2. Giáo hội công bố, thăng tiến và bảo đảm nhân phẩm
17. Giáo hội công bố phẩm giá bình đẳng của mọi người, bất kể điều kiện sống và phẩm chất của họ. Lời công bố này dựa trên ba niềm xác tín mà, dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, mang lại cho nhân phẩm một giá trị vô giá và củng cố những đòi hỏi nội tại của nó.
Một hình ảnh không thể xoá nhoà của Thiên Chúa
18. Trước hết, theo Mạc Khải, phẩm giá của con người xuất phát từ tình yêu của Đấng Tạo Hoá của nó, Đấng đã in sâu vào con người những nét không thể xoá nhoà của hình ảnh Ngài (x. St 1,26), mời gọi con người nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và sống trong mối quan hệ giao ước với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ, công lý và hoà bình với tất cả mọi người nam và người nữ khác. Theo tầm nhìn này, phẩm giá không chỉ liên quan đến linh hồn, mà còn đến nhân vị như một thể thống nhất không thể chia cắt, và do đó cũng gắn liền với thân xác của nó, vốn tham dự vào hữu thể của nhân vị theo cách của nó như hình ảnh của Thiên Chúa và cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang của linh hồn trong hạnh phúc của Thiên Chúa.
Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người
19. Niềm xác tín thứ hai nảy sinh từ sự kiện là phẩm giá của nhân vị đã được mạc khải trọn vẹn khi Chúa Cha sai Con của mình đến, Đấng đã đảm nhận toàn bộ cuộc sống con người: “Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn, vốn làm nên con người”1[30] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Dignitas Personae (8/9/2008), số 7: AAS 100 (2008), 863. Xem thêm thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. V, 16, 2: PG 7, 1167-1168.. Do đó, bằng cách hiệp nhất một cách nào đó với mọi người qua việc nhập thể của mình, Chúa Giêsu Kitô đã xác nhận rằng mỗi người đều có một phẩm giá vô giá, bằng sự kiện đơn giản là thuộc về cùng một cộng đồng nhân loại, và phẩm giá này không bao giờ có thể bị mất đi2[31] Vì “qua việc nhập thể của Người, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã hiệp nhất với mọi người” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 22: AAS 58 (1966), 1042), nên phẩm giá của mỗi con người được Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta một cách trọn vẹn.. Bằng việc công bố rằng Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt, những người đau khổ về thể xác và tinh thần; bằng cách chữa lành mọi loại bệnh hoạn tật nguyền, ngay cả những bệnh tật nặng nề nhất như bệnh cùi; bằng cách khẳng định rằng những gì chúng ta làm cho những người này, đó là chúng ta đang làm cho Người, bởi vì Người hiện diện nơi những người này, Chúa Giêsu đã mang đến sự mới mẻ tuyệt vời trong việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và trên hết, cả của những người bị coi là “thiếu phẩm giá”. Nguyên tắc mới này trong lịch sử nhân loại, theo đó con người càng “xứng đáng” (digne) được tôn trọng và yêu thương hơn khi họ yếu đuối hơn, khốn khổ hơn và đau khổ hơn, đến mức mất đi “dáng vẻ” người của mình, đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới, bằng việc khai sinh ra những tổ chức chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn: trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già bị bỏ rơi một mình, bệnh nhân tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nghiêm trọng, người sống trên đường phố.
Ơn gọi hướng tới phẩm giá trọn vẹn
20. Niềm xác tín thứ ba liên quan đến số phận cuối cùng của con người: sau công trình tạo dựng và nhập thể, sự phục sinh của Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của phẩm giá con người. Thật vậy, “khía cạnh cao quý nhất của phẩm giá con người được tìm thấy nơi ơn gọi hiệp thông với Thiên Chúa của con người”3[32] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 19: AAS 58 (1966), 1038., được định sẽ tồn tại đời đời. Như vậy, “phẩm giá của sự sống không chỉ gắn liền với nguồn gốc của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với cứu cánh của nó, với định mệnh của nó là hiệp thông với Thiên Chúa để biết Ngài và yêu mến Ngài. Chính dưới ánh sáng của chân lý này mà thánh Irênê đã nêu rõ và hoàn thành việc tôn vinh con người: “Vinh quang của Thiên Chúa” chính là “con người sống động”, nhưng “sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa””4[33] Thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25/3/1995), số 38 : AAS 87 (1995), 443, trích dẫn thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. IV, 20,7: PG 7, 1037-1038..
21. Vì vậy, Giáo hội tin và khẳng định rằng tất cả mọi người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và được tái tạo5[34] Thực vậy, Chúa Kitô đã ban cho những người được rửa tội một phẩm giá mới, phẩm giá “làm con Thiên Chúa”: xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1213, 1265, 1270, 1279 trong Ngôi Con làm người, chịu đóng đinh và phục sinh, đều được mời gọi lớn lên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để phản ánh vinh quang của Chúa Cha, trong cùng hình ảnh này, thông phần vào sự sống đời đời (x. Ga 10,15-16,17,22-24; 2 Cr 3,18; Êph 1,3-14). Thật vậy, “Mạc Khải […] tỏ lộ toàn bộ phẩm giá của nhân vị”6[35] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (7/12/1965), số 9: AAS 58 (1966), 935..
Dấn thân cho tự do
22. Mặc dù mỗi người đều có một phẩm giá nội tại và bất khả tước bỏ ngay từ đầu cuộc sống của mình như một ân huệ không thể hủy bỏ, nhưng điều đó tùy thuộc vào quyết định tự do và có trách nhiệm của họ để diễn đạt và thể hiện phẩm giá đó một cách trọn vẹn hay làm lu mờ nó. Một số Giáo phụ – như thánh Irênê hay thánh Gioan Đamascô – đã phân biệt giữa hình ảnh và sự giống như mà sách Sáng Thế Ký nói đến, nhờ đó cho phép một cái nhìn năng động về chính phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa được ủy thác cho sự tự do của con người để, dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, việc giống như Thiên Chúa của con người được lớn lên và mỗi người có thể đạt được phẩm giá cao nhất của mình7[36] Xem thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. V, 6, 1. V, 8, 1. V, 16, 2 : PG 7, 1136-1138. 1141-1142. 1167-1168; thánh Gioan Đamascô, De fide orth. 2, 12: PG 94, 917-930.. Quả thế, mỗi người được mời gọi biểu lộ trên bình diện hiện sinh và luân lý tầm quan trọng hữu thể của phẩm giá của mình trong chừng mực, với sự tự do của mình, họ hướng tới sự thiện đích thực, để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhân vị một mặt không bao giờ mất đi phẩm giá của mình và không bao giờ ngừng được mời gọi tự do đón nhận sự thiện; mặt khác, trong chừng mực nhân vị đáp lại sự thiện, phẩm giá của họ có thể được biểu lộ, phát triển và trưởng thành một cách tự do, một cách năng động và tiến bộ. Điều này có nghĩa là con người cũng phải nỗ lực sống xứng với phẩm giá của mình.
Như thế, chúng ta hiểu theo nghĩa nào tội lỗi có thể làm tổn thương và lu mờ phẩm giá con người, như một hành vi trái ngược với phẩm giá này, nhưng đồng thời, nó không bao giờ có thể xoá bỏ được sự kiện rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, đức tin góp phần một cách quyết định vào việc trợ giúp lý trí trong việc nhận thức về phẩm giá con người, đồng thời đón nhận, củng cố và nêu bật những nét thiết yếu của nó, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh: “Hơn nữa, nếu không có sự sửa chữa mà tôn giáo mang lại, thì lý trí cũng có thể rơi vào tình trạng méo mó, như khi nó bị ý thức hệ thao túng, hoặc khi nó được sử dụng một cách phiến diện đến mức không còn có thể ý thức về phẩm giá nhân vị một cách đầy đủ nữa. Rốt cục, chính sự lạm dụng lý trí này, là nguồn gốc của việc buôn bán nô lệ và nhiều tệ nạn xã hội khác, trong đó ít nhất có các ý thức hệ toàn trị của thế kỷ XX”8[37] Bênêđíctô XVI, Diễn văn tại Hội trường Westminster (17/9/2010): Insegnamenti VI/2 (2011), 240.