2. VẤN ĐỀ VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI
2.1. HAI CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI
Ở Việt Nam, chúng ta ghi nhận có nhiều cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong các sách báo. Trong phạm vi sách báo Công giáo cũng có tình trạng tương tự. Chúng ta ghi nhận mấy cách sau đây (x. Phụng Nghi, 100 năm phát triển của tiếng Việt, NXB. TP. HCM, 1993, tr. 85-95):
1. Viết nguyên ngữ theo chữ Latinh, viết liền các âm tiết và không có dấu giọng. Ví dụ: Marcus Aurelius, Washington, La Fontaine, Cyprianus, Bosco … (ngôn ngữ học).
2. Viết theo phiên âm tiếng Việt, viết rời các âm tiết, có gạch nối và dấu thanh điệu. Ví dụ: Mác-cô, Ao-rê-li-ô, Oa-sinh-tơn, La Phông-ten, Síp-ri-a-nô, Bốt-cô … (Báo Nhân Dân, Nhóm CGKPV).
3. Viết theo âm tiếng Việt, viết liền các âm tiết và không có dấu thanh điệu. Ví dụ: Maccut Aoreliut, Oasinhtơn, La Phongten, Siprianut, Botco … (Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, tập I).
4. Viết qua trung gian âm chữ Hán đã có sẵn từ trước. Ví dụ: Hoa Thịnh Đốn (Washington), Lã Phụng Tiên (La Fontaine), Ba Lê (Paris), La Mã (Roma), Á Căn Đình (Argentina), Gia Nã Đại (Canada), …
Tuy nhiên, hiện nay cách viết thứ 3 và thứ 4 không được các nhà chuyên môn đánh giá cao nên chỉ còn bàn về hai cách viết chính sau đây:
2.1.1. Cách thứ nhất : “Viết theo chữ Latinh, viết liền các âm tiết và không có dấu thanh điệu”. Ví dụ: Aurelius, Washington, Bosco, Marcus…
Cách viết này đã được trình bày qua Quy định số 240/ QĐ trong mục 1.2.1. ở trên. Đây là cách viết phổ biến hơn cả trong các sách báo hiện nay ngoài xã hội cũng như trong giới Công giáo.
Từ khi chữ quốc ngữ ra đời, nhất là từ đầu thế kỷ XX đến nay, chữ quốc ngữ đã có sự cải tiến và quy tắc chính tả của nó cũng dần dần hoàn chỉnh. Nếu ta đọc lại sách Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651, ta sẽ thấy nhiều tên riêng như Thíc[h]ca (Ngày Thứ Nhất); Lazaro (x. Ngày Thứ Hai); Michael, Satan, Adam Eva (x. Ngày Thứ Ba); Abel, Mathusala, Noe (x. Ngày Thứ Bốn) được viết rất rõ theo tiếng Latinh chẳng khác gì ngày nay (x. Tủ Sách Đại Kết, 1993).
2.1.2. Cách thứ hai : “Viết theo âm tiếng Việt, rời từng âm tiết và có dấu thanh điệu”. Ví dụ : Ao-rê-li-út, Oa-sinh-tơn, Bốt-cô, Mác-cô …
Cách viết này chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm gần đây. Đi tìm gốc cách viết này, chúng tôi chỉ tình cờ thấy trong cuốn sách Những trang sử vẻ vang của ông Nguyễn Lân, xuất bản năm 1944 của Nhà Xuất Bản Mai Lĩnh. Trong đó, có ghi mấy tên riêng như Ve-xanh-giê-tô-rích (Vercingétorix) (tr. 19), Thiết-mộc-chân (Témoudjine), Thành-cát-tư-hãn (Gengiskhan), Hốt-tất-liệt (Koubilai), Thoát Hoan (Togan) (tr. 86-92) là có dạng viết khác hẳn các sách cùng thời, như Nam Kỳ Danh Nhân của Đào Văn Hội, in năm 1943, Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Rectorat de l’Université Indochinoise, in năm 1948 … vì các sách này đều viết theo cách thứ nhất. Có thể có những sách viết cách thứ hai vào thời điểm sớm hơn nhưng chúng tôi chưa tìm được chứng cớ.
Sau năm 1954, ở miền Bắc Việt Nam, chúng ta thấy cách viết thứ hai này được phổ biến dần cho quần chúng. Cách viết được quần chúng bình dân đón nhận vì thấy dễ đọc, dễ viết. Đặc biệt hơn cả là cách viết được tờ báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân, hai tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, của Nhà Nước và Nhân Dân Việt Nam sử dụng nên có uy thế và ảnh hưởng rất lớn đến cách viết của quần chúng. Vì thế, rất nhiều sách báo dần dần đã viết theo cách này. Tuy nhiên, từ khi ngành ngôn ngữ học phát triển, nhất là từ khi Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản cuốn Từ Điển Tiếng Việt do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng giới thiệu ngày 7-3-1987, cách viết thứ hai này mất dần uy thế và nhiều sách báo cũng như dân chúng đã không dùng nữa.
Tại Miền Nam Việt Nam, cho đến khoảng đầu thập niên 1970, các sách báo hầu như chỉ biết đến cách viết thứ nhất. Đối với sách báo Công giáo, kể từ khi Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) được thành lập vào năm 1971 và bắt đầu xuất bản các bản dịch của nhóm, người ta bắt đầu biết đến cách viết thứ hai này. Vào năm 1973, Nhóm Phiên Dịch CGKPV đã xuất bản cuốn Phụng Vụ Các Giờ Kinh (PVCGK) tuần I và II, sau đó cuối năm 1974, tuần III và IV. Cuốn sách này giới thiệu cách viết mới các tên riêng tiếng nước ngoài nhất là trong Phụng Vụ và Kinh Thánh cho đồng bào Công giáo. Cuốn sách này đáp ứng nhu cầu cử hành các giờ kinh phụng vụ ở cộng đoàn tu sĩ lúc đó nên được đón nhận dễ dàng, dù có sự phản ứng không mấy thuận lợi của Uỷ ban Phụng tự HĐGM Việt Nam lúc đó.
Chúng tôi cũng thử đi tìm các tài liệu cũ thì thấy được rằng cách viết này xuất hiện chính thức trong báo Nhà Chúa, số 44, cũng là số cuối cùng, ra ngày 15-4-1975, trong bài viết của linh mục Hoàng Đắc Ánh : “Thánh Kinh nói gì về việc loan báo Tin Mừng”. Trong bài này, các tên riêng được viết gần giống như ta thấy trong cuốn PVCGK mới xuất bản trước đó, và trong cuốn Thánh Kinh Tân Ước nhóm CGKPV xuất bản vào năm 1993 sau này. Ví dụ: Giê-su, Ki-tô, Gio-an, Pha-ri-sê, Sa-đu-kê, tiên tri I-sa-gia, Phao-lô thành Thê-sa-lô-ni, An-ti-ô-ki-a, A-thê-nê, Cô-rin-thô, đảo Kyp-rô … Các bài khác trong cùng số báo vẫn viết các tên riêng theo cách thứ nhất. Chúng tôi ghi nhận thời điểm trên vì cách viết mới mẻ này chưa xuất hiện trong các số báo trước đó.
2.1.3. Tình trạng sử dụng cả hai cách viết: Hoàn cảnh xã hội chính trị rối ren ở Miền Nam vào thời kì đó có lẽ khiến người ta không chú tâm đến vấn đề văn hoá, còn nói gì đến ngôn ngữ học, trong đạo cũng như ngoài đời. Biến cố 30-4-1975 đã đưa đồng bào Công giáo Miền Nam vào một tình trạng hoàn toàn mới mẻ. Các sách báo Công giáo được phép xuất bản của Nhà Nước rất ít. Tiêu biểu chỉ có cuốn Kinh Thánh của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, xuất bản năm 1976, và cuốn Lịch Công Giáo hàng năm của Lm. Nguyễn Quang Trọng do Toà Tổng giám mục TP. HCM chịu trách nhiệm mà thôi. Các sách Công giáo vào thời kì này hầu hết vẫn dùng cách viết thứ nhất.
Tuy nhiên từ năm 1990 trở đi, các sách Công giáo có phép in của Nhà Nước xuất hiện càng ngày càng nhiều. Vào năm 1993, chúng ta thấy có cuốn Kinh Thánh Tân Ước của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, năm 1995 cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Uỷ Ban Phụng Tự (UBPT) thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), và lần tái bản năm 1999 của Nhóm phiên dịch CGKPV, năm 1996 cuốn Sách Lễ Roma của UBPT / HĐGMVN, năm 1998 cuốn Kinh Thánh trọn bộ của Nhóm CGKPV, cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuốn Niên Giám Giáo phận TP. HCM 1998 và Những Ngày Lễ Công Giáo (do Lm. Hồ Văn Xuân). Các sách này đã chọn cách viết thứ hai. Tất cả các sách này đều có tính cách chính thức của Giáo Hội Việt Nam do Toà Tổng Giám Mục TP. HCM chịu trách nhiệm xuất bản, với số lượng in rất lớn, lên tới cả trăm ngàn cuốn, nên cách viết thứ hai đã có điều kiện thuận lợi hơn để phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng Công giáo.
Tuy nhiên, ngoài những sách chính thức đó của giáo quyền, người ta thấy xuất hiện hàng trăm cuốn sách khác mỗi năm. Các sách này chỉ là những bản dịch hay sáng tác, đánh máy vi tính và nhân bản bằng máy photocopy, rồi đóng xén khá đẹp để lưu hành nội bộ. Hầu hết các sách này lại chọn viết tên riêng theo cách thứ nhất.
Trong môi trường sách báo ở Miền Nam, cách viết thứ nhất chiếm ưu thế. Chỉ một vài tờ báo như Sài Gòn Giải Phóng mới theo cách viết thứ hai. Nhưng sang đến thập niên 1990, ta thấy báo này bắt đầu dùng cả 2 cách viết: các bài ở trang 1 thường theo cách viết thứ hai, các bài khác theo cách viết thứ nhất. Tiếp đến, báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy chọn cách viết thứ nhất. Đến nay, cả báo ngày lẫn báo tuần hầu như đã hoàn toàn theo cách viết thứ nhất, mặc dù Sài Gòn Giải Phóng cũng là tờ báo Đảng, là cơ quan ngôn luận của Đảng Bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam TP. HCM như tờ Nhân Dân ở Hà Nội.
Như thế, trong khi xã hội đang có xu hướng viết theo cách thứ nhất thì các sách chính thức của Giáo Hội Việt Nam lại viết theo cách thứ hai. Sự khác biệt này không biết mang ý nghĩa ngôn sứ tích cực hay báo hiệu sự thiếu quan tâm đến khoa ngôn ngữ học?
2.2. MỘT VÀI ĐIỂM PHỤ VỀ CHUẨN HOÁ CHỮ VIẾT
Ngoài hai cách viết tên riêng các tiếng nước ngoài vừa kể, chúng ta thấy không ít những hiện tượng sai lệch và thiếu thống nhất khi viết tên riêng. Điều này mời gọi chúng ta nên dành sự chú ý và phân biệt để viết chuẩn xác hơn. Chúng tôi xin tóm tắt tình trạng hỗn độn hiện nay vào mấy điểm sau đây:
2.2.1. Việc viết hoa các tên riêng: Một hiện tượng phổ biến là tình trạng viết hoa khá lộn xộn trong các ấn phẩm. Người ta không còn phân biệt rõ tên riêng, tên chung và các cụm từ gọi tên cũng như viết hoa tu từ là gì.
Trong một số sách báo tiếng Việt, chúng ta thấy người ta viết Thiên chúa, chúa trời. Đối với nhân danh, bao gồm tên tục, tên chữ, biệt hiệu, bút danh, tước danh, miếu hiệu, tên huý, chúng ta thấy có nhiều hình thức thiếu thống nhất như: Trương-vĩnh-Ký / Trương-Vĩnh-Ký / Trương Vĩnh Ký; Giám Mục / giám mục / giám-mục, Giám mục; đối với địa danh, bao gồm tên địa lý và các tên gọi các hiện tượng thiên nhiên như sông Hồng Hà / Hồng-hà, núi Trường Sơn / Trường-sơn, Mũi Né / mũi Né, Vạn lý Trường thành / Vạn Lý Trường Thành, Châu Mỹ / châu Mỹ, Đông Âu / đông Âu, năm Kỉ mão / Kỉ Mão, tết Nguyên Đán / Nguyên đán, Thiên Đàng / Thiên đàng …
Vài năm gần đây, trong giới Công giáo, chúng ta thấy xuất hiện cách viết chữ thường như: ki-tô hay kitô trong các từ người kitô, ki-tô hữu, đức tin kitô, ki-tô giáo … Cách viết này, theo chúng tôi nghĩ, người ta có lẽ muốn dùng từ kitô như một tính từ và viết thường như trong tiếng Pháp, ví dụ như từ le calendrier chrétien, la foi chrétienne.
Việc viết hoa các cụm từ tiếng Việt như Uỷ Ban Giám Mục về Phụng Tự, Thánh Nhạc, Giáo Dân hay Uỷ ban Giám mục về Phụng tự, Thánh nhạc, Giáo dân; viết hoa các tu từ như: Cách Mạng Tháng Tám hay Cách mạng tháng tám; Các Lần Hiện Ra ở Lộ Đức hay Các lần hiện ra ở Lộ-đức … không rõ ràng.
Vì thế, nhân dịp này, chúng ta sẽ lắng nghe các nhà ngôn ngữ học nêu lên một vài quy tắc về vấn đề này để viết cho đúng hơn.
2.2.2. Việc đánh dấu trên nguyên âm: Khi đánh dấu giọng trên các từ, nhiều người trong chúng ta thường đánh theo thói quen, theo mắt nhìn cân đối, chẳng hạn trong các âm như oa, oe, uơ, uê, uy, ta đặt dấu giọng ở âm đầu như : hóa, hòa, hỏa, họa, lóe, khỏe, thủơ, thúy, thùy, thủy, … Nhiều sách báo hiện nay vẫn đánh dấu như thế, ví dụ báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, số ra ngày 19-8-2000, trong khi các học sinh từ cấp I đã được học cách đánh dấu theo ngôn ngữ học và đã đánh đúng dấu giọng ở âm sau: hoạ, hoá, hoả … Nhiều người còn chẳng phân biệt dấu trên hai từ gịa và giạ. Ví dụ : giặt gịa và giạ lúa.
Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ tái bản năm 1999, Sách Lễ Roma và một số các sách khác của Công giáo đã đánh dấu đúng theo ngôn ngữ học. Tuy nhiên, rất nhiều sách báo hiện nay chưa đạt được sự chuẩn xác. Do đó chúng tôi cũng muốn nhân dịp này xác định một lần để người Công giáo chúng ta viết chữ Việt cho đúng đắn hơn. Chúng tôi sẽ trình bày cách giải quyết vấn đề ở phần sau.
Nếu để ý đôi chút về lịch sử, ta thấy Alexandre de Rhodes đã đặt dấu giọng khá chuẩn theo ngôn ngữ học trong chữ hoà, hoá, hoả, hoạ, hoè, loã lồ, quế, quỉ, quì gối, thuế; nhưng lại đặt dấu khác vị trí ở từ thủy, thúy (x. Từ điển Việt Bồ La). Từ Taberd về sau, ví dụ như trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Huình Tịnh Của, người ta bắt đầu đánh dấu theo cách thứ nhất: đặt dấu giọng ở âm đầu : óa, óe, úê, úy … thay vì đặt dấu giọng ở âm sau theo cách thứ hai : oá, oé, uế, uở, uý … Trước năm 1975, ở Miền Bắc cũng như Miền Nam Việt Nam, các từ điển, sách báo đều đánh dấu theo cách thứ nhất. Đánh dấu theo cách thứ hai chỉ có các từ điển của ông Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức như Tự điển Việt Nam và Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị (NXB Khai Trí, soạn năm 1959, được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961). Trong cuốn Tầm Nguyên Từ Điển của Bửu Kế do NXB Khai Trí, Sài Gòn 1968, dấu không ổn định ở các vần, lúc đánh theo cách 1, lúc đánh theo cách 2. Ví dụ : hoá thân, hòa thượng, hoả bài, hoả đỉnh, họa (x. tr 223, 226).
Sau năm 1975, khi ngôn ngữ học được nghiên cứu và phát triển ở Miền Bắc, chúng ta thấy nhiều từ điển và sách báo bắt đầu đánh dấu theo ngôn ngữ học, nhất là cuốn Từ Điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản tại Hà Nội năm 1987 được coi như từ điển chuẩn cho các sách báo. Cuốn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam tập I, 1995, cũng đánh dấu theo chuẩn này. Tuy nhiên, có một vài cuốn từ điển mới ra gần đây đã không chú ý đến vấn đề này, ví dụ như cuốn Đại Từ Điển Tiếng Việt, dày 1891 trang, của Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hoá Việt Nam do ông Nguyễn Như Ý chủ biên và NXB Văn Hoá và Thông Tin xuất bản 1999 và đã đánh dấu theo cách 1.
Do đó, việc đánh dấu giọng đúng trên các âm cũng là một vấn đề đáng cho người Công giáo chúng ta quan tâm và điều chỉnh để phù hợp với khoa ngôn ngữ học.
2.2.3 Đặt một số tên riêng tiếng Latinh ở “cách” nào?:
Một điểm khó khăn nữa mà chúng tôi mong nhận được ý kiến, là nên đặt tên riêng tiếng Latinh ở “cách” nào.
Tiếng Việt chúng ta không chia thành nhiều “cách” như tiếng Latinh, Hy Lạp, Nga. Tiếng Latinh có 6 cách. Trong tiếng Latinh, mỗi từ của câu đóng một vai trò (hay cách thế) so với những từ khác. Một danh từ có thể là chủ ngữ nên đặt ở danh cách (nominative case, cách 1), hoặc đặt ở đối cách (accusative case, cách 4) nếu nó làm bổ ngữ trực tiếp, hoặc ở tặng cách (dative case, cách 3) nếu là bổ ngữ gián tiếp, từ đó còn có thể ở dụng cách (ablative case – cách 6), hay sở hữu cách (genitive case, cách 2), hoặc hô cách (vocative case, cách 5).
Từ khởi đầu, tên riêng tiếng Latinh chuyển sang tiếng Việt viết ở danh cách. Ví dụ: Alexandre de Rhodes ghi chữ Christus nguyên ngữ ở danh cách (ở trang 2 trong cuốn Từ điển Việt Bồ La). Sau này, ta thấy ông Huỳnh Tịnh Của vẫn ghi tên mình là Paulus Của ở danh cách trong các sách xuất bản, ví dụ như cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị in năm 1895. Các sách văn học phê bình ở nước ta như cuốn Almanach : Những nền văn minh thế giới của Nguyễn Hoàng Điệp, NXB Văn Hoá – Thông Tin, Hà Nội 1996; hoặc trong Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lại Nguyên Ân và Bùi Trọng Cường, NXB Giáo Dục 1995, vẫn ghi tên thánh ở danh cách như Paulus Huỳnh Tịnh Của, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nicolas Trương Vĩnh Tống … Cách đây mấy chục năm, nhiều văn bản chính thức của Giáo Hội vẫn đặt tên thánh ở danh cách như Paulus Nguyễn Văn Bình, Petrus Phạm Ngọc Chi…
Trong sách báo của Giáo Hội, đặc biệt trong những năm gần đây, người ta lại viết các tên riêng theo âm tiếng Việt và không đặt ở danh cách nữa như: Phê-rô, Phao-lô, Gia-cô-bê, Cờ-lê-men-tê. Một vài cuốn sách như Sách Lễ Roma in năm 1972 và Sách Bài Đọc 1973 của Uỷ ban Phụng tự đã đặt một số tên riêng gốc Latinh giống đực ở cách 6 (dụng cách), ví dụ như : Basiliô, Grêgoriô, Raymunđô … và viết theo âm Việt với chữ đ và đánh các dấu mũ trên vần ê, ô. Một vài thánh được giữ nguyên tên quen gọi như: Antôn, Anê, Phêrô, Phaolô … Thậm chí có những tên riêng tận là o ở danh cách vẫn giữ nguyên vì tưởng lầm là ở dụng cách như: Nerô.
Chúng tôi rất mong muốn hỏi ý kiến các nhà ngữ học và chuyên môn : có nên thống nhất một hình thức gọi tên thánh tiếng Latinh đặt ở danh cách cho hợp với quốc tế hay không? (Ví dụ : Marcus Aurelius, Pius, Jesus, Joseph, Petrus, Paulus, Nero …). Hay đặt ở dạng nửa Việt nửa Latinh, không ở danh cách và viết liền như đang quen dùng hiện nay (ví dụ : Marcô Aureliô, Piô, Giêsu, Giuse, Phêrô, Nêrô …) để khỏi xáo trộn? Chắc hẳn các nhà ngôn ngữ học sẽ trình bày các lý do cho mỗi lập trường chọn lựa.