Ðoàn
Kiều Ngân Học Viện, Ðại học Frankfurt, 05. 1997 (bản sơ thảo).
Sở Nghiên Cứu Triết Học, Ðại học Quốc Gia Ðài Loan, 01. 2000 (bản sửa).