Chương trình của Sự sống

 

Tóm tắt của Chu Minh Hiệp.

Trong bức tranh kiến thức rộng lớn tạo nên thế giới của chúng ta, các lĩnh vực sinh học tế bào và khoa học thông tin nổi lên như những lĩnh vực độc đáo và hấp dẫn. Từ sự phức tạp vi mô của các hệ thống sự sống đến những nguyên lý cơ bản chi phối luồng dữ liệu, những lĩnh vực này cung cấp cái nhìn sâu sắc vào những hoạt động bên trong của vũ trụ.

Ở trung tâm của sinh học tế bào ẩn chứa sự phức tạp kinh hồn của sự sống. Vũ điệu tinh tế của DNA, cơ chế phức tạp của tổng hợp protein, và sự tương tác tinh tế bên trong tế bào tạo nên một bức tranh về sự tinh vi đáng kinh ngạc. Khi các nhà khoa học đào sâu vào bí ẩn của tế bào, họ khám phá ra một thế giới vô cùng phức tạp và được thiết kế hài hòa.

Bổ sung cho hành trình này là lĩnh vực của khoa học thông tin, mục tiêu là giải mã các nguyên lý cơ bản điều khiển việc lưu trữ, truyền tải và xử lý dữ liệu. Từ mã nhị phân điều khiển máy tính đến mạng lưới truyền thông phức tạp xây dựng nên thời đại kỹ thuật số của chúng ta, khoa học thông tin cung cấp một góc nhìn để chúng ta hiểu sự sống động của thông tin trong thế giới siêu liên kết hiện nay.

Trong quá trình khám phá này, một câu hỏi sâu sắc được đặt ra: khả năng của sự sống tiến hóa thông qua quá trình ngẫu nhiên không được định hướng sẵn là bao nhiêu? Khi các nhà nghiên cứu nhìn sâu vào tế bào học và khoa học thông tin, họ phải đối mặt với câu hỏi không thể trả lời được về việc sự sống xuất hiện chỉ thông qua ngẫu nhiênCơ cấu phức tạp của tế bào và quá trình truyền thông tin tinh tế thách thức quan điểm truyền thống của thuyết tiến hóa, thúc đẩy việc tái đánh giá các quan niệm đương thời (như thuyết tiến hóa hóa học, hoặc Thuyết tự sinh nói chung).

Nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận này là khái niệm về xác suất. Khả năng sự sống tự biết cách tiến hóa và biết cách lưu giữ thông tin cần thiết để nhân bản là vô cùng nhỏ bé – bé đến mức không thể xảy ra. Hãy xem xét sự phức tạp của một tế bào, với các cơ chế phân tử được tạo thành một cách tinh tế. Khả năng của hiện tượng như vậy nảy sinh thông qua các quy trình tự nhiên mà không có định hướng từ trước được coi là không thể theo tiêu chuẩn của khoa học thông tin. Tuy nhiên, bất chấp xác suất vô cùng bé đó, tư tưởng của Thuyết tự sinh trong lý thuyết tiến hóa hóa học nói riêng và sinh học nói chung vẫn tiếp tục thống trị hệ thống giáo dục toàn cầu. Đó là một sự thật trớ trêu.

Nhưng có nên tiếp tục như vậy không?

Trong hành trình tìm hiểu sự thật, chúng ta không nên bó hẹp nhận thức vào một lời giải thích duy nhất. Vẻ đẹp của khoa học nằm ở khả năng thách thức các định kiến và khám phá các giả thuyết thay thế. Như Sigmund Freud từng nhận xét sắc bén: “Từ sai lầm này đến sai lầm khác, chúng ta phát hiện ra toàn bộ sự thật”. Xuyên suốt lịch sử, chúng ta đã chứng kiến sự tiến triển và biến hóa của tư duy khoa học, từ trái đất phẳng đến mặt trời là trung tâm, từ tế bào là đơn vị đơn giản nhất của sự sống đến sự phức tạp gây sốc của nó.

Tuy nhiên, giữa sự tiến triển và biến hóa này, liệu chúng ta có thực sự xem xét nghiêm túc những bằng chứng thực tế không? Liệu chúng ta có để định kiến của mình chi phối các kết luận không? Hay chúng ta đang đóng góp vào những nghiên cứu kiểm nghiệm khoa học đích thực?

Tư duy phê phán là nền tảng của tiến bộ khoa học. Nó yêu cầu chúng ta đặt câu hỏi, thách thức các lý thuyết hiện hành, và xem xét mọi thứ chặt chẽ bằng sự hoài nghi không ngừng. Nếu quan sát và dữ liệu mâu thuẫn với một lý thuyết, thì chúng ta phải sửa đổi hoặc loại bỏ lý thuyết đó – chứ không phải làm biến dạng dữ liệu để phù hợp với một định kiến đã có từ trước.

Tại cốt lõi của vấn đề, ta thấy sự va chạm giữa khoa học thông tin và thuyết tiến hóa. Liệu thông tin có thể nảy sinh từ các quy trình vật lý thuần túy mà không có trí thông minh không? Theo nguyên lý của khoa học thông tin, câu trả lời là KHÔNG! Thông tin có ý nghĩa không thể xuất hiện từ hư vô, bất kể thời gian trôi qua bao lâu chăng nữa.

Trong hành trình tìm hiểu của chúng ta, xin đừng né tránh những sự thật không thoải mái đang thách thức tư duy của chúng ta. Hãy chấp nhận cái không chắc chắn, sự phức tạp và vẻ đẹp của thế giới tự nhiên với lòng khiêm tốn và trí tuệ đích thực. Khoa học không phải là việc chứng minh một lý thuyết đã được cho là đúng, nó là quá trình để chứng cứ dẫn dắt chúng ta đến sự thật.

Trong hành trình khám phá này, hãy lắng nghe lời khuyên của Freud và đón nhận việc tìm hiểu với tư duy mở và ánh mắt phê phán. Chỉ thông qua những thử nghiệm thấu đáo và sự trung thành hết mức đối với sự thật, chúng ta mới có thể khám phá ra bí ẩn về nguồn gốc sự sống.

Hãy cùng nhau thách thức các giả định, đặt câu hỏi về tín ngưỡng, và nâng cao hiểu biết chung về vũ trụ và vị trí của chúng ta trong đó. Hành trình có thể gặp nhiều biến động, nhưng đó là một hành trình đáng giá – một hành trình hướng tới việc khám phá toàn bộ sự thật.

Nguồn: viethungpham.com

Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’

Tác giả: Nguyễn Giang
BBC World Service

Pháp áp đặt chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ sau khi đuổi hết quân Thanh đi

Nguồn hình ảnh, Print Collector
Chụp lại hình ảnh, Pháp áp đặt chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ sau khi đuổi hết quân Thanh đi

Ở Việt Nam vừa có thêm một sáng kiến nhằm ghi công và vinh danh các vị truyền giáo Pháp, Bồ Đào Nha đã ‘xây dựng, phát triển’ chữ Quốc ngữ.

Nỗ lực tìm lại các nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc hình thành ký tự La Tinh của tiếng Việt luôn là việc cần làm và rất đáng khuyến khích.

 

Nhìn lại cuộc giao lưu Đông Tây ở Việt Nam, có lẽ ta cần tránh cả mặc cảm bài ngoại, đề cao người Việt quá mức cũng như tâm lý sùng bái các giáo sỹ người Âu.

Có ba lý do:

Một là việc tạo ra bộ mẫu tự La tinh cho tiếng Việt không có gì quá độc đáo, thậm chí xảy ra sau Trung văn khá lâu.

Hai là chính các nỗ lực của trí thức Việt Nam và chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại Đông Dương mới thực sự tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa.

Ba là Đông Kinh Nghĩa Thục không đi tiên phong quảng bá Quốc ngữ mà chỉ xóa nốt rào cản tâm lý đã bị lạc hậu để trí thức bản địa yên tâm dùng Quốc ngữ.

1. La tinh hoá các tiếng ngoài châu Âu

Trong lịch sử ngôn ngữ, việc La tinh hóa (Romanisation) các tiếng ngoài châu Âu đã diễn ra khá nhiều và tiếng Việt không phải là biệt lệ.

Đến Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16, nhà truyền giáo Matteo Ricci đã nhanh chóng soạn tự điển tiếng Trung bằng ký tự La tinh đầu tiên.

Sang đầu thế kỷ 17, ông cho xuất bản tại Bắc Kinh cuốn Tây Tự Kỳ Tích (Xizi Qiji – Miracle of Western Letters) bản tiếng Trung theo âm La Tinh.

Sách ra tại Bắc Kinh năm 1605, gần nửa thế kỷ trước khi cha Alexandre de Rhodes xuất bản ở Rome năm 1651 ‘Phép giảng tám ngày‘ tiếng Việt dạng La tinh và cuốn ‘Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum‘.

Cả Matteo Ricci và Michele Ruggieri đều dùng tiếng Bồ Đào Nha để phiên âm Hoa ngữ, như cách các giáo sỹ Bồ Đào Nha đầu tiên ghi ký âm tiếng Việt.

Sang năm 1626, một giáo sỹ dòng Tên khác, Nicolas Trigault (1577-1628) xuất bản cuốn ‘Tây Nho Nhĩ Mục Tư (Xiru Ermu Zi) ở Hàng Châu.

Hoàng đế Bảo Đại và Albert Sarraut tại Pháp năm 1933

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Hoàng đế Bảo Đại và Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut tại Pháp năm 1933. Ông Albert Sarraut sau khi làm Toàn quyền Đông Dương đã về nước và làm Bộ trưởng Thuộc địa trong hai nhiệm kỳ

Đến cuối thế kỷ 19, Thomas Wade và Herbert A. Giles soạn ‘Chinese-English Dictionary’ năm 1892, tạo chuẩn quốc tế cho Hoa ngữ dạng La tinh.

Sau này, Mao Trạch Đông cho tạo ra bộ bính âm (pinyin) ở CHND Trung Hoa nhưng ký âm Wade và Giles đến nay vẫn được dùng ở Hong Kong và Đài Loan.

Tại Ấn Độ, tiếng Hindi dạng Devanagari được học giả, nhà thống kê và quan chức thuộc địa người Scotland, William Hunter chuyển sang hệ La tinh cuối thế kỷ 19.

Hindi hệ Hunterian vẫn được chính phủ Ấn Độ ngày nay sử dụng và từng là chuẩn để các nước Nam Á nghiên cứu khi La tinh hóa tiếng của họ.

Vua Thái Lan hồi đầu thế kỷ 20 cũng cho soạn ra bộ chữ La tinh tiếng Thái, và tham khảo từ hệ Hunterian.

Việc La tinh hoá như thế không phải là quá khó khăn mà quan trọng hơn cả là môi trường chính trị, xã hội có thuận tiện để phổ biến alphabet mới.

Ví dụ tiếng Ả Rập được người Pháp chuyển sang hệ La tinh nhưng bị phái dân tộc chủ nghĩa Ả Rập bác bỏ vì coi đó là một ‘âm mưu Do Thái’.

Nay, giới trẻ Trung Đông lại dùng không chính thức tiếng Ả Rập hệ La tinh cho mạng xã hội vì giản tiện khi viết trên smartphone .

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, cải cách ký tự thời Ataturk năm 1932 đã nhanh chóng ‘Âu hoá’ văn tự hệ giống tiếng Ả Rập để chuyển sang La tinh toàn bộ như ngày nay.

Các tiếng Trung Á từng đổi hai lần, từ ký tự Ả Rập sang Cyrillic thời Liên Xô để gần đây lại chuyển sang hệ La tinh, với Kazachstan là muộn nhất, sẽ xong năm 2025.

Các vị truyền giáo đã có công đầu tạo ra bộ chữ Việt hệ La tinh nhưng giả sử không có họ thì việc đó cũng hoàn toàn có thể được làm sau này.

Theo Britannica, Alexandre de Rhodes muốn dùng chữ Quốc ngữ để “cải đạo Ky Tô cho toàn thể dân chúng” ở Đàng Trong và Đàng Ngoài nhưng chỉ cải đạo được cho chừng 6500 người Việt, con số không đáng kể.

Người Pháp sau khi chiếm Đông Dương đã không ủng hộ việc biến người Việt thành dân tộc Thiên Chúa Giáo.

Thủ tướng Jules Ferry của Pháp thời kỳ đánh Bắc Kỳ

Nguồn hình ảnh, Mary Evans Picture Library
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Jules Ferry của Pháp thời kỳ đánh Bắc Kỳ

Ngược lại, các lãnh đạo nền Cộng hòa Pháp khi đó nổi tiếng là chống tăng lữ (anti-clerical) và theo tinh thần giáo dục thế tục.

Họ đã đem Quốc ngữ dạy trong các trường dòng ra trường công lập cho toàn thể dân Việt, mở đường cho cách viết mới này trở thành phổ biến.

2. Vai trò của Jules Ferry và các quan chức Pháp

Hồi năm 2012, BBC News có bài nói về hai người khổng lồ của văn hoá Pháp, Jules Ferry và Marie Curie (Giants of French history: Jules Ferry and Marie Curie).

Bà Marie Sklodowska-Curie (1867-1934)) nhà khoa học Pháp gốc Ba Lan được hai giải Nobel, thì nhiều người ở Việt Nam đã biết đến.

Tên của bà được đặt cho trường học tại Đông Dương trước đây và Việt Nam hiện nay.

Còn Jules Ferry (1832-1893), thủ tướng Pháp, nhà cải cách giáo dục nổi tiếng, cũng từng có tên đặt cho đường phố ở Việt Nam nhưng sau bị xoá.

Người Việt Nam có thể chỉ coi ông là Pháp thực dân nhưng Ferry là nhân vật rất quan trọng đối với Đông Dương cuối thế kỷ 19.

Năm 1881, Jules Ferry đề ra cải cách giáo dục cho Cộng hòa Pháp, dựa trên bốn nguyên tắc: Phổ cập tiểu học; Miễn phí, Bình đẳng giới tính và Phi tôn giáo.

Cùng thời gian, chính quyền Pháp cho giải tán dòng Tên (Jesuits) và cấm mọi dòng tu và việc dạy tôn giáo nằm ngoài thỏa thuận Concordat với Vatican.

Luật Ferry trở thành tiêu chuẩn của giáo dục hiện đại ở Cộng hòa Pháp, đi trước Anh và Đức, rồi thành chuẩn cho toàn châu Âu sau này.

Là người nhiệt thành ủng hộ việc xâm chiếm thuộc địa ở Việt Nam, ông bị chính giới Pháp đặt cho cái tên ‘Người Bắc Kỳ’.

Năm 1885, Jules Ferry mất chức thủ tướng sau khi quân Pháp thua lính nhà Thanh ở trận Lạng Sơn.

Nhưng hệ thống giáo dục kiểu Pháp theo cải cách Jules Ferry được đem vào Việt Nam đã thay đổi diện mạo xứ sở này.

Tính phổ cập, không phân biệt giới tính trong giáo dục là những tư tưởng quá mới lạ ở nơi đa số người dân mù chữ, phụ nữ trong cả nghìn năm không được đi học.

Các trường thuộc địa đã đưa hàng vạn em trai và em gái người Việt đến lớp, học với thầy giáo và cô giáo Pháp theo hệ giáo dục văn minh nhất châu Âu.

Trong giáo trình này, Việt văn và Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng nhờ vào cả chính sách của Pháp và sức thuyết phục của trí thức Việt.

3. Vì sao Pháp ủng hộ Quốc ngữ?

Thầy giáo và học sinh trường trung học bảo hộ Albert Sarraut, Hà Nội

Nguồn hình ảnh, C.A.O.M
Chụp lại hình ảnh, Thầy giáo và học sinh trường trung học bảo hộ Albert Sarraut, Hà Nội – ảnh tư liệu của C.A.O.M

Thời kỳ người Âu xâm chiếm, khai thác và khai hoá các thuộc địa kéo dài hàng trăm năm nên khó có một đánh giá chung đen trắng rõ rệt.

Nhìn chung thì các thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là lạc hậu nhất, của Anh Pháp tốt hơn, và của Hà Lan, Bỉ thì kém cỏi, ít được đầu tư.

Ngoài việc truyền đạo, khai hoá và kiến thiết, các chế độ thực dân cũng tàn phá văn hoá bản địa, bóc lột nô lệ và còn gây tội ác diệt chủng như ở Brazil.

Nhưng khi Pháp sang Việt Nam vào thế kỷ 19, văn minh tại châu Âu và ý thức về dân quyền cũng đã được nâng cao.

Paris cho sang Đông Dương không ít nhà cai trị có uy tín về văn hoá, khoa học.

GS Trịnh Văn Thảo trong ‘L’ecole francaise en Indochine’ nói Gustave Domoutier, Paul Bert đều là những nhà cải cách theo trường phái Jules Ferry.

Ông Domoutier, giám đốc Viện Viễn đông Bác Cổ, không chỉ nghiên cứu về núi Ba Vì, về Cổ Loa, Hoa Lư bằng tiếng Pháp mà còn soạn ‘Bài tập tiếng Annam’.

Cùng thời, Paul Bert trước khi sang làm Thống sứ Trung kỳ và Bắc Kỳ đã là nhà khoa học lỗi lạc, cha đẻ của y học không gian (aviation medicine).

Ngày nay, các công trình mang tính tiên phong của ông về ảnh hưởng về mặt sinh lý của áp suất không khí và dưới nước vẫn được áp dụng cho hàng không vũ trụ.

Sau đó, toàn quyền Paul Doumer sang Đông Dương từ 1897 đến 1902 tiếp tục các công trình xây dựng Hà Nội và cải tổ hệ thống giáo dục.

Nhưng phải đến khi Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương hai lần (1911-14, 1916-19) thì chữ Quốc ngữ mới thực sự khởi sắc.

Theo Keith Taylor, nhờ ‘Kỷ nguyên Albert Sarraut’ mà tiếng Việt, văn hoá và sách báo Quốc ngữ được nâng cao chưa từng có.

“Ông mời các trí thức Việt Nam đến để cùng khai thác, định nghĩa thế nào là văn hoá Việt Nam ở thể thức có thể cùng tồn tại hài hoà với văn hóa Pháp….Cùng việc bỏ hệ thống khoa cử và chữ tượng hình, chữ Quốc ngữ được đẩy lên để đóng vai trò phương tiện chuyển tải và quảng bá văn hoá.”

Cô giáo Pháp dạy các nữ học sinh Việt - ảnh tư liệu của C.A.O.M

Nguồn hình ảnh, C.A.O.M.
Chụp lại hình ảnh, Cô giáo Pháp dạy các nữ học sinh Việt – ảnh tư liệu của C.A.O.M

Ý tưởng ban đầu muốn xoá toàn bộ tiếng Việt và áp dụng tiếng Pháp cho toàn Đông Dương như đã làm ở châu Phi bị bác bỏ.

Mặt khác, các trí thức như Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh đã thuyết phục được người Pháp rằng tiếng Việt không phải là một thứ thổ ngữ (Patois) mà chuyển tải được các tư tưởng văn minh, tiến bộ.

Để người Việt dùng Quốc ngữ, chính quyền Pháp cũng đạt mục tiêu là phá bỏ quá khứ Hán hoá và xoá dần ảnh hưởng Trung Hoa ở Việt Nam.

Từ thời Albert Sarraut, Quốc ngữ thành ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Pháp và Hán văn.

Mô hình ba ngôn ngữ này được ông Hà Ngại, một vị quan triều Nguyễn kể lại trong cuốn ‘Tiếng Tơ Đồng’:

“Đến Toà sứ Quy Nhơn, tôi được Công sứ Pháp Fries phái đến dịch án với các ông Phán toà. Án hình và án hộ do tỉnh đệ đến Toà, bằng chữ Hán và Quốc ngữ, phải dịch ra chữ Pháp cho Công sứ duyệt. Các bản án nào cũng có một bản chữ Hán và một bản Quốc ngữ…”

Đây mới là điều độc đáo bậc nhất trong lịch sử thế giới: ba ngôn ngữ cùng tồn tại và được sử dụng tại Việt Nam cho cả mục đích hành chính và truyền thông.

Nam Phong
Chụp lại hình ảnh,

Tạp chí Nam Phong đã đóng vai trò quan trọng để quảng bá Quốc ngữ

Hệ thống trường Pháp không chỉ dạy lịch sử Việt Nam ‘từ Hồng Bàng đến nhà Nguyễn’, và ‘Chuyện đời xưa’ (Trương Vĩnh Ký) mà còn dạy Việt văn gồm cả Chinh phụ ngâm khúc, Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim)…

Sách Quốc văn Giáo khoa thư đã thành nền tảng giáo dục cho nhiều thế hệ học sinh.

4. Đông Kinh Nghĩa Thục và sự tự ý thức

Nhưng sự phổ biến văn hoá Âu và chữ Quốc ngữ chưa lan ra cả nước vì phản ứng chống Pháp vẫn còn trong giới Nho học.

Phải đợi đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1917) thì Quốc ngữ mới được chấp nhận “toàn tâm toàn ý” để quảng bá tư tưởng dân tộc.

Nhưng ở Nam Kỳ, chữ Quốc ngữ, và cả sách báo đã có từ trước nhiều năm, với các tên tuổi như Diệp Văn Kỳ, Trương Vĩnh Ký… và cụ thể là Gia Định Báo có từ 1865.

Từ những năm 1880, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và người Pháp trong Cơ quan Học chánh Nam kỳ đã soạn sách giáo khoa dạy Quốc ngữ ở cấp tiểu học.

Bởi thế Đông Kinh Nghĩa Thục ở miền Trung và miền Bắc là phong trào tự thức tỉnh của các nhà Nho để không bị thời cuộc bỏ rơi chứ họ không đi tiên phong.

Tuy nhiên, ý nghĩa chính trị của phong trào là xoá mặc cảm cuối cùng để giành lấy một phương tiện ngôn ngữ nhằm tự nâng mình lên.

Đông Kinh Nghĩa Thục cũng thúc đẩy tạo ra một thế hệ tư sản dân tộc là dùng Quốc ngữ, những người sẽ có đóng góp to lớn cho công cuộc độc lập sau này.

Cùng lúc, đây là thời kỳ thoái trào của Hán học.

Năm 1919, vua Khải Định cho bỏ khoa cử, coi chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của quốc gia.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất cho sự phát triển của Quốc ngữ phải kể đến là sự ra đời của Nam Phong tạp chí năm 1917.

Nam Phong

Nguồn hình ảnh, Nam Phong
Chụp lại hình ảnh, Trích báo Nam Phong

Lần đầu tiên, các tư tưởng Đông Tây, kim cổ, lịch sử Việt Nam, Trung Hoa, cải cách Minh Trị ở Nhật Bản, hệ thống chính trị Mỹ, Pháp, vấn đề triết học Đức, nữ quyền ở Đông Dương… được Nam Phong chuyển tải hoàn toàn bằng Quốc ngữ đến người Việt Nam.

Nhà báo, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) có viễn kiến coi Quốc ngữ là phương tiện để nâng dân tộc lên hàng văn minh và Nam Phong tạp chí đóng vai trò đó hết sức xuất sắc.

C.A.O.M

Nguồn hình ảnh, C.A.O.M
Chụp lại hình ảnh, Các thầy giáo Pháp và học sinh Việt trường Petrus Ký, Sài Gòn

Sau khi Pháp thua Nhật, vào tháng 4/1945, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt.

Bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Sau đó, Chính phủ VNDCCH từ tháng 9/1945 tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch xóa nạn mù chữ ở nông thôn bằng sắc lệnh ‘Bình dân học vụ’ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia Việt Nam dù phụ thuộc người Pháp vẫn lấy tiếng Việt Quốc ngữ làm ngôn ngữ số một.

Tổng quan mà nói, chữ Quốc ngữ tuy không quá đặc biệt về mặt kỹ thuật La tinh hoá, nhưng qua thăng trầm lịch sử, nhờ nỗ lực của nhiều nhân vật độc đáo, cùng chính sách Đông-Tây hội tụ đúng lúc nên đã bén rễ và còn có sức sống vượt qua chiến tranh để kết nối cả một quốc gia như ngày nay.

Vấn Đề Cách Viết Tên Riêng Tiếng Nước Ngoài Trong Sách Báo Công Giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Trước khi đặt bút viết bài này, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì hiểu rằng đây là một vấn đề khá tế nhị.

Vấn đề này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi ở nước ta trong lĩnh vực ngôn ngữ học suốt 20 năm qua và vẫn đang được nhiều người trong xã hội quan tâm vì tầm mức rộng lớn của nó. Hơn nữa, đã từng có những cuộc tranh luận giữa những thành viên các uỷ ban của Giáo Hội Công giáo Việt Nam khi biên soạn các sách Phụng vụ, Kinh Thánh, Từ điển, … Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã nhiều lần họp bàn và đã đưa ra những quyết định cụ thể trong những năm 1996-1997. Tuy nhiên, vấn đề hình như vẫn chưa kết thúc. Kết quả là Sách Bài Đọc của thánh lễ chưa xuất bản được. Nhiều sách báo Công giáo viết tên riêng theo sự chọn lựa cá nhân, gây nên những sự hỗn độn không cần thiết, có khi còn sai sót, khiến người ngoài Công giáo không biết tên gọi nào đúng, tên gọi nào sai.

Khi nhận trách nhiệm biên soạn cuốn Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi lại phải giáp mặt với vấn đề nan giải này.

Vì thế, chúng tôi viết bài này để trình bày vấn đề và gửi kèm theo một Phiếu Hỏi Ý Kiến. Chúng tôi rất mong được quý độc giả góp ý, chỉ bảo, để có thể phần nào giúp chúng tôi giải quyết vấn đề tên riêng cho tập Niên Giám cũng như định hướng cho cách viết thống nhất của đồng bào Công giáo chúng ta.

Chúng tôi xin trình bày bài này theo mấy điểm chính sau đây:

Trước hết, chúng tôi kể ra những lí do gần cũng như xa đáng cho chúng ta quan tâm đến vấn đề. Ngoài việc chuẩn bị cuốn Niên Giám, chúng tôi thấy Quy định số 240 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhất là những tiến bộ của ngành ngôn ngữ học và xu hướng thống nhất trong sách báo hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần tìm hiểu vấn đề kĩ lưỡng hơn.

Sau đó, chúng tôi trình bày các vấn đề liên quan đến cách viết các tên riêng và tình trạng hỗn độn trong các sách báo của xã hội cũng như của Giáo Hội Việt Nam. Đầu tiên là hai cách viết tên riêng, tiếp đến là một vài điểm khác để chuẩn hoá cách viết, như : cách viết hoa các tên riêng, việc đánh dấu trên nguyên âm, việc đặt tên riêng ở danh cách hay ở các cách khác, việc xác định các chữ cái trong bảng mẫu tự …

Cuối cùng, chúng tôi giới thiệu những hướng chính để giải quyết các vấn đề được nêu qua ý kiến của các nhà ngôn ngữ học và các vị chuyên môn khác.

Chúng tôi muốn đưa ra cách khách quan và vô tư tất cả các ý kiến liên hệ của các nhà khoa học, dù biết rằng những giải pháp được nhiều người đón nhận đã có nhiều ý kiến biện minh. Mong ước của chúng tôi là cung cấp những dữ liệu cần thiết để độc giả chọn lựa và đóng góp ý kiến cho xác đáng mà thôi.

Cái chết ở chốn thiên đường và dự ngôn về Chúa Cứu Thế

Quang Minh – Nguồn: trithucvn.org

“Et in Arcadia ego” là một bức tranh của Nicolas Poussin, người được mệnh danh là cha đẻ của nền hội họa Pháp, người đã truyền cảm hứng cho những thế hệ họa sĩ Pháp tiếp theo như Jacques-Louis David, Jean-Auguste-Dominique Ingres hay Paul Cézanne. “Et in Arcadia ego” được đặt tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp, là một bức hoạ sâu xa, hàm chứa nhiều ẩn đố và dự ngôn về Chúa Cứu Thế, khiến nó trở thành một tác phẩm nổi tiếng trong giới hội hoạ.

Bức “Et in Arcadia ego”, khoảng năm 1638 – 1640, tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp, Họa sĩ: Nicolas Poussin (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Theo truyền thuyết, Arcadia là một chốn thiên đường thanh bình, cách biệt với thế giới trần tục. Các sinh mệnh của Arcadia luôn sống trong hạnh phúc và không hề biết đến cái chết. Bức “Et in Arcadia ego” của Nicolas Poussin tập trung mô tả bốn con dân của Arcadia, gồm có ba người chăn cừu và một phụ nữ. Họ đang đứng quanh một phiến đá có khắc dòng chữ “Et in Arcadia ego”, có nghĩa là “Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu”. Nếu chưa biết đến câu chuyện đằng sau bức hoạ, thì hẳn câu hỏi đầu tiên của người thưởng lãm tranh sẽ là: “Ai đã viết ra câu nói ấy?”

Dòng chữ “Et in Arcadia ego” khắc trên phiến đá.

Trong văn hoá phương Tây, hình ảnh người chăn cừu thường tượng trưng cho những người có tín ngưỡng, hay những sinh mệnh trên Thiên đường. Vậy nên ba người chăn cừu trong tranh chính là những con dân của vùng đất Arcadia. Họ vừa nhìn vào dòng chữ khắc trên đá, vừa biểu lộ vẻ ngạc nhiên và bất ngờ, như thể chưa từng trải qua hay chứng kiến điều gì tương tự.

Nếu hỏi rằng ở cõi Thiên đường trường cửu ấy, điều các sinh mệnh chưa hề trải qua là gì, thì đáp án có lẽ chính là: “lão – bệnh – tử”. Vị Thần đã viết nên câu nói ấy chính là vị Thần của sự suy vong và tận diệt. Ông dường như đang muốn nói rằng: Thậm chí cả xứ Thiên đường Arcadia rồi cũng sẽ đi tới hồi kết!

Nói đến “lão – bệnh – tử” là nói đến sự đau thương, nhưng những người chăn cừu lại không hề biểu lộ ra cảm xúc đó, có chăng trên nét mặt họ chỉ là sự bất ngờ. Dường như những điều này là thứ gì đó quá xa lạ đối với họ. Ba người chăn cừu đều đang chờ đợi người phụ nữ đứng bên lên tiếng.

Mặc dù không mang phục sức hoa lệ, nhưng từ tư thái cao quý, sự trầm tĩnh của người phụ nữ cũng như thái độ của ba người chăn cừu, chúng ta có thể đoán được rằng đây chính là nữ Thần Arcadia. Là người cai quản Thiên đường hạnh phúc này, bà toát lên khí phách và trí tuệ hiếm có. Nhưng ngay cả nữ Thần Arcadia cũng chưa từng biết rằng xứ thiên đường này rồi sẽ đi đến điểm cuối, vậy nên bà trầm ngâm không nói lời nào.

Nữ Thần Arcadia

Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu”, nó như một dự ngôn rằng cái chết sẽ xuất hiện ở chốn thiên đường Arcadia. Lời dự ngôn đó đã xuất hiện từ bao giờ? Là ai đã khắc nó lên phiến đá này? Tại sao đến cả nữ Thần Arcadia cũng chưa hề biết đến điều đó? Và vì sao thiên đường, nơi cư ngụ của những linh hồn bất tử cũng lại xuất hiện cái chết? Tất cả những câu hỏi đó đã đưa “Et in Arcadia ego” trở thành một ẩn đố của hội hoạ Pháp.

Thật ra người phương Tây không chỉ biết đến Thiên đường như một chốn tịnh thổ, mà cũng biết rằng đã từng và sẽ có những xáo động lớn diễn ra tại nơi đây. Đó là truyền thuyết về trận chiến trên Thiên đường khi Lucifer dẫn đầu nhóm Thiên thần phản Chúa được mô tả sống động trong “Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) của Milton. Đó cũng là những tiên tri trong sách Khải Huyền của Kinh Thánh về việc trong tương lai, một con rồng đỏ sẽ mê hoặc khiến các Thiên Thần đi theo nó. Con rồng đó sẽ gây ra nhiều tai hoạ, và khiến cho một phần ba số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất.

Bức “Archangel Michael” mô tả cảnh tổng lãnh thiên thần Michael chiến thắng quỷ Satan, kẻ đã từng là tổng lãnh thiên thần, khoảng năm 1636, Họa sĩ: Guido Reni. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chúng ta đều biết rằng, trong văn hóa cổ xưa ở cả phương Đông lẫn phương Tây, các vì tinh tú là một hình ảnh tượng trưng của các vị Thần, ví như Thần Jupiter đối ứng với sao Mộc, thần Helios đối ứng với Mặt trời, hay Nam Tào – Bắc Đẩu tinh quân coi giữ các chòm sao Nam Đẩu – Bắc Đẩu. Ngoài ra, các vì sao cũng được coi như một hình tượng phản ánh những thế giới của chư Thần. Vậy thì một phần ba số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất chẳng phải là những phần khác nhau của Thiên giới đang bị hủy diệt sao?

Tranh khắc gỗ mô tả cảnh tổng lãnh thiên thần Michael đánh bại con rồng đỏ trong sự kiện được sách Khải Huyền dự ngôn tới, năm 1860, cuốn “Die Bibel in Bildern”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Quay lại phương Đông, ngoài quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” của con người ra, Phật giáo còn đề cập đến quy luật “thành – trụ – hoại – diệt” của vũ trụ. Đó chính là vũ trụ cũng có vòng tuần hoàn của nó, từ khi sơ khai là “thành”, phát triển đầy đủ phong phú là “trụ”, xuống dốc là “hoại”, còn tiêu vong là “diệt”. Nếu như vũ trụ đi đến cuối cùng rồi, thì liệu thế giới của Chư Phật, hay Thiên đường của Chư Thần có còn tồn tại?

Hình ảnh một ngôi sao đang chết được kính thiên văn vũ trụ ghi lại. (Ảnh: NASA, Public Domain)

Đứng từ góc độ của khoa học mà nói, sự tồn tại của Trái đất, của một tinh cầu, một dải ngân hà, hay thậm chí là toàn vũ trụ dường như kéo dài rất lâu, với con người mà nói, thì là gần như vô tận. Nhưng khi con người bắt đầu khám phá được những điều ở cách trái đất hàng chục vạn năm ánh sáng thì chúng ta đã bàng hoàng khi chứng kiến cảnh những thiên thể xa xăm giải thể… Nếu như vũ trụ mênh mông không kể xiết này có điểm xuất phát là từ vụ nổ Big Bang như khoa học ngày nay giả thiết, thì đâu là điểm kết thúc của nó?

“Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu” – Dường như một quy luật cao hơn về vũ trụ đã được ẩn ý nói tới thông qua bức tranh của Nicolas Poussin. Suy luận tới đây, tư tưởng của người xem tranh như được mở ra, rộng lớn tới vô tận…

Bức “The Last Judgment”, mô tả cảnh Chúa Cứu Thế xuất hiện trong sự kiện cuối cùng là Phán xét chung, cuối thế kỷ 16, Họa sĩ: Jean Cousin the Younger. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong tín ngưỡng của cả phương Đông lẫn phương Tây, các tín đồ vẫn luôn mong ngóng một điều kỳ diệu, đó chính là truyền thuyết về Cứu Thế Chủ hay Sáng Thế Chủ. Tương truyền rằng ở vào thời khắc mạt thế cuối cùng thì một vị Thần toàn năng sẽ xuất hiện, giải cứu vũ trụ trong cơn nguy khốn “hoại – diệt” (Cứu Thế Chủ), thẩm phán và ban cho vạn vật được cứu rỗi sinh mệnh mới (Sáng Thế Chủ). Đó chính là hình tượng của Messiah trong tín ngưỡng phương Tây, Phật Di Lặc (Maitreya) trong Phật giáo phương Đông, hay chân nhân Lý Hoằng trong Đạo giáo. Sự hiện hữu của những truyền thuyết giống nhau đến kỳ lạ đó khiến người ta không khỏi thắc mắc rằng, liệu các Ngài phải chăng là một?

Cũng có một số học giả cho rằng, hình tượng Chúa Cứu Thế (từ Chủ và Chúa là giống nhau, ví dụ Chủ Nhật thực chất là Chúa Nhật) thực chất còn bắt nguồn từ một tín ngưỡng cổ xưa trong một vùng rộng lớn bao gồm Tây Á, Bắc Phi, Tiểu Á, lưu vực Lưỡng Hà, Ai Cập và thậm chí còn xa hơn thế.

Di Lặc, trong tiếng Sanskrit gọi là “Maitreya”, tiếng Pali gọi là “Metteya”. Vị Thần, Thiên Chúa mà người Tây phương chờ đợi gọi là “Messiah” trong tiếng Anh và bắt nguồn từ chữ “Masiah” trong tiếng Hebrew (có lúc viết thành “Mashiach”). Tân Ước coi Chúa Giêsu (Đấng Cứu) tương đồng với Messiah (Đấng được sức dầu) của Do Thái giáo. Theo kinh Phật ghi lại, Di Lặc là Phật hiệu của “Vạn vương chi Vương”. Trong Thiên Chúa giáo thì gọi Chúa Cứu Thế là “Lord of Lords”. Hai xưng hiệu này đều có ý nghĩa tương đồng, chính là vị Thần toàn năng có vị trí tối cao.

Điều đáng suy ngẫm là dù bất đồng về tên gọi của Ngài, nhưng các tôn giáo đều đồng ý rằng dưới sự phán xét của Ngài, chỉ có những người bảo trì được sự thiện lương, lòng chính nghĩa, hay tín ngưỡng chân chính trong thời kỳ mạt thế bại hoại mới có hy vọng được cứu vớt.

Đôi điều về sự học ngày trước, bây giờ

TS. Bùi Trân Phượng

Những ngày giãn cách xã hội, quan sát các em học sinh liên tục học online và trả bài online tôi đột nhiên nghĩ nhiều về sự học của người Việt xưa nay. Ai cũng nói là người Việt có truyền thống hiếu học, hiểu theo nghĩa là học mọi nơi, mọi cách, mọi kiểu. Vậy thì suy cho cùng những sản phẩm giáo dục được tạo ra từ “cơ chế hiếu học” có tính chất cha truyền con nối qua nhiều thế hệ – nếu chúng ta tin như thế, đã thể hiện mình như thế nào? Nhìn rộng ra thế giới, liệu có dân tộc nào lại tự nhận mình có truyền thống “lười học”, hoặc học không đúng nơi, đúng chỗ, đúng kiểu hay không? Thật vui khi được trao đổi cởi mở tất cả những suy ngẫm này với nhà sử học, nhà giáo, tiến sĩ Bùi Trân Phượng. – Phan Đăng

Nhà báo Phan Đăng:

Thưa tiến sĩ Bùi Trân Phượng, xin bắt đâu bằng một câu hỏi rất thời sự thôi, quá trình dạy học online trong suốt những ngày vừa qua đã đem tới cho bà một cảm giác như thế nào?

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng:

Cuối năm học trước, tôi đã trải nghiệm dạy trực tuyến lớp Cao học, tôi thấy khá ổn, tiết kiệm được thời gian và phiền nhiễu đi lại trên đường cho cả người dạy, người học. Nhưng đó là học viên đã trưởng thành.

Đối với học sinh phổ thông phải học toàn bộ online, tôi lo lắng hơn nhiều. Biết là cần thiết vì dịch bệnh, nhưng ngay cả về sức khỏe thể chất, trẻ ngồi nhiều giờ trước màn hình đã rất có hại rồi, chưa kể cám dỗ “lợi dụng” để chơi game hay lướt FB. Còn nhiều nỗi lo khác.

Học sinh và cả sinh viên đều phát sinh nhiều vấn đề khi không được hưởng không khí thân quen của trường lớp với thầy, với bạn, vốn là môi trường giao tiếp xã hội quan trọng. Thầy và trò hầu hết không được đào tạo, hướng dẫn bài bản về phương thức dạy và học trực tuyến; nếu chỉ đơn thuần là ghi âm bài giảng, ghi hình thầy cô bất động trước màn hình Zoom thì hiệu quả sư phạm giảm đi nhiều lắm. Nếu thầy cô được đào tạo tốt, biết sử dụng công nghệ và yêu nghề, sáng tạo thì có thể phát huy lợi thế của việc học trực tuyến trên một số phương diện.

Cháu tôi học lớp một trường Yersin ở Hà Nội, bài tập là sáng tác một truyện cổ tích theo dạng trả lời câu hỏi do mỗi cháu tự đặt ra, theo kiểu: Vì sao hươu cao cổ có cái cổ dài? Vì sao khủng long bạo chúa trở thành con gà mái? v.v… Qua đó, các cháu vận dụng kiến thức tự học hay trí tưởng tượng phong phú của mình, học viết tiếng Pháp đúng ngữ pháp, rồi đọc diễn cảm bài mình đã viết, vẽ tranh minh hoạ. Thầy tập hợp bài tập của lớp thành cuốn sách nói vô cùng sinh động. Như vậy, dù trực tuyến, các cháu đã thoả sức sáng tạo và tương tác, học và vui với tác phẩm của chính mình và các bạn. Nhưng sẽ có bao nhiêu thầy cô của ta tận dụng được công nghệ theo kiểu đó?
Vì vậy, nỗi lo lớn hơn là: học trực tuyến thì chất lượng dạy và học sẽ rất không đồng đều, do thầy và trò có đủ thiết bị phù hợp tới mức nào; do môi trường học tập tại nhà của trẻ có chất lượng rất chênh lệch nhau; do kiến thức, năng lực và từ đó hiệu quả dạy và học trực tuyến càng chênh lệch. Bất bình đẳng trong chất lượng giáo dục mà trẻ mầm non và học sinh phổ thông thực sự nhận được sẽ gia tăng nghiêm trọng, với những dạng thức không dễ dàng nhận biết.

PĐ. Tôi nghĩ, muốn học online tốt, người học phải có một tinh thần tự giác rất cao. Có phải thế không ạ?

BTP. Đúng quá! Điều đáng lo là nhiều học sinh VN chưa được chuẩn bị tốt để có tinh thần tự giác như vậy vì từ gia đình đến nhà trường, người lớn thường xuyên “theo dõi, giám sát” và cả gây áp lực đối với việc học của các em nhiều hơn mức cần thiết rất xa! Trẻ càng bị “quản lý chặt” thì càng lệ thuộc vào sự quản lý ấy, sao mà tự giác được?

Biết, hiểu và giữ gì từ di sản?

PĐ. Giờ thì chúng ta hãy lật dở dòng lịch sử để xem tinh thần học tập của ông cha ta như thế nào, và thế hệ người học hôm nay có thể học hỏi điều gì về tinh thần ấy. Tôi nghĩ rằng bảo ông cha chúng ta có truyền thống hiếu học cũng đúng, vì có quá nhiều câu chuyện chứng minh cho điều này rồi. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, tôi nghĩ để có thể tồn tại được cho đến nửa đầu thế kỷ 21 thì về cơ bản dân tộc nào cũng hiếu học cả. Hình như chẳng có dân tộc nào lại tự nhận mình có truyền thống lười học, phải không ạ?

BTP. Nhìn nhận thì chắc là không. Tôi cũng không có cơ sở nào để đánh giá mức độ lười học hay ham học của các cộng đồng.
Tuy nhiên, cộng đồng hiếu học phải chăng là những cộng đồng không chỉ sống lâu đời trên địa bàn cư trú của mình mà còn biết học hỏi, thích nghi, sử dụng các nguồn lực thiên nhiên một cách hợp lý, có lợi nhứt cho sự phát triển bền vững của cộng đồng ấy; biết học hỏi hiệu quả, tiếp biến văn hoá thành công từ việc giao thoa với nhiều nền văn hoá khác, đủ giao thoa đó diễn ra thông qua di dân tự nhiên hay cưỡng chế, giao thương hoà bình hay xung đột, chiến tranh và thuộc địa? Về việc chịu học, ham học và học có hiệu quả trên những phương diện tôi vừa kể (tất nhiên còn nhiều phương diện khác), lịch sử Việt Nam có những minh chứng xuất sắc, cũng có những sự trì trệ kéo dài, không biết có phải là lười học không, nhưng chắc chắn là chậm tiếp thu cái mới, hoặc tiếp thu không hiệu quả, hay ngủ yên quá lâu trên tri thức và thói quen “truyền thống” của mình. Phải chăng ta cần học lại tử tế hơn về lịch sử sự học của mình để biết trong đó có cái gì hay, cái gì dở, cái gì cần phát huy, cái gì cần đổi mới và cả cái gì cần vĩnh viễn đào sâu, chôn chặt vì sức trì kéo và sự độc hại của nó?

PĐ.Theo tôi có hai mục tiêu cơ bản của sự học. Một là học để thoả mãn những cựa quậy tri thức ở bên trong con người cá nhân của mình. Càng cựa quậy người ta càng phải đào cùng tát cạn những tri kiến nhân gian, cho tới khi đạt được trạng thái tương đối thoả lòng mới thôi. Hai là học để phấn đấu cho một lý tưởng, một mục tiêu gì đó, ví dụ như để có quyền vị, chức tước. Theo bà, nhìn một cách tổng thể và tương đối thôi, ông cha chúng ta nghiêng về phía nào nhiều hơn?

BTP. Tổng thể và tương đối thôi (cười), tôi e là không chỉ có hai mục tiêu mà thực tế có rất nhiều trạng thái trung gian, hoặc ra ngoài hai xu hướng đó. Riêng tôi, sẽ không gọi chức quyền là lý tưởng, vì tôi hiểu lý tưởng là cái chúng ta hướng về, vươn tới mà biết rõ là mình không bao giờ đạt được nó trọn vẹn và hoàn hảo. Và nếu lý tưởng của người ta lại chính là khao khát biết cái mới, không ngừng tiệm cận chân lý mà mình biết sẽ không bao giờ nắm trong tay, vĩnh viễn, một lần cho muôn đời? Thì phải chăng đó chính là cái anh gọi là sự cựa quậy bên trong, là khao khát hiểu biết, là ý nghĩa giản dị của khái niệm “hiếu học”?
Nên nhớ chữ đầu tiên “thầy Khổng” dạy, chính là học. Khổng Tử từng nói: “Kẻ mà ta giúp giở một góc lên mà không biết tự mình giở ba góc còn lại, kẻ ấy không đáng cho ta dạy.” Cũng chính ông tự định nghĩa mình là người “học không biết chán, dạy người không biết mỏi”. Ông cha ta từng nằm lòng Luận ngữ, lẽ nào đều không ít nhiều chia sẻ tinh thần hiếu học đúng cái nghĩa tốt đẹp như vậy? Cũng như chia sẻ lý tưởng học để làm người, vì “nhân bất học bất tri lý”, như “ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”. Hồi nhỏ, tôi được học như vậy, và đó là quan niệm phổ biến trong xã hội miền Nam trước 1975, cũng như trong cả nước từ bao đời. Giáo sư Trần Văn Khê kể khi người lớn hỏi đi học để làm gì, cậu học trò tiểu học là ông trả lời vanh vách: “Con đi học để lớn lên có ích cho nhân quần xã hội.” Tôi cho đó là phần tốt đẹp trong truyền thống hiếu học mà chúng ta kế thừa từ Nho giáo: ý thức trách nhiệm xã hội.
Nếu ngày nay, ta thấy nhan nhản cái thực tế học vì mảnh bằng chứ không vì tri thức, học để làm quan, học để làm giàu bất chấp đạo đức và lẽ phải, xin đừng đổ lỗi tất cả cho tiền nhân. Nó còn có nguyên nhân từ những trầm luân dâu biển qua chiến tranh và cách mạng, từ tính hoang dã của chủ nghĩa tư bản chưa trưởng thành, từ áp lực của giá trị vật chất đang thống trị xã hội toàn cầu.

Tất nhiên, cũng có nguyên nhân từ thời độc tôn Tống Nho, từ chế độ khoa cử kéo dài hàng trăm năm. Người đeo đuổi mục tiêu đỗ đạt, có người tầm thường vì danh lợi, cũng có người thực tâm lấy đó làm đường lập thân, lập nghiệp hiểu theo nghĩa tốt là đem sở học của mình giúp dân, giúp nước, thực hành những giá trị học từ thánh hiền. Nhưng chế độ quân chủ chuyên chế không phải là môi trường phát triển nhân tài hiểu theo nghĩa tài năng, đức độ cá nhân, nhứt là khi cá nhân có suy nghĩ, chính kiến khác số đông, ngược ý cấp trên. Ông Bộ trưởng Giáo dục Tharman Shanmugaratnam của Singapore từng tổng kết với tác giả Fareed Zakaria của quyển Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng là cả Singapore và Hoa Kỳ đều có chế độ nhân tài, nhưng Hoa Kỳ là chế độ “nhân tài tài năng”, còn Singapore là “nhân tài thi cử”. Điều đó đúng với nhiều quốc gia Đông Á.

PĐ. Thật ra cũng chẳng riêng gì Việt Nam, truyền thống Nho giáo khiến nhiều nước Á Đông nuôi dưỡng cơ chế học để thi cử, học để làm quan, vì trong xã hội phong kiến phương Đông thì làm quan gần như là cái cửa đổi đời duy nhất. Gần như không còn cách lựa chọn nào khả dĩ hơn. Nhưng đứng ở góc độ học thuật thuần tuý, bà thấy kiểu học này có gì hay và chưa hay?

BTP. Trong xã hội truyền thống, không phải ai cũng muốn đổi đời. Tư tưởng Nho, Phật, Lão đều dạy người ta sửa mình theo nhân nghĩa, coi trọng sự thật, lẽ phải, điều thiện hơn danh lợi, xảo trá, độc ác; chuyên tâm tìm đường diệt khổ chứ không chấp vào tham, sân, si; tiêu dao với thiên nhiên thay vì đua chen chốn bụi trần. Từ “đổi đời” thật ra rất hiện đại, đâu phải thuộc về truyền thống (cười)! Ngày xưa, người đi học không phải ai cũng đi thi, số đông chỉ “kiếm năm ba chữ” để biết sống làm người. Thực trạng đó có lợi, mà cũng có hại cho sự phát triển của khoa học, sự tiến bộ của xã hội.

Tất nhiên, học trò nhiều năm liền nấu sử sôi kinh là “quyết ném thanh khâm sang cẩm tú, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài”, tức muốn từ người học trò nghèo thành ông quan hiển đạt. Đã là học để thi, dễ dẫn đến học giản lược, học thuộc lòng, học để trả bài, viết không để diễn đạt suy nghĩ riêng của mình mà chỉ lặp lại giáo điều sách vở, sáo ngữ rỗng. Nội dung học và thi suốt hơn 400 năm độc tôn Tống Nho chỉ gò bó trong Tứ thư, Ngũ kinh, không đa chiều, tranh biện như thời Bách gia chư tử của Trung Hoa hay như thời Lý, Trần của ta còn thi tam giáo; cũng không có tri thức khoa học kỹ thuật. Nhiều quy định khắc nghiệt về trường quy, kỵ huý càng khiến người ta tự ép mình vào khuôn khổ. Mỗi kỳ thi, số lấy đậu không nhiều, thường chỉ khoảng 40-50 trên số 5 đến 6 000 người thi vào những năm thịnh nhứt của khoa cử; nên nhiều người thi đi thi lại cũng chỉ dừng ở Tú Kép, Tú Mền (2, 3 lần thi đậu Tú tài mà không đậu được cao hơn), lãng phí nhân lực và hoài bão, đến nỗi người ta coi học trò là hạng “dài lưng tốn vải, ăn no rồi nằm”. Cái lợi có chăng, chỉ là thói quen coi trọng sự học, sự đầu tư công sức, thời gian của người học, cần cù, bền chí đeo đuổi học hành, kiên trì vượt khó, sự quan tâm của gia đình, làng xã vun bồi cho việc học của con em. Mặt trái của mỹ tục ấy lại là óc bon chen, là trông mong “một người làm quan cả họ được nhờ”. Học để thi càng phát triển thì hiếu học càng dễ trở thành hiếu danh, hiếu lợi, không còn là học điều hay lẽ phải, học để giúp đời, càng không hề là mở tri thức, rèn tư duy.

Truyền thống hiếu học, phải chăng chỉ có một khuôn khổ?

PĐ. Cùng chịu ảnh hưởng bởi Khổng giáo như nhiều nước Đông Á khác, nhưng ở Nhật Bản có câu chuyện nổi tiếng: một vị thầy hỏi những học trò của mình rằng nếu một ngày Khổng Tử, Mạnh Tử mang quân xâm lược thì phải làm gì? Câu trả lời: Phải vung gươm đánh lại. Câu chuyện này cho thấy ở một góc độ nào đó người Nhật không tiếp cận Khổng giáo một cách xơ cứng, bị động, mà ít nhiều lật đi lật lại vấn đề. Bà đánh giá gì về một tinh thần học tập như thế?

BTP. Trái với nhiều người kể lại giai thoại ấy, tôi không “mặc cảm” tự ti với người Nhật khi nói về “chống xâm lược”. Tổ tiên ta không chỉ nói, mà đã nghĩ và làm, rất kiên trì, quyết liệt trong việc chống ngoại xâm đến từ quê hương Khổng Mạnh. Khi bài thơ thần trên sông Như Nguyệt khẳng định quyền của “Nam đế” trên sông núi nước Nam, gọi kẻ thù là “nghịch lỗ” và viện dẫn “định phận tại thiên thư”, khi Nguyễn Trãi định nghĩa lại “nhân nghĩa” và “điếu phạt” để làm rõ chính nghĩa dân tộc bằng chính những khái niệm mà con cháu Khổng Mạnh dùng làm lý cớ xâm lược, thì họ đâu có lệ thuộc Nho giáo một cách nô lệ. Lịch sử bang giao Việt-Trung còn nhiều giai thoại hay về “di biện”, tức là biện biệt, tranh luận với vua quan Tàu để không cho phép họ gọi sứ mình là “di sứ”, xem nước mình là man di, mọi rợ. Phân biệt Hoa, Di và ép cả “thiên hạ” phục tùng thiên tử là nội dung rất cơ bản của Nho giáo từ đời nhà Hán (206TCN-220), tức từ khi tư tưởng Khổng Tử trở thành ý thức hệ quốc gia của Trung Hoa, và nay đang được phục hồi, chẳng hạn qua các Viện Khổng Tử được thành lập ở nhiều nước.

Bất hạnh của Việt Nam lại chính là chỗ hình như chúng ta chỉ tranh biện một vấn đề ấy mà thôi, khi đất nước bị xâm lăng, chủ quyền bị đe doạ hay bị mất. Tôi được đọc bài giáo sư Cao Huy Thuần tường thuật và bình luận nội dung quyển sách của học giả Nhật Maruyama giới thiệu những trường phái trí thức Nhật từ thế kỷ 17-18 đã phê phán Tống Nho, đề cao quốc học của Nhật Bản khác biệt với giáo huấn của thánh nhân và Nghiêu Thuấn thời cổ đại Trung Hoa. Không phải các trường phái triết học đó đã đạt chân lý tuyệt đối, nhưng thật đáng suy nghĩ khi họ đã đặt lại vấn đề trước khi tiếp xúc với phương Tây, từ bên trong chứ không do áp lực bên ngoài.
Việt Nam thì phải đến khi hoạ xâm lược từ phương Tây – mà sức mạnh khoa học kỹ thuật đã được nhận biết từ khi ta còn chìm trong xung đột nồi da xáo thịt Trịnh-Nguyễn, Nguyễn-Tây Sơn – trở thành hiện thực mới xuất hiện những tư tưởng kêu gọi canh tân, trước hết và quan trọng nhứt là canh tân sự học, từ Nguyễn Trường Tộ đến Phan Châu Trinh rồi Nguyễn An Ninh. Ngậm ngùi và đáng lo thay, khi ngót trăm năm sau ngày giành độc lập, nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, những tư tưởng ấy vẫn còn bị giáo dục chính thống lãng quên!

PĐ. Có một câu vè rất chua chát để nói về thực trạng “học để làm quan” trong xã hội quân chủ chuyên chế Việt Nam: Một giỏ ông đồ/Một bồ ông cống/Một đống ông nghè/Một bè tiến sĩ/Một bị trạng nguyên/Một thuyền bảng nhãn. Câu vè ấy khiến chúng ta cắc cớ tự hỏi: trong hàng ngàn năm, chẳng nhẽ ông cha chúng ta chỉ học Khổng Mạnh hay sao? Theo bà, trước và sau khi Khổng giáo vào Việt Nam, sự học của người Việt có điều gì khác?

BTP. Như mọi loài sinh vật, muốn sống con người phải học. Họ càng học nhiều hơn từ khi có nông nghiệp, chăn nuôi, tức là tự tạo nguồn thức ăn nuôi sống mình, chứ không chỉ phụ thuộc thiên nhiên như thời săn bắn, hái lượm. Tiếng nói là một tiến bộ khác của sự học, chia sẻ tiếng nói chung là yếu tố quan trọng cấu thành cộng đồng, thành dân tộc. Chữ viết cao hơn tiếng nói. Dân tộc mình không có chữ viết, phải học và dùng chữ Hán trong nhiều thế kỷ, có cái lợi và bất lợi. Một trong những bất lợi là giáo dục chính thống cho đến ngày nay vẫn quá “độc tôn” tài liệu viết, mà thiếu quan tâm học từ văn hoá vật chất, từ văn hoá truyền khẩu. Một di hại lâu dài của Nho giáo là khinh lao động chân tay; nghề thủ công, kinh nghiệm thương nghiệp cũng ít được trân trọng. Lý do quan trọng khác là khi nhìn lịch sử chỉ thấy chiến tranh chống ngoại xâm, chỉ muốn nhớ chiến thắng. Tất cả những điều đó khiến ngày nay chúng ta ít biết về xã hội nói chung, sự học nói riêng, ngoài cái học khoa cử.
Từ vài trăm năm trước CN, nhà Tần, nhà Hán đến đồng bằng sông Hồng và lưu vực sông Mã, sông Cả đã thấy những xã hội có tổ chức, biết khai thác nguồn lực thiên nhiên hiệu quả. Họ còn ghi nhận hàng chục điều khác biệt với luật Trung Hoa, khiến họ phải ra sức thay đổi cả pháp luật và phong tục để đồng hoá. Sau hàng ngàn năm, nỗ lực của họ không phải là vô hiệu, nhưng cũng không hoàn toàn thành công; ngược lại, nhiều lượt di dân từ phương bắc đã hoà nhập với cư dân và văn hoá bản địa; nội lực Việt gia tăng từ học hỏi, từ đề kháng văn hoá, nuôi chí quật cường cho đến khi giành độc lập, tự chủ, không phải chỉ bằng thắng lợi quân sự.
Cội nguồn xa xưa tiền Bắc thuộc là văn hoá Đông Nam Á với những tri thức, tín ngưỡng đặc trưng. Trước Lê-Nguyễn và ngay cả trong thời Nho giáo độc tôn vẫn tồn tại mạnh mẽ những biểu hiện của Phật-Lão, của văn hoá bản địa, chưa kể sự xâm nhập của văn hoá phương Tây từ cuối thế kỷ 16, đầu 17 thông qua giao thương và truyền giáo. Quá trình mở đất, di dân về phương nam càng làm phong phú vốn hiểu biết, tín ngưỡng và văn hoá Việt với những giao thoa, tiếp biến với văn hoá Chăm, Khơ-me, văn hoá các tộc người vùng cao. Nho học ở Việt Nam, ngay cả thời độc tôn Tống Nho vẫn rất ít trường quốc lập và nhiều trường dân lập nơi thầy đồ không chỉ truyền kiến thức sách Nho mà còn học lại từ dân, đúc kết kinh nghiệm dân gian thành minh triết. Chữ Nôm giúp phát triển nền văn học Nôm rực rỡ bằng tiếng mẹ đẻ, dễ truyền khẩu trong dân.
Một số thành quả không phủ nhận được từ sự học ngoài sách vở ấy: hệ thống đê điều ở Bắc, kinh nghiệm trồng lúa rẫy và lúa nước ở những địa hình khác biệt, kinh nghiệm sống chung với lũ, khai khẩn đất bồi, đất giồng ở Nam; vai trò quan trọng của phụ nữ (là đối tượng hoàn toàn bị gạt ra ngoài cái học khoa cử) trong xã hội Việt khác hẳn Trung Hoa; rồi quan họ, chèo, tuồng, lục bát, ca dao hò vè với nhiều sắc thái khác biệt địa phương… Nhà phê bình văn học Nhật Chiêu từng nói: “Sẽ không thể có Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương nếu họ không học từ ca dao và văn chương truyền khẩu.”, tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi không nhắc lại những thành tựu từ khi ta có chữ quốc ngữ và tiếp thu văn hoá phương Tây, cũng không chỉ thông qua hệ thống nhà trường vì nó rất ít về số lượng. Có một thành tựu rực rỡ khác chúng ta trải nghiệm hàng ngày: ẩm thực Việt ngon và phần nhiều lành, vô cùng phong phú, đa dạng và tinh tế, là do học từ trường lớp, sách vở Nho hay từ sự học hỏi của người làm bếp, nấu ăn về cách chế biến thịt cá, tôm cua, rau củ, và cả hoa lá bản địa trong tầm tay mình, và từ khẩu vị sành sỏi, đòi hỏi cao của người ăn?
Cho nên những câu vè anh dẫn cũng cho thấy người dân “không có chữ” luôn hiểu giá trị thật của mình so với những giỏ, những bồ, những đống kia, chứ không phải lúc nào cả dân tộc cũng chỉ biết nhắm mắt “tôn sư trọng đạo” như người ta hay nói (cười).

Ngày nay, ta có muốn học, có học được không?

PĐ. Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có lẽ là giai đoạn thức tỉnh về sự học lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Một lớp người trí thức mới cổ suý cách học mới, tư tưởng mới, nhưng cái mới ấy có vẻ vẫn bị quán tính của cái cũ cãi lại theo cách này hay cách khác. Và có người nhận xét cái quán tính có từ truyền thống học hành cả ngàn năm đó vẫn ảnh hưởng đến tâm lý học tập của người Việt hôm nay. Bà nghĩ sao ạ?

BTP. Thứ nhứt, tình trạng Tống Nho là nội dung chính thống của học hành, thi cử chỉ kéo dài hơn 400 năm, không phải hàng ngàn năm. Trong hơn bốn thế kỷ ấy, nếu chúng ta biết truy vấn nhiều nguồn hơn là tài liệu thành văn, sự độc tôn của nó không bao giờ tuyệt đối mà luôn bị thách thức bởi nhiều xu thế văn hoá khác. Xét về thời gian, chúng ta làm quen với văn hoá phương Tây cũng hơn 400 năm nay rồi; là tôi không tính đến đồng tiền La Mã thời Marc-Aurèle được tìm thấy trong di tích Óc Eo, vì mối quan hệ giữa dân tộc ta với văn minh Óc Eo là quá xa xôi. Nhưng vì sao, một bên vẫn được coi như máu thịt, đụng đến thì sợ xúc phạm bàn thờ; còn một bên cứ bị coi như xa lạ, ngoại lai, hấp thụ sợ mình mất gốc, chí ít cũng lo “không phù hợp”? Có phải là căn cứ vào sự thật lịch sử hay thực tế cuộc sống đâu!

Từ Nguyễn Trường Tộ đến Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh – là tôi chỉ kể vài cái tên tiêu biểu, chứ đến đầu thế kỷ 20 họ đã không còn là cá biệt – đúng là đánh dấu sự thức tỉnh. Nhưng là “truyền thống lâu đời” bướng bỉnh cãi họ, hay là con cháu đời sau lãng quên, không biết học tiền nhân, càng không làm tiếp sự nghiệp dở dang của họ? Ngay dưới thời quân chủ chuyên chế, đi giữa hai lằn đạn, tiếng nói Nguyễn Trường Tộ còn đến được triều đình, các bản điều trần được Cơ Mật viện nghiên cứu và lưu trữ, đích thân nhà vua đọc, suy nghĩ và cố gắng làm theo trong chừng mực ông hiểu được và tương quan thế lực cho phép ông cựa quậy. Giữa thời thuộc địa, Nguyễn An Ninh còn diễn thuyết trước công chúng bằng tiếng Tây, thách thức mật thám Pháp; đám tang Phan Châu Trinh huy động đoàn biểu tình đông đảo giữa Sài Gòn, có đủ đại diện thành phần yếu thế như phụ nữ, thợ thuyền, nông dân, không cần sự tổ chức lãnh đạo của đảng phái nào. Trí thức canh tân thực sự có ảnh hưởng trong quần chúng. Còn ngày nay, hỏi tên các vị ấy, nhiều thanh niên có học thức hẳn hoi ú ớ, phát ngôn của các vị họ sửng sốt nghe lần đầu khi có người nhắc đến, tác phẩm của các vị có ai đọc, tư tưởng của các vị có ai theo? Sau đó, cũng có những thế hệ kế thừa, cả ở miền Bắc và đông hơn, ở miền Nam sau 1954. Chúng ta đã biết gì, làm gì với những di sản ấy? Sao không thấy trách nhiệm của mình, chỉ đổ thừa bóng ma quá khứ ngàn năm?
Khi cái lạc hậu, lỗi thời chẳng những không bị thay thế mà còn được củng cố, tiếp sức, tôi không phủ nhận là nó trỗi dậy, mạnh mẽ hơn, gây tác hại nghiêm trọng hơn. Nhưng có phải tác hại ấy chỉ xuất phát từ quá khứ?

PĐ. Chúng ta chắc chắn sẽ không làm một việc điên rồ là “bắn súng lục vào quá khứ”, nhưng chúng ta được phép rút kinh nghiệm từ quá khứ. Với một cái nhìn như thế, bà nghĩ người Việt hôm nay nên học điều gì, và không nên học điều gì từ cách học của tổ tiên, ông cha mình?

BTP. Là người học sử từ chối giáo điều xơ cứng mà luôn đi tìm dấu vết sinh động của con người, cuộc sống thật, tôi đã học được bao điều và vẫn còn thấy rất nhiều điều muốn học từ cách học của tổ tiên, xin nhấn mạnh lần nữa, không chỉ có sự học từ sách vở, trường lớp và khoa cử. Trong Nho, Phật, Lão đều có điều phải học, nhưng cũng có những điều phải dứt khoát chối từ, hoặc vì không có căn cứ rõ ràng từ tài liệu, sự kiện xác thực, hoặc vì nội dung đó nay đã lỗi thời, thậm chí có hại. Nhưng ngoài Nho, Phật, Lão, còn vô vàn điều đáng học trong văn minh vật chất và tinh thần của người Việt Nam đa chủng tộc, đa văn hoá. Có điều, theo tôi, ít nhứt là ở thời đại mình, không thể nghiên cứu lịch sử dân tộc mình hay lịch sử Á Đông mà không dùng đến lý tính và phương pháp khoa học đã thịnh hành ở phương Tây trước chúng ta, vững mạnh hơn chúng ta, mà nay đã thuộc tài sản trí tuệ chung của loài người.
Trong cách học của chúng ta, cũng như của các nước láng giềng có chung di sản Nho giáo, cái mạnh là coi trọng sự học, là sự chăm chỉ siêng năng, tinh thần vượt khó… như đã nêu. Nhưng thách thức cho giáo dục ở các quốc gia Đông Á, như chuyên gia người Mỹ Levin đã nêu về giáo dục đại học là “truyền thống” học vẹt, học để hiểu và làm theo người xưa, không phải để tìm cái mới, cái chưa biết, tri thức cần cho hiện tại và tương lai; là khả năng “tiêu hoá” thông tin mới; là tư duy phản biện, nói rộng hơn là lý tính, là tư duy khoa học, biết nhìn đa chiều, lật đi lật lại vấn đề, biết tôn trọng khác biệt; là tự do học thuật, suy nghĩ bằng cái đầu của mình chứ không chỉ học theo, nói theo, nghĩ theo, làm theo. Bao lâu chúng ta còn xem những giá trị phổ quát của khoa học là sản phẩm đặc thù của văn minh phương Tây, là ngoại lai và không phù hợp, thì chúng ta còn chưa chịu học, làm sao tồn tại và phát triển? Như vậy không phải là “bảo tồn truyền thống”, mà, nói như giáo sư Cao Huy Thuần, là “không xứng đáng với tổ tiên”.

Quan niệm thế nào là giáo dục, tôi cho rằng chúng ta – các quốc gia Đông Á có chung di sản Nho giáo và chữ Hán – nên thay đổi căn bản nội hàm của thuật ngữ này. Xét về từ nguyên, giáo có nghĩa « dạy dỗ, truyền thụ ; tôn giáo, đạo ; sai bảo, khiến ; cho phép », hàm ý quyền lực áp đặt chân lý của người trên với người dưới ; dục có nghĩa « nuôi dưỡng, nuôi cho lớn ; sinh con ». Hán Việt từ điển Đào Duy Anh định nghĩa giáo dục là « dạy dỗ người ta khiến cho thoát ly trạng thái tự nhiên tạo vật sinh ra ». Học, chữ Hán có nghĩa là « bắt chước, lĩnh hội », Đào Duy Anh định nghĩa : « chịu thầy dạy cho đạo lý, tập cho nghề nghiệp ». Tất cả đều hàm ý người trên dạy, người dưới học ; dạy là hướng dẫn, chỉ đạo, đưa ra khuôn mẫu, học là học theo, làm theo, nghĩ theo, tuân thủ khuôn phép. Cũng trong mạch ấy, có giáo hoá (dạy để thay đổi người học), giáo huấn (dạy bảo, giải thích), đều là truyền đạt, áp đặt cách nghĩ của mình, hiểu biết của mình cho người học. Từ education của phương Tây có gốc từ tiếng la tinh educare có nghĩa chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho lớn lên ; sinh viên (student, là người học nói chung, không phân biệt cấp học) có gốc từ studeo nghĩa là nghiên cứu, chăm chú tìm hiểu sâu về đối tượng nào đó. Chúng ta thấy vì sao giáo dục của ta thiên về áp đặt, uốn nắn người học theo chủ định của người dạy (thường đại diện cho mô hình, tư tưởng thống trị đương thời) ; trong khi giáo dục phương Tây thuận lợi hơn để chấp nhận quan điểm coi người học là chủ thể ; coi giáo dục là tạo điều kiện cho chủ thể ấy tự học, tìm tòi, phát kiến cái mới, cái chưa biết. Trong thời đại ngày nay, quan niệm nào sẽ hữu dụng và hiệu quả hơn, chắc không khó để xác định. Vấn đề là chúng ta có muốn học và có học được quan niệm phù hợp hơn ấy hay không.

PĐ. Thế kỷ 21 được nhận diện là một thế kỷ phức tạp, với sự lên ngôi của chủ nghĩa hỗn độn, với những sự kiện/sự cố không thể nào biết trước. Chỉ cách đây 2 năm thôi, chúng ta cũng không thể nào dự đoán trước về việc lại có ngày học sinh của chúng ta phải học online triền miên, thậm chí là phải làm quen với khai giảng online như lúc này. Trong một thế kỷ khôn lường như vậy, theo bà sự học của người Việt cần nhấn mạnh đến những khía cạnh nào?

BTP. Đã là “thế kỷ khôn lường”, tôi làm sao dám đề xuất việc cần làm? Chỉ xin kể hai trải nghiệm cá nhân qua đó tôi học được đôi điều.
Cách đây mấy năm, tôi may mắn dự cuộc toạ đàm về sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, giữa hai chuyên gia tầm cỡ quốc tế và… người máy Sophia. Cơ may đó đến với tôi không phải ở New York hay Paris, mà ở Erevan, thủ đô nước Armenia không hề là nước lớn, nước giàu, nước mạnh, làm tôi ngậm ngùi nhớ Việt Nam. Nhưng ấn tượng mạnh nhứt là tận mắt gặp, ngắm nhìn và nghe Sophia chào hỏi duyên dáng, tham gia đàm luận sôi nổi với các chuyên gia, cuộc trao đổi không hề có “kịch bản” soạn trước như chúng ta hay thấy ở xứ mình (cười). Tôi không khỏi rùng mình khi trong cuộc nói chuyện, Sophia bật cười rất đúng lúc, một tiếng cười thú vị, hóm hỉnh. Trước đó, vì ít nhiều hiểu thế nào là cờ vây, tôi đã chia sẻ sự bàng hoàng của làng cờ vây và dư luận quan tâm khi kỳ thủ hàng đầu thế giới bị người máy đánh bại. Rồi nay chứng kiến rô bốt biết suy tư, tranh luận và cả biết… cười. Tôi tự hỏi: “Sẽ còn chỗ nào cho con người, nhứt là người chỉ biết học vẹt và chép lại văn mẫu?” Ừ thì có thể tự an ủi: “Dẫu sao, người máy ấy, AI ấy vẫn là sản phẩm sáng tạo của con người.” Nhưng là những con người nào, được dạy ra sao và biết học ra sao? Và mọi người sẽ phải học ra sao để chung sống với những sản phẩm khoa học công nghệ ngày càng thông minh hơn, biết không ngừng tự học (đó là lý do quan trọng khiến người máy thắng được kỳ thủ cờ vây đã tích lũy bao tri thức, kinh nghiệm), lại còn biết cảm xúc?

Trải nghiệm thứ hai là thực tế sống trong Sài Gòn phong toả từ mấy tháng qua vì Covid. Hình ảnh đường phố Sài Gòn vắng tanh vắng ngắt; số liệu về người nhiễm, người chết cứ tăng, những tin báo tử bất ngờ; những vật phẩm thông thường như ổ bánh mì, nắm rau gia vị bỗng thành quý hiếm… Nhưng cạnh đó, bao nhiêu hoạt động tận tâm, sáng tạo của tình nguyện viên, người hoạt động thiện nguyện để cứu giúp nhau; chung cư trước đây người đông nhung nhúc trong thang máy mà chẳng ai chào ai, nay người ta tự giác nhường nhau để giãn cách, mỗi người ẩn mặt sau khẩu trang, có người khư khư chai khử khuẩn, nhưng ánh mắt sau kính che giọt bắn vẫn lấp lánh nụ cười thân thiện; chỉ cần tin nhắn trên nhóm Zalo là người ta chia sẻ cho nhau từng lá rau thơm, từng kg gạo, gói mì; rồi nông sản được “giải cứu”, cư dân được mua thịt cá, rau quả giá phải chăng, trẻ em được quà Trung thu dù chỉ post lên Zalo hình mỗi cháu cầm lồng đèn sau cánh cửa đóng kín của căn hộ để cám ơn cô chú TNV…Người bán, người mua đồng lòng thanh toán qua ngân hàng để tránh tiếp xúc, dù số tiền rất nhỏ chỉ vài chục ngàn, nhiều ngân hàng không thu phí chuyển khoản; người bán lẻ, bà nội trợ biết thanh toán qua momo khỏi tốn phí. Người hiểu biết giải thích cho tôi là để làm được như vậy, đằng sau có nhiều thuật toán, nhiều thao tác kỹ thuật đã được công nghệ xử lý thành công. Học và thay đổi hàng loạt thói quen xấu hoặc sự lạnh lùng vô cảm thành ứng xử văn minh, tình nghĩa, để sống còn trong điều kiện khắc nghiệt hơn, mà lại sống tốt hơn, ân tình hơn. Biết học và biết thích nghi như vậy đã cứu đói cho bao người và làm cho cuộc sống phong toả bớt nặng nề với bao người khác. Ngược lại, cũng có những minh chứng không chịu học, học chậm, phải trả giá bằng tổn thất không đáng có. Thước đo chân lý không phải là người có quyền hay cấp trên (theo tư duy Nho giáo, giữ đúng tôn ti mới là trật tự, là “phải đạo”, trái lại là “loạn thần tặc tử”, là giặc bên trong); mà là thực tiễn. Cái đó, không phải phương Tây độc quyền nói và làm, mà minh triết dân gian Việt Nam cũng tin vậy, làm vậy, nhờ vậy dân tộc mới sống còn.

PĐ. Một đặc điểm dễ thấy của thời đại hôm nay chính là làn sóng du học. Mọi gia đình nào có điều kiện gần như đều tính đến chuyện cho con em mình ra nước ngoài học hành, nghiên cứu. Sự giao lưu giáo dục, hợp tác giáo dục trong thời toàn cầu hoá là điều hết sức bình thường. Nhưng tôi nghĩ chỉ khi nào điều ngược lại xảy ra, tức là những gia đình có điều kiện đều tự tin cho con em học hành nghiên cứu ngay tại đất nước mình thì sự học của chúng ta mới có những thay đổi mang tính nội lực và thực chất. Quan điểm của bà như thế nào?

BTP. Tôi phần nào đồng ý với anh ở bậc học mầm non và phổ thông, ít nhứt là đến hết trung học cơ sở. Quyền bình thường của trẻ (cũng phù hợp với tâm lý thông thường của phụ huynh) là được lớn lên trong môi trường an toàn, yêu thương của gia đình, quê hương, đất nước mình. Phải cho con rời xa gia đình, đi học dài ngày trong môi trường xã hội, văn hoá khác biệt với nhiều rủi ro, thách thức, hẳn không là chọn lựa dễ dàng. Chắc không vô cớ mà người ta nói đến “tị nạn giáo dục”. Nhưng có biết bao câu chuyện thành công trong học vấn từ người tị nạn thật, dù bằng con đường du học hợp pháp hay sau khi trải qua muôn trùng gian khó, hiểm nguy. Khi chênh lệch về môi trường, chất lượng giáo dục quá lớn, quá hiển nhiên, một lần nữa, thước đo là thực tiễn. Tất nhiên, tôi cũng mơ ước như anh, là con trẻ đỡ phải chịu nhiều bất trắc như vậy trên đường tìm học. Nhưng ta không chỉ mơ ước suông mà được. Người ta sẽ tự tin cho con ở lại khi nào giáo dục trong nước có sự thay đổi thực chất; chỉ e thay đổi đó không thể ngủ một đêm sáng dậy là có. Giải pháp trung gian là trao đổi ngắn ngày giữa học sinh trong và ngoài nước. Ở các nước phát triển, người ta rất chú trọng hoạt động này, không chỉ vì người ta đủ giàu để trang trải, mà chủ yếu vì người ta hiểu lợi ích của việc trẻ được mở rộng tầm nhìn, thích nghi với môi trường sống không quen thuộc. Học, không phải chỉ trong trường lớp là vậy.

Nhưng đến đại học, người học đã trưởng thành. Đại học phương Tây từ thuở khai sinh (khoảng tk 11-12 ở châu Âu) đã có tính quốc tế, nghĩa là có rất ít đại học ở một vài thành phố. Người muốn học đại học phải từ xa đến trọ học. Cách đây hàng chục thế kỷ còn như vậy, huống hồ trong thế giới phẳng ngày nay. Nên tôi cho rằng được đi du học vẫn là một ưu thế mà nếu gia đình có điều kiện giúp con em, hoặc sinh viên nhờ xuất sắc mà có học bổng, đó là điều may mắn không chỉ cho cá nhân du học sinh. Vấn đề không chỉ là chất lượng giáo dục, mà còn là cơ hội trải nghiệm, cọ xát với môi trường mới, lối sống và văn hoá khác, mở rộng quan hệ xã hội, sẽ rất bổ ích cho việc phát triển tri thức và nhân cách thanh niên. Nếu du học sinh quay về, đất nước có lợi; nếu họ không quay về (chọn lựa cá nhân phụ thuộc phần không nhỏ vào thực tiễn sống và làm việc ở quê hương) họ có thể đóng góp từ xa cho đất nước; hoặc làm rạng danh dân tộc bằng cống hiến của mình cho nhân loại. Ngay khi họ chỉ sống bình thường, tử tế nhưng được phát huy năng lực bản thân, cũng góp phần tạo hình ảnh đẹp về người Việt cho cư dân nơi quê mới. Con người ngày càng tự do dịch chuyển để tìm cơ hội sống tốt hơn, kể cả trong và ngoài biên giới quốc gia là xu thế của thời đại không gì cưỡng lại được.
Tôi không muốn giảm cơ hội đó của số ít, mà quan tâm nhiều hơn đến số đông, Tôi mong những thanh niên không có cơ hội du học cũng được hưởng phần nào lợi thế tương tự. Chẳng hạn, bằng cách tạo môi trường quốc tế ngay trong dạy, học và nghiên cứu tại các trường ở Việt Nam, từ phổ thông và đặc biệt ở đại học. Chỉ cần một số ít giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế đến làm việc, dạy và học ở trường đại học Việt Nam thì rất đông GV, SV Việt Nam sẽ hưởng lợi. Con đường không trải hoa hồng, nhưng đó là giải pháp căn cơ để giảm dần chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa trong và ngoài nước.

PĐ. Câu hỏi cuối cùng: Nếu môi trường giáo dục chưa được như mong muốn thì mỗi gia đình, mỗi cá nhân, mỗi người học cần có những “tự ngộ” như thế nào để có thể vượt thoát khỏi môi trường đó, thưa bà? Nếu được, bà có thể chia sẻ câu chuyện của chính mình được không?

BTP. Tôi nghĩ đã phần nào trả lời. Học là bản năng tự nhiên của muôn loài để sống còn, ai sinh ra cũng có khả năng học. Học không chỉ với thầy, không chỉ qua trường lớp; và trong thế giới ngày nay, thầy và trường lớp đều ngày càng có thể tiếp cận bất chấp khoảng cách địa lý. Ở Việt Nam, chúng ta đang dùng internet khá dễ dàng, rộng rãi. Chỉ cần có công cụ ngoại ngữ (mà ngoại ngữ cũng tự học được miễn phí bằng nhiều cách), bạn đã có cơ hội tự học vô số tri thức, cả qua sách vở hàn lâm và qua nhiều kênh khác. Có môi trường nào giam nhốt bạn được đâu nếu bạn thực sự ham học và biết học; chưa biết thì học từ sách, từ người khác, từ quan sát và hoạt động thực tế, từ trải nghiệm thành công và thất bại của chính mình. Tôi tin các bạn trẻ, nếu muốn, đều có khả năng tự giải độc đối với những định kiến thiếu căn cứ, tự bồi dưỡng nội lực của mình bằng tri thức, bằng năng lực tư duy. Bớt cảm tính, bớt a dua, sử dụng lý trí và sự phán đoán riêng của mình nhiều hơn, tự tin nhưng không tự phụ, cũng không ôm mãi niềm tự hào thiếu căn cứ; và dứt khoát từ bỏ cái ảo tưởng Việt Nam là đặc thù, là ngoại lệ. Các bạn hoàn toàn có khả năng đi xa hơn thế hệ trước, như xác tín dân gian: “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Câu chuyện của tôi may lắm chỉ gợi vài suy gẫm chứ chắc không thể “sao y” làm kinh nghiệm, vì tôi sinh ra, lớn lên trong môi trường giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội rất khác các bạn trẻ bây giờ. Cho nên, vấn đề của tôi không phải là vượt thoát môi trường giáo dục bất lợi, mà là làm sao không đánh mất những hiểu biết, xác tín, nguyên tắc sống của mình và không ngừng tìm hiểu để theo kịp những đổi thay hiện đại. Làm sao sống có ích (như tôi đã được học và thành tâm thấm nhuần ý nghĩa cuộc đời là như vậy) cho đất nước, dân tộc mình yêu quý, mà vẫn là mình, không đánh mất những giá trị mình tin là chân lý và lẽ phải, bất kể nó đến từ phương trời nào, nó là xưa hay nay, mình biết nó lâu rồi hay mới biết. Tôi cũng may mắn có cơ hội học hỏi từ những con người và nền văn hoá khác, nên tôi quan tâm so sánh, đối chiếu để mở rộng hiểu biết của mình và chia sẻ với người. Là người học sử, tôi dành nhiều thời gian, nỗ lực nghiên cứu quá khứ, nhưng tôi dị ứng với kiểu nhai lại, hay huyền thoại hoá, thiêng liêng hoá lịch sử. Với tôi, học là học cái chưa biết, là không ngừng tìm tòi tư liệu, dữ liệu mới để có hiểu biết mới, kiến giải mới về quá khứ phong phú, đa dạng còn tiềm ẩn bao điều chưa biết, hay chưa biết rõ, chưa hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu sâu. Với tôi, học luôn mở rộng sự tự do và niềm vui sống của mình.
TS. Bùi Trân Phượng
Phan Đăng (thực hiện)
Nguồn: https://www.diendan.org/viet-nam/doi-dieu-ve-su-hoc-ngay-truoc-bay-gio

Tình Yêu và Trách Nhiệm

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài 1: Nền Tảng của Tình Bạn

Làm sao một linh mục độc thân có thể dạy về tình yêu, phái tính, và sự liên hệ nam nữ?

Đó là câu hỏi mà một linh mục người Ba Lan, Cha Karol Wojtyla, đã đưa ra trong lời mở đầu của cuốn sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” mà Cha cho xuất bản năm 1960. Đây là một cuốn sách bàn về luân lý phái tính, và là kết quả của nhiều năm sinh hoạt với giới trẻ của Cha ở đại học Krakow, 18 năm trước khi Cha trở thành Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong thời gian làm linh hướng cho nhiều thanh niên thiếu nữ và các cặp vợ chồng trẻ và giúp họ đương đầu với những thách đố về tình yêu và tính dục, Cha Wojtyla đã có thể nhờ đó mà rút tỉa được nhiều kinh nghiệm về cá tính, quan hệ, và hôn nhân mà một giáo hữu trung bình không thể có được. Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm là kết quả của các kinh nghiệm mục vụ cũng như những suy tư thần học về tình yêu, phái tính và hôn nhân của Cha. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những đề tài quan trọng trong sách này cùng các bạn trẻ Việt Nam. Các bài viết này dựa theo bản dịch Anh ngữ của sách “Love and Resposnsiblilty” do Ignatius Press xuất bản, và các bài bình luận của Giáo Sư Edward P. Sri đăng trên nguyệt san Lay Witness trong những năm 2005 và 2006.

Một Đại Tác Phẩm

Sách Tình Yêu và Trách Nhiệm cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về các liên hệ nam nữ thật sự có khả năng thay đổi cuộc đời, và rất cần thiết cho thời nay. Lớn lên trong thời Hậu Cách Mạng Tính Dục, giới trẻ ngày nay đói khát những tư tưởng khôn ngoan có thể hướng dẫn các em trong những quan hệ nam nữ. Dù là độc thân, đang hứa hôn hay đã lập gia đình, chúng ta không những sẽ tìm thấy trong sách Tình Yêu và Trách Nhiệm một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn với cái nhìn của thế gian, nhưng cũng là một cái nhìn có ảnh hưởng tích cực đến cách chúng ta liên hệ với nhau.

Trong những bài ngắn này, chúng tôi có một mục đích khiêm tốn là làm cho những kiến thức trong tác phẩm triết học phức tạp này trở nên dễ hiểu đối với bạn đọc, và thêm vào đó những suy tư của riêng chúng tôi, với hy vọng giúp ích cho độc giả trong khi đọc về quan điểm của Đức Thánh Cha về tình yêu và phái tính, cùng áp dụng nó vào đời sống cá nhân của mình.

Nguyên Tắc Cá Nhân

Công tác chính của Đức Thánh Cha trong Tình Yêu và Trách Nhiệm là trình bày cái mà ngài gọi là “Nguyên Tắc Cá Nhân”. Nguyên tắc căn bản về các liên hệ giữa người với người là “một người không thể chỉ là phương tiện để người khác sử dụng để đạt được mục đích của họ” (trang 26). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ đối xử với người khác như những dụng cụ để chúng ta đạt được mục đích của mình.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng con người có khả năng tự định đoạt chứ không chỉ hành động theo bản năng và nhu cầu như súc vật. Nhờ lý trí, con người biết tự mình suy nghĩ và chọn lựa cách hành động của mình, và xác định cho thế giới bên ngoài biết “nội tâm của mình” qua những chọn lựa của mình. Đối xử với người khác như một dụng cụ để đạt được mục đích riêng là xúc phạm đến nhân phẩm của người ấy như một người có quyền tự quyết (xem trang 26-27).

Yêu Thương hay Sử Dụng?

Điều làm cho chúng ta khó mà sống được theo nguyên tắc này là tinh thần của chủ nghĩa sử dụng đang làn tràn khắp nơi trong xã hội hiện đại. Theo quan điểm của chủ nghĩa này thì việc tốt nhất cho một người là làm điều gì có lợi nhất cho mình. Và điều có lợi nhất cho tôi là làm cho tôi được sung sướng cùng thoải mái càng nhiều càng tốt bằng một nào cách đỡ khổ cực nhất. Người ta thừa nhận và nhấn mạnh rằng con người được hạnh phúc là nhờ khoái cảm. Cho nên tôi phải luôn theo đuổi những gì đem lại cho tôi sự thoải mái, lợi ích, bổng lộc, và tránh những gì làm tôi đau khổ, bất lợi hay thua thiệt.

Quan điểm lợi dụng này ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với nhau. Nếu mục đích chính của đời tôi là theo đuổi thú vui, thì tôi sẽ cân nhắc những chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn là chúng làm cho tôi vui nhiều hay ít. Cho nên nhiều người thời nay, kể cả nhiều Kitô hữu tốt, đánh giá một mối liên hệ dựa theo tiêu chuẩn là người kia ích lợi cho tôi thế nào trong việc đạt được mục đích của tôi, hoặc tôi được “vui thú” bao nhiêu khi gần người ấy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng một khi chúng ta đồng ý với những thái độ lợi dụng này, chúng ta bắt đầu coi người khác trong cuộc đời chúng ta như những vật dụng được dùng để làm ta vui thích (trang 37).

Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao ngày nay nhiều liên hệ bạn bè, “bồ bịch”, và ngay cả hôn nhân, quá mỏng dòn và rất dễ đổ vỡ. Nếu tôi đánh giá một người phụ nữ chỉ dựa theo việc nàng có lợi cho tôi hoặc tôi có tìm được những khoái cảm khi gần nàng hay không, thì liên hệ này không có nền tảng. Khi nào tôi cảm thấy không còn vui thú hay không còn có lợi khi gần nàng, hoặc tôi thấy một người phụ nữ khác có lợi cho tôi hay làm cho tôi thích thú hơn, thì nàng không còn giá trị gì đối với tôi nữa. Quan niệm này quá khác biệt với nguyên tắc cá nhân và còn khác hẳn với sự liên hệ của tình yêu chung thủy.

Tình Yêu và Tình Bạn

Trong khi bàn về tình yêu, Đức Thánh Cha đã nói đến ba loại tình bạn. Theo Aristotle thì có ba loại tình bạn dựa theo ba thứ tình cảm nối kết con người với nhau.

Trước hết là tình bạn vị lợi, là tình cảm dựa vào ích lợi hay việc dùng bạn bè trong sự liên hệ này. Mỗi người đều được một vài ích lợi nào đó từ tình bạn này, và mối lợi mà cả hai bên có đuợc từ liên hệ này là mối dây nối kết hai người. Thí dụ ông Công có một hãng xây cất ở Houston. Ông làm bạn với ông Đinh ở San Francisco vì ông Đinh bán cho ông Công một loại đinh đặc biệt với giá rẻ để xây nhà. Vì chuyện làm ăn, hai người thăm viếng nhau một năm hai ba lần, nói chuyện trên điện thoại và gửi điện thư cho nhau thường xuyên. Sau nhiều năm làm ăn với nhau, họ biết rõ gia đình cùng hoàn cảnh của nhau, và trở nên bạn thân. Nhưng điều làm hai người gắn bó với nhau chính là mối lợi mà họ nhận được từ tình bạn này.

Thứ hai là tình bạn dựa theo những niềm vui mà hai bên nhận được từ nhau. Một người coi bạn mình như người làm cho mình vui thích. Có thể hai người cùng thích một môn thể thao, một loại món ăn, một thứ âm nhạc, đi chơi cùng một nơi, hay thích đến cùng một hộp đêm…. Hai người có thể thật sự lo lắng và quan tâm cho nhau, nhưng điều nối kết hai người lại với nhau chính là niềm vui mà hai người nhận được khi gần gũi nhau.

Nền Tảng Mong Manh

Aristotle ghi nhận rằng tình bạn dựa trên ích lợi hay niềm vui là những tình bằng hữu căn bản, nhưng chưa hoàn toàn. Những tình bằng hữu ấy chưa hẳn đã là xấu, nhưng chúng rất mong manh và khó bền lâu được. Với thời gian, một người có thể đổi nghề và tình bạn không còn mang lại lợi ích cho nhau nữa. Thí dụ ông khi Công bỏ nghề xây cất, không còn mua đinh của ông Đinh nữa thì hai người sẽ bớt liên lạc với nhau, và tình bạn sẽ từ từ phai nhạt. Cũng thế, trong tình bạn vui chơi, nếu một người đổi sở thích hoặc di chuyển đi một nơi khác, hai người sẽ không còn gặp nhau thường xuyên, họ phải tìm bạn khác, và dần dần tình bạn cũng lạt đi. Đó là lý do tại sao tình bạn của giới trẻ thay đổi thường xuyên vì hoàn cảnh và sở thích của họ thay đồi.

Tình Bạn Đoan Chính

Theo Aristotle, loại tình bạn thứ ba là tình bạn hoàn toàn nhất. Có thể được gọi là tình bạn đoan chính vì hai người kết bạn với nhau không phải vì tư lợi hay thú vui mà vì cùng theo đuổi một mục đích: “Một đời sống tốt lành”, một đời sống đạo hạnh trong nhân đức. Trong hai loại tình bạn kia, người nào cũng tìm một lợi ích nào đó cho mình, còn trong tình bạn đoan chính, hai người theo đuổi một điều gì ngoài mình, vượt trên những tư lợi. Chính lợi ích cao thượng này nối kết họ lại với nhau trong tình bạn của họ. Cùng nhau cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp và khuyến khích nhau trên đường nhân đức, người bạn thật không để tâm đến việc mình được ích lợi gì qua tình bạn, mà chỉ để tâm đến điều gì tốt nhất cho bạn mình và cho việc cùng bạn theo đuổi một đời sống nhân đức.

Điều Gì Củng Cố hay Làm Hỏng Mối Tình Bằng Hữu

Từ những nền tảng trên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chỉ cho chúng ta một phương thức để giúp cho tình bạn của chúng ta khỏi rơi vào chủ thuyết sử dụng. Ngài nói rằng chỉ có một cách duy nhất để con người không lợi dụng nhau là cùng nhau theo đuổi công ích, như trong tình bạn đoan chính. Khi một người thấy điều gì tốt cho tôi, và người ấy coi như điều ấy cũng tốt cho mình, “một mối liên hệ đặc biệt được thiết lập giữa tôi và người ấy: mối dây liên hệ về công ích và mục đích chung” (tr. 28). Mục đích chung này liên kết con người lại với nhau tận đáy lòng. Khi chúng ta không để ý đến công ích trong liên hệ với người khác, chúng ta không thể tránh được việc dùng người khác như phương tiện phục vụ mục đích riêng của mình.

Đặc biệt là trong hôn nhân, thường chúng ta dễ theo ý riêng, bắt chồng (hay vợ) và con cái làm theo chương trình, ý muốn và dự tính của mình. Nhưng theo Đức Thánh Cha, thì tình bạn chân chính, đặc biệt là trong hôn nhân, phải đặt một mục đích chung lên trên, và mục đích chung bao gồm sự kết hợp giữa hai vợ chồng, việc vợ chồng phục vụ lẫn nhau và giúp nhau nên thánh, sinh sản và dạy dỗ con cái.

Sở thích và dự tính riêng của mỗi người phải lệ thuộc vào lợi ích chung này. Hai vợ chồng phải tùng phục và nhường nhịn nhau vì ích lợi của con cái. Phải cố gắng đừng để cho chủ nghĩa cá nhân ích kỷ xâm nhập vào hôn nhân. Hai vợ chồng phải cùng nhau hành động nhắm đến mục đích chung này, và phải tìm cách dùng thì giờ, năng lực, và tài nguyên để đạt được các mục đích chung của hôn nhân.

Đức Thánh Cha giải thích rằng việc hai vợ chồng kết hợp với nhau trong công ích này sẽ bảo đảm việc người này không bị người kia sử dụng hay bỏ rơi. “Khi hai người khác nhau cùng chọn một mục đích chung cách ý thức, đìều này đặt họ ngang hàng với nhau, và tránh được việc một người phải phục tùng người kia. Cả hai… đều lệ thuộc vào điều tốt lành mà họ chọn làm mục tiêu chung” (tr. 28-29).

Không có mục tiêu chung này, mối dây liên hệ của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng một người sẽ lợi dụng người khác để thủ lợi hoặc tìm thú vui. Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày tầm quan trọng của những điểm nền tảng này trong việc phải xử sự ra sao với những quyến rũ về tình cảm và thể lý mà chúng ta thường gặp phải khi đương đầu với những người khác phái.

VIẾT VỀ NHÀ SỬ HỌC CÔNG GIÁO: LÊ NGỌC BÍCH (1933-2009)

Tác giả:Nguyễn Đức Cung
Nguồn: http://vietcatholicnews.org

Nhà sử học mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này có lẽ cũng không xa lạ gì với giới nghiên cứu biên khảo về lịch sử Công Giáo mà những tác phẩm của anh đã từng mở ra những chân trời với những cống hiến, tìm tòi rất chu đáo hướng về những đối tượng mà trước đây ít người chịu khó bõ công tìm hiểu. Đó là nhà sử học Lê Ngọc Bích mà các công trình nghiên cứu sử học gồm trên chục đầu sách đã được in ấn dưới hình thức “lưu hành nội bộ”, in chui và hoặc với giấy phép công khai của nhà nước Việt Nam. Trong cuộc hội thảo chào mừng “Bốn trăm năm hình thành chữ Quốc Ngữ” tổ chức vào tháng 4 năm 2019 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, một diễn giả, Linh Mục Px. Đào Trung Hiệu, OP đã nhắc đến nhà sử học Lê Ngọc Bích, đề cao sáng kiến của anh khi đề cập đến vai trò giáo dân trước tiên trong các tác phẩm biên khảo về một nền sử học Công Giáo Việt Nam. Việc nhấn mạnh đến sự quan trọng của các giáo dân Việt Nam trong bốn thế kỷ qua, phải chăng đó cũng là chấp hành những hướng dẫn tốt đẹp được Công Đồng Vatican II đề ra trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem). Chính Đức Hồng Y Francis Cardinal Arinzé trong cuốn sách nhỏ nhan đề “Vai trò đặc biệt của người giáo dân” đã viết: “Bởi vậy, Công Đồng đã khẩn thiết đưa ra lời kêu gọi trong Chúa rằng người giáo dân hãy đáp trả vui tươi, quảng đại và mau chóng lời kêu khẩn nài đặc biệt của Thiên Chúa trong lúc này dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh.” (The Layperson’s Distinctive Role, Ignatius, 2013, trang 15).

Tác giả NĐ Cung và Sử học LN Bích (SG 1991)

I.- GẶP NHAU TRONG MÔI TRƯỜNG CHỮ HÁN, NIỀM TRI ÂN ĐỐI VỚI TT NGÔ ĐÌNH DIỆM.

Cách đây hơn sáu mươi năm, với Nghị định số 389-GD do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 8/10/1959, Viện Hán Học Huế ra đời tại cố đô Huế với chương trình đào tạo sinh viên trong thời hạn 5 năm qua các bộ môn Hán Văn, Bạch Thoại, Triết Học, Quốc Văn, Sử Địa và Sinh Ngữ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Viện Hán Học sẽ được bổ dụng giáo sư Trung học, chuyên viên viện Khảo cổ, nhân viên các tòa đại sứ hay lãnh sự quán VNCH ở Đông Nam Á v.v… Một kỳ thi tuyển với trên 500 thí sinh toàn quốc mà chỉ chọn 40 người, thực tế chỉ có 30 người theo học trong khóa giảng đầu tiên 1959-1960 tổ chức tại Di Luân Đường tức Trường Quốc Tử Giám thời xưa. Tôi là một trong số những anh chị em theo học khóa đầu tiên của Viện Hán Học Huế trong đó có anh Lê Ngọc Bích và hai người bạn thân là GS Trần Vinh Anh (đã tử nạn vì công vụ năm 1967) và Nguyễn Lý Tưởng. Mục đích việc thành lập Viện Hán Học Huế, theo Linh Mục Cao Văn Luận, lúc bấy giờ là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, trong diễn văn khai mạc khóa học đầu tiên thì “đây là mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại” (Nguyễn Lý Tưởng, Kỷ yếu Đại Học Huế, 2015, Viện Hán Học Huế sinh sau đẻ muộn, trang 129). Đây là một trường đào tạo chuyên biệt về Hán văn để phục vụ cho việc dạy chữ Hán, phiên dịch sử liệu và sách cổ (Hán Nôm) ngoài ra còn có ban nghiên cứu Đông y dược cũng là một bộ phận phụ thuộc của Viện.

 

Nếu ai là người đã từng để tâm theo dõi, nghiên cứu thì những việc làm mang tính chất văn hóa của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm được coi là những xây dựng căn bản trong lãnh vực tư tưởng cho con đường chính trị của nền Đệ I Cộng Hòa sau này. Từ những bài thơ của vua Tự Đức bằng chữ Hán do Thị Vệ Lang Đại Thần Ngô Đình Khả, (người đã có công nhiều trong việc thành lập Trường Quốc Học Huế, năm 1896) dịch ra tiếng Pháp đăng trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế) năm 1915, bài thi “Lên Núi Ngự Bình” của vua Tự Đức, đến bài dịch ra tiếng Pháp có tên “Đoàn sứ giả Trung Hoa sắc phong vua Tự Đức” do Ngô Đình Khôi chấp bút cũng xuất hiện trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ tập 3, năm 1916, nhật ký bằng chữ Hán của Phái Đoàn Phan Thanh Giản năm 1862 do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời gian còn là Học viên Trường Hậu Bổ dịch ra tiếng Pháp, bài nghiên cứu của TT Ngô Đình Điệm về cái nghiên Tức Mặc Hầu, đến tập tham luận của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục mang tên “Việt-nam through Vietnamese Eyes” đăng trên Tạp chí World Mission, tháng Hai 1951 và một kiệt tác mang tên “Chính Đề Việt Nam” của ông Ngô Đình Nhu dưới bút danh Tùng Phong. Tất cả những công trình văn hóa đó dù ít hay nhiều và việc lựa chọn một cơ quan văn hóa có bề thế như Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) lúc bấy giờ lưu hành khắp Đông Dương và phát hành sang tận nước Pháp, để xuất hiện không phải là một việc làm ngẫu nhiên nhưng có tính toán. Ngoài ra khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng” của Hồ Sĩ Khuê, ta thấy TT Ngô Đình Diệm cũng lưu tâm đến các tác phẩm viết về thế giới thứ ba trong đó có sách của Alfred Sauvy, của Tibor Mende để biết rằng TT Ngô Đình Diệm muốn tổ chức một nền đại học hoàn bị, tiến bộ, hướng đến khoa học và chuyên môn từ những năm 1947-48 (Hồ Sĩ Khuê, Nhà xb. Văn Nghệ, 1993, tr. 161).

Về sau, so sánh các hoạt động văn hóa đó, ba sự kiện quan trọng nhất đó là việc thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài-gòn, việc cải tổ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ 2 năm lên 4 năm giai đoạn 1956-1965 được ghi lại “Thời gian này khởi đầu nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Trường có những thay đổi quan trọng, ảnh hưởng nhiều do chủ trương của Tổng Thống Diệm cùng với các cuộc thăm viếng và học hỏi của các chỉ huy trưởng từ các trường võ bị như Võ Bị Lục Quân Hoa Kỳ, Võ Bị Đài Loan (Trường Võ Bị Quốc Gia Theo Dòng Lịch Sử, Nhà xuất bản Hương Quê, 2017, trang 87) rồi việc thành lập Viện Đại Học Huế năm 1957 trong đó về sau có Viện Hán Học Huế (1959) cũng nằm trong các quan điểm mang tính chiến lược của vị lãnh tụ nền Đệ nhất Cộng Hòa.

Qua cái mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong việc thành lập Viện Hán Học Huế vẫn hàm chứa một dụng ý chính trị muôn đời muôn thuở, một cái nhìn chiến lược của nhà lãnh tụ đó là dùng văn hóa làm vũ khí lợi hại trong công cuộc đối kháng với nền văn hóa vô sản của chế độ Miền Bắc. Việc chọn Giáo sư Võ Như Nguyện, (con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, bạn tranh đấu của cụ Phan Bội Châu) và Giáo sư Nguyễn Hồng Giao để soạn sách giáo khoa cho Viện Hán Học theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục cũng là việc làm có cân nhắc. Viện Đại Học Huế với nhiều phân khoa trực thuộc và một cơ quan ngôn luận uyên bác là Tạp chí Đại Học, Trường Đại Học Y khoa với cơ sở bề thế được xây dựng theo chương trình chuyển ngữ tiếng Việt, Viện Hán Học Huế chuyên ngành cổ học, bạch thoại, triết học và văn chương, các trường Nữ hộ sinh Quốc gia, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật v.v với cơ sở trường ốc phát triển đều đặn là những thách thức đối với chế độ CS Miền Bắc chỉ cách Huế không đầy 100 km rằng “Có chúng tôi đây!”.

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, một trí thức xuất thân từ miền Bắc, từng là nghiên cứu sinh thuộc Đại học Harvard, cho biết một chi tiết thú vị là Viện Hán Học ở Miền Nam Việt Nam được thành lập sớm hơn về thời gian (1959) và tổng hợp hơn về nhiệm vụ công tác so với Ban Hán Nôm (năm 1972) và Viện nghiên cứu Hán Nôm. Như thế Viện Hán Học Huế của VNCH ra đời trước Ban Hán Nôm và Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 13 năm, nhờ viễn kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhận xét về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Giáo sư Nguyễn Tuấn Cường, bây giờ là Viện Trưởng Viện Hán Nôm Hà Nội, trong bài Giáo dục Hán học tại Miền Nam Việt Nam trong bước chuyển văn hóa – xã hội: Viện Hán Học Huế (1959-1965), đã viết: “Nhân vật Ngô Đình Diệm (1901-1963) dù xuất thân trong một gia đình Công Giáo mộ đạo, bản thân ông cũng là người Công Giáo, nhưng lí lịch và cách hành xử của ông vẫn mang đậm tính chất của một con người Nho giáo, gắn với nền Hán học truyền thống.” Bài viết này trích từ một chuyên luận nghiên cứu về các hoạt động văn hóa Nho giáo –Hán học tại miền Nam Việt Nam [1955-1975] – Harvard-Yenching Institute. Viện Hán Học Huế, nơi mà thế hệ chúng tôi được đào tạo trong Khóa I, theo học trình dẫn trên, qua lời viết của GS Nguyễn Tuấn Cường, “được khai sinh năm 1959 bởi một “văn quan” 58 tuổi có tư tưởng Nho giáo truyền thống, tức Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), rồi được khai tử năm 1965 bởi một “võ tướng”trẻ, khi ấy mới 35 tuổi, tức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011). Có thể thấy số phận Viện Hán Học gắn liền với sự thăng trầm của quyền lực chính trị. Viện được thành lập theo “mĩ ý” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1959, và khó có thể nói rằng đó là một quyết định sai lầm. Trong một xã hội đang chuyển đổi theo hướng “Mĩ hóa”mạnh mẽ về nhiều mặt, thì việc thiết lập một đơn vị chuyên trách việc đào tạo và nghiên cứu văn hóa truyền thống là điều cần thiết, trước khi truyền thống ấy bị đứt gãy hoàn toàn với hiện tại do không còn có các nhân tố con người được đào tạo đến mức có đủ khả năng nối kết. Viện được thành lập ở Huế cũng là một sự lựa chọn đúng đắn nếu xét đến các khu vực trung tâm trong toàn bộ lãnh thổ VNCH khi ấy, bởi trong suốt gần 150 năm triều Nguyễn, đất Thần Kinh (神 京) là nơi hội tụ được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, lưu giữ được nhiều di tích và tư liệu cổ, vẫn còn nhiều nhà cựu học tâm huyết với việc trao truyền văn hóa kinh điển Hán học.”

Thông qua bài viết này, chúng tôi có đôi dòng về Viện Hán Học Huế để muốn nói lên tấm lòng tri ân đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một bậc vĩ nhân của đất nước. Sở dĩ chúng tôi có cơ hội học được chữ Hán trong trong thời buổi Nho học đã suy tàn, qua khóa đầu tiên, cùng chung một lớp với rất nhiều bạn lớn tuổi lúc bấy giờ như quý anh Ngô Văn Lại, Phạm Liễu người Quảng Nam, Lê Ngọc Bích, Lê Nhất (người Huế), Nguyễn Lý Tưởng (Dương Lộc, Quảng Trị), Trần Vinh Anh (Hướng Hóa, Quảng Trị), Hoàng Xuân Minh (Huế), các anh La Cảnh Hùng, Dương Trọng Khương, Ngô Khôn Liêu v.v… đa số là người Hoa với vốn chữ Hán của họ lúc bấy giờ so với chúng tôi vốn rất trội xa, mà học trò lại có kẻ ngang tuổi với thầy… Nhờ Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất coi trọng việc học và việc giáo dục nên qua Viện Đại Học Huế và Viện Hán Học cũng như các cơ sở giáo dục khác như Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Trường Kỹ Thuật Huế v.v… được thành lập và phát triển, đã giúp ích rất nhiều cho sinh viên nghèo của Miền Trung hiếu học.

Cũng từ năm 1959, chúng tôi học môn triết học Trung Quốc với Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương (1932- 2017) qua tập giáo trình Đại cương triết học sử Trung Quốc của Phùng Hữu Lan 1895-1990 馮 友 蘭 (Fung Yu-lan) do thầy Dương dịch từ bản tiếng Pháp phối hợp với bản tiếng Anh (bản in ronéo năm 1966) sau này sách có in do Viện Đại Học Vạn Hạnh và Nhà xb Thanh Niên (1998). Phùng Hữu Lan là một triết gia rất có quyền uy trong lãnh vực lịch sử triết học Trung Hoa với trường phái Phùng học ngày nay có uy danh tại Hoa lục và khắp nơi trên thế giới. Một bộ “A History of Chinese Philosophy” gồm hai cuốn viết bằng tiếng Anh do Derk Bodde chuyển ngữ, Princeton University Press xuất bản với hơn 1330 trang, năm 1952. Mới đây ở Việt Nam, bộ sách khá đồ sộ “Lịch sử triết học Trung Quốc” gồm hai tập, tập I: Thời đại Tử học (560 trang) tập II: Thời đại Kinh học (808 trang) của triết gia Phùng Hữu Lan, do Lê Anh Minh dịch và in năm 2013, cũng rất cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về Hán học.

Công bình mà nói, ngành Hán học ở Miền Bắc không phải là đến năm 1972 mới có, như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường đã phát biểu trong bài tham luận viết về Viện Hán Học của Miền Nam Việt Nam được ông trình bày tại Hội nghị về ngành Hán học năm 2014 tại Philippines, mà đã được tổ chức từ cuối năm 1965 trong một phạm vi nhỏ hẹp. Một cuốn sách cho biết rằng, cuối thời điểm 1965 “ Thủ tướng phủ ký quyết định tổ chức một Lớp đại học Hán học giao cho Viện Văn học quản lý, và bổ nhiệm Giáo sư Cao Xuân Huy là Giáo sư chính.” (Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 55). Tài liệu vừa trích cho thấy không rõ ai là người trong phủ Thủ tướng ký quyết định (chắc là một cấp thừa hành nào đó, không phải Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và bức hình chúng tôi có trong quyển sách của Cao Xuân Huy nói là lớp Hán học từ năm 1965-1968 có khoảng gần 30 người trong đó chưa kể gia đình cụ Cao Xuân Huy, cháu nội cụ Cao Xuân Dục và ba đứa trẻ có đứa còn bồng trên tay. Đọc qua tài liệu và xem bức hình, chúng tôi thấy rõ Miền Bắc lúc bấy giờ chưa ý thức rõ tầm mức quan trọng của Hán học trong nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, như Tổng Thống Ngô Đình Diệm từng quan tâm đến trong viễn kiến chính trị của mình qua việc thành lập Viện Hán Học ở cố đô Huế năm 1959.

II.- LÊ NGỌC BÍCH VÀ THÂN PHẬN NỔI TRÔI CÙNG ĐẤT NƯỚC.

Khi chúng tôi gặp nhau tại khóa đầu Viện Hán Học Huế vào mùa thu 1959, anh Lê Ngọc Bích đã lớn hơn tôi đến tám tuổi, sinh ngày 6/9/1933 tại Hà Tĩnh. Quê anh vốn làng Thượng An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, bố là cụ Lê Ngọc Bổng vốn là Giáo Sư Trường Trung Học Kỹ Thuật Huế dạy về môn Kỹ Nghệ Họa. Trường Kỹ Nghệ Huế (Ecole Professionnelle) cũng gọi là Trường Bá Công được thành lập ngày 12/9/1899 theo Chỉ dụ của vua Thành Thái (1889-1907) dưới ảnh hưởng thúc đẩy canh tân của Diên-Lộc Quận Công Nguyễn Thân (1853-1914), sau việc thành lập Trường Quốc Học Huế (Nguyễn Đức Cung, Diên-Lộc Quận-Công, Nhà xb. bản Nhật Lệ, 2002, trang 386). Đến đầu năm 1900, trường này xây cất trên sở đất bên bờ sông Phủ Cam và tồn tại đến ngày nay được 100 năm Năm 1921, Trường được chuyển giao cho chính quyền Bảo hộ Pháp quản lý và đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế Ecole Pratique Industrielle Hue. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1946, trường di tản ra Nghệ Tĩnh. (Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, Tập I, trang 133). Sau này ở nhiều giai đoạn lịch sử Trường có tám tên gọi khác nhau cho đến ngày nay với tên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Hue Industrial College – HUEIC).

Năm 1944, tức hồi 11 tuổi anh Lê Ngọc Bích được rửa tội tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế với tên thánh Gérard rồi vào tu tại DCCT Huế. Nhân biến cố 19-12-1946, thân phụ anh kẹt ở Vinh không để tin tức gì lại cho gia đình. Cũng thời gian sau đó, Lê Ngọc Bích có lần về thăm quê mẹ ở làng Ngọc Anh và được một người cậu rủ Bích tham gia Vệ quốc đoàn của Việt Minh hoạt động trong Trung Đoàn 95 đóng tại chiến khu Nam Đông (Thừa Thiên) mà viên Trung Đoàn Trưởng là học trò của cụ Lê Ngọc Bổng, thân phụ anh Bích. Trong một lần tìm cách luồn rừng để đi xưng tội với linh mục ở một giáo xứ tên gọi Ngọc Hồ (Đá Hàn) gần Trung Đoàn bộ, anh Bích gặp Linh mục Tôma Trần Văn Dụ coi sóc giáo xứ này (ở thượng nguồn Sông Hương), và khai với cha Dụ rằng anh là con cụ Bổng vốn là bạn thân của cha ở Giáo xứ Phủ Cam (Huế) và nói ý muốn của anh là “dinh tê” (tức về lại vùng Quốc Gia) để nhờ Cha tìm cách giúp đỡ. Cùng theo với anh Bích trong Trung đoàn 95 còn có anh Nguyễn Văn Thuận (sau này là Bác sĩ và Dân biểu thời Đệ Nhị VNCH, em ruột của Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân làm việc cho TT Nguyễn Văn Thiệu), anh Bác sĩ Nguyễn Văn Bách hiện ở Tiểu bang Pennsylvania) đều ở trong nhóm “nghĩa tử” của Cha Tôma Trần Văn Dụ. Nhóm nghĩa tử này được cha Dụ đưa về lại Huế an toàn. Lúc bấy giờ Bích xin theo vào học Trường Kỹ Thuật Huế ở trong khuôn viên Trường Canh Nông trong Thành Nội Huế, và làm thợ sắp chữ tại nhà in Thánh Tâm vốn là một cơ sở sinh hoạt của Dòng Thánh Tâm Huế, đường Phan Đình Phùng trên bờ sông Bến Ngự, còn hai người kia vào học Trường Khải Định. Năm 1953, anh Bích cũng lần mò ra được tới Vinh và tìm gặp được thân phụ lúc ấy đang dạy học tại Dòng Phanxicô Vinh. Dòng này được xây dựng từ năm 1931 trong một khu đất gần 4 mẫu, nằm ở ngoại ô thành phố, gần Trường Thi, giữa Vinh và Bến Thủy do cha Maurice Bertin phụ trách. Khu đất này ngày nay là Bệnh viện thành phố Vinh và một phần là Trường Mầm Non Hồng Sơn, nằm ở ba mặt đường: đường Lê Mao, đường Trần Phú và đường Ngô Đức Kế. (Vương Đình Chữ [chủ biên], Lịch sử Giáo Phận Vinh, tập I, 2015, trang 563).

Năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, hai bố con trốn ra Hải Phòng và theo tàu há mồm vào Sài Gòn. Bích có chung mẹ với một em trai là Bưu và mẹ của Bích vốn là bà mẹ quê chơn chất, thật thà, là người theo đạo Ông Bà, sống ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Thứ, Thừa Thiên, quê hương của Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Hai ông bà (song thân của Bích) lấy nhau theo lời hứa của người lớn hai gia đình, không thích hợp đời sống tình cảm nên ly dị nhau từ khi Bích còn nhỏ. Sau này tục huyền với một bà họ Phạm thuộc giáo xứ Phủ Cam, cụ Bổng trở lại đạo Công Giáo, sinh được năm người con, trong số đó có hai người làm linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Huế và một người con gái là nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Huế. Bà họ Phạm này ở trong dòng dõi gia tộc của bà Phạm Thị Thân, vợ cụ Ngô Đình Khả và là thân mẫu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bà họ Phạm này (kế mẫu của anh Bích) cũng có bà con với Cố Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc, nguyên Giám mục Giáo Phận Kontum. Hai người em của anh Lê Ngọc Bích là Linh mục Micae Hy Lê Ngọc Bửu thuộc Nhóm tu hội Hy vọng có liên hệ nhiều với Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nên bị chính quyền CS làm khó dễ. Linh Mục Lê Phú Ngọc Trản được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể phong chức tại Nhà thờ Phủ Cam năm 2000. Cả hai cũng có khi tá túc với Linh Mục Nguyễn Văn Ngọc tại Giáo xứ Phan-xi-cô (tục gọi Nhà thờ Nhà nước) nhưng cũng không được yên, nên Đức Cha Phạm Văn Lộc đã phong chức “chui” cho một trong hai vị linh mục này. Cả hai bị tiếp tục bị sách nhiễu, cấm cách đủ thứ suốt gần hai thập niên cho đến nay, nhờ sự can thiệp hữu hiệu của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, hai vị linh mục em của anh Bích đã có nhiệm sở để làm công tác mục vụ. Kể thêm những chuyện này để thấy chế độ CS luôn luôn là thế lực của tà thần nhưng đức tin và lý tưởng của người Công Giáo là sức mạnh giúp ta vượt thoát mọi khó khăn.

Từ năm 1959 đến 1962, chúng tôi ban đầu “kết” nhau trong một nhóm mà các bạn khác thường gọi là nhóm “ABCT” tức là Trần Vinh Anh, người gốc Minh Hương, quận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Lê Ngọc Bích (Thừa Thiên) và Nguyễn Đức Cung (Quảng Bình), sau có thêm Nguyễn Lý Tưởng (Triệu Phong, Quảng Trị) và Hoàng Văn Sự (dân Bắc, em ruột nhạc sư Hùng Lân). Tất cả cùng đồng ý giúp nhau học để lấy cho được Tú Tài I và II ban Cổ ngữ (Hán Văn) để liệu đường cho tương lai. Ngoài việc học hành, anh em chúng tôi là những người xông xáo nhất trong các hoạt động của Viện, thí dụ tổ chức các cuộc vui Tất Niên, khai giảng khóa học, chào đón các giảng viên mới. Niên khóa 1962-63, chúng tôi đồng thi đỗ vào Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa chỉ trừ có Hoàng Văn Sự bị động viên vào quân đội và theo với cuộc sống binh ngũ cho đến năm 1975.

Theo học Viện Hán Học trong tinh thần của một nền giáo dục “dân tộc, nhân bản và khai phóng”, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các vị giáo sư thuộc tầng lớp cựu học như cụ Nguyễn Duy Bột xuất thân từ trường Quốc Tử Giám, cụ Cử Nhân Hà Ngại, cụ Cử Nhân Lương Trọng Hối, Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, thầy Võ Như Nguyện, thầy Nguyễn Hồng Giao, nhà thơ tiền chiến Phan Văn Dật, học giả Bửu Kế, rồi với các vị tân học như Linh mục Giáo Sư Nguyễn Phương, Giáo sư Nguyễn Văn Dương, Giáo sư Vĩnh Quyền v.v… để thấy thế hệ chúng tôi đóng vai “bản lề” là được tiếp thu nền tinh hoa học thuật cũ từ các đấng bậc đi trước cho đến cái căn bản học thuật của nền giáo dục Miền Nam hôm nay.

Sau ba năm theo học tại Viện Hán Học, chúng tôi giã từ môi trường chữ Hán để bước vào một khung cảnh học thuật mới với hai lãnh vực văn khoa và sư phạm, rồi có dịp quen biết thêm bạn bè và được thụ huấn với các vị giáo sư nổi tiếng trên toàn Miền Nam như Giáo sư Trần Văn Toàn dạy Triết, GS Thanh Lãng dạy môn Văn Học Việt Nam, Linh mục Nguyễn Phương phụ trách môn Sử, GS Nguyễn Thế Anh môn sử Đông Nam Á, Linh mục Nguyễn Hòa Nhã dạy môn Địa Lý, GS Dương Đình Khôi dạy môn Dân Tộc Học, Linh Mục Lefas môn Sử Tây Phương, Linh mục Oxarango môn cổ sử Tây Phương v.v… Mùa hè năm 1965, chúng tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, và ở Trường Đại Học Văn Khoa; tôi và Trần Vinh Anh lấy xong Cử Nhân Giáo Khoa Sử Học, còn Lê Ngọc Bích cũng chỉ còn một chứng chỉ nữa để hoàn tất học vị này mà phải bỏ dở đi dạy học để sinh sống đã.

Sau khi tốt nghiệp Ban Sử Địa của Trường Đại Học Sư Phạm Huế, Lê Ngọc Bích đi nhận nhiệm sở là Trường Trung Học Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa (Phú Yên), tôi và Trần Vinh Anh về Trường Trung Học Trần Quý Cáp Hội An.

Bẵng đi mấy năm Lê Ngọc Bích yên phận dạy học ở vùng tháp Nhạn sông Đà, chăm chú đời sống gia đình, rồi năm 1973 anh xin đổi vào Trường Trung Học Tân Bình ở gần nhà thờ Ba Chuông thuộc Giáo xứ Đa Minh.

Sau ngày 30-4-1975, Cộng Sản chiếm trọn Miền Nam đã làm thay đổi mọi nếp sống sinh hoạt của con người tại đây kể cả những người theo nghề dạy học như anh Lê Ngọc Bích.

Ngay sau khi Sài Gòn mới mất, một người tên Nguyễn Trường Liêm, Sư Phạm ban Toán ở Huế vào tiếp quản Trường Trung Học Tân Bình. Nguyễn Trường Liêm có người em là Nguyễn Trường Cổn vốn ly khai vào chiến khu VC trong nhóm Lê Hiếu Đằng. Một người khác tên Văn Đức Kim dạy học ở Trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền, quen biết với anh Nguyễn Lý Tưởng lúc bấy giờ (trước năm 1975) dạy học ở Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định), cũng móc nối với Nguyễn Trường Liêm và nhỏ to tâng công, nói rằng Lê Ngọc Bích là “đảng viên” Đại Việt trốn học tập cải tạo, là “đồng chí” của Nguyễn Lý Tưởng và Nguyễn Đức Cung… Thế là Lê Ngọc Bích bị theo dõi, trù dập nhưng vì không có bằng chứng cụ thể nên chưa làm gì. Một hôm cụ Lê Ngọc Bổng ở Huế vào thăm con, anh Bích đưa câu chuyện ra giải bày với cụ. Cũng may cụ Bổng có một người học trò lúc bấy giờ làm Phó Giám Đốc Công An thành phố SG. Cụ Bổng đến thăm anh này và trình bày sự thật về anh Bích. Người Phó GĐCA này được ông thầy cũ đến nhà thăm cũng rất mừng và hãnh diện nên cho lục hồ sơ đảng phái ở Sài Gòn không thấy tên Lê Ngọc Bích, cả trong hồ sơ điện toán cũng không, nên đã yêu cầu trường Trung học Tân Bình đối xử tử tế với Lê Ngọc Bích. Sau vụ này, trường Tân Bình không còn làm khó dễ gì Bích và còn cho phép Bích trong những ngày nghỉ dạy có thể coi việc giữ xe cho học sinh để có thêm chút lợi nhuận trong sinh kế, bởi vì đời sống giáo chức lúc bấy giờ rất gieo neo, cơ cực. Kể ra trong cái rủi cũng có điều may (Providence).

3.- BƯỚC VÀO LÃNH VỰC NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ ĐẠO CHÚA…

Cho đến bây giờ tôi cũng không biết nguyên nhân nào đưa anh Lê Ngọc Bích bước vào lãnh vực nghiên cứu lịch sử đạo Công Giáo ở Việt Nam bởi vì theo lệ thường chỉ sau khi hoàn tất một học vị về sử học chẳng hạn Cử nhân Giáo Khoa Sử học (Bachelor of Art) hay Cao học Sử học (Master of Art) mà trong nước bây giờ người ta gọi là Thạc sĩ thì mới chọn một hướng nghiên cứu. Cuốn sách đầu tiên anh Lê Ngọc Bích tặng tôi có tên “Người Việt Công Giáo, Chứng Nhân Đức Tin (1630-1885) không thấy đề năm in. Tôi lật trang cuối tìm vào bản kê “tài liệu tham khảo” thấy có cuốn “Cuộc lữ hành đức tin” của Linh mục Đào Trung Hiệu, OP. do UBĐKCG Tp. Hồ Chí Minh tháng 6-1992 thì chắc rằng cuốn sách của Bích được viết sau cuốn sách. Viết về “chứng nhân đức tin” tức là viết về các Thánh Tử Đạo Việt Nam, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II phong thánh ngày 19-6-1988 tức một phần cũng để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về danh thơm tiếng tốt của các bậc tiền nhân Việt Nam của người tín hữu, đồng thời cũng là phản ứng trước thái độ phá phách của chế độ CS đối với việc phong thánh lúc bấy giờ mà theo phương pháp sử học đó là “nguyên nhân gần, nguyên nhân gây sự” (Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 156). Cho đến nay, vấn đề phong thánh ngày 19-6-1988 đã trở thành một biến cố lịch sử nhưng thiết tưởng cũng cần nhìn lại để thấy thực chất của vấn đề phản ánh đức tin của người Công Giáo và thái độ thù ghét đố kỵ của giới cầm quyền CS đối với tôn giáo này như thế nào.

Trước hết xin đọc vào hồi ký của một Giám Mục. Trong cuốn “ Chứng từ của một Giám Mục, những câu chuyện về một thời”, Giám Mục Phao Lô Lê Đắc Trọng, Cố Giám Mục Phụ Tá TGP Hà Nội đã viết: “Cho tới năm 1988, khi Tòa Thánh quyết định phong thánh cho 117 Chân Phúc Việt Nam. Một luồng sóng phẫn nộ chống đối việc phong thánh đó. Trong buổi khai mạc chống đối việc phong thánh được phát động, hai nhân viên Đoàn Kết được phái tới Nam Định, do ông Dương Văn Đàm và ông Vũ Thái hòa, mở cuộc họp các linh mục Hà-Nam-Ninh. Đã mấy chục năm, tôi không đi họp, hôm đó không hiểu sao rồi lại đi. Nhưng đó lại là cơ hội rất may. Sau khi hai ông chỉ trích chê bai chống lại việc phong thánh. Tôi lên tiếng thay cho mọi linh mục, nêu lên đề tài: Việc tôn sùng Các Thánh Tử Đạo và chế độ này đi đôi với nhau. Để chứng minh, tôi gợi lại sự kiện ngày 2-9-1945: Ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cả hội nghị nghe. Rồi tôi đặt câu hỏi: cuộc kết duyên ban đầu đằm thắm thế, vì lẽ gì việc tôn sùng Các Thánh Tử Đạo lại gặp khó khăn thế? Không ai trả lời. Và từ đó, riêng với tôi không ai nói về vấn đề tử đạo. Các linh mục tỉnh Hà-Nam-Ninh (Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu), không còn bị đi họp để nghe “tố” Các Thánh Tử Đạo, như các nơi khác.” (Diễn Đàn Giáo Dân tái bản lần thứ nhất, Hoa Kỳ, Giáng Sinh 2009, trang 289).

Sau đây là một số thông tin từ hải ngoại:

“Đầu năm 1988, TT Vatican loan báo tổ chức lễ phong thánh cho 117 vị tử đạo VN vào ngày 19-6-1988. Việc này lập tức gây ra những phản ứng khác nhau từ phía các giới khác nhau trong nước.

Tại Hà nội, về phía Công Giáo, HĐGMVN cũng họp về vấn đề phong thánh, UBTV HĐGMVN thông cáo về phong thánh ngày 2-4/3/1988. Các nữ tu Sài gòn cũng đưa ra thỉnh nguyện về phong thánh ngày 10/3/1988. Nhưng HĐGMVN trong phiên họp thường niên tại Hà nội không tán đồng các hành vi và cung cách mang màu sắc chính trị trần thế liên quan đến việc phong thánh (17/3/1988)”.[Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ sở Đức quốc, Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, tháng 8-2005, Đỗ Hữu Nghiêm, trang 414).

Tác giả Lê Thiên cho biết: “Năm 1988, Cộng sản Việt nam tung chiến dịch ồn ào chống lại việc Giáo Hội Công Giáo quyết định phong thánh cho 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Một mặt chúng huy động các cây bút lý luận sắc bén về ý thức hệ Cộng sản, như Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng, viết bài xuyên tạc lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Mặt khác, chúng dùng Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước qua tờ Công Giáo và Dân Tộc với Trương Bá Cần viết bài phụ họa.” (Ba Mươi Năm Công Giáo… Sđd, trang 476).

Cũng trong tài liệu nói trên, tác giả Đỗ Mạnh Tri nói rõ: “Ngày 22.6.1987, Đức Gioan Phaolô II chủ trì buổi họp Cơ mật viện và quyết định phong Hiển thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Ngày 19.6.1988, lễ Tuyên Thánh đã được cử hành tại Quảng trường Thánh Phê Rô ở Rô-Ma, trong bầu khí trang trọng, thuần túy tôn giáo, với sự tham dự của khoảng 15 ngàn người, trong đó rất nhiều người Công Giáo Việt Nam đến từ khắp thế giới, trừ Việt Nam. Thông cáo của Tòa Tgm Tp HCM: “Ngày 19.6.1988: các nhà thờ lớn nhỏ, các giáo xứ trong địa phận cử hành ngày Chúa nhựt này như các ngày Chúa nhựt khác, không tổ chức chi cả liên quan đến Lễ Phong Thánh”. Nguyễn Ngọc Lan bình phẩm: “Lễ ‘như các ngày Chúa nhựt khác’ là lễ gì? Thà làm thinh đi hoặc nói rõ là bị ngăn cấm để khỏi bị mấy anh Công Giáo yêu quái xuyên tạc như họ đã bi bô tối hôm qua trên màn ảnh truyền hình: vì thế nọ vì thế kia cho nên mới có Thông cáo của Tòa Tổng Giám mục. Những cái ‘vì’ hoàn toàn xa lạ với Đức cha Bình. Chính quyền cấm người Công Giáo không được làm gì liên quan đến Lễ Phong Thánh, cũng như đã cấm không cho HĐGMVN tham dự Lễ Phong Thánh bên Rôma. (Ba mươi năm Công Giáo, Đỗ Mạnh Tri, Sđd, trang 566; Nguyễn Ngọc Lan, Nhật Ký 1988, Nhà xb. TIN Paris, 1993, Chúa nhựt 19.6.88, tr. 93).

Cuốn tư liệu “Ba mươi năm…” ghi nhận thêm: “Ngày 24.11.1990, trong bài chào mừng Đức Thánh Cha nhân dịp viếng ad limina, Đc Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch HĐGMVN có nói: “Niềm vui sướng được quây quần chung quanh Đức Thánh Cha lại càng lớn lao hơn nữa vì nó bù đắp lại phần nào sự vắng mặt toàn diện của HĐGMVN trong ngày Lễ tấn phong Hiển Thánh cho 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam tại Quảng trường Thánh Phê rô ở Rôma ngày 19.6.1988. Cử chỉ long trọng này của Tòa Thánh đã và sẽ ghi dấu trong niên giám của các thế hệ mai sau một ơn cao trọng mà Chúa Quan phòng đã muốn ban cho Giáo hội trẻ trung của chúng con.” (Đỗ Mạnh Tri, trang 567).

Một câu danh ngôn của Tertullian (155-222) văn sĩ La-Tinh và cũng là một nhà hộ giáo đã từng nói: “Máu của người tử đạo là hạt giống sinh người tín hữu” (Semen est sanguis christianorum! Apologeticus 50, 13) (Pope Benedict XVI, Great Christian Thinkers, from The Early Church through The Middle Ages, Fortress Press, 2011, trang 26). Biết đâu, giữa bầu khí chống báng đạo Công Gíao nhân vụ phong thánh lúc bấy giờ, đây chẳng phải là sự huyền diệu giúp Lê Ngọc Bích dấn thân nghiên cứu về lịch sử Công Giáo Việt Nam với nhiều tác phẩm giá trị về sau với ý hướng “hộ giáo” (apologetics) tiềm tàng trong anh?

Cuốn sách đầu tiên của Lê Ngọc Bích, “Người Việt Công Giáo, Chứng nhân Đức Tin, 1630-1885”, dày 189 trang dưới hình thức “Giáo trình lưu hành nội bộ” có lẽ là một tài liệu nhỏ dùng cho việc dạy học trong giáo xứ hay một học viện nào đó. Bìa sách in tương đối trang nhã, mẫu chữ lịch sự rõ ràng, ghi lại tiểu sử của 109 vị Thánh tử đạo Việt Nam theo thứ tự thời gian tuy nhiên việc đặt “Giáo dân PHANXICO” lên hàng tử đạo tiên khởi là vấn đề phải được xét lại.

Trong tác phẩm “Người Chứng Thứ Nhất”, nhà văn Phạm Đình Khiêm có viết: “Ở đây, chúng tôi tưởng cũng nên nhận định rõ về tước hiệu “Tiên khởi Tử đạo Việt Nam” dành cho ông An-rê Phú-yên. Đúng ra, thày giảng An-rê là “Tiên khởi Tử đạo” ở Xứ Nam (Đàng Trong). Còn nếu kể toàn quốc, thì ở Xứ Bắc (Đàng Ngoài), vào năm 1630, có một giáo hữu tên thánh là Phan-chi-cô, gia nhân của một vị quan lớn trong phủ Chúa Trịnh, đã bị quan này tự ý giết vì giữ đạo Thiên Chúa. Tài liệu của Cha Đắc-lộ, nguồn duy nhất, chỉ kể rất sơ lược về ông, khen ngợi ông đổ máu vì Chúa, tuy không dùng danh từ rõ rệt “Tử đạo” (Martyr). Về phần thày giảng An-rê, đời sống và cuộc tử đạo với những phép lạ sau khi chết, đã biểu dương rất rõ rệt với đầy đủ chi tiết, lại được lập hồ sơ để chờ ngày phong thánh, cho nên ta có thể kể người như vị Tử đạo vinh quang đầu tiên của Việt nam.” (Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn, 1959, trang 23).

Nói chung các tài liệu khác như “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo” của Linh mục Bùi Đức Sinh hoặc “ Việt Nam Giáo Sử” của Lm Phan Phát Huồn, “Lịch sử Truyền Giáo” của Lm Nguyễn Hồng, “Lịch sử Phát triển Công Giáo Việt Nam” của Lm Trương Bá Cần, và nhất là trong danh sách 117 vị Thánh Tử Đạo VN do Tòa Thánh tuyên phong không nhắc đến người giáo hữu tên thánh Phan-chi-cô này nên danh xưng đó cũng cần để lại như một vấn đề “tồn nghi”.

Nếu cuốn sách nhỏ “Người Việt Công Giáo, Chứng Nhân Đức Tin, 1630-1885” được viết do sự thúc đẩy của biến cố phong thánh 19-6-1988, thì bộ sách tiếp đồ sộ hơn, súc tích hơn và hoàn hảo hơn (gồm hai tập, tập I gồm 398 trang và tập II gồm 300 trang, in khổ lớn) nhằm kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế (1850-2000), có tên “Nhân vật Giáo phận Huế” phát hành dưới hình thức ‘lưu hành nội bộ’ tỏ ra xứng tầm với một nhà nghiên cứu sử học.

Về nội dung tập I,
tác giả Lê Ngọc Bích trình bày như sau:

PHẦN MỘT: GIÁO DÂN

Chương một: Giáo dân thế kỷ XVII-XVIII
– Thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)
– Thời Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)
– Thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
– Thời Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (1687-1691)
– Thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)
– Thời Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738)
– Thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)
– Thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
– Thời Cảnh Thịnh Tây Sơn (1783-1802)

Chương hai: Giáo dân thế kỷ XIX
-Thời Hoàng đế Minh Mạng (1820-1840)
-Thời Hoàng đế Tự Đức: Giai đoạn 1848-1860; Giai đoạn 1860-1862: Phân Sáp.
– Gian đoạn 1883-1886: Lực lượng Văn Thân “Bình Tây Sát Tả gồm Giai đoạn cuối năm 1883 và Giai đoạn 1885-1886.

Chương ba: Giáo dân thế kỷ XX

PHẦN HAI: CÁC VỊ CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN ĐƯỢC GIÁO HỘI SUY TÔN
Chương một: Thời Cảnh Thịnh Tây Sơn 1798.
Chương hai: Các vị chứng nhân đức tin thời Hoàng đế Minh Mạng 1820-1840.
Chương ba: Các vị chứng nhân đức tin thời Hoàng đế Tự Đức 1857-1861.
Chương bốn: Các vị chứng nhân đức tin ngoài Giáo phận qua đời trên đất Giáo phận Huế.

PHẦN BA: CÁC VỊ TU SĨ VÀ LINH MỤC

Chương một: Các vị tu sĩ
-Tu sĩ thế kỷ XVII
-Tu sĩ thế kỷ XIX
-Tu sĩ thế kỷ XX

Chương hai: Các vị linh mục
-Các vị linh mục thế kỷ XVII-XVIII
-Các vị linh mục thế kỷ XIX: Thời kỳ trước “Phân Sáp”; Thời kỳ “Phân Sáp” 1860-1862; Thời kỳ Văn Thân “Bình Tây Sát Tả” 1883-1886.
-Các linh mục thế kỷ XX.

Chương ba: Các linh mục ngoài Giáo phận sống phục vụ Tổ quốc trên đất Giáo phận Huế.

Tập II “Nhân Vật Giáo Phận Huế” gồm:

PHẦN BỐN: CÁC VỊ THỪA SAI NGOẠI QUỐC TRUYỀN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN GIÁO PHẬN HUẾ
Chương một: Các vị thừa sai Dòng Tên
Chương hai: Các vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris
Chương ba: Các vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế

Chương bốn: Các vị thừa sai ngoại quốc lập dòng trên địa bàn Gia1o Phận Huế

PHẦN NĂM: CÁC VỊ GIÁM MỤC VÀ ĐAN VIỆN PHỤ
Chương một: Các vị giám mục thời kỳ Giáo Phận Đàng Trong qua đời trên đất Giáo Phận Huế
Chương hai: Các vị giám mục và đan viện phụ gốc Giáo Phận Huế
Chương ba: Vị giám mục khai sinh Giáo Phận Huế, Tephan Cuénot
Chương bốn: Các vị giám mục trực tiếp lãnh đạo Giáo phận Huế.

Phê bình bộ sách này trước hết chúng tôi đi vào phần nói về các tư liệu do soạn giả sử dụng, thiết nghĩ tạm chia làm hai loại đó là chính sử và dã sử. Chính sử ở đây gồm các bộ Đại Nam Thực Lục, Liệt Truyện, Địa bộ, Phủ Biên Tạp Lục v.v… nghĩa là những bộ sử do Quốc sử quán viết và dã sử nói chung là những tập tài liệu do tư nhân viết. Dĩ nhiên trong bộ sách này phần lớn tài liệu lấy từ các sách tư nhân hoặc do các cơ sở tôn giáo biên tập gồm nhiều loại ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hán văn được biên tập theo nhiều thể loại.

Tóm tắt, chính sử 正 史 là sử sách do cơ quan chính thức của triều đình quân chủ biên soạn thường gọi là Quốc sử quán do các viên chức khoa bảng của triều đình được chỉ định đứng ra sưu tập tài liệu và biên soạn lịch sử các triều đại hay các biến cố của quốc gia. Dã sử 野 史 (dã là đồng nội, chốn dân gian – theo Đào Duy Anh) là sử sách do dân chúng ngoài xã hội viết về các biến cố quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế v.v… Sử gia Nguyễn Phương đã gọi một cách tổng quát hai nguồn sử liệu chính sử và dã sử là sử liệu công và sử liệu tư. (Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 71.)

Dù sử dụng các loại tư liệu nào nhưng cần phải tôn trọng các nguyên tắc về trích dẫn khi dùng tới. Ở đây tác giả rất thận trọng khi tham khảo các sách vở, báo chí, tài liệu dịch thuật kể cả khi phải đọc vào các tư liệu Hán Văn hay tiếng La-Tinh hoặc các ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, các sách của Lê Ngọc Bích ngoài phần ghi các tài liệu tham khảo đã không có mục sách dẫn (index) vốn là một trong những danh mục giúp tìm ra mau chóng tên các nhân vật được nói đến trong tác phẩm và mục sách dẫn này là một đòi hỏi nằm trong phạm trù của Phương pháp sử học.

“Nhân vật Giáo phận Huế” viết về con người của vùng đất này gồm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên vốn là con cháu của những người dân thuộc Thanh Hóa, Nghệ An đi theo các chúa Nguyễn trong các đợt Nam tiến trước đây.

Theo sự nghiên cứu của Li Tana “vùng đất cực nam thoạt đầu đã được coi là nơi nhà Hậu Lê đầy các phạm nhân. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí viết là từ năm 1474, chính quyền nhà Lê quyết định đưa các phạm nhân tới vùng đất trước đây thuộc Champa. Kẻ nhẹ tội thì được đưa đến Thăng Hoa (vùng Thăng Bình trong tỉnh Quảng Nam). Tội nặng hơn được đưa đến Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay) là vùng đất xa nhất để đày tù nhân”. (Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18, Nhà xb. Trẻ 1999, trang 29). Nếu Thuận Hóa được xem là một vùng đất đầy bất trắc, bấp bênh về một số lãnh vực như sự khẳng định của Li Tana (trang 38), thì việc chấp nhận định cư trên vùng đất ấy cũng nói lên tính can trường của người dân địa phương trước thử thách cùng với sự thiết lập chính quyền tại đây qua các đợt di dân ngày càng nhiều hơn với mục đích rõ ràng. Sử gia Trần Văn Giàu cũng từng cho biết “tính dọc ngang” của người dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [Thừa Thiên], Quảng Nam, Quảng Ngãi góp sức mạnh cho các cuộc Nam tiến về sau (Trần Văn Giàu, Nam Bộ xưa và nay, 1999, trang 161). Người Huế là dân Đàng Trong vốn là những người có tư tưởng tự do, có “óc tò mò và cởi mở đối với những cái mới, với những tư tưởng mới, tính hồn nhiên và khoáng đạt hơn, thái độ không mấy dễ dàng để mình bị ràng buộc bởi lịch sử và truyền thống” (Li, Tana, Sách đã dẫn, trang 217). Đây cũng là những đức tính mà người dân ba tỉnh Bình Trị Thiên nói chung chấp nhận tinh thần Ki Tô Giáo từ những năm đầu thế kỷ XVII khi hạt giống phúc âm được các vị giáo sĩ Dòng Tên đến gieo vãi.

Tuy nhiên, đọc sách của Lê Ngọc Bích, người Công Giáo Bình Trị Thiên đã phải chịu biết bao đau khổ, nhục nhằn trong các cuộc bắt đạo của chín đời chúa, mười ba đời vua nhà Nguyễn, có lẽ nhiều người cũng như ông Nguyễn Gia Kiểng đã từng tự hỏi và đưa ra một lời giải đáp qua những dòng chữ sau đây: “Mặc dầu bị bách hại đẫm máu họ đã không vùng lên chống lại chính quyền, trong khi đó là một phản ứng tự vệ rất bình thường… Người Công Giáo ở Miền Bắc lúc đó rất đông đảo chiếm hơn 10% dân số, lại rất tập trung và rất gắn bó.. Nếu họ nổi loạn, nhờ người Pháp huấn luyện và giúp khí giới, họ đủ khả năng đánh bại được quân nhà Nguyễn lúc đó rất suy yếu về cả vật chất lẫn tinh thần. Một viên thiếu úy với bảy tên lính Pháp đã có thể nghênh ngang vào tỉnh Ninh Bình, bắt tất cả tuần phủ, án sát trói lại, tịch thu mấy chục khẩu đại bác, bắt quân Việt Nam hạ khí giới quỳ hai bên đường. Người Công Giáo, nếu muốn, thừa sức đánh bại thứ quân đội vô dụng đó. Nhưng họ vẫn chịu đựng thà chết vì đức tin chứ không nổi loạn. Ở vào thời buổi đó, đâu đâu cũng có nổi loạn, nhưng những người Công Giáo, có lý do nhất và có khả năng nhất để nổi loạn, lại không nổi loạn. Cái gì đã khiến người Việt Nam theo đạo Công Giáo đông đảo như vậy? Đó chính là thông điệp Ki-Tô. Vào buổi nhiễu nhương, con người chà đạp và chém giết lẫn nhau, còn gì an ủi hơn là được nghe một thông điệp hòa bình, bác ái, là được nghe những lời nhắn nhủ “ai thương xót người ấy là phúc thật, ai chịu khốn khổ vì lẽ phải ấy là phúc thật.” (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, Paris, 2001, trang 193).

Vả lại Tin Mừng Mát-thêu đã viết: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.” (Mát-thêu 10: 25, Sách đã dẫn, trang 91). Và sách Tin Mừng Lu-Ca cũng đã dạy: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Kinh Thánh Tân Ước, Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Lu-ca 21: 12-13, 1994, trang 360). Kinh nghiệm giữ đạo của các Ki-Tô hữu thế kỷ I-II ở Rô-ma cho người giáo hữu Việt Nam một đường lối áp dụng đó là đoạn Tin Mừng Mát-thêu nói trên. Các hang toại đạo (Catacomb) ở Rô ma như Callixto với những đường hầm bí mật để giáo dân và các dự tòng có thể lên xuống hội họp, ngày nay trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn nhiều triệu du khách trên thế giới chứng tỏ tinh thần nhẫn nại chịu đựng của người Công Giáo để giữ vững đức tin của mình.

Nhận định về các sự ngược đãi (stimulus of penalizations) của các chính quyền đối với đạo Công giáo, sử gia Nguyễn Thế Anh (vốn là thầy dạy của tôi và của Lê Ngọc Bích, Trần Vinh Anh và Nguyễn Lý Tưởng tại Trường Đại Học Văn Khoa Huế) đã viết rằng: “Thiên-chúa-giáo (Công giáo) khi còn âm thầm hoạt động trong bóng tối, đã có một sinh hoạt cường mạnh gấp ngàn lần khi được chính thức nhìn nhận, đó là nhờ ở sự ngược đãi của các hoàng đế La Mã.” Và cũng theo vị sử gia này “… thử thách càng mạnh thì đáp ứng lại càng linh động. Nhưng sự kiện này cũng chỉ đúng đến một giới hạn nào đó mà thôi, chứ thử thách quá đáng thì cũng sẽ không đáp ứng nổi.” (Nguyễn Thế Anh, Nhập môn phương pháp sử học, Sài Gòn, 1974, trang 19).

Và ở một đoạn khác, sử gia Nguyễn Thế Anh ghi tiếp: “Thiên-chúa-giáo (Công giáo) là một tôn giáo lịch sử: tín ngưỡng của nó đòi hỏi phải tin tưởng rằng những biến cố xảy ra trong đời Gia-Tô phải có thật, phải đã là những sự kiện lịch sử xảy ra trong thời gian và trong không gian, vì đây là sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong lịch sử nhân loại để cứu nhân loại. Cho nên Thiên-chúa-giáo (Công giáo) sẽ không bao giờ hờ hững với các vấn đề lịch sử: tín đồ của đạo này, cũng như kẻ thù của nó phải biện hộ cho nó, hay đả kích nó trên bình diện lịch sử, với những bằng chứng lịch sử, nghĩa là phải đặt câu hỏi xem các bằng chứng của tín ngưỡng truyền thuyết Thiên-chúa-giáo (Công giáo) có giá trị lịch sử hay không” (Nguyễn Thế Anh, Sách đã dẫn, trang 14).

Sự dấn thân của Lê Ngọc Bích vào việc nghiên cứu lịch sử Công Giáo bao gồm hai thái độ tinh thần mà sử gia H. I. Marrou gọi là óc phê bình và cảm tình. “Óc phê bình là đức tính đầu tiên mỗi người nghiên cứu sử cần phải có. Là một ngành học đi tìm chân lý, sử học phải là một khoa học phê bình: sử gia có phận sự phát giác những điều sai lầm, nhhững sự gian dối, những điều thiếu sót trong sử liệu. Nhưng đức tính thứ hai, cảm tình, sẽ bổ túc cho đức tính thứ nhất ấy. Sự hiểu biết bắt buộc phải có một phần lớn đồng tâm đồng ý giữa sử gia và sử liệu; sử gia phải có cảm tình với sử liệu để có thể hiểu sử liệu.” (Nguyễn Thế Anh, Sđd, trang 55).

Hai tập Nhân Vật Giáo Phận Huế gồm rất nhiều câu chuyện về đạo Công Giáo từ những ngày đầu tiên hạt giống Tin Mừng được gieo vãi tại đây, qua những năm tháng phát triển rồi chịu biết bao sóng gió thử thách trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Tác giả Lê Ngọc Bích đã chịu khó tìm tòi sử liệu, đọc và tham khảo nhiều sách vở, vùi đầu trong các thư viện, tìm hỏi nhiều nhân chứng. Một điểm đặc biệt là giữa trào lưu của kỹ thuật số trong thời đại hiện nay, Lê Ngọc Bích vẫn không biết sử dụng máy computer mà nỗ lực cặm cụi viết tay như các tác giả mấy chục năm về trước, hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, bày tỏ lòng kiên nhẫn đến cùng.

Nhân vật khởi đầu cho tập I là một bậc mệnh phụ phu nhân, Bà Maria Mađalêna Minh Đức Vương Thái Phi, vị đứng đầu các bà “Phi của chúa Nguyễn Hoàng. Nhà văn Phạm Đình Khiêm đã có một tác phẩm nổi tiếng giá trị sưu khảo về cuộc đời của bà này nhan đề “Minh Đức Vương Thái Phi, lịch sử khai nguyên Công Giáo Việt Nam”, (Sài Gòn 1957). Bà Minh Đức Vương Thái Phi theo đạo Công Giáo khi bà 45 tuổi (khoảng năm 1625), là mẹ của hoàng tử Phúc Khê, và là chỗ dựa của giáo đoàn Châu Hóa. Bà sống thọ ngoài 80 tuổi. Hồi ký của Cha Đắc Lộ viết khá nhiều về cuộc sống thánh thiện của bà.

Trong tập I, Lê Ngọc Bích có viết về cha Đắc Lộ nhưng chỉ thuần viết về các hoạt động mục vụ của ngài mà không đề cập tới các tài liệu giáo lý như “Phép giảng tám ngày” là một cuốn sách vô cùng quan trọng, cũng như các nỗ lực nghiên cứu đóng góp vào việc hình thành chữ Quốc ngữ.

Đọc sách của Lê Ngọc Bích, độc giả theo dõi những sự đau thương của Giáo Hội dưới thời cấm đạo của vua chúa triều Nguyễn, chẳng hạn những gian lao vất vả của biết bao mục tử như Giám Mục Sohier (tên Việt là Bình), Giám mục Cuénot (Thể), sự giúp đỡ tận tình của các giáo hữu đối với các đấng chủ chăn, sự khôn ngoan của các linh mục như linh mục Mactino Nguyễn Văn Thanh (1802-1869) đã đóng vai phu gánh quan tài, người gánh nước mướn để đi nơi này qua nơi khác dò xét tình hình bắt đạo để báo cáo cho các đấng bề trên v.v… Hơn bảy trăm trang sách của Lê Ngọc Bích qua hai tập Nhân Vật Giáo Phận Huế đã cung cấp cho người đọc hình ảnh sinh động của một Giáo Hội Công Giáo trên dãi đất Miền Trung tuy nghèo nàn vật chất nhưng lúc nào cũng sẵn sàng mến thương đùm bọc những người đau khổ.

Đọc những trang sách viết về “Giáo dân Thế kỷ XX” khởi đầu là các ông Hường Tế, Hường Chức, Hường Thuyền vốn là các cháu nội của vua Minh Mạng, người được các sử gia Công Giáo gọi là “Néron Việt Nam”, vua Minh Mạng đã độc ác nhúng tay vào máu của các vị thánh tử đạo Việt Nam thì hậu duệ của ông lại có những người được hạnh phúc đón nhận Tin Mừng, trở thành những người tín hữu đạo đức, thánh thiện. Cuộc đời của cụ Ngô Đình Khả, Cố TT Ngô Đình Diệm, Họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa, Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Nam Phương Hoàng Hậu, Thi sĩ Hàn Mặc Tử, Giáo sư Bùi Xuân Bào v.v… xuất thân từ Giáo Phận Huế nhưng mang tầm vóc Việt Nam mà tài năng đức độ đã tỏ rõ trên nhiều phương diện.

Nếu Thomas Carlyle đã có lý khi nói rằng: “Lịch sử thế giới, lịch sử của những gì con người đã thực hiện trên thế gian này, kỳ thực là lịch sử của những nhân vật đã hoạt động ở đây. Các đại nhân vật này là những lãnh tụ của những người khác, là những người nặn họ, là gương mẫu của họ, và theo một nghĩa rộng, là những người sáng tạo tất cả những gì mà khối lớn các con người đó đã có thể gắng sức sáng tạo nên hay đạt đến…” (On heroes and Heroworship. Dẫn theo Nguyễn Thế Anh, Sđd, trang 37) thì trong lãnh vực tôn giáo, những “đại nhân vật” ấy có thể xuất thân từ những giai tầng khác nhau trong xã hội, với những trình độ hiểu biết khác nhau, có thể có nhiều vị đến từ những phương trời xa lạ nhưng cùng chung một đức tin Công Giáo, đã đổ máu đào ra để làm chứng đức tin của mình, đã thực hiện những công việc tốt đẹp nhất trên mảnh đất hình chữ S vì sứ điệp yêu thương của Đức Ki-Tô.

Với tập sách thứ ba của Lê Ngọc Bích, cuốn Nhân Vật Công Giáo Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX-XX in theo khổ sách bình thường 14x20cm gồm 710 trang với hình bình thật vừa mắt mà bức ảnh mờ Nhà thờ đá Phát Diệm làm bối cảnh với hình chim vạc thường thấy trên trống đồng cho biết giá trị thoạt nhìn của tác phẩm và dòng chữ “Lưu hành nội bộ” được in rõ ở dưới. Bốn chữ này nhắc tôi một câu chuyện cũ, khi năm 1971, tôi đang chuẩn bị tư liệu để viết tiểu luận Cao học Sử học trình ở Đại Học Văn Khoa Huế, đề tài là chú dịch Vũ Man Tạp Lục Thư 撫 蠻 雜 緑 書, tác giả là cụ Ôn-Khê Nguyễn Tấn người đã tình nguyện về quê nhà, bình định được người Mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi năm 1863 dưới triều vua Tự Đức. Sau cuộc đánh dẹp vất vả này, Nguyễn Tấn viết cuốn Vũ Man Tạp Lục Thư bằng chữ Hán, trong đó ghi lại đầy đủ địa lý vùng cao nguyên, chiến thuật, chiến lược, phong tục tập quán, ngôn ngữ, sông ngòi, khe suối vùng cao v.v… của ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Cụ Nguyễn Tấn cất dấu kỹ sách này trong nhà (bí vu gia 祕 于 家) và chỉ truyền cho con cháu mà thôi. Sau này con của cụ Nguyễn Tấn là Diên-Lộc Quận Công Nguyễn Thân dựa vào sách này mà xây dựng lực lượng Sơn Phòng Nghĩa Định, giúp ông trấn giữ được người Mọi là nhờ có cẩm nang (vade mecum) quý trong tay. Bốn chữ “Lưu Hành Nội Bộ” trên tác phẩm Nhân Vật Công Giáo Việt Nam Thế Kỷ XVIII-XIX-XX của Lê Ngọc Bích ngoài thủ thuật “qua mặt” sự kiểm duyệt khắt khe dễ ghét của nhà nước CS Việt Nam, nhưng tác phẩm này cũng là bảo vật “bí vu gia”, và dĩ nhiên có đọc vào mới thấy và sách quý chỉ truyền đạt cho những người trong dòng tu, học viện hay cơ sở riêng biệt mà thôi. Người ngoài lại ở xa như tôi nhưng cũng được “đọc ké” kể cũng là một điều may. Tôi nghĩ rằng các cuốn sách của anh Lê Ngọc Bích, như cuốn này chẳng hạn, thuộc loại văn hóa samizdat (tự in ấn ngoài luồng) đối chọi lại gosizdat (nhà nước xuất bản), và tamizdat (tư liệu được đưa lậu vào Liên Xô), một loại hình văn hóa chỉ có sau bức màn sắt, – và nếu vậy thì cũng tội nghiệp cho những người cầm bút chân chính đạo đức như anh Lê Ngọc Bích và một số rất ít các tác giả khác còn trong nước. Trước đây tôi có theo dõi các ấn phẩm của Nhà xuất bản Giấy Vụn với những bài văn, thơ của Bùi Chát, Lý Đợi, Bùi Chí Vinh v.v. và mới đây với các tác phẩm của Nhà xuất bản Tự Do với Phạm Đoan Trang hay Nhà xuất bản Tri Thức của Tiến Sĩ Chu Hảo. Đây là những hình thức tự cởi trói của giới văn nghệ sĩ trước cường quyền bạo lực!

Với tác phẩm Nhân Vật Công Giáo Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX-XX, phải thành thật nói rằng tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cũng như rất tâm thành chia xẻ với nhà thơ Lê Đình Bảng qua những dòng ông viết sau đây trong bài tựa “Đốt lò hương cũ” in đầu cuốn sách này: “Nay được đọc tập NHÂN VẬT CÔNG GIÁO VIỆT NAM – trong điều kiện ồn ã, trong khung cảnh xô bồ, tất bật của cơm áo gạo tiền – chẳng hiểu mình có thất lễ không? Dù sao trong muôn một, tôi xin cảm ơn Ông Lê Ngọc Bích đã dành cho kẻ vô danh này cái vinh dự to lớn mà đáng lẽ người ấy phải là một bậc thức giả có uy tín được trọng thị giữa làng. Tôi biết ông (xin lỗi) – trong buổi hoàng hôn sinh lão bệnh tử của đời người, trong những thiếu thốn quay quắt về kinh tế và cả trong nỗi cô đơn của những người làm công việc văn hóa, của kẻ ngoại đạo trước computer – vẫn lặng lẽ miệt mài kiếm tìm, sao chép, viết lách… Nguyên một cái tình cảnh đa đoan, một nỗ lực bền bĩ “mài mực ru con” để viết và viết, ấy cũng quá đủ cho chúng ta ngả mũ chào.” (trang 8).

Đối với tôi, mỗi trang sách là một gắn bó của tác giả với con đường đã chọn lựa, và với niềm tin tôn giáo đã được chắt chiu, gạn lọc qua thời gian cùng thử thách. Hơn bảy trăm trang sách, với hằng trăm nhân vật thuộc nhiều thế hệ và nhiều lãnh vực tài năng, thuộc đủ mọi đề tài, với những khám phá mới về con người, hình như chưa bao giờ Lê Ngọc Bích chịu dừng lại để thủ thường an phận như người ta thường nói “lão giả an chi”.

Tôi gặp thấy trong cuốn này nhiều vị giáo sư của mình đó là Linh Mục Nguyễn Phương, dạy môn Sử ở Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm, Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Hy Thích dạy môn Hán Văn, Họa Sĩ cung đình Tôn Thất Sa dạy môn vẽ khi tôi còn ở trong Tiểu Chủng Viện Kim Long (Huế) nhưng tôi muốn dừng lại với một vị Giáo sư của Trường Đại Học Văn Khoa Huế (tuy không dạy tôi) nhưng tôi rất kính phục đó là Giáo Sư Đỗ Đình Thạch hay Pierre Đỗ Đình, với tôi là một nhân vật “kỳ bí” mà bây giờ, nhờ những trang sách của Bích, tôi được hiểu rõ hơn về thầy. Từ năm 1937, Pierre Đỗ Đình đã viết bài thơ bằng tiếng Pháp, Le Grand Tranquille, trong đó ‘ông nói lên sự luyến tiếc quá khứ văn hóa tôn giáo của ông, nhưng ông đã tìm được một niềm tin vững chắc.” (trang 177) Trong một đoạn được trích dẫn qua sách của Lê Ngọc Bích, tư tưởng của Pierre Đỗ Đình thật miên man khi ông đi tàu biển trở về quê hương Việt Nam năm 1932: “Nghe tiếng sóng ngày đêm, có lúc tôi tưởng mình là người thủy thủ. Nhưng tôi không phải là người đi câu cá. Tôi là con cá ở vực sâu. Mà Chúa Giêsu là người đi câu cá.” (trang 176, Bài “Ta là con cá” của Đỗ Đình trong tạp chí Đức Mẹ La Vang (Huế) số 1, tháng 8-1961, tr. 84-86). Ở trang 175, Lê Ngọc Bích cho biết: “Tại Pháp ông giao thân với nhiều danh sĩ như Daniel Rops, Léopold Dedar Senghor, nhà thơ nổi tiếng của Sénégal của Châu Phi.” Ông Senghor sau này từ 1960-1963, làm Tổng Thống Cộng hòa Sénégal (Châu Phi). Daniel-Rops (1901-1965) là Giáo sư sử học của Đại học Lyon, nhà văn và sử gia nổi tiếng của Pháp, Thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp (Membre de l’Académie francaise, được bầu vào năm 1955), tác giả bộ sách gồm mười cuốn về lịch sử Giáo Hội Công Giáo và rất nhiều tác phẩm giá trị khác.

Một nhân vật khác tôi gặp trong cuốn sách này là Giáo sư Bùi Xuân Bào, Thứ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn, người đã cùng chúng tôi bị bắt và đày ra trại tù Nam Hà (tỉnh Hà Nam Ninh) năm 1976 và có lần ở chung một buồng (buồng 1). Lúc bấy giờ tôi còn trẻ (khoảng 34 tuổi) và thấy Thầy Bào cũng đã lụ khụ, tôi thương cảm vô cùng tìm cách làm quen và được thầy cho mượn vài cuốn sách quý của Thầy để đọc. Có lần Thầy nói với tôi: “ Lúc này mà có bộ Histoire de L’Eglise của Daniel-Rops mà đọc lại thì thật tuyệt.” Năm 1978 Thầy được tha về vì bệnh tim đến thời kỳ trầm trọng (trang 167). Thầy sang Pháp điều trị bệnh và mất năm 1991 tại bệnh viện Villejuif, thọ 75 tuổi, nhắc lại câu nói cuối đời của Bernanos “Tout est grâce” (Tất cả đều là ân sủng).

Nếu những cuốn sách nói trên là các công trình nghiên cứu cá nhân thì với tác phẩm Giám Mục người nước ngoài qua chặng đường 1659-1975 với các giáo phận Việt Nam lại là một công trình mang tính tập thể do Lê Ngọc Bích (chủ biên) cùng Lê Đình Bảng và Lê Thiện Sĩ, do Nhà xuất bản Tôn giáo ở Hà Nội in năm 2009 gồm 480 trang có đề giá bán 40.000đ. Sách này là một bộ sưu tập gồm 126 vị Giám mục người nước ngoài mà cuộc đời và sự nghiệp đã hoàn toàn dâng hiến cho Giáo Hội Công Giáo Việt nam.

Lúc sinh thời Thánh Phaolô đã chọn Ti-mô-thê làm Giám mục và trong Thư 2 gửi ông này, thánh nhân đã viết: “Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy… Vậy hỡi anh, người con của tôi, anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Ki-tô Giê-su. Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác. Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su.” (Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999, trang 1537).

Trong Giáo Hội Công Giáo, Giám mục là người kế vị các Thánh Tông Đồ vốn do Chúa Giêsu chọn lựa. Thánh Augustino đã từng nói một câu về Giám Mục: “Vì anh chị em, tôi là giám mục; cùng với anh chị em, tôi là Ki-tô hữu.” (Vobis sum episcopus, vobiscum sum christianus) (Augustino, Sermo 340.1.)

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong cuốn sách “Vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” (Varcare la soglia della speranza tiếng Ý, bản tiếng Anh Crosssing The Threshold of Hope) với sự cộng tác của Vittorio Messori, có trích dẫn câu câu nói ở trên của Thánh Augustino với lời nhận định rằng “Suy nghĩ cho kỹ thì danh xưng Ki-tô hữu có ý nghĩa cao cả hơn danh xưng Giám mục, dù đó là Giám mục thành Rôma” (bản tiếng Việt của Nguyễn Thanh Lượng & Trần Văn Trí, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, Cơ sở San Diego, CA, USA, trang 26). Một lời dạy về đức khiêm nhượng cho hàng giáo phẩm đã trở thành danh ngôn cho hết mọi người.

Nhờ công lao và nỗ lực của Cha Đắc Lộ, hàng giáo phẩm Việt Nam được thành lập năm 1659.

Ngày 10-11-1659, Bộ Truyền Giáo khi cử hai giám mục đầu tiên Lambert de La Motte và Francois Pallu đến Đàng Trong và Đàng Ngoài, đã có chỉ thị rõ rệt như sau: “Các vị đừng tìm cách, đừng tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hoá của họ, ngoại trừ tất cả những gì rõ rệt trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không có gì vô lý bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Ý Đại Lợi hay một nước Âu châu nào khác vào Trung quốc. Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của quý vị, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không chối từ cũng không làm tổn thương các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào, miễn là tất cả những cái đó không có gì là xấu, mà trái lại, đức tin của chúng ta muốn người ta cứ duy trì và bảo vệ các thứ đó. Có thể nói rằng tự bản chất con người luôn quý trọng, yêu mến và trân trọng tập tục của xứ sở mình hơn hết. Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và hận thù là tìm cách thay đổi tập tục riêng của mỗi dân tộc, nhất là những tập tục đã có lâu đời. Vậy việc gì sẽ xảy ra, nếu các vị xóa bỏ các tập tục đó để thay thế bằng tập tục của xứ sở của các vị, đưa từ ngoài vào? Đừng bao giờ so sánh tập tục của các dân tộc đó với các tập tục của các nước Âu châu. Trái lại các vị hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó. Hãy chiêm ngưỡng và tán dương những gì đáng tán dương. Những gì không đáng ca ngợi, nếu không nên ca ngợi om xòm như những kẻ nịnh hót, thì cũng nên khôn ngoan đừng phê phán hay đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc quá đáng.” (Nguyễn Thái Hợp, O.P., Đường vào Thần học về Tôn giáo, Định Hướng Tùng Thư xb., 2004, trang 10).

Đọc tác phẩm Giám Mục Người Nước Ngoài… của ba tác giả họ Lê, chân dung mỗi vị Giám Mục được khắc họa với những nét khác nhau nhưng không đi ra ngoài những lời căn dặn của Thánh Phaolô với Giám mục Ti-mô-thê, câu nói của Thánh Augustino và nhất là với chỉ thị rõ rệt căn bản nói trên của Bộ Truyền Giáo ở Rôma.

Thật vậy, những lời tha thiết trong Thư 2 gửi Ti-mô-thê cũng là những thúc giục khôn ngoan của vị Tông Đồ cột trụ của Giáo Hội buổi sơ khai, đã trở thành những chỉ dẫn khích lệ cho các giám mục ngoại quốc trên bước đường truyền giáo ở Đông phương, dạy họ phải là “người lính giỏi của Đức Ki-tô”.

Ngoài ra những lời khôn ngoan tha thiết của Bộ Truyền Giáo từ thế kỷ XVII khi thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1659) đã là cẩm nang hành động của các vị Giám Mục mà khả năng đa diện của họ đã giúp cho đất nước Việt Nam trong nhiều lãnh vực văn hóa, tôn giáo, kinh tế, xã hội v.v…từ đó cho đến ngày nay.

Tinh thần dấn thân rõ rệt nhất đối với các vùng truyền giáo là các linh mục, giám mục đã tự chọn cho mình một tên Việt Nam, dấu chỉ hội nhập văn hóa nặng ký nhất của các ngài.

Về phương diện văn hóa, người ta không thể phủ nhận công ơn của các vị linh mục, giám mục đối với việc hình thành chữ Quốc ngữ, một công trình để đời cho dân tộc Việt Nam, một cố gắng mà ngay cả các dân tộc Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên dù muốn lúc bấy giờ mà không thể thực hiện được. Những nhà truyền giáo tiên khởi như Lm Francisco de Pina, Buzomi, Borri rồi sau này Lm Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Giám mục Pigneau du Béhaine (Bá Đa Lộc), Giám Mục Taberd (tên Việt là Từ) v.v…đã nỗ lực học tiếng Việt, chữ Hán và nhất là chữ Nôm để giảng đạo, viết sách giáo lý, tổ chức các công tác mục vụ, xây dựng giáo đường, trường học, bệnh viện, nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã để lại nhiều công trình văn học đáng kể như các sách tự điển Việt, Bồ, La, các sách nghiên cứu văn học, lịch sử v.v… Các vị thừa sai đã không coi chữ Nôm là “nôm na mách qué” mà chịu khó học và viết, không như các Văn thân trong phong trào “Bình Tây Sát Tả” khinh người, ngạo mạn và dốt nát đến độ viết sai chữ (Giê-su), hiểu sai nghĩa giáo lý Công Giáo (thuyết tam phụ, xem Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 90-113 và 203).

Về văn học, Đức Cha Jean Baptiste Louis Taberd (tên Việt là Từ) đã để lại một cuốn tự vị trong đó có sự cộng tác của Thánh Philipphê Phan Văn Minh đó là cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (Dictionarium Anamitico-Latinum in năm 1838 tại Serampore (Calcutta?). Qua sự trao đổi với Giáo sư Ngô Thanh Nhàn dạy Hán Nôm tại Đại Học New York, tôi được biết sách này hiện được lưu giữ tại Thư viện Vatican. Giáo sư Trần Văn Toàn cho biết sách tự vị này là bản cũ của Giám mục Bá Đa Lộc soạn những năm 1772-1773 nhưng chưa xong hẳn. Đức Cha Bá Đa Lộc còn soạn một cuốn tự vị khác Hán-Việt-Latinh gồm hơn 900 trang.

Về tôn giáo và xã hội, các vị giám mục thừa sai đã đem đến cho dân tộc Việt Nam một tặng phẩm tinh thần là đạo Công Giáo đã và sẽ biến đổi đất nước và nhân dân này thành mỗi ngày một tốt đẹp hơn nhất là các ngài đã thể hiện tinh thần yêu thương giữa các cộng đồng dân tộc mà trường hợp Đức Cha Jean Baptiste Cassaigne là một tấm gương điển hình (trang 135-140). Năm 1929 cha lập làng phong Di Linh mời 21 người phong đến ở, rồi cha học tiếng Kơ Ho, biên soạn cuốn Từ điển Kơ-Ho – Pháp Việt, lập họ đạo Công Hinh ở Bảo Lộc, giáo xứ Kala dưới chân núi Yan Doan. Năm 1941, cha được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa ở Địa phận Sài Gòn, tiếp đó gần một triệu người di cư ở Bắc vào trong đó đa số Công Giáo, khiến cho dân số giáo phận này từ 137.000 lên 500.000 người. Đức Cha bị lây nhiễm vi trùng Hansen và năm 1955 ngài xin Tòa Thánh nghỉ hưu. Đức Cha Cassaigne trở lại với làng cùi Kala và sống yêu thương giúp đỡ những người bất hạnh, chia xẻ với họ cho đến ngày 31-10-1973 thì ngài qua đời.

Các vị thừa sai giám mục là những nhà trí thức dấn thân, đã chuẩn bị học tiếng Việt, học nghề in, mua máy móc ở quê nhà trước khi lên đường sang truyền giáo ở Việt Nam, như trường hợp Đức cha Jacques de Bourges (tên Việt là Gia, trang 207), Đức cha Jacques Benjamin Longer (cũng tên Việt là Gia, trang 225) lập nhà in, cho khắc chữ Nôm rồi in sách đạo, thay các bản khắc gỗ bằng chữ rời, dựng nhà máy cắt và đóng sách, dạy kỹ thuật đúc và khắc chữ bằng đồng hay bằng chì, có vị như Giám mục Joseph Theurel phải sống dưới hầm nhiều năm mà soạn được cuốn “Tự vị Annam-Latinh” bổ sung cho cuốn tự điển của Đức Cha Taberd, rất nổi tiếng. Nét đặc biệt trong công tác mục vụ của các vị Giám mục Thừa sai là biên soạn các sách giáo lý để dạy dỗ cho giáo dân, như Đức Cha Joseph Theurel là tác giả “Sách lễ chữ Đỏ” (Kẻ Sở 1905), ngài còn dịch cuốn “Vũ trụ học” của Desdouits, bộ “Phụng vụ thực hành” của Falise (trang 240).

Nói chung các vị giám mục đều để lại nhiều sách soạn về giáo lý, thần học, văn học, lịch sử, ngôn ngữ, lập các chủng viện, các dòng tu nam nữ để đào tạo đội ngũ những người lo việc nhà Chúa, khuyến khích nhiều vị lo công tác ngoài xã hội như lập trường học, nuôi trẻ cô nhi, lo cấp dưỡng cho người già neo đơn, tàn tật bị xã hội bỏ bê quên lãng, có trách nhiệm giáo dục hướng dẫn giáo dân làm việc lành, việc thiện, chống các bất công và tệ đoan xã hội, tuân thủ pháp luật quốc gia, xã hội. Cuốn sách Giám Mục Người Nước Ngoài…” của ba tác giả họ Lê đề cập tới 126 vị giám mục ngoại quốc đã sống những cuộc đời hy sinh vì lý tưởng Công Giáo, vì môi trường xã hội VN trong suốt hơn 350 năm qua thật sự là một cuốn sách bổ ích, rất đáng đọc của mọi người Công Giáo Việt Nam, hơn nữa rất nên có trong các tủ sách gia đình của các bậc thức giả dù thuộc tôn giáo nào.

Nếu trong phần mở đầu của bài viết này, tôi đã nói lên niềm tri ân chân thành đối với TT Ngô Đình Diệm trong việc thành lập Viện Hán Học Huế trong năm 1959, mà chúng tôi cùng anh Lê Ngọc Bích và một số thân hữu có cơ hội thấm nhuần Hán học, thì cuốn sách Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Linh mục SẢNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN THÍCH của Lê Ngọc Bích in tại Sài Gòn năm 2003, “Lưu hành nội bộ” được coi như là một nén hương anh dâng lên để tưởng niệm một Vị Thầy đã khuất, một bậc chân tu, “là nghĩa tình của các môn sinh đối với người Thầy của mình” và một “hiền nhân của thời đại” (Nguyễn Lý Tưởng, Tam nguyệt san ĐỊNH HƯỚNG, số 6 Mùa đông 1994). Đây là một tác phẩm khổ lớn, hình bìa màu trắng trang nhã với bức tranh thủy mạc vẽ dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống (chắc là tranh vẽ thác Bạch Mã) cùng với bốn chữ Hán viết theo lối chữ thảo Cao sơn lưu thủy 高 山 流 水 ở trang bìa trước và bìa sau là một bài thơ chữ Hán do thủ bút của Linh Mục Sảng Đình. Toàn bộ tập sách gồm 335 trang.

Đây là một cuốn “tập đại thành” viết về Linh mục Sảng Đình có lẽ tác giả đã tham khảo tập Sảng Đình Thi Tập của Giáo Sư Đoàn Khoách vốn cũng môn sinh và là người nhà của cha Thích được ấn hành tại California năm 2001. Trong cuốn Sảng Đình Thi Tập của Giáo sư Đoàn Khách, chúng tôi thấy có rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán được in lại trong nguyên bản và chú thích so với cuốn sách của Lê Ngọc Bích. Cả hai cuốn sách này đều đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp của Linh mục Sảng Đình Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978).

Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích sinh giờ sửu (13 giờ đến 15 giờ) ngày 20 tháng 8 năm Tân mão (1891) tại làng An Thái, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, khi than phụ ngài là cụ Phó bảng Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại làm Tri phủ tại Bình Định. Mẹ ngài là bà Thân Thị Vỹ, con gái cụ Thân Trọng Đôn, người làng An Lỗ. huyện Phong Điền, Thừa Thiên, thuộc dòng thế phiệt trâm anh tại Huế. Cụ Nguyễn Văn Mại vốn gốc láng Niêm Phò (tục gọi làng Kẻ Lừ), tổng Phước Yên, huyện Quàng Điền, Thừa Thiên, là một nhà khoa bảng đã có nhiều công lao trong chốn hoạn trường thời nhà Nguyễn và nhất là đã góp công điều hành trường Quốc Học Huế trong giai đoạn sơ khởi của cơ sở giáo dục này.

Thuở nhỏ, Linh mục học chữ Hán với thân phụ, lớn lên theo đòi Nho học nhưng vì lận đận chốn trường ốc (hai lần thi rớt trường ba nên bỏ thi Hương) đành giã từ cái học nhà Nho đề theo đòi Tân học. Thời thanh niên, linh mục theo học tại trường Quốc Học và trường Pellerin của Dòng Sư Huynh Thiện Giáo tại Huế, tốt nghiệp Trung Học và Sư Phạm, được bổ Trợ giáo Pháp Việt trường tỉnh Khánh Hòa trong tháng 2 năm 1911. Ngày 29-61911, Sảng Đình trở lại đạo Công Giáo, chịu phép rửa tội tại nhà thờ Bình Cang (Nha Trang) mặc dù cụ thân sinh của ngài là Nguyễn Văn Mại phản đối với những biện pháp quyết liệt. Sau đó Sảng Đình xin đi tu tại Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị) và được phong chức thánh linh mục ngày 18-12-1926.

Với sở trường là nghề dạy học nên linh mục Nguyễn Văn Thích được giáo quyền cử làm giáo sư tại các trường Công Giáo ở Huế như Trường Dòng Thánh Tâm, Trường Providence (Thiên Hựu) và năm 1937 làm giáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị. Năm 1942, ngài được điều về làm tuyên úy Trường Pellerin (Bình Linh), rồi Tổng tuyên úy Hướng Đạo Toàn Quốc.

Năm 1946, cha Thích làm chánh xứ Xuân Long (Huế). Ngài được giáo quyền ủy thác chuyên trách về giáo dục thiếu nhi, lập dòng “Ả Vườn Trẻ” mà lý thuyết được ngài trình bày trong sách L’ éducation Des Sens. Linh mục thiết lập Vườn Trẻ Hương Linh ở phía tay mặt trường Bình Linh. Từ năm 1959, linh mục Nguyễn Văn Thích dạy chữ Hán ở Viện Hán Học Huế và Trường Đại học Văn khoa mà chúng tôi là môn sinh của ngài.. Năm 1970, ngài về hưu trí nhưng vẫn tiếp tục dạy học tại Viện Đại Học Huế và Viện Đại Học Sài Gòn. Ngày 10-12-1978, linh mục Nguyễn Văn Thích qua đời và được an táng trên núi Thiên Thai.

Thuở sinh thời, linh mục Nguyễn Văn Thích sáng lập và làm chủ bút báo VÌ CHÚA là tuần báo tam ngữ Việt-Hán-Pháp số đầu ra ngày 18-9-1936, đăng đủ mọi bài các thể loại, có sự cộng tác của cụ Phan Bội Châu lúc này bị giam lỏng tại Huế. Tuần báo VÌ CHÚA được phát hành khá sâu rộng nhất là tại các tỉnh miền Trung và đã sống đến năm 1945 mới tự đình bản. Nhờ cơ quan ngôn luận này, các hoạt động tôn giáo, văn hóa được triển khai và nảy nở tốt đẹp.

Khi viết báo, linh mục Nguyễn Văn Thích thường ký tên J.M.T hoặc J.M.Thích hoặc Kẻ Lừ trên các bài luận văn, tạp thuyết. Trong khoảng năm 1945-1946, tạp chí Tổ Quốc xuất bản ở Huế cũng được cha Nguyễn Văn Thích cộng tác thường xuyên. Một số các tạp chí khác như nguyệt san Vinh-Sơn do linh mục Nguyễn Văn Lập (1911-2001) chủ trương từ năm 1949-1958 tại Huế và nguyệt san Nguồn Sống, khoảng năm 1958-1961 của giáo phận Huế cũng được linh mục Sảng Đình cộng tác rất nhiệt thành. Ngoài ra ngài cũng thường xuyên viết bài cho Cổ học quý san vốn là cơ quan ngôn luận của Hội Cổ Học được thành lập tại Huế.

Ngoài kỹ năng làm báo, linh mục Nguyễn Văn Thích còn là một họa sĩ có tài. Tại Tòa Giám Mục Huế hiện còn trưng bày bức họa “Từ Mẫu” (Mater Misericordiae) do ngài vẽ. Các bức họa như Thác lớn Bạch Mã, hoặc bức tự họa Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường (báo VÌ CHÚA số 144, ra ngày 12-11-1939 đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Ngoài ra ngọn bút tài hoa của ngài còn toát lộ trong rất nhiều câu đối bằng chữ Hán ngài viết tặng các giáo đường, các đại chủng viện như ở nhà thờ Tam Kỳ (Quảng Nam), đại chủng viện Xuân Bích (Huế), thí dụ hai câu tặng cho cơ sở này như:

Hậu ngô chi sanh giáng thế cánh thành ngô thánh lữ,
Bảo ngã dĩ đức tuẫn thân hoàn tác ngã thần lương.

厚 吾 之 生 降 世 更 成 吾 聖 旅
保 我 以 德 殉 身 還 作 我 神 糧

Dịch nghĩa là:
Vì rộng lòng thương chúng tôi Người đã sinh xuống thế mà trở nên bạn thánh đồng hành với chúng tôi.
Để nuôi sống chúng tôi Người đã hiến thân hy sinh mà làm nên lương thực (thần lương) cho chúng tôi.

Câu đối tặng nhà thờ Tam Kỳ như sau:

Thế giới đại đồng Thiên tác chủ
Tam kỳ hợp nhất Đạo vi quy.

世 界 大 同 天 作 主
三 期 合 一 道 爲 規

Dịch nghĩa là:

Thế giới này có đại đồng thì (do) Trời làm chủ,
Tam kỳ có hợp nhất thì (phải lấy) Đạo làm quy củ, phép tắc.

Trong lãnh vực thư pháp, nhiều người nhắc nhở đến nét bút rồng bay phượng múa của Linh mục Nguyễn Văn Thích và cho rằng nét bút của ngài không thua kém thủ pháp của tay đại danh bút Trung Hoa Vương Hy Chi đời nhà Tống. Trong một bài viết đăng trên báo Xuân Tuổi Trẻ cách đây mười mấy năm, Hoàng Phủ Ngọc Phan đã có nhắc đến một bức tranh thư pháp viết chữ Mẫu của linh mục Nguyễn Văn Thích tặng một gia đình hiện còn lưu giữ ở Pháp.

Thêm một tài năng nữa của linh mục Nguyễn Văn Thích là âm nhạc. Linh mục có thể sử dụng được các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, thong hiểu các thể loại dân ca miền Trung, đặc biệt là của Huế như các điệu đăng đàn cung, lưu thủy, hành vân, tứ đại cảnh. Linh mục cũng chơi thạo các nhạc cụ Tây phương như đàn violon, dương cầm, harmonium. Một số bài hát mang tính tôn giáo như bài Magnificat ca tụng Đức Mẹ được cha phổ nhạc, các bài Trời cao đất thấp gặp nhau, Bao giờ tôi được lên trời, Mười lăm cái mến, Lạy Đức Mẹ La Vang được nhiều người biết đến. Có những bài hát của linh mục Nguyễn Văn Thích mang tính giáo dục cao như bài Cái nhà là nhà của ta đã được đài BBC giới thiệu đế trong chuyên mục “Lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các thời đại”. Nhiều bài hát về Hướng Đạo như bài Nguồn Thật, Chim Bay, Cầm Tay… do Cha sáng tác cũng được phổ biến khắp nơi.

Với cuốn sách viết về Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, tác giả Lê Ngọc Bích đã phân chia rõ ràng sự nghiệp văn chương của Cha qua bốn phần đó là thơ, văn, nhạc, họa mà trong lãnh vực nào Ngài cũng tỏ ra rất là tài hoa. Tác phẩm này đã giúp cho các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc tiếp cận được với các tư liệu cần thiết, thí dụ những bài văn của linh mục đăng trong báo VÌ CHÚA hay các tạp chí khác mà sách Sảng Đình Thi Tập của Giáo sư Đoàn Khoách đã không có.

Một giai thoại văn chương cũng được coi là giai thoại bang giao giữa VNCH với Đài Loan có liên hệ tới Linh mục Nguyễn Văn Thích đã được Lê Ngọc Bích (trang 132), GS Nguyễn Lý Tưởng (Định Hướng số 6 – 1994), GS Ngô Văn Lại (Đặc san 50 năm Viện Hán Học, trang 147-48) kể lại trong một số bài viết trước đây.

Năm 1958 người cháu 76 đời của Khổng Tử là Khổng Đức Thành được chính quyền của TT Ngô Đình Diệm mời sang thăm Sài Gòn, được Tổng Thống tiếp kiến, được Tổng hội Cổ học tiếp đãi long trọng do đó năm 1959 phía Đài Loan đáp lễ bằng cách mời Ban Trị sự Tổng hội Cổ học VN tham quan Trung Hoa Dân Quốc. Về phía Việt Nam Cộng Hòa có 3 nhà Nho nổi tiếng là Cụ Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, Hội trưởng hội Khổng học Việt Nam, Cụ Cử nhân Lương Trọng Hối, Niên trưởng Quốc hội và Linh mục Nguyễn Văn Thích. Trong dịp này phía Đài Loan cũng nhiều vị học giả tiếng tăm như Hồ Thích, giáo sư đại học, triết gia, Hoàng Quý Lục, Quán trưởng Quốc sử quán, linh mục Phương Hào, giáo sư đại học, chủ tịch Hội Sử học Đài Bắc…Trên bàn tiệc có nhiều món ăn nhưng đặc biệt có món đề tên “Giá cô” tức chim đa đa, Linh mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích chợt nhớ đến bài thơ “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) bằng quốc âm:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Mượn ý của bài thơ trên, Linh mục Sảng Đình đã dịch ra bằng một bài thơ chữ Hán như sau:

Bộ đáo Hoành quan nhật dĩ tà,
Yên ba gian thạch, thạch gian hoa.
Tiều qui nham hạ ta ta tiểu,
Thị tập giang biên cá cá đa.
Đỗ vũ tâm thương thanh quốc quốc,
Giá cô hồn đoạn tứ gia gia.
Đình đình trữ vọng thiên, sơn, hải,
Nhất phiến cô hoài ta ngã ta.

步 到 橫 關 日 已 斜
煙 波 間 石 石 間 花
樵 歸 巖 下 些 些 小
市 集 江 邊 个 个 多
杜 宇 心 傷 聲 國 國
鷓 鴣 魂 斷 思 家 家
亭 亭 佇 望 天 山 海
一 片 孤 懷 嗟 我 嗟

Bài thơ đó, với lời dẫn giải của Linh mục làm cho các vị lãnh đạo trong chính phủ Đài Loan rất hoan hỉ và khen ngợi. Linh mục đã viết bài thơ lên phía sau thực đơn và chuyển trên bàn tiệc cho mọi người cùng xem.

Ngoài ra, Linh mục Nguyễn Văn Thích cũng là người rất nhạy bén trong vấn đề chính trị. Ngay từ năm 1927, khi đảng Cộng Sản Đông Dương chưa ra đời ở VN, linh mục Sảng Đình đã viết một cuốn sách nhỏ có tên Vấn Đề Cộng Sản [The Question of Communism] in tại Qui Nhơn cảnh giác về cái ý thức hệ tai hại này. (David G. Marr, Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, University of California Press, 1984, trang 84).

Một câu ngạn ngữ Nga ghi lại rằng: “Điều gì đã được viết bằng mực thì chẳng thể lấy búa mà đẽo đi được.” Lê Ngọc Bích là cây bút sử học Công Giáo khôn ngoan và nhất là chịu khó kiên nhẫn vốn dĩ là đức tính thường hằng của một sử gia. Anh chịu khó viết, viết ngày viết đêm (dĩ nhiên bằng tay), như chúng tôi thường học trong sách Luận Ngữ trước đây và hay đem ra giỡn nhau “viết xuân hạ, viết thu đông”, và nhờ vậy anh đã để lại nhiều tác phẩm giá trị có lợi ích trong lãnh vực truyền giáo và truyền thụ kiến thức.

Tháng 10 năm 2009, Lê Ngọc Bích mua vé đi Huế để tham dự kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hán Học nhưng chưa kịp đi thì ngày 28-11-2009 bị đột quỵ vào lúc 18 giờ và qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ đồng tế được tổ chức ở Nhà thờ Vườn Xoài, tro cốt anh được gửi tại đây, và được biết lúc sinh thời anh tham gia Hội đồng Mục vụ giáo xứ này, thuộc Quận 3, Sài Gòn trong nhiều năm.

Lê Ngọc Bích còn để lại một số tác phẩm trong dạng bản thảo viết về: Địa danh lịch sử Công Giáo Việt Nam (bốn tập) và Các Trại Phong Công Giáo Việt Nam: Hình Thành và Phát Triển (bốn tập). Tôi viết bài này để đốt nén hương lòng tưởng niệm lần thứ 11 ngày lễ giỗ của Lê Ngọc Bích, một nhà sử học Công Giáo Việt Nam, bạn nối khố của tôi và GS Nguyễn Lý Tưởng.

Nguyễn Đức Cung
Ngày Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ
Philadelphia, November 26-2020