Đức Maria Qua Các Thời Đại
Vị Thế Của Ngài Trong Lịch Sử Văn Hoá

Bài 1 / 17 trong loạt bài Đức Maria qua các thời đại

Chương mười ba: Người Đàn Bà Mặc Áo Mặt Trời

Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng,
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thẩy người phàm,
con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,
thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được thấy mộng.
|Cv 2,17, Gioen 2,28|

Các bản linh ca (spirituals) của người Mỹ gốc Phi Châu rất sâu sắc và mạnh mẽ đồng hoá kinh nghiệm nô lệ tại Bắc Mỹ với lịch sử Israel, nhưng lại tương đối ít nhắc đến Đức Maria, có lẽ vì các Giáo Hội của phần đông người nô lệ đều theo Tin Lành hay Thệ Phản chứ không hẳn Công Giáo La Mã. Nhưng quả là ngạc nhiên khi khám phá ra điều này là trong một bài lình ca kia, Đức Maria đã được khoác cho danh hiệu “người đàn bà mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”1“Wasn’t That a Wonder”, Slave Songs of the Georgia Sea Islands, Lydia Parrish chủ biên (New York: Creative Age Press, 1942), 139.. Vì việc đem tước hiệu lấy từ sách Khải Huyền “Và kìa xuất hiện một điềm lạ lớn trên trời: một người đàn bà mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” áp dụng vào Đức Trinh Nữ Maria xưa nay vốn là đặc điểm của lối giải thích Tân Ước theo truyền thống Công Giáo La Mã, hơn là theo truyền thống Thệ Phản2Kh 12:1; xem Altfrid Th. Kassing, Die Kirche und Maria: Ihr Verhaltnis im 12.Kapitel der Apokalypse (Dusseldorf: Patmos-Verlog, 1958).. Một cách đặc trưng hơn, lối giải thích ấy đã được truyền thống Công Giáo La Mã sử dụng để biện minh và chứng thực cho các lần hiện ra, không những cho thị nhân của sách Khải Huyền mà còn cho những thị nhân sau này nữa, về cùng một “ điềm lạ lớn trên trời” và về Đức Maria như Người Đàn Bà Mặc Áo Mặt Trời. Hàng ngàn những lần Đức Maria hiện ra như thế theo nghĩa hẹp đã được tường trình khắp các thế kỷ, bắt đầu từ thị kiến này trong Sách Khải Huyền. Một trong những lần hiện ra sớm nhất là vào thế kỷ thứ tư, như đã được một nhà thần học và huyền nhiệm là Thánh Grêgôriô thành Nyssa tường trình trong một bài giảng in trong cuốn tiểu sử của ngài tựa là Grêgôriô Làm Phép Lạ3PG 46:90913..

Nhưng bất kể thế giá trổi vượt của một vị thánh và thần học gia nơi người tường thuật, việc hiện ra sớm sủa này chưa bao giờ được các thẩm quyền có trách nhiệm trong Giáo Hội chính thức nhìn nhận. Thực thế, dù những người chỉ trích luôn loan truyền nhiều ấn tượng hòng tố cáo Giáo Hội muốn cổ võ những cuộc hiện ra như thế, cũng như các dị đoan khác đi kèm, để bòn tiền của người ngờ ngệch4Xem Edmond Paris, Les mystères de Lourdes, La Salette, Fatima: Les marchands du temps, mercantilisme religieux, marché d’illusions (La Chaux-de-Fonds: Union de défense protestante suisse, 1971)., lịch sử việc công nhận chúng trái lại rõ ràng cho thấy “Giáo Hội rất thận trọng đối với các cuộc hiện ra, và dành cho chúng một vị thế rất thấp vì chúng là những dấu chỉ đến với ta qua giác quan và do đó dễ rơi vào những ảo giác có tính chủ quan”5René Laurentin và René Lejeune, Messages and Teachings of Mary at Medjugorje (Milford, Ohio: Riehle Foundation, 1988), 15.. René Laurentin, một thế giá hàng đầu về lịch sử các cuộc hiện ra của Đức Maria, đã nhận định như thế. Việc biên tập có phê phán của ông về các tài liệu chung quanh và tiếp theo những lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 là một kho dữ liệu không thể thiếu cho những ai muốn nghiên cứu tất cả những lần Đức Maria hiện ra từ xưa đến nay6René Laurentin chủ biên, Lourdes: Documents authentiques (Paris: L. Lethielleux, 1966).. Một danh mục, công bố vào năm 1962 về các lần Đức Maria hiện ra được giáo quyền nhìn nhận là đáng tin tưởng sùng kính, giữa vô số các trình thuật do các cá nhân và các nhóm đệ nạp, chỉ liệt kê tổng cộng 10 biến cố, theo thứ tự thời gian sau đây (không hẳn theo thứ tự thời gian chúng được chính thức nhìn nhận)7LTK 7:64-65 (Herman Lais).:

9-12 tháng 12 năm 1531 tại Guadalupe, Mễ Tây Cơ, hiện ra với Juan Diego8Rubén Vagas Ugarte, Historia del culto de María en Ibero-américa y de sus Imágenes y Santuarios más celebrados, 2 cuốn, ấn bản thứ 3 (Madrid: Talleres Gráficos Jura, 1956), 1:163-207; các trước tác rất rộng lớn được lên danh mục trong công trình song ngữ do Gloria Grajales và Ernest J. Burrus chủ biên, Guadalupan Bibliography (Washington D.C.: Georgetown University Press, 1986).;
17 tháng 11 năm 1830 tại Paris, hiện ra với Nữ Tu Catherine de Labouré9Edmond Carpez, La Vénérable Catherine Labouré, fille de la Charité de Saint Vincent de Paul (1806-1876), ấn bản thứ 6 (Paris: Lecoffre 1913).;
19 tháng 9 năm 1846 tại La Salette, thuộc dẫy Núi Alps gần Grenoble, hiện ra với Maximin Giraud và Mélanie Calvat10Sandra L. Zimdars-Swartz, Encountering Mary: From La Salette to Medjugorje (Princeton, N.Y.: Princeton University Press, 1991).;
11 tháng 2 – 16 tháng 7 năm 1858 tại Lộ Đức, Pháp, hiện ra với Bernadette Soubiroux11René Laurentin, Lourdes: Histoire authentique des apparitions, 6 cuốn (Paris: Lethielleux, 1961-64); mới đây có Stéphane Baumont, Histoire de Lourdes(Toulouse: Edition Privat, 1993).;
12-13 tháng 1 năm 1866 tại Filippsdorf (Philippsdorf), nay thuộc Cộng Hòa Tiệp, hiện ra với Magdalena Kade;
17 tháng 1 năm 1871 tại Pontmain miền Brittany;
8 tháng 7 năm 1876 tại Pompei, Ý;
13 tháng 5 – 13 tháng 10 năm 1917 tại Fátima, Bồ Đào Nha, hiện ra với ba trẻ em, Lucia, Phanxicô và Jacinta12Cyril C. Martindale, The Message of Fatima (London: Burns, Oates, and Washbourne, 1950).;
29 tháng 11 năm 1932 – 3 tháng 1 năm 1933 tại Beauraing, Bỉ13Beinert và Petri, Handbuch der Marienkunde 533 (René Laurentin); một bài khảo sát có phê phán về cả hai thị kiến tại Bỉ này là của Gerd Schallenberg, Visionare Erlebnisse (Augsburg: Pattloch Verlag, 1990) 83-95.; và
15 tháng 1 – 2 tháng 2 năm 1933 tại Banneux, Bỉ, hiện ra với Mariette Beco14Từ ngày công bố bảng liệt kê này, đã có thêm hai biến cố được “chấp thuận” là Akita bên Nhật và Betania bên Venezuela.

.
Trong số 10 biến cố trên, 3 biến cố thời danh nhất và là những biến cố chính mà chúng tôi sẽ thảo luận ở đây là Guadalupe, Lộ Đức và Fátima. Trong số những biến cố không được giáo quyền thừa nhận, nổi tiếng nhất có lẽ là loạt hiện ra bắt đầu vào ngày 3 tháng 7 năm 1876 tại Marpingen, Đức, với 5 thiếu nữ là Katharina Hubertus và cô chị là Lischen Hubertus, Susanna Leist, Margaretha Kunz, và Anna Meisberger15Bây giờ nên xem David Blackbourn, Marpingen: Apparitions of the Virgin Mary in Nineteenth-Century Germany (New York: Alfred A. Knopf, 1994)..

Vì mục đích ở đây, ta thấy có một số nét chung cho phần lớn những lần hiện ra thời cận đại. Trong cuộc nghiên cứu biến cố Marpingen của mình, nhà sử học David Blackbourn đã nhận diện ra “tất cả các yếu tố của một lần hiện ra thời cận đại”. Và những yếu tố này đều được “tổng hợp” tại Lộ Đức, đó là: “tính đơn thành của thị nhân khiêm hạ, đem lại một sứ điệp, sự hoài nghi khởi đầu của cha chính xứ, phản ứng thù nghịch của nhà cầm quyền dân sự, những việc cho là chữa bệnh cách lạ lùng, và cuối cùng là việc Giáo Hội cho phép sùng kính chính thức”16Blackbourn, Marpingen, 5. Vì bảng liệt kê các yếu tố này tương hợp cách rất gần gũi với bảng liệt kê tôi từng đưa ra trong lần dự thảo đầu tiên chương này, trước khi đọc và xem lại bài nghiên cứu của Blachbourn, nên chúng tôi rất biết ơn được thích ứng nó tại đây để phù hợp với các mục tiêu lịch sử hơi khác một chút. – dĩ nhiên điểm cuối cùng không xảy ra với biến cố tại Marpingen năm 1876.

Có một điều rõ ràng là: tuyệt đại đa số những người được Đức Maria hiện ra trong thời kỳ thường mệnh danh là thế kỷ Đức Mari-a hiện ra, tức 100 năm từ thập niên 1830 tới thập niên 193017Về ý nghĩa của hiện tượng sinh sôi nẩy nở trong thời hiện đại này, xin xem René Laurentin, Multiplication des apparitions de la Vierge aujourd’hui: est-ce elle? Que veut-elle dire? ấn bản thứ 3 (Paris: Fayard, 1991)., đều không thuộc giai cấp ưu tú, mà chỉ là các giáo dân và nông dân tầm thường18Một cách tổng quát, xin xem Werner Freitag, Volks- und Elitenfrommigkeit in der fruhen Neuzeit: Marien-wallfahrten im Furstbistum Munster (Paderborn: F. Schoning, 1991).. Người ta coi điều này như đã ứng nghiệm lời Đức Maria tuyên xưng và nói tiên tri trong kinh Magnificat, “Người đã dẹp tan phường kiêu ngạo, hạ bệ kẻ quyền thế và nâng cao người thấp hèn.Người đã cho người nghèo khó no nê và để kẻ giầu có trở về tay không”19Lc 1,51-53.. Điều ấy tương phản với khá nhiều lần hiện ra thời Trung Cổ, lúc Ngài hay hiện ra với những nhà tôn giáo chuyên nghiệp và những nhà chuyên nghiệp tôn giáo (căn cứ vào bảng liệt kê trên, điều này chỉ đúng cho trường hợp hiện ra với Nữ Tu Catherine de Labouré năm 1830); trong số này, có những lần đã xảy ra với giai cấp thượng lưu như trường hợp hiện ra với Thánh Nữ Brigitta của Thụy Điển. Trái lại, vào ngày 13 tháng 5 năm 1946, khi hơn 700,000 khách hành hương, gần 1 phần 10 dân số Bồ Đào Nha, tụ tập tại Fátima để tôn kính Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, cám ơn Ngài vì Thế Chiến II chấm dứt, thì họ là “những người đàn bà bụi bờ, các đầy tớ, già cũng như trẻ, giàu có cũng như bần hàn, đủ mọi loại người (tuy phần đông là người khiêm hạ, phần lớn đi chân không, thuộc giai cấp công nhân cùng gia đình họ)” đã đến để tôn kính đức Trinh Nữ20William Thomas Walsh, Our Lady of Fatima (New York: Macmillan, 1947), 214, 140., giống hiện tượng sùng kính từng xảy ra tại nơi này suốt 30 năm trước đó.

Những người như Emile Zola21Emile Zola, Lourdes, Ernest Alfred Vizatelly (Dover, N.H.: A. Sutton, 1993). từng giải thích sai về mục đích của việc dành đặc ân này đối với người nghèo và người tầm thường, coi nó như một cách Giáo Hội dùng quyền bính để thao túng sự dốt nát vô phương cứu chữa của khối quần chúng vô học, một thao túng mà ông cho sẽ bị khoa học và giáo dục đánh tan một ngày gần đây. Cũng có người cho rằng đây chỉ là sự sủng ái của đức Trinh Nữ đối với những người giống như Ngài22Antonio González Dorado, Mariología popular Latinoamericana: De la María conquistadora a la María liberadora (Asunción, Paraguay: Ediciones Loyola, 1985).. Bất chấp những luận điểm ấy, cả phản ứng khởi đầu đối với các thị kiến lẫn những tranh luận về sau đều cho rằng điều trên phản ảnh rõ rệt một cuộc “chiến tranh giai cấp” y như trong sách giáo khoa. Đến độ một người vô sản rất có ảnh hưởng, dù vẫn chỉ trích các biểu hiện tâm linh cho là “thuốc phiện ngu dân”, cũng đã đứng về phía những người vô sản này mà ủng hộ hết mình cho những lần hiện ra này.

Các biến cố liên hệ tới việc đức Trinh Nữ hiện ra tại Guadalupe năm 1531 gắn liền với những căng thẳng, không những của chiến tranh giai cấp mà còn là chiến tranh chủng tộc và tranh chấp chiết trung luận tôn giáo (religious syncretism) nữa23Anna Gradowska, Magna Mater: El sincretismo hispanoamericano en algunas imágenes Ma-ri-anas (Caracas: Museo de Bellas Artes, 1992).. Vì Juan Diego là một người Thổ Dân (Indian), trong khi những người thoạt đầu không nhìn nhận tính cách chính xác trong các trình thuật của ông lại là người Da Trắng (Caucasian)24Christopher Rengers, Mary of the Americas: Our Lady of Guadalupe (New York: Alba House, 1989).. Chính vì thế, trong số các nhận định khác biệt về Nuestra Senora de Guadalupe (Đức Bà Guadalupe), một ý kiến được thần học giải phóng gợi hứng đã nhận định như sau: “điều người da trắng phải nhìn nhận chính là việc làm hay sứ mệnh của người Thổ Dân. Lời của người Thổ Dân bị đặt thành vấn đề, anh ta phải đấu tranh để sứ mệnh của mình được người Da Trắng công nhận. Trong cuộc đấu tranh này, người Thổ Dân nắm chắc anh ta được sự ủng hộ tuyệt đối của đức Nữ Trinh”25Ivone Gebara và Maria Clara Bingemer, Mary, Mother of God, Mother of the Poor (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1989), 152.. Khi khảo sát việc phát triển của lòng sùng kính đối với Đức Bà Guadalupe, các nhà nhân chủng học đưa ra nhiều mối liên kết gần gũi giữa lòng sùng kính ấy với thân phận Thổ Dân sống dưới sự đô hộ thực dân của người Tây Ban Nha26William B. Taylor, “The Virgin of Guadalupe in New Spain: An Inquiry into the Social History of Ma-ri-an Devotion”, American Ethnologist 14 (1987): 9-25.. Đức Bà Guadalupe cũng được coi như đã chứng thực không những phong trào đối kháng đầy ý thức của người Thổ Dân đối với việc quê cha đất tổ của họ bị biến thành một “Tây Ban Nha Mới” mà còn chứng thực cả “hình ảnh nữ tính về chính mình” trong việc phản kháng lại hình thức thống trị có tính tổ phụ do những người xâm chiếm và cả những nhà truyền giáo Tây Ban Nha đại biểu27Ena Campbell, “The Virgin of Guadalupe and the Female Self-Image: A Mexican Case History”, MotherWorship, James J. Preston chủ biên (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1982), 5-24.. Trong cuộc đấu tranh này, cũng còn một điều hiển nhiên nữa là nơi hiện ra chính là địa điểm thờ một thần nữ thổ dân, một nữ thần mà các nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã tìm hết cách dẹp bỏ nhưng nay rõ ràng đã trở về với các người tân tòng thổ dân dưới vóc dáng Mẹ Thiên Chúa28Adela Fernadez, Dioses prehispánicos de Mexico: Mitos y deidades de panteón Nahuatl (Mexico. D.F.: Panorama Editorial, 1983), 108-12.. Ấy thế nhưng, hoàn cảnh ấy không phải là không có những nghịch lý đặc biệt của nó. Dù ngày nay được đồng hoá một cách gần gũi với chính nghĩa Thổ Dân tại Mễ Tây Cơ đến độ, như trên đã nói, Đức Maria được xưng tụng là “lá cờ tư riêng không chính thức của người Mễ Tây Cơ”29Rodriguez, Days of Obligation, 16-20., nhưng cái tên “Guadalupe” vốn không phải là chữ của thổ dân mà có nguồn gốc Tây Ban Nha. Chữ ấy vốn dùng để chỉ tên một ngôi đền kính Đức Maria tại Cáceres, Tây Ban Nha, từ rất lâu, trước khi Juan Diego được thấy Nuestra Senora de Guadalupe; việc vai trò của đức Trinh Nữ tại Tây Ban Nha tiếp tục nổi bật đã được chứng minh bằng nhiều cuộc hiện ra tại đó vào thời Trung Cổ cũng như vào đầu thời cận đại và đã được minh họa bằng nhiều bức tượng Đức Maria kiểu barốc30William A. Christian Jr., Apparitions in Late Medieval and Renaissance Spain, (Princeton N.J.: Princeton University Press 1981); María Dolores Díaz Vaquero, La Virgen en la escultrura cordobesca del baroco (Cordova: Monte de Piedad y Caja de Ahorros de Córdoba, 1987).. Nhưng chính nhờ việc đồng hóa với quần chúng thổ dân và những người bị chà đạp ở đấy cũng như ở mọi nơi khác, đức Trinh Nữ Maria tại Guadalupe đã trở thành “Mẹ của Mễ Tây Cơ”, như lời thi sĩ Octavio Paz từng nói31Octavio Paz, The Labyrinth of Solitude, Lysander Kemp (New York: Grove Press, 1965), 85., hay “biểu tượng quốc gia Mễ Tây Cơ” như nhiều nhà văn từng xưng tụng32Eric R. Wolf, “The Virgin of Guadalupe: A Mexican National Symbol”, Journal of American Folkore 71 (1958): 34-38; Stafford Poole, Our Lady of Guadalupe: The Origins and Sources of a M exican National Symbol, 1531-1797 (Tucson: University of Arizona Press, 1995).. Tuy nhiên, tước hiệu kép sau đây, một tước hiệu xuất hiện trong một cuộc trưng bày, “Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Mỹ Châu”33Edwin Eduard Sylvest chủ biên, Nuestra Senora de Guadalupe: Mother of God Mother of Americas (Dallas, Tex.: Bridwell Library, 1992). quả đã tóm lược đầy đủ vai trò kép của Ngài. Và thế là trong thi ca sùng kính Ngài, mọi chủ đề trên đều đã được thăm dò34Joaqín Antonio Penalosa chủ biên, Poesía guadalupana: siglo XIX (Mexico City: Editorial Jus, 1985)..

Đôi lúc, Đức Maria giữ im lặng khi hiện ra, im lặng một cách khó hiểu là đàng khác. Nhưng thông thường, Ngài đưa ra một sứ điệp, trước nhất cho các thị nhân, rồi sau đó cho toàn thể Giáo Hội và thế giới. Thỉnh thoảng, như trường hợp “bí mật thứ ba” rất nổi tiếng của Đức Bà Fatima chẳng hạn35Peter Laszlo, La troisième secret de Fatima enfin connu (Montréal: Guérin, 1987)., sứ điệp kia đã được giữ bí mật, chỉ được tiết lộ trong tương lai khi thật cần thiết mà thôi; việc này thường chỉ xảy ra sau nhiều giả đoán về nội dung của thông điệp cũng như thời điểm công bố. Các sứ điệp có tính cách chính trị do đức Trinh Nữ ban bố làm nguời ta chú ý hơn nhiều, cả trên báo chí phổ thông lẫn trong văn chương bác học. Qua việc không chọn một người xâm chiếm Tây Ban Nha mà chọn một người thổ dân Mỹ làm thị nhân, Đức Bà Guadalupe đã trở thành một biểu tượng quốc gia cho người Mễ Tây Cơ và là yếu tố quyết định dứt khoát của việc “tạo nên ý thức quốc gia Mễ Tây Cơ”36Jacques Lafaye, Quetzalcol1atl and Guadalupe: The Formation of Mexican National Consciousness, 1531-1813 (Chicago: University of Chicago Press, 1974), 211-57.. Tuy nhiên, các trường hợp điển hình khác của ta ở đây, tức Lộ Đức, Fátima và Marpingen, cũng cho thấy sự can thiệp minh nhiên của đức Trinh Nữ vào tình thế chính trị lúc ấy qua một sứ điệp. Bởi thế, tại Lộ Đức chẳng hạn, “Đức Maria, nơi nương tựa của người ốm đau và tội lỗi, cũng đã là nơi nương tựa của Nước Pháp Công Giáo nữa. Trong tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ngài đã đánh ngã không những Xatan mà cả những lữ đoàn Cộng Hòa và các ý niệm duy vật chủ nghĩa của nó. Là Nữ Vương Thiên Đàng, Ngài cũng là Nữ Vương Nước Pháp, hay ít nữa cũng là biểu tượng cho ‘Pháp Quốc Chân Thực’. Còn nữa, trong vóc dáng trẻ trung và y phục đơn giản, Ngài còn đồng hoá với người trẻ, người nghèo và người khiêm hạ. Đức Maria thực sự là một biểu tượng đoàn kết sẽ giúp nhân dân Pháp vượt qua các dị biệt giai cấp, vùng và địa phương của mình”37Barbara Pope, “Immaculate and Powerful: The Marian Revival in the Nineteenth Century”, trong Immaculate and Powerful: The Femal in Sacred Image and Social Reality, Clarissa W. Atkinson, Constance H. Buchanan, và Margaret R. Miles chủ biên (Boston: Beacon Press, 1985), 173, 183-84, 189..

Tương tự như thế, trong một thông điệp gửi nhân dân Bồ Đào Nha năm 1942, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Đức Maria hiện ra tại Fátima, cũng vào thời điểm giữa Thế Chiến II, Đức Piô XII đã trực tiếp liên kết việc hiện ra năm 1917, lúc sắp chấm dứt Thế Chiến I, với cơn khủng hoảng của thời ngài trong một cuộc thế chiến khác: “Ngày nay, các con càng cám ơn Đức Mẹ Fátima bao nhiêu, thì các con càng đặt tin tưởng vào Ngài trong tương lai bấy nhiêu, các con càng cảm thấy gần gũi Ngài được Ngài che chở dưới ánh sáng của Ngài bao nhiêu, thì ngược lại, số phận của nhiều quốc gia càng bi thảm bấy nhiêu vì bị xâu xé từng mảnh bởi quá nhiều tai ương lớn lao của lịch sử…Bây giờ hơn bao giờ hết, chỉ có lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa mới có hiệu lực; một lòng tin tưởng được Đấng Trung Gian là Đức Mẹ dâng lên trước Tòa Thiên Chúa Tối Cao”38Finbar Ryan, Our Lady of Fatima (Dublin: Brown and Nolan, 1942), 228-29.. Nhưng đối với nhiều người từng kinh qua thử thách nẩy lửa của cả hai cuộc chiến, kể cả với Giáo Hội là người đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến trong suốt lịch sử lâu dài của mình, kết cục của Thế Chiến II vẫn là một thử thách nẩy lửa đầy kinh hãi không kém. Việc Đông Âu, gồm luôn các nước theo Chính Thống Giáo như Nga, Serbia, và Bulgaria và cả các nước theo Công Giáo La Mã như Ba Lan, Croatia, và Lithuania, bị thống trị bởi các lực lượng quân sự và ý thức hệ chính trị còn thù nghịch đối với Kitô Giáo và mọi tôn giáo nói chung hơn cả Cách Mạng Pháp, làm tâm trí các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã lo âu không ít. Và việc đó cũng được coi như làm bận tâm cả Đức Mẹ Fátima nữa, khi Ngài hiện ra ngay trong năm Cách Mạng Nga. Bởi thế, khi đến Fátima kính viếng Đức Maria năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Ngài hiện ra ở đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố: “Cả thế giới đang lâm nguy. Vì lý do đó, chúng tôi đã đến dưới chân Nữ Vương Hòa Bình để xin Ngài hồng ơn Thiên Chúa, một hồng ân đem tới sự can thiệp của Chúa, Đấng cao cả, tốt lành, nhân hậu và mầu nhiệm”39Đức Phalô VI, Pilgrimage to Fatima – Addresses (Washington D.C.: United States Catholic Conference, 1968), 6..

Tuy nhiên, quá chú tâm tới các sứ điệp chính trị của đức Nữ Trinh đôi khi đã dẫn các nhà báo và sử gia đầy óc thế tục đi vào chủ nghĩa giản lược (reductionism) mà quên đi vai trò của Ngài trong việc khai triển học lý nơi các sứ điệp của Giáo Hội. Trước hết, Ngài hằng được coi là sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ việc khai triển một học lý nếu học lý đó đặc biệt đề cập tới chính bản thân Ngài. Trong hai chương kế tiếp, chúng tôi sẽ bàn tới hai trong ba học lý “mới” rất quan trọng do Giáo Hội Công Giáo La Mã xác quyết trong thời hiện đại, đó là tín điều vô nhiễm nguyên tội lúc tượng thai đức Trinh Nữ Maria, được công bố năm 1854, và tín điều Đức Bà Hồn Xác Lên Trời, được công bố năm 1950. (Tín điều thứ ba là tín điều Đức Giáo Hoàng Không Thể Sai Lầm do Công Đồng Vatican I công bố năm 1870, một phần để chứng thực cho hành động năm 1854 của Đức Giáo Hoàng Piô IX). Chính là để củng cố cho tín điều đầu tiên trong ba tín điều này, mà đức Trinh Nữ đã hiện ra tại Lộ Đức sau đó ít năm; vì Bà Mầu Nhiệm đã dùng thổ ngữ mà phán với Bernadette Soubiroux rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Dù cả các hình ảnh chính trị lẫn các hình ảnh tôn giáo do Đức Maria mang đến lúc Ngài hiện ra thẩy đều có tính bảo thủ, nhưng người ta ngạc nhiên thấy phản ứng chính thức ở mọi cấp đối với các lần hiện ra ấy không hào hứng chút nào. Thực vậy, Giáo Hội mọi cấp đã hết sức thận trọng trong việc xử lý các hiện tượng này bằng cách khai triển trong nhiều năm cả một bộ các tiêu chuẩn tín lý và mục vụ nhằm phân biệt những hiện tượng chân thực với những hiện tượng ảo giác40Các tiêu chuẩn này đã được phát biểu có hệ thống bởi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin vào ngày 25 tháng 2 năm 1978.. Điều Blackbourn gọi là “chủ nghĩa hoài nghi khởi đầu từ cha xứ [và] phản ứng thù nghịch của thẩm quyền dân sự” (41) đã trở thành chuyện bình thường trong các câu truyện hiện ra (42). Không một câu truyện nào về việc đức Ma-ri-a hiện ra, kể cả những lần hiện ra với Juan Diego và Bernadette, lại không gặp phản ứng khăng khăng tiêu cực của cha xứ sở tại và của các thẩm phán địa phương.

Các phản ứng như thế từ hàng giáo sĩ và thẩm quyền địa phương đã nói lên phần nào tính hàm hồ sâu sắc của chính hiện tượng đức Ma-ri-a hiện ra, giống như thanh gươm hai lưỡi. Vì nó quả đã được dùng như một khí giới trong trận chiến đôi khi phải đánh tập hậu mà Giáo Hội thường dùng để chống lại các thù địch hiện đại của mình. Nước Pháp của những người như Voltaire và Diderot có thể bị mọi giới ở cuối thế kỷ 18 coi như vườn ươm chủ nghĩa duy lý và là thành trì của chủ nghĩa vô thần; nhưng đức Trinh Nữ đã liên tiếp xuất hiện với cái nước Pháp duy lý và vô thần ấy nhiều lần trong thế kỷ tiếp sau đó, qua Nữ Tu Catherine de Labouré tại Paris ngày 17 tháng Mười Một năm 1830, qua Maximin Giraud và Mélanie Mathieu tại La Salette ngày 19 tháng Chín năm 1846, và nhất là qua Bernadette Soubiroux tại Lộ Đức các ngày từ 11 tháng Hai tới 16 tháng Bẩy năm 1858. Người ta có đủ lý do để tin rằng: cả chiến dịch dùng trí thức chống đỡ nền mạc khải của Kitô Giáo qua công trình hộ giáo của khoa thần học Công Giáo La Mã thế kỷ 19, trong đó có công trình hộ giáo của trường phái triết học Thomist canh tân, lẫn chiến dịch dùng chính trị chống đỡ Giáo Hội định chế và các đặc quyền của nó khỏi sự tấn kích của chủ nghĩa bài giáo sĩ trong thời ấy cũng không thể hữu hiệu bằng chiến dịch do đức Trinh Nữ đem lại, nhất là đối với giới bình dân. Vì có người đã nói rất hay rằng “La Mã là đầu nhưng Lộ Đức mới là trái tim của Giáo Hội”(43). Nhưng cũng chính từ đấy mà có sự hàm hồ trong các lần đức Ma-ri-a hiện ra. Sự hàm hố ấy là như thế này: thẩm quyền của linh mục chánh xứ, trong tòa giải tội và cả trong việc long trọng cử hành Thánh Lễ trước bàn thờ sở tại, xem ra chẳng còn bao nhiêu nghĩa lý so với sức lôi cuốn to lớn từ việc đích thân hiện ra của đấng không phải ai khác mà là chính Mẹ Thiên Chúa và việc Ngài tiếp tục hành động tại hang đá Lộ Đức. Như trong thời Cải Cách, việc các nhà giảng thuyết dạo rao bán ơn đại xá từng đe dọa làm cho việc ban phát bí tích thống hối tại cấp giáo xứ bị mất giá thế nào, thì các mục tử cấp giáo xứ đang mất giá tại Pháp vào thế kỷ 19 lẽ dĩ nhiên cũng không ưa bị các vụ “hão huyền” của bọn con nít tự cho mình được thấy đức Trinh Nữ Ma-ri-a dây dưa tới thừa tác vụ của mình như thế.

Đối với nhiều đền thánh Đức Mẹ, được thiết lập do các vụ hiện ra này kêu gọi, chiều kích nổi bật nhất chính là khía cạnh lạ lùng, và cùng với nó là đoàn ngũ đông đảo các khách hành hương, chủ yếu bị khía cạnh lạ lùng kia lôi cuốn. Đặc điểm lạ lùng này trước nhất áp dụng vào chính các thị kiến, tức các hiện tượng chỉ có thể phát sinh từ một khả năng vượt quá bình thường, dù nguyên nhân gốc của nó là sức mạnh siêu nhiên hay chỉ là một thứ bệnh tâm thần (neurosis). Việc đức Ma-ri-a hay Chúa Kitô hiện ra tự nó là một biến cố siêu việt, mà tính khả tín thường tùy thuộc tính khả tín trước đó của một phép lạ nào bất cứ.

Ngược lại, một khi được chấp nhận hay “được chứng thực” (bất kể diễn trình chứng thực ấy bao gồm những gì), thì sức mạnh lạ lùng của việc hiện ra sẽ lan tới chính con người của thị nhân hay tới các địa điểm hiện ra hay tới một khía cạnh vật lý nào đó của địa điểm ấy, ngay cả nếu khía cạnh vật lý ấy được mang xa hẳn địa điểm nguyên khởi của việc hiện ra kia, như trong trường hợp nước hay làm phép lạ của Lộ Đức. Tuy vậy, ít nhất trong lý thuyết, các phép lạ và tư cách hưởng phép lạ này luôn tùy thuộc con người đức Trinh Nữ, chứ không tùy thuộc sức ma thuật mà người ta lầm tưởng là của chính địa điểm hay sự vật Ngài đụng tới hay nhờ sự hiện diện của Ngài mà được biến đổi. Việc lật ngược vai trò của phép lạ, thường hay xẩy ra sau một thời gian, từ quan điểm ngày xưa của cả ngoại giáo lẫn Kitô Giáo cho rằng phép lạ là hành động để minh chứng thẩm quyền của người làm phép lạ đến quan điểm hiện nay của phong trào Ánh Sáng cho rằng cái được gọi là phép lạ có đáng tin hay không là hoàn toàn tùy thuộc thế giá đã được chấp nhận nơi con người thánh thiện, là điều không hoàn toàn áp dụng ở đây, vì các phép lạ tại Fátima và Lộ Đức đã diễn tiến theo cả hai cách trên.

Các thống kê về việc nhờ phép lạ mà được khỏi bệnh, nhất là trường hợp Lộ Đức, đã được quan niệm rất khác nhau (44). Dù chính xác hay không, người ta từng ước lượng rằng: chỉ trong vòng một thế kỷ rưỡi, số khách hành hương tới Lộ Đức đã gấp đôi số khách hành hương tới Mecca trong hơn 13 thế kỷ qua (45). Tất nhiên, một số người đến đó để du lịch hay vì tò mò, và số đông khác đến đó chỉ để cầu nguyện. Nhưng hàng chục ngàn người, và có lẽ hàng triệu người, đã đến Lộ Đức hành hương để mong chờ phép lạ chữa khỏi bệnh thân xác và tinh thần của mình. Sức mạnh làm phép lạ của đức Trinh Nữ tại Lộ Đức và Fátima đã được thẩm quyền cao cấp nhất chứng thực.Toàn thế giới văn minh, Công Giáo La Mã hay không, thẩy đều ngỡ ngàng khi đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II bị bắn và bị trọng thương tại Công Trường Thánh Phêrô vào ngày 13 tháng Năm năm 1981 và thật hân hoan khi nghe tin ngài thoát chết. Chính đức Giáo Hoàng đã không để ai hoài nghi đối với quan điểm của ngài về việc nhờ đâu và tại sao ngài thoát chết: “Và một lần nữa, tôi đội ơn đức Trinh Nữ Diễm Phúc… Lẽ nào tôi có thể quên được rằng biến cố tại Công Trường Thánh Phêrô kia đã xẩy ra vào ngày và giờ kỷ niệm Mẹ Chúa Kitô hiện ra lần đầu với các nông dân nhỏ bé cách nay 60 năm tại Fátima, nước Bồ Đào Nha? Ngày ấy… tôi cảm nhận được sự che chở của người Mẹ phi thường, một sự che chở còn mạnh hơn cả chính viên đạn” (46). Đức Piô XII nhân dịp kỷ niệm 25 năm, đức Phaolô VI nhân đến thăm đền thánh dịp kỷ niệm 50 năm, và đức Gio-an Phaolô II sau khi bị ám sát hụt, cả ba vị giáo hoàng đều kêu gọi người ta chú ý đặc biệt tới Đức Mẹ Fátima, y hệt như các vị và tất cả các vị giáo hoàng khác thuộc thế kỷ 20 đều đã dùng thẩm quyền của mình để khuyến khích việc tôn sùng Đức Mẹ Lộ Đức vậy.

Tương phản với “chủ nghĩa hoài nghi khởi đầu” mà Blackbourn cho là một đặc điểm trong lịch sử các lần đức Ma-ri-a hiện ra, ta thấy có điều được ông gọi là “việc Giáo Hội thiết lập lòng tôn sùng chính thức với một mục đích” mà theo ông Lộ Đức là điển hình sáng chói nhất (và Marpingen là ngoại lệ đáng kể hơn cả) (47). Vì, như Barbara Pope từng nhận xét “La Mã … luôn quan tâm đến việc chống đỡ đức tin truyền thống tại một quốc gia được Giáo Hội này coi như vườn ươm trồng các cuộc cách mạng hiện đại… các động lực phối hợp giữa đức tin và nhạy cảm chính trị đã thúc đẩy ngôi vị giáo hoàng nhìn nhận niềm tin của người Công Giáo Pháp, một niềm tin cho rằng họ được đức Ma-ri-a tuyển chọn” (48). Như nhận xét vừa rồi ngụ ý, niềm tin của người Công Giáo Pháp đối với việc hiện ra và việc họ “được đức Ma-ri-a tuyển chọn” đầu tiên đã bén rễ sâu nơi các cấp địa phương, vùng và quốc gia, sau đó và từ đó mới được sự chuẩn nhận của đức giáo hoàng. Tương tự như thế, chính vị “bản quyền”, tức giám mục Leira, năm 1930 đã “(1) tuyên bố là đáng tin các thị kiến của các mục đồng tại Cova da Iria trong giáo xứ Fátima của giáo phận này trong các ngày 13 mỗi tháng, từ tháng Năm tới tháng Mười năm 1917 và (2) chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fátima” (49). Trái với việc giáo quyền tự ý áp đặt lên hàng ngũ giáo dân bất đắc dĩ, như một số những người chú giải thù nghịch thường giả thiết, niềm tin vào việc đức Maia hiện ra hầu hết đã được “bề dưới” áp đặt lên hàng giáo phẩm, đến nỗi ta có thể nói đây quả là một diễn trình dân chủ vậy. Như hồng y John Henry Newman có lần đã mô tả, khi đề cập tới học lý về Chúa Ba Ngôi trong thế kỷ thứ 4, chứ không phải học lý về đức Ma-ri-a trong thế kỷ 19, chính “nền chính thống của tín hữu” đã thắng các suy tư của các nhà thần học (50). Tuy nhiên, một cách thực tế hơn (mà cũng có thể yếm thế hơn), người ta có thể coi sự kiện Giáo Hội chuẩn nhận hay khuyến khích có hệ thống việc tôn sùng chính thức kia như một cố gắng nhằm hạn chế nơi đoàn ngũ tín hữu những quá lạm mà việc tôn sùng đức Ma-ri-a rất dễ mắc phải. Thực vậy, như một học giả từng phán đoán, “Vì được Giáo Hội cẩn trọng bảo vệ ngay từ đầu, nên Lộ Đức có lẽ là nơi được kiểm soát và điều hợp chặt chẽ nhất, ở cả bình diện ý nghĩa lẫn thực hành trong các việc tôn sùng hành hương” (51). Ta có thể thêm rằng: ít nhất trong một số khía cạnh, cả Guadalupe lẫn Fátima xem ra cũng không thua Lộ Đức bao xa. Ta có thể an tâm cho rằng đối với nhiều triệu người, không hình thức tôn sùng hay học lý về đức Ma-ri-a nào đã mang theo mình được tầm ý nghĩa to lớn hơn những lần Ngài hiện ra một cách lạ lùng.

Còn tiếp

Series NavigationĐức Maria Qua Các Thời Đại <br />Kính Mừng Maria, Đầy Ơn Phúc >>