Đức Maria Qua Các Thời Đại
Vị Thế Của Ngài Trong Lịch Sử Văn Hoá

Bài 1 / 17 trong loạt bài Đức Maria qua các thời đại

Chương mười: Khuôn Mặt Giống Chúa Kitô Hơn Hết

Này là mẹ con! – Gioan 19,27

Một trong những giây phút tuyệt vời trong lịch sử tôn sùng Đức Maria tìm thấy ở khổ thơ (canto) chót trong cuốn Thần Kịch của Dante, trong đó thánh Bernard thành Clairvaux lên tiếng ca ngợi đức Trinh Nữ Đầy Phúc1Eternal Feminines, 101-19. Những lời ca ngợi này phần lớn trích từ nhiều trước tác của thánh nhân về Đức Maria2H. Barré, “Saint Bernard, docteur Marial”, Saint Bernard théologien (Rome: Analecta Sacri Ordinis Cisterciensis, 1953) 92-113.. Vì, như lời Steven Botterill nói, thánh Bernard “được trợ giúp nhờ sự kiện này là tư duy của ngài không nằm trên lưỡi bén cắt của thần học khoa bảng: trước tác của ngài về Đức Maria đầy một lòng sùng kính thâm hậu và thâm hậu một cách bản thân đối với đức Nữ Trinh. Nó nhằm mục tiêu đánh động tâm hồn người đọc cũng như khích động tâm trí họ hành động”3Steven Botterill, Dante and the Mystical Tradition: Bernard of Clairvaux in the “Comedia” (Cambridge: Cambridge University Press, 1994), 167.. Như thánh Bernard đã dạy, Dante khi nhấn mạnh đến nét giống nhau trong gia đình, từng được họa sĩ Antwerp Massys (chết năm 1530) ghi nhận:

Bây giờ hãy nhìn lên khuôn mặt giống nhất
khuôn mặt của Chúa Kitô, vì chỉ qua nét trong sáng của nó,
bạn mới có thể chuẩn bị con mắt của bạn mà nhìn ra Người4Par.XXXII.85-87. Ở đây và trong suốt chương này, chúng tôi dùng bản dịch bằng thơ của Allen Mandelbaum, và do đó cũng đã trình bày nó dưới hình thức thơ, trái với bản dịch cũng những câu ấy bằng văn suôi tại chương 12 dưới đây.
.

Đặc ân nhìn ngắm Đức Maria, từng được ban cho thánh Bernard một cách dồi dào và chính Dante sau đó cũng được chia sẻ với thánh nhân, là một thị kiến làm biến đổi con người và là một thị kiến không thể mô tả bằng ngôn từ được. Tuy thế, thị kiến này chuẩn bị ta đón nhận một thị kiến còn cao cả hơn vô vàn và dẫn ta vượt qua chính nó mà thị kiến được Chúa Kitô, Đấng vốn là “Con hiển dương của Thiên Chúa và của Đức Maria”5Par. XXIII.136-37., và được ngắm nhìn “dung nhan” Thiên Chúa. Cái khổ thơ phong thần (canto of apotheosis) này6Alexandre Masseron, Dante and Saint Bernard (Paris: A. Michel, 1953), 82., khởi đầu bằng một nghịch lý, “mẹ trinh nữ, nữ tử Con Trai mình, /khiêm cung và cao cả hơn bất cứ tạo vật nào”7Par.XXXIII.1-2., được dùng như một tóm kết và là mục tiêu cho toàn bộ cuốn Thần Kịch – và của toàn bộ lịch sử được mô tả trong các chương trước của sách – đồng thời cũng là dự ứng cho phần lớn lịch sử sắp diễn ra sau. Vì chính Đức Maria, trong tư cách “Đức Bà Dịu Hiền” trên trời, mà nhờ lời bầu cử của Ngài, “án phạt nghiêm khắc từ trên cao đã tan theo mây khói”, đấng, ở khúc gần đầu bài thơ, khuyến khích Beatrice tới trợ giúp nhà thi sĩ, “người yêu con đến độ vì con mà xa lìa đám đông tầm thường,” do đó đã sắp đặt để toàn bộ hành trình của Dante diễn tiến8Inf.II.95-105.. Và ở đoạn kết bài thơ, Đức Maria đối với Dante không những là “Đức Bà của Chúng tôi”9Par.XXI.123. mà còn là “Nữ Vương của chúng tôi”10Par.XXXII.104., “Nữ Vương Trên Trời”11Par.XXIII.128. và là “Nữ Hoàng [Agusta]”12Par.XXXII.119., sự thể hiện hoàn toàn lời hứa hẹn Địa Đàng và nguyên mẫu của mọi người được cứu rỗi. Vì “nhờ tư cách gần gũi hơn với nhân loại, Ngài là người dễ dàng chạy tới hơn đối với những kẻ có lý do khiếp sợ, hay những kẻ không hiểu thấu, mầu nhiệm khôn cùng của Thiên Chúa hoặc uy quyền nghiêm khắc của Chúa Kitô”13Botterill, Dante and the Mystical Tradition, 169..

Độc giả rất dễ bị mê hoặc trước tính ngây ngất đầy hân hoan và gần như mơ say trong chất thơ của thánh Bernard và trong cái nhìn về một Trinh Nữ Maria đầy siêu việt trong những vần thơ ấy, mà quên mất rằng đối với Dante, cũng như đối với thánh Bernard thành Clairvaux, và cả đối với toàn bộ truyền thống Trung Cổ, Đức Maria luôn duy trì sự nối kết liên tục với nhân loại, cùng một nhân loại mà nhà thơ cũng như độc giả của ông đều thuộc về. Bởi thế, cái vinh quang mà Ngài được hưởng là một hình thức đặc biệt – khác về mức độ chứ không khác về bản chất – trong đó mọi người được cứu rỗi đều dự phần vào, một vinh quang được thông truyền cho Ngài, cũng như cho họ, nhờ ơn phúc và công phúc của Chúa Kitô. Trong cái nghịch lý của nhập thể, Ngài là Nữ Tử của Con Trai mình, Đấng đã cứu chuộc Ngài. Các tu sĩ Phanxicô thời Dante đã nhấn mạnh đến điều trên, lấy nó làm thành tố quan trọng để khai triển ra học lý vô nhiễm thai14Par.XXXIII.1; xem chương 14 ở dưới.. Đầu phần Thiên Đàng (Paradiso), để trả lời câu hỏi không được nêu ra của Dante về các mức độ tương đối của công phúc và do đó của cứu rỗi, Beatrice đã giải thích như sau:

Với thần sứ Xêraphim vốn gần Chúa nhất,
Với Mô-sê, Samuen và cả Gioan –
Với bất cứ vị nào bạn biết – Đức Maria đều không
Chung hàng với họ, trên bất cứ cõi trời nào khác
Hơn cõi trời đang chứa những linh hồn bạn thấy,
Mà phần phúc họ cũng không lâu bằng15Par.IV.28-33.
.

Như thế, có nhiều mức độ cứu rỗi và do đó có nhiều lãnh vực trên Thiên Đàng, như lời Beatrice giải thích thêm sau đó: “nhiều cách khác nhau” và “hết bình diện này qua bình diện nọ”16II.118,122.; trong đó, Đức Maria chiếm chỗ cao nhất. Nếu không có những trình độ cứu rỗi như thế, thì cũng không có công bằng trên căn bản công phúc, là thứ khác nhau từ người này qua người nọ và do đó cần được tưởng thưởng theo mức độ vinh quang khác nhau. Cũng vì lẽ này, nếu không có các trình độ cứu rỗi và luận phạt khác nhau, thì chắc cũng không có Thần Kịch. Sự công bằng của Chúa mãi mãi là một mầu nhiệm “vượt trên mọi phán đoán”17Par.XIX.98., ngay cả nếu nó đem án phạt lại cho người ngoại giáo là những người không có cơ hội nghe Phúc Âm. Thế nhưng, cả những người được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu ở mức độ thấp hèn trên Thiên Đàng cũng xác nhận rằng “bình an chúng con ở trong thánh ý Chúa”, vì “mọi chỗ trên trời đều là ở Thiên Đàng, dù ơn phúc không mưa móc đều từ Nguồn Phúc Trên Cao”18Par.III.85, 88-90., vì đó chẳng qua chỉ là những mức độ khác nhau của cùng một tầng trời và cùng một Thiên Đàng. Dù Đức Maria là đỉnh cao nhất của nhân loại, nhưng Ngài cũng vẫn thuộc cùng một tầng trời.

Như một đỉnh cao, Đức Maria là “Mẹ mới của mọi người sống” như Evà trước đây từng là “mẹ của mọi người sống” như lời Thánh Kinh19St 3,20.. Bởi thế Đức Maria nằm trong mối liên hệ có tính hình loại học với Evà20 Barbara Newman, Sister of Wisdom: St Hildegard’s Theology of the Feminine (Berkeley: University of Californai Press, 1987), 89-120.. Một cách đầy ý nghĩa, như đã được nhắc ở Chương 3, dựa theo Thánh Irênê thành Lyons, mối liên hệ giữa Evà và Đức Maria này từng là chủ đề được thánh Bernard dùng để bắt đầu bài trình bày của ngài về đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong vần thơ đi trước lời ngài thân thưa với đức Nữ Trinh:

Vết thương Đức Maria băng bó
rồi xức dầu chính là vết thương Evà – đang đáng yêu
ngồi dưới chân Đức Maria – trước đây từng mở rộng và sâu thẳm21Par.XXXII.4-6.
.

Thế là giờ đây, như trong giải thích của thánh Bernard và trong thị kiến của Dante, Mẹ Evà đang ngồi dưới chân Mẹ Maria, ở một chỗ cao hơn Rakhen, và chắc cao hơn Beatrice22Par.XXXII.7-9.. Tất cả những điều ấy, như Dante đã giải thích, sẽ không phù hợp chút nào với kế hoạch cứu rỗi, nếu Đức Maria, trong tư cách Evà Thứ Hai, không thực sự và hoàn toàn là thành viên của nhân loại. Trong Thiên Đàng, khi Cacciaguida nhắc đến việc mẹ ông kêu cầu Đức Maria “trong cơn đau đớn lúc sinh con”23Par.XV.133. hay trong Luyện Ngục, khi Buoconte diễn tả lúc ông bị thương ngoài mặt trận, chỉ ngất đi sau khi đã “kêu được tên Đức Maria”24Purg.V.101., hoặc khi Piccarda Donati, sau khi kể lại cuộc đời đáng ghi nhớ của mình,

bắt đầu hát “Kính mừng
Maria” và vừa hát vừa khuất dạng
Như vật nặng chìm trong lòng nước sâu – 25Par.III.121-23.

thì đấng mà cả ba người cùng kêu cầu trong lúc cùng cực ấy chính là đấng, dù là Trung Gian, cũng vẫn là đồng bào nhân loại của họ, đấng mà nói cho ngay đã không thực sự là Trung Gian của họ nếu không là đồng bào nhân loại với họ.

Đồng thời, Ngài cũng là hiện thân các nhân đức tuyệt vời, những nhân đức mà nhờ ơn thánh, nhân loại đã có thể vươn tới: như lời thánh Bernard: trong Ngài “có mọi sự tốt lành có thể thấy nơi các tạo vật”26 Par.XXXIII.21.. Thế nhưng, trong Thần Kịch, khi nói về mối liên kết này, ta thấy có một hoàn cảnh rất kỳ lạ mà giải thích thế nào cũng không được hiển nhiên: phần lớn những trình bày rõ ràng nhất về các nhân đức đặc biệt của Đức Maria chỉ xảy ra trong Luyện Ngục chứ không phải trong Thiên Đàng. Bài thánh ca của thánh Bernard trong Thiên Đàng quả có ca ngợi Đức Maria là “ngọn đuốc giữa ban ngày của đức mến” cho những ai đã ở thiên đàng rồi và là “dòng suối hằng sống của đức cậy” cho những ai còn trên dương thế27Par.XXXIII.10-12.. Như thế, Đức Maria không những chỉ biểu lộ đức tin vĩ đại, là điều được ngụ ý cùng khắp28Như thế, thí dụ Par.XXXII.37-39 trong đó Ngài xem ra là thí dụ thượng thặng cho niềm tin đang nói đến., nhưng Ngài cũng là gương mẫu của cả đức cậy và đức mến. Tắt một lời, Ngài là hiện thân của cả ba nhân đức được ca tụng trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 13: “đức tin, đức cậy, đức mến, ba nhân đức này”291Cor 13:13.. Chính dựa vào ba nhân đức này mà ở các vần thơ XXIV-XXVI, Dante đã bị khảo hạch bởi ba tông đồ hay ba “bồ câu”30Manfred Bambeck, Studien zu Dantes “Paradiso”(Wiesbaden: Steiner, 1979), 147-154. là các thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, ba vị từng được nhắc tới trong các vần thơ kết thúc của Luyện Ngục31Purg.XXXII.73. và là nhóm thân cận nhất trong hàng ngũ tông đồ32Thánh Phêrô, thánh Giacôbê và thánh Gio-an là những vị duy nhất hiện diện lúc Chúa cho con gái Giarô sống lại (Mc 5:37), lúc ở trên Núi Biến Hình (Mt 17:1-9), và lúc trong Vườn Diệtsimani (Mt 26:36-37).. Tuy nhiên, các nhân đức nổi bật nhất của Đức Mẹ lại là các nhân đức được ca tụng hơn cả trong Luyện Ngục chứ không phải trên Thiên Đàng. Lý do một phần có lẽ là: các linh hồn trên Thiên Đàng đã được hưởng thành quả nhân đức cả rồi, một thành quả họ chia sẻ với Đức Maria, trong khi các linh hồn trong Luyện Ngục, tức những người còn đang chờ được lên Thiên Đàng, mới cần ơn phúc, những ơn phúc họ được hưởng và được thông ban nhờ các nhân đức của Đức Maria. Cho nên các nhân đức ấy mới cần được mô tả đầy đủ hơn.

Chính vì thế, việc công kích “các Kitô hữu ngạo mạn” trong vần thơ thứ X của Luyện Ngục đã được đem ra đề tương phản với đức khiêm nhường của đức Trinh Nữ Maria, đấng, lúc truyền tin, đã tự nhận mình là “tôi tớ Thiên Chúa”33Purg.X.121, 44; Lc 1:38.. Cũng thế, khi người hành hương bước tới chỗ “tội ghen tương tràn lan giữa chốn này”, điều ông nghe được từ những người đang được tẩy trừ khỏi tội ghen tương ấy kêu lên là “Ôi Maria xin cầu cho chúng con”34Purg.XIII. 37-38, 50.. Xa hơn chút nữa, lúc gặp “những người đang bị lửa giận dữ nung đốt”, người hành hương thấy những người này được đem ra tương phản với “cung cách hiền từ” mà đức Trinh Nữ từng chứng tỏ khi quở trách người con trai 12 tuổi, lúc tìm lại được người con ấy trong đền thờ Giêrusalem: “Này Con, sao con lại làm như thế với cha mẹ? Này, cha con và mẹ đã đau buồn đi tìm con xiết bao”35Purg.XV.106, 88-89; Lc 2:48.. Khu vực nơi những người mắc tội “lười biếng và lơ là” là khu vực trong đó người ta không còn ca tụng “cung cách hiền từ”của Đức Maria nữa mà là sự “mau mắn” và lòng nhiệt thành của Ngài36Purg.XVIII.107,100.. Tội hà tiện, một tội mà “lòng tham thật sâu xa và không bao giờ cùng” đã khiến các nạn nhân của nó phải than thở: “Ôi Maria dịu dàng!”37Purg.XX.14,19.. Những kẻ “mê ăn uống” là những người tương phản nhất với Đức Maria, đấng lúc còn trên trần gian không bao giờ bận tâm tới việc thoả mãn cái đói của mình38Purg.XXIII.65, XXII.142-44.. Và những người trong luyện ngục hòng giập tắt ngọn lửa nhục dục cần kêu to những lời đức Trinh Nữ Maria nói về đức khiết trinh của Ngài39Purg.XXV.121-28.. Bởi thế, cuộc tham quan khắp Luyện Ngục đã đồng thời trở thành bản tổng kê các nhân đức của đức Trinh Nữ Diễm Phúc.

Muốn biết quan điểm của Dante về Giáo Hội hữu hình và nhu cầu cần canh tân của nó, thì các tranh luận trong hai thế kỷ 13 và 14 về khó nghèo và tài sản có tầm rất quan trọng. Bài tham luận của thánh Tôma Aquinô về thánh Phanxicô thành Assisi ở vần thơ XI trong Thiên Đàng đã mô tả cuộc kết hôn thiêng liêng giữa thánh Phanxicô và Công Nương Nghèo, người từng “bị mất người chồng đầu tiên” tức Chúa Kitô và sau đó phải chờ cả “một ngàn một trăm năm có lẻ” mới kiếm được người xứng đôi vừa lứa, lúc thánh Phanxicô xuất hiện40Par.XI.58-66.. Nhưng, nhân dịp nói đến đức khó nghèo của thánh Phanxicô thời Dante, một trong các câu hỏi được đem ra tranh luận là: giống Chúa Kitô, Đức Maria có khấn giữ đức khó nghèo tuyệt đối hay không và nếu có, Ngài đã làm gì với số vàng bạc, nhũ hương và mộc dược mà Ba Nhà Thông Thái Phương Đông đã mang tới dâng tặng Ngài và Hài Nhi41Mt 2,11.. Câu trả lời của Dante không mơ hồ chút nào: Ông nghe một giọng nói trong Luyện Ngục “Ôi Maria dịu dàng!”,

Tại quán trọ ấy, nơi
Ngài trút bỏ đồ đoàn thánh thiện mang theo
người ta đã thấy: Ngài khó nghèo xiết mấy42Purg.XX.19-24; Lc 2:7.
.

Trong Luyện Ngục, như thánh Bernard nói trong hai lời mở đầu bài ca của mình, sự khiết tịnh của đức Trinh Nữ Maria, đấng, thật độc đáo trong các phụ nữ vì vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ43Par.XXXIII.1., đã được đem ra để tương phản không những với “nọc độc của lực lượng Vệ Nữ”, tức lối sống không trong sạch, bên ngoài hôn nhân, với người khác, mà còn với đức khiết tịnh phu thê nơi những người kết hôn đức hạnh: “Virum non cognosco” (tôi không biết người nam) như lời Đức Maria nói với thiên thần lúc truyền tin, theo bản Latinh44Purg.XXV.128-35, trích dẫn Lc 1:34 (bản Phổ Thông).. Và khi Dante đối chất với các linh hồn trong Luyện Ngục từng phạm tội tham ăn tục uống lúc còn sống trên thế gian, một lần nữa, ông được nhắc nhớ tới sự tương phản với nhân đức mà Đức Maria đã biểu lộ tại tiệc cưới Cana miền Galilê, và vai trò Trung Gian của Ngài ở tiệc cưới lúc ấy cũng như ở Luyện Ngục bây giờ. Một giọng nói giải thích,

Sự quan tâm của đức Ma-ri-a đối với hôn nhân –
một tiệc cưới lịch thiệp và trọn vẹn,
Không phải vì miệng Ngài (miệng đang cầu bầu cho bạn)45Purg.XXII.142-44, trích dẫn Ga 2:3.

sự cầu bầu ấy ngày nay vẫn tiếp diễn trên trời, một việc cầu bầu Ngài đã khởi sự lúc còn trên dương thế.

Cũng chính trong Luyện Ngục, thi hào Dante lần đầu tiên đã mô tả mối liên hệ giữa Đức Maria và các thiên thần. Hai thiên thần bản mệnh mặc áo màu xanh mà nhà hành hương Dante nhìn thấy, với lưỡi gươm bốc lửa cắt ngắn nhưng mặt của nó sáng láng đến loá mắt, “cả hai đều từ lòng Đức Maria mà ra, để phục vụ như những người canh giữ thung lũng, chống lại con rắn sắp bò ra” như lời Sordello nói với ông46Purg.VIII.25-39.. Các nhắc nhớ khác trong Luyện Ngục về mối liên hệ giữa Đức Maria và các thiên thần sẽ được nói đến trong hai vần thơ sau đó. Người hành hương đang say sưa ngắm nhìn bức tường tuyệt đẹp bằng đá hoa cương, được trang hoàng với những bản khắc đẹp đến nỗi không những các điêu khắc gia nhân bản vĩ đại nhất mà cả thiên nhiên cũng phải thua xa một cách thẹn thùng47Purg.X.31-33.. Được đẽo vào bức tường hoa cương ấy là khuôn mặt của thiên thần Gabrien:

Đấng thiên thần từng xuống thế đem theo sắc chỉ
Công bố nền hoà bình mà bao năm qua hằng được
khẩn cầu qua nước mắt, nền hòa bình mở toang thiên đàng,
từ lâu vốn cấm, đấng ấy xuất hiện trước chúng tôi,
hành vi duyên dáng của ngài được tạc chính xác –
dường như không phải bức hình im lặng.
Người ta dám thề: ngài muốn nói “Kính Mừng”;
vì trong cảnh này có hình
của đấng vặn chìa khóa mở toang
tình yêu cao nhất; và chỗ Ngài đứng
có hàng chữ đậm, “này tôi là tôi tớ Chúa”
y hệt khuôn hình đúc bằng sáp ong48Purg.X.34-35.
.

Như thế, ngay trong Luyện Ngục, sứ mệnh của Đức Trinh Nữ Maria, do Thiên Chúa đặt để, tức “vặn chìa khóa” và trở nên phương tiện nhân bản của nhập thể và do đó của cứu rỗi, đã được công bố cho các linh hồn đang chờ đợi được giải thoát để về Thiên Đàng; và ngay trong Luyện Ngục, các thiên thần cũng đã minh chứng rõ ràng rằng các đấng sẵn sàng phục vụ Đức Maria, và qua Ngài cả Con Thần Thánh của Ngài và nhân loại mà Người Con này xuống thế để cứu chuộc.

Tuy thế, chính trên Thiên Đàng, mối liên hệ giữa Đức Maria và các thiên thần mới được tỏ bày với hết vẻ vinh quang của nó. Một lần nữa, thiên thần Gabrien,

Tình yêu thiên sứ trước kia đã xuống
nay xòe rộng cánh trước mặt Ngài
miệng hát “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc”49Par.XXXII.94-96.
.

Không như trong Luyện Ngục, chỉ là một mô tả vật lý trên hoa cương lạnh lẽo, tuy đẹp nhưng không có sự sống, lần này, trong thực tại thiêng liêng trên trời, Gabrien mãi mãi tiếp tục lời chào từng khởi diễn lịch sử cứu chuộc50Par.XVI.34. – không phải trong “giọng nói vừa nghe” của lời chào trước đây nhưng trong giọng ca ngâm ngợi hết sức của mình51Par.XIV.36.. Chính nhờ căn cứ vào biến cố truyền tin này chứ không hẳn vào biến cố sinh nhật của Chúa Kitô, Dante đã theo phong tục Florence, dùng nhập thể để đặt niên biểu cho thời đại mới. Năm mới, vì thế, bắt đầu vào ngày 25 tháng 352 Par.XVI.34-39.. Toàn bộ các cơ binh thiên thần trên trời cùng hợp tiếng chào kính và ca ngợi Đức Maria với Gabrien. Người hành hương Dante nhìn và nghe thấy mọi “sự sáng láng” trên trời khi các ngài diễn tả “tình âu yếm nồng nàn mà mỗi vị có đối với Đức Maria” và khi các ngài hát bài “Regina Coeli = Lạy Nữ Vương thiên đàng” một cách ngọt ngào đến nỗi nhà thi sĩ trong Dante phải thêm: “niềm hân hoan nghe bài ca ấy không bao giờ rời xa tôi nữa” ngay cả lúc ông đang viết mấy giòng này53Par.XXIII.124-29.. Đó là bài hát ca ngợi Đức Maria, được cả Giáo Hội chiến thắng gồm những người được cứu rỗi hiện đã vào Thiên Đàng cùng tham gia54Par.XXIII.130-32.. Trong tư cách “ngọn lửa vĩ đại nhất” và Công Nương Thiên Cung, Đức Maria là đối tượng của bài ngợi ca sau đây của thiên thần:

Con là tình yêu thiên sứ dạo quanh
niềm vui trên cao, lòng bà linh hứng
lòng trở thành nơi ngự Đấng chúng con khao khát;
Vì thế, lạy Công Nương Thiên Cung, con sẽ bay quanh
cho tới khi, theo chân Người Con, bà bước vào
làm cung điện cao sang trở nên thần thánh hơn nữa55Par.XXIII.90.
.

“Thị kiến khôn lường” này56Masseron, Dante et Saint Bernard, 82-83. từng gán cho Đức Maria khả năng làm cho mọi vẻ vinh quang của cung trời “thần thánh hơn nữa” bằng chính sự hiện diện của mình, đã chuẩn bị Dante hưởng thị kiến tuyệt vời khôn sánh được thấy Đức Maria và các thiên thần là các vị sẽ đến với ông như là dịp để thánh Bernard nói về đức Trinh Nữ Diễm Phúc.

Thị kiến này được mô tả trong đoạn thơ ba câu cuối cùng của vần thơ XXXI trong Thiên Đàng. Lúc lòng kính sợ lên cao, nhà hành hương do dự lắm mới dám ngắm nhìn vẻ quyền uy và vinh quang trọn vẹn trước mặt mình. Bởi thế, dù là “con của ơn phúc”, ông vẫn thấy mình cần được khuyến khích:

Con sẽ không thấy được trạng thái hân hoan này
nếu mắt con chỉ nhìn dưới bệ;
Hãy nhìn lên các vòng, nhìn các vòng đó
những vòng ở vị trí xa hơn,
cho tới khi thấy tòa Nữ Vương
đấng triều thần này tùng phục, sủng ái57Par. XXXI.112-7
.

Linh hồn các thánh đã ở thiên đàng, nhất là “các mệnh phụ Hípri”58Giuseppe C. Di Scipio, The Symbolic Rose in Dante’s “Paradiso” (Ravenna: Longo, 1984), 57-85., đều là thành phần của triều thần trên trời này, và Đức Maria là nguyên mẫu của họ. Tuy nhiên, các thiên thần, những bậc thuần thần đáng kính và đầy quyền uy, ngày đêm thực hiện lệnh truyền của Chúa, cũng là những công dân của triều thần ấy. Các đấng luôn hiện diện tại triều thần này dù các đồng bạn phản loạn của các vị đã bị ném vào Hoả Ngục, nơi, như các khác hành hương được biết, ma quỷ đã trở nên quái ác với cùng một mức độ như mức độ tốt lành trước kia của chúng59Inf.XXXIV.34.. Và vì Đức Maria thực sự là Nữ Vương Thiên Đàng, nên Ngài cũng là Nữ Vương Các Thiên Thần nữa.

Ngước mắt lên như lời khuyến khích trên, người “con của ơn phúc”, một kiểu nói gợi ta nhớ tới các thị kiến khải huyền của Êdêkien, Đanien và thánh Gio-an, thấy

…như lúc ban mai,
chân trời phía đông rực sáng
hơn phía mặt trời lặn thế nào,
thì, như thể dùng mắt nhìn từ thung lũng lên tới đỉnh đồi,
tôi thấy một phần của hàng Hồng xa tắp,
tươi sáng hơn mọi sự60Par.XXXI.118-23.
.

Các thiên thần tụ tập trước ánh sáng siêu việt của Nữ Vương Thiên Đàng vinh hiển – không phải như một đám đông ô hợp mà như những cá thể biệt lập, vì như lời dạy của thánh Tôma Aquinô, “không thể có hai thiên thần cùng chủng loại” nhưng mỗi vị thuộc một chủng loại riêng biệt61Summa Theologica I.50.4.. Nhà thi sĩ mô tả lại điều ông nhìn thấy:

Ở điểm giữa ấy, tôi thấy các thiên thần hớn hở –
Hơn cả ngàn – xoè rộng đôi cánh;
mỗi vị một vẻ sáng lạn, một kỹ năng riêng62Par.XXXI.130-32.
.

“Điểm giữa” và là đối tượng cho niềm mừng vui ngày hội của họ chính là vẻ đẹp khôn tả của Đức Maria, đấng ngự trên triều thần trong đó cả các thánh lẫn các thiên thần đều có vị thứ. Vị thứ đặc biệt của Đức Maria giữa các thánh trên trời đã trở thành chủ đề cho một bức hoạ bàn thờ mà Giovanni Bellini sẽ sáng tạo cho nhà thờ San Giobbe tại Venice tựa là Đức Bà Ngự Tòa Với Các Thánh, khoảng thập niên 148063Rona Goffen, Giovanni Bellini (New Haven & London: Yale University Press, 1989), 143-60.. Giống Dante, Bellini rất sùng mộ thánh Phanxicô thành Assisi, đấng cũng được diễn tả trong bức hoạ bàn thờ trên64Mối liên hệ của ông với thần học Dòng Phanxicô được phân tích cẩn thận trong John V. Fleming, From Bonaventura to Bellini: An Essay in Franciscan Exegesis (Princeton, N.J.:Princeton University Press, 1982).. Khi diễn tả chân dung đức Nữ Trinh, Bellini đã đưa vào đó mầu sắc sống động các đức tính của Đức Maria được Dante mô tả như sau:

Và ở đó tôi thấy vẻ đáng yêu đến độ
khi Ngài cười, trước tiếng thiên thần ca hát vui chơi,
đôi mắt mọi thánh nhân đều hân hoan rạng rỡ.

Đến đây, ngôn ngữ thi ca mô tả: thực tại siêu việt khiến nó, thay vì diễn tả đối tượng, đành phải diễn tả cái bất lực không diễn tả nổi đối tượng của mình:

Và dù ngôn từ tôi phong phú
giống trí tôi tưởng tượng, tôi cũng không nên
ráng mô tả, dù là chút xíu, niềm ngất ngây của Ngài65 Par.XXXI.133-38.
.

Câu thơ trên phải được phân giải cách cẩn trọng. Như khảo luận của ông về văn chương và ngôn ngữ đã minh chứng, Dante đủ trung thực để ý thức rằng ông có kỹ năng về ngôn từ và quả thực phải giả bộ hết sức mới dám cho mình khác thế. Hơn nữa, ở đây chính ông nhìn nhận mình giầu tưởng tượng và óc tưởng tượng này còn vuợt xa cả khả năng ngôn ngữ của ông. Ấy thế nhưng dù ngôn từ của ông có ngang ngửa với trí tưởng tượng đi chăng nữa, nó vẫn không thích đáng để mô tả Đức Maria – quả thực thế, nó không thích đáng để mô tả không những địa vị vương giả và siêu việt của Ngài trong vũ trụ mà cả “một chút xíu niềm ngất ngây của Ngài”.

Người ta rất dễ coi những ngôn từ say sưa trên về đức Trinh Nữ Maria như là điều các nhà tranh biện Thệ Phản chống Công giáo Trung Cổ thường gọi là việc “Thờ Lạy Maria”66OED “M”, 6-II:165; xem chương 11 ở dưới.. Dễ thì có dễ, nhưng quả là phiến diện và sai lầm. Vì, như Henry Osborn Taylor nói, “Người ta có thể nói Thần Kịch khởi đầu và kết thúc với đức Nữ Trinh. Chính Ngài đã sai Beatrice xuống cửa Hỏa Ngục để mời Virgil – có ý chỉ lý trí con người – tới giúp Dante. Lời cầu nguyện có phần ca tụng Ngài, và thị kiến tiếp theo đó, đã kết thúc phần Thiên Đàng”. Nhưng ông cũng cho hay, “Với Dante cũng như với người thời trung cổ, Ngài không phải là cùng đích của thờ kính và tôn sùng. Mắt Ngài hướng lên Thiên Chúa. Mắt Beatrice, Rakhen và mọi thánh nhân trên trời thẩy đều làm như thế”67Henry Osborn Taylor, The Mediaeval Mind, 2 cuốn, ấn bản thứ 4 (London:Macmillan, 1938), 2:581-82.. Đức Maria không thể là nguyên mẫu cho người được cứu rỗi nếu chính Ngài không phải là người được cứu rỗi. Ngài được cứu rỗi cách hết sức đặc biệt, như hầu hết các nhà thần học của Giáo Hội ngày nay từng khẳng định, mặc dù điều ấy chỉ thành chính thức và buộc phải tin vào năm 1854, là năm Giáo Hội dạy rằng: tuy được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ chứ không phải được cứu khỏi tội nguyên tổ ấy như những người khác, Đức Maria vẫn đã được cứu rỗi bằng cùng một ơn thánh và nhờ cùng một đấng Cứu Chuộc như toàn thể nhân loại68Xem chương 14 ở dưới.. Thái độ của Dante đối với việc giải thích sự thánh thiện này nơi Đức Maria không được rõ ràng mấy, nhưng ở vần thơ XIII, ông đặt vào miệng thánh Tôma Aquinô những lời sau:

Tôi chấp thuận ý kiến của ông
rằng bản tính nhân loại không bao giờ
và sẽ không bao giờ như là điều ở nơi hai vị này,
tức nơi Adong và Chúa Kitô69Par.XIII.85-87.
.

Điều này xem ra đã biện minh cho câu kết luận của Alexandre Masseron rằng: “Dante khẳng định rằng Chúa Kitô và Adong là hai đấng duy nhất đã được dựng nên hoàn hảo” đây cũng là chủ trương của thánh Bernard thành Clairvaux, người từng không ủng hộ học lý vô nhiễm thai70Masseron, Dante et Saint Bernard, 139-41.. Đó cũng là giáo huấn của thánh Tôma Aquinô71S.T.III.27.2.. Điều trên làm ta thấy cần phải xem xét vấn đề liên hệ giữa Đức Maria và Chúa Kitô trong thần học của Dante72Toàn bộ cuộc thảo luận “Mẹ Thiên Chúa” trong Newman, Sister of Wisdom, có liên quan đến chủ đề chương này..

Bất kể học lý của Dante ra sao về đặc ân đặc biệt vô nhiễm thai lúc khởi đầu cuộc đời đức Trinh Nữ Diễm Phúc, nhưng cũng như thánh Bernard thành Clairvaux, rõ ràng ông có dạy rằng vào cuối đời, Đức Maria được ơn hồn xác về thiên đàng nhờ ơn Chúa Giêsu Kitô73Xem chương 15 ở dưới.. Bởi thế, thánh Gioan đã cẩn thận tự giải thích về chính mình (xin lỗi mấy truyền thuyết về ngài) rằng ngài không được đặc ân được triệu về trời:

Trên đất, thân tôi giờ đây là đất
và sẽ ở đó cùng với những người khác
cho đến khi số chúng tôi bằng mục tiêu đời đời.

Nhưng rồi thánh Gioan thêm một xác quyết có ý nghĩa khi nói về Đức Maria và Chúa Kitô: “Chỉ hai vừng sáng này lên cao / với hai áo nơi phúc đức này”74Par.XXV.127-28.. “Hai áo” đây chỉ xác và hồn, chứ không phải chỉ có xác. Và hai vừng sáng ấy là Chúa Kitô, nhờ việc lên trời được thuật lại trong Tân Ước và được tuyên xưng trong kinh tin kính, rồi Đức Maria, nhờ việc mông triệu từng được cử hành trong phụng vụ từ thời Giáo hội Trung cổ và chỉ được chính thức công bố thành tín điều của Giáo hội vào năm 1950. Khi được Beatrice mời gọi ngước mắt nhìn lên Đức Maria trên thiên đàng như “bông Hồng, nơi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành xác thân”75Par.XXIII.73-74., Dante đã ca ngợi việc lên trời của Chúa Kitô như một biến cố nhằm “ban thị lực cho đôi mắt không đủ sức nhìn thấy Người”, và sau đó đã nhìn nhận rằng qua việc được triệu xác về trời, Đức Maria cũng dự phần vào việc hiển dương kia, trở nên không những “bông hoa đẹp con luôn cầu khấn sáng chiều” trên trần gian, mà còn là “ngọn lửa lớn nhất” trên Thiên Cung (Empyrean)76Par.XXIII.6-90.. Bởi thế, thánh Bernard, nhân danh Dante, đã cầu xin Đức Maria mông triệu “dẹp bỏ các dục vọng mau chết của ông” và “đánh tan các mây mù tử vong của ông” để Dante nhận được thị kiến “Ánh Sáng Vĩnh Cửu” và để “thấy được Niềm Vui Cao Nhất”77Par.XXXIII.31-43..

Thấy “Ánh Sáng Vĩnh Cửu” chính là nội dung của việc được ngắm dung nhan Chúa. Và ở 100 giòng cuối của vần thơ cuối cùng trong Thiên Đàng, Dante mừng kính thị kiến Tam Vị Nhất Thể: Ba Ngôi cùng một Bản Thể Thiên Chúa như sau:

Trong yếu tính sâu xa sáng láng
vốn hiển dương Ánh Sáng,
ba vòng xuất hiện với tôi;
ba vòng ba sắc,
nhưng tất cả cùng một chiều kích;
một vòng xem ra được vòng thứ hai phản chiếu,
như cầu vồng phản chiếu cầu vồng, và vòng thứ ba
như lửa do hai vòng kia thở ra bằng nhau78Par.XXXIII.115-20.
.

Bởi thế, không nên quên rằng vần thơ khởi đầu với việc thánh Bernard mừng kính đức Trinh Nữ Maria đã – qua Ngài chứ không quanh Ngài và dù sao cũng quá bên kia Ngài – dẫn đến việc chào mừng Ánh Sáng Vĩnh Cửu và “Tình Yêu Vĩnh Cửu từng chuyển động mặt trời và các tinh tú khác”79Par.XXXIII.145. – kể cả Đức Maria như mặt trời mà từ đó “sao mai nhận được vẻ đẹp”80Par.XXXII.107-8. và Đức Maria như Stella Maris, Sao Biển và Nữ Vương Thiên Đàng81Xem chương 6 ở trên.. Do đó, trong 100 diòng cuối cùng này không có sự minh nhiên nào nhắc đến Đức Maria; hay có lẽ tất cả đều đã nhắc đến Ngài, như một đồng tạo vật (mà Thánh Bernard đã mô tả), một đồng tạo vật đi tiên phong trong thị kiến này82Par.XXXIII.21.. Và điều đó nhằm mục đích duy trì vai trò của Ngài trong suốt cuốn thơ này, tức vai trò Nàng Thơ thiên đàng mà việc can thiệp đã làm cho tất cả các điều trên trở thành có thể, như chính Beatrice đã nói trong vần thơ II của Hỏa Ngục83Inf. II.85-114.. Như thế, đối với Dante, “Maria là tên của bông hoa đẹp kia mà con luôn/ cầu khẩn sáng chiều”84Par.XXIII.88-89. Ông đã hát bài Salve Regina (Lạy Nữ Vương) chào mừng Ngài khi còn đang ở chốn Luyện Ngục85Purg.VII.82., nhưng trở nên người hát dạo hùng biện nhất của Ngài trong Thiên Đàng và nhất là trong những vần thơ sau cùng.

Series NavigationĐức Maria Qua Các Thời Đại <br />Kính Mừng Maria, Đầy Ơn Phúc >>