Vai Trò Của Đại Học, Báo Chí Và Xuất Bản
Trong Việc Du Nhập Các Lý Thuyết Văn Học Phương Tây Vào Miền Nam Việt Nam Giai Đoạn 1954-1975

Huỳnh Như Phương
Nguồn: viet-studies.net

  1. Dẫn nhập

 Cùng với quá trình hiện đại hóa văn học, Việt Nam đã chứng kiến hoạt động du nhập các lý thuyết văn học phương Tây từ đầu thế kỷ 20 như một nhân tố tác động đến lý luận và sáng tác văn học theo hướng mở cửa và hội nhập với thế giới hiện đại. Hoạt động này diễn biến khác nhau theo từng giai đoạn lịch sử, chịu sự chi phối của những yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa nhất định. Những năm 1954-1975 là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Việt Nam, do quy định của Hiệp định Genève, bị chia cắt thành hai miền có chế độ chính trị khác nhau. Nếu ở miền Bắc, lý thuyết văn học mác-xít và xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chính thống, thì ở miền Nam các lý thuyết văn học đến từ phương Tây tranh chấp nhau ảnh hưởng và gây ra những tác động đa chiều và đa dạng đến đời sống văn học.

Hiện tượng du nhập các lý thuyết văn học phương Tây trên một mảnh đất Đông Nam Á đang có chiến tranh chỉ có thể cắt nghĩa thấu đáo khi chúng ta xem xét nó trong một bối cảnh rộng hơn: một xã hội phương Đông đã kinh qua hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với văn minh phương Tây; một chế độ chính trị muốn lấy mô hình dân chủ phương Tây làm kiểu mẫu; những chủ trương và chính sách văn hóa của những nhà cầm quyền từng được đào tạo trong chính hệ thống Âu-Mỹ.

Nhìn trong một phối cảnh hẹp hơn, có thể lý giải việc du nhập các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam trong sự tác động và ảnh hưởng của nhà trường đại học và hoạt động báo chí, xuất bản. Nói cách khác, trong những năm 1954-1975, các lý thuyết văn học phương Tây (chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, hiện tượng luận, cấu trúc luận, tiểu thuyết mới, phê bình mới…) được du nhập vào miền Nam qua ba con đường chính: nhà trường đại học, báo chí và xuất bản. Có thể nói qua việc truyền bá tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ, Đại học, báo chí và xuất bản đã tác động đến giới sáng tác, phê bình văn học và trong một phạm vi nhất định, gây ảnh hưởng đến thị hiếu văn học của công chúng.

2.Vai trò của Đại học

 Ở Việt Nam, dưới thời phong kiến, nền giáo dục và khoa cử chịu ảnh hưởng triết lý và học phong Nho giáo. Quốc tử giám là mô hình đại học đầu tiên đào tạo ra những nhân tài cho đất nước theo mẫu người quân tử phương Đông. Cho đến thế kỷ 19, trong khi ở phương Tây mô hình đại học theo kiểu mới như đại học Humboldt đã hình thành, thì ở Việt Nam, nhà trường vẫn nằm trong quỹ đạo truyền thống. Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, cuộc vận động hiện đại hóa từ lĩnh vực kinh tế – xã hội dần dần lan đến các lĩnh vực giáo dục, văn học, báo chí, xuất bản.

Riêng trong lĩnh vực khoa học về văn học, đầu thế kỷ 19 trở về trước ở phương Tây chưa hình thành một đội ngũ những nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp: họ thường là những nhà thơ (như T. Tasso, J. W. Goethe…) hay nhà triết học, mỹ học (như A. Baumgarten, G. Lessing…) bàn về văn học. Đến thế kỷ 19, việc thành lập các khoa Văn học và Khoa học nhân văn đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của đội ngũ nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp đồng thời là các giáo sư chuyên giảng dạy văn học trong nhà trường đại học.

Còn ở Việt Nam, vào những năm 30 thế kỷ 20, nghĩa là khoảng một thế kỷ sau so với phương Tây, nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học chuyên nghiệp mới thực sự ra đời. Và nếu ở phương Tây thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp xuất hiện trong bối cảnh một nền đại học phát triển, thì ở Việt Nam giới này lại được rèn luyện trong môi trường hoạt động văn hóa, báo chí, xuất bản nói chung chứ không phải trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí có thể nói ngược lại rằng chính họ làm biến cải tính chất của nền giáo dục.

Nền đại học Việt Nam theo mô hình hiện đại, với một số trí thức được đào tạo ở phương Tây (như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…) được xây dựng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt – Pháp (1945-1954), do hoàn cảnh đất nước, chưa kịp làm gì nhiều trong việc tiếp thu các thành tựu lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Cho đến khi miền Nam Việt Nam có điều kiện tiếp xúc sâu rộng với văn hóa phương Tây vào những năm 1954-1975, thì quy luật hiện đại hóa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mới có điều kiện phát huy tác dụng một lần nữa. Có thể nói, sau một thế kỷ, như một quy luật, đại học miền Nam đi theo tinh thần của Đại học Humboldt, và với vai trò của nó, một nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mới từng bước hình thành trên cơ sở tiếp thu nguồn ảnh hưởng phương Tây, đồng thời kế thừa kết quả của những học giả trước Cách mạng Tháng Tám vốn cũng chịu ảnh hưởng của khoa nghiên cứu văn học phương Tây qua con đường của báo chí, xuất bản hơn là của nhà trường.

Như vậy, nói đến sự du nhập các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam Việt Nam, trước hết cần chú ý vai trò của đại học. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Đại hội Giáo dục quốc gia, được tổ chức ở Sài Gòn năm 1958 đề ra ba nguyên tắc “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Nguyên tắc thứ nhất thứ nhất khẳng định mục tiêu phục vụ con người, xem con người là giá trị tối thượng. Nguyên tắc thứ hai chi phối việc giảng dạy, phổ biến văn hóa dân tộc trên nền tảng đạo đức truyền thống, thu hồi chủ quyền quốc gia đối với các cơ sở giáo dục, chuyển ngôn ngữ chính trong giảng dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nguyên tắc thứ ba hướng nền giáo dục đến con đường tương lai của nhân loại, đề cao việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp cận những thành tựu khoa học hiện đại trên thế giới.

Ba nguyên tắc nói trên gắn liền với chủ trương vừa “bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc”, vừa “tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ, tiếp cận với văn minh thế giới”1Xem Trần Văn Chánh (2014): “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 7-8, tr. 13-14.. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ và chính quyền miền Nam rơi vào tay giới quân sự, ba nguyên tắc trên được tái khẳng định, với một vài điều chỉnh về ngôn từ, trong Đại hội Giáo dục toàn quốc tổ chức tại Sài Gòn năm 1964. Trong cuộc họp báo của Nội các chiến tranh ngày 27-7-1966, Nguyễn Lưu Viên, phó chủ tịch đặc trách văn hóa xã hội, đã đọc diễn văn, nêu rõ: “chánh sách văn hóa giáo dục phải theo định luật của sự phát triển của một nước chậm tiến nông nghiệp mới thu hồi độc lập đang vươn mình để tiến trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng dân chủ, mà không mất bản sắc truyền thống của dân tộc, kiến tạo một xã hội tiến bộ mà không mất gốc rễ”2Nguyễn Lưu Viên (1966): Chính sách văn hóa giáo dục, Sài Gòn (không đề Nxb), tr. 5-22.. Tất nhiên đó là những chủ trương trên lý thuyết.

Trong chương trình trung học, ngay từ năm cuối, ở lớp 12 – trước năm 1970 gọi là lớp đệ nhất – học sinh đã bước đầu tiếp xúc khái quát với tư tưởng phương Tây. Học sinh tất cả các chuyên ban phải học hai môn đạo đức học và luận lý học (lô-gích học), riêng học sinh ban C còn học thêm hai môn tâm lý học và siêu hình học. Họ đã làm quen một sách sơ lược với quan niệm của Socrate, Platon, Aristote, Descartes, Kant, Hegel, Durkheim, Comte, Bergson, Freud, Sartre… Đặc biệt, môn tâm lý học dạy những bài có liên quan đến các lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây như “Ý thức và vô thức”, “Đau khổ và khoái lạc”, “Cảm xúc”, “Đam mê”, “Cảm giác và tri giác”, “Ảnh tượng và trí tưởng tượng”, “Ký ức và hoài niệm”, “Ngôn ngữ và liên tưởng”…3 Xem Vĩnh Đễ (1971): Tâm lý học 12 CD, Nxb Nam Giao, in lần thứ ba, Sài Gòn.. Nhờ vậy, khi vào học các trường đại học văn khoa, những học sinh này không thấy xa lạ với những triết thuyết phương Tây được trình bày một cách hệ thống và cặn kẽ hơn.

Trên lãnh vực giáo dục đại học, năm 1957, Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế và Viện Đại học Đà Lạt được thành lập. Ở cả ba viện đại học này đều có trường/ phân khoa đại học Văn khoa, với tư cách là trung tâm nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn: triết học, văn chương, lịch sử, tâm lý học, xã hội học… Ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, đảm trách việc giảng dạy các chứng chỉ có liên quan đến tư tưởng Âu – Mỹ là những giáo sư nổi tiếng: Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Kiết, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Nguyễn Khắc Hoạch, Đỗ Khánh Hoan…, về sau được tiếp nối bởi những giảng viên trẻ hơn: Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Trọng Văn, Lê Tử Thành, Trương Thị Diệu Lan… Ở trường Đại học Văn khoa Huế, những tên tuổi gắn liền với việc phổ biến tư tưởng Âu – Mỹ có thể kể là Cao Văn Luận, Lâm Ngọc Huỳnh, Lê Thanh Minh Châu, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Nguyễn Ngọc Lan, Bửu Ý, Lê Khắc Cầm… Tạp chí Đại học và Ban tu thư đại học đầu tiên của miền Nam xuất phát từ Viện Đại học Huế.

Hai viện đại học Sài Gòn và Huế là cơ sở đào tạo công lập. Còn Viện Đại học Đà Lạt là cơ sở tư thục thuộc quyền sở hữu của Hội Đại học Đà Lạt mà hội viên là các giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam, được phép hoạt động từ ngày 8-8-1957 và chính thức thu nhận sinh viên từ đầu năm học 1958-1959. Đại học Đà Lạt có hội đồng quản trị mà chủ tịch đầu tiên là giám mục Nguyễn Văn Bình, viện trưởng đầu tiên là linh mục Nguyễn Văn Lập. Trường Đại học Văn khoa ở đây do linh mục Lê Văn Lý làm khoa trưởng, thu hút sự cộng tác của các giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Bào, Phạm Văn Diêu, Trần Thái Đỉnh, Lê Xuân Khoa, Vũ Khắc Khoan, Bửu Lịch, Trần Trọng San, Nguyễn Sỹ Tế, Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung, Trần Minh Cẩm (Thiện Cẩm), Trương Bá Cần, Nguyễn Khắc Dương, Phạm Cao Dương, Bửu Dưỡng, Phan Khoang, Lê Hữu Mục, Lê Trung Nhiên, Lý Chánh Trung… Chính nơi đây đã đào tạo những khóa thầy cô giáo dạy triết học đầu tiên cho các trường trung học ở miền Nam. Kỷ yếu của nhà trường còn ghi tên những sinh viên tốt nghiệp sau này trở thành nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học và triết học: Hoàng Ngọc Biên, Vĩnh Đễ, Uông Đại Bằng, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Thanh Tâm (Huỳnh Phan Anh), Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Lục, Trần Đỗ Dũng, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Nhật Duật, Võ Văn Điểm (Võ Trường Chinh), Nguyễn Quang Tuyến… Đại học Đà Lạt cho xuất bản tạp chí Tri Thức, công bố một số bài viết giới thiệu các hiện tượng chịu ảnh hưởng khuynh hướng triết học và văn học phương Tây.

Ở Sài Gòn, năm 1964, Khối Ấn Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Các phân khoa Phật học, Văn học và Khoa học nhân văn của Viện thu hút nhiều giáo sư nổi tiếng: Thích Mãn Giác, Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện), Lê Mạnh Thát, Ngô Trọng Anh, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm… Viện thành lập Ban Tu thư và xuất bản tạp chí Tư Tưởng, đăng nhiều bài nghiên cứu sâu sắc về Thiền học, giáo dục học, hiện tượng luận, cấu trúc luận… Ba năm sau, 1967, như một đối trọng với Khối Ấn Quang, Khối Việt Nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng thành lập Viện Đại học Phương Nam và Văn khoa là một trong ba phân khoa của Viện.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, năm 1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, với bốn phân khoa, trong đó có Văn khoa. Viện ra mắt tạp chí An Bình. Sau đó, những cơ sở đào tạo khác lần lượt ra đời: Viện Đại học Phương Nam (1967), Viện Đại học An Giang (1970) Viện Đại học Cao Đài (1970), Viện Đại học Minh Đức (1970).

Các trường đại học thiên về khoa học xã hội và nhân văn ở miền Nam (như Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, Đại học Minh Đức…) chủ yếu tuyển sinh bằng hình thức ghi danh (đăng ký) chứ không qua thi tuyển. Hàng năm ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn có đến gần 1.000 sinh viên theo học các ban Văn chương và Triết học, trong đó nhiều người là viên chức vừa làm vừa học.

Trong việc giới thiệu và quảng bá tư tưởng triết học, mỹ học và văn học phương Tây, có thể khẳng định rằng đại học miền Nam, tập trung là các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh, đóng một vai trò rất quan trọng. Trong điều kiện một nền tự trị đại học còn sơ khai và hạn chế, ở các viện đại học, bên cạnh những phân khoa Phật học, Triết học Đông phương thu hút những nhà nghiên cứu về tư tưởng văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…; các phân khoa Văn học và Triết học Tây phương là tác nhân cho sự ra đời của những công trình nghiên cứu về tư tưởng văn học Âu-Mỹ. Đó cũng là nhu cầu tự thân của một nền đại học theo quỹ đạo giáo dục phương Tây. Thiết kế theo hệ thống chứng chỉ, chương trình đào tạo của các trường đại học Văn khoa hay các phân khoa Khoa học nhân văn đều có những môn học liên quan đến một số lý thuyết triết học và văn học phương Tây hiện đại.

Việc giới thiệu và giảng dạy rộng rãi, đa dạng các khuynh hướng triết học và văn học phương Tây, một mặt thỏa mãn nhu cầu có tính thời thượng của công chúng, mặt khác đáp ứng một đòi hỏi về kiến thức toàn diện mà đại học trang bị cho sinh viên. Trên thực tế, Nguyễn Văn Trung không chỉ nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa hiện sinh mà cả về triết học Phật giáo (Biện chứng giải thoát trong Phật giáo), Marx (Nhận diện Marx), Lenin (Bài học cách mạng của Lenin), cấu trúc luận, tiểu thuyết mới… Cũng vậy, Trần Thái Đỉnh còn nghiên cứu, giảng dạy về triết học Descartes, Kant, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, biện chứng pháp Platon, Hegel, Marx… Lê Tôn Nghiêm còn viết về Socrate, triết học cổ đại và trung đại… Việc phổ biến tư tưởng triết học và văn học Âu-Mỹ trong bối cảnh một nền đại học mới xây dựng muốn cập nhật những thành tựu của văn minh phương Tây là điều dễ hiểu.

Chính môi trường đại học đã tập hợp và đào tạo những nhà nghiên cứu triết học và văn học, góp phần làm xuất hiện những nhà văn, nhà phê bình văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng văn học phương Tây, đồng thời tạo điều kiện hình thành một công chúng yêu thích triết học và văn học phương Tây. Nhờ tính độc lập, dù là tương đối, với chính sách của nhà cầm quyền, mà giáo dục đại học ở miền Nam phần nào chứng minh cho nhận định của K. Jaspers: “Nếu trường đại học phục vụ khoa học và học thuật và nếu khoa học và học thuật chỉ có ý nghĩa trong chừng mực chúng là bộ phận của một đời sống trí thức toàn diện, thì đời sống trí thức này chính là huyết mạch của trường đại học”4 K. Jaspers (2003): Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, NXB Hồng Đức và Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh, tr. 5. Bài viết “Những mạch sống tinh thần của đại học” của Lê Tôn Nghiêm in trong sách này vốn là bài giới thiệu tác phẩm Ý niệm đại học của K. Jaspers đã đăng trên tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh số 01, bộ mới, chủ đề “Trước thềm đại học”, tháng 11-1974, tr. 183-189..

  1. Vai trò của báo chí và xuất bản

Cùng với đại học, với sự phát triển về số lượng và sự đa dạng về khuynh hướng, báo chí và xuất bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá các lý thuyết văn học phương Tây. Trong thế giới báo chí phong phú và phức tạp ở miền Nam, có thể nói đến sự đóng góp của một số tạp chí định kỳ trên lĩnh vực này.

Trong số các tạp chí định kỳ đăng tải những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, có thể chia ra thành hai loại: Loại thứ nhất là những tạp chí có tính chất học thuật do các trường đại học xuất bản, là tiếng nói chính thức của trường đại học đó, hoặc do người từ giới đại học đứng ra thành lập. Loại tạp chí này thường đăng những bài nghiên cứu chuyên sâu, uyên bác, có giá trị học thuật, nên kén chọn độc giả và lưu hành không thật rộng rãi. Trong loại này có thể kể Tạp chí Đại Học của Viện Đại học Huế, do linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm, nơi đăng bài của các giáo sư Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Nguyễn Nam Châu…; Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm chủ nhiệm, tập hợp những giáo sư là tu sĩ Phật giáo hay những người cộng tác với viện đại học này: Nguyễn Đăng Thục, Thích Quảng Độ, Bùi Tường Huân, Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Lê Tôn Nghiêm, Tuệ Sỹ, Như Hạnh…; Tạp chí Tri Thức của Viện Đại học Đà Lạt, do linh mục Mai Văn Hùng làm chủ nhiệm, có sự cộng tác của các giáo sư, học giả Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Dương, Thiện Cẩm, Kim Định, Nguyễn Văn Hòa, Cung Giũ Nguyên, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Bạt Tụy…; Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học do linh mục Thanh Lãng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, có sự cộng tác của các giáo sư ở Đại học Văn khoa Sài Gòn: Nguyễn Văn Trung, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Nguyễn Trọng Văn… ; Tạp chí Văn Khoa do một nhóm giáo sư Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn chủ trương, do Nguyễn Thiên Thụ làm chủ bút, có sự tham gia của Nguyễn Khuê, Trần Đỗ Dũng, Trần Quang Huy, Trần Trọng San, Nguyễn Văn Sâm…

Loại thứ hai là những tạp chí kết hợp đăng những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình với sáng tác văn học. Loại này hầu hết do những nhà văn hay học giả ngoài giới đại học chủ trương. Những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình trên các tạp chí này thường gắn liền với thời sự văn học hiện đại, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người sáng tác và công chúng rộng rãi, nên sức phổ biến mạnh và tính khuynh hướng cũng bộc lộ rõ hơn loại thiên về học thuật trên đây.

Trong loại này, có thể chia thành hai tiểu loại. Một là những tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật. Đó là Sáng Tạo do Mai Thảo chủ biên; Văn do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, Trần Phong Giao, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo lần lượt làm thư ký tòa soạn; Khởi HànhThời Tập do Viên Linh chủ biên; Văn Nghệ do Lý Hoàng Phong làm chủ nhiệm; Hiện Đại Nhà Văn do Nguyên Sa chủ trương; Văn Học do Phan Kim Thịnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút; Giữ Thơm Quê Mẹ do Nhất Hạnh làm chủ nhiệm, Trụ Vũ và Hoài Khanh lần lượt làm thư ký tòa soạn…

Tiểu loại thứ hai là những tạp chí liên ngành chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, trong đó có đăng những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ. Đó là trường hợp Bách Khoa do Hoàng Minh Tuynh rồi Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm, Hành TrìnhĐất Nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm, Lý Chánh Trung làm chủ bút, Trình Bầy do Thế Nguyên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút…

Những công trình nghiên cứu, dịch thuật có liên quan đến các lý thuyết văn nghệ phương Tây được các học giả trong và ngoài giới đại học thực hiện, ngoài một số được công bố trên các tạp chí nói trên, phần lớn được xuất bản thành sách. Qua danh mục xuất bản, có thể ghi nhận tính khuynh hướng của những nhà xuất bản có in sách liên quan đến các lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Khuynh hướng giáo khoa (Trí Đăng, Lửa Thiêng) in sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xung, Nguyễn Thiên Thụ, Trần Đỗ Dũng, Đặng Phùng Quân… Khuynh hướng hiện đại hóa (Thời Mới, Giao Điểm, Ca Dao) in sách của A. Maurois, A. Camus, K. Jaspers, G. Gusdorf, M. Heidegger, A. Niel, I. Bochenski, F. Challaye, W. Kaufmann, Trần Thái Đỉnh, Tràng Thiên, Đặng Tiến… Khuynh hướng Phật giáo nhập thế (Lá Bối, An Tiêm) in sách của Krishnamurti, S. Freud, M. Heidegger, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện… Khuynh hướng Công giáo dấn thân (Nam Sơn, Trình Bầy) in sách của Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nguyên Sa, Đỗ Long Vân, Vũ Đình Lưu, Hoàng Ngọc Biên, Thế Nguyên… Ngoài ra, một số nhà xuất bản khác: Kinh Thi, Tân An, Ra Khơi, Thế Sự, Hồng Đức, Nhị Nùng, Trẻ, Tổ Hợp Gió, Hoàng Đông Phương, Đại Nam Văn Hiến… cũng góp phần nhất định vào việc phổ biến tư tưởng văn nghệ phương Tây.

Ở đây có thể điểm qua một số nhà xuất bản tương đối nổi bật. Nhà xuất bản (Nxb) Thời Mới do Võ Phiến chủ trương, xuất bản một số sách về trào lưu văn học hiện đại như Những trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại của A. Maurois (Bản dịch của Trần Phong Giao, 1964), Văn học Nga-xô hiện đại của Tràng Thiên (1965)… Xuất bản năm 1963, Tiểu thuyết hiện đại của Tràng Thiên là cuốn sách trình bày khá sớm một quan niệm cách tân về xây dựng cốt truyện, nhân vật và kỹ thuật của tiểu thuyết. Tác giả cũng giới thiệu sơ lược phong cách nghệ thuật của năm tiểu thuyết gia có ảnh hưởng quan trọng trong văn học thế kỷ 20: W. Faulkner, C. Simon, T. Capote, A.-R. Grillet, U. Johnson… Chuyên khảo Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, do Thời Mới in năm 1967, trở thành một hiện tượng xuất bản. Những chương của cuốn sách này đã được công bố trên tạp chí Bách Khoa đầu những năm 1960 với bút hiệu Trần Hương Tử, nhưng khi khởi thảo, tác giả có chủ định xây dựng thành một công trình hệ thống, cân đối. Trong tinh thần đó, cuốn sách giới thiệu một cách hiểu về chủ nghĩa hiện sinh, hai ngành hữu thần và vô thần của nó, sau đó là những tác gia chủ yếu của trào lưu này: Kierkegaard, Nietzsche, Husserl, Jaspers, Marcel, Sartre, Heidegger. Mặc dù Trần Thái Đỉnh có khá nhiều định kiến với chủ nghĩa hiện sinh vô thần, chuyên khảo này là một tài liệu tham khảo có giá trị cho đến ngày nay.

Ra mắt cùng thời và có khuynh hướng gần gũi với Nxb Thời Mới, Nxb Giao Điểm của Trần Phong Giao xuất bản, bên cạnh tủ sách sáng tác và dịch thuật, một số sách bàn luận về văn học Pháp và văn học Việt Nam như Sứ mệnh văn nghệ hiện đại của A. Camus (Bản dịch của Trần Phong Giao), Vũ trụ thơ của Đặng Tiến, Chúng ta qua cách viết của Võ Phiến…

Hai nhà xuất bản do các tu sĩ Phật giáo có tinh thần dân tộc sáng lập là Lá Bối và An Tiêm đã cho ra mắt nhiều cuốn sách công phu về triết học và văn học. Lá Bối do Nhất Hạnh và Từ Mẫn chủ trương, xuất bản nhiều sách về tư tưởng triết học và văn học phương Tây, đồng thời với sách về tư tưởng phương Đông, đề cao sự nhập cuộc và hiện đại hóa của Phật giáo. An Tiêm, do Thanh Tuệ chủ trương, cũng gần với khuynh hướng Phật giáo nhập cuộc và hiện đại hóa của Lá Bối, nhưng có phần “phá cách” hơn. Nơi đây ấn hành bản dịch của những công trình có giá trị, như Đường vào hiện sinh của Krishnamurti (Bản dịch của Trúc Thiên, 1969), Văn học thế giới hiện đại của nhiều tác giả (Bản dịch của Bửu Ý, 1973), có cả những công trình nổi tiếng thế giới nhưng chưa hẳn phù hợp với quan điểm Phật giáo thuần thành, như Nghiên cứu phân tâm học của S. Freud (Bản dịch của Vũ Đình Lưu, 1969), Triết lý là gì? của M. Heidegger (Bản dịch của Phạm Công Thiện, 1969).

Những cuốn sách mang tinh thần “phá cách” và “phá chấp” nhất do An Tiêm xuất bản là của Phạm Công Thiện, tức Thích Nguyên Tánh: Hố thẳm của tư tưởng, Im lặng của hố thẳm, đặc biệt là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Là người có tư duy triết học sâu sắc kết hợp với cảm quan nghệ sĩ tinh tế, vừa được đào tạo quy củ, vừa có tinh thần “nổi loạn” với nhà trường và xã hội, Phạm Công Thiện đã đặt lại nhiều vấn đề tư tưởng và văn hóa, khiến một số thức giả đương thời phiền lòng, nhưng lại cảm hóa và thu hút nhiều độc giả trẻ. Mang tinh thần chủ toàn của đạo học Đông phương, Phạm Công Thiện kết hợp triết học và mỹ học phương Tây với tinh thần Phật giáo. Là những bài viết đăng rải rác trên các tạp chí được tập hợp, những cuốn sách của ông phản ánh “tâm trạng của một người bị giam hãm trong đời sống”, như lời tác giả, nhiều khi chứa đựng những ẩn dụ thi vị của một triết nhân hơn là những luận chứng chặt chẽ của một nhà khoa học.

Trong khi đó, Nam Sơn và Trình Bầy là hai nhà xuất bản quy tụ nhiều trí thức Công giáo khuynh tả dấn thân. Nam Sơn công bố nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về khoa học xã hội và nhân văn mà ít sáng tác văn học. Hầu hết sách của Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Lý Chánh Trung đều thuộc tủ sách Nghiên cứu xã hội của Nxb này, trong đó phổ biến rộng nhất có thể kể: Triết học tổng quát, Đưa vào triết học, Lược khảo văn học (3 tập), Ca tụng thân xác, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Hành trình trí thức của Karl Marx, Nhận định (6 tập) của Nguyễn Văn Trung; Hành trình đi vào triết học, Tìm hiểu đời sống xã hội, Xã hội và con người, Tìm hiểu triết học của Karl Marx của Trần Văn Toàn; Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Ba năm xáo trộn của Lý Chánh Trung…

Thành lập muộn hơn Nxb Nam Sơn, Nxb Trình Bầy do Thế Nguyên đứng tên xin phép, in cả sáng tác và khảo luận, đặc biệt có tủ sách Nghiên cứu triết học do Nguyễn Ngọc Lan điều khiển và tủ sách Nghiên cứu và phê bình văn học do Đỗ Long Vân điều khiển. Tủ sách thứ nhất cho ra đời một số công trình khá độc đáo như Descartes, nhìn từ phương Đông của Nguyên Sa; Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger của Lê Tôn Nghiêm, Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại (Đặt lại vấn đề văn minh với C. Lévi-Strauss) của Trần Đỗ Dũng… Tủ sách thứ hai có Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân HươngVô Kỵ giữa chúng ta (Hiện tượng Kim Dung) của Đỗ Long Vân, Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương, Một bông hồng cho văn nghệ của Nguyên Sa, Ngôn ngữ và thân xác của Nguyễn Văn Trung, Sinh khí và nhịp điệu của Vũ Đình Lưu, Marcel Proust – con người xã hội Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên … Hoạt động của cả tạp chí và Nxb cùng tên Trình Bầy cho thấy một khuynh hướng trí thức có tinh thần dân chủ – xã hội ở miền Nam, đồng thời rất coi trọng việc học tập tri thức phương Tây.

Nxb Ca Dao do Hoài Khanh sáng lập đã ấn hành một loạt dịch phẩm nghiêm túc và có chất lượng cao: Triết học nhập môn của K. Jaspers (Bản dịch của Lê Tôn Nghiêm, 1974), Kierkegaard – người chứng của chân lý của G. Gusdorf (Bản dịch của Tôn Thất Hoàng, 1969), Siêu hình học là gì? của M. Heidegger (Bản dịch của Trần Công Tiến, 1974), Những tiếng kêu lớn của chủ nghĩa nhân bản hiện đại của A. Niel (Bản dịch của Mạnh Tường, 1969), Triết học Tây phương hiện đại của I. Bochenski (Bản dịch của Tuệ Sỹ, 1969), Nietzsche – cuộc đời và triết lý của F. Challaye (Bản dịch của Mạnh Tường, 1969), Nghệ thuật, truyền thống và chân lý của W. Kaufmann (Bản dịch của Hoài Khanh, 1967)…

Nxb Lửa Thiêng do một nhóm giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn sáng lập, xuất bản sách sử dụng trong nhà trường đại học. Về tư tưởng phương Tây, có những cuốn Triết học và khoa học, Triết học và văn chương, Chân dung triết gia của Đặng Phùng Quân, Văn học và ngữ học (2 quyển) của Bùi Đức Tịnh, Thẩm mỹ học thông khảo của Nguyễn Văn Xung, Descartes của Trần Đỗ Dũng… Đáng chú ý nhất trong số đó là công trình Thẩm mỹ học thông khảo (1974) của Nguyễn Văn Xung, trình bày mạch lạc một số học thuyết thẩm mỹ phương Tây như thuyết “cái đẹp phi khái niệm” của Kant, thuyết “trực giác và hình tướng” của D. Croce, thuyết “cự ly tâm lý” của Bullough, thuyết “di tình tác dụng” hay “vật ngã đồng nhất” của Lipps, thuyết “nội mô phỏng” của Munsterberg, K. Groos và Vernon Lee. Mặc dù có phần chịu ảnh hưởng từ công trình Tâm lý văn nghệ của Chu Quang Tiềm, cuốn sách của Nguyễn Văn Xung có lẽ là một trong những công trình sớm nhất ở nước ta giới thiệu một cách hệ thống các trường phái mỹ học phương Tây hiện đại, bước đầu vận dụng giải thích một số hiện tượng văn nghệ Việt Nam.

Sự truyền bá tư tưởng mỹ học và văn học phương Tây được nhận diện trực tiếp và rõ ràng nhất qua các công trình dịch thuật và nghiên cứu những nền văn hóa khác nhau: Pháp, Đức, Mỹ… Trong các kênh truyền dẫn tư tưởng phương Tây vào miền Nam, trực tiếp nhất vẫn là kênh dịch thuật. Nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác của các tác gia Âu-Mỹ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt có thể xem là đóng góp rõ rệt nhất của các dịch giả miền Nam. Những năm gần đây, một số dịch phẩm này đã được phép tái bản, trở thành tài liệu tham khảo cho giới nghiên cứu nước ta, chẳng hạn sách của F. Nietzsche, S. Kierkegaard, S. Freud, M. Heidegger, K. Jaspers, J.-P. Sartre, A. Camus, A. Gide, S. de Beauvoir… Các cuốn sách Tổng kết văn học thế kỷ 20 (Bản dịch của Phạm Đình Khiêm, Đại học Huế xb, 1963) và Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học châu Âu thế kỷ 20 (Bản dịch của Vũ Đình Lưu, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, 1971) của R. Albérès, Văn học thế giới hiện đại (Bản dịch của Bửu Ý, Nxb An Tiêm, 1973) của R. Albérès và các cộng sự, Tiểu thuyết hiện đại (Bản dịch của Dương Thanh Bình, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, 1971) của D. Brewster và J. A. Burrell cũng là những trường hợp đưa tư tưởng văn học phương Tây đến với công chúng miền Nam bằng con đường dịch thuật. Gần như đồng thời với dịch thuật là các công trình biên khảo, tổng thuật, giới thiệu các trào lưu và tác gia tư tưởng Âu-Mỹ, từ khái quát đến cụ thể. Gần đây có một ít cuốn sách dạng này được tái bản, như sách của Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Huỳnh Phan Anh…

Về mặt xuất bản và phát hành, dân số miền Nam giai đoạn 1954-1975 khoảng 20 triệu người, tức là chưa bằng một phần tư hiện nay, nhưng tirage sách khảo cứu lý luận, phê bình trung bình khoảng 2.000, còn tạp chí văn học khoảng 3.000. Cá biệt có trường hợp như cuốn Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh in hai lần, số lượng lên đến 7.000 cuốn.

Tư tưởng văn nghệ hiện đại Âu – Mỹ được phân tích và giới thiệu cặn kẽ trên các trang tạp chí trước khi tập hợp để xuất bản thành sách đã có ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn. Cùng với điều đó là việc dịch thuật và quảng bá các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại nước ngoài. Phân tâm học, hiện tượng luận, kỹ thuật dòng ý thức được vận dụng vào việc miêu tả thế giới và con người trong văn xuôi. Những sáng tác thơ, truyện, kịch chịu ảnh hưởng tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ một cách gián tiếp thông qua những hình tượng là những hiện tượng phức tạp và luôn gây tranh cãi. Trường hợp này đang được đánh giá và chọn lọc rất dè dặt, vì khối lượng tác phẩm quá lớn, đòi hỏi một lực lượng nghiên cứu đông đảo. Gần đây, chỉ có một số rất ít tác phẩm thuộc loại này được nhắc đến một cách thận trọng trên báo chí. Ngoài ra, còn có thể nói đến ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của tư tưởng văn nghệ phương Tây trong quan niệm sống và lối sống của một bộ phận công chúng, đòi hỏi cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, đặc biệt qua những cuộc điều tra xã hội học.

  1. Kết luận

Trên đây có thể xem là những phương diện khác nhau của bức tranh toàn cảnh về sự du nhập các lý thuyết văn nghệ phương Tây ở miền Nam. Cùng với điều đó, và có lẽ quan trọng hơn, là đi sâu nghiên cứu những trào lưu tư tưởng với những tác gia của nó, đã được truyền bá, tiếp thu và gây ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau trong đời sống văn học nghệ thuật miền Nam như thế nào. Đó là chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, tiểu thuyết dòng ý thức, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa Marx, lý thuyết tíếp nhận…

Ở đây có hai hiện tượng cần đặc biệt nhấn mạnh. Hiện tượng thứ nhất là chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu gây nhiều ảnh hưởng trái nghịch nhất, được tiếp thu cả từ phía những người khuynh tả lẫn những người khuynh hữu, những người vô thần lẫn những người hữu thần, từng được đề cao hết lời nhưng cũng bị đả kích kịch liệt. Nó đã tác động không chỉ trong lĩnh vực văn học mà cả trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh…

Hiện tượng thứ hai là mỹ học, lý luận – phê bình văn học mác-xít, vượt qua những rào cản của một chế độ kiểm duyệt khắc nghiệt, bằng nhiều cách khác nhau, đã hiện diện và được vận dụng ngay “trong vòng phấn trắng” (chữ của Thế Nguyên) của văn nghệ các đô thị miền Nam. Trong phạm vi đại học miền Nam, chủ nghĩa Marx được nghiên cứu và giảng dạy là một chủ nghĩa Marx đã khúc xạ qua lăng kính học thuật Âu – Mỹ, được coi trọng khai thác khía cạnh nhân bản và thiên về lý thuyết, chủ yếu là các tác phẩm Marx thời trẻ. Một chủ nghĩa Marx như vậy dễ dàng cộng hưởng với tâm thế của những trí thức khuynh tả có khát vọng về độc lập dân tộc và công bằng xã hội.

Tìm hiểu việc quảng bá các lý thuyết văn học phương Tây ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, không thể không đặt câu hỏi: do đâu mà việc truyền bá đó diễn ra mạnh mẽ trong một thời gian không dài như vậy? Tính từ 1930 cho đến 1954, Sài Gòn và một số đô thị miền Nam vẫn nằm trong ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng mặc dù quá trình hiện đại hóa đang diễn ra, sự truyền bá về mặt này vẫn còn sơ sài và hạn hẹp. Nếu chỉ xét trên chủ trương của nhà cầm quyền, thì khó nói là những người cầm quyền như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm… ít thiện cảm với văn minh phương Tây hơn Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Vậy có lẽ phải tìm câu trả lời từ nguyên nhân trực tiếp.

Theo chúng tôi, việc quảng bá tư tưởng văn học phương Tây sở dĩ mạnh mẽ như vậy trước hết là vì ảnh hưởng của những người truyền bá. Đó là những trí thức du học ở các nước Âu-Mỹ (Pháp, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ…) đã thành tài và trở về sau 1954. Họ lần lượt chiếm giữ những vị trí then chốt trong hệ thống nhà trường đại học và các cơ quan văn hóa. Họ cũng mang về một quan niệm và kỹ thuật làm báo, làm xuất bản mới ở phương Tây mà trước đây Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh… chỉ mới áp dụng bước đầu. Vì vậy ảnh hưởng của lớp trí thức này có thể nhìn thấy qua hoạt động của các trường đại học và của giới xuất bản, báo chí. Ngược lại, khắng định vai trò của đại học, báo chí và xuất bản trong việc truyền bá tư tưởng phương Tây cũng chính là khẳng định vai trò của lớp trí thức ấy.

Sau hơn 40 năm nhìn lại, một cách tổng quát, có thể nói các lý thuyết văn học phương Tây đã để lại ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tinh thần của xã hội miền Nam. Việc giới thiệu và quảng bá các trào lưu tư tưởng này trong nhà trường đại học và trên sách báo ở miền Nam những năm 1954-1975 diễn ra không đều nhưng là một hoạt động liên tục. Trên thực tế không có một sự thiên lệch giữa tư tưởng phương Tây và tư tưởng phương Đông trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Trong các danh mục xuất bản, văn học Âu Mỹ cũng không hoàn toàn áp đảo; mỗi nhà xuất bản có chủ trương riêng về việc chọn đề tài phù hợp với khẩu vị độc giả của mình. Nhưng liên kết lại các công trình xuất bản thành sách và công bố trên báo chí, thì có thể hình dung một bức tranh vừa đa dạng, sinh động, vừa xô bồ, phức tạp về mặt này.

Nhìn chung, ở miền Nam, giáo dục ngày càng nghiêng về ảnh hưởng của nền giáo dục Mỹ, nhưng đời sống văn học vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Tây Âu. Dĩ nhiên không phải tất cả trí thức góp phần quảng bá tư tưởng Âu-Mỹ đều đã được đào tạo ở các nước phương Tây, càng không phải tất cả trí thức ở đô thị miền Nam đều mặn nồng với văn học Âu-Mỹ. Nhưng chính là môi trường văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ phương Tây đã góp phần quảng diễn ảnh hưởng của tư tưởng văn nghệ Âu-Mỹ. Một người như Nguyễn Hiến Lê, chưa bao giờ đặt chân đến một xứ sở Âu-Mỹ, nhưng nhà trường Pháp-Việt đã tạo cho ông tầm văn hóa để tiếp nhận và phổ biến tinh hoa văn học phương Tây cho độc giả miền Nam.

Chúng ta sẽ nhận thấy một điều thú vị với so sánh sau đây: một số nhà trí thức tài năng trước 1945 như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh, Phan Khôi, Trương Tửu… đã có công lớn trong việc giới thiệu tư tưởng xã hội và tư tưởng văn nghệ phương Tây, đồng thời trực tiếp thực hành cách làm báo và làm xuất bản tân tiến; nhưng trong số họ hầu như chưa có ai dịch thuật hay biên khảo một công trình bề thế về lý thuyết mỹ học và văn học phương Tây. Trái lại, 30 năm sau, ở miền Nam, nhiều cuốn sách về triết học, mỹ học Âu-Mỹ đã được dịch thuật, biên soạn, trong khi những công trình vận dụng lý thuyết này vào nghiên cứu, phê bình lại xuất hiện hết sức dè dặt và khiêm tốn.          

Qua dịch thuật, nghiên cứu của những học giả miền Nam, các lý thuyết văn học phương Tây vừa có sức hấp dẫn, vừa bộc lộ những hạn chế lịch sử của nó. Tuy việc nghiên cứu ở đây chỉ mới dừng lại ở bình diện lý thuyết và chưa có nhiều thành tựu về mặt vận dụng vào thực tiễn sáng tác, phê bình văn học, nhưng nó có ý nghĩa đặt nền tảng cho quá trình tiếp thu những khuynh hướng quan trọng của tư tưởng trong khoa học nhân văn hiện đại mà mãi đến gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, giới nghiên cứu Việt Nam mới khởi động trở lại.  

Từ 1986 đến nay, những đổi mới trong việc nghiên cứu, đánh giá sự tiếp nhận tư tưởng mỹ học và các lý thuyết văn học phương Tây ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 cung cấp những bài học quý giá có thể vận dụng vào việc ứng xử với những hiện tượng văn học trong hoàn cảnh xã hội miền Nam giai đoạn 1954-1975, một hoàn cảnh đen tối và cực đoan về chính trị mà ngày nay nhìn lại, trong điều kiện hiện đại hóa và hội nhập, cần rất nhiều tinh thần khoan hòa trong đối thoại văn hóa.           

2015-2016

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


Tài liệu tham khảo

  1. Dolezel, Lubomir., (1990), Occidental Poetics: tradition and progress, University of Nebraska Press.
  2. Fokkema D., Ibsch E., (1995),Theories of Literature in the Twentieth Century, St. Martin Press, New York.
  3. Harland R., (1999),Literary Theory from Plato to Barthes, Macmillan Press Ltd, London.
  4. Jaspers, K., (2003),Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, Nxb. Hồng Đức và Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh.
  5. La Khắc Hòa, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương (đồng chủ biên),(2015) Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  6. Nguyễn Văn Trung, (1967),Góp phần phê phán giáo dục và đại học, Nxb. Trình Bầy, Sài Gòn.
  7. Niculin N., (2000),Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
  8. Thế Nguyên, (1979), “Báo chí và xuất bản miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy”, trong Văn hóa, văn nghệ miền Nam dưới chế độ

Mỹ ngụy, Tập II, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội.

  1. Trần Văn Chánh, (2014), “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, số 7-8.
  2. Võ Phiến, (2000), Văn học miền Nam – Tổng quan, Nxb. Văn Nghệ, California, in lần thứ ba.

Giáo lý Tam Phụ và Đạo Hiếu


Một Nỗ Lực Hội Nhập Thần Học Vào Nền Văn Hóa Nho Giáo Việt Nam

Antôn-Phaolô Trần Quốc Anh, SJ
Học Viện Thần Học Dòng Tên
Đại Học Santa Clara

Cụm từ “Hội Nhập Văn Hóa”, hay nói cách khác, sự liên hệ giữa niềm tin và văn hoá trong phương thức truyền giáo là một đề tài được quan tâm trong giới thần học trên 40 năm qua. Khái niệm này được diễn tả dưới các thuật ngữ “chuyển thể văn hoá” (cultural translation), “bản địa hoá” (indigenization), “bối cảnh hoá (contextualization), “thích nghi văn hoá” (cultural adaptation / accommodation), hoặc “đạo vào đời” (incarnation). Từ xưa người Việt đã có câu “nhập gia tuỳ tục” (tháp nhập văn hoá, acculturation) để chỉ hiện tượng thích nghi văn hoá của một người đến từ bên ngoài nền văn hoá đó.

Trong xã hội học danh từ “enculturation” (hội nhập văn hoá)1Thuật ngữ Latinh “inculturatio” xuất hiện trước hết tại Tổng Hội của dòng Tên lần thứ 32 năm 1975 và trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội từ tông huấn của Đức Gioan Phaolô II về giáo lý Catechesi Tradendae (1979) trở về sau, chẳng hạn như Slavorum Apostoli (1985), Redemptoris Missio (1990), Fidei et Ratio (1998), Ecclesia in Africa (1995), Ecclesia in America (1999), Ecclesia in Asia (1999), Ecclesia in Oceania (2001), Ecclesia in Europa (2003), Ecclesia de Eucharistia (2003). được dùng để chỉ tiến trình thích nghi, hấp thụ, và tích hợp văn hóa của một cá nhân hay tập thể đến từ bên ngoài nền văn hoá đó. Trong thần học danh từ “inculturation” được dùng để nói đến mối liên hệ hỗ tương giữa Tin Mừng và Văn Hoá, cũng được dịch là hội nhập văn hoá2Thuật ngữ Latinh “inculturatio” xuất hiện trước hết tại Tổng Hội của dòng Tên lần thứ 32 năm 1975 và trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội từ tông huấn của Đức Gioan Phaolô II về giáo lý Catechesi Tradendae (1979) trở về sau, chẳng hạn như Slavorum Apostoli (1985), Redemptoris Missio (1990), Fidei et Ratio (1998), Ecclesia in Africa (1995), Ecclesia in America (1999), Ecclesia in Asia (1999), Ecclesia in Oceania (2001), Ecclesia in Europa (2003), Ecclesia de Eucharistia (2003).. Nhưng trong tiến trình nhập thể của Tin Mừng vào một nền văn hoá nào đó, Tin Mừng không chỉ mặc lấy giá trị, ngôn ngữ và biểu tượng của văn hoá ấy mà còn chuyển tải những giá trị của Tin Mừng vào nền văn hoá đó. Như vậy, hội nhập văn hoá trong thần học (inculturation) là một tiến trình hai chiều, một mặt hấp thụ và tích hợp các giá trị văn hoá tích cực vào đức tin Kitô giáo, và mặt khác tháp nhập đức tin Kitô giáo vào nền văn hoá ấy.

Hội nhập văn hoá không phải là khái niệm mới. Mầu nhiệm nhập thể “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm” (incarnation) đã bao gồm ý niệm này. Con Thiên Chúa khi muốn đến với con người cũng phải đi vào văn hoá, ngôn ngữ và cách sống của con người. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã đi đầu trong việc hội nhập văn hoá khi trở thành một người trong chúng ta. Nhưng hơn thế nữa, chính việc nhập thể của Ngài đã đem chiều kích siêu nhiên vào bản tính tự nhiên của nhân loại. Các giáo phụ Irênêô, Clêmentê thành Alexandria và đặc biệt Athanasiô đều giải thích: “Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy nhân tính để con người có được thiên tính”3Xem Irenaeus of Lyons: “The Word of God, our Lord Jesus Christ, who did, through His transcendent love, become what we are, that He might bring us to be even what He is Himself” (Against Heresies, Book 5, Preface); Clement of Alexandria: “The Word of God became man, that thou mayest learn from man how man may become God (Exhortation to the Heathen, Chapter 1); Athanasius of Alexandria: “For He was made man that we might be made God” (On the Incarnation of the Word of God, paragragh 54)..

Ngay từ thời Tân Ước đã có những cố gắng đem Tin Mừng vào nền văn hoá La-Hy. Tại công nghị Giêrusalem năm 45, thánh Phaolô đã phải tranh luận với nhóm bảo thủ trong Hội Thánh muốn áp đặt tất cả tập tục của người Do Thái trên các tín hữu tân tòng dân ngoại. Kết quả của cuộc tranh luận này là người tín hữu Kitô không còn bị ràng buộc bởi văn hoá và lề luật của người Do thái. Dần dà theo thời gian, đức tin Kitô giáo mặc lấy những mô hình văn hoá và hệ thống xã hội của các dân tộc khác nhau ở trong đế quốc La Mã trải rộng từ Tiểu Á đến Tây Ban Nha. Kế đó Tin Mừng được truyền bá đến các bộ tộc người Celt, người Bắc Âu và người Slav. Cuối thiên niên kỷ thứ nhất toàn thể Âu Châu đã trở thành thế giới Kitô. Từ đó văn hóa Âu Châu gắn liền với niềm tin Kitô giáo đến nỗi Hilaire Beloc đã nhận xét: “Âu Châu là Kitô giáo, Kitô giáo là Á Châu.”4Dẫn theo “Inculturation” trong New Dictionary of Theology do Komochok, Collins & Lane chủ biên (Michael Glazier, 1987), tr. 510-513.

Khi người Âu Châu bắt đầu vươn ra khỏi thế giới văn hoá của chính mình và đi truyền giáo tại Á Châu, họ phải đối diện với những thử thách mới. Khác với việc truyền giáo ở Nam Mỹ và Phi Châu, các dân tộc Á Châu từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhật Bản đều đã có những nền văn hoá khá cao mà không dễ dàng bị thu phục. Mặc dù Tin Mừng đã được rao giảng tại Nhật Bản từ khi thánh Phanxicô Xaviê đặt chân đến xứ này vào năm 1549, tình hình không mấy khả quan cho đến khi Alessandro Valignano (1539-1606), vị kinh lược xứ của dòng Tên đặc trách vùng Đông Á, thay đổi chính sách truyền giáo ở Á Châu. Valignano chủ trương hội nhập vào văn hóa bản địa thay vì “xóa bàn làm lại” như chính sách truyền giáo ở Nam Mỹ, Goa, Malacca và Philippines. Trong khi một số nhà truyền giáo nghĩ rằng xoá bỏ hoàn toàn các thói quen tôn giáo và tục lệ cũ là điều cần thiết trước khi xây dựng niềm tin Kitô giáo thì Valignano lại chọn một đường lối nhẹ nhàng hơn: nên tôn trọng văn hoá bản địa và chỉ thay đổi những gì cần thiết nơi các tập tục địa phương để phù hợp với Tin Mừng, nhưng trong mức độ vừa phải.

Chiến lược truyền giáo của Valignano đòi buộc các thừa sai hai điều. Trước tiên, họ phải học tiếng bản xứ đủ để có thể rao giảng Tin Mừng và soạn các bài giáo lý, kinh nguyện bằng tiếng địa phương. Thứ đến, họ phải tìm hiểu sâu xa về nền văn hoá bản địa, tôn trọng những giá trị truyền thống, miễn là chúng không trái ngược với đức tin Kitô giáo. Chính sách hội nhập văn hoá do Valignano khởi xướng đã đào tạo nên một thế hệ các nhà truyền giáo dòng Tên am hiểu tinh thần và phương pháp hội nhập văn hoá như Matteo Ricci tại Trung Hoa, Roberto de Nobili tại Ấn Độ hay Girolamo Maiorica và Alexandre de Rhodes tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm truyền giáo tại Nhật Bản và Trung Hoa, các nhà truyền giáo Dòng Tên khi đến Việt Nam đã cẩn thận tìm một cách thích hợp để giới thiệu Tin Mừng cho một dân tộc đã gắn bó lâu đời với những giá trị và đạo đức Nho giáo. Để tận dụng những lý tưởng “trung” và “hiếu” đặc trưng của xã hội truyền thống Việt Nam, các thừa sai đã sáng tạo ra giáo lý “Tam Phụ” (Ba đấng làm Cha) như một phương thức hội nhập, bản-địa-hoá đức tin Kitô giáo vào văn hóa truyền thống của người Việt.

Bài nghiên cứu này trình bày học thuyết Tam Phụ qua một số sách giáo lý và luận văn Công giáo thuộc thế kỷ XVII và XVIII. Trước tiên tôi sẽ trình bày về hoàn cảnh phát sinh ra giáo lý này. Tiếp theo, tôi sẽ diễn giải ngắn gọn về học thuyết này trong sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày (1651) của giáo sĩ De Rhodes rồi đến hai tác phẩm hộ giáo của thế kỷ thứ mười tám: Phép Giảng Đạo ThậtHội Đồng Tứ Giáo. Và sau cùng tôi sẽ lượng giá sự đóng góp của giáo lý Tam Phụ cho người Công giáo Việt Nam trong xã hội Nho giáo.

  1. BỐI CẢNH HÌNH THÀNH NÊN GIÁO LÝ TAM PHỤ

1.1 Tin Mừng Gặp Văn Hóa Việt

Từ giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, Nho giáo trở thành tư tưởng chủ đạo tại Việt Nam. Sau khi giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của nhà Minh (1407-1418), các vua triều Lê đã đề cao Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống để có được lòng trung thành, thiết lập luật pháp và trật tự, và mang lại sự ổn định cho xã hội. Mặc dù được hỗ trợ bởi triều đình và các sĩ phu, chỉ có vài tư tưởng Nho giáo cơ bản đến được với quần chúng. Người bình dân Việt Nam chỉ biết đến đạo Nho một cách chung chung như khái niệm Tam Cương Ngũ Thường, Tam Tòng Tứ Đức.

Các sĩ phu và học giả thì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng của các nho gia đời Tống, đặc biệt là của Chu Hy. Tuy nhiên, Nho giáo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển về mặt học thuật như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản cùng thời đại5Ở Hàn Quốc dưới triều đại Joseon (Chosôn), có các triết gia nổi tiếng như Yi Hwang T’oe-gye (1501-1570) và Yi I Yul-gok (1536-1584). Ở Nhật Bản có ba học phái trong triều đại Edo: Chu Tử Học: Fujiwara Seika (1561-1617), Hayashi Razan (1583-1657), Yamazaki Ansai (1619-1682); Dương Minh Học: Nakae Tôju (1608-1648) Kumazawa Banzan (1619-1691); Cổ Học: Yamaga Sokô (1622-1685), Itô Jinsai (1627-1705), Ogyû Sorai (1666-1728). . Các nhà Nho Việt Nam dành phần lớn thời giờ học thuộc lòng và nghiền ngẫm các kinh điển đã được Chu Hy hệ thống hoá như Tứ Thư và Ngũ Kinh để có thể thi đậu ở các kỳ thi do triều đình tổ chức6Chu Hy (1130-1200) triết gia đời Tống đã đưa Tứ Thư (sách Đại Học. Trung Dung. Luận Ngữ, Mạnh Tử) vào quy điển của Nho gia mà các sĩ tử cần phải biết. Ở Trung Hoa, các sách chú giải của Chu Hy là sách giáo khoa được dùng gần 600 năm trong các kỳ thi (từ 1313 đến 1905).. Họ ít quan tâm đến các vấn đề siêu hình học hay đưa ra những phát kiến mới hoặc tham gia vào các cuộc tranh luận giữa các trường phái Nho giáo như ở các nước Đông Á khác. Nho gia Việt Nam chủ yếu tập trung vào các vấn đề luân lý đạo đức, các quy tắc ứng xử và lễ nghi. Kết quả là Nho giáo Việt Nam đã không gây dựng được một hệ tư tưởng đặc thù nào hoặc một tác phẩm lý luận kinh điển nào. Các nhà nho Việt Nam, kể cả những người uyên bác nhất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, chỉ để lại cho hậu thế những tập thơ và các sách lịch sử, địa lý.

Đạo Công giáo đến với người dân đất Việt trong thời điểm đất nước bị chia đôi. Cuộc chiến giữa nhà Mạc và liên minh Trịnh-Nguyễn, rồi đến chiến tranh giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn làm lòng dân hoang mang, mệt mỏi. Chiến tranh, loạn lạc, đói kém khiến con người dễ tìm đến tín ngưỡng và tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần cho những bất ổn khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời điểm này, các tín ngưỡng truyền thống như đạo Phật đạo Nho cũng đang bị suy thoái và mất đi ít nhiều sức hấp dẫn với đại đa số quần chúng.

Theo dã sử được trích lại trong sách Khâm Định Việt Sử Cương Giám Thông Mục của quốc sử quán triều Nguyễn thì năm Nguyên Hoà nguyên niên đời vua Lê Trang Tông (1533) đã có người Tây dương “I-ni-khu” đến giảng đạo ở miền duyên hải Bắc Việt. Sau đó cũng đã có các nhóm thừa sai dòng Đaminh và dòng Phanxicô đến rao giảng tin mừng. Nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên kết quả không mấy khả quan. Phải đợi đến năm 1615 khi nhóm thừa sai dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn và sau đó xuống Hội An thì việc truyền giáo tại Việt Nam mới thực sự khởi sắc. Các thừa sai dòng Tên đã mau chóng học tiếng Việt và xây dựng các giáo đoàn tại Đàng Trong. Hơn một thập niên sau, dựa trên kinh nghiệm truyền giáo tại Đàng Trong, công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài khởi đầu với Alexandre de Rhodes và Pedro Marques trong những năm 1627-1630 đã đem lại những thành quả tốt đẹp. Các báo cáo cho thấy trong vòng 30 năm sau đó, số lượng tín hữu đã gia tăng với mức độ thần tốc. Con số vài ngàn tín hữu lúc De Rhodes rời Đàng Ngoài đã gia tăng tới hơn vài trăm ngàn người Công giáo vào đầu thập niên 16607Theo báo cáo của giáo sĩ dòng Tên Joseph Tissanier (xem Montézon, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris 1868, tr. 143, 159) thì năm 1663 đã có 300 ngàn tín hữu ở Đàng Ngoài. Nhưng theo các thừa sai MEP thì chỉ có hơn 80.000 tín hữu thôi (Adrien Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, Paris 1927, tr. 86). Xem nhận xét và phê bình của Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo ở Việt Nam (NXB Tôn Giáo, 2008) tr. 176-177. . Sự phát triển nhanh chóng của đạo Công giáo ở thời kỳ đầu tại Việt Nam vừa là do chiến lược của dòng Tên, vừa là do tôn giáo mới này đã đáp ứng được các nhu cầu tâm linh của quần chúng vốn quá mệt mỏi vì chiến tranh và đau khổ.

1.2 Thuận Lợi và Khó Khăn

Chính sách về hội nhập văn hoá trong việc truyền giáo cho vùng Đông Á đã giúp Kitô giáo bám rễ được vào một đất nước vốn có một quá trình gắn bó văn hoá và tôn giáo sâu đậm với Nho giáo và Phật giáo. Khi các thừa sai Dòng Tên đến Nhật Bản năm 1543, sau đó đến Trung Hoa năm 1583, và cuối cùng đến Việt Nam năm 1615, họ đã tìm thấy nơi các xã hội Nho giáo vùng đất màu mỡ cho việc truyền bá sứ điệp Kitô giáo. Các giáo sĩ nhận thấy trong các đặc tính tôn giáo bản địa của người Việt đã có một khuynh hướng tự nhiên của đức tin Kitô giáo. Người Việt biết đến ông Trời, có một niềm tin mạnh mẽ vào định mệnh và thưởng phạt đời sau. Họ quý trọng các nhân đức và các tương quan xã hội, nhấn mạnh đến lòng trung thành và hiếu thảo hơn những giá trị tinh thần khác8Giáo sĩ Buzomi đã nhận xét: “Nhờ Nho giáo, xã hội và gia đình ở đất nước này (Đàng Trong) đã có một tổ chức rất cao. Người dân nước này có những đức tính và phong tục đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo” dẫn theo Nguyên Hồng Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam (Saigon, 1959), tr. 55..

Mối quan tâm chính của các nhà truyền giáo là làm thế nào để thích nghi Tin Mừng trong một vùng đất mới mà không làm thay đổi hoàn toàn sứ điệp cơ bản. Phương pháp sư phạm thường áp dụng là mô hình tiệm tiến, từng bước một, bắt đầu với những gì thân quen và cụ thể trong cuộc sống của các dân tộc, làm việc theo cung cách của họ, rồi từ từ dẫn đến các thực hành Kitô giáo. Ví dụ, biết rằng người Việt rất sùng kính tổ tiên, các thừa sai dòng Tên cho phép giáo dân Việt Nam được tôn vinh người chết theo phong tục địa phương nhưng kèm theo những thay đổi nho nhỏ để đảm bảo rằng họ không đi theo mê tín dị đoan9Trong việc tang ma chằng hạn, người Công giáo Việt không chọn hướng mồ mả theo phong thủy địa lý, không chọn ngày giờ để chôn, không đốt vàng mã. Người Công giáo Việt Nam không cúng rượu thịt mà chỉ dâng hương hoa. Họ vẫn để tang ông bà cha mẹ và đặc biệt là dâng lễ đọc kinh, cầu siêu cho người quá cố. .

Bên cạnh những thuận lợi nhất định, các nhà truyền giáo cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và khác biệt nơi văn hoá truyền thống. Việc chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, không thờ cúng các thần thánh khác, chống lại chế độ đa thê, cấm các tín hữu tham gia vào các lễ hội tôn giáo địa phương, bài bác một số tục lệ về tang tế, và hạn chế một số nghi lễ trong việc thờ cúng tổ tiên: những điều đó bị những người chống đối đạo mới coi là chối bỏ văn hóa của tổ tiên để chạy theo văn hóa ngoại lai.

Đối với người Việt, đạo Hiếu là đặc trưng của nhiệm vụ tôn giáo và đạo đức. Hiếu thảo được coi là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức để duy trì sự hài hòa trong xã hội. Nếu một người giữ được lòng hiếu thảo, người đó có thể được coi là người biết đến lễ nghĩa và giữ được lòng trung thành. Từ bậc vua quan cho đến người thấp hèn trong xã hội, không một ai muốn bị cáo buộc là bất hiếu. Do đó, khi người ngoài Công giáo không thấy các tín hữu Công giáo Việt Nam bày tỏ lòng hiếu thảo theo tập tục truyền thống, nhất là trong nghi lễ tang ma, họ nghi ngờ rằng người Công giáo đã từ bỏ “đạo ông bà”.

Ngoài ra, việc giáo dân Việt Nam tuân phục Đức Giáo Hoàng, một người Tây phương, làm dấy lên nghi ngờ về lòng trung thành của người Công giáo đối với triều đình. Sự hiểu lầm này xảy ra một phần vì các sĩ phu và quan lại thời đó không phân biệt được các quốc gia khác nhau của phương Tây, và quan trọng hơn, họ không hiểu được sự khác biệt giữa lòng trung thành về mặt tinh thần và trung thành về mặt chính trị. Đạo Thiên Chúa bị coi là tôn giáo của người Bồ Đào Nha (Đạo Hoa Lang) và Đức Giáo Hoàng là “vua của Bồ Đào Nha.” Trong tác phẩm Phép Giảng Tám Ngày, Alexandre de Rhodes đã tìm cách bác bỏ sự hiểu lầm này:

“Chớ có nói, đạo này là đạo Pha Lang [Lusitanorum legem, luật lệ của người Bồ]. Vì chưng đạo thánh đức Chúa trời là sáng, trước và lớn hơn mặt trời…. Vì chưng mặt trời là chung cả và thế giới, mà đã có trước hơn nước ấy soi cho. Đạo thánh đức Chúa Trời, cũng vậy: dù mà nước nào đã chịu đạo trước, cũng chẳng nên gọi là đạo nước nọ nước kia, thật tên là đạo thánh Đức Chúa Trời, là Chúa trên hết mọi sự10Phép Giảng Tám Ngày – Ngày Thứ Nhất (Tủ Sách Đại Kết, 1993) tr. 25-26..

Trọng tâm của Nho giáo là giữ gìn các quan hệ và giá trị đạo đức của Tam Cương và Ngũ Thường. Những giá trị nền tảng như trung và hiếu được xem là yếu tố cần thiết để hỗ trợ cho một xã hội ổn định. Đây là yếu tố đo lường sự thành công hoặc thất bại của bất kỳ học thuyết hoặc tôn giáo nào trong xã hội Nho giáo. Thí dụ, Phật giáo lúc bắt đầu du nhập vào Trung Quốc đã gặp nhiều chống đối của giới Nho gia. Phải mất nhiều thế kỷ trước khi tôn giáo này có thể được chấp nhận là phù hợp với những giá trị căn bản của Nho giáo.

Trong bối cảnh này, một số tác phẩm hộ giáo đã ra đời trong thế kỷ XVIII và XIX ở Việt Nam nhằm thuyết phục các bổn đạo mới và những người có thành kiến với họ rằng người Công giáo không chống lại đất nước hoặc tổ tiên của mình. Ngược lại, các tín hữu cũng giữ nguyên những ưu điểm của lòng hiếu thảo và trung thành của truyền thống Việt Nam trong giáo lý Công giáo cũng như trong thực hành, cho dù cách thể hiện và thực hành của đạo hiếu có vẻ khác với sự mong đợi của xã hội.

  1. GIÁO LÝ TAM PHỤ – MỘT LỜI GIẢI ĐÁP CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT

Giáo lý “Tam Phụ” (ba đấng làm cha) ra đời trong bối cảnh này. Mục đích là để đảm bảo cho các tân tòng và dự tòng người Việt rằng việc đón nhận một niềm tin tôn giáo mới không đòi hỏi họ phải từ bỏ các giá trị truyền thống, nhưng ngược lại càng giúp họ sống như người con hiếu, người tôi trung. Việc đề cao lòng trung hiếu trong giáo lý Tam Phụ cũng nhắm đến hoá giải một số hiểu lầm và những luận điệu cho rằng đây là một tôn giáo ngoại lai “có hại” cho đất nước

Sau đây, tôi sẽ trình bày thuyết Tam Phụ trong bốn quyển sách giáo lý và hộ giáo có tầm ảnh hưởng trong việc giới thiệu Tin Mừng cho người Việt. Đó là sách Thiên Chủ Thực Nghĩa (1603) của Matteo Ricci; Phép Giảng Tám Ngày (1651) của Alexandre de Rhodes; và hai tác phẩm khuyết danh Phép Giảng Đạo Thật (còn gọi là Chân Đạo Yếu Lý, 1758) và Hội Đồng Tứ Giáo (giữa thế kỷ XIX).

2.1 Từ Tam Cương đến Tam Phụ

Giáo lý Tam Phụ xuất hiện lần đầu trong tác phẩm Thiên Chủ Thực Nghĩa (Lẽ Thật về Thiên Chúa) xuất bản năm 1603 tại Trung Hoa của vị thừa sai dòng Tên nổi tiếng, giáo sĩ Matteo Ricci (1522-1610). Ricci đã trình bày việc tôn kính Tam Phụ như một phần của nhiệm vụ hiếu thảo của một Kitô hữu. Ricci đã khéo léo vận dụng khái niệm Tam Cương – bổn phận với quân (vua), sư (thầy) và phụ (cha), để sáng tạo ra thuyết Tam Phụ. Giáo sĩ này viết:

“Để xác định ý nghĩa của lòng hiếu trước tiên ta phải xác định mối liên hệ phụ tử. Trong cuộc sống, người ta có ba đấng làm cha (tam phụ): người cha cao nhất (thượng phụ) là Thiên Chúa, thứ đến trung phụ là vị quân vương, rồi tới hạ phụ người cha trong gia đình. Không vâng phục ba đấng ấy là bất hiếu.

Một người con nên vâng theo mệnh lệnh của vị thượng phụ, ngay cả khi điều ấy nghịch với mệnh lệnh của trung phụ, hạ phụ. Làm như thế thì không bị xem là bất hiếu. Nếu ngược lại, vâng lời người cha cấp thấp mà nghịch mệnh người cha cấp cao hơn thì là đại bất hiếu vậy”11Dịch theo bản song ngữ Hán-Anh, The True Meaning of the Lord of Heaven, do Douglas Lancashire and Peter Hu Kuo-chen dịch và chú (Institute of Jesuit Sources, 1986), đoạn 558,tr. 433. .

Nét sáng tạo của Ricci là ông đã vận dụng lòng trung và hiếu của mô hình xã hội Tam Cương để lý giải việc thờ phụng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thiên Chúa xứng đáng được tôn thờ, phụng sự và vâng phục trên hết mọi người và mọi sự, vì Ngài là đấng cao trọng hơn hết thảy mọi loài. Ngài là người cha của muôn loài và chủ tể của muôn nước. Trong giáo lý Tam Phụ, lòng trung và hiếu được áp dụng ở các mức độ khác nhau: lòng trung hiếu trước hết phải dành cho Thiên Chúa rồi mới đến vua chúa và cha mẹ. Ricci cho rằng việc thờ phượng và yêu mến một Thiên Chúa không ngăn cản người ta thực hành đạo hiếu đối với cha mẹ hoặc lòng trung thành của họ đối với quân vương. Nếu một người yêu mến Thiên Chúa, người ấy sẽ trung thành với vua chúa và hiếu thảo với cha mẹ của mình.

2.2 Giáo Lý Tam Phụ của De Rhodes

Mặc dù lấy lại tư tưởng của Ricci về thuyết Tam Phụ, Alexandre De Rhodes đã sửa đổi học thuyết này cho phù hợp với tâm lý của người Việt. Trong sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày, De Rhodes cũng phân biệt giữa ba mức độ tôn kính dành cho ba bậc làm cha, nhưng ngài đã trình bày chúng theo thứ tự ngược lại:

Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; Đấng giữa là vua chúa trị nước; Đấng trên là đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống được ở…

Vì chưng ta có cha mẹ thì mới được thân xác thịt này mà sinh ra mà chớ… Ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm. Có khi thì mẹ cất của miệng mình mà cho con ăn; cũng có khi mẹ ăn miếng đắng mà miếng ngon để dành cho con. Lại có khi mẹ nằm chỗ ướt mà chỗ khô ráo để con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng, vì vậy có khi thì cha thức sớm chẳng ngủ mà làm nghề nọ nghề kia, chạy xuôi chạy ngược, kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải [= phải lắm], ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng [= chịu] vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng.

Vua chúa cùng gọi là cha cả và [= tất cả] nước, cùng các dân: chẳng có vua chúa thì nước ở an lành chẳng được: vì chưng vua chúa trị nước cho dân được an lành. Vì vâỵ vua chúa thì giữ nước, và cho kẻo giặc bề ngoài phá nước làm khốn dân, sau thì sửa trong nước làm cho đại thần hoà thuận cùng nhau và tiểu dân yêu đang [= yêu thương] thông việc cùng nhau nữa. Ví bằng chẳng có vua chúa sửa nước một ngày thì thật có ra những sự long đong, hỗn hào trong dân mà chớ… Vì vậy hễ là kẻ ở trong nước thì phải kính dái [= kính sợ] vua chúa . Ví bằng có ai trong nước mà theo ngụy thì chịu phạt đã đáng.

Hãy còn Cha cả là Chúa trên hết mọi sự: đã hoá nên và gìn giữ trời đất muôn vật cùng hết mọi sự. Nào ai có hồ nghi và chẳng chịu thờ phượng đấng ấy trên hết mọi sự mà chẳng dại ru ?… Thật trời đất cùng mọi sự ở trong thế giới này bởi một đức Chúa trời rộng rãi vô cùng mà có. Vì vậy ta cám ơn đức Chúa trời là cha cả chúng tôi, và thờ phượng đấng ấy trên hết mọi sự thì thậm phải12Phép Giảng Tám Ngày — Ngày thứ Nhất, tr. 17-21..

De Rhodes xem lễ tế Nam Giao là bằng chứng rằng người Việt đã biết đến việc thờ phượng Tam Phụ, dù việc thờ phượng ấy chưa hoàn hảo. Ông quan sát thấy trong cuộc tế Nam giao, trước mặt bá quan văn võ, nhà vua long trọng tế Trời mặc dù không biết Trời chính là Thiên Chúa chí tôn: đó là việc thờ phượng bậc một. Sau khi tế Trời thì cả triều đình khấu đầu trước mặt vua để tỏ lòng tận trung: đó là việc thờ phượng bậc hai. Sau đó khi mọi người về nhà cúng bái tổ tiên, cúi lậy ông bà cha mẹ: đó là việc thờ phượng bậc ba13Xem sđd, tr. 21-23..

Để nhấn mạnh về bổn phận của một người đối với Thiên Chúa, De Rhodes đã bàn về ba mức độ trừng phạt hay khen thưởng của mỗi bậc làm cha. Một người cha trong gia đình có thể cho các con của cải nếu họ tuân phục mình, và lấy đi quyền thừa kế nếu họ không vâng lời mình. Một vị vua có thể ban thưởng cho người bề tôi trung thành tiền bạc, nhà cửa, ruộng nương và chức quyền, nhưng ông cũng có thể ra hình phạt và thậm chí xử tử các bề tôi nếu họ vi phạm pháp luật hoặc nổi loạn chống lại ông. Vậy Thiên Chúa, Đấng thẩm phán tối cao, có thể ban phát tất cả mọi thứ mà những người cha, những vị vua ở trần gian này có thể cung cấp, và Ngài cũng có thể lấy đi tất cả mọi thứ, kể cả cuộc sống của một người, không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau14Xem sđd, tr. 23-24..

2.3 Triển Khai Giáo Lý Tam Phụ Trong Các Sách Giáo Lý và Hộ Giáo Ở Thế Kỷ XVIII và XIX

Mặc dù Ricci và De Rhodes đã trình bày giáo lý Tam Phụ và lý giải tầm quan trọng của nó, họ lại không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể trong việc tôn kính và vâng phục Tam Phụ như thế nào. Các sách giáo lý và hộ giáo của thế kỷ XVIII đã bổ xung cho những thiếu sót này. Trong số các tác phẩm này, có mấy tác phẩm trực tiếp bàn về vấn đề nêu trên. Đó là sách Bổn Giảng Đạo Thật (còn gọi là Chân Đạo Yếu Lý), sách bổn hỏi thưa của đức cha Bá Đa Lộc Pigneaux de Béhaine (còn gọi là Thánh Giáo Yếu Quốc Ngữ) và Hội Đồng Tứ Giáo. Các sách này sách được chép lại bằng chữ Nôm và Quốc ngữ và được in rất nhiều lần.

2.3.1 Sách Bổn Giảng Đạo Thật (1758)

Bổn Giảng Đạo Thật là một sách giáo lý khuyết danh ra đời khoảng 100 năm sau sách giáo lý của De Rhodes. Bản thảo còn lưu trữ được của sách Bổn Giảng Đạo Thật là một sổ tay viết bằng chữ quốc ngữ được bảo quản trong Văn Khố của Hội Thừa Sai Ba Lê (AMEP, số danh mục V-1183). Sách có khổ 16 x 22 cm, 143 trang, ghi năm MDCCLVIII (1758) ở trang cuối. Vì bản thảo khuyết danh nên ta không biết nhiều về tác giả hoặc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này. Tuy nhiên, nếu xem qua các chủ đề được trình bày theo thứ tự, tác phẩm này là một sách giáo lý để chuẩn bị cho người dự tòng chịu phép rửa tội. Sách có cấu trúc phần nào cũng theo một trật tự như sách giáo lý của De Rhodes15Xem qua mục lục của bản thảo ta sẽ thấy có các chủ đề sau: 1) Giảng lẽ đời này cùng sự chết và sự xác cùng linh hồn cùng muôn vật (tr. 1-15); 2) Giảng lẽ về sự trời đất, cùng các tích về thờ dối là thể nào (15-49); 3) Giảng về Tam Phụ (50-69); 4) Giảng Đức Chúa Trời là thể nào cùng mọi sự Đức Chúa Trời đã sinh ra, gọi là tạo thiên lập địa (69-91); 5) Giảng sự con Đức Chúa Trời ra đời (91-103); 6) Giảng sự phán cùng sự thiên đàng và sự địa ngục (103-114); 7) Giảng Bốn Mối Cả (Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha, Bí tích, và điều răn (114-129); 8) Giảng toàn lại các sự cho người ta được chịu phép rửa tội (129-138); 9) Giảng cho người ta những sự phải giữ khi đã chịu phép rửa tội.. Sang đến thế kỷ XIX, sách được khắc in bằng chữ Nôm và xuất bản nhiều lần dưới tựa đề Chân Đạo Yếu Lý16Theo Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa Sai Ba Lê do Chan Hing-ho và Isabelle Landry-Deron sưu tập (Paris, 2004), có ít là 4 ấn bản Nôm của sách Chân Đạo Yếu Lý: Cấm Sơn 1829, 1864; Gia Định 1867, Phát Diệm 1909.. Bản Quốc ngữ 1758 và các bản Nôm sau này (thế kỷ XIX) có một chút khác biệt về cấu trúc và nội dung của mấy chương cuối mang nhiều tính chất hộ giáo hơn trong hoàn cảnh đạo Thiên Chúa bị bách hại dưới triều Nguyễn17Nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo của cố linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Hưng đã dịch sang quốc ngữ và lưu hành nội bộ từ năm 2007. Bản văn Nôm “Bổn Giảng Đạo Thật” dùng để dịch bị mất trang đầu nên không rõ năm in, nhưng xét theo cách hành văn và lối khắc chữ mộc bản, có lẽ đây là bản Nôm được khắc in dưới thời Thiệu Trị hoặc đầu thời Tự Đức vì có nhắc đến việc tha đạo bên Trung Quốc dưới thời Đạo Quang hoàng đế (1821-1850) (tr. 262). Sách Bổn Giảng Đạo Thật giữ lại 7 chương đầu của bản quốc ngữ 1758 (tr. 13-215), nhưng thêm hai chương mới và phần bổ xung: 8) Giảng về đôi lời về Kinh Thánh đã có chứng (215-240); 9) Giảng về sự ngũ thường cùng giảng nhiều điều bỏ vạ cho kẻ giảng đạo (240-258); Bổ xung: Giảng một đôi lời giải những điều bỏ vạ cho kẻ giảng đạo (258-271). Bản văn bị rách hết những trang sau cùng nên không rõ cả thẩy có bao nhiêu trang.. Tuy vậy phần liên quan đến giáo lý Tam Phụ trong sách Bổn Giảng Đạo ThậtChân Đạo Yếu Lý không khác biệt nhiều. Phần có liên quan đến giáo lý Tam Phụ là Chương 3 của bản quốc ngữ. Tác giả đã dành ra 19 ½ trang để “giảng về sự Tam Phụ”, tính ra là đến 13,6% của toàn bộ bản văn (bản Nôm dành 26 trên 360 trang). Lời văn tuy xưa nhưng được viết bằng một ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu không cần nhiều giải thích.

Đầu tiên, bản văn giải thích ý nghĩa cốt yếu của giáo lý Tam Phụ:

Vậy có ba đấng gọi là Tam Phụ, vì ba Đấng ấy hay thương người ta như cha thương con. Cho nên người ta phải kính thờ Đấng có lòng thương mình như con kính thờ cha vậy. Nhưng mà ba đấng ấy có sai đẳng chẳng bằng nhau. Vì trong Tam Phụ có một Đấng trọng nhất gọi là Thượng Phụ thì Đấng ấy có phép tắc vô cùng gọi là Đức Chúa Trời là thật vua cả dựng nên trời đất muôn vật, và cầm quyền thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ đời này và đời sau… Trung Phụ là đấng làm vua được quyền Đức Chúa Trời ban cho mà sửa sang trong nước cho các xứ, phủ, huyện và mọi nơi về nước người trị được bằng yên… Hạ Phụ là cha mẹ sinh ra ta về phần xác và gìn giữ, nuôi nấng cùng dạy dỗ cho khôn lớn” (tr. 97-98)18Tất cả trích dẫn về giáo lý Tam Phụ sẽ theo bản dịch từ chữ Nôm của nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo (“Chân Đạo Yếu Lý” do linh mục Nguyễn Hưng xuất bản năm 2007) thay vì bản thảo năm 1758 để dễ dàng cho độc giả tiện việc tra cứu. Những khác biệt giữa hai bản văn không ảnh hưởng nhiều đến việc tìm hiểu về giáo lý này..

Sau khi mô tả từng đấng trong Tam Phụ, bản văn nêu ra những quy định về bổn phận và nhiệm vụ người ta phải có đối với mỗi đấng làm cha, theo thứ tự từ dưới lên trên: đầu tiên, là các bổn phận của người con hiếu thảo, kế đến là những bổn phận của một bề tôi trung tín, cuối cùng là những bổn phận ta phải có đối với Thiên Chúa.

Thảo Kính Cha Mẹ: Đạo làm con đối với cha mẹ được nêu rõ chi tiết:

“Vậy ta muốn tỏ ra lòng báo hiếu cho được phúc khỏi tội thì phải cứ [= theo] bảy điều đã dạy trong Đạo thánh Đức Chúa Trời thì mới được giữ đạo con cái cho nên:

“Thứ nhất. Phải kính sợ cha mẹ, là chẳng dám nói lời chi, làm việc gì mất lòng cha mẹ…

Thứ hai. Phải vâng lời cha mẹ cho hết lòng hết sức… dù mà việc ấy lời ấy trái ý ta, lấy làm khó nhọc cũng phải vâng chẳng nên buồn hay cãi trả…

Thứ ba. Phải nuôi cha mẹ, chẳng nên bỏ cha mẹ đói khát rách rưới, mà khi nuôi cha mẹ làm vậy bề ngoài thì bưng cơm, bưng nước, trong lòng thì có thảo có kính…

Thứ bốn. Khi cha mẹ ốm đau lâu ngày thì con cái phải nhịn nhục chịu khó giữ gìn xem sóc [= coi sóc] cha mẹ chiều hôm sớm mai cho hết lòng hết sức dù lâu ngày tốn của tốn công khó nhọc cách nào cũng chẳng nên buồn, chẳng nên bỏ…

Thứ năm. Khi cha mẹ qua đời thì con cái phải ra sức xem sóc mọi sự trước sau cho phải lẽ, chẳng nên lánh đi mà mời kẻ khác đến…” (tr. 99-103)

Năm điều trên là bổn phận hiếu thảo của mọi người, không phân biệt tôn giáo. Hai điều kế tiếp nói rõ hơn cách người Công giáo bầy tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ, không những chỉ lo về phần xác cho các ngài mà còn phải lo về phần hồn nữa.

“Thứ sáu. Cũng phải trả ơn về phần hồn nữa thì mới trọn sự báo hiếu, ví bằng [= nếu như] cha mẹ chưa có đạo thì phải ra sức khuyên người chịu đạo cho được rỗi linh hồn… nếu cha mẹ đã có đạo gần ngày mệnh chung thì phải lo liệu cho người chịu các phép trong đạo cho được ích trọng về phần linh hồn, lại khi cha mẹ đã qua đời, đoạn thì phải đọc kinh cầu nguyện ăn chay, ví bằng có của đủ ăn mặc cũng phải thí tiền thí gạo thí áo cho kẻ khó khăn rách rưới cùng phải làm những việc lành khác bổn đạo quen làm, mà có ý cầu khấn cùng ĐCT cho linh hồn cha mẹ có đạo khỏi mọi sự khó nhọc được mọi sự lành trên thiên đàng đời đời chẳng cùng. Ấy là sự báo hiếu về phần linh hồn.

Thứ bảy. Phải xem sóc mồ mả dù mà chẳng còn xem thấy mặt cha mẹ nữa mặc lòng, thì cũng phải có lòng kính lòng nhớ mãi cho đến trọn đời, mà bao giờ làm giỗ chạp nhớ ngày người đã qua đời thì phải cứ sự thật [= theo việc thật], sự phải lẽ, chẳng nên làm sự dối trá mà có tội” (tr. 103-104).

Phụng Sự Quân Vương: Sau trình bày về đạo làm con, bản văn tiếp tục bàn đến bổn phận của người bầy tôi trung thành với vua chúa là thế nào. Lòng trung quân ái quốc được cũng đặt trên nền tảng của đạo hiếu và triển khai như sau:

“Vậy thì ai nấy phải ra hết sức hết lòng làm tôi và trong đạo thánh ĐCT đã dạy tóm lại năm sự này mà tôn kính đấng làm vua

“Thứ nhất. Phải kính mến đấng cai trị trong nước… mà lòng kính ấy thì phải giữ cho trọn, là chẳng bao giờ nói lời gì làm việc gì phạm đến đấng làm vua…

Thứ hai. Phải vâng mệnh đấng làm vua. Vậy khi đấng trọng ấy phán lời gì hay khiến việc gì phải lẽ, chẳng lỗi phép đạo thánh ĐCT thì trong lòng và bề ngoài phải vâng phục, phải cứ cho trọn dù mà một ý khó nhọc thế nào…

Thứ ba. Phải chịu bô việc [= việc vua] cùng nộp tiền năm canh quý [= nộp thuế]. Vậy khi vua phán dạy đào kinh, đắp đường, làm kho…. thì phải vâng mà làm chẳng nên trốn lánh…

Thứ tư… Khi nhà nước có việc như khi đánh giặc thì phải dâng công, ra sức phù hộ…

Thứ năm. Kẻ muốn giữ đạo thánh ĐCT cho nên thì chớ có bao giờ mống lòng làm ngụy, dù có ai xúi dục dỗ dành cho của cải… thà chịu khó khăn khốn nạn, thà mất sự sống chẳng thà mất sự trung cùng vua… Kẻ ngoan đạo chẳng những là ở hết lòng ngay cùng vua mà lại hằng ngày hằng cầu xin ĐCT phù hộ thêm sức cho vua được trường cửu mà trị nước cho bằng an lâu dài…” (tr. 105-109)

Thờ Phượng Thiên Chúa: Sau khi đã bàn đến những bổn phận của người làm con, làm bầy tôi, văn bản giải thích lý do Thiên Chúa phải được tôn kính và sùng mộ trên hết mọi sự. Bằng cách lý luận tiệm tiến, bản văn cho thấy cha mẹ có công nuôi dưỡng dạy dỗ thì phải báo hiếu, mà vua chúa có công trị nước thì phải trả ơn, thì đối với đức Thượng Phụ là Thiên Chúa, là cha muôn loài, là vua trên hết các vua thì phải trả ơn báo hiếu đến dường nào. Mặc dù tâm trí con người không thể hiểu hết được sự vĩ đại của Thiên Chúa, tác giả vẫn liệt kê năm lý do cho lòng biết ơn này:

“Thứ nhất. [Vì] ĐCT sinh ra ta thì ta mới có, vì vốn ta là không, ví bằng ĐCT chẳng sinh ra ta thì chẳng lẽ nào mà có ta… dù cha mẹ sinh ra thì cũng có ĐCT sinh ra mới có…

Thứ hai. [Vì] ĐCT hằng gìn giữ ta liên. Ví bằng ĐCT chẳng gìn giữ ta một giây thì ta liền ra không tức thì…

Thứ ba. [Vì] ĐCT chẳng những sinh ra ta, gìn giữ ta mà còn sinh ra muôn vàn giống để nuôi dưỡng ta…

Thứ tư. Những kẻ có đạo phải cám ơn riêng ĐCT vì đã thương ta cách lạ là mở lòng cho ta được chịu đạo Thánh Người truyền…

Thứ năm.… [Vì ĐCT đã xuống bấy nhiêu ơn cho ta] thì ta phải thờ phượng Người vì Người là Đấng tốt lành, cùng phải kính mến Người vì Người là Đấng nhân lành, phải vâng phép Người vì Người là Đấng công bằng vô cùng, là Đấng cầm quyền, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ…” (tr. 110-118)

Bổn phận đối với Thiên Chúa là giữ các giới răn của Ngài cùng chuyên cần đọc kinh cầu nguyện được giải thích như sau:

Thứ nhất,… ta phải lấy hết lòng mà kính sợ cùng vâng lời ĐCT hơn vua chúa hơn cha mẹ muôn vàn trùng… phải giữ mọi sự trong lòng và bề ngoài thì mới đẹp lòng ĐCT bằng mười sự răn…

Thứ hai,… là hết sức thờ phượng kính mến tạ ơn ĐCT… năng chầu chực vua cả trên hết các vua chẳng nên trễ nải, và khi làm việc thờ phượng ĐCT thì bề ngoài quỳ gối chắp tay, trong lòng thì tin cậy kính mến…” (tr. 119-123).

Qua những trích đoạn nêu trên chúng ta thấy sách Bổn Giảng Đạo Thật/Chân Đạo Yếu Lý đã trình bày mạch lạc chi li việc thực hành giáo lý Tam Phụ như thế nào. Có thể nói đây là bản văn quan trọng nhất bàn về giáo lý Tam Phụ có tầm ảnh hưởng trên các sách giáo lý và hộ giáo sau này như sách Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ của Giám Mục Pierre (Pedro, Bá Đa Lộc) Pigneaux de Béhaine và sách Hội Đồng Tứ Giáo.

2.3.2 Sách Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774)

Đây là cuốn giáo lý toát yếu theo dạng hỏi thưa dành cho giáo dân. Trong thư viện và văn khố của Hội Thừa Sai Ba-Lê (Missions étrangères de Paris) còn lưu trữ được bản viết tay bằng chữ quốc ngữ năm 1774 và bản chữ Nôm viết năm 1782. Bản Nôm cũng được khắc in và phổ biến rộng rãi ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX19Nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo cũng đã in và lưu hành một bản dịch quốc ngữ từ bản Nôm. . Vì đây là sách giáo lý tóm tắt nên thuyết Tam Phụ chỉ được trình bày sơ lược trong giới răn thứ bốn (Thảo Kính Cha Mẹ) như sau:

Hỏi: Giái [= giới] thứ bốn dạy ta những gì ? Thưa: Dạy ta phải thảo kính, vâng lời chịu lụy cùng giúp đỡ cha mẹ” (tr. 50)

Hỏi: Giái này dạy ta phải thảo kính cha mẹ mà thôi sao ? Thưa: Cũng dạy ta phải kính thờ mọi kẻ bề trên, như vua chúa quan quờn [quyền], chúa nhà cùng thầy dậy dỗ và những kẻ già nua tuổi tác nữa” (tr. 52)

Sách giáo lý còn thêm vào đó những bổn phận của người trên đối với kẻ dưới như dạy dỗ, sửa phạt, làm gương tốt, và dưỡng nuôi (tr. 53). Trong những ấn bản chữ Nôm cũng như quốc ngữ sau này có bổ xung thêm những chi tiết về Tam Phụ và thường lấy lại trong sách Chân Đạo Yếu Lý.

2.3.3 Sách Hội Đồng Tứ Giáo (1864)

Sách Hội Đồng Tứ Giáo là một sách hộ giáo thuộc thế kỷ XIX có tầm ảnh hưởng sâu rộng vì được in bằng cả chữ Nôm lẫn quốc ngữ rất nhiều lần20Theo Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa Sai Ba Lê do Chan Hing-ho và Isabelle Landry-Deron sưu tập (Paris, 2004), có ít là 9 ấn bản Nôm của sách Hội Đồng Tứ Giáo (1864, 1867, 1869; Phát Diệm 1867, 1869, 1909; Hongkong 1897, 1903, 1905). Ngoài ra còn có hai bản Nôm in tại Kẻ Sở 1911 và 1924, khoảng 80 trang. Bản quốc ngữ được nhà in Tân Định in lần thứ 3 năm 1887, lần thứ 6 năm 1915, và lần thứ 14 năm 1959, khoảng 76 trang. Rõ ràng là cuốn sách đứng kỷ lục về lần xuất bản.. Được viết bởi một tác giả vô danh ở khoảng giữa thế kỷ XIX, cuốn Hội Đồng Tứ Giáo kể lại một cuộc tranh luận tôn giáo kéo dài ba ngày giữa một nho sĩ, một đạo sĩ, một tăng sĩ và một “tây sĩ” (giáo sĩ thừa sai) đã diễn ra năm 1773 dưới thời Chúa Trịnh Sâm. Cuộc tranh luận xoay quanh ba chủ đề: Ngày thứ nhất: Con người và vũ trụ từ đâu đến? Ngày thứ hai: Sống trên đời ta phải làm gì? và Ngày thứ ba: Chết rồi thì sẽ ra sao? Theo bản văn, mục đích chính của cuộc tranh luận này là để giải thích và biện hộ cho đạo Công giáo trước sự vu khống cho rằng đó là một tôn giáo ngoại lai, gieo rắc lầm lạc và gây nguy hại. Phần bàn về giáo lý Tam Phụ được trình bày trong ngày thứ hai, tóm tắt những điểm chính của sách Bổn Giảng Đạo Thật/Chân Đạo Yếu Lý bằng những câu chữ Hán, có lẽ để phổ biến cho các nhà Nho:

“Nho sĩ rằng: Bên đạo có dạy thờ phượng đấng làm vua chúa chăng?

Tây sĩ rằng: Có, vì trong đạo gọi đấng làm vua chúa là cha cả trong nước, coi sóc mọi người như con vì vậy dạy phải lấy 5 sự này mà kính thờ vua chúa:

Nhất tắc tôn kính vi nhất quốc chi thượng [= một phải tôn kính người làm bề trên cả trong nước]; Nhị tắc thụ mệnh tuy lao khổ bất từ [= hai phải vâng lệnh người dạy, dầu khó nhọc chẳng từ]; Tam tắc phục tòng cung cấp [= ba phải phục dịch đóng sưu thuế]; Tứ tắc hữu sự tương trợ [= bốn khi có việc phải sẵn lòng giúp đỡ]; Ngũ tắc tận trung ân báo bất khả manh tâm tiếm loạn [= năm hết lòng báo ân, chớ nuôi lòng phản loạn].

“Nho sĩ rằng: Trong đạo có dạy thờ cha mẹ là thể nào nữa chăng?

Tây sĩ rằng: Trong đạo thánh có điều răn thứ bốn dạy con cái thảo kính cha mẹ, là điều răn đầu hết về loài người ta buộc kẻ làm con phải làm 7 sự này để mà phụng dưỡng cha mẹ là Nhất tắc kính uý [=một phải kính sợ]; Nhị tắc tòng mệnh [= hai phải vâng lời]; Tam tắc phụng dưỡng [= ba phải nuôi dưỡng]; Tứ tắc khuất nhẫn [= bốn phải nhẫn nhục chịu lụy]; Ngũ tắc tử hậu dĩ lễ táng chi [= năm phải dùng lễ mà an táng]; Lục tắc xả thí bần nhân vi phụ mẫu linh hồn khẩn kỳ ư Thiên Chúa [= sáu phải bố thí kẻ nghèo vì linh hồn cha mẹ mà cầu khẩn với Thiên Chúa]; Thất tắc cảm tư chung thì, thụ khán phần mộ, thường hành kỵ lạp, truy tư báo bản [= bẩy phải trọn đời cảm nhớ, chăm sóc mồ mả, hay làm giỗ chạp tưởng nhớ báo hiếu]. Ấy là phép trong đạo dạy thờ Tam Phụ: Thượng Phụ là Thiên Chúa, Trung Phụ là Quốc Vương, Hạ Phụ là cha mẹ vậy. (tr. 71-72)21Trích theo bản dịch từ chữ Nôm của nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo ấn hành năm 1996.

Giáo lý Tam Phụ chứng minh rằng người Công giáo có thể làm tròn tất cả các bổn phận luân lý Nho giáo đối với bề trên của mình. Hơn thế nữa cách người Công giáo thực hành đạo trung hiếu có phần vượt trội hơn Nho gia. Các nhà Nho chỉ đưa ra những bổn phận trung hiếu ở mức độ nhân bản, giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa người cầm quyền và bề tôi. Người Công giáo tìm cách mở rộng các nhân đức này vào lĩnh vực tâm linh. Họ cầu nguyện cho bề trên của mình trong khi còn sống cũng như khi qua đời.

  1. NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT VÀ ĐẠO TRUNG HIẾU

Như chúng ta đã thấy, học thuyết Tam Phụ là câu trả lời của người Công giáo trước cáo buộc rằng các Kitô hữu đã từ bỏ tổ quốc và cha mẹ của mình khi theo một tôn giáo Tây phương. Quan điểm của người Công giáo là Thiên Chúa mà họ phụng thờ chính là “thiên địa chân chủ”, là Chúa cả trời đất muôn vật, là vị Cha chung của muôn người muôn nước. Các tài liệu trên đã tìm cách trình bày giáo lý Tam Phụ trên nền tảng điều răn thứ tư của truyền thống Do thái – Kitô giáo: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Đồng thời, họ tìm cách thể hiện điều răn thứ nhất: “Ngươi sẽ không có Thiên Chúa nào khác bên cạnh Ta” trong bối cảnh tam cương ngũ thường ở Việt Nam.

Bằng cách đặt Thiên Chúa trên các vua chúa và các bậc cha mẹ, giáo lý Tam Phụ muốn nhấn mạnh chủ quyền của Chúa trên tất cả loài thọ tạo khác. Vì thế, đây có thể được xem là phương cách hội nhập văn hóa của giới răn thứ nhất trong bối cảnh Nho giáo ở Việt Nam.

3.1 Hiếu thảo và Thiên Chúa

        Mặc dù truyền thống tâm linh Việt Nam thừa nhận một Ông Trời, rất ít người được tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Chỉ có vua, người được coi là “con Trời” (thiên tử), mới phép đại diện cho tất cả mọi người thờ Trời. Ông Trời hay Hoàng Thiên Thượng Đế của Nho giáo là một Đấng Cao Cả, nhưng Đấng này chỉ liên hệ đến vạn vật trong một cách chung chung. Trời được cho là cội rễ của vạn vật, là nguồn gốc của nguyên tắc đạo đức, là vị thẩm phán tối cao. Vì Matteo Ricci đã thừa nhận rằng khái niệm Nho giáo cổ điển về Hoàng Thiên Thượng Đế có phần tương thích với khái niệm Thiên Chúa của Kitô giáo, sự sáng tạo của học thuyết Tam Phụ là đem Thiên Chúa vào cấu trúc gia đình, trong đó Ngài được xem là vị thuỷ tổ của mọi người. Thay vì là một năng lực siêu nhiên lạ lẫm, ông Trời của đạo Thiên Chúa được coi là người cha chăm sóc cho con cái mình, quan tâm đến đời sống con người và xét xử các hành vi đạo đức của họ.

Trong việc giải thích giáo lý Tam Phụ, hai tác phẩm Bổn Giảng Đạo ThậtHội Đồng Tứ Giáo cùng dùng một từ đã được truyền thống Việt Nam sử dụng. Từ này vừa diễn tả lòng tôn kính đối với cha mẹ hoặc vua chúa của mình, vừa diễn tả lòng sùng kính đối với Thiên Chúa. Đó là động từ “thờ”. Không giống như khái niệm của phương Tây coi “thờ” hay “thờ phượng” (Latinh: adorare) là hành vi tôn giáo chỉ dành cho một mình Thiên Chúa22De Rhodes trong sách Phép Giảng Tám Ngày – Ngày Thứ Tám, khi bàn về điều răn thứ nhất đã giải thích vê latria, dulia và hyperdulia (xem sdd, tr. 285). Thần học phương Tây phân biệt những mức độ khác nhau của việc suy tôn: “latria” (tôn thờ Thiên Chúa), “dulia” (tôn kính các thánh ), và “hyperdulia” (tôn kính đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria)., khái niệm “thờ” của người Việt được áp dụng cho Thiên Chúa, cho cả người sống (thờ cha mẹ) và người chết (thờ tổ tiên), cho cả con người (thờ vua) và thần thánh (thờ thần Phật). Như thế, “thờ” là một từ mang nhiều ý nghĩa trong tâm thức người Việt. Bởi đó các vị thừa sai phân biệt các mức độ khác nhau của việc “thờ” và “kính”. Thí dụ, khi phản bác lại việc các nhà Nho cho rằng người Công giáo không giữ tập tục tang chế, tức là không báo hiếu, sách Hội Đồng Tứ Giáo khẳng định:

“Nho sĩ rằng: Điều báo hiếu là điều nói cho hay vậy. Vì khi cha mẹ chết thì đem chôn sấp chôn ngửa mà thôi nào có thấy tế lễ chi đâu mà rằng thờ phụng, nào có thấy mão gậy chi đâu mà cho ra tang chế như thói nhà nước mà rằng báo hiếu?

Tây sĩ rằng: Trong đạo thờ Tam Phụ, xong có sai đẳng chẳng bằng nhau mà việc tế lễ là cách thờ phượng trọng thể nhất, thì có một Đấng Thượng Phụ đáng việc trọng thể ấy mà thôi. Vậy con cái chẳng dám lấy cha mẹ là bực hạ phụ làm bằng Thượng Phụ đâu…” (tr. 73)

Chỉ Thiên Chúa chí tôn, vị Thượng Phụ, mới xứng đáng được thờ phượng với lễ nghi trọng thể nhất. Khi áp dụng chữ “thờ” cho vua chúa và cha mẹ, tác giả chỉ nói đến thái độ tôn kính và phụng sự các ngài trong quan hệ giữa người với người. “Thờ” Trung Phụ có nghĩa là tuân lệnh và phục vụ vị vua của mình trong bổn phận của người bầy tôi: tôn trọng vua như người đứng đầu dân tộc; chấp hành mệnh lệnh của vua; đóng góp vào việc công ích; giúp triều đình dẹp loạn và chống ngoại xâm; tỏ lòng biết ơn và trung thành, không bao giờ nổi loạn và cướp ngôi. Tương tự như vậy, “thờ” Hạ Phụ chủ yếu nhắm đến nhiệm vụ làm con đối với cha mẹ của mình, sống đạo hiếu qua việc kính sợ, vâng phục, yêu mến, chăm sóc, quan tâm, phục vụ cha mẹ khi còn sống, và tưởng nhớ cầu nguyện khi họ qua đời.

3.2 Hiếu Kính Tổ Tiên

Về chủ đề thờ cúng tổ tiên, các tác giả Công giáo đều khá thận trọng khi suy xét về việc tôn kính thích hợp dành cho ông bà cha mẹ. Khi bàn về điều răn thảo kính cha mẹ, là điều răn đứng đầu trong số các điều răn về tương quan giữa người với người, các văn bản quy định làm cách nào để người Công giáo Việt thực hành đạo hiếu với tổ tiên mà không vi phạm điều răn thứ nhất là chỉ thờ phượng một Thiên Chúa mà thôi. Trong sách Bổn Giảng Đạo Thật, người tín hữu được nhắc nhở phải tổ chức an táng, giỗ chạp theo nghi thức Công giáo và không pha trộn mê tín dị đoan. Việc thực hành đạo hiếu cốt ở lòng thành chứ không phải chỉ theo thói tục mà không suy xét. Thí dụ như để phản bác lại việc người Công giáo không cúng đồ ăn, rượu thịt cho người đã qua đời, sách Hội Đồng Tứ Giáo lý luận rằng:

Nguyên sự ăn uống của dương thế, thì chỉ có một xác ăn cho được khoẻ được sống, song khi đã chết thì thôi, vì ngũ quan đã hư nát, ngũ tạng đã hủ lậu, còn ăn đí gì được nữa mà mời… Linh hồn là tính thiêng liêng hằng sống mãi, chẳng hay mòn, chẳng hay nát cùng chẳng hề có ăn uống của thế gian này sốt. Vả lại linh hồn trọng hơn xác muôn vàn phần. Nếu lấy của phàm trần xác ăn mà mời linh hồn ăn, chốc ấy chẳng những là chẳng làm ích gì cho người về phần linh hồn mà lại mất lòng người, ra như trêu ngươi nhạo người vậy…” (tr. 74-75)

Cứ xem hai bên, một bên thì tin thật ông bà cha mẹ đã về kiếp khác thì thôi con cháu chẳng đơm cúng chẳng mời khấn nữa. Mà bên kia tin rằng linh hồn còn đi về còn ăn uống của nuôi xác như thuở bình sinh và lại có phép vưng hộ con cháu. Tin làm vậy mà lại bỏ chẳng cho ăn uống hay là một năm mới cho ăn một bữa, rồi lại tống người đi. Thế bên nào thật bên nào hư ?” (tr. 77).

Đối với người bên lương, người Công giáo có vẻ không hiếu kính cha mẹ vì không cúng tế hoặc giữ những tục lệ về tang chế, giỗ chạp như những người Việt khác, chẳng hạn như cúi lậy phủ phục trước người đã khuất, hoặc tham dự vào các nghi thức cúng giỗ ở nhà từ đường với họ hàng. Để trả lời cho những cáo buộc này, các tác giả Công giáo nhấn mạnh rằng họ thật sự là những con cháu hiếu thảo, nhưng họ không bầy tỏ lòng hiếu thảo theo các phong tục tập quán mà họ thấy là trái ngược với đức tin. Người Công giáo Việt từ xưa đến nay vẫn cầu nguyện cho ông bà cha mẹ tổ tiên, nhưng không cúng tế vì họ tin rằng linh hồn ông bà cha mẹ đã rời bỏ thế giới này để chịu phán xét và thưởng phạt đời sau. Điều quan trọng hơn chính là cầu nguyện cho linh hồn của người chết được siêu thoát chứ không phải là thực hành một số nghi thức bề ngoài. Đối với tác giả của sách Hội Đồng Tứ Giáo, việc cúi lạy trước một xác chết vô hồn hoặc cúng thức ăn mà người chết không còn ăn được, không phải là hành vi hiếu thảo, nhưng là một sự nhạo báng người chết23Xem lý luận trong Hội Đồng Tứ Giáo tr. 73-80 bàn về việc cúng tế và bái lậy người chết.. Linh hồn người quá cố đang sống trong thế giới thiêng liêng và cần lời cầu nguyện, chứ không phải của cải và thực phẩm của người sống. Nếu thực hiện theo nguyên tắc Nho giáo “sự tử như sự sinh” (phụng sự người quá cố như người còn đang sống vậy) thì người Công giáo cho rằng việc cầu nguyện, bố thí, hy sinh, thì sinh ích lợi cho ông bà cha mẹ đã qua đời hơn là thực hành các nghi thức mà họ cho rằng không đem lại lợi ích thiêng liêng nào cả24Nên nhớ các thừa sai ở những thế kỷ trước cho rằng việc bái lậy, cúng tế là những hành vi tôn giáo nghịch lại với điều răn thờ phượng ĐCT trên hết mọi sự. Ngày nay thì việc bái lậy, dâng hương và cúng giỗ được coi là truyền thống văn hoá và không trái nghịch với điều răn thứ nhất..

3.3 Trung Quân Ái Quốc

Các nhà nho và vua quan triều Nguyễn ghét đạo, cấm đạo trong thế kỷ XVIII và XIX vì họ cho rằng người Công giáo không biết gì đến đạo hiếu, đạo trung. Bài hịch của phong trào “bình tây sát tả” của nhóm Văn Thân đã lên án người Công giáo là “vô quân vô phụ” (không biết đến vua, không biết đến cha). Rõ ràng là những người có đầu óc kỳ thị tôn giáo đã bỏ qua tất cả những sách vở Công giáo viết bằng chữ Nôm. Các sĩ phu và vua quan triều đình ít người chịu tìm hiểu kỹ càng về những người theo đạo Thiên Chúa xem họ ăn ở ra sao. Họ giữ khư khư những quan niệm và định kiến sai lạc về đạo mặc dù đã có nhiều lời trần tình và giải thích từ những sĩ phu Công giáo như Nguyễn Trường Tộ hay linh mục Đặng Đức Tuấn.

Trong bối cảnh trọng Nho giáo của nhà Nguyễn, thì việc đề cao thuyết Tam Phụ cho thấy người Công giáo tuân lệnh vua một cách có suy nghĩ, có lựa chọn, tuân giữ luật lệ hợp lý, nhưng sẵn sàng phản đối điều nghịch lý trái với lương tâm mình. Thí dụ như khi bị ép buộc bước qua thánh giá, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự (1796-1838) đã trả lời quan tòa rằng: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”25Dẫn theo tinmung.net .

Trong suốt thế kỷ XIX, có rất ít trường hợp người Công giáo nổi loạn bạo động chống lại vua và triều đình, ngay cả khi họ bị đàn áp nặng nề26Những cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi dưới thời Minh Mạng ở Gia Định, hay Tạ Văn Phụng dưới thời Tự Đức ở Bắc Việt xuất phát từ động cơ chính trị chứ không phải tôn giáo.. Vào thời điểm Pháp xâm lược ở Nam Kỳ (1862-1867) và sau đó ở Bắc Kỳ (1874-1882), một số giáo sĩ người Pháp đã trông đợi vào sự tiếp tay của người Công giáo Việt Nam cho quân đội Pháp, nhưng điều đó đã không xảy ra. Người Công giáo Việt đã chứng minh rằng họ là bầy tôi trung thành nhất của triều đình. Tỷ lệ người Công giáo đi theo thực dân Pháp chỉ là số ít và không cao hơn những người bên lương, kể cả các mệnh quan triều đình cộng tác với thực dân. Đáng tiếc là những người thù ghét Công giáo và chống Tây như phong trào Văn Thân ở thế kỷ XIX đã không chú ý đến điều này mà tiếp tục vu khống người Công giáo là những người bất trung bất hiếu – một nhận thức sai lầm kéo dài trong suốt thời Pháp thuộc, và còn tiếp tục nơi những kẻ cực đoan ngày nay.

  1. KẾT LUẬN

Giáo lý Tam Phụ là một nỗ lực hoà nhập vào xã hội Việt Nam thời xưa khi dùng khái niệm văn hoá để diễn tả đức tin Công giáo cho người dự tòng và tân tòng. Khi giáo sĩ De Rhodes giới thiệu thuyết Tam Phụ của Ricci với người Việt, ngài đã tìm cách trình bày niềm tin độc thần của đạo Thiên Chúa sao cho hợp với trật tự tam cương ngũ thường của xã hội Nho giáo. Trong cấu trúc gia đình và xã hội thời đó, Thiên Chúa chính là vị Thượng Phụ, là người cha cả xứng đáng với địa vị và vinh dự cao trọng nhất. Đây là một thích nghi sáng tạo cho phép các Kitô hữu giữ lòng kính tôn cao nhất dành riêng cho Thiên Chúa, vượt trên các mối quan hệ khác trong xã hội. Trong hai tác phẩm Bổn Giảng Đạo Thật (Chân Đạo Yếu Lý)Hội Đồng Tứ Giáo, chúng ta thấy người Công giáo tự tin cho rằng tôn giáo của họ có thể phù hợp với đạo đức Nho giáo truyền thống. Thuyết Tam Phụ được đề xuất và bảo vệ cho đến cuối thế kỷ XIX, điều đó chứng minh rằng giáo lý Công giáo có thể thích nghi với thế giới quan và nền văn hoá sẵn có. Như thế một quá trình bản địa hoá của đức tin Kitô giáo đã được bắt đầu.

Qua giáo lý Tam Phụ, người Công giáo Việt Nam đã phản bác quan niệm cho rằng theo đạo Thiên Chúa là bỏ truyền thống dân tộc, bỏ ông bà cha mẹ, là không trung quân ái quốc. Truyền thống Việt Nam xem trọng đạo trung hiếu vì đó là nền tảng cho một xã hội ổn định, là các giá trị đạo đức cần thiết cho cuộc sống gia đình. Người Công giáo khẳng định chữ trung với vua, chữ hiếu với cha mẹ, cho dù cách bầy tỏ không giống với lễ nghi của người đương thời. Có thể nói, tự bản chất, đạo Thiên Chúa cũng là đạo Hiếu, nên Đạo này có thể thích nghi và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người Việt như các tôn giáo khác.

Đối với người Công giáo, họ không thấy tôn giáo mà họ đang theo là xa lạ và đối chọi với văn hoá và truyền thống dân tộc. Niềm tin vào một Đấng chí tôn mà họ gọi là đức Chúa trời đất, và một đời sống luân lý dựa trên lòng bác ái và trung hiếu: “Trước kính mến một ĐCT, sau lại yêu người như mình ta vậy”, những điều này không có gì trái với xã hội và con người Việt Nam. Nếu có ai đó cho rằng đạo Thiên Chúa là đạo ngoại lai thì thật ra đạo này cũng không ngoại lai hơn Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo vốn là sản phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù biểu hiện có thể khác nhau, tự bản chất đạo Thiên Chúa cũng có thể hoà mình vào xã hội Việt như Tam Giáo đã làm trước đó.

Hội nhập văn hóa là đọc các dấu chỉ của thời đại và đưa ra một thích ứng phù hợp. Giáo lý Tam Phụ được hình thành để đáp ứng nhu cầu trong những thế kỷ trước. Đó là để củng cố đức tin của nhóm người Công giáo bị kỳ thị và đàn áp, cũng như để xua tan nỗi sợ hãi và nghi ngờ của những kẻ chống đối họ. Trong Giáo hội Việt Nam ngày nay, thách đố mới là làm sao tạo được cuộc đối thoại giữa tôn giáo và thế tục. Chúng ta phải đối diện với sự xói mòn của văn hóa truyền thống, sự toàn cầu hóa và tương đối hoá các giá trị nhân bản do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông. Vì vậy hội nhập văn hóa đòi chúng ta phải thích nghi một cách sáng tạo các giá trị Kitô giáo cho một xã hội đương đại mà vẫn giữ được cốt lõi của đức tin truyền thống.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 86 (Tháng 1 & 2 năm 2015)

Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cho đến nay, Công giáo đã có lịch sử gần 400 năm truyền giáo vào Việt Nam. Để thúc đẩy công việc truyền giáo đạt kết quả, các Giáo sĩ phương Tây không thể không tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam; không thể không thông thạo Tiếng Việt. Nhờ nắm vững Tiếng Việt, biết chữ Nôm, các Giáo sĩ đã có nhiều thuận lợi hơn trong công cuộc truyền giáo của mình. Trong quá trình truyền giáo và giảng đạo, các Giáo sĩ đã để lại rất nhiều tư liệu có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo thống kê của Nguyễn Hưng, con số này lên tới 308 ấn phẩm Hán Nôm thuộc đủ các thể loại.

Đã có nhiều bài viết giới thiệu kho tư liệu Hán Nôm Công giáo ở các trung tâm lưu giữ trong và ngoài nước. Bài viết lần này tập trung giới thiệu thư tịch Hán Nôm Công giáo (HNCG) hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN). Các vấn đề được khảo cứu gồm: tình trạng văn bản, phân loại, nơi tàng trữ… của các văn bản đó.

1. Các cơ sở tàng trữ thư tịch Hán Nôm Công giáo

Hiện nay, thư tịch HNCG được lưu giữ ở các thư viện, trung tâm lưu giữ ở trong và ngoài nước, hoặc nằm trong tay các cá nhân, tập thể ở các địa phương. Các tư liệu đó được lưu trữ, bảo quản dưới các hình thức như: sao lưu thêm phụ bản; dịch ra tiếng Việt; scan thành file ảnh, được bảo quản dưới dạng in microfilm, hoặc đã ấn hành các đĩa CD…

1.1. Tại các trung tâm lưu giữ ở nước ngoài

Ở Hoa Kỳ: các nhà nghiên cứu chữ Nôm ở Houston, Texas (Hoa Kỳ) đã ấn hành các đĩa CD tài liệu tham khảo về Công giáo viết bằng chữ Nôm, như Tuồng Gie-Su và Truyện Ông Thánh Y-na-xu.

Ở Pháp: từ năm 1953, sau khi tìm thấy trong thư khố ở Paris những tài liệu chữ Nôm viết về Công giáo Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn và những cộng sự của ông đã có những khảo cứu công phu về kho tư liệu này. Dưới sự hướng dẫn của GS Hoàng Xuân Hãn, M.R. Seguy đã làm luận án Tiến sĩ về Catalogue du fonds Vietnamien, tập thư mục này chia thành 3 phần: sách Hán, tự điển và sách Nôm. Trong đó, có 12/19 sách Nôm được giới thiệu trong tập thư mục này, theo ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn1Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris.In ở đặc san Achivium Historium societatis Jesu (Rome) – Tome XXII, 1953, tr. 203-204., là của tác giả Maiorica. Nguyễn Hưng cũng có nhiều quan tâm đến nhóm sách Nôm Công giáo, ông công bố 31 văn bản Nôm của Maiorica.

Tại Thư viện Vatican có lưu giữ các tư liệu chữ Nôm do Thừa sai Maiorica đem về châu Âu. Tư liệu này đã được Thanh Lãng nghiên cứu, khai thác trên phương diện ngôn ngữ học.

Một số bản thư của Thừa sai gửi về Roma: khối tư liệu này đã được Vũ Văn Kính khảo cứu các vi phiếu và cho xuất bản Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17 và hai cuốn sách: Học chữ NômĐại tự điển chữ Nôm.

1.2. Tại Việt Nam

Theo khảo sát sơ bộ, tại Việt Nam, thư tịch HNCG được lưu giữ tập trung tại: VNCHN, Đại học Sư phạm Huế2Võ Long Tê trong Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam cho biết hiện ở Phòng Nghiên cứu văn chương và Văn học sử Việt Nam của trường Đại học Sư phạm Huế có chụp hình một số tác phẩm chữ Nôm của Giáo sĩ Maiorica, đánh số từ B1 đến B16., nhóm Hán Nôm Công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh3Theo khảo cứu của Nguyễn Thế Nam, thư tịch HNCG còn được lưu giữ lẻ tẻ tại Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia Việt Nam..

Ngoài ra tại các cơ sở lưu giữ cá nhân, tại các địa phương cũng có lưu giữ một số ít các thư tịch HNCG: thư viện Tổng hợp Hải Dương: có 4 văn bản; Bảo tàng Tổng hợp Hà Tây: 6 văn bản4Số liệu của Nguyễn Tá Nhí, dẫn theo Nguyễn Thế Nam (sđd)..

2. Thư tịch Hán Nôm Công giáo hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Căn cứ vào nội dung ghi chép, các thư tịch HNCG được chúng tôi nhận định là những thư tịch có nội dung liên quan đến Công giáo, như: kinh thánh, truyện các thánh, sách giảng về đạo đức cho giáo dân, sách có nội dung phục vụ nghiên cứu, học tập về đạo Công giáo.

2.1. Tổng quan thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Di sản Hán Nôm Việt Nam – thư mục đề yếu là bộ thư mục ghi lại toàn bộ sách Hán Nôm hiện lưu giữ tại VNCHN và tại Thư viện Quốc gia Pháp. Chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ Di sản Hán Nôm, và cho kết quả: có 35 tác phẩm mang nội dung Công giáo. Chi tiết như sau:

Bảng 1: Sách Hán Nôm Công giáo trong Di sản Hán Nôm Việt Nam – thư mục đề yếu

Tt Tên sách, kí hiệu Năm Nội dung
(1) (2) (3) (4)
1 Thiên chúa giáo tứ tự kinh văn VHv.1883

1650

gồm 748 câu thơ, mỗi câu 4 chữ, diễn tả nội dung Kinh thánh của đạo Thiên chúa, nói về nguồn gốc, giáo lý và tính chất mầu nhiệm của đạo.
2 Thiên chúa chân đạo dẫn giải toàn thư A.825/1 – 2.
MF.1935.
Paris. EFEO. MF. II/6/980.

Lê Cảnh Hưng thứ 38 (1777)

Nói về vai trò, tác dụng của đạo Thiên chúa đối với đời sống con người: con người khi sống và linh hồn con người sau khi chết đều do Chúa trời định đoạt. Chúa trời là đấng tối cao của muôn loài.
3 Bi Nhu Quận công phương tích lục, A.1178 Canh Thân (1800). Đạo dụ tặng Bi Nhu tước Quận công.
4 Chân đạo yếu lý. AB.534. 1864 Sách gồm 9 phần, nói về những giáo lí trọng yếu của đạo Gia Tô.

5

 

Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, AB.̀535

1864

66 điều dạy các con chiên phải tuân theo vua quan vì vua quan là người thay mặt Đức Chúa để cai trị dân, không được nổi loạn, phải tin theo đức Chúa trời cho đến khi chết, đừng để ma quỷ cám dỗ.
6

Sách tóm lại những chuyện sấm chuyện cũ, AB.̀536/1-2

1864

Những truyện sấm và truyện cũ về đạo Thiên chúa, chúa Lời sáng tạo ra trời đất, cho Adam và Eva làm tổ tiên loài người.
7 Các nha môn câu sai A.331. 
Paris, EFED. MF. I/1/31.

Hậu Lê

Một số sắc lệnh của chúa Trịnh: sắc lệnh về việc khuyên dân biên giới tuân theo quốc tục, cấm người ngoại quốc dụ dỗ dân theo đạo.

8

 

Hội đồng tứ giáo

AB.305 và

VNb. 36

Lê Cảnh Hưng?

Đại diện của 4 tôn giáo là Nho, Phật, Lão, Thiên chúa trình bày về: nguồn gốc con người; cuộc sống của con người trong hiện tại; con người sau khi chết. Nhằm mục đích tuyên truyền đạo Thiên chúa, bài xích các đạo khác: Nho, Phật, Lão.

9

 

Tháng cầu cho các linh hồn nơi lửa giải tội, AB.434

1896

30 bài kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa nói về nơi phát tích của ngọn lửa giải tội; các hình phạt nơi lửa giải tội: không được nhìn mắt Chúa, bị giam cầm, bị thiêu đốt… Phải cầu Chúa để cứu vong linh tổ tiên thoát khỏi nơi lửa thiêu, sớm được lên Thiên đường…
10 Truyện hai mươi ông thánh tử vì đạo VNv197.

1900

Chuyện 22 ông Giáo sĩ phương Tây tử đạo năm 1798 đến 1853.

 

11

Tháng ông thánh Khu Tra, AB.433

In năm 1905 Kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên chúa dạy các con chiên làm việc trong tháng Thánh Giuse (Khu Tra).

12

 

Ấu học thuyết

VNv. 617.

Duy Tân thứ 3 (1909)

Bản tường trình việc lập trường dạy quốc ngữ ở các làng xã thuộc trung kì.

 

13

Tân nghị cách thức,

VHv 566

Duy Tân thứ 3 (1909) Quy định mới về thi Hương, chính thức đưa quốc ngữ vào thi cùng với chữ Hán.
14 Sách truyện các thánh, VNb.34 1909 Tiểu sử và ngày lễ của các vị Thánh đạo Thiên chúa.
15

Lộ Đức thánh mẫu, VNb.33

In lần hai: 1911 Sự tích và những phép lạ cứu giúp dân của đức Bà ở Lộ Đức, một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Nam nước Pháp, tiếp giáp với nước Y Pha Nho.
16 Số thứ loại biên VHv.2964 và VHv.2965

1947

Sách tra cứu thuật ngữ có mang chữ số về Nho, Phật, Gia tô.
17 Tây dương gia tô bí lụcVHv. 2137.
MF. 1565.

1962

Những điều bí ẩn của đạo Gia Tô (Jésus) về nguồn gốc và sự truyền bá.
18 Bi nhu quận công hành trạng bị lục A.969.

(-)

Tập tư liệu về Giám mục Bá Đa Lộc (Bi Nhu, tên tiếng Pháp Pigneau de Behaine).
19 Những ngày lễ trọng, quyển 1 (P) (-)  
20 Thái Tây tạp ký trích lục, VHv.967. (-) Sách trích ghi về tôn giáo… của các nước châu Âu.
21

Thuật tích việc nước Nam,

AB.196.
MF.1848.

(-)

Tập thơ 6 – 8, nói về tình hình đạo Thiên chúa ở Việt Nam dưới các thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức.
22 Thượng dụ tập, A.371. (-) 37 bài dụ, chiếu, tấu, biểu… của vua quan nhà Nguyễn đời Thiệu Trị và Tự Đức: chăm lo làm việc, mở khoa thi, chọn hiền tài, sưu tầm sách cổ, kiểm tra nhân khẩu, thờ cúng tổ tiên, nghiêm cấm đạo Gia Tô, định ngạch quan chức…
23

Bản kinh tụng độc toàn niên, AB.473

(-)

Kinh của đạo Thiên Chúa dùng cho giáo dân đọc vào buổi sáng tối hàng ngày trong mùa chay.

24

 

 

Chân đạo tự chứng

A.2846

(-)

Những vấn đề cốt lõi của đạo Thiên Chúa:
① Tính và Lý, Tạo vật, Một vị (Thiên Chúa) và Ba ngôi (cha, con, thánh thần…).
② Đời và Đạo, Nhân loại, Đạo cứu thế, sự tích của A Dam và chúa Giê Su do Đức Mẹ Đồng Trinh sinh ra…③ giải đáp những nghi vấn về Chúa và về Đạo, như Chúa là vô thủy vô chung, bất sinh, bất diệt, sao lại có mẹ? Chúa có ở khắp mọi nơi, sao lại hạn chế ở một con người?… Những chứng cớ khi Chúa còn sống, khi Chúa đã lên trời, khi chúa bàn về Đạo…
④Những lời răn dạy, 7 đức để sửa tội, hạnh phúc chân chính (chân phúc), tai họa thực sự (chân họa), cải tà quy chính…
25 Sách dẫn đường giữ đạo, VNb 35 (-) 42 điều chỉ dẫn cho người theo đạo Thiên Chúa.
26

Sách dẫn đường nhân đức, AB.537

(-)

Kinh thánh gồm 14 đoạn, dạy con chiên thờ đức Chúa Trời, làm điều nhân đức, thương người, không phản lại Chúa.
27 Các thánh truyện (P) (-) Chuyện sự tích về các thánh.
28 Đức chúa Chi thu, BN.B1 q 2, 3, 4, 9, 10 và BN.B2 q 2   Chuyện sự tích về Đức Chúa Giêsu.
29 Kinh những lễ mùa phục sinh BN.B7 và BN.B8

(-)

Kinh tụng niệm hàng ngày của đạo Thiên Chúa.

 

30 Tháng năm ba mươi lục (P) (-) Truyện các thánh
31 Thánh giáo yếu lý (P) (-)  
32 Thiên chúa thánh giáo hối tội kinh(P) (-)  
33 Thiên Chúa thánh giáo khải mông (P) (-)  
34 Thiên Chúa thánh giáo nhất khoa (P) (-)  
35 Thiên Chúa thánh mẫu (P) (-)  

Trong bảng thống kê nêu trên:

– Các văn bản có ghi (P) ở cột 2: các văn bản lưu giữ tại Paris (Di sản Hán Nôm không cho biết kí hiệu văn bản). Các văn bản có ghi (-) ở cột 3: các văn bản không ghi niên đại.

– Từ số 1- 17: các văn bản có ghi rõ niên đại, từ số 18-35 là các văn bản không ghi niên đại. Văn bản số 21 và 22, tuy không ghi niên đại, nhưng căn cứ nội dung ghi trong sách có thể khẳng định là văn bản thời Nguyễn.

Trong số các văn bản lưu tại kho của VCNHN, có 14/25 tác phẩm được viết bằng chữ Nôm (trong đó có 01 tác phẩm có 2 dị bản: 01 ở VNCHN và 01 ở TVQG Pháp); trong đó văn bản có niên đại sớm nhất là 1864.

2.2. Phân loại

35 tác phẩm nêu trên, căn cứ vào nội dung ghi chép trong sách, được chia thành 06 nhóm: Kinh Thánh, Truyện Thánh, sách phục vụ Nghiên cứu, sách về Giáo dục, về chính sách của triều đình với Công giáo, và Tu đức.

35 tác phẩm nêu trên được phân bố như sau: kho sách VNCHN hiện lưu giữ 21 tác phẩm; TVQG Pháp lưu giữ 10 tác phẩm; còn lại 04 tác phẩm có 2 dị bản (01 bản lưu ở VNCHN và 01 bản lưu giữ tại Paris, Cộng hoà Pháp). Chi tiết xem bảng 2.

Bảng 2 : Bảng phân loại sách Hán Nôm Công giáo

Tt Loại Lưu giữ tại Tổng
VNCHN Paris Pháp và Việt
1. Giáo dục 02     02
2. Nghiên cứu 06   01 07
3. Chính sách của triều đình với Công giáo     01 01
4. Kinh Thánh 06 07 02 15
5. Truyện thánh 04 03   07
6. Tu đức 03     03
Tổng 21 10 04 35

Bảng phân loại nêu trên cho thấy, số văn bản ở VNCHN khá phong phú về chủng loại: gồm đủ 5/6 loại nêu trên; số văn bản ở TVQG Pháp chỉ gồm Kinh thánh và Truyện thánh; số văn bản lưu giữ ở cả 2 nơi có 04 tác phẩm (gồm loại 2, loại 3 và loại 4).

Chiếm số lượng áp đảo là các tác phẩm về Kinh Thánh, tiếp đến là các tác phẩm về truyện các thánh và sách phục vụ nghiên cứu về đạo Công giáo. Trong số các sách Kinh Thánh, kho TVQG Pháp vẫn chiếm ưu thế hơn về số lượng văn bản. Điều đáng quan tâm là: các văn bản Kinh Thánh, truyện thánh của các nhà truyền giáo buổi đầu, đều đang lưu giữ tại TVQG Pháp. Văn bản Kinh Thánh tại VNCHN đều là những văn bản có niên đại rất muộn về sau (sớm nhất là 1864).

2.3. Tình hình nghiên cứu các văn bản HNCG

Kho tư liệu HNCG còn lại khá lớn (308 tác phẩm). Đây là một kho tư liệu quý giá mà các nhà truyền giáo đã tặng lại cho chúng ta. Vẫn biết giá trị của các tư liệu này, nhưng lâu nay, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện tiếp xúc. Theo sự nhận thức của chúng tôi, mới có 3 học giả Việt Nam chọn các văn bản này làm đối tượng cho đề tài nghiên cứu chuyên sâu của mình (tỉ lệ 3/308)5Ba tác phẩm được các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho các chuyên khảo của mình là: Truyện các Thánh, Thiên chúa Thánh giáo khải mông, và Kinh những lễ mùa phục sinh. Các tư liệu này đều không có trong kho tư liệu của VNCHN..

Với tư liệu HNCG được lưu giữ tại VNCHN, hiện nay mới có 03 tác phẩm được khai thác, xuất bản (1 văn bản Hán, và 02 văn bản Nôm)6Ba văn bản lưu giữ tại kho VNCHN được khai thác, công bố gồm: Tây Dương Gia tô bí lục, Hội đồng tứ giáo và Thuật tích việc nước Nam.(6). Số còn lại, có lẽ mới chỉ nằm dưới dạng bản phiên lưu giữ cá nhân.

Thay lời kết

Qua khảo cứu nêu trên cho thấy, VCNHN hiện còn lưu giữ 25 văn bản HNCG; trong đó có 14 văn bản được ghi bằng chữ Nôm. Số văn bản Nôm này đều là những văn bản xuất hiện rất muộn về sau, không có văn bản nào thuộc thế kỉ 17.

Theo bước chân của các Giáo sĩ phương Tây, các văn bản kinh quan trọng (được ghi bằng chữ Nôm) của đạo Công giáo đã xuất hiện ở Việt Nam. Rồi cũng theo gót chân của các Giáo sĩ, các văn bản này lại được đem về các cơ sở truyền giáo ở nước ngoài. VNCHN không lưu giữ được các văn bản giáo lí căn bản, các văn bản truyện các thánh do các thừa sai hồi thế kỉ 17 viết. Các văn bản này đều thuộc quyền sở hữu của TVQG Pháp. Đây là một thiệt thòi lớn cho đất nước, cho khoa học.

Lâu nay, thư tịch Nôm Công giáo luôn là vấn đề ‘thời sự’ với các nhà nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử. Muốn nghiên cứu chữ Nôm và Tiếng Việt thế kỷ 17 qua tài liệu Công giáo, điều quan trọng là phải sở hữu được văn bản Nôm Công giáo của thế kỷ 17. Khảo cứu thực trạng kho tư liệu HNCG tại VNCHN mới giải đáp được lý do tại sao công việc cần thiết này, lâu nay, vẫn chưa được triển khai một cách có kế hoạch.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lã Minh Hằng, 2012, Jeronimo Maiorica và những tư liệu nghiên cứu Tiếng Việt lịch sử, tham luận Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư.

[2] Nguyễn Hưng, 2000, Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ.

[3] Nguyễn Thế Nam, 2011, Vài nét về tình hình nghiên cứu Hán Nôm Công giáo, Thông báo Hán Nôm học (bản thảo).

[4] Trần Nghĩa-François Gros, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. KHXH, Hà Nội.

[5] Trần Nghĩa, Một số sách liên quan tới chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hiện tìm thấy tại văn khố hội truyền giáo nước ngoài, Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (34) năm 1998

[6] Võ Long Tê, 1965, Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, Nxb. Tư duy.

[7] Chương Thâu, Một số sách chữ Nôm ở Thư viện Quốc gia Paris, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 2001, tr. 75-78

[8] Trần Khắc Toàn, 2006, Một vài nhận xét về chữ Nôm Công giáo in trong Nghiên cứu chữ Nôm, Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Hà Nội, 2006.

Lã Minh Hằng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.250-260; phiên bản trực tuyến, ngày 23.02.2015.

Tài liệu liên quan tới cuộc vận động cải cách chữ quốc ngữ ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX

Chuyển ngữ: Nguyễn Nghị và Cao Tự Thanh

WHĐ (1.10.2020) – Chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin, do các thừa sai dòng Tên thuộc tỉnh dòng Lisbon (Bồ Đào Nha) đã sáng chế khi tới Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII để làm phương tiện liên lạc trong công cuộc truyền đạt Công giáo cho người Việt Nam. Chữ quốc ngữ, như vậy, khởi đầu là một phương tiện được dùng trong công cuộc truyền giáo.

Chữ quốc ngữ này, với thời gian, đã trở thành một thứ tiếng thông dụng của người Việt Nam, công giáo hay không công giáo, và từ 1930 trở thành chữ viết chính thức của người Việt.

Trước đó, vào đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa Pháp đề xướng cuộc vận động cải cách chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Nhưng cuộc vận động này đã thất bại. Một số tài liệu được giới thiệu sau đây cho thấy một cách gián tiếp lý do của sự thất bại này.

Tập tài liệu này gồm, ngoài một bản thảo văn thư mang số Z21G đề ngày 11. 4. 1907 của Giám đốc Tổng nha Học chính gửi Toàn quyền Đông Dương và một bản thảo văn thư cũng của quan chức này gửi các Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương còn có một tập sách nhỏ nhan đề Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ (Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ), F. H. Schneider, Imprimerie Typo-Lithographique, Hà Nội, 1907, tất cả đều được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre d’Archive d’Outre-mer – CAOM) ở Aix-en-Provence, Cộng hòa Pháp, trong hồ sơ mang ký hiệu GGI 2625.

Ngoài bản thảo hai văn thư là tài liệu đánh máy, quyển Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ là một ấn phẩm lưu hành nội bộ của Tổng nha Học chính Đông Dương, vì thế nên ít được phổ biến rộng rãi. Nhận thấy nhiều điểm trong nội dung khoa học và quản lý nhà nước về vấn đề chính tả của nó vẫn còn những giá trị thời sự nhất định, nên chúng tôi giới thiệu ở đây phần chủ yếu trong tập sách để những người quan tâm biết thêm về cách suy nghĩ và lối ứng xử của nhiều người nước ngoài hơn một trăm năm trước đối với chính tả tiếng Việt.

Bản dịch tiếng Việt của tập tài liệu này đã được Nguyễn Nghị thực hiện với sự hợp tác của nhà Hán Nôm học Cao Tự Thanh và đã được in trong phần Phụ lục của cuốn sách mang tựa đề I và Y trong chính tả tiếng Việt, của Cao Tự Thanh, Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh – 2014.

 

Phủ Toàn quyền Đông Dương
Giám đốc Tổng nha Học chính
Văn phòng Tổng hợp
Số Z21G
Trích yếu: về việc cải cách chữ Quốc ngữ

 

Cộng Hòa Pháp
Tự do – Bình đẳng – Huynh đệ
***
Hà Nội, ngày 11 tháng Tư 1907

 

Tổng Giám đốc Tổng nha Học chính Đông Dương

Gửi ông Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội

Kính gửi ông Toàn quyền,

Tôi lấy làm vinh hạnh gửi kèm theo thư này tập sách nhỏ “Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ”, tập sách mà ông đã rất muốn cho phép xuất bản ở Sài Gòn.

Tôi gửi kèm ở đây bức thư tôi dự định viết cho các vị Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương dùng làm cơ sở cho các cuộc bàn luận sẽ được tổ chức sớm về cuộc cải cách.

Ký tên (không rõ).

 

Gửi ông Chủ tịch Hội đồng Cải cách Học chính địa phương

Trích yếu: về việc cải cách chữ Quốc ngữ

Ông Chủ tịch,

Ông và các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương sẽ nhận được từ người phụ trách cơ quan Học chính tập sách nhỏ vừa được xuất bản với nhan đề “Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ”.

Tập sách này có mục đích dùng làm cơ sở cho việc thảo luận cặn kẽ về việc cải cách do Hội đồng Cải cách Học chính Đông Dương đề ra trong phiên họp năm 1906. Ông Chủ tịch Hội đồng và tôi mong muốn quý vị đưa vấn đề quan trọng này vào chương trình nghị sự càng sớm càng tốt, vì việc xuất bản các sách giáo khoa mới nên phải có giải pháp cho vấn đề này trong thời gian ngắn nhất. Quý vị phải kết thúc công việc này trước ngày 1. 6, tức thời điểm để đại biểu của mỗi Hội đồng sẽ họp với nhau để có sự thỏa thuận cuối cùng về việc cải cách chữ Quốc ngữ.

Kính mong ông Chủ tịch nhận nơi đây sự kính trọng cao nhất của tôi.

Phủ Toàn quyền Đông Dương
Tổng Giám đốc Nha học chính
————————————–
Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ
(Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ)
Hanoi 1907


I- Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất (Hà Nội, 1902)

Tiểu ban cải cách việc phiên âm chữ quốc ngữ

Trích Biên bản phân tích các phiên họp (Hanoi, F. H. Schneider, 1903), tr. 126 và tiếp theo.

Ông Pelliot trình bày báo cáo của Tiểu ban cải cách việc phiên âm về dự án cải cách chính tả Annam, do các ông Babonneau và Simonin đệ trình.

Tiểu ban đã họp vào lúc 11 giờ ngày 6. 12, dưới quyền chủ tọa của ông Chéon. Có mặt: các ông Babonneau, Cadière, Finot, Gerini, Hoàng Trọng Phu, Pelliot, Simonin.

Các thành viên của Tiểu ban đã đồng ý với nhau là phải tuân thủ ba quy tắc sau đây trong khi làm việc:

  1. Chúng ta phải cố sức trong mức có thể đưa ra một giá trị duy nhất cho một chữ và luôn luôn diễn tả một âm (son) bằng cùng một chữ. Do đó, cần phải, chẳng hạn, bỏ việc sử dụng chữgở đầu trong từ gang hay từ gi, bởi vì hai chữ đầu này đọc rất khác nhau, và cũng phải ghi bởi cùng một chữ âm đầu của ca và ke, bởi vì hai cách viết này có cùng một âm.
  2. Cách ghi sử dụng cho tiếng Annam nên gần với các cách ghi thường được dùng cho các ngôn ngữ khác.
  3. Vì con số các tác phẩm, trong đó có một số rất tốt, đã được xuất bản với cách ghi cũ, nên quan tâm đến các thay đổi do hai quy tắc trên ấn định một cách dứt khoát.

Phần trình bày về các nguyên âm được đánh giá là tốt, dù sao cũng không có nhu cầu nghiêm trọng phải chỉnh sửa một cách sâu sắc. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng dấu mũ của â đem lại cho nguyên âm này một giá trị hoàn toàn khác với giá trị nó đem lại trong ô và trong ê, do đó, nên thay â bằng a’. Hội đồng cũng cho rằng phải bỏ hẳn thói quen mà vài tác giả vẫn có, trái với phương pháp của linh mục de Rhodes, là lấy thay trong một số trường hợp (ky, ly, my trong các bản đồ) mà không có gì biện minh được. Vấn đề dùng trong các từ như nguyên, thuyêt sẽ được gác lại cho đến khi có được thông tin rộng rãi nhất…

Về các phụ âm, Tiểu ban đề nghị những thay đổi sau:

  1. -c (hay c) sẽ có giá trị của ch hiện nay. Ch hiện nay gần với âm ngạc điếc (palatale sourde) các nhà ngữ học thường phiên là (hay c), ngoài ra, đây còn là một âm nổ không phát âm bật hơi (explosive non aspirée) và Hội đồng chỉ dành chữ cho duy nhất các trường hợp chữ này ghi nhận một sự phát âm bật hơi (aspiration). Cuối cùng, chữ hiện nay được dùng trong các từ như ca, và ở đó nó có cùng giá trị như của từ ke, sẽ bị bỏ và được thay thế bằng k, như vậy, chúng ta sẽ viết , (cá), cợ (chợ), khác, (khách, lạ)
  2.  -d không có gạch ngang sẽ có giá trị bình thường của trong tiếng Pháp; đ hiện nay, được viết có gạch ngang, sẽ không còn. Âm hiện nay được phiên bởi sẽ được phiên thành z.
  3. -g luôn giữ giá trị của âm họng kêu không phát âm bật hơi (gutturale sonore non aspirée), ngay cả khi đứng trướci, bởi vậy, chúng ta sẽ viết ge (ghe) chứ không phải là ghe, gi (ghi), chứ không phải ghi. Còn về gi hiện được dùng để diễn tả âm ngạc kêu (palatale sonore ) tương ứng với (ch cũ) điếc của từ cợ (chợ), sẽ được thay thế bởi j, chúng ta sẽ viết jả, (giả), chứ không phải giả.
  4. h luôn có giá trị của một phát âm bật hơi (aspiration), sẽ không còn xuất hiện trong ghe, từ nay sẽ viết là ge; trong từ chợ, được viết là cợ; khách, được viết là khác; nhà, viết thành ña, nhưng ngược lại, sẽ còn được giữ trong phép (luật), vì ph ở đầu vẫn còn duy trì một phát âm bật hơi nhẹ và không hoàn toàn tương đương với của tiếng Pháp.
  5. j thay cho âm ngạc kêu (gutturale sonore)gi, chẳng hạn: jả thay vì giả.
  6. k được dùng như hiện nay và thay chữ hiện nay khi chữ này có giá trị của k, do đó, viết ká thay vì .
  7. -nh hiện nay, ở đầu hay ở cuối, chỉ diễn tả một âm, không có phát âm bật hơi, sẽ được phiên thành ñ,ñà chứ không phải nhàbáñ (bánh), chứ không phải bánh.
  8. ph sẽ được giữ lại bởi vì âm được diễn tả không đơn thuần là âm răng môi (dento-labial) viết thành trong tiếng Pháp, và vẫn giữ một chút phát âm bật hơi nào đó.
  9. -q, không có âm nào khác ngoài âm ở đầu, sẽ không còn, và được thay thế bằng k. Sự phân biệt hiện nay giữa cua và qua có lý do của nó: trong cua, dấu được đặt trên u, trong qua, dấu đặt trên a.

Nhưng không có lý do nào để đánh dấu vị trí khác biệt này của dấu bằng cách thay đổi của âm đầu; ngược lại, duy trì chữ khi nó đóng vai trò nguyên âm được nhấn mạnh là điều tự nhiên (kua thay vì cua hiện nay) và sẽ được thay thế nó bằng bán nguyên âm khi nó thực sự là một bán nguyên âm (kwa thay vì qua).

  1. s thích hợp trong cách ghi hiện nay với âm xuýt gió (sifflante cérébrale); do đó, tốt hơn nên được thay thế nó bằng (s có dấu nặng ở dưới), khi không có chữ này, chúng ta có thể sử dụng hiện nay.
  2. -x hiện nay diễn ta một âm rất gần với âm ngạc xuýt. Do đó, tốt hơn, nhưng không cần thiết Hội đồng phải nhất trí theo ý kiến này, là thay thế bằng c (có dấu phẩy ở dưới), sẽ cho thấy rõ hơn cách đọc.
  3. -z sẽ thay thế không có gạch ngang hiện nay, nhưng không muốn gán cho một giá trị tuyệt đối cố định mà chính âm Annam của nó không có.

Hệ thống ký hiệu các giọng không dẫn đến một nhận xét nào riêng biệt. Bởi vậy, Hội đồng phiên đề nghị với quý vị ước nguyện sau:

Thưa Hội nghị,

Xét tính cách tiện lợi, cả về mặt thực tiễn lẫn khoa học, của việc phiên âm tiếng Annam một cách đơn giản hơn và hợp lý hơn là cách phiên hiện nay đang được áp dụng,

Chấp thuận báo cáo của Hội đồng phiên âm và bày tỏ ước nguyện các điều chỉnh được đề nghị được Nhà nước toàn quyền Đông Dương phê chuẩn.

Đại úy Bonifacy lên tiếng chống lại dự án của Hội đồng với hai loạt phản đối: 1. Về phương diện khoa học, ông không cho rằng hệ thống của Hội đồng có những lợi điểm đáng kể trên cách viết được chấp nhận hiện nay. Các giá trị của các chữ vẫn không kém ước lệ hơn, nhưng trong khi chữ quốc ngữ dựa chủ yếu trên các cách đọc của các ngôn ngữ Latin và ngày nay vẫn có thể tìm thấy được trong tiếng Italia, tiếng Provencal, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, thì các cải cách của Hội đồng, đặc biệt chữ w, đúng hơn, cũng chỉ là một sự vay mượn của phép viết của Anh, ông không cho việc thay đổi này là một tiện lợi, và chẳng làm cách viết đơn giản hơn chút nào. Ngoài ra, chữ ñ mà Hội đồng đề nghị thay cho cụm chữ nh sẽ có cái bất tiện là làm cho dấu ngã này có hai giá trị khác nhau, bởi vì dấu ngã cũng còn được đặt trên các nguyên âm để chỉ một trong các giọng của tiếng Annam. 2. Về phương diện thực tiễn, quả là rất khó làm cho những người đã học cách viết cũ quen được với cách viết chính tả mới, nhất là khi họ lại là những người Annam; như vậy, để cách viết mới có kết quả, người ta sẽ phải ấn định cách viết này trong các cơ quan hành chánh; và thế là nhiều người bản xứ vốn đã bỏ nhiều thời gian để học cách đánh dấu cũ, bất thình lình bị lôi về lại điểm xuất phát, buộc phải bắt đầu lại việc học lại cách viết hay bỏ cơ quan.

Ông Pelliot trả lời là Hội đồng không xét đến khía cạnh viết theo tiếng Latin hay anglo-saxon, mà chỉ tìm cách thống nhất một cách tối đa với các cách viết được nhiều các nhà ngữ học nhất chấp nhận. Vả lại, dùng để diễn tả âm ngạc điếc lại gần với một số giá trị của trong tiếng Ý hơn là giá trị của nó trong tiếng Anh. Về tình trạng dấu ngã sẽ có hai giá trị, xem ra không thể có một chút lẫn lộn nào giữa dấu ngã đặt trên một phụ âm, do đó không bao giờ có thể gợi lên một â giọng, và dấu ngã nhấn mạnh đặt trên một nguyên âm, chữ ñ, ngoài việc được dùng trong các cách ghi chép khoa học, nó vẫn còn được dùng trong tiếng Tây Ban Nha. Cuối cùng, việc điều chỉnh cách viết tiếng Annam hẳn không thể không tạo nên một sự khó chịu nhất thời cho những người đã học cách viết cũ, nhưng cũng đúng là, mặc dù có sự dè dặt tương đối của Hội đồng, các thay đổi kể ra cũng khá nhiều và quan trọng, nhưng quả là quá lời khi nói rằng những người đã học chữ quốc ngữ cũng sẽ phải vất vả như vậy để làm chủ cách viết mới; để hiểu được cách viết mới sẽ là công việc của mấy tiếng đồng hồ, và để sử dụng một cách không mấy khó khăn sẽ là công việc của mấy ngày. Vả lại không có gì dễ dàng hơn là ấn định một thời hạn nào đó cho phép cả hai hệ thống cùng tồn tại. Một cuộc cải cách như vậy đã có thể xảy ra, đó là cuộc cải cách thay thế trong ngành hóa học cách ghi nguyên tử (notation atomique) cho hệ thống các tương đương.

Linh mục Cadière tuyên bố là về phương diện khoa học, cách viết do Hội đồng đề nghị chắc chắn là cao hơn cách viết thông dụng, nhưng về phương diện thực tiễn, việc cải cách chữ quốc ngữ tạo nên những khó khăn khá trầm trọng để phải từ bỏ mọi ý định cải cách. Chính từ quan điểm này, linh mục đưa ra 6 vấn nạn: 1. Chúng ta không thể loại bỏ các khó khăn gắn với cách viết chữ Annam và mọi hệ thống viết đều chỉ có thể là không hoàn hảo. 2. Không nên gán cho chữ quốc ngữ những khiếm khuyết gắn với chính ngôn ngữ Annam. 3. Nếu hệ thống do Hội đồng đề nghị có loại bỏ được một số khó khăn, thì ngược lại, nó lại tạo nên một số khó khăn khác. 4. Việc cải cách chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không đọc được, như các từ điển của Giám mục Taberd và của linh mục Génibrel, Le Cours và Sưu tập các văn bản của ông Chéon. 5. Một số lớn người Annam, vốn không biết chữ Hán và không biết kiểu viết nào khác ngoài quốc ngữ, sẽ rơi vào tình trạng mù chữ. 6. Một số khổng lồ vật liệu nhà in sẽ trở nên vô dụng.

Ông Babonneau cho rằng chữ quốc ngữ có những điểm bất thường không sao biện minh được và chướng đến độ nhất thiết phải có một số điều chỉnh. Chẳng hạn, việc dùng chữ đ có gạch ngang để có tác dụng của phụ âm thông thường, và chữ đơn giản để có tác dụng của một phụ âm vốn chẳng có quan hệ gì với chữ thông thường, sẽ làm nản lòng những người mới bắt đầu và hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Ông Chéon, chủ tịch Hội đồng phụ trách chữ viết, tuyên bố : mặc dù là tác giả của nhiều công trình trong đó ông sử dụng chữ quốc ngữ, ông cũng xác tín, qua chính thực tiễn, về sự cần thiết phải cải cách và việc chấp nhận dự án của Hội đồng là điều đáng làm về mọi phương diện.

Ông Nocentini nhận xét là tất cả các vấn nạn chống lại dự án của Hội đồng đều nảy sinh từ những mối quan tâm thuộc lãnh vực thực tiễn, và tự hỏi liệu dự án có thể tập hợp được mọi phiếu bầu, trong điều kiện là chỉ liên quan, ít ra là tạm thời, tới việc sử dụng trong lĩnh vực khoa học mà thôi.

Ông Maitre gợi lại một số vấn nạn do linh mục Cadière nêu ra. Các điều chỉnh được đề nghị có ảnh hưởng rất hạn chế tới vật liệu in ấn. Các điều chỉnh này cũng không đẩy người Annam vốn chỉ biết có chữ quốc ngữ vào lại tình trạng mù chữ, mà chỉ buộc họ phải làm thêm một công việc phụ kéo dài mấy tiếng, quá lắm là mấy ngày.

Các điều chỉnh này cũng không làm các sách bằng chữ quốc ngữ rơi vào tình trạng không đọc được hơn là việc chấp nhận hệ thống của ông Visière đối với các công trình của các nhà Hán học trước đó. Tuy nhiên, vì việc chấp nhận hệ thống mới xem ra phải đương đầu trong việc sử dụng hiện tại với những phản đối dai dẳng, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta chấp nhận đề nghị của ông Nocentini là chỉ nhắm đến việc sử dụng trong lĩnh vực khoa học.

Ông Chủ tịch tuyên bố là Hội đồng đã được hướng dẫn trước tiên bởi ý muốn đưa ra một hệ thống có thể dung hòa các đòi hỏi của logic với những đòi hỏi của thực tiễn và có thể có giá trị như một hệ thống duy nhất. Do đó, Hội đồng đã tỏ ra rất là vừa phải trong các đề nghị của mình.

Bá tước Pullé cho rằng chắc chắn sẽ là đáng tiếc nếu có hai hệ thống tồn tại song song: tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy là một hệ thống có tính khoa học và mang tính lý tính, rốt cuộc, sẽ luôn tự khẳng định mình và một cách rất nhanh chóng. Bởi vậy chúng ta chẳng việc gì phải lo ngại khi chấp nhận đề nghị của ông Nocentini.

Linh mục Cadière nhắc lại là ông chỉ nêu lên những vấn nạn hoàn toàn thuộc lĩnh vực thực tiễn chống lại dự án. Các vấn nạn này sẽ không còn nếu Hội nghị đề nghị một cách viết thuần túy có tính khoa học. Về điểm này, dự án của Hội đồng đánh dấu một bước tiến bộ hiển nhiên; nhưng xuất phát từ ước muốn dọn đường đi đến một hệ thống duy nhất và dành mọi nhượng bộ có thể cho cách viết thông thường, thì hệ thống này chưa đủ và cần phải được điều chỉnh. Nó chỉ có thể được sử dụng làm cơ sở cho một dự án còn phải được đào sâu và dứt khoát hơn nữa.

Đại tá Gerini và ông Pelliot ủng hộ ý kiến linh mục Cadière đưa ra.

Sau các cuộc tranh cãi tạo ra bởi bản văn tiên khởi, Hội đồng phụ trách việc viết chữ quốc ngữ cho đọc ước nguyện sau đây:

Hội nghị, xét lợi ích về mặt khoa học mà một cách viết tiếng Annam đơn giản và có lý tính đem lại, yêu cầu Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp ấn định, để sử dụng trong lĩnh vực khoa học, một hệ thống có thể đáp ứng mọi điều kiện mong muốn, trên các cơ sở do Hội đồng đề nghị.

Văn bản được chỉnh lại như trên đây đã được tất cả các thành viên bỏ phiếu chấp nhận.

II- Hội đồng Cải cách Học chính địa phương Khóa họp năm 1906

Trích biên bản các phiên họp (Hà Nội, L. Gallois 1906), tr. 47 và 50.

A. Phiên họp thứ nhất ngày 21. 4. 1906

Chương trình nghị sự là nghiên cứu việc cải cách chữ quốc ngữ.

Ông Nordemann, Chủ tịch Hội đồng, trình bày là vào lúc chúng ta soạn thảo một số lớn sách giáo khoa bằng tiếng Annam, thì việc nghiên cứu vấn để cải cách chữ quốc ngữ là điều cần thiết. Ông Chủ tịch ôn lại lịch sử vấn đề và nhắc lại là từ các tác phẩm của linh mục A. De Rhodes, xuất bản vào giữa thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều đợt chỉnh sửa. Từ điển Taberd (1838) đưa ra một cách viết rất khác. Các từ điển của La Liraÿe và Theurel (1877) cũng có các cách ghi riêng của mình. Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội năm 1902 đã đưa ra một số điều chỉnh; các quyết định của Hội nghị được sử dụng làm nền tảng cho Hội đồng nghiên cứu. Hội đồng đã nhóm họp bốn lần và đã đi đến một thỏa thuận gần như hoàn toàn.

Ông Chủ tịch nhắc lại rằng Hội đồng của Hội nghị tại Hà Nội do một người Annamitisant được mọi người đánh giá cao là ông Chéon ngồi ghế chủ tọa.

Ông Nordemann giải thích rằng Hội đồng đã quyết định trong dự án của mình để ý tới tính cách ích lợi của việc Pháp hóa và của cả sự cần thiết phải quy tắc hóa và đơn giản hóa cách thức ghi chép này. Các cải cách được đề nghị nhắm tám yếu tố, nhưng hai trong tám yếu tố này đã không được sự nhất trí của Hội đồng.

Cách viết êi sẽ thay thế cho ây, như trong A. de Rhodes.

Mọi người nhất trí.

Chữ ă ngắn (bref) sẽ có dấu ngắn (signe de la brève) ở tất cả chỗ nào có ngắn, kể cả do vị trí.

8 chấp nhận chống lại 5.

Trong các nguyên âm đôi (diphtongues) trong đó chữ thứ hai là hay y, chúng ta sẽ luôn luôn viết là i. Tuy nhiên, ông Nordemann đề nghị là uy và ui phải khác biệt nhau.

Ông Maitre lưu ý là trong trường hợp này việc sử dụng uy sẽ không biện minh được, và tốt hơn hết là viết ui để cho thấy là chữ được tách biệt hẳn.

Ông Chủ tịch ủng hộ các nhận xét này, khi lưu ý rằng việc chấp nhân uy sẽ khiến cách viết không sử dụng được trong các công trình khoa học.

Ông Nordemann nhấn mạnh rằng đối với việc chấp nhận uy, chữ với dấu tréma có nhiều dấu khác nhau không có trong bộ chữ cùng cỡ.

Ông Maitre nói là sẽ không có bất tiện lớn khi đánh dấu trên u.

Các ông Tissot và Bouzat phát biểu cũng ý kiến này.

Hai ý kiến này đã không hội đủ đa số phiếu. Đề nghị được gác lại.

B. Phiên họp thứ hai ngày 21. 4. 1906

Ông Chủ tịch trình bày: vì Đại học đã tổ chức phiên họp khoáng đại và lấy dự án làm nội dung cho một cuộc bàn luận, Hội đồng có thể chuyển sang việc xem xét các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học: trước tiên, chúng ta có thể trở lại vấn đề chữ quốc ngữ.

Mọi người đồng ý về đề nghị của ông Bùi Đình Tá chấp nhận cách viết do ông Maitre đưa ra, trừ việc tréma sẽ được thay thế bởi có dấu mũ.

Ông Nordemann sau đó đọc lại toàn bộ các đề nghị sau đây, liên quan đến các cải cách chữ quốc ngữ:

Các nguyên âm: â sẽ viết là ê trước i.

ă sẽ có thêm dấu ngắn ở tất cả các nơi nó là âm ngắn.

sẽ viết là trong tất cả các trường hợp.

bên trong các từ sẽ viết là y. Chúng ta sẽ viết là trong nguyên âm đôi ui.

Các phụ âm: đ sẽ viết là d.

c, k, q, sẽ viết là trong tất cả các từ có phụ âm này,

các trường hợp đặc biệt: cua = kua; qua = koa.

d, gi, sẽ viết là j.

x, sẽ viết là (có dấu phẩy ở dưới).

sẽ không còn khi đứng sau hay ng trước hay e.

Quy tắc yêu cấu đặt dấu trên hay dưới nguyên âm nổi trội (voyelle dominante) phải được tuân thủ một cách nghiêm nhặt.

Các đề nghị này đã được mọi người chấp nhận.

III. Quyết định ngày 16.5.1906 của Toàn quyền Đông Dương về việc mở một cuộc thi soạn sách giáo khoa

(Trích đoạn liên quan đến chính tả của các sách viết bằng chữ quốc ngữ)

Điều 8. Các sách giáo khoa được soạn bằng tiếng Annam theo mẫu tự latinh (quốc ngữ ) phải chú ý tới cách viết chính tả sau đây:

Các nguyên âm: âm được phiên một cách không chính xác thành â sẽ được viết là ê trước i;

ă sẽ có dấu ă ở bất cứ vị trí nào khi nó là nguyên âm ngắn;

sẽ luôn được viết là i; và i có dấu mũ trong nguyên âm đôi ui;

(bán nguyên âm của i) sẽ được viết như vậy ở bên trong các từ;

Các phụ âm: đ sẽ viết thành d;

c, k, q sẽ đồng loạt được viết thành k;

Trường hợp đặc biệt: cua sẽ viết là kua và qua sẽ viết là koa;

d, gi sẽ được viết là j;

sẽ viết là (có dấu phẩy ở dưới);

sau hay ng (âm họng kêu hay mũi/gutturale sonore ou nasale) trước hay sẽ bị bỏ;

Quy tắc về việc đặt dấu ở trên hay dưới nguyên âm nổi trội phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

IV. Những bài viết liên quan tới việc cải cách chữ quốc ngữ

A. Các bài viết của linh mục Cadière

Đăng trên Avenir du Tonkin trong các số từ 24. 9 đến 17.10. 1906

Trong chừng mực có thể, các quyết định Hội đồng Cải cách Học chính địa phương, nhìn chung, đã làm hài lòng những ai quan tâm đến việc nâng cao trình độ luân lý và tinh thần của người Annam và quan tâm đến sự thịnh vượng của thuộc địa bao nhiêu thì cuộc cải cách của Hội đồng này đối với việc phiên âm chữ quốc ngữ lại đã làm ngạc nhiên bấy nhiêu những người đang nghiên cứu tiếng Annam. Tôi nghĩ, những ai có chút ảnh hưởng trong các vấn đề này đều có bổn phận lên tiếng và chỉ ra cho thấy cuộc cải cách này không có nền tảng và tồi tệ đến mức nào, hầu soi sáng “tôn giáo ” của các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương: danh dự của họ cũng như danh dự của các thành viên của Học chính và của cả thuộc địa đều liên quan.

Vấn đề cải cách chính tả chữ quốc ngữ không phải là mới. Nó đã có từ thời hệ thống ra đời. Chúng ta có thể thấy, trong các công trình cổ do các thừa sai ấn hành, trong các thủ bản, là cách viết này đã có thay đổi, đã được cải cách qua các thế kỷ. Cách viết thông dụng khi người Pháp tới Đông Dương không hoàn hảo. Nhiều tiếng nói có thẩm quyền, các linh mục Legrand de la Liraye, Lesserteur, ông Aymonnier, đã đưa ra những phê phán đúng đắn, đã đề ra những cải cách. Cách đây vài năm, vấn đề lại được nêu lên lại. Tại Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội năm 1902, một Hội đồng do ông Chéon chủ tọa, đã xem xét vấn đề này. Người ta đã xem xét tất cả mọi phê phán có hiểu biết đã được đưa ra cho tới thời điểm này, người ta tìm cách thỏa mãn mọi ước muốn chính đáng đã được nêu lên, của người bảo thủ cũng như của những người có quan niệm lật đổ. Dự án được đưa ra và được chấp nhận trên nguyên tắc chưa tuyệt đối hoàn hảo. Dự án không thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng dự án đã được những người có thẩm quyền trong vấn đề tán thành. Chính những người chống lại cũng nhìn nhận dự án có một giá trị lớn về phương diện khoa học. Và chúng ta có thể hy vọng những thành kiến sẽ dần dần biến mất, các cản trở sẽ được vượt qua, những phần chi tiết còn khiếm khuyết sẽ được hoàn chỉnh, sớm muộn người ta cũng sẽ chấp nhận một hệ thống latinh hóa phục vụ cho người thông thái cũng như cho những người muốn học tiếng Annam chỉ để biết và nói.

Nhưng niềm hy vọng này đã tiêu tan. Cuộc cải cách do Hội đồng Cải cách Học chính địa phương chấp nhận đã không thỏa mãn các ước muốn chính đáng người ta đã nêu lên. Cuộc cải cách đã thần thánh hóa những lý thuyết hoàn toàn sai lầm. Nó gây nên sự lộn xộn trong ngôn ngữ và trong cách viết, và do đó có hại cho việc học tiếng Annam, nó chấp nhận những dị thường, nó giải quyết không tốt bằng hệ thống cũ vô số các sự khác nhau tinh tế của ngôn ngữ. Xét về phương diện khoa học, cũng như thực tiễn và sư phạm, cuộc cải cách này quả là một bước thụt lùi.

Phê phán và đánh giá của tôi có thể là cường điệu. Những người trong số các đọc giả của tôi quan tâm tới các vấn đề này và có kiên nhẫn để đọc tới cuối phần tranh luận của tôi, dù vất vả đến đâu, sẽ nhận thấy là phê phán này là đúng và đánh giá như vậy là chính xác.

Chúng ta hãy đi vào chi tiết các điều chỉnh đã được chấp thuận.

 1. “Âm được phiên một cách không chính xác là â sẽ được viết là ê khi đứng trước i”

Trước đây, người ta viết bây, cây, dây, lây, mây, vân vân, từ nay, sẽ viết là bêi, kêi, lêi, mêi, vân vân.

Chúng ta sẽ để một bên phụ âm của các hình thức khác nhau này, bởi nó không dính dáng gì ở đây, và chúng ta sẽ chỉ xét đến âm của nguyên âm. Âm này có hai dạng được cấu thành bởi hai yếu tố gắn chặt với nhau, â và (từ nay là ê và i). Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu yếu tố thứ nhất trong số hai yếu tố này. Yếu tố thứ hai sẽ được xét đến ở đoạn khác. Về yếu tố thứ nhất, cho rằng cách ghi hiện nay là sai quả là không đúng và phải viết thành ê lại càng không đúng.

Yếu tố thứ nhất này, cho tới nay được phiên thành â, là âm ngắn. Chỉ việc nghe thôi cũng đã cho chúng ta thấy điều này. Người Annam đầu tiên chúng ta gặp sẽ đưa ra cho chúng ta bằng chứng. Các tác giả xác nhận sự kiện. Giám mục Taberd, trong cuốn Dictionnarium Annamatico-latinum (Từ điển annam-latinh) của ông, trong lời tựa, trang 3, viết: “à và â luôn luôn là âm ngắn” – và, ở trang 7, “đọc một cách ngắn hơn và một cách gần như âm điếc và chìm (surdo và subobscuro) [chữ â]”- Linh mục Vallot, trong Grammaire Annamite (Ngữ pháp annam), tr. 9, viết: “ây luôn luôn là âm ngắn”. Và ông Chéon, trong tập Cours (Giáo trình) của ông, tr. 6 “trong ay và âyvà â là những âm rất ngắn và ít nhiều khép lại”.

Âm ngắn và điếc, đó là điều các tác giả và kinh nghiệm nói với chúng ta.

Bây giờ chúng ta thử xem các tác giả đã giải thích thế nào về điều này, nghĩa là người ta đã so sánh âm của â trong ây với âm nào trong tiếng Pháp.

Chúng ta đã được thấy cảm nghĩ của Giám mục Taberd, â khắp nơi đều có âm điếc và hơi bị chìm đi “modo quasi surdo et subobscuro”. Ở trang 7 của lời tựa, giám mục thêm: Hy Lạp tách âm tiết, như, v-gcây, có tác dụng như thể câ-i”. Dĩ nhiên, đây là một cách nói, bởi vì nguyên âm đôi ây, cũng như tất cả các nguyên âm đôi của tiếng Annam không hề được tách ra hoàn toàn.

Nhưng rõ ràng là đối với Giám mục Taberd, nguyên âm đôi ây, chỉ âm điếc và mờ của thường (âm này thay đổi nhiều, so sánh với Cheon, Cours, trang 5), tiếp theo là âm được đọc một cách rõ rệt hơn là trong nguyên âm đôi ai chẳng hạn.

Cha Vallot, Grammaire, trang 9 “ây có âm eil trong orteil” nghĩa là â được đọc gần như è mở của tiếng Pháp – Ông Chéon, Cours, tr. 5: “â trong các từ lây, lây, có âm như ê nhưng ngắn” – tr. 6 : “mây đọc như âm tiết đầu của Meyer” – Ông Nordemann, Méthode de langue Annamite (Phương pháp học tiếng Annam), tr. 3, đồng hóa â trong cây với ê trong mê, về âm. – Cha Cadière, Phonétique Annamite (Ngữ âm học tiếng Annam), tr. 8 “Nguyên âm đôi ây rất giống với âm ê và đọc gần như âm tiết eil trong vermeil”.

Do đó, theo các tác giả, chúng ta có thể so sánh âm â trong ây khi thì với một âm điếc và mờ, khi thì với âm è mở, khi thì với âm é đóng.

Nếu giờ đây chúng ta tìm hiểu các văn kiện cổ, chúng ta sẽ thấy rằng, khởi đầu, các tác giả chữ quốc ngữ đã chấp nhận ba cách viết. Linh mục de Rhodes, trong Catechismus(Phép giảng) in tại Roma năm 1651, viết êy thay cho ây [y …là, tr. 6. –bêy, thay cho bây, vây, cũng vậy, tr. 28, 29, 57, – ai nêi thay vì ai nấy, tr. 56; lêy thay cho lây (lấy), tr. 11, – dêy thay cho dây, tr. 11, vân vân – Ông cũng dùng hoặc cho chính các từ này, hoặc cho rất nhiều các từ khác chúng ta không cần nêu ra đây, hình thức ây, và tôi nghĩ cách viết này chiếm ưu thế trong tác giả này.- Cuối cùng, đôi lúc ông cũng dùng ei chẳng hạn quéi cho quấy [sai lầm, quấy, không thích hợp], tr. 13.

Giải thích về các hình thức khác nhau này không có gì khó. Vào buổi đầu, các thừa sai chưa có một hệ thống nhất định. Nhiều âm của tiếng Annam chưa được cố định, chỉ đọc qua Catechismus của linh mục de Rhodes và các thủ bản về sau cũng cho chúng ta thấy rõ điều này. Đặc biệt, âm mà ngày nay chúng ta phiên là ây, trong chính tả, được diễn tả thành êy, âi, êi, ei. Sự lẫn lộn giữa ê và â hay giữa các nguyên âm khác còn đi xa hơn nữa, và chúng ta có các hình thức dêt thay cho dât (đất), tr. 12, 28; cuên thay cho quân, tr. 5; tuêi thay cho tuổi (năm), tr. 5; nhiêu, tr. 7, nhêo, tr. 5, thay cho nhiêu (nhiều), vân vân.

Chính tả chưa cố định, vậy thôi, chưa cố định bởi vì người ta chưa nhận ra một cách chính xác vô số các âm rập rờn của tiếng Annam trong các hình thức khác nhau ở đó chúng xuất hiện với tính cách các yếu tố.

Nhưng bởi vì linh mục de Rhodes đã sử dụng đồng thời các hình thức êy, êi, ei, âi, ây, nên chúng ta phải có sự chọn lựa. Nói cách khác, những người tiếp nối linh mục de Rhodes phải chăng đã sai lầm mà lần lượt loại bỏ các hình thức êy, êi, ei, âi, vốn xem ra cũng ít được chính linh mục de Rhodes sử dụng và cuối cùng dứt khoát giữ lại hình thức ây?

Không, họ không lầm.

Trong âyâ không hoàn toàn đáp ứng âm è mở hay é đóng như người ta tưởng; â diễn tả một âm điếc và mờ, không rõ ràng, âm này, trên nguyên tắc, giống eu trong deuil (tiếng Pháp), nhưng gần với giọng cổ hơn, và đồng thời nhẹ hơn, bồng bềnh (flottant) hơn, ít dứt khoát hơn. Đó là “âm gần như âm điếc và chìm” theo Giám mục Taberd.

Nghiên cứu về hình dạng của một số hình thức sẽ chứng minh rộng rãi cho chúng ta điều này.

Các ngôn ngữ Mường có họ hàng rất gần với tiếng Annam; các dân tộc nói tiếng Mường sống rải rác dọc trên sườn hay trong các thung lũng cao của dãy Trường Sơn. Tại Quảng Bình, tôi thấy có hai dân tộc sử dụng tiếng Mường. Một thay hay ở cuối một số từ bằng n, một thay yếu tố cuối này bằng l.

Chúng ta thử xem xem hai dân tộc này đã có tác động nào trên hình thức của tiếng Annam được phiên thành ây.

Đối với dân tộc thứ nhất:

Cân thay cho cấy; dân thay cho dậy; mân thay cho mây; cân thay cho cây;

Và đối với dân tộc thứ hai:

Kol thay cho cấy (cấy lúa); ti dil thay cho dậy (thức dậy).

Các từ vựng do tạp chí của Trường Viễn Đông Bác cổ cung cấp, tập V, tr. 358, 362 chỉ đưa ra một số từ này. Nhưng từng ấy cũng đã rất đủ để chứng minh cho thấy rằng yếu tố đầu của nguyên âm đôi là một âm điếc, vốn đã bị làm lệch đi đôi chút bởi yếu tố cuối, để biến thành è mở, chỗ này, thành é đóng chỗ nọ – các yếu tố khác nhau của các từ tác động lên nhau, các yếu tố này thay đổi nhiều hoặc ít các yếu tố khác, và đến lượt mình, các yếu tố này đã bị thay đổi bởi các yếu tố khác – âm điếc tái xuất hiện với bản chất riêng của nó khi yếu tố cuối bị thay đổi, nghĩa là khi nguyên nhân đã gây ra sự thay đổi không còn.

Đừng nói là cách đọc của các thị tộc đã được ghi không chính xác để bác lại. ây thay êl hay ei còn có thể được, nhưng ên hay en thay cho ân thì không thể được. Con, thay cho cây, được sử dụng tại nhiều tỉnh ở Annam, cũng chứng mình điều này; là một sự nhấn mạnh của â và hình thức có tính cách địa phương con khiến nghĩ tới hình thức cân, cũng chính là hình thức chúng ta có nơi người Mường ở Quảng Bình. Chúng ta luôn gặp âm điếc và ngắn này trong cây và trong cân, nhưng mở và kéo dài trong con.

Theo ý tôi, các sự kiện này minh chứng một cách rõ ràng rằng yếu tố đầu của nguyên âm đôi ây đã không bị biến đổi một cách sai lầm thành â như các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương muốn nói, một cách hơi thiếu suy nghĩ, mà chính là âm điếc “modo quasi surdo et subobscuro” mà Giám mục Taberd mô tả, âm mà chúng ta sẽ gặp lại trong các hình thức khác có â.

Chúng ta thừ tìm hiểu kỹ hơn một chút các tương đương của âm mà các tác giả đưa ra cho nguyên âm đôi ây. Người thì bảo nguyên âm đôi này phải đọc như é khép kín, người khác thì lại nói như è mở, có theo sau. Xin độc giả bớt chút thời giờ để tập đọc nhé! Mây được đọc hoặc như từ mê của tiếng Annam thêm i, hoặc như từ Annam me thêm i. Hãy đọc hai phần này một cách hết sức tách biệt, bằng cách tách một cách rõ ràng mê hay me khỏi i. Đoạn đọc đi đọc lại nhiều lần bằng cách kéo lại càng ngày càng gần nhau hai phần này nhưng vẫn luôn giữ một cách chính xác âm mê hay me cho phần thứ nhất, điều này sẽ khó khăn đấy, cho tới khi nào bạn ráp liền được hai phần, đặt hai phần này trong quan hệ phải có trong từ mây của tiếng Annam. Hãy nói cho tôi biết âm bạn vừa đọc- trong khi vẫn giữ, như tôi nói, âm mê hay me cho phần một – có giống với âm người Annam đọc từ mây hay không? Không. Các tác giả chữ quốc ngữ không phải là không có cái tai thính hay óc nhận xét tinh tế. Bởi vậy, nếu họ đã không giữ lại, sau khi thử, các cách viết méi hay mei, ấy là vì họ đã xét thấy, và họ có lý, như tôi đã cho thấy, là không thích hợp để diễn tả các yếu tố của từ.

Khi chúng ta nói rằng ây đọc như ei hay êi, đó là một cách nói, gần giống như khi chúng ta muốn giúp một người mới bắt đầu, như điều này thường xảy ra đối với nhiều âm của tiếng Annam vốn không có tương đương chính xác trong tiếng Pháp. Bởi vậy, âm được diễn tả bằng ây chỉ trở thành éi hay ei đối với những cái tai không được rèn luyện, đối với một người nghe hời hợt, hay đối với một ông thầy muốn hướng dẫn một học trò người Pháp vào buổi đầu mà thôi. Thực ra, đây là âm điếc và mờ mà Giám mục Taberd nói đến.

Thú thực là khi tôi thoạt nhìn thấy danh sách các cải cách được chấp thuận cho cách viết quốc ngữ, cách viết éi thay cho ây xem ra đối với tôi là một trong những cải cách có thể chấp nhận được. Ký ức về cách viết của linh mục de Rhodes đã có ảnh hưởng trên tôi. Việc nghiên cứu vấn đề một cách có phương pháp đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của tôi. Cách viết dùng một â phải được duy trì. Chính cách viết mới đã được chấp thuận mới không đúng.

Để chấm dứt cuộc tranh luận về một chi tiết xem ra quá nhỏ bé này, tôi thấy cần phải tôn vinh sự kiên nhẫn của những người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chúng ta đã thấy những chao đảo của cách viết thuở đầu, sự do dự của các tác giả. Những bước mò mẫm, ghi nhận, so sánh, sự tế nhị của tai nghe, sự chính xác cần thiết sau đó để nhận diện, ấn định dứt khoát cái yếu tố có một tính chất rất ư là thiếu rõ rệt này. Đừng tháo bỏ công trình của những người đi trước nếu không phải là để chỉnh sửa, cải thiện và hoàn chỉnh nó.

2. “A sẽ có dấu ngắn ở trên khi a là một âm ngắn”. Chẳng hạn ít ra là trong các hình thức ay, anh, ach, au. Cuộc cải cách quả là tuyệt vời và nó đã lấp đầy một lỗ hổng của hệ thống hiện tại. Nhưng cũng nên nói rõ trong các hình thức nào thì là âm ngắn. Nếu để cho mỗi người tùy tiện theo ý mình, theo khoa học, nhất là của người Annam, những người sẽ soạn ra các sách giáo khoa cho các cuộc thi của các giáo viên làng hay tỉnh, người ta sẽ chỉ có thể đi tới chỗ hỗn loạn. Đặc biệt, ở cuối không được nhấn mạnh, của các dạng bua, bia, bua, vân vân mà ông Chéon, Cours, tr. 4 nói là ngắn và đúng là như vậy, liệu sẽ được đặt dấu để làm ngắn?

3. “i sẽ luôn được viết là i”. Chúng ta sẽ viết i trong nguyên âm đôi “ui

Văn bản không rõ ràng. Bản báo cáo về các cuộc họp của Hội đồng cho chúng ta một ý tưởng khá chính xác về các tác dụng của cải cách.

a. Như vậy, người ta sẽ không còn viế ty, ly, my,sy vân vân mà là i, li, mi, si vân vân. Cần được chấp thuận một cách trọn vẹn.

b. Người ta sẽ không còn viết cay, may vân vân mà viết kai, mai vân vân. Dấu đọc ngắn (a) đủ để phân biệt các hình thức của cai, mai vân vân với dài và cay, may vân vân với ngắn.

Trong tiếng Annam, chúng ta có một loạt các nguyên âm đôi, trong đó yếu tố thứ hai là i. Đó là ai, oi, ơi, ôi, ui và ay, ây, ngoài ra còn phải thêm ui của một số hình thức do người Bắc Kỳ sử dụng. Yếu tố cuối này cũng có cùng tính chất trong tất cả các hình thức này. Để chứng minh, chúng ta chỉ việc tìm tới các tiếng nói của người Mường vốn biến yếu tố cuối này thành hay l, dù nguyên âm đứng trước là gì đi nữa.

Chẳng hạn, trong tiếng Mường ở Quảng Bình, chúng ta có:

Pun pun và pul pul thay cho bụipan thay cho vai,

Pan và pol hay pâl thay cho baycan thay cho cầy; puon hay puol thay cho bưởi, vân vân.

Mặc dù yếu tố này vẫn là vậy, về bản chất, trong tất cả các hình thức, tuy nhiên chúng ta cũng phải phân biệt hai loại, tùy theo yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi là dài hay ngắn, và chúng ta có loại ai, oi, ơi, ôi, ui và loại ay, ây, ui. Trong loại thứ nhất, vì giá trị của nguyên âm nổi trội, và định luật hấp thụ, yếu tố cuối dài hơn, nhẹ, mơ hồ hơn, đôi khi mở hơn; trong loại thứ hai, nó có âm khép hơn, ngắn hơn, rõ hơn, rõ nét hơn, vì cũng các lý do ấy. Đó là điều mà những người tạo ra chữ quốc ngữ đã muốn ghi nhận bằng cách đặt ở đó một đơn giản, ở đây một y, ngoại trừ đối với các hình thức ít được sử dụng hơn ui.

Làm sao diễn tả yếu tố thứ hai này? Nhiều hệ thống được phép sử dụng. Hoặc duy trì hệ thống hiện tại; hoặc ngược lại với hệ thống này, đặt tại nơi hiện tại người ta dùng y, và vào chỗ hiện nay người ta viết i. Đó là hệ thống ông Aymonnier đã hình dung trong Nos transcriptions (Cách phiên của chúng ta), và đây là hệ thống Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chấp nhận. Chúng ta có thể biện minh – người ta có thể dùng cùng một dấu cho mọi trường hợp hoặc y, hoặc i, như các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương đã làm. Người ta có thể chấp nhận hệ thống này để đơn giản hóa, nhưng lại gặp phải một khó khăn tôi sẽ trình bày sau.

c. Người ta sẽ không còn viết luy, chuy, tuy, vân vân, mà là lui, chui, tui, vân vân, với một dấu mũ trên i.

Khi liệt kê trên đây các nguyên âm đôi với yếu tố cuối là i, tôi đã không đưa ra nguyên âm đôi vốn cho tới nay được viết là uy. Ấy là vì nguyên âm đôi này hoàn toàn khác với các nguyên âm đôi được liệt kê trước đó.

Trong ai, ay, ây, oi, ôi, ơi, ui, ưi, chính yếu tố thứ nhất là yếu tố được nhấn mạnh, đóng vai trò chủ chốt trong cách đọc. Yếu tố thứ hai, khi là i, khi là y, không được nhấn mạnh. Trong uy, thì lại hoàn toàn ngược lại. Chính yếu tố cuối, tức (=i) lại được nhấn mạnh. Yếu tố đầu, tức u, là một bán nguyên âm môi không có dấu, không phải bán nguyên âm thông thường chúng ta tìm thấy trong qui hay trong ngui (đôi khi thay cho nguy), mà là bán nguyên âm được làm dịu, nghĩa là có âm trong tiếng Pháp hay gần giống vậy. Qua đó, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa các hình thức viết lui và luy cho tới nay. Trong hình thức thứ nhất được nhấn mạnh và vừa đủ để nhận ra; trong hình thức thứ hai, là nguyên âm đầy của từ, hoàn toàn như trong li (hay ly), nhưng có bán nguyên âm u, được làm dịu bớt, đặt ở trước. Hai hình thức lui và luy này là hoàn toàn khác nhau – tôi nói về cách đọc, bởi vì, theo từ nguyên học mà nói, các hình thức ui và các hình thức uy lại có bà con rất gần trong nhiều trường hợp. Nhưng đó không phải là vấn đề.

Trong các cuộc họp lấy quyết định về các thay đổi trong hệ thống quốc ngữ, ông Nordemann đã nhấn mạnh để sự khác biệt này phải được duy trì trong chữ viết. Nhưng một số thành viên, khôn ngoan hơn theo lệ thường, còn đề nghị thêm dấu trên trong các hình thức có uy trong các sách xuất bản. Điều này có nghĩa là hoàn toàn không biết gì về bản chất của nguyên âm đôi này, và tôi vui mừng khi thấy rằng chân lý đã thắng.

Trong chính tả, hoàn toàn không thể không duy trì sự khác biệt giữa các hình thức có ui và các hình thức có uy.

Làm thế nào? Chính để tạo sự khác biệt giữa hai hình thức này mà chữ quốc ngữ truyền thống, luôn sử dụng chữ để viết yếu tố đầu, đã sử dụng khi thì y, khi thì i, để viết yếu tố cuối của nguyên âm đôi. Người ta đã phê phán một cách chính đáng cách làm này. Về phương diện thực tiễn nó có cái lợi của nó. Khi thấy chữ ở cuối một từ, người ta biết là đặt ở trước phải được đọc mà không nhấn mạnh, và với âm của trong tiếng Pháp hay gần như vậy. Khi thấy i, người ta biết là đặt ở trước phải được đọc và nhấn mạnh, giống như với âm ou trong tiếng Pháp, trừ trường hợp của qui và ngui (thay cho nguy) trong đó có âm ou nhưng không được nhấn mạnh.

Nhưng về phương diện khoa học, cách làm này không biện minh được. trong luy có cùng giá trị như trong bi, li. Tại sao lại làm khác đi? Vả lại, mọi thay đổi về âm hay về giá trị trong một yếu tố của một từ, đều phải được diễn tả bằng sự thay đổi dấu diễn tả yếu tố này. Ở đây chính có một giá trị khác tùy theo các hình thức: sự thay đổi giá trị này của yếu tố thứ nhất được chỉ ra bởi sự thay đổi hình thức của yếu tố theo sau, được diễn tả chỗ này bằng i, chỗ nọ bằng quả chẳng hợp lý chút nào. Những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã làm đúng khi tạo ra sự khác biệt về giọng và giá trị, nhưng họ đã ghi nhận các giá trị này và các âm khác nhau này bằng một cách thức không khớp với các quy tắc của khoa học hiện đại. Họ đã chấp nhận đưa vào hệ thống của họ một sự dị thường và đã phạm một lỗi đi ngược lại logic.

Hệ thống mới lại cũng vấp phải chính các lỗi này. Dù dùng hay với dấu mũ, sự dị thường vẫn còn đó. Cũng một nguyên âm được diễn tả chỗ này bằng thường, (trong bi, mi, li, vân vân), chỗ nọ bằng với dấu mũ (trong các hình thức viết cho tới nay bằng uy.). Sự thiếu logic cũng vẫn còn: người ta cho thấy sự thay đổi giá trị của yếu tố thứ nhất luôn bằng cách thay đổi yếu tố thứ hai của nguyên âm đôi. Hệ thống mới do đó chẳng hơn gì hệ thống cũ. Ngay cả cái lợi là xích lại gần với chính tả của tiếng Pháp cũng không có, bởi vì, theo tôi biết, không có trường hợp nào trong đó việc đặt dấu mũ trên chữ lại chỉ một sự thay đổi của âm đi trước.

Trong các phiên họp của Hội đồng, người ta đã nói đến việc dùng với dấu tréma, để cho thấy trong các hình thức bằng uy là tách biệt một cách rõ ràng. Vẫn là không nhận ra điều gì tạo nên sự khác biệt một cách căn bản giữa các hình thức ui và hình thức uy. Cách viết cũng chẳng hay hơn.

Người ta đã nói đủ cả về các sự dị thường, về những sự không hợp lý của chữ quốc ngữ! Cũng cần lưu ý ở đây là các nhà cải cách hiện đại của chúng ta cũng vấp phải chính những khó khăn vốn đã khiến các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ phải dừng lại, và đã giải quyết các khó khăn này cũng theo một kiểu, nghĩa là cũng bởi các dị thường và không hợp lý. Các nhà chế tạo ra chữ quốc ngữ có được các hoàn cảnh để được châm chước: họ không muốn tạo ra một công trình của các nhà thông thái, họ chẳng biết gì về những quy tắc của khoa học hiện đại. Trường hợp của các nhà cải cách ngày nay thì không phải vậy.

Nhưng người ta sẽ nói với tôi rằng người ta đâu có muốn làm công trình khoa học. Người ta thấy rõ điều này. Nếu vậy thì tại sao lại thay đổi?

Chỉ có một cách thức thực sự logic để giải quyết khó khăn: đó là chấp nhận cho các hình thức có uy, hoặc chữ hoặc (với dấu tréma) để diễn tả yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi. Người ta đã lùi bước trước sự cải cách triệt để này. Người ta đã dừng lại giữa đường.

Điều người ta đã làm không phải là một cải cách thực sự, mà chỉ là một sự thay đổi.

d. Người ta sẽ không còn viết huynh, khuynh, khuya, mà viết là huinh, khuinh, khuia. Hệ thống cổ truyền sử dụng hai cách viết này để diễn tả hai hình thức của các từ này tùy theo các phương ngữ, một hình thức với bán nguyên âm thông thường có âm ou (huinh, khuinh, khuya), và một hình thức với bán nguyên âm được làm nhẹ bớt, nghĩa là với âm (huynh, khuynh, khuya). Hình thức thứ hai này không còn trong hệ thống mới. Như vậy, hệ thống mới này ít khả năng hơn hệ thống cũ để diễn tả các sự khác nhau tinh tế của ngôn ngữ Annam.

4. “Y bán nguyên âm của i sẽ viết như vậy ở bên trong các từ”

Hệ thống mới như vậy có khuynh hướng phân biệt bán nguyên âm với nguyên âm, diễn tả bán nguyên âm bằng y, nhưng chỉ bên trong các từ mà thôi, và nguyên âm bằng i. Nguyên tắc thì tốt. Nhưng tại sao lại không áp dụng mọi nơi mọi chốn. của các hình thức có ai, oi, ôi, ơi, ui, và tôi cũng có thể nói như vậy về các hình thức có ay, ây, là một bán nguyên âm trước con mắt của nhiều tác giả. Tại sao lại không diễn tả nó cũng bằng dấu của bán nguyên âm? Một bất hợp lý nữa – tại sao không áp dụng nguyên tắc này cho tất cả mọi bán nguyên âm? Tại sao không phân biệt nguyên âm với bán nguyên âm; nguyên âm với bán nguyên âm? Chính tả của Linh mục de Rhodes, khi ông viết hoa, doan, ngoai, vân vân, với dấu làm ngắn đi trên bán nguyên âm xem ra được chú ý tới nhiều.

Người ta không phân biệt trong trường hợp nào thì hay bên trong các từ phải được xem như bán nguyên âm. Nói rõ ra điều này thì tốt hơn. Chắc chắn người ta sẽ tiếp tục viết yêu, yên, yêng, vân vân; người ta sẽ viết hyêu, hyên, khyên, ngyên (nghiên hiện nay) vân vân; người ta sẽ viết byên, byêu, byêt, vân vân. Ít ra là tôi giả thiết như vậy. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên soi sáng vấn đề và nói rõ. Tôi không nghĩ là giáo viên người Annam điều hành trường tỉnh của chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề một mình.

Từ nay, chúng ta sẽ viết huyên, nguyên, quyên, duyên. Hãy dừng lại đôi chút ở các hình thức sau cùng này. Một số từ trong đó nguyên âm đôi iê có bán nguyên âm môi đặt trước, tùy theo phương ngữ, có hai hình thức, một với bán nguyên âm môi thông thường, có âm ou của tiếng Pháp, một với bán nguyên âm được làm nhẹ đi, có âm trong tiếng Pháp. Chữ quốc ngữ cổ truyền dành cách viết iê cho hình thức thứ nhất (huiên, duiên), và cách viết yê cho hình thức thứ hai hyên, duyên (như chúng ta đã thấy trên đây các hình thức có ui và uy; huinh, khuinh, khuia, và huynhkhuynh, khuya). Đối với các từ có một hình thức duy nhất (bán nguyên âm được làm nhẹ) người ta dùng cách viết yê (chuyên, luyên, khuyên, vân vân). Quy tắc này có những luật trừ và người ta viết nguyên, nguyêt, quyên, quyêt, mặc dù trong các từ này bán nguyên âm ở tình trạng bình thường. Nhưng nó cũng chế ngự một số lớn các trường hợp.

Khi áp dụng chính tả mới, nghĩa là dùng khắp nơi, làm sao người ta có thể phân biệt được hai hình thức tôi đã cho thấy ở trên? Người ta sẽ không phân biệt. Một lần nữa, hệ thống mới tỏ ra kém hơn hệ thống cũ, nó không diễn tả tốt hơn các điểm khác biệt tinh tế của các âm trong tiếng Annam.

Việc dùng để diễn tả bán nguyên âm là rất hợp lý. Nhưng nguyên tắc phải được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, và việc chấp nhận cách viết này kéo theo việc sử dụng một dấu đặc biệt cho bán nguyên âm và những khác biệt tinh tế khác.

  5. đ sẽ được viết là d

Nghĩa là người ta bỏ chữ đ có gạch ngang và thay thế bằng chữ bình thường. Đó là một cải cách người ta yêu cầu từ lâu. Nếu hệ thống mới chỉ gồm những cải cách loại này, thì chẳng có gì để phê phán.

6. “c, k, qsẽ đồng loạt được viết là k, các ví dụ đặc biệt: cua sẽ viết là kua; qua sẽ viết là koa

Đây cũng vẫn là một trong những cải cách không trọn vẹn, về hai khía cạnh, một mặt tốt, một mặt đáng lên án, vốn đầy rẫy trong hệ thống mới, bởi vì người ta không muốn làm việc một cách khoa học và không muốn logic cho tới cùng, bởi vì người ta đã dừng lại giữa đường, giải quyết một khó khăn bằng một dị thường.

Dự án viết các chữ c, k, q, bằng một chữ duy nhất đọc trong cổ và là âm điếc không phải là mới. Nhưng những người đưa ra dự án này, các ông Aymonnier, Chéon, các thành viên của Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội cũng đề nghị diễn tả bán nguyên âm tiếp theo sau bằng chữ w. Đây là hậu quả logic của việc chấp nhận thay cho q. Các nhà cải cách hiện tại có lẽ đã lùi bước trước sự xáo trộn cách viết đã diễn ra do việc chấp nhận chữ w. Chính vì vậy mà họ đã đi tới chỗ chấp nhận cách viết koa thay cho qua.

Bởi vì người ta thay và bởi cùng một chữ là k, người ta đâm ra lúng túng trước các từ cho tới nay được viết là cua và qua. Ở đây, chúng ta cũng đứng trước những khác biệt căn bản chúng ta đã thấy trên đây giữa các hình thức có ui và các hình thức có uy. Trong cua, chính u, một nguyên âm đầy đủ, mới là chữ được nhấn mạnh, trong khi a, nguyên âm được giảm nhẹ, không được nhấn mạnh. Trong qua, chính mới là một nguyên âm đầy đủ, được nhấn mạnh, trong khi là bán nguyên âm bình thường. Chữ Quốc ngữ cổ truyền diễn ta sự khác biệt này bằng cua ở chỗ này và qua ở chỗ nọ. Theo dự án được Hội nghị các nhà Đông phương học chấp thuận, chúng ta sẽ có kua và kwa. Cách viết sau mới là cách viết logic nhất. Hệ thống mới viết kua (cua) và koa (qua).

Một điều dị thường và một sự không chính xác.

Không chính xác, bởi vì chúng ta chỉ cần nghe bất cứ người Annam nào nói là có thể thấy rằng trong từ qua, âm được diễn tả bằng là ou trong tiếng Pháp chứ không phải o. Đây là bán nguyên âm bình thường dưới dạng điếc, hoàn toàn khác về âm với bán nguyên âm dạng kêu được diễn tả bằng o. Nghe một người Annam đọc các từ qua, que, qué và các từ khoa, khoe, người ta sẽ thấy ngay sự khác biệt.

Tất cả các tác giả đều đồng ý với ý kiến này. Giám mục Taberd, trong lời Tựa của cuốn Dictionnarium, tr. 8, “est in usu et exprimitur ut in linguâ latinâ/ được sử dụng và diễn tả như trong tiếng latinh”. Ông Chéon, Cours, tr. 3, “qu có cùng giá trị như trong quatuor”. Linh mục Vallot, Grammaire, tr 17, “qu đọc là cou” – Chỉ có ông Nordemann, Méthode de langue Annamite, tr. 12, diễn tả như thế này“[âm oa tiếng Pháp được diễn tả thành oa trong oan, loan, soa] được viết là ua sau phụ âm q, chẳng hạn: quan, qua”, và viết tiếp ở phần chú thích “sẽ hợp lý hơn nếu viết koan, koa”.

Tại sao lại hợp lý hơn? Vì cách đọc? Nhưng chúng ta đã thấy, theo các tác giả được nói đến trên đây và người ta có thể thấy khi nghe một người Annam gặp lần đầu tiên nói, rằng qua không đọc như koa – Vì lý do từ nguyên học? Nhưng khi chúng ta liệt kê danh sách tất cả các từ Hán Việt bắt đầu bằng qu, và chúng ta sẽ thấy là các từ này tương ứng với các hình thức được diễn tả bằng ku, kou hay ko trong phương ngữ người Hoa, nghĩa là bao gồm bán nguyên âm có dạng điếc. Chỉ có mấy luật trừ khi bán nguyên âm gần với âm nguyên âm của từ. Chẳng cần phải kê ra các ví dụ ở đây. Một số tác giả, như Linh mục Couvreur, sử dụng khi thì cách viết kou, khi thì cách viết ko. Nhưng không nên để mình bị đánh lừa bởi cách viết sau này. Chúng tôi đã lưu ý trong lời tựa là oai đọc như ouai trong từ douai của tiếng Pháp, hay như we trong were của tiếng Anh; oei đọc như oui trong enfoui; nghĩa là trong tất cả các từ này, dù dùng cách viết nào, bằng ou hay bằng o, người ta đều muốn diễn tả bán nguyên âm dưới hình thức điếc.

Chúng ta hãy thử xem điều ngược lại: Linh mục Couvreur, vốn đã dùng, tôi không hiểu vì lý do gì, cách viết trong Dictionnaire chinois-français và trong Dictionnarium được in năm 1890 và 1892, ít lâu sau đó đã muốn điều chỉnh cách viết của mình theo đòi hỏi của lỗ tai người Pháp đã buộc phải từ bỏ cách viết bằng và chấp nhận cách viết bằng ou trong Petit dictionnaire chinois-français của ông in năm 1903. Ở đây, tại thuộc địa Pháp, những người theo đuổi mục tiêu chính –biên bản các cuộc họp cho phép chúng ta nghĩ như vậy – là Pháp hóa cách viết truyền thống, đã từ bỏ cách viết bằng và chấp nhận cách viết bằng o. Quả là bất nhất làm sao ! Tệ hơn nữa, một sự không chính xác như chúng ta đã thấy.

Cả ở đây nữa, các nhà cải cách hiện đại bị đặt trước cũng khó khăn ấy vốn đã làm cho những người sáng chế chữ quốc ngữ phải dừng bước. Những người sáng chế ra chữ quốc ngữ đã giải quyết khó khăn bằng cách chấp nhận, chỗ này thì dùng c (cua), chỗ nọ dùng q (qua). Đây là một sự thiếu logic, tôi sẵn sàng cho là như vậy, và biện pháp chẳng có chút gì khoa học: chính giá trị của thay đổi, chứ không phải âm họng ở đầu phải thay đổi hình dạng. Nhưng sự thiếu logic này có thể được châm chước. Những người sáng chế chữ quốc ngữ đều bị bao phủ bởi việc sử dụng xa xưa của tiếng Latin đối với chữ khi âm họng có bán nguyên âm đi theo. Cách viết của họ không có gì là khác thường, nhất là không có gì sai. Họ được hưởng những hoàn cảnh làm nhẹ “tội”, và nhất là cách họ giải quyết khó khăn lại chính đáng hơn cách của các nhà cải cách hiện tại.

Ông Nordemann cũng chủ trương, trong Méthode, tr. 12, rằng que phải được viết là koe; tr. 14, quan, quanh đáp ứng với koan, koanh. Ông dựa trên lý do gì? Ông không nói ra. Không phải tại vì cách người ta đọc các từ này. Tôi không thể nghĩ rằng ông Nordemann lại nhầm lẫn đến độ nghe ra koa, koan, koe, vân vân, khi người dân nói qua, que, quan, vân vân; và giá trị của được tất cả các tác giả, những người đã nghiên cứu phương ngữ Bắc Kỳ cũng như các người khác đã thừa nhận, tôi không thể chấp nhận được là ở Bắc Kỳ người ta đọc như ông Nordemann mong muốn. – Có lẽ là do nguyên âm của các từ này. Ông Nordemnn chỉ khuyên sử dụng cách viết bằng ko đối với các từ trong đó nguyên âm là một nguyên âm mở, a, a, e. Vì nguyên âm này mở, nên bán nguyên âm đi trước cũng phải được đọc và viết với hình thức mở o. Lý do này, giả thiết là ông Nordemann đã đưa ra cho mình, không có giá trị. Bởi vì, âm họng mở đầu dù là âm họng mạnh thuần túy (q), dù là âm họng mũi, ng, luôn đòi hỏi là sau nó phải là bán nguyên âm với hình thức điếc thông thường, trong khi các phụ âm khác ở đầu chấp nhận hoặc chỉ bán nguyên âm giảm nhẹ, hoặc hai hình thức, một với bán nguyên âm giảm nhẹ, một với bán nguyên âm thông thường. Quá dài để triển khai ở đây vấn để về ngữ âm. Bản tóm lược các hình thức không cho biết liệu chúng ta sẽ viết koan, koanh, koang, koe, koen, vân vân thay cho quan, quanh, quang, que, quen, vân vân hay không. Nếu viết, thì chỉ tổ làm gia tăng con số những cách viết không chính xác: kể đã quá lắm rồi khi viết koa thay cho qua.

Ngoài ra, ở đây, tôi còn muốn cho thấy là cái hệ thống mới này còn kém hơn cả hệ thống cũ trong cách ghi các hình thức khác nhau của tiếng Annam. Chúng ta hiện nay có các hình thức quôc, và cuôc (cuốc, nước), hai hình thức này khác nhau, trong hình thức thứ hai nhạy cảm hơn, dài hơn, nhấn mạnh hơn của hình thức thứ nhất. Chỉ cần nghe người Annam nói. Hệ thống cũ sử dụng ở chỗ này và ở chỗ khác để viết hai hình thức ấy. Hệ thống mới chỉ có thể sử dụng một hình thức duy nhất là kuôk. Chủ tịch Tiểu ban cải cách việc phiên âm chữ quốc ngữ nói rằng khi thực hiện các cuộc cải cách này, người ta muốn quy tắc hóa và đơn giản hóa cách viết thông thường. Người ta quên rằng việc đơn giản hóa đôi khi cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn. Có lẽ người ta hy vọng rằng khi diễn tả quôc và cuôc theo cùng một cách, người ta sẽ khiến người dân đọc hai từ này theo cùng một cách. Như vậy thì đây sẽ là một sự thay đổi triệt để, nhưng trong một thời hạn lâu lắc làm sao. Một lần nữa, chúng ta có thể nói là các nhà cải cách bị đứng trước một khó khăn vốn cũng đã đặt ra cho những người sáng chế ra chữ Quốc ngữ cổ truyền. Nhưng người này đã giải quyết, trong khi người kia đã không nhận ra hay tưởng là đã có thể loại trừ được bằng cách gạt ra ngoài.

7. d, gi sẽ viết là j”, “d, gi, cả hai sẽ viết là j”

Cả hai câu này đều nằm trong biên bản các cuộc họp của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương. Xin độc giả cân nhắc các từ của hình thức thứ nhất: “d, gi sẽ viết là j”. Như vậy, hai chữ và gi có cùng một âm duy nhất, có cùng một phụ âm duy nhất, đó là điều được diễn tả qua việc động từ trong tiếng Pháp được chia ở số ít (s’écrira). Ông Nordemann đã giải thích như vậy. Người viết biên bản lần cuối đã nghĩ là phải thay đổi cách viết và dùng số nhiều (s’écriront). Ít ra đây có thể hiểu là một sự phản đối ngầm. Có thể người này muốn nói rằng và gi, mặc dù từ nay được viết bằng một chữ duy nhất, vẫn có hai âm, hai phụ âm khác biệt.

Người này đã nghĩ đúng. Và quả là một sai lầm trầm trọng khi lẫn lộn và gi.

Có lẽ không có vấn đề ngữ âm Annam nào lại đem đến nhiều vất vả cho các tác giả Annam hóa của các cuốn từ điển hay văn phạm hơn là vấn đề về chữ không có gạch ngang. Tất cả đều chú trọng vào phần mô tả và tìm cách diễn tả ít nhiều hoàn chỉnh, ít nhiều đầy đủ, cách thức mà phụ âm này được đọc theo các miền khác nhau. Nhưng chưa thấy ai tái lập lịch sử của chữ này, chưa ai nỗ lực, qua việc tìm hiểu một cách kiên nhẫn các hình thức, và lên tới tận gốc gác của nó, tới tận cội rễ xa xôi của nó. Không ai chịu lần theo các nhánh khác nhau trong các phương ngữ Annam một cách đầy đủ và khoa học. Không ai ấn định bản tính của nó một cách dứt khoát.

Đây là một việc đáng ra phải làm vì lợi ích và tiện dụng của nó. Dẫu sao, đây cũng phải là một công việc chuẩn bị mà đáng lẽ ra người ta đã phải làm vì cần thiết, trước khi đồng hóa với gi. Quả là đáng tiếc khi thấy người đề nghị và quyết định các cải cách có liên quan đến tương lai dài hay ngắn mà lại không chịu tìm hiểu một cách chín chắn các vấn đề người ta giải quyết một cách vui vẻ.

Tôi sẽ tìm cách ghi lại ở đây những nét chính của công việc này.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu chữ của Hán Việt.

Chữ của các hình thức Hán Việt khi thì biến mất hoàn toàn hay có lẽ lẫn vào trong âm nguyên âm của từ, trong một hay nhiều hình thức trong các hình Trung Hoa tương đồng. Điều này xảy ra khi của các hình thức Hán Việt có bán nguyên âm môi điếc hay kêu theo sau, (dudo) hay khi âm nguyên âm của hình thức Hán Việt là i, iê, u, ư. Tôi rất lấy làm tiếc là không thể kể ra ở đây các ví dụ khẳng định cho quy tắc này, hay các ví dụ khẳng định cho các quy tắc tiếp theo.

Trong rất nhiều từ khác, Hán Việt tương ứng trong các phương ngữ của Trung Hoa, với bán nguyên âm hay i. Điều này diễn ra với các từ Hán Việt với da, dang, dâm, dân, dât, dâu, dinh, do, vân vân.

Trong một số từ có hình thức dân, danh, diêuHán Việt tương ứng với hay trong các phương ngữ Trung Hoa.

Một cách đặc biệt, tương ứng với một âm ngạc (palatale) ch, sh, ch hay với một phụ âm răng tth, tsh –và một cách đặc biệt hơn nữa, với phụ âm đọc trong cổ họng k.

Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu về gi Hán Việt. Mỗi người đều biết đây là một phụ âm duy nhất, mặc dù được viết với hai ký tự.

Phụ âm này, trong các phương ngữ Trung Hoa, tương ứng với đa số lớn các trường hợp có phụ âm đọc trong họng mạnh. Một ví dụ duy nhất có thể cho thấy sự tương ứng này: nhà đọc thành gia trong tiếng Hán Việt, trong phương ngữ miền Bắc Trung Hoa là kia, trong tiếng Thượng Hải là kaGi Hán Việt do đó tương ứng với âm đọc trong cổ mạnh, thuần túy trong tiếng Thượng Hải, mềm và có khuynh hướng ngạc hóa trong phương ngữ phía Bắc, hoàn toàn là âm ngạc trong tiếng Hán Việt.

Trong một số rất ít luật trừ, gi tương ứng với h, vốn có thể đồng hóa với một âm họng, hay một âm ngạc ch (tch), hay bán nguyên âm y.

Từ sự chứng minh này, dù không đầy đủ, người ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng và gi của từ Hán Việt hoàn toàn khác về từ nguyên học, và vì lý do đó, chúng cần phải được viết bằng hai dấu khác nhau.

Chúng ta đừng vội từ bỏ hai phụ âm này trong tiếng Hán Việt, và xem xem chúng ra sao trong các hình thức có họ hàng về mặt từ nguyên học với các hình thức Hán Việt.

Gi Hán Việt trở lại, trong các hình thức Annam, với các âm đọc trong cổ cũ, mạnh hay êm dịu. Tốt nhất là đưa ra các ví dụ, dù rằng tôi không thể viết ra bằng chữ Hán.

Quả , tiếng Hán Việt là gia, tiếng Annam là .

Cải cay, Hán Việt (hv): giai, Annam (an.): cải

Travée, hv: gian, an.:can

Mắng, hv: gian, an.: can

Gả con gái, hv: gia, an.: gả

Góc, hv: giac, an.:góc.

Ghẻ, hv: giai, an.: ghẻ, vân vân.

Và chúng ta có phần đối nghịch với sự kiện này trong gi của tiếng annam tương ứng với Hán Việt chẳng hạn.

Dây, luật, hv: cang, an.: giườnggiềng, chiêng, Giầy: hv: hài, an.: giày, vân vân.

Hồi xưa, gi Hán Việt trở nên mạnh hơn bằng ch trong các hình thức Annam.

Che, hv: gia, an.: che, vân vân.

Hay gi của tiếng Annam tương ứng với ch hv: giấy, hv: chi, an.: giấy, vân vân.

Trường hợp của Dám: hv: Cảm, an.: Dám được giải thích bởi sự lẫn lộn giữa và gi mà tôi sẽ nói sau.

Giờ đây, chúng ta thử xem Hán Việt sẽ ra sao trong các hình thức Annam có họ hàng về mặt từ nguyên học.

Hoặc phụ âm này đơn thuần tương ứng với d, các hình thức Annam và Hán Việt có cùng phụ âm này. Không cần phải đưa ra các ví dụ – hoặc nó tương ứng với một âm răng, đ có gạch ngang, hay th. Ví dụ:

Hv: dung, thung, an.: thùng

Hv: du, an.: thua.

Hv: du, an.: thua (cuivre [đồng], tiếng Pháp)

Hv: du, an.: thừa

Hv: dược, an.: thuốc

Hv: gi, an.: để, vân vân.

Liên quan đến sự kiện này, chúng ta có thể xem không có gạch ngang của tiếng Annam đôi khi tương ứng với đ (có gạch ngang) của tiếng Hán Việt:

Hv: đao, an.: dao và đao

Hv: đai, an.: dây, vân vân.

Và cũng cần phải nhớ lại là có nhiều từ trong tiếng Hán Việt có hai hình thức, một với không có gạch ngang, một với th. Chẳng hạn, nói : hv: duyêt và thuyêt, tiếp tục: hv: duât và thuât.

Chúng ta có một bằng chứng mới cho thấy và gi trong tiếng Hán Việt nhất thiết phải là khác nhau, bởi vì chữ thứ hai tương ứng, trong các hình thức của tiếng Annam bình dân, với một âm đọc trong cổ và chữ thứ nhất, với một âm răng. Do đó, chúng không thể lẫn lộn và được diễn tả bằng một chữ duy nhất.

Và điều này cũng đúng ngay cả khi hai phụ âm đôi khi bị lẫn lộn, nghĩa là ngay cả khi có một số từ Hán Việt có hai hình thức, một với và một với gi. Điều này xảy ra chẳng hạn đối với: tất cả, Hv: dai và giai (hình thức đích thực, theo các phương ngữ Trung Hoa, là giai), cây cải cay, hv: giai và dai (hình thức đích thực là giai), quê kệc, hv: da và giai (hình thức đích thực là da).

Từ sự kiện một số chữ trong Hán Việt có một hình thức là và một hình thức là th (chẳng hạn: dung, thùng, tiếp tục: duât, thuât, vân vân) nên người ta phải lẫn lộn và th, và diễn tả hai phụ âm này bằng một dấu duy nhất chăng? Chẳng ai dám cho là như vậy. Đối với và gi của Hán Việt cũng vậy. Hai phụ âm này khác nhau về mặt từ nguyên học, bởi vì chúng tương ứng với các phụ âm khác nhau trong các phương ngữ Hán Việt và trong các hình thức Annam có họ hàng. Do đó, chúng phải được diễn tả bằng dấu khác nhau, mặc dù vài từ rất hiếm hoi chấp nhận một hình thức là và một hình thức là gi.

Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu, vẫn chỉ là trong những nét chính, và gi của tiếng Annam.

Chúng ta đã thấy là Hán Việt tương ứng, trong các hình thức Trung Hoa, với nhiều âm: khi thì với bán nguyên âm y, khi thì với m, lsh (s), ch, t, th, ts. Nói cách khác, phụ âm mà tôi sẽ gọi là Trung Hoa, đọc thành l, y, ts, ch, t, th, bỏ ngoài một số khác biệt tinh tế.

Chữ của tiếng Annam là một Protée [một nhân vật liên tục có các vai trò khác nhau, xuất hiện dưới các hình thức khác nhau. ND] đích thực, có hình thức chập chờn và khó nắm bắt.

Nhưng các tác giả đồng ý với nhau dành cho nó các hình thức sau đây, hoặc trong cách đọc, hoặc với tính chất tương đương, khi một từ có nhiều hình thức phương ngữ: r, y, dz, dj, di, d, t, th (hãy so sánh Chéon, Cours, tr. 35, Cadière, Phonétique Annamite, tr. 67). Nghĩa là chúng ta bắt gặp, đối với của tiếng Annam, cũng một loạt các hình thức, hay gần như vậy, như đối với của Hán Việt hay Trung Hoa.

tương ứng với r, đọc là r, đổi thành r, liệu chúng ta có thể nói người ta đã bỏ ngoài vấn đề về ưu tiên của hình thức. Điều này được tất cả các tác giả đưa ra. Chúng ta có thể tham khảo, đặc biệt Dictionnarium của giám mục Theurel và Dictionnaire của Linh mục Génibrel có chỉ ra các từ bằng có hình thức là r. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở Bắc Kỳ và một ít ở phía bắc Trung Kỳ. Cách đọc này tương đương với các trường hợp trong đó Hán Việt tương ứng với trong các phương ngữ Trung Hoa.

Thứ nữa là cách đọc d: tất cả các tác giả đều đề cập tới y. Hiện tượng này cũng diễn ra trong các phương ngữ Trung Hoa đối với Hán Việt.

Ngoài ra chúng ta còn có một cách đọc là dz vốn chấp nhận nhiều khác biệt tinh tế mà người ta có thể diễn tả bằng dz, dj, di. Theo tôi, cách đọc này diễn tả tính chất đích thực của phụ âm. Nó tương ứng với các trường hợp trong đó Hán Việt tương ứng với một âm răng xuýt (dentale sifflante) ts, hay với một âm ngạc ch, trong các phương ngữ Trung Hoa.

Cuối cùng, chúng ta còn có ưu thế của yếu tố răng của phụ âm, và chúng ta có, đối với một số từ, bên cạnh hình thức với d, một hình thức với đ (có gạch ngang) hay với th.

Nhờ vậy, chúng ta có dao và daodô danh và thô dèng, dụ, dỗ dành. Các trường hợp này thích ứng với các trường hợp trong đó Hán Việt có tương đương trong các phương ngữ Trung Hoa là các âm răng hay th.

Như vậy, chúng ta thấy có một sự song song gần như hoàn hảo trong sự phát triển, trong các biến đổi của phụ âm trong tiếng Hán Việt và trong tiếng Annam. Điều này đã có thể cho phép chúng ta kết luận là của tiếng Annam khác với gi của tiếng Annam, cũng như Hán Việt khác với gi Hán Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thử xem gi của tiếng Annam có theo một diễn tiến giống hệt với diễn tiến của hay không. Bước đi của gi hoàn toàn khác, d, bởi một lộ trình ba, chỗ này dẫn đến phụ âm lỏng r, chỗ nọ tới bán nguyên âm y, chỗ khác với các âm răng thuần túy; ngược lại, gi phát triển bình thường trong nhóm các âm ngạc và trở thành ch hay tr (so sánh Chéon, trg. 36, Cadière, trg. 59).

Như vậy chúng ta có hai phụ âm phát triển theo các định luật riêng, biến hóa một cách khác nhau, ngang qua những hình thức khác nhau để tới những điểm trái nghịch nhau, nói tóm lại, hai phụ âm khác nhau phải được diễn tả bằng hai ký tự khác nhau.

Điều này không ngăn cản hai phụ âm ấy, trong tiến trình của chúng, có những điểm gặp gỡ. Chúng ta đã thấy là giữa và gi Hán Việt có một số từ, khá hiếm, chấp nhận một hình thức với và một hình thức với gi.

Hiện tượng tương tự cũng diễn ra với tiếng Annam, nhưng thường xuyên hơn. trong tiếng Annam, trong vô số các biến chuyển khác nhau của nó, đã đi tới hình thức hay dz, dj, tiến gần tới âm di. Từ đó dẫn đến nhiều sự lẫn lộn. Ở Bắc Kỳ, ở Trung và Nam Kỳ, tại một số miền và gi được đọc theo cùng một kiểu. Điều này có nghĩa gì? và gi giống nhau à? Không phải vậy. Chỉ có nghĩa là từ này hay từ nọ, thậm chí tính khái quát của các từ, có hai hình thức, một với d, được dùng tại miền này miền nọ, một hình thức với gi, được sử dụng trong các miền khác. Bởi vì từ có nghĩa là mái nhà để nước lọt vào được gọi là dột tại đa số nơi, và trong một số miền, có hình thức thôi, liệu chúng ta sẽ diễn tả và th bởi cùng một ký tự? Chúng ta cũng không nên lẫn lộn và gi dưới cùng một chữ.

và gi là hai phụ âm vốn phát triển theo đường riêng của chúng; d, trong đường đi khúc khuỷu của mình, nghĩa là qua nhiều hình thức, vào một số lúc, tiến gần tới hướng đi bình thường của gi và lẫn lộn trong cách đọc với phụ âm này. Lẫn lộn khác với sự đồng nhất. Có hai hình thức thì chúng ta diễn tả hai hình thức. Hãy làm như những người đã đi trước chúng ta. Từ điển Dictionnarium của Giám mục Theurel lưu ý đặc biệt các từ với vốn có hình thức với gi tại Bắc Kỳ, và các từ có hình thức với r.

Từ điển của Linh mục Génibrel lưu ý các từ có hình thức với và hình thức với gi, hình thức với và hình thức với r, hình thức với và hình thức với nh, với gi và với nh; người ta cũng lưu ý các từ vốn có hình thức với thanh nặng và thanh sắc, thanh hỏi và thanh ngã, thanh không và thanh huyền xuống. Tôi gọi đó là một cách làm logic, hợp lý, khoa học, rõ ràng và mềm dẻo. Nếu người ta muốn thay đổi chữ quốc ngữ cổ truyền, tôi thậm chí có thể nói, nếu muốn hoàn chỉnh nó, hãy dùng để diễn tả d, j để diễn tả gi. Các lời chỉ trích sẽ ít hơn và những người chỉ trích sẽ có ít lý do hơn. Nhưng làm như ông Nordemann đề nghị trước kia, và tiếc thay như người ta đã quyết định trong thời gian gần đây, là diễn tả và gi (thậm chí cả r!) bởi cũng một ký tự, sẽ là một cách làm mò mẫm, trái với tất cả các nguyên tắc khoa học, bởi vì trái nghịch với thực tại, là sự nhầm lẫn được hệ thống hóa, tất cả những ai học tiếng Annam theo hệ thống sẽ không tài nào có được một kiến thức chính xác về tiếng Annam, tôi không nói chỉ có một trí thức hợp lý và khoa học, mà một sự hiểu biết thực tiễn, theo cách có thể làm cho người ta hiểu được. Diễn tả và gi bởi một ký tự duy nhất là xóa bỏ chỉ bằng một nét bút công việc phân tích kiên nhẫn và tinh tế những người sáng chế ra chữ quốc ngữ đã theo đuổi trong thời gian dài để tách bạch các từ vốn lấy lại hai phụ âm này; là đưa vào trong việc Latinh hóa tiếng Annam cái khó khăn chính yếu đã làm cản trở việc Latinh hóa tiếng Hán Việt và các phương ngữ Trung Hoa, tức một số lớn các từ được xếp trong cùng một cách viết; cuối cùng, về phương diện sư phạm, là cho người trẻ Annam những khái niệm sai lầm về chính ngôn ngữ của họ và tạo ra sự lẫn lộn trong ý tưởng của họ.

8. “x sẽ được viết thành ç

Đây là một cải cách sẽ làm hài lòng nhiều người Pháp đang học tếng Annam. Nhưng nếu trong thực tế diễn tả một phụ âm bật hơi, như ông Aymonnier nghĩ, Nos transcriptions, trg. 26, thì liệu cách viết mới, tiện dụng hơn đối với người Pháp, sẽ chính xác hơn? Thêm một vấn đề mà người ta đã quên làm sáng tỏ trước khi có một quyết định. Một cách viết tiện dụng hơn à? Có thật vậy không? Học viên khi đọc thấy chữ sẽ được cảnh báo là anh ta đang đứng trước ký tự của một âm khác thường. Anh ta sẽ cố gắng để nắm bắt được âm này. Từ nay, người Pháp khi nhìn thấy ç sẽ nghĩ rằng phụ âm Annam được diễn tả bằng ký tự này, sẽ được đọc như ç trong tiếng Pháp và anh ta sẽ đọc như vậy và thế là anh ta đọc sai, và có lẽ sẽ không nghĩ tới việc sửa cách đọc của mình. Cách viết mới này liệu có tiện lợi hơn không?

Dẫu sao thì chúng ta cũng phải xem là may mắn vì người ta đã không lẫn lộn đến độ diễn tả hai âm và hiện nay bằng một ký tự duy nhất. Một số người muốn điều này. Đó là một sai lầm thô thiển nữa.

9. “h sẽ không còn khi đứng sau hay ng (âm họng kêu hay âm mũi… họng) trước hay e”. Tôi nghĩ phải thêm ê

Và nếu âm họng kêu của tiếng Annam lại là âm xuýt, như một số tác giả chủ trương, thì thay vì bỏ trong ghi, ghê, ghe, sẽ chẳng hay hơn nếu dùng cả trong ga, go, gu, gô? Một công trình nghiên cứu trước hẳn là đã đem lại một chút ánh sáng cho các thành viên của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương.

Dẫu sao, cách viết ge, gi, gê, ge, về phương diện thực tiễn, xem ra cũng chẳng được học viên người Pháp ưa chuộng mấy.

10. “Quy tắc đặt dấu trên hoặc dưới nguyên âm trội nhất cần phải được tuân thủ một cách nghiêm nhặt”

Cần phải nhắc nhở quy tắc này cho các tác giả, nhất là nhà in. Nhưng người ta lại quên mất không định rõ, trong các nhóm khác nhau, đâu là nguyên âm trội nhất. Các tác giả không thống nhất ý kiến về một số điểm. Phải chăng người ta muốn để các tác giả và nhà in tự giải quyết lấy vấn đề?

Chúng ta kết thúc phần phê bình các cải cách mới được chấp nhận. Khi phê phán các đề nghị, tôi đã dựa trên các tác giả có uy tín trong vấn đề và trên chính các sự kiện, và tôi nghĩ là mình đã không đi chệch khỏi các nguyên tắc của một phương pháp khoa học nghiêm nhặt. Giờ đây chúng ta có thể thấy rằng nhận xét của tôi ở đầu bản tìm hiểu này chẳng có gì là phóng đại. Cuộc cải cách vừa được công bố là một cuộc cải cách đẻ thiếu tháng, giải quyết trước khi có những nghiên cứu đầy đủ về những vấn đề khó khăn và tế nhị nhất mà thường người ta không nghĩ đến; tóm lại đây là một cuộc cải cách chưa đầy đủ và chưa trọn vẹn, đưa vào cách viết tiếng Annam những điều dị thường không có lý do; đây là một cuộc cải cách dựa trên một sự hiểu biết hời hợt và vụn vặt về tiếng Annam, nên đã dẫn tới sự lẫn lộn trong ngôn ngữ và thừa nhận những lý thuyết sai lầm.

Tôi kính trọng tất cả những ai đã bỏ ra nhiều nỗ lực để học tiếng Annam và tất cả những ai đã giúp người khác trong việc này. Tôi hết lòng mong ước tất cả các đồng hương của tôi có thể nói và hiểu được tiếng Annam. Nếu được như vậy, nhiều khuyết điểm làm vẩn đục việc điều hành của chúng ta sẽ được loại bỏ, và công trình đồng hóa, nâng cao người bản xứ đã có thể tiến được một bước lớn. Nhưng tôi không thể chấp nhận việc người ta không chịu đào sâu vô số vấn đề về ngôn ngữ mà thực hiện cải cách một cách thiếu suy nghĩ. Chữ Quốc ngữ là công trình của những thế hệ con người thông minh và khôn khéo, vốn muốn ghi lại một cách chính xác nhất có thể các âm chập chờn và nhiều vô kể của tiếng Annam và đồng thời thực hiện công trình thực tiễn, nghĩa là giúp người ngoại quốc học tiếng một cách dễ dàng. Công trình chưa hoàn hảo, mọi người đều có thể nhận ra. Nhưng chúng ta có thể hoàn chỉnh nó, chúng ta có thể làm nó thích nghi tốt hơn với nhu cầu hiện tại.

Nhưng các cải cách mà người ta sẽ chấp nhận phải là một bước tiến bộ chứ không phải thụt lùi, chúng phải là kết quả của một nghiên cứu sâu sắc, có thể thỏa mãn các phê phán chính đáng được nêu lên, để ý tới những kết quả đã đạt được.

Nếu những người làm việc khiêm tốn đã kiên trì triển khai chữ quốc ngữ trở lại trên thế gian này, họ hẳn là sẽ nhìn trang cuối cùng của biên bản các phiên họp của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương với một chút mỉa mai. Công trình của các nhà cải cách hiện đại trả thù họ bằng những chỉ trích vô căn cứ đối với các hệ thống của họ, bằng sự coi thường các nỗ lực của họ: ây trở thành êiqua sẽ viết là koavà gi sẽ được diễn tả bằng một ký tự duy nhất. Và người ta gọi đó là một cải cách! Người ta hý hửng là đã điều chỉnh và đơn giản hóa hệ thống cổ truyền!

Đó là những kiến thức hời hợt và vụn vặt về tiếng Annam, như tôi đã nói trên đây. Trong các vấn đề này, nhiều người phán quyết theo bề mặt. Họ tin ở cái tai nhiều khi không được tập luyện, của họ. Họ không đi tới cùng sự việc. Họ quên rằng trước họ nhiều người khác cũng có tai, nhiều người khác trước họ cũng biết nghe, biết suy nghĩ, biết so sánh, thậm chí có thể nói, đã có thể so sánh, điều mà nhiều người ngày nay không làm, không nghĩ là phải làm. Để có quyền giải quyết một số khó khăn, để có thể đưa là một ý kiến về các vấn đề được tranh cãi, cần phải biết ngôn ngữ trong tổng thể của nó, nghiên cứu nó một cách sâu sắc. Các âm cũng như các từ có sự sống của chúng. Gốc rễ của chúng lên tới tận những thời xa xưa nhất, và qua các nhánh của chúng, chúng sẽ tồn tại trong các thế kỷ sẽ tới. Chúng trở nên đa dạng, chúng trộn lẫn với nhau, lồng vào nhau mà vẫn có những khía cạnh khác biệt. Chúng ra đời, sự ra đời vốn chỉ là một biến đổi, chúng phát triển, trở nên cường tráng hay suy yếu, chết đi, cái chết của chúng là một biến đổi mới. Chính sự hiểu biết này về ngôn ngữ là cái người ta cần có khi lãnh trách nhiệm làm một cuộc cải cách liên quan đến tương lai. Và nếu một mình ai đó không có trọn vẹn sự hiểu biết này, y có bổn phận của quyền uy cầu cứu mọi ánh sáng.

Một số người khác đã học tiếng Annam với một thầy dạy hay tại một miền nhất định. Họ tin rằng người thầy ấy, những người ở miền ấy có độc quyền đọc đúng, có ngôn ngữ chính xác, đại diện cho ngôn ngữ, cô đọng trong cách nói của họ toàn bộ các hình thức, các từ, các cách diễn tả của ngôn ngữ Annam. Có bao nhiêu là từ được sử dụng tại Bắc Kỳ nhưng lại không được biết tới ở Trung hay ở Nam Kỳ, hay có một ý nghĩa khác, một cách dùng khác tại các miền này, và ngược lại! Chúng ta sẽ nói sao về một tác giả muốn làm một từ điển tiếng Annam nhưng chỉ đưa những từ và những cách nói được sử dụng ở Hà Nội hay vùng lân cận? Công trình của y chỉ có tính cách rời rạc.

Cũng vậy, một số lớn các hình thức được đặt về lại trong vùng này, vùng nọ, lớn nhỏ khác nhau. Chúng có một tầm quan trọng thiết yếu để định rõ các yếu tố về từ nguyên học của tiếng Annam, cho việc học tiếng trong tổng thể của nó. Không đếm xỉa tới chúng với lý do là chúng đã bị đọc sai, không thuộc thứ ngôn ngữ tinh ròng, nghĩa là, trong phần đọc, trong ngôn ngữ của miền, nơi người ta đã học tiếng Annam, là liều lĩnh mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Một công trình đặt nền tảng trên những nguyên tắc ấy sẽ luôn thiếu sót, nhiều khi sai lầm, dù có chứng tỏ được nhiệt tình, tài ba của mình đến đâu, vả lại, bởi vì công trình thiếu nền tảng, bởi vì nó không được bắt đầu và triển khai một cách khoa học. Từ đó, nó sẽ không có tính thực tiễn, hữu ích.

Đó là những khuyết điểm trầm trọng mà tôi chê trách về cuộc cải cách vừa được thông qua này.

P. Cadière

B. Bài viết của Lucien Bauno

Đăng trên Avenir du Tonkin số ra ngày 4. 1. 1907

Tôi đã ba lần trao đổi về quốc ngữ với các độc giả của Avenir quan tâm đến các vấn đề thuộc ngôn ngữ học. Là một người học tiếng Annam không vụ lợi, tôi chỉ có thể nói phớt qua về vấn đề, không dám đi sâu như ông Cadière đã làm trong năm bài báo được đăng mới đây, ngay trên tờ báo này, và hẳn là đọc giả người Annam đã đọc một cách thích thú thực sự. Tôi rất vui khi nhận thấy, về đa số các điểm tranh cãi, tôi đã thấy mình đúng khi ủng hộ truyền thống chống lại các nhà canh tân.

Theo các ông Chéon và Cadière, â diễn tả một âm vòm mềm vốn không thể được diễn tả bằng ê; lẫn lộn trong một phụ âm duy nhất hai âm dz và là một sai lầm, dz vốn là một âm răng chứ không phải một âm ngạc; còn viết koa thay cho qua là một kiểu dùng từ phản quy tắc: đó là điều tôi không ngừng nói đi nói lại.

Mặt khác, người ta không thể đưa ra một phản bác có tính khoa học chống lại việc thay thế bằng dz, k bằng cbằng gbằng không có gạch ngang.

Tuy nhiên, có hai điểm mà tôi không thể nào đồng ý với các kết luận của Hội đồng Cải cách Học chính địa phương cũng như của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Đây là một ý kiến hoàn toàn có tính cá nhân tôi muốn trình bày và hẳn là xuất phát từ môi trường Bắc Kỳ, nơi tôi đuợc bố trí, cũng như ý kiến của ông Cadière chịu ảnh hưởng của các phương ngữ Nam Kỳ. Quả là ngạo mạn khi một mình đi ngược lại các kết luận của những vị quá ư là uyên bác, nhưng vì tôi có truyền thống của tôi, nên tôi cũng sẽ lên tiếng.

Đó là vấn đề về và về q.

Trước hết là tại sao lại cứ khăng khăng dành cho giá trị của một bán nguyên âm i? Chắc chắn không phải vì mục đích để Pháp hóa. trong tiếng Pháp không có một bán nguyên âm nào ngoài nó. Ví dụ: tien, lieu. (So sánh với các từ Annam liêng, tiêng, được đề nghị viết thành lyêng, tyêng)! Ngược lại ở đây không hề là nguyên âm duy nhất: ở đây, nó chỉ chấp nhận ba âm: âm của phụ âm ở đầu các từ yatagan; âm nguyên âm ở giữa: Babylone; – âm kép ở giữa các từ sau một nguyên âm: pays, và chúng ta nên để ý là chính cái giá trị sau cùng này mới là giá trị, duy nhất, đã được Hội đồng xét lại việc viết tiếng Pháp chấp nhận. Nhưng như vậy, người ta đã nói gì với chúng ta về bán nguyên âm của i? Tại sao không tạo ra những bán nguyên âm trong lia, kia, trong đó âm của nguyên âm này được làm dịu đi rất nhiều đến độ với các từ này không hợp vần với la và ka, mà là với li và ki? Tại sao không phải là một bán nguyên âm ê trong lêu?- trong hoa?- trong luân?- (Pháp) trong thua?

Chắc chắn là các nhà cải cách của chúng ta đã đi sai đường khi muốn phân biệt qua cách viết hai nguyên âm có hai âm giống hệt nhau, nhưng có trường độ khác nhau. Các nhà sáng chế ra chữ quốc ngữ cổ truyền có thể đã có lý hơn khi chấp nhận hai chữ cho hai âm khác nhau? cho âm điếc và cho âm sắc hay hai không phân biệt dài hoặc ngắn.

Chúng ta hãy lấy, chẳng hạn, các nguyên âm đôi ai, ui, ay và uy. Chúng ta phân biệt rõ ràng hai điếc và cao, chứ không phải các âm giống nhau, như người ta nói với chúng ta. Thử lấy các từ tương đương trong tiếng Pháp: ail, ébloui, aie và oui, các bạn có thấy sự khác biệt không? Liệu có thể nói trong ai đọc như trong ui và trong ay như trong uy? Không. Bạn hãy đọc bốn nguyên âm đôi trên đây bằng cách đánh dấu ngã lên trên, khi tách ra, bạn sẽ có hai ngữ điệu được tạo nên bởi dấu ngã này, đối với ai là à-ái, đối với ui là ù-i, đối với ay là à-i hay ai-i, đối với uy là ùy- i. Dầu vậy, chắc chắn âm là âm điếc trong hai trường hợp đầu và đôi hay cao trong hai trường hợp cuối, đó là điều các nhà sáng chế ra chữ Quốc ngữ đã hiểu khi sử dụng hai dấu ghi, và sẽ là vu oan cho họ khi gán cho họ ý định, vì lý do điều chỉnh âm của nguyên âm đi trước, thay đổi nguyên âm đi sau. Thật ra trong các nhóm ai và ui, ay và uy không chỉ các nguyên âm đầu mà cả các nguyên âm cuối cũng khác nhau. Chỗ kia là và dài với điếc, chỗ này là và bán nguyên âm với cao hay kép. Liệu người ta có thể đặt trên và gắn chùm với dấu của âm ngắn, dĩ nhiên rồi, nhưng có cần thiết không? Quy tắc về vị trí không đủ sao? Theo ý tôi, người ta đã lầm khi muốn tạo ra sự khác biệt về cách viết mỗi âm và mỗi sắc thái. Người ta sẽ đi tới chỗ làm ra một thứ chữ quốc ngữ phức tạp đến độ chẳng tài nào viết hoặc lần ra được. Nếu luôn luôn ngắn trước u, ch, nh vv., thì việc gì phải đánh cho nó cái dấu ngắn? Nếu luôn luôn ngắn trước a, c, p, t, tại sao lại phải đánh dấu cho nó? Đối với các chữ khác cũng vậy. Chữ quốc ngữ đã có quá nhiều dấu, nhiều chấm và nhiều dấu hiệu!

Vậy để tóm tắt điểm thứ nhất này, việc thay thế bằng và bằng i, như Trường Viễn Đông Bác cổ mong muốn thật chẳng hiển nhiên chút nào và trong mọi trường hợp, chẳng khoa học hay mang tính cách Pháp hơn, hay thay ở cuối bằng với dấu mũ như Hội đồng Cải cách Học chính địa phương đã quyết định.

Giờ đây chúng ta hãy bàn về các vấn nạn làm động cơ cho việc loại bỏ chữ q. Người ta buộc tội những người sáng chế chữ quốc ngữ cổ truyền là đã “thiếu logic” khi chấp nhận hai chữ và để diễn tả một phụ âm ngạc duy nhất. Chúng ta có thể lưu ý là cũng lời trách cứ này, nếu có cơ sở, cũng áp dụng cho tiếng Pháp. Nhưng thực ra, và đã chẳng khác nhau về cách đọc hay sao? Cùng với các nhà ngữ pháp học gần đây nhất, tôi không ngần ngại trả lời là có. diễn tả âm ngạc nổ đọc trong họng, là âm vòm mềm. Ở đây có một sắc thái không thể phủ nhận. Chữ Quốc ngữ cổ điển nhìn nhận sắc thái này trong cách viết của nó; nhưng thứ kuốk ngữ cải cách đã lẫn lộn. Khoa học đứng về phía nào?

Mặt khác, việc duy trì chữ là cách thức duy nhất, vừa thực tiễn, vừa khoa học để diễn tả một loạt âm qua, quan vân vân. Chúng ta chấp nhận cách viết koa, nhưng đây là một cách dùng phản quy tắc. Quý vị trách chữ quốc ngữ, – nhưng là trách sai như chúng ta đã thấy- về việc sử dụng hai dấu cho cùng một âm, và quý vị tìm cách thay thế bằng hai cách viết cho một từ duy nhất! Qua sẽ viết là koa hay kua tùy theo dấu! Nhưng một người Annam không bao giờ chấp nhận một sự bất thường như vậy! Đây là câu chuyện về cái xà và cọng rơm!

Cùng với Trường Viễn Đông Bác cổ, chúng ta sẽ viết kwa thay cho qua! Chẳng hơn gì, và vì hai lý do: thứ nhất và là và phải là khác nhau, thứ hai, không diễn tả đúng âm trong qua, âm vòm mềm và khác với âm của trong kua gần giống ou trong các từ tiếng Pháp cou và gout (trên có dấu mũ). Cả ở đây nữa, người ta thấy dấu hiệu về sự bận tâm của các nhà Đông phương học thông thái muốn phân biệt về cách viết bán nguyên âm trong qua và nguyên âm trong kua. Nhưng sự khác biệt tinh tế này đã chẳng được quy tắc về vị trí diễn tả một cách đầy đủ và khá khoa học rồi sao? âm môi kêu đáp ứng cho kđiếc hay vòm mềm đáp ứng cho q.

Hơn nữa, quý vị không thấy rằng, với lý do loại bỏ một điểm dị thường, quý vị lại chấp nhận một điểm dị thường khác đó sao? Quý vị không muốn có hai chữ để diễn tả một âm ngạc, nhưng quý vị lại chấp nhận tới hai, và cho một âm duy nhất! Quý vị đừng nói với tôi rằng một là nguyên âm và một là bán nguyên âm. Tôi xin trả lời quý vị trước hết là không có nguyên âm nào của bảng chữ cái lại có dấu phân biệt để diễn tả bán nguyên âm của mình, và chẳng có lý do gì để vi phạm quy tắc này vì chữ cả, – và quý vị lấy quyền gì để lẫn lộn hai chữ được các nhà ngữ pháp học xem như thực sự khác nhau?

Bởi vậy, tôi thấy mình có quyền để kết luận rằng các kết hợp mà các nhà cải cách đưa ra để thay thế và là không thế chấp nhận được về mặt khoa học. Đây không phải là một bước tiến, mà là một bước lùi thì có.

Nếu người ta cứ bám vào các thay đổi tôi kể trên đây khi bắt đầu, tức trong tiếng Pháp thay vì có gạch ngang, thay vì không có gạch ngang, thay vì gthay vì c, những thay đổi được mọi người chấp nhận, thì một đại diện người bản xứ sẽ chẳng lên tiếng giữa Hội đồng Bảo hộ, những lời phản đối, như chúng ta biết. Những người được bảo hộ của chúng ta là những người bảo thủ do tính khí: họ không quen, như chúng ta, thay đổi các chương trình cũng như các bộ. Với họ, tôi nghĩ rằng hiện nay, không thích hợp để thực hiện các cải cách được mọi người chấp thuận, và đó là những cải cách người ta vừa đọc trên đây. Còn về những cải cách chưa có được sự thống nhất ý kiến, vì trong các “phe” khác nhau, người ta thấy đều có những người am tường ở trình độ ngang nhau, và mặt khác, sự việc không có gì cấp bách, chúng ta nên gác lại sau này và duy trì cách viết cổ điển vào lúc này.

Khi có sự thỏa thuận, chúng ta sẽ tính.

Lucien Bauno

5. Hội đồng Cải cách Học chính Nam Kỳ Khóa họp năm 1906

Trích biên bản phân tích phiên họp ngày 23.11.1906

Việc cải cách chữ quốc ngữ đã được đưa ra tìm hiểu. Hội đồng Cải cách Học chính Đông Dương, để Pháp hóa, hợp thức hóa, đơn giản hóa chữ quốc ngữ, trong phiên họp ngày 20. 4, đã đưa ra một số điều chỉnh nhỏ để Hội đồng Cải cách Học chính địa phương xem xét.

Ông Boscq không nghĩ rằng Hội đồng, được thông báo một cách quá muộn và không có tài liệu, có thể có được một cuộc thảo luận quan trọng như vậy, ngoài ra, ông còn cho rằng quả là thiếu khôn ngoan khi muốn ấn định trên Nam Kỳ một cuộc cải cách được thực hiện tại Bắc Kỳ.

Ông Cương đồng ý với ý kiến này và muốn duy trì chữ quốc ngữ hiện tại.

Ông Assan-Achou nói “Trước khi bàn luận vào các chi tiết của vấn đề, tôi yêu cầu trước tiên Hội đồng nên đưa ra ý kiến về dự án này: Nam Kỳ có nhu cầu tiến hành một cuộc cải cách chính tả cho chữ quốc ngữ không? Từ ba mươi năm nay, cách viết này đã thịnh hành tại Nam Kỳ và cả một hệ thống tài liệu đã được ấn định dưới hình thức này. Việc áp dụng biện pháp được đề nghị hẳn sẽ dẫn đến một sự xáo trộn lớn trong thói quen tri thức của tất cả những người -mà con số không phải là nhỏ- đã quen với cách viết này.

“Đối với Bắc Kỳ, vốn đang ở vào thời kỳ đầu, khi chưa có một cuốn sách nào được viết ra, chúng tôi hiểu rất rõ là người ta muốn hoàn chỉnh tối đa dụng cụ trước khi đưa nó ra sử dụng, và người bản xứ không mấy quan tâm tới việc bảng chữ cái được hình thành bằng cách này hay bằng cách nọ.

“Ở đây, tôi e rằng nếu đưa ra hỏi ý kiến của người bản xứ, họ sẽ chống lại mọi điều chỉnh không phải vì họ bảo thủ, cũng không phải vì họ nghĩ rằng chữ quốc ngữ không còn có thể cải tiến thêm, mà vì họ đã sử dụng chữ quốc ngữ cho đến hiện tại mà không thấy vướng mắc, họ không hiểu tại sao người ta lại gây rối cho họ trong thói quen của họ, trong khi các thể chế hành chính của chúng ta đã làm họ lúng túng không ít. Chỉ nay mai thôi, họ sẽ không còn có thể đọc sách, thư luân lưu, đọc trát, các từ chẳng còn hình dạng quen thuộc. Họ chẳng còn có thể nhận ra chúng”.

Ông Chủ tịch “Chúng ta có thể nghĩ rằng chữ quốc ngữ hiện nay khó hiểu? Tất cả những ai đã bắt đầu việc nghiên cứu này đều sẽ nói với chúng ta rằng họ rất thích hợp với cách viết này và chỉ vài ngày học là đã đủ cho họ…

Tôi hiểu rằng chữ quốc ngữ có khả năng biến đổi như tất cả các chữ viết khác, nhưng tôi mong muốn rằng sự điều chỉnh sẽ diễn ra qua sử dụng trước khi trở thành bắt buộc: việc sử dụng là người thầy duy nhất trong lĩnh vực này”.

Ông Assan-Achou “Vả lại, các sự điều chỉnh được đưa ra có cho thấy sự cần thiết cấp bách và tính cách hiển nhiên rõ ràng khiến mọi người đều có thể chấp nhận ngay? Tôi xin nhắc lại, và ở đây tôi dựa vào chứng từ của ông Chủ tịch Thượng Hội đồng Cải cách, rằng các sự điều chỉnh này chỉ được chấp thuận tại Bắc Kỳ sau một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải sau hai hay ba buổi họp mới có được một đa số ủng hộ. Những điều chỉnh vốn được xây dựng trên những nền tảng không mấy chắc chắn, lấy những xác tín không mấy vững vàng để làm điểm tựa, cần phải được xem xét và đón nhận với một sự thận trọng tối đa.

Là những đại biểu của Nam Kỳ tại hội nghị loại này về nền Học chính địa phương, chúng ta tránh không đứng về một phía nào trong cuộc tranh luận. Một mặt, tôi không thể đi ngược lại các nguyên tắc thuộc ngữ văn học do các bậc thầy trong ngành đưa ra, mặt khác, tôi cũng thấy trước sự xáo trộn tiếp theo sau việc tôn phong chữ quốc ngữ khi muốn đưa nó vào hàng ngũ các ngôn ngữ khoa học. Tôi thấy việc chữ quốc ngữ, nhờ sự biến chuyển của nó, có thể được đọc bởi một nhà ngữ văn học thậm chí không biết tiếng Annam là thích hợp, nhưng tôi cũng nghĩ tới các địa bộ, sổ hộ tịch, giấy chứng nhận quyền sở hữu viết bằng chữ quốc ngữ hiện nay, qua đó chứng thực một sở hữu nhà nước đáng được trân trọng.

Do đó, thưa quý vị, với một chút dè dặt, chúng ta xin dành lại cho Bắc Kỳ, nhưng chính quý vị cũng phải đưa ra ý kiến về điểm này:

Tại Nam Kỳ, chúng ta có nhu cầu tiến hành một cuộc cải cách chữ quốc ngữ không? Một cuộc cải cách chữ quốc ngữ có cần thiết hay có ích lợi tại Nam Kỳ hay không?

Ông Cương: “Các thừa sai người Pháp và Bồ Đào Nha tại Annam thế kỷ XVI đã tìm cách Latin hóa cách viết của xứ này vì nhu cầu của việc thi hành chức vụ linh mục của họ. Họ đã nhờ, một cách hoàn toàn tự nhiên, sự giúp đỡ của các linh mục bản xứ mà chính họ đã đào tạo. Những người này xuất thân từ tỉnh Nghệ An. Vùng công giáo đầu tiên được thiết lập là vùng Cái Đoài trong tỉnh này. Quốc ngữ tiên khởi, thuần túy nhất, được sử dụng một cách giới hạn tại các họ đạo và chỉ phát triển thực sự tại Nam Kỳ từ ngày Pháp chiếm Nam Kỳ. Sau năm mươi năm hiện hữu, nó đã trở thành chữ quốc ngữ của chúng ta chứ không còn là một cách phiên âm, và với danh nghĩa này, tôi xin Hội đồng bỏ phiếu giữ nguyên tình trạng statu-quo, thuần túy và đơn giản vậy thôi.”

Ông Foucher hỏi ông Cương là ông này có tìm hiểu một điểm điều chỉnh nhỏ nào đó do Hội đồng triển khai trước khi yêu cầu bác dự án hay không.

Ông Cương xem xét đến sự điều chỉnh đầu tiên có nội dung thay ây bằng éi.

“Nơi các dân tộc châu Âu, ông nói, có một bảng chữ cái chung, nhưng các dấu của bảng chữ cái này không có cùng giá trị nơi tất cả các nước. của người Anh có ba âm khác nhau, â của chúng ta có một giá trị ước lệ do quá trình sử dụng đáp ứng tất cả các nhu cầu của chúng ta và tôi nghĩ là chẳng cần phải thay thế bằng một giá trị ước lệ khác. Tôi xin nói thêm là các điều chỉnh mà Hội đồng thông qua thật ra không có mục đích nào khác là phiên âm các khiếm khuyết trong cách đọc của người Bắc Kỳ, vốn như những người bản xứ ở Chợ Lớn, trong ngôn ngữ của họ, đã tìm cách bắt chước người Hoa mà họ có dịp tiếp xúc trong buôn bán hàng ngày và làm sao để người Hoa hiểu họ nói gì là điều chỉ có lợi cho họ.

“Chẳng hạn, ch đã thay thế tr của tiếng Annam và Trăm được đọc là Châm trong tiếng Annam – Trung Hoa.

Nếu chúng ta đồng ý là ngôn ngữ tòa giảng và sân khấu là ngôn ngữ trong sáng nhất của một dân tộc thì chúng tôi, những người Annam, chúng tôi yêu cầu dành cho chữ quốc ngữ cái vinh dự này và khẳng định rằng ngôn ngữ Nam Kỳ là ngôn ngữ cổ điển của triều đình Annam, của sân khấu và với danh nghĩa đó, không nên có những điều chỉnh để trở nên phù hợp với ngôn ngữ Bắc Kỳ”.

Nguyên tắc của cải cách chữ quốc ngữ đã được đặt ra. Một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa các ông Cappe, Assan-Achou và Maspero vốn chấp nhận và các ông Bocsq và Cương bác bỏ vì sợ rằng việc cải cách sẽ đem lại những nghi ngờ, do dự trong việc làm giấy tờ và do đó dẫn đến các vụ kiện tụng.

Ông Maspero “Quả là đáng tiếc khi loại bỏ nguyên tắc về tính có thể được hoàn thiện hóa của chữ quốc ngữ, không có gì là hoàn hảo cả, mọi thứ đều có thể được làm cho tốt hơn, và nếu chúng ta bác bỏ nguyên tắc này, chúng ta sẽ liều mình bị đánh giá là phá rối một cách cố chấp, dấu hiệu của tâm ý hẹp hòi.

Do đó, tôi yêu cầu ông Chủ tịch cho bỏ phiếu kiến nghị sau đây:

Hội đồng Cải cách Học chính Nam Kỳ chấp nhận nguyên tắc về việc nghiên cứu một sự điều chỉnh chữ quốc ngữ, nhưng nghĩ rằng việc nghiên cứu này, được thực hiện với tinh thần đơn giản hóa và tiến tới gần tiếng Pháp chỉ có thể được thực hiện tốt bởi Hội đồng Cải cách Học chính Nam Kỳ và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được áp đặt một cách gấp rút”.

Thỉnh nguyện này đã được mọi người thông qua.

Một tiểu ban phụ trách công việc này đã được thành lập tức khắc và gồm các ông:

Maspero: Chủ tịch

Và các thành viên: Assan-Achou, Bocsq, Trung, Cương, Tuan.

Dĩ nhiên tất cả các thành viên của Hội đồng đều có thể tham gia các công việc của tiểu ban này khi họ ở Sài Gòn.

Mặt khác, theo đề nghị của ông Trung, báo Journal officiel sẽ thông báo rộng rãi để dân chúng biết là có một cuộc điều tra được tiến hành nhằm tìm hiểu các điều chỉnh áp dụng cho chữ quốc ngữ hiện tại và Tiểu ban phụ trách việc tìm hiểu này sẵn sàng tiếp nhận và xem xét tất cả các ý kiến.

Ông Foucher mong muốn Hội đồng Cải cách Học chính Nam Kỳ chuyển các kết luận của mình lên Hội đồng Cải cách Học chính Đông Dương vào kỳ họp tới.

Hội đồng hứa là sẽ thực hiện mong muốn của ông.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 110 (tháng 1 & 2 năm 2019)

Chữ quốc ngữ tiếng Việt

Bài 2 / 2 trong loạt bài Giữ gìn tiếng Việt trong sáng

Tác giả: Lê Lành

Xưa, chữ Nôm chế tác từ chữ Hán chỉ là quốc âm – ký âm tiếng Việt. Sau đó, Latin hóa hoàn chỉnh thành chữ quốc ngữ tiếng Việt hiện nay.

Đà Nẵng rục rịch đặt tên phố Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, vinh danh công ơn Latin hoá tiếng Việt thành chữ quốc ngữ Năm 1623, Dòng Tên, một dòng tu Công giáo lớn các linh mục học thức trình độ tiến sĩ ở Tây Ban Nha, đặt cơ sở ba ở danh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ đàng trong chúa Nguyễn, cử cha Francisco de Pina cải đạo Kitô cho người Quảng.

Nói với người bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ, họ tin yêu bằng cả tấm lòng. Thông tuệ, cha Francisco de Pina dùng chữ cái Latin kí âm tiếng Việt để học tiếng, để con chiên đọc kinh bổn mỗi ngày.

Đặc trưng nổi bật tiếng Việt là thanh điệu, nảy sinh từ cái hồn tiếng nói dân tộc: “Tiếng xào xạc gió thổi giữa cau tre. (Câu thơ tám tiếng đủ sáu thanh điệu)…Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt “(Lưu Quang Vũ).

Theo ngữ âm học, thanh điệu tiếng Việt là sự khác biệt về cao độ vật lí (pitch), chất giong cảm xúc (voice quality) trong phát âm các âm tiết, giữ chức năng khu biệt ngữ nghĩa Giàu thanh điệu, tiếng Việt phong phú, âm vang, hay và đẹp là thế: “Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn. Nghe mát lịm ở đâu môi tiếng suối. Tiếng heo may gợi nhớ những con đường“ (LQV)

Nhưng lại là điều cực khó với người phương Tây. Với lại chữ la tinh không có dấu thanh. Không nề hà, Francisco de Pina áp luôn dấu thanh cùng các phụ âm đôi ph, th tiếng Hi Lạp kí âm hài hoà tiếng Việt: “Như nước gió không thể nào nắm bắt. Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh. Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy”(LQV)

Ngày nay, bao phương tiện hiện đại hỗ trợ đắc lực học tiếng là thế Thế mà theo thống kê chính thức, chừng 70 % người phương Tây ngã lòng hai tháng đầu học tiếng Việt . vì rào cản thanh điệu . .

Kế tục, Alexandre de Rhodes A Lịch Sơn Đắc Lộ hệ thống hoá, kiện toàn thành chữ quốc ngữ, in ấn thành công ở thủ phủ Roma toà thánh Công giáo Từ điển Việt – Bồ – La, sách Phép giảng tám ngày.

Bằng chữ quốc ngữ, Hồ Dzếnh, người Minh Hương, mẹ là con gái xứ Thanh dô tá dô hò hò sông Mã, làm thơ chững chạc cổ phong ngũ ngôn, nhưng lai láng âm điệu dân dã trầm buồn trong ráng Chiều bâng khuâng nỗi nhớ. Thơ là tiếng, thánh thót thành dòng âm điệu rót vào lòng người. Thơ hay ở âm điệu. Âm điệu hay chủ yếu từ sự sắp xếp hài hoà các thanh bằng không dấu, dấu huyền, các âm trắc dấu sắc,e hỏi, ngã, nặng trong câu thơ. Âm điệu trầm buồn lai láng ấy được thể hiện sâu lắng bằng 12 thanh phù bình không dấu, phù trầm dấu huyền trong ba câu đầu 15 tiếng “Trên đường về nhớ đầy- Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây “ Rồi ba âm trắc tịnh tiến từ chữ tư câu đầu lên chữ thứ hai câu hai để đúng đầu câu ba,e dựng lên giai điệu thướt tha, làm Dương Thiệu Tước không thể không phổ thành ca khúc trữ tình để đời: Chiều, thơ Hồ Dzếnh.

Không chỉ thơ hay, Hồ Dzếnh viết văn chân chất tiếng Việt trong sáng, như nghe thấy hơi thở hài hoà âm điệu, tiết tấu các con chữ: “Trời đã ngả màu tím. Khách không tin còn đò. Nhưng rồi con đò ở bờ bên kia cũng rời bến sang với khách. Đêm ấy khách được ngủ đỗ trong nhà cô lái đò tốt bụng. Người khách sang sông chiều muộn ấy về sau này là cha tôi. Và cô lái đò, là mẹ tôi“.

Trải lòng với Thạch Lam đỡ đầu văn chương buổi ban đầu, Hồ Dzếnh chân tình: Tôi không chỉ yêu mà thực sự trân quí hết mực tiếng Việt mẹ đẻ. Tình cảm nồng hậu ấy đã neo Hồ Dzếnh trụ vững trên đất mẹ, bất chấp những thủ đoạn mưu toan bứng bằng được Hồ Dzếnh khỏi đất nước này, vì là nhà văn tiền chiến, không đi theo kháng chiến, bị khép vào thành phần phản động. Không còn được làm thơ, viết văn, Hồ Dzếnh sống còm cõi đến cuối đời.

Nhà cầm quyền Đà Nẵng, khốn nỗi, định đặt tên phố Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes không hẳn từ cái nghĩa tình mà có thể từ tánh xấu đố kị, tị nạnh. Chả là hai năm trước, người phát kiến mộ hoang Alexandre de Rhodes lạc lõng bên Ba Tư Iraq quốc giáo đạo Hồi tận Tây Á. Rồi một đoàn đông đảo các trí thức, nghệ sĩ rộn ràng sang tận nơi tảo mộ, đặt bia tri ân, gây tiếng vang lớn văn hoá quốc tế…Tịnh không một ai người Quảng.

Không mảy may đắn đo, nhà cầm quyền Đã Nẵng cho ngưng ngang xương dự án đặt tên phố các cố đạo phương Tây, khi 11 ông trí giả ngoài Huế om sòm phản kháng. Nỏ mổm nhất là mệ Huế học sử gia Nguyễn Đắc Xuân nhảy núi trắng trợn vu cáo Alexandre de Rhodes bày ra chữ quốc ngữ để bắc cầu cho thực dân Pháp đưa lính sang chiếm nước ta làm thuộc địa !?

Cứ như Đà Nẵng không một cơ duyên với một tác giả chữ quốc ngữ, từng ăn dầm ở dề trên đất Quảng. Nghìn năm văn vật Thăng Long, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng xin hiến tượng chân dung Alexandre de Rhode đặt trên hoa viên nho nhỏ bên hông đền Bà Kiệu, đối diện tháp Tả thanh thiên bên hồ Hoàn Kiếm, nơi Hội truyền bá quốc ngữ năm 1941 dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes, nhưng sau 1945, bị hốt đi mất tiêu. Nghệ sĩ tạo hình Phạm Văn Hạng thổ lộ đây là ước nguyện của ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt biểu thị hàm ơn, vinh danh người có công, bày tỏ sự quí trọng văn hóa, khoa học. Vậy mà Hà nội ngó lơ, không một lời hồi đáp tử tế người Tràng An.

Đâu vô cớ. Đầu thập niên 50 thế kĩ XX, Ban văn sử địa của đảng cộng sản Động Dương rút vào bí mật trên rừng xanh Việt Bắc đã chủ trương dựng điều đả kích A. de Rhodes thế kỉ XVII đề xuất Pháp thế kỉ XIX đưa quân chinh phục cả phương Đông, mang về thần phục chúa !? Sau hiệp định Genève 54, Ban văn sử địa về Hà nội, ra chỉ thị cấm tuyệt đối lưu hành sách sử chữ quốc ngữ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, xuất bản 1919, ghi chính xác, rõ ràng: Tàu dấy binh xâm lăng nước ta lần cuối cùng là thế kỉ XIX . Từ Hi thái hậu xuống chiếu Phùng Tử Tài thống lĩnh quân Thanh cùng tàn quân Thái Bình thiên quốc Giặc cờ đen đánh chiếm tứ tung Bắc Kỳ. Quân Pháp đánh bại cuộc xâm lăng ấy, mở đường cho Việt nam thoát khỏi Hán học hủ lậu, tiếp cận văn minh thế giới tự do, bình đẳng, bác ái.

Bịa đặt vu oan giá hoạ không lọt tai ai, Nguyễn Đắc Xuân công khai não trạng nô dịch, nhắm vào tâm lí hủ bại một số tinh hoa còn nặng lòng Hán học: “Nước ta hàng ngàn năm trong vùng ảnh hưởng sâu đậm chữ Hán – Hán học. Chữ quốc ngữ cậy thế thực dân Pháp đẩy chữ Hán vào quá khứ quên lãng, xoá bỏ Hán học uyên thâm, làm đứt mạch văn chương cổ xưa sân Trình cửa Khổng! Truyện Kiều chữ Nôm của Nguyễn Du dịch ra chữ quốc ngữ mất hết ý, mất hết nghĩa, mất cả hồn dân tộc.” !? “Ngu chi mà ngu rứa “, truyện Kiều chữ Nôm hay chữ quốc ngữ đều là tiếng Việt, dịch là dịch thế nào, dịch cái chi, dịch ra sao!

Bỏ chữ Hán là bỏ tư duy tổng hợp áp đặt hủ lậu, chuyển sang chữ quốc ngữ là chuyển sang tư duy phân tích tiếp cận tiến bộ, văn minh.

Thập niên ba mươi thế kỉ trước, người con “minh mẫn nhất xứ Quảng “, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước không bằng bạo lực mà bằng khai phóng nâng dân trí, mất nước là mất văn hoá, mất hệ qui chiếu là người Việt. Phan Chu Trinh cùng Lương Văn Can mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1905, hô hào tân học, bỏ Hán học, học chữ quốc ngữ. Ông nêu tôn chỉ: “Giành độc lập không chỉ là đánh đuổi quân xâm lăng khỏi bờ cõi mà còn là tẩy sạch não trạng nô lệ Hán học “.

1945, triết gia Lý Đông A, 16 tuổi, còn mang tên cha sinh mẹ đẻ Nguyễn Hữu Thanh, hầu hạ Phan Bội Châu suốt thời gian bị thực dân an trí ở Huế, giác ngộ Duy Tân, cảnh báo: Bọn nô tài chưa bao giờ từ bỏ âm mưu phá chữ quốc ngữ, khôi phục chữ Hán!

2020, ông nghị gật Dương Trung Quốc chớp luôn ý tưởng ngông cuồng một tiến sĩ giấy đòi dạy chữ Hán ngay bậc tiểu học, tâng lên quốc hội định kiến sai lầm tiếng Viêt 70% từ Hán của ông tây đa năng A. G. Haudricourt.

Hoang tưởng, láo xược hết chỗ nói! Sao lại cưỡng ép quái dị chữ Hán tiếng Việt thành từ Hán – Việt !? Chữ chỉ là vật thay thế, kí âm. Không một tên Tàu giỏi đến mấy có thể đọc hiểu chữ Nôm của ta, cho dù chữ Nôm là phó bản chữ Hán “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói,… Ống tre ngà mịn mang như tơ “ (LQV)

Ngoài ra, lai tạp đến 70% tiếng Hán, không bị Hán hoá thì cũng suy thoái thành tử ngữ, đâu còn “Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim. Như tiếng sáo như dây đàn mau nhỏ … Ai ở phía bên kia cầm súng khác,.Cùng tôi chung tiếng Việt quay về” (LQV).

1911, trong buổi tiệc chiêu đãi, thủ tường Nhật Tsuyoshi Inukai té tát Tôn Dật Tiên nói bậy bạ người Việt Nam có căn tính nô lệ, để người Hán đô hộ nghìn năm, giờ thực dân Pháp…: “Người Việt Nam duy nhất trong nhóm các sắc tộc Bách Việt chống, kháng thành công quá trình Hán hoá thâm độc, có chữ viết Latin tân tiến, rồi sẽ giành được độc lập, tự do!”.

Đương nhiên. như mọi ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Việt cũng du nhập tiếng nước ngoài để chuyển tải tư tưởng, văn hoá, kiến văn. Nhưng Việt hoá đến cùng, theo các qui tắc ngôn ngũ học thành tiếng ta “Chung tiếng làng tiếng nước của riêng tôi“ (LQV).

Âm vi / p / chỉ đứng cuối âm tiết type – típ, típ 1 tiểu đường, đứng đầu âm tiết thay bằng b: pompe – bơm, bơm chân không hoặc cặp vơi h – phụ âm đôi ph: savon – xà phòng ngoài Bắc, xà bông trong Nam.

Lợi thế chữ quốc ngũ cùng văn tự Latin, chuyển âm thật êm, ngọt: automobile: ô tô, caoutchuc – cao su, logic – lô gích học, chuyển ý phân tích ngọn ngành téléphone – điện thoại, république – nền cộng hòa, logiciel- phần mềm.

Tàu cũng du nhập, phiên âm điện thoại téléphone – đức luật phong, bệnh thổ tả chlorera – hồ liệt la…không ra sao. Cái tệ của người Tàu không phát âm được các phụ âm đầu hữu thanh b, d: Xi Jin – ping Tập Cận Bình, Mao Tse – tung Mao Trạch Đông. Dịch ý xã hội social là quần, kinh tế economie là lí tài… bất ổn Chữ Hán tư duy tổng hợp tượng ý, áp đặt nghĩa.. Cuối cùng phải sao chép y chang tiếng Nhật du nhập tiếng phương Tây. Sau này, Mao Trạch Đông làm chúa, bằng quyền lực tối cao ra sức thúc ép Latin hóa tiếng Tàu, nhưng đâu có được, phải thoả hiệp giản thể chữ Hán ấm ớ, đứt mạch văn hoá cổ.

Ông trùm tuyên huấn miền nam khét tiếng Trần Bạch Đẳng đăng đàn, chỉ khẩu hiệu trên sân khấu hội thảo chuyên đề ngôn ngữ, dõng dạc: Từ Hán Việt! Bên dưới, nhà ngôn ngữ học cao ngạo Cao Xuân Hạo bật đứng dậy: “Cái thằng dốt nát nhất trần đời cái gì cũng xía vô !. Rôi cắp đít ra về. bỏ hội thảo.

Thuật ngữ dị dạng “đầu ngô mình sở“ từ Hán Việt xuất hiện ở Hà nội đầu thập niên 60 thế ki trước. Tiếng Việt có một loạt từ vựng cùng cú pháp chủ yếu phổ biến nơi triều chính, khoa bảng, văn chương bác học, ít được dùng trong sinh hoạt giao tiếp dân gian hằng ngày, không bị mài mòn, trở nên khác biệt, sang trọng lên: Đức ông quận công phu quân nữ hoàng Anh quốc chúc mừng đồng bào Tô Cách Lan bị cúm Vũ Hán Trung cộng thập tử nhất sinh bình phục, hồi hương an khang – chứ không bỗ bã “chồng vua đàn bà nước Anh … “, Nhưng vẫn cứ là tiếng Việt trong sáng, do cha ông sáng tạo, trau chuốt thành di sản, cho muôn đời sau tự tin làm chủ, sử dụng nhuần nhuyễn, phổ cập thành công cụ tư duy, phương tiện truyền bá tư tưởng, giao lưu quốc tế

Saigon thời trước gọi là cổ văn, giảng dạy kĩ lường ở bậc trung học, chuyên khoa. Không tréo ngoe yếu điểm là điểm yếu, bao biện là biện minh, khuất tất là mờ ám.. bác sĩ ghi biên bản “tử vong ngoại viện“ công an điều tra ngơ ngác, phải giảng giải mới hiểu “chết bên ngoài bệnh viện, chết trước khi đưa vào nhà thương cứu chữa “

Chạy được ngân sách 9.000 tỉ đồng cho dự án dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp bậc phổ thông, bộ trưởng giáo dục nói nhịu thêm tiếng Trung chữ Hán, cho tròn 16 chữ vàng, 4 tốt.

Đương thời thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt có chuyến công du sang Pháp. Ông nghe quân sư đi gặp Hoàng Xuân Hãn. Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ toán, Hoàng Xuân Hãn về nước dạy học trường Bưởi, soạn Danh từ khoa hoc, tham gia hội Truyền bá quốc ngữ, bày lối học tắt đánh vần “i tờ “, xoá nhanh nạn mù chữ trong dân. Làm bộ trưởng giáo dục chính phủ Trần Trọng Kim bốn tháng ngắn ngủi năm 1945. Hoàng Xuân Hãn quyết định dạy và học từ tiểu học đến đại học hoàn toàn bằng tiếng Việt cho đến nay. Rời chính trường năm 1945, Hoàng Xuân Hãn trùm mềm nghiên cứu chữ Nôm, chế tác từ chữ Hán luôm thuộm tượng ý, tượng hình, tượng âm, áp nghĩa à uôm, không theo một qui tắc nào, cứ phải phỏng đoán chữ Tác thành chữ Tộ. Chữ Nôm ấy cột chết tri tuệ Việt bạc nhược trong Hán học tăm tối. Chữ quốc ngữ ra đời, giải cứu dân tộc khỏi vòng kim cô Hán học tắc tị, thoát Trung. Chữ quốc ngữ khai sinh báo chí, Gia Định báo năm 1885, sách truyện Thầy Lozaro Phiền giữa Saigon, dần dà trở thành dòng văn xuôi tự sự, diễn giải, biện luận, đảm đang chức năng khai phóng, nâng dân trí, chấn dân khí. Chữ quốc ngữ kịp thời mở mắt thực dân Pháp thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ ngang tầm tiếng Pháp về khả năng diễn giải mọi ngành, mọi trình độ tri thức mà bãi bỏ ý tưởng thực dân đưa tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính ở Đông Dương. như ở các thuộc địa Phi châu thuộc Pháp. Hiện nay, 29 quốc gia độc lập ở châu Phi vẫn dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính – khối Pháp ngữ Francophone.

Chỉ mấy ngày sau ông Võ Văn Kiệt về nước, biển đề tên phố Alexandre de Rhodes rực rỡ màu sơn mới được khôi phục trên con phố cận kề dinh Đôc Lập trước 75, nay là Thống Nhất. Từ đấy, tết đến, một đoạn đường Duy Tân rợp bóng me xanh ngày xưa, Phạm Ngọc Thạch ngày nay, thành phố ông đồ cho chữ, nhưng là chữ quốc ngữ viết cách điệu bay bổng, hoa mĩ. Không như chợ bán toàn chữ Hán mặt tiền Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. Kì một nỗi, rất phổ biến chữ nhẫn – chữ đao trên đè chết chữ tâm bên dưới. Năm mới, nhà ông đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trang hoàng một chữ “Nhẫn“ thư hoạ mực tàu, trên giấy hồng điều. Sao lại nhẫn – nhẫn nhục, nhẫn nhục giặc Tàu lấn biên cương, cướp đảo. ép kinh tế- chánh trị đủ đường ư!?

Tết âm lịch mang danh con chuột 2020, Trung tâm lưu trữ quốc gia trống chiêng khai trương triển lãm 100 phiên bản châu phê bút tich chữ Hán của các vua triều Nguyễn. Chế độ này đâu ưa phong kiến nhà Nguyễn. Hiển nhiên triển lãm công khai phô trương, tâng bốc chữ Hán, như một tín hiệu khôi phục Hán học chết tiệt. Vắng tanh, chẳng ma nào vào, một hai ngày sau tắt điện, đóng cửa im ỉm.

Khinh khi tiếng mẹ đẻ, ông nhà thơ mang lon đại tá Nguyễn Hữu Thỉnh ngồi ì ghế chủ tịch hội nhà văn hàng chục năm hoắng lên làm sang, bắt dịch khẩu hiệu ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 “Non sông trên vai“ sang tiếng Anh giả cầy “Mountains and rivers on the shoulder”. Thế là lòi cái đuôi dốt tiếng Việt quá chừng. Từ kép đẳng lập “non sông“ hoán dụ thành tổ quốc, quê hương. Một học trò phổ thông có học tiếng Anh cũng dễ dàng dịch đúng: Homeland, motherland. Hơn nữa, đây là khẩu hiệu của các nhà thơ, “trên vai“ không thể trung tính the shoulder mà phải rõ ràng trên vai thi sĩ đã thành chiến sĩ: our shoulder.

Không thể nào khác. Tiếng Việt nay oằn lưng cõng chức năng phi ngôn ngữ: tuyên truyền bỉ ổi, tuyên truyền xảo trá. Ông phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan ngang nhiên dẫn câu hát “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” nhâng nháo ca tụng: “Ngập của thành phố phần nào là một hình ảnh rất đẹp“.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ kêu than “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”.

Dịch giả Dương Tường nhờ nhà xuất bản Nhã Nam xuất bản không tiền tác quyền để phổ biến quốc tế Truyện Kiều trong bản diễn giải Dương Tường – tiếng Anh “Kieu in Duong Tuong’s version“ để trả nợ tiếng Việt đã nuôi dưỡng ông thành người, đáp lại lớp trẻ ngày nay trên đài truyền hình quốc gia Vờ Tờ Vờ làm mất đi sự trong sáng tiếng Việt nhiều quá.

Tiếng Việt cùng chữ quốc ngữ trải qua một quá trình dài lâu, khắc nghiệt những thử thách cam go để hình thành, phát triển, trưởng thành thành một bộ phận cơ hữu tinh thần, trí tuệ dân tộc, ngày một trong sáng, hay đẹp, thăng hoa cùng dân trí được khai phóng. Song cũng có khi tạm thời mất thăng bằng, trong sáng, ngọng nghịu, què quặt, thui chột vì sự xử sự thô bạo, kém trí tuệ của giới cầm quyền bá đạo.

Cách nay hơn nửa thế kỉ, nhạc sĩ Phạm Duy hát bài Tình ca: Tiếng nước tôi bốn nghìn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-8-20

Nguồn: viet-studiesnet ngày 19-8-20

Gìn giữ tiếng Việt trong sáng

Bài 1 / 2 trong loạt bài Giữ gìn tiếng Việt trong sáng

Tác giả: Lê Lành

Trấn an dư luận xã hội “ phát điên” vì cách phát âm đánh vần  “quái dị“ trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của phò mã giáo sư tiến sĩ tâm lí học Hồ Ngọc Đại giẫm chân thực nghiệm đằng đẵng hơn ba chục năm, phó thủ tướng Vũ Đức Đam long trọng tuyên bố  “ …chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong thời gian tới “ !?. Dư luận tá hoả, bàng hoàng. cau mày. Tiếng Việt trong thông điệp của ông phó thủ tướng quá ư không trong sáng, không sao hiểu nổi.

Từ cổ chí kim, không một thế lực nào, không một ai dám và có thể cải cách tiếng nói cộng đồng, dân tộc. Tiếng nói tự nhiên (native language), tiếng mẹ đẻ (mother tongue) tự sinh thành, hoàn chỉnh, phát triển, làm công cụ giao tiếp, thông tin ngày một đắc lực, một tinh tế theo tư duy tiến triển không ngừng, thông thái hơn.

Con người tư duy bằng tiếng nói… thầm, có ý thức, hoặc trong tiềm thức. Tiếng nói vật chất hoá tư duy. Nó vừa là khởi nguồn vừa là kết quả tư duy. Nó không chịu tác động bất kể một tác nhân nào bên ngoài ngôn ngữ.  Ai cũng hiểu tiền tố “bất“ là không: bất thành, bất công, bất hiếu… Nhưng bất thình lình lại là thình lình… Đó là tính võ đoán ngôn ngữ (arbritariness), tự nó thế, chỉ có chấp nhận, không tự ý chỉnh, sửa được mô. Tiếng Anh, tiếng Pháp có cả loạt động từ bất bình thường (irregular verbs), không theo một qui tắc chung nào hết trơn, một số danh từ số ít sang số nhiều lại không thêm s vào cuối từ theo qui tắc chung… người bản ngữ cũng phải học thuộc lòng, hoặc tra cứu.

Tiếng nói là nhân tố quyết định đưa con người lên ngôi bá chủ thế giới!

Suốt nghìn năm Bắc thuộc khắc nghiệt, ác độc, dân tộc ta không để giặc Tàu xâm lược đồng hoá, chính là nhờ tiếng Việt tư duy mãnh liệt, bất khuất, trong sáng. Lưu Quang Vũ hào sảng: Tiếng chưa mất khi Loa thành đã mất… Tiếng tha thiết lòng trai ôm ngọc sáng  Dẫu cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Nhưng tiếng nói có mặt trái tày đình: “lời nói gió bay “. Lưu Quang Vũ thi vị hóa: “Như nước gió không thể nào nắm bắt “ Con ngươi thông minh, khắc phục  bằng cách tạo tác chữ viết, thị giác hoá tiếng nói, lưu truyền tiếng nói bên ngoài con người, hầu như không giới hạn không gian, thời gian. Khi có chữ viết, văn minh con người phát triển vượt bậc. Chữ viết là phương tiện xử lý thông tin chính xác hơn, bền vững hơn. Chữ viết vừa là điều kiện căn bản cho sự phát triển tổ chức xã hội ngày một phức tạp, trình độ sản xuất  ngày một cao, đồng thời lại là kết quả của chính nền văn hoá ấy.

Không đồng hoá được dân tộc ta, giặc Tàu xâm lược xảo quyệt áp văn tự của chúng phiên tiếng ta thành chữ Hán-Việt, hòng cột chặt dân tộc ta trong vòng cương toả Hán học nho giáo hủ lậu.  Nhưng vì những khác biệt căn bản giữa tiếng ta và tiếng Hoa, và chữ Hán nào đã ra gì – nhà Hán hai nghìn năm tuổi, chữ Giáp Cốt đã có từ bốn, năm ngàn năm trước, chỉ kí âm theo chữ Hán chừng 70% tiếng Việt, nhưng vẫn đọc theo âm Việt, ôm gọn nghĩa tiếng Việt – thiên trời địa đất, tử tất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước… Đúng ra phải gọi là chữ “nho“, viết bằng bút lông, mực đen. Người Hoa đâu đọc được, hiểu được.  Phần còn lại là chữ nôm – bên trái bộ khẩu, bên phải bộ nam,  tiếng nam thuần tuý,  nôm na, dân dã, đối lập với chữ Hán-Việt khoa bảng, thư lại, triều chính.

Từ đó, đầu thế kỉ trước, nhà ngôn ngữ học lỗi lạc người Pháp A. G Haudricourt, ngộ nhận 70% tiếng Việt gốc Hán ! ? Tệ hại, một số người ta ngày nay mang danh học giả này nọ lại không tư duy độc lập, phản biện mà nhắm mắt rập khuôn. Mặt khác, chính người Hoa cũng  phải du nhập tiếng Nhật sớm tiếp cận trước văn hoá phương Tây nữa là: kĩ sư, vi trùng, dân chủ, chính sách … Phi công có viết dưới dạng chữ Hán chính hiệu, người Hoa cũng không hiểu là người lái máy bay, truyền hình  ở ta,  bên Tàu gọi là điện thị… Giữa thế kỉ 20, liệt xa – đường sắt, đại táo –  bếp ăn tập thể… từ Tàu vừa du nhập sang, bật bãi liền. Nay, những kẻ cơ hội “bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt“ lại viện nhận định sai lầm tai hại ấy để đòi dạy và học chữ Hán.  Lố  bịch, ngu đần hết biết, người ta học và dạy tiếng – tiếng Anh, tiếng Pháp, chứ ai học và dạy chữ Anh, chữ Pháp… bao giờ.  Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã khẳng định: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói.  Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ. Tiếng nước tôi như bùn như lụa. Óng tre ngà mịn mang như tơ “. Có điên khùng mới lôi chữ Hán chết tiệt đã bị quăng vào sọt rác hơn trăm năm để dạy tiếng Việt! Từ điển truyện Kiều giúp ta đọc thông truyện Kiều chữ quốc ngữ, đâu cần phải biết chữ Hán. Các bà mẹ quê ngày xưa thuộc truyện Kiều làu làu, lẩy Kiều hay đáo để. Hơn nữa,  giờ dạy và học chữ Hán nào đây – phồn thể hay giản thể? Trong loạn lạc tùm lum cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông nổi cơn “kách mệnh“ ra lệnh chỉ được dùng chữ Hán giản thể, bãi bỏ tuyệt đối chữ Hán phồn thể –  phức hợp âm và nghĩa. Hậu quả nhãn tiền.  Không những không triệt hạ được nạn mù chữ ngu dân mà người Hoa lục địa  ngày nay  không hiểu thấu tiếng mẹ đẻ ngay trên đất nước mình, không đọc được cổ văn, mất đi tính bản thiện, trở nên “ Gian manh nhận địa phân thiên. Hỗn mang thế thái đảo điên  nhân tình“.

Chính người Hoa loay hoay hoài la tinh hoá tiếng mẹ đẻ trước ta năm, sáu  chục năm, hòng thoát cái văn tự khốn kiếp, lac hậu, kim hãm tiến bộ –  học chữ nào biết chữ nấy, cùng một chữ mỗi nơi một cách đọc, nhưng đâu có được.  Ghen ăn tức ở, quay ra chê bai  đủ điều chữ quốc ngữ ta ngoằn ngoèo, đội nón, đi guốc. không vuông vức, sao còn viết thư pháp được nữa đây !?

Tiếng Việt la tinh hoá hoàn hảo không chỉ là cơ duyên khai hoá, thoát Trung mà còn là minh chứng tiếng Việt linh diệu.  Bộ chữ cái alphabet roman được dùng để kí âm tiếng Việt không có các phụ âm bật hơi aspirated h, kh, ph, th, nhưng các từ gốc Hy Lạp lại có phụ âm đầu khi, phi, thetha. Các nhà truyền giáo Bồ, Pháp, Ý không câu nệ dùng để ghi rẩt trúng các âm tắc bật tiếng Việt, đảm bảo nguyên tắc ngữ âm học mỗi kí hiệu ứng với một âm vị, và ngược lại, đọc sao viết vậy, viết sao đọc đúng thế.

Ngày trước, cao đẳng tiểu học ba lớp cuối cấp đã học tiếng Pháp, chuẩn bị lên trung học toàn bằng tiếng Pháp. Trợ thủ cưng nhứt của giáo sư tiến sĩ Hồ Ngọc Đại trong dạy thực nghiệm và soạn sách giáo khoa công nghệ giáo dục, ông Phạm Toàn, từng học mấy năm trung học thời Tây, giả ngây ngạc nhiên sao các trí thức ta ngày trước giỏi tiếng Việt thế. Sau năm 1945, từ tiểu học đến đại học, dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Sở dĩ ở ta, thực dân Pháp không lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, như ở các thuộc địa bắc Phi thuộc Pháp, là vì tiếng Việt la tinh hoá chữ viết hoàn chỉnh, phong phú, trong sáng, diễn tả trôi chảy, khúc chiết, văn hoa tư tưởng, khoa học, văn hoá, không thua gì tiếng Pháp.  Ngày nay, tiếng Pháp vẫn được giữ làm ngôn ngữ hành chính, ngoại giao ở một vài quốc gia bắc Phi trước đây là thuộc địa.

Giữa thập niên ba mươi thế kỉ trước, thạc si toán Hoàng Xuân Hãn rời Paris về Hà nội dạy học trò trường Bưởi. Tham gia Hội truyền bá quốc ngữ, ông bày ra cách học bình dân học vụ đánh vần i tờ, lấy âm làm trọng tâm, phớt qua mặt chữ. Xướng nguyên âm trước tiên, nối với phụ âm theo sau thành vần, rồi ngược lên kết với phụ âm trước thành tiếng: e mờ em, sờ em xem! Khác hẳn cách dạy và học chính qui ở trường, đọc trực tiếp từ chữ đến âm, ghép lại thành tiếng một cách tự nhiên, tuyệt nhiên không đánh vần, Cả một năm vỡ lòng ngày trước học chữ, đọc thông theo mặt chữ, viết thạo đúng chữ, và hai phép tính cơ bản cộng và trừ. Chậm nhưng rất chắc, đúng theo qui tắc ngữ âm học, không tái mù chữ.  Lớp đồng ấu hiện nay ở Mĩ chỉ học đọc reading  và viết writing tiếng Anh.

Học theo lối đánh vần bình dân học vụ i tờ rất nhanh, nội trong một tháng đã có thể biết đọc, còn viết thì chưa chác . Chỉ lãng một thời gian là mù chữ trở lại liền: Ai về chợ Viền Khánh Vân. Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa. Đánh vần năm ngoái năm xưa. Năm nay quên hết như chưa học vần. Lại còn viết sai chính tả tùm lum: con cái chanh dành (tranh giành) nhau của cải để giành (dành) của bố mẹ, khuếch thành khuyếch, gần như không đánh vần, không viết được: khúc khuỷu. Nhất là xướng âm lẫn lộn, không trong sáng các chữ cái từ nước ngoài viết tắt: Gờ đê pê GDP, nhóm Gờ bảy – G7 viết tắt tiếng Anh Group of Seven: Nhóm bảy nước.  Rồi thành chuyện tiếu lâm, đăng đàn quốc tế mà ông thủ tướng nhà ta cứ như học trò hồn nhiên tập đọc: Cờ (Campuchia) Lờ (Lào) Mờ (Myanma) Vờ (Việt Nam)…

Nhiệt tình, Hoàng Xuân Hãn bày cách đánh vần bình dân học vụ để nhanh chóng xoá nạn mù chữ mà không thấy chữ viết là một hệ thống kí hiệu ghi âm trên giải thuyết chuyển tiếng nói thành ngôn ngữ văn tự, có cấu trúc chặt chẽ, không thể thao tác vô lối – ngược lại từ âm đến chữ.  Những tiến sĩ dỏm tu nghiệp lôm côm ở Bắc Kinh. Mạc Tư Khoa liều lĩnh cải cách chữ quốc ngữ đã thành chuyện nực cười. Chung qui vì lợi ích nhóm, buôn chữ, bán sách giáo khoa! Thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận sách giáo khoa Tiếng Việt lớp1 Công nghệ giáo dục, Đà Nẵng bác bỏ, Tiền Giang cấm. Gia Lai đốt.

Một thầy tu hậu duệ cha A-lich-sơn Đắc-lộ ở Cồn Sẻ, Quảng Bình, chọn ra một trăm học sinh lớp hai trường tiểu học địa phương đã qua lớp một, học trọn vẹn ba tập Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, để khảo sát. Kinh hoàng, hầu hết đọc ngắc nga ngắc ngứ, một số chữ đánh vần không xong, còn viết thì nhầm lẫn be bét các chữ cái c, k, q: con kua (cua) bò cua (qua) đường, kủ (củ) khoai trên cái thước qẻ (kẻ), mùa suôn (xuân), xang (sang), nge (nghề), ngiep (nghiệp)… Ông cha đạo gia tô hiền từ không một lời chê trách, phê phán bộ sách giáo khoa, hai tay giơ lên ba tập Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục màu sắc rõ đẹp và sấp giấy viết sai chính tả không thể tưởng tượng của học sinh lớp hai, lặng lẽ đặt câu hỏi vì đâu, ai chịu trách nhiệm thực tế phũ phàng, đau xót này.

Sau biến cố tháng 4-1975, dễ đến trên dưới triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, được tiếng thơ Lưu Quang Vũ khắc hoạ: “… phiêu bạt nơi chân trời góc biển “, nhưng vẫn “…gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya.“  Dù “Trái đất rộng giàu bao thứ tiếng  Cao quí trầm hùng rực rỡ vui tươi “, nhưng chỉ một “ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim… Như vị muối chung lòng biển mặn. Như dòng sông thân thiết chảy muôn đời “ Một cô gái Mĩ gốc Việt lên facebook, bằng chữ quốc ngữ chuẩn, tâm sự về di huấn của bà ngoại ngoài tám mươi vừa mới mất:  Bà nhắc đi nhắc lại con cháu phải mang hộ chiếu Mĩ rằng những người Việt chúng ta bần cùng bất đắc dĩ phải lưu vong, nhưng ơn trời phật mang theo được của gia bảo: tiếng mẹ đẻ. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại phải hết lòng gìn giữ tiếng Việt trong sáng để trường tồn. Ngay ngày đầu rời đất mẹ, bà hăng hái xung phong, miệt mài dạy tiếng Việt cho trẻ ở nhà thờ, sau buổi lễ mỗi sáng chúa nhật. Giờ, một số lớp dạy tiếng Việt nhỏ lẻ tự phát ấy đã thành các trường Việt ngữ phổ biến ở nhiều bang, từ bờ đông sang bờ tây Hoa Kì, gây sự chú ý với cả người Mỹ gốc Âu về cái họ goi là văn hoá khoanh tay Trong các buổi học tiếng Việt, bất kể học trò lớn bé nào cũng ngoan ngoãn đứng lên, nghiêm trang khoanh tay, lễ phép thưa thốt từng tiếng từng lời trang trọng với thày cô. Cái văn hoà khoanh tay ấy như một ngôn ngữ cử chỉ giới thiêu: Tôi, người Việt đây Tự hào biết mấy tiếng Việt thân thương.

Xuất ngoại. tiếng Việt thêm giá trị sứ giả ngôn ngữ cao đẹp. Thật tình ngưỡng mộ khi còn là sinh viên, nay lại càng bất bình những thiên kiến độc địa của những kẻ đầu óc hẹp hòi, mưu tính đầu cơ, hướng dẫn viên du lịch tên Trường lặn lội các nghĩa trang Iran Ba Tư tít bên tây Á, tìm mộ cha A – lịch – sơn Đắc – lộ (Alexandre de Rhodes), nhà truyền giáo dòng Tên, nhà ngôn ngữ học xứ Avignon, Pháp. Còn hơn cả đáy bể mò kim, cha đạo công giáo mất đã hơn ba trăm năm rưỡi, trên đất nước quốc giáo đạo Hồi, táng nhờ nghĩa trang mênh mông 300 ngàn mét vuông của người thiếu số Armenie. May mắn, những người bạn trẻ Iran cùng nghề ngưỡng mộ, thông cảm nguyên vọng thiêng liêng,cao cả của đồng nghiệp Việt, lần tìm và chắp nối từng thông tin nhỏ nhoi để tìm bằng được mộ cha Đắc – lộ lạc lõng giữa những ngôi mộ vô thừa nhận Tất cả thành kính đặt chậu hoa tím trên ngôi mộ cổ mấy trăm năm, lần đầu tiên được tảo mộ, trang nghiêm cúi đầu tưởng niệm một linh hồn công đức với người Việt, với tiếng Việt, nhưng lại bị lãng quên, thậm chí còn bị những kẻ táng tận lên án, kết tội.  Năm ngoái, giáo sư hưu trí trường đại học Liège, vương quốc Bỉ, Nguyễn Đăng Hưng, 77 tuổi, đi dựng văn bia “Tri ân cha Alexandre de Rhodes đã có đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ quốc ngữ – chữ Việt viết theo kí tự latin “. bằng bốn thứ tiếng – tiếng Việt trong sáng, Pháp, Anh, A rập. Phải qua ba ải: Cục quản lí văn hoá thành phố Isfahan, một trong bốn trung âm kinh tế văn hoá Iran,  Ban giao dịch công chúng  nhà thờ VANK. Ban quản lí nghĩa trang cơ đốc giáo Isfahan. Lòng thành được chúa chứng giám, hanh thông vô cùng. Ông giám đốc Cục quản lí văn hoá thành phố Isfahan bắt chặt tay giáo sư Nguyến Đăng Hưng, chân thành: “ Tiếng Việt dạy chúng tôi lòng biết ơn “ . Không tri ơn sao được, tiếng nói của người Việt được chắp cánh văn tự la tinh bay lên, thoát ao tù nước đọng tăm tối, nhờ ở ai !

Nguồn: viet-studies.net ngày 19-8-19

Bàn về 25 định nghĩa Văn hoá

Tác giả: Chu Tấn

            Trong thời đại bùng nổ cuộc “cách mạng truyền thông” (cuối thế kỷ 20) và thời đại “Toàn Cầu Hoá” hiện nay (Thế Kỷ 21) đề tài văn hoá, khái niệm văn hoá, nội dung và bản sắc văn hoá dân tộc, hay “thời đại văn hoá “toàn cầu hoá” v.v.. không những đã trở thành quá phổ thông, mà còn được các bộ môn khoa học nhân văn không ngừng nghiên cứu và đào sâu hơn bao giờ hết…. Tuy nhiên cũng không có một danh từ nào bao la và khó định nghĩa như danh từ văn hoá….Người ta còn nhớ năm 1952 hai nhà nhân loại học nổi danh người Mỹ là A. Kroeber và C. Kluckhohn trong tác phẩm “Culture- a critical review of concepts and definitions” (Văn Hoá – tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa) đã tổng kết và thử liệt kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hoá! Trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách trên, số định nghĩa đã được cập nhật lên tới 200!1Cultures: A critical review of concepts and definitions của Kroeber và Kuckhohn Publishers, London 1952. Cho đến nay số lượng định nghĩa về văn hoá không biết đã tăng lên bao nhiêu! Việc đi tìm một định nghĩa “chính xác” và “đầy đủ” về văn hoá được nhiều người chấp nhận,là điều khó khăn vô cùng! Trong bài này, chúng tôi chỉ xin giới hạn nêu ra 25 định nghĩa về văn hoá tiêu biểu nhất từ xưa cho đến nay để chúng ta cùng nhận định và thảo luận.

I- Nhận Định Về 25 Định Nghĩa Văn Hoá Tiêu Biểu:

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Nhất: Có thể coi đây là định nghĩa GỐC về văn hoá, vì danh từ Văn Hoá (Culture, tiếng Pháp, và tiếng Anh; Tiếng Đức là Kultur; Tiếng Nga là Kultura) đều bắt nguồn từ tiếng gốc Latinh là “Cultus” nghĩa là gieo trồng, trồng trọt được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là sự giáo dục, giáo dưỡng tâm hồn con người. Xem thế từ nguyên nghĩa Latinh Cultus hay văn hoá có tác dụng chính là “trồng cây” hay “Trồng người” nói theo Quản Trọng “Kế hoạch trăm năm không gì bằng “trồng Người” (Bách niên chi kế mạc như “thụ nhân”).

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai: Rút ra từ lời thoán trong quẻ Bí của Kinh Dịch mà học giả Nguyễn Đăng Thục có đề cập tới trong bài “Thế Quân Bình Văn Hoá Việt Nam”

“Quan thiên văn dĩ sát thời biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ”.

(Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của nhân quần xã hội để hoá nên thiên hạ thay đổi thế giới”).

“Theo nghĩa đen thì chữ Văn ở trong câu thoán từ này là cái đã hiện ra cho mắt thấy tai nghe, có tương quan với vật khác.Và chữ Hoá là có ý nghĩa đổi khác theo mục đích nào.Ý nghĩa của Văn thì tĩnh, ý nghĩa của Hoá thì động”…2Thế Quân Bình của Văn Hoá Việt Nam- Nguyễn Đăng Thục – Nguồn Newvietart.com(2)

Vẫn theo học giả Nguyễn Đăng Thục thì “Văn hoá là tất cả những cái gì của nhân loại để điều hòa thích ứng với hoàn cảnh đặng sinh tồn, hoàn cảnh, địa lý khí hậu hay là thiên nhiên “Quan nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ” là điều hoà thích ứng hoàn cảnh xã hội lịch sử mà nhân loại chủ động hoá thành.”

“Đây là định nghĩa văn hoá hết sức tổng quát, mà cũng hết sức xác thực của truyền thống cổ truyền Á Đông vốn đứng ở quan niệm biến dịch để nhìn nhận sự vật một cách hội thông, chứ không nhìn nhận vụn vặt “Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi chí đồng nhi quan kỳ hội thông (Hệ Từ Dịch). Bậc thánh nhân có thấy được cái động biến không ngừng của thiên hạ mà nhìn nhận ở phương diện tổng quát hội thông nghĩa là cả ở phương diện động lẫn phương diện tĩnh vậy. Quan niệm ấy xác thực vì nó luôn luôn đi sát với hoàn cảnh thực tế, không rời xa xã hội, để quan niệm văn hoá ở trừu tượng. Và như vậy thì văn hoá cũng như xã hội cũng không thể rời khỏi được hoàn cảnh địa lý khí hậu và lịch sử là khung cảnh trong đó nó trưởng thành và khai diễn. Cho nên chúng ta không thể quan niệm một nền văn hoá cho dân tộc này, theo như ý người ta muốn, không cần để ý đến hàng ngàn năm lịch sử “Văn hiến chi bang” với bao nhiêu thế hệ tích lũy, những kinh nghiệm chồng chất trên giải đất “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” này vậy. Văn hoá đã là toàn diện sinh hoạt của xã hội, một mặt nó có tính cách luôn luôn biến đổi không ngừng, trừ những văn hoá nào đã chết như văn hóa Ai cập, hay Can Đê chẳng hạn. Một mặt văn hoá có tính cách bền vững, vì nó là cái cây mà gốc rễ mọc sâu trong quá khứ, truyền thống, ngọn thì vươn tới cái tương lai vô cùng. Lấy toàn thể mà nói thì văn hoá của một xã hội có tính cách bền vững còn lấy từng bộ phận mà nói thì có sự thay đổi biến hoá. Bền vững hay sự thay đổi, là 2 phương diện hỗ tương của văn hoá. Cho nên ở giai đoạn lịch sử nhất định nào, một dân tộc hay một nhóm người đã trưng bầy ra một thế quân bình của Văn hoá, biểu thị cái trạng thái, quân bình của xã hội trong đó cá nhân tìm thấy quân bình ở tâm hồn mình, quân bình giữa cá nhân và đoàn thể, bên trong xã hội và quân bình giữa xã hội với hoàn cảnh tự nhiên của nó. Ấy là thời đại thịnh vượng của lịch sử dân tộc. Ở giai đoạn suy đồi của lịch sử, và xã hội mất quân bình nội bộ, khủng hoảng trong tinh thần. Bởi vì giữa tinh thần cá nhân và hoàn cảnh xã hội có một sự quan hệ mật thiết với nhau.”…

Qua đoạn văn bình luận hết sức sâu sắc của học giả Nguyễn Đăng Thục mà chúng tôi trích dẫn ở trên chúng ta thấy định nghĩa thứ hai về Văn hoá theo Kinh Dịch có 5 ưu điểm sau:

Văn hoá là sản phẩm của con người hay do con người sáng tạo ra.

Văn hoá luôn gắn bó với hoàn cảnh khí hậu thiên nhiên cùng lịch sử, xã hội con người.

Nội dung của văn hoá luôn luôn có 2 mặt “TỊNH” và “ĐỘNG” hay ‘BỀN VỮNG” và “BIỀN ĐỔI”

Phải quán xét văn hoá một cách tổng quan trên cả hai mặt “Động” và “Tịnh” mới có thể “Hội Thông” được chân tướng hay “Bản chất” của văn hoá.

Văn hoá có sứ mệnh thăng hoa con người và xã hội, thay đổi thế giới.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Ba: Của học giả Lưu Hướng Trung Hoa. Tại Trung Hoa, có lẽ Lưu Hướng là người đầu tiên giải thích về khái niệm Văn hoá.Trong bộ Thuyết Uyển của Lưu Hướng, quyển 15, Chỉ Vũ có đoạn3Lưu Hướng Thời Tây Hán (Năm 77- 6 trước công nguyên): (3)

Phàm vũ chi hưng, vị bất phuc dã, Văn hóa bất cải, nhiên hậu gia tru” (Phàm là dùng đến vũ lực thì đều là vì có người không chịu quy phục. Khi mà văn trị giáo hoá không thay đổi được họ thì mới tiến hành trừng phạt).

Ảnh hưởng theo lối giải thích Văn hoá của Lưu Hướng, nên sau này đa số các bộ tự điển của Việt Nam và của Tầu đều định nghĩa Văn hoá là dùng Văn để Giáo hoá con người. Định nghĩa văn hoá thứ ba này dĩ nhiên là thiếu sót rất nhiều, nhưng cũng có ưu điểm là ngắn gọn, dễ hiểu và cũng nói lên được vai trò hay chức năng của Văn hoá là để Giáo hoá con người, cải biến xã hội (Tương tự nghĩa gốc số một và một phần nào giá trị của định nghĩa thứ hai dù chỉ một phần thôi!)

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Tư: Trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, học giả Đào Duy Anh theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà thích nghĩa Văn hoá là: “chỉ chung tất cả các phương tiện sinh hoạt”. Trong lời tựa tác giả Đào Duy Anh khiêm tốn trình bầy “Quyển sách bỉ nhân soạn đây chỉ cốt cống hiến một mớ tài liệu cho những người muốn ôn lại cái vốn của văn hoá nước nhà, chứ không có hy vọng gì hơn nữa”.

“Theo giới thuyết của Félix Sartiaux thì “văn hoá về phương diện động là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội, về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hoá là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhật định, và tất cả những tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người”.

Học giả cũng giải thích thêm: “Người ta thường cho rằng văn hoá chỉ những học thuật tư tưởng, của loài người, nhân thế mà xem văn hoá vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi văn hoá, nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, chính trị, và xã hội, cùng hết thẩy các phong tục tập quán, cũng ở trong phạm vi văn hoá. Hai tiếng văn hoá chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người, cho nên ta có thể nói rằng: Văn hoá tức là sinh hoạt… Văn hoá tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hoá riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao hay thấp mà thôi.”4Đào Duy Anh- Việt Nam Văn Hóa Sử Cương– Nxb Văn Hoá Thông Tin năm 2000. (4)

“Bỉ nhân biên sách này, cũng dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau này: 1-Kinh tế sinh hoạt 2- Xã hội sinh hoạt 3-trí thức sinh hoạt”.

Định nghĩa văn hoá của Félix Sartiaux mà học giả Đào Duy Anh nêu lên vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm:

Về Ưu điểm có 2:

  • Thừa nhận là nội dung văn hoá có 2 mặt “Động” và “Tịnh” như định nghĩa thứ hai của kinh Dịch đã nói ở trên.
  • Văn hoá là tất cả các phương diện sinh hoạt chứ không riêng “trí thức sinh hoạt” mới là văn hoá (như một số người đã hiểu lầm)

Về khuyết điểm:

  • Chỉ nêu lên tác dụng của văn hoá còn bản chất văn hoá là gì? Ngay Félix Sartiaux cũng chưa xác định được mà chỉ nói chung chung….
  • Văn hoá bắt nguồn từ đâu? Cứu cánh của Văn hoá là gì Félix Sartiaux chưa đào sâu!
  • Có mấy loại hình văn hoá? như thế nào Félix Sartiaux cũng chưa nắm rõ! thì làm sao phát triển được văn hoá?

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Năm: của một nhà văn, nhà chính trị Pháp: Edouard Herriot: “Văn hoá là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.

(La culture c’est ce qui reste quand on atout ouble’; C’est ce qui manqué quang on a tout anpris).

Đây là một định nghĩa “tuyệt hay” và vô cùng sâu sắc, độc đáo, lại như “ẩn một nụ cười”….

– Tuyệt hay, vì tác giả không cần định nghĩa văn hoá sao cho “đầy đủ” mà chỉ lưu tâm bậc nhất đến “tinh nghĩa” thuộc về “bản chất” hay “cái Hồn” của Văn hoá mà thôi!

– Vô cùng độc đáo và sâu sắc vì: tác giả nêu lên 2 điểm thuộc về Đặc tính của Văn hoá “Cái Còn lại” “sau khi Quên”- “Đã học” mà “vẫn thiếu”… Lạ nhỉ! Văn hoá là “cái còn lại” sau khi người ta đã quên tất cả! Đã quên tất cả thì đâu còn nhớ điều gì! Nhưng cái muốn quên mà không quên được vì là điều “quá tinh vi”, “quá uẩn áo” đã đi vào tiềm thức hay đã đi vào “cốt tủy” của con người.Điều gì đã đi vào được “tiềm thức sâu thẳm nhất hay đã đi vào “cốt tủy” của con người – Chính cái “cột tủy”cái “còn lại đó” mới là văn hoá! Điều kỳ diệu thứ hai: “Muốn tìm hiểu văn hoá người ta phải đọc học tất cả! Khi đã đọc học tất cả, người ta tưởng là đã hiểu được văn hoá là gì! Nhưng không đâu! Khi đã học tất cả rồi người ta vẫn cảm thấy “Thiếu” cần phải “học thêm nữa”. Vậy là vẫn chưa hiểu văn hoá là gì hay sao? Lại cần phải học thêm nữa…Biển học mênh mông mà …

– Sau khi định nghĩa văn hoá một cách độc đáo sâu sắc nhất như trên, tác giả Edouard Herriot lại như ẩn một nụ cười “Quí vị….cứ tìm hiểu thật kỹ về văn hoá đi nhé! Nghiên cứu cho thật thâm sâu…. Quí vị ráng tìm ra một định nghĩa “xác thực nhất”, “đầy đủ nhất” đi nha! Nhưng …quí vị cũng coi chừng đấy… Điều mà quí vị nghiên cứu hay cả “khám phá” ra biết đâu chỉ là “cái xác” cái “cặn bã” còn “cái Hồn” của văn hoá đã bay xa rồi! (Smile)

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Sáu: của học giả Hồ Hữu Tường: Trong cuốn sách mỏng nhưng đọc rất thích thú và hấp dẫn vô cùng:“Tương lai Văn Hoá Việt Nam”5Hồ Hữu Tường – Tương lai Văn Hoá Việt Nam 1945 – Nxb Minh Đức Hà Nội – in lai lần thứ ba 1965 – Huệ Minh – Sài Gòn. (5) Học giả Hồ Hữu Tường đã định nghĩa “Văn hoá là cái gì làm cho con người trở thành NGƯỜI (Người Viết Hoa) .

Đây cũng là một định nghĩa sâu sắc độc đáo và mới lạ

– Trong “Tương Lai Văn Hoá Việt Nam” học giả Hổ Hữu Tường đã lên tiếng “chê” định nghĩa “văn hoá gốc” của Tây phương chỉ là “trồng trọt” …

– Vẫn theo Hổ Hữu Tường thì văn hoá Việt Nam là vô cùng phong phú, vô cùng cao quí và vĩ đại…. Tác giả ví như người đã tình cờ (hay thị kiến-tiên tri thấu thị…) khám phá thấy Văn hoá Việt Nam là cả một kho tàng không những lớn lao mà còn quí giá hơn vàng ngọc châu báu nữa cơ… Lớn tới nỗi một mình tác giả – cho dù suốt đờ i- cũng không thể nào khám phá hay khai thác hết được nên tác giả phải lên tiếng GỌI ĐÀN…

– Lối định nghĩa văn hoá của Hồ Hữu Tường không những sâu sắc, độc đáo mà còn mới lạ nữa. Mới lạ ở điểm: Hồ Hữu Tường là người đầu tiên tại Việt Nam đề cập tới sứ mạng của văn hoá. Văn hoá không chỉ có vai trò hay tác năng giáo hoá con người mà cao hơn thế, văn hoá có SỨ MẠNG làm cho con người trở thành NGƯỜI (Chữ Người Viết Hoa). Tới đây có người sẽ hỏi: Chữ người “viết thường” với chữ “Người viết Hoa” khác nhau như thế nào? Xin thưa chữ người viết thường là con người “bình thường” như tất cả chúng ta (vừa có tốt vừa có xấu…) hay còn gọi là con “người phàm” (phàm phu). Mà đã là con người phàm phu là con người “bất toàn” (còn rất nhiều khuyết điểm-vì nhân vô thập toàn mà…- Còn chữ NGƯỜI (viết hoa) là con Người hoàn hảo đạt tới cứu cánh CHÂN THIỆN MỸ. Tất cả đều hoàn thiện ở nơi mình hay còn gọi là con người TOÀN VẸN TRỌN LÀNH. Dĩ nhiên đây chỉ là “lý tưởng”, nhưng đích thực văn hoá quả có sứ mạng đó. Chỉ với một định nghĩa ngắn gọn này, Hồ Hữu Tường đã đưa Văn Hoá Việt Nam trở thành một cái “Đạo của Dân Tộc” (Trước Hồ Hữu Tường nhà văn hoá lớn Lý Đông A cũng chủ trương đưa Văn hoá Việt trở thành một Đạo Sống của dân tộc). Đây là một đề tài rất hay, chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác!

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Bẩy: Năm 2002, Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục, Khoa Học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thống nhất đưa ra một định nghĩa mới về Văn hoá như sau:

“Văn hoá nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, trí thức, và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống gía trị, truyền thống và đức tin”6UNESCO năm 2002-Tuyên bố chung về tính đa dạng của Văn Hoá . (6)

Định nghĩa văn hoá của UNESCO có ưu điểm:

  • Tương đối đầy đủ…
  • Dễ hiểu, phổ thông
  • Bao quát nhiều thành tố, nhiều lãnh vực và mô hình văn hoá
  • Trung thực trung dung (bằng cách nêu lên những đặc trưng của văn hoá: từ “tâm hồn, vật chất, trí thức, và xúc cảm, văn học, nghệ thuật… lại thêm cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin…

Mặc dầu vậy, định nghĩa trên cũng còn một vài ba khuyết điểm:

  • Chưa xác định rõ bản chất văn hoá là gì?
  • Không đề cập đến tính chất “Động –Tĩnh” của văn hoá
  • Không đề cập đến chức năng và sứ mệnh của văn hoá…

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Tám: của học giả Đỗ Trọng Huề. Trong cuốn “Một cách nhìn khác về Văn Hoá Việt Nam” tác giả Mặc Giao7Dẫn theo Mặc Giao – “Một cách nhìn khác về Văn Hoá Việt Nam” Nxb Tin Vui. Hoa Kỳ 2004 (7) đã đề cập đến định nghĩa Văn hoá của học giả Đỗ Trọng Huề8Xem Đỗ Trọng Huề “Văn hoá và Văn Chương Đặc san Gió Việt 1998 Calgary Canada (8) mà chúng tôi xin trích lại nguyên văn như sau:

“Học giả phân tích Văn hoá theo bốn nghĩa: hai nghĩa hẹp và hai nghĩa rộng. Nghĩa hẹp thứ nhất Văn hoá chỉ kiến thức hay học vấn, Khi khen một người có văn hoá cao là khen người đó có kiến thức hay học vấn cao. Khi chê một người thiếu văn hoá có nghĩa là người đó ít học, hay kiến thức kém.

Theo nghĩa hẹp thư hai Văn hoá dùng để chỉ văn chương và nghệ thuật, trong đó có đủ cả các bộ môn ca, nhạc, vũ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, kịch trường, điện ảnh. Nghĩa này được dùng khi nói tới một công trình văn hoá, tác phẩm văn hoá, trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, đêm văn hoá, trình diễn văn hoá, triển lãm văn hoá.

Nghĩa thứ ba là nghĩa rộng, Văn hoá chỉ phần sinh hoạt của loài người, trong lĩnh vực tinh thần. Đó là những học thuyết, những triết thuyết, đưa dẫn suy tư của con người, lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất thường ngày. Những Khổng Tử, Lão Tử, Socrates, Platon…là những người đã nâng cao trình độ văn hoá của nhân loại.Thêm vào đó là những tìm tòi và tin tưởng có tính cách tâm linh hay nói nôm na là những niềm tin tôn giáo, những tin tưởng về những gì xảy ra trong cõi vô hình, có khả năng chi phối ngay trong và sau cuộc sống hiện tại.Văn hoá thăng hoa của tinh thần khác biệt với những tiến bộ về vật chất, được gọi là Văn Minh. Văn Minh là những tiến bộ về kỹ thuật nhằm cải biến đời sống vật chất của con người. Văn hoá gồm đạo đức, luân lý, tôn giáo, nâng con người lên trong lĩnh vực tinh thần.

Tuy nhiên nếu văn hoá được dùng để chỉ chung sinh hoạt của con người, sinh vật thượng đẳng trong vũ trụ, khác với tất cả các loài cầm thú thì ở nghĩa thứ tư, nghĩa rộng nhất Văn hoá bao gồm cả Văn Minh vì Văn hoá chính là sư tiến bộ của con người, cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người, được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói cách khác, là tiến gần tới Chân Thiện Mỹ, lợi và thú hơn. Nghĩa rộng thứ tư này có thể được dùng như một định nghĩa cho Văn hoá”.

Ưu điểm của định nghĩa này:

Tác giả khéo chia thành 4 trình độ nhận thức về Văn hoá: Hai nghĩa hẹp và hai nghĩa rộng để giúp cho độc giả dù không phải chuyên viên nghiên cứu về văn hoá hay thậm chí là người sơ cơ, hay lần đầu tiên muốn đọc học tìm hiểu về Văn hoá cũng hiểu được nội dung Văn hoá rộng hẹp cao thấp như thế nào. Lối trình bầy diễn giải về Văn hoá của học giả Đỗ Trọng Huề theo phương pháp sư phạm đi từ dễ đên khó, từ thấp lên cao rất giản dị, rõ ràng khúc triết nên đạt tính chất phổ thông và theo hướng đại chúng hóa Văn Hóa Đây là một điểm son lớn của tác giả.

Trong nghĩa rộng thứ nhất tác giả đã giải thích khá rõ sự khác nhau giữa Văn Hóa và Văn Minh. Văn Hóa (Culture) là sự tiến bộ về Tinh Thần. Văn Minh (Civilisation) là sự tiến bộ của con người về mặt Vật Chất, thiên về Kỹ thuật và Văn minh đòi hỏi xã hội phải tiến tới một trình độ kỹ thuật nào đó mới gọi là Văn minh (Thí dụ văn minh nông nghiệp, văn minh cơ khí…) trong khi Văn hoá không cần đòi hỏi một trình độ kỹ thuật nào cả. Sự khác nhau giữa Văn hoá và Văn minh còn ở điểm: Văn minh thuộc về lãnh vưc vật chật, kỹ thuật nên có tính chất quốc tế, trong khi Văn hoá có tính cách quốc gia hay khu vực (Văn hoá Việt, Văn hoá Nhật, Văn hoá Thái Lan, Văn hoá Đông Phương, Văn hoá Tây Phương v.v…)

Trong nghĩa rộng thứ hai: Tác giả lại minh giải: Tuy giữa 2 danh từ Văn Hoá và Văn Minh có sự khác nhau như trên, nhưng Văn hoá là sư tiến bộ của con người trên cả 2 phương diện Tinh Thần lẫn Vật Chất nên nội dung Văn hoá bao gồm cả Văn Minh vì cùng đem đến Hạnh phúc lợi lạc cho con người nên nghĩa rộng thứ hai này là là nghĩa rộng nhất và được coi như Định Nghĩa Văn Hoá của tác giả.

Khác với các định nghĩa Văn Hoá khác chú trọng đến việc tìm hiểu Bản Chất Văn Hoá là gì (What?) Tác năng hay chức năng Văn Hoá ra sao? Tìm hiểu các mặt “Động Tịnh” của Văn Hoá v..v.. Học giả Đỗ Trọng Huề không có ý định giải nghĩa Văn hoá theo hướng đó Tác giả chỉ muốn giúp độc giả hiểu nội dung văn hoá hẹp rộng như thế nào (How?) mà thôi. Chúng ta cần tôn trọng ý hướng định nghĩa Văn hoá của tác giả và không thể đòi hỏi gì hơn.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Chín: của Pitirim Alexandrovich Sorokin người sáng lập khoa Xã Hội học của Đại Học Harvard:

“Với nghĩa rộng nhất Văn hoá chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động động đến lối ứng xử của nhau)9Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn – Đại Cương về Văn Hoá Việt Nam (2004) Nxb Văn Hoá Thông – Tin trang 12 (9).

Đây là định nghĩa Văn hoá theo góc độ tìm hiểu về nguồn gốc (Tìm hiểu những thành tố tạo nên văn hoá đến từ đâu,…tương tác với nhau ra sao). Với loại định nghĩa có góc nhìn đặc biệt này, người viết chỉ xin nêu lên các đặc điểm, còn việc nhận định ưu khuyết điểm xin để giành quí độc giả xét đoán.

Đặc điểm của định nghĩa này:

Vì nội dung Văn hoá quá bao la – Nói theo kiểu các nhà bình luận trong nước – là “nội hàm” văn hoá rất lớn – nên tác giả gọi văn hoá là tổng thể” những gì được tạo ra là rất đúng, rất trung thực …Theo chúng tôi, chữ dùng “tổng thể” không những “trung thực” và còn “đắc địa” nữa.

Văn hoá được tạo thành bởi những hoạt động có “ý thức” hay “vô thức” của con người. Khen cho con mắt tinh đời (Kiều). Tác giả đã có lối nhìn chính xác và trung thực, toàn vẹn về con người ….(Ngày nay những nhà tâm lý học, nhất là những nhà tâm lý học miền sâu đểu công nhận rằng “Ý thức” chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng “Vô thức” hay “Siêu thức” vô biên vô lượng … còn ẩn tàng trong con người). Có ai trong chúng ta có thể nào phủ nhận “vô thức” không là thành tố quan trọng của Văn hoá hay không?

Các hoạt động ý thức hay vô thức của con người, không chỉ “tương tác” với nhau, mà còn “tác động” đến lối “ứng xử” của nhau nữa..Do trên nội dung Văn hoá không chỉ “đa dạng”, “rộng lớn: mà còn “sâu thẳm” nữa….

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười: Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” – của Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hoá Việt Nam “Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong Lịch sử10Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hoá Việt Nam – Bộ Giáo Dục và đào tạo -do Nguyễn Như Ý chủ biên Nxb Văn Hoá. (10)

Đặc điểm của định nghĩa thứ mười này:

Tuy không nêu ra được điều gì mới, nhưng tương đối ngắn gọn và mang tính phổ thông.

Xác nhận Con người là chủ thể của Văn hoá.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Một: của nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Taylor. “Văn Hoá hay Văn Minh hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đao đức, luật pháp phong tục và bất cứ khả năng tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội”11Dẫn theo M.J Herskovits trong “Les bases de l’anthropologie culturelle”Paris 1967 p5 (11).

Đây là cách định nghĩa theo miêu tả: Tác giả tìm hiểu nội dung Văn hoá bao gồm những yếu tố nào thì cố gắng liệt kê ra cho đầy đủ.

Đặc điểm của định nghĩa thứ 11:

Tác giả định nghĩa tổng quát Văn hoá là một “tổng thể phức hợp” Cách gọi này đa số người đồng ý, nhưng cũng có một ít người không đống ý hay chê trách và lên tiếng phản bác….

Tác giả quan niệm Văn Minh theo nghĩa rộng thì đồng nghĩa với Văn Hoá

Nội dung Văn hoá gồm 7 yếu tố: Kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, tập quán…

Không những thế, văn hoá còn là bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được từ…xã hội.

Định nghĩa này không đề cập đến những giá trị vất chất, cũng là một thiếu sót lớn.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Hai: của UNESCO Tháng 11 năm 1989. “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động12Người Đưa Tin UNESCO Tháng 11-1989, trang 7 (12)

Đặc điểm của định nghĩa thứ 12:

Chính văn hoá làm thành bản sắc bản lĩnh của mỗi dân tộc khác nhau.

Trong định nghĩa Văn hoá thứ 11 của E B Taylor đã bỏ sót giá trị vất chất nên UNESCO 1989 đã bổ sung “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất (tức giá trị vật chất) cho đến tín ngưỡng, phong tuc, tập quán, lối sống và lao động” (giá trị tinh thần).

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Ba: Của Nhà Xã Hội học Mỹ Wiliam Isaas Thomas. “Văn hoá là các giá trị Vật chất và Xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử”13Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn-Sdd 2004 Nxb Văn Hoá – Thông Tin trang 11 (13).

Đây là cách định nghĩa văn hoá nhằm xác định những chuẩn mực, hay những bảng giá trị xã hội và thời đại.

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Trong Văn hoá tác giả đưa ra 2 loại giá trị “Giá trị vật chất & Giá trị xã hội. Thực ra trong văn hoá Đông Phương và Việt Nam, còn nhiều giá trị khác, chứ không phải chỉ có 2 loại giá trị này mà thôi.

Chúng ta cần nghiên cứu kỹ để bổ sung thật đầy đủ các giá trị hình thành Văn hoá Việt Nam. Nhiên hậu, chúng ta mới có thể thiết dựng “Bảng giá trị mới” trong “Dân tộc Học” và “Văn hoá Học” Việt Nam.

Cánh cửa mới đã được mở ra đang chờ những nhà nghiên cứu Văn Hoá, Văn Minh, Văn Hiến Việt Nam bước vào….

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Bốn: của 2 nhà học giả Mỹ William Graham Sumner và Albert Galloway Keller thuộc Đại học Yale. “Văn hoá là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hoá hay văn minh…Những sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa”14Dẫn theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn sdd 2004 Nxb Văn Hoá – Thông Tin trang 11-12. (14).

Đặc điểm của định nghĩa thứ 14:

Lối định nghĩa này áp dụng khoa Tâm Lý học điều hoà, thích nghi, thích ứng với môi trường thiên nhiên cũng như xã hội, kể cả ứng phó với thiên tai (do thiên nhiên gây ra bão lụt, hỏa hoạn, sóng thần …) đến nhân tai (Do con người tạo ra như áp chế, độc tài bạo lực và chiến tranh) nhất là ứng phó với những mâu thuẫn xã hội, quốc gia và quốc tế.

Công việc thích nghi với môi trường, là cả một quá trình học hỏi rèn luyện hình thành thói quen, hình thành nếp nghĩ nếp sống, và lối ứng xử của con người trở thành tập tục và truyền thống.

Tác giả lưu ý chúng ta, những thích nghi của con người được bảo đảm bằng con đường “kết hợp” những thủ thuật như “biến đổi” “chọn lựa” và “truyền đạt” bằng “kế thừa”.

Các nhà nghiên cứu Âu Mỹ ít người nhìn vấn đề biến dịch theo quan niệm “Âm Dương” “Động- Tĩnh” như cách nhìn của Kinh Dịch. Nhưng bằng những phương pháp và đường lối khác họ cũng khám phá tiến trình của Văn hoá là tiến trình thích ứng, điều hoà của con người thành hình những “thói quen”, “nếp nghĩ”, “nếp sống”, “truyền thống” và vừa “kế thừa” quá khứ vừa “truyền thừa” cho các thế hệ sau trong tương lai. Đó là mặt TỊNH của Văn hoá. Còn Mặt ĐỘNG là kết hợp những “biến đổi”, “chọn lựa” (lấy cái này bỏ cái kia) “truyền đạt”, “kế thừa” và “Truyền thừa” . Giữa 2 mặt TỊNH và ĐỘNG là cây cầu: SỐNG- CÒN- NỐI- TIẾN- HÓA”. Quán chiếu bản chất của Văn hoá như trên, chúng ta có thể khẳng định 2 mặt TỊNH và ĐỘNG trong Văn hoá là 2 nguyên lý không thể thiếu được khi chúng ta định nghĩa Văn hoá hay muốn bảo tồn và phát huy Văn Hoá Việt Nam.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Lăm: của Ralph một nhà Nhân Loại học Hoa Kỳ.

A- Văn hoá suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội.

B- Văn hoá là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa”15Dẫn Theo Phạm Thái Việt và Đào Ngọc Tuấn Sdd 2004 Nxb Văn Hoá – Thông Tin trang 12. (15)

Lối định nghĩa này theo cấu trúc chú trọng về mặt tổ chức, cấu trúc của các nền văn hoá.

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Văn hoá suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội.. Có nghĩa là các thành viên trong xã hội tạo nên các phản ứng có tổ chức – lập đi lập lại ít hay nhiều như thế nào thì Văn hoá có sắc thái hay bản lĩnh đó.

Văn hoá là sự kết hợp giữa các lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa, có nghĩa là các lối ứng xử không phải của từng cá nhân mà lề lối ứng xử về bất cứ phương diện nào, hoàn cảnh nào, thành tố nào phải được các thành viên trong xã hội tán thành mới thành “thói quen”, “tập tục” hay “truyền thống” được kế thừa từ tổ tiên hay truyền thừa lại cho các thế hệ sau.

Khoa Văn hoá Tổ chức nay đã được nghiên cứu sâu rộng tại các Quốc Gia tân tiến Âu Mỹ, trong khi khoa này còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Tuy nhiên chúng ta cần ý thức một cách sáng suốt rằng mỗi khoa hay mỗi phương pháp nghiên cứu văn hoá đều có giới hạn của nó, hay nói đúng hơn đều có ưu điểm và khuyết điểm và chỉ là phương tiện phụng sự văn hoá và con người mà thôi. . Xin đừng ai lầm lẫn giữa “phương tiện” và “cứu cánh” hay nói theo lời Đức Phật dậy “Đừng lầm ngón tay ta và mặt trăng”…

Chưa có thời đại nào các vấn đề “Tôn giáo”, “Văn hoá”, “Chính trị” và “Xã hội” lại quan trọng và liên quan gắn bó mật thiết với nhau, gần như không thể tách rời cho bằng thời đại chúng ta.

Về mặt Tâm linh Minh triết hay mưu lược người Việt không thua kém ai, nhưng về mặt “Tổ chức” hay “Văn hoá Tổ chức” chúng ta còn kém (hay thua kém nhiều lắm!). Chúng ta nên nhìn thẳng vào khuyết điểm này để kịp thời sửa chữa. Bước đầu chúng ta nên đề cao tinh thần “Tự Phê”, “Tự Phán” một cách thành khẩn, không nên đổ lỗi cho người mà nên tự mình phải “Phản Tỉnh thâm uyên” (Chữ dùng cùa nhà Văn hoá Lý Đông A để tự phê, tự phán cá nhân mình, cũng như tổ chức của  mình!), chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra con đường Sáng, Con đường Sống, cho các tổ chức từ Đảng Phái cho đến Liên Minh, Mặt Trận, Lực Lượng, hay Phong trào chính trị của Phe Quốc Gia, bắt đầu từ hải ngoại cho đến trong nước.!

Cần duyệt xét lại từ nền tảng Nền Văn Hoá Chính Trị Việt!

Chúng ta cần có Tâm linh Việt, Minh triết Việt, Văn hoá Việt, Giáo dục Việt, Chính trị Việt, Xã hội Việt, Con mắt Việt, Tổ chức Việt và Hành động Việt. Hãy khóc lên ôi Quê hương yêu dấu!

Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thâm sâu Văn Hoá Tổ Chức của Âu Mỹ kết hợp với tinh hoa tổ chức của Văn Hoá Việt Nam.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Sáu: của PGS Phan Ngọc. Khác với những định nghĩa trước đây thường mang tính chất “Tinh Thần luận”, PGS Phan Ngọc muốn định nghĩa văn hoá theo “Thao Tác luận”. Thực vậy, trọng cuốn “Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam” tác giả quan niệm: 1/Không có cái vật gì gọi là văn hoá cả và ngược lại bất cứ vật gì cũng có cái mặt văn hoá. 2/Văn hoá là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. 3/ Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng cho một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, cá nhân khác. Nét khác biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau tạo thành nền văn hoá khác nhau là độ khúc xạ. 4/ Tất cả mọi cái mà tộc người tiếp thu hay sáng tạo, đều có một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lãnh vực và rất khác độ khúc xạ ở một tộc người khác.

Từ những nhận định trên, tác giả đưa ra một định nghĩa Văn hoá như sau: “Văn hoá là mối quan hệ, giữa thế giới biểu tượng, trong óc của một cá nhân, hay một tộc người với thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này, hay tộc người này mô hình hoá, theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất, chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hoá dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác” 16Phan Ngọc – Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam trang 14-17, Nxb Văn Hoá Thông Tin Hà Nội -1998.(16).

Đặc điểm của định nghĩa thứ 16:

Phải nói ngay rằng các nhận định trên về văn hoá của tác giả Phan Ngọc khá độc đáo và hay.

Điều biểu hiện rõ nhất của văn hoá chính là sự lựa chọn (Thí dụ về cách ăn: Có dân tộc thích ăn bốc, người Việt ăn bằng đũa, người Tây Phương ăn bằng thìa, dao nĩa v.v…- Thí dụ về cách đối xử với người chết: cũng có những chọn lựa khác nhau: địa táng (chôn dưới đất), thủy táng (thả xuống nước), hỏa táng (đốt thành tro), điểu táng (để xác cho chim ăn thịt), ướp xác, tượng táng (biến xác chết thành pho tượng, quét sơn lên để giữ gìn v.v…) Không thể nói kiểu chọn lựa nào hay hơn kiểu chọn lựa nào vì đều là phương cách biểu hiện văn hoá của mỗi cá nhân hay của một dân tộc…

Tuy nhiên văn hoá, không chỉ là “quan hệ” – “giao tiếp” – và “chọn lựa” mà còn nhiều “tác năng” và “chức năng” khác nữa ….. Do đó chúng ta thấy rằng định nghĩa văn hoá theo “Thao tác luận” khá hay và độc đáo, nhưng chính “Thao tác luận” cũng bị “giới hạn” bởi chính “phương pháp” mà tác giả đã chọn lựa!!! chẳng phải thế sao?

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Bẩy: của triết gia Jean Paul Sartre. Trong cuốn “Luận Cương về Văn Hoá Việt Nam” của học giả Vũ Ký có đề cập đến định nghĩa Văn hoá của triết gia Jean Paul Sartre chúng tôi xin trích lại như sau:

Nói văn hoá là nói sáng tạo, hấp thụ, và lưu truyền cho nên Jean Paul Sartre định nghĩa rất thông thường: “Văn hoá là hiện thể của quá khứ, và dự phóng hiện thể của tương lai” 17Dẫn theo Vũ Ký – Luận Cương về Văn Hoá Việt Nam trang 19 do Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội Việt Nam xuất bản tháng 1 năm 1996 Bruxelles –Belgique. In lần thứ hai tại Hoa kỳ 1997.(17)

Tiếp theo trên, là lời nhận định tâm huyết của Học giả Vũ Ký mà chúng tôi rất lấy làm tâm đắc18Vũ Ký sdd trang 19-21 in lần thứ hai tại Hoa Kỳ 1997. (18).

“Do định nghĩa trên, ta có thể nói đến phương diện tịnh (=hiện thể của quá khứ) và động của văn hoá (=dự phóng hiện thể của tương lai).

“Xét về mặt tịnh, thì hiển nhiên, thực chất văn hoá của một đất nước, trong quá khứ trong hiện tại là đối tượng của sự nghiên cứu. Do đó việc truy nguyên, phân tích nhận định, không khó khăn. Ví dụ: bản sắc nền văn hoá ấy có những đặc tính nào? Các yếu tố hình thành gồm có những gì? Nền văn hoá ấy chịu ảnh hưởng ngoại lai nào? và ảnh hưởng ấy tác động ra sao? v. v…

Nhưng khi xét đến mặt động của văn hoá một dân tộc, nghĩa là sự chuyển vận, lưu hành hiện diện, sự trở nên của nó trong thời gian gần, trong tương lai xa, thì rất phức tạp, không dễ dàng. Cần vận dụng nhiều nghiên cứu sâu rộng và óc khảo sát, nhận định sáng suốt, căn cứ trên các dữ kiện văn hoá, các điều kiện tinh thần, tâm linh của dân tộc ấy cùng nhiều kinh nghiệm về văn hoá sử quốc gia và quốc tế để tiên liệu, đoán trước và định hướng cho nền văn hoá ấy tiến tới trong tương lai.

Các nhà làm văn hoá, các bậc thức giả, nhìn xa thấy rộng có thể gọi nhà tiên tri văn hoá không nhỉ? phải đi tiên phong trong hướng dẫn, chủ trương thúc đẩy văn hoá về mặt động của nó hòng đạt đến mục tiêu tối hậu là xây dựng cho kỳ được một nền văn hoá lương hảo cho cộng đồng dân tộc mình trong mai hậu. Nền văn hoá ấy chẳng những bảo tồn phát huy tinh hoa bản sắc dân tộc mà còn gạn lọc để du nhập chất liệu tốt đẹp, tiến bộ ngoại lai hòng nền văn hóa dân tộc mình khỏi sa vào đại họa hậu tiến, biến chất hoặc vong bản. Trách nhiệm định hướng để văn hoá tiến triển cùng sự thể hiện để hình thành nền văn hoá ấy là công trình của cả một tập thể, của cả một cộng đồng, biểu lộ sức sống, ý chí tự tồn tại của cả giống nòi.

Nói đến mặt tịnh của văn hoá, chúng tôi thường dùng đến từ ghép “văn hoá sử” biểu hiện tính chất tịnh, và đó là cơ sở, nền tảng của văn hoá sử. Và khi nói đến mặt động chúng tôi cũng dùng các từ “Giòng văn hoá sử” chỉ dẫn tiến trình, chuyển động, vận hành của văn hoá. Có người cho rằng chúng tôi dùng tiếng “sử” trong hai danh từ ghép đó là thừa. Và sở dĩ chúng tôi dùng tiếng văn hoá sử chứ không dùng tiếng văn hoá đơn độc là muốn gồm cho được nhiều giai đoạn văn hoá trên trình tự văn hoá làm nên lịch sử văn hoá của một đất nước. Nền văn hoá sử một đất nước có vững chắc, thì giòng văn hoá sử, mới khỏi chao đảo, nghiêng lệch sai lạc theo thời gian mà tác hại lâu dài đến dân tộc….”

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Tám: của Văn Hào Pháp André Malraux (1901-1976). “Văn hoá là tất cả các hình thái của nghệ thuật, tình yêu và suy nghĩ, những thứ mà trong sự tồi tệ cũng như trải qua bao nhiêu thế kỷ đã khiến cho con người trở nên ít nô dịch hơn”19André Mailaux (Sinh 3 Tháng 11 Năm 1901 mất Ngày 23 Tháng 11 Năm 1976 tại Cre’teil, Val-de- Marne) là một Văn Hào ( từng đoạt giải Goncourt) nhà phiêu lưu Pháp và là một chính trị gia (Từng làm Bộ Trưởng Văn Hoá Pháp 1058- 1969). (19)

Đặc điểm và hệ luận của định nghĩa này:

Nhiều nhà nghiên cứu Văn hoá Đông phương ảnh hưởng Kinh Dịch thường phân loại các khái niệm văn hoá hay các sự vật quy chiếu vào 3 phạm trù lớn là “Tam Tài” – Thiên Địa Nhân hay “Ngũ – Hành” (kim Mộc Thủy Hỏa Thổ). Văn Hào André Mailraux khi định nghĩa văn hoá đã qui chiếu các yếu tố tạo nên văn hoá vào 3 phạm trù: “Nghệ Thuật”, “Tình yêu” và “Suy nghĩ” thật là tuyệt vời.

Ai cũng phải công nhận rằng “suy nghĩ” hay Tư Duy (Lý trí, Tư Tưởng…) là một phạm trù lớn trong văn hoá vì có suy nghĩ, có tư duy mới phân biệt được phải trái, đúng sai, mới khái quát các hiện tượng rời rạc thành nguyên tắc, thành nguyên lý, thành hệ thống ….tạo thành triết lý, triết học, luật pháp, chế độ v.v….

Nhưng “Nghệ thuật” là sự hài hoà giữa “Lý” và “Tình” là hồn của sáng tạo nên “Nghệ Thuật” cũng là một trong bộ ba CHÂN THIỆN MỸ…Do đó nên Văn hào Andre Mailraux người đã có con mắt triết mới đưa nghệ thuật vào 3 phạm trù lớn tạo nên văn hoá là rất đúng.

“Tình Yêu” hay “Tâm hồn” không những là một phạm trù lớn trong văn hoá vì “Nhất âm nhất dương chi vi đạo” (Kinh Dịch) mà Tình Yêu còn thăng hoa siêu hóa Lý Tình (Âm Dương) nữa!. Nếu kéo dài trạng thái Tình Yêu (viết Hoa) thì con người sẽ “hòa đồng” cùng vũ trụ. Đây cũng là câu nói thời danh của triết gia Lục Tượng Sơn thời nhà Tống bên Tầu “Ngô tâm tiện thị vũ trụ, vũ trụ tiện thị ngô tâm”(= Tâm ta ở trong vũ trụ và vũ trụ ở trong tâm ta).

Khi Chúa Jesus nói “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Ngài đã nói về tình yêu theo nghĩa vi diệu nhất này….

Nhà đạo học Oso Ấn Độ (nhiều người đã coi Olso như vị thầy vĩ đại-như một vị Phật sống trong thế kỷ 20 ) có nói rằng: “Chúa Jesus đã nói một câu rất hay “Thiên Chúa là Tình Yêu” còn tôi (Olso), tôi nói “Tình yêu là Thiên Chúa” …

Tình yêu đã quan trọng và vi diệu như vậy mà tại sao đa số những nhà văn hoá it ai đề cập đến tình yêu như một “phạm trù lớn” hay một “thành tố trong văn hoá. Tại sao vậy?? …Một phút lắng lòng…. Chúng ta đã hiểu vì sao rồi…..Chính giới trí thức trước hết phải tự chữa bệnh cho mình ….trước khi trở thành người hướng đạo về Văn hoá!

Qua định nghĩa trên, Văn hào Andre Malraux còn kín đáo cho chúng ta biết Văn hoá có sứ mạng giải phóng con người ra khỏi những cảnh tồi tệ, hay mọi hình thức “nô dịch” hoá con người”. Có điều trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, vấn đề “Tổng hợp’” hay “Tập Đại Thành Văn hoá Đông Phương và Tây Phương” cần phải đặt ra như một nhu cầu cấp thiết nhất cho toàn thể nhân loại.Trong Ý hướng đó vấn đề Sứ Mạng Văn Hoá mà các học giả Nguyễn Đăng Thục, Hồ Hữu Tường và nhà Văn Hào Andre Malraux đã tiên phong nêu lên, chúng ta cần làm sáng tỏ hơn bao giờ hết! (Vì trong thời đại toàn cầu hoá, với phương tiện thông tin tối tân và nhanh chóng nhất hiện nay không có lý do gì nhân loại phải chờ đợi… thêm nhiều thế kỷ nữa như đã từng chờ đợi trong nhiều thế kỷ đã qua?!)

Sau cùng, muốn bảo tồn và phát huy Văn hoá, muốn hoà điệu nền Văn Hoá Đông Phương và Tây Phương, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn: Tính Thể Văn Hoá là Gì? Như thế nào?

Ai đó làm thinh chớ nói nhiều….
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…

(Thơ Hàn Mặc Tử)

Đa tạ thi sĩ siêu thoát Hàn Mặc Tử đã giúp chúng ta cảm nhận một cách sống động thế nào là “Tình Yêu” là “Tinh Nghĩa” là “Bản Chất” hay “Hồn Tính” Văn Hoá Việt Nam….

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Mười Chín: của TS Elot. Thực ra đây chỉ là một định nghĩa văn hoá “gián tiếp” của Eliot – Ông là một văn gia người Anh đã đoạt giải Nobel văn chương 1948, nhưng ông nhận thấy định nghĩa văn hoá là điều quá khó khăn, nên ông rất cẩn trọng (hay tránh né). Mặc dầu ông viết cả một cuốn sách bàn về văn hoá, nhưng chỉ khiêm tốn là “Những ghi chú để tiến tới một định nghĩa về Văn hoá” (Notes towards the Definition of Culture). Chúng tôi gọi là định nghĩa văn hoá gián tiếp của Eliot là như vây.

T.S Eliot viết “Đối với xã hội, văn hoá bao gồm tất cả những hoạt động đặc biệt của một dân tộc, như đối với dân tộc Anh là ngày đua ngựa ở Derby, đua thuyền ở Henl, đua du thuyền ở Cowes, cuộc đua chó, trò chơi phóng tên, hoặc ăn phó mát Wensleydale, bắp cải luộc xắt thành miếng, củ cải đỏ ngâm dấm, đi nhà thờ làm theo kiểu Gothic thế kỷ XIX, nghe âm nhạc Elgar…”20It includes all the characteristic activities and interests of a people: Derby day, Henley Regetta, Cowes, the twelfth of August, a cup final, a dog races, the pin table, the dart board, Wensleydale cheese, boiled cabbage cut into sections, beetroot in Vinegar, nineteenth-century Gothic churches and the music of Elgar … – TS. Eliot, Notes towards the Definition of Culture, p.21. (20)

Qua nhân định trên, chúng ta thấy Eliot cho rằng Văn hoá là tất cả những gì làm cho cuộc sống thêm tươi, thêm vui, thêm đẹp, thêm hương vị, thêm mầu sắc, thêm thích thú hay nói khác đi văn hoá làm cho cuộc đời lên hương, giúp cho con người vui chơi, giải trí hân thưởng nghệ thuật vui hưởng cuộc sống.

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mươi: của nhà xã hội học Henri de Man. Khác với những nhà nghiên cứu văn hoá cổ điển khi định nghĩa văn hóa thường chú trọng vào giá trị tinh thần cao siêu thâm viễn của các cá nhân, những nhà xã hội học, nhân chủng học như Henri de Man hay Liton định nghĩa văn hoá là Lề Lối Sống Của Một Dân Tộc, Một Xã Hội Con Người.

Hen de Man định nghĩa: “Văn hoá là một lề lối sống dựa trên một niềm tin công cộng, vào một hệ thống và một tôn ti, trật tự, thứ bực giá trị làm cho đời sống có một ý nghĩa nhất định”21La culture est donc une configuration de la vie reposant sur la croyance commune à une hiérarchie de valeurs déterminées. Cette hiérarchie de valeurs donne à la vie une signification précise, elle s’incarne en un style de vie particulier, à travers des besoins et des normes communes de jugements. Henri de Man, L’Idée socialiste, p. 35. (21).

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mốt: của Liton. “Văn hoá của một xã hội là lề lối sống của các phần tử trong xã hội ấy. Đó là toàn bộ những ý tưởng và tập tục mà họ đã thâu lượm, chia sẻ và lưu chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hoá đem lại cho mỗi người của mỗi thế hệ những cách giải quyết hữu hiệu và lập thành về tất cả các vấn đề mà họ sẽ gặp phải. Những vấn đề này được nêu lên vì những nhu cầu sống trong một đoàn thể có tổ chức”22La culture d’une société est le mode de vie de ses membres, c’est l’ensemble des idées et des habitudes qu’ils acquièrent, partagent et transmettent de génération en génération. …La culture fournit aux membres de chaque génération des solutions efficaces et toutes prêtes pour la plupart des problèmes qui se poseront vraisemblablement aux. Ces problèmes sont eux-mêmes soulevés par les besoins d’individus vivant au sein d’un groupe organisé. – L’Originalité des Cultures (Unesco), p.12, note I. (22).

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mươi Hai: của Campagnolo. Có một số người đặt nặng vấn đề “Sáng Tạo” trong Văn hoá đã có định nghĩa Văn hoá là SÁNG TẠO.

Campagnolo chủ trương : “Văn hoá là sáng tạo những giá trị mới, không nhất thiết nô lệ quá khứ, không nhứt thiết chạy theo cái đã có, mà phải luôn luôn hướng về sự đổi mới.23Je ne sais pas si l’on peut définir toute culture comme la fonction de créer des valeurs qui ne sont ni la reproduction, ni la dérivation des valeurs existantes. – Comprendre No 16, Rencontre Est-Ouest, 5ème séance, p. 267. (23)

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mươi Ba: của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ. Trong cuộc nói chuyện về đề tài “Văn Hoá Là Gì?” của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ do Trung Tâm Nghiên Cứu và Thông Tin Tân Định tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc chiều ngày Chủ Nhật 13.7. 1969 – Bài nói chuyện về Văn hoá của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ rất súc tích. Đặc biệt tác giả đề cập đến 3 nền Văn hoá và 3 bình diện sống của con người:

Ba nền văn hoá là:

  • Văn Hoá Thần Linh (Culture Spirituelle)
  • Văn Hoá Nhân Bản (Culture Humaniste)
  • Văn Hoá Kỹ thuật, Vật chất (Culture Mterialiste – Techique)

Ba bình diện sống của con người:

  • Thần linh, hay Tâm linh, hay Thiên Đạo
  • Nhân Tâm, Nhân Bản hay Nhân Đạo
  • Vật Chất, Kinh tế hay Địa Đạo.

Bàn về định nghĩa Văn hoá, Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Trước tiên, muốn định nghĩa về văn hoá, tôi nghĩ nên có một định nghĩa hết sức rộng rãi, hết sức linh động để có thể phổ cập mọi nơi, mọi đời.

Vì lẽ đó mà tôi muốn định nghĩa “Văn hoá là tất cả những nỗ lực của muôn thế hệ nhân quần để vươn lên cho tới tinh hoa hoàn thiện, cho tới một đời sống lý tưởng về một phương diện nào hay về mọi phương diện và tất cả những công trình đã thực hiện được, những giai đoạn đã vượt qua được trên bước đường tiến hoá ấy24Cuộc nói chuyện của Trung Tâm Nghiên Cứu và Thông Tin Tân Định với đề tài “Văn Hoá là Gì” của B.S. Nguyễn Văn Thọ tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc hồi 17 giờ Ngày Chủ Nhật 13.7.1969 (24).

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mươi Ba có ưu và khuyết điểm sau:

1. Ưu điểm:

Đúng như nguyện vọng của B.S Nguyễn Văn Thọ. Định nghĩa văn hoá của tác giả rất rộng rãi và hết sức linh động…

Tác giả quan niệm “Thành quả của văn hoá là nỗ lực của nhiều người của nhiều thế hệ trong nước xây dựng lên.

Văn hoá có mục tiêu là giúp cho con người vươn tới tinh hoa hoàn thiện hướng tới một lý tưởng cao cả.

Sau cùng, Văn hoá còn là công trình mà con người đã thực hiện hay đã vượt qua trong tiến trình tiến hoá văn hóa xã hội…

2. Khuyết điểm:

Tác giả không xác định rõ Bản Chất Văn Hoá là gì? Hai mặt “Động” và “Tĩnh” của Văn hoá ra sao?

Sứ mạng Văn hoá trong hiện tại và tương lai như thế nào ?

Định Nghĩa Văn Hoá Thứ Hai Mười Bốn: của Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm Trong cuốn “Tìm về Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam”, trong lời nói đầu sách tác giả viết: “Về văn hoá Việt Nam cho đến nay, tuyệt đại bộ phận các công trình được viết ra theo hướng “lịch sử văn hoá” mang tính chất miêu tả, công phu tỉ mỉ, như của Lê Quí Đôn (1773), Phan Kế Bính (1915), Đào Duy Anh (1938), Nguyễn Văn Huyên (1944), Toan Ánh (1966-1969), Lê Văn Siêu (1972), Ban văn hóa văn nghệ Trung ương (1989) v.v… Bên cạnh giá trị tư liệu hết sức quí báu, các công trình loại này có 3 nhược điểm chủ yếu: a) tản mạn, thiếu tính hệ thống, tính qui luật, b) do vậy mà còn chứa rất nhiều mâu thuẫn nội tại, và c) thường bị chi phối một cách vô thức bởi căn bệnh “lấy Trung Hoa làm trung tâm”. Chỉ còn một số ít tác giả đã ít nhiều thoát ra khỏi tình trạng trên, như Kim Định (1973), Trần Quốc Vượng (1989), Phan Ngọc (1994) nhưng các công trình này hoặc còn mang nhiều cảm tính-cực đoan (như Kim Định) hoặc chưa tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh”

Từ nhận định khái quát trên, Tiến Sĩ Trần Ngọc Thêm đã “vận dụng cách tiếp cận hệ thống cấu trúc kết hợp với phương pháp so sánh – loại hình để tiến hành khảo sát văn hoá Việt Nam…”

Riêng về định nghĩa Văn hoá tác giả viết: “Nhược điểm lớn nhất của nhiều định nghĩa văn hoá lâu nay là ở chỗ coi văn hoá như một phép cộng đơn thuần của những trí thức bộ phận. E.B Taylor định nghĩa văn hoá như một “phức hợp (Chu Tấn in đậm) bao gồm trí thức tín ngưỡng, nghệ thuật đạo đức, luật pháp, phong tục, cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên của xã hội… tiếp thu được”. Định nghĩa văn hoá trong các loại tự điển, các công trình nghiên cứu …thường mở đầu bằng câu ‘Văn hoá là một tập hợp (hoặc phức hợp) của các giá trị”… Quan niệm cảm tính này là sản phẩm của lịch sử, của thời kỳ chia tách các khoa học-khi mà văn hoá chưa được coi là đối tượng của một khoa học độc lập”

Sau khi vận dụng cách tiếp cận hệ thống cấu trúc kết hợp với phương pháp so sánh – loại hình tác giả khám phá thấy văn hoá có 4 tính chất đặc trưng sau đây:

  • Tính Hệ Thống.
  • Tính Giá Trị.
  • Tính Nhân Sinh.
  • Tính Lịch Sử…

Theo tác giả Trần Ngọc Thêm trong 4 tính đặc trưng nói trên tính Hệ Thống quan trọng nhất! và tác giả đã định nghĩa Văn hoá như sau:

Văn Hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,(tác giả TNT ghi đậm) trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình25Trần Ngọc Thêm – Tìm Về Bản Sắc Văn Hoá Viêt Nam trang 21-27 Nxb TP Hồ Chí Minh 1997. (25).

Trước khi nhận định về Định Nghĩa Văn Hoá thứ 24 này, chúng tôi xin phép được tóm tắt quan niệm của tác giả và sau đó đưa ra những nhận xét của cá nhân chúng tôi:

1. Quan niệm của Tác giả Trần Ngọc Thêm về định nghĩa Văn hoá:

Trước hết T.S Trần Ngọc Thêm “chê” các định nghĩa về văn hoá từ lâu nay đều có nhược điểm (Chu Tấn in đậm) là coi văn hóa như một phép cộng đơn thuần (?) của những trí thức bộ phận…điển hình như định nghĩa văn hoá của E.B Taylor… các định nghĩa lâu nay (?) đều có tính cách “cảm tính” (Chu Tấn in đậm)

Các định nghĩa văn hoá lâu nay (?) sở dĩ có nhược điểm đó theo Trần Ngọc Thêm là vì không nhìn ra tình chất “Hệ Thống” quan trọng trong văn hoá. Hơn nữa trước đây người ta nghiên cứu văn hoá theo các bộ môn nghiên cứu riêng rẽ, nên chưa có cái nhìn tổng quan nhất là khi môn “Văn hoá Học” chưa ra đời.

Tác giả Trần Ngọc Thêm áp dụng phương pháp “hệ thống Cấu Trúc” kết hợp với “phương pháp so sánh loại hình” mà tác giả cho là phương pháp mới để khám phá Văn Hoá Việt Nam.

Vẫn theo tác giả Trần Ngọc Thêm văn hóa có 4 tính chất tượng trưng mà trong đó tính chất Hệ Thống là quan trọng nhất. Do đó tác giả đã đi tới định nghĩa “Văn hoá là một Hệ Thống Hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn”.

2. Nhận xét của chúng tôi về định nghĩa văn hoá thứ 24 của TS Trần NgọcThêm:

Trước hết chúng tôi thấy tác giả Trần Ngọc Thêm chê các nhà nghiên cứu văn hoá trước ông như Lê Quí Đôn, Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Toan Ánh, Lê Văn Siêu, hay Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương (1989) v.v…khi định nghĩa về văn hóa đều mắc bênh “tản mạn, không nhìn ra tính hệ thống, tính qui luật của văn hóa”? Lời phê bình này của tác giả Trần Ngọc Thêm không những là “phiến diện” mà còn mang tính “hàm hồ” vì chính tác giả Trần Ngọc Thêm vô tình hay hữu ý đã đánh mất đi tinh nghĩa hay cái hồn của văn hoá! Điều chúng ta không phủ nhận là văn hoá – nhất là “Văn hoá Lý tính”, “Văn hoá Nhận thức” mang tình hệ thống, hay tính qui luật, nhưng còn “Văn Hoá Nghệ Thuật”, “Văn Hoá Tình Yêu” hay “Văn Hoá Tâm Linh”… không hề mang tính “Hệ Thống” hay Tính “Qui luật: nào cả! Vậy mà tác giả Trần Ngọc Thêm lại đem tính “Hệ Thống” ra để định nghĩa Văn hoá tổng quát nói chung thì có phải là “khiên cưỡng”, “phiến diện” hay “quáng gà “hay không?

“Đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước”!

(Thơ Lê Đạt  trích trong Nhân Văn Giai Phẩm)

Ai cũng hiểu để điều hành việc giao thông trong thành phố thì phải theo một “qui ước” hay “qui luật nhất định” nhưng tình cảm yêu đương trong trái tim con người có theo một qui luật hay một hệ thống nào đâu? Vậy nếu ai không định nghĩ Văn hoá là môt “Hệ Thống” như kiểu định nghĩa của Trần Ngọc Thêm thì đều là tản mạn, cảm tính hết hay sao?? Những người theo chủ thuyết Cộng sản hay định nghĩa văn hoá là “Ý Thức Hệ” và quả quyết rằng Văn hoá chỉ là Ý Thức Hệ của đấu tranh giai cấp chứ không là gì khác, nay Trần Ngọc Thêm áp dụng phương pháp Hệ Thống Cấu trúc khi định nghĩa Văn hoá là “Hệ Thống” hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần… chúng ta không lấy làm lạ.

Tác giả Trần Ngọc Thêm sau khi “chê” các nhà nghiên cứu Văn hoá trong nước, chê luôn các nhà nghiên cứu văn hoá thế giời tiêu biểu như Edward Bernett Tylor khi ông định nghĩa văn hoá là “một Tổng Thể Phức Hợp vì bao gồm nhiều thành tố như kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục tập quán…” Phải chăng Trần Ngọc Thêm không những không đồng ý với định nghĩa Văn hoá là một “Tổng thể” lại còn là Tổng Thể Phức Hợp” mà ông cho rằng là một “phép cộng đơn thuần của những trí thức bộ phận…” nên có nhược điểm “không biết tổng quát hoá thành Hệ Thống” vì lý do “Cảm Tính” hay vì giới hạn lịch sử, khi khoa “Văn Hoá Học” chưa ra đời như một bộ môn Văn Hoá chuyên ngành có tính cách độc lập nổi bật như hiện nay. Lối “chê” này của Trần Ngọc Thêm vừa mang tính chủ quan “phiến diện” vừa mắc bệnh “duy lý” đến mức “quá đà” khi cho rằng bất cứ loại hình văn hoá nào cũng có thể “tổng quát hoá”, “qui luật hoá” thành “Hệ Thống”. Điều mà TS Trần Ngọc Thêm không biết rằng yếu tính hay bản chất văn hoá vừa có tính chất “hệ thống” vừa “phi hệ Thống” vừa “siêu hệ thống”. Chính vì yếu tính diệu kỳ này nên học giả Lowell đã thú nhận rằng: “Tôi đã được ủy nhiệm nói về văn hoá, nhưng ở trên đời này không có gì phiêu diêu, mông lung hơn là danh từ văn hoá. Người ta không thể phân tách văn hoá, vì thành phần nó vô cùng tận…Người ta không thể mô tả văn hoá vì nó muôn mặt. Muốn cô đọng ý nghĩa văn hoá thành lời lẽ thì cũng như tay không bắt không khí: Ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi và riêng trong tay chẳng nắm được gì…”26Thus in their introduction to the Volume Culture: A critical Review of Concepts and Definitions, the anthropologists L. Kroeber and Clyde Kluckhohn quoted Lowell’s confession: «I have been entrusted with the difficult task of speaking about culture. But there is nothing in the world more elusive. One cannot analyse it, for its component are infinite. One cannot describe it, for it is a Protean in shape. An attempt to encompass its meaning in words is like trying to seize the air in the hand, when one finds that it is everywhere, except in one’s grasp.» – Cf. Gerald Holton, Science and Culture, Houghton Mifflin Co, Boston, The Riverside Press, Cambridge 1955, p. VII. (26)

Về cách tiếp cận “cấu trúc” kết hợp với phương pháp so sánh loại hình mà tác giả Trần Ngọc Thêm đã áp dụng khi nghiên cứu văn hoá Việt Nam, chúng ta thấy gì? Theo dòng tiến hóa của lịch sử, càng ngày nhân loại càng tìm tòi sáng tạo ra những đường hướng mới, phương pháp khám phá mới về văn hoá. Đây là những bước tiến mới rất đáng mừng, rất đáng hoan nghênh, nhưng khi nhà nghiên cứu văn hoá chọn lựa và áp dụng bất kỳ một phương pháp mới nào thì phải hiểu rằng “Đường lối hay phương pháp mà mình áp dụng chỉ là “Phương tiện” để khám phá chân lý văn hoá mà thôi – có thể phương pháp tân tiến này hay hơn các phương pháp nghiên cứu văn hoá cũ – nhưng chỉ hay hơn về phương pháp – nói theo thuật ngữ Phật giáo là “Phương tiện thiên xảo” hơn các phương tiện khác mà thôi, chứ không thể tôn vinh một phương pháp tân tiến nào như là cùng đích của văn hoá có thể giúp mình nắm chân lý Văn hoá ở trong tay! Thái độ quá tin tưởng trở thành “cực đoan”, “hãnh tiến” hay “kiêu ngạo” này rất nguy hiểm! vì mang tính chất bạo động với chân lý! Những ai mắc phải thái độ hãnh tiến vô lối này thì thường đi từ một cực đoan này tiến sang một cực đoan khác, vừa không khám phá ra chân lý hoặc chỉ ôm lấy những “mặt trời mù” thay vì tìm ra Chân Lý đích thực của Văn Hoá! Thực vậy, ngay cả những nhà nghiên cứu sáng tạo ra trường phái “Cấu trúc” hay phương pháp so sánh loại hình cũng chưa ai lên tiếng định nghĩa “Văn Hoá là một Hệ Thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần…” như Trần Ngọc Thêm đã khẳng định! Dĩ nhiên đây không là lỗi tại “đường hướng” hay “phương pháp” mà tác giả đã chọn lựa để nghiên cứu văn hoá nhưng chỉ là thái độ “Bảo hoàng hơn Vua” do óc phê phán chủ quan phiến diện của tác giả mà ra nông nỗi!!! Lối định nghĩa văn hoá khẳng định chắc nịch bao quát tất cả các loại hình văn hoá theo kiểu Trần Ngọc Thêm không những không thuyết phục được mọi người mà còn có tác dụng làm khô cứng làm thui chột, và đánh mất “Hồn tính” của văn hoá vậy. Khi định nghĩa văn hoá là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần của con người…” là tác giả đã vô tình thu hẹp các bảng giá trị văn hoá nhân loại vào trong hệ thống “Nhị giá”, “vật chất” và “tinh thần” trong khi giá trị Văn hoá nhân loại là “Đa giá” không phải chỉ có giá trị “vật chất” và “tinh thần” mà thôi đâu! Thí dụ như nền Văn hoá Đông phương hay nói “Văn Hoá Tuệ Giác”, “Văn Hoá Bát Nhã” hay “Văn Hoá Tính Không” thì không thể cô đọng trong một hệ thống nào cả! vì bản chất nó là phi vật chất, phi ý niệm …phi phi tưởng và hơn thế nữa bản chất nó đã là “Tánh Không”… ”Bản Lai Vô nhất Vật” như lời phát biểu của Lục Tổ Huệ Năng… Chỉ cần đơn cử một hai thí dụ như trên chúng ta thất ngay sự phiến diện, thiếu sót quá đáng hay sự “thiển cận quáng gà” về nhận thức Văn hoá của tác giả Trần Ngọc Thêm!

Định Nghĩa Văn Hóa Thứ Hai Mươi Lăm: của Chu Tấn. Là kẻ hậu sinh, hậu học, Chu Tấn tôi cũng xin mạo muội đưa ra một định nghĩa Văn hoá mới tương đối trung thực, chính xác và đầy đủ đáp ứng nhu cầu Thời đại Toàn Cầu Hóa” như sau:

Văn hoá là hiện tính của Sự Sống và là tinh hoa của Đạo Sống con người. Văn hoá thường biểu hiện trên hai mặt Động và Tĩnh..Xét về “phương diện TĨNH” Văn hoá là trạng thái thích nghi với hoàn cảnh, ứng xử với tha nhân, làm thành “thói quen”, “nếp nghĩ”, “nếp sống”, “phong tục tập quán”, “thuần phong mỹ tục”, hình thành các “giá trị truyền thống” của cả dân tộc “truyền thừa” cho các thế hệ sau…. Xét về “phương diện ĐỘNG” Văn hoá là động lực tiến hoá cá nhân và xã hội, hướng tới dự phóng tương lai theo tiến trình “Dung Hoá”, “Sáng Hoá” và “Sống Hoá” sự sống con người, dân tộc, thế giới và thời đại. Văn hoá không những có sứ mệnh giáo hoá con người mà còn có sứ mệnh giải thoát con người, xây dựng xã hội, gìn giữ Hòa Bình và xây dựng nền “Thái Hoá Nhân Loại” (Xin xem “Sứ Mệnh Văn Hóa cũng trong Tuyển Tập này).

II- Những Ghi Nhận Cần Lưu Tâm Và Đào Sâu Hơn Nhằm Phát Huy Tập Đại Thành Văn Hoá Việt Nam.

Sau khi đã nhận định sơ lược về 25 định nghĩa văn hóa nói trên; Giờ đây muốn phát huy Văn Hoá Việt Nam, chúng ta cần khách quan ghi nhận những sự kiện hay những nhận thức mới, tư tưởng mới, chân lý mới liên quan đến nội dung Văn Hoá Việt Nam như sau:

Ghi nhận 1: Điều không ai có thể phủ nhận được là “Nội Dung Văn Hoá” rất bao la bao gồm rất nhiều yếu tố…. nên việc đi tìm một định nghĩa Văn Hoá đúng nhất hay nhất là điều khó khăn vô cùng… Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta phải cần lưu tâm tìm hiểu sâu xa hơn nhằm xây dựng nền tảng và phát huy Văn hoá Việt Nam…

Ghi Nhận 2: Một khi chúng ta thừa nhận rằng: “Văn hoá rất khó định nghĩa” nhưng khi một người hay một cơ quan văn hóa (như Cơ quan Văn Hoá Giáo dục UNESCO chẳng hạn) muốn thuyết minh một đề tài văn hoá, hay muốn công bố một chủ trương văn hoá nào đó hoặc muốn phát huy văn hoá, phổ biến văn hoá (thí dụ viết báo, viết sách….nói trên đài phát thanh, đài truyền hình v.v…) thì cá nhân, hay nhóm người hay cơ quan văn hoá lại không thể không định nghĩa văn hoá là gì ….(Vì nếu không định nghĩa văn hoá là gì? thì làm sao độc giả khán thính giả hay quần chúng hiểu được?). Đây lại là khó khăn thứ hai! Mà khó khăn này lại yêu cầu cá nhân, nhóm người hay cơ quan văn hoá – bắt buộc phải giải quyết! chứ không thể né tránh hay làm ngơ được ! (Smile)….

Ghi Nhân 3: Trước 2 khó khăn 1 và 2 nói trên, nhà nghiên cứu văn hoá hay cơ quan văn hóa chỉ có 2 cách giải quyết; Một là tác giả (cá nhân) hay cơ quan văn hoá (tập thể) tự đưa ra một “định nghĩa văn hoá mới”. Điều này cắt nghĩa vì sao với thời gian, số lượng định nghĩa văn hoá ngày một tăng thêm nhiều” (năm 1952 hai nhà nhân loại học Mỹ đã tổng kết có 164 định nghĩa văn hóa khác nhau và sẽ còn tăng lên nhiều nữa!). Hai là: dựa vào một định nghĩa văn hoá cũ mà tác giả hay cơ quan nghiên cứu văn hoá xét thấy là hợp tình hợp lý hơn cả….

Ghi Nhận 4: Vì nội dung văn hoá quá bao la nhất là văn hoá thuôc khoa học xã hội (Social science) và nằm trong “thế giới biểu tượng” (Symbolic world)” nên dù nhà nghiên cứu văn hoá hay cơ quan văn hoá có trình độ kiến thức chuyên môn, uyên bác đến đâu chăng nữa, và áp dụng phương pháp định nghĩa văn hoá tân tiến nào chăng nữa… thì cũng chỉ đi tới mục đích là tìm ra một định nghĩa văn hoá “tương đối hay”, “tương đối chính xác” và “thích hợp” với thời đại hơn cả mà thôi! Nếu những cá nhân nào, cơ quan văn hoá nào có cao vọng tìm ra một định nghĩa Văn hoá “tuyệt đối đúng”, “hay nhất”, “chính xác nhất” thì đó chỉ là ảo tưởng…. “Những ai không hiểu lẽ đời – Sẽ đau khổ mãi thiệt thòi tuổi xanh”. Dù có “hãnh tiến”, “cao ngạo” đến bực nào, họ chỉ chạy theo “cái ngã” của chính họ, và là nạn nhân của chính họ mà thôi.

Ghi Nhận 5: Vì nhu cầu tìm hiều, nghiên cứu, phát huy và phổ biến văn hóa nên có nhiều định nghĩa văn hóa khác nhau….Không những thế, theo dòng thời gian, nhân loại còn khám phá ra nhiều phương pháp định nghĩa văn hóa khác nhau từ phương pháp “Duy danh định nghĩa”, “phương pháp miêu tả”… phương pháp định nghĩa văn hoá “theo chức năng”, theo “mục đích hay cứu cánh” của văn hoá đến phương pháp “Xã hội học”, “Nhân chủng học” hay định nghĩa văn hoá theo “Tinh thần luận”, “Tính thể luận”, “Thao tác luận”, “Cấu trúc luận” v.v… Song ở đây người viết muốn đề cập tới phương pháp “Duy danh định nghĩa” vì phương pháp này tạo ra một lối nhìn, một nếp nghĩ về văn hoá của các học giả văn hoá Đông phương, có phần khác biệt với cái nhìn hay nếp nghĩ của các học giả văn hoá Tây Phương. Nguyên do như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ, khi nền văn hoá Tây phương tràn sang Đông phương, mà điển hình là tại 3 nước:Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Cả 3 nước này đều không có danh từ nào là Văn hoá cả! Việt Nam có danh từ “Văn Hiến” nhưng không có danh từ Văn Hoá theo nghĩa “Culture” (như trong ngôn ngữ Pháp và Anh) hay “Kutlura (theo tiếng Đức) và Cultus (Tiếng La Tinh). Vậy muốn dịch chữ “Culture” (văn hóa) rất thông dụng trong ngôn ngữ Tây Phương sang tiếng quốc gia sở tại phải làm sao? Vì sự thiếu sót về danh từ quan trọng này nên người Trung Hoa mới lấy chữ VĂN và chữ Hoá (hai chữ này nguyên thủy đứng riêng ) rồi ghép lại thành danh từ Văn Hóa (hai chữ ghép liền nhau) để dịch danh từ “Culture” của Tây phương. (Xin độc giả xem lại định nghĩa Văn Hoá thứ nhất, thứ nhì và thứ ba đã nói ở trên). Cũng có thuyết khác cho rằng Người Nhật là người dịch chữ Culture sang tiếng Nhật đầu tiên rồi người Trung Hoa và Việt nam mới bắt chước theo. Dù là thuyết nào đúng chăng nữa, chúng ta thấy danh từ Văn Hóa xuất hiện buổi đầu chỉ là do nhu cầu “Dịch thuật” (Tìm một chữ có khái niệm tương đương với danh từ “Culture” trong văn hóa Tây Phương) Nhưng sau khi người Trung Hoa hay người Nhật đã tìm ra thuật ngữ mới “Văn Hoá” để dịch chữ “Culture” rồi, thì danh từ này đã được các quốc gia khác tại Á châu như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Đô v.v… chấp nhận và nhanh chóng trở thành thông dụng hay phổ thông … Tiếp theo nhu cầu “dịch thuật” là “nhu cầu Định Nghĩa Văn Hoá là gì”? Tới đây nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam thường dùng phương pháp “Duy danh định nghĩa” (căn cứ vào tên để định nghĩa – cũng có người gọi là phương pháp triết tự) theo kiểu “Chữ Văn là dáng dấp, vẻ đẹp, nét cao quí, hay Văn là Văn học còn chữ Hoá là “thay đổi, hay giáo hóa”. Vậy Văn Hóa là “dùng Văn để giáo hóa con người, (cách định nghĩa thứ nhất ) hay “Văn hóa có chức năng thay đổi con người để ngày càng trở nên cao quí tốt đẹp hơn” (cách định nghĩa thứ hai!). Phương pháp duy danh định nghĩa như trên tuy có ưu điểm là “giản dị”, “dễ hiểu, dễ nhớ”, nhưng tất nhiên là thiếu sót vì văn hoá đâu phải chỉ có một chức năng duy nhất là Giáo hoá con người mà thôi đâu? Hơn nữa phương pháp “duy danh định nghĩa” này còn đưa tới “một lối nhìn”, “một nếp nghĩ” hay một “khẳng định” nếu không muốn nói là một “định kiến văn hoá “là chỉ có những gì “Đẹp”, “Đúng”, “Lành” (Chân thiện mỹ) mới là Văn Hoá còn những gì là “Sai, ác, xấu” không thuộc lãnh vực văn hoá hay sao? Phải chăng đây là lối nhìn hay quan niệm văn hoá theo các học giả văn hoá Đông Phương có phần khác biệt với các học giả văn hoá Tây Phương? Thật vậy, ngay cả học giả Hồ Hũu Tường của Việt Nam cũng quan niệm chỉ những gì “đẹp” và “cao quí” mới là Văn Hoá còn những gì là “xấu ác” hay “ bất thiện” “nghịch lý” hay “nhố nhăng” Hồ Hữu Tường gọi đó lá “Quái Hoá” ?? (Danh từ “Quái Hóa” do học giả Hồ HữuTường đặt ra nhưng không được thông dụng!) Lối nhìn văn hoá theo hướng “chân thiện mỹ” tới nay vẫn còn là lối nhìn “quen thuộc” hay “cổ điển” của khá nhiều các nhà nghiên cứu hay các học giả văn hoá Đông phương, nhất là Trung Hoa và Việt Nam! Song các nhà nghiên cứu hay học giả văn hoá Tây Phương nhất là trường phái định nghĩa Văn Hoá theo “Nhân học” (Anthropology), “Xã Hội iHọc”( Sociology) họ quan niệm tất cả những gì là phương thức biểu hiện của sự sống con người trong xã hội thì đều là Văn hoá cả. Hơn nữa họ quan niệm cứu cánh hay cùng đích của văn hoá nhằm đưa con người tới “Chân Thiện Mỹ” nhưng phương thức biểu hiện văn hoá không nhất thiết phải là “chân thiện mỹ”! Chính lối nhìn không bị “gò bó đóng khung” trong một qui phạm nhất định nên người Tây Phương và ngay cả người Việt chúng ta, những ai có cái nhìn mới về văn hoá đều có thể dùng chữ Văn hoá một cách “linh động” như “Văn hoá dân chủ” (Democratic culture), “Văn hoá truyền thống” (Heritage Culture), “Văn hoá… nhảy đầm” (Dancing culture), Đức giáo Hoàng Jean Paul II gọi “hiện tượng phá thai” tại các quốc gia như Hoa Kỳ là “Văn hoá của sự chết” (Culture of the death) đối nghịch với “Văn hoá của sự Sống” (Living culture). Người CS tự hào họ có “Văn hoá Mác- Xít” (Marxist culture), “Văn hoá đảng” (Party culture.) <…>!. Vậy đã rõ, nếu có “Văn Hoá tiến bộ”( Progressive culture) thì cũng có “Văn hoá suy đồi” (Cututal decadence) chúng ta không lấy làm lạ! và cũng không có gì là mâu thuẫn cả! Chỉ với cái nhìn chân xác, khoáng đạt về văn hoá như trên, chúng ta mới có thể “Diệu dụng” (Super effectiveness) được Văn hoá trong thời đại mới… 

Ghi Nhận 6: Học giả Đào Duy Anh đã phỏng theo giới thuyết của Fe’lix Sartiaux định nghĩa “Văn hoá tức là Sinh hoạt” (Xin xem lại Định Nghĩa văn hoá thứ tư đã nói ở trên) hay nói khác đi tất cả các hình thái hoạt động của con người đều là văn hóa… Định nghĩa này đúng chứ không sai, Nhưng động cơ nào? thúc đẩy con người họat động? vì mình hay vì đời hay vì cả hai? Động cơ đó phát xuất do “nhu cầu sinh lý, thể lý”…như “ăn mặc ở”, “làm ái tình” của con người? hay “nhu cầu tâm lý” ….như giáo tiếp…ứng xử, thưởng ngoạn, hân thưởng cuộc sống? hay do “nhu cầu tâm linh”…..thờ phượng “Thần linh”, tin tưởng và cầu nguyện “Thượng Đế” hay do “ý thức tìm tòi, tra vấn về ý nghĩa cuộc sống”, đưa tới nhu cầu “tự thức tỉnh”, nhu cầu tìm “con đường giải thoát” cho chính con người mình và đồng loại? Vậy động cơ nào, lý do thâm sâu nào thúc đẩy chi phối mọi hoạt động mọi sinh hoạt của con người? Đặt vấn đề như trên chúng ta thấy rõ: câu định nghĩa “Văn hoá tức sinh hoạt” của học giả Đào Duy Anh hay F’elix Sartiaux tuy đúng, nhưng mới nói lên tính chất “Biểu kiến” hay hình thái “Biểu hiện” của văn hoá mà thôi. Còn bản chất văn hoá là gì là điều mà học giả họ Đào cũng như Fe’lix Sartiaux chưa đào sâu, hay còn thiếu sót … mà thế hệ hậu tấn chúng ta có bổn phận phải tìm hiểu và khám phá vì văn hoá là tiến trình tìm hiểu, khám phá, sáng tạo không ngừng….

Ghi Nhận 7: Muốn tìm hiểu Bản chất văn hoá là gì? Chúng ta cần tìm hiểu “Bản chất con người là gì? theo cái nhìn của chủ nghĩa “DuyTâm”? (idealism) theo cái nhìn của chủ nghĩa “Duy Vật”? (Materialism.), hay theo lối nhìn của “Chân Lý Sự Sống” (The truth of life). Sự Sống vốn bao hàm cả “Tâm” và “Vật” nên cả hai thuyết “Duy Tâm” hay “Duy Vật” chỉ là cái nhìn “phiến diện” của “Chân Lý Sự Sống”. Sự Sống vốn “không có duy”… (Dù là “duy Tâm”,“duy Vật“, “duy Lý”, “duy Nghiệm” hay “duy Linh” đều là phiến diện và sai lầm cả!). Tới đây một câu hỏi khác quan trọng được nêu lên: Văn Hoá bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời được tìm thấy là văn hoá bắt nguồn hay khởi đi từ “Sự Sống con người”. Con vật hay mọi loại chúng sinh đều có sự sống. Nhưng con vật không có văn hoá! Chỉ riêng con người là “linh ư vạn vật” mới có Văn hoá… như con cọp, con sư tử có sức mạnh hơn người… con chim “biết bay”, con ong biết “làm tổ”…(là do bản năng, con ong không có “lý trí” và “ý chí” nên muôn thủa con ong vẫn là con ong – Con chim biết bay, biết kêu, biết hót, nhưng con chim không biết nói – vì con chim không có khả năng sáng tạo ra ngôn ngữ… Do đó, con vật – bất cứ loại nào, đều không có văn hoá! Văn hoá là sản phẩm của con người, Văn hoá là đặc tính nổi bật, có thể nói là tinh hoa, ưu viêt của SỰ SỐNG, ĐẠO SỐNG  con người!

Thực vậy, muốn tìm hiểu “Bản chất văn hoá là gì?- người ta không thể không đề cập tới “Sự Sống Con Người” vì văn hoá bắt nguồn từ Sự Sống con người… Điều này mới nghe, ai cũng thấy là điều tự nhiên, quá tự nhiên (tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như sự sống). Nhưng suy tư trầm tư, uyên tư (suy nghĩ từ đáy vực thẳm của tư tưởng…) về Sự Sống con người, chúng ta mới thấy sự Sống con người là điều quí giá nhất và chính sự sống lại là suối nguồn của mọi chân lý (Đây là điều sâu thẳm và kỳ diệu nhất …). Nhưng Sự Sống ở dây không là “sự sống nói chung” của muôn loài, (đất đá, cây cỏ thú vật đều có sự sống). Nhưng chỉ riêng “Sự Sống nơi con người” mới đạt đến phẩm chất “ưu việt” làm cho cho con người VƯỢT THOÁT, THĂNG HOA được chính mình! (Như đã chứng minh ở trên, “con ong”,“con chim”… hay loài vật nói chung đều không có văn hoá, chỉ có con người mới có văn hoá… vì sự sống nơi con người đã đạt tới phẩm chất “tinh anh, ưu việt” tạo nên “trí tuệ,  “ý thức”, “siêu thức”, “tiềm thức”, “lương tri”, ”lương năng”, “lương Tâm”, “trực giác” và “Trí huệ bát nhã” (Siêu trực giác), “Tình yêu” và sự Sáng tạo”. Chính do sự trầm tư, quán chiếu sâu sắc về “Sự Sống Con Người” chúng tôi đã tìm ra ánh sáng về câu hỏi “khó khăn nhất”, “hóc búa nhất” “bản chất văn hoá là gì?” Chúng tôi xin thưa: Xét về bản chất “Văn Hoá là Hiện tính của Sự Sống, là tinh hoa của Đạo Sống Con Người, Dân Tộc, Quốc Gia Và Thời Đại.”

Ghi Nhận 8: Mội trường Sống của con người hay con người và tương quan 3 thế giới. Môi trường Sống mà chúng ta đang đề cập tới, không chỉ là môi trường sinh thái….. (giữa con người và khung cảnh thiên nhiên) mà còn là mối tương guan giữa con người với 3 thế giới: “Thế giới thực tại” (Realistic world), “Thế giới Biểu Tượng” (Symbolic world) và “Thế giới Tâm Linh” ( spiritual world). Văn hoá khởi nguyên từ sự sống con người nằm trong thế giới thực tại, phản ảnh trong trí óc con người hình thành “thế giới biểu tượng” và cũng chính sự sống con người là “CẦU NỐI” giữa “thế giới thực tại” (trần gian) và “Thế giới tâm linh” (siêu xuất thế gian). Hiện nay đa số nhân loại chưa trực cảm được thế giới tâm linh ngoại trừ Chúa, Phật, Thần Thánh và các Thiền Sư hay Đại Thiền sư… Sau khi nhận rõ mối tương quan giữa con người và 3 thế giới vừa nói, chúng ta mới thấy hết giá tri và tầm quan trọng của văn hoá và đạt đến TINH HOA của Sư Sống Con Người. Sự Sống Con Người là kho tàng vàng ngọc, kim cương…vô giá vô biên vô lượng…còn tiềm ẩn trong con người mà con người chưa biết phát huy…chưa biết khám phá thế giới Tâm linh! Chúng ta đã thấy Ánh sáng của Sư Sống, chúng ta đã tri kiến được Sư Sống, song chúng ta chưa Ngộ Nhập Vào Chân Lý Sự Sống…là suối nguồn của chân Lý, suối nguồn của Văn Hoá…

Ghi Nhận 9: Có người sẽ hỏi chúng tôi: Tác giả định nghĩa văn hoá theo phương pháp nào? Chúng tôi xin thưa: Chúng tôi không định nghĩa văn hoá theo phương pháp: “Tinh thần luận” mà định nghĩa văn hoá theo phương pháp “Tính thể luận”

Về phương pháp “Tính Thể luận:”

Muốn định nghĩa văn hoá là gì? chúng tôi đặt câu hỏi: Bản chất văn hoá là gì? Văn hoá bắt nguồn từ đâu? Nếu không phải là bắt nguồn từ Sự Sống con người??. Đây là ánh sáng đầu tiên mà chúng tôi đã khám phá ra….Cùng có sự sống mà tại sao các loài vật dù là con vật thông minh nhất, vẫn không có văn hoá? Mà chỉ có con người mới có văn hoá? Phải chăng văn hoá là sản phẩm đặc thù, độc sáng của con người? “Trầm tư,” “uyên tư” về câu hỏi này, chúng tôi mới ngộ ra: Chỉ có sự sống nơi con người mới đạt đến “yếu tính” hay “tính năng ưu việt” khiến con người Tự Phản Tỉnh, Tự Sáng Tạo,Thăng Hoa được chính mình. Chính con người có Khả Năng Tự Vượt Mình, Tự Thắng Mình… Con người không có đôi cánh để bay trong không gian như con chim bay trong bầu trời…..Nhưng con người lại có “Trí năng”, “Tâm năng”, hay “Sống năng” Vượt Thoát Chính Mình, Hòa Đồng Với Vũ Trụ, Hòa Đồng với Thế Giới Tâm Linh… Do sự trầm tư và quán chiếu sâu sắc này chúng tôi đi tới nhận định: Xét về mặt bản chất hay theo phương pháp “tính Thể luận” Văn hoá là  “Hiện tính” của Sự Sống và là tinh hoa của Đạo Sống Con Người” (xin xem lại định nghĩa văn hóa thứ 25 của tác giả đã nói ở trên).

Ghi Nhận 10: Tính chất căn bản đặc trưng của Văn hoá. Văn hóa có các tính căn bản, đặc trưng như sau:

Tính Không gian: Văn hoá biểu hiện sinh hoạt của con người trong từng địa phương khác nhau nên mang sắc thái đặc thù của từng địa phương, từng vùng, hay từng quốc gia….nên chúng ta có Văn hoá Việt Nam, Văn hoá Trung Hoa, Văn hoá Ấn Độ, Văn hoá Đông Phương, Văn hoá Tây Phương, v.v… 

Tính Thời Gian: Văn hoá không chỉ mang tính không gian mà còn gắn liền với thời gian của từng thời kỳ hay thời đại của mỗi dân tộc nên người ta thường chia ra: ”Văn hoá thời Nguyên Thủy”, “Văn hoá Thời Phục Hưng”, “Văn hoá Hiện Đại” hay “Văn hoá Hậu Hiện Đại” v.v… Văn hóa có tính thời gian, cũng gọi là tính lịch sử… kết hợp với tính không gian làm thành “các Trào Lưu Văn Hoá” v.v…

Tính Nhân bản: Văn hoá khởi đi từ Sự Sống con người nên mang bản tính người (Nhân Tính) mọi sinh hoạt văn hoá phải qui về con người lấy con người làm gốc (Nhân Bản). Tính nhân bản và triết lý Nhân bản là ánh sáng là bó đưốc soi đường cho Văn hoá phụng sự nhân loại.

Tính Nhân Chủ: Văn hoá tuy khởi đi từ Sự Sống con người, nhưng không hoàn toàn mang tính thụ động, mà còn giúp con người vượt lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, và làm chủ chính mình nên đặc tính cao nhất của văn hoá là tính Nhân Chủ.

Tính Hệ Thống: Con người là sinh vật có lý trí, có nhận thức , có tư tưởng nên con người có khả năng “hệ thống hóa” các khái niệm, nhận thức, thành “nguyên lý”, thành “hệ thống” thành “qui luật “…áp dụng vào trong xã hội …. Do đó văn hoá nhận thức mang tính chất “Hệ Thống” là điều dễ hiểu, chúng ta không lấy làm lạ.

Tính Phi Hệ Thống, Siêu Hệ Thống và Vô Hệ Thống: Con người không chỉ có Lý trí, (khối óc) mà còn có tình cảm (Con Tim) và còn có “siêu thức,“vô thức” và nhất là có “tâm linh”, nên văn hóa vừa có “Tính hệ thống” vừa có “Tính phi hệ thống”. “Siêu hệ thống” và nhất là “Vô hệ thống …” nữa .

Tính giá trị: Văn hoá do con người sáng tạo ra nên mục tiệu trước hết là phục vụ con người, phục vu xã hội nhân loại, phục vụ “liên hành tinh”… nên Văn hoá mang “Tính giá trị” và hình thành các “Bảng giá trị” của xã hội thời đại.

Tính tranh đấu, ứng phó và thích nghi: Con người sống là “tranh đấu” tranh đấu với thiên nhiên, tranh đấu với xã hội, tranh đấu chống kẻ thù xâm lăng bảo vệ độc lập dân chủ và bảo toàn lãnh thổ…. Mặt khác con người phải biết điều hòa, ứng phó và thích ứng với hoàn cảnh lịch sử xã hội trong mọi tình huống. Do đó tính tranh đấu, ứng phó và thích nghi cũng là đặc tính của văn hoá.

Tính Hoá giải và Điều hợp: Trong cộng đồng và xã hội bao gồm nhiều con người nên luôn luôn phát sinh “mâu thuẫn” về tư tưởng cũng như quyền lợi (Song cũng chính nhờ có mâu thuẫn giữa những con người, giữa những phe nhóm, tập thể… mà xã hội mới tiến bộ! Nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng đi tới hận thù, chém giết và tiêu diệt lẫn nhau như lý thuyết giai cấp đấu tranh của Mác–Lê đã chủ trương, mà văn hoá còn giúp cho con người hoà giải, hoá giải mọi mâu thuẫn bằng con đường “Điều hợp”, ”cùng thăng tiến cộng tồn”.

Tính Sáng Tạo: Nhà văn hào André Mailraux đã cô đọng văn hoá trong 3 phạm trù : NGHỆ THUẬT, TÌNH YÊU VÀ SUY NGHĨ – hay Tư duy – nhận thức – tư tưởng – (Xin độc giả xem lại Định nghĩa văn hóa thứ 18 đã nói ở trên). Phạm trù “Suy nghĩ” sẽ hình thành “Văn hoá Nhận Thức” mà con người có thể “khái quát hoá” và “hệ Thống hoá: mà đặc điểm nổi bật là Tính Hệ Thống. Song còn 2 phạm trù lớn kia là “Nghệ Thuật” và “Tình Yêu” thì không ai có thể “khái quát hoá” hay “hệ thống hoá” được cả! Tất cả mọi “hệ thống” đều thất bại thảm thương! và hoàn toàn xa lạ với 2 phạm trù này! Nó không chỉ là Lỗ Hổng Lớn mà là Chân Trời Viễn Mộng, hay Vũ Trụ Mộng Mơ, là Mạch Sống Vô Hình hay Hồn Tính Của Văn Hoá… làm nên Giá Trị Tuyệt Vời Vô Giá của Văn Hoá. Với hai phạm trù “Nghệ Thuật” và “Tình Yêu” người ta không thể định nghĩa được, nhưng con người có thể Cảm Nhận  được, có thể “hoà đồng” và “cảm thông” trọn vẹn. Biên giới giữa “chủ thế” và “khách thể” không còn nữa mà cả hai đã trở thành một. Nói về tình yêu nam nữ là cả hai đã “phải lòng nhau” “mê đắm nhau”… Tính cảm thông, hoà đồng sâu sắc trọn vẹn trong nghệ thuật đó là “Tính Sáng Tạo” và là “Tính Nhập Thể” trong Tình yêu đôi lứa cũng như tình yêu huyền nhiệm tôn giáo. “Anh với Em là Một” “Ta với Vũ Trụ không hai”

Tính Chuyển Hóa: Bản chất Văn Hoá là “Sống” và “Động”- là thay đổi sáng tạo không ngừng- nên Văn hoá có tính Chuyển Hoá – là điều tự nhiên. Đặc tính này rất quan trọng, Muốn “phát huy” văn hoá, “diệu dụng” văn hoá, chúng ta phải quan tâm đến đặc tính quan yếu này.

Tính Dung Hoá:  Vào thập niên 1960 Nhà Văn Hóa Nguyễn Đức Quỳnh (1909-1974) thành lập “Đàm trường Viễn Kiến” đã sáng tạo ra danh từ “Dung Hoá” mà nhiều người rất thích từ mới này. Tác giả giải thích: “ Dung Hoá” không phải là “Dung hoà”- vì dung hoà là “hoà cả làng” -.Còn “Dung Hoá” là -Tôi “dung” Anh để tôi “hoá” Anh – Ngược lại Anh “dung” tôi để anh “hoá” tôi. Chúng ta cùng “dung nhau” để cùng “hoá nhau” – Muốn thay đổi ai phải hoà đồng bao dung  bạn trước rồi sau mới “hoá” – góp ý kiến để thay đổi bạn cho tốt hơn: Đây là cách ứng xử hay nhất tốt đẹp nhất  của người có Văn Hoá.27Nhận Diện Vóc Dáng Nguyễn Đức Quỳnh của Thế Phong – Nguồn: Newvietart.com (trang Newvietart.com đã bị đóng) (27)

 Sáng Hoá: “Sáng Hoá” là gì? là “Sáng tạo” trong lĩnh vực Văn hoá vì Văn hoá trước hết là một “gia sản tinh thần” được các thế hệ tổ tiên truyền lại cho thế hệ đương thời. Các thế hệ đương thời một mặt “kế thừa di sản” văn hoá của tiền nhân và mặt khác, “tiếp thu tinh hoa văn hoa thế giới” và dựa trên 2 yếu tố ấy (1- kế thừa Văn hoá truyền thống và 2-Tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới) để ứng xử hoá và sáng tạo những tư tưởng mới phong thái mới và tạo ra nếp nghĩ, nếp sống mới…nên văn hoá còn có tính năng ưu việt khác là tính Sáng Hoá.

Tính Sống hoá: Sống hoá là gì? là thấm nhuần Văn hoá đến đợt thâm sâu nhất hoà nhập vào “cốt tủy” của Sự Sống. Như người ta thường nói “Tin Đạo” không bằng “Hiểu đạo”, hiểu đạo không bằng “Sống Đạo”. Một triết gia đã nói: “Sống là “sống cùng…”, “sống với”. Sống còn là “hội nhập”,“hoà đồng”,“thể nghiệm ”và chứng nghiệm” nữa… Sống Hoá là thể nghiệm chứng nghiệm văn hoá bằng chính sự sống tự thân nơi mỗi người chúng ta. Không thấm nhuần văn hoá đến đợt sâu thẳm và tinh hoa nhất, thì không thể “Sáng Hoá văn Hoá” được. Ngược lại “Sáng Hoá” lại đưa Sống Hoá đến đỉnh điểm cao nhất “tỏa sáng hào quang tính thể văn hoá”. Tính “Sống Hoá” còn có tên gọi khác là “Tính Bất Nhị”: có nghĩa siêu vượt “âm dương” và “siêu hoá âm dương” …

Tính Quốc Dân: Cứu cánh văn hoá là phục vụ con người, nên một số nhà nghiên cứu văn hoá gọi là “Tính Nhân Sinh”. Gọi là “tính Nhân sinh” cũng đúng chứ không phải sai, nhưng là cách gọi tổng quát không sát nghĩa, không thực tế, và không thực tiễn. Vì con người là sinh vật xã hội, luôn luôn tiếp cận, tương quan với người khác. Do đó có “con người cá thể”, có “con người tập thể” (như “Đoàn Lũ”, “Toán”, “Tổ chức”, “Hội”, “Phong trào”, “Lực lượng”, “Liên minh” hay “Đảng” v.v… và v.v…). Và “Con người toàn thể” thường được gọi dưới 3 danh từ: “Quần chúng”, “Nhân Dân” hay “Quốc Dân”. Nhiều người hay gọi tập hợp số đông người là “Quần chúng”. Người cộng sản hay dùng danh từ “Nhân dân”. Danh từ “nhân dân” thực ra cũng hay vì “nhân” vừa là “Người” vừa là “Người Dân” trong một nước. Tuy nhiên danh từ này đã bị “lạm dụng” và mất đi ý nghĩa và giá trị nguyên thủy, nên chúng tôi, dùng danh từ Quốc Dân theo cách gọi và cách định nghĩa rất hay, rất tuyệt của nhà Chí Sĩ Phan Bội Châu.: “Gọi là Quốc Dân” vì “Dân” là “dân “Nước” – “Nước là Nước Dân” (Hai “thực thể” này không thể tách rời). Cứu cánh của văn hoá là phục vụ “Quốc Dân” trước khi phụng sự “Nhân Loại”. Có quan niệm rõ “con người toàn thể” đứng trên “con người tập thể” mới giải cứu con người thoát khỏi ách họa “độc tài đảng trị” và có đặt “con người toàn thể” trong tương quan “Quốc gia Dân Tộc, mới xác định được hướng đi của Văn Hoá. Đây là tư tưởng và là chủ trương đứng đắn và sâu sắc của chúng tôi khi khẳng định Văn hoá có Tính Quốc Dân.

Ghi nhận 12: Chức năng và vai trò quan trọng của văn hoá. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa “Văn hoá là văn vật và giáo hoá – Dùng văn tự mà giáo hoá cho người” (Hán Việt Từ Điển trang 527) hay Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa: “Văn Hoá là văn học và giáo hoá tức sự học hỏi dạy dỗ bằng chữ nghĩa văn chương” (Việt Nam Tự Điển trang 1749). Tiến Sĩ Trương Bổn Tài người khảo cứu và phát huy Việt Học (Việt ontology) cũng định nghĩa Văn Hoá: ”Dùng văn để giáo hóa”. Lối định nghĩa có tính cách phổ thông, dễ hiểu dễ nhớ này, tuy không sai nhưng thiếu sót vì nội dung Văn hoá không chỉ thu hẹp trong phạm vi “văn học” và chức năng của văn hoá cũng không chỉ là “giáo hoá” con người. Càng ngày người ta càng thấy văn hoá có chức năng và vai trò rất quan trọng:

Văn hoá ngoài chức năng giáo hoá con người…

Văn hoá còn là động lực thúc đẩy sự tiến hoá của xã hội nhân loại….

Văn hoá quả có là mầm mống tạo ra chiến tranh, tạo ra sự mất quân bình trong “xã hội thường thái” chỉ vì động cơ tiến hóa tự thân của nhân loại. (Muốn hiểu nguyên nhân sâu xa khởi phát bất cứ một loại chiến tranh nào, dưới bất cứ hình thái nào (Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh bành trướng, chiến ttranh thực dân (cũ và mới) chiến tranh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn”, “chiến tranh qui ước” “chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, chiến tranh ủy nhiệm ,chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giữa các nền văn minh, chiến tranh nguyên tử vv…và v..v..) đều có thể tìm ra nguyên nhận tối sơ bộc phát chiến tranh trong văn hoá.

Cũng chính văn hoá có khả tính tạo lập lại thế “Quân Bình Mới” (Quân bình trong thế Đông, chấm dứt chiến trtanh, vãn hồi Hoà Bình trong xã hội nhân loại. Do đó, nguyên nhân tạo ra Chiến tranh, cũng bắt nguồn từ Văn hoá. Và nỗ lực kết thúc chiến tranh kiến tạo hoà bình, gìn giữ hoà bình nhân loại cũng sẽ tìm thấy đáp số ngay trong Văn hoá.

Nếu Adam Smith quan niệm có một Bàn Tay Vô Hình trong Kinh tế học, thì người viết lại phát hiện ra có một “Bàn Tay Vô Hình Trong Văn Hoá Học” (Điều này rất lý thú, tác giả sẽ có dịp trình bầy trong một bài khác).

Văn hoá là nền tảng tinh thần xây dựng và phát triển quốc gia, xây dựng nền hòa bình, hay thái hoà trong nhân loại.

Văn hoá còn có vai trò định hướng và điều tiết các hoạt động chính trị xã hội, định hướng và điều tiết các nền văn minh trong xã hội loài người.

Nền văn hoá nào thì sẽ sản sinh ra chế độ đó! Chỉ cần tìm hiểu nghiên cứu nền văn hoá của một quốc gia có bản chất gì? có đặc tính và bản sắc như thế nào là chúng ta biết giá trị tốt xấu của chế độ đó ra sao?!…chắc chắn không sai !

Tóm lại “Muốn Cứu Quốc, Kiến Quốc, Hưng Quốc, kiến tạo Hoà bình Nhân loại đều phải lấy Văn Hoá Làm Chủ Đạo”

III. Kết Luận.

Khởi đi từ nhu cầu tìm học và tìm hiểu về một số định nghĩa văn hoá, tiêu biểu của Việt Nam và trên thế giới, trước hết là cho cá nhân người viết, hiểu được ý nghĩa căn bản của danh từ văn hoá. Mục đích ban đầu chỉ giản dị như vậy thôi! Nhưng càng tìm hiểu càng thấy biển học mênh mông, đầy sóng gió và thử thách…. Văn hoá mở ra một khung trời viễn mông, hơn thế nữa, cả một thế giới lung linh sâu thẳm và huyền ảo… “Huyền chi hựu huyền” (Lão Tử Đạo Đức Kinh)… . Người viết cảm thấy tò mò thích thú và đam mê, say sưa đi tìm và say sưa khám phá, “Suy tư”, “Trầm tư” và “Uyên Tư” để…tìm hiểu, và “quán chiếu” sâu hơn về “Nội Dung Văn hoá”, “Bản chất Văn hoá”, “Các Đặc Tính căn bản, tượng trưng của Văn hoá”… “Sứ Mệnh Văn hoá” và sau cùng “Chủ Đạo Văn hoá”… Điều vui mừng hơn của người viết là căn bản đã “ngộ ra” vì sao nền Văn hoá Việt Nam nói riêng và Văn hoá Đông Phương nói chung tuy cao siêu và sâu thẳm, nhưng cũng huyền bí quá, phức tạp và rối rắm quá, nhất là“rêu mốc phủ đầy…” Chân lý Sự Sống bị khỏa lấp….Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho Văn hoá Việt Nam hay Văn hoá Đông phương nói chung bi trì trệ, không tiến lên được, không khai quang được!! Người viết cũng đã “ngộ ra” vì sao nền Văn hoá Tây phương bị khủng hoảng tận gốc rễ… Nhất là muốn “Hoà điệu” hay “Tập Đại Thành Văn hoá Việt Nam”, “Văn hoá Đông phương” và “Tây phương” trên căn bản nào, nền tảng nào…

Giấc mơ Văn hoá của Cha Rồng mẹ Tiên; Giấc mơ Văn hoá của Vạn Hạnh thiền sư; Giấc mơ Văn hoá của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Giấc mơ Văn Hoá của Nguyễn Trãi; Giấc mơ Văn hoá của Lý Đông A; Giấc mơ Văn hoá của Hồ Hữu Tường….luôn luôn được “ấp ủ”, “bảo lưu” qua nhiều thế hệ …. Đây là “Niềm tin” và là “Hoài bão” lớn lao của Tổ Tiên nòi giống Việt luôn được “ấp ủ”, “trao chuyền” , “gửi gắm” tới các thế hệ con cháu mai sau…

Thế hệ hậu tấn chúng ta hôm nay được vinh hạnh nhận lãnh trách nhiệm, sẵn sàng chấp nhận thử thách với sứ mạng kế thừa và phát huy “Sống Đạo Văn Hoá Việt Nam”

Người xưa ví Văn hoá như cánh chim Phượng Hoàng… “Phượng Minh”… “Phượng Minh”… “Phượng Minh”… tiếng kêu của Chim Phượng Hoàng báo hiệu điềm lành… Văn Hoá Việt Nam Con Phượng Hoàng Cất Cánh…

San Jose Mùa Lễ Tạ Ơn 2015

Nguồn: thonminhtriet.com

Từ cánh đồng vui (*) Kim Định

PGS-TS. Đỗ Lai Thúy

Theo triết gia Lương Kim Định người Tàu đã biến đổi Việt nho thành Hán nho, phản bội ý nghĩa bản thể của chữ nho/nhu, thay thế phép ứng xử mềm mại, thuần nhất thành lối ứng xử cương cứng, hai mặt “trong pháp ngoài nho”.

Từ Việt nho đến Hán nho

Mặc dù sinh ra trong một gia đình nhà nho, nhưng không hiểu sao, hoặc chính vì thế, mà tôi có ác cảm với Nho giáo. Ở Việt Nam, Nho giáo và tính tiểu nông là căn nguyên nhị trùng kìm hãm sự phát triển của đất nước. Và, cũng vì thế, mà tôi lảng đọc Kim Định, nghĩ rằng ông là toàn-nho.

Gần đây, do tìm hiểu văn hóa Việt Nam, tôi mới buộc phải đọc ông. Hóa ra, thứ nho mà tôi ghét bấy lâu nay là Hán nho, một thứ nho đã bị tha hóa, xa vời nguồn gốc hoặc bị người ta cố tình bẻ quẹo, còn nho Kim Định tán dương là nguyên nho, được ông gọi là Việt nho, tức nho của người nguyên Việt.

Đây là chỗ gây phản ứng tức thì ở người đọc. Nhiều người phê phán ông cực đoan, phi lý hoặc yêu dân tộc đến mức rơi vào “chủ nghĩa vơ vào”: cái gì hay của mi là của tao, cái gì dở của tao là của mi (ý thơ Việt Phương). Còn ai muốn “thoát Trung” một cách triệt để thì thắc mắc tại sao Kim Định lại ghép nho vào Việt, mà không thay thế bằng những thuật ngữ khác, thuận tai hơn, như minh triết Việt hay văn hóa Việt.

Linh mục, Triết gia Lương Kim Định.

Thực ra, nếu gỡ bỏ những định kiến tri thức, hay nói như Krishnamurti: “Giải trừ tri kiến,” thì dễ chấp nhận Kim Định hơn. Nho tức nhu, nhu thuận, hài hòa với xung quanh, là một thế ứng xử đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp phát sinh từ cuộc cách mạng Đá mới. Thuở ấy còn chưa có chữ viết, nên kết tinh văn hóa của họ là những hình tượng – ký hiệu như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, hoặc những ông “vua” truyền hiền như Nghiêu,Thuấn, Vũ.

Bởi vậy, không nên hiểu họ là những nhân vật có thật, của lịch sử, mà chỉ là những anh hùng văn hóa thuở sơ khai. Đến đời Hạ, một triều đại ít nhất vẫn còn một chân (hoặc đuôi) dầm trong huyền thoại, có một bộ tộc ở gần Hoa Sơn, gọi là Tào Đường,(**) tiếp thu một số yếu tố của văn hóa du mục trở nên lớn mạnh, lấn lướt các bộ tộc thuần nông nghiệp khác ở xung quanh. Từ văn hóa họ tiến đến văn minh, có nhà nước, có quân đội chuyên nghiệp, có hình luật, có chữ viết (thằng văn/chữ kiểu kết nút dây thừng hay khoa đẩu/chữ như con nòng nọc).

Đến đời Thương, Chu, người Tàu dần dần chinh phục các dân nông nghiệp khác và tự coi mình là người Hoa Hạ, kiểu người trung tâm cả ở phương diện địa lý (Thiểm Tây, Hà Nam) lẫn phương diện kết tinh văn hóa. Các tộc người ngoại vi khác bị gọi là tứ di (Nam Man, Bắc Địch, Tây Nhung, Đông Di), hoặc tứ hải, hoặc Bách Việt.

Từ đó, người Tàu biến đổi Việt nho thành Hán nho, phản bội ý nghĩa bản thể của chữ nho/nhu, thay thế phép ứng xử mềm mại, thuần nhất thành lối ứng xử cương cứng, hai mặt “trong pháp ngoài nho”.

Sử ngang và sử dọc

Những điều trên không/chưa thuộc về thời đại lịch sử, mà thuộc về thời đại tiền/nguyên/khuyết sử. Và muốn nghiên cứu thời đại ấy thì không thể dùng các phương pháp thực chứng, duy kiện của sử học, mà phải dùng những phương pháp khác. Do không/chưa hiểu các phương pháp phản – phương pháp này mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các công trình của Kim Định chẳng có phương pháp.

Thực ra, Kim Định chỉ không có phương pháp lịch sử như/của họ. Bởi vì trong thời gian du học tại châu Âu, Kim Định đã kịp tiếp thu được những lý thuyết và phương pháp vừa mới ra lò của khoa học nhân văn mới, nhất là phân tâm học Jung và cấu trúc luận Lévi-Strauss, để xây dựng một cách thám mã của riêng mình. Ông gọi đó là phương pháp huyền sử.

Như vậy, Kim Định không đối lập lịch sử với tiền/nguyên/khuyết sử, bởi, xét cho cùng, đó cũng chỉ là một thứ lịch sử kéo dài, mà đối lập với huyền sử, một thứ sử khác với lịch sử về hệ hình. Nếu lịch sử là sử ngang, một thứ sử kế tiếp nhau theo thời gian, duy kiện và duy vãng, thì ngược lại, huyền sử là sử dọc, sử đồng đại, chú trọng đến hiện tại, nhưng không duy hiện tại, mà đào sâu hiện tại, làm một cuộc “khảo cổ học tri thức” (Foucault), để tìm đến cái cấu trúc uyên nguyên là vô thức tập thể hay vô thức cộng thông, của nhân loại.

Trước đây, do chưa đọc Kim Định, hoặc đọc mà chưa thủng, tôi cứ nghĩ rằng Việt Nam không có huyền thoại, hoặc có thì cũng bị sự cai trị của Tàu, từ khi nước Nam Việt của Triệu Đà sụp đổ, đánh vỡ nó, nên chỉ còn những mảnh vụn găm vào các truyện cổ tích, truyền thuyết, truyền kỳ. Nay nhờ có Kim Định nối cái đầu (óc) nguyên nho vào thân thể Việt (Nam), một hậu duệ cuối cùng có đủ tư cách pháp nhân để thừa kế di sản Việt nho, nên Việt Nam chẳng những có hệ thống huyền thoại, mà thậm chí còn sâu rộng hơn là huyền sử. Bởi, huyền sử chính là sự hiện hữu của các lớp vô thức tầng sâu dưới dạng các cấu trúc sơ thủy như cổ mẫu, huyền số, các anh hùng văn hóa, các vị vua huyền thoại…

Kim Định đã mô hình hóa sự diễn tiến của các tham số này bằng sơ đồ: cơ → số → tượngCơ là cơ cấu, tức cấu trúc, mà đã là cấu trúc thì yếu tố không quan trọng bằng quan hệ giữa các yếu tố. Cơ, vì thế, có mặt trong tất cả các tham số còn lại, vừa là động lực phát triển vừa là sự liên kết giữa chúng. Cơ mô tả nhịp sống, cái nhịp của sự sống như cách nói của Tạ Hách là “khí vận sinh động”. Các số 1, 2, 3, 5, 9 đều là những con số thiêng, mật số. Số là căn nguyên của tượng, số mở ra thì thành tượng, tượng thu về thì thành số.

Như số 1 là bản thể, là thái nhất, thái hư, là số sinh của mọi số sinh khác. Số 2 là tượng của những cặp đôi ban sơ như đực cái, ngày đêm, sông núi, trời đất, vừa đối lập nhau vừa nương tựa nhau như hình tượng Phục Hy và Nữ Oa quấn đuôi vào nhau, là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Số 2 còn là cơ sở của Kinh Dịch với một vạch liền và một vạch đứt. Số 3 là tam tài Thiên, Địa, Nhân, là Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ.

Số 5 là ngũ hành tức quan hệ tương sinh tương khắc, trung tâm ngoại vi giữa các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là Ngũ Đế: Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ, Đế Chuyên Húc, Đế Cốc. Số 9 là Cửu Thiên Huyền Nữ. 18 đời vua Hùng Vương là gấp đôi của số 9. Tượng là tham số cuối cùng của Việt Nho, là giai điệu của vũ trụ bí ẩn, trong mù mờ tiền ý thức, còn sang đến Hình tức một hoặc nhiều những thể hiện của giai điệu ấy dưới ánh sáng của lý trí thì đã của Hán nho rồi.

Một mô hình phát triển

Kim Định có một mô hình về sự phát triển của văn hóa và, sau đó, văn minh của nhân loại thành 3 đợt: bái vật, ý hệ và tâm linh. Còn người ở đợi (1) bái vật còn lệ thuộc vào các thần nên gọi là thần chủ; ở đợt (2) ý hệ thì lệ thuộc vào lý trí, thậm chí duy ý chí; ở đợt (3) tâm linh thì con người tự làm chủ mình, nên gọi là nhân chủ. Ở mỗi đợt hành động của con người mỗi khác: (1) cưỡng hành, (2) lợi hành, và (3) an hành.

Người nguyên Việt ngay từ thời huyền sử đã trải qua được cả ba giai đoạn bái vật/cưỡng hành, ý hệ/lợi hành để tiến tới giai đoạn chót tâm linh/an hành, thực hiện được nhân bản tâm linh với một nền minh triết rực rỡ gọi là triết lý an vi. Lúc này xã hội vận hành theo cơ chế tự trị và tự quản rất cao. Tài sản xã hội, nhất là ruộng đất, được phân theo nguyên tắc bình sản nên không có người giàu người nghèo.

Con người được làm chủ bản thân mình, nhân chủ, nên sống an hành/lành với tự nhiên, với người bên cạnh và với chính mình. Đây chính là cái xã hội Nghiêu Thuấn “ban đêm không phải đóng cổng, ngoài đường của rơi không ai nhặt” mà ai cũng muốn sống. Và khi mất đi thì ai cũng muốn quay về dù chỉ bằng các giấc mộng đào nguyên.

Hoặc như khi Hồ Quý Ly đặt quốc hiệu Đại Ngu (ngu có nghĩa là an vui, thanh bình) là lấy lại cái tên chỉ thời Nghiêu Thuấn. Trong khi đó, ở phương Tây, con người bị mắc cạn ở vùng ý hệ, bị duy khoa học và duy lý giam hãm không tiến sang được giai đoạn tâm linh. Các tệ nạn xã hội, sự suy thoái của môi trường sống, sự sụt giảm nhân cách đã trở thành những vấn nạn không thể giải quyết được. Nhiều thử nghiệm xã hội, đặc biệt là các mẫu hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XVIII, XIX, đều bị thất bại, trở thành không tưởng cả trong lý thuyết lẫn thực hành.

Đề án cho văn hóa nhân loại

Trước tình hình đó, Kim Định muốn đưa Việt nho, tức minh triết (nguyên) Việt như một đề án cứu rỗi nhân loại. Trước đây, tôi cứ thắc mắc làm sao minh triết lại có thể cao hơn triết học, làm sao minh triết lại có thể “soi đường chỉ lối” cho mai sau. Ấy là do tôi cũng như bao người khác, kể cả những người ở Trung tâm Minh triết Việt, coi minh triết là triết lý dân gian đúc kết từ kinh nghiệm sống trực tiếp, hay những mảnh vụn rơi ra từ hệ thống Tam giáo sinh ra trong thời lịch sử. Kim Định đã đưa minh triết ngược về thời huyền sử, buổi bình minh của nhân loại.

Trong đời một con người thời thơ ấu đã lập trình trước toàn bộ đường đời của anh ta. Minh triết, thời thơ ấu của nhân loại, cũng vậy, tuy chỉ trên những nét lớn, nhưng toàn vẹn, sâu sắc và có tính dẫn đường. Ý tưởng này của Kim Định còn được cổ vũ bởi Hội nghị Triết học Quốc tế Honolulu năm 1949 đề xuất Khổng Tử, một nhân vật nửa Việt nho nửa Hán nho, làm thủ lĩnh tinh thần. Rồi Hội nghị Quốc tế về “Khổng học với Thế giới Ngày nay” ở Đài Bắc năm 1988 khiến Kim Định tiến thêm một bước nữa là đề nghị thành lập Đạo trường chung cho Đông Á (như một sự đối lập với thị trường chung Tây Âu), nhằm phổ biến nền minh triết Việt nho.

Không/chưa bàn đến cái dự án vĩ mô trên của Kim Định, thiết thực hơn tôi nghĩ về di sản Việt nho trong xã hội Việt Nam trước đây. Minh triết Việt như là sản phẩm của nền văn hóa tam nông: nông thôn, nông nghiệp, nông dân đã đạt được thành tựu cao. Đó là hòa, thậm chí thái hòa: hài hòa giữa con người và trời đất (tam tài), hòa mục giữa con người và con người (nhân chủ). Xã hội sống theo nguyên tắc bình đẳng, bình quyền, nhất là bình sản. Đến đầu thế kỷ XX ruộng đất công vẫn chiếm đến 50% được chia theo kỳ hạn cho mỗi xuất đinh.

Bởi thế không ai quá giàu cũng như quá nghèo, không ai giàu ba họkhông ai khó ba đời. Làng xóm theo chế độ tự trị và tự quản. Tuy nhiên, sự thống trị nghìn năm của phương Bắc đã mang vào xã hội thuần nông này những yếu tố của văn hóa du mục dần dần làm thay đổi cấu trúc của nó. Văn hóa trở thành văn minh, Việt nho trở thành Hán nho. Sự ra đời của nhà nước, của giai cấp thống trị, của quân đội chuyên nghiệp và chiến tranh thôn tính.

Với châu Âu, nơi thuần du mục, hoặc nhiều yếu tố du mục hơn, thì văn hóa nhanh chóng trở thành văn minh, phát triển thương mại và khoa học kỹ thuật, logos (nguyên ngôn) trở thành logique (đa ngôn), minh triết (tiền – Socrates) trở thành triết học lý niệm. Con đường phát triển của phương Tây nay đã trở thành nguyên mẫu của cả thế giới hiện đại, trong đó có các nước Đông Á và Việt Nam. Trong lúc Việt Nam còn đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa, còn cùng lúc tồn tại cả ba hình thái tiền – hiện đại, hiện đại và hậu – hiện đại, “đề án của Kim Định” hiện có điểm gì khả thi, và nếu có thì thực hiện như thế nào? Nhân ngày đầu năm, bên chén rượu xuân, bạn đọc cùng suy nghĩ.

PGS-TS. Đỗ Lai Thúy

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/tu-canh-dong-vui-kim-dinh-22263.html

___________________

(*) Lấy chữ của Chế Lan Viên “Từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, nhưng ở đây hiểu cánh đồng chỉ văn hóa nông nghiệp, còn vui chỉ sự an lạc của thời thái cổ.

(**) Tàu chỉ người Trung Quốc ngày nay hẳn do chữ tào này mà ra. Hơn nữa, tàu gắn với ngựa (một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ) biểu tượng của văn hóa Trung Hoa phương Bắc, du mục, đối lập với thuyền của văn hóa Việt Nam, phương Nam, nông nghiệp.

Hồn dân tộc

Lm. Lương Kim Định
Trích từ: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Ta hãy cho văn minh và văn hoá là một thực thể. Với một thực thể. Với một sự phân biệt có tính cách ước định ta gọi văn minh là phần hình thức, xác thể, vật chất, còn phần tinh thần cốt cán là hồn, là văn hoá.

Sự ước định này cũng theo các học giả Đức quốc, Ông Spengler văn minh là những tình trạng bề ngoài có tính cách nhân tạo, nó là tận cùng, là trạng thái đã thành kế tiếp theo trạng thái trở thành; sự chết kế tiếp theo sự sống; Kết tinh tiếp theo sự biến hoá (Déclin de l’Occident p.43) như vậy văn minh là cái gì nhân tạo, bên ngoài, đã thành hình và đang đi đến gần sự chết.

Văn hoá trái lại là sự trở thành, sự sống, sự biến Dịch. Chữ biến dịch hợp với Hệ từ V. «Thần vô phương, Dịch vô thể». Thần không có địa phương, Dịch không có thể xác, nhờ đó nó có thể nhập vào nhiều xác khác nhau.

Một nền văn hoá có thể làm hồn cho nhiều nền văn minh như trường hợp Nho giáo, Phật giáo đối với Trung hoa, Nhật bản, Cao ly, Việt Nam, hay như phần nào Hy lạp đối với La Mã và Tây âu. Một nền văn minh có thể chết đi còn văn hoá có thể tiếp tục tái sinh trong một nền văn minh mới. Văn minh chết là khi đến trước một khúc quanh lịch sử, nó gặp một tình tiết mới xuất hiện như một thách-đố (Challenge tiếng của Toynbee). Khi nền văn hoá được vun tưới tài bồi, được đủ điều kiện thuận lợi để thắng lướt sự thách đố vượt qua mâu thuẫn, thì sẽ có sự liên tục về căn bản để sống trong hình thức mới. Ngược lại nếu nó không thắng lướt được thì bấy giờ xảy ra hiện tượng mà sử gia Toynbee gọi là breakdown, tạm dịch là ngừng sống hay đổ bể tan vỡ và văn hoá theo theo văn minh chui vào nghĩa địa, thường gọi thanh là viện bảo tàng, như những văn minh Chàm, Khmer, Ai Cập, phần nào Hy Lạp và La Mã.

Thách đố đặt ra trước
các nền văn minh.

Hiện nay nhân loại bước vào một chu kỳ mới và một sự thách đố khổng lồ đặt ra trước các nền văn minh, ông Toynbee kể ra 5 thứ: hai nền văn minh Kitô giáo: một tây phương, một Chính Thống giáo Đông phương, Hồi giáo, Ấn độ và Trung hoa.

Văn hoá nào sẽ thoát đổ bể để tiếp tục đời sống mới? Hiện chưa có trả lời dứt khoát. Tất cả còn đang trong thời tao loạn, khủng hoảng, xao xuyến, lo âu, mất tin tưởng. Chúng ta ở trong đại gia đình văn hoá Trung hoa và một phần Ấn độ. Xét về mặt văn minh thì kể là chết gần xong rồi: chế độ quân chủ, thể chế nhân trị, lễ giáo v.v… đã cáo chung. Nhưng xét về mặt văn hoá thì chưa nhất định. Là một nền văn hoá lớn lao và trường cửu nhất (la plus massive et la plus durable, Granet Pensée c.) liệu nó có thắng lướt được sự thách đố đặt ra do nền văn minh cơ khí và do sự gặp gỡ giữa các văn minh chăng?

Xét trong dĩ vãng, nó đã nhiều lần thắng lướt thành công nên nhiều học giả nói nó tiến hoá mà không cách mạng (evolution et non revolution. Crell. Naissance de la Pensée Chinoise p.315), lần này nó sẽ thắng lướt được sự thách đố nữa chăng? Và nếu có thì chúng ta có thể can thiệp vào đường đi của nó cách nào ?

Vấn đề quan trọng, bởi nếu không thắng lướt được thì chúng ta sẽ phải sát nhập vào một nền văn hoá ngoại bang; trong trường hợp của chúng ta là văn hoá Tây Âu dưới hai hình thức – cộng sản hay là tư bản. Điều này rất tai hại, vì trước hết văn hoá Tây Âu chưa có nền móng siêu hình, và đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng vào bậc nhất, công sản cũng như tư bản vẫn chưa tìm ra một đạo sống thoả đáng cho con người toàn diện. Tuy nhờ kinh tế cực phồn thịnh và mực sống được nâng cao phi thường, nên che phủ đi được rất nhiều khía cạnh của cơn khủng hoảng kia, khiến nhiều người nhất là các dân tộc kém mở mang không ý thức được sự trầm trọng của cơn khủng hoảng nên hết sức học theo Tây Âu không những khoa học cơ khí mà luôn cả lối suy niệm mà bỏ hồn văn hoá theo kinh điển truyền thống. Nhưng làm thế, là gieo luôn cả hạt giống khủng hoảng trên đất họ, nơi đây sự nghèo túng sẽ làm cho cơn khủng hoảng kia nhả hết nọc độc ra, và đồng thời sẽ không hưởng được những ích lợi do sự kế tiếp của một nền văn hoá cố cựu với tính chất độc đáo, riêng biệt: một suối cảm hứng sâu xa không thể nào chờ mong xuất khởi do một nền văn hoá nhập cảng, nhân đấy vấn đề được đặt ra là làm thế nào để lướt thắng sự thách đố.

Con đường dẫn tới lướt thắng.

Theo thiển ý thì con đường chúng ta tuyên bố khá rõ rệt: nghĩa là chúng ta hầu hết định theo đường chiết trung: xem lại từ Đông Dương tạp chí qua Nam Phong cho tới bản hiến pháp ngày nay đều nói lên ý chí: « duy trì hồn dân tộc qua các tiến bộ mới. »

Hội đồng cải tổ giáo dục năm 1960 còn nói lại ý chí đó trong đó có chiêu đề : « dân tộc, nhân bản, giải phóng ». Đừng kể một vài nhóm như Tự lực Văn đoàn chủ trương chỉ có mới và mới kiểu hoàng đạo, ngoại giả là trong lý thuyết đều có ý tránh hai đường cực đoan là bảo cổ và duy tiến. Hai lối này sử gia Toynbee đã chồng chất dữ kiện lịch sử để chứng minh là đã chết, bởi nó tìm cách cưỡng ép thời gian hoặc bắt thời gian trở lui như bảo cổ, hoặc ép thời gian bước vội trước đà của nó như lối duy tiến. Ông Durant trong phần khảo sát các nền văn minh cũng đi đến kết luận: « một sự đứt đoạn quá sâu đậm kéo theo sự tận cùng của một nền văn hoá, hai yếu tố chính là sự thay đổi đột ngột và sự tích luỹ của cải vào tay một thiểu số ». Civ.I tr 17.

Hồn dân tộc
mới chính là trả lời.

Như vậy, còn lại con đường thứ ba tỏ ra hiệu nghiệm nhất suốt qua lịch sử dài lâu của dân tộc. Con đường đó ta hãy chia ra làm hai chặng, chặng đầu gọi là Chiết trung, chặng thứ hai xin gọi là Hồn dân tộc. Chúng ta cần trù liệu để dần dần vượt qua chặng Chiết trung hầu đi hẳn vào chặng Hồn dân tộc. Chiết trung có tính cách chọn mỗi bên một ít ráp đại vào không theo một nguyên tắc đã được qui định thấu đáo. Hồn dân tộc trái lại theo một qui tắc đã ý thức rành mạch : nó đòi phải giầy công phu lắm mới đi vào được. Lấy một ví dụ về nhạc chẳng hạn; môn chiết trung chỉ cần học lưng chừng có thể làm được, còn theo Hồn dân tộc, trước hết phải học hết chương trình nhạc Tây phương ít ra những ngành chính (Harmonie, composition, contrepoint, modalités) thí dụ hết năm sáu năm để suy tư lao lung và phân tách từng nhiều trăm bài dân ca của Việt Nam thuộc từng miền, may ra mới tìm được hồn dân tộc. Tôi gạch chữ may ra vì đó là truyện phát minh: phải học đủ mới có thể phát minh, nhưng không phải hễ học đủ là đã phát minh ra được. Còn tuỳ nhiều yếu tố khác, nó đòi gỡ được cái tinh tuý cốt cán ra khỏi những hình thái cũ kỹ và phát minh ra một số hình thức khác mới để nối kết mới với cũ, Đông với Tây.

Tóm lại lối Hồn dân tộc là đường trường dài hơi, thuộc kế hoạch dài hạn. Và vì thế ta chưa đi tới. Đó cũng là sự hợp lệ, vì sự thâu hồi độc lập khó khăn còn bao việc khẩn cấp hơn phải ứng đáp. Nhưng cần phải ý thức sự có nó và dần dần khởi công để bước vào, nếu không sự đổ vỡ sẽ chờ đợi chúng ta ở đầu trót chặng đường Chiết trung.

Nhìn vào thực trạng ta thấy gì?

Một đàng dân nước vẫn chưa có đạo sống. Đạo sống là gì? Lúc này ta đang ở thời chiến đấu, phải mượn câu nói của nhà binh mà nói: « đạo sống là làm cho trên dưới một lòng, có thể cùng chết cùng sống, coi thường nguy hiểm » (Tôn-Công-Tử).

Vài thí-dụ chứng minh
chưa tới hồn dân tộc.

Nhân vị chưa phải là đạo sống sao? Thưa có, chính nó là một đạo sống trong lý-thuyết. Còn trong thực hiện thì đó là một thí dụ về sự xa lìa dân tộc. Nghĩa là :

a). Một đàng các lý thuyết gia thường phỏng dịch một quyển sách nào đó, hay cùng lắm có soạn ra thì cũng dùng toàn những phạm trù và lý chứng lấy mãi ở xa xôi đâu đâu, một đội câu tục ngữ hay chữ nho rắc muộn lân mặt không che dấu được tính chất ngoại lai của nó, như thế nó chưa phải là những rễ đâm sâu vào lòng dân tộc. Trí thức vẫn chưa tìm ra đường lối để đi, họ chưa có một huyền niệm khả dĩ làm hứng khởi được dân nước. Sinh viên vẫn chưa có hướng học hỏi và kiến thiết quốc học, và ngày nay họ có lý oán trách thế hệ trước đã giối lại cho họ một di sản quá nghèo nàn (xem Đại học Hè Đà lạt 1960).

Nhưng cứ đà này rồi có lẽ họ cũng chỉ giối lại cho thế hệ sau một di sản còn nghèo nữa: vài bài hát cỡ chợ phiên, dăm ba tập truyện ngắn thuộc văn chương hạng nhẹ…

Tóm lại, chỉ nhìn thoáng qua, người ta nhận thấy ngay sự vắng bóng của một nền tư tưởng khả dĩ hướng dẫn được toàn dân. Tôi không nói đến trách nhiệm thuộc ai, chỉ xin lưu ý đó là mối nguy cơ nặng nề, vì theo lịch sử thì yếu tố gây đoàn tụ cấu kết mãnh liệt nhất là nhân tố tinh thần. Cái ấy hiện nay chưa có.

b). Về mặt thực hiện xã hội kinh tế, sự thích nghi cũng vắng mặt một cách đáng ái ngại. Đây một thí dụ thông thường: Thằng dân có làm mửa mật cũng chỉ kiếm được chừng một ngàn rưởi (lính được chín trăm) đang khi đó vợ và 3,4 đứa con cần phải ít ra hai ngàn mới đủ sống, chưa nói đến thuốc thang, mua sắm, thế mà mỗi lần con đau, đến bác sĩ phải trả từ một đến hai trăm, đến trạng sư phải trả từ tiền ngàn. Đến các thứ sĩ khác cũng thế, những sư những sĩ ấy là những món nhập cảng chưa được chỉnh lý theo phạm trù dân tộc nghĩa là theo túi tiền thằng dân, theo nguồn lợi tức nước nhà, thành ra có một hiện tượng hết sức kỳ quái là lẽ ra lương được tính theo nguồn lợi nước ít hơn bên Pháp thí dụ, là nước giàu hơn nước ta lối 10, 20 lần, thì trái lại lương họ thường cao hơn đồng liêu bên Pháp gấp đôi ba. Tôi không hề nghĩ đến cá nhân nào, tôi quen nhiều người hiểu tình trạng dân (có ông bác sĩ chỉ lấy 50đ) nhưng tôi chỉ đưa một thí dụ về tình trạng chung thuộc một thứ phong tục ngoại lai nhập cảng chưa kịp chế biến, chưa được điều chỉnh giá cả cho hợp mức sống của dân.

Như vậy là ta chưa học được chữ Dịch. Chưa biết thích nghi cho « dân khỏi bất quyện » (dân khỏi phiền), bởi nó đang sống trong truyền thống, lại bị những người đại diện nền văn hoá ngoại lai tiếp tục bóc lột nó, như thế hố chia rã giữa toàn dân sống theo hồn dân tộc và thiểu số tây học nắm quyền điều khiển sẽ bị đào sâu mãi cho tới ngày chín mùi sẽ đỗ vỡ, để bị sáp nhập vào nền văn hoá khác theo đường lịch sử mà Toynbee đã phác hoạ như sau :

Trong một nền văn minh đang độ phát đạt, thì giữa các tầng lớp xã hội có những liên lạc trung hoà. Dân chúng được thúc đẩy tiến bước do một nhóm thượng lưu chăm lo cho cộng đồng hơn cho lợi ích riêng mình. Dân tự ý tán thành những sáng kiến của trí thức thượng lưu, người ta chỉ cần dùng tới rất ít cưỡng ép. Nhưng đến lúc giờ biến đổi đã gióng lên, thượng lưu hết còn lo đến công ích, mà chỉ tìm củng cố tư lợi : họ không còn là thượng lưu dẫn đạo mà chỉ là thiểu số thống trị. Phía đại chúng chỉ còn miễn cưỡng tuân theo. Đó là những lý do đích thực tại sao sự thách đố cuối cùng không vượt qua được, thế là xảy ra hiện tượng đổ vỡ « breakdown » (Le monde et l’Occident. p 19). Nhân bàn về tình trạng Việt Nam lúc người Pháp rút khỏi Việt Nam, giáo sư Duffel có nhấn mạnh đến sự thất bại về mặt xã hội, thảm cảnh của một giới trưởng giả theo Tây, từ rày xa lìa khỏi dân chúng và đang tìm một thoả hiệp sống, sự rạn vỡ về mặt chính trị sâu xa mở hoác miệng trên bờ sông Bến Hải, sự xé rách một quê nước nhắc nhở cho người Pháp một đường phân cách với những đảo lộn của lương tâm.

Đó là một sự thách đố của một tình trạng mà cho tới nay mới chỉ được đáp lại bằng những câu tuyên bố hoa mỹ, nhưng người ta cảm thấy trong những đau khổ thầm lặng của dân chúng đang dâng lên lời đáp chính tông của một dân tộc vừa mới chứng tỏ về khả năng của nó « N’oublions pas la faille sociale, le drame d’une bourgeoisie rallíee à l’Occident, désormais coupée du peuple et qui cherche un modus vivendi. La laide cassure politique bée, au 17è parallèle à l’embouchure du song Ben Hai, déchirure d’une patrie qui rappelle aux Français e trouble de conscience et une lign de démarcation… C’est le « Challenge» de la situation, le défi au sens de Toynbee, auquel la réponsa jusqu’ a maintenent n’a guère été faire qu’en termes homériques, mais on sent monter… dans le silence de la sonffrance, la véritable réponse d’un peuple qui vient de donner ses preuves d’un peuple qui vient de donner ses preuves ». (Vitalité actuelle de religions non chrétiennes. Cerf 1957 p.192). Những lời này tuy viết có lẽ vào lúc người Pháp rút khỏi Đông Dương nhưng nay vẫn thấy còn có tính cách thời sự.

Tình trạng là thế, phải can đảm nhìn thẳng vào để nhận ra sự thật hầu tìm ra ngõ thoát. Ngõ thoát đó ta đã thấy và đi được chặng đầu. Phải cố gắng đi lên chặng thứ hai là chặng hồn nước mà bước đầu nói riêng về phương diện văn hoá có lẽ là một nguyên tắc và nhất là một chương trình thích đáng hơn và thống nhất hơn từ Tiểu-Trung học cho tới Đại học. Đó là một đòi hỏi mà có lẽ chúng ta chưa được một thời an ninh kéo dài đủ để đặt nền móng. Nhưng cứ chờ an ninh thì chẳng bao giờ làm được, vậy cần bắt tay vào việc ngay.

Nguyên tắc rút tự Kinh Dịch.

Trong bài này chúng ta thử đưa ra ít nét của một nguyên tắc rút trong Kinh Dịch. Trong đó có một thiên mà ông Wilhelm gọi là lịch sử những đợt văn minh, nói đến những lần biến dịch qua ba loại văn minh khác nhau: trước hết là săn bắn và đánh cá với Phục Hi; bước qua thời nông nghiệp với Thần nông; rồi vào thời lễ giáo với Hoàng đề Nghiêu-Thuấn. Thời Nông nghiệp lễ giáo kéo dài cho đến thời kỹ nghệ cơ khí ngày nay.

Mỗi thời nhà cầm quyền sáng suốt biết biến thông, nên duy trì được dây liên lạc mà dân không chán, không nhàm. Cái đó là nhờ đã đề ý đến cái hồn, cái cốt, nên biết duy trì cái vĩnh viễn, canh tân cái phải đổi mới, đem lại cho văn hoá Kinh Dịch một đời sống dài quán quân. Hệ từ hạ tiết hai viết: « Hoàng đế Nghiêu-Thuấn thông kì biến, sử dân bất quyện… thần nhi hoá chi, sử dân nhỉ chi »= Hoàng đế Nghiêu-Thuấn duy trì liên tục trong sự cải biến, khiến dân không nhàm; Thần Nông biến hoá khiến dân thích nghi với hoàn cảnh.

Vậy không phải bây giờ mới có thách đố (Challenge) hay bây giờ mới có việc hạ tầng kinh tế biến đổi! Nó đã xuất hiện hai ba lần nhưng nhờ người cầm đầu sáng suốt nên vẫn tiến mà vẫn độc lập tinh thần, hồn văn hoá vẫn sống được qua các đợt văn minh khác nhau.

Bí thuật của nó không ngoài hồn Kinh-Dịch tức là âm dương hoà, mà sự áp dụng nơi đây là một vuông một tròn, hai cái vuông tròn phối hiệp với nhau đến thấu nhập trở nên một cái không vuông không tròn gọi là văn minh. Nhưng mỗi lần thay đổi về kinh tế do một phương tiện sán xuất mới thì có sự biến đổi. Tuy nhiên không bỏ tròn (tinh thần) nhưng tròn này lại kết tinh vào những vuông mới. Những thể chế mới, những thói tục mới ; làm nên những bảng giá trị mới thay cho bảng giá trị cũ.

Nhiều khi nói đến duy trì truyền thống có người lo ngại làm như thế là mắc mưu Tây phương muốn dung kế văn hoá dân tộc để ru ngủ các dân hậu tiến (sic).

Câu nói xét một đàng tỏ ra lung túng và thiếu nền tảng không đáng bàn, nhưng xét đàng khác nó biểu lộ một tâm trạng chung đang lo âu làm thế nào để nước tiến mạnh; đồng thời câu nói cũng chứng tỏ việc thiếu sự phân biệt trong các thứ truyền thống. Bởi vì có thứ truyền thống thể chế, truyền thống kinh tế, lệ tục… và Truyền Thống viết hoa. Chương trình có nói dân tộc và giải phóng. Nhưng hai hạn từ đó mang nhiều yếu tố mâu thuẫn cần phải qui định: giải phóng chỗ nào, dân tộc chỗ nào?

Nếu là cốt phải giữ thì đâu là cách phải biến đổi? Đâu là hồn phải duy trì, đâu là xác phải lột bỏ. Chưa giải đáp được mấy câu đó thì vấn đề vẫn còn đầy lộn xộn, và còn tranh luận gắt gao giữa hai người có khi tựu trung lại đồng ý kiến.

Bởi vậy cần tìm ra một hệ thức phân biệt, chúng tôi thử đề nghị hệ thức sau:

m + oC = Y

m + oM = X

m là cốt cán, tinh thần, các đức tính, tạm gọi là hiến pháp vĩnh viễn, tượng trưng bằng nhạc (hoà)

o là hình thể vật chất gồm có các thể chế, tục lệ, luật tắc, hay biến đổi tuỳ theo kinh tế, tượng trưng bằng lễ, bằng đất vuông.

Y là hình thái văn minh do sự phối hợp m với oC (C=cũ) mà có. Y là một nền văn minh nhất định, một bảng giá trị nào đó.

Bây giờ cần phải tìm một hình thái mới, một bảng giá trị mới chưa được qui định, được biểu thị bằng X. Việc tìm X gồm ba động tác:

a). Đạp đổ Y (văn minh cũ)

b). gỡ lấy m (hồn) ra khỏi oC (xác cũ)

c). làm một Y mới gồm có m + oM (M :mới) = hồn muôn thuở cộng với thể chế mới thì được nền văn minh mới hồn dân tộc. Đó là X hay là YM (M :mới). Hệ thức trên căn cứ vào những câu như « thiên viên địa phương » hay là « Đạo viên nhi nghĩa phương » mà tiên tổ ta đã biểu thị bằng bánh giầy bánh chưng.

Hoặc câu « tam thiên tứ địa » = « ba trời, bốn đất ».

Ta sẽ dùng câu này thay vào hệ thức trên khi cần để dễ viết, nghĩa là thay vì vẽ vòng tròn ta sẽ nói trời, thay vì hình vuông ta sẽ nói đất. Và bây giờ ta thử minh định xem những cái gì là nội dung của tròn hay là tam thiên, và của vuông hay là tứ địa.

Phân tích đợt nhất.

Tam Thiên:

Tam Thiên gồm những đức tính vô hình, rất khó nói và nếu bất đắc dĩ phải dùng danh từ thì bao giờ cũng nên dành cho nó một nghĩa mềm giẻo, mung lung (như hồn bao giờ cũng mung lung).

Như thề ta có thể gọi tam thiên là Chân, Thiện. Mỹ hay Trí, Nhân, Dũng.

Hoặc có thể áp dụng vào tam giáo: Lão, Nho, Thích ở phần hình nhi thượng của nó, và ta tạm cho trí là Phật, Nhân là Khổng, dũng là Lão.

Nay nếu muốn xác định them một đợt nữa ta hãy cho tam thiên gồm:

a). Đạo đức: theo nghĩa uyên nguyên của Đông phương chỉ đạo thể và quyền năng (gạt ra ngoài ý luân lý tôn giáo).

b). Âm dương dùng làm phạm trù nối kết phối hiệp tam với tứ, đất với trời, hồn với xác.

c). Quan niệm đạo học Đông phương lấy con người làm cột trụ.

Tứ địa:

Chế độ đại gia đình.

Vấn đề làng mạc và áp lực dư luận.

Vấn đề giao thiệp giữa nam nữ.

Vấn đề nhân mãn và sinh nở. Các thứ tục lệ…

Đó là đầu mối những vấn đề thuộc xã hội cần đặt lại dầu phải trung thành với truyền thống, nếu muốn tấn bộ. Vì khoa học cơ khí làm xáo trộn mọi cơ cấu, nhân đó những cơ chế cũ không thể đứng vững, những giá trị cũ trở nên lỗi thời.

Sự giao thông mau lẹ dễ dàng hạ bệ hết mọi thói tục làng mạc. Khi người dân đang tìm cách thoát ly, mà phương tiện di chuyển lại dễ dàng, một sự đán áp quá khắt khe ngay bằng dư luận sẽ là yếu tố quyết định cho sự quảy gánh.

Kinh tế phồn thịnh nâng cao địa vị người đàn bà trong xã hội. Nam nữ thụ thụ bất thân không thuộc đạo giáo mà chỉ là lệ tục trong một thời nào đó, tự nhiên phải đổi.

Nhân đó sự liên lạc nam nữ không thể như xưa… Nạn nhân mãn: xưa cho đông con là có phúc « hãy làm cho đầy mặt đất ». Nay thì đã đầy rồi còn cố gia thêm thì sự đông con không còn là có phúc như xưa. Đó là vài thí dụ…

Sau những phân biệt đó mà chúng tôi tự nhận đầu tiên còn sơ xài và quá đơn giản, bởi trong thực tại những đức tính bao giờ cũng xuất hiện dưới hình thức cụ thể, đã phối hiệp với thể chế. Nhưng đây chỉ là qui tắc đặt ra để hướng dẫn sự lên sổ các đức tính một cách minh xác hơn, việc dài hơi đó thuộc phạm vi chương trình. Ở bài này ta chỉ cần sự phân biệt đại cương đó để nêu ra một đường lối. Nếu cần nhận xét chung thì ở đây mới có thể tuyên bố như sau: Nguyên tắc này giống với chủ trương cách mạng Mậu Tuất bên Tàu.

« Trung quốc vi thể

Tây học vi dụng »

Nhưng có hai đặc điểm sau:

1). Nguyên tắc ở đây được xác định hơn ngay tự trong nguyên tắc và nhất là trong chương trình như sẽ lần lượt bàn tới.

2). Quyết liệt hơn: phải bóc « cho kỳ tới hồn ». Nếu cứ lấy cớ dân tộc tính mà ôm đồm nhiều cái thuộc xác dân tộc thuộc giá trị cũ, thì hết hiệu nghiệm, vì thế trong khi trình bày chương trình chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến minh triết là cái giúp cho ta bóc tới Hồn hơn các môn khác.

Hy vọng thành công đặt ở hai điểm này, hai điểm rất mới mẻ, khi đi vào chi tiết. Sau những phân biệt thận trọng đó chúng tôi chủ trương.

Ở Tứ Địa cần phải giải phóng.

Còn ở Tam Thiên cần phải trung thành với dân tộc.

Nhờ đó có thể giàn hoà được hai yếu tố dân tộc mà lại giải phóng.

Phân tích đợt nhì.

Trung thành dân tộc: (Tam thiên)

1).Điều trước tiên với việc: « Thiên tôn, địa tỉ » – trời cao đất thấp: vậy yếu tố tâm linh phải được duy trì, nhất định trung thành với truyền thống trong việc đặt tinh thần lên trên chính trị, luật pháp, kinh tế… Mặc cho lũ tiểu nhân đắc chí huyênh hoang, nhất định lấy việc « trọng nhân nghĩa hơn tiền tài » làm lý tưởng. Bám chặt lấy những đức tính mà cha ông ta cho là tứ duy: bốn giềng mối giữ nước: liêm-sĩ-lễ-nghĩa (chữ lễ xin hiểu rất rộng). Tâm linh còn là chìa khoá giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa trong triết học, như sẽ trình bày chi tiết trong chương trình về sau.

2). Nhất định trung thành với đức Tương dung, không bao giờ đem thân làm nô lệ cho một ý hệ nào mà bỏ đức đó. Ta có thể nói mà không sợ cải chính, đó là cái đức đặc sắc của Đông phương, và đó cũng là đức mà ngày nay đang được Tây phương nhiệt liệt tuyên dương. Tuy nhiên phải trở về nguồn mới tìm ra triết lý của tương dung, nếu nhận từ ngoài, qua những phạm trù ngoại lai nhiều khi chỉ có tương dung trong lời nói mà thiếu trong thực hiện.

Đây là một sự phân biệt nền tảng giữa Đông và Tây. Đông rất rộng trong tam thiên tức là về vấn đề tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng ngặt ở tứ địa tức là thể chế thói tục, luật tắc, xã hội, thí dụ: ngoại tình phạt rất nặng (thuộc xã hội), nhưng Hồ Xuân Hương được viết những thơ rất tự do (thuộc tư tưởng). Trái lại bên Tây phương cổ điển rộng ở thể chế, xã hội, đời sống nhưng lại rất khắt khe trong tư tưởng tôn giáo, suy tư. Thí dụ, sinh viên phạm tội giết người có thể dễ dàng tránh pháp luật, nhưng một người nghĩ khác với tư tưởng xã hội có thể bị thiêu sống. (Đây nói về Tây từ thế kỷ 18 trở về trước, còn Đông hiểu ở cả hai khối Ấn độ và Trung hoa).

3).Trung thành với câu Âm-dương tương-thôi: chữ tương vắng bóng trong triết học cổ điển Tây phương, nhưng tối quan trọng trong triết Đông, nó là hậu quả của tương-dung. Nó đề cao hai đức tính: I) hợp tác chống với « đại lý độc quyền, độc chiếm, độc đoán. Chỉ có một người làm, các người khác đứng ngó. Thiếu hẳn chữ tương của Dịch lý Đông phương ». II) bổ túc chống với đấu tranh xét qua vấn đề nam nữ, lao-tư… Không kể chữ tương còn có vai trò quan trọng khác trong luân lý khoa v.v…

4). Cuối cùng là cái đạo học làm người xây trên một quan niệm con người Đông phương với những đức tính độc lập, tự cường, phấn phát rất đặc sắc của nó. Đó là một nền nhân bản tinh tuyền nhất : nghĩa là đã được gỡ khỏi mọi yếu tố thần thoại cũng như chưa bị rơi vào cực đoan duy tri. Vấn đề duy trì truyền thống sẽ là khôi phục được cái đạo nhân sinh này, vì nó là căn bản cho những đức tính nói trên.

Ở đây tôi không đưa ra đức Nhân tuy đó là đức riêng biệt lắm, nhưng nó mung lung nên ít khi Khổng Tử đề cập. Song bốn điều trên chính là nhân ái đích thực, khác ở chỗ được xác định thêm. Đều xác định này tối quan trọng vì nếu không, người ta có thể tuyên bố nhân ái mà toàn làm những tội ác bất nhân.

Bốn điều nêu ra trên đây phải được phát huy ra chương trình và phải được quảng diễn trên nền tảng Minh Triết Đông phương nghĩa là bằng những phạm trù biến dịch tiến hoá, quan điểm (darshana tiếng Ấn độ) và thêm óc phân tích phê bình của tây phương.

Mấy phạm trù này ngày nay ta năng được nghe nhắc tới trong Triết học mới của Tây phương, nhưng khi kê cứu so đo ta thấy nó thiếu hẳn hậu trường do 30-40 thế kỷ thực hiện : nông sâu khác nhau nhiều quá. Và nhất là hợp với chiều từ trường tâm hồn của chúng ta ! Cho nên nếu ta muốn có một nền triết lý sâu xa hơn lời nói suông, thí dụ tương dung thì cần trở lại Đông phương sẽ tìm được dễ hơn đức tương dung đích thực. Ngoại giả rất khó, không kể cộng sản mà ai cũng thấy thái độ bất tương dung ngập chợ, cả đến những triết thuyết khác từ Tây phương phát xuất ít khi thoát khỏi cái óc độc chiếm. Karl Jaspers đã công nhận óc đó là riêng biệt của tây phương (Hist. Jaspers 85).

Vì thế, chúng tôi chủ trương trung thành với truyền thống trong mấy điểm trên mà chúng tôi gọi là Hồn, là cốt và coi những việc phản bội các điều đó không những là bật rễ mà còn là thoái hoá, bởi chỉ cần suy nghĩ chín chắn về triết học tây phương thời mới ta thấy Âu châu chủ trương cảm thông, chấp nhận yếu tố ngoại lý và nao nao mơ tưởng đến tâm linh. Vì thế trung thành với truyền thống là đi cùng nhịp với triết học mới nhất, là dẫn đạo tinh thần, là đi vào cùng hàng tiền đạo với các nhà đại tư tưởng thế giới (Nietzsche, Jaspers, keyserling, Radha-Krishnam. Tolstoi, Dostokiesky…).

Một số thanh niên ta hiện nay chủ trương : dân tộc hay không, cái đó không quan trọng, miễn sao tiến mạnh. Câu đó tỏ ra thiếu được hướng dẫn. Vế sau « miễn sao tiến mạnh » là câu thường nghe, bởi đó chỉ nói lên ý hướng, mà ý hướng thì có ai là không muốn tiến mạnh kể cả người bị gọi là bảo tồn, vì với họ lối đó là tiến mau nhất. Vậy sự quan trọng nằm trong mệnh đề « dân tộc hay không dân tộc ». Nhưng nếu không trung thành với dân tộc tính thì gặp mấy bất lợi sau :

Điểm thứ nhất chỉ có phạm trù cùng chiều từ trường tâm trạng mới khơi được nguồn cảm hứng sâu xa nhất, những rung động trữ tình đó mới đem đến cho sản phẩm một cái hồn xem gương của những dân tộc trung thành truyền thống thì biết. Judêu rất sâu xa nhoờ đó, Tagore là bức tường sáng lạn gần ta.

Điểm thứ hai là theo chiều dân tộc dễ gặp may mắn để thành công trên quốc tế, vì ở nơi mình có những hình thức ít khi bị cạnh tranh, nên dễ trở nên đặc sắc một khi được khai thác tới cùng, nếu đi hẳn vào ngoại lai bao giờ mới được bằng người. Bản hợp tấu Mandal của Nhật Bản vừa rồi là một thí dụ : nó chiếm được chú ý đặc biệt hơn ba chục nước đưa ra đóng góp là vì Nhật có hồn dân tộc đặc sắc. Hoặc lấy thí dụ ở sơn mài dễ được chú ý vì riêng biệt không bị cạnh tranh, ngược lại tân nhạc, thí dụ: nếu cứ luôn luôn mới mà không nghĩ đến hồn dân tộc thì mong gì ra mặt với thế giới, ngay trong nước đã làm điếc con ráy nhiều tai kia rồi (nhớ lại Faucon báo JEO lúc sinh tiền thường phàn nàn về trình độ nhạc của ta cứ ù-lì nằm lại đợt « chợ phiên » không sao vươn lên được). Vịn cớ hướng về phổ biến cho dễ phớt hồn dân tộc thật là cái hợm mình, chuẩn chước cho mình một sự khó nhọc phải tìm ra hồn dân tộc nhưng chính sự khó nhọc đó là giá phải trả cho những thành công, nên không tìm cho ra hồn đó mà cứ đuổi theo mới thì lúc đó: luôn luôn mới cũng có nghĩa là luôn luôn tầm thường. Đành rằng đời sống hằng ngày, phải tầm thường như thế nhưng một nước xứng danh không thể không nghĩ đến đào tạo những nhân tài xuất chúng phi thường được.

Điểm nữa là nếu không đi vào hồn dân tộc thì văn nghệ sẽ lìa xa dân chúng như hầu hết các sang tác hiện nay. Hầu hết chỉ có đám thanh niên tân học hiểu lấy với nhau nghĩa là viết cho lối 5% dân chúng. Hố sâu giữa đại chúng và trí thức không được chú ý đến để lấp lại.

Ta có thể tỏ ngạc nhiên tại sao đến lúc này mà còn có báo đưa ra những lý chứng tràng giang để đả đảo những hình thức cổ hủ trong văn hoá mà không chỉ ra hình thức nào và hô hào giải phóng để đón nhận gió bốn phương mà không nói giải phóng khỏi cái gí; bời quả còn một vài yếu tố cổ hủ lác đác đó đây nhưng rất mong manh và đâu còn quyền lấn át chỉ huy, mà phải hô hào. Và gió bốn phương nào? Phải chỉ tên tuổi ra vì quả thật còn thiếu một số gió, nhưng chúng tôi thấy rõ tác giả những bài kia không hề ngờ đến. Xem ra chính họ cũng cần luẩn quẩn trong nước Pháp, mà nói đến Pháp thì hiện nay trong văn đàn không thiếu luồng gió mới nào: từ thơ lập thể đến siêu thực, trong triết học thì có Hiện-sinh và hiện tượng luân… tất cả các mặt hầu khắp rồi, còn thứ nào chưa được giới thiệu đón tiếp? Nếu mai ngày thế hệ chúng ta không để lại trong di sản văn hoá nước nhà được cái gì đáng giá, thì tôi thiết nghĩ không tại lỗi thiếu cởi mở, thiếu đón nhận, mà tại thiếu cái hồn dân tộc , để làm mối nhất quán, thiếu cái gốc qui tụ những điều thâu thái được. Tôi ngờ rằng tác giả những bài hô hào trên đang đọc những sách viết vào lối 1930. Thời Tự lực Văn đoàn chẳng hạn thì những câu đó có đối tượng, chứ ngày nay quen miệng lập lại thì đó chỉ là thứ văn nghệ sách vở thiếu quan sát, thiếu đi vào thực tại. Hay đúng hơn chưa phân biệt bình diện vuông tròn hiến pháp và luật lệ. Dẫu sao chúng ta cũng phải cố gắng tiến lên một bước nữa: là chấm dứt những câu tuyên bố suông, những lối thẩm định không dựa trên một sự kiện xác đáng hay một lý chứng rành mạch. Rồi đây chúng tôi sẽ đề nghị một phương pháp hiệu nghiệm để duy trì hồn dân tộc tức là vấn đề sách dân tộc.

Sau khi đã qui định đại cương những đức tính của Truyền thống, và quả quyết rằng trung thành với Truyền thống là đi tiền phong. Bây giờ ta trở xuống phía vuông, phía xã hội.

Cách mạng tứ địa:

Và ở đây chúng tôi chủ trương giải phóng: gió Đông lùi bước trước gió Tây, không sao cả: đó chỉ là tân phong thổi luồng khí cũ: « sự đảo lộn giá trị là một điều kiện cho công việc kiến thiết giá trị mới. Đặt lại các giá trị, không theo lễ giáo nữa, nhưng trở lại nguồn gốc uyên nguyên sâu thẳm của con người, lấy lẽ sống làm tiêu chuẩn. »

Nhân loại đến một khúc ngoẹo mới, đang bước vào một chu kỳ mới, nhiệm vụ lúc này cũng còn phải phá đổ, đừng tiếc sót gì? Đã có sinh phải có diệt. Muôn vật đều theo luật đó, dẫu là văn minh cao đẹp đến mấy. Ở đây chúng tôi chưa thể đi vào chi tiết từng cơ chế chỉ nêu ra nguyên tắc chung như sau: thời đại này dựa trên cá nhânchính phủ khác thời trước dựa trên xã hộiđại gia đình.

Sự thức tỉnh ý thức cá nhân là nét đặc sắc của thời đại này khác với xã hội cha ông chúng ta. Các ngài sống nhiều với ý thức xã hội. Một giai đoạn cần thiết lúc ban đầu khi loài người còn bất lực trước những tấn công của thiên nhiên cũng như cần thiết để phá ngu, vượt lên trên thú tính, để tinh luyện cho con người được văn minh.

Ngày nay nhân loại đã tiến xa hơn trước những thằng thúc của xã hội sẽ dần dần hết lẽ sống của nó. Điều kiện kinh tế buộc đại gia đình phải đi vào tiểu gia đình. Cái đó thuộc thể chế hoàn toàn. Trong khi bỏ thói tục đại gia đình dĩ nhiên quyền gia đình bớt đi.

Nhiều người sẽ cho cá nhân chủ nghĩa là thoái hoá, bởi nó hay đi kèm với phóng túng, truỵ lạc, ích kỷ, vật chất.

Đành rồi, và chúng tôi không hề nghĩ đến biện hộ cá nhân ích kỷ, vì nó trái ngược với Truyền thống. Chỉ chủ trương giải phóng khỏi thủ tục: thằng thúc đã hết ý nghĩa; nhưng trong trào lưu nào cũng có mặt phải mặt trái, mặt trái ở đây là ghé sang cá nhân, dật lạc, đó là bước thoái, nhưng phải chịu là thoái trong đường tiến triển. Con đường tiến của nhân loại vươn lên ý thức đi theo vòng xoáy ốc chữ chi, kiểu đường trèo núi, có lúc phải đi xuống để rồi lên cao hơn. Còn những sự quá đà sẽ một phần nhờ pháp luật do chính phủ đặt ra, điều chỉnh lại.

Đây là dịp cho nhiều người mở cờ truyền thống để cố duy trì những cái cổ hủ, lỗi thời, làm tê liệt đường tiến chung.

Đây còn là dịp cho nhiều người lấy lý bảo vệ thuần phong mỹ tục mà xâm phạm cả vào tự do cá nhân, xâm nhập quá sâu vào đời sống tư riêng, nơi thẩm cung của gia đình, chẳng hạn một số trường hợp gọi là săn gái điềm… Cái đó cùng lắm chỉ nên lấy danh nghĩa lễ giáo, không bao giờ nên nhân danh đạo giáo: nói khác đi, chỉ nên coi nó là luật nhất thời biểu thị ý kiến của một nhóm người thanh giáo chủ trương khắc khổ thì tuỳ ý họ, không nên vịn cớ bênh vực Truyền thống làm mất cả ý nghĩa thiêng liêng của chữ ấy đi. Ta nên dành chữ đó cho tái tinh thần Truyền thống. Trọng tâm của việc bảo vệ Truyền thống nên đặt vào việc dành lại cho cái học nhân bản của Truyền thống một địa vị danh dự. Đó là điều chúng ta nên chú trọng. Quyền bính bớt đi của gia đình và dư luận phải được đem tăng cường uy tín cá nhân đạt được do cái học nhân bản. Còn về lệ tục, các qui chế tuỳ thời canh cải.

Cố chấp duy trì một tình trạng đã lỗi thời chỉ gia them giả hình và man trá, và đó là duyên cớ thất bại của bao cuộc cải dụt dè lúc trước. Đắp nước tự nguồn chứ chạy theo đàng cuối nhọc mình mà không cải thiện được tình trạng.

Đây là dịp xê dịch trọng tâm. Lúc xưa mọi quyền trong tay gia đình và làng mạc, ngày nay sẽ chuyển sang cho chính phủ. Đường giao thong dễ dãi, lối sống tân thời dần dần gỡ cá nhân ra khỏi gia đình và ra khỏi áp lực của hương thôn tục lệ, ra khỏi áp lực của dư luận, vậy đồng thời phải chú trọng đến công dân giáo dục. Bởi đời sống xã hội không có luật lệ thì thực hiện thế nào được. Cha ông ta đã rất ngặt ở điểm này và các ngài có lý. Ta nay khỏi theo tổ tiên chỗ đó, vì phương thế khác rồi, nhưng nên xem đến nguồn gốc để gia tăng. Đây là thời cần trở lại nguồn; cần những tiên tri hơn những tư tế. Những người này bảo tồn chỉ muốn giữ y nguyên tình trạng cũ; tiên tri là những người cấp tiến cách mạng theo nghĩa tốt của nó, họ là những người ý thức về tương lai, bênh vực công lý, đứng về phe dân chúng; vì thế họ hay bị bắt bớ. Nhưng chính nhờ họ mà tôn giáo thí dụ của dân Do Thái tự hàng tin tưởng của một dân man rợ hẹp hòi, nặng óc chủng tộc đã trở thành một Tôn giáo độc thần và phổ biến.

Ở đâu cũng cần có những tiên tri thì « xã hội đóng » mới thêm sinh khí để thàng « xã hội mở ». Trong xã hội Ấn độ thời cổ hàng tư tế Brahman đã gây nên một tình trạng ứ đọng với những nghi lễ phiền toái và rỗng tuếch, Phật tổ đến thổi loa tiên tri: vất bỏ uy quyền kinh Veda, chối tuốt độc quyền của tăng lữ, đạp đổ biên giới đẳng cấp, nhờ phá được ba cái dây trói buộc đó, tinh thần độc lập tâm đạo vươn lên truyền bá ra khắp vùng Đông Nam Á.

Chúng ta đang sống trong thời ứ đọng, thời xao xuyến… cần có những đầu óc tiên tri, đứng lên đạp đổ những cái lỗi thời. Lễ giáo tuy không cần bỏ hết, nhưng không nên do từ ngoài tròng vòng cổ con người khi những con người đó đã có thể tự ý thức chọn lấy. Cần phải có những tiên tri, cần phải có những lỗ tai thâu nhận được lời của những tiên tri. Nếu không chúng ta sẽ dần đưa nhau đến đổ vỡ đến chỗ chon vùi văn hoá dân tộc.

oOo

Như thế chúng ta tạm tìm ra một nguyên tắc để dung hoà hai hạn từ mâu thuẫn đối lập, vừa trung thành đồng thời vừa giải phóng: trung thành với đức tính cao quí, mà giải phóng với những qui chế tục lệ đã lỗi thời. Trong việc thực hiện cần phải cứu xét cho tới chỗ tinh vi xét đến cái hồn, vì sự kết hợp Đông Tây hay đúng hơn phối hiệp mới cũ, phải trả bằng giá đó. Một người làm không nổi thì nhiều người. Vấn đề ở tại biết tổ chức. Nếu không mà cứ tiếp tục con đường duy tân lơ mơ hiện nay thì rồi cũng sẽ mang số phận như duy cổ mà tờ khai tử chưa khô mực ký. Sông Bến Hải không chỉ có ngoài vĩ tuyến 17, mà trái lại nó tượng trưng cho một vực thẳm khác đang được đào rộng mỗi ngày mỗi sâu them. Một bên là những người hãy tạm gọi là trí thức là trưởng giả, bờ bên kia là dân chúng, với hai thí dụ nhắc trên kia: là thuyết nhân vị thuộc trí thức và giả xem bệnh thuộc trưởng giả để minh hoạ. Ai cũng thấy là vực thẳm còn đang mở rộng thêm, sâu thêm, không lấp được là breakdown: đổ bể, tan hoang, phá sản.

Thế là không phải vì sĩ diện hay lấy le mà chúng ta chủ trương Văn hoá Á châu với hồn dân tộc, nhưng trước tiên vì lý do sinh tồn nghĩa là một mất một còn.

Bài này thử đưa ra một nguyên tắc: nếu thiết lập như thế tạm gọi là được đi, thì nguyên tắc đó không chước chuẩn sự lên sổ thống kê sống động các giá trị truyền thống, mỗi giá trị của mỗi bộ môn trong văn hoá, những giá trị được trình bày ở trình bày ở trình độ tinh lọc đến độ cuối cùng, để sẵn sàng tái sinh vào những thể chế mới, những hình thức văn nghệ mới, những thói tục mới.

Con đường Dân tộc trình bày ở đây xin lập lại thuộc chương trình dài hạn, đòi ở chính phủ cũng như nhà chuyên môn một sự bền chí dài hơi, nhưng rất mong được lưu ý, vì phần thưởng sẽ rất bội hậu. Chỉ cần nảy ra được một hai người là phục hưng lại được cả một nền văn hoá làm cho Văn hoá dân tộc phục sinh. Chỉ cần một người, cũng như « một nền văn hoá sinh ra lúc có một tâm hồn đại độ tự giác biết vượt ra khỏi tình trạng tâm lý nhất tề của tư chất ấu trĩ thiên nhiên con người, lúc đó hình thức sẽ hiện ra tự cái mở vô định. Sự lớn lao của một tâm hồn biểu lộ qua óc tự chủ sự suy tư và luôn luôn say sưa sang tạo. Chỉ có sự suy tư chân thực đó mới giải phóng được con người ».

Xin tặng anh chị em ebook Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, link download: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây

Do humans have a ‘religion instinct’?
Con người có một ‘bản năng tôn giáo ’?

When I was in grade school, there was an anti-drug commercial that regularly came on television. There were a few different versions of it but the gist was, an egg would be shown to the camera as a voice said, “This is your brain.” And then the egg would be smashed by a frying pan and the voice would say, “This is your brain on drugs.” We all got the point: drugs did something to your brain.

Khi tôi còn đi học, quảng cáo chống ma túy thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Có vài phiên bản khác nhau nhưng nội dung chính thường là một quả trứng hiện ra trên màn ảnh cùng với giọng nói vang lên, “Đây là bộ não của bạn.” Sau đó, quả trứng bị đập vỡ vào một cái chảo và giọng nói sẽ bảo, “Đây là bộ não của bạn khi có tác động của ma túy.” Thế là tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề: ma túy đã tác động lên não của bạn.

At my Pentecostal Church, drugs were talked about somewhat differently. We didn’t need them, we were told, because we could get high from God. God could do the same thing to our brain – give us a rush, a sense of euphoria – but our brains wouldn’t end up scrambled. God provided all the “positive benefits” of heroin with none of the damaging side effects. (Of course, when we consider the amount of religious violence throughout history, it’s impossible to claim that there are no damaging side effects to some beliefs in God. More on that later.)

Tại Giáo hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church) của tôi, ma túy lại được đề cập tới theo cách khác.  Chúng tôi luôn được dạy rằng không cần đến ma túy, bởi vì Chúa đem đến cho chúng ta niềm hưng phấn. Giống như ma túy, Chúa có thể tác động tương tự – khiến ta rạo rực, phấn khích – nhưng bộ não của ta sau đó sẽ không bị xáo trộn. Chúa ban tặng cho chúng ta tất cả các “hiệu ứng tốt đẹp” của heroin mà không kèm theo tác dụng phụ tai hại. (Tất nhiên, khi xét mức độ bạo lực tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử thì không thể nói là có một số đức tin đối với Chúa không hề gây ra bất kỳ ảnh hưởng tai hại nào. Tôi sẽ nói thêm về điều này sau.)

I long ago left my childhood church and often feel embarrassed about the “God as a drug” theology. But the more I think about religion as an emerging phenomenon, the more I wonder if, for all their sloppy Pentecostal vocabulary, my youth leaders were onto something: God does something to your brain.

Tôi đã thôi đến nhà thờ thời thơ ấu của mình từ lâu, song vẫn thường cảm thấy xấu hổ về thuyết “Chúa là một loại ma túy” này. Nhưng càng nghĩ về tôn giáo như một hiện tượng mới nổi, tôi càng băn khoăn tự hỏi liệu có phải bằng những từ vựng Ngũ Tuần vụng về của họ, những người dẫn dắt trẻ của giáo phái này khi đó đã nhận ra một điều: Chúa đã tác động lên bộ não của chúng ta.

“This is your brain. This is your brain on God.”

“Đây là não của bạn. Đây là bộ não của bạn trong tay Chúa.”

From a very young age, our minds may be primed for religious belief. – Từ khi còn rất nhỏ, tâm trí của chúng ta có thể đã được ươm mầm sẵn cho đức tin tôn giáo. (Credit: Getty Images)

Andrew Newberg, a neuroscientist who studies the brain in light of religious experience, has spent his career following this hunch. “If you contemplate God long enough,” he writes in How God Changes Your Brain, “something surprising happens in the brain. Neural functioning begins to change. Different circuits become activated, while others become deactivated. New dendrites are formed, new synaptic connections are made, and the brain becomes more sensitive to subtle realms of experience. Perceptions alter, beliefs begin to change, and if God has meaning for you, then God becomes neurologically real.”

Andrew Newberg, nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu não bộ con người với những trải nghiệm tôn giáo, đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi thế giới tâm linh của con người. “Nếu bạn chiêm ngưỡng Chúa đủ lâu,” ông viết trong cuốn How God Changes Your Brain (Chúa Thay Đổi Não Bộ Của Bạn Như Thế Nào),”điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong não. Chức năng thần kinh bắt đầu thay đổi. Nhiều mạch thần kinh được kích hoạt, trong khi một số khác ngừng hoạt động. Các nhánh thần kinh mới được hình thành, các mối nối thần kinh mới được tạo ra, và bộ não trở nên nhạy cảm hơn với những tầng tinh tế của trải nghiệm tôn giáo. Nhận thức đổi thay, niềm tin bắt đầu thay đổi, và nếu Chúa có ý nghĩa với bạn, thì Chúa trở thành hiện thực dưới quan điểm thần kinh học.”

Religious experiences, he tells me in his Pennsylvania-area office, satisfy two basic functions of the brain: self-maintenance (“How do we survive as individuals and as a species?”) and self-transcendence (“How do we continue to evolve and change ourselves as people?”).

Ngồi trong phòng làm việc của mình ở Pennsylvania, ông nói với tôi rằng trải nghiệm tôn giáo cần đáp ứng hai chức năng cơ bản của não bộ: tự duy trì sự sống (“Làm thế nào để sinh tồn với tư cách cá thể và tư cách loài?”), và tự vượt lên (“Làm thế nào để tiếp tục tiến bộ và thay đổi bản thân như mọi người?”).

Newberg and his team take brain scans of people participating in religious experiences, such as prayer or meditation. Though he says there isn’t just one part of the brain that facilitates these experiences – “If there’s a spiritual part, it’s the whole brain” – he concentrates on two of them.

Newberg và nhóm của ông scan não những người tham gia các nghi lễ tôn giáo, chẳng hạn như cầu nguyện hoặc thiền. Ông nói rằng không phải là chỉ có một phần nào đó của não bộ đóng vai trò trong những trải nghiệm này – “Nếu có một phần não riêng cho thế giới tâm linh, thì đó chính là toàn bộ bộ não” – và ông chủ yếu tập trung vào hai phần: thùy đỉnh và thùy trán.

There is a deactivation of the parietal lobe during certain ritual activities

Thùy đỉnh rơi vào trạng thái tĩnh khi chúng ta thực hiện một số các nghi thức tôn giáo nhất định.

The first, the parietal lobe, located in the upper back part of the cortex, is the area that processes sensory information, helps us create a sense of self, and helps to establish spatial relationships between that self and the rest of the world, says Newberg. Interestingly, he’s observed a deactivation of the parietal lobe during certain ritual activities.

Phần đầu tiên, thùy đỉnh, nằm ở phần trên phía sau của vỏ não, là khu vực xử lý thông tin cảm giác, giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của chính chúng ta và giúp thiết lập mối quan hệ giữa bản thân với phần còn lại của thế giới, Newberg nói. Thật thú vị, ông phát hiện ra rằng thùy đỉnh rơi vào trạng thái tĩnh khi chúng ta thực hiện một số các nghi thức tôn giáo nhất định.

Religious beliefs are one of the few “human universals” that appear in all cultures. – Niềm tin tôn giáo là một trong số ít những thứ “tâm lý phổ quát chung ở con người”, tồn tại trong mọi nền văn hóa. (Credit: Getty Images)

“When you begin to do some kind of practice like ritual, over time that area of brain appears to shut down,” he said. “As it starts to quiet down, since it normally helps to create sense of self, that sense of self starts blur, and the boundaries between self and other – another person, another group, God, the universe, whatever it is you feel connected to – the boundary between those begins to dissipate and you feel one with it.”

“Khi bạn bắt đầu thực hành một số loại nghi lễ, dần dần vùng não đó dường như ngừng hoạt động,” ông nói. “Bởi đây là vùng não mà khi ở trạng thái bình thường nó sẽ giúp ta nhận thức về bản thân, cho nên khi nó bắt đầu dần rơi vào trạng thái tĩnh thì bạn cảm thấy sự hiện hữu của bản thân bắt đầu nhạt nhoà dần. Ranh giới giữa cái tôi bên trong với những thứ bên ngoài – như là một người khác, một nhóm người khác, Chúa, vũ trụ, hoặc bất cứ điều gì bạn cảm thấy có liên kết – bắt đầu tan biến. Rồi bạn cảm thấy hòa làm một với vạn vật.”

The other part of the brain heavily involved in religious experience is the frontal lobe, which normally help us to focus our attention and concentrate on things, says Newberg. “When that area shuts down, it could theoretically be experienced as a kind of loss of willful activity – that we’re no longer making something happen but it’s happening to us.”

Phần thứ hai của bộ não liên quan nhiều đến trải nghiệm tôn giáo là thùy trán, nơi thường giúp chúng ta tập trung chú ý và tập trung tâm trí vào các thứ chúng ta làm, Newberg nói. “Khi vùng đó ngừng hoạt động, về mặt lý thuyết thì nó giống như là chúng ta không còn suy nghĩ về hành động có chủ đích nữa. Cụ thể là chúng ta không làm gì để khiến cho một điều gì đó xảy ra, thế nhưng điều đó vì lý do nào khác vẫn xảy ra với chúng ta.”

Newberg thinks all the brain scans he’s collected might beg the question about why the brain is built in such a way as to facilitate spiritual kinds of experiences.

Newberg cho rằng tất cả các kết quả scan não mà ông thu thập được giúp lý giải cho câu hỏi tại sao bộ não lại được thiết kế để sẵn sàng đáp ứng các nghi lễ tâm linh.

“If you’re spiritual or religious, the answer is obvious,” he says. But even if we leave aside any talk of God, we still have to wonder why the brain developed in ways that not only facilitate but seem to promote the kinds of experiences Newberg is studying. These are experiences that seem to be an inescapable part of human existence. (Read about what the future of religion might be like.)

“Nếu là người duy tâm hay có niềm tin tôn giáo, bạn sẽ thấy điều đó hoàn toàn là đương nhiên,” ông nói. Nhưng ngay cả khi không đề cập đến Chúa, chúng ta vẫn phải tự hỏi tại sao bộ não phát triển theo hướng không chỉ đáp ứng mà còn có vẻ ưu ái thúc đẩy các loại trải nghiệm mà Newberg nghiên cứu. Chúng dường như là một phần không thể thiếu trong sự sống của loài người.

***

[nextpage title=”Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm”]

 “The explanation for religious beliefs and behaviours is to be found in the way all human minds work,” writes Pascal Boyer in his book Religion Explained. And he really means all of them, he says, because what matters to this discussion “are properties of minds that are found in all members of our species with normal brains”.

“Ta có thể lý giải được niềm tin và hành vi tôn giáo thông qua cách mà tâm trí của loài người vận hành,” nhà nhân loại học người Pháp Pascal Boyer viết trong cuốn Religion Explained (Lý Giải Về Tôn Giáo). Và ông nói rằng ông thực sự đề cập tới toàn bộ các niềm tin và hành vi tôn giáo, bởi “các thuộc tính của tâm trí con người được tìm thấy trong tất cả những ai có não bộ bình thường”.

Let’s take a look at some of these properties, beginning with one known as Hypersensitive Agency Detection Device (HADD).

Hãy xem xét một số thuộc tính này, bắt đầu với một thứ gọi là Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm (Hypersensitive Agency Detection Device – HADD).

Say you’re out in the savannah and you hear a bush rustle. What do you think? “Oh, it’s just the wind. I’m perfectly fine to stay right where I am.” Or, “It’s a predator, time to run!”

Giả sử đang đứng giữa thảo nguyên Bắc Mỹ thì bạn nghe thấy tiếng bụi cây xào xạc. Bạn nghĩ sao? “À, chỉ là gió thổi thôi. Mình cứ đứng nguyên tại chỗ là ổn.” Hoặc, “Trời, có thú dữ, phải chạy ngay!”

Well, from an evolutionary perspective, the second option makes the most sense. If you take the precaution of fleeing and the rustling ends up being nothing more than the wind, then you haven’t really lost anything. But if you decide to ignore the sound and a predator really is about to pounce, then you’re going to get eaten.

Theo quan điểm tiến hóa thì tình huống thứ hai sẽ là hợp lý. Nếu bạn cảnh giác, chạy trốn và rốt cuộc tiếng xào xạc chẳng qua chỉ là tiếng gió thổi thì bạn thực sự cũng chả mất gì. Nhưng nếu bạn quyết định phớt lờ âm thanh báo động và một con mãnh thú sắp vồ lấy bạn, thì bạn tất sẽ bị ăn thịt.

Religious beliefs are one of the few “human universals” that appear in all cultures. – Niềm tin tôn giáo là một trong số ít những thứ “tâm lý phổ quát chung ở con người”, tồn tại trong mọi nền văn hóa. (Credit: Getty Images)

The cognitive scientist Justin Barrett has spent his career studying the cognitive architecture that seems to lend itself quite naturally to religious belief. One of our cognitive capacities Barrett is interested in is HADD. It’s this property, he writes in The Believing Primate, that causes us to attribute agency to the objects and noises we encounter. It’s the reason we’ve all held our breath upon hearing the floor creak in the next room, which we assumed was empty.

Nhà khoa học nhận thức Justin Barrett đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cấu trúc nhận thức, thấy nó gần như phù hợp một cách tự nhiên với niềm tin tôn giáo. Một trong những năng lực nhận thức mà Barrett quan tâm là HADD. Ông viết trong cuốn sách The Believing Primate (Loài Linh Trưởng Có Đức Tin) rằng đó chính là thuộc tính khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các vật thể và tiếng ồn mà chúng ta bắt gặp nhưng không lý giải được đó là gì. Đó là lý do khiến tất thảy chúng ta đều nín thở khi nghe thấy tiếng sàn nhà cọt kẹt ở phòng bên cạnh, căn phòng mà chúng ta tin là bỏ trống, không có ai ở.

Barrett says this detection device causes us to attribute agency to events with no clear physical cause (my headache was gone after I prayed) and puzzling patterns that defy an easy explanation (someone must’ve constructed that crop circle). This is particularly the case when urgency is involved. “A hungry subsistence hunter will find HADD registering more positives than a well-sated recreational hunter,” he writes.

Barrett nói rằng cơ chế phát hiện này khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các sự kiện không có nguyên nhân vật lý rõ ràng (ví dụ, tôi thấy hết đau đầu sau khi cầu nguyện) và các họa tiết khó hiểu mà ta không thể giải thích một cách đơn giản vì sao chúng lại xuất hiện (phải có ai đó làm nên cái họa tiết vòng tròn bí ẩn này chứ). Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp khi có yếu tố khẩn cấp. “Một người đi săn để kiếm sống sẽ cảm nhận HADD rõ nét hơn một người đi săn chỉ để tiêu khiển,” Barrett viết.

HADD is what Barrett calls a non-reflective belief, which are always operating in our brains even without our awareness of them. Reflective beliefs, on the other hand, are ones we actively think about. Non-reflective beliefs come from various mental tools, which he terms “intuitive inference systems”. In addition to agency detection, these mental tools include naive biology, naive physics, and intuitive morality. Naive physics, for example, is the reason children intuitively know that solid objects can’t pass through other solid objects, and that objects fall if they’re not held up. As for intuitive morality, recent research suggests that three-month old “infants’ evaluations of others’ prosocial and antisocial behaviours are consistent with adults’ moral judgments”.

HADD là thứ mà nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc nhận thức Justin Barrett gọi là niềm tin nội tâm và có tính bản năng. Nó luôn hoạt động trong não bộ của chúng ta ngay cả khi ta không nhận ra là nó đang hoạt động. Thế còn đức tin mà chúng ta lĩnh hội được là những thứ chúng ta chủ động suy nghĩ tới. Niềm tin nội tâm hình thành từ các công cụ tâm lý khác nhau, mà Barrett gọi là “các hệ thống suy luận trực giác”. Ngoài việc phát hiện những dấu hiệu tâm linh, những công cụ tâm lý này bao gồm trực giác sinh học, trực giác vật lý và trực giác đạo đức. Chẳng hạn, trực giác vật lý khiến trẻ em tự nhiên đã biết rằng các vật thể rắn không thể xuyên qua các vật thể rắn khác và sẽ rơi xuống đất nếu không được cầm nắm. Đối với trực giác đạo đức, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đánh giá của trẻ sơ sinh ba tháng tuổi về hành vi phù hợp xã hội và hành vi không phù hợp xã hội của một người là giống với quan niệm đạo đức của người trưởng thành.

Barrett claims that non-reflective beliefs are crucial in forming reflective beliefs. “The more non-reflective beliefs that converge the more likely a belief becomes reflectively held.” If we want to evaluate humans’ reflective beliefs about God, then we need to start with figuring out whether and how those beliefs are anchored in non-reflective beliefs.

Barrett nói rằng niềm tin nội tâm chiếm vị trí rất quan trọng trong việc hình thành đức tin mà con người ta lĩnh hội được. “Niềm tin nội tâm của một người càng cao thì càng có nhiều khả năng là người đó sẽ lĩnh hội được đức tin.” Để đánh giá đức tin của con người đối với Chúa, chúng ta cần bắt đầu tìm hiểu xem liệu những đức tin đó có bám rễ sâu vào niềm tin nội tâm hay không.

But how do we go from non-reflective beliefs like HADD and Naive Biology to reflective ones like a God who rewards good people and punishes bad ones? It’s here that Barrett invokes the idea of minimally counterintuitive (MCI) concepts, which are often strong candidates for cultural transmission. MCI concepts are basically intuitive concepts with one or two minor tweaks. In a different paper, Barrett gives the example of a flying carpet, which “behaves” like a regular carpet in every way except one. “Such ideas combine the processing ease and efficiency of intuitive ideas with just enough novelty to command attention, and hence receive deeper processing.”

Nhưng làm thế nào để chúng ta đi từ những niềm tin nội tâm như HADD và trực giác sinh học đến những đức tin được lĩnh hội như đặt lòng tin vào Chúa, tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho người thiện lành và trừng phạt kẻ xấu? Đây chính là điểm để Barrett viện dẫn đến ý tưởng về các khái niệm hiệu ứng phản trực quan tối thiểu (MCI – minimally counterintuitive concepts). Về cơ bản, nó chính là trực giác với một vài điều chỉnh nho nhỏ. Barrett đưa ra ví dụ về tấm thảm bay: đó là một tấm thảm không khác gì những tấm thảm bình thường, ngoại trừ việc nó có thể bay. “Các ý tưởng trực quan khi được đơn giản hoá và kết hợp với một chút sáng tạo thì sẽ gây chú ý nhiều hơn, và nhờ vậy các ý tưởng đó được người ta nhận biết rõ ràng, sâu sắc hơn.”

Bộ não của chúng ta có thể phải gắng sức để cân bằng sau cái chết của những người thân yêu; ở đây có sự mơ hồ mà các đức tin tôn giáo khác nhau có thể giúp lý giải. (Getty Images)

It’s not surprising, then, that cross-cultural studies have shown that MCI concepts are easily recalled and shared. There are two reasons for this, says Barrett. First, MCI concepts maintain their conceptual structure. Second, MCI concepts tend to stand out from among an array of ordinary concepts. “What captures your attention more,” he writes, “a potato that is brown, a potato that weighs two pounds, or an invisible potato?”

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghiên cứu về giao thoa văn hóa đã chỉ ra rằng các khái niệm MCI được nhớ lại và chia sẻ một cách dễ dàng. Có hai lý do dẫn đến việc này, Barrett nói. Thứ nhất là các MCI vẫn duy trì cấu trúc khái niệm của chúng. Và thứ hai, các MCI có xu hướng nổi bật hơn so với các khái niệm thông thường. “Cái gì sẽ khiến bạn chú ý tới nhiều hơn,” ông viết, “một củ khoai tây màu nâu, một củ khoai tây nặng hai cân Anh, hay một củ khoai tây vô hình?”

Religious beliefs are shared – and they’re shared by human animals with a shared neural anatomy. Our mental toolkit contains built-in biases, such as HADD, which is responsible for a number of false positives. (Most of the time it is just the wind!) For brains that seem wired to find agency and intention everywhere, religion comes very naturally.

Đức tin tôn giáo được chia sẻ – và chúng được chia sẻ bởi loài người có cấu trúc giải phẫu thần kinh giống nhau. Bộ công cụ tâm lý của chúng ta chứa đầy các thành kiến tích tụ từ bao đời, chẳng hạn như thuộc tính HADD khiến chúng ta đưa ra một số những kết luận sai lầm. (Hầu hết các lần ta nghe thấy tiếng xào xạc thì đó chỉ là âm thanh do gió gây ra chứ không phải là do có thú dữ đang rình mò xung quanh. Thế nhưng HADD khiến ta e rằng có thú dữ, cho nên cảnh giác, đề phòng hơn, và điều đó có lợi cho sự sinh tồn của chúng ta.) Đối với những ai có bộ não dễ bị kích thích, ưa tìm đến sự trung gian và tìm kiếm sự chú ý ở mọi nơi, tôn giáo được tiếp nhận một cách rất tự nhiên.

As Daniel Dennett points out, our adoption of the intentional stance is so much a part of who we are that we have a hard time turning it off – especially after someone dies. A loved one’s death, he writes, “confronts us with a major task of cognitive updating: revising all our habits of thought to fit a world with one less intentional system in it”. And so we talk about our deceased loved ones as if they’re still around, telling stories about them, reminding ourselves that they would approve of our decisions.

Như Daniel Dennett, triết gia, cây viết đồng thời là nhà khoa học nhận thức, chỉ ra, chúng ta rất khó nguyện ý từ bỏ quan điểm của mình, nhất là sau khi có người thân yêu qua đời. Ông viết rằng, cái chết đó “khiến chúng ta phải đối đầu với một nhiệm vụ quan trọng về nhận thức: đó là phải thay đổi mọi thói quen suy nghĩ để thích nghi với một thế giới mà trong đó mình vừa mất đi một người thân”. Cho nên chúng ta nói về những người thân yêu đã qua đời như thể họ vẫn còn ở quanh đâu đây, kể chuyện về họ, tự nhủ với lòng mình rằng có lẽ là họ sẽ đồng ý với các quyết định của mình.

In short, we keep them around. But not physically because, as Boyer points out, dead bodies are a problem. “Something must be done” with them. Indeed, “religion may be much less about death than dead bodies”. For this reason, some suggest that the earliest forms of supernatural agents were the departed, the ghosts of whom are minimally counterintuitive: like us in almost every way, except for the disappearing through the wall thing.

Nói tóm lại, chúng ta vẫn giữ họ bên mình. Nhưng về mặt vật lý thì đó là điều không thể, bởi vì, như nhà nhân loại học nổi tiếng Boyer đã chỉ ra, xác chết là một vấn đề. “Cần phải làm điều gì đó” đối với các thi thể. Thực sự thì “tôn giáo ít liên quan đến cái chết mà liên quan nhiều hơn tới thi thể”. Vì lý do này, một số người cho rằng các yếu tố siêu nhiên xuất hiện sớm nhất chính là những người đã khuất, những hồn ma: hồn ma hầu như giống hệt chúng ta, ngoại trừ việc hồn ma có thể xuyên qua tường rồi biến mất.

Closely related to the idea of agency is what Dennett refers to as a cards-up phenomenon. Agency detection carries with it certain risks: do you know about that bad thing I did? How can I be sure you know, and how can I be sure about what you think about me because of it? These are complex questions and human beings aren’t good at managing all the options. What’s needed for learning how to navigate these muddy waters is for everyone to be taught the rules of the game by placing all of our cards face up on the table. The teacher, then, is something of a full-access agent: they see everything and can instruct us accordingly.

Liên quan chặt chẽ đến ý tưởng nhân tố siêu nhiên là những điều Dennett gọi là hiện tượng chơi bài ngửa. Cơ chế nhận biết đi kèm với những rủi ro nhất định: có ai đó biết về chuyện xấu mà ta đã làm không? Làm thế nào mà ta chắc chắn rằng người đó biết, và làm thế nào để ta biết chắc là chuyện đó khiến người đó nghĩ về ta như thế nào? Đó là những câu hỏi phức tạp, và con người không đủ khả năng trả lời. Để học cách tránh bị sa lầy vào chuyện này, mọi người cần được dạy luật chơi bằng cách đặt ngửa tất cả các quân bài lên bàn. Khi đó, người dạy chúng ta chơi bài là người xem được toàn bộ các quân bài: họ nhìn thấy mọi thứ và dựa theo đó mà đưa ra các chỉ dẫn cho chúng ta.

The original full-access agents, says Dennett, were our dead ancestors. But eventually, the seeds of this idea became more formalised in various theologies.

Những người đầu tiên nhìn được mọi thứ, Dennett nói, chính là tổ tiên đã khuất của chúng ta. Và những mầm mống sơ khai này đã được chính thức hoá trong các học thuyết thần học khác nhau.

“Humans are not very good at behaving just because you punish them for not behaving,” says evolutionary psychologist Robin Dunbar, “otherwise we would all be driving well under 70 on the motorway.” The real problem isn’t how bad the punishment is, but how risky it is to be caught. If the risk is low, he says, we’re prepared for the punishment.

“Con người không xử sự đúng mực chỉ vì họ sẽ bị trừng phạt nếu không xử sự đúng mực,” nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar nói, “nếu không thì tất cả chúng ta sẽ đều lái xe an toàn mà không chạy quá tốc độ.” Vấn đề thực sự không phải là hình phạt được áp dụng sẽ nặng nề đến mức nào, mà là nguy cơ hành vi không đúng mực đó bị phát hiện cao tới mức nào. Nếu nguy cơ thấp, ông nói, con người ta sẽ sẵn sàng chấp nhận hình phạt.

Niềm tin tâm linh ban đầu khác xa với các tôn giáo được tổ chức chặt chẽ ngày nay. (Getty Images)

This would have been a major issue in prehistory. As hunter-gatherer groups grow, they need to be able enforce a punishment mechanism – but the greater the size of the group, the less chance there is of being found out.

Đây là một vấn đề lớn trong thời tiền sử. Khi các nhóm săn bắn hái lượm phát triển, họ cần thiết lập một cơ chế trừng phạt – nhưng nhóm càng đông thì càng ít có cơ hội phát hiện ra hành vi vi phạm.

Enter full-access agents: “We don’t see what you do on Saturday night, but there is somebody who does, so beware,” as Dunbar puts it.

Và thế là xuất hiện những người biết được mọi thứ: “Chúng ta không nhìn thấy ngươi đã làm gì vào tối thứ Bảy, nhưng có người biết đấy, hãy coi chừng,” Dunbar nêu giả định.

This idea was consonant with the intuitive mental tools such as HADD and intuitive morality, so it was well-received by our ancestors’ evolved brains. Plus it had the added bonus of regulating behaviour from the bottom up.

Ý tưởng này phù hợp với các công cụ tâm lý trực giác như thuộc tính HADD và trực giác đạo đức, cho nên nó được tổ tiên chúng ta với bộ não đã tiến hoá dễ dàng tiếp nhận. Thêm nữa, nó còn có tác dụng theo dõi, điều chỉnh hành vi từ dưới lên trên trong toàn bộ cấu trúc xã hội.

“You always get better behaviour from individual commitment,” says Dunbar, “not coercion.”

“Bạn luôn hành xử tốt hơn khi hành vi của bạn là xuất phát từ cam kết tự giác cá nhân chứ không phải do bị bắt buộc,” Dunbar nói.

As I argued in the first part of this series, morality predates religion, which certainly makes sense given what we know about the very old origins of empathy and play. But the question remains as to why morality came to be explicitly connected with religion. Boyer grounds this connection in our intuitive morality and our belief that gods and our departed ancestors are interested parties in our moral choices.

Như tôi đã phân tích trong phần trước của loạt bài này, đạo đức xuất hiện trước tôn giáo, điều đương nhiên hợp lý dựa trên những gì chúng ta biết về nguồn gốc xưa cũ của sự cảm thông và màn trình diễn. Song câu hỏi chưa được giải đáp là tại sao đạo đức lại được kết nối rõ ràng với tôn giáo. Boyer đặt mối liên hệ này trong trực giác đạo đức và niềm tin của chúng ta rằng các vị thần và tổ tiên đã khuất ảnh hưởng tới các lựa chọn đạo đức của chúng ta.

“Moral intuitions suggest that if you could see the whole of a situation without any distortion you would immediately grasp whether it was right or wrong. Religious concepts are just concepts of persons with an immediate perspective on the whole of a situation.”

“Trực giác đạo đức cho rằng nếu bạn có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, không bị làm biến dạng, bạn sẽ ngay lập tức nhận định xem nó đúng hay sai. Khái niệm tôn giáo chỉ là khái niệm của những người ngay lập tức có viễn cảnh về bức tranh đó.”

Say I do something that makes me feel guilty. That’s another way of saying that someone with strategic information about my act would consider it wrong. Religion tells me these Someones exist, and that goes a long way to explaining why I felt guilty in the first place. Boyer sums it up in this way: “Most of our moral intuitions are clear but their origin escapes us… Seeing these intuitions as someone’s viewpoint is a simpler way of understanding why we have these intuitions.” Thus, Boyer concludes, religious concepts are in some way “parasitic upon moral intuitions”.

Giả sử tôi làm điều gì đó mà bản thân cảm thấy là có lỗi. Như vậy có nghĩa là một Đấng nào đó có thông tin tổng thể về hành động của tôi sẽ coi hành động này là sai. Tôn giáo cho tôi biết rằng những Đấng nào đó này có tồn tại, và phải mất một chặng dài để giải thích lý do tại sao tôi cảm thấy có lỗi ngay từ đầu. Boyer tóm tắt lại như sau: “Hầu hết các trực giác đạo đức của chúng ta đều rõ ràng nhưng chúng ta không hiểu căn nguyên khiến phát sinh các trực giác đó… Việc coi những trực giác này là do ý của một Đấng nào đó sẽ giúp đơn giản hoá vấn đề để lý giải vì sao chúng ta lại có những trực giác này.” Do đó, Boyer kết luận, các khái niệm tôn giáo, theo một cách nào đó “tồn tại ký sinh trên các trực giác đạo đức.”

***

[nextpage title=”Những nghi thức tôn giáo thuở sơ khai”]

We tend to think of religious beliefs as the result of individual minds, but they’re actually quite social. This isn’t surprising since, as I’ve been arguing in both parts of this essay, religion emerges from an evolutionary process that pressured apes to become more social.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng niềm tin tôn giáo là kết quả suy ngẫm của từng cá nhân đơn lẻ, nhưng chúng thực sự mang tính xã hội. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì, như tôi đã phân tích trong loạt bài này, tôn giáo xuất hiện từ một quá trình phát triển vốn buộc loài vượn người phải trở nên có tính kết nối cộng đồng cao hơn

But the problem created by increased sociality is its maintenance, as Dunbar explains. Before our ancestors settled into villages, they could simply “move from the Joneses to the Smiths’ group when tensions arise”. After settlement, however, they faced a very serious problem: “how to prevent everybody from killing each other”. Enter grooming.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì được sự bền vững của cộng đồng một khi cộng đồng đó phát triển, có đông thành viên hơn nữa, nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar giải thích. Trước khi tổ tiên của chúng ta định cư thành các làng xóm, họ chỉ đơn giản là “di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác khi có mâu thuẫn”. Tuy nhiên, sau khi định cư, họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng: “làm thế nào để không để xảy ra tình trạng mọi người tàn sát nhau”. Thế là bắt đầu xuất nhu cầu quan tâm chăm sóc gây cảm tình thông qua đụng chạm cơ thể – chải lông, bắt rận – nhằm tăng tình cảm gắn bó giữa các cá thể trong cộng đồng.

The bonding process is built around endorphin systems in the brain, which are normally triggered by the social grooming mechanism of touch, or grooming. When it comes to large groups, says Dunbar, touch has two disadvantages: you can only groom one person at a time; and the level of intimacy touch requires restricts it to close relationships.

Quá trình kết thân giữa các cá thể diễn ra dựa vào các hệ thống endorphin trong não, được kích hoạt bởi tập tính chải lông bắt rận nhằm tăng tình cảm bầy đàn, gây dựng cảm tình với nhau. Đối với các nhóm lớn, Dunbar nói, việc lấy lòng bằng cách tiếp xúc trực tiếp có hai nhược điểm: tại bất kỳ thời điểm nào thì việc chải lông bắt rận cũng chỉ có thể thực hiện được với một cá thể; và mức độ đụng chạm thân mật đòi hỏi phải có mối quan hệ thân thiết.

Recent data caps wild primates’ daily maximum grooming time to about 20 percent of their activity. Dunbar calculates that this cap limits group size to fewer than 70 members, which is significantly less than the group capacities of modern humans, at about 150. The problem, then, was to find a way to trigger social bonding without touching. Laughter and music were good solutions, which Dunbar says create the same endorphin-producing effects as grooming by imposing stress on muscles. Language works, too, a theory Dunbar has explored at length in his book Grooming, Gossip, and the Evolution of Language. Because these effects can be achieved sans touch, social bonding can happen on a much larger scale.

Dữ liệu gần đây cho thấy các loài linh trưởng trong đời sống hoang dã dành tối đa là 20% thời gian hoạt động hàng ngày vào việc chải lông bắt rận cho nhau. Dunbar tính toán rằng điều này chỉ có thể xảy ra ở các quần thể có dưới 70 cá thể, tức là thấp hơn đáng kể so các nhóm người hiện đại vốn thường có khoảng 150 thành viên. Cho nên vấn đề nảy sinh là cần tìm cách thúc đẩy mối liên kết xã hội mà không cần đến phải dùng đến việc gần gũi thân mật. Tiếng cười và âm nhạc là những giải pháp tốt, mà Dunbar cho rằng hai thứ này tạo ra các hiệu ứng giải phóng endorphin tương tự như đụng chạm cơ thể. Ngôn ngữ cũng có tác dụng, một lý thuyết mà Dunbar đã khám phá từ rất lâu trong cuốn sách Grooming, Gossip, and the Evolution of Language (Chải Lông Gây Cảm Tình, Tán Gẫu Và Sự Tiến Hóa Của Ngôn Ngữ). Do những hiệu ứng này có thể đạt được mà không cần đụng chạm cơ thể, chúng giúp gắn bó cộng đồng ở quy mô lớn hơn nhiều.

Dunbar’s argument is that religion evolved as a way of allowing many people at once to take part in endorphin-triggering activation. Many of the rituals associated with religion, like song, dance, and assuming various postures for prayer, “are extremely good activators of the endorphin system precisely because they impose stress or pain on the body”.

Theo Dunbar thì tôn giáo phát triển theo cách cho phép nhiều người cùng tham gia kích hoạt giải phóng endorphin. Nhiều nghi thức liên quan đến tôn giáo, như hát, múa và các tư thế mô phỏng khác nhau để cầu nguyện, “là những kích hoạt tố cực kỳ tốt lên hệ thống endorphin, bởi chúng gây áp lực căng thẳng tinh thần hoặc đau đớn thể chất lên cơ thể.”

Spiritual practices cause the brain to release endorphins, which can improve group bonding.
– Thực hành tâm linh khiến não giải phóng endorphin, có thể cải thiện liên kết nhóm (Credit: Getty Images)

One ritual Dunbar says was involved in shamanistic religions – the earliest types of doctrine-less religion – was trance dance, which Dunbar says was about restoring social equilibrium.

Một nghi thức Dunbar cho rằng có liên quan trong các tôn giáo có thầy cúng hay pháp sư, thầy phù thuỷ – tức những loại tôn giáo xuất hiện sớm nhất trong số các loại tôn giáo không có giáo lý – là lên đồng.

“It works specifically as social bonding,” he says. “They do it as things are getting tough, until they annoy each other enough, and then they say, ‘Let’s do a trance dance.’”

“Nó hoạt động như một liên kết xã hội đặc biệt,” ông nói. “Họ làm điều đó khi mọi thứ đang trở nên khó khăn, cho đến khi họ làm phiền nhau đủ, và sau đó họ nói, ‘Hãy lên đồng’”.

In effect, he says, the same pharmacological effect of grooming is achieved: many individuals feel powerfully bonded together, at the same time. But maybe they don’t know what it all means…

Trong thực tế, ông nói, hiệu quả dược lý tương tự của chải chuốt đã đạt được: nhiều cá nhân cảm thấy mạnh mẽ liên kết với nhau, cùng một lúc. Nhưng có lẽ họ không biết ý nghĩa của nó…

“You come out of these states feeling relaxed and at peace, and bonded with the people you’re doing it with,” says Dunbar. “Then you start asking what it’s all about. How is it I feel good after these? Then after that maybe you have a few Einstein theologians who can make sense of it. ‘I can tell you what it all means!’ Then you’ve got the capacity for more doctrinal religions.”

“Khi bước ra khỏi trạng thái này, bạn cảm thấy thư thái bình yên và gắn bó với những người đã tham gia cùng bạn,” Dunbar nói. “Sau đó, bạn bắt đầu hỏi rốt cuộc đó là thứ gì. Làm sao mà tôi lại cảm thấy dễ chịu sau khi tham gia? Tiếp đến có lẽ sẽ xuất hiện một ít những nhà thần học thông tuệ có thể lý giải việc đó. ‘Ta sẽ giải thích cho ngươi mọi nhẽ!’ Thế là bạn đã sẵn sàng tiếp nhận các tôn giáo mang tính chất giáo lý cao hơn.”

But these sporadic dances only worked until our ancestors began to settle down. Once hunter-gatherers began to form more permanent settlements, around 12,000 years ago, something more robust was needed to encourage populations to behave prosocially towards each other. Especially given the enormous newfound stress that comes with living in such large and inescapable groups. Trance dances could happen in these larger communities with some regularity – say, monthly – but what is needed are more regularised rituals to encourage social cohesion.

Nhưng những điệu nhảy lẻ tẻ này chỉ có tác dụng cho đến khi tổ tiên chúng ta bắt đầu sống ổn định. Khi những người săn bắn hái lượm hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định, khoảng 12.000 năm trước, cần phải có một điều gì đó bền vững hơn để khuyến khích dân chúng cư xử nền nếp với nhau. Đặc biệt với sự căng thẳng gây hấn mới phát sinh khi bắt buộc phải sống trong những nhóm lớn là không thể tránh khỏi. Việc lên đồng có thể thực hành trong các cộng đồng đông dân này với tần suất định kỳ – chẳng hạn như hàng tháng – nhưng cần phải có các nghi thức được thực hiện đều đặn hơn để khuyến khích sự gắn kết xã hội.

The formation of permanent settlements corresponds with the advent of farming. The agricultural, or Neolithic, revolution, began in the Fertile Crescent in the Middle East, which is sometimes referred to as the Cradle of Civilisation. Dunbar says it’s in these settlements where history’s first ritual spaces appear, the oldest of which is Gobekli Tepe in south-east Turkey. First examined in the 1960s, the site was excavated from 1996-2014 by a team led by German archaeologist Klaus Schmidt. In a 2008 Smithsonian Magazine feature, Schmidt referred to the site as humanity’s first “cathedral on a hill”. Gobekli Tepe, which means “belly hill” in Turkish, is a non-residential space that seems to have housed various temples made of pillars. It is estimated to date to about 10,000 BCE.

Sự hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định lâu dài tương ứng với sự ra đời của nền nông nghiệp. Cuộc cách mạng nông nghiệp, hay thời đồ đá mới, bắt đầu từ vùng đất Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ ở Trung Đông, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại.  Dunbar nói rằng tại các khu định cư này xuất hiện không gian tâm linh đầu tiên trong lịch sử, trong đó lâu đời nhất là Gobekli Tepe ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Được khảo sát lần đầu tiên vào thời thập niên 1960, địa điểm này được khai quật từ năm 1996-2014 bởi một nhóm do nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt dẫn đầu. Trong bài báo đăng trên thuộc Tạp chí Smithsonian năm 2008, Schmidt đã gọi nơi này là “thánh đường trên ngọn đồi” đầu tiên của nhân loại. Gobekli Tepe, có nghĩa là “đồi bát úp” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi không có dân cư, có vẻ như là nơi có nhiều ngôi đền khác nhau được dựng lên bằng những cây cột. Nó được cho là đã tồn tại từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

As historian David Christian writes in Origin Story: A Big History of Everything, farming was a mega-innovation, like photosynthesis. That is, farming was a major threshold that, once crossed, set off our ancestors on a whirlwind journey that ran headlong into the complex societies that have dominated our species’ recent history. As population growth surged, mega-settlements saw increased social complexity, and large-scale political, economic, and military networks, says Christian. To accommodate such large groups, earlier ideas about kinship had to be modified “with new rules about properties, rights, ranking, and power”. The result of this ranking was the concept of specialisation, which led to different the stratification of classes. Some were rulers, some were merchants, some were priests.

Như nhà sử học David Christian viết trong cuốn Câu Chuyện Nguồn Gốc: Lịch Sử Vĩ Đại Về Vạn Vật (Origin Story: A Big History of Things), nông nghiệp là một sự đổi mới vĩ đại, kỳ diệu. Thật vậy, nông nghiệp là một cột mốc lớn mà một khi vượt qua được, tổ tiên chúng ta tiến vào một hành trình phát triển như vũ bão tạo ra các xã hội phức tạp hơn, thống trị lịch sử cận đại của loài người. Khi dân số tăng, tại các khu định cư đông dân, xã hội ngày càng trở nên phức tạp, và thế là các mạng lưới chính trị, kinh tế và quân sự bắt đầu xuất hiện, Christian nói. Để phù hợp với các nhóm lớn như vậy, những quan niệm trước đây chủ yếu về mối quan hệ huyết thống họ hàng thân thích phải được cải tiến bằng “các quy tắc mới về tài sản, quyền hạn, thứ hạng tầng lớp xã hội và quyền lực.” Kết quả của bảng xếp hạng mới này là khái niệm chuyên biệt hóa, dẫn đến sự phân chia các giai cấp khác nhau trong xã hội. Một số trở thành những người cai trị, một số là thương nhân, một số là linh mục.

In contrast to hunter-gatherer religious experiences, the religious rituals of Neolithic humans “focuses above all on one person, the divine or quasi-divine king, and only a few people, priests or members of the royal lineage, participate”, writes the late sociologist Robert Bellah. Importantly, it was during this period that “king and god emerged together… and continued their close association throughout history”.

Tương phản với nhu cầu tôn giáo của con người trong thời săn bắn hái lượm, các nghi thức tôn giáo của người thời đại đồ đá mới “tập trung tất cả vào một người, là vị vua thiêng liêng, được coi như vị thần hoặc á thánh, và một số ít người gồm các tu sỹ hoặc người thuộc dòng dõi hoàng thất,” nhà xã hội học quá cố Robert Bellah viết. Điều quan trọng là trong thời kỳ này, “vua và thần linh đã kết hợp với nhau… và tiếp tục duy trì mối liên kết bền chặt đó trong suốt quá trình lịch sử”.

[nextpage title=”Thời trục”]

At around 10,000 years old, Gobekli Tepe in Turkey is the world’s oldest temple site. The emergence of farming at this time heralded new forms of religion. –
Tồn tại từ khoảng 10.000 năm trước, Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm xây dựng đền đài cổ nhất thế giới. Sự xuất hiện của cách mạng nông nghiệp vào thời điểm này đã báo trước những hình thức tôn giáo mới. (Credit: Getty Images)

Eventually that association came to be challenged in what some have called the Axial Age. Originally coined by the philosopher Karl Jaspers, the term refers to a time of sweeping changes that occurred in the first century BCE in China, India, Iran, Israel, and Greece. It was then, claimed Jaspers, that “man becomes conscious of Being as a whole” and “experiences absoluteness in the lucidity of transcendence”. It was then that our species took “the step into universality”.

Và rồi sự liên kết đó đã bị thách thức trong giai đoạn mà một số người gọi là Thời Trục (Axial Age). Khái niệm ‘Thời Trục’ do nhà triết học Karl Jaspers đưa ra, dùng để chỉ thời kỳ diễn ra những thay đổi sâu rộng trước Công Nguyên ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israel và Hy Lạp. Jaspers nói rằng đó là lúc mà “con người bắt đầu nhận thức rõ ràng về việc mình Tồn Tại như một cá thể trọn vẹn” và “đạt tới trải nghiệm tuyệt đối về những thay đổi nhanh chóng”. Khi đó, nhân loại đã “bước chân vào thế giới vạn vật bao la”.

The concept of axiality, as Jaspers framed it, is controversial. Not only is there disagreement about the what and the when, but as Bellah has noted, Jaspers’ history looks a lot like his existential philosophy. “In discussing the Axial Age,” says Bellah, “it is all too easy to read in our own presuppositions.”

Khái niệm tính hướng trục là điều gây tranh cãi, theo Jasper. Không chỉ có những ý kiến khác nhau về chuyện giai đoạn lịch sử này là gì, xảy ra vào khi nào, mà, như Bellah đã lưu ý, phần lịch sử Jaspers nêu ra rất giống với triết lý sinh tồn của ông. Tuy nhiên, Bellah nghĩ rằng khái niệm này đáng để cân nhắc, dẫu cho nó cần phải được cân nhắc bằng những đánh giá dè dặt.

Still, Bellah thinks the concept is worth holding onto, albeit with qualifications. If we set Jaspers aside, it’s still impossible to deny that huge transitions in thought happened very quickly in the first century BCE. When I ask Dunbar if he buys the Axial Age hypothesis, he says, “If by that you mean a phase transition in which suddenly and quickly you have the emergence of religions with rituals and doctrines, the answer is yes.”

Dù chúng ta có bỏ qua triết lý của Jaspers thì vẫn không thể phủ nhận rằng sự chuyển đổi lớn về nhận thức đã xảy ra rất nhanh trong Thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên. Khi tôi hỏi Dunbar rằng liệu ông có đồng ý với giả thuyết Thời Trục không, ông nói, “nếu ý ông cho rằng giả thuyết này đề cập đến một giai đoạn chuyển đổi trong đó có sự xuất hiện đột nhiên và nhanh chóng của các tôn giáo với các nghi lễ và hệ thống giáo lý, thì câu trả lời là có.”

So what was axial about the axial age? First, all of the so-called axial breakthroughs occurred outside imperial centres. Bellah says an increased competition between states “created the possibility for the emergence of itinerant intellectuals not functioning within centralised priesthoods or bureaucracies”. Axial figures were able to criticise the centre from the margin. In fact, one historian has called the Axial Age “the age of criticism”.

Vậy bản chất hướng trục là gì trong thời đại này? Đầu tiên, tất cả những cái gọi là đột phá trục xảy ra bên ngoài các trung tâm đế quốc. Bellah nói rằng cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước đã “tạo điều kiện cho các học giả tuỳ ý bôn tẩu mà không chịu sự ràng buộc từ giới tăng lữ hoặc quan lại trung ương tập quyền”. Đặc điểm của Thời Trục là các gương mặt tên tuổi của thời này có thể đứng từ bên ngoài mà chỉ trích chính quyền trung ương. Trên thực tế, một sử gia đã gọi Thời Trục là “thời đại chỉ trích”.

Bellah says the question that was key during this breakthrough period was, “Who is the true king, the one who truly reflects justice?” So, for example, in Greece, Plato instructs people to look not to the aristocrat Achilles but to Socrates. In India, the Buddha was the one who gave up his claim to kingly succession. And in Israel, the God/king unity was decisively broken with the prophetic tales about YHWH rejecting and installing kings at will. In short, Bellah argues, axiality consists in the ability to imagine new models of reality as preferential alternatives to the ones already in place.

Bellah nói rằng câu hỏi quan trọng nhất trong giai đoạn đột phá này là, “ai là bậc quân vương, là người thực sự thực thi công đạo?” Cho nên, chẳng hạn như ở Hy Lạp, triết gia Plato giảng giải rằng chúng dân chớ hướng vào những người thuộc giới quý tộc như Achilles, mà cần học hỏi triết gia Socrates. Ở Ấn Độ, Đức Phật là người từ bỏ ngai vàng. Và ở Israel, sự hợp nhất giữa Thần linh và vua đã phá vỡ những câu chuyện tiên tri về việc Đức Chúa Trời (YHWH) tuỳ ý phế truất và lập các vị vua. Nói tóm lại, Bellah nói, tính hướng trục bao gồm khả năng hình dung ra các mô hình mới, thực tiễn, hấp dẫn hơn để thay thế cho các mô hình đã có.

The key to this transition to criticism was the capacity for graphic invention and external memory, without which a bridge from Neolithic to modern humans might never have emerged, according to Bellah. Without the ability to store information outside the human brain, humans would not have been able to develop second-order thinking. And without that, we would never have been able to codify our religious experiences into elaborate theologies.

Chìa khóa cho sự chuyển đổi sang thời đại chỉ trích này là khả năng phát minh hình vẽ (ký hiệu tượng hình) và lưu giữ trí nhớ dưới dạng văn bản, nếu không có cầu nối chuyển giao này thì sẽ không thể xảy ra sự chuyển dịch từ Thời Đồ Đá Mới sang con người hiện đại, theo Bellah. Nếu không có khả năng lưu trữ thông tin bên ngoài bộ não con người, con người sẽ không thể phát triển tư duy bậc cao. Và nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể mã hóa các trải nghiệm tôn giáo của mình thành các học thuyết thần học phức tạp.

Surely there were theory and analysis before writing, as Bellah admits. Nor should we overlook the fact that orality and literacy overlap in ways that make it difficult to say that something is only the effect of literary culture. Still, as Bellah notes, we shouldn’t downplay the importance of the written word, which allowed narratives to be written down, studied, and compared, “thus increasing the possibility of critical reflection”.

Chắc chắn là học thuyết và sự phân tích đã tồn tại từ trước khi có chữ viết, như Bellah thừa nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế rằng ngôn ngữ truyền miệng và ngôn ngữ bằng văn bản cùng tồn tại đan xen theo các cách khác nhau, khiến khó có thể nói rằng thứ gì đó là hệ quả của duy nhất chữ viết. Tất nhiên, như Bellah lưu ý, chúng ta cũng không thể coi nhẹ tầm quan trọng của chữ viết, công cụ đã cho phép các câu chuyện được viết ra, được tìm hiểu và so sánh, “do đó làm tăng khả năng suy ngẫm, phân tích”.

The written word has allowed more elaborate theologies to emerge. – Chữ viết đã cho phép các học thuyết thần học phức tạp hơn xuất hiện. (Credit: Getty Images)

The kind of thinking that he sees emerging in the Axial Age is theory about theory, thinking about thinking. It’s second-order thinking that leads to a religious and philosophical breakthrough: “not only a critical reassessment of what has been handed down, but also a new understanding of the nature of reality, a conception of truth against which the falsity of the world can be judged, and a claim that truth is universal, not merely local”.

Lối tư duy mà ông thấy xuất hiện trong Thời Trục là học thuyết về các học thuyết, tư duy về các lối tư duy. Chính khả năng tư duy bậc cao đã dẫn đến bước đột phá về tôn giáo và triết học: “không chỉ là sự đánh giá lại quan trọng về những gì đã được lưu truyền từ đời trước, mà còn là một khám phá mới về bản chất của thực tế, quan niệm thượng tôn sự thật trước những gian dối có thể bị phán xét, và niềm tin rằng sự thật điều có tính phổ quát chứ không phải là điều mang tính địa phương cục bộ”.

The historian Antony Black, who has taken major issue with Jaspers’ notion of an Axial Age, nevertheless agrees that in roughly the same period described, there develops “an approach to the self and to the cosmos that is more reasoned, brooding, reflective, self-conscious, and at the same time more articulate… What was involved was nothing less than a new interpretation of our experience and a new set of goals.”

Sử gia Antony Black, người cực lực phản đối quan niệm của Jaspers về Thời Trục, cũng đồng ý rằng trong cùng khoảng thời gian đó đã xuất hiện “một cách tiếp cận về cái tôi và vũ trụ hợp lý, sâu sắc hơn, mang tính phản ánh, giác ngộ, đồng thời mạch lạc hơn…. Tựu chung lại chính là một cách giải thích mới về trải nghiệm và một loạt các mục tiêu mới của chúng ta.”

In short, what makes the Axial Age axial is that it is still with us today. The “fundamental categories with which we still think, and the beginnings of the world religions, by which human beings still live, were created”, writes Jaspers. Of course these religions and philosophies have undergone some changes, but they represent the something from which all of our contemporary institutionalised religions emerge.

Nói tóm lại, dấu ấn hướng trục của Thời Trục vẫn còn đến tận ngày hôm nay. “Các thành phần cơ bản trong lối tư duy của chúng ta và sự khởi đầu của các tôn giáo trên thế giới mà con người vẫn đang theo đuổi đã được tạo ra trong thời kỳ này,” Jaspers viết. Tất nhiên, những tôn giáo và triết học này đã trải qua một số thay đổi, nhưng chúng đại diện cho những thứ mà từ đó hình thành nên tất cả các tôn giáo đương đại của chúng ta.

***

[nextpage title=”Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của tôn giáo”]

The words “This is my body” spoken at Mass set my mind off on this two-part journey into the origins of religious being. The focus is always on embodiment – ours, Jesus’s, his followers’, their ancient Jewish ancestors’, hunter-gatherers’, or that of other hominins, chimpanzees, bonobos, apes. Our bodies can feel and act and be in religious ways because the embodiment that eventually became our embodiment was responding to environmental pressures (biological and cultural) to flourish. Many of these developments occurred as nature pressured our ape line to become more social, and the unprecedented numbers of members living together in close proximity. Social cohesion had to be maintained and promoted, but the tried-and-true method of grooming was no longer possible because it was time-prohibitive. Certain rituals, like dancing, were capable of producing the same pharmacological effects in its practitioners, and hunter-gatherers eventually began to practice them with more regularity, especially as their group sizes grew.

Những lời “Này là thân thể ta” được nói trong Thánh Lễ đã thôi thúc tôi đến với hành trình thực hiện hai phần trong loạt bài này , tìm hiểu nguồn gốc của tôn giáo. Tôi luôn đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu những biểu hiện bên trong – của chúng ta, của Chúa Jesus, của những con chiên đi theo Ngài, của tổ tiên cổ đại của người Do Thái, của người săn bắt hái lượm, hay của loài người cổ, loài tinh tinh, loài vượn bonobos, hay các loài linh trưởng khác (chimpanzees, bonobos, apes). Cơ thể chúng ta có thể cảm nhận, hành động và bị cuốn hút theo các nghi lễ tôn giáo, bởi rốt cuộc thì đó chính là sự phản ứng của chúng ta trước áp lực môi trường (sinh học và văn hóa), từ đó chúng ta có thể tiếp tục phát triển. Nhiều cách biểu hiện đã được hình thành khi áp lực từ cuộc sống tự nhiên khiến dòng linh trưởng chúng ta trở nên gắn kết hơn, và số lượng các cá thể quần tụ chung sống thành bầy đàn gần gũi nhau trở nên đông hơn nhiều so với trước. Sự gắn kết xã hội cần phải được duy trì, phát triển, nhưng hình thức kết thân bằng cách chải lông, đụng chạm cơ thể không còn hiệu quả bởi nó vấp phải hạn chế về mặt thời gian. Một số nghi thức như nhảy múa có khả năng tạo ra các hiệu ứng dược lý tương đương, cho nên những người săn bắn hái lượm cuối cùng bắt đầu thực hành chúng thường xuyên đều đặn hơn, đặc biệt là khi số lượng các thành viên nhóm tăng cao.

Eventually hunter-gatherers set down roots in permanent settlements, which required even more prosocial behaviour management to alleviate the stresses of group living. Given the human brain’s evolved ability for agency detection and intuitive morality, quasi-formal religion quite naturally emerged. These seeds became institutionalised throughout the Neolithic Revolution, which laid the groundwork for the so-called Axial Age to occur. The major ideas of this period – from Confucianism to Judaism and Ancient Greek philosophy – are still with us today.

Cuối cùng, người săn bắn hái lượm quyết định dừng chân, sinh sống tại một địa điểm cố định nào đó, và do vậy họ cần phải có cơ chế quản lý hành vi xã hội chặt chẽ hơn để xoa dịu căng thẳng có thể phát sinh giữa các thành viên. Với bộ não con người đã tiến hóa, có khả năng nhận ra nhân tố siêu nhiên và có trực giác đạo đức, thì tôn giáo tương đối chính thống được tiếp thu khá tự nhiên. Những hạt giống này đã được thể chế hóa trong suốt cuộc Cách mạng Thời Đồ Đá Mới, tạo nền tảng cho cái gọi là Thời Trục. Những hệ tư tưởng chính của thời kỳ này – từ Nho giáo, Khổng giáo đến Do Thái giáo và triết học Hy Lạp cổ đại – vẫn còn sức ảnh hưởng đối với chúng ta ngày nay.

At least that’s one way to tell the story. There are others, and perhaps some of these get the story more correct. Human knowledge – especially about our past – is constantly evolving, and therefore our theories are constantly being confirmed, fine-tuned, or left behind. No matter what we learn about religion’s past, though, we can be sure that our religious way of being has deep historical roots in our evolutionary lineage.

Ít nhất thì đây là một cách để kể câu chuyện về lịch sử tôn giáo. Có những câu chuyện khác, và có lẽ một vài trong số đó chính xác hơn câu chuyện này. Kiến thức của con người – đặc biệt về quá khứ của chúng ta – là không ngừng phát triển, và do đó, các học thuyết của chúng ta liên tục được xác nhận, tinh chỉnh, nếu không sẽ bị rơi vào quên lãng. Bất kể là ta học được những gì từ lịch sử tôn giáo, chúng ta có thể chắc chắn rằng lối sống với niềm tin tôn giáo của chúng ta có gốc rễ lịch sử sâu rộng trong quá trình phát triển của nhân loại.

But what about religion’s future? Some people argue that since we know how and why religion evolved, we’re now able to leave behind such childish, primitive things.

Nhưng tôn giáo trong tương lai sẽ như thế nào? Một số người cho rằng bởi chúng ta đã biết làm thế nào và tại sao tôn giáo phát triển, cho nên giờ đây chúng ta có thể loại bỏ những điều mang tính sơ khai, bản năng đó đi.

The emergence of art, architecture and writing brought new expressions of religious beliefs. – Sự xuất hiện của nghệ thuật, kiến trúc và chữ viết đã mang đến những cách thể hiện mới về đức tin tôn giáo. (Credit: Getty Images)

Some even argue that it’s in our best interest to do so because religion, like a virus, has infected our species and caused us to enact horrible atrocities the world over. Better to leave it to science and rationality to help us forge our way ahead. But this perspective is shortsighted. For one thing, science itself is not neutral, and it has facilitated some of the worst modern phenomena, including eugenics, the atomic bomb, and drone warfare. Should we also leave science behind because of its checkered history? Of course not.

Một số người thậm chí còn cho rằng điều đó sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta, bởi tôn giáo, giống như virus, đã lây nhiễm toàn nhân loại và khiến chúng ta thực hiện những hành động tàn ác khủng khiếp trên toàn thế giới, và rằng tốt hơn hết là phải dựa vào khoa học và lý trí để giúp chúng ta mạnh mẽ phát triển. Nhưng đây là cái nhìn thiển cận. Bản thân khoa học không phải là trung lập; nó đã tạo điều kiện cho một số tai họa tồi tệ nhất xảy ra, trong đó có thuyết ưu sinh, bom hạt nhân và cuộc chiến của các thiết bị bay tự động. Liệu chúng ta có nên loại bỏ khoa học lại phía sau vì lịch sử đầy biến động của nó? Tất nhiên là không.

Our criticisms of human institutions shouldn’t blind us to the positive contributions those institutions have made across the globe. None of us should deny either the ugliness or nobility found in the deep history of religion. Instead, we should acquaint ourselves with that history, appreciate it where can, interrogate it where we ought, and, with both eyes open, trek on toward the future opening up before us.

Chúng ta không nên bị che mờ mắt bởi những chỉ trích mà nên chú ý tới những đóng góp tích cực mà các thể chế của loài người đã thực hiện trên toàn cầu. Không một ai nên phủ nhận sự xấu xí hay cao đẹp được tìm thấy trong lịch sử sâu xa của tôn giáo. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận đoạn lịch sử đó, trân trọng và đặt câu hỏi có chọn lọc, và, với thái độ cởi mở cầu thị, thận trọng bước đi trên con đường tương lai.

Whatever that future ends up being, at the moment it looks like humans will be there, at least in some form. And we’ll be there with our hopes and our fears and our feelings and social norms and our bouts of play and our questions – all of the same capacities that came together in just the right way to allow religion to emerge and replicate and flourish across the entire planet. Religion is so bound up with everything we know about our species that it seems near impossible to imagine a future human without any religious sensibilities.

Dù tương lai có ra sao, thì vào lúc này có vẻ như nơi đó sẽ luôn có sự hiện diện của con người, ít nhất là dưới một hình thức nào đó. Và chúng ta sẽ hiện diện cùng những hy vọng, sợ hãi, những cảm xúc và chuẩn mực xã hội, cả những trò chơi và những câu hỏi của chúng ta – tất cả những thứ đó khi kết hợp đúng cách sẽ khiến tôn giáo xuất hiện, nhân rộng và phát triển trên toàn bộ hành tinh. Tôn giáo thật sự gắn bó với tất cả những gì chúng ta biết về giống loài của mình, đến mức hầu như không thể tưởng tượng được việc loài người trong tương lai không còn có bất kỳ cảm xúc tôn giáo nào.

“I’m sceptical that religion will disappear,” says the primatologist Frans de Waal. “I don’t think that’s a realistic option for the human species. Maybe it can be replaced by something better, but it cannot disappear.”

“Tôi không cho rằng tôn giáo sẽ biến mất,” nhà nghiên cứu linh trưởng Frans de Waal nói. “Tôi không nghĩ đó là một lựa chọn thực tế cho loài người. Tôn giáo có lẽ sẽ được thay thế bằng một thứ gì đó tốt hơn, nhưng nó không thể biến mất.”

One of the better somethings, for many people, seems to be religion sans doctrine or hierarchy. Many researchers have noted that at the same time Church attendance in the West has declined, there’s been a noticeable increase in spirituality. Hence, the so-called Spiritual But Not Religious (SBNR) phenomenon.

Đối với nhiều người thì một trong những ‘thứ gì đó tốt hơn’ rất có thể chính là thứ tôn giáo không giáo lý hoặc phân chia thứ bậc. Nhiều nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng cùng lúc với tình trạng số người đi lễ nhà thờ ở phương Tây giảm xuống là sự gia tăng đáng chú ý về số người có niềm tin tâm linh. Điều này được gọi là hiện tượng Duy Tâm Phi Tôn Giáo (SBNR – Spiritual But Not Religious).

Spirituality in this sense has been defined by one researcher as “a personalised, subjective commitment to one’s values of connection to self, others, nature, and the transcendent”. In a 2017 survey across 15 Western countries, for example, 64% of SBNRs said even though they didn’t believe in God as described in the Bible, they believed in a higher power.

Tâm linh theo nghĩa này, được xác định bởi một nhà nghiên cứu, là “một cam kết cá nhân mang tính chủ quan đối với các giá trị kết nối với bản thân, với những người khác, với tự nhiên và thế giới siêu nhiên.” Chẳng hạn, trong một cuộc khảo sát năm 2017 trên 15 quốc gia phương Tây, 64% những người có niềm tin tâm linh nhưng không theo một tôn giáo nào cho biết mặc dù họ không tin vào Chúa như được mô tả trong Kinh Thánh, nhưng họ tin vào một đấng quyền năng cao hơn.

Evolutionary psychology may explain why “spiritual but non-religious” behaviours continue in modern society. – Tâm lý học tiến hóa có thể giải thích tại sao các hành vi mang tinh chất “tâm linh nhưng không tôn giáo” vẫn tiếp tục trong xã hội hiện đại. (Credit: Getty Images)

Some have referred to the SBNR trend as yet another example of DIY culture: practice whatever helps you achieve a sense of union with the transcendent. It’s not surprising, then, that yoga, meditation, and crystal healing have been gaining in popularity.

Một số người đã đề cập đến xu hướng SBNR như một ví dụ khác về văn hóa ‘tự xử’ (DIY – Do It Yourself): thực hành bất cứ điều gì giúp bạn đạt được cảm giác hợp nhất với thế giới siêu nhiên. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi yoga, thiền và phương pháp trị liệu bằng pha lê đã trở nên phổ biến.

It’s also worth noting that the majority of American Christians hold at least one “New Age belief” (for example, a belief in reincarnation or astrology), according to another Pew study. Which means even those who participate in traditional religions may go about it non-traditionally. Without a doubt, these syncretistic trends attest to the processes of globalisation.

Theo một nghiên cứu khác của Pew, đáng chú ý là phần lớn những người Mỹ theo Kitô giáo theo đuổi ít nhất một “niềm tin vào Thời đại Mới” (ví dụ, tin vào thuyết luân hồi hoặc thuật chiêm tinh). Điều đó có nghĩa là ngay cả những người có đức tin vào các tôn giáo truyền thống cũng có thể đi theo hướng phi truyền thống. Không nghi ngờ gì, những xu hướng này đang minh chứng cho quá trình toàn cầu hóa. 

Paul Tillich, one of the most famous 20th Century theologians, developed a theology of correlation: the answers religion has to offer should correspond to the questions that a culture is asking. If it fails at this endeavour, then it becomes irrelevant. Much of the loudest theology preached by the loudest practitioners of religion seems to have failed in precisely this way. So many people have decided to take their questions elsewhere.

Paul Tillich, một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất Thế kỷ 20, đã phát triển thuyết thần học tương quan: những câu trả lời mà một tôn giáo đưa ra phải tương xứng với những câu hỏi mà một nền văn hóa đặt ra. Nếu thất bại ở nỗ lực này thì tôn giáo đó trở nên xa vời, không thích hợp cho nền văn hoá đó. Hầu hết những nội dung thần học ồn ào nhất được rao giảng bởi các nhà truyền giáo nổi tiếng nhất dường như đều thất bại theo đúng cách này. Cho nên nhiều người đã quyết định chuyển hướng các câu hỏi của mình tới nơi khác.

But the questions remain. As do we – human animals whose brains “have been designed to blur the line between self and other”, as de Waal puts it. We’re always going to seek out activities – trance dance, prayer, communion – that remind us of and enhance this blur.

Nhưng các câu hỏi thì vẫn còn tồn tại. Chúng ta – loài động vật bậc cao có bộ não “được thiết kế để xoá nhoà đi ranh giới giữa bản thân và những người khác,” như de Waal nói – cũng vậy. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm các hoạt động – như hầu đồng, cầu nguyện, làm lễ thông công – những hoạt động giúp ta nhớ tới, đồng thời cũng giúp đẩy mạnh sự xoá nhoà ranh giới đó.

At the centre of religion, says Dunbar, is a mystical concern with belonging – a concern that predates and will outlive Homo sapiens, who will, in the end, be said to have occupied a narrow sliver of time and space in the great cosmic story of the universe.

Nằm ở tâm điểm tôn giáo, Dunbar nói, là mối quan tâm thần bí về chuyện ta thuộc về cái gì – mối quan tâm vốn đã tồn tại từ trước khi xuất hiện của loài người thông minh Homo sapiens và sẽ tồn tại lâu hơn loài người đó, loài được cho là đã chiếm giữ được một khoảng thời gian và không gian nhỏ hẹp trong câu chuyện vĩ đại bao la của vũ trụ.

Brandon Ambrosino has written for the New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist, and other publications. He lives in Delaware. This is the second of a two-part special examining the evolutionary roots of religion.

Brandon Ambrosino viết bài cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist và các báo khác. Ông sống tại Delaware. Đây là phần thứ hai của loạt bài đặc biệt gồm hai phần, tìm hiểu về cột rễ phát triển của tôn giáo.