Những Suy Tư Thần Học về Tiệc Cưới Cana

 
Sau khi Chúa Giêsu kêu gọi Philípphê và Nathanaen làm môn đệ, Ngài đi dự tiệc cưới ở Cana. Đây cũng là quê quán của Nathanaen (Ga 21,2), người có sẵn thành kiến: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Gioan 1,46). Để ‘sửa lưng’ ông, Chúa Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50). Chúa đã thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài, hóa nước thành rượu tại Tiệc Cưới Cana. Dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, biến cố trọng đại này không chỉ mở mắt tông đồ Nathanaen về quyền năng và bản tính đích thực của Đức Giêsu, mà còn cho thấy những ý nghĩa thần học ẩn khuất sau bức màn sự kiện và những lời đối thoại.
 
Tiệc Cưới Cana – Hôn Ước của Thiên Chúa và Dân Người
 
Thật lạ khi chỉ có Phúc Âm Gioan kể về câu chuyện Tiệc Cưới Cana (Ga 2,1-12), mà qua đó Thánh sử Gioan cho chúng ta thấy được một phép lạ phát xuất từ lòng thương xót của Chúa. Chính phép lạ này sẽ khởi đầu cho giai đoạn cuối trong kế hoạch cứu rỗi thế gian của Chúa Cha. Tiệc Cưới Cana nhắc ta nhớ về hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, một hôn ước được tiên tri Hosêa diễn tả thật trìu mến: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2, 21-22).
 
“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê…”
 
Thánh sử Gioan bắt đầu kể về tuần lễ đầu tiên trong Tin Mừng của Ngài, từ 1,19 đến 2,11. Trong bốn ngày đầu, Ngài viết về lời chứng của Gioan Tẩy Giả, về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên, rồi “vào ngày thứ ba” sau bốn ngày đầu chuẩn bị (4+3) Chúa đến dự Tiệc Cưới Cana [1][2][5]. Nói vắn tắt, TIệc Cưới Cana đã xảy ra vào ngày thứ bảy trong tuần lễ Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ của Ngài. Từ cách cắt nghĩa đó các nhà chú giải nhận ra những ý nghĩa thần học sâu xa của biến cố này:
 
1/ Thiên Chúa hiện ra với dân Israel trên núi Sinai “vào ngày thứ ba” để lập giao ước với dân (Xh 19,11&16).
 
2/ Tuần lễ đầu tiên của Tin Mừng Gioan gợi ta nhớ về tuần lễ sáng tạo trong sách Khởi Nguyên khi Chúa tạo thành người nam và người nữ. Thật vậy, ngày thứ bảy khi Chúa làm phép lạ thứ nhất tại Cana chính là ngày đầu tiên của thời Sáng Tạo mới. [1]
 
Tiệc Cưới Cana – vai trò của Mẹ Maria
 
Trong số khách mời dự tiệc, Mẹ Đức Giêsu được nhắc đến trước tiên, rồi sau đó đến Đức Giêsu và tiếp đến là các môn đệ của Ngài (có lẽ lúc này thánh Giuse đã mất nên không được nhắc đến). Trong Tin Mừng Gioan, thánh sử chỉ viết hai lần về Mẹ Chúa: tại Tiệc Cưới Cana và dưới chân Thánh Giá (19, 25-27), đây cũng là lúc Chúa khởi đầu và kết thúc sứ vụ. Cả hai lần, Thánh sử không viết ra tên của Mẹ, nhưng chỉ dùng từ “thân mẫu Đức Giêsu”.
 
1/ Bằng cách này có lẽ thánh sử muốn ám chỉ rằng Mẹ thực sự hiện diện xuyên suốt thời kỳ Chúa thi hành sứ vụ và Mẹ đã hành xử như là “thân mẫu Đức Giêsu” tại hai thời điểm quan trọng khi thần tính của Đức Giêsu được tỏ hiện.
 
2/ Với thủ pháp văn chương như trình bày ở trên, Thánh sử muốn nhấn mạnh đến tính biểu tượng cao trong vai trò của Mẹ trong lịch sử Cứu độ. Kinh thánh Cựu Ước thường nhân cách hóa dân Chúa như một người nữ, chẳng hạn như “thiếu nữ Xion” (Is 62,11) hay con của Mẹ Xion (Is 66, 7-9) và trong Tân Ước, Giáo hội chính là cô dâu của Đức Kitô (2Cor 11,2; Ep 5, 29). Tại Tiệc Cưới Cana, Mẹ là đại diện cho dân Chúa vâng phục và trung thành. Như dân Israel xác định lòng trung thành với Chúa khi ký kết Giao ước tại Tiệc cưới Sinai: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” (Xh 24,3), Mẹ Maria hướng dẫn những người hiện diện tại Tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mẹ là mẫu gương cho các tín hữu vâng lời Thiên Chúa. Mẹ đã sống và đồng thời khuyến khích lòng trung thành và tình yêu với Thiên Chúa. [3]
 
“Họ hết rượu rồi.”
 
Người ta không biết rõ về địa điểm Cana nơi Tiệc Cưới diễn ra. Cana có thể là Khirbet Cana, một làng nhỏ cách Nazaréth 15 cây số về phía Bắc, hay là làng Kef Kenna, cách Nazaréth chỉ 7 cây số về phía Đông Bắc. Khi cử hành đám cưới theo tục lệ Do Thái, bà con họ hàng và ngay cả khách qua đường cũng được mời để chung vui với đôi tân hôn. Trong ngày trọng đại này, rượu được dùng trong bữa tiệc và cũng để tạo một không khí hội hè. Vì các phụ nữ lo phần ăn uống cho bữa tiệc, nên Mẹ Maria cũng góp tay phụ giúp. Đó là lý do tại sao Mẹ phát hiện ra gia chủ hết rượu. Ngoài mục đích thông thường là để đãi thực khách, ở đây rượu còn có một ý nghĩa thiêng liêng.
 
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mẹ mình không dễ hiểu chút nào: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Ai đời Mẹ mình mà Chúa Giêsu thưa bằng “bà”? Thật ra, thưa “bà” là cách thưa gửi long trọng bày tỏ lòng tôn kính cũng như khi người ta dùng từ “lady” trong tiếng Anh. Chúa dùng từ này lần thứ hai với lòng trìu mến và sự kính trọng khi Ngài trên thập giá thưa chuyện với Mẹ mình: “Thưa Bà, đây là con của Bà”(Ga 9,26).
 
Riêng câu “chuyện đó can gì đến bà và tôi?”, thì theo cách nói của người phương Đông, câu này có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo mạch văn. Câu trả lời của Chúa có thể hiểu rằng mặc dầu Ngài không có kế hoạch để can thiệp vào chuyện tiệc cưới hết rượu, nhưng Ngài đã làm phép lạ vì được Mẹ Ngài yêu cầu. Cũng vì vậy đối với các tín hữu, Mẹ đã trở thành người bầu cử đầy quyền thế cho họ trước mặt Chúa – supplicant omnipotence. [4]
 
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”
 
Qua những lời này, chúng ta thấy được hai vai trò chính của Mẹ Maria. Một là, trong vai một môn đệ gương mẫu, phụ thuộc vào con mình. Lời Mẹ chỉ dẫn các gia nhân ở Tiệc Cưới giống như lời đáp trả của dân Isael với Thiên Chúa khi thiết lập Giao Ước ở núi Sinai: “Tất cả những gì Yavê đã phán bảo, chúng tôi sẽ làm theo” (Xh 19,8). Hai là, trong vai trò người trung gian giữa Con mình và những người tổ chức Tiệc Cưới; Mẹ đã nói với Chúa về nhu cầu của gia đình chủ tiệc và rồi khuyến khích các gia nhân tuân theo lời Người. Trong đời sống của Giáo hội, Mẹ nói với Chúa về những nhu cầu của nhân loại và Mẹ khuyến khích các tín hữu trở nên môn đệ Chúa và tuân theo lời Người. [3]
 
“Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”
 
Qua miệng các tiên tri, Thiên Chúa đã loan báo kế hoạch cứu độ dân Người bằng cách cứu dân khỏi tội và tái lập giao ước. Giao ước mới này giống như cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân được cứu độ. Thiên Chúa không những đáp ứng tất cả những nhu cầu, nguyện vọng của dân mà còn ban tặng dư thừa ân huệ cho dân. Các tiên tri diễn tả điều đó bằng hình ảnh của một thời thịnh trị, y hệt như việc Chúa làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon tràn đầy.
 
Phép lạ tại Cana là điểm khởi đầu cho những dấu chỉ của Chúa Giêsu. Thánh sử Gioan muốn dùng các phép lạ như những dấu chỉ bởi vì những hành động quyền năng mạc khải cho chúng ta biết những sự thật thiêng liêng về Chúa Giêsu qua những phương tiện hữu hình. Việc Chúa biến nước thành rượu cho chúng ta biết Ngài đang thực hiện lời Chúa hứa giải cứu dân và canh tân Giao ước. Tựa như “vinh quang Thiên Chúa” được mạc khải cho dân tại Sinai, (Xh 24,16-17) vinh quang đó một lần nữa lại được tỏ hiện qua phép lạ tại Cana thực hiện bởi Ngôi Lời Nhập Thể. [3] Các môn đệ thấy được quyền năng và vinh quang của Chúa Giêsu và “các môn đệ đã tin vào Người (2,11)
 
Từ Tiệc Cưới Cana đến Bí Tích Hôn Nhân
 
Tiệc cưới Cana là một trong những bài đọc cho thánh lễ hôn phối. Qua đó, Giáo lý Công giáo dạy rằng: “Hội Thánh coi việc Đức Kitô hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Ki-tô.” (GLHTCG, 1613). Thiên Chúa thiết lập bí tích Hôn nhân như một dấu chỉ hữu hình của tình yêu kết ước trường tồn với dân Người. Đời sống hôn nhân vợ chồng có những lúc thuận buồm xuôi gió và cũng có lúc gặp phải phong ba bão tố vì những bất toàn, khiếm khuyết, mềm yếu của cả hai. Điều quan trọng phải thực hiện của đôi lứa là biết mời Chúa đến dự tiệc cưới, và hiện diện trong cuộc sống gia đình. Hãy xin Ngài giúp chúng ta thực hiện những cam kết sống yêu thương và trung thành với nhau, giúp biến nước lã là những khó khăn trắc trở của đời sống hôn nhân thành rượu ngon cho hy lễ của một tình yêu được thánh hóa.
 
Luke Khổng Quang
 

————————————————————————

[1] Farmer, William R. The International Bible Commentary. NXB Liturgical Press, Collegeville, Minnesota (1998), 1463-1464
[2] Durken, Daniel OSB: New Collegeville Bible Commentary. NXB Liturgical Press, Minnesota (2017), 1166-1167.
[3] Martin, Francis & Wright, William M. IV: The Gospel of John, NXB Baker Academic Press, Grand Rapids, Michigan (2018), 54-61
[4] Casciaro, José Maria. The Navarre Bible: The Gospels and Acts of the Apostles – Text and Commentaries. NXB Scepter Publishers, Princeton, NJ. (2008), 560 – 563
[5] Chiu, José Enrique Aguilar (Editor) and others: The Paulist Biblical Commentary, NXB Paulist Press, New Jersey (2018), 1122.
 
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
 

Điều Chúng Ta Tin
Phần 5: Giáo hội của Vinh quang và Tình yêu (Ga 17,4-10)

Joshua J. Whitfield
 
Khi Đức Giêsu tiếp tục lời cầu nguyện của Ngài trong chương 17 Tin mừng Gioan, Ngài vẫn nói về vinh quang.
 
“Con đã tôn vinh Cha dưới đất này bằng việc hoàn tất công trình mà Cha đã trao phó cho Con” (Ga 17,4). Thánh Augustinô nghĩ rằng ở đây Đức Giêsu đang nói trước về khổ hình thập giá sắp xảy đến. Thánh Tôma Aquinô cũng nghĩ những lời này chỉ về cuộc Khổ nạn, bởi vì theo một nghĩa nào đó, điều đó “đã bắt đầu”. Nhưng thánh Tôma còn hiểu công trình được nhắc đến hiển nhiên quy chiếu về giáo huấn tại thế của Đức Giêsu, nghĩa là tất cả những gì được tìm thấy trong các Tin mừng tính đến thời điểm này – lời Ngài rao giảng, phép lạ Ngài thực hiện. Vinh quang mà Đức Giêsu cầu nguyện vào lúc ấy hợp thành một khối với toàn bộ đời sống của Ngài. Cùng một vinh quang trong cả đời sống lẫn cái chết.
 
“Giờ đây, lạy Cha, xin tôn vinh Con bên Cha với vinh quang mà Con có cùng Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Thánh Tôma Aquinô đồng ý với thánh Augustinô về cách hiểu câu này: ở đây, Đức Kitô, trong bản tính nhân loại, xin Chúa Cha tôn vinh bản tính nhân loại của mình bằng chính vinh quang mà Đức Kitô trong bản tính thần linh đã luôn sở hữu, từ “trước khi thế gian được tạo thành”. Trước đó Đức Giêsu đã nói với họ: “Ta phát xuất tự Chúa Cha và đã đến trong thế gian. Giờ đây ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 16,28). Tác giả Tin mừng và các Kitô hữu sơ thời khác hiểu rằng Đức Kitô đã ở cùng Chúa Cha trước cả khi thế giới hiện hữu – ngoài thời gian, Ngài “được sinh ra mà không phải được tạo thành” như Tín biểu Nicea chúng ta tuyên xưng, và hằng hữu cùng với Chúa Cha. Đó là lý do Chúa Cha và Chúa Con “đồng bản thể” như chúng ta đọc trong kinh Tin kính.
 
Đức Giêsu đã gợi ý điều này từ sớm trong Tin mừng khi nói những lời tương tự: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, vậy Ta cũng làm việc”. Khi Đức Giêsu nói điều này, Tin mừng cho biết người ta lại “càng tìm cách giết Ngài hơn nữa, bởi Ngài không chỉ phá luật ngày sabát, nhưng còn gọi Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,17-18). Như bạn thấy, lý do các phép lạ Đức Giêsu thực hiện vào ngày sabát gây cớ vấp phạm đến vậy là bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm việc vào ngày này. Khi nói rằng Ngài làm việc như Cha Ngài làm việc, người nghe lập tức hiểu điều Ngài muốn truyền đạt. Thậm chí Ngài còn đề cập rõ hơn sau đó trong Tin mừng khi nói: “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10,30). Bởi vì ngay từ đầu, các Kitô hữu hiểu rằng những gì bạn nói về Đấng Thánh của Israel thì bạn cũng phải nói về Đức Giêsu. Họ không có thứ ngôn ngữ triết học như Giáo hội sử dụng về sau, nhưng họ biết Đức Giêsu chia sẻ vinh quang với Chúa Cha ngay từ ban đầu. Trước đó trong Tin mừng, Philipphê đã xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho chúng con thấy Chúa Cha”. Đức Giêsu trả lời ông: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-9). Một số người đặt giả thuyết rằng các Kitô hữu chỉ phát kiến ra ý tưởng về thần tính của Đức Giêsu vào khoảng thế kỷ thứ tư. Nhưng chỉ cần đọc lướt qua Tân ước cũng thấy được rằng điều này rõ ràng vô lý. Các Kitô hữu sơ thời đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chắc chắn họ không có từ vựng của thế kỷ thứ tư, nhưng họ vẫn tin vào điều đó.
 
Quay trở lại chương 17 Tin mừng Gioan, điều Đức Giêsu cầu xin Cha Ngài thực hiện, đó là nâng Ngài lên trong bản tính nhân loại. Vào giờ của tối tăm và bội phản, Đức Giêsu vẫn nói về ving quang, vinh quang của công cuộc rao giảng, của đời sống và cái chết của Ngài. Ngài đang cầu xin Cha Ngài, theo ngôn ngữ Phaolô dùng sau này, siêu tôn Ngài, ban cho Ngài danh “vượt trên hết mọi danh”, [hầu khi nghe] “danh Giêsu”, mọi đầu gối phải bái quỳ và tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,9-11). Một lần nữa, chí ít ta cũng rất đỗi kinh ngạc về việc cầu nguyện đang khi cận kề đòn roi và cái chết, cận kề những biến cố xem ra chẳng có gì đáng để tôn vinh – ngoại trừ đối với những người tin. Họ sẽ nhìn thấy. Họ sẽ tin, và tìm thấy sự sống đời đời (Ga 8,28; 3,14-15).
 
“Con đã mặc khải Danh Cha cho những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, Cha đã ban cho con, và chúng đã tuân giữ lời Cha” (Ga 17,6). Lúc này Đức Giêsu nói về các môn đệ – nhóm Mười hai, nhóm bảy mươi và những người khác. Ngài đã trung thành trong việc chuyển trao lời, cũng như họ trung thành trong việc tuân giữ lời.
 
“Giờ đây, họ biết rằng tất cả mọi sự Cha ban cho Con đều phát xuất từ Cha, vì Con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã nhận lời ấy, họ biết thật rằng Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,7-8). Đức Giêsu đang nói về các môn đệ của Ngài; họ đã đón nhận, đã hiểu và đã tin. Nhưng hãy lưu ý đến điều đang bắt đầu hiển lộ, một vận động, một sứ vụ khởi đi từ trong Thiên Chúa: “tất cả mọi sự… lời”, mà Chúa Cha trao cho Chúa Con, Chúa Con lại trao cho các môn đệ. Dĩ nhiên, điều được trao ban là chính Đức Giêsu. Chúng ta cần lưu tâm đến tiến trình, đến động hướng, điều sẽ được nói rõ hơn về sau: Chúa Cha sai phái Chúa Con và Chúa Con kêu gọi và sai phái các môn đệ, đặt họ làm “tông đồ”, nghĩa là “được sai đi”. Các môn đệ hiểu rằng sứ vụ của họ là ra đi và loan báo về Đức Giêsu, chuyển trao lời như Đức Giêsu đã trao ban nó cho họ. Sứ vụ là rao giảng Đức Giêsu – Đấng cùng chia sẻ vinh quang với Chúa Cha từ trước khi thế gian được tạo thành – Đấng là một với Chúa Cha, Đấng trao ban sự sống đời đời.
 
Rồi Đức Giêsu tiếp tục: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi họ thuộc về Cha, và mọi sự của con đều là của Cha và mọi sự của Cha đều là của Con, và con được tôn vinh nơi họ (Ga 17,9-10). Điều này thật cuốn hút. Đức Giêsu không cầu nguyện cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ. Phải chăng Đức Giêsu đang loại trừ, đang thấy khó chịu với những kẻ đã không đón nhận Ngài? Tôi không hề nghĩ như vậy. Đúng hơn, điều này cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cách thế Đức Giêsu cứu độ chúng ta, đó là thông qua con đường của tình yêu vừa thực sự thần linh nhưng cũng hết sức nhân loại.
 
Hãy nghĩ về tình yêu ấy theo cách này, tôi có một người bạn tên Mark. Tôi yêu thương Mark như một người anh em trong Đức Kitô. Nhưng thực sự là tôi yêu vợ mình hơn yêu anh ta. Không hề có ai lấy làm lạ việc tôi yêu vợ mình hơn Mark cả. Nhưng sẽ kỳ quặc nếu tôi yêu họ như nhau. Và đó là lý do nơi công trình tạo dựng, những tình yêu dành riêng về mặt luân lý như chúng ta kinh nghiệm là điều gì đó rất tốt đẹp. Tôi cần phải yêu vợ mình hơn bất kỳ ai khác bằng một tình yêu không san sẻ. Và bạn cũng cần bỏ lại tất cả những người khác để yêu vợ hay chồng mình, vì bạn không yêu bất kỳ ai đến mức ấy. Nhưng tại sao? Tại vì khi bạn yêu một ai đó cách độc đáo và cá biệt, bạn sẽ biết yêu những người khác cho đúng đắn. Tình yêu cơ bản nhất ấy sẽ thiết lập trật tự cho tất cả những tình yêu còn lại. Chẳng hạn, tôi yêu con cái của mình hơn con cái của bạn, và đó là điều đúng đắn. Thiên Chúa trao cho tôi một tình yêu độc đáo, mãnh liệt để tôi trao cho con cái của mình, đó là điều tôi phải dành cho chúng, là điều tôi không có để dành cho con cái của bạn, và nó giúp cho con cái của tôi học biết được ý nghĩa của một tình yêu thực sự – để đến lượt mình, chúng có thể yêu một cách đúng đắn, và cứ tiếp tục như thế. Tình yêu độc nhất và có tính chiếm hữu về mặt luân lý là cách thế mà tình yêu lan tỏa trong thế giới này. Đó chỉ đơn thuần là cách thế tự nhiên để tình yêu triển nở. Tình yêu cá vị luôn đi trước tình yêu đại đồng. Đây chính là cách mà tình yêu hoạt động.
 
Vì thế chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa những lời của của Đức Giêsu: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17,9). Đức Giêsu yêu bằng chính tình yêu độc đáo, dành riêng, thân mật và cá vị. Ngài biết rằng khi Ngài yêu các môn đệ theo cách ấy và khi các môn đệ này yêu những môn đệ khác như vậy, thì tình yêu sẽ lan tỏa, bởi vì tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm, đều yêu và được yêu theo cách thân mật và cá vị như thế. Như bạn thấy, Kitô giáo không phải là một thứ cương lĩnh chính trị, một hệ thống giáo điều hay một tập hợp các luận đề triết học trừu tượng nào đó. Thay vào đấy, Kitô giáo đơn giản là tình yêu được triển nở. Vậy nên, ở đây đúng là Đức Giêsu không cầu nguyện cho toàn bộ thế gian. Nhưng điều này hoàn toàn hữu lý, bởi Ngài yêu bằng một tình yêu trọn vẹn thần linh và cũng trọn vẹn nhân loại. Vì yêu thương các môn đệ, Ngài cầu nguyện cho họ bằng một tình yêu – qua Giáo hội, theo thời gian – sẽ bao trùm cả thế giới. Đây là một tình yêu thông phần vào vinh quang của Chúa Cha và Chúa Con, chứ không hề là một tình yêu theo kiểu thế gian. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra chính căn nguyên của Giáo hội, của sứ vụ. Tất cả bắt đầu từ trong Thiên Chúa và trong tình yêu nơi những kẻ tin.
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Điều Chúng Ta Tin
Phần 4: Giáo hội được sinh ra trong đêm tối để hướng về đời sống vĩnh cửu

Joshua J. Whitfield
 
Nếu bạn muốn khám phá DNA của Giáo hội, hãy đọc chương 17 Tin mừng Gioan. Nếu bạn muốn hiểu về Giáo hội, thật cần thiết việc hiểu được lời cầu nguyện này của Đức Kitô. Vậy nên, xem xét kỹ lưỡng hơn bản văn này là điều trọng yếu.
 
“Nói thế rồi, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và nói: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha…’” (Ga 17,1). Điều xảy ra trước lời cầu nguyện này, tức những lời mà Đức Giêsu đã “nói thế”, nằm trong Gioan chương 13 đến 16, được các học giả Kinh thánh gọi là diễn từ “cáo biệt” hay diễn từ “cuối cùng” của Đức Kitô. Đó là những điều Đức Giêsu đã nói với các môn đệ tại Bữa Tiệc ly như Gioan ghi lại. Những vĩ nhân khác trong lịch sử đã có những diễn từ cáo biệt (chẳng hạn như Socrates và Môsê), Đức Giêsu cũng như thế. Chúng ta thường rất coi trọng những lời cuối cùng của một người, huống chi những lời ấy là của một vĩ nhân. Đây cũng là nội dung nằm trong các chương này của Tin mừng Gioan. Ở đó, Đức Kitô trao gửi lại sự khôn ngoan, niềm hy vọng và những lời từ biệt cho nhóm Mười hai – một trong số họ đã rời đi trước đó để nộp Ngài, trong khi những người còn lại (có lẽ ngoại trừ Gioan) sẽ sớm bỏ chạy trong sợ hãi. Diễn từ cáo biệt của Đức Kitô kết thúc với lời nguyện vừa trích, được dâng lên bởi một người sắp trơ trọi một mình.
 
Đức Kitô bắt đầu lời cầu nguyện trong Gioan chương 17 bằng việc ngước mắt khẩn xin Cha của mình, Đấng ngự trên trời. Lúc này, Đức Giêsu, một người Do Thái Palestine đang thưa chuyện với Cha trên trời, với Abba của Ngài, cũng có nghĩa là với Thiên Chúa, với YHWH, với Đấng Thánh của Israel. Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha lập tức gợi lại tuyên bố về sự thân mật mà Ngài có với Thiên Chúa của Israel. Chúng ta đã sớm chứng kiến điều này trong Tin mừng Gioan khi Đức Giêsu chữa lành một người đàn ông vào ngày Sabbath; lý do là vì Cha của Ngài đã làm việc vào ngày Sabbath nên Ngài cũng phải như vậy (Ga 5,17). Đức Giêsu thậm chí còn thẳng thừng hơn sau đó khi khẳng quyết: “Chúa Cha và Ta là một”, cũng như khi Ngài cho Philipphê biết rằng bất cứ ai thấy Ngài là “thấy Chúa Cha” (Ga 10,30; 14,9). Tuy nhiên, trong lời nguyện này – như sẽ được phân tích đầy đủ hơn dưới đây – Đức Giêsu diễn tả mối quan hệ ấy bằng thuật ngữ tôn vinh.
 
Đức Giêsu nói “giờ đã đến…”. Nếu bạn có một hiểu biết nào đó về Tin mừng Gioan, thì hẳn là bạn cũng biết về việc Đức Giêsu đã nhiều lần nói rằng giờ của Ngài chưa đến – tại tiệc cưới Cana chẳng hạn (Ga 1,1-12). Tuy nhiên, ngay ở đầu diễn từ cáo biệt, và thêm lần nữa ở đây, thì giờ đã đến. Đó là giờ của cuộc Khổ nạn, giờ Ngài chịu chết.
 
Nhưng Ngài nói về giờ để làm gì? Giờ đã đến là giờ dành cho việc “tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha”. Ít ra điểm này cũng tỏ lộ đôi điều về tính cách của Đức Giêsu. Từ góc độ thế tục, Ngài hoàn toàn thất bại. Theo cái nhìn thế gian, Ngài là kẻ thua cuộc. Như Gioan nhắc đến ở một nơi khác trong Tin mừng, “trời đã tối” (Ga 13,30). Hoặc trong Tin mừng Luca, đó là giờ của “quyền lực bóng tối” (Lc 22,53). Xét ở một phương diện nào đó, người ta có thể nói rằng Đức Giêsu đã rơi vào đường cùng, rằng phong trào đã chấm dứt. Thế nhưng, trong giờ phút của bóng tối, bội phản và thất bại, Đức Giêsu lại nói về điều gì? Về vinh quang. Nó hé lộ Đức Giêsu là ai. Nếu tôi rơi vào tình trạng Ngài gặp phải, tôi sẽ không nói về vinh quang. Bạn có muốn không? Tôi hầu chắc sẽ nguyền rủa cái cảnh huống khốn khổ của mình và tìm mọi cách thoát ra.
 
Nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài không làm vậy. Ngài cầu nguyện. Và chính ở lời cầu nguyện trong đêm tối ấy mà chúng ta khám phá ra hình ảnh thần học tuyệt đẹp của Đức Giêsu khi Ngài tôn vinh Chúa Cha và đồng thời Chúa Cha tôn vinh Ngài – một sự tôn vinh đối ứng. Khi nghĩ về vinh quang theo nghĩa thông thường, kiểu như vinh dự, chúng ta có thể học được điều gì đó từ Đức Giêsu. Chúng ta thường nghĩ về vinh quang của Thiên Chúa như thể nó hẳn sẽ lấy đi vinh quang của chúng ta, như thể nếu chúng ta tôn vinh Thiên Chúa thì bằng cách nào đó vinh quang của chúng ta sẽ lu mờ. Chúng ta nghĩ rằng vinh quang là một thứ khan hiếm. Nhưng đó chẳng phải là điều mà lời cầu nguyện của Đức Giêsu gợi ra. “Xin tôn vinh Con Cha để Con tôn vinh Cha”. Vinh quang của Đức Giêsu là vinh quang của Chúa Cha và vinh quang của Chúa Cha là vinh quang của Đức Giêsu, cũng như vinh quang của bạn là vinh quang của Thiên Chúa và vinh quang của Thiên Chúa là vinh quang của bạn. Vinh quang được dâng cho Thiên Chúa, không khiến bạn hao tổn, nhưng lại làm bạn nên dư dật. Nhưng thực ra đây chỉ là điểm phụ, bởi Đức Giêsu không nói về thứ vinh quang thông thường, nhưng về quan hệ tương liên của “Thần tính” và ân sủng, điều mà Chúa Con và Chúa Cha cùng chia sẻ. Một lần nữa, trong bối cảnh rộng lớn của Tin mừng Gioan, chúng ta hiểu “vinh quang” ở đây có nghĩa là quyền uy và sức mạnh hữu hình của Thiên Chúa, là kābōd của Người theo tiếng Hípri, là vinh quang đã được nhìn thấy nơi Ngôi Lời hóa thành nhục thể (Ga 1,14). Khi nhắc lại vinh quang theo nghĩa này, vì rằng Đức Giêsu cầu nguyện như vậy trước khi chịu khổ hình thập giá, người ta có thể tự hỏi, Ngài nghĩ gì về đòn roi và cái chết đang chờ đợi Ngài. Có lẽ không phải là sỉ nhục và thất bại, nhưng là sự biểu lộ của Thiên Chúa như Ngài đã tuyên bố trước đó: “Khi các ngươi nâng Con Người lên, các ngươi sẽ biết TA LÀ” (Ga 8,28). Có lẽ đó là điều Đức Giêsu nhắm đến ở đây qua từ vinh quang, vinh quang lạ thường này, vụ giết người này sẽ đưa ngày Thứ 6 cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Ngài đạt đến giá trị vĩnh cửu.
 
“…như Cha đã ban cho Ngài thẩm quyền trên hết mọi phàm nhân, ngõ hầu tất cả những ai Cha đã ban cho Ngài, thì được Ngài ban cho sự sống đời đời…” (Ga 17,2). Một lần nữa ở đây, từ cái nhìn trần tục, con người này là một kẻ thất bại. Con người ấy sắp gặp mặt Philatô, vị sẽ ra án tử cho ông. Philatô mới có thẩm quyền thực sự, còn Đức Giêsu thì không. Tuy nhiên, vừa rồi Đức Giêsu lại nói Ngài có “thẩm quyền trên hết mọi phàm nhân”. Phaolô sẽ nói về điều này sau đó trong Tân ước, khi ngài tuyên bố Đức Giêsu được nâng lên trên mọi “hàng thần thiêng và bậc quyền năng”, và được ban một “danh vượt trên hết mọi danh” (Cl 1,16; Pl 2,9). Điều này thể hiện niềm tin Kitô giáo sơ thời, rằng Đức Giêsu là “Chúa”, như đã nói đến ở phần trước của loại bài này, niềm tin này rất có tính khiêu khích. Đến đây, Đức Giêsu tự hiểu rằng Ngài được Đấng Thánh của Israel trao quyền trên hết mọi xác phàm. Nhưng để làm gì?
 
“Thẩm quyền” được dịch từ chữ exousia trong tiếng Hy Lạp, và đó là một từ thú vị. Nó liên hệ đến “quyền lực”, tiếng Hy Lạp là dunamis. Theo đó, exousia diễn tả khả năng hoặc quyền thực thi một quyền lực, như thế, exousia biểu tỏ chính mình trong dunamis. Điều này rất có ý nghĩa vì exousia thường chỉ về quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa, và chúng ta thấy ở đây, chính quyền năng ấy cũng thuộc về Đức Giêsu. Thánh Tôma Aquinô, khi đọc bản văn này, cho rằng toàn bộ việc nói về sự tôn vinh đối ứng đều nhắm đến ý nghĩa trên, rằng “bất kể điều gì Chúa Con có, Ngài có do bởi Chúa Cha”. Nghĩa là thẩm quyền này không đơn thuần được ủy thác cho Đức Giêsu nhưng chính Ngài nhân danh mình mà thực hiện, bởi Chúa Cha và Chúa Con là một. Và mục đích của thẩm quyền này không phải để tiêu diệt hay hạ bệ bạn, hay để đánh bại Philatô một lần cho tất cả. Đúng hơn, thẩm quyền của Đức Giêsu là thẩm quyền ban sự sống, được chuyển trao từ sự sống của Ngài trong Chúa Cha cho những kẻ tin vào được sự sống đời đời. Ở đây Đức Giêsu đang nói về cách thế của sự tái sinh (Ga 3,3). “Còn đối với những ai đón nhận Ngài, tức những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12). Và một lần nữa, thật đáng chú ý việc nhắc lại bối cảnh của lời cầu nguyện này. Ngay từ đầu lời cầu nguyện dâng lên Cha trong đêm tăm tối ấy, điều Đức Giêsu cầu nguyện không phải là thứ vinh quang và quyền lực đến từ những kẻ thuộc thế gian như Philatô, nhưng đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu nhìn chính mình trong mối liên hệ vinh quang với Cha của Ngài. Ngài không nguyền rủa số phận mình, cũng chẳng than phiền về Philatô. Thay vào đó, Ngài nói đến vinh quang, thẩm quyền và sự sống đời đời.
 
Vậy sự sống đời đời là gì? Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi này: “Mà sự sống đời đời tức là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật…” (Ga 17,3). Lối diễn tả này mang đậm chất Do Thái. Ngay từ đầu, người Do Thái đã muốn “nhìn thấy” và “biết” Thiên Chúa. Môsê đã xin được xem thấy vinh quang Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa bảo ông không thể nhìn thấy mặt Người mà còn sống (Xh 33,20). Các ngôn sứ đã nói về “sự hiểu biết” (יָדַע) của Thiên Chúa, từ có cùng một ngữ căn được dùng để gọi sự thân mật tính dục giữa vợ chồng. Dân Israel đã hy vọng về một sự thân mật tương tự với Thiên Chúa. Chẳng hạn, Hôsê đã sử dụng hình ảnh ấy để mô tả về giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và Israel – “Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ biết Ðức Chúa” (Hs 2,22). Giêrêmia đã nghĩ tưởng về một giao ước mới để nhờ đó mọi người sẽ biết Đức Chúa, hết thảy “từ người nhỏ đến người lớn” (Gr 31,34). Nói về sự hiểu biết Thiên Chúa là nói về một kinh nghiệm trực tiếp, thân mật với Người. Ở đây Đức Giêsu cầu nguyện cách mộc mạc như một người Do Thái tốt lành, một người nhận thức được việc hiểu biết về Thiên Chúa có nghĩa là sự sống – sự sống vĩnh cửu bởi Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu.
 
Nhưng sau đó, Đức Giêsu còn thêm: “… và [nhận biết] Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chúng ta đang tiến gần đến lời tuyên xưng có tính đột phá của Kitô giáo. Thánh Grêgôriô Nazianzênô nói rằng lời này là để “lật đổ” [cách hiểu sai lầm về] các vị thần. Có được sự sống đời là nhận biết Đấng Thánh của Israel, Đấng Hằng hữu – và Đức Giêsu Kitô. Điều này nằm ở chính cốt lõi của Tin mừng, rằng sự sống đời đời là nhận biết YHWH và Con của Người. Dĩ nhiên, Giáo hội đã mất một thời gian dài để diễn tả về mặt thần học mối tương quan này giữa Chúa Con và Chúa Cha – sử dụng những hạn từ như Ba Ngôi và đồng bản thể – nhưng đó lại là câu chuyện khác. Điều quan trọng ở đây – và như thế là đủ vào lúc này – đơn giản là chú ý đến vinh quang, điều mà những lời nói và lời cầu nguyện của Đức Giêsu hướng đến, cũng là điều Ngài chia sẻ cùng với Chúa Cha. Và đó là vinh quang chiếu tỏa trên chúng ta – những kẻ tin, những kẻ nhận biết Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
 
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Điều Chúng Ta Tin
Phần 3: Giáo hội là gì?

Joshua J. Whitfield
 
Nếu điều chúng ta tin bắt đầu với Đức Giêsu và Kinh thánh, vậy còn Giáo hội thì sao?
 
Chắc chắn, việc đặt niềm tin vào Giáo hội là một bổn phận căn bản trong đạo Công giáo. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta cùng tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Không có cái gọi là đạo Công giáo nếu không có Giáo hội. Nhưng lý do là gì? Và việc tin vào Đức Giêsu và Kinh thánh tương hợp như thế nào với việc tin vào Giáo hội?
 
Trước tiên, đâu là ý nghĩa của từ “Giáo hội”? Từ này trong tiếng Latin là ecclesia, hay ekklesia trong tiếng Hy Lạp, kirche trong tiếng Đức, iglesia trong tiếng Tây Ban Nha. Những từ kể trên đại khái có nghĩa là “tụ họp” hay “hội nghị được triệu tập”. Trong tiếng Hy Lạp thế tục, ekklesia chỉ về demos hay polis, tức dân chúng hay thành phố. Đối với các Kitô hữu, điều làm cho ekklesia của họ nên khác biệt nằm ở chỗ nó chỉ về một cuộc tụ họp trong Đức Kitô. Những từ này chắc hẳn tương ứng với từ trong tiếng Hípri là quâhâl, nghĩa là “đại hội được triệu tập” – bởi các chỉ huy, ngôn sứ hay trưởng lão… “Qoheleth”, danh xưng được đặt cho tác giả sách Giảng viên, có thể phát xuất bởi từ Hípri này và mang nghĩa đại loại như “người rao giảng” hay “người kêu gọi”.
 
Toàn bộ điều này mang lại cho chúng ta một hình dung cơ bản ngay từ đầu, giúp chúng ta định nghĩa bản chất của Giáo hội. Đó là việc một nhóm người xuất hiện, được mời gọi cùng nhau làm nên một cộng đoàn. Giáo hội được diễn tả theo nhiều cách thế khác nhau, qua việc sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau. Nhưng dẫu sao, tự ban đầu, chúng ta đã có một hình dung về Giáo hội nhờ chính hạn từ này: Giáo hội là một nhóm người được kêu gọi.
 
Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn nữa. Được kêu gọi vì điều gì? Ai kêu gọi? Đối với các Kitô hữu, đáp án là Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Giáo hội là một cộng đoàn do Thiên Chúa kêu gọi lại cùng nhau. Khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê (Mc 1,17), khi Ngài kêu gọi Lêvi (Mc 2,14), khi Ngài triệu tập nhóm Mười hai (Mc 3,13; 6,7), khi đám đông vây quanh và nghe Ngài nói rằng gia đình của Ngài là “bất kỳ ai tuân hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,35), thì điều Ngài đang thực hiện chính là kêu gọi những kẻ tin cùng bước vào trong một ekklesia. Nói một cách đơn giản, đây chính là cách mà niềm tin vào Đức Giêsu và Kinh thánh dẫn chúng ta đến niềm tin vào Giáo hội. Chúng ta tin rằng Giáo hội được sinh ra nhờ Ngài và trong Ngài, bởi chính Đức Kitô mà chúng ta khám phá trong Kinh thánh.
 
Để thấy được cách tỏ tường nhất sự nối kết giữa Đức Giêsu và Giáo hội, việc đọc chương 17 Tin mừng Gioan thật hữu ích. Trong tư cách một Kitô hữu, theo cá nhân tôi, bản văn này đã làm thay đổi mọi thứ. Nếu không vật lộn với nó, tôi đã chẳng trở thành người Công giáo. Nó vẫn tiếp tục là một bản văn giúp tôi nhìn ngắm và suy tư về hầu hết mọi sự. Hiện thời, tôi biết bản văn này nói lên rất nhiều điều. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, bản văn này có thể giúp ta nhận ra toàn bộ lịch sử, thần học và tất cả kinh nghiệm Kitô giáo. Đọc kỹ càng Gioan chương 17 cũng giống như đang khám phá bộ gen của Giáo hội. Theo một nghĩa nào đó, nó mạc khải về DNA của Giáo hội. Đó là vì khi Đức Giêsu cầu nguyện cho các một đệ nên một, như Chúa Cha và Chúa Con là một, Ngài đã mạc khải về hình thái mà nhóm người được kêu gọi này, tức thân thể của Ngài, phải tuân giữ. Cũng như khi Ngài cầu nguyện cho các môn đệ được thánh hiến và sai đi, Ngài mạc khải về sự thánh thiện và tông đồ tính của Giáo hội.
 
Như vậy, điều mà chúng ta đọc được trong Gioan chương 17 đóng vai trò nền tảng và có ý nghĩa lâu dài cho việc hiểu về Giáo hội ngày nay. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chỉ ra: “Sự hiệp nhất này, điều mà Thiên Chúa đã trao ban cho Giáo hội của Ngài và khát mong quy tụ muôn dân vào trong sự hiệp nhất ấy, không phải là một điều gì đó được thêm vào, nhưng nằm tại chính trung tâm của sứ vụ Đức Kitô” (Ut Unum Sint, số 9). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho các môn đệ nên một vừa thuộc về yếu tính của Giáo hội vừa có tính thiết yếu cho cách hiểu của chúng ta về Giáo hội. Điều Đức Giêsu nguyện xin trong Gioan chương 17 – để các môn đệ nên một, nên thánh thiện và nên tông đồ – có ý nghĩa then chốt đối với toàn bộ lịch sử Kitô giáo. Chúng ta nhận ra sự hiệp nhất trong Giáo hội: qua cách diễn tả “một lòng một ý” trong Công vụ Tông đồ 4,32 – một hình ảnh mà thánh Augustinô hết sức yêu thích; khi thánh Irênê lập luận chống lại các địch thủ theo Ngộ đạo, rằng các độc giả cần tránh các lạc thuyết và “gia nhập vào Giáo hội”; trong giáo huấn sắc bén của thánh Cyprianô, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đức Kitô và chỉ có một Giáo hội của Ngài; chỉ có một đức tin và một đoàn dân được gắn kết với nhau trong sự hòa điệu”, một dân “không thể bị chia tách”. Trước khi trở lại Công giáo, thánh John Henry Newman đã thốt lên “tâm trí tôi hiệp cùng các thánh!”, khi nhận ra chân lý nền tảng này.
 
Thế nhưng, tại sao lại là Gioan chương 17? Vì đó là lời Đức Giêsu đã cầu nguyện vào đêm cuối cùng trước khi chịu chết. Đó là lời Ngài đã cầu nguyện khi bị Giuđa phản bội còn các môn đệ khác bỏ chạy tán loạn vì sợ hãi. Một lời cầu nguyện dâng Chúa Cha ngay trước khi mọi sự hoàn tất, trước khi Ngài chịu khổ hình Thập giá: lời cầu nguyện ấy nằm trong diễn ngữ sau hết của Ngài, là chúc thư truyền lại ước vọng cuối cùng của Ngài ngay trước khi chịu nạn. Vào hoàng hôn ngày hôm sau, Ngài sẽ chết. Chương 17 Tin mừng Gioan cho ta biết những lời cuối cùng của Đức Giêsu. Đó là một giây phút đặc biệt, một bản văn Kinh thánh có ý nghĩa trọng đại, ít nhất có thể nói như vậy. Như tôi đã tuyên bố, bản văn ấy thật quan trọng để hiểu được tất cả những điều khác mà chúng ta tin. Chúng ta sẽ đến với lời cầu nguyện đặc biệt này của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trong phần tiếp theo.
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
https://www.simplycatholic.com/

Điều Chúng Ta Tin
Phần 2: Kinh thánh nói gì về Đức Giêsu

Joshua J. Whitfield
 
Để hiểu biết điều chúng ta tin, chúng ta cần đọc Kinh thánh. Nhưng Kinh thánh nói gì về Đức Giêsu?
 
Có một cách để giải đáp vấn đề này, đó là xem xét các tên gọi và tước hiệu của Đức Kitô. Thực tế thì Giáo lý Hội thánh Công giáo đã vận dụng cách tiếp cận ấy (x. GLHTCG, số 422-455). Các thần học gia, cả Công giáo lẫn Tin lành, cũng đã làm vậy qua hàng thế kỷ. Đơn giản mà nói, cách thuận tiện để khám phá việc Tân ước miêu tả về Đức Giêsu ra sao, đó là nghiên cứu các tước hiệu của Ngài. Chỉ cần phân tích một vài tước hiệu là đủ.
 
Điều mà Kinh thánh nói về Đức Kitô cách dứt khoát và lặp đi lặp lại nhiều nhất, như thánh Phêrô rao giảng vào lễ Ngũ tuần, là Ngài đã chịu khổ hình thập giá và bị giết chết, nhưng “Thiên Chúa đã cho Ngài trỗi dậy” (Cv 2,23-24). Như thế, Đức Giêsu là Đấng Phục sinh. Đây chính là kinh nghiệm sâu sắc nhất của các môn đệ và điều đó cũng thôi thúc các ông loan báo cho tất cả những ai biết lắng nghe.
 
Tuy vậy, việc tin vào sứ điệp trung tâm ấy cuối cùng lại gợi lên nhiều câu hỏi hơn – những câu hỏi về tiểu sử. Đại loại như Đức Giêsu đến từ đâu? Cha mẹ Ngài là ai? Ngài đã làm, đã nói những gì? Rõ ràng, Đức Giêsu là một thầy dạy. Ngài cũng được thừa nhận là một vị ngôn sứ và đã hành động trong tư cách đó. Nhưng Đức Giêsu khác với các thầy dạy và ngôn sứ khác như thế nào? Các Tin mừng được viết để giải đáp cho những câu hỏi như thế – để thỏa mãn cho một đức tin tìm kiếm sự hiểu biết – giống như Theophilus, một nhân vật đã có khao khát ấy, như thánh Luca nhắc đến trong Tin mừng của ngài, (Lc 1,3-4).
 
Sự khao khát và hiếu tri này nằm dưới tầng nền của các Tin mừng, và chúng đưa chúng ta bước vào toàn bộ thế giới Kinh thánh. Đức Giêsu từng chất vấn: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Thánh Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đấng Mêsia” (Mt 16,6). Cũng như hầu hết những điều về Đức Giêsu được nói đến trong Tân ước, câu trả lời trên chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của Kinh thánh Hípri [Cựu ước]. Chẳng hạn, hạn từ “Mêsia”, Hy ngữ dịch là “Kitô”, đơn giản có nghĩa là “được xức dầu”. Trong Cựu ước, các ngôn sứ, tư tế và nhà vua cũng được “xức dầu”. Đấng Mêsia mà Tông đồ Anrê cũng như người phụ nữ Samari mong mỏi, được hình dung theo kiểu một vị vua, giống như những vị vua thời Cựu ước – nhắm đến việc Thiên Chúa hoàn tất lời hứa về vương quyền dành cho Đavít, rằng triều đại của ông sẽ vô cùng vô tận.
 
Như thế, có thể thấy rằng truyền thống Do Thái đã soi rọi ý nghĩa cho Đức Giêsu. Điều này cũng đúng ngay với tên gọi “Jesus”. Đây là tên được thiên thần Gabriel loan báo cho Đức Maria (Lc 1,31); tên ấy giống với danh xưng “Joshua” [Giôsua] mà đôi khi được phiên tự thành “Yeshua” hay “Yehoshua”. Là người kế vị Môsê, Giôsua đã đưa dân vào Đất Hứa. Đức Giêsu, theo một nghĩa nào đó, cũng đã làm như thế. Danh xưng này cũng gợi lên Tứ tự – YHWH, bốn phụ âm không được phép đọc, và đôi khi cũng không được phép viết, dùng để chỉ danh Thiên Chúa trong Kinh thánh Hípri. “Jesus” đơn giản có nghĩa là “YHWH cứu độ”.
 
Mạng lưới ý nghĩa của truyền thống Do Thái cũng giúp chúng ta hiểu các tước hiệu như “Con Người”, là cách mà Đức Giêsu thường nói về chính mình. Từ này, theo một nghĩa, đơn thuần chỉ về “con người” giống như tất cả chúng ta đều là con cái “loài người” (Tv 8,4). Tuy nhiên, theo một nghĩa khác – và đặc biệt là khi Đức Giêsu đề cập đến “Con Người” như Tin mừng Luca thuật lại – từ ấy gợi lại nhân vật bí ẩn xuất hiện trong Sách Đaniel, “con người” trình diện trước “Đấng Lão thành” và nhận lãnh “quyền thống trị vĩnh cửu, không bao giờ mai một” vào cùng tận lịch sử (Đn 7,13-14). “Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17,24). Ở đây, Đức Giêsu không đơn thuần dùng một thuật ngữ thông tục để chỉ “con người”. Đúng hơn, Ngài đang gắn mình vào vận mệnh được sách Đaniel mô tả. Khi Đức Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của mình, hay về ngày tận thế, hay khi Ngài tuyên bố rằng “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, đối với người nghe, đoạn văn huyền bí kể trên trong sách Đaniel có thể sẽ xuất hiện trong tâm trí; còn đối với các tác giả Tin mừng, đó là điều chắc chắn (Mt 17,22-23; Mc 2,10-11). Cứ như thể các thánh ký muốn chúng ta hiểu về Đức Giêsu, về việc Ngài là ai, về những gì xảy đến cho Ngài, và rằng chúng ta có thể hiểu về Ngài trong mối liên hệ với chiến thắng vĩnh cửu mà Đaniel đã nhìn thấy cách bí nhiệm.
 
Một hạn từ khác được Đức Giêsu sử dụng là “tôi tớ”. Phêrô từng gọi mình là “tôi tớ Đức Giêsu” (Cv 3,13). Phaolô nói rằng Đức Giêsu “đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Đối với các Kitô hữu tiên khởi, nói về Đức Giêsu bằng tước hiệu này gợi lên Những Bài ca về người Tôi tớ trong Isaia. Chẳng hạn, trong Bài ca thứ IV, người tôi tớ “bị ruồng rẫy” và “bị đâm thâu vì chúng ta ngỗ nghịch”. Tuy nhiên, bản văn khẳng định, nhờ “những vết hằn ngài chịu mà chúng ta được chữa lành” (Is 53,3-5). Thật dễ nhận ra cách các Kitô hữu sơ thời giải thích những bản văn này từ sách Isaia dưới ánh sáng của Đức Giêsu, chúng như những hình ảnh tiên báo cho cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đây là cách Philípphê đã dùng để giảng giải về bản văn trên cho viên thái giám người Êthiôpia (x. Cv 8,32-35). Cùng với hình ảnh trong sách Xuất hành, bản văn trên cũng có ý nói về điều Gioan đã thấy nơi Sách Khải huyền, về cuộc vinh thắng khải hoàn của “Con Chiên, trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6).
 
Đức Giêsu còn được gọi là “Con Thiên Chúa”. Trong Cựu ước, “con Thiên Chúa” đôi khi chỉ một thiên thần hay một vị vua (G 1,6; Tv 2,7). Nhưng các Tin mừng chứa đựng ý hướng sâu xa hơn. Tin mừng Máccô, như được ghi nhận ở câu mở đầu, là “tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Toàn bộ câu chuyện Máccô kể hướng ta đến chỗ lĩnh hội lời mà viên đại đội trưởng bày tỏ. Dưới chân thập giá, ông thốt lên: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Nhưng lời này nói lên điều gì? Gọi Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”, theo một nghĩa nào đó, không gợi tưởng lập tức đến thần tính của Ngài. Tuy vậy, khi Đức Giêsu cầu nguyện để được tôn vinh theo như vinh quang mà Ngài đã chia sẻ cùng Chúa Cha từ “trước khi thế gian được tạo thành”, chúng ta bắt đầu nhận ra “Con Thiên Chúa” còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Đúng hơn, như Đức Giêsu tuyên bố, nó mô tả mối tương quan độc nhất với Thiên Chúa, Đấng mà Ngài gọi là “Abba” hay “Cha”, (x. Ga 5,17-18); và những kẻ tin cũng có được tương quan ấy khi được nhận làm nghĩa tử nhờ Thánh Thần (Rm 8,15). Theo nghĩa này, Đức Giêsu là “trưởng tử” trong số các con cái Thiên Chúa, những người mà tâm hồn họ được đổ đầy Thánh Thần (Rm 8,29; 5,5).
 
Đến đây, tất cả mới chỉ đơn thuần nói về niềm hy vọng của Israel, và về việc điều đó được nên trọn nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ngài còn được gọi bằng nhiều cách khác nữa. Chẳng hạn, cả Phêrô và Phaolô đã gọi Đức Giêsu là “Đức Chúa” (Cv 2,35; Rm 10,9; Pl 2,11), có lẽ đây là tước hiệu căn bản nhất mà người ta có thể nói về Ngài. Việc gọi Đức Giêsu là Đức Chúa vừa mang ý nghĩa tôn giáo lẫn chính trị. Về phương diện tôn giáo, người ta có thể rút ra kết luận, điều đó đồng nhất hóa Đức Giêsu với chính Thiên Chúa. Chẳng hạn, bất cứ khi nào các kinh sư Do Thái tình cờ bắt gặp Tứ tự YHWH trong Kinh thánh Hípri, thì vì kính trọng, họ thường thay bằng danh xưng “Adonai”, nghĩa là “Đức Chúa”. Còn mặt chính trị, dĩ nhiên, Caesar là “chúa”. Như thế, gọi Đức Giêsu là “Đức Chúa” với một số người là sự báng bổ còn với số khác là mối dấy loạn. Đây là lý do tại sao các Kitô hữu từng bị buộc tội cũng như gặp nguy hiểm khi gọi Đức Giêsu là Đức Chúa.
 
Và cũng táo bạo không kém, ít nhất là về mặt triết học, khi gọi Đức Giêsu là “Lời”. Gioan đã gọi Đức Giêsu như thế, rằng Ngài là Lời “ở nơi Thiên Chúa” và “là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Điều này nên được đọc dưới ánh sáng của sách Isaia, theo đó, Thiên Chúa đề cập về lời phát xuất tự “miệng” Người (Is 55,11), cũng như dưới ánh sáng của tất cả những lời của Thiên Chúa và Lề luật mà Môsê đã khẩn xin để cho dân Israel tuân giữ và truyền lại cho con cháu (Đnl 32,46). Nó cũng gợi lên lời mà Thiên Chúa đã phán khi tạo dựng (St 1,3). Tuy vậy, tâm thức Hy Lạp lại quan niệm về “Lời” theo những cách thế rất đa dạng: lời nói, ý niệm, nguyên tắc lý tính cấu tạo vũ trụ. Philo, một triết gia Do Thái, hiểu đó là nguyên lý thần linh nơi vạn vật. Điều này làm cho tuyên bố của Gioan gây kinh ngạc, vì nơi Đức Giêsu, “Lời đã trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Ở đây, chúng ta đang nói không chỉ về sự hoàn tất niềm hy vọng của Israel, nhưng còn là điều gì đó lớn lao hơn. Một tuyên bố độc đáo mà phải đến mấy thế kỷ sau, Công đồng Nicêa mới tóm kết – Chúa Cha và Chúa Con “đồng bản thể”, Đức Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”.
 
Thực ra nội dung này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì Tân ước cho biết về Đức Giêsu. Tất nhiên là còn rất nhiều điều nữa. Gioan đã đề cập về ý tưởng này ở cuối Tin mừng của ngài (Ga 21,25). Thánh Athanasiô cũng nói như vậy, rằng cố gắng học biết về Đức Giêsu cũng giống như cố gắng đếm những cơn sóng biển (Về Ngôi Lời Nhập thể, số 54). Quả thật là còn nhiều điều cần bàn. Tuy nhiên, người ta phải bắt đầu từ đâu đó, và Kinh thánh là nơi tốt nhất để khởi sự. Vì chưng, điều chúng ta tin được tìm thấy trong Kinh thánh, và ở đấy, bạn cũng sẽ được tìm thấy nếu kiên trì đọc. Vì sự thật là tất cả chúng ta được tìm kiếm bởi chính điều chúng ta đang tìm kiếm. Vậy nên, hãy cứ đọc cho đến khi bạn được tìm thấy.
 
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
 

Điều Chúng Ta Tin
Phần 1: Bắt đầu với Đức Giêsu và Kinh thánh

Joshua J. Whitfield
 
Tất cả bắt đầu với Đức Giêsu. Để khám phá đạo Công giáo – tức khám phá điều chúng ta tin – người ta phải nhận thức về Ngài. Nhưng bằng cách nào? Ý tưởng đơn thuần về Đức Giêsu rất phổ biến đến độ ngay cả trong những nền văn hóa hậu đức tin, hầu hết mọi người ít nhất cũng có một vài ý niệm mơ hồ về Ngài. Hãy xem vô số những chân dung về Đức Giêsu trong mỹ thuật, văn học và phim ảnh. Tuy nhiên, làm thế nào Đức Giêsu được định vị như là đối tượng của niềm tin và phụng tự của hàng tỷ người chứ không chỉ là sản phẩm văn hóa?
 
Dĩ nhiên, một ai đó có thể nhận thức được Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô về mặt triết học. Thánh Phaolô đã ám chỉ điều này, rằng Thiên Chúa hiển nhiên tồn tại ngay cả đối với dân ngoại nhờ bằng chứng tự nhiên thông qua “những thuộc tính vô hình của quyền năng vĩnh cửu và thần tính” (Rm 1,19-20). Sau này, thánh Tôma Aquinô đã bàn về việc nhận biết Thiên Chúa nhờ cả tự nhiên và ân sủng. Niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, có được nhờ con đường sau [ân sủng], nhờ “một khoa học khác, được Thiên Chúa linh hứng”, mà ngài cho rằng nó “vượt ra ngoài các môn triết học” (Tổng luận thần học 1.1).
 
Tất nhiên, cuối cùng thì triết học tìm kiếm thần học cũng như tự nhiên tìm kiếm ân sủng. Điều chúng ta có thể biết về Thiên Chúa nhờ trí tuệ của mình lại không bao hàm toàn bộ những gì chúng ta được tạo ra để biết, một mầu nhiệm gây bồn chồn căng thẳng nơi bản tính chúng ta. Chúng ta được tạo ra để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể tự mình làm điều đó. Vậy nên chúng ta luôn tìm kiếm.
 
Đó là lý do tại sao tất cả những gì chúng ta tin về Đức Giêsu, thì chúng ta tin rằng chúng do Thiên Chúa đã tự mặc khải. Rốt cuộc, Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta hơn là chúng ta tìm kiếm Người. Về cơ bản, nếu điều chúng ta nói về Đức Giêsu là đúng thì cũng nhờ một cách khả thi duy nhất: vị Thiên Chúa vĩnh cửu, phi vật chất và vô hình đã mặc khải chính Người, làm cho chính Người trở nên có thể tìm kiếm, theo cách thế chúng ta có thể thừa nhận. Các Giáo phụ, như thánh Athanasiô, nói rằng chúng ta chỉ có thể bắt đầu lĩnh hội Thiên Chúa từ những hệ hình và biểu tượng (paradeigmata và eikonas) khả tri, bởi vì rốt cuộc chúng ta là những thụ tạo hữu hạn còn Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo vô hạn (Chống Ariô 2.32). Sau tất cả, như thánh Augustinô khẳng định, chúng ta đang nói về Thiên Chúa thượng trí và về con người (Về Thiên Chúa Ba Ngôi 1.23). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể biểu tỏ chính mình cách trọn vẹn.
 
Đó là lý do tại sao chúng ta cần Kinh thánh. Cũng như nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa được nhìn thấy trong thân xác nhân loại, thì cũng vậy, như Công đồng Vaticanô II đã dạy, lời của Thiên Chúa cũng phải được diễn tả bằng lời nhân loại để có thể hiểu được (Dei verbum, số 13). Lại nữa, vì nếu không có mặc khải có thể tiếp nhận từ chính Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể chứng minh được sự hiện hữu của Người nhờ nguyên tắc nhân quả, một vị Thượng đế được mô tả cách triết lý “mà mọi người gọi là Thiên Chúa”, như thánh Tôma Aquinô đã dạy (Tổng luận Thần học 2.2-3).
 
Tuy nhiên, triết lý vừa nêu, dù khá quan trọng lại không phải là vấn đề cần đi sâu ở đây. Quan trọng là điều nó gợi mở, đó là niềm tin của người Công giáo vào Đức Giêsu “tương hợp với Kinh thánh”, theo cách nói của thánh Phaolô (1Cr 15,3-4). Qua lối nói này, thánh Phaolô muốn diễn đạt rằng, cách thế chính xác để hiểu biết Đức Giêsu là tìm hiểu Ngài qua sách thánh, đặc biệt là trong mạng lưới ý nghĩa được Kinh thánh Hípri [Cựu ước] cung cấp.
 
Đây cũng chính là cách mà Đức Giêsu giải thích về chính mình. Thánh Luca viết, bắt đầu với “Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho họ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả sách thánh” (Lc 24,27). Chẳng hạn, trong Công vụ Tông đồ, thánh Phêrô nói về Đức Giêsu dưới sự soi chiếu của Đnl 18,15. Thánh Phêrô tuyên bố, Đức Giêsu là vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo mà mọi người phải đi theo (Cv 2,22-23). Trong các Tin mừng, nhiều lần Đức Giêsu được trình bày bằng những lời lẽ dành cho Môsê. Trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu thậm chí còn nói, “nếu các người tin ông Môsê, hẳn các ngươi cũng tin Ta” (Ga 5,46). Đây là điều mà từ đầu chúng ta có ý muốn nói, rằng điều mà chúng ta tin về Đức Giêsu thì “dựa theo sách thánh”. Tuy nhiên, các Kitô hữu cũng áp dụng cụm từ này cho tất cả các tác phẩm được đưa vào quy điển. Vậy nên, gặp gỡ Đức Giêsu cách chân xác nhất không đâu khác là gặp gỡ Ngài trong văn chương Tân ước.
 
Như thế, điều chúng ta tin bắt đầu với Kinh thánh. Để khám phá đạo Công giáo, người ta phải khám phá Kinh thánh. Chẳng có gì phải sợ sệt. Đôi khi chúng ta e ngại việc đọc Kinh thánh, nghĩ rằng chuyện này chỉ dành cho các học giả hay linh mục. Nhưng như thế là không đúng. Kinh thánh dành cho tất cả mọi người. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bắt đầu đọc Kinh thánh như bất kỳ cuốn sách nào khác. Điều đó thật sự đơn giản. Bạn có thể đọc cùng mới một vài người bạn, hoặc đọc những đoạn Kinh thánh theo ngày thường hay theo ngày Chúa Nhật mà Giáo hội áp dụng trong phụng vụ. Mục tiêu của việc đọc Kinh thánh không phải là để trở thành học giả hay chuyên viên. Đúng hơn chỉ đơn giản là để hiểu biết một câu chuyện, để trình thuật đưa ta bay bổng như với bất kỳ một cuốn sách hấp dẫn nào khác. Chỉ khác ở chỗ việc đọc câu chuyện này có thể mở ra con đường đến với một kinh nghiệm thần bí, một cuộc gặp gỡ, một mối tương quan. Khi đọc Kinh thánh – đặc biệt là đọc và gặp gỡ Kinh thánh trong phụng vụ hoặc trong kinh nguyện của Giáo hội – điều gì đó khác với việc đọc thông thường sẽ xảy ra.
 
Điều xảy ra là chúng ta tìm thấy một người khác. Hay đúng hơn, chúng ta được một người khác tìm thấy. Nghĩa là, nói cách rõ ràng, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô; Ngài gặp gỡ chúng ta. Trong cuốn Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, đan sĩ Zosima là điển hình cho tính đơn sơ mà huyền nhiệm của thực tại này. Zosima nói rằng, tất cả những điều một linh mục cần làm đó là “mở Sách thánh ra” và đọc nó cho giáo dân của mình nghe. “Chẳng cần dài dòng những lẽ khôn ngoan hay những lời phách lối kiêu ngạo”. Vị linh mục chỉ cần đọc cách rõ ràng cho họ về những câu chuyện trong Kinh thánh. Vậy là đủ. Cuối cùng, Zosima nói rằng, con tim sẽ “hiểu được mọi sự”! Quả thật là đơn giản. Và với cuốn Kinh thánh – bản sao của bạn, trên kệ tủ hoặc đầu giường – bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu khám phá đức tin Công giáo.
 
Cuối Tông huấn Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói về “một cách nghe Lời Chúa mới mẻ” (Verbum Domini, số 122). Đây thực sự là cách thế tuyệt vời để bắt đầu – hay đối với một số người là để lại bắt đầu. Bởi vì điều những người Công giáo chúng ta tin bắt đầu với Kinh thánh và Đức Kitô theo Kinh thánh. Mọi điều chúng ta tin – thần học, tín điều – đều đặt nền từ Kinh thánh. Vì thế, nếu bạn muốn biết Đức Giêsu, nếu bạn muốn biết điều chúng ta tin, hãy bắt đầu từ đây, từ Kinh thánh. Hãy tìm kiếm Đức Giêsu nơi đấy. Vì như thánh Giêrônimô từng nói một câu rất thời danh đầu tác phẩm “Chú giải sách Isaia” của ngài, “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Vậy nên, hãy đắm mình trong Kinh thánh. Bởi vì sẽ không có cái gọi là Công giáo nếu không có nó.
 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
 

Câu chuyện Chúa Giê Su ‘sang Phương Đông tu tập’ được kể lại ra sao?

TS Nguyễn Hữu Liêm
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ San Jose, California, Hoa Kỳ

Cách đây đúng 130 năm, 1894, một cuốn sách xuất bản ở Pháp làm chấn động giới thần học và tôn giáo sử: La vie inconnue de Jésus-Christ (Cuộc đời chưa biết đến của Chúa Giê Su) của Nicolas Notovitch, một nhà báo người Nga.

Đây là một cuốn du ký, kể lại chuyện tác giả du hành qua Ấn Độ, vùng Kashmir và Tây Tạng vào năm 1887. Theo đó thì Notovitch đã đích thân vào ở trong một tu viện ở Tây Tạng, Hemis Monastery, và được nghe các nhà sư kể lại chuyện một nhà tiên tri tên là Issa đã từng đến tu học giáo pháp đạo Phật ở đó vào thế kỷ Công nguyên thứ Nhất.

Theo Notovitch thì trong văn khố lưu trữ của tu viện Hemis có một văn kiện cổ có tên “Cuộc đời của Thánh Issa”. Các lạt ma cho ông biết rằng văn kiện này được dịch ra tiếng Tạng từ Pali. Tác giả phải nhờ một người thông dịch sang tiếng Nga và ông ghi nhớ lại nội dung của nó để viết thành cuốn sách tiếng Pháp trên.

Notovitch còn khám phá ra rằng Thánh Issa chính là Chúa Giê Su. Thời gian mà Issa ở tu viện trùng vào những năm từ lúc Chúa Ki-tô vắng bóng ở Palestine lúc 14 tuổi cho đến khi Ngài xuất hiện lại ở đó ở tuổi 28. Issa là tên thổ ngữ Tây Tạng Jeshua, tức là Jesus (chúa Giê Su).

Notovitch cũng biết thêm rằng Chúa Giê Su, tức Issa, đã đến Ấn Độ và Tây Tạng lúc còn tuổi thiếu niên và đã đi học đạo từ các huyền nhân Hindu, tăng sỹ Phật giáo và các tăng nhân các đạo khác ở vùng Bắc Ấn. Issa cũng đã học tiếng Pali để có thể nghiên cứu kinh Phật. Trên đường trở về lại Palestine, Issa đã ghé qua Ba Tư để giảng đạo cho tín đồ đạo Zoroaster.

Mặc dù Notovitch không giải thích rõ, nhiều người sau khi đọc sách của ông đã cho rằng những phép lạ mà Chúa Jesus đã làm, như biến nước lã thành rượu, chữa người mù, bệnh cùi, hay đi trên mặt nước, đều là những pháp thuật huyền bí mà Ngài đã học được từ các huyền nhân Phật giáo Tây Tạng.

Sự thật hay hư cấu huyền thoại?

Tuy nhiên, theo Max Muller, giáo sư Đông phương học nổi tiếng của Đại học Oxford, thì cuốn sách của Notovitch chỉ là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, bao gồm những chuyện hư cấu.

Trong một bài viết mang tựa “The Alleged Sojourn of Christ in India” trong Tạp chí “The Nineteenth Century” xuất bản năm 1894, Muller đã phân tích kỹ nội dung cuốn sách, và dựa theo lời của những nhân chứng khác thì Notovitch chưa hề đến tu viện Hemis và không ai ở đó từng nghe hay biết đến nhà báo người Nga này.

Tiếp theo là một bài báo khác của giáo sư J. Archibald Douglas của Đại học Hoàng gia Agra, “The Chief Lama of Hemis on the Alleged Unknown Life of Christ” cũng đăng trong cùng tạp chí hai năm sau (1896), tường thuật rằng chính ông đã đích thân đến tu viện Hemis và các vùng lân cận để điều tra hư thật mà Notovitch viết.

Douglas gặp vị Lạt ma viện chủ Hemis và đọc cuốn sách của Notovitch, qua thông dịch viên, cho vị viện chủ nghe. Vị lạt ma phủ nhận tất cả nội dung và cho biết rằng ông đã là một lạt ma ở đó suốt 42 năm qua và chưa hề nghe hay biết đến nhân vật nào gốc Nga từng đến ở, và hoàn toàn không có một văn kiện cổ đại, ancient scroll, nào đề cập đến nhân vật tên Issa như Notovitch kể.

Sau hai bài viết của Muller và Douglas thì Notovitch bắt đầu thay đổi câu chuyện.

Ông cải chính rằng không có văn kiện cổ đại đích xác nào về Issa ở tu viện Hemis. Những gì về Issa chỉ là những gì ông hiểu được từ những văn kiện khác.

Theo Giáo sư tôn giáo học Per Beskow của Thụy Điển trong cuốn Strange Tales about Jesus (1983) thì Notovitch, có thể là một điệp viên Nga, chưa hề đặt chân đến Ấn Độ và Tây Tạng. Notovitch chỉ dựa theo những giả thuyết và huyền thoại nghe được để dựng lên câu chuyện Issa.

Sau khi bị tố cáo ngụy thư, Notovitch rút lui về ẩn dật và không còn xuất hiện trên văn đàn.

Tuy nhiên, những điều mà Notovitch viết ra đã được xác nhận là sự thật bởi nhiều nhân vật uy tín.

Giáo sư người Nga Nicholas Roerich, Tu sĩ Swami Abhedananda, đệ tử của Ramakrishna, cũng như Gloria Gasque và Elizabeth Caspari, hai nhà huyền học lừng danh, đều đã đến tu viện Hemis và đã chính mắt trông thấy các văn tự ghi chú việc Issa tu học ở đó.

Có thể rằng đối với Muller và Douglas, hai người Anh quốc, thì các lạt ma ở đó phủ nhận văn bản cổ đại, vì lúc đó, họ sợ Đế quốc Anh sẽ tịch thu văn bản bí truyền đó như họ đã làm với nhiều gia sản tôn giáo và văn hóa khác ở các thuộc địa?

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Huyền thoại Issa muôn năm

Cuốn sách về Chúa Giê Su tức Issa của Notovitch đã mở ra một kỷ nguyên tràn ngập những câu chuyện về cuộc đời bí mật của Chúa Giê Su từ năm 14 tuổi đến năm Ngài bắt đầu rao giảng giáo lý lúc 28 tuổi ở Palestine.

Bốn sách Tân Ước – Mark, Mathew, Luke và John – hoàn toàn không nói gì về khoảng thời gian trên. Ngài đã đi đâu, làm gì trong suốt 14 năm đó?

Câu chuyện của nhà tiên tri Issa là một phần trong cao trào lãng mạn huyền bí học hướng về nền văn minh cổ bí ẩn Tây Tạng và Ấn Độ ở cuối thế kỷ 19.

Đã có hàng chục cuốn sách và phim ảnh tài liệu về cuộc đời của Issa, tức là Chúa Giê Su, về thời gian Ngài tu học ở Á Đông.

Ngay cả cơ quan truyền thông uy tín British Broadcasting Corporation (BBC) cũng đưa lên truyền hình một documentary (2011, trên kênh BBC4 ở Anh) nói về Issa mang đề tài khẳng định, “Jesus was a Buddhist monk”.

Cùng năm đó, chính phủ Ấn Độ cũng chính thức đưa ra một phim tài liệu minh chứng câu chuyện Issa như là sử liệu chính thống, dù với lời cảnh giác rằng đó không phải là giả thuyết tối hậu.

Theo cuốn phim này thì rất nhiều tài liệu, bằng chứng, di tích, rằng Chúa Giê Su tức Issa, Yousef hay Isaf, sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài đã được cứu sống và trốn theo con đường tơ lụa để đến vùng Kashmir, Bắc Ấn, sống đến cuối đời và mất ở đó, và hình ảnh mộ Ngài nay vẫn còn.

Cũng có giả thuyết rằng Chúa Giê Su đã trốn thoát đến miền núi Nam nước Pháp và sống đến cuối đời.

Nếu câu chuyện Issa là khả tín thì có thể khiến nền tảng đức tin Thiên Chúa giáo sẽ bị sụp đổ – vì theo thuyết mới đó thì Chúa Giê Su đã không phục sinh ba ngày sau khi mất để bay lên Thiên đàng ngự bên phải Chúa Cha.

Dĩ nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo không chấp nhận câu chuyện này. Tiếng nói phủ nhận mạnh hơn nữa đến từ Giáo hội Công giáo La Mã.

Nhưng ta cần hiểu câu chuyện trên ra sao? Có phải sự tích Issa và hành trình Ấn Tạng chính là một phần, và là hệ quả của cao trào Khai sáng Âu châu nhằm phủ định giáo lý huyền học đạo Chúa?

Cũng vào giai đoạn thế kỷ 18-19 nhiều người châu Âu tìm sang châu Á, với những tác giả Nga muốn xây dựng các huyền thoại về tín ngưỡng Á-Âu cho đế quốc khủng hoảng của họ, người Đức đi tìm nguồn gốc chủng tộc tận Himalayas và các học giả Hungary, Pháp, Anh, Mỹ cũng hướng tới đạo Phật khá đông đảo.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Ý chí đức tin

Câu chuyện tuy thế có ảnh hưởng tới cả người Việt Nam.

Năm trước, 2022, tôi về Việt Nam và gặp lại một người bạn ở Huế. Anh từng là du học sinh, tốt nghiệp ngành khoa học, và là một chuyên gia điện toán. Anh hỏi tôi về câu chuyện Issa, tức Chúa Giê Su, và cuốn sách của Notovitch. Tôi hơi ngạc nhiên vì anh là người theo tôi biết chưa hề bàn đến chuyện tôn giáo hay triết học. Tôi nói với anh là có những niềm tin không cần bằng chứng. Faith is the evidence of the unseen. (Hebrews 11:1) – Đức tin làm chứng cho sự thật.

Anh chia sẻ rằng anh rất muốn tin những gì Notovitch viết – Chúa Jesus là một Phật tử – dù rằng câu chuyện như thế vẫn chỉ là những huyền thoại tôn giáo đầy nghi ngờ.

Thì ra anh vốn là một người theo đạo Phật thuần thành, mẹ anh đang tu ở ngôi chùa cổ ở quê nhà Thừa Thiên. Anh kết hôn với một người Công giáo. Để kết hôn anh đã rửa tội, mang tên thánh; hai đứa con hằng Chủ Nhật đều đi thánh lễ với mẹ. Anh là người không tin vào Chúa Giê Su phục sinh. Tình yêu dành cho người bạn đời chính là đức tin đạo Chúa.

Từ trong thâm tâm thì anh vẫn là một Phật tử với tất cả những chắc mãn về giáo lý nhà Phật. Nhưng anh muốn tin câu chuyện Issa là Chúa Giê Su như là một thang thuốc hóa giải niềm u uẩn mâu thuẫn tôn giáo trong tình nghĩa vợ chồng đối với đạo giáo mình đã sinh ra và lớn lên.

Anh muốn tin rằng Chúa Giê Su cũng là một vị Bồ Tát về Phương Đông học đạo rồi rao giảng Phật pháp cho người Trung Đông theo căn cơ và duyên nghiệp ở các dân tộc đó.

Từ gốc rễ ý chí đức tin đó, ngày nay, mỗi khi đến giáo đường cùng với gia đình, khi nhìn lên tượng Chúa đóng đinh, anh thấy đó là hình ảnh một vị Bồ Tát vĩ đại hóa thân hy sinh thân xác nhằm cứu độ nhân loại. Anh đã tìm ra niềm hạnh phước như bao nhiêu tín đồ đạo Chúa với đức tin thuần khiết. Ý chí đức tin trong tình yêu cho người bạn đời và con cái chính là đức tin dành cho Chúa Issa. Anh cảm thức một nỗi bình an dịu ngọt. Từ ân sủng nội tại đó, với anh, Issa có phải là Giê Su không còn là một câu hỏi.

Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, California, Hoa Kỳ.

Xem thêm bài tiếng Anh của Sam Miller về câu chuyện có người tin là “mộ chúa Giê Su ở Kashmir”: Tourists flock to ‘Jesus’s tomb’ in Kashmir

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6p13j7yew2o

Đức Maria Qua Các Thời Đại
Người Phụ Nữ Muôn Mùa – Và Muôn Lẽ

Bài 17 / 17 trong loạt bài Đức Maria qua các thời đại

Chương mười sáu: Người Phụ Nữ Muôn Mùa – Và Muôn Lẽ

Vì này từ nay mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc |Lc 1,48|

Gần suốt 20 thế kỷ qua, những lời trên của Kinh Ngợi Khen không ngớt trở thành sự thật, và chỉ có những kẻ xấu tính mới dám coi là không đúng. Nhìn trở lui nhiều đề mục và chủ đề của sách này, ta sẽ thấy nhiều phạm vi của lịch sử trong đó vai trò trung tâm của đức Trinh Nữ Maria đã là chìa khóa giải thích không thể thiếu được. Tầm quan trọng của Ngài như là chìa khóa ấy không tùy thuộc lòng tin hay không tin của người quan sát; vì ngay những người không có, hay không thể có lòng tin, chỉ cần nắm được đức tin của các thời đại khác cũng đủ để hiểu các thời đại này.

Không thể hiểu được lịch sử linh đạo và sùng kính của Phương Tây nếu không chú ý đến chỗ đứng của đức Trinh Nữ Maria. “Lịch sử xã hội” của nhiều thời đại và nhiều nơi chốn khác nhau đã lôi cuốn được sự chú ý của rất nhiều sử gia quan trọng và có năng xuất nhất thuộc một hay hai thế hệ vừa qua. Bởi thế, thời ta là thời người ta quan tâm rất nhiều tới lịch sử cuộc sống hàng ngày và do đó tới “tôn giáo bình dân”. Các học giả từng cuồng nhiệt đi tìm một phương pháp luận có thể vượt lên trên sự thống trị của thứ “văn hoá cao cấp” để khám phá ra các niềm tin và thực hành nơi những con người đơn sơ và ít chữ nghĩa. Nhìn kỹ, một phương pháp luận như thế đã tự chứng tỏ là một vấn đề tế vi hơn là mới thoạt nhìn. Làm sao người ta có thể đọc ra chứng cớ sống sót, mà phần lớn chỉ tồn tại dưới dạng chữ viết, để dò tìm ra những tư liệu ẩn tàng (có khi còn dấu kín nữa) mà chứng cớ kia chứa đựng, nói về các giai cấp hạ đẳng cũng như các thành viên khác của đa số thầm lặng? Thí dụ, nhà sử học xã hội phải đọc các luật lệ của các thời đại khác ra sao? Việc lặp lại các ngăn cấm đối với một số thực hành có nhất thiết hàm nghĩa là các thực hành ấy được người dân thường vẫn còn tuân giữ, hay việc lặp lại ấy chỉ là bằng chứng cho thấy cái khuynh hướng cố hữu của luật pháp cứ để cho mình bám trụ trong sách khi các nhu cầu về nó đã biến mất và lý do đòi nó hiện hữu đã bị quên lãng? Bởi vì, trong trường hợp Giáo Hội, thành tố chính trong lịch sử tạo ra luật lệ thường mang hình thức phụng vụ, tuyên tín và tín điều, nên không biết các sử gia thuộc các thế hệ sau có nên tự động cho rằng điều các công đồng ấn định thành tín điều hay phụng tự thực sự có phải là điều những người dân thường vốn tin, giống như các nhà thần học và sử gia chính thống thường có khuynh hướng nghĩ như vậy hay không? Hay ngược lại, phải chăng như các sử gia thế tục hiện đang thường tự ý giả thiết, và chắc cũng chẳng hay hơn gì, rằng điều người bình dân thực sự tin chắc chắn rất khác với các tín điều và các tuyên tín và do đó, “ý nghĩa thực sự” của tôn giáo bình dân phải được tìm trong các phạm trù giòng giống, giai cấp, phái tính hay ở một nơi nào khác chứ không ở trong các tuyên tín và phụng vụ? Một trong các trách vụ chủ yếu đặc biệt đặt lên vai thứ lịch sử xã hội kia hình như cũng là đặt câu hỏi, và nếu có thể, ít nhất một phần trả lời cho các câu hỏi liên quan đến việc chuyển dịch các ý niệm và thực hành theo chiều ngược lại, nghĩa là từ niềm tin của người bình dân dẫn vào phụng vụ, tuyên tín và tín điều.

Ít nhất bên trong lịch sử Kitô giáo, khó mà nghĩ được một chủ đề nào khác thích đáng hơn để thăm dò thái độ của nó đối với các vấn đề trên bằng đức Trinh Nữ Maria. Tại sao Ngài đã duy trì được ảnh hưởng của mình đối với phần lớn thế giới Phương Tây ngay trong thời tục hóa và ngay cả lúc đối diện với phong trào tuyên truyền bài bác tôn giáo và bách hại thẳng thừng thời Cộng Sản ở Đông và Trung Âu? Chắc chắn không phải vì Ngài là đối tượng của những công bố tín điều và tuyên tín long trọng kể từ những công đồng đầu tiên của Kitô giáo, kể cả việc một vị Giáo hoàng vừa công bố tín điều chính thức trước đó vào ngày 1 tháng 11 năm 1950. Một giải thích quan trọng hơn nhiều là: Ngài vốn là “người đầu hết trong trái tim đồng loại mình”, như câu nói thời danh của “Con Ngựa Nhẹ” Harry Lee nói về George Washington năm 1799. Các sử gia và những người theo chủ nghĩa so sánh (comparativists), ấy là chưa kể những nhà tuyên truyền và những chuyên viên bách hại, vẫn thường nhận xét về tính liên tục và dai dẳng của lòng sùng kính bình dân kéo dài từ thời này qua thời nọ, kể cả cái dai dẳng trong việc duy trì lòng sùng kính bên ngoài trong khi chính lòng sùng kính ấy đã chết từ lâu. Cũng không khôn ngoan nếu làm ngơ các thay đổi tế vi nhưng sâu sắc đối với ý nghĩa của ngôn từ và hành động trong các điều liên tục trên. Ta đã thấy, về khía cạnh này, lòng sùng kính đối với Đức Maria cung cấp cho ta khá nhiều thí dụ rõ rệt.

Xưa nay, hình thức sùng kính đặc biệt đối với đức Trinh Nữ Maria vẫn là huyền nhiệm học. Ta hãy tạm để qua một bên cái vấn nạn còn đang được tranh cãi một cách sâu sắc là liệu hình thức sùng kính và ngôn ngữ huyền nhiệm kia có chỗ đứng hợp lẽ trong đức tin Kitô giáo hay không. Nhưng nếu hợp lẽ, thì quả nó đã tìm được một số biểu thức sâu sắc nhất trong các lời cầu nguyện và thi ca dâng kính đức Nữ Trinh. Giống như nhà huyền nhiệm luôn có hoài bão vươn từ thể hữu hình lên Thể Vô Hình và từ sự vật trần gian lên sự vật thiên quốc thế nào, thì các lời cầu nguyện ngỏ cùng Đức Maria cũng khởi đi từ con người lịch sử đơn hèn và cuộc sống trần gian khiêm hạ của Ngài để vươn tới chỗ đứng đặc biệt của Ngài trong vương quốc Thiên Chúa cũng như vai trò độc nhất vô nhị của Ngài trong vũ trụ. Hơn nữa, cái nhìn huyền nhiệm về Đức Maria này không phải chỉ nhằm tới một hưởng thụ thụ động nhưng người ta tin rằng nó mang theo một sức mạnh biến đổi, làm những con người từng được diễm phúc nhìn ngắm Nữ Vương Thiên Đàng trở thành những kẻ hiến đời mình phục vụ Ngài. Trong chiều hướng ấy, Gerard Manley Hopkins, qua bài thơ đầy sức sống “Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Ví Như Không Khí Ta Thở”, đã nói về:

Những Thành Nadarét Mới trong chúng con,
Nơi Mẹ vẫn đang tượng thai Người
Sáng, trưa, chiều tối,
Những Bêlem Mới, nơi Người sinh ra
Chiều, trưa, mai sáng –
Bêlem hay Nadarét,
Người trần gian hít Chúa Kitô
Như hơi thở và dẹp tan sự chết;
Đấng, sinh ra đã thế, để trở thành
Chân thân mới và làm con
Quý phái hơn, trong mỗi người,
Trong từng người, khi mọi sự hoàn tất
Con cả Chúa lẫn Mẹ Maria1W.H. Gardner chủ biên, Poems of Gerard Manley Hopkins, ấn bản thứ 3 (New York: Oxford University Press, 1948), 101..

Ở đây sự kết hiệp với Chúa Kitô mà thánh Phaolô từng đề cập tới khi ngài nói “tôi đã chịu đóng đinh với Chúa Kitô: nên tuy sống mà không phải tôi sống song Chúa Kitô sống trong tôi”2Gl 2,20 đã được mở rộng thành sự kết hiệp cả với Mẹ Ngài nữa, dù dưới hình thức quy Kitô cao độ. Vì cái khuynh hướng “bá láp tâm lý” (psychobabble) ngay nơi các nhà khoa bảng hiện nay, nên ta cần phải nói thêm điều này là thứ huyền nhiệm học về Đức Maria nói trên không hề giới hạn vào những người đàn ông độc thân như Gerard Manley Hopkins mà thôi, nhưng nó đã được cả đàn ông lẫn đàn bà, người có gia đình hay không, vun sới xưa nay.

Nhận xét trên có thể là bối cảnh thích hợp để ta xem sét ý nghĩa tâm lý học của Đức Maria. Và việc đầu tiên là xem sét tầm quan trọng của Ngài đối với phụ nữ. Như các giáo sĩ thuộc mọi hệ phái từng ghi nhận, phụ nữ là những người đầu tiên phục vụ Chúa Kitô vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh – và họ cũng cố gắng chứng tỏ là phụ nữ tiếp tục làm như thế vào mỗi sáng Chúa Nhật sau đó. Nhiều phụ nữ có quyền thế trong thời Trung Cổ được ta biết tới, chủ yếu và đôi khi duy nhất, là nhờ những điều nam giới ghi xuống từ họ hay viết về họ. Như các thị kiến của thánh nữ Birgitta Thụy Điển, mà trước đây ta đã nhấn mạnh, đã được lưu truyền bằng chữ La Tinh, và trong một ấn bản nhằm mục đích chứng minh việc Ngài xứng đáng được phong thánh. Hay hai điển hình thời thế kỷ thứ Tư… Đó là Thánh Macrina, chị ruột hai nhà thần học quan trọng nhất của Hy Lạp Phương Đông, tức các thánh Basil Caesarea và thánh Gregory Nyssa, người được thánh Gregory xưng tụng là adelphe kai didaskalos, “chị và thầy của chúng tôi” về triết học và thần học; và thánh Monica, thân mẫu thánh Augustinô, người đã dạy dỗ và chịu đựng các phá phách thời niên thiếu của vị thánh này, cho đến lúc thánh Ambrosiô thành Milan, người đã rửa tội cho chàng thanh niên Bắc Phi này, nói với thánh nữ rằng đứa con của bao nhiêu nước mắt ấy không thể nào hư mất được. Nếu ta có thể làm cho hàng triệu phụ nữ thầm lặng thời Trung Cổ lên tiếng được, thì chứng cớ do số bút tích ít ỏi cung cấp kia hẳn sẽ nói với ta rằng nhiều người trong số hàng triệu phụ nữ ấy luôn đồng hoá mình với khuôn mặt Đức Maria – với sự khiêm hạ của Ngài, đã đành, mà còn cả với sự thách thức và sự chiến thắng của Ngài nữa: “Chúa đã hạ bệ kẻ quyền thế, và hiển dương người khiêm nhường; cho kẻ đói khát no đầy, đuổi người giàu có ra về tay không”. Và Chúa còn làm như thế một lần nữa.

Vì vai trò mà Ngài từng đóng trong lịch sử suốt 20 thế kỷ qua ấy, hơn bất cứ người phụ nữ nào trong lịch sử Phương Tây, đức Trinh Nữ Maria trở thành chủ đề của nhiều suy nghĩ và thảo luận quanh vấn đề người đàn bà có nghĩa là gì. Tuy một số người cố tình bỏ qua, nhưng các giải thích về Đức Maria hay các mô tả bằng lời hay bằng tranh về Ngài quả có cho ta biết nhiều điều về ý niệm thế nào là một “người đàn bà”. Cùng với Evà, người mà Ngài thường được tương phản với, như Evà Thứ Hai, Ngài đã cung cấp chủ đề cho nhiều tác phẩm hay nhất cũng như tệ hại nhất trong lịch sử thăng trầm kia…Vì Đức Maria là người Đàn Bà tuyệt hảo đối với phần lớn lịch sử Phương Tây, nên các nét tinh tế cũng như phức tạp trong việc giải thích con người và việc làm của Ngài đều chủ yếu đối với việc nghiên cứu vị trí người đàn bà trong lịch sử, một cuộc nghiên cứu hiện đang thu hút chú ý của cả giới bác học lẫn bình dân. Tuy nhiên, rất nhiều tư liệu quý giá đã bị lãng quên.

Phần quan trọng nữa trong ý nghĩa tâm lý của Đức Maria là chức năng của Ngài như biểu tượng của các đức tính vốn được truyền thống coi là của người nữ. Mặc dù ngày nay người ta có thói quen đề cập đến Do Thái giáo và Kitô giáo như hai tôn giáo có tính “tổ phụ” (patriarchal) về luân lý cũng như về cách sống, nhưng trong hình dung của họ về Thiên Chúa, suy tư nghiêm chỉnh nhất thực ra lại vượt lên trên lối nhìn ấy. Vì, như thánh Gregory thành Nyssa từng nói, “quyền năng Thiên Chúa dù vượt xa bản tính ta và không có cách gì ta vươn tới được, nhưng cũng như người mẹ dịu hiền luôn dự phần vào những tiếng líu lo của con thơ, Người cũng ban cho bản tính ta những gì nó có khả năng tiếp thu được; và nhờ thế, qua nhiều lần tự mạc khải cho nhân loại, Thiên Chúa đã vừa thích ứng với con người vừa nói với họ bằng ngôn ngữ của chính họ”3Thánh Grêgôriô thành Nyssa, Against Eunomium II.419.. Nhân vật mang chiều kích này trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với nhân loại chính là con người Đức Maria. Điều ấy cũng làm Ngài trở thành nổi bật trong mối liên hệ giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Trong việc đối chất với các tôn giáo khác vốn coi trọng các thần minh cũng như các thần nữ, Kitô giáo tìm thấy nơi Đức Maria một phương thế vừa khẳng định vừa sửa lại điều các thần nữ kia biểu tượng cho. Một biểu tượng rõ rệt nhất cho thấy Ngài thực hiện điều trên ra sao có lẽ đã xảy ra tại thành Êphêsô như đã nhắc trên đây4Theodora Jenny-Kappers, Muttergottin und Gottesmutter in Ephesos: Von Artemis zu Maria (Zurich: Daimon, 1986).. Theo Tông Đồ Công Vụ, việc rao giảng của thánh Phaolô tại Êphêsô đã đem đến một đe dọa đối với các thợ bạc trong thành phố, là những người vốn kiếm sống bằng việc trang trí cho các đền thờ dâng kính nữ thần Artemis. Để chống lại thứ thần minh mới không có mặt mũi này, các thợ bạc trên đã khích động dân nổi loạn bằng cách hô to: “Điana Vĩ Đại của người Êphêsô!”5Cv 19,23-41.. Và cũng chính tại thành phố Êphêsô này, năm 431, gần 4 thế kỷ sau, Công Đồng Chung Thứ Ba của toàn thể Giáo hội đã long trọng ra sắc chỉ ấn định rằng Đức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa, Theotokos.

Cũng còn một chiều kích nữa trong ý nghĩa tâm lý nơi Đức Maria, đó là chiều kích sư phạm. Trong hầu hết lịch sử giáo dục Kitô giáo, ít nhất cho tới thời Cải Cách, cuộc đời các thánh luôn được dùng như khuôn mẫu đào tạo tính tình, và trong số các cuộc đời ấy, cuộc đời Đức Maria chiếm một vị trí độc đáo, tương hợp với vị thế độc đáo của Ngài trong kế hoạch Thiên Chúa. Mỗi nhân đức đặc trưng Kitô giáo – hay “nhân đức đối thần” như người ta thường nói – từng được xác định trong Tân Ước là “tin, cậy, và mến”61Cor 13,13. và mỗi nhân đức cổ điển – hay “nhân đức chính” như người ta thường nói – vốn được Plato xác định và sau đó được bao gồm vào Sách Khôn Ngoan của Salômôn là “tiết độ và khôn ngoan, công bình và can đảm”7Khôn Ngoan 8:7; Plato, Laws I.631C. đều được thể hiện cách đặc biệt nơi Đức Maria. Gộp chung lại, bảy nhân đức trên trở thành nền tảng cho giáo huấn luân lý. Nhưng nơi các thánh, và nhất là nơi đức Trinh Nữ Maria, các nhân đức trên không phải để chiêm ngưỡng và trân qúy mà là để bắt chước làm theo. Các biến cố riêng rẽ trong Phúc Âm, nơi Ngài chỉ được nhắc sơ qua, vẫn có thể được khai triển thành những hướng dẫn để đào tạo tác phong làm vui lòng Chúa. Trên hết, Ngài là khuôn mẫu của nhân đức khiêm nhường, vốn được coi là nhân đức nền tảng cho Kitô hữu, và nhất là cho các các đan sĩ. Bản Phổ Thông bằng tiếng La Tinh dịch (hay cố tình dịch sai) lời Đức Maria nói trong Kinh Ngợi Khen như sau: “Quia respexit humilitatem ancillae suae = Vì Người đã đoái nhìn đến sự khiêm nhường của tôi tớ Người”8Lc 1,48 (Bản Phổ Thông).. Còn bản New Revised Standard Version (có thể đúng hơn) đã dịch câu ấy như sau:”For he has looked with favor on the lowliness of his servant = Người đã thương nhìn đến phận thấp kém của tôi tớ”. Tuy nhiên dịch sai hay không, chữ humilitatem của bản Phổ Thông đã tạo cơ hội cho nhiều thăm dò sâu sắc nhất về ý niệm khiêm nhường này – không phải theo nghĩa qua đó Uriah Heep trong David Copperfield của Charles Dickens cho rằng “Tôi ý thức rõ tôi là người khiêm nhường nhất đang sống… Mẹ tôi cũng là người khiêm nhường. Chúng tôi sống trong ngôi nhà khiêm nhường”, mà theo nghĩa của thánh Augustinô khi ngài cho hay “Mọi sức mạnh đều có trong khiêm nhường, vì mọi kiêu căng đều mềm yếu mỏng dòn. Người khiêm nhường giống như tảng đá: xem ra nó nằm thấp dưới đất mà thực ra hết sức vững vàng”9 Thánh Augustinô, Expositions on the Book of Psalms XCII.3..

Đức Maria quan trọng không phải về phương diện luân lý và cuộc sống mà thôi. Như một đảo ngược ngoạn mục nhất trong lịch sử ý niệm, cô gái quê khiêm nhường vùng Nadarét này đã trở thành chủ đề cho một cuộc suy luận thần học tuyệt vời và không tiếc lời nhất chưa từng có, mà một phần đáng kể đã được trình bày trong các trang của sách này. Một câu hỏi hấp dẫn cần đặt ra là vì lý do gì và bằng cách nào một chủ đề đặc thù nào đó đã “trở thành giáo thuyết”. Lý do không đơn giản chỉ vì nó được nhắc đến trong Thánh Kinh: có hàng trăm lời nhắc đến “núi non” trong Thánh Kinh và hàng trăm lời nhắc đến cỏ cây thú vật tại vùng Cận Đông; thế nhưng đã có ai dám nghiêm chỉnh gợi ý là vì thế mà cần phải có một ”học thuyết” về chim chóc, cỏ cây hay núi đồi đâu. Một trong những tiêu chuẩn có tính quyết định vì thế có thể là mối liên hệ giữa một chủ điểm đặc thù nào đó với các chủ đề cốt lõi của sứ điệp Thánh Kinh. Bởi đó, các thiên thần đã là học thuyết không phải chỉ vì các ngài được nhắc đến trong Thánh Kinh hay được nhận dạng là tạo vật của Thiên Chúa nhưng là vì: từ vị thiên thần được phái đến án ngữ tại cửa ra vào Vườn Địa Đàng đến vị thiên thần được sai đến an ủi Chúa Kitô trong Vườn Diệtsimani vào đêm trước khi Ngài chịu chết10St 3,24; Lc 23,43., các vị không những là sứ giả mà còn là các diễn viên, những dramatis personae, trên sân khấu Thánh Kinh; hai mảnh vườn, Địa Đàng và Diệtsimani, chỉ là phân cảnh tương phản trong cùng một vở kịch.

Những lời trong Tân Ước rõ ràng nhắc đến Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quả là ít ỏi về số lượng, và phần lớn hết sức vắn vỏi. Ngay cả nếu dùng hình tượng học hay biểu tượng học mà áp dụng vào Ngài những câu khác trong Thánh Kinh đi chăng nữa, thì số lượng kia tương đối cũng chẳng nhiều hơn bao nhiêu. Tuy nhiên, từ những minh chứng ít ỏi ấy, tư tưởng Kitô giáo, hầu như ngay từ buổi đầu, đã được thúc đẩy để suy tư về các ý nghĩa ẩn tàng và nằm thật sâu cũng như các hệ luận tiềm ẩn của chúng. Các phương pháp suy tư này rất nhiều và đa dạng, nhưng trong cốt lõi, đều tạo thành một cố gắng đi tìm và lên công thức cho vị thế của Ngài bên trong các chủ đề của sứ điệp Thánh Kinh. So sánh với bất cứ con người phàm nhân nào khác, kể cả các tiên tri lẫn tông đồ và các thánh, ta thấy chưa ai được một phần nhỏ các suy tư sâu sắc về thần học như đã được dành cho con người đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Như ta đã đọc qua suốt tác phẩm “Đức Maria Qua Các Thế Kỷ” này, câu hỏi liên tiếp được đặt ra là tại sao và làm thế nào đã có chuyện từ một số tư liệu ít ỏi do Thánh Kinh Cựu và Tân Ước cung cấp kia lại đã được khai triển để trở thành cả một nền thánh mẫu học hoàn bị đến thế. Ngược lại, người ta cũng tự hỏi điều gì đã xảy ra trong các hệ thống thần học kia, như các nền thần học của Thệ Phản kể từ thời Cải Cách chẳng hạn, trong đó, dù không bác bỏ tính cách độc đáo của việc Hạ Sinh Đồng Trinh ra Đức Kitô, nhưng chính con người Đức Maria đúng nghĩa lại không dành được một ý nghĩa đặc biệt nào. Vì kỳ cục thay, cả các hệ thống ấy cũng vẫn là một thành phần trong tầm ảnh hưởng không bao giờ bị đứt đoạn mà Ngài hằng liên tục tác động trên trí tưởng tượng của Phương Tây.

Dĩ nhiên, trí tưởng tượng ấy, trước nhất, đã tự phát biểu qua vị thế của đức Trinh Nữ trong lịch sử nghệ thuật, như đã được mô tả một cách đầy biểu tượng trong dạ khúc của dàn đại hòa tấu thiên thần do Bậc Thầy người Flamand thế kỷ 15 của Huyền Thoại Thánh Lucia sáng tạo ra một cách đáng yêu và sâu sắc. Từ rất nhiều tác phẩm từng được trích dẫn hay ám chỉ trên đây, ba tác phẩm sau đây cũng đủ để kết luận rồi. Trong số hàng trăm những dàn dựng đáng yêu về thể tài Kính Mừng Maria, dàn dựng của Franz Schubert có lẽ là dàn dựng quen thuộc và được yêu mến hơn cả. Các tranh vẽ với chủ đề Đức Bà và Con Trẻ thường được thực hiện đến độ người ta có thể viết cả một cuốn lịch sử về ý niệm trẻ thơ dựa theo các tranh ảnh ấy. Và một trong những thánh đường vĩ đại nhất của Phương Tây chính là Nhà Thờ Đức Bà Cả ở Roma, được xây dựng như một đáp trả trực tiếp đối việc Công Đồng Êphêsô vào năm 431 tuyên bố rằng Ngài phải được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa. Như thế, quả còn phổ quát hơn điều Goethe muốn nói, “Người Nữ Muôn Thuở đã dẫn chúng ta hướng lên cao”11Faust, 12104-11..