TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

3. Phẩm giá, nền tảng của các quyền và bổn phận của con người

23. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại, “trong nền văn hoá hiện đại, quy chiếu gần nhất đến nguyên tắc về phẩm giá bất khả tước bỏ của nhân vị là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, được thánh Gioan Phaolô II xác định là một “cột mốc được đặt trên con đường đường dài và khó khăn của loài người” và là “một trong những biểu hiện cao nhất của lương tâm con người””1[38] Phanxicô, Tiếp kiến ​​chung (12/8/2020): Osservatore Romano (13 agosto 2020), 8, trích dẫn thánh Gioan-Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (2/10/1979), 7 và Id . , Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (5/10/1995), 2.. Để chống lại những mưu toan nhằm thay đổi hoặc xoá bỏ ý nghĩa sâu xa của Tuyên ngôn này, điều thích hợp là nhắc lại một số nguyên tắc thiết yếu luôn phải được tôn trọng.

Tôn trọng vô điều kiện phẩm giá con người

24. Trước hết, mặc dù sự nhạy cảm ngày càng tăng đối với chủ đề phẩm giá con người đã trở nên phổ biến, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều hiểu lầm về khái niệm phẩm giá, làm sai lệch ý nghĩa của nó. Một số đề nghị sử dụng cách diễn đạt “phẩm giá nhân vị” (và các quyền của “nhân vị”) thay vì “phẩm giá con người” (và các quyền của con người), bởi vì qua nhân vị họ chỉ hiểu một “hữu thể có khả năng suy luận”. Vì vậy, họ lập luận rằng phẩm giá và các quyền được suy ra từ khả năng hiểu biết và tự do, mà không phải con người nào cũng được phú cho. Do đó, đứa trẻ chưa sinh ra sẽ không có phẩm giá nhân vị, cũng như người già không có khả năng tự trị hoặc những người bị khuyết tật tâm trí2[39] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Dignitas Personae (8/9/2008), số 8: AAS 100 (2008), 863-864.. Trái lại, Giáo hội nhấn mạnh đến sự kiện rằng phẩm giá của mỗi nhân vị, chính vì nó mang tính nội tại, nên vẫn tồn tại “trong mọi hoàn cảnh”, và việc thừa nhận phẩm giá đó trong mọi trường hợp không thể phụ thuộc vào phán đoán về khả năng hiểu và hành động một cách tự do của một người. Nếu không, phẩm giá sẽ không gắn liền với nhân vị, biệt lập với điều kiện của họ và do đó xứng đáng được tôn trọng vô điều kiện. Chỉ khi nhìn nhận con người có một phẩm giá nội tại, không bao giờ có thể bị mất đi, thì mới có thể bảo đảm được một nền tảng bất khả xâm phạm và an toàn cho phẩm chất này. Nếu không có quy chiếu hữu thể, thì việc thừa nhận phẩm giá con người sẽ bị phó mặc cho những đánh giá khác nhau và tùy tiện. Do đó, điều kiện duy nhất để có thể nói về phẩm giá nội tại gắn liền với nhân vị là việc họ thuộc về loài người, đến độ “quyền của nhân vị là quyền của con người”3[40] Ủy ban Thần học Quốc tế, Tự do tôn giáo vì lợi ích của mọi người (2019), số 38..

Một quy chiếu khách quan cho tự do của con người

25. Thứ hai, khái niệm phẩm giá con người đôi khi cũng bị lạm dụng để biện minh cho việc nhân rộng một cách tùy tiện các quyền mới, mà nhiều quyền trong số đó thường xung đột với những quyền đã được xác định ban đầu và thường xuyên dẫn đến xung đột với quyền sống cơ bản4[41] Xem Phanxicô, Diễn văn cho các Thành viên Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh chúc mừng năm mới (8/1/2024): Osservatore Romano (8 gennaio 2024), 3., như thể khả năng diễn tả và thể hiện mỗi sở thích cá nhân hoặc mong muốn chủ quan đều phải được đảm bảo. Như thế, phẩm giá được đồng nhất với một quyền tự do biệt lập và cá nhân chủ nghĩa, có tham vọng áp đặt một số mong muốn và khuynh hướng chủ quan như là “các quyền”, được tập thể bảo đảm và tài trợ. Nhưng phẩm giá con người không thể chỉ dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy cá nhân cũng như không thể được đồng hoá với chỉ phúc lợi tâm thể lý của cá nhân đó mà thôi. Trái lại, việc bảo vệ nhân phẩm dựa trên những đòi hỏi mang tính cấu thành của bản tính con người, vốn không phụ thuộc vào sự tùy tiện cá nhân cũng như sự thừa nhận của xã hội. Do đó, các nghĩa vụ nảy sinh từ việc nhìn nhận phẩm giá của người khác và các quyền tương ứng phát sinh từ đó có một nội dung cụ thể và khách quan, dựa trên bản tính chung của con người. Nếu không có sự quy chiếu khách quan này, thì khái niệm phẩm giá trên thực tế sẽ tùy thuộc vào sự tùy tiện và những mối quan hệ quyền lực đa dạng nhất.

Cấu trúc tương quan của nhân vị

26. Phẩm giá con người, dưới ánh sáng đặc tính tương quan của con người, giúp vượt qua quan điểm giản lược về quyền tự do tự quy chiếu và chủ nghĩa cá nhân, vốn có tham vọng tạo ra các giá trị riêng của mình mà không tính đến các chuẩn mực khách quan của sự thiện và mối tương quan với những sinh vật khác. Thật vậy, ngày càng có nguy cơ hạn chế phẩm giá con người ở khả năng tự ý quyết định về bản thân và số phận của mình, bất kể số phận của người khác, không tính đến tư cách thành viên của mình trong cộng đồng nhân loại. Trong quan niệm sai lầm về tự do như vậy, bổn phận và quyền lợi không thể được thừa nhận lẫn nhau để chúng ta quan tâm lẫn nhau. Quả thế, như thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta, tự do nhằm “để phục vụ nhân vị và sự thành toàn của nhân vị qua việc trao ban chính mình và đón nhận người khác; trái lại, khi chiều kích cá nhân chủ nghĩa của nó bị tuyệt đối hóa, nó mất hết ý nghĩa đầu tiên của nó, chính ơn gọi và phẩm giá của nó cũng bị phủ nhận”5[42] Thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25/3/1995), số 19: AAS 87 (1995), 422..

27. Vì thế, phẩm giá của con người cũng bao gồm khả năng đảm nhận các nghĩa vụ đối với người khác, một khả năng vốn gắn liền với chính bản tính con người.

28. Sự khác biệt giữa con người và các sinh vật khác, được rút ra từ khái niệm phẩm giá, không được làm chúng ta quên đi sự tốt lành của những sinh vật thụ tạo khác, vốn tồn tại không chỉ tùy thuộc con người, mà còn với một giá trị riêng, và do đó như những món quà được giao phó cho con người và phải được trân trọng và vun trồng. Vì vậy, trong khi khái niệm phẩm giá được dành riêng cho con người, thì sự tốt lành của các thụ tạo khác trong vũ trụ cũng phải được khẳng định đồng thời. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chính vì phẩm giá độc nhất của mình và do được phú ban cho trí tuệ, con người được mời gọi tôn trọng công trình tạo dựng với những quy luật nội tại của nó, […]: “Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và sự hoàn hảo của riêng mình [… ] Các thụ tạo khác nhau, được mong muốn nơi chính bản thân chúng, mỗi loài đều phản chiếu, theo cách riêng của mình, một tia sáng của sự khôn ngoan và lòng tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của mỗi thụ tạo để tránh việc sử dụng sự vật một cách vô trật tự.””6[43] Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), số 69: AAS 107 (2015), 875, trích dẫn Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 339. Hơn nữa, “ngày nay chúng ta buộc phải thừa nhận rằng chỉ có thể duy trì một “nhân trung luận”. Nói cách khác, thừa nhận rằng cuộc sống con người là không thể hiểu được và không bền vững nếu không có các thụ tạo khác”7[44] Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum (4/10/2023), số 67: Osservatore Romano (4 ottobre 2023), IV.. Theo viễn cảnh này, “không phải là không có tầm quan trọng đối với chúng ta khi nhiều loài đang biến mất và cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây nguy hiểm cho cuộc sống của rất nhiều sinh vật”8[45] Ibidem, số 63: Osservatore Romano (4 ottobre 2023), IV.. Việc chăm sóc môi trường thực sự thuộc về phẩm giá của con người, bằng cách đặc biệt quan tâm đến hệ sinh thái nhân bản vốn đang bảo tồn chính sự tồn tại của nó.

Giải phóng con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong các phạm vi luân lý và xã hội

29. Những điều kiện tiên quyết cơ bản này, dù cần thiết đến đâu, cũng không đủ để bảo đảm sự triển nở của nhân vị trong sự tôn trọng phẩm giá của họ. Cho dù “Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí bằng cách ban cho họ phẩm giá của một nhân vị có khả năng sáng kiến ​​và làm chủ các hành động của mình”9[46] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1730 nhắm tới điều thiện, thì ý chí tự do thường thích sự dữ hơn sự thiện. Đây là lý do tại sao quyền tự do của con người cũng cần được giải thoát. Trong Thư gửi tín hữu Galát, khi khẳng định rằng “chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1), thánh Phaolô nhắc lại nhiệm vụ đặc thù của mỗi Kitô hữu, trên vai họ có trách nhiệm giải thoát, được mở rộng ra toàn thế giới (x. Rm 8, 19tt). Đó là một sự giải thoát mà, từ trái tim con người, được mời gọi lan toả và thể hiện sức mạnh nhân bản hoá của nó trong mọi mối quan hệ.

30. Tự do là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngay cả khi thu hút chúng ta bằng ân sủng của Ngài, Thiên Chúa làm như vậy để sự tự do của chúng ta không bao giờ bị xâm phạm. Do đó, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng, xa rời Thiên Chúa và sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể tự do hơn và, do đó, chúng ta cảm thấy có phẩm giá hơn. Bị tách rời khỏi Đấng Tạo Hoá, sự tự do của chúng ta chỉ có thể trở nên suy yếu và bị lu mờ. Cũng tương tự như thế nếu sự tự do được tưởng tượng độc lập với bất kỳ quy chiếu nào khác ngoài chính nó và coi bất kỳ mối quan hệ nào với sự thật có trước là một mối đe doạ. Do đó, việc tôn trọng tự do và phẩm giá của người khác cũng sẽ bị suy giảm. Đây là những gì Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI giải thích: “Một ý chí nghĩ mình hoàn toàn không có khả năng tìm kiếm sự thật và sự thiện thì không còn lý do khách quan hay động cơ để hành động, ngoài những lý do và động cơ bị áp đặt bởi những lợi ích nhất thời và tùy tiện của nó, nó không có một “căn tính” để bảo tồn và xây dựng bằng cách đưa ra những lựa chọn thực sự tự do và có ý thức. Do đó, nó không thể đòi hỏi sự tôn trọng từ những “ý chí” khác, những ý chí cũng tách rời khỏi hữu thể sâu xa hơn của họ và, do đó, có thể đòi áp đặt những “lý do” khác hoặc thậm chí không có “lý do” nào. Ảo tưởng cho rằng người ta có thể tìm thấy trong chủ thuyết tương đối luân lý chìa khóa của sự chung sống hoà bình, trên thực tế, là nguồn gốc của sự chia rẽ và của sự phủ nhận phẩm giá con người10[47] Bênêđíctô XVI, Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới (1/1/2011), số 3: Insegnamenti VI/2 (2011), 979..

31. Vả lại, sẽ là phi thực tế khi khẳng định một quyền tự do trừu tượng, thoát khỏi mọi điều kiện, bối cảnh hoặc giới hạn. Trái lại, “việc thực thi quyền tự do cá nhân một cách đúng đắn đòi hỏi những điều kiện cụ thể thuộc trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hoá”11[48] Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hoà bình”, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 137., những điều kiện này thường không được thoả mãn. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng một số người được hưởng “quyền tự do” lớn hơn những người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt tập trung vào điểm này: “Một số người sinh ra trong những gia đình giàu có, nhận được một nền giáo dục tốt, lớn lên được ăn uống đầy đủ hoặc tự nhiên có những khả năng đặc biệt. Những người đó chắc chắn sẽ không cần một Nhà nước tích cực và sẽ chỉ đòi hỏi tự do. Nhưng rõ ràng, quy tắc tương tự không có giá trị cho người khuyết tật, cho một người sinh ra trong một gia đình rất nghèo, cho người đã hưởng được một nền giáo dục có chất lượng thấp và nguồn lực hạn chế để chăm sóc bệnh tật của mình cách thích hợp. Nếu xã hội được quản lý chủ yếu bởi các tiêu chí tự do thị trường và hiệu quả, thì sẽ không có chỗ cho họ và tình huynh đệ chỉ là một biểu hiện lãng mạn khác.”12[49] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 109: AAS 112 (2020), 1006. Do đó, cần phải hiểu rằng “việc giải phóng khỏi những bất công thúc đẩy tự do và phẩm giá của con người”13[50] Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 137. ở mọi cấp độ và trong mọi mối tương quan của hành động của con người. Để có thể thực hiện được sự tự do đích thực, “chúng ta phải đặt lại phẩm giá con người ở trung tâm và, trên trụ cột này, các cơ cấu xã hội thay thế mà chúng ta cần đến phải được xây dựng”14[51] Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Cuộc Hội ngộ Thế giới của các Phong trào Nhân dân (28/10/2014): AAS 106 (2014), 858.. Tương tự như vậy, sự tự do thường bị che khuất bởi nhiều ép buộc về tâm lý, lịch sử, xã hội, giáo dục và văn hoá. Sự tự do lịch sử và đích thực luôn cần được “giải thoát”. Và quyền cơ bản về tự do tôn giáo cũng phải được tái khẳng định.

32. Đồng thời, rõ ràng là lịch sử nhân loại cho thấy sự tiến bộ trong việc hiểu biết về phẩm giá và tự do của con người, không phải không có những bóng tối và nguy cơ suy thoái. Điều này được chứng minh bằng sự kiện là có một khát vọng ngày càng tăng – cũng dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, vốn tiếp tục là men ngay cả trong các xã hội ngày càng thế tục hoá – nhằm xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội đối với phụ nữ, trẻ em, người bệnh và người khuyết tật. Nhưng con đường gay go này còn lâu mới kết thúc.