3. Sự cần thiết của triết học trong tôn giáo siêu nhiên
Mặc dù âm sắc tôn giáo do Blondel gióng lên ở cuối luận án năm 1893 của ông hầu như không được các nhà triết học và nhà khoa học trong giới đại học lắng nghe hoặc chỉ nghe qua loa, nhưng nó đã được các nhà quan sát tôn giáo chú ý đến; họ vui mừng khi khám phá ra một chiến sĩ mới của đạo Công giáo trong giới nòng cốt của trường đại học do nhà nước tài trợ. Các nhà tư tưởng tôn giáo đã nhanh chóng đáp ứng hiện tượng mới này trong đời sống trí thức của quốc gia, điều được họ coi như một hình thức biện hộ cho Kitô giáo. Tháng 9 năm 1895, ngay khi Blondel sắp sửa được bổ nhiệm lần đầu tiên làm giáo sư đại học ở Lille, sau hai năm trì hoãn kể từ lúc ông được chứng nhận đủ tư cách đối với một chức vụ như vậy, một bài báo dài về các xu hướng mới của khoa hộ giáo đã xuất hiện trên tờ Annales de philosophie chrétienne (Niên giám Triết học Kitô giáo), một tạp chí nổi tiếng về tư tưởng Công giáo vào thời điểm đó, trong đó có nói tới Blondel.
Bài báo được viết bởi giám đốc của tạp chí, Cha Denis, người đã nói về triết học của Blondel như chủ yếu có tính “hộ giáo”, ngụ ý làm cho nó lệ thuộc thần học, điều mà Blondel không sẵn sàng chấp nhận, mặc dù có một số ý hướng hộ giáo trong việc ông cho thấy sự cần thiết phải nêu ra vấn đề về một tôn giáo siêu nhiên. Cha Denis cũng nói về phương pháp của Blondel như đơn giản ở lại trong “lĩnh vực tâm lý”, hoặc tự giới hạn trong việc “nắm lấy linh hồn do các nhu cầu thân thiết của nó hoặc với những lý do phù hợp về luân lý và xã hội,” những nhu cầu và lý do, đối với Blondel, có thể sẽ dẫn đến nhiều điều hơn mê tín một chút ở viễn ảnh điều được ông nhắc đến như hiện tượng hành động, chứ không phải những nhu cầu và lý do được ông nhấn mạnh trong hành động như cơ sở cho sự khẳng định nhất thiết về Thiên Chúa hằng sống và sự nhất thiết phải nêu ra câu hỏi về một tôn giáo siêu nhiên thực sự.
Điều Cha Denis ca ngợi nền triết học Công Giáo mới này đã gióng lên hồi chuông báo động trong tâm trí của chàng trai trẻ Blondel trong tư cách một triết gia đang phát động một sự nghiệp trong ngôn từ triết học cho các nhà tư tưởng phê bình hiện đại. Nó giống như nói rằng nền triết học mới này về tôn giáo không thực sự là một triết học theo đúng nghĩa của nó, mà đúng hơn, là một phần của khoa biện hộ thần học hoặc tôn giáo, điều mà Blondel vốn cẩn thận tránh né trong điều có mục đích trở thành một Khoa học Thực hành có phê phán và chỉ có thế, mặc dù nó dẫn đến một câu hỏi hoặc một giả thuyết cần thiết liên quan đến một hồng phúc siêu nhiên được coi, không như dữ kiện trên thực tế, thậm chí như một khả hữu hay một điều chúng ta có thể quan niệm một cách tự nhiên hoặc thuần lý, nhưng đúng hơn là chỉ như điều tất yếu, nếu hành động của con người được coi như đã được đem đến chỗ hoàn thiện một cách vẫn còn cần được xác định.
Là một triết gia ngỏ lời với các triết gia, Blondel nghĩ đến một triết lý về tôn giáo hơn là biện hộ cho Kitô giáo. Ông nhận thấy ngôn ngữ hộ giáo được Cha Denis sử dụng để mô tả phương pháp của ông không liên quan đến điều ông đang cố gắng làm trong tư cách một triết gia. Thực vậy, ông nhận thấy ngôn ngữ hộ giáo tiêu chuẩn được Cha Denis sử dụng không thích hợp và không hữu hiệu để vươn tới “những bộ óc giống như những bộ óc của những người cùng thời với chúng ta vốn được nuôi dưỡng trong trường phái phê bình”1Xem Lá thư của Blondel gửi Cha Denis trước lá thư dài hơn đã được xuất bản dưới tên “Lettre sur les exigences de la pensée contemporaine en matière d’apologétique et sur la méthode de la Philosophie dans l’étude du problème religieux” [Lá thư về các đòi hỏi của tư tưởng đương thời trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong việc nghiên cứu vấn đề tôn giáo] được chép lại trong Les Premiers écrits de Maurice Blondel [Các trước tác đầu tiên của Maurice Blondel] (Paris: Presses Universitaires de France, 1956), 4 . Điều cần thiết cho những bộ óc triết học như vậy, và điều ông cố gắng cung cấp trong cuốn sách của ông về Hành động, là những lập luận thuộc một trật tự khác, một trật tự nói một cách chuyên biệt hơn về vấn đề tôn giáo siêu nhiên như được hiểu trong Đạo Công Giáo chứ không chỉ là một “tôn giáo” tự nhiên được định nghĩa một cách mơ hồ chỉ tương ứng với các nhu cầu tự nhiên, tâm lý, xã hội hoặc các nhu cầu khác, một điều vốn được giả thiết như một phần của lập luận hộ giáo, nhưng là điều bị Blondel cho là đang tiến gần đến một loại mê tín bị ông phê phán trong các nền triết học duy lý hiện đại bị mắc kẹt trong trật tự nội tại của lý trí và hành động được ước muốn.
Blondel nghĩ tới phương pháp của ông như một phương pháp triết học và độc lập nghiêm ngặt, như một khoa học của tâm trí và tinh thần cởi mở đối với tất cả những gì lý trí có thể nắm bắt. Ông chỉ bị lôi cuốn vào câu hỏi “hộ giáo” táo bạo hơn bởi một danh xưng bên ngoài không phù hợp với điều ông đang nghĩ về vấn đề tôn giáo trong triết học, càng không phải như một giải pháp khả hữu cho vấn đề. Vì vậy, ông yêu cầu được thực hiện quyền trả lời bài báo của Cha Denis, chủ yếu để xác lập rõ vấn đề, không phải về khoa hộ giáo đúng nghĩa, mà chính xác hơn về “Các Nhu Cầu Cấp Thiết của Tư Tưởng Đương Thời trong Các Vấn Đề của Khoa Hộ Giáo và về Phương Pháp Triết Học trong Nghiên cứu Vấn Đề Tôn Giáo”. Từ đó, có lá thư dài chia thành sáu phần, giải thích phương pháp mà ông nghĩ là cần thiết để đem một triết lý “tự nhiên” về tinh thần và một tôn giáo “siêu nhiên” lại với nhau, mà không nhầm lẫn chúng với nhau, càng không giản lược điều này vào điều kia. Điều mà bài báo trình bầy về phương pháp này muốn cho thấy là tôn giáo và đức tin Kitô giáo cần có một nền triết lý nghiêm túc có tính trí thức và phê phán, không chỉ để chứng minh một số khả tính tín trừu tượng vốn không là bất cứ điều gì khác ngoại trừ đức tin và đức cậy vào hồng phúc của Thiên Chúa, mà còn để mở đường cho ánh sáng siêu nhiên của đức tin soi thấu trí hiểu con người và để cho ân sủng siêu nhiên của đức ái thâm nhập vào ý chí họ. Là một triết gia, Blondel không thể hài lòng với một diễn dịch trừu tượng chỉ có thể áp đặt các dữ kiện hoặc tín điều phải được tin một cách mù quáng và không cần trí hiểu, trong “một phục tùng không được chiếu sáng”, như ông sẽ nói ở phần sau trong tiểu luận được dịch để đi cùng với bài báo này2Exigences philosophiques du Christianisme (Các đòi hỏi triết học của Kitô giáo], 13.. Đúng hơn, ông đã phải cho thấy sự cần thiết của việc nhất trí tin theo các mầu nhiệm đức tin và đức ái vì một trí hiểu và ý chí hoàn hảo hơn liên quan đến thể siêu nhiên mầu nhiệm.
Blondel bắt đầu Lá thư bằng một lời phê phán dài về sáu phương pháp hộ giáo đang được sử dụng vào thời điểm đó. Theo ông, một phương pháp nghe có vẻ “triết học”, nhưng không thực sự là triết học theo bất cứ nghĩa phê phán nào. Đó là triết học giả chỉ làm mất uy tín của tôn giáo trong mắt các nhà tư tưởng có óc phê phán. Phương pháp thứ hai tiến hành bằng cách mở rộng một cách lạm dụng các khoa học thực chứng hoặc thực nghiệm vào lĩnh vực cả triết học lẫn hộ giáo, như thể các khoa học thực chứng và thực nghiệm là những khoa học duy nhất đáng kể đối với triết học và / hoặc tôn giáo, trong khi thực ra chúng thậm chí không đáng kể đối với bất cứ điều gì thuộc loại này trong tâm trí của chính các nhà khoa học, chứ đừng nói đến tâm trí của các nhà triết học có óc phê phán về khoa học hoặc về tôn giáo. Blondel nhanh chóng bác bỏ hai cách tiếp cận này, coi chúng hầu như không đáng kể, ngoại trừ có lẽ như gây hiểu lầm cho những người quá dễ bị ấn tượng bởi ngôn ngữ nghe có vẻ cao sang hoặc bởi “bí mật mầu nhiệm” của khoa học hiện đại, do đó rơi vào điều ông gọi là thờ ngẫu tượng “khoa học” hiện đại, đang thay thế cho cả triết học lẫn tôn giáo. Một phần mối quan tâm của ông trong năm 1893 là chỉ ra những bất cập của các khoa học toán học thực nghiệm trong việc xử lý các đối tượng của chính chúng, chứ đừng nói đến hành động của chủ thể hoặc nhà khoa học được giả định trong các khoa học đó3Xem Action (1893), Phần III, Giai đoạn I..
Phương pháp thứ ba phải được bàn đến có nhiệm vụ hai mặt: 1) trả lời các phản bác của chủ nghĩa duy lý hiện đại chống lại siêu nhiên và 2) coi Kitô giáo như một sự kiện lịch sử cần được khảo sát theo các tiêu chuẩn của khoa nghiên cứu lịch sử hiện đại. Dù phương pháp này nói nhiều hơn đến các vấn đề triết học và lý trí đúng nghĩa, cũng như các vấn đề về sự kiện lịch sử, nó vẫn để lại nhiều điều được mong muốn như một lập luận ủng hộ hoặc chống lại tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào. Theo Blondel, có ba khó khăn mà nó không thể vượt qua: 1) mối liên hệ được giả định giữa hai đường hướng đặt vấn đề, đường hướng của tư duy phê phán và đường hướng của việc lên tài liệu lịch sử, mối liên hệ này, trong yếu tính, không có tính triết học; 2) ngay cả khi những lập luận liên quan đến sự kiện Kitô giáo có giá trị lịch sử lớn nhất đi nữa, theo cả lý lẽ lẫn đức tin, chúng cũng không nhất thiết có tính hộ giáo liên quan đến vấn đề mà chúng ta chỉ có thể biết như được mạc khải; 3) dù triết học có rất ít điều để nói trong lĩnh vực các sự kiện thực nghiệm, chẳng hạn như ngày sinh hoặc ngày mất, chưa kể đến ngày phục sinh, nếu có, nó vẫn có và có thể có nhiều điều để nói trong lĩnh vực ý tưởng và phê bình thuần lý. Phương pháp thứ ba này không nói gì đến sự cần thiết phải tìm hiểu giả thuyết về một sự trợ giúp siêu nhiên đối với các hữu thể có lý trí để họ tìm kiếm vận mệnh hay sự hoàn hảo thực sự của họ. “Thiết lập khả thể và thực tại của siêu nhiên một cách riêng biệt là điều không đủ; người ta phải chỉ ra việc chúng ta cần phải tuân theo thực tại siêu nhiên này”4Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 13..
Blondel đưa ra rất nhiều điều cần thiết cho chúng ta liên quan đến vấn đề siêu nhiên trong phương pháp triết học của riêng ông. Nhưng nếu khoa hộ giáo không tạo được mối liên kết cần thiết này, thì nó sẽ không ảnh hưởng chi tới các tâm trí nâng các yêu cầu khẩn cấp của nhà triết học duy lý lên mức cực đoan chính đáng của chúng, như sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta chuyển sang trọng điểm triết học chủ yếu cần được thực hiện về mối tương quan giữa tự nhiên và siêu nhiên trong thực hành của con người.
Phương pháp thứ tư để làm hộ giáo bị Blondel trẻ phê phán đã được một giáo sư của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm, là Léon Ollé-Laprune, một người có đức tin rất giống với chính Blondel, đem ra thực hành. Phương pháp này đã đi một chặng đường dài trong việc chỉ ra mối liên kết nào đó hoặc một liên hệ họ hàng nào đó giữa Kitô giáo và bản chất luân lý của con người ở điểm tốt nhất của họ, đến nỗi Kitô giáo dường như đáng mong ước đối với linh hồn con người bởi vẻ đẹp hoặc sự tốt lành của nó. Đây là một phương pháp hội tụ giữa hai quan niệm về một cuộc sống lý tưởng của con người mà Blondel thấy rất tương đắc trong tư cách một con người của cả đức tin lẫn lý trí. Nhưng đối với ông, phương pháp này vẫn không đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết của triết học. Nó nói quá nhiều về khía cạnh đức tin và quá ít về khía cạnh triết học. Nó không xác định đủ chính mối liên hệ giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên như một vấn đề kết nối nhất thiết trong đời sống của lý trí, thay vì chỉ là vấn đề hòa hợp giữa khát vọng của bên này hoặc bên kia. Các lập luận của nó đã tạo ra một giả định ủng hộ Kitô giáo dùng như một sự bổ sung hoặc như một sự thỏa mãn đầy đủ cho bản chất chủ yếu của hữu thể luân lý, nhưng theo Blondel, chúng đã không cung cấp một kiểu hộ giáo có tính triết học đúng nghĩa giải quyết vấn đề hoặc khẳng định về sự nhất thiết phải có Kitô giáo trong việc tìm kiếm sự hoàn hảo trong sự hiểu biết và ý chí của con người.
Phương pháp thứ năm dưới con mắt phê bình của nhà triết học là một phương pháp mà trước đây Blondel đã xem xét một cách thuận lợi, nhưng bây giờ ông thấy nó thiếu sót theo quan điểm triết học. Phương pháp này đã tiến xa hơn một bước so với phương pháp hội tụ mà ông đã thấy tương đắc đối với người thầy của mình là Ollé-Laprune. Nó bắt đầu từ một linh hồn đang tự tìm kiếm chính mình, không tuân theo bất cứ quy tắc tư duy nào hoặc theo bất cứ hướng nào, để cho thấy nó đã được dẫn dắt một cách “bất khả chiến bại” như thế nào để nhận ra rằng một cuộc sống thực sự nhân bản phải được hướng dẫn bằng một nền tín lý về cuộc sống mà chỉ có Kitô giáo, và nói cho chính xác hơn, chỉ có Công Giáo mới cung cấp được. Theo Blondel, vấn đề với phương pháp này không phải là nó không tiến đủ xa trong việc thiết lập mối liên kết cần thiết giữa tự nhiên và siêu nhiên, nhưng đúng hơn, nó đi quá xa trong việc trình bày đạo Công Giáo như một chân lý tự nhiên và nhân bản hơn là một điều gì đó siêu nhiên. Trong luận văn về Hành động của mình, Blondel đã cẩn thận tránh kiểu giản lược siêu nhiên thành một thứ tự nhiên trong hữu thể nhân bản. Khi lập luận rằng Đạo Công Giáo thoả mãn mọi nguyện vọng tự nhiên và hợp lý của hữu thể nhân bản, phương pháp thứ năm này chỉ có thể kết luận về chân lý tự nhiên và nhân bản của đạo Công Giáo, và khi đề xuất chân lý này như một điều thực sự có tính siêu nhiên, nó hoặc là vượt ra ngoài khuôn khổ của lập luận hoặc giản lược điều được cho là siêu nhiên thành một điều gì đó hoàn toàn tự nhiên. Cách tạo ra mối liên kết giữa trật tự tự nhiên của triết học và trật tự siêu nhiên của tôn giáo không phù hợp với cả triết học duy lý một bên lẫn bên kia là giáo huấn tôn giáo chính thống.
Phương pháp hộ giáo thứ sáu và cũng là phương pháp cuối cùng được Blondel trẻ tuổi xem xét là phương pháp mà người Công Giáo cho là hoàn chỉnh nhất và hiệu quả nhất, đó là Chủ thuyết Tôma như nó được dạy trong sách giáo khoa triết học và thần học ở các trường học và chủng viện Công Giáo vào cuối thế kỷ XIX. Blondel chưa bao giờ theo học bất cứ trường học hay chủng viện nào thuộc loại này, nhưng như một sinh viên của các trường học thế tục ở Dijon và Paris, ông đã có dịp duyệt một số sách giáo khoa này, và nhận thấy chúng khá ấn tượng về cả triết học lẫn thần học. Ông tìm thấy ở nơi chúng hai hệ thống tư tưởng rất ăn khớp với nhau, một hệ thuộc triết học và một hệ thuộc thần học, được tập hợp lại với nhau cho mục đích hộ giáo trước một thế giới đầy hoài nghi gồm các nhà triết học và nhà khoa học có óc phê phán. Trong tư cách một triết gia, ông nhận thấy hai hệ thống đủ thuyết phục, nhưng ông không tìm thấy ở chúng bất cứ cách rõ ràng nào để tạo ra mối liên kết giữa hai hệ thống, một hệ thống được cho là hợp lý và một hệ thống được cho là tôn giáo và siêu nhiên, càng không phải là cách kết nối cả hai hệ thống này với các chủ thể nhân bản đang đặt câu hỏi về ý nghĩa cuối cùng của đời sống và hành động của con người trong lịch sử thế giới. Cả hai hệ thống đều tự trình bầy mình như là khách quan và tách biệt với nhau, như thể được xếp chồng lên nhau, nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào thấm nhập vào nhau giữa hai hệ thống hoặc dấu hiệu nào về việc một chủ thể có lý trí có thể tìm được cách đi vào một trong hai hệ thống đó, chứ đừng nói cả hai hệ thống cùng một lúc.
Vấn đề Blondel nhìn thấy trong phương thức hộ giáo có tính nhị nguyên này là nó nhắm sai hướng. Ông viết: “Chúng ta đừng lãng phí thời gian để tập dượt những lập luận đã biết, đưa ra một đối tượng, khi chủ thể chưa được chuẩn bị”5Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 28.. Các lập luận phải được đưa ra để tác động, không phải lên phía chân lý thần linh, mà lên phía chuẩn bị để đón nhận một mạc khải và một hồng phúc siêu nhiên. Đây cũng là một vấn đề cấp thiết thiết yếu và vĩnh viễn đối với bất cứ tác nhân có lý trí nào, cả người tin lẫn người không tin. Vấn đề này phải được trình bầy một cách triết học hoặc phê phán, phù hợp với những đòi hỏi cấp bách của tư tưởng hiện đại, chứ không phải chỉ một cách giáo điều tách biệt khỏi bất cứ suy nghĩ thực sự nào về tôn giáo như một vấn đề dành cho tư duy thuần lý. Thay vì chỉ phàn nàn về những điều cho là sai lầm của tư tưởng hiện đại và bệnh hoạn của lý lẽ của nó, đúng hơn, Blondel nắm bắt phong trào tư tưởng hiện đại này để xem xem làm cách nào có thể đưa nó trở lại điểm cốt yếu của một vấn đề mà nó đã không còn quan tâm nữa, tức vấn đề tôn giáo siêu nhiên như câu trả lời cho câu hỏi về số phận cuối cùng của con người có lý trí, vấn đề ông đã đặt ra ở phần cuối của luận án về Hành động.
Như Blondel đã thấy, vấn đề là đưa triết học và tôn giáo tiếp xúc trở lại với nhau ở đỉnh cao nhất của lý trí và đức tin mà không giản lược điểu này vào điều kia, “để tôn giáo không chỉ là triết học, và triết học sẽ không hề bị hoà tan vào tôn giáo”6Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 25.. Khó khăn của việc làm như thế bắt nguồn từ sự kiện này là, một mặt, có việc đòi quyền tự chủ hoàn toàn về phần triết học như được các triết gia bày tỏ trong khái niệm nội tại, hoặc ý tưởng cho rằng không có gì có thể đi vào ý thức của con người mà không phần nào phát xuất từ nó hay phần nào đó không tương ứng với nhu cầu mở rộng bên trong nó, và mặt khác có sự hiểu biết rằng không có gì là Kitô giáo hay Công Giáo mà lại không phải là siêu nhiên đúng nghĩa, không những theo nghĩa siêu hình về một điều gì đó được áp đặt lên tư tưởng và ý chí của con người cùng với chính hữu thể của nó, mà còn theo nghĩa triệt để hơn nghĩa là ý thức con người không thể rút nó ra từ chính nó.
Điều đặc biệt gây khó chịu cho tác nhân hữu lý về ý tưởng siêu nhiên như một hồng phúc này không phải vì nó vượt quá bất cứ điều gì chúng ta có thể rút ra từ bản thân mình một cách nội tại, mà đúng hơn vì nó được cổ vũ như là được áp đặt lên chúng ta như một vấn đề nghĩa vụ hoặc cần thiết để đạt được cùng đích của chúng ta. “Không phải đối tượng hay hồng phúc là trở ngại mà là hình thức và sự kiện về nó…. Không có nó như vật được nhận và trao ban, nhưng như được tìm thấy và phát xuất từ chúng ta, hoàn toàn không phải là có nó; và đó chính là tai tiếng đối với lý trí”7Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 35..
Điều còn gây tai tiếng hơn nữa đối với lý trí là, ngoài việc nó là một sự kiện hay một sự thật phải tin, nó còn được tạo ra để trở thành vấn đề điều gì là và điều gì phải là một nghĩa vụ. Nếu chúng ta không vào bằng cánh cổng hẹp của hồng phúc siêu nhiên được ban tặng với những điều kiện trói buộc kèm theo, có thể nói như thế, một hồng phúc không hề phát xuất từ chính chúng ta, chúng ta không thể là các Kitô hữu. Hơn nữa, để bước vào cánh cửa này, “chúng ta phải thừa nhận rằng, không có khả năng tự cứu mình, chúng ta có khả năng tự trầm luân mình mãi mãi; và hồng phúc nhưng không, miễn phí và có tính được chọn từ nguồn của nó ấy, đối với người mà nó được ban tặng, trở thành không thể tránh khỏi, bị áp đặt và bắt buộc, đến nỗi dường như không có sự đối xứng giữa các lựa chọn thay thế, vì cuối cùng điều chúng ta không thể tự mình làm trở thành điều chúng ta phải đích thân chịu trách nhiệm (imputable) nếu chúng ta không thực hiện nó, và vì một hồng phúc nhưng không bị biến thành một món nợ đúng nghĩa”8Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 36..
Không một nhà biện hộ Kitô giáo nào vào thời của Blondel đã đặt vấn đề một cách sắc cạnh như thế trước triết học hiện đại. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu có bất cứ đối thủ nào của tôn giáo siêu nhiên từng lên khuôn phản bác một cách rõ ràng như thế hay không. Tuy nhiên, Blondel coi chủ trương này của tôn giáo siêu nhiên như điểm cốt yếu để thiết lập một cuộc đối thoại khả niệm với một nền triết học tự cho mình là tự trị trong tính nội tại của nó. Vì trong chủ trương đó của tôn giáo siêu nhiên, Blondel thấy câu định nghĩa về sự cần thiết trong mối liên hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên không có trong các phương pháp hộ giáo khác, một sự cần thiết cho phép hoặc thậm chí bắt buộc một sự thâm nhập nhất định của hồng phúc hoặc ban tặng siêu nhiên vào trật tự của tự nhiên hoặc của chính lý trí. “Vì nếu đúng là các yêu cầu cấp bách của Mạc khải có cơ sở, thì chúng ta không thể nói rằng chúng ta vẫn hoàn toàn ở trong chính nhà mình; và về sự thiếu thốn này, sự bất lực này, sự khẩn cấp này, phải có dấu vết nào đó trong con người hoàn toàn là con người cũng như một số tiếng vọng nào đó trong nền triết lý tự trị nhất”9Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 37..
Như thế, việc trình bày ngẫu nhiên một vài ý tưởng rời rạc hoặc một tín điều đặc thù này hay tín điều đặc thù nọ sẽ không ích chi cho một nền hộ giáo Kitô giáo đích thực. Cũng không phải chỉ nguyên việc trình bày một giáo huấn được xác định trong lịch sử về các sự kiện và về một cá nhân lịch sử quan trọng như Chúa Giêsu với tư cách là một bậc thầy tôn giáo. Vấn đề không phải là việc một trong các đối tượng phải tin, mà là tin như thế dưới khía cạnh hình thức và tổng hợp của nó. “Nếu chúng ta không đi đến tận cùng các đòi hỏi cấp thiết chính xác nhất và thách thức nhất của đạo Công Giáo trọn vẹn, chúng ta không có phương tiện dù là để quan niệm một cách hợp lý cuộc gặp gỡ hoặc sự chung sống của một tôn giáo, một điều vốn không chỉ đơn giản là một việc xây dựng của con người với một triết lý không sẵn sàng thoái lui hoặc tan hòa vào thể khôn tả”10Lettre sur les exigences (Lá thư và các đòi hỏi], 38.. Chỉ ở tận cùng các đòi hỏi cấp bách này về phần cả lý trí lẫn tôn giáo, triết học và mầu nhiệm mới có thể gặp nhau mà không cần tan hoà vào nhau.
Blondel tự coi mình là một triết gia không muốn thoái lui hoặc bị tan hoà vào thể khôn tả. Để bảo vệ luận án của mình, ông không chấp nhận được gọi là một nhà huyền nhiệm. Điều ông cho là cần thiết, theo ngay quan điểm siêu nhiên Công Giáo, là một triết học dẫn đến sự giao thoa cần thiết giữa triết học và tôn giáo siêu nhiên, mà không phạm vào tính mầu nhiệm siêu nhiên của tôn giáo và đức tin. Điều cần thiết đối với ông là phương pháp nội tại, như ông gọi nó trong Lá thư năm 1896, bắt đầu từ chính khái niệm nội tại đã trở thành đặc điểm của triết học hiện đại. Điểm nói tới tính nội tại đã được một triết gia khác, Léon Brunschvicg, đưa ra trong bài phê bình của ông về L’Action. Blondel lưu tâm nhiều tới điểm này, nhưng cũng đã bổ sung rằng triết học vẫn còn vấn đề về tính siêu việt phải giải quyết liên quan đến vấn đề tôn giáo và số phận con người nói chung, một vấn đề đã được nêu ra ở phần cuối của cuốn Hành động (Năm 1893). Vì chỉ nhờ giải quyết vấn đề số phận con người nói chung, người ta mới có thể đi đến chỗ xác định rõ ràng sự khó khăn hiện hữu trong việc đem triết học tự nhiên và tôn giáo siêu nhiên lại với nhau trong một cách nhìn của người ta về cuộc sống, và như thế đi đến một giải pháp rõ ràng cho sự khó khăn rất có thể đúng đối với cả triết học phê phán lẫn tín điều Công Giáo.
Điều làm cho sự khó khăn này trở nên sắc cạnh theo quan điểm của tư duy phê phán hiện đại là chính khái niệm nội tại từng làm cho nó trở thành chuyên nhất của chính chuyển động siêu việt và của bất cứ hồng ân siêu nhiên nào được quan niệm là nhưng không [gratuitous] theo quan điểm nội tại của tự nhiên và lý trí, nhưng cũng cần thiết hoặc bắt buộc để tiến tới chỗ hoàn thành hành động trong bản chất và lý trí của con người. Không thể giải quyết được sự khó khăn từ phía hồng ân được coi là siêu nhiên, vì điều đó có nghĩa là làm giảm bớt khái niệm siêu việt và sự đòi hỏi cấp thiết của một hồng ân siêu nhiên đúng nghĩa, liên quan đến bản chất và lý trí của con người. Nó chỉ có thể được giải quyết từ phía nội tại tính, nơi mà sự khẳng định về tính siêu việt diễn ra và là nơi giả thuyết về hồng ân siêu nhiên phải được quan niệm như cần thiết cho việc hoàn thành bản chất và lý trí của con người. Từ đó, cần phải có phương pháp nội tại từ phía triết học, không chỉ vì sự cần thiết của việc khẳng định Thiên Chúa như đấng siêu việt trong phương pháp đó, mà còn là sự cần thiết nêu ra câu hỏi về một hồng ân siêu nhiên cần thiết để đem hành động của con người đến chỗ hoàn thành trong mối tương quan với siêu việt.
Blondel đã khai triển khá dài về phương pháp nội tại này trong luận án của ông về điều ông gọi là hiện tượng hành động, trong đó, ông cho thấy, hầu hết những gì chúng ta phải nhất thiết ước muốn trong hành động của mình, chẳng hạn như nỗ lực thể lý và tương tác xã hội, đều phải phù hợp với những yêu cầu cấp bách của ý chí tự do nội tại của chúng ta, giống như triết học phê bình hiện đại đã làm cho trật tự nội tại của vũ trụ thế nào thì chúng ta cũng tìm thấy nó trong ý thức của chúng ta như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng, ông cũng cho thấy lối tư duy phê phán này có xu hướng khép kín bản thân nó và vũ trụ của nó ra sao, giống như cách mê tín từng làm, ngay trong lúc nó phê phán mê tín dị đoan. Nó tìm thoả mãn trong chính nó, như mê tín tìm thấy sự thoả mãn trong một vật hữu hạn, như thể không còn gì để tìm kiếm nữa để đạt được sự hoàn hảo của nó. Nó trở nên tự mãn và chuyên nhất, khi trong thực tế hoặc trong nguyên tắc, có vô cùng điều khác để mong muốn hoặc ước muốn hơn thế nữa để tiến đến một phương trình hoàn hảo giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của một con người. Thật vậy, mê tín tác động lên hành động của con người khi mà vô số điều hơn nữa đó được coi như một điều hữu hạn trong kinh nghiệm của chúng ta, một đối tượng, một nghi lễ, một sự sùng bái, thậm chí một khoa học hoặc chính tư duy phê phán, hoặc bất cứ thái độ nào không liên quan đến bất cứ điều gì nhiều hơn chính nó và thế giới của nó, dù rộng lớn đến mức có thể được quan niệm như thế nào. Trong việc phê phán mê tín của ông, Blondel biến tư duy phê phán hiện đại chống lại chính nó như loại trừ bất cứ điều gì siêu việt hoặc siêu nhiên và mở ra con đường cho việc xem xét một điều gì đó không thể bị giản lược thành bất cứ điều gì hoàn toàn tự nhiên trong trật tự nội tại của sự vật và sự việc của con người, một điều gì đó có thể được gọi là tôn giáo đích thực trong mối tương quan với Thiên Chúa như đấng sáng tạo và ban tặng hồng ân thực sự siêu việt, bao gồm hồng ân tự nhiên hoặc lý trí và ý chí.
Một số người có thể nói về tôn giáo tự nhiên, nhưng Blondel trẻ tuổi thì rất thành thạo với khái niệm đó. Như tự nhiên, hoặc được quan niệm trong bất cứ hiện tượng luận nào về tự nhiên hoặc hành động, nếu không được hưởng sự soi sáng thêm từ thần linh, tôn giáo chỉ có thể hoá thành một hình thức mê tín hoặc thờ ngẫu tượng khác. Đối với Blondel, điều quan trọng là tôn giáo chân chính được quan niệm như phát xuất từ Thiên Chúa như là siêu việt, như được cung cấp từ trên cao và phải được chấp nhận một cách tự do và có trách nhiệm. Như chỉ đơn thuần được tìm thấy hoặc chỉ phát xuất từ chúng ta, nó sẽ không phải là loại tôn giáo siêu nhiên mà ông có trong đầu như một cớ vấp phạm đối với lý trí cần được hoà giải với lý trí. Đó là lý do tại sao Blondel không thể chỉ dừng lại ở sự cần thiết phải khẳng định Thiên Chúa trong tính siêu việt của Người trong triết lý hành động của ông. Thừa nhận rằng chúng ta không đạt đến sự hoàn hảo của hành động chỉ bằng cách khẳng định Thiên Chúa trong tính siêu việt của Người, ông nói thêm về một phương thức thay thế cần thiết nảy sinh cho ý chí thuận lý khi đối diện với sự hiện diện tất yếu này của Thiên Chúa trong chúng ta và trong hành động của chúng ta: hoặc chấp nhận sự hiện diện tất yếu này và tuân theo các đòi hỏi của nó để đồng nhịp với việc mở rộng cuộc sống hành động, hoặc làm tê liệt sự hiện diện tất yếu này bằng cách khép kín bản thân và làm nản lòng ý chí trong khát vọng căn bản nhất của nó hướng tới tự do và sự hoàn thiện đích thực. Phương thức thay thế cuối cùng này, một phương thức tự thể hiện trong việc chấp nhận hoặc bác bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong hành động của chúng ta, “tóm lược mọi giáo huấn về thực hành. Con người, tự bản thân họ, không thể là những gì họ đã là bất chấp chính họ, những gì họ cho là họ trở thành một cách tự nguyện. Có hay không, liệu họ có muốn sống, ngay cả cho đến chết, có thể nói như thế, bằng cách đồng ý để Thiên Chúa thay thế hay không? Hoặc nếu không, liệu họ có cao ngạo muốn tự mãn không cần có Thiên Chúa, hưởng lợi nhờ sự hiện diện tất yếu của Người, mà không biến nó thành tự nguyện, vay mượn từ Người sức mạnh để tiến tới mà không cần đến Người, và ước muốn một cách vô hạn mà không ước muốn Đấng Vô Hạn? Ước muốn và không có khả năng, có khả năng và không ước muốn, đó chính là sự lựa chọn tự xuất hiện với tự do: ‘yêu chính mình đến khinh thường Thiên Chúa, yêu Thiên Chúa đến khinh thường chính mình’”11Action (1893), 327..
Không phải ai ai cũng đều nhìn thấy sự đối lập bi thảm này ở cốt lõi của hành động con người rõ ràng như thế này, nhưng đây chính là sự đối lập mà Khoa học Thực hành sau cùng để lại cho chúng ta, một lựa chọn hướng tới một cuộc sống cao hơn để hành động hoặc một lựa chọn cho điều chỉ có thể coi như cái chết của hành động trong sự thất vọng hoàn toàn và mâu thuẫn với bản thân. Khi các điều đối lập được trình bày một cách triệt để như vậy, câu hỏi để lại cho chúng ta là: điều gì cần có để chúng ta có khả năng ước muốn Đấng Vô Hạn một cách vô hạn nếu chúng ta không có khả năng ước muốn nó tự sức mình với một ý chí được ước muốn hữu hạn? Đây là chỗ triết học một lần nữa được tái kết hợp với một số hình thức tôn giáo siêu nhiên nào đó theo nghĩa Công Giáo.