1. LÍ DO ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. LÍ DO GẦN: Chuẩn bị trực tiếp cho cuốn Niên Giám
Ban Biên tập Niên Giám đã làm việc không ngừng sau khi Hội đồng Giám mục giao nhiệm vụ vào tháng 10-1999 và đã biên soạn xong tập sách với khoảng 1000 trang tài liệu. Các trang này có rất nhiều danh từ riêng tiếng nước ngoài, nhất là các phần lịch sử. Chúng tôi tự hỏi : Phải viết các tên đó thế nào cho đúng với những đòi hỏi của khoa ngôn ngữ học hiện đại ? Phải viết thế nào cho cuốn sách vừa phù hợp với đa số quần chúng Công giáo, vừa có giá trị khoa học để cho cả người ngoài Công giáo có thể đọc và hiểu biết về Giáo Hội Việt Nam ? Phải viết thế nào để xứng đáng với cha ông ta là những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ và để người ngoài Công giáo không còn cho đó là thứ văn chương xa lạ, kiểu “văn chương nhà đạo”.
Chúng tôi mong đợi cuốn Niên Giám sắp tới sẽ là một phương tiện hữu hiệu để giới thiệu Kitô giáo cho người ngoài Công giáo. Chúng tôi thiết nghĩ rằng thiên niên kỉ mới và thế kỉ 21 chính là thời điểm lý tưởng và thích hợp nhất để người tín hữu Công giáo học hỏi và sửa đổi lại cách viết của mình cho đúng với ngôn ngữ học. Quả thật trong những năm qua khoa ngôn ngữ học đã có nhiều tiến bộ. Nếu chúng ta tích cực tìm hiểu và đạt được sự thống nhất nào đó, chúng tôi có thể giới thiệu điểm này trên cuốn Niên Giám như một “tin vui” để mọi người cùng chia sẻ. Có người khuyên chúng tôi cứ viết như thói quen đang có, không nên thay đổi kẻo gây xáo trộn để cuốn Niên Giám được dễ dàng đón nhận hơn. Vậy chúng tôi sẽ chọn cách viết nào ? Ví dụ : Tên của Marcus Aurelius viết thành Marc Aurèle hoặc Marco Aurelio hay Mác-cô Ao-rê-li-ô ? Ai sẽ giúp chúng tôi tìm ra cách viết phù hợp nhất nếu không phải đó là ý kiến chung của quý vị ?
1.2. NHỮNG LÍ DO XA :
1.2.1. Trước hết, Quy định số 240/ QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Giáo dục về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa, đã đề ra một số nguyên tắc để giải quyết vấn đề. Người Công giáo Việt Nam viết hay in sách báo không thể xem thường quy định này, vì đó là những điều cơ bản mà mọi học sinh trong nước đang phải học, và nhiều cơ quan truyền thông (như báo chí, đài phát thanh, truyền hình …) đang phải tuân theo.
Chúng tôi xin nêu ra vài tóm tắt của tiến sĩ Cao Xuân Hạo về mấy điểm chính theo tinh thần bản quy định như sau:
“Những tên địa lí đã Việt hoá (như tên các châu lục, các đại dương, tên một số nước như Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha …) vẫn giữ nguyên như cũ.
Ngoài ra, những tên địa lý khác và những tên người thì để nguyên nếu bản ngữ dùng mẫu tự Latinh, ví dụ : Bill Clinton, Clara, Paris, New York, …; nếu bản ngữ dùng thứ chữ khác thì chuyển tự sang chữ Latinh (theo cách chuyển tự, do chính phủ nước hữu quan ấn định), ví dụ các tiếng Liên Xô, Á Rập như: Putine, Araphat … Ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc này là các tên người, tên đất của Trung Quốc, vốn từ xưa đã được đọc theo âm Hán Việt, và từ khi có chữ quốc ngữ vẫn được viết theo cách phát âm này. Ví dụ : Chu Ân Lai, Bắc Kinh thay vì Zhou Enlai, Beijing theo tiếng Anh, tiếng Pháp”. (Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt : mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo Dục, 1998, tr 162).
Theo quy định này, những từ đa tiết mượn của tiếng nước ngoài được viết liền các âm tiết và không đánh dấu thanh điệu, trừ trường hợp có dấu hiệu về hình thức đã được Việt hoá hoàn toàn về ngữ âm như các từ: xà phòng, phó mát, … (x. Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Lời nói đầu của Từ Điển Tiếng Việt, NXB Trung tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, Hà Nội, 1992, tr. 11).
Quy định này yêu cầu chúng ta nên xét lại cách viết các tên riêng tiếng nước ngoài hiện nay trong các văn bản Công giáo. Ví dụ : Ki-tô, Ma-ri-a, Cơ-la-ra, Gáp-ri-en, Co-nê-li-ô … như trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Lễ Rô-ma, Kinh Thánh.
“Trong khi chuyển tự, vần chữ quốc ngữ được bổ sung thêm 4 chữ cái thông dụng trong khối cộng đồng các nước dùng mẫu tự Latinh như : F, J, W, Z, nhất là cho các thuật ngữ khoa học kỹ thuật. Ví dụ : viết Faraday thay vì Pha-ra-đê; Joule thay vì Giu-lơ; Watt thay vì Oát; Zero thay vì dê-rô”. (x. Cao Xuân Hạo, Sđd, tr. 163).
Điều quy định này dẫn chúng ta đến việc xét lại cách viết các tên riêng của Công giáo bắt đầu bằng bốn chữ cái trên, vì chúng ta đang viết rất khác nhau. Ví dụ : tên Jesus, có nơi viết Yêsu, Giêsu, Giê-xu, Giê-su … Tìm đọc trong cuốn Từ Điển Đức Tin Công Giáo do Uỷ ban Từ điển của HĐGMVN xuất bản năm 1999, chúng tôi hiểu được tâm trạng bối rối, lưỡng lự của các thành viên trong Uỷ ban khi viết các tên riêng. Ví dụ : ở vần J, những tên quen thuộc phải phiên âm thành Gi, trong khi các tên lạ lại giữ nguyên vần J; cùng là gốc J nhưng có 63 tên viết J và 32 tên viết Gi. Ví dụ : Jacques viết thành Giacôbê, trong khi Jacques de Tella, Jacques de Saroug, Jacques de Viterbe … vẫn giữ nguyên. Hoặc Jean viết thành Gioan như Gioan Tẩy Giả, Gioan Avila, Gioan Bosco, Gioan Kim Khẩu, Gioan Thánh Giá… trong khi lại viết Jean de Césarée, Jean Climaque, Jean d’Ephèse, Jean de Fécamp … Trong vần Z, từ điển viết Zacaria, Zêbêđê, Zorobabel trong khi các sách của Uỷ ban Phụng tự viết Da-ca-ri-a, Dê-bê-đê, Dô-rô-ba-ben.
Vậy chúng ta tự hỏi có nên nhân dịp này, thống nhất cách viết các tên riêng Công giáo cho Giáo Hội Việt Nam không? Nếu được thì nên chọn cách viết nào?
1.2.2. Những tiến bộ của ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam
Một lí do xa nữa thúc đẩy chúng tôi nêu lên vấn đề đó là những tiến bộ của ngành ngôn ngữ học tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Những tiến bộ này giúp chúng ta có thể giải đáp vấn đề theo một đường hướng đúng đắn, vượt qua được tình trạng hỗn độn hiện thời.
Quả thật, vấn đề đặt ra cho Giáo Hội Việt Nam để thống nhất cách viết các tên riêng tiếng nước ngoài trong các văn bản Công giáo có thể cũng rơi vào tình trạng của cuốn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam. Trong Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam có nhiều nhân vật nổi tiếng với chức vị lớn và học vị cao. Các vị này đều có quyền biểu quyết các vấn đề, trong khi đáng lẽ vấn đề về ngôn ngữ học phải được chính các nhà chuyên môn quyết định. Chính vì thế, cuốn từ điển đã theo một số nguyên tắc không phù hợp với ngôn ngữ học, ví dụ như qua Bảng Chỉ Dẫn ở trang 8, bảng chữ cái thiếu chữ W, vì W được phiên âm thành /oa/ như Oasinhtơn (Washington), hoặc đưa chữ phiên âm tiếng Việt làm chữ chính đứng ở đầu và đặt nguyên ngữ như chữ phụ đứng ở sau trong ngoặc đơn, thay vì phải làm ngược lại như các từ điển cao cấp tiếng nước ngoài và còn nhiều điểm sai sót khác nữa … Đây cũng là một số trong các lý do khiến bộ từ điển này cho tới nay vẫn chưa xuất bản được tiếp cuốn 2, 3, 4, vì chưa nhận được sự đồng tình của các nhà chuyên môn cũng như cộng đồng xã hội (x. Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 2-10-1996; Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30-10-1996).
Chúng tôi nghĩ rằng những bất đồng ý kiến về cách phiên âm các tên riêng trong sách báo Công giáo có thể cũng gặp phải tình trạng tương tự như trên. Nhiều nhà chuyên môn Công giáo về Thần Học, Kinh Thánh, Phụng Vụ … đã biên tập những cuốn sách, trong đó có những điểm thiếu sót về mặt ngôn ngữ học, để rồi tạo nên những thói quen sai lầm trong quần chúng. Sau một thời gian dài, vì không muốn thay đổi thói quen, nên người ta đành chấp nhận những sai sót. Điều này cũng đã từng xảy ra ở nhiều nước phương Tây.
Nhìn chung, những vị chuyên môn trong đạo cũng như ngoài đời biên tập sách với tất cả thiện chí của mình, chứ không cố ý làm sai sót về mặt ngôn ngữ. Hơn nữa, các vị vẫn có quyền góp ý về vấn đề ngôn ngữ học. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nên dành quyền quyết định về vấn đề ngôn ngữ cho các nhà ngôn ngữ cũng như về thần học cho các nhà thần học. Như thế, chúng tôi thiết nghĩ mới hợp lý và đúng chuyên môn.
Rất may mắn là các nhà ngôn ngữ đã có dịp đặt lại vấn đề và đã viết nhiều bài khảo luận trong các sách báo để nói lên lập trường của mình. Chính những suy tư đó có thể giúp người Công giáo tìm được sự thống nhất trong cách viết các tên riêng tiếng nước ngoài để tránh tình trạng hỗn độn hiện nay. Trong các công trình này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tập Đề Tài Khoa Học : Tiếng Việt và chữ Việt trong đời sống văn hoá hiện thời. Đây là một công trình tập thể do một nhóm các nhà chuyên môn về ngôn ngữ được Nhà Nước tài trợ nghiên cứu trong suốt một năm, từ tháng 6-1998 đến tháng 6-1999. Chủ nhiệm công trình là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng, thư ký là phó tiến sĩ Dương Kỳ Đức và hơn 30 nhà chuyên môn khác như giáo sư Hoàng Phê, Hồ Hải Thuỵ, Thanh Đức, Nguyễn Trọng Báu, Trần Thị Thìn, Mai Mây … 40 bài nghiên cứu được công bố trong một tập luận văn chung dày 209 trang khổ A4, tập trung vào 3 nội dung chính sau đây:
1. Quan niệm về chuẩn phát âm tiếng Việt hiện thời.
2. Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ và chuẩn hoá quy tắc chính tả.
3. Vấn đề dùng từ và cách xưng gọi.
Chắc chắn công trình nghiên cứu này sẽ còn phải tiếp tục lâu dài song song với quá trình sử dụng và phát triển tiếng Việt và chữ Việt. Nhưng kết quả nghiên cứu của nhóm đã giải đáp được một số vấn đề cụ thể đặt ra trên chặng đường phát triển ngôn ngữ và chữ viết hiện nay.
Chúng tôi xin được giới thiệu một số kết quả liên quan đến vấn đề viết tên riêng tiếng nước ngoài cho sách báo Công giáo.
1.2.3. Xu hướng thống nhất trong sách báo hiện nay
Lí do cuối cùng khiến người Công giáo chúng ta nên thống nhất trong cách viết các tên riêng là xu hướng thống nhất của xã hội được biểu hiện qua các sách báo xuất bản hiện nay.
Trong bài phát biểu “Vấn đề tên riêng tiếng nước ngoài trong sách báo Công Giáo”, chúng tôi đã thu thập cách viết của 47 tờ báo phát hành từ 20-3-1997 đến 2-4-1997 và thấy chỉ có 5 tờ báo phiên âm các tên riêng tiếng nước ngoài theo âm tiếng Việt, có gạch nối và có dấu thanh điệu, đó là các tờ: nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, Nhân Dân (Hà Nội), Pháp Luật (Hà Nội), Tạp chí Cộng Sản (Hà Nội). Chúng tôi có ghi nhận rằng, khuynh hướng giữ nguyên ngữ theo tiếng Latinh hoặc phiên âm theo tiếng Latinh không dấu nối và không dấu thanh điệu chiếm tỉ lệ đa số trong ngành báo chí Việt Nam lúc đó (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài Giảng Chúa Nhật Mùa Thường Niên I, năm B, 1997, tr 137-155).
Vào thời điểm hiện nay, khuynh hướng này càng mạnh mẽ hơn nữa. Hầu hết các sách báo đều viết tên riêng theo tiếng Latinh. Trong số hơn 60 tờ báo phát hành trong một tuần ở nước ta, chỉ còn tờ Nhân Dân và Nhân Dân Cuối Tuần (Hà Nội) là viết tên riêng theo âm tiếng Việt, có gạch nối và có dấu thanh điệu. Ví dụ : số báo Nhân Dân ra ngày 28-7-2000 còn viết : Tổng thống nước CH Pê-ru, ngài An-béc-tô Phu-hi-mô-ri (tr 1), nước Ác-hen-ti-na, cầu thủ Ran-gơ của Xcốt-len và Rét-xta Ben-gát của Nam Tư (tr 7). Hoặc : nhà điêu khắc Mi-ken-lăng-giê-lô của I-ta-li-a (tr 8) trong số Nhân Dân Cuối Tuần ra ngày 16-7-2000.
Nhật báo Sài Gòn Giải Phóng và Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy đã bỏ cách viết phiên âm tiếng Việt có gạch nối và dấu thanh điệu cách đây ba năm, để hoà nhập vào xu hướng chung của xã hội: trong đó ta thấy gần như tất cả các tên riêng trong báo đều viết theo Latinh, không dấu nối, không dấu thanh điệu. Ví dụ : trong mục Thế Giới Trước 0 Giờ ở trang 1, số báo ngày 30-7-2000 hay Thời Sự Quốc Tế ở trang 8. Tuy nhiên, ta còn thấy đôi chỗ chưa thống nhất, như viết: Buênốt Airét của Áchentina, Irắc, Ivanốp (tr 7, số ngày 30-7-2000 của nhật báo) hay : Oasinhtơn (tr 6), Clê-ô-pát (tr 5) trong tờ tuần báo số 439, ngày 29-7-2000.
Khi nêu lên xu hướng chung của các sách báo hiện thời trong cách viết các tên riêng tiếng nước ngoài, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: người Công giáo có nên ra ngoài xu hướng chung để giữ cách viết hiện nay trong các sách Phụng Vụ Giờ Kinh, Sách Lễ Roma, Kinh Thánh, Những Ngày Lễ Công Giáo … không? Nếu ta giữ lại cách viết đó thì dựa vào những lí do chính đáng nào? Có lẽ chúng ta nên đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc với các lí do biện minh cho mỗi cách viết dưới góc độ chuyên môn của khoa ngôn ngữ học trước khi đi tới một quyết định rõ ràng. Nhưng trước khi đi vào lãnh vực giải đáp chuyên môn, chúng ta thử nhìn lại sơ qua hiện trạng của vấn đề này.