Tại sao chúng ta cần Maurice Blondel

1. Đến với triết học như một Kitô hữu

Blondel không lớn lên với những ý tưởng như vậy trong đầu. Ông không nhận được chúng từ sự giáo dục tôn giáo ở nhà hoặc từ Giáo hội, cũng không phải từ sự giáo dục thế tục của ông về nhân văn và triết học tại các trường công lập của Pháp. Ông đến với chúng nhiều hơn qua việc suy tư của chính mình, khi ông ngày càng quan tâm hơn đến triết học sau quá trình nuôi dưỡng tôn giáo rất phong phú của ông trong một hệ thống trường học thế tục ít hoặc không sử dụng đến tôn giáo. Những gì ông học được về triết học trong các trường học của nhà nước ít hay không liên quan gì đến tôn giáo, điều mà ở Pháp vào thời của ông chủ yếu có nghĩa là đạo Công giáo.

Tuy nhiên, điều Blondel thấy là triết học liên quan đến đời sống tinh thần, của chính ông cũng như của những hữu thể có lý trí khác, ngay cả khi cuộc sống và tinh thần đó bao gồm những liều thuốc mạnh mẽ của tôn giáo như ông đã học từ rất sớm trong cuộc sống tại nhà và tại nhà thờ giáo xứ của ông, và trong việc ông đọc truyền thống Công Giáo và Kinh thánh. Trong khi những người khác có cùng một nền dưỡng dục tôn giáo đã hạ giá tôn giáo khi họ đi sâu hơn vào triết học hoặc cách suy nghĩ khoa học hiện đại, để chỉ bàn đến những vấn đề trong khả năng điều tra của lý trí, thì Blondel có một cái nhìn rộng hơn bao gồm những điều vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời và tinh thần của ông, một phần của điều ông phải nghĩ đến như một triết gia khi suy gẫm về cuộc đời mình. Đối với ông, cuộc sống của đức tin và cuộc sống của lý trí không thể được coi là hai cuộc sống riêng biệt. Cả hai đều liên quan tới số phận đơn nhất của mọi hữu thể nhân bản cũng như của chính bản thân ông, đến nỗi cuộc sống này không thể hành động nếu không có cuộc sống kia. Đây là nguồn gốc của việc ông nghiên cứu triết học suốt đời như triết học Công giáo hay tôn giáo siêu nhiên.

Maurice Blondel xuất thân từ một dòng dõi luật gia, luật sư và công chứng viên từ thời Công tước xứ Burgundy vào thế kỷ 13 (không phải giới quý tộc, mà là giới chuyên gia có liên hệ gần gũi với việc thi hành quyền lực), qua nền Cộng hòa Pháp sau Cách mạng. Cha của ông là một luật sư cũng như chú của ông, người từng là thẩm phán một thời dưới thời Cộng hòa cho đến khi ông bị sa thải vì đã ra phán quyết chống lại nền Cộng hòa trong một vụ án liên quan đến tự do tôn giáo. Gia đình này theo đạo Công giáo một cách kiên cường, không những giữ cho mình là người Công giáo chống lại một nền Cộng hòa mà họ gọi là la gueuse [gái đĩ], đồ vô lại, mà còn sống một đời sống tôn giáo sâu sắc, tuân giữ những truyền thống Công giáo phong phú mà họ đã thừa hưởng từ những bậc tổ tiên của họ ở Pháp, vốn là trưởng nữ của Giáo hội. Họ coi nhà nước và hệ thống trường học của nó là thù địch, thay vì trung lập, đối với cách suy nghĩ của họ.

Trong nhà không những chỉ có mẹ ông là người nuôi dưỡng tinh thần tôn giáo này, mà còn có dì của ông, một cựu nữ tu dòng kín, người đã đặc biệt quan tâm đến việc dẫn nhập mọi con trẻ vào việc thực hành tôn giáo truyền thống, nhất là Bí tích Thánh Thể và các công việc bác ái thương người, lúc đó vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày của các gia đình Công giáo ở Pháp vào giữa thế kỷ XIX. Maurice đã được chuẩn bị về phương diện chủ quan để hoà nhịp với tinh thần Kitô giáo này vốn đã hình thành ý thức và lương tâm của ông khi còn nhỏ cũng như khi còn là một thanh niên.

Blondel đầu tiên được gửi đến một trường tôn giáo tư nhân, nơi tinh thần Kitô giáo tiếp tục tỏa sáng đối với ông cùng với những lợi ích có tính thế tục hơn đã được ông chú ý đến. Điều này chỉ kéo dài ba năm, sau đó, lúc chín tuổi, ông được gửi đến trường công Lycée de Dijon đáng sợ, để học môn Cổ điển khó, một môn vẫn là tiêu chuẩn cho tất cả những ai muốn học lên cao hơn ở các đại học danh tiếng thời đó. Tại đây, như ông nói sau này, Blondel đã học đọc và học viết. Ông bắt đầu học tại Lycée vì vào thời điểm đó không có nơi nào khác để học cao hơn. Ông ở lại đó ngay cả sau khi các tu sĩ Dòng Tên mở một trường cao đẳng Công giáo ở Dijon. Ông đã không chuyển đổi, như một trong những người anh em họ của ông đã làm, người sau đó đã được nhận vào trường Bách khoa ở Paris và trở thành một nhà vật lý nổi tiếng trong khi Maurice theo đuổi khoá học của riêng mình về triết học tại Trường Cao đẳng Sư phạm. Đối với Maurice, như một Kitô hữu trẻ tuổi với một sứ mệnh, điều quan trọng là phải làm quen với suy nghĩ của những người có tiếng đã phản đối hoặc khinh thường cách suy nghĩ của ông. Maurice ở lại Lycée trong tám năm, nơi ông được trao bằng Tú tài Văn chương về Hùng biện ở tuổi mười bảy, sau lần đầu tiên tiếp xúc với triết học vào năm thứ tám của mình. Ông tiếp tục học thêm về triết học để lấy bằng Tú tài Văn chương về Triết học, được trao cho ông vào năm sau. Sau khi tốt nghiệp Lycée, ông trúng tuyển tại Phân Khoa Văn chương ở Dijon, có ý định hoàn thành việc học Luật, theo nguyện vọng của gia đình, nhưng đã được Khoa trưởng Henri Joly, một chuyên gia về Leibniz, dụ dỗ từ bỏ luật sang triết học; vị này, sau đó, đã giảng dạy tại Sorbonne và Collège de France. Đến tháng 7 năm 1880, khi chỉ mới mười tám tuổi, Blondel đã hoàn thành các yêu cầu của bằng Cử nhân Văn chương về Triết học cùng với những yêu cầu dành cho Cử nhân Khoa học.

Sau đó, Ông bắt đầu thêm một năm học tập căng thẳng về triết học dưới sự hướng dẫn của Joly để chuẩn bị cho các kỳ thi đua tranh để được nhận vào Trường Cao đẳng Sư phạm ở Paris. Ông dự kỳ thi năm 1881, mà không tham gia bất cứ khóa học dự bị nào tại các trung học nổi tiếng của Paris, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã được nhận trực tiếp “từ Tỉnh”, vào Ngôi trường nơi ông sẽ đua tranh với một loạt những ngôi sao sáng chói triết học, nhiều người trong số họ ông biết sẽ không có thiện cảm với sự dấn thân của ông đối với đạo Công giáo — đến nỗi ông cảm thấy cần phải tham khảo ý kiến của gia đình và cha xứ của mình trước khi chấp nhận vinh dự này, tất cả người đã hỗ trợ ông sẵn sàng chấp nhận thử thách này.

Tại Cao đẳng Sư phạm, Blondel thực hiện thêm hai năm việc học hỏi căng thẳng về lịch sử triết học với các giáo sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ông không phải là người Công giáo thực hành duy nhất ở Cao đẳng Sư phạm. Ông trở thành một phần của một nhóm nhỏ được miễn khỏi phòng học vào các buổi sáng Chúa nhật để tham dự Thánh lễ, được các sinh viên khác gọi là les talas, viết tắt của ils vont à la messe (họ đi dự Thánh lễ), điều mà hầu hết giới sinh viên không muốn làm. Blondel nổi bật không những vì là người Công giáo, mà còn là người trực tiếp đến từ Tỉnh. Ông được công nhận rất thông minh, cũng như các bạn cùng lứa tuổi của ông, nhưng ông cũng đã sớm được hỏi về việc làm thế nào mà một cậu bé thông minh như vậy vẫn có thể là một người Công giáo, và ông chỉ trả lời rằng ông có mọi ý định tiếp tục thông minh để theo đuổi triết học của mình. Từ thái độ đối với cả tôn giáo lẫn trí thông minh này, ông đã chọn hành động làm chủ đề cho luận án tiến sĩ của mình, để chứng tỏ rằng, thay vì phản đối siêu nhiên của đạo Công giáo, triết học có thể được đem đến chỗ thừa nhận sự cần thiết của việc nêu ra vấn đề về một tôn giáo như vậy. Blondel đã sớm đưa ra lựa chọn này trong sự nghiệp của mình tại Cao đẳng Sư phạm, nhưng ông gặp một số khó khăn khi hành động được chấp thuận như một chủ đề hợp pháp cho một luận án triết học. Vào thời điểm đó, thuật ngữ hành động không xuất hiện trong các từ điển tiêu chuẩn của triết học, như một trong những người bạn học của ông đã lưu ý. Ông thắng thế chỉ vì ông là một trong hai sinh viên sáng giá nhất trong lớp, và vì ông được sự hỗ trợ của Émile Boutroux, triết gia toán học lỗi lạc và là giáo sư tại Sorbonne, người đã trở thành người bảo trợ cho luận án, khiến nhiều đồng nghiệp trong khoa và ban quản trị tại Sorbonne khó chịu. Blondel đã dành gần mười năm để thực hiện luận án, làm việc chủ yếu một mình tại quê hương của gia đình ông ở ngoại ô Dijon, trước khi đệ trình để bảo vệ nó vào tháng 6 năm 1893, thực hiện phát súng đầu tiên cho việc xoay chuyển triết học chung quanh vấn đề đạo Công giáo siêu nhiên.

Một sự nghiệp lâu dài đã bắt đầu như thế, trong đó Blondel duy trì vấn đề tôn giáo siêu nhiên ở vị trí hàng đầu của triết học đối đầu với những người cho rằng tôn giáo không liên quan đến đời sống tự trị của lý trí, hoặc thù địch với nó, và thậm chí với cả những người muốn giữ cho triết học đứng ngoài tôn giáo, hoặc tách biệt khỏi tôn giáo, vì lòng tôn trọng đối với việc đạo Công giáo cho rằng mình siêu nhiên và không thuần nhất. Việc bảo vệ luận án của ông, được một lượng lớn khán giả theo dõi, mất hơn bốn giờ, trước khi một ban giám khảo gồm năm người đã đưa ra nhiều phản bác đáng kể đối với dự án của ông. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc chứng minh mình là một triết gia thực thụ. Ban giám khảo đã cấp cho ông danh hiệu Doctorat dès lettres [Bằng Tiến sĩ Văn chương], nhưng nói rằng họ bác bỏ kết luận của ông về tôn giáo, điều này sau đó khiến ứng viên khó nhận được một chức vụ đại học mà bằng tiến sĩ của ông làm ông có quyền hưởng.

Ở cuối luận án năm 1893, Blondel đã lập luận cho sự nhất thiết phải nêu ra câu hỏi về một hồng phúc siêu nhiên của Thiên Chúa để bổ sung cho hồng phúc của tự nhiên và tự do đã được ban cho khi tạo ra con người. Ông đã chọn hành động cụ thể của cuộc sống con người làm chủ đề cho cuộc điều tra để đi đến vấn đề này, vì không một triết học nào chỉ dựa trên những ý tưởng trừu tượng có thể làm được. Đối với ông, hành động là loại thử nghiệm căn bản nhất được chúng ta thực hiện, trong lương tâm, liên quan đến ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống hoặc số phận cuối cùng của chúng ta, nếu chúng ta có một số phận như thế. Ông nhìn thấy trong đó điều được ông gọi là một khoa học thực hành mà chúng ta đạt tới vào cuối cuộc đời, một sự khôn ngoan tích lũy được nhờ phản tỉnh trong cuộc sống cá nhân của người ta, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ và được truyền cho ông khi còn nhỏ và khi là một người trưởng thành trẻ tuổi có lý trí, một sự khôn ngoan mà đối với ông bao hàm một liều lượng tôn giáo mạnh mẽ không hề bất tương hợp với lý trí, mặc dù vượt qua nó. Luận án hẳn phải là một suy tư về hành động vào thời điểm quan yếu này trong cuộc đời của ông như một triết gia, một khoa học thực hành ở đây và bây giờ, hoặc một phê bình về cuộc sống, để xem xem liệu vấn đề của cuộc sống hoặc của hành động có thể được giải quyết một cách suy lý ra sao trong hiện tại mà không cần phải đợi giải pháp cuối cùng trong thực hành vào cuối cuộc đời.