Vấn Đề Cách Viết Tên Riêng Tiếng Nước Ngoài Trong Sách Báo Công Giáo

3. NHỮNG HƯỚNG CHÍNH ĐỂ GIẢI ĐÁP VẤN ĐỀ

Sau khi đã trình bày những vấn đề đặt ra trong cách viết các tên riêng tiếng nước ngoài, chúng ta thử tìm hiểu những ý kiến, những giải đáp của các nhà ngôn ngữ cũng như của những nhà chuyên môn khác. Chúng ta thấy có hai quan điểm đối lập : một phía chủ trương lấy chữ viết là chính, tôn trọng đến mức tối đa dạng chính tả tiếng nước ngoài; phía kia chủ trương lấy phát âm là chính, dựa vào phát âm tiếng nước ngoài mà phiên âm. Chúng tôi đã thu thập được một số điểm và xin trình bày vắn tắt như sau:

3.1. ĐỐI VỚI HAI CÁCH VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI

3.1.1. Cách viết thứ nhất : “Viết theo chữ Latinh, viết liền các âm tiết và không có dấu thanh điệu”. Cách viết này được hầu hết các nhà ngôn ngữ học chọn lựa.

a. Luận cứ của những nhà chuyên môn:

Chúng tôi xin ghi lại các lý do tiêu biểu được giáo sư Hoàng Phê đưa ra qua bài “Chuẩn của tiếng Việt văn hoá” trong Đề Tài Khoa Học “Tiếng Việt và Chữ Việt …”.

– Cách viết này đáp ứng yêu cầu của ngôn ngữ văn hoá.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta dùng ngôn ngữ ở dạng tồn tại tự nhiên gọi là ngôn ngữ dân gian, không hề băn khoăn việc đúng hay sai, chuẩn hay không chuẩn. Nhưng trên sách báo, chúng ta sử dụng ngôn ngữ văn hoá, nghĩa là ở dạng có tác động ý thức của con người để đáp ứng nhu cầu hoạt động, xây dựng và phát triển văn hoá theo nghĩa rộng. Loại ngôn ngữ văn hoá này, cần phải được học tập ở nhà trường, phải luôn trau dồi và người sử dụng luôn phải đứng trước vấn đề chuẩn, vì chuẩn là khái niệm trung tâm của ngôn ngữ văn hoá.

Quả thực, tiếng nói có trước, chữ viết có sau, nhưng chỉ sau khi có chữ viết thì mới thực sự có ngôn ngữ văn hoá. Với ngôn ngữ văn hoá, chữ viết là chính chứ không phải phát âm. Phát âm có thể thay đổi, nhưng chữ viết có thể vẫn giữ nguyên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Phát âm có thể khác nhau (tuỳ theo chất giọng địa phương), nhưng chữ viết thì phải thống nhất (trên toàn lãnh thổ). Hiện nay, chúng ta phát âm tiếng Việt không thống nhất. Chẳng hạn từ Nguyễn Trãi: Miền Bắc, Miền Nam và nhiều tỉnh Miền Trung phát âm khác nhau. Nếu ta viết theo phát âm thì chắc phải viết Nguyễn Chãi ở Bắc, Nguyểng Trải ở Nam. Thế thì còn gì là tiếng Việt văn hoá?

– Cách viết này đáp ứng yêu cầu xã hội

Sự chọn lựa của xã hội hiện nay trong các sách báo đã nói lên sự nhất trí ở một mức độ nhất định. Sự nhất trí này xác định tính cách chuẩn xác của ngôn ngữ văn hoá, dù rằng sự nhất trí này nhiều khi không dễ dàng, vì vẫn còn những quan điểm khác nhau, trái ngược nhau.

Hơn nữa, cách viết chuẩn của ngôn ngữ văn hoá này không phải chỉ đáp ứng yêu cầu trong sáng tác văn học, trong ngành giáo dục, phổ cập khoa học, nhưng còn trong các phương tiện truyền thông (báo chí, radio, tivi), trong ngành tin học, trong việc giao lưu văn hoá giữa các nước phát triển.

– Cách viết này tôn trọng các tên riêng

Trên phạm vi quốc tế, thời đại ngày nay đã có yêu cầu thống nhất tối đa cách viết tên riêng (nhân danh, địa danh) ở dạng chính tả bằng chữ cái Latinh. Liên Hiệp Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về vấn đề này. Chúng ta có thuận lợi rất lớn là chữ Việt dùng mẫu tự Latinh. Không lẽ chúng ta lại phải phiên âm để “Việt hoá” tên riêng nước ngoài. Hơn nữa, đã là tên riêng thì không có sự tuỳ tiện thay đổi cách viết mà phải tôn trọng dạng viết có vẻ khác biệt của tên đó, ví dụ như Kontum, Hồ Dzếnh. Ngay trong nước ta, bên cạnh tiếng Việt còn có ngôn ngữ các dân tộc thiểu số anh em, không thể có vấn đề gọi là “Việt hoá” các tên riêng như Đăk Lăk, Pleiku, Chư Păk, Ayun Pa, …

Cách viết này tạo được sự thống nhất ở trong nước cũng như ngoài quốc tế.

Cách viết này cũng bảo đảm một sự thống nhất trong tiếng Việt và một sự nhất trí tối đa với phiên âm quốc tế, vì nó tôn trọng tới mức tối đa chính tả của tên riêng trong các ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái Latinh và với dạng viết như thế, nó đạt được sự thống nhất với các ngôn ngữ khác. Thật vậy, giải pháp phiên âm qua cách viết thứ hai chỉ đưa đến kết quả là gây nên sự hỗn loạn vì có nhiều cách phiên âm khác nhau.

Ngay các ngôn ngữ quen thuộc như tiếng Anh, tiếng Pháp, người ta còn phải có từ điển riêng để hướng dẫn cách phát âm các tên riêng. Do đó, trong báo chí, cùng một tên Regan, báo này phiên âm là Ri-gân, báo kia viết Rê-gân, báo nọ viết Ri-gơn, biết thế nào là đúng? Hoặc tên Bắc Kinh: tiếng Anh Peking, tiếng Pháp Pékin, tới khi tiếng Trung Quốc chính thức ghi phiên âm bằng chữ cái Latinh là Beijing thì các bản văn Anh Pháp đều sửa lại theo đúng quy định. Tên nhà thơ Nguyễn Du, tiếng Anh, tiếng Pháp viết Nguyen Du, dù đọc khác, nhưng người ta cũng hiểu đó là thi hào người Việt. Còn nếu các nước này phiên âm theo tiếng của họ, tên Nguyễn Du sẽ hiểu khác ngay (x. Hoàng Phê, Chuẩn của tiếng Việt văn hoá, Sđd, tr 15-19).

– Cách viết này không xa lạ với đa số quần chúng cũng như với tinh thần dân tộc.

Việc viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài quả thực có gây khó khăn cho đông đảo những người có trình độ văn hoá thấp nhưng nó không ghê gớm lắm như chúng ta tưởng. Thực tế là từ nhiều năm nay trên sách báo đầy những tên rất xa lạ với tiếng Việt như : UNESCO, UNICEF, ASEAN, World Cup, SEA Games, fax, video, stress, Aids, internet … Trong cuộc sống hàng ngày người dân cũng làm quen rất nhanh với những tên như : Honda, Dream, xà bông Lux, bột giặt Tide, mì Vifon, … Cách viết các tên này không phải là xa lạ với tinh thần dân tộc như có người đã chỉ trích, nhưng nó phản ánh một nhu cầu thực sự của ngôn ngữ văn hoá trong đời sống. Hơn nữa, nó cũng nói lên sự tiến bộ để tiếng Việt có thể hoà mình vào các ngôn ngữ và đạt tới sự cảm thông giữa mọi người trên thế giới. Đó là ta chưa nói đến chính tả thuật ngữ khoa học kỹ thuật hiện nay đang cần có sự thống nhất căn bản để hoà nhập với các ngôn ngữ quốc tế (x. Hoàng Phê, sđd, tr 20).

Giáo sư Cao Xuân Hạo đã viết một bài khá dài trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 220, ngày 1-9-1996, tr 11-16 và được in lại trong cuốn Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa (NXB Giáo Dục, 1999) ở trang 162-169 về “cách viết, cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt”. Ông đã đưa ra rất nhiều lý do để bênh vực cách viết thứ nhất này. Ông cũng là một trong hai chuyên viên về ngôn ngữ được Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận mời tới trình bày cho các thành viên của Uỷ Ban Phụng Tự thuộc HĐGM về cách viết tên riêng trong văn bản Công giáo tại Toà Tổng Giám Mục TP. HCM ngày 3-4-1997. Chúng tôi xin tóm tắt vài ý chính của ông như sau:

1. “… Ưu thế lớn nhất của chữ quốc ngữ là nó phân tích các từ hay các “tiếng” của tiếng Việt thành những đơn vị tương ứng với các âm vị của tiếng Châu Âu và do đó nó cho phép sắp xếp các chữ cái theo một trật tự hoàn toàn tự do. Nó làm cho nước ta gia nhập vào khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ Latinh, thứ chữ có lãnh vực phổ biến rộng nhất và có địa vị chủ đạo rõ ràng so với tất cả các thứ chữ khác. Cái ưu thế nói trên sẽ không được phát huy nếu ta buộc các tên riêng tiếng nước ngoài theo đúng quy tắc cấu tạo vần của tiếng Việt”.

2. Chủ trương phiên âm tên riêng theo tiếng Việt đưa đến một kết quả đáng buồn : người đọc sách báo bị bắt buộc vừa viết sai lại vừa đọc sai. Còn nếu viết nguyên dạng, ít ra cũng còn có một mặt đúng là mặt chính tả. Điều này càng có ý nghĩa cho những ai tra cứu thêm về mặt sách vở. Ví dụ, một người làm công tác thư viện hay bán sách, nếu đã quen cách viết “Ăng-ghen”, làm sao tìm được tác phẩm của “Engels” bằng tiếng nước ngoài.

3. Việc phiên âm như hiện nay không thể đưa đến sự thống nhất khi các tên nước ngoài phải tuân theo quy tắc ghép vần của tiếng Việt. Khi viết tên Karl Marx thành Các Mác, vào những năm 1940, người ta còn tạm chấp nhận được. Nhưng ngày nay nếu viết “Mác” như thế thì làm sao phân biệt được giữa các tên Mach, Mars, Marc, Max, March, Marsch, Makt, Macht … Cách phiên âm như thế vừa thiếu tôn trọng, vừa thiếu chính xác đối với tên người, tên nước.

4. Tên riêng tiếng nước ngoài không phải là những từ của tiếng Việt. Ta phải tôn trọng tên của họ cũng như người nước ngoài đã tôn trọng tên Việt của ta : nên cần giữ đúng nguyên dạng Latinh hay được Latinh hoá theo ngôn ngữ quốc tế. Có ý kiến cho rằng “quần chúng không thể đọc được những tên riêng nếu không phiên âm”. Nhưng ngoài việc phiên âm khác nhau làm sai tên gốc, ta còn thấy đánh giá quần chúng như thế quả là thấp kém. Sự giao lưu văn hoá quốc tế, các phương tiện thông tin như báo chí, truyền thanh, truyền hình đang chứng minh ngược lại ý kiến này. Hơn nữa, người Việt không cần đọc cho đúng các tên ấy mà cần biết cách viết và nhìn cho quen mắt là đủ. Chẳng mấy ai phải đọc thành tiếng một trang sách hay bài báo có những tên riêng tiếng nước ngoài, trừ ra một vài người, do nghề nghiệp, cần biết đọc các tên ấy cho đúng, chẳng hạn các phát thanh viên. Hơn nữa, chính dạng chính tả sẽ giúp cho người đọc tên riêng khám phá ra quốc tịch, gốc gác của nhân vật (ví dụ : Mark và Marc), nhận ra những sắc thái tu từ của cách gọi tên kính trọng, thân mật, âu yếm (ví dụ : Mary, May, Mae, Marietta …) để có thể thưởng thức văn bản, nghệ thuật. Khi phiên âm, người ta làm mất những đặc tính này.

Một số nhà ngôn ngữ khác như ông Phạm Ngọc Uyển, Lê Quý Kỳ còn đưa thêm một số đề nghị sau về cách viết tiếng Việt (x. Đề tài khoa học, Sđd, tr 118-123):

Chính Phủ hay Quốc Hội nước ta nên thông qua một bộ luật hay một nghị định về tiếng Việt. Bây giờ là thời đổi mới, nên nhân tiện đổi mới và thống nhất một số từ ngữ. Trong bản pháp lệnh chỉ nên nêu các nguyên tắc phiên âm các tên riêng nước ngoài và quy định cụ thể một số tên thôi. Còn việc phiên âm các tên riêng là nhiệm vụ của từ điển. Tiếc rằng trong các từ điển tiếng Việt hiện nay còn thiếu phần này.

Một trong những quy định đó là cố gắng trở về với tên gốc, trừ những từ đã quá quen thuộc rồi. Khi viết thì viết theo nguyên bản trước, rồi phiên âm đặt trong ngoặc đơn và có thể chua thêm nghĩa. Ví dụ : Côte – d’ Ivoire (Cốt-đi-voa : Bờ Biển Ngà).

Đối với các tên gốc Slave thì nên Latinh hoá, coi đó như tiếng gốc rồi phiên âm. Ví dụ : Leningrad (Lê-nin-grat : thành phố Lênin).

Trường hợp tên riêng gốc các tiếng khác (Arab, Nhật Bản, Trung Hoa …) thì cũng Latinh hoá rồi phiên âm. Ví dụ : Beijing (Pékin, Bắc Kinh, kinh đô ở phía bắc của đất nước).

Tóm lại, các nhà ngôn ngữ học hầu như đã thống nhất quan điểm về việc viết các tên riêng tiếng nước ngoài theo cách viết thứ nhất. Thực tiễn của đời sống văn hoá Việt Nam cũng đã nói lên điều đó, tuy dù có một số ý kiến không tán thành. Người Công giáo chúng ta có quyền chờ đợi một quy định của Nhà Nước để chính thức hoá quan điểm được đa số công nhận này, hay chúng ta dám mạnh dạn dấn bước như đã từng thể hiện tính cách sáng tạo của mình khi làm ra chữ quốc ngữ. Tất cả đều tuỳ thuộc sự chọn lựa của chúng ta.

b. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) lên tiếng về cách viết này

HĐGMVN không ngồi yên chờ đợi mà đã họp bàn nhiều lần về vấn đề này.

– Ngày 30-8-1996 với đa số phiếu tuyệt đối : 25/28 phiếu thuận, Hội đồng đã quyết định về cách viết các tên riêng trong các bản văn phụng vụ như sau:

1/ Tên các thánh trong các sách Phụng vụ giữ nguyên ngữ Latinh. Ví dụ : F. de Sales thay vì đờ Xan, Chanel thay vì Sa-nen, Sigmaringen thay vì Dích-ma-rinh-gân, Clara thay vì Cơ-la-ra như các bản in của Sách Lễ Roma và sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện nay.

Nếu tên không thuộc ngôn ngữ Latinh thì được viết theo truyền thống phụng vụ Latinh. Ví dụ: C. Lwanga thay vì Loan-ga. Các tên quá quen thuộc thì vẫn giữ nguyên theo truyền thống như: Giêsu, Maria, Giuse, Phêrô…

2/ Đối với tên riêng Kinh Thánh trong các sách phụng vụ như Sách Bài Đọc, chọn cách phiên âm theo Bản dịch Kinh Thánh Phổ Thông (Nova Vulgata), còn các sách khác không phải phụng vụ, được tự do chọn cách phiên âm.

– Ngày 14-3-1997, Ban Thường Vụ HĐGMVN lại họp bàn vấn đề cách viết các tên riêng trong các bản dịch sách phụng vụ do có những ý kiến khác nhau được gửi về.

Chúng tôi cũng ghi nhận sự quan tâm của HĐGMVN về vấn đề này khi tổ chức cho các thành viên của Uỷ ban Phụng tự gặp gỡ và lắng nghe các nhà ngôn ngữ học trình bày quan điểm của mình qua buổi gặp mặt tại Toà Tổng Giám Mục TP. HCM vào ngày 3-4-1997. Trong cuộc họp mặt này có giáo sư Cao Xuân Hạo và tu sĩ Phạm Hữu Lai, S.J., dưới sự chủ toạ của Đức Cha Emm. Lê Phong Thuận, chủ tịch Uỷ ban. Giáo sư Hạo cũng đề nghị việc nên đặt các tên riêng ở cách nào cho thống nhất: danh cách hay dụng cách như hiện nay.

– Ngày 8-10-1997, HĐGMVN đã bàn lại vấn đề, thẩm định các ý kiến từ các nơi gửi về và đã biểu quyết giữ lại quyết định của HĐGMVN năm 1996 với đa số tuyệt đối 22/24 phiếu thuận.

Chúng tôi cũng ghi nhận là sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ (tái bản năm 1999) và tập Những Ngày Lễ Công Giáo 1998-1999, 1999-2000 do Toà Tổng Giám Mục TP. HCM chịu trách nhiệm xuất bản, sau khi có quyết định của HĐGM, vẫn giữ nguyên cách phiên âm sang tiếng Việt, chứ không theo tinh thần chung của quyết định này. Ngoài ra, các sách Kinh Thánh Tân Ước và Kinh Thánh Trọn Bộ, các tập Kinh Sách in trong các năm 1998-1999 của Nhóm Phiên Dịch CGKPV vẫn giữ nguyên tên riêng theo cách viết thứ hai được trình bày sau đây. Lý do trước hết là quyết định của HĐGM không được thông báo chính thức cho mọi thành phần Dân Chúa. Thêm vào đó còn có một vài điểm chưa rõ trong quyết định này mà chúng tôi sẽ bàn đến ở phần sau. Cuối cùng là Nhóm Phiên Dịch CGKPV có chủ trương riêng của mình vì cho rằng các sách Kinh, sách Thánh cần phải đọc, nên đã chú ý đến phần âm hơn phần chữ.

3.1.2. Cách viết thứ hai : Viết theo cách phiên âm tiếng Việt, viết rời các âm tiết và có dấu gạch nối, có dấu thanh điệu.

a. Luận cứ của các nhà chuyên môn

Cách viết này cũng được một vài nhà ngôn ngữ học và một số nhà chuyên môn khác sử dụng với những lý do được nêu như sau:

– Việt hoá triệt để tên riêng tiếng nước ngoài là “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, chống mọi sự xâm nhập lai căng, giả tạo, làm hỏng tiếng nói của dân tộc” (x. Lưu Văn Làng, báo Khoa Học và Đời Sống, số 11, ngày 1-6-1983).

– Cách viết này dễ đọc trong tiếng nói của ta, nhất là đối với quần chúng bình dân.

Ông Phụng Nghi, trong cuốn 100 năm phát triển của tiếng Việt, đã tóm tắt 2 ý kiến thuận và 6 ý kiến nghịch cho cách viết này (x. sđd, NXB TP. HCM, 1993, tr 87-89). Chúng tôi chỉ trình bày 2 ý kiến thuận như trên. Các ý kiến nghịch tương tự như phần trình bày ở số 3.1.1 trong cách viết thứ nhất.

b. Các ý kiến về cách viết thứ hai của Nhóm Phiên dịch CGKPV

Năm 1996, Nhóm Phiên dịch CGKPV đã gửi một tập tài liệu cho HĐGMVN và một số người quan tâm để nói về “Vấn đề phiên âm các tên riêng trong Sách Thánh”. Tài liệu đề ngày 9-8-1998, dài 6 trang, khổ giấy A4. Chúng tôi xin tóm lược các lý do chính như sau.

Nhóm dựa vào 3 tiền đề chính sau đây:

– Thứ nhất, vấn đề phiên âm các tên riêng (bất luận là trong Sách Thánh hay trong các sách không phải là Sách Thánh thì cũng vậy) là vấn đề liên quan tới ngôn ngữ học, nên phải theo những nguyên tắc khoa học.

– Thứ hai, việc dịch Sách Thánh (hay sách Phụng vụ) nhằm phục vụ mọi người Việt Nam, dù là tín hữu hay không, chứ không chỉ phục vụ những người có trình độ học vấn cao, biết ngoại ngữ.

– Thứ ba, phải tính đến những ngoại lệ”.

Tiếp theo, Nhóm giải thích về các tiền đề như sau: “Xét về mặt khoa học, tiếng Việt Nam vốn có nhiều âm gần các âm của tiếng Híp-ri và Hy-Lạp hơn những thứ tiếng thuộc họ La-tinh, nên Nhóm đã dịch Ha-lê-lui-a (Alleluia), Khác-gai (Aggée), Hô-sê-a (Osée), Ma-lơ-khi (Malachie), Mi-kha (Miché). Nhóm đã dịch thẳng từ Hip-ri thay vì qua tiếng trung gian Hy-Lạp và La-tinh”. “Vì thế, Nhóm đã chọn phiên âm theo âm gần nhất có trong tiếng Việt. Nguyên tắc này cũng đã được Hội nghị Ngôn ngữ 1997(?) công nhận và Từ điển Bách khoa 1995 áp dụng”.

Nhóm xác định “phiên dịch Sách Thánh là để phục vụ tất cả mọi người Việt Nam”. “Bản dịch nhằm đến với bất cứ độc giả nào biết đọc tiếng Việt, dù phải đánh vần từng chữ. Do đó, trong mức độ có thể, phân biệt các phụ âm ở đầu âm để theo sát ngôn ngữ gốc và dùng gạch nối giữa các vần, để người đọc không biết ngoại ngữ cũng đọc được dễ dàng, nhất là những tên riêng dài như Na-bu-cô-đô-no-xo, Ê-dê-ki-en …”

“Những ngoại lệ : đối với những tên quá thông dụng, cố gắng giữ cách phiên âm quen dùng trong Hội Thánh. Ví dụ : Thánh Giu-se, Phê-rô. Vấn đề là ở chỗ: thế nào là thông dụng? Tất nhiên không thể đặt linh mục tu sĩ làm chuẩn mà phải lấy quảng đại quần chúng giáo dân làm chuẩn. Cố gắng tránh những âm nghe không được thanh, ví dụ Yehudit phiên âm là Giu-đi-tha”.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đăng nguyên văn các tiền đề cũng như các lời giải thích của Nhóm CGKPV, để các nhà khoa học, ngôn ngữ học và quần chúng cùng tham gia góp ý. Chúng ta hi vọng sẽ tìm được quyết định chung trong việc thống nhất cách viết các tên riêng.

3.2. GIẢI ĐÁP MỘT SỐ ĐIỂM PHỤ VỀ CHUẨN HOÁ CHỮ VIẾT

3.2.1. Việc viết hoa các tên riêng

Các nhà khoa học và ngôn ngữ học đã trình bày nhiều ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi có bài của Gs. Ts. Nguyễn Quang Hồng: Mấy vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt và chữ Việt hiện thời; của Gs. Nguyễn Trọng Báu: Chuẩn chính tả và vấn đề viết hoa; Gs. Nguyễn Thanh Đức: Về quy định viết hoa của Văn phòng Chính phủ theo quyết định số 09/1998 QĐ – VPCP ngày 25-11-1998; Lê Hữu Tỉnh: Vấn đề thống nhất chính tả trong sách giáo khoa và việc dạy chính tả cho học sinh tiểu học (x. Đề tài khoa học, Sđd, tr 6-10, 75-96). Chúng ta có thể tóm tắt vài điểm chính sau đây:

Viết hoa là để phân biệt tên riêng của người đó hoặc địa danh đó là cái không thể giống cái khác, chỉ có một mà thôi. Dù viết hoa không làm thay đổi âm thanh lời nói, nhưng thể hiện được các ý định diễn đạt khác nhau của người sử dụng và làm phong phú thêm ngôn ngữ. Khi viết hoa, ta phải chú ý đến cấu trúc tiếng Việt, quy luật phát triển nội tại của tiếng Việt và đến tính xã hội của ngôn ngữ như khoa học, đơn giản, tiện dùng.

Sau đây là những nét chính về quy tắc viết hoa nên được chấp nhận như sau:

– Viết hoa tên riêng các nhân danh, địa danh: viết hoa tất cả các chữ cái đầu của các âm tiết có mặt trong tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Bố Cái Đại Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Bình…

– Nhân danh: Ở một số người, ngoài tên riêng còn có thể có biệt hiệu, tước hiệu, tên tự, tên huý, bút danh … gắn liền với tên thật và chỉ riêng người đó có được coi là danh từ riêng và viết hoa theo quy tắc vừa nói trên. Ví dụ: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Bố Cái Đại Vương, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, …

Một số tên người Việt chỉ gọi tên, không kèm theo họ hoặc tên đệm, nhưng tên đó luôn kèm theo từ (danh từ chung) chỉ học vị, chức vụ, ngôi thứ trong gia đình. Từ này gắn bó chặt chẽ với tên gọi chính để biểu hiện sự riêng biệt thì xem như một tên riêng. Ví dụ : Trạng Trình, Nghè Tân, Cống Chỉnh, Đề Thám, Tú Xương, Cả Trọng, Hai Lúa, Út Tịch, Đội Cấn, Cha Diệp, …

– Địa danh: bao gồm tên địa lí và tên gọi các hiện tượng tự nhiên: sông, núi, biển, lãnh thổ, di tích, phương hướng, thời gian, tinh tú … được xã hội Việt Nam biết đến và được Việt hoá bằng chữ quốc ngữ. Ví dụ: Việt Nam, Hàn Quốc, Đà Nẵng, Trường Sơn, Hồng Hà (sông Hồng), Hương Giang (sông Hương), Vạn Lý Trường Thành, Châu Á, Vũng Tàu, Mũi Né, Hòn Chông, Bãi Cháy, Hồ Gươm, (chùa) Một Cột, (đền) Quán Thánh, Thái Bình Dương, Đông Âu, (khu vực) Hữu Ngạn, (biên giới) Tây Nam, (gió mùa) Đông Bắc, (năm) Kỉ Mão, tết Đoan Ngọ, (tiết) Trung Thu, Mặt Trời, Sao Mộc, (sao) Bắc Đẩu, Sao Mai, (dải) Ngân Hà, (cõi) Niết Bàn, Thiên Đàng, (ngục) Cửu Ti.

– Viết hoa tên gọi không phải là danh từ riêng

Tên gọi một số tổ chức, cơ quan, đoàn thể, nhà máy, trung tâm, công ti … thường thường không phải là một, hai từ mà là một chuỗi từ, trong đó có cả danh từ chung và danh từ riêng hoặc chỉ toàn là danh từ chung. Có người đã chủ trương viết hoa tất cả các âm tiết trong khối tên riêng ấy hay chỉ viết hoa một âm tiết đứng đầu cụm từ cho đơn giản. Ví dụ : Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo hay Bộ giáo dục và đào tạo.

Nhưng rõ ràng là không phải tất cả các thành tố làm nên tên gọi đó đều có đầy đủ tiêu chí của một danh từ riêng. Ví dụ: từ và trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em. Cách viết hoa của tiếng Anh, tiếng Pháp cũng thế. Ví dụ: Congregation for the Doctrine of the Faith, Conseil Pontifical de la Culture.

Do đó, đề nghị cách viết hoa như sau:

– Bắt đầu một tên gọi xem như tên riêng : sẽ viết hoa chữ cái đầu tiên của âm tiết đầu. Ta gọi là yếu tố 1.

– Viết hoa các từ ngữ chỉ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, công việc… nhưng chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong các danh từ chung này. Ta gọi là yếu tố 2.

– Viết hoa tất cả các âm tiết của từ được dùng làm danh hiệu, dù chúng là danh từ riêng hay danh từ chung. Ta gọi là yếu tố 3. Ví dụ, từ “Giáo Hội” viết hoa để chỉ một tổ chức độc nhất của Kitô giáo và từ “giáo hội” viết thường để chỉ chung tất cả các tổ chức tôn giáo như khi nói : các giáo hội địa phương, …

Ta có các ví dụ sau đây:

Yếu tố 1 Yếu tố 2 Yếu tố 3

Bộ Khoa học công nghệ và môi trường Việt Nam
Viện Đại học Mở Bán Công Hà Nội
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Ninh
Nhà máy Bóng đèn Rạng Đông
Xí nghiệp May mặc Hoa Hồng
Ủy ban Giám mục về Phụng tự Thánh nhạc
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Giáo hội Công giáo Việt Nam
Công đồng Chung Vatican II
Công đồng Miền Đông Dương

– Viết hoa các tu từ

Đây là cách dùng chữ hoa để riêng hoá các từ ngữ chung nhằm thể hiện sắc thái biểu cảm trong văn bản. Viết hoa tu từ là một lĩnh vực linh hoạt, mang đậm tính cách cá nhân sáng tạo của người viết. Tuy nhiên, trong phạm vi của quy tắc chính tả, viết hoa tu từ cũng đòi hỏi một chuẩn mực nhất định. Những chuẩn mực đó được đề nghị như sau:

– Một số danh từ chung được viết hoa để tỏ sự tôn kính, trân trọng, biệt cách, nhấn mạnh… Ví dụ: Bác Hồ, Tổng thống, Hoàng đế, Đức Thánh Cha, Giáo hoàng, Giám mục, …

– Các danh hiệu, tước vị, tên giải thưởng cao quý, tên huân chương, huy chương … Ví dụ: Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động, Hiệp sĩ, Chiến sĩ Thi đua, …

-Tên các tôn giáo, đạo giáo. Ví dụ: Công giáo, Phật giáo, …

– Các danh từ chỉ con vật, loài vật, đồ vật, sự vật được nhân cách hoá để sinh động và riêng hoá chúng. Ví dụ : cụ Dế gáy ti tỉ, cô Bướm Hoa bay lượn đùa cùng cậu Ve Sầu…

Tóm lại, những đề nghị của các nhà ngôn ngữ học trên đây có thể giúp chúng ta ổn định hơn về việc viết hoa các tên riêng, làm cho các văn bản Công giáo từ nay có tính cách khoa học hơn về mặt ngôn ngữ.

3.2.2. Giải đáp về việc đánh dấu giọng trên nguyên âm

Muốn đánh đúng dấu giọng, ta cần phải phân biệt nguyên âm và phụ âm, âm chính và âm đệm, âm đầu và âm cuối. Trong nguyên âm cũng nên phân biệt âm dài, âm ngắn, âm đôi và các bán nguyên âm hay bán phụ âm. Khoa ngôn ngữ học ngày nay cho ta hiểu rằng, có những chữ viết là nguyên âm, nhưng khi đọc lên lại biến thành phụ âm, người ta gọi chúng là bán nguyên âm, vì luồng hơi phát ra không đi thẳng nhưng có sự phụ giúp của các cơ quan phát âm như môi, lưỡi, họng. Ví dụ: chữ i là nguyên âm /i/ trong từ ti /ti/ nhưng lại là bán nguyên âm trong từ tôi /tôj/. Chữ o là nguyên âm /o/ trong từ to /to/ nhưng là bán nguyên âm /w/ trong từ toả /twả/. Chữ u là nguyên âm /u/ trong từ tu /tu/ nhưng là bán nguyên âm /w/ trong từ tuế /twế/. Bán nguyên âm o và u này đọc ra giống nhau.

Nguyên tắc cơ bản là chữ Việt luôn đánh dấu giọng trên nguyên âm. Vậy nếu chúng ta phiên âm các từ theo âm quốc tế, ta sẽ thấy ngay vị trí dấu phải đánh trên chữ nguyên âm nào. Ví dụ : hài /hàj/; hoài /hwàj/; hoà /hwà/; hoè /hwè/; huề /hwề/; huý /hwí/; thuở /?wở/; thuỷ /?wỉ/; … Như thế, trong các vần oa, oe, uơ, uê, uy, chúng ta phải đặt dấu giọng vào âm sau mới đúng ngôn ngữ học. Đây là những vần dễ bị sai nhất.

Ta có thể tóm tắt nguyên tắc đánh dấu sau đây: “Dấu giọng luôn đặt vào nguyên âm được dùng làm âm chính trong âm tiết. Ví dụ: hài hoà. Trường hợp gặp nguyên âm đôi (nhị trùng âm) như : /iê/, /uô/, /ươ/, dấu giọng được đặt vào nguyên âm đầu nếu trong âm tiết không có âm cuối. Ví dụ: chia lìa, lúa úa, chữa lửa … Nếu có âm cuối, dấu giọng đặt vào nguyên âm sau. Ví dụ: tiễn biệt, uống thuốc, hướng thượng …” (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật chữ, NXB Giáo Dục, 1996, tr 129).

Khi hiểu rõ về các âm, ta sẽ thấy sự khác biệt về phát âm khi đánh dấu trên các từ. Ví dụ : huỷ /hwỉ/ và hủi /hủj/; gịa /zịe/ và giạ /zạ/ trong từ giặt gịa và giạ lúa.

· Riêng về âm /i/ với qu: cũng vì muốn phân biệt các âm với dấu giọng cho đúng đắn, chúng ta phải viết quý thay vì quí. Vì hai cách đọc sẽ rất khác nhau: tuý và túi, suý và súi, thuỷ và thủi, … Như thế, người ta không viết quít, quính, quiết mà phải viết quýt, quýnh, quyết, … Các âm tiết yêu, yên … vẫn tiếp tục viết theo thói quen.

· Hiện tượng viết i và y: Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có chủ trương thống nhất viết i với tất cả các trường hợp có âm /i/ ở cuối âm tiết (x. Quyết định số 240/ QĐ ngày 5-3-1984) trừ âm uy /wi/ ta vừa nói ở trên. Ví dụ viết : hi, ki, li, mi, ti thay vì hy, ky, ly, my, ty. Nhưng hiện nay trong xã hội người ta vẫn viết nước đôi như : hi / hy sinh; mĩ / mỹ miều; hay chỉ viết Lý Thái Tổ, thời kỳ, Kỷ Mão, kỷ luật, …

Các nhà ngôn ngữ học đề nghị tạm thống nhất cách viết như sau:

Khi chữ i đứng một mình:

– Người ta viết i đối với những từ thuần Việt, như: í ới, ì ạch, ầm ĩ, âm ỉ

– Người ta viết y đối với những từ Hán Việt, như: y phục, y sĩ, ỷ lại, ý kiến…

Khi đi với các âm khác, nhất là các tên riêng có liên quan đến Hán Việt như Lý Thái Tổ, Hy Lạp, Kỷ Mão, nước Mỹ, Lý Quí Chung … phải theo luật về tên riêng.

Còn những từ khác không cần phân biệt, ta nên loại bỏ tình trạng viết nước đôi để dần dần đi đến sự thống nhất cách viết. Ví dụ: hi sinh, kỉ luật, công ti, lí lẽ, mĩ thuật … (x. Đề tài khoa học, Sđd, tr. 10; 103-105).

3.2.3. Nên đặt tên riêng ở “cách” nào?

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay có lẽ chưa nghĩ đến và bàn luận về vấn đề đặt tên riêng tiếng nước ngoài ở “cách” nào, đối với một số từ của các ngôn ngữ có sử dụng “cách” như tiếng Latinh, tiếng Nga, tiếng Đức, … Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học của các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Ý … đã nghĩ và đã giải đáp về vấn đề này cho ngôn ngữ của họ. Nhưng trước khi đi vào vấn đề, có lẽ ta nên lược qua vài nét lịch sử về “cách” của một vài ngôn ngữ.

· Chữ Latinh và các ngôn ngữ Âu Mỹ

Các người dân trong nhiều nước Âu Châu, Bắc Phi Châu và miền Tiểu Á, Trung Đông đã cùng sống trong một bối cảnh lịch sử và văn hoá giống nhau, trước là của đế quốc Roma, sau là của văn minh Kitô giáo từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 18, 19. Vì thế, họ đã dùng tiếng Latinh như phương tiện truyền đạt chính của tầng lớp trí thức trong xã hội. Sau đó, do ý thức dân tộc phát triển, người ta bắt đầu dựa vào tiếng Latinh để làm ra ngôn ngữ và chữ viết riêng của dân tộc, rồi chuyển dịch tất cả những tên riêng trong lịch sử của nước mình hay nước ngoài theo ngôn ngữ từng nước. Ví dụ: chuyển từ tên Petrus (Latinh) sang Peter (Anh), Pierre (Pháp), Pietro (Ý), Pedro (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha). Vào cuối thế kỷ 19, khi ý thức nhân vị phát triển, người ta giữ lại tên riêng của từng cá nhân và không còn đổi theo ngôn ngữ nước mình. Ví dụ: người Pháp sẽ không đổi tên Tony Blair của Thủ tướng Anh thành Antoine Blair. Người ta giữ nguyên các tên như Francesco Buzomi (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), François Pallu (Pháp), Phanxicô Trần Hoàn và Phan Sinh Đức (Việt) dù tất cả đều bắt nguồn từ Franciscus.

Hơn nữa, những cuộc di cư và định cư vì nhiều lý do khác nhau đã khiến cho nhiều sắc tộc sống chung với nhau trong cùng một quốc gia hay lãnh thổ. Vì thế, người trong nước đó lại mang những tên gốc nước ngoài và người ta vẫn tôn trọng giữ nguyên ngữ cho tất cả các tên tiêng ấy. Ví dụ: ở nước Mỹ, ta thấy có đủ những tên gọi cùng một gốc như: Francis (Anh), François (Pháp), Franco hay Francisco (Tây Ban Nha), Frank (Đức), …

Một số ngôn ngữ Tây phương có những cách (case) chia khác nhau cho mỗi loại từ như danh từ, tính từ. Ví dụ, trong tiếng Latinh, nhiều tên riêng giống đực ở danh cách tận là us, như: Petrus, Paulus…, trong khi tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lại tận bằng o như Pietro Pedro, hay Paolo Paulo … Tiếng Nga cũng có 6 cách như tiếng Latinh nên từ Mockba ở danh cách khi làm đối tượng trực tiếp (cách 4) là Mockby và cách 6 là Mockbe. Tên tiếng Anh và tiếng Pháp lại không chia thành cách.

– Chữ quốc ngữ

Chữ quốc ngữ của chúng ta là chữ viết ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Đây là loại chữ đã được các linh mục dòng Tên gốc Bồ Đào Nha, Ý, Pháp như João Roiz, Gaspar Luis, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Gaspar d’Amaral với sự cộng tác âm thầm của nhiều người Việt như Igesico Văn Tín, Bento Thiện sáng tạo ra trong khoảng những năm 1620-1659. Nói một cách tổng quát, các nhà sáng tạo đầu tiên này đã dùng mẫu tự Latinh, rồi dựa vào một phần của tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha và vài dấu của cả tiếng Hy Lạp để làm thành tiếng Việt cơ bản. Ta có thể xem cuốn Từ Điển Việt Bồ La và cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes để thấy dạng chữ quốc ngữ khởi đầu (x. Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Tủ Sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972).

Khi tên gọi của các thánh người Tây Phương được đặt thành tên thánh cho người Công Giáo Việt Nam, ta thấy xuất hiện đủ các hình thức gốc chữ của các dân tộc Châu Âu: từ chữ Latinh, chữ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cho đến chữ Pháp và sau cùng là Anh Mỹ. Vì thế, ta không lạ lùng khi thấy tên thánh được ghi dưới nhiều dạng khác nhau. Hiện nay, có 2 dạng được đa số quần chúng sử dụng: một dạng nguyên ngữ Latinh đặt ở danh cách như Petrus, dạng kia được Việt hoá thường tận bằng o hay e (như thể ở cách 6 của tiếng Latinh) như Phêrô, Phaolô, Timôthê, Clementê …

Dạng theo nguyên ngữ Latinh đặt ở danh cách đã được nhiều người, dù ở ngoài Kitô giáo, biết đến từ lâu. Dạng này có lợi điểm là dễ tạo được sự thống nhất với nhiều ngôn ngữ khác. Ví dụ: nói đến Paulus Huình Tịnh Của hay Petrus Trương Vĩnh Ký thì người trong nước hay nước ngoài đều biết đó là những học giả nổi tiếng của Việt Nam và là người theo đạo Thiên Chúa. Hoặc khi chúng ta viết Marcus Aurelius, Titus (khoảng 40-81 AD), thì độc giả nước nào cũng hiểu ngay đang nói về các nhân vật lịch sử người Roma. Tuy nhiên, dạng này có điểm yếu là khó đọc đối với người Việt khi gặp một số âm đầu hay một số âm cuối như l, r, s. Ví dụ: Israel, Shakespeare. Điều này có thể giải quyết bằng cách viết thêm phần phiên âm sau nguyên ngữ đối với các từ lạ xuất hiện lần đầu. Tuy nhiên, các sách nước ngoài không làm như vậy vì giả thiết người đọc có thể tra cứu từ điển phần tên riêng.

Dạng Việt hoá không ở danh cách có lợi điểm là dễ đọc, vì người Việt chúng ta khó phát âm những phụ âm cuối, và đặc biệt có lợi cho các bài hát, vì dễ đặt nhạc cho các âm “mở”. Do đó người ta đã phiên âm Marcus Aurelius thành Mát-cô Ao-rê-li-ô, Titus thành Ti-tô … Dạng này dù mới phổ biến trong mấy thập niên gần đây nhưng đang được nhiều người dùng, nhất là trong sách Kinh, sách hát. Điểm yếu là để dễ phát âm người ta đã làm biến dạng từ gốc. Ví dụ: It-ra-en (Israel), Sếch-bia (Shakespeare).

Khi chúng tôi soạn tài liệu cho cuốn Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, một số giáo phận gửi danh sách linh mục ghi tên thánh ở danh cách theo tiếng Latinh (Petrus), trong khi một số khác lại ghi theo âm chữ Việt (Phêrô). Nếu theo nguyên tắc tôn trọng tên riêng, chúng tôi phải giữ nguyên các tên như đã gửi về. Nhưng nếu thế, lại có sự lộn xộn trong bảng tổng kết các linh mục toàn quốc. Ta hãy tưởng tượng một bản danh sách lúc thì Petrus, lúc thì Phêrô xen kẽ lẫn nhau. Vì thế, chúng tôi rất mong mỏi sự góp ý của độc giả về vấn đề này.

3.2.4. Có nên thống nhất các tên riêng theo bảng chữ cái không?

Vấn đề cuối cùng liên hệ đến tên riêng đặt ra cho người Công giáo ở Việt Nam là có nên thống nhất các tên riêng theo bảng chữ cái Latinh không?

Chúng ta biết bảng chữ cái Latinh với 26 chữ hiện nay chỉ hoàn chỉnh sau 18 thế kỉ. Sau khi người Phénicie phát minh ra bảng chữ cái theo âm vị với 20 phụ âm vào khoảng năm 900 BC (trước công nguyên), và năm 403 BC, người Hy Lạp công nhận hệ thống kí hiệu phiên âm này và đưa thêm 5 nguyên âm vào, thì 100 năm sau đó, người Roma mượn bảng chữ cái Hy Lạp, bỏ bớt vài chữ không thích hợp, thêm vần F và Q thành 23 chữ cái Latinh. Vào khoảng năm 1000 AD, chữ U và W được thêm vào. Đến khoảng năm 1500 AD, chữ J mới được thêm sau cùng. Bảng chữ cái này hiện nay là “mẹ” của tất cả các bảng chữ cái Âu Mỹ (x. Tạp chí Người đưa tin UNESCO, Nguồn gốc chữ viết, tháng 4-1995).

Các nhà ngôn ngữ học như Gs. Nguyễn Quang Hồng, Thanh Đức đã bàn nhiều đến các chữ cái, tên gọi và thứ tự của chúng trong bảng chữ cái Latinh (x. Đề tài khoa học, sđd, tr 5-6; 43-64). Nếu theo Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, tiếng Việt hiện nay có 33 chữ cái là : A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, W, X, Y, Z.

Khi các nhà văn, nhà báo viết tên riêng tiếng nước ngoài, họ viết theo gốc nguyên ngữ nên không có vấn đề đặt ra cho mấy chữ cái F, J, W, Z. Nhưng trong các văn bản Công giáo hiện nay, chúng ta gặp tình trạng lộn xộn khá phổ biến là sự không thống nhất trong phiên âm tiếng Việt. Ví dụ từ Jesus của tiếng Anh hay Jésus của tiếng Pháp, viết gần giống nhau và đọc khác nhau. Cả hai chữ tương ứng với Jesus của tiếng Latinh nên có thể nhận ra ngay. Trong các văn bản Công giáo tiếng Việt, người ta đã viết tên này khác nhau: Giêsu / Giê-xu / Giê-su / Jesu / Yêsu. Vậy nên thống nhất cách viết như thế nào? Có nên đổi tất cả các chữ J ở tên riêng thành Gi như Giêsu, Gioan, Giacôbê, Giuse cho có tính cách Việt ngữ không? Hay ngược lại đổi thành Jêsu, Joan, Jacobê, Juse? Cách viết này gần với tiếng nước ngoài và đọc đúng âm của chúng vì trong tiếng Việt có sự phát âm khác nhau giữa hai chữ J và Gi. Thật ra, nếu có một quyết định đổi từ Gi sang J cho các tên riêng này, chúng tôi thấy cũng không gây xáo trộn nhiều. Hoặc nên để tự do theo thói quen và tôn trọng mọi hình thức khác nhau của tên riêng?

Quyết định của HĐGMVN năm 1996 và 1997 chỉ xác định về nguyên tắc là giữ nguyên ngữ Latinh trong các sách Phụng vụ. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, vấn đề tên riêng không chỉ nằm trong các sách Phụng vụ mà còn liên hệ đến mọi lãnh vực của văn bản Công giáo. Hơn nữa, khi đi vào chi tiết, quyết định này chưa xác định rõ cách viết theo tiếng Latinh là phải viết như thế nào và để ở cách nào. Ví dụ: viết Giêsu hay Jêsu hoặc Jesus; Giuse hay Juse hoặc Joseph; Phêrô hay Pêtrô hoặc Petrus, …

Quyết định của HĐGM rất đúng đắn về mặt ngôn ngữ học, nhưng chúng tôi mong có những hướng dẫn thêm về một số chi tiết cụ thể. Vấn đề này đã được tranh luận khá sôi nổi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, nhưng ý kiến đưa ra cũng tương tự như chúng tôi đã tóm lược từ các nhà ngôn ngữ học trên đây, không có gì mới.

Các nhà ngôn ngữ và khoa học đã khuyến cáo rằng, không nên để tình trạng này kéo dài mà chính Nhà Nước nên sớm quy định cụ thể. Quả thật, đã có những quy định cụ thể rồi. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, trong nội bộ Giáo Hội cũng nên có những quy định rõ ràng để chấm dứt tình trạng thiếu thống nhất trong các văn bản chính thức hiện nay, dù rằng vẫn tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân trong việc viết tên riêng của chính mình.

Có người e ngại cho rằng, nếu thống nhất cách viết như thế sẽ làm cho cộng đoàn giáo hội bị xáo trộn, rồi phải in lại nhiều sách vở đã có trước đây với bao tốn phí lớn lao và phải dạy lại cho các cộng đoàn sử dụng cách viết mới. Vấn đề đặt ra thật nan giải. Tuy nhiên, nhiều nước Âu Mỹ đã từng phải giải quyết những vấn đề như vậy và họ đã can đảm thực hiện để chấm dứt tình trạng hỗn độn không nên có này. Hơn nữa, chỉ cần các tổ chức và các tác giả viết sách báo chú ý đến vấn đề và sửa đổi cách viết thì dần dần các văn bản chính thức sẽ đạt được sự thống nhất trong tương lai.